Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2011

ĂN QUÊ



Về Phú Yên: Thưởng thức bánh tráng, cháo lòng

Thứ năm, 16/12/2010 07:48


(CAO) Ở Phú Yên, hầu như vùng nào cũng có lò làm bánh tráng, bởi cái văn hóa cuốn đã trở thành một nét không thể tách rời trong chuyện ăn uống, nhất là khi có tiệc tùng, giỗ chạp, tết nhất.
Hầu như ở đây, món ăn nào cũng có bánh tráng, không dùng bánh tráng để cuốn thì cũng lắm món phải ăn kèm miếng bánh tráng nướng, không ăn để no thì cũng phải là món mở màn một bữa cỗ (trong khi chờ dọn thức ăn chính), có khi bánh tráng lại thành trọng tâm như là món bánh ướt, hay buồn tình nướng cái bánh tráng chấm với mắm nêm cũng phần nào thấy… đời đáng sống.
Và khi hỏi: “Vậy bánh tráng ở đâu ngon nhất Phú Yên?” thì có lẽ hầu như người dân xứ Nẫu đều đồng loạt: Hòa Đa! Đây là vùng quê thuộc xã An Mỹ (huyện Tuy An) nằm cạnh quốc lộ 1A, cách TP Tuy Hòa 15 km về phía bắc. Làng nghề bánh tráng Hòa Đa hiện có trên 200 hộ đang làm nghề thường xuyên, mỗi mùa Tết đến có thể tăng đến hơn 300 hộ.
Theo bà Nguyễn Thị Níu, người có trên 50 năm làm nghề tráng bánh ở Hòa Đa, sở dĩ bánh tráng ở đây được chuộng hàng đầu bởi chiếc bánh mịn đều, dẻo thơm, không có vị chua và ít bị dính khi nhúng nước dùng để cuốn thức ăn. Bên cạnh đó, độ dẻo của bánh tráng Hòa Đa còn quyết định chủ yếu ở khâu chọn và ngâm gạo, chứ không phải pha thêm bột sắn như bánh tráng một số vùng khác. Chủ công ở làng nghề bánh tráng này là phụ nữ, còn đàn ông chỉ làm công việc phụ như đan vỉ, phơi bánh, gỡ bánh. Nói vậy chớ các ông ở làng nghề này đa phần đều biết đắp lò tráng bánh và cũng là những người chuyên đi chạy chất đốt cho những nồi nước tráng luôn sùng sục nung chín những chiếc bánh mỏng tang...
Công việc của một ngày tráng bánh bắt đầu từ khâu chọn gạo để ngâm mềm trong 3-4 giờ, đem xay bột, rồi rộng bột để tách nước chua trong gạo và cũng để bột tạo thêm độ kết dính. Đến khâu “nổi lửa lên em” xong là việc căng tấm khuôn vải lên nồi nước sôi, pha bột, tráng-vớt-phơi bánh,… Chị Võ Thị Gương, con dâu bà Níu, tay thoăn thoắt trải bột lên khuôn vải, chỉ vẽ cho tôi: “Tráng bánh không khó nhưng phải xoay vá đều tay để bột dàn đều, chớ nếu không cái bánh sẽ chỗ dày chỗ mỏng…”. Mới đứng gần lò tráng một lúc, tôi đã chịu không nổi, bèn hỏi: “Chị ngồi tráng suốt ngày à?”. Chị Gương liếc chồng, cười: “Quen rồi nhưng cũng mệt chớ! Mùa này không nói gì, chớ mùa nắng mà ngồi tráng cả ngày, nhiệt người lắm, tối mà chồng rờ tới, chỉ muốn hất tay ra…”. Trẻ khỏe như chị Gương, mỗi ngày có thể tráng gần 20 ký gạo, với khoảng 1.000 cái bánh tráng ra đời.
Nguồn sống của cả nhà bà Níu trên 10 nhân khẩu chủ yếu dựa vào nghề tráng bánh. Những vỉ bánh phơi thành từng dãy đều tăm tắp trong nắng, nếu trời nắng già, chỉ khoảng nửa giờ là bánh khô, có thể gỡ bánh đem ép phẳng, rồi xếp thành từng chục, từng cách (60 cái) để chờ bạn hàng đến lấy. Giá tại lò bánh Hòa Đa: bánh cuốn (mỏng) là 2.500 đồng/chục cái, bánh nướng (dày) là 3.000 đồng/chục và bánh mè là 5.000 đồng/chục,... Có khi bột bánh tráng còn được trộn thêm với nước cốt dừa, hành củ,… nên chiếc bánh khi nướng lên, mùi thơm tràn trề, nghe cứ muốn chạy kiếm một… xị.
