Hiển thị các bài đăng có nhãn Phóng sự HÙNG PHIÊN. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Phóng sự HÙNG PHIÊN. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

Thu tiền thăm mộ Hàn?

LCL: Vừa đi Quy Nhơn dự 100 năm Hàn Mặc Tử. Viết vài dòng về Cụ, được ông bạn sửa bút danh Hùng Phiên thành Phùng Hiên (đằng nào cũng... Phiền Hung). 20 năm trước, nhờ làm luận văn "Thi pháp thơ Hàn Mặc Tử" mà mình được ra trường...

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mặc Tử: Còn “sạn” lớn

(Dân Việt) - Nhiều người bất bình khi đi viếng mộ Hàn Mặc Tử (đồi Thi Nhân, TP.Quy Nhơn, Bình Định) bị thu tiền vé vào cổng. Dù tiền vé không nhiều nhưng nó gây cảm giác khó chịu cho người yêu mến nhà thơ tài danh này.

Tại Quy Nhơn, Hội Nhà văn Việt Nam và UBND tỉnh Bình Định vừa trang trọng tổ chức kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ Hàn Mặc Tử (22.9.1912 - 22.9.2012). Đêm 20.9 là một chương trình thơ nhạc Hàn Mặc Tử tại Trung tâm Văn hóa Bình Định. Tại đây, nhiều nghệ sĩ đã trình bày các tác phẩm thơ nổi tiếng, các ca khúc viết về Hàn Mặc Tử; giao lưu với các nhà thơ, nhà văn.
Ảnh trái: Đoàn của Hội Nhà văn Việt Nam viếng mộ Hàn Mặc Tử. Ảnh phải: Vé vào cổng và giữ xe tại Khu du lịch Ghềnh Ráng.
Ngày 21.9, sau lễ dâng hương tại đồi Thi Nhân ở Khu du lịch Ghềnh Ráng, Hội thảo về thân thế và sự nghiệp nhà thơ Hàn Mặc Tử đã diễn ra tại khách sạn Hải Âu (Quy Nhơn), với sự tham gia của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, phê bình văn học trong cả nước.
Tiếp đó, ngày 22.9, cũng tại đồi Thi Nhân, nghệ sĩ bút lửa Dzũ Kha và những người yêu thơ Hàn Mặc Tử trân trọng tổ chức sinh nhật lần thứ 100 của Hàn. Từ lâu rồi, những hoạt động đầy ý nghĩa này đã thực sự đem lại những cảm xúc sâu sắc cho du khách…
Thế nhưng nhiều người dân Bình Định và du khách hết sức bất bình khi Ban quản lý Khu du lịch Ghềnh Ráng (thuộc Công ty cổ phần Du lịch Sài Gòn - Quy Nhơn) tổ chức... bán vé vào viếng mộ Hàn Mặc Tử. Giá vé hiện tại là 8.000 đồng/người, chưa kể tiền giữ xe. Khi chúng tôi thắc mắc trước việc “giăng dây thu tiền” này, các nhân viên của khu du lịch trả lời: Đây là quy định.
Một nhân viên khu du lịch nói thêm: “Nếu vào uống cà phê trong nhà hàng của khu du lịch thì tiền vé vào cổng sẽ được… trả lại. Bất kỳ ai cũng phải thu tiền, bởi nhiều người lấy cớ vào uống cà phê nhưng chẳng uống, chỉ đi… thăm mộ cụ Hàn” (!?). Quả vậy, tại nhà hàng Hoàng Hậu, khi chúng tôi nhận phiếu tính tiền 2 ly cà phê đen với giá 34.000 đồng và đề cập chuyện “giảm giá” thì cô thu ngân yêu cầu nộp 2 chiếc vé, rồi bớt lại đúng 16.000 đồng!
Ngày 15.11.1991, Ghềnh Ráng đã được xếp hạng di tích thắng cảnh quốc gia. Hiện Công ty cổ phần Du lịch Sài Gòn - Quy Nhơn đang quản lý 168ha của khu vực danh thắng Ghềnh Ráng.
Trong khu du lịch, ngoại trừ khu vực mộ Hàn Mặc Tử, khu vực thuê của nghệ sĩ Dzũ Kha để vẽ tranh bút lửa bán cho du khách, còn lại chỉ toàn là hàng quán, nhà nghỉ. Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng – Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Bình Định nêu ý kiến: “Không thể thu tiền ở các khu mộ và chùa chiền. Nhất là với khu mộ của thi nhân Hàn Mặc Tử, một người đã có đời thơ sống tận cùng với nhân quần. Phải để những người đến viếng mộ Hàn Mặc Tử được thư thái, ấm lòng với những tình cảm ngưỡng mộ của mình…”.
Còn nhà thơ Phan Hoàng đến từ TP. HCM thì nói: “Cuộc đời đau khổ với những đóng góp sáng ngời của Hàn Mặc Tử đã làm nên sức hút của khu đồi Ghềnh Ráng. Công ty Du lịch lợi dụng nơi an nghỉ của nhà thơ để thu tiền tham quan là điều không thể chấp nhận được. Tư duy “giăng dây thu tiền” ở các di tích đã lỗi thời rồi. Một khu đồi tuyệt đẹp như Ghềnh Ráng, có nhiều cách “văn minh” hơn để nhà quản lý có thể thu tiền từ du khách”.

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2011

du phóng

Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2011

phóng... 3 Lưu



Ăn tết cùng nhà văn “nông phu”
SGTT.VN - Trước khi viết văn, Ngô Phan Lưu là một nông dân thực thụ, chân lấm tay bùn với mấy sào ruộng và một bầy bò, trước đó nữa thì ông đi học, khoa triết hẳn hoi. Trước đây, ngoài thời gian làm ruộng, ông đọc sách và đi chơi… lung tung chỗ. Bây giờ, vẫn còn đi chơi nhưng chủ yếu thời gian của ông là… cày trên máy tính. Tết Tân Mão này, Ba Lưu... bỗng thành nhà văn (thông báo của hội Nhà văn Việt Nam, chiều 10.1.2011)...
ảnh: nhà văn Ngô Phan Lưu bên hiên nhà
Nông dân không chê ruộng xấu
Có thể nói, giải nhất truyện ngắn báo Văn Nghệ 2007 đã đưa ông từ “bóng tối” ra “ánh sáng”. Bỗng chốc thành người nổi tiếng, truyện ngắn – tạp văn – bài vở… liên tục xuất hiện trên các báo, đài. Đã vậy còn thỉnh thoảng được nhiều phóng viên đến phỏng vấn. Tôi nghĩ, ông sẽ bị một áp lực nào đó vì nổi tiếng, nhiều người tâng bốc, bạn nhậu chèo kéo... Thế nhưng ông tỉnh rụi: “Cứ cho tui là người nổi tiếng nhưng U70 rồi, được nhiều người biết cũng... khoai khoái, chứ chả thấy ảnh hưởng… áp thấp nhiệt đới gì cả! Mà hình như sau “cái vụ” được giải, tui “cày bừa” nhuận bút hiệu quả hơn, bằng chứng là… nụ cười của bà xã tui hình như nhiều hơn!”. Nói dứt, ông khà khà: “Có hỏi gì thì hỏi lẹ lên cha nội, tui còn phải “cào” cái truyện ngắn cho báo tết đã đặt hàng…”
Quả thật, khoảng ba năm gần đây, nhiều anh em theo dõi thấy sáng tác, bài vở của Ngô Phan Lưu xuất hiện dày đặc, đều đều, sòn sòn trên các báo, đài từ nhỏ đến to. “Đỡ” cái là ông không “tha, chê” báo nào. Như chương trình Nông thôn của đài phát thanh Phú Yên đặt ông “sản xuất” mỗi tuần một kịch bản ngắn Gia đình bác Ba, ông chơi tuốt, mấy tờ tin của các ngành trong tỉnh đặt bài theo chủ đề, ông cũng... để em, ngon ơ! Anh em chọc “coi chừng cùn bút… vàng, bút ngọc”, ông đốp lại “cái nào ra cái đó, nông dân mà đi chê… ruộng xấu à?” Rồi ông nghiêm túc: “Có lẽ một đời gắn bó, rong chơi và lắng nghe nông thôn đã dồn đầy trong mình những câu chuyện, những tình tiết buộc phải viết ra, nên phải tranh thủ thôi. Vả lại, nhờ làm ruộng nên dẫu tuổi cao, mình cảm thấy vẫn… chạy tốt. Thế nên anh em nhận xét dạo nay viết nhiều là cũng phải, chữ nó cứ như rần rật trào ra mấy đầu ngón tay. Hồi xưa “cày” bút, giờ “cày” vi tính là sướng quá rồi còn gì, lại nối in-tẹc-néc trong nhà thì còn gì bằng…”
30 bài báo xuân
Xuân Tân Mão này, Ba Lưu đã bước qua tuổi 65 (ông sinh năm 1946) nhưng vẫn còn trẻ chán, hay nói chuyện “cà xốc” làm cho anh em cười bể bụng. Còn cách tết hai tháng, Ba Lưu đã tuyên bố cứng: “Bài tết năm nay như vậy là đã đạt chỉ tiêu, 30 bài lớn, nhỏ! Đó là chỉ nói mấy bài mà ban biên tập các báo đã thống nhất cuối cùng! Nói chung hơn gấp mấy lần làm… lúa!”
Cũng từ ngày chuyển hẳn sang viết lách, để lại đám ruộng cho mấy người em làm, Ba Lưu về ở hẳn trong một ngôi nhà cũ kỹ, nép trong cái hẻm nhỏ trên đường Duy Tân, thành phố Tuy Hoà. Vốn là “học giả nông thôn”, ông ăn tết dung dị nhưng đủ đầy, nhất là các khoản tâm linh, thờ cúng thì khá bài bản. Chậu mai xuân vàng rực là thứ không bao giờ thiếu, hồi trước ít thiệp xuân, ông treo hững hờ lên cành, bây giờ nhiều báo gởi thiệp quá, ông đặt trang trọng… một chồng lên góc bàn khách! Vợ ông khéo tay, tết nào bà cũng làm các loại bánh quê kiểng như bánh thuẫn, bánh tro, bánh đậu xanh… để cúng tổ tiên và tiếp khách. Các khoản thức mặn trong nhà ông cũng luôn nấu theo kiểu đơn giản nhưng đậm đà của vùng nông thôn Nam Trung bộ. Mồi ngon và rượu ngon quanh nhà ông lúc nào cũng có sẵn; nếu chán thịt thà thì cây xoài, cây mận, ổi… quanh nhà ông như lúc nào cũng có trái! Câu chuyện của lão nông – nhà văn cũng ngon lành không kém! Bằng chứng là cuộc rượu xuân nào ở nhà ông cũng vô cùng khí thế văn chương!
Có thể nói, lối viết của Ngô Phan Lưu ngày càng hiện đại, “ma quái” nhưng lối sống của ông không hề thay đổi, vẫn xềnh xàng, nói cười “lác lác” và quý trọng bạn bầu, rảnh việc là ham la cà vô tư tới bến! Vậy mà hơn năm nay, ông chả thèm đi đâu và bỏ hẳn nhậu, thế mới kinh! Thì ra lão Ba bày ra quán càphê tại gia, do vợ ông phụ trách, còn ông... chạy bàn kiêm tán dóc với khách! Không treo biển hiệu nhưng ai hỏi thì ông nói tên quán là “Osaka”, còn anh em văn nghệ gọi là quán “Nổ” (tên sau được nhiều người biết hơn). Nhưng khổ nổi, tại quán ông, có nguyên tắc là không được uống bia!
Nhiều anh em đồ rằng: chắc ông này “hết xái”, mỏi gối giang hồ, bày ra quán càphê để ngồi “góp nhặt” tư liệu từ khách khứa, chứ nghe nói gia tộc Ngô Phan Lưu giàu có tiếng, riêng khoản nhuận báo – nhuận sách của ông thường xuyên tương đương... địa chủ! Chẳng biết nữa, chỉ biết là khi thành hội viên nhà văn Việt Nam, ông “rửa” mỗi bạn văn... một ly càphê miễn phí tại quán “Nổ”. Anh em lại la làng “Ba Lưu keo quá!”, ông hề hề “Tết lại nhà chơi nghen!”...
bài và ảnh: Đào Đức Tuấn


