Chúc mừng đồng kịch gia phim "Ám ảnh"

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2011

Nhà văn-nhà báo Trần Nhã Thụy:

Luôn cố gắng sống cho tử tế!

Sau bốn năm miệt mài sáng tác, tiểu thuyết đầu tay Sự trở lại của vết xước (NXB Văn nghệ) của nhà văn Trần Nhã Thụy đã gây được sự chú ý trong độc giả và giới chuyên môn. Tác phẩm được khẳng định bằng Tặng thưởng của Hội Nhà văn TP.HCM năm 2008.

Thích viết truyện không có cốt truyện
Trần Nhã Thụy bắt đầu viết văn từ khi còn là học sinh phổ thông, có truyện in báo khi đang là sinh viên khoa Văn trường Đại học Tổng hợp (Nay là ĐH KHXH&NV TP.HCM). Anh tự thấy mình không chịu ảnh hưởng của ai, cũng chẳng biết mình viết theo phong cách gì. Nhưng ngay từ ban đầu, Trần Nhã Thụy đã thích viết những truyện không có cốt truyện bởi với anh, quan trọng là tạo không khí truyện và mô tả cảm giác sống. Đặc biệt Trần Nhã Thụy rất quan tâm và muốn đi sâu vào đề tài hiện đại với những vụn vặt đời thường. Qua các tác phẩm của anh, có thể thấy rõ anh là người thích quan sát, nhìn ngắm đời sống. Tuy tự nhận mình không biết nhiều về những vụn vặt đời thường, nhưng anh có xu hướng thích giao du với những người bình thường và những chi tiết từ đời thường khiến anh bị ấn tượng, nếu không muốn nói là ám ảnh.

Cách sửa tốt nhất là… viết một cuốn khác
Tuy sở trường sáng tác truyện ngắn song Trần Nhã Thụy vẫn đam mê thử sức với tiểu thuyết và mất gần bốn năm để hoàn thành tiểu thuyết đầu tay Sự trở lại của vết xước. Anh thú thật đã gặp những khó khăn không lường trước. Về mặt cấu trúc, giọng điệu, tiểu thuyết khác nhiều so với truyện ngắn và anh phải tự dò dẫm đi con đường riêng. Anh cho biết: “Tiểu thuyết đương nhiên không phải là câu chuyện kéo dài. Nhưng từ ý thức đến hành động không phải bao giờ cũng dễ dàng. Đấy là nói về những khó khăn trong việc xử lý văn bản. Vả lại, còn rất nhiều những khó khăn khác, nói chung là liên quan đến việc mưu sinh”. Khác với báo chí, truyền hình ra sức săn đón, ca tụng, Trần Nhã Thụy đón nhận Tặng thưởng của Hội Nhà văn TP.HCM 2008 với một tâm trạng bình thường, không có gì đặc biệt. Với cuốn tiểu thuyết này, anh thấy không cần phải sửa chữa gì thêm, ngoài những lỗi về hành văn. Anh còn dí dỏm cho biết thêm, có lẽ cách sửa tốt nhất là… viết thêm một cuốn khác.
Hiện tại, Trần Nhã Thụy vẫn đang viết truyện ngắn, tản văn và tiểu thuyết. Tuy nhiên anh cho biết trong thời gian tới sẽ đầu tư cho tiểu thuyết nhiều hơn. Khác với một số nhà văn trẻ khác đang ra sức tạo dựng phong cách riêng cho tác phẩm của mình, Trần Nhã Thụy thú thật anh không quá chú trọng đến hình thức và chỉ biết viết những điều theo suy nghĩ và cái nhìn của riêng mình. Phương châm sáng tác của anh là “Phong cách là cái tự nhiên, không nên cố ý cố tạo. Không phải anh mặc áo chim cò thì thành nghệ sĩ.