Nghề bánh tráng là lấy công làm lời, mỗi ký gạo tráng được 25-30 cái bánh, lãi chỉ khoảng 5.000 đồng, chưa tính chi phí chất đốt...
Bánh tráng Hòa Đa hiện là một trong những đặc sản hàng đầu của đất Phú Yên có mặt nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, đến tận Sài Gòn, Hà Nội và theo chân Việt kiều đến nhiều nước trên thế giới. Thế mới biết, miếng ngon thì không sợ thiếu tấm lòng đồng điệu. Chiếc bánh tráng đơn sơ của một vùng quê kiểng đã lên máy bay cùng với bao của ngon vật lạ, từ mâm cơm nhà nghèo đến bàn tiệc sang trọng của tao nhân mặc khách. Chiếc bánh tráng thơm mùi gạo và nắng của khí chất đồng quê, có thể ăn với vài trăm món, riêng có khoảng vài chục món mà không có bánh tráng thì kể như… chưa đúng phép.
Bánh tráng nhúng mà cuốn với thịt luộc nóng hổi hay nem chả kèm rau sống đúng bài, vài lát bánh nướng nữa thì càng hay; nếu quý vị nào không thích thịt thì có thể cuốn với cá hấp, tôm chiên, mực luộc hay tất tần tật thứ gì… cuốn được; còn nước chấm với bánh tráng cuốn thì mắm nhĩ, mắm nêm, mắm thu, mắm mực, mắm ruốc và kể cả mắm… chuột, nếu chế biến khéo, đầy đủ gia vị. Còn bánh tráng nướng thì ăn với các món gỏi, xào, nộm thì chỉ có… tuyệt cú mèo!
Ngay ở ngã ba Quốc lộ 1A rẽ xuống làng nghề bánh tráng này, có một cái quán bề thế cũng tên Hòa Đa với các món chính là bánh tráng-cháo lòng “chuẩn mực”. Quán này, mấy chục năm rồi, đã được thực khách gần xa vô cùng tín nhiệm, các loại xe trên đường thiên lý Bắc-Nam luôn ghé đậu chật kín trên một bãi rộng trước quán... Bí quyết hút khách của quán là chọn lọc chặt chẽ nguyên liệu đầu (thịt, lòng heo, bánh tráng, rau sống, nước mắm nhỉ An Hoà nguyên chất,...); nấu, hấp nóng, khách gọi đến đâu, làm đến đó,... Giá cả có thể nhỉnh hơn nơi khác vì chất lượng, hương vị món ăn luôn “quán triệt” để giữ thương hiệu...
Riêng về bánh tráng-cháo lòng Phú Yên, ở phía nam thành phố Tuy Hoà còn có quán Bà Năm Phú Thọ (trên đường Nguyễn Văn Linh, phường Phú Lâm, Tuy Hoà) cũng được thực khách sành điệu đánh giá rất cao về độ thơm ngon, ngọt mềm, của lòng-thịt-cháo quyện hoà với những chiếc bánh tráng đặc biệt của hương lúa đồng bằng Tuy Hoà...
Tôi đã gặp nhiều du khách từ miền Nam và miền Bắc đến Phú Yên rất thích ăn bánh tráng cuốn nhưng lại rất khó khăn trong thao tác cuốn bánh; nhiều người cuốn bánh thành một… cục tròn, làm cho dân thổ địa phải cười đau bụng. Tuy nhiên, đây chỉ là chuyện nhỏ, khách cần chịu khó để ý hoặc được cô em nào đó… cầm tay hướng dẫn đôi lần là có thể cuốn bánh gọn gàng, ăn nhanh còn hơn lốc thổi…
Bánh tráng-cháo lòng, chắc chắn sẽ trở thành một ấn tượng khó quên khi người Phú Yên giới thiệu đến khách du trong Năm du lịch Duyên hải Nam Trung bộ-Phú Yên 2011 và Kỷ niệm 400 năm Phú Yên (1611-2011).

