Thứ Bảy, 1 tháng 11, 2008

Phạm Đương thơ-Trần Đăng báo


Phạm Đương đương phạm

Khi làm thơ, nhà báo Trần Đăng ký tên thiệt - Phạm Đương. Về cái bút danh này, có lần đại ca có tiếng ngổ ngáo này kể - Tao ký là Thường Đăng ấy chứ, con bà nó, chẳng hiểu đứa nào đó lại sửa thành Trần Đăng, thế rồi chết tên luôn. Thường Đăng thì hay hơn nhiều, nói lái lại là thằng Đương. Đại ca nói thì nói thế chứ trong bụng thằng em vẫn nghĩ, chắc hồi nớ gởi bài liên tục mà không được dùng nên nống lên với ước vọng sẽ được dùng đều đều (thường đăng mà)...
Bút danh không được như ý những quả tình bài của Trần Đăng có lẽ nhờ mồ ma ông nhà văn cùng tên phù hộ nên nhà báo được đăng liên u liên minh.
Trước khi làm báo, đại ca làm cán bộ Sở VHTT Nghĩa Bình, rỗi một chút mần thơ là chính. Thời may là thơ cũng hay, được nhiều người thích. Thế nên khi trong túi xủng xoẻng vài đồng tiền nhờ viết báo bèn vung ra in thơ.
Trong số nì, Giờ thứ 25 xin trích giới thiệu một bài mà tôi cho là Phạm Đương nói được cái lòng của nhà báo Trần Đăng chân tình nhất...



NHỚ MỘT THỜI NHÀ CHẬT

Mười năm ở nhà chật
tí tách máy chữ lẫn tiếng khóc trẻ con
xoay bên nào cũng gặp giường
quờ vào đâu cũng gặp vách
vằn vện tháng nắng ngày mưa
như có hàng trăm khuôn mặt hằn lên tường nhà
nhăn nhó cau có cười cợt mười năm ở nhà chật
lúc nào cũng canh cánh bên lòng
không biết đêm nay có thằng bạn nào say rượuxin ngủ nhờ không?
một mặt con rồi hai mặt con
oa oa từ căn nhà chật
cả trăm bài thơ cũng từ căn nhà chật
con hỏi: "cha mơ điều gì?"
"chừng nào có nhà rộng
ngủ một đêm cho đã
cho bạn bè ba ngủ đã
có căn phòng riêng làm thơ cho thoả…"
ba tháng rộng cửa cao nhà
rồi một năm tường cao kín cổng
vẫn chưa thấy có đêm nào ngủ yên
vẫn không thấy có thằng bạn nào say rượu xin ngủ qua đêm
một câu thơ cũng không viết nổi
bỗng thèm cái thời nhà chật
hỏi có điên không?
P.Đ


Giọt tháp Chàm

chỉ có ông mới ví những ngọn tháp ấy là GIỌT
một ngàn năm rơi không chạm đất
những giọt linh diệu
lơ lửng lưng chừng trời

đó là cách tồn tại của một dân tộc
vĩnh cửu mà không tổ quốc

đừng hỏi lẩm cẩm
chất liệu gì để kết nối những viên gạch?
luôn luôn bí ẩn

bí ẩn
địa chỉ thường trú của sự bất tử

tháp Chàm sẽ còn rơi
mà không chạm đất
chỉ có thể hứng giọt linh diệu ấy
bằng những câu thơ
Văn Cao

Quy Nhơn, 22-6-2005
P.Đ


Làm báo ri có bí... thơ?

(Đọc tập thơ BÙN NON của Phạm Đương - NXB Hội Nhà văn
-2004)