Luôn cố gắng sống cho tử tế
Là một trong những gương mặt nhà văn 7X nổi bật trong nước ta bởi những tác phẩm mang đề tài khá sâu sắc, khơi gợi nhiều điều suy ngẫm, Trần Nhã Thụy vẫn khiêm tốn tự nhận mình kém hơn nhiều người về cả cuộc sống và môi trường làm việc. Anh cũng cho rằng nét chung của thế hệ nhà văn 7X là vẫn thể hiện một dòng văn học “thân phận”. Tuy nhiên anh khẳng định mình là người không quá nghiêm trọng việc “lập thân văn chương” và cũng không màng đến hội hè. Tuy được một số lời nhận xét rằng mình là “người hiền” trên văn đàn, anh cho rằng điều đó nghe sang trọng mà nghiêm trọng quá, bởi trong thực tế, anh chỉ cố gắng sống cho tử tế.
Ngoài sở thích đi lang thang, Trần Nhã Thụy cũng có thói quen mê đọc sách với rất nhiều thể loại. Anh cho biết gần đây rất thích đọc sách về tinh hoa tri thức của NXB Tri thức. Còn những tác phẩm văn chương thì đọc theo gu. Đối với anh, việc đọc luôn là một công việc nghiêm túc. Đôi khi đọc để tránh, những gì người ta viết rồi để tránh không lặp lại. Bên cạnh sáng tác, Trần Nhã Thụy hiện là phóng viên văn hóa văn nghệ của một tờ báo lớn. Đối với anh, nghề báo là để kiếm sống, đồng thời cũng là một phương thức hoạt động xã hội cần thiết.

Box Toàn cảnh:

Trần Nhã Thụy

Tên thật Trần Trung Việt

SN 1973, Quê Quảng Ngãi

Từ năm 1991 đến nay sống tại Sài Gòn. Hiện làm việc tại báo Tuổi Trẻ.

Các tác phẩm văn học đã xuất bản: Lặng lẽ rừng mai (Tập truyện ngắn). Thị trấn có tháp đồng hồ (Tập truyện dài). Những bước chậm của thời gian (Tập truyện ngắn). Gối đầu trên mây (Tập tạp văn). Sự trở lại của vết xước (Tiểu thuyết). Chàng trẻ măng ở phố treo đầu (Tập truyện ngắn). Cuộc đời vui quá không buồn được (Tập tạp văn). Mùi (Tập truyện ngắn – tạp văn)

Các giải thưởng: Giải thưởng Truyện ngắn Trẻ (Báo Văn nghệ Trẻ – Hội Nhà văn VN 1998), Giải thưởng Truyện ngắn Văn học cho Tuổi Trẻ (NXB Thanh Niên- Báo Văn nghệ – Hội Nhà văn VN 2003), Tặng thưởng Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh cho tiểu thuyết Sự trở lại của vết xước (năm 2009)

Box Ta cùng nói về nhau:

Trần Nhã Thụy:

“Thật không quá đáng khi nói rằng, Nguyễn Lệ Chi đã chắc chắn có tên trong lịch sử xuất bản Việt Nam. Không chỉ với tư cách một dịch giả, Nguyễn Lệ Chi còn là người bắc một nhịp cầu để giới thiệu dòng văn học Ling Lei của Trung Quốc đến với độc giả Việt Nam. Ling Lei như đúng tên gọi của nó chính là “một dòng khác”, một dòng mới ngoài dòng chính thống, chứ không hẳn là “xác thịt, trần trụi, chán chường”… như nhiều người đã từng ngộ nhận. Vậy thì, tại sao Nguyễn Lệ Chi lại chọn cái dòng khác ấy? Đó là một câu hỏi. Và câu trả lời cũng đã đến ngay sau câu hỏi ấy. Bởi, Nguyễn Lệ Chi là một đại diện cho cái mới. Cái mới khởi động, hình thành cho mọi giá trị.