Ba Đào

(CATP HCM)

CHƠI GÁO




Du thuyền... gáo dừa

01/01/2011 17:15


Tỉ mẩn xử lý gáo dừa để trang trí du thuyền - Ảnh: Hùng Phiên


Lần đầu tiên ở Tuy Hòa (Phú Yên), một chiếc du thuyền đang thành hình và sẽ được hạ thủy trước Tết Tân Mão. Càng đặc biệt, việc đóng du thuyền này “không một tấc sắt”, nội thất toàn bằng gáo dừa.
Đó là “chiêu” mới của doanh nhân “điên” Phạm Hồng Bình, người đang sở hữu 3 kỷ lục Việt Nam và chủ thương hiệu dòng sản phẩm mỹ nghệ Bình SVC...
Khó khăn lắm, tôi mới thuyết phục được ông Bình cho phép “đột nhập” vào khu vực đang đóng du thuyền Lạc Hồng 1, được rào chắn cẩn thận, nằm ngay trên đại lộ Hùng Vương (TP Tuy Hòa). Ông nói: “Công việc đang gấp rút, bề bộn quá... Anh là nhà báo đầu tiên vào đây”.


Lai lịch con tàu lạ
Theo hồ sơ công trình, du thuyền Lạc Hồng 1 do Công ty du lịch Lạc Hồng (Phú Yên) làm chủ đầu tư, chính thức khởi công vào cuối tháng 11.2009, với tổng vốn đầu tư trên 10 tỉ đồng. Du thuyền được đóng chủ yếu bằng các chất liệu thân thiện môi trường là composite sợi thủy tinh và nhựa tổng hợp; nội thất bằng chất liệu gáo dừa. Theo thiết kế, du thuyền có dáng hình tượng chim Lạc, dài 25m, rộng 5m, cao 6,5m; gồm tầng hầm, tầng 1 và tầng 2; với sức chứa khoảng 120 người, chuyên phục vụ những món ẩm thực bản địa độc đáo và “khuyến mãi” những tiết mục văn nghệ đặc sắc của Phú Yên, miền Trung. Địa điểm hoạt động là khu vực sông Đà Rằng (hạ lưu sông Ba)...
Động cơ nào để một doanh nghiệp “vùng xa” bỏ tiền tỉ đóng chiếc tàu “khơi khơi” này? Ông Phạm Hồng Bình lý giải: “Việc đầu tư đóng du thuyền Lạc Hồng 1 nằm trong chiến lược kinh doanh sản phẩm du lịch mỹ nghệ dừa Bình SVC. Sau 7 năm tạo dựng thương hiệu mỹ nghệ “gáo dừa trên cạn”, chúng tôi quyết định đưa công nghệ sản phẩm “xuống nước”. Thế là Doanh nghiệp Bình SVC “đẻ” ra Công ty du lịch Lạc Hồng, do con trai tôi là Phạm Hồng Bảo làm giám đốc, và bắt tay vào đóng chiếc du thuyền đầu tiên này. Đó cũng là cách hiện thực hóa giấc mơ làm du lịch “không đụng hàng” của tôi”.



"Chúng tôi sẽ tập trung toàn lực để thể hiện sự độc đáo của nét đẹp và công dụng bất ngờ của gáo dừa."- Ông Phạm Hồng Bình



Còn nhớ, những năm đầu thế kỷ này, Doanh nghiệp Bình SVC đã lầm lụi gian truân bao nhiêu để khẳng định tên tuổi bằng sản phẩm mỹ nghệ từ gáo dừa. Ông Bình đã xoay xở mọi cách để xây dựng thương hiệu, trong đó có việc đoạt 3 kỷ lục Việt Nam; ấy là các tác phẩm chiếc bình hoa “Huyền sử đời Hùng”, chiếc đèn bàn “Nguồn sáng Việt” và con chim yến “Biển gọi” lớn nhất làm từ chất liệu gáo dừa. Còn giờ này, ông cho hay: “Vẫn biết làm du lịch từ nơi “hẻo lánh” như Phú Yên là việc cực kỳ khó khăn, nhưng khó thì mới làm! Chuyện làm tàu “nhậu di động” cũng không phải là mới ở Việt Nam, thế nên, muốn “hút hàng” thì chỉ một con đường: khác biệt!”.
Và đây cũng là một cách thể hiện trách nhiệm của một doanh nghiệp góp phần cho sự kiện Năm du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011 và Kỷ niệm 400 năm Phú Yên (1611-2011).



Khu vực đang thi công du thuyền Lạc Hồng 1 - Ảnh: Hùng Phiên



Xưởng đóng tàu giữa phố
Từng chứng kiến nhiều công đoạn đóng tàu thủy nhưng các công đoạn đóng tàu Lạc Hồng 1 đúng là... hơi bị khác. Theo ông Bình, những thủ tục đăng ký ban đầu rất “căng”, bởi việc đóng du thuyền chưa có tiền lệ ở Phú Yên, riêng việc đóng thuyền bằng chất liệu composite cũng khá mới ở Việt Nam.
Doanh nghiệp đã phải thuê những chuyên gia để thể hiện các ý tưởng về con tàu. Rồi một bộ khung bằng gỗ được tạo tác, sau đó lật ngược lên để làm đáy. Trước khi đổ chất liệu composite, phải được tạo “khuôn” bằng đất sét. Làm đáy xong, con tàu hàng tấn này phải được một số xe cẩu lật ngược trở lại, để tiếp tục thi công phần thân. Bản thân chất liệu composite khá nhẹ nhưng chắc chắn, đã được đổ dày thành nhiều lớp...
Điểm độc đáo của tầng 1 du thuyền là một nhà hàng sân khấu được thiết kế - thi công theo kiểu hướng về thiên nhiên. Đầu này là quầy bar, được tạo dáng như xuất hiện từ một gốc đại thụ; đầu kia là sân khấu với bức tranh dừa có chủ đề “Thần biển” và những rễ lòa xòa... trên trời rơi xuống. Thiết kế tiếp theo, tất cả vách, trần, trụ, cửa, bàn, ghế, khu vực vệ sinh... đều được dát... gáo dừa. Công phu hơn, hàng triệu mẩu gáo dừa đã được cắt nhỏ như móng tay, que diêm... để thể hiện sâu sắc thần thái các tác phẩm “muốn nói”. Tầng 2 thì được thi công theo chủ đề “Thần núi”...
Cùng lúc đó, 4 chiếc ca-nô để đón đưa khách lên tàu (hoặc đi chơi “lẻ”) cũng đang được thi công theo kết cấu tương tự “chim mẹ đẻ chim con”...
“Chúng tôi sẽ tập trung toàn lực để thể hiện sự độc đáo của nét đẹp và công dụng bất ngờ của gáo dừa. Cùng lúc đó, không gian, ánh sáng, âm thanh và phong cách phục vụ của du thuyền sẽ làm sao tạo được sự thư giãn thoải mái nhất đối với du khách”, ông Bình cho hay.
Các công đoạn đóng tàu được tiến hành khắt khe, tỉ mẩn; rồi việc tuyển nhân sự các vị trí phụ trách bến bãi, tài công, tiếp tân, nấu nướng... cũng được tuyển chọn, huấn luyện gian truân không kém.
Theo kế hoạch, du thuyền Lạc Hồng 1 sẽ chính thức hạ thủy cách Tết Nguyên đán Tân Mão khoảng 10 ngày.



