Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2008

RAU MẦM, RAU MẦM!!!

TRỒNG RAU XANH SẠCH TRONG NHÀ NƠI PHỐ THỊ


Thiết lập một vườn rau xinh xắn trong ngôi nhà bé nhỏ của mình giữa nơi phố thị là mơ ước của không ít người dân thành phố. Từ nhu cầu rất thật này, chương trình trồng rau sạch trong nhà phố của Công ty TNHH Nguyên Nông - GINO Co, Ltd (TP.HCM) đã mở hướng cho người dân đô thị tận dụng những không gian nhỏ trong nhà để tự trồng và chủ động được nguồn rau xanh, sạch, an toàn với giá rẻ cho bữa ăn hàng ngày.
Ưu điểm của công nghệ này là đất trồng rau xanh truyền thống (đất thật) sẽ được thay thế bằng một hỗn hợp

có tên “đất trồng cây hệ Multi” có nguồn dinh dưỡng hữu cơ lâu dài, thân thiện với môi trường, không có chất độc, vi sinh vật gây hại, không dùng phân và thuốc trừ sâu hóa học.

Thành phần chính của đất trồng cây hệ Multi bao gồm giá thể hữu cơ từ bụi dừa, phân trùn quế, rong biển, vi sinh vật hữu ích và bánh dầu lên men. Tạo dinh dưỡng cao giúp cây tăng trưởng và phát triển tốt. Hiện sản phẩm đất trồng cây do GINO cung cấp khá đa dạng như đất trồng cây Multi dành cho rau ăn lá; rau ăn quả và hoa; cây kiểng, cỏ và giá thể Ginut chuyên trồng rau mầm với giá thành chỉ 3.000 đồng/kg. Tùy nhu cầu, người trồng có thể chọn canh tác một trong 40 loại rau, trái từ các loại hạt giống xà lách, cải bẹ xanh, cải ngọt, cải bẹ trắng, cải ngồng, cải ná, rau dền (đỏ, tiêu, tím), mồng tơi, rau muống hoặc trồng rau mầm từ nhiều loại hạt giống rau ăn lá khác như cải bẹ, cải ngọt, cải dúng, xà lách, rau muống, hành, tần ô…
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Đào (Giám đốc Cty Nguyên Nông), thì hộ gia đình nên chọn canh tác nhóm “Rau gia vị” như quế Thái, quế Việt Nam, diếp cá, ngò gai, húng, hành lá, ớt (đỏ, xanh), thì là, chanh. Hoặc nhóm “Rau nấu canh” như rau ngót, rau dền, rau muống, bạc hà, mồng tơi, bầu bí, mướp hương và cà chua.
Theo tính toán, chi phí đầu tư trồng rau tại nhà hiện chỉ khoảng từ 15.000 đồng đến 60.000 đồng. Cụ thể, cứ hai khay bằng xốp kích thước 30 x 50 x 7cm (7.000 đồng/khay) cần 30 gram hạt giống rau mầm (giá 4.000 đồng) và 2kg đất trồng là giá thể Ginut nhẹ có đủ dinh dưỡng (giá 5.000 đồng). Sau khi trồng khoảng 5 - 7 ngày là có thể thu hoạch được từ 400 - 450 gram rau sạch (đã bỏ rễ) có giá trị dinh dưỡng tương đương 1,5kg rau bình thường. Sau thu hoạch, đất còn lại có thể tái sử dụng trồng rau mầm mới hoặc bổ sung phân bón hữu cơ để trồng các loại cây khác. Theo xét nghiệm của cơ quan khoa học cho thấy rau trồng theo công nghệ này đạt 100% tiêu chuẩn. Hàm lượng kim loại như chì, asen, đồng, thủy ngân hầu hết nhỏ hơn 10% mức cho phép.
Như vậy, với vật tư, hạt giống, giá thể, dụng cụ cần thiết cho việc trồng rau có bán trên thị trường. Chỉ cần khéo tận dụng khoảng không gian trống (có ánh nắng) trong ngôi nhà, như sân thượng, balcon, giếng trời, sân trước và sân sau là chúng ta đã có những vườn rau xanh xinh xắn. Ngoài góp phần mang lại những bữa cơm ngon, bổ dưỡng... trồng rau xanh trong nhà còn là một hình thức lao động nhẹ nhàng, một phương pháp thư giãn thú vị giúp giảm stress hiệu quả.

Trọng Hà
Theo Thanh Niên - 4/2/2006


CÁCH TRỒNG RAU MẦM ( seven days):

Là rau được canh tác bằng các loại hạt giống rau thông thường nhưng có thời gian canh tác ngắn nhất, chỉ khoảng 5- 7 ngày sau khi trồng là có thể thu hoạch.

Có thể trồng rau mầm từ nhiều loại hạt giống rau ăn lá khác nhau như cải bẹ, cải ngọt, cải dúng, xà lách, rau muống, hành, tần ô… Thời gian qua Công ty GINO đã phổ biến cho nhiều hộ gia đình canh tác thành công rau mầm trên 2 loại giống là rau cải mù tạt & rau muống mầm Việt Nam.

Dụng cụ trồng: có thể sử dụng nhiều loại vật liệu khác nhau tuỳ điều kiện sẵn có của mỗi gia đình như mây tre, khay nhựa, khay xốp, sành sứ…

Đất trồng: là giá thể Ginut, nhẹ, đã có đủ dinh dưỡng. Với kích thước khay 30x50x7 cm cần 30 gram hạt giống và 2 kg giá thể GINUT.

Thao tác trồng:

- Cho GINUT vào dụng cụ trồng, tưới ẩm đều bằng nước sạch.

- Tạo bề mặt giá thể cho bằng phẳng.

- Gieo hạt giồng đều lên bề mặt giá thể.

- Phủ tiếp lên bề mặt hạt giống một lớp mỏng GINUT đã tưới ẩm. Tưới phun nhẹ môt lần nữa. Dùng tấm nilon sạch ( hoặc bìa cứng) đậy bề mặt khay lại.

- Sau khoảng 2- 3 ngày hạt giống sẽ nảy mầm, chuyển khay ra ngoài nắng hoặc nơi có nhiều ánh sáng, tránh mưa trực tiếp.

- Tưới nước mỗi ngày bằng bình phun & chỉ tưới phun sương trên mặt khay.

Đặc biệt đối với rau mầm do thời gian sinh trưởng ngắn và giá thể trồng đã được phối trộn đầy đủ dinh dưỡng nên trong quá trình chăm sóc chúng ta chỉ cần tưới nước cho cây mà không cần phải bổ sung bất kì nguồn dinh dưỡng nào khác.

Thu hoạch:

- Sau 5- 7 ngày trồng, rau mầm cao 8- 12 cm là có thể thu hoạch bằng cách nhổ rau lên khỏi mặt giá thể, dùng kéo cắt bỏ rễ, rửa lại bằng nước sạch là có thể sử dụng ngay.

- Với 30 gram hạt giống, sau 5- 7 ngày trồng chúng ta sẽ thu được 400- 450 gram rau mầm đã cắt bỏ rễ với giá trị dinh dưỡng tương đương 1,5 kg rau thường.

Trồng đợt kế tiếp:

- Sau khi thu hoạch phần giá thể còn lại có thể được tái sử dụng bằng cách: xới lên, nhặt hết phần rễ sót lại, cho thêm GINUT vào đầy dụng cụ trồng hoặc thay toàn bộ GINUT mới và tiếp tục trồng đợt rau mầm mới.