(SGTT)

Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2011

CHƠI GÁO




Du thuyền... gáo dừa

01/01/2011 17:15


Tỉ mẩn xử lý gáo dừa để trang trí du thuyền - Ảnh: Hùng Phiên


Lần đầu tiên ở Tuy Hòa (Phú Yên), một chiếc du thuyền đang thành hình và sẽ được hạ thủy trước Tết Tân Mão. Càng đặc biệt, việc đóng du thuyền này “không một tấc sắt”, nội thất toàn bằng gáo dừa.
Đó là “chiêu” mới của doanh nhân “điên” Phạm Hồng Bình, người đang sở hữu 3 kỷ lục Việt Nam và chủ thương hiệu dòng sản phẩm mỹ nghệ Bình SVC...
Khó khăn lắm, tôi mới thuyết phục được ông Bình cho phép “đột nhập” vào khu vực đang đóng du thuyền Lạc Hồng 1, được rào chắn cẩn thận, nằm ngay trên đại lộ Hùng Vương (TP Tuy Hòa). Ông nói: “Công việc đang gấp rút, bề bộn quá... Anh là nhà báo đầu tiên vào đây”.


Lai lịch con tàu lạ
Theo hồ sơ công trình, du thuyền Lạc Hồng 1 do Công ty du lịch Lạc Hồng (Phú Yên) làm chủ đầu tư, chính thức khởi công vào cuối tháng 11.2009, với tổng vốn đầu tư trên 10 tỉ đồng. Du thuyền được đóng chủ yếu bằng các chất liệu thân thiện môi trường là composite sợi thủy tinh và nhựa tổng hợp; nội thất bằng chất liệu gáo dừa. Theo thiết kế, du thuyền có dáng hình tượng chim Lạc, dài 25m, rộng 5m, cao 6,5m; gồm tầng hầm, tầng 1 và tầng 2; với sức chứa khoảng 120 người, chuyên phục vụ những món ẩm thực bản địa độc đáo và “khuyến mãi” những tiết mục văn nghệ đặc sắc của Phú Yên, miền Trung. Địa điểm hoạt động là khu vực sông Đà Rằng (hạ lưu sông Ba)...
Động cơ nào để một doanh nghiệp “vùng xa” bỏ tiền tỉ đóng chiếc tàu “khơi khơi” này? Ông Phạm Hồng Bình lý giải: “Việc đầu tư đóng du thuyền Lạc Hồng 1 nằm trong chiến lược kinh doanh sản phẩm du lịch mỹ nghệ dừa Bình SVC. Sau 7 năm tạo dựng thương hiệu mỹ nghệ “gáo dừa trên cạn”, chúng tôi quyết định đưa công nghệ sản phẩm “xuống nước”. Thế là Doanh nghiệp Bình SVC “đẻ” ra Công ty du lịch Lạc Hồng, do con trai tôi là Phạm Hồng Bảo làm giám đốc, và bắt tay vào đóng chiếc du thuyền đầu tiên này. Đó cũng là cách hiện thực hóa giấc mơ làm du lịch “không đụng hàng” của tôi”.



"Chúng tôi sẽ tập trung toàn lực để thể hiện sự độc đáo của nét đẹp và công dụng bất ngờ của gáo dừa."- Ông Phạm Hồng Bình



Còn nhớ, những năm đầu thế kỷ này, Doanh nghiệp Bình SVC đã lầm lụi gian truân bao nhiêu để khẳng định tên tuổi bằng sản phẩm mỹ nghệ từ gáo dừa. Ông Bình đã xoay xở mọi cách để xây dựng thương hiệu, trong đó có việc đoạt 3 kỷ lục Việt Nam; ấy là các tác phẩm chiếc bình hoa “Huyền sử đời Hùng”, chiếc đèn bàn “Nguồn sáng Việt” và con chim yến “Biển gọi” lớn nhất làm từ chất liệu gáo dừa. Còn giờ này, ông cho hay: “Vẫn biết làm du lịch từ nơi “hẻo lánh” như Phú Yên là việc cực kỳ khó khăn, nhưng khó thì mới làm! Chuyện làm tàu “nhậu di động” cũng không phải là mới ở Việt Nam, thế nên, muốn “hút hàng” thì chỉ một con đường: khác biệt!”.
Và đây cũng là một cách thể hiện trách nhiệm của một doanh nghiệp góp phần cho sự kiện Năm du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011 và Kỷ niệm 400 năm Phú Yên (1611-2011).



Khu vực đang thi công du thuyền Lạc Hồng 1 - Ảnh: Hùng Phiên



Xưởng đóng tàu giữa phố
Từng chứng kiến nhiều công đoạn đóng tàu thủy nhưng các công đoạn đóng tàu Lạc Hồng 1 đúng là... hơi bị khác. Theo ông Bình, những thủ tục đăng ký ban đầu rất “căng”, bởi việc đóng du thuyền chưa có tiền lệ ở Phú Yên, riêng việc đóng thuyền bằng chất liệu composite cũng khá mới ở Việt Nam.
Doanh nghiệp đã phải thuê những chuyên gia để thể hiện các ý tưởng về con tàu. Rồi một bộ khung bằng gỗ được tạo tác, sau đó lật ngược lên để làm đáy. Trước khi đổ chất liệu composite, phải được tạo “khuôn” bằng đất sét. Làm đáy xong, con tàu hàng tấn này phải được một số xe cẩu lật ngược trở lại, để tiếp tục thi công phần thân. Bản thân chất liệu composite khá nhẹ nhưng chắc chắn, đã được đổ dày thành nhiều lớp...
Điểm độc đáo của tầng 1 du thuyền là một nhà hàng sân khấu được thiết kế - thi công theo kiểu hướng về thiên nhiên. Đầu này là quầy bar, được tạo dáng như xuất hiện từ một gốc đại thụ; đầu kia là sân khấu với bức tranh dừa có chủ đề “Thần biển” và những rễ lòa xòa... trên trời rơi xuống. Thiết kế tiếp theo, tất cả vách, trần, trụ, cửa, bàn, ghế, khu vực vệ sinh... đều được dát... gáo dừa. Công phu hơn, hàng triệu mẩu gáo dừa đã được cắt nhỏ như móng tay, que diêm... để thể hiện sâu sắc thần thái các tác phẩm “muốn nói”. Tầng 2 thì được thi công theo chủ đề “Thần núi”...
Cùng lúc đó, 4 chiếc ca-nô để đón đưa khách lên tàu (hoặc đi chơi “lẻ”) cũng đang được thi công theo kết cấu tương tự “chim mẹ đẻ chim con”...
“Chúng tôi sẽ tập trung toàn lực để thể hiện sự độc đáo của nét đẹp và công dụng bất ngờ của gáo dừa. Cùng lúc đó, không gian, ánh sáng, âm thanh và phong cách phục vụ của du thuyền sẽ làm sao tạo được sự thư giãn thoải mái nhất đối với du khách”, ông Bình cho hay.
Các công đoạn đóng tàu được tiến hành khắt khe, tỉ mẩn; rồi việc tuyển nhân sự các vị trí phụ trách bến bãi, tài công, tiếp tân, nấu nướng... cũng được tuyển chọn, huấn luyện gian truân không kém.
Theo kế hoạch, du thuyền Lạc Hồng 1 sẽ chính thức hạ thủy cách Tết Nguyên đán Tân Mão khoảng 10 ngày.



Hùng Phiên


(TN)

NÚI "ĐỘC"




Hàng “độc” phố núi
Tháng 9 2010 09:00



ảnh: Nghệ nhân trẻ Lê Cao Trọng Đức bên tác phẩm đá Huyền thoại Kim Quy




Vùng gỗ lũa - đá cảnh ở thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) đang là điểm đến hấp dẫn của giới thưởng ngoạn, sưu tập. Trên 10 năm nay, phố núi Hai Riêng đã được nhiều người biết đến như là vùng đất đắc địa của nghệ thuật đá cảnh và gỗ lũa (phần lõi bên trong của các gốc cây cổ thụ khô). Thiên nhiên đã phú cho vùng đất Sông Hinh nhiều tiềm năng về các loại đá đa sắc, đa hình, và những vùng rừng núi cổ xưa đã để lại hàng loạt gốc cây khô mang đường nét độc đáo. Vùng đất mới này lại là điểm đến định cư của người dân từ rất nhiều tỉnh thành. Mỗi người một vẻ, giờ đây đã góp tay tạo ra một làng nghệ nhân sinh vật cảnh phong phú.




