Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

trần lê thê

Trần Nhã Thụy và Ngô Phan Lưu

NHÀ VĂN TRẦN NHÃ THỤY

Chống cách tân

NHÃ THUYÊN

“Có cảm giác Trần Nhã Thụy đã đủ điềm tĩnh để học và đón nhận nhiều kiểu văn chương khác nhau và khác mình, mà cũng không cần nóng nảy luống cuống tìm bằng được những cách thức làm mới. Văn chương anh đáng được mến yêu và thưởng thức”.

Trần Nhã Thụy có một kiểu viết tưởng không khó đọc, nhưng lại kén độc giả, đúng hơn là “kén tâm trạng đọc” của độc giả. Một kiểu viết không đập ngay vào trí não từ những chữ đầu tiên, không làm sửng sốt, thán phục ngay, không khiêu khích, lại cần đọc chậm và kĩ, đôi lúc đọc cũng muốn “sốt ruột”.

Tôi từng đọc “Sự trở lại của vết xước”, một ít tạp văn trong “Cuộc đời vui quá không buồn được”, một đôi truyện trong “Chàng trẻ măng ở phố treo đầu” với tâm thế nhẹ nhàng. Vài cuốn sách của Trần Nhã Thụy mà tôi có nằm đâu đó im vắng như bao con người ta không đủ cơ hội biết tới trong cuộc sống. Tôi cứ hình dung một kẻ lạc giữa phố mà suy tư mãi, kẻ lạc giữa phố mà lại phải/vẫn bám vào phố để sống, như thể hắn phải tập luyện cách đi chậm lại để lắng nghe mình sống, để tìm những khoảng vắng của mình.

Mấy năm trước, quả tôi không có tâm trạng đọc kiểu văn chương chậm rãi như thế. Những người viết trẻ thường thích những vẻ dị biệt, càng dị biệt, quái, lạ càng dễ làm họ phấn khích.

Thật lâu sau tôi mới đọc văn chương Trần Nhã Thụy, cả truyện ngắn, cả tản văn, như một thứ quà tặng của thưởng thức. Lần đầu đọc “Băng đầu trọc” (trong tập truyện ngắn Mùi), tôi có cảm giác về sự “phát hiện” một tác giả. Tôi khoái cái đầu trọc của thằng nhỏ chìa ra ngoài trời mưa, cái tông đơ của gã thợ hớt tóc lướt trên đầu mà mỗi lướt đi như một “cú thoát” nhẹ bỗng. Khi không đợi được ngạc nhiên, tôi lại được ngạc nhiên. Tôi nghĩ một nhà văn có thể cho ra đời những cuốn sách không thật khác trước, mà vẫn đáng được đón nhận.

***

Quan trọng với một người viết là nhu cầu tìm kiếm cái bản ngã thực sự của mình – ai cũng có thể nói vậy, nhưng kẻ nào làm chủ được cuộc tìm kiếm đó? Ai là kẻ kiên nhẫn để tìm một con đường làm chủ được sự tìm kiếm đó? Tôi cho rằng đó là một điều thiết yếu với mỗi cá nhân người cầm bút. Tất nhiên, có thể phải loại ra những kiểu văn chương không thật sự cần đến cái bản ngã của người viết: những kiểu truyện cần óc tổ chức, trí thông minh hơn là bản ngã, như trinh thám, và những dạng thức của văn chương tuyên truyền/giáo….

Với một tâm thế đọc khác xưa, tôi đọc tập Mùi một cách thích thú, như tự nhiên đi lạc vào vùng gió trời, tự nhiên được thưởng thức một thứ của nả ý vị. Những truyện ngắn trongMùi tặng người đọc nhiều khoảng vắng, những khoảng vắng ắt là cách đưa hắn/ta đến gần hơn với văn chương. Lúc này, tôi nghĩ lại “vết xước”, sự trở lại của/với vết xước ắt có thể đọc như một ẩn dụ hay, dù tôi không thật hứng thú với việc sắp đặt các ẩn dụ (cụm từ “sự trở lại” làm cho ẩn dụ này điệu đà hơn, bớt bay nhảy ngẫu hứng). “Vết xước” là cuộc đi tìm những dấu tích, những phế liệu của tâm hồn, có thể lại là cái chúng ta cần thiết hơn hết. Cái khéo léo của các trang viết làm tôi bớt thích, nhưng tôi yêu vẻ âm u, chất mơ mộng thầm kín, nỗi sầu muộn cố hữu mà không cảm thương, những hoài niệm tuổi thơ và tuổi trẻ không dứt song hành với niềm yêu mến và cái cười mỉm với hiện tại chìm lắng nơi trang văn Trần Nhã Thụy, như là một thứ linh hồn của câu chữ, như là bản tính con người muôn thuở nơi ta được giữ lại trong đó. Giá chúng biểu hiện ra đôi lúc vụng về hơn, bồng bột hơn, có lẽ tôi sẽ nhớ thương chúng hơn. Có thể có cảm giác là Trần Nhã Thụy hơi mơ hồ, không “ráo riết” tận cùng, không có vẻ dấn thân quyết liệt, cả dáng vẻ những cuốn sách cũng… lặng lặng lẽ lẽ. Nhưng cái vẻ lành hiền phủ lên trên văn chương Trần Nhã Thụy, ở khía cạnh nào đó, tiết lộ lòng “yếu đuối” nghệ sĩ trước những khoảnh khắc được phát hiện bất ngờ trong đời sống, thường gặp ở những kẻ mơ mộng về một tình yêu rất lâu và rất sâu những cái đẹp trừu tượng vốn quyến rũ những tâm hồn trẻ; văn chương của những kẻ mơ mộng thường không thời thượng, hay là ngay cả khi thời thế đổi thay, người này người kia giẫy mình lột xác, thì kẻ đó, dù cũng quẫy đạp, cũng bức bối nhưng lại không nỡ bỏ đi cái mộng mơ thầm kín vốn dĩ của bản tính mình.

Tôi nghĩ rằng phải rất kĩ lưỡng với chính mình thì mới có thể sống lơ đãng mà giàu có. Cũng vậy, phải ăn nằm với văn chương đến mức đá vàng thì những nguồn sống ấy mới trôi chảy được trong cái vẻ tự nhiên của câu văn. Đó dường như là cách Trần Nhã Thụy tìm mình trong khi tìm đến cái “tự tính” của đời sống. Cái thì hiện tại với các lát cắt (gợi đến những cách viết truyện ngắn khá “cổ điển”) như cách Trần Nhã Thụy thường đưa người đọc tham dự vào các câu chuyện của mình, tôi nghĩ cũng là một cách làm hiển hiện cái đời sống ở dạng thuần giản chắt lọc. Như thể anh đã tìm được cách yêu cái số phận của mình, cái trời cho mình nên ung dung tự thích. Dù tôi không thật tin một người còn trẻ, lại viết văn, lại dễ dàng mất đi cái nóng nảy, cái bức bối, cái ngột ngạt… Khi đến độ tiêu dao, người ta ắt sẽ không màng tới văn chương nữa mà văn chương vẫn tự đến - đó là một hình ảnh viên mãn đầy chất mơ tưởng.

Tôi thích hình dung những người đang đi trên con đường văn chương với nhiều thất bại, nhiều cao vọng, nhiều ngột ngạt, nhiều vết xước nhưng vẫn thích thú mà đi, hồn nhiên mà đi; đi lúc chậm chậm lúc cuống quýt chạy lúc ngã nhào lúc nằm không bên đường, nhưng vẫn cứ đi theo một tiếng gọi nào mình chưa đến được. Mỗi cuốn sách ra đời trên hành trình đó, ắt là cái bóng của cái bóng của một giọng nói của kẻ viết.

***

Truyện ngắn chắc chắn là một trong những thể loại thách thức. Một người đọc sẽ dễ dàng nhận ra một truyện ngắn – giả mạo, một kẻ giả danh truyện ngắn, hay một cách gọi tên nào đó tương tự. Tôi nghĩ, tiểu thuyết dễ mạo danh/ngộ nhận hơn và có thể dễ được chấp nhận hơn. Người đọc dư sức đọc chơi chơi một tiểu thuyết dài, nhưng chưa chắc đã vượt qua được nỗi ngại đọc một truyện ngắn vài nghìn từ, thậm chí vài trăm từ. Vậy thì cái bí mật của truyện ngắn nằm ở đâu? Khi tôi đọc lại những truyện ngắn/cực ngắn đã viết khá “hồn nhiên” của mình, hay nhớ lại sự khó nhọc để cho ra đời một mẩu ngắn mấy chục chữ hay nghìn chữ, tôi đã phải nghĩ về câu hỏi đó thường trực hơn, để bận tâm hơn về bút pháp, hay “nghệ thuật viết”. Tôi đi đến kết luận: mỗi người viết truyện ngắn phải tìm ra một bí mật của riêng mình, phù hợp với cái tạng viết của mình. Ở văn phong. Ở ngôn ngữ. Ở cách kết cấu. Ở vùng chủ đề ám ảnh. Ở câu chữ. Ở các dấu câu. Vân vân. Ở tất cả những gì có thể. Nó là thể loại tuyệt đối tự do, mời gọi, và đầy thách thức.