Nhiều người vẫn bảo tôi đã làm thơ thì đừng làm báo, vì "báo… hại thơ lắm!". Tôi thì vẫn nghĩ, thơ là thơ còn báo là báo, việc gì ra việc ấy, đâu có dẫm chân lên nhau mà sợ.. đau chân? Như Phạm Đương đây, làm báo thì ký Trần Đăng, còn làm thơ ký Phạm Đương, có ăn nhằm gì tới nhau, cái tên này đâu có chọc ngoáy vào cái tên kia, việc gì phải sợ? Thơ thì bằng bằng trắc trắc, báo lại văn xuôi thẳng ruột ngựa, hai không gian sinh tồn riêng, như thế, đúng ra "bác" này chỉ có thể đỡ đần cho "bác" kia, và ngược lại.
Thì đúng là thế! Tôi nghiệm ra, những anh làm báo nếu trước đó hay sau đó có làm thơ, thì viết báo thường uẩn súc hơn, chữ nghĩa cũng ma mị hơn, ngay cái "tít" giật cũng… bay bướm hơn là những anh chỉ "độc canh" cày báo. Nhạy cảm hơn, giàu chữ nghĩa hơn, biết dừng đúng lúc hơn và cũng biết triển khai những lối không mòn hơn, đó là anh nhà thơ làm báo. Nhưng ngược lại, nghề báo liệu có giúp gì được cho nghề thơ hay chỉ khiến những bài thơ trở thành những "phóng sự" mang tính báo chí? Cái này thì phải đọc thẳng vào thơ những người làm báo mới trả lời được.
Tôi đã thử đọc thơ Phạm Đương cho câu hỏi này. Quả thật, thơ anh nhà báo này có một giọng… báo chí không lẫn được, nhưng ở khía cạnh tích cực: "bảy mươi tuổi bác tôi còn đi gặt/ thân cò già chẳng bắt nổi cá con/ đêm đêm quay mặt vào vách/ lốc lịch còn nguyên bác nào dám bóc" (Về quê và gặp). "Tôi lớn lên từ những chiếc lá tre khô/ chỉ mấy năm bỏ làng ra phố/ thấy chiếc lá nào cũng bĩu môi: đồ rác" (Trong nhà). "Cuối năm đi chợ mua hoa/ lượn qua lộn lại đến ba bốn vòng/ sờ cây cúc liếc cây hồng/ rò rè cây quất phải lòng cây mai/ chợt nghe một tiếng thở dài/ giá mỗi cân thịt bốn hai ngàn đồng".
Đúng là mỗi đoạn thơ đều "có chuyện", và đều muốn "gây chuyện" theo kiểu báo chí, có điều lặng lẽ hơn, nén lại hơn, và có ý bùng nổ trong chiều sâu hơn. Đó có thể tạm gọi là những "report-poems"- những bài thơ phóng chiếu sự đời sự người ra đúng cái chiều kích thật của nó, không vỗ về cũng không tránh né. Có hàng nghìn kiểu làm thơ, và tạng ai hợp với kiểu thơ nào thì cứ làm kiểu thơ ấy. Có lẽ Phạm Đương hạp với tạng thơ - phóng sự này chăng? Tôi không dám chắc có phải do quen nghề làm báo mà thơ Đương hiện ra trong một tương chiếu với một loại bài báo đặc biệt: những "phóng sự" muốn lột tả một cách thẳng thừng những uẩn khúc nội tâm, những "tường trình" về những gì có thể gãy đổ trong im lặng, ở một lúc nào đó của đời người. Được như vậy thì kiểu thơ - báo chí này tốt quá đi chứ !