- Đất cũ có thể dùng trồng rau hoặc các loại cây khác chỉ cần bổ sung thêm phân bón hữu cơ PITA.
cách đây 7 tháng
(Các) nguồn
Trung tâm thông tin khoa học và công nghệ tphcm


Món ăn từ rau mầm
Thứ năm, 04 Tháng một 2007, 10:13 GMT+7
showarticletop("http://vietbao.vn","55133818")

CAC MÓN RAU MẦM

Tags: thìa cà phê, củ cà rốt, rửa sạch, thịt bò, với nước, món ăn, nước dùng, thực hiện, rau, mầm, 1, tỏi, nêm
Rau mầm chứa nhiều chất xơ và vitamin, vị ngọt giòn nhưng hơi hăng, được xem là một trong các loại rau sạch được ưa chuộng hiện nay, có thể ăn sống, làm các món cuộn, trộn dầu giấm, xào hoặc nấu canh. Nhiều đầu bếp thường kết hợp rau mầm với thịt bò, cá hoặc hải sản.
Rau mầm ở quầy tươi sống của các siêu thị, giá từ 7.000 đồng/hộp 200g hoặc tại các chợ giá 19.000 đồng/0,5kg. Bạn nên chọn chúng để làm phong phú thêm bữa cơm gia đình.
Khai vị: Cuộn cá
Nguyên liệu (4 phần)
100g rau răm, 1 củ cà rốt, 200g phi-lê cá lóc, 100g bông hẹ, 1 củ gừng nhỏ.
Nước mắm, đường, nước cốt chanh. Tỏi xay; Ớt xay; Tương ớt.
Thực hiện
Bước 1: Gọt vỏ cà rốt, cắt que dài, luộc chín. Cắt phi-lê cá thành miếng dài. Đun sôi nước, cho vào một miếng gừng đập giập và 1 thìa cà phê bột nêm, cho cá vào luộc vừa chín, vớt ra, để ráo. Rửa sạch bông hẹ, chần sơ. Rửa sạch rau mầm, để ráo.
Bước 2: Xếp 1 miếng cá, 1 miếng cà rốt, 1 nhúm rau mầm, rồi dùng bông hẹ buộc lại ở giữa.
Bước 3: Làm nước sốt: Trộn đều 2 thìa súp nước mắm với 3 thìa súp đường, 2 thìa súp nước cốt chanh, 1 thìa cà phê tỏi xay, 1/2 thìa cà phê ớt xay, 1 thìa súp tương ớt.
Thưởng thức
Dọn cá với nước sốt chua cay.
Món chính: Canh mực
Nguyên liệu (4 phần)
100g rau mầm, 100g nấm rơm, 100g ngô non
150g mực ống, 1 cây tỏi tây
Nước dùng, bột nêm, đường, nước mắm
Tỏi xay, dầu ăn, tiêu.
Thực hiện
Bước 1: Rửa sạch rau mầm, để ráo. Cắt bỏ chân nấm rơm, ngâm nước muối, sau đó rửa sạch lại.
Rửa sạch ngô non, chẻ đôi. Làm sạch mực, cắt khoanh. Rửa sạch tỏi tây, cắt nhỏ.
Bước 2: Phi thơm tỏi xay, cho mực, bắp non và nấm rơm vào xào, chan nước dùng vào. Nêm bột nêm, Đường, nước mắm.
Bước 3: Cho rau mầm vào tô. Đun nước canh thật sôi, chế vào tô rau. Rắc tỏi tây lên trên. Thêm ít tiêu.
Thưởng thức:Dùng nóng.
Trộn thịt bò
Nguyên liệu (4 phần)
150g phi-lê bò
1 củ cà rốt, 100g rau mầm, 150g bông cải xanh, trắng
1 quả cà chua, 3 củ hành tím. Giấm, đường, bột nêm, dầu trộn xà-lách, tỏi xay, dầu ăn.
Thực hiện
Bước 1: Rửa sạch thịt bò, để nguyên miếng, ướp với 1 thìa súp bột nêm và 1 thìa súp dầu. Gọt vỏ cà rốt, bào mỏng. Rửa sạch rau mầm, để ráo. Hành tím cắt khoanh, cà chua thái múi cau, bông cải cắt miếng vừa ăn, chần sơ qua nước sôi.
Bước 2: Pha nước trộn: 4 thìa súp giấm, 2 thìa súp đường, 2 thìa cà phê bột nêm, 1 thìa súp dầu trộn xà lách, 2 thìa cà phê tỏi xay.
Bước 3: Cho bò vào lò nướng hoặc bỏ vào chảo chiên chín tái, thái miếng mỏng vừa ăn.
Trộn rau mầm, bông cải, cà rốt, cà chua, hành tím với nước trộn, bày ra đĩa rồi xếp thịt bò lên mặt.
Thưởng thức
Dọn kèm với nước tương và ớt thái lát.
Xào tôm
Bí quyết có món rau xào ngon là để chảo thật nóng, cho rau vào đảo nhanh, nhẹ tay rồi tắt bếp. Vì thế bạn nên cho rau mầm vào sau cùng và đảo nhanh tay.
Nguyên liệu (4 phần)
100g rau mầm; 1 củ cà rốt bào sợi; 150g tôm; 1 thìa cà phê tỏi xay; 1/2 bát nước dùng; 1 thìa cà phê bột năng, pha với nước; 1 thìa cà phê dầu hào; 1 thìa cà phê đường; 2 thìa cà phê bột nêm; Tiêu.
Thực hiện
Bước 1: Rửa sạch rau mầm, để ráo. Chần sơ tôm cho vừa chín tới, bóc vỏ, chừa đuôi.
Bước 2: Phi tỏi thơm, cho tôm vào xào, thêm cà rốt bào sợi và nước dùng. Nêm dầu hào, đường, bột nêm, bột năng. Cho rau mầm vào đảo nhanh tay, bày ra đĩa, rắc thêm một ít tiêu.
Thưởng thức
Dọn kèm với nước tương và ớt thái lát. Dùng nóng.
(Theo TGVH)

Thứ Tư, 25 tháng 6, 2008

NGƯỜI ĐẸP & BÓNG ĐÁ











(theo vnexpress.net)

Trích tập thơ ÔM TRÒN TRÁI ĐẤT

GIÓ QUÊ MÌNH

Thương sao ngọn gió ban chiều
Nghiêng trên cánh đồng năm tháng
Vỗ về bông lúa quê hương
Dãi dầu cùng mưa cùng nắng.

Thương sao ngọn gió quê nhà
Vờn lên áo nâu của chị
Dịu nỗi vất vả của cha
Lắng giọt mồ hôi trán mẹ.

Gió ơi, gió ơi, nhè nhẹ
Đong đưa cánh võng tuổi thơ.


TẾT ĐẾN

Mẹ ơi, Tết đến kìa
Trong rộn ràng hơi nếp
Cha nói: mùa xuân đẹp
Lung linh trên cành đào.

Nghe khay bánh lao xao
Bên chậu hoa vừa nở
Tết nơi bàn tay mẹ
Nơi bài thơ của cha.

Mải mê lật từng trang sách
Nâng những ước mơ bay xa.


TẾT

Cái Tết qua ngõ
Hương bánh gọi vào
Vạn thọ nghiêng chào
Nôn nao ngày hội.

Đầy sân áo mới
Người lớn vui cười
Trẻ nhỏ hân hoan
Đón mừng tuổi Tết


ÔM TRÒN TRÁI ĐẤT

Trái đất là quả bóng xanh
Rừng tràn lá non
Biển đầy ngọc bích.

Trái đất như viên bi trong veo
Lóng la lóng lánh
Anh sáng muôn màu.

Trái đất tựa một tổ chim
Nơi mọi màu da
Hát bài ca đầm ấm.

Em ước sao trái đất chúng mình
Bốn mùa hoa thắm
Em muốn ôm tròn trái đất trong vòng tay.


O… O!

O o, mày nói gì
Hôm nay Tết rồi đó
Hoa trong nhà ngoài ngõ
Bánh kẹo mừng lao xao.

Ó o, cất lên nào
Đừng sợ tiếng đường phố
Hãy gáy thật rộn rã
Thêm lời ca đêm ngày.

Chắc nhiều người nghe mày
Nhưng bận không để ý
Chỉ mình tao chăm chú
Ò o, mày đừng buồn.

Tao sẽ nghe mày luôn
Vì khi lời mày gáy
Tao thấy mừng biết mấy
Ò ó, mày hát lên!


NIỀM VUI

Niềm vui của con
Là quả bóng mẹ cho
Ngày con vào lớp Một.

Quả bóng như vầng trăng
Vành vạnh tình yêu của mẹ.

Ngày mai con lớn
Niềm vui quả bóng lăn theo suốt đời.


NHỚ

Long lanh ẩn trong chiếc lá
Tha thẩn từ màu buổi chiều
Viên bi ánh nhìn trong veo
In cả bầu trời xa thắm.

Con đường tuổi thơ đằm đặm
Bờ lau lấp lỉnh bạn cười
Mưa rào chia hai trò chơi
Tiếc thương ngôi nhà công chúa.

Lớn lên chắc là nhớ lắm
Lời mẹ gọi ăn cơm trưa.


NẮNG HÈ

Cháy lên một góc trời
Tôi biết mùa hè đã đến
Niềm vui học trò như nắng ngạt ngào
Đường xa lá hoa vẫy gọi.

Mênh mang đồng lúa nắng xanh
Có bàn tay mẹ nâng cây lúa hát
Mùa hè của con giấc mơ nhảy nhót
Mùa hè của mẹ bùn đất dãi dầu.


MƯA BÊN NGOẠI


Cháu về thăm ngoại chiều mưa
Mái tranh nho nhỏ dậu thưa ngoại cười
Hàng dừa giờ lớn thêm rồi
Dầm chân vẫy vẫy mưa rơi bạn về.