Hòn đá Dấu ấn 1.000 năm


Với nghệ nhân trẻ Lê Cao Trọng Đức, con đường đến với nghệ thuật đá cảnh - gỗ lũa là điều rất tự nhiên. Hiện là chủ hiệu may Thành Đức cạnh chợ Hai Riêng, ngoài giờ làm việc kiếm sống, Trọng Đức dành tất cả tâm huyết cho các bộ sưu tập gỗ lũa và đá cảnh của mình. Ảnh hưởng từ truyền thống nghệ thuật của gia đình, Đức đã đến với đá cảnh và gỗ lũa từ khi còn rất nhỏ. Chàng trai này đã vượt qua không ít khó khăn của cuộc mưu sinh để sống với niềm đam mê gỗ - đá của mình. Để mua những gốc lũa, viên đá còn thô về tạo dáng, Đức cũng phải tính toán rất nhiều trong điều kiện chẳng lấy gì làm dư dả. Thế nhưng niềm đam mê gỗ - đá đã làm cho anh dường như quên đi tất cả để lao vào cuộc chơi kỳ thú, đặc biệt là bộ sưu tập độc đáo Hồn thiêng đất Việt với chủ đề hướng về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trong đó, nổi bật là bộ tác phẩm lũa Long phụng hòa minh gồm 4 hình tượng rồng các triều đại Lý - Trần - Lê - Nguyễn; hay các tác phẩm lũa, đá Vượt vũ môn, Tứ linh hội tụ, Huyền thoại Kim Quy, bản đồ Việt Nam bằng gỗ lũa…



Tác phẩm đá Dấu ấn 1.000 năm - Ảnh: Hùng Phiên




Hội hoa xuân tỉnh Phú Yên năm Canh Dần 2010, Lê Cao Trọng Đức thuê xe "hạ sơn" về dự và đoạt ngay 5 huy chương vàng, trong đó, tác phẩm Dấu ấn 1.000 năm được giới chơi đá đánh giá là một tuyệt kỹ của tạo hóa. Viên đá cảnh hình trái lê này nặng gần 1 tạ, cao 50 cm, dài 50 cm. Điểm độc đáo là bên trái của tác phẩm có vân đá tự nhiên chấm phá hình rồng đời Lý, bên phải hiện rõ con số 1.000 như là của "Trời ban" cho tấm lòng những nghệ nhân đất Phú Yên hướng về cội nguồn dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Lê Cao Trọng Đức hào hứng cho biết sắp tới sẽ đưa Dấu ấn 1.000 năm đi triển lãm tại Hà Nội cho thỏa ước mong góp sức cho đại lễ của dân tộc.




Những chiếc bàn đồ sộ từ gốc cây


Tại Hai Riêng, giới thưởng ngoạn còn thật sự bất ngờ trước vẻ đẹp lạ lùng của những chiếc bàn đồ sộ từ gốc cây của nghệ nhân Đinh Văn Phụng. Nhìn những chiếc bàn này, không thể biết người ta dùng làm bàn để ngồi ăn uống, làm phản để nằm hay là thuần túy để ngắm chơi… vì nó có kích cỡ quá lớn, mỗi phần của bàn thực sự là những tác phẩm chuyên biệt, với đường nét tự nhiên của gốc rễ đại thụ. Hiện ông Phụng dành 3/4 diện tích nhà trên 100m2 tại số 57 Trần Hưng Đạo (thị trấn Hai Riêng) chỉ để đặt 2 bộ bàn làm từ một gốc gỗ hương gai. Chiếc lớn cao 0,76m, mặt dài 3,6m, rộng 3,2m; nếu làm bàn, có thể ngồi 30 người, nếu làm phản thì 15-20 người có thể nằm! Chiếc nhỏ được chế tác từ thớt trên của gốc cây làm chiếc lớn, có chiều cao 0,69m, mặt dài 2,1m, rộng 1,5m. Ngoài ra ông còn đang tập trung chế tác 2 chiếc bàn rất lớn từ một gốc cây sao.




Vườn đá cảnh, gỗ lũa


Đến nhà nghệ nhân Trần Đình Pháp, nhiều người một lần nữa thán phục trước số lượng lớn và tạo tác công phu của hàng trăm tác phẩm gỗ lũa và đá cảnh. Gia đình anh Pháp hiện đang sở hữu một trong những bộ sưu tập gỗ - đá cảnh có giá trị nhất ở Phú Yên. Chẳng những anh Pháp mê tác tác phẩm gỗ - đá, mà vợ anh - chị Đoàn Thị Hà - cũng tâm đắc không kém khi cùng chồng lặn lội nhiều nơi để săn lùng nét đẹp nơi chốn hoang sơ… Nghệ nhân Trần Đình Pháp cho hay: chính tiềm năng dồi dào và không gian khá trầm mặc của vùng núi Sông Hinh đã "đưa đẩy" các anh đến với nghệ thuật gỗ lũa và đá cảnh. Thế nhưng địa bàn xa xôi và tác phẩm thuộc loại cồng kềnh nên còn gặp khó khăn trong việc giới thiệu rộng rãi cho giới thưởng ngoạn, sưu tập.


Hùng Phiên


(TN)

Thứ Tư, 28 tháng 1, 2009

Nổ quê





Phú Yên: Dân lao động "thắng" Tết
25/01/2009 16:01
Một điểm nấu bánh tét-bánh chưng để bán ở Tuy Hòa
(TNO) Phải đến cạn ngày tất niên Mậu Tý, ông Trần Ngọc Thơ (tự Bảy Thơ, 54 tuổi), một nông dân trồng hoa ở làng Ninh Tịnh, P.9, TP Tuy Hòa (Phú Yên) mới thở phào khoan khoái: “Thắng, thắng lớn! Mưa gió dập vùi, tưởng vụ cúc năm nay “đi đứt”, vậy mà được hoa, được giá. Có hậu, có hậu!".
Vụ cúc pha lê cho Tết này, ông Bảy Thơ “đánh” trên 500 chậu. Chỉ thuộc hàng nhà vườn trung bình ở Phú Yên, nên với ông đây là “canh bạc” lớn. Mọi năm, nhà ông chỉ “chơi” khoảng 200 chậu cúc và 100 chậu thược dược nhưng “Ế tàn ế mạt, tới gần giao thừa, tôi tức quá đập một mớ chậu, vợ con cản nên mới trút bỏ hoa, thu hồi về ít chậu. Chớ chú thấy vầy sao không tức: đầu tư bình quân phải gần 30.000 đồng mới trồng được chậu hoa, vậy mà khách hàng chỉ trả giá từ 20.000 đồng/chậu trở xuống!”.
Riêng vụ hoa Tết Kỷ Sửu, tính đổ đồng 60.000 đồng/chậu, gia đình ông Bảy Thơ bỏ túi ít nhất 30 triệu đồng, số tiền thật sự ý nghĩa đối với một gia đình nông dân ở Phú Yên!
Thế nhưng, tiền thu Tết của ông Bảy Thơ chẳng thấm tháp gì so với ông Đặng Phong Dinh (45 tuổi, ở Ninh Tịnh, Tuy Hòa) chuyên nghề trồng mai xuân. Những ngày giáp Tết này, chưa bao giờ thương lái với hàng đoàn xe tải từ các tỉnh, thành Tây Nguyên, miền Nam, miền Bắc… về Phú Yên săn lùng hoa nhiều đến thế. Vườn mai trên 5 năm tuổi của ông Dinh bỗng dưng quá... đã! Không còn cảnh bị “áp đặt” giá cả như mọi năm, vợ chồng anh Dinh đã có quyền định giá bán mai.
Gia chủ cứ thế ngồi tại vườn ra giá: 800.000-2.000.000 đồng/chậu mai (cao hơn năm 2008 từ 200.000-500.000 đồng/chậu), bỏ túi “khoẻ re” trên 100 triệu đồng!
Ông Trần Văn Thu, Chủ tịch Hội Làm vườn Phú Yên thì rung đùi phân tích: “Có thể nói vụ hoa Tết Kỷ Sửu ở Phú Yên là một thắng lợi toàn diện! Thời tiết bất lợi hơn hẳn mọi năm nhưng tay nghề, sự đầu tư của nhà vườn đã được nâng cao nên chẳng hề gì. Năm nay, nhà vườn cũng chủ động bắt tay thương lái để “luân chuyển” một lượng lớn hoa - cây cảnh ra các tỉnh, thành khác nên ít còn cảnh đọng, ế hàng như năm rồi. Thế nên nhà vườn, nhà buôn và người bán lẻ cùng thắng!”.
Những chậu quất cuối cùng ở Ninh Tịnh (Tuy Hòa) đang lên xe ra Bắc
Với gia đình bà Nguyễn Thị Nhung (56 tuổi, ở thôn Quy Hậu, xã Hòa Trị, H.Phú Hòa, Phú Yên), một vụ lúa đông - xuân mưa ngập kéo dài phải sạ đi sạ lại 3 lần, tưởng như ngã quỵ, thế nhưng Tết này nhà có đến 2 thùng bia lon! Ấy là nhờ gia đình bà còn có nghề phụ là làm đậu miếng; giáp Tết lại còn “bắt được độ” gói bánh tét, bánh chưng để cung ứng cho các tỉnh Tây Nguyên. Thế là… hết buồn, sắm Tết xong lại còn dằn túi trên 3 triệu đồng!
Hiệu tạp hóa Vĩnh Khương, hiệu quần áo may sẵn Phúc Thịnh, hiệu sách Thời Đại, cửa hàng điện thoại di động Anh Phương,… trên đường Phan Đình Phùng, TP Tuy Hòa (Phú Yên) đều cho biết: tưởng thua mọi năm nhưng đến lúc này “dòm lại” đều kinh doanh đạt khá hơn dịp Tết Mậu Tý qua. Theo bà chủ cửa hiệu Phúc Thịnh, thời tiết giáp Tết năm nay bỗng dưng quá lạnh, thế là bên cạnh các loại quần áo khác, đồ ấm bán chạy.
Ông chủ hiệu Vĩnh Khương thì cho hay: thấy thời khí mưa gió liên miên, ngỡ nông - ngư dân không đi mua sắm Tết, thế nhưng kết sổ vẫn thấy hàng thực phẩm - giải khát lại bán mạnh hơn năm trước...
Trước giờ giao thừa, PV Thanh Niên dẫu theo dõi từng biến động trên địa bàn trong năm nhưng vẫn thật sự bất ngờ trước tâm sự hài lòng của những người dân lao động mùa Tết Kỷ sửu. Sự năng động, ý chí quyết tâm vượt qua bất lợi để có một cái Tết no đủ của người dân Phú Yên thật đáng khâm phục!
Hùng Phiên

Thứ Hai, 10 tháng 11, 2008

Hưởng liên hệ Cục Dạy nghề nhé!