Hùng Phiên


(TN)

CHƠI THƠ


Dùng thơ làm du lịch

10 tháng trước


Thi sĩ và công chúng trong Festival Thơ Phú Yên lần thứ 26 - Ảnh: Hùng Phiên

Có thể nói, nhắc đến lễ hội thơ ở Việt Nam thì Festival Thơ Nguyên tiêu Phú Yên có nhiều cái nhất. Bởi lẽ, hội thơ này đã duy trì liên tục suốt 30 năm.

Sang vì thơ
Festival Thơ Nguyên tiêu Phú Yên lần thứ 30 sẽ diễn ra từ sáng 28.2-1.3 với nhiều hoạt động hết sức ấn tượng.
Nhạc sĩ Ngọc Quang, Chủ tịch Hội VHNT Phú Yên cho biết: Nét mới của Festival Thơ Phú Yên 2010 là “Đường thơ” với việc triển lãm thơ và câu đối Tết trên nhiều chất liệu, cùng hệ thống âm thanh đọc, giới thiệu thơ dọc hai bên đường đi bộ từ chân lên đỉnh núi Nhạn. Tại khu vực đỉnh núi, một “Quán văn chương” sang trọng và ấm cúng để trưng bày, bán những tập thơ của các tác giả muôn phương. Một triển lãm ảnh nghệ thuật Phong cảnh Phú Yên của các tay máy nổi tiếng được thiết kế lạ mắt trong Vườn thực vật núi Nhạn.
Đúng tối Nguyên tiêu năm nay, một đêm trình diễn thơ đặc sắc sẽ được tổ chức trên đỉnh núi bên chân tháp Nhạn; đây cũng chính là đêm leo núi trẩy hội thơ trong nhiều năm rồi của người yêu thơ, khách du lịch bốn phương nườm nượp tụ về. Tiếp đó, chiều 16 âm lịch là cuộc hội thảo “30 năm thơ Nguyên tiêu Phú Yên” và đêm đến là một cuộc giao lưu của nhiều nhà thơ nổi tiếng với công chúng...
Nhà thơ Lê Văn Ngăn, một người Huế hiện sống ở Bình Định, cho hay: “Hầu hết các tỉnh, thành ở nước ta hiện đều tổ chức các đêm thơ xuân, nhất là khi Nguyên tiêu hằng năm đã trở thành Ngày thơ Việt Nam. Thế nhưng, Nguyên tiêu núi Nhạn - Phú Yên đã trở thành một “thương hiệu”, một địa chỉ hành hương thơ của khách thập phương từ nhiều năm qua là điều hiếm thấy. Trước khi có Ngày thơ Việt Nam, hầu hết các nhà thơ tên tuổi ở nước ta đều đến dự khán Hội thơ núi Nhạn, bởi nét độc đáo huyền bí của “ngọn núi thơ” và ý thức tổ chức chuyên nghiệp của địa phương”.

Luận án thơ từ núi Nhạn
Trong tham luận Luận án thơ từ núi Nhạn đọc tại Hội nghị Văn học miền Trung lần thứ II (9.2002), nhà văn Nguyễn Gia Nùng hùng hồn: “Quả thật, sẽ là điều bất ngờ, ngạc nhiên, gây ấn tượng khó quên với bất kỳ ai đến đây, được dự Đêm thơ Nguyên tiêu dưới chân tháp Nhạn. Hàng ngàn người, đủ cả nam-phụ-lão-ấu, có những ông già phải chống gậy, có những em nhỏ còn được cõng hoặc bồng trên tay, ngay từ chập tối đã lần bước, theo hàng trăm bậc đá quanh co để lên tụ họp nơi khoảng đất rộng, bằng phẳng trên đỉnh núi Nhạn, dưới chân ngọn tháp cổ uy nghi... Tôi cho rằng đây là một trong những hiện tượng lạ, một “bí mật” lý thú về sinh hoạt văn hoá, tinh thần nói chung, về thơ nói riêng, xứng đáng là một đề tài luận văn tiến sĩ văn học cho một nghiên cứu sinh giàu tâm huyết với thơ”.
Tham luận trên là một trong những tiếng nói đầy thuyết phục để Hội Nhà văn Việt Nam quyết định tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần đầu tiên vào Nguyên tiêu năm 2003.
Hùng Phiên

(TN)

NÚI "ĐỘC"




Hàng “độc” phố núi
Tháng 9 2010 09:00



ảnh: Nghệ nhân trẻ Lê Cao Trọng Đức bên tác phẩm đá Huyền thoại Kim Quy




Vùng gỗ lũa - đá cảnh ở thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) đang là điểm đến hấp dẫn của giới thưởng ngoạn, sưu tập. Trên 10 năm nay, phố núi Hai Riêng đã được nhiều người biết đến như là vùng đất đắc địa của nghệ thuật đá cảnh và gỗ lũa (phần lõi bên trong của các gốc cây cổ thụ khô). Thiên nhiên đã phú cho vùng đất Sông Hinh nhiều tiềm năng về các loại đá đa sắc, đa hình, và những vùng rừng núi cổ xưa đã để lại hàng loạt gốc cây khô mang đường nét độc đáo. Vùng đất mới này lại là điểm đến định cư của người dân từ rất nhiều tỉnh thành. Mỗi người một vẻ, giờ đây đã góp tay tạo ra một làng nghệ nhân sinh vật cảnh phong phú.