Tôi tin Trần Nhã Thụy đã tìm ra một thứ bí mật của riêng mình khi viết truyện ngắn. Anh kể cứ như không những chuyện thường tình có, bất thường có, sắp đặt có, vu vơ có. Những câu chuyện tự nó như trăng chảy trên đồng cỏ, lênh láng mà vẫn nguyên vẹn, tan loãng mà không tan biến mất. Đó là cảm giác của tôi khi đọc những truyện tôi thích hơn cả ở tập Mùi: Băng đầu trọc, Những kẻ câu đêm, Dưới cơn mưa tầm tã. Cũng chính ở đây, cái thực, rất thực, rất đời thường lại trở nên phi thực, ảo ảnh, dù ngôn ngữ và câu chuyện của Trần Nhã Thụy không đi sâu vào thế giới ẩn ức, cũng không chủ ý tạo dựng cái phi thực, cái siêu nhiên. Cái không khí hư thực đó không dễ cảm, dễ phân tích ra, chỉ có lúc nào đó tự nhiên ta chuồi vào, bồng bềnh không ngờ. Như khi lạc vào một bài Đường thi đầy sương, khói, lửa đèn, tiếng chuông mà vắng người, dù người vẫn đâu đó, nhưng là bài Đường thi “hiện đại”,thường mang theo nỗi hoảng hốt bất an về kiếp người và những cú chém ngẫu nhiên của định mệnh dưới “những cơn mưa tầm tã”… (Tôi cũng có cảm giác tương tự khi đọc truyện Làng quê thì mênh mông của Ngô Phan Lưu.) Cái chất “ảo” mà không ”diệu” đó, tôi nghĩ, nó thoát bay ra từ bản tính tâm hồn của một kẻ hay chú ý vào cái tiểu tiết, kẻ có thể nhìn thấy bầu trời trong giọt nước, thấy hình Mị Nương dưới đáy chén trà, thấy trời lộn ngược. Do đó, nhân vật của Trần Nhã Thụy không phải là những “mẫu hình”, cũng không phải những biểu tượng mà giống như các phát hiện hư thực về đời sống thường nhật: chàng bán mía thành người nghệ sĩ thực thụ, anh chàng trẻ măng nằm dài trên xe máy sở hữu cả một góc trời riêng, gã đàn ông dành hàng giờ để đèo con đạp xe lòng vòng và vui với mấy thứ rau càng cua mọc dại nơi sắp mọc lên những biệt thự khang trang, một tay nhà văn phải lòng và chung sống với một cô nàng vì “cái rổ quýt vàng ươm rất đẹp”, mất nàng vì cái tật đặt sách lên bụng hàng đêm và lại có lại được nàng khi quấn quit da thịt nhau trên cỏ thơm trong tiếng cá quẫy vào mặt nước đen thẫm đâu đó khi những kẻ câu đêm như biến mất hoàn toàn… Truyện ngắn Trần Nhã Thụy thường ghim vào người đọc một chi tiết, một cảm giác. Dù có câu chuyện, và nhiều khi câu chuyện khá dài dòng, thì (may sao) chúng cũng dễ dàng tan loãng đi cùng với chữ nghĩa, hay lui xuống bình diện quan trọng thứ mấy, thứ mấy…

***

Tôi đã nghe nhiều người đặt dấu hỏi thất vọng về văn học Việt bây giờ. Kì thực, tôi tin rằng bất cứ người viết/người đọc nào quan tâm đọc văn học Việt Nam, ắt đều phải là những người cực kì kiên nhẫn. Kiên nhẫn để lọc ra đôi chút gì đáng chờ đợi, đáng hi vọng trong một không gian hỗn độn. Rồi lại kiên nhẫn để đi cùng, chờ đợi cùng những chút hi vọng đó những gì đáng để chờ đợi hơn, hi vọng hơn. Kiên nhẫn để nhìn thấy một mạch đi cũng đầy nhẫn nại của những người viết.

Khi đã bớt đi những cảm xúc/suy nghĩ nóng nảy, hồ đồ, tôi không thấy phải bận bịu với những hiện tượng ồn ào và nhận ra còn nhiều người viết văn khác đang miệt mài tìm lối đi trong văn xuôi: Nguyễn Vĩnh Nguyên, Vũ Đình Giang, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Nguyên Phước, Hoàng Long và tất nhiên, Trần Nhã Thụy, và chắc chắn còn những người khác nữa. Thực ra, họ đã ở một thế hệ khác tôi, chỉ cách nhau trên dưới mười năm nhưng nhu cầu về văn chương chưa chắc là cái gì san sẻ được. Tôi vẫn muốn đợi, muốn tìm những người cùng“tìm một cái gì đó” của thế hệ mình.

Luôn có thật ít ỏi những kẻ tìm đường thực sự (dù thất bại hay thành công). Bao nhiêu từ ngữ đầy mới mẻ, khơi gợi và kích thích, như các kĩ thuật, những trò chơi ngôn ngữ, hậu hiện đại… nhanh chóng (có lẽ bị chính cộng đồng viết và đọc) biến thành những chiếc áo bạc màu xấu xí, xơ xác, hay mang vẻ lấp lánh hời hợt. Đu mình vào các khái niệm công cụ thì sẽ chỉ là là bay hoặc bị dúi xuống, chứ rất khó lên cao. Mặc dù yêu chuộng mọi kiếm tìm, tôi đôi lúc lại chỉ muốn xướng to lên (với tôi là một thói không thật hay): chống-cách tân, anti-cách tân, ngừng cách tân, thà như một kẻ bảo thủ tuyệt đối, một con ếch khư khư sung sướng với bầu trời miệng giếng của mình. Bởi tôi nghe thấy nhiều tiếng còi báo động giả về cách tân trong văn học Việt.

Mãi gần đây tôi mới đọc William Saroyan. Truyện “Chàng tuổi trẻ gan dạ trên chiếc đu bay” từ lâu lắm cứ nằm trên giá sách. Tôi nghĩ đây là nhà văn yêu mến của Trần Nhã Thụy, (liên tưởng vu vơ vì anh có một tập truyện có cái tên thú vị “Chàng trẻ măng ở phố treo đầu”). Nhân vật của anh cũng thường là tay nhà văn nhàn rỗi đi cùng những đứa trẻ con để kể những chuyện tưởng vu vơ về cuộc đời, kì thực lại là một cách chiêm ngắm đời sống với “trái tim ở miền cao nguyên”.

Có cảm giác Trần Nhã Thụy đã đủ điềm tĩnh để học và đón nhận nhiều kiểu văn chương khác nhau và khác mình, mà cũng không cần nóng nảy luống cuống tìm bằng được những cách thức làm mới. Văn chương anh đáng được mến yêu và thưởng thức. Chính ở chỗ này, tôi đã thấy văn chương cần thoát ra ngoài mọi quy ước thít buộc nó, thậm chí cần thoát ra ngoài cả nỗi day dứt về việc tìm cái mới. Nếu cứ day dứt mãi, có thể chúng ta sẽ chẳng tìm được gì thêm nữa.

Bây giờ, tôi tin là Trần Nhã Thụy có lí. Tôi nghĩ rằng mỗi người viết cũng cần cảnh giác chính mình với cái gọi là “lột xác”, nhất là lột xác để làm mớ.

(nhavantphcm)

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

ông Chiến 'mắt xanh' bình Dũng Quảng Nam

NGUYỄN VIỆT CHIẾN BÌNH THƠ PHẠM TẤN DŨNG


GIẤC MƠ ĐÀN ÔNG

Phạm Tấn Dũng

Trong giấc mơ ngắn

thường có giấc mơ đàn ông không biết về ranh giới

nhặt những viên sỏi ủ dưới lòng sông mưa ngày

ném trả về phía đại ngàn âm âm tiếng lá vỗ về

tiếng nỉ non ve rừng nuốt cạn bờ sương triền suối

rồi mơ cái nỗi ngâm chân cửa biển

ngửa mặt hứng mưa trời thắt nhịp hoàng hôn

Hòang hôn căn nhà vỏ sò vỏ ốc vỏ bọc

bọc những cái trứng tổ chim thiên di

nở tiếng hót đậu vào sớm mai trôi dạt bãi bờ

nở tiếng huýt gió của loài còng biển

nghe thênh thang nở rộ tháng năm dài

Trong giấc mơ ngắn

thường có giấc mơ em từ trong đi ra

tôi ngoắt bàn tay chạm nỗi ngày

tôi xoay bàn chân chạm nỗi đêm

vẫn không bắt kịp vạt áo bà ba bay về phía núi

giấc mơ đàn ông như con ngựa nhai bóng

Bóng của những mảnh thủy tinh vỡ và chưa vỡ

một thoáng một thời so dây trên cây đàn cổ tò vò

hát khúc trầm hương quê quán

lòng lấm lem mộng mị

Trong giấc mơ ngắn tôi tỉnh dậy

nỗi niềm soi gương

lặng lẽ chôn giấc mơ đàn ông

không biết về ranh giới ./.

KHÔNG LỜI MỸ SƠN

Phạm Tấn Dũng

Nơi ấy nắng lên muộn

nắng xuống chậm

Sông chảy xuôi thì buồn

Lưng song sđầy mốc meo cổ tích

Nơi ấy trang to dần

băng qua mảng trời về phía núi

Tôi lần theo

và bơi ngược những dòng sông

dòng sông dắt tôi

như dắt ký ức mình

nhỏ dần

nhỏ dần

nhạt đi

Nơi ấy phủ đầy hình hài

mùi hăng cỏ dại

phế tích trĩu buồn

buồn như những cuộc tình không sinh không nở

buồn như tiếng gà bí ẩn xưa xa

buồn đến thót tim những trưa đứng bóng

lảnh lót tiếng gà ác mộng nghìn năm

Nơi ấy đèn đã tắt

Tôi ngồi hí hoáy hõm đêm

ngồi như ngồi bên người tình đã từng ôm ấp

những trận mưa quất đau cổ tháp

những vàng vọt nắng quái chiều tà

những chòng vòng nhơ nhớ

lưng sóng đầm đìa phế tích hoang liêu

Nơi ấy với những cơn say chệnh choạng

Tôi với bóng mình ngã nghiêng bóng Tháp

dắt ký ức về gởi em giữ dùm...