Chàng trai tật nguyền bị làm khó

BÍCH ĐÀO
Châu Đình Hưởng thẫn thờ bên dàn máy tính phủ bụi tại nhà.


Xin thành lập cơ sở dạy nghề miễn phí cho người đồng cảnh ngộ nhưng không được chấp thuận vì không tuân thủ pháp luật dạy nghề.
Tay chân gần như liệt hẳn, chàng trai Châu Đình Hưởng, 26 tuổi, hiện sống tại khu phố 3, phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa (Phú Yên) đã vượt bao khó khăn, mặc cảm để theo đuổi học hành thành nghề. Thế nhưng hai năm rồi, ước mơ cháy bỏng về một cơ sở dạy nghề cho người cùng cảnh ngộ của Hưởng đã không thành hiện thực...
Mở cơ sở dạy nghề miễn phí
Mới bốn tuổi Hưởng bị sốt bại liệt, liệt hai chân và cánh tay phải, chỉ còn cánh tay trái ngo ngoe được một số thao tác đơn giản.
Thương con nên khi nhiều người khuyên cho Hưởng “ở nhà đuổi gà chớ học hành chi cho tốn kém”, bà Cao Thị Lan - mẹ Hưởng vẫn quyết lòng chắt bóp cho con “lê lết” học từ trường làng, trường xã, trường huyện, rồi vào tận Sài Gòn theo học ngành công nghệ thông tin. Những lúc được bạn bè, người thân cõng trên lưng, bồng bế lên xuống xe để đi lại, Hưởng luôn nung nấu một khát vọng tự giúp mình và giúp đời.
Đang là sinh viên ngành tin học Trường cao đẳng Công nghệ quản trị doanh nghiệp TP.HCM, Hưởng đã tham gia làm việc tại nhiều đơn vị ở TP.HCM. Ra trường, anh có việc làm ổn định tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, Nhà Bè. Thế nhưng Hưởng đã quyết định trở về quê bên người mẹ già với ước mơ mở cơ sở dạy tin học ứng dụng và Anh văn giao tiếp miễn phí cho trẻ em khuyết tật.
Mục đích của Hưởng là vừa dạy nghề vừa tạo việc làm cho trẻ em khuyết tật bằng dịch vụ vi tính văn phòng, Internet tại cơ sở này, từ đó sẽ có nguồn thu để trang trải cho cơ sở hoạt động. Vay vốn ngân hàng, người thân và cả vay nóng bên ngoài được hơn 70 triệu đồng, Hưởng đổ tất cả vào sắm 10 chiếc máy tính cũ, bàn ghế và thiết bị phụ trợ. Anh còn thuyết phục một người chị tham gia vào phục vụ ăn ở tại nhà cho các học viên khuyết tật ở xa. Mẹ Hưởng thì vui mừng dành hẳn hai phòng rộng rãi nhất trong nhà để con thỏa nguyện ước ao...
Thế nhưng mọi chuyện đã bị... dội nước lạnh!
Dự ước bao giờ thành?
Tháng 5-2007, Hưởng nộp đơn cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên xin phép thành lập cơ sở “người khuyết tật dạy nghề cho người khuyết tật”.
Một thời gian sau, Sở LĐ-TB&XH Phú Yên đã cử người đến kiểm tra và kết luận: Chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất, cần bổ sung trang thiết bị, giáo viên... Thế là Hưởng và mẹ phải chạy vạy vay thêm vốn để mở rộng phòng ốc, gia tăng trang thiết bị và liên hệ thêm giáo viên. “chạy” xong rồi Hưởng tiếp tục thăm nom chờ đợi. đến tháng 8-2007, Sở LĐ-TB&XH Phú Yên trả lời: Tháng 7-2007 đã có quy định mới về thành lập cơ sở dạy nghề và cơ sở của anh Hưởng tiếp tục chưa đủ các điều kiện để mở (!).
Bí quá, anh làm đơn xin mở dịch vụ Internet vừa để tận dụng số máy tính đã sắm và để tiếp tục hy vọng mở được cơ sở dạy nghề. Thế nhưng cơ quan chức năng lại lắc đầu với lý do: cơ sở của anh cách một trường tiểu học 150 m trong khi theo quy định phải cách xa trên 200 m!
Thời gian này, một số báo, đài địa phương đã phản ánh những bức xúc của Châu Đình Hưởng với mong muốn “kêu” cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn giúp anh. Thế nhưng khi báo chí lên tiếng, ngày 24-10-2007, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phú Yên Nguyễn Hồng Hải (nay đã nghỉ hưu) có công văn gửi cơ quan báo chí tại Phú Yên. Sau khi ghi nhận “Đây là một tấm gương tàn tật biết vượt khó và có ước mơ mở cơ sở dạy nghề để dạy cho trẻ em tàn tật; một ước mơ, một việc làm rất chính đáng và có ý nghĩa giá trị nhân văn rất quý báu”, công văn này viết tiếp “ông Châu Đình Hưởng phản ánh với báo, đài là muốn đem ước mơ của mình mau thành hiện thực nhưng không tuân thủ pháp luật dạy nghề quy định và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn...”.
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Lãng - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phú Yên, ông cho rằng có biết việc này và hứa sẽ tìm cách tháo gỡ, hỗ trợ cho Hưởng. Thế nhưng đến giờ vẫn chưa thấy động tĩnh gì trong khi Hưởng đã gần như tuyệt vọng trước khoản nợ đang phải gánh cùng với dàn máy vi tính đang bị phủ bụi theo thời gian!


Ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH):
Nhà nước có chủ trương khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân mở cơ sở dạy nghề dành cho người khuyết tật. Cơ quan các cấp phải tạo điều kiện cho việc thành lập các cơ sở dạy nghề dành cho người khuyết tật. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng đào tạo, các cơ sở dạy nghề phải đạt được những tiêu chuẩn nhất định về quy mô diện tích, giáo viên.
Trường hợp của Châu Đình Hưởng có thể gửi thư lên Cục Dạy nghề để được tư vấn cụ thể. Tôi cho rằng một người tàn tật có khát vọng xây dựng một cơ sở dạy nghề cho người cùng cảnh ngộ là rất đáng quý. Nếu chưa đủ điều kiện thành lập cơ sở, Hưởng có thể lập một đề án trình cơ quan có thẩm quyền (UBND thành phố hoặc UBND tỉnh tùy theo phân cấp ở địa phương). Nếu đề án đủ khả thi và được duyệt, cho phép thành lập, Hưởng có thể làm đơn xin vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện.


(Bap Pháp Luật TP HCM)