Hòn đá Dấu ấn 1.000 năm


Với nghệ nhân trẻ Lê Cao Trọng Đức, con đường đến với nghệ thuật đá cảnh - gỗ lũa là điều rất tự nhiên. Hiện là chủ hiệu may Thành Đức cạnh chợ Hai Riêng, ngoài giờ làm việc kiếm sống, Trọng Đức dành tất cả tâm huyết cho các bộ sưu tập gỗ lũa và đá cảnh của mình. Ảnh hưởng từ truyền thống nghệ thuật của gia đình, Đức đã đến với đá cảnh và gỗ lũa từ khi còn rất nhỏ. Chàng trai này đã vượt qua không ít khó khăn của cuộc mưu sinh để sống với niềm đam mê gỗ - đá của mình. Để mua những gốc lũa, viên đá còn thô về tạo dáng, Đức cũng phải tính toán rất nhiều trong điều kiện chẳng lấy gì làm dư dả. Thế nhưng niềm đam mê gỗ - đá đã làm cho anh dường như quên đi tất cả để lao vào cuộc chơi kỳ thú, đặc biệt là bộ sưu tập độc đáo Hồn thiêng đất Việt với chủ đề hướng về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trong đó, nổi bật là bộ tác phẩm lũa Long phụng hòa minh gồm 4 hình tượng rồng các triều đại Lý - Trần - Lê - Nguyễn; hay các tác phẩm lũa, đá Vượt vũ môn, Tứ linh hội tụ, Huyền thoại Kim Quy, bản đồ Việt Nam bằng gỗ lũa…



Tác phẩm đá Dấu ấn 1.000 năm - Ảnh: Hùng Phiên




Hội hoa xuân tỉnh Phú Yên năm Canh Dần 2010, Lê Cao Trọng Đức thuê xe "hạ sơn" về dự và đoạt ngay 5 huy chương vàng, trong đó, tác phẩm Dấu ấn 1.000 năm được giới chơi đá đánh giá là một tuyệt kỹ của tạo hóa. Viên đá cảnh hình trái lê này nặng gần 1 tạ, cao 50 cm, dài 50 cm. Điểm độc đáo là bên trái của tác phẩm có vân đá tự nhiên chấm phá hình rồng đời Lý, bên phải hiện rõ con số 1.000 như là của "Trời ban" cho tấm lòng những nghệ nhân đất Phú Yên hướng về cội nguồn dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Lê Cao Trọng Đức hào hứng cho biết sắp tới sẽ đưa Dấu ấn 1.000 năm đi triển lãm tại Hà Nội cho thỏa ước mong góp sức cho đại lễ của dân tộc.




Những chiếc bàn đồ sộ từ gốc cây


Tại Hai Riêng, giới thưởng ngoạn còn thật sự bất ngờ trước vẻ đẹp lạ lùng của những chiếc bàn đồ sộ từ gốc cây của nghệ nhân Đinh Văn Phụng. Nhìn những chiếc bàn này, không thể biết người ta dùng làm bàn để ngồi ăn uống, làm phản để nằm hay là thuần túy để ngắm chơi… vì nó có kích cỡ quá lớn, mỗi phần của bàn thực sự là những tác phẩm chuyên biệt, với đường nét tự nhiên của gốc rễ đại thụ. Hiện ông Phụng dành 3/4 diện tích nhà trên 100m2 tại số 57 Trần Hưng Đạo (thị trấn Hai Riêng) chỉ để đặt 2 bộ bàn làm từ một gốc gỗ hương gai. Chiếc lớn cao 0,76m, mặt dài 3,6m, rộng 3,2m; nếu làm bàn, có thể ngồi 30 người, nếu làm phản thì 15-20 người có thể nằm! Chiếc nhỏ được chế tác từ thớt trên của gốc cây làm chiếc lớn, có chiều cao 0,69m, mặt dài 2,1m, rộng 1,5m. Ngoài ra ông còn đang tập trung chế tác 2 chiếc bàn rất lớn từ một gốc cây sao.




Vườn đá cảnh, gỗ lũa


Đến nhà nghệ nhân Trần Đình Pháp, nhiều người một lần nữa thán phục trước số lượng lớn và tạo tác công phu của hàng trăm tác phẩm gỗ lũa và đá cảnh. Gia đình anh Pháp hiện đang sở hữu một trong những bộ sưu tập gỗ - đá cảnh có giá trị nhất ở Phú Yên. Chẳng những anh Pháp mê tác tác phẩm gỗ - đá, mà vợ anh - chị Đoàn Thị Hà - cũng tâm đắc không kém khi cùng chồng lặn lội nhiều nơi để săn lùng nét đẹp nơi chốn hoang sơ… Nghệ nhân Trần Đình Pháp cho hay: chính tiềm năng dồi dào và không gian khá trầm mặc của vùng núi Sông Hinh đã "đưa đẩy" các anh đến với nghệ thuật gỗ lũa và đá cảnh. Thế nhưng địa bàn xa xôi và tác phẩm thuộc loại cồng kềnh nên còn gặp khó khăn trong việc giới thiệu rộng rãi cho giới thưởng ngoạn, sưu tập.