LỜI BÌNH

Ngay khi vài bài thơ đầu tiên của Phạm Tấn Dũng mới xuất hiện trên một số tờ báo, tôi đã khá ấn tượng với tác giả này, tuy không hề quen biết. Nhưng phải đến lúcđọc bài thơ " Không lời Mỹ Sơn" của anh, tôi chợt hiểu rằng, tác giả này thật sự đã phần nào thuyết phục được mình, mộtnhà thơ lớp trước. Với cái nhìn của Phạm Tấn Dũng trong " Không lời Mỹ Sơn", anh đã góp phần khắc họa vẻ đệp điêu tàn của những ngôi tháp cổ ở một tầng cảm xúc, một tầng văn hóa khác khi nhận diện: " phế tích trĩu buồn/buồn như những cuộc tình không sinh không nở/buồn như tiếng gà bí ẩn xưa xa buồn đến thót tim những trưa đứng bóng/lảnh lót tiếng gà ác mộng nghìn năm" Những ngôi tháp bí ẩn qua ngàn năm hiện hữu ấy vẫn đặt trước thời gian và lịch sử văn hóa của đất nước này, những câu hỏi không dễ gì giải đáp ngay được bằng những lý giải của khoa học nhân văn và lịch sử. Phải chăng, ở một khía cạnh nào đấy, sự chiêm nghiệm và giải mã bằng cảm xúc của các nhà thơ mới có thể mang chạm đến được đến phần rất nhỏ bé của một nền văn minh- văn hóa đã từng chói sáng rực tỡ đến tột đỉnh trước khi hoang tàn, trở thành những phế tích còn lưu lại tới ngày hôm nay. Và, khi bơi ngược dòng sông cổ tích về miền cổ tháp hoang vu ấy, hình như Phạm Tấn Dũng đã chạm được vào một phần rất nhỏ bé của cái tinh thần thẩm mỹ huyền diệu đã là nên sự bất tử của Thánh địa Mỹ Sơn. Vâng, chỉ một phần rất nhỏ bé thôi, vì trước khi diễn ra:" những cuộc tình không sinh không nở" trong cảm xúc hoài vọng một tác giả thơ hôm nay thì miền cổ tháp linh thiêng ấy, với những biểu tượng phong phú của sự phồn sinh ( Các Linga và phù điêu vũ nữ) đã làm "một cuộc sinh nở" hoành tráng để trường tồn đến tận hôm nay.

NGUYỄN VIỆT CHIẾN

(VNT)

Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2011

rầu...

Thả bộ trên phố

Tôi thả bộ trên phố, không nhất thiết (cũng không thể!) phải bước vào nhà ai cả. Nhưng tôi có quyền ngắm phố, xúc cảm với nhà cửa, công trình của thiên hạ, nhìn phố phường trên đất nước tôi. Bộ mặt đô thị - "Chất lượng sống và chất lượng văn hoá", "Chất lượng tổ chức không gian sống cộng đồng", nhìn từ bên ngoài. Liệu có một đặc trưng, nơi bộ mặt phố phường xứ tôi bây giờ?

QUANG PHỔ

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hai mươi lăm năm sau "Đổi mới", tiền bạc bắt đầu rủng rẻng trong xã hội, ít nhất nó hiện ra ở các đô thị. "Ngập nước" tạm lướt qua, "lô cốt" cũng thế, nhưng "kẹt xe" với những dòng người lố nhố những đầu và đầu giữa "biển" xe máy đều đặn hàng ngày thì rõ là nét riêng có. Ngày càng nhiều những "con đường bia bọt", con đường ăn nhậu, - Những con đường mà người ta tập thể dục bằng môn nâng ly, còn "nhậu sĩ" sinh sôi như lá mùa thu... ra đời ở các đô thị lớn bé. Bỗng một ngày món "lẩu" của người Nam Bộ trở thành "hoàng đế ẩm thực", tung hoành dọc ngang vỉa hè, được toàn quốc hoá. Tất tần tật mọi thứ tinh hoa nông sản, hải sản được xướng danh yêu dấu vào mỗi chiều tà. Tiếng "zdô" trở thành âm thanh gần gũi, nồng nàn, thanh âm của tình Huynh đệ, và của những quan hệ, diễn đàn ngoại giao.

Ai cũng có nhu cầu dạo phố, thong dong thả lòng trên những phố phường, dù thành phố ấy "của mình" hay thành phố "của người". Con phố đẹp, duyên dáng, có hồn, có tình, tử tế, hay có ký ức dừng lại lâu hơn, ngắm kỹ hơn, trở lại nhiều hơn. Có con phố làm ta "cười", có con phố làm ta "khóc"...

Nền kinh tế thị trường trỗi dậy, sống động, quét qua, đường phố bỗng trở thành "những con đường khẩu hiệu". Tất tần tật mọi thứ nhảy múa, đều muốn phô trương, từ cá nhân đến tập thể, băng rôn, panô tràn "xuống đường". Cả phố phường xôn xao quang phổ, nâu đỏ sắc vàng, lục lam chàm tím. "Yếu sinh lý", "Trĩ lươn mạch", "Gia sư tại gia" hay "Hút hầm cầu"... bám vào cả những bức tường nhỏ bé, thân cây mỏng manh chốn công viên. "Khoan cắt bê tông" nơi cây trụ điện chắc gì là "bản sắc" đô thị Việt thời hiện đại. Những lệnh ngôn " Hãy...", "Quyết tâm xây dựng khu phố văn hoá" xuất hiện không chừa thành phố nào, ngõ phố nào, dù bên trong các phố lắm khi là nhịp đời của Quán Karaoke ôm, hay Tiệm cắt tóc kích dục... Xứ Kansai (Kobe) của Nhật Bản nay chắc cũng bất ngờ khi biết Karaoke mà nơi đây sinh ra nhưng sang đến VN thì nó được "bản địa hoá", sống một đời sống khác, nó có thể thành "Karaoke... Ôm". Không hiếm cảnh người phương Tây ngơ ngác nhìn phố phường ta như nhìn những nhịp sống lạ, đầy sinh động nhưng kỳ ảo, "tác phẩm" lạ.

Có vẻ như đời sống văn hoá đang chạy theo không kịp với đời sống vật chất, rằng tự mỗi người hình như bỏ quên và tự hệ thống chăm nom cũng quên (hay loay hoay tìm kiếm giải pháp, hoặc nữa bất lực?). Mọi thứ cứ để "chọn lọc tự nhiên", theo thời gian, cái gì hay- đẹp - đúng -mạnh sẽ đọng lại_ đưa triết lý/qui luật sinh học của Charles Darwin vào đô thị sao?

"CÁT CỨ"

Từ điển Tiếng mẹ đẻ định nghĩa: "Vỉa hè" là phần nằm giữa lòng đường với nhà ở đô thị, là một bộ phận của phố phường, nơi dành cho người đi bộ. Nhưng những cuộc thả bộ đứt đoạn của ai bách phố vì hàng điện tử, may mặc, bãi giữ xe, "phố nhậu"... chiếm chỗ làm vỉa hè hình như khiến cần định nghĩa nó theo từng con đường, tuỳ vào từng hoàn cảnh. Vỉa hè ở đô thị VN cũng có số phận.

Nhưng cái vỉa hè cũng không bằng hình ảnh kiến trúc, nhà cửa đây đó ở các đô thị. Chưa bao giờ nhà cửa ở VN người ta dựng rào, cất tường nhiều thế, đồ sộ thế, cao thế. Ngày xưa ở xứ mình hàng rào ít mảnh chai, các đầu sắt ít nhọn, ít hiểm hơn bây giờ. Giờ đây, ta đã quen mắt với những căn nhà mà cái phần phía trước là những khối sắt thép nuốt chửng hết kiến trúc, tự che lấp bề mặt của căn nhà mà không xót. Có những dãy phố mấy chục căn, hàng trăm căn là hàng trăm "cứ địa", chúng được lồng lại trong những "lồng sắt" không hơn. Không còn sự liên kết không gian, hài hoà nào nữa của những tác phẩm kiến trúc, của dãy phố. Càng "cát cứ" thì lòng người có khi cũng ngăn lại, buồn vui cũng ngăn lại giữa những người hàng phố. Cái tổng thể, không gian đô thị, bộ mặt đô thị, thứ công cộng, trở thành "cõi" riêng, cố riêng đến tuyệt đối. Có vấn đề về an ninh, nên người ta ai cũng tự lo lắng cho cái gì mình đang sở hữu, nắm được, nắm cho chắc. Yếu tố an ninh đã đẩy lùi văn hoá, chối bỏ thẩm mỹ.

Có kiến trúc sư đau đầu: " Bao giờ người Việt chấp nhận sống chung trong phố, sống thật sự, chấp nhận mạo hiểm, hết mình ở không gian phố như thiên hạ Âu, Mỹ, Nhật, Hàn?". Sống ở phố, hộ khẩu ở phường, nhà có số, đường có tên, nhưng người sống không là Thị dân.

Còn những cái lồng sắt trên cửa sổ, ban công, cơi nới để không gian sử dụng được tăng thêm thì dĩ nhiên phần "Kiến trúc" teo lại. Những người bạn Kiến trúc sư của tôi gọi đó là chỗ chui ra chui vào, chứ không phải là nghệ thuật về không gian sống. Mỗi chủ nhà là một "Kiến trúc sư", nên phố xá loạn hình hài, kiểu dáng, linh hồn, cảm xúc. Có phải đô thị vào thời hội nhập thì nhà cửa không cần khoảng lùi, chẳng cần khiêm tốn, chuẩn mực; phải hoành tráng; không ai nhường ai; tất thảy đều chồm ra, "mặt tiền là vinh quang, cao cả nhất" ?

Tư tưởng ăn chắc mặc bền, tận dụng tối đa, tranh thủ triệt để... làm nhăn nhó, teo táp vẻ văn minh, hào hoa của Người Đô Thị, dù từ thời xuất hiện đô thị đầu tiên của nhân loại - Thành phố (vườn treo) Babylon - người Thị dân đã được đề cao, tôn trọng, công dân "chiếu trên".

“THƯƠNG NHỚ ĐỒNG QUÊ”

Ta cũng không khó để bắt gặp những đám rau, mảnh vườn cải, vườn cà trong không gian chật hẹp của nhà ai đó ở phố ngày nay. Có những mảnh vườn nhằm trang trí, cho đỡ nhớ quê của lớp người mới "lên đời" thị dân; nhưng cũng có mảnh vườn quyết liệt nhằm cải thiện tối đa hoa lợi thì hơi lạc nhịp, xót xa. Bởi đô thị là đô thị mà đồng quê là đồng quê, nó khó mà dây dưa, khi giá trị riêng đã phân định. Đô thị có nghĩa vụ cao cả để kéo đồng quê dưới kia đồng hành phát triển, và đồng quê có sự thiêng liêng khi cung ứng nông sản thực phẩm cho đô thị_sự phân công tuyệt vời bao đời nay vậy. Cũng như những chuồng gà không thể "chơi vơi" trên căn nhà lầu, và tiếng lợn kêu không phải là âm thanh làm cho phố... "phố" hơn. Con người dịch chuyển về đô thị là qui luật bình thường, tất yếu và cần thiết, bởi ở đó qui tụ những cơ hội để phát triển, tiệm cận và thụ hưởng đời sống văn minh, học hành, chữa bệnh, giải trí... Trong mảnh đất trống con con ấy, nếu là cây xanh, khóm hoa thì là tín hiệu văn minh, vì cân bằng sinh thái với bê tông. Nhưng đôi khi, nhìn thấy cảnh "đồng quê" xuất hiện nhiều ở phố, thành phổ biến, quá đáng, thì lại là nỗi lo..."nông nghiệp hoá", "nông thôn hoá" phường phố.