Áo cời lập cập ngoại che
Tội đứa cháu nhí đường xa vợi vời
Vòm tay ngoại rợp bầu trời
Mưa thành câu hát à ơi thuở nào.


LỒNG ĐÈN

Lồng đèn bé bé xinh xinh
Kết bằng hương hoa trời đất
Lồng đèn thơm mùi mật ong
Lóng lánh như ngàn con mắt.

Lồng đèn là quà Hoàng tử
Gởi tặng công chúa chị Hằng
Trung thu như ngày đám cưới
Trăng xanh ánh nến bập bùng.

Lồng đèn đung đưa đung đưa
Lồng đèn xa xưa xa xưa.


MỖI MAI

Mỗi sớm mai thức dậy
Thấy cây hoa đầu nhà
Nở thêm nhiều đoá mới.

Buổi sớm mai thức dậy
Nghe tiếng chim râm ran
Chắc mùa xuân vừa sang.

Rồi một mai thức dậy
Thấy bầu trời rộng hơn
Biết mình thêm một tuổi.

Tưng cơn gió vươn mình
Đón một ngày mới đến
Nhen thêm một niềm vui.

ẨM THỰC KÝ

CANH CHUA LÁ DÍT THỊ GÀ

Dít là một loại cây có nhiều ở vùng đất đỏ miền núi huyện Sơn Hòa, Tuy An của tỉnh Phú Yên. Dít thường mọc hoang dại dưới bóng râm ngoài vườn. Cây không to, đường kính gốc cây khoảng chừng một nắm tay trở lại, thân cao 0,5 m, nhiều cành, lá màu xanh nâu có mùi thơm vị chua. Cây được chọn phần lá non để dùng nấu ăn nên người ta gọi cây dít thành lá dít.
Lá dít nấu canh chua hợp với nhiều loại hải sản như cá cua hoặc các loại chim rừng nhưng đặc sản hơn phải nấu với thịt gà vườn nhà tươi sống. Tất nhiên thịt gà nấu món gì cũng ngon. Với món canh chua lá dít, khi làm gà ta nên chọn gà non tuổi, loại này xương mền ngọt. Nếu gà lớn hơn ta nên chọn phần thịt ức kèm theo bộ lòng. Phần thịt được thái nhỏ cho vào tô rồi hòa chung cả thịt và lòng ướp gia vị. Lúc nấu nên khử một ít dầu thực vật tránh mỡ, cho thịt vào. Trên lửa nồi thịt đã bốc mùi thơm ta châm nước sôi vừa đủ. Khi nước đã sôi đều và thịt gà đã chín, ta dùng tay vò sơ phần lá dít ( không dùng dao thớt xắt vì theo dân gian sẽ hôi) đã được hái cho và nồi nước đang sôi rồi tắt lửa, nêm gia vị. Chỉ thế thôi, chỉ đơn giản vậy thôi mà ta đã có một nồi canh chua tuyệt vời.
Canh chua lá dít thịt gà thường ăn nóng khi cả nhà quây quần bên mâm cơm chiều, lúc có khách quý hoặc dùng làm mồi lai rai vài xị với anh em xóm giềng lúc công việc rảnh rỗi. Sướng nhất là khi ăn món này kèm theo một chén muối ớt rừng giã nhỏ. Khi đó mùi thơm, vị chua của lá dít hòa cùng chất béo, tanh của thịt gà cộng với vị vừa chua vừa cay của ớt trên đầu lưỡi nên ta sẽ có một bữa ăn ưng ý.
Ngày xưa, canh chua lá dít là món hợp khẩu vị và phải ăn thường niên với những người sống, công tác và hoạt động cách mạng trên vùng núi nơi đây. Xa rừng xa núi nhiều năm, về thành thị rồi nhưng họ không thể nào quên món bình dân quê hương một thời gian khó.
Bây giờ canh chua lá dít thịt gà là món đãi khách đặc biệt và là món đặc sản có một không hai chỉ có ở quê tôi. Nó ngon hơn gấp nhiều nhiều lần so với món canh chua lá dang chúng ta thường thấy trong các quán hoặc trong các nhà hàng đâu đó. Nhiều người về thăm quê, công tác họp hành hoặc đi du lịch đều coi đây là món khoái khẩu không thể thiếu trong bữa ăn. Nhiều lúc sợ không có nên họ phải đặt người nấu trước cho chắc. Lúc ra về mỗi người mang về một ít để khoe và chia vui cùng với vợ con nhưng xem ra không ngon bằng nấu ăn tại chỗ. Có lẽ nguồn nước, mảnh đất và khí hậu nơi đây là nhiều yếu tố tạo nên vị ngon của nồi canh chua xứ sở .
TUY AN


(theo daotantruc.blogspot.com)

GIAI THOẠI NHÀ VĂN PHÚ YÊN




TRẤN LỘT LUÔN CHỨ
KHÔNG GỢI Ý, GỢI TỨ GÌ CẢ !


Đó là câu tuyên bố xanh rờn của nhà thơ,nhà báo Đào Đức Tuấn khi uống xong một chai vang Đà Lạt và một bầu bia SeiGer vào chiều hôm qua, ngày 24/6/2008 tại quán chị Bảy thân chủ của các nhà Đài ở Phú Yên.
Câu chuyện như thế này: Nhân tiện có món quà tặng nhân ngày Báo chí cách mạng VN năm nay ( chai vang Đà Lạt), Đắc Hoa phôn mời bác Ba Ngô Phan Lưu và nhà thơ, nhà báo Đào Đức Tuấn cùng Chín Lin đi uống vài ly để xua đi cái nóng oi bức mùa hè ở thành phố trẻ Tuy Hoà. Bữa nhậu cũng chẳng có gì. Đắc Hoa mang đến chai rượu, Ngô Phan Lưu gọi đĩa lòng xào hẹ ( trị giá 10.000đ), Đức Tuấn và Chín Lin thì im thin thít chỉ biết uống( có lẽ các chú cũng kẹt). Rượu vào, lời ra, lúc này anh em trên bàn nhậu biết được Ngô Phan Lưu mới nhận được khoản tiền nhuận bút quyển sách “ Cơm Chiều” kha khá, đến 6,5 triệu. Sau khi tính toán mọi chi phí và còn để một phần đáng kể cho bác Ba gái làm vốn trong khoản tiền nhuận bút này, thì Chín Lin ( cử nhân văn chương lò Đà Lạt, đang công tác ở Cục Thuế tỉnh Phú Yên) tha thiết đề nghị bác Ba cho uống tiếp vang Đà Lạt chứ không uống bia bầu nữa. Thấy chú Chín gợi ý sát sườn như thế Đắc Hoa e rằng bác Ba sẽ rất khó xử, nên mới nhẹ nhàng nói :
-Chú Chín không nên gợi ý như thế, để bác Ba tự giác.
Đức Tuấn, tuy mới uống mấy ly vang nhẹ xần nhưng có lẽ trong người đã có nước chân, nên dõng dạt tuyên bố:
-Trấn lột luôn chứ không gợi ý, gợi tứ gì cả. Bác Ba hôn nay phải chiêu đãi bọn em rượu vang Đà lạt. Và có chị bán bánh hỏi kia. Gọi lại chiêu đãi luôn mỗi người một dĩa để lót dạ. Uống mà bụng trống là dễ đau dạ dày lắm.
Nghe nhà thơ, nhà báo Đức Tuấn tuyên bố dõng dạc như vậy. Bác Ba buồn buồn đứng dậy, tay móc ví đưa tiền cho con chị Bảy mua giúp rượu vang Đà Lạt, còn miệng gọi chị bánh hỏi gánh lại mua đúng mỗi người mỗi dĩa ( giá 10.000đ/dĩa).
Ăn uống no nê, Đức Tuấn nói: Uống với anh Ba nhiều lần ,nhưng được uống rượu vang của anh ba thì đây là lần đầu. Ngon thật.

(Đắc Hoa ghi)

(ảnh: Đức Tuấn)

Nhà thơ Thanh Tùng



Thời hoa đỏ như máu ứa


Mỗi mùa hoa đỏ về/ Hoa như mưa rơi rơi/ Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi/ Như máu ứa một thời trai trẻ…
Những câu thơ trong Thời hoa đỏ của nhà thơ Thanh Tùng được nhiều thế hệ đang yêu hát trên giai điệu âm nhạc tha thiết, mãnh liệt của Nguyễn Đình Bảng. Dù nhạc sĩ có làm vơi bớt nỗi buồn: “Như gợi nhớ về một thời trai trẻ” thì thi sĩ vẫn nhận lấy vết cắt đau đớn bởi cuộc tình…

Em không đi hết những ngày đắm say…

Nguyên mẫu nhân vật “em” trong bài thơ Thời hoa đỏ chính là vợ nhà thơ. Vợ Thanh Tùng một thời nhan sắc ở đất Cảng Hải Phòng và cũng nổi tiếng đa đoan. Ông, bà đến với nhau bắt đầu và kết thúc cũng vì thơ. Lúc chưa về sống cùng ông, bà cũng có làm thơ nhưng sau đó chuyên tâm lo nội trợ vì quá yêu thơ của ông. Nhiều bạn bè cùng thời Thanh Tùng ở đất Cảng nhận định đó là một cuộc tình đẹp như thơ.