Tôi thử đọc một bài thơ gọi là lặng lẽ nhất của Đương xem sao, thì thấy: "bao buồn vui mặn ngọt đời ta/ em đã đến và mang đi tất cả/ chỉ để lại một cánh rừng lạnh giá/ thắp đèn lên/ ngồi nhặt/ gặp tay mình" (Lan man). Vẫn nghe được những rạn vỡ mà chỉ có thơ mới "tường trình" được, bởi thơ nói mà không nói, không nói mà nói, nó khác với báo chỉ mỗi chỗ đó. Báo thì nói thẳng nói hết, rồi… thôi. Trong khi thơ luôn để lại trong miệng ta một vị gì khó gọi tên sau khi ta đã "nếm" qua bài thơ. Theo chính thổ lộ của tác giả, thì sau những ồn ào phải đối mặt mỗi ngày qua những bài báo: "tôi lại trở về tựa vào một góc khuất của riêng mình. Ở đó có nỗi buồn thất lỡ, có niềm vui vừa chớp sáng đã sóng đánh xô nghiêng…".
Tôi nhấn mạnh đoạn thổ lộ này để bạn đọc thấy thơ khác báo như thế nào, nhưng không hề nói "hễ có thơ thì thôi báo, và ngược lại". Nói như một nhà thơ mà tôi "chen ngang" một chữ: "Rằng thơ với… báo nặng duyên tơ", ta có thể thấy hai "anh" này không hề triệt tiêu nhau, mà trong nhiều trường hợp, lại san sẻ với nhau nhiều điều. Báo có khả năng giải thoát thơ ra khỏi những lối mòn trì trệ của cảm xúc, nhất là khi cảm xúc ấy chưa đủ độ để bùng nổ bằng những câu thơ. Và khi đó, sự dắt dẫn của một trái tim nhạy cảm sẽ gặp sự sáng suốt của một trực giác biết hút lại gần nhau những mảnh vỡ của một hay nhiều câu chuyện nào đó. Sự phản kháng tức thì của báo gặp cách chảy len lách của xúc cảm thơ, và bài thơ sẽ đột ngột bùng nổ trong im lặng. "Ở Hà Nội cứ mãi là 10 độ/ để miền Trung cây phải toát mồ hôi", câu thơ này phải chăng là nói về thời tiết? Một tường trình về khả năng khô hạn của… miền Trung? hay còn gì khác nữa? Đó "hình thức báo" vẫn có thể giấu kín trong nó một "nội dung thơ", cái sáng rõ vẫn che giấu được cái tù mù, và thơ vẫn "sống chung" với báo một cách hòa bình và hòa hợp. Như thế, báo có làm lợi cho thơ chứ, và viết báo không hẳn là một cách "làm loãng" thơ bằng những bài văn xuôi không hứa hẹn một tuổi thọ lâu dài.
Nhiều người nói với tôi rằng báo là chuyện của hôm nay, thơ mới là chuyện của ngày mai. Thì đúng thế, nhưng có một điều họ quên: làm báo khiến cho người làm thơ tỉnh táo hơn, ít ảo tưởng hơn, và đỡ vướng vào cái lưỡi câu vô hình của hư danh hơn. Dĩ nhiên, ai làm thơ mà chẳng mong thơ mình còn lại với thời gian, nhưng nếu anh vừa làm báo vừa làm thơ, anh sẽ biết quên chuyện thơ mình sống được bao lâu. Quên như thế đỡ mệt hơn, đỡ lẩm cẩm hơn, và có khi, lại khiến thơ mình… sống lâu hơn.
. Thanh Thảo