Đã hình thành được 700 đô thị lớn nhỏ, với hơn 37 triệu dân đang sinh sống ở đô thị trên toàn VN, nhưng đã được mấy phần trong số họ là "Thị dân" với đầy đủ ý nghĩa của nó, dù theo quản lý hành chánh mà "sổ thẳng" thì dĩ nhiên đều là công dân đô thị ? Ta có thể thông cảm cho ta, vì đất nước nghèo nên lên phố cũng nghèo, thị dân chưa chuẩn bị làm thị dân thì thường ở khoảng giữa, chưa cởi bỏ hết được nỗi nhớ đồng quê_ Ta là cư dân của một đất nước truyền thống nông nghiệp mà. Cần biết gốc gác, nhưng đừng hành xử và kiêu ngạo trên cái nền "Văn minh lúa nước" khi sống ở thị thành. Gia đình có một người "lên phố", lần lượt kéo theo anh em, cháu chít, họ hàng, chòm xóm. Chủ nghĩa "đồng hương" mạnh quá, thắng thế, nhiều khi biến phố thành "làng", sống theo hội, nhóm, giọng nói. Cho dù là Hà Nội, Sài Gòn, hay "Tiểu Paris Đà Lạt"... cũng trở thành nơi để thiên hạ gần xa đi... "Kinh tế mới". Phố phường xáo trộn mãi cư dân, chưa thể định hình nên phong thái, bản sắc. Thậm chí nơi đã định hình phong thái, đặc trưng cư dân như Hà Nội, Huế, Đà Lạt, Sài Gòn... cũng phai nhạt đi. Ai đó chỉ ra rằng phải mất ba đời mới thành "Thị dân", nhưng có người rút ngắn thành hai, cũng có người ngay đời thứ nhất_ bắt nhịp xong. Nhưng rồi vàng son đô thị ấy cũng mất, bị xu thế và thời thế cuốn đi.

Đô thị VN thật tội nghiệp, trên thân thể nó gồng gánh quá nhiều thứ, của cái nghèo, cái lam lũ, cái thiếu khoa học, thiếu nghiêm túc, thiếu khát khao, tính dễ dãi, xuề xoà...của một quán tính từ cái xã hội nông nghiệp cũ xưa lên phố, chạm chân vào hiện đại, hội nhập.

Nhiều khi nhìn cái đô thị hình thành tận thế kỷ XVII Hội An, 36 phố phường xưa ở Hà Nội, rồi phố cổ Bao Vinh ở Huế, đường Đồng Khởi ngày nào, khu Phú Mỹ Hưng nay ở Sài Gòn, hay Trần Hưng Đạo ở phố núi Đà Lạt, nhà cửa trên con đường Biệt Thự ở phố biển Nha Trang, hoặc những tháp Chàm thách thức thời gian trên các ngọn núi phong sương ở duyên hải miền Trung... để thấy thế nào là dựng xây công trình, kiến dựng đô thị, khát khao gầy tạo giá trị cho hiện tại và mai sau. Đô thị cũng cần ... thành tựu, phố phường cũng cần bay lên, cất cao tiếng ca.

Hình thành nhanh những đô thị ăn xổi, lấp đầy vội những con phố tạm thời là để lại những đô thị tật nguyền cho nay mai. Có vị kiến trúc sư nhận định đó là những thành phố "đãng trí", mới sinh ra, chưa già mà đã lẩn thẩn; vì khi dễ dàng phải phá đi, làm lại, không tiếc, là đánh mất ký ức, mà không có ký ức là mất điểm tựa nhân văn_điều thiêng liêng của bất kỳ nơi chốn nào. Người bạn lớn của tôi, Giáo sư kiến trúc Hoàng Đạo Kính cho rằng những đô thị sống vội kiểu ấy sẽ..." là những cô bé Lọ lem mà không bao giờ trở thành Công chúa". Ông bảo, hiện chúng ta chỉ có xây dựng là chính; phố xá đông người lên, nhà cửa nhiều thêm, nhưng... "Kiến trúc" thì ít; và sự thật là chưa có một nền kiến trúc với đầy đủ ý nghĩa của nó. Đó là một bước chuyển bất ngờ, đột ngột, và lộ rõ chưa có sự chuẩn bị. Còn khẳng khái và lo toan như vị kiến trúc sư tài danh hành nghề ở Tp.HCM, Võ Thành Lân thì: " Nhìn phố phường mà nhận ra quan niệm sống, nghĩ suy... của người đời, cộng đồng, xã hội".

Và thả bộ trên phố là cũng có khi để nhận chân, nhìn lại hình hài phố phường xứ sở. Mọi thứ để có văn minh, hiện đại thì phải luôn chuẩn, khoa học và nghiêm khắc, không chấp nhận sự cẩu thả, buông thả, và tầm nhìn ngắn hạn. Đời sống vật chất đang rôm rả ngày nay là cơ hội của Đô thị, của kiến trúc, bởi giá trị đô thị và của nghệ thuật kiến trúc là phát triển trong điều kiện "có tiền" và không gian thời bình. Kiến trúc tử tế, hướng đến giá trị, ắt sẽ kéo theo nếp làm nếp nghĩ, lời ăn tiếng nói là vì vậy, theo quan niệm của người Pháp - một dân tộc tiêu biểu về phát triển kiến trúc và văn minh đô thị từ xưa tới nay.

Nguyễn Hàng Tình

Đà Lạt & nghệ sĩ

Nữ nghệ sĩ độc lập và “Ngôi nhà kỳ dị”

Đã khá nhiều năm mới trở lại Đà Lạt, một trong những địa chỉ tôi chủ động tìm tới là “Ngôi nhà điên”. Chủ ngôi nhà, kiến trúc sư Đặng Việt Nga là một tấm gương làm nghệ thuật miệt mài, độc lập và sáng tạo.

Kiến trúc sư Đặng Việt Nga (bên phải)
Kiến trúc sư Đặng Việt Nga (bên phải).

Tự mình bước đi

Nhiều nhà nghiên cứu và du khách nước ngoài khi nói tới công trình “Ngôi nhà điên” tại Đà Lạt, thường gắn thêm cái mác “Chủ nhà là con gái một nhà lãnh đạo nổi tiếng của Việt Nam”. Rõ ràng sự tò mò càng được nhân lên gấp bội, với tiểu sử tác giả như vậy. Không phải nhà lãnh đạo nào trên thế giới cũng có con là nghệ sĩ đạt tầm vóc quốc tế. Đặng Việt Nga là con gái của cố Tổng Bí thư Trường Chinh. Nhưng sự thực, dường như tiểu sử không ảnh hưởng nhiều đến con đường nghệ thuật của một nghệ sĩ sáng tạo.

Ông Trường Chinh là người duy nhất hai lần giữ chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, được gọi là “Tổng bí thư của đổi mới”. Dưới con mắt của Đặng Việt Nga thì bố của cô là một người cha hiền hậu, rất chiều con cái. Chị nói: “Cha tôi không áp đặt chúng tôi phải học gì, làm gì. Tôi tự chọn con đường cho mình. Khi cha tôi biết tôi chọn nghề kiến trúc sư, lại theo thiên hướng nghệ thuật, cha tôi không phản đối mà ủng hộ với lý do ngành này thiết thực cho đất nước, cho nhân dân”.

“Ông chẳng để lại tài sản gì. Tài sản lớn nhất mà cha tôi để lại, đó là tinh thần say sưa làm việc”. Kiến trúc sư Đặng Việt Nga cho biết chị đã sống tự lập, một mình xông pha từ nhỏ. “Bé tí tôi đã xa nhà. Tôi học trường thiếu nhi Việt Nam tại Trung Quốc từ năm 1951-1954, sau đó sang Liên Xô học phổ thông. Tự tôi phải thu xếp cuộc sống, miệt mài học hỏi để không thua kém chúng bạn”.

Tri thức là ngọn đèn

Chị tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Mátxcơva (1959-1965), sau đó từ 1969-1972 tiếp tục trở lại học và lấy bằng tiến sĩ của Liên Xô.

Trở về Hà Nội, chị công tác tại các Viện thiết kế Kiến trúc của Bộ Xây dựng và Bộ Văn hóa. Năm 1983, Đặng Việt Nga quyết định rời thủ đô Hà Nội, rời trung ương, vốn là mảnh đất mơ ước của các kiến trúc sư, rời những dự án khổng lồ, để chuyển vào Đà Lạt. Khác với ngày nay, Đà Lạt lúc đó kinh tế, du lịch, thậm chí văn hóa đều rất nghèo nàn, thiếu thốn. Thành phố cao nguyên đài các gần như bị quên lãng trong xã hội bao cấp nặng nề. Quyết định vào Đà Lạt của chị khiến nhiều người thấy khó hiểu. Chị sẽ làm gì ở xứ tỉnh lẻ đó?
Giải thích cho quyết định “lên núi” của mình, chị Đặng Việt Nga cho biết: “Tôi yêu Đà Lạt. Chính phong cảnh tuyệt đẹp, khí hậu trong lành, con người hiền hòa và sự yên tĩnh của Đà Lạt đã ảnh hưởng lớn tới quyết định của tôi: ở lại đây cho đến cuối đời”.

Không khí đổi mới đã thổi vào chị một luồng gió. Sáng tạo cá nhân cần được chú ý đúng mức. Người nghệ sĩ phải tư duy bằng cái đầu của chính mình. Chị tiết lộ: “Sau khi đã thiết kế nhiều công trình cho nhà nước, và cũng là do sự thích thú và đam mê trong sáng tạo nghệ thuật kiến trúc của bản thân, giờ đây tôi bắt đầu thể hiện những ước mơ của riêng mình” (Tự bạch của Đặng Việt Nga tại Biệt thự Hằng Nga).