Thế nhưng, dòng đời lắt léo lắm thác ghềnh, cuộc hôn nhân của hai người rồi cũng chảy đến khúc quanh chia lìa. Phải nói cho đúng, bà đã bỏ ông thi sĩ mộng mơ để mơ mộng một chân trời khác cho riêng mình. Dù người đã bỏ mình đi, vậy nhưng Thanh Tùng vẫn nhất mực yêu thương bà. Hai người có hai con chung và Thanh Tùng có thêm một tình yêu dang dở bao giờ cũng đẹp để suốt đời hoài vọng.

Sau nhiều năm hai người hai ngả vui đời sống của riêng mình, khoảng năm 1973, Thanh Tùng hay tin vợ cũ qua đời vì bệnh tim. Ông tức tốc xuống Quảng Ninh nơi bà đã sống trong những tháng ngày xa ông để tiễn đưa nhau lần cuối. Và bài thơ Thời hoa đỏ ra đời khi nỗi bi thương về cuộc tình, về phận mình trào lên cao độ: “Trong câu thơ của em anh không có mặt…/ Anh đâu buồn mà chỉ tiếc/ Em không đi hết những ngày đắm say”. Nhiều người cho rằng để có thơ hay thì chính tác giả phải trả một cái giá nào đó. Cái giá để có Thời hoa đỏ của Thanh Tùng đã trả phải chăng quá sức chịu đựng của một đời mộng mơ?!

Tuy nhiên, ông đã có cùng bà những năm tháng thật đẹp tại thành phố hoa phượng đỏ. Thanh Tùng làm thợ gò trong một nhà máy đóng tàu. Hai vợ chồng rất nghèo nhưng giàu thơ, giàu bè bạn. Chính những tháng năm tuyệt đẹp ấy đã chuyển tải thành vần điệu trong sáng, lan tỏa đến mọi người. Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao/ Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng/ Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tỉnh/ Chẳng cho lòng ta yên/ Anh mải mê về một màu mây xa/ Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ/ Về cái vẻ thần kỳ của ngày xưa…


Hôn nhân luôn “mặc định”


Có thể nói, chuyện hôn nhân của Thanh Tùng được ông mặc định cho số phận, thơ và do bạn bè “xui khiến”. Đang là một nhà thơ công nhân có danh ở Hải Phòng khi đất nước đang chiến tranh, Thanh Tùng theo nhà thơ Vân Long lên Hà Nội tìm thi sĩ Xuân Diệu nhờ “mắt xanh” thẩm định thơ. Xuân Diệu nghe Thanh Tùng đọc thơ xong liền hỏi: “Cậu có vợ chưa? Biết Thanh Tùng đang độc thân, Xuân Diệu “xúi” về lấy vợ đi chứ không đả động gì đến chuyện thơ. Thanh Tùng nghe lời Xuân Diệu cưới vợ ngay sau đó và… chỉ vài năm sau Thời hoa đỏ ra đời.
Năm 1995, Thanh Tùng “hành phương Nam” lập gia đình mới theo sự mai mối của vợ chồng nhà thơ Hoàng Hưng. Ngày tiễn ông ra sân ga, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha chỉ vào ba lô con cóc Thanh Tùng đang đeo bên người: “Đấy, hành trang 60 năm cuộc đời đấy”. Vào Sài Gòn, Thanh Tùng sống trong ngôi nhà của vợ - cũng là một độc giả mến yêu ông. Bà tên Thanh, đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ở trong ngôi nhà của vợ, Thanh Tùng viết được trường ca Phương Nam, trong đó có những câu thật xúc động: “Anh đang sống trong ngôi nhà, em đã mua bằng cả thời cô đơn thiếu nữ”.

Để được “sống trong ngôi nhà” với bà Thanh, Thanh Tùng phải chứng minh được thân phận… nhà thơ của mình. Vì ông lúc đó vẫn lang bạt, không nhà, không tiền, không chức vị… mà cái danh nhà thơ thì chỉ bảng lảng đâu đó trên chín tầng mây. Vợ chồng nhà thơ Hoàng Hưng và bè bạn đã đến thuyết phục gia đình bà Thanh. May sao lúc đó, ông nhận giải thưởng thơ của Hội nhà văn VN, thế là báo chí đưa tin, viết bài về ông. Nghiễm nhiên, “nói có sách, mách có… báo”, thân phận ông thuyết phục được gia đình vợ.

Nhà thơ một thời sống bằng nắm đấm!

Nhà thơ Trần Nhuận Minh (anh ruột thần đồng thơ Trần Đăng Khoa) trong tập Nhà thơ và hoa cỏ có bài thơ Nhà thơ áp tải viết về Thanh Tùng: Có ai ngờ nhà thơ/ Phải sống bằng nắm đấm và Chai rượu ngang dốc ngược/ Đứng bên trời uống chung. Bài thơ chân dung Thanh Tùng của Trần Nhuận Minh được nhiều bạn thơ nhớ vì đã vẽ quá đúng tính cách cùng những gì tác giả Thời hoa đỏ đã trải qua. Thanh Tùng yếu mềm trong thi ca và trong tình yêu. Ngoài đời ông cũng là người mau nước mắt, dù ở tuổi ngoài 70, ông vẫn bật khóc hồn nhiên khi chứng kiến những mảnh đời bất hạnh hay nghe những câu chuyện đau lòng. Nhưng đâu ai ngờ, ông một từng làm nghề áp tải hàng từ Hải Phòng lên Hà Nội thời đường số 5 cướp nhiều như rươi. Ông nhà thơ đã tung nắm đấm vào bọn cướp mà lại rất dễ xúc động, Thanh Tùng là thế!

Trần Hoàng Nhân
(thethaovanhoa.vn)
Ảnh: Nhà thơ Thanh Tung và Đào Đức Tuấn tại Tuy Hòa

Thứ Ba, 24 tháng 6, 2008

"Cám cảnh" Ngô Phan Lưu...ra sách mới


CHỈ LÀ ĐÔI ĐIỀU…

Làm văn chương như lao vào con đường quá nhiều khổ nhọc. Dấn thân con đường gian truân này, tôi ít quan tâm chim kêu, hoa nở, gió mát, trăng thanh… Tôi dành nhiều chú tâm vào con người, đặc biệt tâm tính con người. Việc này, không quan tâm không đươc, bởi tôi là đồng loại. Đa số họ tệ lắm. Còn dưới mắt họ, tôi cũng tệ lắm. Tôi cố tỉnh táo, khách quan, tôi tôn trọng và thận trọng, tôi xem xét và suy tư… Văn chương đối với tôi là cuộc thám hiểm con người. Thám hiểm con người để biết con người, tìm thấy con người và chiến đấu con người.
Sa thân chốn chữ nghĩa, tôi thường tự hỏi nhiều câu nhấn chìm mình. Và, tôi cố vùng vẫy ngoi lên…
-Con người thương quí cái gì?
-Hẳn là con người thương quí cái thiện trong con người.
-Con người sợ hãi cái gì?
-Con người sợ hãi cái ác trong con người.
-Vậy…cái ác, nó sợ hãi cái gì?
Và, trong tôi luôn vỡ ra một điều chua xót:
-Cái ác chỉ sợ hãi cái ác hơn.
Tôi cực kỳ căm ghét cái ác, thế nhưng nhiều khi tôi bất lực trước kẻ ác, bởi tôi không làm ác được. Và cũng không có quyền làm ác. Trong văn chương lại cũng thế. Nhưng, dù ở sát bờ tuyệt vọng, tôi vẫn cố gắng xây dựng cái thiện để làm đối trọng cái ác. Đời văn tôi quá ngắn và bé mọn, biết chắc cái thiện dù dày công hun đúc một đời, cũng khó mà đánh bại một cái ác nhất thời nhởn nhơ. Nhưng trận chiến không khoan nhượng và lép vế này, đã giúp tôi thanh thản làm người.
Mỗi khi đặt dấu chấm dứt một truyện ngắn, một bài văn, tôi luôn cảm thấy mình cần phải viết lại. Bởi , cây bút tôi quá chật hẹp và bất cập trong biển đời mênh mông gào sóng.
Bàn viết tôi trông ra cửa sổ. Lãng đãng nơi khung chữ nhật gió lùa ấy, tôi thấy bóng quá khứ trôi qua nhiều buồn thương lẫn lộn. Nhưng nơi ấy, tôi buộc hiện tại phải đi qua bằng lòng tin không mất của tuổi già! Nơi ấy tôi thường ngồi lặng im, nghĩ nhiều hơn viết, nghe nước mắt phận mình không rơi ra ngoài được, vì những đồng cảm bao người dân quê chân lấm tay bùn. Tôi vẫn hài hước để đậy che chua xót, tôi cố bông đùa để lấp đi cay nghiệt, để tôi được sống mà nuôi khao khát…Tôi bây giờ không dám rời xa cái bàn viết bé nhỏ bề bộn bản thảo, tôi sợ mình không còn gì để vịn những lúc cô đơn tràn ngập ngã lòng.
Sống cõi đời, có những lúc phải nín thở, nhói tim vì cái ác diễn ra sờ sờ như thách thức mình. Xem ra, có khá nhiều kẻ đã nổ lực dùng trí tuệ quí nhất đời họ để phụng sự cái ác miệt mài.
Già, già rồi. Nghèo, nghèo rồi. Tôi bỏ cày, cầm bút, để chất cao thêm lo toan giữa bao lo toan chất đống. Có lẽ, tôi chưa biết cách già. Và cũng có lẽ, số phận đánh lừa tôi, để tôi trở thành số phận.