Hùng Phiên


(TN)

CỌP BẮT





Còn đó Miễu Ông Cọp



Địa danh Miễu Ông Cọp từ lâu đã được nhiều người biết đến khi đi trên đường thiên lý Bắc - Nam, qua khu phố Bình Thạnh, phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu.

ảnh: Miễu Ông Cọp nhìn từ Quốc lộ 1A

Trước khi tận mục Miễu Ông Cọp, chúng tôi chỉ biết loáng thoáng rằng ở đó hiện còn vết tích thờ thần Cọp và chắc là nhiều bô lão ở đây vẫn còn lưu giữ các truyền thuyết liên quan.

Dừng chân ở km 1282 tại Bình Thạnh, ghé vào quán cà phê ven đường, thật may mắn khi chúng tôi hỏi thăm thì đúng ngay địa điểm nằm kề Miễu Ông Cọp. Chủ quán cà phê là Trần Văn Tủy (thường gọi là Thủy, 40 tuổi) chính là người đang nối tiếp các bậc tiền nhân trông coi ngôi Miễu Ông Cọp đang nằm trên phần đất của gia đình. Ban đầu, vợ chồng anh Thủy ngỡ chúng tôi là dân đi cầu... số đề, khi biết chúng tôi là nhà báo, anh Thủy liền giao việc lại cho vợ, nhiệt tình hướng dẫn tìm hiểu về di tích.

Miễu Ông Cọp cùng những câu chuyện đậm màu huyền thoại cũng là nơi tôn thờ đạo nghĩa, bày tỏ ước vọng hướng tới cuộc sống an lành, hạnh phúc ở một vùng đất đang giàu sức vươn lên.Miễu Ông Cọp tọa lạc trên thửa đất chừng 200m2, cách Quốc lộ 1A về phía tây chỉ vài chục mét, nhìn ra Vịnh Xuân Đài; địa điểm miễu này đã được tu sửa nhiều lần bằng công của thiện nguyện của người dân địa phương. Ngoài phần mái tole gian tiếp khách lễ, vết tích cổ còn lại là gian điện thờ Cọp Bạch và một tượng cọp đã rêu phong. Anh Thủy cho biết: vào tiết thanh minh (tháng 3 âm lịch) và lập thu (tháng 8 âm lịch), rất nhiều người dân địa phương và khách hành hương về đây dự cúng. Khi thì cúng chay, khi thì cúng heo, bò; công việc cúng kính được phân công cho 10 nhóm gia đình trong phường Bình Thạnh lo liệu.

Anh Thủy dẫn đường chúng tôi đến gặp các vị lão làng để “xác minh có đầu có đũa”. Chúng tôi vào xóm Đồng Bò cạnh bến đò Bình Bá tìm gặp cụ Trần Xuân Xanh (Bảy Lý, 70 tuổi) và Nguyễn Thu (80 tuổi). Theo hai lão làng, từ thời xa xưa, phường Xuân Đài bây giờ chỉ là những làng chài hoang sơ ven biển tựa lưng vào dãy núi Mỹ Dự có đặc sản xoài Đá Trắng nổi tiếng, dân ở đây gọi là Xoài Ngự, vì đó là trái cây dùng để tiến vua mỗi năm. Tương truyền, thời đó ở vùng này thường xuất hiện những đàn Cọp, trong đó có ông Cọp Bạch. Vào một ngày, bà Cọp Bạch chuyển dạ nhưng không thể nào đẻ được; bí quá, ông Cọp Bạch liền lao nhanh xuống chân núi, chạy thẳng vào xóm Đồng Bò vồ lấy bà mụ trong làng, rồi đưa thẳng lên núi, đến hang của mình. Người trong làng không ai kịp trở tay, chỉ biết thắp nhang vái ông Cọp đừng ăn thịt bà mụ và sự thật đúng vậy. Vô cùng hoảng sợ nhưng khi nhìn thấy bà Cọp đang cơn đau sinh nở, bà mụ liền ra tay nghề đỡ đẻ “mẹ tròn con vuông”. Sau đó không lâu, ông Cọp Bạch đã đưa bà mụ nguyên vẹn trở lại nhà và đêm đó còn đặt trước sân nhà bà một con heo rừng để tạ ơn. Một thời gian sau đó, vì mưu sinh, khiến bà mụ rời xóm Đồng Đò xuống làng biển Phú Hạnh dưới chân núi Hòn Bù ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An ngày nay để lập nghiệp. Sau khi bà mụ qua đời, những ngày cuối chạp mỗi năm, người dân Đồng Đò thường nhìn thấy dấu chân ông Cọp Bạch từ hướng núi Mỹ Dự qua sông Bình Bá ra cửa biển Tiên Châu, rồi xuống Hòn Bù để viếng mộ bà mụ. Cũng từ đó, vùng đất này không hề còn cảnh cọp beo, thú dữ kéo về quậy phá. Cuối đời, ông Cọp Bạch xuống nằm dưới chân núi rồi sau đó chết tại vùng Bình Thạnh này. Tưởng nhớ ông Cọp Bạch hiền lành, biết quý trọng ân nhân, người dân trong vùng đã xây Miễu Ông Cọp để tôn thờ.