Thứ Tư, 10 tháng 9, 2008

Phóng cái sự họp hành

Hãi… họp!
HÙNG PHIÊN

Trong cuộc sống, hầu như mỗi người đều có một nỗi sợ nào đó, ví dụ: sợ cha mẹ, sợ lãnh đạo, sợ thiên tai hay như là sợ vợ chẳng hạn. Thế nhưng tình cờ trò chuyện với một anh bạn công chức, tôi hỏi “ông sợ gì nhất?”, trả lời “họp!”. Anh bạn tôi hiện là trưởng một phòng chuyên môn cấp huyện, nhân bàn đến chuyện họp, anh tỏ lòng: không ai phủ nhận sự cần thiết của việc hội họp nhưng nói thật cái tư duy hành chính ở ta lâu nay là việc gì cũng họp, không có nội dung gì cần bàn cũng họp, bởi có quá nhiều cuộc họp định kỳ và đột xuất, không họp thì không được.
Theo anh, chẳng những khi đi làm nhà nước mới phải bị họp nhiều, ngay cả ngày nhỏ đi học ở trường cũng họp lớp, họp tổ, họp đội… liên tục; lớn lên một chút thì lắm khi họp đoàn thanh niên, hay thay mặt gia đình đi họp thôn, họp hội nông dân, cùng nhiều cuộc họp khác nữa của địa phương và các đoàn thể mời, triệu tập liên tục. Còn bây giờ thì anh thống kê sơ bộ: với vai trò trưởng phòng, mỗi tháng anh phải tham gia hàng chục cuộc họp định kỳ trong cơ quan như họp với các tổ chuyên môn, họp cấp ủy, chi bộ, công đoàn, đoàn thanh niên,… kế đến là giao ban ủy ban, huyện ủy, ngành cấp trên triệu tập về tỉnh họp; nửa năm, cuối năm là các cuộc họp bình xét thi đua, sơ-tổng kết của cơ quan mình và hàng loạt cơ quan bạn,… cuộc nào cũng khó thể từ chối, mà đi chủ yếu là ngồi một chỗ khá mỏi mệt, rồi lại phải ăn uống nhậu nhẹt... Đó là chưa kể các cuộc học nghị quyết, triển khai văn bản mới, các cuộc họp đột xuất của cấp huyện và ngành cấp trên triệu tập. Anh thú thật: hầu như ngày nào mình cũng có cuộc họp, vào những lúc cao điểm thì có ngày 4-5 cuộc họp, đó là anh đã giao nhiều cuộc cho cấp phó đi dự. Lại còn cái nỗi khổ đau xương khớp, béo phì, dạ dày… do ngồi nhiều, ăn nhậu liên miên, người lúc nào cũng sần sần, bệ rạc do lượng “nước chân” lúc nào cũng róc rách trong người. “Tui cũng chả phải là người hay bia rượu nhưng đã đi hội nghị thì phải dùng cơm, nâng ly vì quan hệ, công việc không thể từ chối được. Cái lệ ở nhiều địa phương là thế, dù trên có cấm nhưng rồi đơn vị cũng tìm cách làm bữa cơm có kèm… chai, ly. Bia rượu đến nỗi mình cũng ngán mình chứ nói gì đến vợ con!”. Họp hành chiếm thời gian và mệt mỏi đến nỗi nhiều tháng anh chẳng còn thời gian bao nhiêu để lo cho việc điều hành chuyên môn; đôi khi có mấy mấy công việc nhà mà cũng hẹn nay hẹn mai, nói gì đến việc xem thông tin, đọc sách để nâng cao kiến thức chuyên môn hay những vấn đề ưa thích. Trò chuyện thêm một lúc lâu, anh trút thêm: hồi mới đi làm cũng… ham họp thật, thấy “ý kiến ý co, cãi qua cãi lại, đề nghị đề ngiếc, phê bình phê biếc…” người này người kia, kể cũng oai oai; nhưng rồi “mài đũng quần” họp hành nhiều quá riết rồi sợ, thấy người ngượm, đầu óc như ngày càng mụ mị mà không biết cách gì… giải thích? Anh tiếp: có mấy cha mình quen rất mê họp, mê đến nghiện ngập, họp suốt ngày-suốt tuần-suốt tháng-suốt năm mà chẳng thấy than thở… nhiều nhặn gì cả, tài thật!?
Một ông cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp huyện thì thống kê với tôi những cuộc họp anh phải tham dự, điều hành còn chóng mặt… hơn nhiều! Cũng không thể thiếu các cuộc họp tương tự như anh bạn trưởng phòng của tôi nhưng với vai trò lãnh đạo huyện, ông còn kiêm hàng chục chức danh của các hội đồng này, ban quản lý kia… Nói như ông là họp không kịp thở: đôi khi anh em, bà con hay các nhà báo hẹn gặp mà vướng cuộc họp thì đúng là dễ bị trách móc, trong lúc không thể thanh minh thanh nga gì được. Còn nhiều vị lãnh đạo ở các cấp cao hơn thì cũng phải sống chung với tần suất họp dày đặc không thể nào rứt ra được. Nhiều người dân ở tỉnh cho hay: xem báo, nghe đài mới biết cơ quan nhà nước tổ chức quá nhiều cuộc họp, hình như cán bộ chỉ làm mỗi việc đi họp?
Một thống kê cho thấy: lãnh đạo các sở, ban, ngành của TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày tổ chức một cuộc họp. Năm 2007, huyện Bình Chánh tổ chức tới 664 cuộc họp. 6 tháng đầu năm 2008, huyện này tổ chức 325 cuộc họp, giảm được 16 cuộc so với 6 tháng đầu năm 2007, nhưng tính ra bình quân 1 ngày cũng tới 2 cuộc họp. “Lạ” nữa, ở Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh: nửa năm qua, sở này tổ chức tới 1.270 cuộc họp, bình quân mỗi ngày tới 10 cuộc. Tính chung, cán bộ đầu ngành ở TP Hồ Chí Minh tốn mất từ 70 - 80% thời gian làm việc trong tuần cho các cuộc họp…
Không riêng gì TP Hồ Chí Minh, mà các địa phương khác, các bộ, ngành, đoàn thể cũng mắc chung căn bệnh nan y là triền miên hội họp, gây lãng phí biết bao sức người sức của. Căn bệnh này đáng được báo động mổ xẻ và tìm thuốc chữa trị. Trong khi vấn đề họp trực tuyến chưa thể áp dụng rộng khắp thì cần phải tăng cường trách nhiệm, năng lực tự quyết của người quản lý, chứ nhiều nơi luôn bám vào hình thức lãnh đạo tập thể để lấy những cuộc họp làm biểu quyết thì tình trạng họp nhiều vẫn khó thể khắc phục nhanh chóng được.
Nhiều vị lãnh đạo đã phát biểu: chúng ta đã nói nhiều đến giảm họp, nâng cao chất lượng từ cuộc họp, nhưng trên thực tế chưa thực hiện được bao nhiêu. Có quá nhiều cuộc họp không cần thiết lãnh đạo các đơn vị phải dự. Tuy nhiên khi cử cán bộ đi, cán bộ lại không dám quyết định, chỉ phát biểu thu nhận ý kiến sau đó về báo cáo. Những cuộc họp không cần thiết như vậy gây mất quá nhiều thời gian và tiền của.
Riêng bản thân tôi là một công chức hành chính cấp tỉnh, không có chức tước gì nhưng các cuộc họp từ phòng chuyên môn, chi bộ, đoàn thể, cơ quan, học nghị quyết, chính sách mới, các cuộc họp chuyên đề, họp đột xuất, họp khu phố, sinh hoạt đảng tại nơi cư trú,… cứ thế, đến hẹn lại họp, không hẹn cũng họp, tính đổ đồng cũng trên hai chục cuộc hội họp mỗi tháng! Một anh bạn công chức vừa nghỉ việc Nhà nước chuyển sang làm tư nhân, nói với tôi: “Trong nhiều lý do mình “ra ngoài” có việc quá mỏi mệt vì chuyện họp hành. Đa phần các cuộc họp đều chẳng giải quyết được vấn đề gì ngoài chuyện cãi vã, đấu đá hoặc nói chuyện tầm phơ. Vậy mà mình đi trễ hoặc quên, vắng một cuộc nào là lãnh đạo “nói trong đầu”, hoặc kiểm thảo, trừ điểm thi đua… đến phát ớn! Nói thật, sống ở tỉnh mà dám bỏ việc Nhà nước, vợ chồng mình suy tính dữ lắm nhưng không thể cứ tà tà ngày tám tiếng… họp hành với ngáp vặt, rồi cuộc sống – sự nghiệp của mình biết đi về đâu…”.
H.P

Thứ Năm, 21 tháng 8, 2008

Ủng hộ Châu Đinh Hưởng




Châu Đình Hưởng (phải) và tác giả bài viết; ... và thẩn thờ bên dàn máy tính phủ bụi tại nhà.

Đừng “đóng cửa” khát vọng của chàng trai tật nguyền!
Phóng sự HÙNG PHIÊN

Tay chân gần như liệt hẳn, chàng trai Châu Đình Hưởng, 26 tuổi, hiện sống tại khu phố 3, phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa (Phú Yên) đã vượt bao khó khăn, mặc cảm để theo đuổi học hành thành nghề. Thế nhưng hai năm rồi, chàng trai này đang “ngồi khóc” trên xe lăn với dự án mở cơ sở dạy nghề cho người cùng cảnh ngộ…

NGHỊ LỰC CHÁY BỎNG
Mới 4 tuổi, Châu Đinh Hưởng đã mắc phải bệnh sốt bại liệt; sau khi được gia đình đưa đi chạy chữa khắp nơi, giờ Hưởng vẫn bị liệt 2 chân và cánh tay phải, chỉ còn cánh tay trái có thể “quo que” được một số thao tác đơn giản. Vậy mà với quyết tâm học hỏi không ngừng, Hưởng đã vượt qua những năm phổ thông tại quê nhà, rồi tiếp tục vào TP Hồ Chí Minh để theo học ngành công nghệ thông tin. Điều mà nhiều đánh giá cao nhất ở chàng trai này là một ý chí kiên định vượt qua khó khăn, không bao giờ chấp nhận thua cuộc những ước mơ. Có lẽ bằng tấm lòng người mẹ thương đứa con tật nguyền có chí nên khi nhiều người khuyên cho Hưởng “ở nhà đuổi gà chớ học hành chi cho tốn kém”, bà Cao Thị Lan vẫn quyết lòng chắt bóp chiều ý cho con “lê lết” học từ trường làng, trường xã, trường huyện, rồi vào tận Sài Gòn học. Trong những lúc được bạn bè, người thân cõng trên lưng, bồng bế lên xuống xe để đi lại đã nung nấu trong Hưởng một khát vọng tự giúp mình và giúp đời.
Đang là sinh viên ngành tin học Trường cao đẳng Công nghệ quản trị doanh nghiệp TP.HCM, Hưởng đã tham gia làm việc tại nhiều đơn vị ở TP Hồ Chí Minh; và sau khi ra trường, anh cũng đã có việc làm ổn định tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, Nhà Bè. Thế nhưng Hưởng đã quyết định trở về với người mẹ già luôn thấp thỏm vì con ở nơi xa xôi, với một ước mơ mở cơ sở dạy tin học ứng dụng và Anh văn giao tiếp miễn phí cho trẻ em khuyết tật.
Với nét mặt thông minh, lập luận lưu loát và đầy chân tình, Hưởng đã thuyết phục được người thân ủng hộ dự định lập thân lập nghiệp bằng chính sức lao động của mình và trợ giúp cho người cùng cảnh ngộ. Mục đích của Hưởng là vừa dạy nghề vừa tạo việc làm cho trẻ em khuyết tật bằng dịch vụ vi tính văn phòng, internet tại cơ sở này; từ đó sẽ có nguồn thu để trang trải cho cơ sở hoạt động. Vay vốn ngân hàng, người thân và cả vay nóng bên ngoài được hơn 70 triệu đồng, Hưởng đổ tất cả vào sắm 10 chiếc máy tính cũ, cùng bàn ghế và hàng loạt thiết bị phụ trợ. Anh còn thuyết phục một người chị để tham gia vào phục vụ ăn ở tại nhà cho các học viên khuyết tật ở xa! Tháng 5.2007, Hưởng nộp đơn cho Sở Lao động-Thương binh xã hội Phú Yên để xin phép thành lập cơ sở “người khuyết tật dạy nghề cho người khuyết tật”. Tôi đã gặp những người kề cận với Hưởng trong dự án mở cơ sở tin học này, và ai cũng đều tin tưởng khả năng hoàn thành ước nguyện của Hưởng. Ông Trương Anh Tuấn, một thầy giáo cũ hồi phổ thông của Hưởng, cho biết: “Biết em từ nhỏ nên tôi thấy ước mơ của em không hề viễn vông, chắc chắn Hưởng sẽ làm thành công với dự án của mình. Thế nên tôi ủng hộ em bằng mọi giá”. Còn bà Cao Thị Lan thì vui mừng dành hẳn hai phòng rộng rãi nhất trong nhà để con thỏa nguyện ước ao…
Thế nhưng mọi chuyện đã bị… dội nước lạnh!