LCL: Chào mừng NV Ngô Phan Lưu vừa được NXB Phụ Nữ in cuốn "Cơm chiều" gồm 18 truyện ngắn và 14 tạp bút. Lúc nào sẽ tranh thủ viết đọc sách, vì đã được tác giả "hối lộ" 1 chai vang Đà Lạt và mấy ca bia Seiger tại quán Bà Bảy chiều 24.6.2008. Nghe nói được in sách và còn có nhuận bút 6,4 triệu đồng. Kể ra cơm chiều cũng chưa đến nỗi... thiêu! Sách không tặng, ai nhanh tay thì trấn lột của NPL!

Chủ Nhật, 22 tháng 6, 2008

Tản bút trong veo phận người

Câu thơ trong veo neo giữ phận người

Có những giờ phút sau bao bộn bề công việc đời người, hỷ nộ ái ố, bỗng một điều gì đó xoay hút tâm tư, tự nhiên lặng lòng nhưng không hẳn là rưng rưng nước mắt.

Cái nhu cầu đắm vào suy tư, trầm vào bản thân, thả hồn trong thinh không hình như đã thành một nhu cầu khi trải nghiệm cuộc sống. Tôi gọi đó là những phút lắng lọc tâm hồn. Qua những lúc như vậy, tự nhiên thấy người khỏe khoắn, thêm tí yêu đời. Ờ, mấy ông đạo sĩ, cao tăng ngồi thiền, kể ra cũng có lý nhỉ...

Có những phút giây tạm gọi là cái mốc hay là bước ngoặt trong đời con người. Đó là một đêm trừ tịch, nén nhang tỏa thơm đơm chút liêu trai, sau một năm bình thường như bao năm khác trong đời, không làm gì nhiều nhưng 365 ngày cũng chan trong người một chất mỏi mệt.

Đã quá tuổi ba mươi mà chẳng làm việc gì cho ra hồn, trong lúc mộng lớn thì luôn bày tuồn tuột ra bàn nhậu. Bản tính ưa giao du, ngồi trong căn phòng một mình, tự nhiên thấy lòng ngăn ngắt, lìm lịm, rồi một cảm giác man man lan toả diệu kỳ. Không biết cảm giác ấy bao lâu nhưng khi trở lại trạng thái bình thường, nhìn đồng hồ thì đã quá giao thừa mấy phút, một vài âm thanh chộn rộn khu phố đón xuân ùa vào phòng tôi. Thì ra, tôi mới hiểu mình. Ừ, đời người phải có vài lúc cô đơn như thế này.

Tung cửa tôi đi ra đường. Cái tỉnh lỵ miền Trung quanh năm gió cát, giờ này lặng trầm rưng rức thương cảm cho một năm cũ đã qua còn vương lại quá nhiều suy diễn. Nén nhang thơm mấy nhà dọc đường thổi phang phang vào đầu tóc tôi an ủi, vỗ về... Đời người ngắn lắm mà cũng dài lắm, ai ơi...

Tôi nghe được tiếng cây già đánh thức chồi con: "Dậy, dậy đi! Mùa xuân đã đến rồi kìa!...". Tiếng những người già lầm rầm khấn vái tổ tiên, khấn vái cho những nỗi thăng trầm, những ước nguyện một đời mà không sao làm được, có cả tình yêu thơm thảo suốt một thời lãng quên... Định hồn nhìn kỹ qua dãy phố đêm đã phần yên ắng, tôi nhận ra cơ man hoa là hoa, trăm thứ hoa thân quen, lạ lẫm lần đầu thấy được. Và chợt nhớ ai đó nói: hoa là bộ phận tình dục của cây.

Bỗng loáng qua trong tôi những câu thơ mùa xuân trí nhớ, thì ra thơ thật có lý, rồi thấy thơ cần cho mình vô hạn. Cuộc sống sinh sôi và giằng xé nên mới cần có thơ, ví như một câu trong trí nhớ:

Có những phút giây thấy mình chợt sáng
Câu thơ trong veo neo giữ phận người...

ĐÀO ĐỨC TUẤN

Tản bút hiệu sách

Thêm một hiệu sách báo...


1. Dạo này quán ăn nhậu mở ra nhiều quá, mà quán nào quán nấy cũng đều có khách. Đã vượt qua chặng ăn no, người ta buộc phải nghĩ đến ăn ngon và ăn chơi. Một điều đáng mừng.
Càng mừng hơn khi một sáng đi uống cà phê bỗng thấy một hiệu sách báo vừa khai trương. Nhỏ thôi, chỉ vài đầu báo, mấy cuốn sách về tìm hiểu tâm lý khi yêu, sức khỏe tuổi già, phương pháp trồng hoa, nuôi gà và có cả sách văn học. Có thể do chủ hiệu ít vốn, cũng có thể do người mua chưa nhiều, bổn hiệu cần tiếp tục khảo sát thị hiếu xem sao…
2. Nhớ có hồi đi công tác miền núi, muốn mua một tờ báo đọc đỡ buồn mà chẳng tìm đâu cho thấy; loanh quanh thị trấn chỉ gặp toàn hiệu tạp hóa và quán nhậu, đến bưu điện huyện thì cũng chỉ lo phát báo đặt của một số cơ quan. Tôi hỏi một chị bán tạp hóa, sao không lấy ít sách báo về bán thêm. Chị nói là trước đây cũng có bán nhưng ít ai mua lắm, lâu lâu có người rờ đến thì chỉ đọc cọp, nên thôi. Ở thị trấn các huyện đồng bằng cũng chẳng khá hơn bao nhiêu, nói gì xuống đến các xã. Ông anh tôi làm cán bộ xã, là một trong ít oi người hay đọc sách ở đây, một hai tuần lên thư viện huyện đổi sách mới; thỉnh thoảng vào thị xã ghé nhà tôi chơi, ông đều tranh thủ góp một chồng báo cũ. Ông hề hề: "Cũ mày nhưng mới tao, chớ mua thì tốn tiền lắm!".
3. Chẳng nói chi chuyện dân trí cho to tát, một nét mà tôi cho là dễ thương nhất của Sài Gòn là cảnh người ta mua báo mỗi sáng. Tôi ngồi cà phê để ý một điểm phát hành vỉa hè, chồng báo mới vừa đưa đến, liền đó có mấy người bước lại, rồi túc tắc những chiếc xe máy dừng tới, khoảng tiếng đồng hồ đã hết veo; mấy anh xích lô, xe ôm cũng mỗi người "soi" một tờ báo trong khi chờ khách. Mấy chú nhóc đi bán báo dạo cũng… làm ăn được. Cái thói quen cà phê - đọc báo, kể ra cũng… vương giả thật! Ở Hà Nội bây giờ vẫn còn nhiều báo dán bảng công cộng nhưng người mua báo đang tăng dần lên. Ở Cần Thơ, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Vin,… cũng đã có thêm nhiều điểm phát hành sách báo làm ăn phát đạt. Những tờ báo năng động ở nước ta hiện nay đều đã đặt phóng viên đại diện tại các thành phố lớn này. Nhiều anh em làm báo tỉnh lẻ về Sài Gòn chơi mới biết, có hàng lô hàng lốc tờ báo-tạp chí lạ mắt bày bán mà khi ở tỉnh tôi chưa hề thấy... mặt mũi...".
4. Cách đây mấy năm, lần đầu tiên tôi thấy cái thị xã quê mình có người đi bán báo dạo. Đến giờ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi, phần nhiều họ bán báo kết hợp với bán vé số hay ngược lại. Ở đây cũng đã có những hiệu sách báo nổi tiếng từ lâu, tính luôn các hiệu không tên và quanh chợ thì cũng được vài chục điểm rồi chứ đâu ít! Giá báo ở các hiệu dọc đường có nhỉnh hơn tại bưu điện nhưng được cái là báo… mới.
5. Mỗi ngày ở Tuy Hòa, tôi thường ngồi tại cái quán cà phê "cóc" trước nhà sách Thời Đại mà mơ một ngày ở đây các ẩm khách đều cầm trên tay một cuốn sách hay cùng lắm là một tờ báo sáng… Cái thành phố nho nhỏ nằm giữa đèo Cả và đèo Cù Mông này vẫn còn ít người dám bỏ tiền ra mua sách báo lắm, tuy sức đọc có nhích lên chậm chạp từng ngày… Có lẽ mình phải học lại thêm câu thốt của một vĩ nhân: "Không có sách thì không có tri thức…".
6. Thêm một điểm phát hành sách báo, nghĩa là cái văn hóa đọc được nhích lên một chút; đọc một tờ báo mới, đôi khi thấy mình tăng một sự hiện hữu. Tự nhiên thấy thêm vui cho nghề chữ nghĩa. Lẩn thẩn mong cho bổn hiệu mới mở làm ăn phát đạt, đừng bao giờ phải chuyển bán mặt hàng khác… Thị xã tôi giờ đã lên thành phố rồi...