PHẠM ĐƯƠNG - “NGỒI VÔ TÍCH SỰ CŨNG XONG MỘT NGÀY”!
(Đọc “Bùn non” và “Những dấu chân gửi lại” nxb Hội Nhà văn 2004, 2006)

Bạn đọc nào “lỡ đọc phải” những câu thơ sau đây, chắc chắn sẽ còn chịu đọc tiếp thơ Phạm Đương: -”Nít là con chó cái/ Sợ kẻ trộm nên xích mãi sau nhà/ Đến khi Nít già mới hay nó chưa một lần làm mẹ!” (Trong nhà); hoặc đoạn khắc họa một bạn thơ tài hoa nhưng hơi… ngông loạn: -”Ta là miếng giẻ rách/ Các ngươi muốn lau vào đâu cũng được/ Ta là khoảng trống/ Các em cứ đấm thoải mái/ Túi chỉ có thơ chứ mấy lúc có tiền/ Các em cứ móc thoải mái!” (Khổng Vĩnh Nguyên); rồi là xã hội chung quanh: -”Buổi sáng/ Mở trang báo ra là gặp rác/ Ập đến từ mọi phía/ Cả cái phía từng được coi là sạch nhất!/… Anh bị xích vào công việc/ Tù chung thân không ân xá một ngày…/ Bây giờ anh mới thấy/ Đôi khi mình cũng là một thứ rác/ Vô cảm lặp lại mỗi ngày/ Mãn tính!” (Buổi sáng); rồi nữa: -”Chợ Chùa - trong chợ có chùa/ Vào chùa gặp chợ biết mua bán gì?/ Chanh chua lẫn với từ bi/ Ở nơi cửa Phật có khi ma ngồi! Khốn thay cho cái thằng tôi/ Lòng mơ chính quả mồm xơi thịt cầy!” (Chợ Chùa)…
Phạm Đương có lối làm thơ đặt và đi thẳng vào vấn đề một cách trực diện, trần trụi, không vòng vo tam quốc, không thi vị hóa cho ảo hư thêm điều muốn nói! Trần trụi từ cách sử dụng ngôn từ, tường thuật sự kiện, miêu tả cảnh vật hoặc nhân vật, đến cả phạm trù tâm lý vốn dĩ là thứ phức tạp nhiêu khê!
Hãy xem Phạm Đương viết về cái trạng thái tâm lý “khó hiểu” của một người nào đó vào một ngày dường như chu kỳ trường sinh học của anh ta rơi vào đúng kỳ đúng cữ: -”Một ngày không vui không buồn/ Không nắng rát chẳng mưa tuôn kín trời/ Một buổi đầy nửa ngày vơi/ Nửa không thèm nghĩ nửa bời bời lo/ Một ngày thấy em buồn xo/ Là anh như thể con đò cạn sông/ Một ngày không nhớ chẳng mong/ Ngồi vô tích sự cũng xong một ngày…”!
Cái cách nói “Ngồi vô tích sự cũng xong một ngày” là cách tưng tửng, hài hước, có phần u-mua, châm biếm nữa. Và đó cũng là nét đặc thù của thơ Phạm Đương. Phạm Đương lúc nào cũng muốn đơn giản hóa, bình thường hóa mọi vấn đề, không thích để nó thành cao trào, đỉnh điểm. Có phải từ thói quen nghề nghiệp báo chí (với bút danh Trần Đăng) hay không mà người đọc nhận thấy thơ anh rõ nét… “thông tấn” lắm! Nói thế không biết anh có buồn không chứ “thông tấn” mà như văn Nguyễn Khải thì mấy ai viết nổi? Vì chất thơ trần trụi, tưng tửng, thông tấn, đơn giản hóa vấn đề nên mỗi bài thơ Phạm Đương đều đưa đến bạn đọc một lượng thông tin nhất định, một cảm nghĩ rõ ràng súc tích, ít làm mệt trí mệt tâm người đọc. Phần dư ba dư chấn phía sau bài thơ Phạm Đương để dành bạn đọc tự lý giải, hóa giải lấy!
Bài “Cuối năm đi chợ mua hoa” là một ví dụ: -”Cuối năm đi chợ mua hoa/ Lượn đi lượn lại đến ba bốn vòng/ Sờ cây cúc liếc cây hồng/ Rò rè cây quất phải lòng cây mai/ Chợt nghe một tiếng thở dài/ Giá mỗi cân thịt bốn hai ngàn đồng/ Thôi nhé cúc tạm biệt hồng/ Hẹn năm sau lại mấy vòng chợ hoa”! Rồi bài “Mãn tính” cũng thuộc dạng để lại chút dư vị sau khi đọc: -”Nói dối một lần/ Một lần đỏ mặt/ Nói dối hai lần/ Hai lần đỏ mặt/ Nói dối trăm lần/ Mặt như quả gấc/ Nói dối suốt đời/ Mặt không đổi sắc”!…