Các công trình của Đặng Việt Nga sáng tạo mạnh mẽ, gây nhiều dư luận trái chiều. “Cha tôi có rất nhiều việc, tôi lại ở Đà Lạt xa xôi, nên cụ chẳng có nhiều thời gian để xem các công trình và góp ý cho tôi. Nhưng cha tôi nói luôn tin tưởng và ủng hộ công việc của tôi” – chị Đặng Việt Nga nhớ lại.

Năm 1988 bố chị đột ngột qua đời. Chị cho biết chị bị sốc trước sự ra đi của người cha, nhưng chị vẫn đứng vững “Tôi đã được rèn tính tự lập từ nhỏ. Tôi cũng tự tin với kiến thức của mình”. Chị cũng nhận ra mình cần sống một cuộc đời mới, đối diện với bản thân: “Tôi nghĩ đã đến lúc phải làm được những gì mình cần phải làm, những gì có ích cho xã hội”.

Sau một thời gian dài chuẩn bị, từ ý tưởng đến cơ sở vật chất ban đầu, Biệt thự Hằng Nga đã được thi công vào năm 1990. “Tôi không có tiền”, chị đã đánh cược cuộc đời vào dự án nghệ thuật của mình, “Tôi vay tiền bạn bè để làm, rồi vay tiền ngân hàng để trả cho bạn bè, vay tiền bạn bè trả ngân hàng, cứ thế mà làm. Lúc nào đầu óc cũng muốn quay cuồng vì nợ nần. Nhưng tôi tự nhủ, mình làm đúng, mình sẽ là người chiến thắng”.

Kiến trúc độc đáo của “Crazy house”
Kiến trúc độc đáo của “Crazy house”.

Ngôi nhà “điên” chênh vênh

“Tôi muốn thay đổi một cái nhìn về kiến trúc” – Kiến trúc sư Đặng Việt Nga nói – “Tôi muốn đưa ra một lối kiến trúc khác, phong phú hơn những tòa nhà thời bao cấp, nhưng cũng khoa học và hiệu quả”.

Ngay từ khi mới xây dựng, Biệt thự Hằng Nga đã gây xôn xao dư luận. Khu nhà không phải hình khối chữ nhật vươn cao mà là mang hình một cái cây cổ thụ khổng lồ, cong queo, cụt ngọn, đen đúa giữa bầu trời sương mù. Trong tòa nhà cây ấy có chứa nhiều phòng, mỗi phòng một hình thù, diện tích khác hẳn nhau.

Như cái tên ban đầu của nó là Biệt thự Hằng Nga, ngôi nhà dường như lấy cảm hứng từ sự tích cây đa trên cung trăng, rất lãng mạn, nên thơ. Nhưng, giữa một thành phố mà phần lớn nhà cửa biệt thự theo kiểu kiến trúc phong kiến nửa thuộc địa được xây dựng từ thời Pháp thuộc với tính chất nghỉ dưỡng thực dụng, Biệt thự Hằng Nga thiết kế độc đáo, phóng túng, bay bổng, phá cách, vẻ như không được lòng nhiều người.

Tên gọi của tòa nhà do vậy bắt đầu thay đổi. Người ta gọi nó là “Nhà cây”, “Ngôi nhà điên”. Thậm chí, do trong khuôn viên có phòng thờ tổ tiên và thờ cụ Trường Chinh nên có người nước ngoài nói quần thể kiến trúc của Đặng Việt Nga là khu lăng mộ!

Lần lên Đà Lạt này, tôi thấy tên chính thức được gắn biển công trình là “Crazy House”, Ngôi nhà điên, như người dân địa phương đã đặt cho nó. Phần nhiều sách báo cũng gọi công trình là “Ngôi nhà điên”. Tiếng Anh, trường hợp này, tính từ Crazy khó dịch là “điên”, bởi “điên” là tính từ thường dùng cho người, động vật hơn là những vật vô tri. Crazy, trong kiến trúc, còn có nghĩa là xộc xệch, không ngay thẳng. Có thể hiểu theo nghĩa “Crazy House” là ngôi nhà phá cách, ngôi nhà xộc xệch, kỳ dị.

Chính vì không “chính quy”, không “ngang hàng thẳng lối” mà ngôi nhà hứng chịu bão táp dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng “những kiến trúc kỳ quái không phù hợp với phong cảnh vốn có của Đà Lạt, phải đập bỏ càng sớm càng tốt”. Đỉnh điểm của cơn cuồng nộ trong dư luận đó là việc công trình kiến trúc “Nhà 100 mái” (tái hiện nguồn gốc dân tộc Việt qua câu chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ) của kiến trúc sư Lữ Trúc Phương bị cưỡng chế đập bỏ.

Kiến trúc sư Đặng Việt Nga nhớ lại: “Nhiều người quyết định phá công trình của tôi vì họ nghĩ là không phù hợp với cảnh quan kiến trúc vốn có của Đà Lạt. Năm 1992, họ đập bỏ công trình của anh Lữ Trúc Phương. Năm 1993, họ sang bên tôi, để đập bỏ nốt. Họ không hiểu những gì tôi muốn làm, không thèm hiểu những thông điệp của tôi, không muốn có một Đà Lạt mới mẻ hơn”.

Giữa lúc ngàn cân treo sợi tóc, cô độc giữa dư luận, tiến sĩ Đặng Việt Nga đã không thể tự mình bảo vệ công trình của mình. Chị chỉ còn một cách, một hi vọng mong manh cuối cùng. “Tôi đã viết một lá thư gửi cho đồng chí Đỗ Mười lãnh đạo khi đó, trình bày về giá trị và ý nghĩa của công trình”- chị thở dài – “Chẳng biết có phải nhờ lá thư thống thiết của tôi hay không, ít lâu sau tỉnh có ý kiến cho tôi được ra mua hóa giá nhà tôi đang ở”.

Khu đất ấy vốn là của nhà nước, chị là người đi thuê. Thời đó ai cũng đi thuê nhà của nhà nước như vậy cả. Được mua rồi, thành của cá nhân rồi, muốn làm gì cũng dễ. Tiến sĩ Đặng Việt Nga kể: “Tôi mừng quá, chạy vạy tiền bạc để mua hóa giá chính cái công trình của tôi. Mừng lắm! dù sao công trình tâm huyết cả đời của tôi cũng không bị đập nữa!”.

Khách tham quan Biệt thự Hằng Nga ngày càng nhiều
Khách tham quan Biệt thự Hằng Nga ngày càng nhiều.

Sáng tạo và thành công theo thời gian

Tôi còn nhớ mười năm trước gặp chị Đặng Việt Nga tại công trình này, khi đó ngôi nhà cây rất hoang vắng, ít du khách. Nó gần như ngôi nhà hoang. Chủ nhà với bộ dạng mệt mỏi, ngồi đan bên cửa, chờ khách, nói: “Bao nhiêu tiền kiếm được tôi đổ vào công trình này. Tôi cứ làm mỗi năm một ít, cho đến khi nào tôi chết. Mấy năm, lại nghĩ ra thêm một hạng mục, lại kiếm tiền để làm”. Chị gần như suy sụp sau những tháng ngày vất vả, đơn độc: “Đây là một tác phẩm không bao giờ hoàn thành, bởi sáng tạo chính là niềm vui của tôi. Tôi cũng cầu mong có đủ kinh phí để thực hiện tiếp các hạng mục của nó, để người ta thấy hết ý nghĩa và vẻ đẹp tôi muốn gửi gắm”.

Giờ đây, ngoài khách sạn hốc cây, lâu đài mạng nhện, các công trình phụ đan cài như dây rừng, đã thêm một ngôi nhà rông Tây Nguyên. Nhìn tổng thể, ta có thể thấy một không gian núi non được tái hiện bằng kiến trúc, bao gồm nhà truyền thống của đồng bào, cây cối, chim muông, hang động… Các công trình mọc lên bao nhiêu, công sức bỏ ra cũng cao lên ngần đó.

“Con người không được tàn phá thiên nhiên, phải bảo vệ và sống chung với thiên nhiên” - chị Nga nói với về ý tưởng của công trình. Chị cũng vui mừng cho biết thêm: “18 năm sau khi cho tỉnh hóa giá nhà, mới đây tôi mới được cấp giấy sở hữu công trình”.

Với diện tích rất khiêm tốn, chưa đến 2.000m2, nhưng “Crazy House” ở Đà Lạt, Việt Nam đã trở thành một điểm đến của rất nhiều du khách trên thế giới. Nó nổi tiếng đến mức có thể tìm thấy hàng trăm trang web nước ngoài nói đến công trình này với một thái độ nghiêm túc. Chị Đặng Việt Nga nói: “Công trình của tôi tồn tại được, một phần là nhờ nghệ sĩ và du khách các nước họ đánh giá cao!”. Có những nghệ sĩ quốc tế đã nhận xét rằng “Crazy House” là cảm hứng sáng tạo cho nhiều người trong số họ.

Rất nhiều tờ báo tạp chí kiến trúc và du lịch danh tiếng xếp Biệt thự Hằng Nga - Crazy House là một trong số các công trình kiến trúc kỳ lạ nhất thế giới. Điển hình là tạp chí People’s Daily của Pháp đã bình chọn Biệt thự Hằng Nga là một trong 10 ngôi nhà kỳ dị nhất thế giới.

Sự kết hợp giữa ý tưởng độc đáo mang tính nghệ thuật hậu hiện đại, với nhu cầu sử dụng, thương mại, du lịch, cuối cùng đã đi đến thành công. Hiện tại, mỗi năm “Crazy house” đón khoảng 100.000 lượt khách tới tham quan, trong đó phần nhiều là khách nước ngoài.

Khách trong nước và nước ngoài đến Đà Lạt, ngoài nhu cầu nghỉ dưỡng, giờ đây người ta bắt đầu đi tham quan. Những điểm tham quan giàu tính nghệ thuật ở xứ sở sương mù thực ra không nhiều, điều đó lý giải vì sao “Ngôi nhà xộc xệch” ngày càng thu hút du khách cả nước ngoài lẫn trong nước. Giá vé vào cổng hiện là 30.000 đồng/ lượt. “Năm ngoái chúng tôi đã đóng thuế cho nhà nước 100 triệu đồng, năm nay dự kiến đóng thuế 200 triệu đồng” – Kiến trúc sư Đặng Việt Nga nói.