Rồi, với thương hiệu ChiBooks, có thể nói Nguyễn Lệ Chi là một nhà làm sách độc lập hiện nay tạo được ấn tượng về tính chuyên nghiệp cao. Luôn thể hiện như một người phụ nữ xinh đẹp, sắc sảo, nhưng Nguyễn Lệ Chi thực sự là người biết “giữ mình” ở trạng thái cân bằng, ở đạo trung dung, đó là người biết cách để đi đường xa. Tôi biết, Nguyễn Lệ Chi còn đang triển khai những dự án viết. Đó cũng là điều mà tôi chờ đợi để có thể “tiếp cận” một con người Nguyễn Lệ Chi văn chương”…

Nguyễn Lệ Chi:

Tôi có cơ hội được quen với Trần Nhã Thụy trước khi viết về anh. Điềm đạm, thâm trầm, suy nghĩ chín chắn, có trách nhiệm, cẩn thận, già trước tuổi, luôn mơ màng trong một thế giới riêng của mình, không màng thế sự hỗn loạn bên ngoài… là những gì mà tôi cảm nhận được từ anh. Văn chương của Trần Nhã Thụy đúng như con người anh, chín chắn, khoan nhặt như rót từng chút tâm tư, cứ đều đều qua ngày như vậy nhưng lắng đọng mãi trong lòng người đọc. Văn chương của anh khá kén người chia sẻ bởi những người thích văn của họ ít nhiều cũng là những người từng trải, thâm trầm, từng đau đớn, từng va vấp, từng chia sẻ ngọt bùi và cũng từng vượt được qua cái ngưỡng của chính mình và có thể nhìn nhận lại mọi việc bằng con mắt điềm tĩnh, nhẩn nha. Có những lúc tôi có cảm giác Trần Nhã Thụy già hơn tuổi rất nhiều, anh như sống ngược hẳn lên thời gian, bỏ qua những thứ nhăng nhố dễ vướng bận trong cuộc sống để trốn chạy về những miền xưa cũ kĩ trong tiềm thức và quá khứ. Có lẽ một chốn bình yên của Trần Nhã Thụy cùng những tâm tư của anh cũng là khát vọng của không ít bạn đọc.

Trần Nhã Thụy là một người khái tính, yêu ghét rạch ròi và không để bụng. Có lẽ chính vì điểm chung này, tôi thấy rất quý anh. Với bạn bè, đồng nghiệp, anh sẵn sàng giúp đỡ khi biết họ có khó khăn và dù họ không hề cất tiếng nhờ vả. Nhưng với những người mà anh không phục, không quý hoặc anh thực sự nhận ra bản chất ích kỷ, xảo trá của họ, anh sẽ tự động tránh lui, giữ một khoảng cách lạnh lùng tuyệt đối. Anh cũng không có tính nói xấu người khác, không thích đưa chuyện, sống và làm việc chỉ với tiêu chí đơn giản rất đúng kiểu “chuyện mình, mình làm”. Bút danh Việt Quê của anh trên báo Tuổi Trẻ như phần nào khẳng định thêm về tính cách và con người Trần Nhã Thụy, chất phác, quê mùa, không bao giờ thích bon chen và chơi trội. Chơi với anh đủ lâu, đủ để hiểu nhau, đủ chia sẻ nhiều điều trong cuộc sống và công việc nhưng viết về nhau nhiều lúc thật không đơn giản. Với một con người khiêm nhường như Trần Nhã Thụy, anh thường từ chối những cuộc phỏng vấn, trừ mỗi lúc cần phải hợp tác với các đơn vị xuất bản mỗi khi sách mới của anh phát hành. Trần Nhã Thụy cũng là một người rất cẩn trọng về câu chữ. Anh từng đề nghị tôi cho xem lại bài viết sau khi tôi hoàn tất để đảm bảo không có ý gì bị hiểu lầm. Anh cũng thường xuyên trao đổi với tôi về những suy nghĩ, trăn trở của mình về công việc xuất bản, và thậm chí từng có thời kỳ định chung tiền đầu tư với một vài nhà văn khác để mở công ty xuất bản sách.