Vẫn cách nói ấy, nhưng tàng ẩn ý nghĩa triết lý, luận đề, Phạm Đương còn có một số tứ thơ dễ được bạn đọc cảm nhận và đồng thuận: -Luận về nhân tình thế thái và ý nghĩa cuộc đời : -“Chó sủa ngoài ngõ/ Chắc gì đã có trộm/ Biết đâu đó lại là một người bạn/… Chó vẫn sủa ngoài ngõ/ Sao chẳng thấy ai ra mở cửa?…” (Chó sủa ngoài ngõ); -”Những dòng sông oằn mình đau đớn/ Là dòng sông biết để lại phù sa” (Cuối năm với sông Trà)… Luận về nghề báo nghiệp thơ của mình: -”Rào rào máy chữ/ Thơ và báo/ Anh đang đi trên dây leo/ Giữa hư danh và cơm áo/ Rào rào máy chữ/ Báo hay thơ?” (Trên máy chữ): -”Bảnh mắt ra là tin với bài/ Mỗi tháng phải cày mười sáu tin tám bài/ Mới nhận đủ tiền hai triệu rưởi!” (Nghề); -”Cố quên chuyện cũ/ Như quên một bài báo đặt hàng/ Tình cờ nhặt ra rừ đống giấy lộn/ Bài báo đã giúp anh qua cơn khát” (Nhàn nhạt); -”Anh chào buổi sáng bằng mấy câu thơ/ Thơ không là cháo cơm/ Nhưng thơ nuôi anh hy vọng/ Bây giờ còn biết tin vào điều gì/ Biết hy vọng một điều gì/ Ngoài những câu thơ gan ruột?” (Chào buổi sáng): -”Gieo những con chữ u u minh minh/ Mà không màng hái quả/ Thơ như ma túy/ Khó cai nghiện nếu đã chơi với nó” (Cách tôi)…
Người đọc đồ rằng Phạm Đương là người rất coi trọng lòng tự trọng, chí ít cũng là người thường hay băn khoăn trăn trở về điều này, ít ra cũng cho chính bản thân mình. Xin nhặt ra đây một số câu không đến nỗi “vô tích sự” như anh tự trào: -”Mười năm ở nhà chật/ Tí tách máy chữ lẫn tiếng khóc trẻ con/ Xoay bên nào cũng gặp giường/ Quờ vào đâu cũng gặp vách…/ Mười năm ở nhà chật/ Lúc nào cũng canh cánh bên lòng/ Không biết đêm nay có thằng bạn nào say rượu/ Xin ngủ nhờ không!…/ Ba tháng rộng nhà cao cửa/ Rồi một năm cao tường kín cổng/ Vẫn chưa thấy có đêm nào ngủ yên/ Vẫn không thấy có thằng bạn nào say rượu xin ngủ qua đêm/ Một câu thơ cũng không viết nổi/ Bỗng thèm cái thời nhà chật!…” (Nhớ một thời nhà chật); -”Bây giờ mình đã có một ngôi nhà/ Không chỉ mười lăm mét vuông/ Như ba từng ao ước…/ Ấy là lúc ba bắt đầu thấy sợ/… Khi mở chiếc cổng nhà làm mất giấc ngủ hàng xóm/ Mẹ có thể trở thành người đàn bà hợm của/ Nếu như có hôm tiếng xe máy của mẹ kêu to hơn mọi bữa!” (Cho Hà Nhiên); -”Bằng ngọn đèn dầu tù mù/ Cũng ngốn hết bốn trăm trang sách một đêm/ Giờ có mỗi trang báo dưới ánh đèn nê-ông mà ngủ gà ngủ gật!” (Trong nhà); -”Có người đàn bà khác chen vào đời anh/ Đột nhiên anh thành người nói dối/ Rồi thành kẻ phản bội/ Anh ngại soi mặt mình mỗi sáng/ Ngại nhìn mắt các con mỗi chiều!” (Giả sử)…
Ở đề tài tình cảm tình yêu đôi lứa người đọc mới gặp những câu, những hình ảnh ra vẻ… thi ca một tí của người-thơ-trần-trụi Phạm Đương! (Nhưng thật ra để ý kỹ vẫn thấy nó bùi bụi thế nào trong từng câu chữ). Ví dụ: -”Em vẫn như hai mươi ba năm trước/ Áp vào tôi không gỡ ra được/ Một que kem bên ghế đá sông Hương…/ Hai mươi ba năm sau/ Kem đã tan thành nước/ Sao tôi nghe còn buốt?!” (Hai mươi ba năm); -”Anh là người đứng ở ngả tư đường/ Lối rẽ có đèn xanh là nơi anh không cần đến/ Phía đốt cháy lòng anh/ Đã lên đèn đỏ…/ Có một phía không chiêm bao thao thiết gọi anh về…” (Ở ngả tư đường); -”Hà Nội đâu có giữ chút gì của tuổi thơ tôi/ Mà sao tôi nhớ/ Em có sót mảnh-vỡ-ký-sổ nào trong đời tôi đâu/ Mà sao tôi như người mắc nợ?” (Chảy trong tôi Hà Nội); -”Ở Hà Nội đang là mười độ/ Nơi miền Trung phải bật quạt vù vù/ Những ngăn trở không chỉ là nóng lạnh/ Mình đã cách nhau bằng một mùa thu!” (Gửi Hà Nội)… Người đọc khó ngờ phong cách thơ gân guốc này lại có câu thơ hay đáo để: -”Mình đã cách nhau bằng một mùa thu”!
Quê nhà Quảng Ngãi khó nghèo cũng đi vào thơ Phạm Đương bằng những câu giàu hình tượng, gợi buồn mang mang xa xót, loại trừ kiểu ca ngợi chung chung hoặc vòng vo hư ảo: -”Chảy về phương Nam những dòng người không dứt/ Làng thưa dần bóng dáng trẻ trai”; hay: -”Bảy mươi tuổi bác tôi còn đi gặt/ Thân cò già chẳng bắt nổi cá con!”; hoặc: -”Cho đến lúc giật mình nghe pháo Tết/ Quẳng vội cây cuốc cùn vào xó bếp/ Cha mới hay tháng Chạp cũng vừa đi”…
Người đọc tin rằng việc mất đứt một ngày ngồi đọc và điểm thơ Phạm Đương như thế này là một việc làm không đến nỗi… “vô tích sự”!
Tạ Văn Sỹ (2008)