Tản bút còi tàu

Phía tiếng còi tàu

Không hiểu sao trong tất cả các loại phương tiện đi lại, tôi vẫn riêng yêu tiếng xình xịch đường ray và những hồi còi tàu lửa như thúc giục, như vỗ về. Không biết đã bao nhiêu chuyến đi rồi, vậy mà mỗi khi nghe “kình kịch... kình kịch... tu u... tu u...” là tôi lại muốn xách gói lên đường. Có thể lên tàu chỉ để hưởng thụ cái không gian xê xích, để nhìn ngắm thỏa thích nước non cây cỏ dọc đường, chứ điểm đến đôi khi chưa mường tượng trong đầu...
Lòng cứ cảm khái quang cảnh hai bên đường khi tàu đi qua. Nhà cửa, thiên nhiên, sinh hoạt của con người không phô diễn bài bản kiểu mặt tiền đường trong thành phố mà hầu như không sắp đặt.
Vườn cây, vuông tôm to nhỏ vút qua, cô gái xa xăm chải tóc hiên sau, dây áo quần đong đưa trễ nãi của cuộc sống yên bình, cánh lúa mơn mởn dậy thì như tấm thảm nhung pha vài nét hoa văn của những vạt chín sớm hay vừa gặt xong. Núi xa xa, sông xanh xanh, mé biển lô xô đá dựng ngàn năm cùng sóng nước gió sương dãi dầu cọ áp... Chỉ có thế cũng đã mê mải tận cùng.
Cảnh vật những nơi tàu chạy qua đều có những dáng nét riêng nhưng tựu trung vẫn là một thiên nhiên nhiệt đới gió mùa lam lũ mà giàu nhựa sống hơn bất cứ nơi nào chốn thị thành. Gân guốc nhất là phong cảnh qua đèo Hải Vân, đèo Cả, đường tàu uốn lượn, biển núi trùng trùng, mây gió đan cài. Nhiều thung sâu cô lặng cứ như trong truyện cổ tích, thỉnh thoảng vẫn thấy có người vác củi, con trẻ đi học, người gác ray cho những chuyến tàu ngược xuôi.
Có khi cứ muốn tàu đi mãi không về. Đôi khi lại muốn được tàu nhẹ nhàng thả xuống một vạt hoa ven đường. Hoa dại, dường như đó chính là thông điệp sâu lắng của tuyến đường sắt gửi đến hành khách trên tàu.
Có những đêm nằm nghe tiếng còi tàu mà dạ cồn cào khó tả. Thôi đành mơ vọng tiếng xình xịch đường ray và những hồi còi thao thiết. Tôi chỉ là kẻ mơ hoang cho cân bằng những điều thẳm sâu mà không đủ gan bắt tay thực hiện. Để rồi mỗi khi được bước lên tàu, lại lẩm nhẩm câu thơ trong trí nhớ “giang hồ ta chỉ giang hồ vặt - nghe tiếng cơm sôi đã nhớ nhà"...

Tản bút Tết lạ

Ăn Tết quê lạ

Tôi không phải kiểu người xem xê dịch là một lẽ sống. Bây giờ chỉ dừng lại ở mức: năm nào mà không có chuyến đi ra khỏi tỉnh thì y như là Tết năm ấy bứt rứt lắm lắm. Kiếm chuyện đi để thăm thú bạn bè, nghe đâu đó có gì hay hay thì tận dụng vài ba cách để đến xem sao, đôi khi kết hợp công chuyện để “nhậu liên tỉnh” vài ngày,… thế cũng là quá đủ đầy lắm rồi, cũng như sông phải chảy từ nơi này đến nơi khác.
Nhưng ngồi chợt nghĩ, cái thú thích đi đó đi đây cũng vừa mới phát sinh lúc đi học xa nhà, nhất là cái hồi khăn gói về xứ mộng mơ Đà Lạt để học văn khoa. Thôi, khỏi kể, xứ sương mù mà cộng với máu văn chương, có khiếu làm thơ thì cái tính lãng đãng mây ngàn chỗ nào dung cho hết?! Hồi ấy thời bao cấp, nhà đứa nào ở dưới Trung cũng nghèo xơ, vậy nên cuộc sống sinh viên phải nói là vô cùng gian khó, ăn uống hầu như chả lúc nào thấy no. Thực sự, mỗi mùa sắp Tết là chúng tôi mong sao kiếm đủ “tư cách” mau mau lên xe về nhà để… ăn cho đã! Bởi gia đình đứa nào cũng lao lụng quanh năm, ngày thường mắm muối dưa cà nhưng dứt khoát đều phải dồn cho ba ngày Tết sao cho rôm rôm rả rả. Có nghĩa là bánh tét, bánh in, bánh thuẫn, thịt heo,… cho mấy đứa nhỏ ăn thỏa miệng.
Vậy mà có một mùa sinh viên, tôi đã không về quê ăn Tết. Cũng chẳng có chuyện gì giận hờn, cũng chẳng phải không còn cách để đưa thân về quê mẹ, chỉ vì cái máu ngông muốn ăn Tết… xa nhà xem sao. Giờ nghĩ lại cái Tết đó thật sự ấn tượng. Theo chân anh bạn H.T.D, tôi về vùng quê Bảo Lộc, nơi có những đồi chè mướt mát lúp xúp chạy tràn. Cái Tết ấy so với thời nay cũng còn thiếu thốn lắm nhưng không gian thật mới lạ đối với tôi. Nhất là tấm chân tình của những người xứ Bắc vào lập nghiệp; tôi ước chắc trên năm mươi phần trăm người ở đây từ các tỉnh miền Bắc vào. Hương vị Tết thì có rất nhiều cái khác ở quê tôi. Nhất là khi lần đầu tiên tôi biết thế nào là rượu làng Vân, thịt nấu đông, thịt cầy, bánh chưng (từ nhỏ, tôi chỉ biết bánh tét),… Người ngoài Bắc đến lập nghiệp đã xem Bảo Lộc là quê hương thứ hai, họ mang theo và chuẩn bị cho mình cả một miền văn hóa, thành ra quanh đi quẩn lại chỉ mỗi tôi là… tha hương. Thế mới thú(!). Suốt ngày tôi cùng anh bạn đi lang thang, dòm nơi này, hỏi chuyện kia,… mỗi thứ một tí, cái nào cũng lạ với tôi, chứ chẳng bị ai sai bảo dọn nhà, rửa lư hương hay là ngồi đóng cốm,… Chúng tôi lượn lờ theo những con dốc đất đỏ bám đế giày dép nằng nặng để đi uống chè xanh và rượu trắng, rồi ăn thứ gì cũng thấy ngon vì lạ miệng. La đà vài ly rượu rồi dốc mấy chén trà xanh, nhìn các cô gái hai má đỏ au, đường nét nở nang, tươi phới,… thằng trai tôi cứ muốn định cư luôn xứ này.
Vui lắm! Chộn rộn không thể nào tả được. Người Bảo Lộc có một nét sống vô cùng dân dã mà phóng khoáng riêng biệt. Đến giao thừa vẫn còn vui (vì say), thế nhưng gần sáng tôi không cách gì ngủ được. Chẳng phải vì tiết trời lạnh ngút (Bảo Lộc không thể lạnh bằng Đà Lạt), mà có lẽ vì một không gian lung thung, tiếng côn trùng, tiếng đêm, tiếng trời xuân,… cũng khác lắm ở quê mình? Tôi bắt đầu hiểu Tết không chỉ là dịp để thưởng thức các món ăn. À thì ra, ấy là vì cái lạnh tự trong lòng, cái lạnh của một người trẻ ham vui nhưng chợt chùng lại trong vóc dáng mơ hồ của một tình yêu quê cha đất tổ đất mẹ bắt đầu hiện diện tròn đầy,… Cái lạnh này cắt lòng nhất trong những độ xuân về. Có cái gì đó như là sự hối hận cứ rưng rưng trong mắt…
Thôi thì có đi xa mới biết cái ấn tượng không gian thưở thiếu thời, cái nét ăn, cách nói, cái sự ruột rà của nơi sinh ra,… sẽ lập trình cả một nếp nghĩ suy về sau, dẫu chắc ai rồi cũng đổi thay theo tuổi tác. Và một mùa Tết đến là thêm một dịp để kiểm chứng lại cái tình quê hương, cái nghĩa con người của riêng mỗi chúng ta.