Trần Nhã Thụy sống lặng lẽ, vui thú ở Làng Mai-nơi anh tự đặt tên cho chốn nhỏ bình yên của mình, đều đều viết văn, cần mẫn như con kiến chăm chỉ tha mồi, nhưng rất kiệm lời khi được hỏi về công việc sáng tác kịch bản phim truyền hình mà anh vẫn làm thường xuyên trong nhiều năm qua. Đôi khi anh rất thích thú sáng tác thơ và thường xuyên nhắn tin cho bạn bè qua điện thoại, qua chat, email dăm câu thơ ngắn mà anh đột nhiên có hứng thú nảy ra. Sau tập tản văn Mùi vừa xuất bản, tôi biết Trần Nhã Thụy đã lên kế hoạch sắp xếp lại công việc, dẹp hết việc viết kịch bản phim để tập trung một năm vào sáng tác tiểu thuyết theo đơn đặt hàng của một công ty xuất bản. Nhưng với tôi, dù làm gì, viết báo, viết văn hay sáng tác kịch bản phim truyền hình, Trần Nhã Thụy vẫn luôn là một người tử tế, sống và làm việc hết mình.

(Theo Nguyễn Lệ Chi)

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 19:42 0 nhận xét  

một người thơ miền trung

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

VĨ KHÚC NGUYỄN TRUNG BÌNH

Thế là rồi sách về Nguyễn Trung Bình, nhà thơ trẻ tài hoa bạc mệnh đã ra từ tấm lòng của bạn bè, đặc biệt là nhà thơ nhà báo Trần Tuấn. Phải nói Tuấn là người rất nhiệt tình với bạn bè, đặc biệt là những người sắp và đã khuất, mà trường hợp của Đặng Ngọc Khoa và Nguyễn Trung Bình là ví dụ mới rợi, vậy nên, ai muốn được Trần Tuấn quan tâm hơn nữa thì hãy... đi trước Tuấn.




Hai thông tin dưới đây, vừa là thông tin văn chương, bạn đọc yêu văn chương đọc thêm để hiểu tình bạn bè văn nghệ với nhau, còn ai quen biết Bình đọc nữa thì càng quý. Một là tường thuật lễ ra mắt tập sách của Bình tại tạp chí Sông Hương ngày hôm kia, và hai là bản... tổng hợp thu chi cuốn sách của Bình, một cách minh bạch theo lời nhờ của Trần Tuấn. Đọc danh sách ấy cũng ngẫm ra nhiều điều từ cái tình bạn học, bạn văn...
------------