Vất vả bán vé, trò chuyện với các du khách đến từ khắp nơi trên thế giới, kiến trúc sư Đặng Việt Nga - con gái rượu của cố Tổng bí thư Trường Chinh giờ đây đã tự tin hơn rất nhiều: “Tôi không thấy mệt mỏi. Bằng kiến thức được học của mình, tôi có niềm tin vững chắc rằng trước sau gì người ta cũng hiểu, cũng đánh giá đúng công trình nghệ thuật của tôi”.

Một số nhận xét về công trình “Crazy House” ở Đà Lạt:

Công trình cho tôi thấy luật pháp Việt Nam đã cởi mở hơn, nghệ thuật đại chúng cũng ngày càng phát triển. Đó là một chuyến khám phá thú vị. (The New York Times).

Rõ ràng Biệt thự Hằng Nga được thiết kế để nhắc nhở bạn về sự hòa hợp của tự nhiên với cuộc sống, môi trường. (Star)

“Tôi thích nghệ thuật và kỹ thuật, và kỹ thuật là sự tổng hợp giữa nghệ thuật và kỹ thuật”- cô nói. (Unusual Travel Destinations)

Nguyên Anh (sưu tầm)

7/2011

(TP)

Trần Nguyễn Anh

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

người... viết

Viết văn và… dầu gội đầu

Lâu rồi, có một nhãn hàng dầu gội bị dư luận chỉ trích vì slogan “Sống là không chờ đợi”. Chung quy cũng bởi tính chất ra vẻ “hiện sinh bề mặt” của nó. Rồi một lần tình cờ, tôi phì cười khi nghe một nhà văn dùng câu slogan đó để nói về nghề viết: “Viết là không chờ đợi”.

Làm sao một câu quảng cáo dầu gội mà có thể diễn tả đúng tình trạng hay bản chất của nghề viết văn được? Nhưng cái nghịch lý buồn cười ấy lại phần nào có sức thuyết phục. Nhất là viết văn trong điều kiện Việt Nam, hay nói cụ thể, là làm một nhà văn ở Việt Nam.

Viết là không chờ đợi. Bởi vì đơn giản, là người ta chỉ viết khi còn có thể lực tốt để duy trì sự tập trung, ngồi vào bàn nghĩ ngợi và theo đuổi sự độc lập trong tư duy, xúc cảm sáng tạo. Có nghĩa là hãy dành thời gian tuổi trẻ để viết.

Cũng có lý. Hầu hết các nhà văn Việt Nam đều có tác phẩm “ghi bàn” ở độ tuổi 25 – 45. Nhiều người có chút hiểu biết về khoa học, lý giải rằng, với thể trạng người Việt, đó là quãng thời gian lý tưởng nhất để sáng tác. Dĩ nhiên, có những trường hợp ngoại lệ: thành công quá sớm (như các nhà thơ trong phong trào Thơ mới), cũng có những nhà văn coi viết như thiền, dưỡng sinh, duy trì được sức sáng tạo lâu dài (như Nguyễn Tuân, Lê Đạt, Trần Dần, Tô Hoài, Nguyễn Xuân Khánh…), nhưng số này không nhiều.

Ngoài ra, một trong những nguyên do dẫn đến sự đi xuống thể chất (kéo theo sự mất tập trung, sáng sủa trong tinh thần ở các nhà văn Việt Nam) đó là họ bị chi phối bởi một đời sống “văn chương tập quyền”, quen được dẫn dắt, lắm hội hè thù tạc, nhiều hội nhóm nhưng ít khuyến khích giá trị sáng tạo độc lập của cá nhân. Hội Nhà văn Việt Nam với gần một ngàn hội viên một năm quay cuồng với các hoạt động hội nghị, toạ đàm, trại sáng tác, gặp gỡ giao lưu, chưa kể hoạt động các hội văn nghệ địa phương luôn có sức hấp dẫn kỳ lạ, khiến những nhà văn bị cuốn hút, dồn sức vào cái gọi là không gian nghề nghiệp, mê đắm trong tâm tình, giai thoại nghề nghiệp mà quên mất công việc chính là viết. Họ dành thời gian và tâm sức dành cho những hoạt động hướng tha, đàn đúm, xây dựng giai thoại và khẩu văn hơn là những cuộc hướng nội kiếm tìm giá trị mới cho trang viết. Họ để thời gian, sức lực và sáng tạo trôi qua hoang phí.

Vậy, cái cơ chế “viết là không chờ đợi” coi vậy mà thật khó. Vì hiếm ai đủ can đảm để: không nộp đơn chờ đợi đến lượt được kết nạp hội Nhà văn, biết chối từ những cơ hội hội hè thù tạc để có dịp tự phóng chiếu mình vào “giới văn nghệ sĩ”, biết khước từ những trại sáng tác với mục tiêu thành công nhất là giải ngân, và, dám thoát ra khỏi những tôn chỉ nào đó chi phối từ bên ngoài văn chương… Cái yêu cầu cơ bản nhất là khả năng biết đóng cửa với trang viết thì hiếm người làm được.

Viết là không chờ đợi, trong tình thế đắng cay khác, còn có nghĩa là không chờ đợi được in. Điều này là một thử thách lớn, đồng thời đòi hỏi ở người viết một tư thế, thái độ rạch ròi. Có nhiều nhà văn vẫn viết đều đặn hai năm một cuốn sách, hầu hết các bản thảo đều có sức nặng đáng kể, được các công ty sách tranh giành nhau ký hợp đồng tác quyền, song mãi vẫn không xin được giấy phép xuất bản. Tác phẩm đóng kho vẫn không ngăn được sức viết ngày càng mạnh mẽ của anh ta. Tiểu thuyết gia Alessandro Baricco, trong cuộc trò chuyện với nhà báo Hungary Lévai Balázs, có một ý khá hay về nghề viết, ứng với trường hợp này: “Viết văn, tự nó đã là một quá trình kỳ lạ, nó cho anh sự tự do tuyệt đối. Chỉ mình anh tồn tại. Ngay cả độc giả anh cũng không nghĩ tới”. Sáng tạo trong cô đơn và ký thác chưa đủ, đôi khi biết dùng phép thắng lợi tinh thần để cười mỉa đời sống kiểm duyệt cũng là cách giúp nhà văn đứng vững với trang viết của mình.

Và một trong những điều mà nhà văn trên toàn cầu đang phải đối diện, đó là quyền lực truyền thông và thị trường bên ngoài tác động lên trang viết. Liệu có thể “viết là không chờ đợi” với một tình trạng cách ly hoàn toàn với những ồn ào về cơ hội thị trường, danh tiếng, truyền thông? Với một thị trường xuất bản eo sèo, với một đời sống truyền thông nhốn nháo nhưng thiếu trầm trọng đời sống phê bình cùng những kênh thẩm định đáng tin cậy, thì giữ được sự bình tĩnh, bản lĩnh và thái độ bên lề, không can dự cũng là một thử thách lớn lao của những nhà văn hôm nay.

Xem ra, “viết là không chờ đợi” khá hợp lý. Nhưng, cuối cùng, cái thông điệp “không chờ đợi” ấy, tự nó lại đối diện với một thách thức mới: khả năng kiên nhẫn đón chờ và nuôi lớn những cuộc bùng vỡ tạo ra đột phá, không vội vàng bung xung ngạo nghễ phình to để rồi tiêu tan như đám bong bóng của thứ dầu gội kia. Đó cũng là một trạng thái “hiện sinh bề mặt”.

Nguyễn Vĩnh Nguyên

(SGTT)

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2011

Ông Biền Áo Trắng

ĐOÀN THẠCH BIỀN:

Chàng hippy thay tên đổi họ

Biền có lối nói chuyện tưng tửng, đốp chát, bí ẩn như một triết gia - hắn đã từng học Cao học Triết Tây Đại học văn khoa Sài Gòn mà. Cay độc như một tay giang hồ, dễ làm người mới gặp tổn thương, vì cách nói như xát vào lòng, chỉ ai có nỗi đau mới hiểu được lòng Biền.

Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng
Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng.

Dưới dưới tàn cây râm mát, ngoài kia là những con đường - phố - phường - ngập tràn khói bụi, cô bé một mình chơi, thỉnh thoảng cô dừng lại nghiêng đầu lắng nghe tiếng chím ríu rít đâu đó trên cành cao, xung quanh là những chiếc trực thăng, xe jeep, xe tăng, súng đạn. Nơi đó người ta đặt tên là Bảo tàng chứng tích chiến tranh nằm ngay ngã tư Võ Văn Tần – Lê Quý Đôn Q3 của Sài gòn.

Nơi ấy có một quán bia, hai gã đàn ông ngồi trầm ngâm nhìn ra ngoài khoảng sân hẹp - nơi những trò chơi của cô bé đang diễn ra dưới mắt nhìn âu yếm của người đàn ông có khuôn mặt lạnh với điếu thuốc ngậm lệch trên môi.

Trên bàn hai ly bia vẫn còn đầy nắng, những chiếc lá rơi hờ hững, và thời gian hờ hững trôi đi, hình như đã hơn hai mươi năm rồi, đứa bé gái ngày ấy bây giờ đã trở thành thiếu phụ. Hai gã đàn ông ngày ấy là tôi - người kia là Đoàn Thạch Biền và đứa bé kia là con gái của Biền.

Ăn nói khó nghe nhưng Biền có rất nhiều bạn, và bạn của Biền thì cũng có rất nhiều kiểu, bạn làm ăn, bạn văn nghệ, bạn bụi đời, bạn nhậu, và cũng có loại bạn “bằng mặt mà không bằng lòng”, tất cả Biền đều chơi được tuốt, hắn tự hào vì lối chơi “hòa nhi bất đồng” nghĩa là chơi mà không đánh mất mình.

Biền nói, với cuộc đời muôn mặt này, với cái buổi hỗn quân hỗn quan, phải thế, “tao mà sống như kiểu của mầy thì chỉ húp cháo”. Phát âm chữ “húp cháo” kiểu Bắc di cư, hắn nói mà như khóc.