ƯỚC MƠ BAO GIỜ THÀNH?
Sau khi Hưởng nộp đơn một thời gian, Sở Lao động - thương binh & xã hội Phú Yên đã cử người đến kiểm tra và kết luận: chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất, cần bổ sung trang thiết bị, giáo viên… Thế là Hưởng và mẹ phải chạy vạy vay thêm vốn để mở rộng phòng ốc, gia tăng trang thiết bị và liên hệ thêm giáo viên… “Chạy” xong rồi tiếp tục thăm nom chờ đợi, đến tháng 8.2007, Sở LĐ-TBXH Phú Yên trả lời: tháng 7.2007 đã có quy định mới về thành lập cơ sở dạy nghề và cơ sở của anh Hưởng tiếp tục chưa đủ các điều kiện để mở!
Lại những ngày buồn đau của Châu Đình Hưởng; bí quá, anh làm đơn xin mở dịch vụ internet vừa để tận dụng số máy tính đã sắm và để tiếp tục hy vọng mở được cơ sở dạy nghề. Thế nhưng cơ quan chức năng lại lắc đầu với ý do: cơ sở của anh cách một trường tiểu học 150m, trong khi theo qui định phải cách xa trên 200m!
Giai đoạn này, một số báo, đài địa phương đã phản ánh những bức xúc của Châu Đình Hưởng với mong muốn “kêu” cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn giúp anh. Thế nhưng khi báo chí lên tiếng, ngày 24.10.2007, Giám đốc Sở LĐ-TBXH Phú Yên Nguyễn Hồng Hải (nay đã nghỉ hưu) đã ký gởi công văn 1018 “V/v: Phản ánh của báo, đài về thành lập cơ sở dạy nghề của ông Châu Đình Hưởng”. Sau khi ghi nhận “Đây là một tấm gương tàn tật biết vượt khó và có ước mơ mở cơ sở dạy nghề để dạy cho trẻ em tàn tật; một ước mơ, một việc làm rất chính đáng và có ý nghĩa giá trị nhân văn rất quý báu”, công văn này viết tiếp “ông Châu Đình Hưởng phản ánh với báo đài là muốn đem ước mơ của mình mau thành hiện thực nhưng không tuân thủ pháp luật dạy nghề quy định và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn” (trích trang 1). Quá quắt hơn, công văn này còn… phán: “Có phải việc phản ánh của quý báo, đài và ông Châu Đình Hưởng về hồ sơ xin mở cơ sở dạy nghề là yếu kém trong chuyên môn, nghiệp vụ về pháp luật dạy nghề hay vì động cơ gì (…) Phải chăng vì nhà nước ta có chính sách ưu đãi dạy nghề mà ông Hưởng bất chấp quy định của pháp luật mà bắt cơ quan Nhà nước phải thực hiện theo ý kiến cá nhân Ông” (trích trang 2)…???
Chúng tôi cũng đã tiếp xúc, trao đổi với ông Nguyễn Văn Lãng, tân Giám đốc Sở LĐ-TBXH Phú Yên, ông cho rằng có biết việc này và hứa sẽ tìm cách tháo gỡ, hỗ trợ cho Hưởng. Thế nhưng đến giờ vẫn… chưa thấy động tĩnh?! Trong khi Hưởng đã gần như tuyệt vọng vì nghĩ quẫn và… lãi mẹ đang đẻ lãi con của dàn máy tính đang phủ bụi!
Với bài viết này, chúng tôi chỉ một mong muốn các cơ quan chức năng ở Phú Yên như UBND tỉnh, Sở LĐ-TBXH, Hội LHTN tỉnh,… cần có hành động cụ thể “khai thông” ước mơ đầy tính nhân văn cao cả của chàng trai tật nguyền Châu Đình Hưởng…

TRÍCH LUẬT:
Pháp lệnh về người tàn tật ra đời năm 1998 đã khẳng định “hàng năm Nhà nước dành một khoản ngân sách và vận động xã hội để trợ giúp người khuyết tật phục hồi chức năng, học văn hoá, học nghề…”. Pháp lệnh này cũng xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan đối với người khuyết tật và chính sách ưu đãi đối với người khuyết tật. Cụ thể là:
“- Nhà nước, các cơ sở dạy nghề, các tổ chức kinh tế tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật được lựa chọn nghề, học nghề, tự tạo việc làm, làm việc tại nhà phù hợp với sức khoẻ và khả năng lao động của mình. Người khuyết tật học nghề được giảm hoặc miễn học phí, được hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của Chính phủ.
- Tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế thu nhận người khuyết tật vào học nghề, làm việc và tạo việc làm cho người khuyết tật được hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật lao động”.
Ngoài ra, Pháp lệnh cũng quy định chế độ ưu đãi riêng, “các cơ sở dạy nghề thu nhận người khuyết tật vào học nghề, cơ sở dạy nghề dành riêng cho người khuyết tật được xét giảm, miễn thuế, được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo dự án dạy nghề, được địa phương giao và cho thuê đất tại những địa điểm thuận lợi cho việc tổ chức dạy nghề; được Chính phủ hỗ trợ ngân sách xây dựng trường lớp, mua sắm thiết bị, phương tiện dạy học, đào tạo giáo viên”.
H.P
(bài chưa đăng, tác giả giữ bản quyền)

Thứ Tư, 20 tháng 8, 2008

Chiếc máy siêu lợi nhuận




Dùng máy "chích" phân-thuốc cho rễ tiêu ...chuyển sang chế độ phun - Ảnh: Hùng Phiên










Sáng chế “độc sầu” của chàng trai xứ Nẫu


Phóng sự HÙNG PHIÊN

Thật khó tin khi tiết kiệm được trên 90% chi phí sản xuất nông nghiệp mà năng suất, chất lượng sản phẩm lại tăng vọt! Bỏ công ty riêng đang “ăn nên làm ra” giữa phố phường, một chàng trai trở về… làm rẫy và công trình Máy chăm sóc cây đa năng đã được nung nấu ra đời ngoạn mục giữa núi rừng nắng xối mưa dầm…

ĐỔI MỚI ĐỂ LÀM NÔNG
Sinh năm 1972, lớn lên ở vùng quê Phú Hòa (Phú Yên), Đào Hiền Nhân là cậu trai chăm học và ham mê cây cỏ, ruộng vườn. Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp 2-Huế năm 1993, học tiếp Quản trị kinh doanh, rồi Nhân vào làm ở Điện lực TP Hồ Chí Minh và “cày” thêm việc kinh doanh bên ngoài để nuôi bầy em ăn học, sau khi mẹ mất sớm. Năm 2003, Nhân chính thức nghỉ làm Nhà nước để mở công ty riêng và làm ăn khá “trúng”; thế nhưng người cha đau yếu và vườn tiêu 6 ha của gia đình đã níu chân chàng trai giàu ý chí trở lại quê nhà vào cuối 2004. 6 ha tiêu ở Sơn Thành Tây (Tây Hòa, Phú Yên) là cả một gia tài nhưng hầu hết đều còi cọc, xuống cấp, thuộc diện phải nhổ bỏ, trồng lại; với một ít vốn dành dụm được, Nhân đổ cả vào nâng cấp trại tiêu. Cây tiêu giá trị cao là thế nhưng “sống” với nó không hề đơn giản; cây này luôn bị hàng loạt sâu bệnh tấn công mà phổ biến nhất là bị rệp sáp, nấm, sâu đục thân,… làm cho nhiều nhà vườn kỳ cựu ở đây sau khi chạy “đủ thầy, đủ thuốc” cũng phải “bó tay”, đành nhổ bỏ. Đã vậy, lượng tiền mua phân đổ vào cây tiêu mỗi mùa luôn làm cho các nhà vườn kiệt sức.
Cùng với việc tổ chức quy hoạch lại trang trại, Nhân biết rằng phải tìm một hướng đầu tư mới cho vùng tiêu này để nâng cao chất lượng nhưng phải giảm thiểu chi phí ở mức tuyệt đối. Nhất là việc phải làm thế nào để trị sâu bệnh hiệu quả và tiết kiệm triệt để phân bón, thuốc trừ sâu – là hai thứ chi phí lớn của các trang trại cây công nghiệp? Suy nghĩ và cải tiến liên tục từng khâu sản xuất, sau hai năm, Nhân đã trẻ hóa, phục hồi thành công vườn tiêu của gia đình. Thế nhưng bài toán tiết kiệm và hiệu quả kinh doanh vẫn chưa tiến triển được bao nhiêu. Và rồi sau bao ngày trăn trở, một câu hỏi đã “gãi” đúng chỗ “ngứa”: tại sao không chữa bệnh thối rễ ngay từ… rễ, đưa phân-thuốc xuống tận rễ để tránh lãng phí? Qua lục lọi internet và sách chuyên ngành, cách trị bệnh thối rễ lâu nay chỉ phun thuốc trên thân và lá; có nơi dùng nước phun xối để lộ rễ lên rồi phun thuốc vào trị bệnh… Tất cả đều là những cách làm vừa lãng phí một lượng thuốc lớn, vừa khó trị bệnh hiệu quả trên những trang trại rộng lớn. “Mỗi mùa tiêu phải nhiều đợt bón phân và mỗi đợt như vậy, gia đình mình đều “bay” trên 100 triệu đồng. Nhưng cứ mãi cảnh “phân ra phân, tiêu ra tiêu” bởi nhiều bụi tiêu đã bị rệp sáp phá thối bộ rễ, đổ bao nhiêu phân cũng chẳng thấm tháp qua tầng đất dày! Chi phí đầu vào quá… chóng mặt!” – Nhân ôn lại “chuyện xưa”.