Nguyễn Trung Bình, qua cái nhìn bè bạn
Trần Tuấn
... “Lâu lắm rồi, một lần ngồi uống rượu với tôi và Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Trung Bình đã hỏi tôi: bạn bè ở xa thì nhìn nhau qua cái gì? Tôi đáp: trường hợp mấy thằng mình thì nên nhìn nhau qua thơ.
Tôi nhìn bạn tôi, Nguyễn Trung Bình, qua thơ, một cách tin cậy. Đơn giản vì tôi biết Nguyễn Trung Bình là người trung thực với thơ. Bình sống nghĩa hiệp, bặm bụi, nhưng lãng đãng. Và thơ Bình y chang vậy. Tuyệt không có sự giữ ý, không có những thu vén nhỏ nhen trong thơ của Bình. Dường như chỉ có sự cuộn xiết của tình bạn và tình yêu, hai thứ tình cảm căn bản, trong sáng nhất của con người, là thắng thế trong thơ bạn tôi. Thế nhưng đọc kỹ vẫn thấy có gì đó rất cô đơn ở từng con chữ của Bình. Cái hương vị cô đơn phảng phất qua hình ảnh, qua ý nghĩ, qua nhịp trầm nhát gừng của thơ. Cảm tưởng như ngay cả khi hứng khởi về hạnh phúc dâng cao nhất, cô đơn vẫn lẳng lặng tỏa hương trong Nguyễn Trung Bình.
Thượng đế cho các nhà thơ cảm hứng để có cơ hội nhìn mặt sự vĩnh cửu, nhưng bù lại, ông ta lấy đi sức khỏe và tuổi thọ của họ.
Đôi khi đem thơ của Bình ra đọc và thấy Bình đang ở bên cạnh mình, dù bạn đã quá xa...”
Nhà thơ Nguyễn Bình Phương, người bạn chí thân của Bình (người cũng có một cái tên với Bình như cặp bài trùng số học) đã viết như vậy, khi hay tin bạn mình ra đi. Tác giả của “Những đứa trẻ chết già”, “Trí nhớ suy tàn” đã nhận chân chính xác GIỌNG thơ bạn mình chỉ bằng 3 từ: Tình bạn – Tình yêu và sự Cô đơn. Chúng ta có thể thấy điều đó từ những bài thơ đầu tiên, cho đến bài thơ cuối cùng của Bình.
Về tính cách con người Nguyễn Trung Bình hệ lụy đến thơ của anh, Lê Trung Việt, cựu sinh viên Huế sau Bình mấy khóa, cùng đồng hương Duy Xuyên, cùng ở dãy ký túc xá 27 Nguyễn Huệ - Huế thời ấy (nay đang làm báo, làm văn ở Quảng Nam), kể: “Tôi nhớ hoài đêm đó ở ký túc xá, Bình ở đâu về, máu me đầy người. Bạn bè trong phòng hoảng hốt. Truy ra mới biết anh yêu chị Khuê khoa ngoại ngữ nhưng chị không đáp lại. Buồn quá, anh cắt ngón tay. Bài thơ “Em là con chim bé nhỏ” ra đời từ đó. Đây có thể là trò nông nổi, nhưng với những người như Bình, nó đã lộ ra một đường dẫn về sự va đập tổn thương tâm lý”. Từ chuyện này, Việt rút ra một điều: “Nguyễn Trung Bình đã chọn cho mình một cách sống khác là dấn thân làm điều mình thích. Theo tôi biết thời trung học, Bình là người cẩn nghiêm, cũng hội hè đoàn thể nền nếp, nhưng vào đại học là khác ngay. Môi trường đó đã xô anh vào một phương trời khác, khi những phát hiện về sự vô lý trong cõi sống buộc anh phải đối diện và trả lời”.
Phùng Tấn Đông nhận thấy: “Ở ngoài đời và trong trang viết, Nguyễn Trung Bình là kẻ thường trực gây hấn, gây hấn với sự tầm thường, nhạt nhẽo, gây hấn với sự giả danh để tồn tại với sự mòn nhàm, gây hấn với những “huyền thoại” già cỗiNguyễn Trung Bình là người thèm đi “đôi giày gió” của Rimbaud, nhiều những dự định buôn bán kiếm tiền để được đi, được xê dịch như thời đi buôn mây ở rừng Nà Thao, Tiên Phước để viết “Cho đêm mưa núi”. Rốt “tiền mất tật mang”, lãi chăng là nỗi buồn dằng dặc”.