Trên từng bước chân


(LĐ) - Đây là cuốn sách thứ tư của Phạm Đương (Trần Đăng), sau Đêm không mưa ngày nắng (bút ký), Bùn non (thơ) và Phượng (tản văn). Trong tình hình thơ Việt đang loay hoay giữa phần đông thi pháp cũ và những tìm tòi chưa thật định hình, Phạm Đương bất ngờ chường ra một gương mặt thơ, bụi bặm và táo tợn: quan sát, suy nghiệm rồi độp một cú, chả cần biết nó là cái thứ thi pháp gì. Nhưng dọc theo những bước chân tác giả, sẽ giật mình trước những phát hiện trực diện, đơn giản và đau.
Bài đầu tiên, Buổi sáng thế này: "buổi sáng/ mở trang báo ra là gặp rác/ ập đến từ mọi phía/ cả cái phía từng được coi là sạch nhất", sau chuỗi dài cố gắng tìm khuôn mặt sạch mà không được, tác giả nhận ra mình "bây giờ anh mới thấy/ đôi khi mình cũng là một thứ rác/ vô cảm lặp lại mỗi ngày/ mãn tính". Có vẻ như một kiểu tự làm sang khi tác giả nói huỵch toẹt điều cũ mèm với thủ pháp "bóc trần cái thằng tôi"? Hãy khoan. Đây là anh viết về người mẹ đã quá cố của mình: "bây giờ là bếp gas và điện/ mọi trật tự đã thay đổi/ chỉ bóng tối còn nguyên/ còn nguyên lũ chuột và dán/ dẫn mẹ ta đi đâu/ hỡi ngọn lửa ấm?" (Trong xó bếp). Thơ Phạm Đương là thơ của những bất ngờ hiển nhiên. Cũng hiển nhiên khi trên từng bước chân nghề báo, anh ghi nhận những nỗi đau những mất mát trong chiến tranh, đúng hơn là thời hậu chiến. Một chị Thuỳ "còn kịp cứu một bàn thua/ cho những cầu thủ từng mặc áo đội tuyển/ nhiều người trong số họ/ giờ không muốn đá bóng/ chỉ thích bán độ/ và nhận huy chương" (Chị Thuỳ); một người lính đi qua chiến tranh "dám chết để được sống/ giờ sống như đã chết/ bốn đứa con nửa người nửa quỷ/ bốn đứa con như một niềm an ủi" (Những con đường rừng). Không thể tìm thấy một chút trò bùa chú chữ nghĩa, một cách nói đèm đẹp xu phụ cảm xúc, Phạm Đương chỉ nhận diện. Một kiểu bóc tách các lớp vỏ. Đôi lúc anh cũng sững sờ chính những phát hiện. Bởi vì, phát hiện của anh sau những bóc tách đôi khi lại là lớp vỏ khác và cái lõi cuối cùng của cuộc sống giống như lõi chuối, ô hô, nghĩa là không thể bóc tách đến tận cùng. Sự bất lực tất yếu. Đành vịn vào những Giấc mơ không tính lãi: "giấc mơ đâu đã buông anh/ nghe chảy dọc trong người/ những âm thanh trượt giá".Giọng điệu của Phạm Đương là giọng điệu gây gổ. Nhưng chỉ là bề ngoài. Cái vẻ bụi bặm hảo hớn cốt che giấu chất yếu đuối cố hữu, đa mang đa cảm. Tôi phát hiện điều này khi thấy anh ta đối diện với tình: "ngày cũ ngày càng cũ/ người cũ sắp lên bà/ sờ râu gặp tua tủa/ biết nghìn trùng đã qua..."(Ngày cũ). Thì ra cũng... thi sĩ thường tình!


Suối Trầu, cuối năm 2006

Đồi Cù một góc (truyện ngắn ĐÀO ĐỨC TUẤN)

Đồi Cù một góc (truyện ngắn ĐÀO ĐỨC TUẤN) (ảnh: Nguyễn Hàng Tình)             Thằng Thừa biết để ý con gái từ lúc học lớp 5. Mà phải c...