Chơi với Biền mới hiểu được nỗi đoạn trường khi hắn cầm cự được với tờ Áo Trắng (AT) mấy chục năm nay, một tờ báo không ra báo, tạp chí không ra tạp chí, nói đúng hơn nó chỉ là một đầu sách của Nhà Xuất Bản trẻ - vậy mà dưới bàn tay phù phép của Biền nó như một tờ Tạp chí của văn chương tuổi mới lớn- và bây giờ - cùng biên tập với Nhà văn Nguyễn Đông Thức - nó là phụ trương của một tờ báo. Nếu không muôn mặt thì tờ AT đứt bóng lâu lắm rồi.

Biền đã ký thác chịu đựng vì nó, với mong muốn có một sân chơi văn chương lành mạnh lãng mạn cho những tay bút tập tễnh mới bước vào đời, AT là mảnh đất không phân biệt vùng miền, sang hèn, lý lịch cũ mới, không cần biết ai ở đâu và làm gì. Biền đọc nếu thấy hay là đăng ngay, thậm chí không cần biết họ mặt mũi ra sao.

Văn trên AT có bóng dáng của Tuổi Ngọc một thời xa xưa, vì Nguyễn Thanh Trịnh (bút danh của Biền trước năm 75) chính là cây bút dạng Love Story một thời xưa kia đó. Từ sau năm 75 đến giờ Đoàn Thạch Biền không viết được nhiều, tôi thì nghĩ Biền đã có đủ với những gì Nguyễn Thanh Trịnh đã xuất bản trước 75, sau này tái bản, với những “Ví dụ ta yêu nhau”, “Những ngày tươi đẹp”, “Tôi thương mà em đâu có hay”... như đã đủ cho sự nghiệp văn chương của một Nguyễn Thanh Trịnh - Đoàn Thạch Biền lắm rồi.

Biền thường hay đọc cho tôi nghe hai câu thơ cảm thán: Đời vốn không nương người thất thế/ Thì thôi ô nhục cũng là vinh... những lúc ấy tôi hiểu hắn đã phải khốn khổ như thế nào để tồn tại vì cơm áo, vì đam mê văn chương mà có lúc phải cầu thân với những kẻ vô vị nhưng có quyền lực, phải nức nở khen tặng những người mình không phục.

Đời của Biền, quán chính là nhà đã mấy mươi năm nay rồi, và Biền đến quán nào là quán đó ăn nên làm ra, khách khứa văn chương làm ăn báo chí của Biền theo đó mà ra vào nộp tiền tấp nập, đến nỗi một tay nhà văn bạn của Biền cũng nổi máu tham mở ra một cái quán, dĩ nhiên Biền là khách ruột.

Báo hại anh em tới nhậu cứ bị tính một thành ba, ba thành bảy – Rồi anh em hãi qúa không dám tới quán đó nữa, nhưng tay nhà văn chủ quán kia cũng đã kip giàu sụ rồi, y tuyên bố - như một tay trưởng giả, từ nay không cần bọn văn nghệ tới quán của tao nữa, tụi nó ồn quá!

Chuyện cũng đã qua lâu rồi, ngày mà chúng tôi lang thang hết quán này đến quán khác. Biền với cái túi lủng lẳng bên mình, ít ai biết trong ấy là một túi tiền, thời ấy không có ATM nên mỗi khi thu tiền phát hành AT là hắn phải lặc lè mang theo, và tòa soạn của AT là những quán nhậu, quán café ven đường, ấy là nơi Biền phát nhuận bút cho anh em cộng tác viên, những lúc ấy anh em vui như lân gặp pháo, những cuộc nhậu triền miên được tổ chức với chút nhuận bút còm cõi, Biền ngồi lặng lẽ nhậu nghe bạn bè gào thét, và kết thúc thì bao giờ hắn cũng là người bao chót, Biền than: cứ mãi như thế nầy chắc tao bán nhà qúa mầy ơi.

Đến đêm hai anh em đèo nhau về - tôi và hắn cùng ở chung trên một con đường ở Q. Tân Bình – với cái bụng đói meo, trong những đêm mưa, quán Mì hoành thánh ở Ngã ba CMTT - Chí Hòa, thành nơi lý tưởng cho hai thằng dừng chân. Biền thường tuyên bố rằng: Tình yêu của người đàn ông hay người đàn bà thường phải đi qua cái bao tử.

Hình như nó là kết quả của việc sau những cuộc ăn uống tưng bừng thì bạn bè người yêu chỉ nhớ tới Biền qua những món ăn chơi mà Biền chiêu đãi và cuối cùng là những cuộc chia tay lặng lẽ như nhân vật nữ xưng Em và Ông trong tiểu thuyết của Biền.

Nhưng có người vẫn nhớ tới Biền và nhớ nhất là... các em –chỉ có các em mới chịu thì thào yêu thương bên tai mỗi khi Biền xuất hiện ở quán nào đó; lại có người chỉ nhớ Biền những khi họ khốn khó, và họ gặp lại Biền thì cũng chỉ để nhậu và... ra đi [!]

Một chân của Biền phải ghép inox, một đêm, một tay đi bão đã bạt vào Biền và cái giá phải trả - Biền không bao giờ đi bộ lâu được, vậy mà vẫn thấy hắn giang hồ khắp nơi từ nam chí bắc, lên rừng xuống biển - trong một lần ra Phan Thiết cùng với con gái , hai cha con Biền suýt chết đuối khi đứa con bị sóng biển cuốn ra xa chìm lỉm – dù không biết bơi – nhưng Biền vẫn lao ra cứu, kết quả cha và con đều bị sóng biển nhấn chìm, khi người ta cứu được thì hai cha con đã suýt chết. Nhưng khi tỉnh dậy hắn vẫn cảm thán như đùa: “Sinh tử thị ba” (sống chết như ngọn sóng), nhiều người chứng kiến không khỏi phì cười vì óc hài hước của Biền – đúng là “chết đến đít cà cuống vẫn còn cay”.

Về chuyện nói chữ thì tôi nghĩ chỉ có Biền nói đâm ngang hơi mà không ai có thể giận được, tôi là thằng khi nhậu vào là lời ra, khi đang thao thao bất tuyệt, bỗng dưng Biền chèn ngang “Mầy nói hay như... chim ấy”, tôi đang ngẩn tò te thì Biền tiếp “hay như chim chích chòe mà”. Nói xong hắn cười hinh hích, những lúc ấy tôi thấy trong khuôn mặt bụi bặm ấy một tình bạn trẻ thơ kỳ lạ.

Tôi vẫn thích Nguyễn Thanh Trịnh hơn Đoàn Thạch Biền, Biền là người làm AT một thời, nhưng một người bạn văn chương, một nhà văn mà tôi tôn trọng thì tôi cũng sòng phẳng rằng: đó là nhà văn Nguyễn Thanh Trịnh chứ không phải một Biền thay đổi khuôn mặt tên tuổi. Đừng buồn gì Biền nhé, khi tôi viết những giòng nầy và trả lại đúng hình ảnh chân dung con người của một thời. “Thôi đừng láu cá nữa tôi/ Một mai hết cá chợ đời còn đâu!” [thơ ĐTB] Thôi nhé Biền.

ĐOÀN THẠCH BIỀN

Hội viên Hội Nhà văn VN

Trước 1975: Dạy học ở Phan Rí. In tập truyện "Ví dụ ta yêu nhau" và truyện dài "Những ngày tươi đẹp" với bút danh Nguyễn Thanh Trịnh

Sau 1975: Công nhân ngành dệt rồi làm phóng viên báo Người lao động TPHCM. Chủ bút tập san Áo Trắng.

Đã in các tập truyện: Tình nhỏ làm sao quên, Bất ngờ phía trái tim, tôi thương mà em đâu có hay, Tôi hay mà em đâu có thương... và tập kịch: Đêm của cỏ

Lột xác với tờ Áo Trắng

Thời gian như một tiếng thở dài, sau những biến cố lớn của Đất Nước - Biền đã chọn cho mình một con đường đi mà không phải ai cũng dễ làm, đó là thay tên đổi họ, từ một nhà văn Nguyễn Thanh Trịnh với hình ảnh hippy tóc dài thời trang, trên trang nhất của Tạp chí Nhà Văn xuất hiện cùng với Duyên Anh - Dương Nghiễm Mậu và các anh tài văn chương miền Nam cũ, với một giải thưởng văn chương Quốc gia lừng danh ở Sài Gòn trước năm 1975 - có người còn gọi đó Giải thưởng Phủ Tổng Thống – chàng hippy lột xác thành một Đoàn Thạch Biền mới toanh không ai biết sau năm 75 và tạo cho mình một tiếng nói – một chỗ đứng có phần nghiêm trang trong xã hội mới cho đến tận bây giờ.

Giờ đây, người ta biết đến một Đoàn Thạch Biền như một chủ biên tờ Áo Trắng, một người làm báo mát tay, một ông nhà văn có mắt xanh với những tài năng trẻ, phát hiện và đưa họ đến với những cuộc chơi văn chương đầy bất trắc.

Giờ thì nhiều người đã thành danh, đã già. Giờ thì ai cũng có thể cười để ngăn mình khỏi khóc, khi cuộc đời mỗi ngày lại dày thêm khói bụi.

Nguyễn Tấn Cứ

(Tiền Phong)

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

Một nhà văn của Đà Lạt

Nhớ Huỳnh Chính

Hồ Xuân Hương - Đà Lạt. Ảnh BN
Hồ Xuân Hương - Đà Lạt. Ảnh BN
Tôi quen Huỳnh Chính* vào năm 1982. Khi ấy, tôi vừa mới nhận việc giảng dạy văn học nước ngoài tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt được mấy tháng. Còn Huỳnh Chính công tác ở Sở Văn hóa - Thông tin Lâm Đồng. Anh vào trường tìm bạn văn. Trường CĐSP ĐL có nhiều cán bộ giảng dạy tốt nghiệp ĐHSP Vinh và rất đông sinh viên là người Nghệ Tĩnh. “Nhất cử lưỡng tiện”, Huỳnh Chính chẳng những tìm được bạn văn mà còn tìm được nhiều người cùng quê hương Đức Thọ, Hà Tĩnh với anh.