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhớ lại: “Trong nhiều bạn bè anh em của tôi ở xứ Quảng, có hai người mang cái tên khác lạ đáng nhớ. Đó là Nguyễn Trung Bình và Trương Duy Nhất. Khi lần đầu tiên tôi bước lên bục giảng Văn khoa Đại học Tổng hợp Huế thì Duy Nhất K7 đã ra trường, còn Trung Bình K11 đang học. Tôi biết Bình từ đấy. Thực tình tôi không phải đi dạy đúng nghĩa, chỉ là nhân có chuyến công tác qua Huế dừng chân nên anh em giảng viên trong khoa Văn mời lên trò chuyện, trao đổi một hai buổi cùng sinh viên về các vấn đề thời sự văn học, như là một kiểu ngoại khóa. Hay đi cùng các thầy Hồ Thế Hà, Phạm Phú Phong là những bạn chơi, bạn nhậu của tôi, nên với tôi Bình và một vài bạn khác cùng lứa nhanh chóng trở thành quen biết. Trước còn xưng thầy trò, sau ra là anh em… Trở lại chuyện của Bình và phim Xích lô (1995). Vẫn ở căn phòng 9 mét vuông của tôi tại 20 Lý Thái Tổ (Hà Nội), Bình đã dẫn Trần Anh Hùng và Lương Triều Vỹ đến. Hùng-Bình-Vỹ ngồi trên chiếc giường đôi choán gần hết diện tích nhỏ hẹp căn phòng, thả chân xuống sàn, tôi ngồi trên một chiếc ghế tựa, chúng tôi nói lan man mọi chuyện. Sau đó là những tháng ngày bận rộn tất bật của Bình cùng với đoàn làm phim. Bình tham gia viết lời thoại cho kịch bản của Hùng và đã đưa kịch bản tôi đọc. Sau này khi phim công chiếu và đoạt giải Sư tử vàng ở Liên hoan phim Venise (Italia). Gần đây, một vài cán bộ an ninh văn hóa mới lên tiếng về việc ai đã cản trở và ngăn cấm phát hành phim Xích lô, một tác phẩm điện ảnh duy nhất của Việt Nam được giải chính thức cao nhất tại một liên hoan phim quốc tế tính cho đến nay”.
Nhà phê bình văn học Phạm Phú Phong – người thầy của Bình, kể về những “tài lẻ” của Bình: “Khi tình cờ xem chương trình Quảng Nam - Hành trình di sản trực tiếp trên trên truyền hình VTV1, vợ tôi xem cho đến hết, để có cái nhìn so sánh với chương trình festival Huế, cuối chương trình thấy xuất hiện màn ca múa bài Những đứa trẻ dáng nâu và tổng đạo diễn là Nguyễn Trung Bình. “Huế nhiều nhân tài như thế - vợ tôi nhận xét - mà đợt festival nào cũng phải mời Nghệ sĩ nhân dân Phạm Thị Thành hoặc một nhân vật tầm cỡ tương đương làm tổng đạo diễn, còn ở quê anh, chỉ cần cậu học trò Nguyễn Trung Bình của anh là đủ (tôi cười hết cỡ vòm miệng một cách sung sướng, nhưng kịp nghe hết câu cuối lại thấy tủi thân). Em nghĩ, đời người chỉ cần một lần đóng góp cho quê hương như Bình là đủ. Anh xem, anh đã làm được như Bình chưa ?”...
Về những ngày tháng cuối đời, thầy Phạm Phú Phong không quên một kỷ niệm: “Câu chuyện bên ly bia đang mặn mòi như thế mà dường như Bình chẳng hề để ý. Bình vốn là người cũng thích nhấm nháp quá khứ lắm, nhưng lần này dường như lúc nào cũng vội vã, như muốn lao về phía tương lai. Chưa uống được bao nhiêu chai, Bình đưa sáng kiến thuê taxi đi Quảng Trị chơi, thế là gửi xe máy lại cho quán, ba thầy trò nhảy taxi dông ra Quảng Trị, một cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng, Bình đọc nhiều thơ của mình kèm với lời Bình tếu táo của Nguyễn Xớn, mãi đến chiều hôm sau mới trở về lại Huế. Tôi không ngờ đó lại là chuyến đi Huế và Quảng Trị cuối cùng của Bình. Anh bị bệnh gan đã giai đoạn cuối nhưng giấu tôi”.