CHIẾC MÁY “PHẢN ỨNG SÂU”


Giữa năm 2007, dù chưa học cơ khí ngày nào, Nhân quyết định bắt tay vào mày mò thiết kế máy đưa thuốc trực tiếp xuống rễ để trị bệnh tiêu. Đầu tiên, chàng dùng các ống kim loại vát nhọn để xuyên xuống đất, rồi dùng bình bơm tay “tiêm” thuốc cho rễ tiêu; nhưng ngặt nỗi “kim tiêm” lại bị nghẽn do đất nhét vào. “Xóa bàn làm lại”, Nhân vắt óc suy nghĩ và thay đổi hàng loạt cách thức, tốn kém bộn tiền để mua vật liệu thử nghiệm nhiều lần; cuối cùng thì phương án dùng các ống kim loại nhỏ để đệm trong “mũi tiêm” tỏ ra hoàn hảo hơn cả! Và hình thức “tiêm rễ” này còn được Nhân áp dụng luôn cho việc bón phân thẳng cho rễ, tiết kiệm đến hơn một nửa lượng phân bón gốc. Bởi cách bón phân cho gốc tiêu lâu nay là dùng cuốc đào hào quanh rễ, bỏ phân, lấp đất lại; cách làm này thường bị đứt rễ, dễ bị sâu bệnh xâm nhập và lãng phí một lượng lớn phân bón cho… cỏ ăn; thế nhưng sau khi bón một thời gian, đào lên xem thử thì phân vẫn còn nguyên hạt! Đúc kết “xương máu” của Nhân là phải ngâm loãng phân trong các thùng kín nhiều ngày để phân “lên men dễ tiêu” cho cây và cùng với việc phun-chích thuốc trị bệnh đúng lúc, đúng liều. Thành công này đã giúp vườn tiêu của Nhân nhanh chóng “dứt điểm” bệnh thối rễ và rệp sáp, tiết kiệm đến 70% lượng thuốc trị bệnh và phân bón mỗi vụ!
Thế nhưng như vậy vẫn chưa làm Nhân bằng lòng! Hết bình thuốc rồi đến bình phân đeo vai, nhân công của trang trại cứ nghe đến “phân, thuốc” là… bỏ chạy, bởi vai và lưng ai nấy đều bị bỏng, bong từng mảng lớn sau mỗi đợt “phân, thuốc”! Kế nữa, dùng bơm tay “đút” phân thuốc cho mấy hecta tiêu cùng lúc lại là chuyện quá… oải! Vả lại, giá nhân công những năm này đã tăng vọt và lắm lúc có tiền cũng thuê không ra người, nhất là những lúc vào mùa cao điểm! Lại tiếp tục lao vào nghiên cứu “độ” lắp các bình, ống phun thuốc-phân có phễu định hướng cho thân lá, ống “tiêm” phân-thuốc trực tiếp cho rễ… vào hệ thống áp lực của máy nổ, có bộ phận điều khiển cầm tay; tất cả đặt lên một chiếc xe gắn động cơ nhỏ để lái chạy “tung tăng” giữa bạt ngàn các dãy cọc tiêu… Những người làm công ở trại tiêu của Nhân lúc này tỏ ra rất phấn khích với việc chăm sóc tiêu: vừa lái xe vừa phun vừa “chích” phân, thấy bụi tiêu nào bị bệnh thì bật ống thuốc... làm liền! Đảm bảo không bỏ sót “món” nào! Nhân lý giải: “Phải bám sát từng giai đoạn của cây tiêu, từng loại bệnh mà cho “ăn” phân-thuốc đúng lúc, vừa đủ liều lượng thì cây mới cho năng suất, chất lượng sản phẩm cao nhất! Cho “ăn” thiếu hay thừa cũng đều… mất ăn! Chiếc máy này hỗ trợ tối ưu cho chuyện đó…”.
Máy chăm sóc cây đa năng chính thức được Nhân hoàn chỉnh vào cuối năm 2007. Rất nhiều nông dân và chuyên gia nông nghiệp đã tìm đến Sơn Thành Tây để tận mắt xem thao tác chiếc máy này và đều tỏ ra vô cùng tâm đắc. Chứng kiến một mùa vận hành của chiếc máy này, ông Nguyễn Văn Thành (61 tuổi), một người trồng tiêu thâm niên ở Sơn Thành Tây, nhận xét: “Thằng Nhân làm cái máy “vừa phun vừa chích” này đã quá! Không chỉ với cây tiêu mà còn có thể áp dụng rộng rãi cho việc trồng các cây công nghiệp khác như cà phê, cao su,… hay cà chua, đu đủ, sắn, bắp, cây cảnh… đều hiệu quả tất! Làm nông nghiệp giai đoạn “đầu vào” thứ gì cũng “lên” mà tiết kiệm được trên 90% vật tư, nhân công như vầy thì… hết ý! Tui kính nể cái gan kiên trì sáng kiến của nó!”. Theo tính toán sơ bộ của một cán bộ Viện Nghiên cứu cây công nghiệp Tây Nguyên, nếu chiếc máy này được đưa ra ứng dụng rộng rãi thì nước ta có thể giảm nhập khẩu mỗi năm hàng triệu tấn phân bón, góp phần nâng cao lợi nhuận đáng kể cho ngành sản xuất nông nghiệp...
Còn Nhân thì vui vẻ cho biết đang tiến hành đăng ký sở hữu trí tuệ đối với Máy chăm sóc cây đa năng và rất muốn chia sẻ sáng chế này với những ai quan tâm (di động của Nhân là: 0913.823.252).

H.P

Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2008

Hùng Phiên phóng cái sự độc mộc



Đoàn khai quật độc mộc "đoạn 2"





Ly kỳ quanh chiếc thuyền độc mộc gãy

Việc phát hiện một phần chiếc thuyền độc mộc cổ lần đầu tiên dưới lòng sông Đà Rằng (khu vực xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa, Phú Yên) hiện đang được dư luận đặc biệt chú ý. Nhưng ly kỳ không kém là câu chuyện người dân âm thầm tổ chức trục vớt và cơ quan chức năng ở Phú Yên đã “mướt mồ hôi” để thương thuyết đưa về Bảo tàng quản lý nghiên cứu…

Độc mộc "đoạn 1" lúc ở nhà ông Thương

ĐỘI KHẢO CỔ… CHÂN TRẦN
Nghề chính là thợ mộc, rảnh rỗi đi soi cá kiếm thêm thức ăn tươi cho gia đình nhưng hơn 10 ngày qua, ông Lê Văn Thương (43 tuổi, ở thôn Ngọc Lãng, xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa, Phú Yên) bỗng trở thành một… nhà khảo cổ nổi tiếng! Số là khoảng tháng 4.2007, trong một lần đi soi cá, ông Thương bỗng thấy một vật cứng khá lớn cộm dưới chân. Tưởng chỉ là miếng gỗ bình thường nhưng máu tò mò nổi lên, ông dùng tay moi rà thêm thì thấy có hình dáng cong dài như chiếc thuyền. Vốn là bộ đội chiến trường Campuchia (1984-1987), từng thấy người dân bơi thuyền độc mộc nên ông Thương đồ rằng là… đích thị chú mày! Nhưng khu vực sông này hồi nảo hồi nao làm gì có chuyện… độc mộc; thế là… đồ cổ rồi còn gì?
Và bắt đầu từ đây là những ngày trăn trở mất ăn mất ngủ của ông Thương. Không thể giữ kín mãi một mình, ông đem ra bàn với mấy người bạn nhậu về hướng xử lý “món” độc mộc này. Sau nhiều lần “hội nghị” không có hướng ra, rồi công ăn việc làm cứ liên tiếp túi bụi nên chiếc thuyền độc mộc vẫn yên vị dưới sông. Thế nhưng trong lòng ông Thương luôn như có lửa đốt, ông dò thăm hỏi han, mua sách báo liên quan đến sử sách, khảo cổ để đọc; hình như ông cũng biết đến internet trong đận này! Càng “nghiên cứu khảo cổ”, ông Thương càng nóng ruột, thế là ông lại họp nhóm chiến hữu để quyết định phải bắt tay khai quật. Đang mùa khô, nhóm bạn ông Thương thì người làm thợ hồ, người cơ khí, làm rau,… nên công việc luôn dồn dập, đành phải quyết định nghỉ trọn một ngày để làm… khoa học.
Sau khi nhờ thầy coi chọn, ngày “đẹp trời” ấy là 29 tháng 6 (Âm lịch) tức 31.7.2008. Âm thầm đến mức vợ con cũng tưởng là đi làm thợ như ngày bình thường nhưng cả nhóm khoảng mười người tiến ra giữa lòng sông Đà Rằng. Mặc dù là dân sông nước nhưng công việc “khảo cổ” kỳ này không hề đơn giản chút nào. Nước sông sâu quá, lặn bộ mò moi không nổi, họ phải dùng ống hơi để lặn được lâu hơn. Thế nhưng lặn moi, móc, đẩy… từ 8 giờ sáng đến 10 giờ đêm vẫn chưa xong, đến lúc quyết định kéo lên thì chiếc thuyền… gãy đâu mất một đoạn! Trời đã khuya khoắt, ai nấy đều đói rã rời và lạnh thấu xương nên cả nhóm chấp nhận khệ nệ đưa một phần thuyền độc mộc lên cộ bò nhưng dùng sức người đẩy về đặt tại vườn nhà ông Thương, khúc thuyền còn lại thì… hãy đợi đấy!