Tản bút đất sống

Băn khoăn đất sống...

Tôi học văn khoa xứ sương mù Đà Lạt vào giữa những năm tám mươi của thế kỷ trước. Chúng tôi lớn lên đã qua giai đoạn bao cấp trong phân công việc làm. Chuyện học tổng hợp thì nơi xin việc cũng phải khá... tổng hợp.
Vốn quen với kiểu sinh hoạt trầm tĩnh của thành phố sương mù, một tốp mấy đứa chúng tôi "hạ sơn" đi Sài Gòn tìm... chỗ đứng đều oải trước sự ồn ã, căng thẳng của nơi nhiệt đới ngun ngút người, xe và nhà cao tầng. Lại phải tiếp tục những ngày viết thư xin tiền của những ông bố - bà mẹ nơi "eo" Trung khô cằn sỏi đá; rồi "bầu vú thần" cũng đến lúc cạn sữa. Mấy thằng tỉnh lẻ đêm đêm trằn trọc nhớ nhà, nhớ trường và mơ có việc làm ổn định. Cũng có thằng đã tìm được việc nhưng không kham nổi cái cách kiểu "vừa làm vừa chạy" chẳng... nên thơ tí nào!
Đúng tròn ba tháng lang bang đất Sài thành, chúng tôi hội quân trong một quán nhậu bình dân... không còn chỗ xếp hạng. Nội dung cuộc gặp là quyết định: người đi... về quê và kẻ ở lại bám trụ. Nói chung, trước buổi gặp này, mỗi đứa chúng tôi cũng đã tự quyết xong; bởi sau ba tháng "mộng du" cũng tạm đủ để mọi thứ đã không còn là... dự án nữa; đứa nào chịu trận nổi thì ở lại chốn đô hội tìm vận may, đứa nào "bứt" thì về tỉnh xây dựng quê hương. Dù sao, cái ngông, cái khí của người trẻ, người mới ra lò cũng chưa suy giảm bao nhiêu, mọi chuyện chỉ mới bắt đầu mà!
Về quê, nhờ những người dòng họ quen biết tìm việc thì có đường. Thế là có chỗ làm, thế là có đồng lương, thế là có... chỗ ở. Rồi ngày mỗi ngày chợt nhận ra cái sự đi làm khác xa sự đi học, qui hoạch vẽ ra chốn giảng đường phải chỉnh sửa lung tung. Một năm, hai năm, rồi mười năm... trôi tuột lúc nào chẳng hay. Giờ thì tôi đã ổn định công việc - đời sống ở tỉnh, thỉnh thoảng bước lên đô thành để thăm chơi bầu bạn.
Hoàn cảnh mỗi người chả ai giống ai, cái suy cái nghĩ lại càng không trùng lắp. Giờ thì tôi đã thuần với không gian tỉnh nhỏ, cảm thấy bắt đầu hít thở thoải mái, chứ không phải "thở vắn" như dạo nào. Nói gì thì nói, đây cũng là quê cha đất tổ của tôi mà. Một công việc, một chỗ ở đã có rồi, còn chuyện chỗ đứng thì phải huy động cái tài trời cho của anh, cái đó to hay nhỏ là tùy cái tầm mỗi người, miễn bàn.
Bây giờ khi gặp phải những vị khách từ chốn đô hội tạt ngang, ngồi vỗ ngực ta đây... văn minh, tôi không còn nổi nóng hay cười ruồi nữa, thế giới phẳng rồi... Bởi chăng chỗ ở nào cũng là chỗ ở, điều đáng nói là anh sống ra sao, anh có vui, có bằng lòng không; tóm lại là anh phải thấy hợp tình vừa ý thì mới có được cái bình an, có cái đóng góp cho cuộc đời này...

Tản bút đồng dao

Bộn bề đồng dao

Tôi có làm thơ cho thiếu nhi nên cứ mãi loay hoay với chuyện vẽ câu và tiếp cận "thị trường", chợt một hôm nghe đứa con gái đọc mấy câu đồng dao, bỗng ngộ ra thêm một chút nghề thơ. Thì ra, những câu thơ hồn nhiên nhất lại chính là những câu thơ khó viết nhất. Cái hay của câu thơ cho con trẻ chính là khi nó được cất lên từ cái miệng bé xinh và giọng nói ngọng ngịu của trẻ. Thương sao là thương và trên cả tuyệt vời là khi nghe con đọc thơ, hát đồng dao, bi bô những câu có vần có vè. Con nít như tờ giấy trắng nên dễ đồng cảm với những vần thơ, văn vần, đồng dao,…? Những ông bố bà mẹ giàu kiên trì, những nhà sư phạm, những cô giáo dạy trẻ… rất hiểu điều này.
Có lẽ trong văn nghệ dân gian, đồng dao là sản phẩm gần như "độc quyền" của trẻ em, thường gắn với những trò chơi nhất định. Ví dụ ở vùng Nam Trung bộ có trò chơi Kéo cưa, các em vừa chơi vừa hát
Tôi có làm thơ cho thiếu nhi nên cứ mãi loay hoay với chuyện vẽ câu và tiếp cận "thị trường", chợt một hôm nghe đứa con gái đọc mấy câu đồng dao, bỗng ngộ ra thêm một chút nghề thơ. Thì ra, những câu thơ hồn nhiên nhất lại chính là những câu thơ khó viết nhất. Cái hay của câu thơ cho con trẻ chính là khi nó được cất lên từ cái miệng bé xinh và giọng nói ngọng ngịu của trẻ. Thương sao là thương và trên cả tuyệt vời là khi nghe con đọc thơ, hát đồng dao, bi bô những câu có vần có vè. Con nít như tờ giấy trắng nên dễ đồng cảm với những vần thơ, văn vần, đồng dao,…? Những ông bố bà mẹ giàu kiên trì, những nhà sư phạm, những cô giáo dạy trẻ… rất hiểu điều này.
Có lẽ trong văn nghệ dân gian, đồng dao là sản phẩm gần như "độc quyền" của trẻ em, thường gắn với những trò chơi nhất định. Ví dụ ở vùng Nam Trung bộ có trò chơi Kéo cưa, các em vừa chơi vừa hát
"Kéo cưa kéo kít
Làm ít ăn nhiều
Đụng đâu ngủ đó
Nỡ lấy mất cưa
Lấy gì mà kéo";
còn trò chơi tương tự ở một số tỉnh phía Bắc thì mấy câu đầu các em hát
"Kéo cưa lừa xẻ
Ông thợ nào khỏe
Thì ăn cơm vua
Ông thợ nào thua
Về bú tí mẹ".
Nói chung, đồng dao trong các trò chơi con trẻ ở các vùng đều khá giống nhau ở nội dung, chỉ khác một vài tiếng địa phương. Như ở trò chơi Giặt chiếu phơi lưới, có vùng hát
"Giặt chiếu phơi khô
Đem vô bà nằm",
có vùng lại hát
”Giặt lưới phơi khô
Trời mưa cuốn lại";
trò này nhẹ nhàng, thường dành cho con gái. Còn ở trò chơi Rồng rắn là trò phải có một nhóm đông trẻ em, thường diễn ra trong các đêm trăng, cả bọn cùng hát