Cuộc đời nhiều biến động, đầy xô dạt và ngắn ngủi của Nguyễn Trung Bình đã khắc sâu ấn chứng lên thơ anh. Phạm Xuân Nguyên nhận ra điều ấy: “Bình là người yêu thơ và có năng khiếu thơ. Trong Bình thơ tiềm ẩn và luôn đòi được bùng ra với sự đổi mới, cách tân. Theo chỗ tôi biết, ba nhà thơ được Bình quý trọng và học tập là Phùng Tấn Đông, Nguyễn Lương Ngọc và Nguyễn Bình Phương. Đông ở Hội An, Bình quen biết từ trước. Ngọc và Phương ở Hà Nội, Bình gặp sau, nhưng khi đã gặp rồi là “bám nhau” mật thiết. Mỗi lần ra Hà Nội, Bình đều luôn tìm gặp Ngọc và Phương. Thơ Bình buồn, buồn đến quạnh hiu, da diết. Nhưng thơ đó cũng sáng trong và đẹp, đẹp đến buồn bã”.
Thơ Nguyễn Trung Bình có 2 bước chuyển đặc biệt quan trọng. Những bước ngoặt ấy xảy ra vào thời điểm 2 lần Bình trực diện với cái chết. Lần thứ nhất, đó là sự ra đời của tập thơ “Bài của trẻ dáng nâu” - tập thơ riêng đầu tiên, cũng là tập thơ Bình nhìn thấy cuối cùng khi còn sống. Như nhà thơ Lý Đợi – một bạn thân của Bình, khẳng định: “Tháng 5-1996 tại TP.HCM, trong những ngày bệnh nặng, nằm viện, Nguyễn Trung Bình đã viết nên bài thơ quan trọng nhất đời mình và sau này in trong tập thơ cùng tên: Bài của trẻ dáng nâu (NXB Văn nghệ TP.HCM, 1996)”. Phạm Xuân Nguyên đánh giá: “Tập thơ riêng duy nhất của Bình khi còn sống, Bài của trẻ dáng nâu, là một tập thơ ấn tượng”. Cùng chung là nhận xét của nhà thơ Văn Công Hùng: “Thời Bình, tập Trẻ dáng nâu là một tập lạ. Thơ hồi ấy phần lớn là phẳng lặng, Bình nổi lên như một thi sĩ trẻ chịu khó cách tân, tìm tòi và lập ngôn hiện đại. Khi ấy nhắc đến thơ trẻ Việt Nam là có Nguyễn Trung Bình. Mà ngay bây giờ, khi ngồi đọc lại, thấy Bình cấu tứ và sử dụng hình ảnh từ thời ấy rất mới và tươi chữ. ...”.
Bước ngoặt dữ dội thứ 2, cũng là cuối cùng của đời Bình, là ngày tháng của những năm 2009, khi Bình trở lại bạo bệnh. Những ngày tháng cuối đời, Bình ào ạt viết trong tâm thế dữ dội, khác lạ, một loại thơ rất lạ, trần sì đô thị, đọc lên vừa nghe vị nhám sạm của lốc bụi đô thành, vừa có vị mặn của nước mắt cô độc. Mấy chục bài thơ Bình viết gấp ruổi trong những ngày cuối cùng đó, sau được NXB Lao Động – nơi Bình công tác – in cũng gấp gáp và hoàn thành chỉ vài ngày sau khi Bình mất. Tập thơ mang cái tên đơn giản “Thơ Nguyễn Trung Bình”.
Về tập thơ này, Phạm Phú Phong nhận xét: “Như một sự thúc giục của bản mệnh một người mang căn bệnh hiểm nghèo, lúc này thơ Bình luôn buông nhịp nhanh một cách vội vã, nhiều khi còn gián cách đảo nhịp một cách bất ngờ hoặc gấp gáp kéo nhau xếp hàng như hiện tượng domino trong những câu thơ xuôi không xuống hàng nhưng có gián cách: “không có gì xảy ra phố đang chảy vào ngày / ngày đang chảy vào phận người các kiểu / các kiểu đều chung một lối về là cái chết sao người ta cứ giành giật nó từng giây trông mà thương quá là thương (Phố ngày em đi). Câu thơ chạm vào cái chết như một lời tiên cảm với một thái độ chấp nhận và ít nhiều có sự thanh thản, đón chờ”.
Nhà thơ Trần Hữu Dũng – một thi sĩ tâm giao với Bình tại Sài Gòn suốt gần 16 năm, viết: “Những ngày cuối năm 2009, anh sống nội tâm, lặng lẽ của một người chất chứa quá nhiều tâm tư nặng trĩu về cuộc sống mà không biết chia sẻ cùng ai:
này thả/ nắp chai bật lên từ đổ vỡ/ làm gì có hải đăng chỉ đường cho con tàu anh/ lạc lối/ hãy bỏ lại / những con đường nhựa nóng/ nắng không đủ oi bức
mặt trời nung ánh mắt /va chạm/ vỡ / sóng lan về những phía xa ít đau và trắng rưng/rưng !…
(Khúc lặng)
Giọt nước mắt đàn ông rơi đau đớn, lì lợm, hệt như hồi chuông ngân hay giọt mưa đêm:

còn ai để nhớ / mưa như nước mắt đàn ông / rơi/ lì lợm…/ mưa không biết mình phải đi đâu mưa rơi vào / mắt nâu mưa rơi…(Khúc mưa)
Tập thơ nầy mang giọng điệu khác hẳn tập Bài của trẻ dáng nâu, sử dụng tối
đa thể thơ tự do, thơ văn xuôi, gần như dòng chảy độc thoại nội tâm đau đớn, báo báo hiệu cái chết sắp đến mà anh bình tĩnh đón nhận.
Đọc thơ vấp phải những lời tắc nghẽn, cơn mê đổ vỡ, giấc mơ bấn loạn như lạc vào mê cung sâu thẳm không dò lối ra. Toàn tập thơ là những dòng ý tưởng đan xen tạo nên bức tranh-hiện-thực-hỗn-độn-đa-sắc khiến người đọc bàng hoàng, đau đớn khôn nguôi”.
Nhà thơ Phùng Tấn Đông nhận ra: “Những câu thơ của Bình, kể cả những câu thơ của những nhân vật của Bình – trong lời thoại phim – đã chạm đến cái đẹp của sự hòa trộn trong tương phản giữa đớn đau và hoan lạc, thơ mộng và bẩn thỉu, sự thực và ảo tưởng, bản gốc và bản sao, ngẫu nhiên và mặc định, định dạng và phi định dạng…”
Một người bạn cùng lớp Văn K11 với Bình đang ngồi đây, nhà thơ Nguyễn Hồng Hạnh. Trong bài viết “Một ru-bic thơ đã ngừng xoay” (có in trong tuyển tập này), đã có cái nhìn thấu cảm về Bình và thơ Bình: “Đọc thơ Bình, trước đây và bây giờ, nếu có thể ví von, thì tôi nghĩ, đó cũng là một bức tranh theo trường phái lập thể, hiện đại. Nó có vẻ gì đó gần với cách của Võ Xuân Huy khi thực hiện loạt tranh sơn mài trong Ba biến thể. Nhưng thơ Bình, trong một chiều rơi khác, lại làm người ta dễ cảm nhận, dễ thảng thốt, dễ đau đớn và cũng dễ tổn thương với/sau những gì mà mình đã đọc được, đã chiêm cảm được và đồng hành được với những gập ghềnh, với những dằn vặt, với những ký tự mang vẻ ngụ ngôn, lại vừa có vẻ gì đó thấp thững của một dáng người trong hành trình đơn độc”. Xin để chị đọc lại chính bài viết của chị cho chúng ta
Hôm nay, chúng ta ngồi đây trong ngày mưa chớm đông của Huế, để tưởng nhớ một người bạn, trong những người bạn từng một thời khoác áo Văn khoa Huế đã ra đi. Những Nguyễn Trung Bình, Nguyễn Xuân Hoàng, xa hơn nữa là những Lê Viết Tường, Phạm Xuân Vinh …
Chúng ta là những con người luôn cô đơn, cô độc, theo một nghĩa nào đó. Chúng ta cần có nhau. Và để tự an ủi nhau, như cách nói của nhà thơ phố núi Văn Công Hùng khi viết về Nguyễn Trung Bình: “Chúng ta là nòi thi sĩ, chúng ta còn có thơ để lại. Cái dáng nâu của Bình vẫn phơ phất đâu đây” …
Trần Tuấn (tổng hợp)

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 23:49 0 nhận xét