Những người quen anh thường gọi anh bằng tên thật Hữu Lợi. Bút danh Huỳnh Chính có từ khi anh in những truyện ngắn đầu tiên trên tờ Văn hóa Lâm Đồng. Huỳnh là tên người cha, Chính là tên con trai đầu lòng của anh. Lấy bút danh Huỳnh Chính, anh tự nhận mình là cái gạch nối giữa hai thế hệ ông và cháu.

Đầu những năm 80 thế kỷ XX, Lâm Đồng chưa có Hội Văn nghệ và Tạp chí LangBian. Nên tờ Văn hóa Lâm Đồng (sau đổi thành Văn hóa Văn nghệ Lâm Đồng) đã trở thành diễn đàn văn nghệ, nơi hội tụ sáng tác của những cây bút tên tuổi ở địa phương lúc bấy giờ và cả sau này như nhà thơ Hà Linh Chi, nhà văn Trần Hữu Lục, nhà viết kịch Phạm Kim Anh, nhà văn Huỳnh Chính, nhà văn Chu Bá Nam, nhà thơ Lâm Tuyền Tĩnh, nhà thơ Phạm Quốc Ca, nhạc sĩ Hà Huy Hiền, nhạc sĩ Trọng Thủy, nhạc sĩ Đình Nghĩ…

Huỳnh Chính sống trong khuôn viên Sở Văn hóa – Thông tin Lâm Đồng. Căn nhà anh được cấp tuy cũ nhưng khá rộng, hai phòng và bếp. Căn nhà ấy nay không còn nữa, thay vào đó là một khối kiến trúc đồ sộ của Trường CĐ Nghề ĐL. Bạn bè đến chơi nhà anh đùa rằng: “Cầm một cành tre gai kéo từ nhà trong ra nhà ngoài không vướng một cái gì cả.” Nghĩa là nhà trống không! Thật ra, thời bấy giờ hầu hết cán bộ, công nhân viên nhà nước, ai cũng nghèo như anh cả thôi. Có được một cái TV cũ, đen trắng đặt trong nhà cũng tạm gọi là có của, là sang trọng lắm rồi!

Huỳnh Chính thường hay đi. Anh đi bộ rất dẻo dai, không biết mệt là gì. “Tour” của anh có thể từ nhà đến Đại học Đà Lạt, từ ĐHĐL sang CĐSP, từ CĐSP đến Chi Lăng, rồi trở về nhà chỉ trong vài ba tiếng. Dạo đó, tôi còn là một gã trai trẻ, độc thân, ham chơi, ti toe học đòi viết lách. Nhà tôi ở gần nhà anh. Thế là tôi trở thành “cái bóng” của anh. Mỗi khi đi đâu anh thường kéo tôi theo. Tôi chở anh trên chiếc xe đạp SGGP của mình. Đạp một quãng. Lên dốc. Thở phì phò. Lại phải dắt bộ. Khi xuống dốc thì xe lao vù vù, bặm môi bóp phanh mà chỉ sợ dây phanh đứt phựt. Nhiều lần Huỳnh Chính bảo tôi vất xe ở nhà, đi bộ cho khỏe, đỡ vướng víu.

Kể cũng lạ, thời ấy tôi không biết uống rượu nhưng lại thường đi với anh - một người rất mê rượu. Rượu đối với anh giống như xăng đối với máy bay, nó giúp anh “khởi động”, giúp anh bắt vào mạch văn, để rồi hào hứng “cày ải” trên những trang giấy trắng hằng đêm. Anh có một sở thích là lâu lâu ghé tiệm thuốc bắc Ngô Như Khương trên đường Phan Đình Phùng, làm một ly rượu thuốc chính hiệu. Người mua đưa tiền và nhận rượu qua ô cửa nhỏ. Uống xong, trả lại ly qua ô cửa và …đi. Tiệm thuốc bắc ấy, bây giờ cũng đã thành dĩ vãng.

Nhiều lúc tôi cứ nghĩ: So với chúng tôi bây giờ, sức uống của anh thật không thấm vào đâu! Nhưng anh hay uống. Uống không cần thức nhắm. Dường như chẳng bao giờ anh quan tâm đến chuyện ăn. Lưng bát cơm, quả su su luộc chấm muối, rồi cũng xong. Sau ngày anh mất, trong “Nhớ bạn Lưu Linh”, nhà thơ Phạm Quốc Ca đã viết:

“Giờ mênh mông bia rượu
Tiệc chỉ thiếu gan trời
Riêng chung bát ngát nhậu
Thì chẳng còn bạn tôi?”

Ngôi nhà của Huỳnh Chính luôn rộng cửa đón bè bạn. Anh cởi mở trong giao tiếp và thích đọc văn của mình, giống như người làm thơ đọc thơ. Anh có thói quen đọc to bản thảo truyện ngắn cho mọi người cùng nghe, cả khi nó chưa hoàn chỉnh. Không cần đợi viết xong truyện, được đoạn nào là anh lại rủ tôi cùng Phan Quốc Lữ (Tiến sĩ Ngữ văn, Trường CĐSP ĐL) và một số bạn bè khác đến nghe, góp ý. Bản thảo truyện ngắn của anh dày cộp. Bởi anh viết trên những mảnh giấy nhỏ bằng bàn tay người lớn. Anh bảo viết như thế rất tiện, không ưng ý là thay ngay. Nếu dùng giấy lớn, muốn bỏ một đoạn, phải chép lại cả trang, rất mệt. Vì vậy, có giấy khổ lớn, anh cũng cứ rọc đôi, rọc tư. Quả là một kinh nghiệm quý cho người viết văn trong thời bao cấp, khi mọi thứ đều khan hiếm, chưa có computer. Những truyện ngắn của anh như “Người vợ chồng tôi”, “Tròng mắt hạt chè”, “Theo con suối chảy về phía mặt trời mọc”… được hình thành từ những xấp bản thảo như thế.

Người ta nói: “Văn là người.” Ngoài đời Huỳnh Chính rất hiền. Anh hay cười. Mỗi khi cười, mặt anh đầy nếp nhăn. Phan Quốc Lữ nhận xét những lúc ấy trông anh giống M.Gorki. Truyện ngắn của anh cũng rất “hiền” và ấm áp tình người. Nhân vật chính là những con người vừa bước ra khỏi chiến tranh với bao nhiêu khó khăn, trở ngại, thử thách nhưng vẫn luôn giữ được tấm lòng nhân hậu như Lân (“Người vợ chồng tôi”), Phúc (“Chúng tôi sống như thế đấy”), ông nội và Phúc (“Mẹ con tôi”) v.v… Diễn biến câu chuyện có thể gai góc nhưng kết thúc thường có hậu. Anh rất ngại để cho nhân vật của mình phải chết hoặc kết thúc đầy bi kịch. Anh nói: “Cái tạng của mình nó thế!”. Một số sáng tác sau này của anh có xu hướng phê phán những hiện tượng chưa lành mạnh trong cuộc sống. Đó là những truyện ngắn “Người được lãnh thưởng”, “Người viết chân dung ông giám đốc”, “Một nỗi buồn chung”… Anh muốn tìm tòi, đổi mới – viết khác cái “tạng” của mình đi. Nhưng cách nhìn người, nhìn đời của anh thì vẫn không thể khác được, vẫn chất phác và đôn hậu.

Năm 1998, từ nơi xa nghe tin anh qua đời. Tôi sững sờ. Không hề nghĩ sẽ không còn được gặp lại anh nữa! Tôi bỗng nhớ cái ngày xa xưa, khi tôi hăm hở mang bản thảo truyện ngắn đầu tay của mình đến… Vừa liếc qua, anh đã nói: “Cái tít này không phải của truyện ngắn.” Anh chăm chú đọc hết truyện. Đọc xong hồi lâu, anh chép miệng bảo: “Viết văn xuôi nhọc lắm! Hay là ông làm thơ đi!” (Anh bao giờ cũng xưng hô với tôi là “ông” và “mình” mặc dù anh chỉ kém mẹ tôi hai tuổi). Tôi sầu não mất mấy ngày.

Những lúc nghĩ đến Huỳnh Chính, tâm tưởng tôi lại vang lên những câu thơ hiếm hoi của anh - “Kỷ niệm một cơn mưa chiều” - qua giai điệu mượt mà của Đình Nghĩ hơn 20 năm trước. Bài hát - bài thơ gợi lại trong tôi những kỷ niệm về một thời rất trẻ từng được làm bạn vong niên với anh:

“Đã có nhiều người nghĩ
Về những cơn mưa chiều
Và đã biết bao nhiêu
Thơ chiều mưa Đà Lạt.

Em có thấy ai ướt
Cơn mưa chiều ấy chưa?
Anh chỉ thấy trời mưa
Rắc đầy đường hoa tím!...”

Đà Lạt tháng 8 – 2011

* Bút danh của Nguyễn Hữu Lợi (1942 – 8/1998). Tác phẩm: “Theo con suối chảy về phía mặt trời mọc”, Sở VH-TT LĐ xuất bản; “Chúng tôi sống như thế đấy”, Hội VHNT LĐ, 2001
Hoàng Trọng Hà



LCL: Đang ở Đà Lạt, mò mạng Báo Lâm Đồng, gặp lại ông bạn già thuở sinh viên. Nhớ, Huỳnh Chính, một người rất rất nhớ của mình mỗi lần nghĩ về Đà Lạt... Nhớ có lần đã trở lại nhà để thắp hương cho anh, mình có viết bài thơ... Mấy lần về Đà Lạt gần đây, mình tá túc VPTT Báo Tuổi Trẻ của Nguyễn Hàng Tình, đường Hoàng Văn Thụ nơi này xưa là Sở VHTT Lâm Đồng, nơi từng "oanh tạc" không biết bao "trận" với anh Huỳnh Chính, Hoàng Tiến Dũng, Minh Tự,... Sao quên được cái thuở sinh viên đẹp như chính cuộc đời này!...

Thể lệ Cuộc thi Tản văn năm 2024 trên Viết SÁNG TẠO

  Công bố thể lệ Cuộc thi Tản văn năm 2024 trên Viết SÁNG TẠO   Thưa bạn đọc bạn văn! Tản văn đang là thể loại thời thượng vì tính chất cập...