CĂNG THẲNG… ĐỒ CỔ
Đưa được chiếc thuyền về đến nhà rồi, nỗi trăn trở lo lắng của ông Thương lại càng dâng lên gấp bội, lại còn lây sang mấy chiến hữu: chiếc thuyền này trị giá bao nhiêu “đô”, báo hay không báo với chính quyền, không báo thì “được” bao nhiêu, báo thì “được” gì…? Lại triền miên những cuộc “họp” và những đêm chập chờn không trọn giấc vì… đồ cổ. Đôi khi trong cuộc rượu, chiếc thuyền độc mộc được “nâng bi”: chắc cây gỗ này là… trầm hương!? Thế nhưng tốt nhất phải đánh tiếng để xã biết, thế là xã báo lên thành phố, thành phố báo lên ngành văn hóa tỉnh…
Ngày 8.8, cán bộ Bảo tàng Phú Yên chính thức đến tận nhà ông Thương để xem hiện vật. Nhiều giả thiết chưa chính thức được đưa ra: đây là thuyền độc mộc của người Ê Đê, Ba Na… từ thượng lưu sông Ba “giao lưu” xuống hạ lưu (sông Đà Rằng); nhưng giả thiết là thuyền của người Chăm xưa sống tại Phú Yên nghe có lý hơn… Bởi khu vực phát hiện chiếc thuyền rất gần Khu di tích văn hóa tháp Nhạn, người Chăm rất thạo sông nước, vả lại nhìn cách chế tác chiếc thuyền độc mộc này có vẻ khéo léo hơn một số dân tộc ít người Tây Nguyên… Nhận định thận trọng của ban đầu của Bảo tàng Phú Yên: chiếc thuyền độc mộc này là hiện vật rất có giá trị để nghiên cứu những vấn đề liên quan đến lịch sử, văn hóa vùng đất Nam Trung bộ. Nhưng giả định vẫn là giả định, bởi chưa có sự nghiên cứu, kết luận chính thức từ phía các nhà chuyên môn. Và quan trọng hơn, chiếc độc mộc vẫn còn “bảo tồn” ở vườn nhà ông Thương. Nguyên do là những người “sở hữu” chiếc thuyền không đồng ý với mức bồi dưỡng 10 triệu đồng để “chuyển vùng” chiếc thuyền về Bảo tàng Phú Yên. Hàng loạt cuộc vận động, thương thuyết đều bất thành…
Sáng 13.8, một đoàn cán bộ văn hóa “hùng hậu” của Sở VH-TT-DL Phú Yên gồm Giám đốc Trần Quang Nhất, Phó giám đốc Phan Đình Phùng, Phó giám đốc phụ trách Bảo tàng Phú Yên Nguyễn Thị Kim Hoa và Trưởng Phòng VH-TT TP Tuy Hòa Đặng Tấn Phước đã có cuộc làm việc với lãnh đạo xã Bình Ngọc. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Xuân Nghiêm cho biết: đã có những bước tiếp cận, vận động nhóm ông Thương chấp nhận giao nộp hiện vật nhưng bị… làm lơ. Chủ tịch UBND xã Trương Văn Phát cho hay: nhóm ông Thương yêu cầu trả 100 triệu đồng mới giao thuyền, bởi “nghe nói” ở Huế đã “mua” một thuyền độc mộc của dân phát hiện với giá 300 triệu đồng, nếu không được đáp ứng thì… chẻ làm củi hoặc để… trưng bày chơi tại gia! Với tư cách là bạn ông Thương, ông Ngô Minh Trường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, nói: cũng đã nhiều lần lấy tình anh em để gặp gỡ, thuyết phục ông Thương nhưng không ăn thua…
Tiếp đó, đoàn công tác đã đến trực tiếp nhà ông Thương; may quá, ông có nhà, “chắc là có duyên gì đây, tui định đi làm thợ nhưng lại… chuyển hướng hớt tóc, mới vừa về”- ông Thương nói. Chiếc thuyền độc mộc được đặt xuôi theo phần đất dốc từ nhà ông bước xuống vườn, phủ bạt khá cẩn thận, chất gỗ còn khá tốt, dáng thon vút dần về phía đuôi trong rất bắt mắt. Bên chén trà, ông Thương than thở: “Nhiều người đến coi quá, mệt mỏi… Tui cũng hiểu biết “khảo cổ” nên mấy lần định lấy cưa, đục thử một chỗ để xem là… gỗ gì nhưng lại thôi”. Các cán bộ văn hóa đã chân tình cảm ơn công phát hiện, bảo quản của ông Thương và những người bạn; phân tích những “thiệt, hơn” và vận động tạo điều kiện để Bảo tàng Phú Yên tiếp quản nghiên cứu. Thế nhưng ông Thương một mực từ chối với lý do: “Đây là chiện đâu phải của một mình tui, cũng đau đầu lắm chớ nhưng mấy anh em cùng làm không chịu giao với mức giá đó!”. Đến nỗi, Giám đốc Trần Quang Nhất phải lắc đầu: “Thôi, anh xem làm thống kê công xá bao nhiêu rồi chuyển cho xã để chúng tôi xem xét. Mức giá này đã là cố gắng của Bảo tàng Phú Yên, mong anh cùng anh em giúp đỡ ngành chức năng…”.
Chiều 13.8, Sở VH-TT-DL Phú Yên và chính quyền, các đoàn thể xã Bình Ngọc tổ chức họp để tìm hướng thuyết phục người dân giao nộp chiếc thuyền này cho Nhà nước để phục vụ công tác nghiên cứu. Việc tiếp cận vận động từ Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ Nữ, Đoàn Thanh niên… đến các cấp chính quyền sẽ được tiến hành đồng loạt để công việc thuyết phục tiếp theo diễn ra theo hướng êm đẹp, hiệu quả nhất… Lần này, vấn đề liên quan đến Luật di sản đã được đưa ra “quán triệt”…

KỊCH TÍNH GIỜ CHÓT
Đột ngột, đang giữa cuộc họp thì nhận được tin nhóm “khảo cổ” tiếp tục ra hiện trường để lặn, đào tìm phần còn lại của chiếc thuyền độc mộc! Cuộc họp đành phải tạm hoãn, chuyển sang đêm để các cán bộ chức năng… chạy ra sông xử lý tình hình! Thế nhưng theo ông Lê Khắc Sinh, Phó chủ tịch UBND xã Bình Ngọc, đó chỉ là việc một số người dân quay trở lại địa điểm đã khai quật một phần chiếc thuyền độc mộc để “xem thử” xác định lại vị trí của phần thuyền còn lại...

Lúc 18 giờ 30, cuộc họp “thuyền độc mộc” lại tiếp diễn tại UBND xã Bình Ngọc. Đặc biệt, lần này có sự xuất hiện của ông Lê Văn Hào (53 tuổi) được giới thiệu là người đại diện chính thức, “trưởng nhóm khảo cổ”. Vẻ mệt mỏi, ông phát biểu: đáng lẽ anh em cũng không quyết định tự “khảo cổ” chiếc thuyền nhưng trong một lần cắt tóc thì đọc tờ báo cũ có đưa tin người ta mua “có giá” một chiếc thuyền ở Huế nên… liều làm thử xem sao, ai ngờ xãy đến nhiều chuyện như thế này! Ông Hào còn ví von: anh em cũng muốn giao thuyền độc mộc cho Nhà nước nhưng lỡ coi thuyền như “con gái trong nhà” không biết “gả đi” thì số phận nó ra sao… Một số cán bộ chức năng đã trình bày một số việc “tình cảm thiệt hơn” và hứa sẽ tổ chức nghiên cứu-bảo tồn-phát huy xứng đáng, ông Hào có vẻ nguôi nguôi: công xá anh em bỏ ra nhiều quá, thôi thì ngành văn hóa xem có thể bồi dưỡng thêm chút ít cho anh em vui vẻ. Phó giám đốc Phan Đình Phùng đứng dậy, quyết: sẽ bồi dưỡng các anh 12 triệu đồng. Tình hình đã có chiều xuôi xuôi. Qua hội ý với Giám đốc Trần Quang Nhất, Phó giám đốc Nguyễn Thị Kim Hoa thông báo: đồng ý 13 triệu đồng! Thế là… vỗ tay và ký biên bản bàn giao.
Đúng 21 giờ 30 đêm 13.8, chiếc thuyền độc mộc đã được “chuyển địa chỉ” hoàn tất đến Bảo tàng Phú Yên. “Tập” tiếp theo là tiến hành khai quật phần thuyền bị gãy còn lại dưới lòng sông Đà Rằng và tổ chức nghiên cứu các vấn đề liên quan để công bố rộng rãi cho mọi người…- một cán bộ ngành văn hóa Phú Yên, thở hơi ra.
13 giờ ngày 15.8, 3 nhân viên Bảo tàng Phú Yên và hơn 10 dân Bình Ngọc (phần lớn là “đội khảo cổ” đợt 1) theo bè ra giữa dòng Đà Rằng trong cái nắng chói chang. Sau khi xác định lại vị trí “độc mộc” nằm phía hạ lưu nhịp thứ 7 cầu Đà Rằng, cách bờ bắc sông 300 m, máy hút cát bắt đầu đưa xuống hoạt động. Đoạn thuyền còn lại nằm sâu dưới nước nên việc trục vớt cũng khó khăn không kém “đoạn ban đầu”, một thành viên kỳ cựu cho biết. Các thành viên đã phải vừa hút cát, vừa lặn dò moi liên tục, đến 15 giờ 50 đã chính thức đưa được phần thuyền còn lại lên bè. Thế nhưng khi chuyển vào bờ thì bè lại bị mắc cạn do nước con nước Đà Rằng xuống thấp, những người kéo bè đều mệt mỏi rã rời. Loay hoay hàng tiếng đồng hồ giữa dòng, Phó giám đốc Kim Hoa quyết định neo bè lại, dùng đò máy chở người và phần thuyền độc mộc vào bờ. Phần còn lại của chiếc thuyền này dài 3 m, rộng 0,4 m; như vậy, toàn bộ chiếc thuyền độc mộc cổ này dài hơn 11 m.
Trong khi mọi người đang làm thủ tục nhang khói, ông Lê Văn Sinh (40 tuổi, em ruột ông Hào và ông Thương) cho tôi biết “đội khảo cổ” đã nhận được 13 triệu đồng bồi dưỡng ngay trong đêm 13.8 và đã có một trận nhậu “hên xui” tơi bời. Tuy nhiên, mỗi người cũng đem về cho vợ vài trăm nghìn đồng, gọi là bù lỗ chuyện “căng thẳng đầu óc” liên tục trong nhiều ngày qua...

TRÍCH LUẬT:
1. Mọi di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thu được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ và do tổ chức, cá nhân phát hiện, giao nộp phải được tạm nhập vào kho bảo quản của bảo tàng cấp tỉnh nơi phát hiện. Bảo tàng cấp tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và báo cáo Bộ Văn hoá - Thông tin.
2. Căn cứ vào giá trị và yêu cầu bảo quản di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin quyết định giao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đó cho bảo tàng nhà nước có chức năng thích hợp.
3. Tổ chức, cá nhân phát hiện, giao nộp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được bồi hoàn chi phí phát hiện, bảo quản và được thưởng một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
(Điều 41, Luật Di sản văn hóa )
H.P