Một truyền thuyết khác kể rằng, ngày xưa ở xóm Đồng Đò có vợ chồng một lão ngư giàu có, nhưng hiếm muộn con cái. Đến tuổi trung niên, người vợ sinh được con trai nên họ rất mừng. Khát vọng điều an lành đến với đứa con duy nhất của mình nên vợ chồng lão ngư chọn chữ An đặt tên cho con. Ngặt một nỗi, vị pháp sư nổi tiếng trong làng phán rằng đứa con của họ sinh nhằm giờ kiết hung, sớm muộn cũng chết vì cọp vồ. Thương con và lo sợ, lão ngư tìm thầy cho con mình học võ, phòng khi gặp cọp ở chốn sơn lâm. Nhờ sáng dạ và nhanh nhạy, cậu bé An không chỉ tinh thông đón thế người thầy truyền dạy mà còn biến tạo nhiều thế võ hiểm khác. Trong một lần đi qua chân núi Mỹ Dự, ông An bị đàn Cọp chặn đường, nhưng đã kịp tung ra những thế võ hạ gục con Cọp vằn hung dữ nhất. Hôm sau, ông Cọp Bạch xuống núi tìm ông An để nhờ dạy võ cho đàn cọp con với lời hứa không bao giờ để đồng loại gây hại dân làng. Để bày tỏ lòng cảm ơn người dạy võ, ông Cọp Bạch đưa hai chi trước nắm tay ông An và không may bị móng vuốt cào xước bàn tay. Vài ngày sau, vết xước làm độc khiến cho ông An giã từ cuộc sống. Vợ chồng lão ngư đưa người con lên núi chôn cất và xây ngôi mộ lớn. Biết chuyện, ông Cọp Bạch lặng lẽ xuống nằm gần mộ ông An nhiều ngày đêm rồi chết. Cũng từ đó dân làng lập miếu thờ ông Cọp.

Anh Trần Văn Tủy bên bàn thờ cọp cạnh miễu – Ảnh: HÙNG PHIÊN

Để chứng minh một tình tiết trong câu chuyện đẫm màu sắc huyền thoại này, anh Thủy, người trông coi Miễu Ông Cọp dẫn đường chúng tôi lên triền núi chỉ ngôi mộ ông An với dấu tích còn lại là bức tường đá rêu phong đã bị những khóm cây dại che khuất...

Theo cụ Bảy Lý, trước khi Miễu Ông Cọp hình thành, ở Bình Thạnh có miễu văn và miễu võ. Miếu văn sau đó di dời về xã An Thạch, huyện Tuy An ngày nay, còn miễu võ được đưa về nhập chung với Miễu Ông Cọp hiện nay. Từ bao đời nay, nhiều thế hệ thay nhau trông coi và cúng tế miếu ông Cọp vào những ngày rằm, mùng một và đặc biệt là hai lễ cúng lớn vào dịp tiết thanh minh tháng 3 với lễ vật đồ chay và tiết lập thu tháng 8 với lễ vật heo, gà. Lão làng đứng ra tế lễ, rồi cùng bà con mang chiếc thuyền ghép bằng bẹ chuối thả xuống sông Bình Bá để tống tiễn những điều xấu và cầu mong phúc đức, tốt lành cho cư dân trong làng. Nhiều người dân ở phường Xuân Đài cho hay, dù miếu ông Cọp rất linh hiển, nhưng không bao giờ đáp ứng những nhu cầu bát nháo, ví như những người đến cầu xin số để đánh đề.

Về bức tượng đá hình cọp vừa mới được đặt cạnh miễu vào tháng 8/2009, anh Trần Văn Danh kể: “Liên tục hai mùa liên tiếp tui gánh chịu thất bại trong nghề nuôi tôm hùm, tui lên miễu thắp hương cầu khấn xin ông phù hộ. Cuối vụ tôm, nhiều người thất bại, nhưng tui may mắn thu được hơn sáu chục triệu đồng. Bán tôm xong, tui vô Tuy Hòa đặt thợ điêu khắc, chạm trổ một ông Cọp bằng đá grannit mang về đặt trên mỏm đá bên phải miếu ông Cọp như lời hứa trước đó”.

Miễu Ông Cọp cùng những câu chuyện đậm màu huyền thoại cũng là nơi tôn thờ đạo nghĩa, bày tỏ ước vọng hướng tới cuộc sống an lành, hạnh phúc ở một vùng đất đang giàu sức vươn lên.


HÙNG PHIÊN


(PY)

THƠ & TÌNH


Khách thơ đem cơm áo cho người



Cập nhật lúc :8:33 AM, 17/08/2009



Nhiều người quan niệm, nhà thơ thường nghèo, chẳng giúp được ai (về vật chất), "cơm áo không đùa với khách thơ"… Nhưng có ba nhà thơ “không nghèo”, chuyên đi hỗ trợ hậu hĩ bạn thơ bằng tiền túi của mình.
Đó là các nhà thơ Lâm Xuân Thi, Hồ Thi Ca và Phan Hoàng. Họ cùng nhau xây quỹ Tình thơ, hoạt động từ cuối năm 2008 tại TP HCM.




Khai sinh trong một… quán cóc


Nhà thơ Lâm Xuân Thi đồng thời một doanh nhân thành đạt với thương hiệu xe đạp nổi tiếng Martin 107, từ lâu vẫn thường xuyên giúp đỡ học sinh - sinh viên nghèo hiếu học và những người khó khăn. Nhà thơ Hồ Thi Ca đang công tác tại báo Công an TP HCM, một trong những người đi đầu phong trào lập website văn chương, và tham gia nhiều hoạt động xã hội. Nhà thơ Phan Hoàng đang là chủ biên tạp chí Đương thời, từng lập Hội quán PYSA để gây quỹ trao học bổng cho sinh viên nghèo.
Nhà thơ Phan Hoàng cho biết: “Tôi cùng anh Thi, anh Ca giúp một số đồng nghiệp gặp khó nhưng vẫn muốn làm một cái gì đó bài bản hơn. Cụ thể ở đây là trợ giúp những người làm thơ không may gặp hoạn nạn để họ vượt qua giai đoạn ngặt nghèo”. Ngoài ra, ba nhà thơ cũng thấy còn nhiều người làm thơ trẻ rất cần hỗ trợ để in tập thơ đầu tay. Một quỹ tương trợ cho các bạn thơ trong nước đã được khai sinh, tại một quán cóc ven đường, nơi ba người ngồi uống cà phê vào một ngày cuối năm 2008.Nguyên tắc thống nhất: toàn bộ kinh phí của quỹ Tình thơ đều do các thành viên ban điều hành tự xuất tiền túi, trong đó chủ công là nhà thơ “xe đạp” Lâm Xuân Thi, không tổ chức quyên góp dưới bất kỳ hình thức nào. Tình thơ chính là một trong những quỹ tương trợ tư nhân đầu tiên trên lĩnh vực văn chương ở Việt Nam không gắn với tên đơn vị kinh doanh nào.



Bớt những “nỗi đời cay cực đang giơ vuốt”


Tháng 1/2009, Tình thơ đã khởi động “rẹt rẹt” qua… ba số điện thoại di động; cách thức tài trợ phải thân tình, chia ngọt sẻ bùi giữa những người cùng “vướng” nghiệp thơ, và số tiền mỗi lần tài trợ phải “coi được”, để thực sự động viên bạn thơ.



Từ trái sang: Các nhà thơ Hồ Thi Ca, Lâm Xuân Thi và Phan Hoàng (bìa phải) trao tiền hỗ trợ cho nhà thơ Mai Trinh Đỗ Thị. (Ảnh do nhà thơ Hồ Thi Ca và Phan Hoàng cung cấp)



Tháng 2/2009, quỹ Tình thơ “xuất hành” bằng việc trao tặng nhà thơ Mai Trinh Đỗ Thị và cây bút trẻ Minh Tâm, mỗi người 10 triệu đồng. Mai Trinh Đỗ Thị là một gương mặt thơ quen thuộc nhiều năm qua, gần đây bị bệnh tim nặng nên cuộc sống khó khăn. Minh Tâm là một sinh viên kinh tế đối ngoại, bất ngờ mắc bệnh viêm tuỷ cột sống, trải qua 14 lần phẫu thuật, đang ngồi xe lăn và phải thường xuyên chạy thận nhân tạo. Cô đã vượt lên cầm bút sáng tác và xuất bản tác phẩm đầu tay Cô bé ước mơ.
Cây bút trẻ Minh Tâm cho hay: “Hôm Ban điều hành quỹ Tình thơ đến trao tặng tiền tại nơi chạy thận, em vui muốn ứa nước mắt! Chẳng những số tiền đó thật quý giá đối với em, mà tấm lòng của những người đồng nghiệp đi trước cũng gợi cho em nhiều ý tưởng sáng tạo, bớt những suy nghĩ buồn do bệnh tật…”.
Đầu tháng 3/2009, Ban điều hành quỹ Tình thơ về Củ Chi thăm và tặng 10 triệu đồng cho nhà thơ Bửu Khánh Hồ đang bị teo não giai đoạn cuối. Hôm đó, thầy giáo - nhà thơ của đất Củ Chi đã nở được nụ cười sau thời gian mắc bệnh nan y, gần như không còn khả năng điều khiển nổi mình. Trong tháng, Tình thơ cũng hỗ trợ 10 triệu đồng cho nhà thơ trẻ Phan Trung Thành lên bàn mổ tim. Ngoài ra, Tình thơ còn mua sạch gần 200 tập thơ Thèm ăn còn lại sau một năm phát hành của nhà thơ trẻ Đồng Chuông Tử, người dân tộc Chăm, đang là sinh viên tại TP HCM.
Từ tháng 4/2009 đến nay, quỹ đã hỗ trợ phát hành tác phẩm bằng cách mua từ 150 - 200 tập thơ của các tác giả Nguyễn Quang Thiều, Bùi Thanh Tuấn, Triều Nguyên... Dự kiến, quỹ tiếp tục hỗ trợ nhà thơ Đơn Phương (đang gặp nhiều khó khăn vì bệnh phong) và gia đình cố nhà thơ Thảo Phương kinh phí in ấn thơ; hỗ trợ kinh phí in ấn tập thơ đầu tay cho nhà thơ trẻ Nguyễn Phong Việt; hỗ trợ tiền mặt cho nhà thơ lão thành Kiên Giang đã già yếu, có hoàn cảnh khó khăn và nhà thơ Hà Nguyên Dũng đang bệnh nặng...
Đào Đức Tuấn


(ĐV)

PHAM DUY hầu kí

  "HỌC NHƯ THỂ CHẲNG DÀI LÂU... " (Đọc Hồi ký Phạm Duy 2)    Tôi chưa định viết những dòng dưới đây trong vài bài ghi chép khi đọc...