"Rồng rắn lên mây
Có cái cây lúc lắc
Có ông chủ ở nhà không?".
Sau đó là cuộc đối đáp giữa cái đầu rắn và ông chủ, rồi một cuộc rượt đuổi vui vẻ nhưng không kém phần hồi hộp. Cứ thế, trò chơi tiếp tục lặp đi lặp lại đến lúc cha mẹ gọi về nhà ngủ, và rồi trong giấc mơ, có đứa vẫn còn lẩm nhẩm "Rồng rắn lên mây…" cùng với nụ cười sung sướng trên môi.
Đôi khi chất thơ đằm thắm lại thốt lên trong những bài đồng dao khi lời bà ru cháu, lời mẹ ru con, lời chị ru em:
"Cái ngủ mày ngủ cho lâu
Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về…",
"Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao…",
"Thằng Cuội ngồi gốc cây đa
Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời…".
Đơn giản, dễ nhớ nhưng không kém phần tinh tế, dí dỏm của đồng dao đã tự nhiên hấp dẫn mê hồn đối với trẻ thơ.
Dẫu biết nhiều trò cùng những bài đồng dao bây giờ còn rất ít trẻ em chơi và hát nữa, nhưng những nét đẹp của nó vẫn mãi lung linh trong ký ức cõi người. Đồng dao vẫn riêng chiếm một khoảng trời kỳ vĩ, một nguồn văn nghệ tinh thần giàu có cho trẻ thơ, cần phải được chú trọng phát huy lan tỏa; cũng là để giúp đỡ phần nào cho cái sự thiếu hụt bài hát cho con trẻ, đến nỗi trong một số băng đĩa ca nhạc tuổi thơ, ai đó đã bắt các em hát bài Hôm qua em đi chùa Hương,… Và tôi biết vẫn còn rất nhiều người tâm huyết với đồng dao, đang lặng lẽ đưa nó về với tuổi thơ huyền ảo. Đơn sơ như đồng dao mà cũng thăm thẳm như đồng dao, bởi thế không ai ngạc nhiên khi nó theo ta suốt dọc đường đường trần, một lúc nào đó chợt nghe ông lão gần đất xa trời bỗng hồn nhiên cất giọng đục khàn:
"Trời mưa lâm râm
Cây trâm có trái
Con gái có duyên / Đồng tiền có lỗ…"

Tản bút gió Tuy Hòa

Nhắn gió

Đã thành tiềm thức, tinh mơ tôi là ly đen với những viên đá nhỏ ở cà phê vườn hoa Diên Hồng. Chỉ khác mọi bận là những là những ngọn gió nam cồ thổi lá cát bay mù rát rạt cùng những chấm mưa. Nắp phin cà phê rơi lẻng rẻng; một số người nhăn mặt khó chịu. Gió nam cồ - đó là đặc sản của Phú Yên quê tôi, cũng như ly cà phê Tuy Hoà nức tiếng ngất ngây. Những gì đã thành đặc sản mà vắng lâu, cồn cào lắm. Nhất là thời ở Sài Gòn. Trong đấy thua đây ở ngọn gió này.
Dạo Sài Gòn, tôi cứ thấy bất an trong người. Thế là đổ lỗi cho thiếu tiền bạc, công việc căng thẳng, nhịp sống ồn ào, khói xe khói người đậm đặc quá,… Giờ mới hiểu rằng: ấy là thiếu thiên nhiên. Thì ra ấn tượng tuổi thơ, thói quen trong cuộc sống thật to tát. Nhu cầu chùng giãn, tự tại trong con người ta là chuyện bắt buộc.
Tuy Hoà bây giờ bao điều thú vị. Sớm dậy theo loa truyền thanh thị xã, “bồi hồi dạo bước” vòng quanh núi Nhạn. Cái quả núi cao vừa, dung dị giữa lòng thị xã, thật khó tìm nơi khác. Gió châu thổ sông Ba lồng lẫy thơm tho. Thằng bạn tôi có lần định đổi chỗ làm “múp rụp” đất Sài thành để về quê hít gió nam cồ (nó mỏi mệt, căn bệnh khó tránh của chốn đô hội). Đó là chưa kể có sáng đổi bữa bằng đi tắm biển hay chiều chiều làm dĩa ốc nhảy với xị đế bên bờ cát mịn mà nghe rừng dương hát…
Bạn bè Phú Yên ít nói chuyện tiền nong hơn bạn Sài Gòn. Bởi, đủ sống rồi, nói làm chi nữa. Vấn đề là cái đủ của người ở đây khác người trong đó. Nhiều đứa ái ngại cho tôi nhưng tôi lại tội nghiệp cho chúng! Giờ đây tôi làm để kiếm sống, còn hồi trước tôi làm để kiếm tiền; làm như điên như dại, đôi khi không còn biết bạn bầu, bà con và mình là ai. Nhưng tôi cũng kịp hiểu rằng phải vượt lên khung cảnh, đừng để nỗi “Tỉnh lẻ - cô em - nằm xem - kiếp hiệp” xâm thực quá đáng. Tôi không có tài như cố thi sĩ Yến Lan để được bạn bè khuyên: “Nên về Bình Định chứ ở Sài Gòn sẽ làm hỏng Yến Lan” (lời ông cụ có lần nói với tôi khi còn sống). Chỉ nhớ là tôi yêu tỉnh lẻ, muốn luôn hít thở không gian nam cồ.
Có hồi tôi nói với bạn gái: sống ở Tuy Hoà anh thích em hơn. Cũng như gió nam cồ, có hơi ráp mặt nhưng đã là máu thịt rồi. Tỉnh lẻ thật đáng yêu. Nhiều người chia xẻ với tôi cảm giác này.
Tuy Hoà 2000 - 2004

Nhàn đàm đón bạn

Đón bạn

Chuông điện thoại nhà tôi réo rắt: “Bây giờ tao ra ga Sài Gòn, khoảng bốn giờ sáng tới Tuy Hoà…”. Chiều ngồi với thằng K, tôi nói sáng sớm đi đón thằng A, thì được bảo: “Vua quan gì mà đón 3-4 giờ sáng cho mệt, nhậu đi rồi về ngủ! Nó tự gọi xe ôm về nhà, rồi mai gặp chứ gì…”. Thế nhưng cái tính “đặt lưng là ngáy” cộng với mấy ly rượu mà không hiểu sao tôi cứ trăn qua trở lại.
A là thằng bạn học trường làng với tôi, sức học cũng bình thường nhưng lại hay rủ tôi đi lang thang; tôi với nó đã gắn bó không biết bao nhiêu là “phi vụ” quậy phá dễ thương của tuổi học trò. Dù nhà nghèo, thời cấp một chỉ học hành lằng nhằng, vậy mà nó tằng tằng một mạch từ trường làng, trường huyện, trường tỉnh đến trường thành phố và bây giờ đã là một nhà văn “cứng cựa” ở tuổi ba mươi.
Không phải tôi mất ngủ vì nhớ chuyện tuổi thơ. Ba mươi tuổi, kỷ niệm cũng vừa đó, lại cũng hay gặp mặt, chuyện trò suốt suốt,… có gì đâu mà phải mung lung. Tôi nằm lan man đến ba giờ sáng rồi chợt bật dậy: “Phải ra ga đón nó!”. May sao góc ga vẫn còn bà bán cà phê đang ngồi hiu hiu; tôi gọi một cốc và ngồi ngắm trời đất mơ màng của cái thị xã vùng nông nghiệp miền Trung. Ừ, cũng tại cái thị xã tỉnh lẻ này, cách đây chẵn mười hai năm, tôi và nó đã có một cuộc “giao ban” hệ trọng đối với cuộc đời mỗi đứa. Đó là một chiều hè sắp hết lớp 12, tôi và nó gọi hai ly cà phê đầu đời ngồi tính chuyện chọn trường đại học để nộp hồ sơ thi. Thế rồi chẳng hiểu sao hai thằng đều xác định thi khối C, thi tổng hợp văn; lúc đó, nói thật chúng tôi cũng chẳng nghĩ ra học tổng hợp văn để rồi làm… gì; chỉ biết rằng, chúng tôi “đồng quan điểm” vì đều mê tác phẩm và hình ảnh của mấy ông nhà thơ, nhà văn đã từng học… tổng hợp văn! Lý do này mà nói tuột ra, chắc chắn gia đình sẽ cho là hai đứa bị… điên. Giờ nghĩ lại, tôi vẫn chưa hiểu đó có phải là lý do xác đáng không nhưng có lẽ tôi và nó đều không ân hận với sự lựa chọn trong chiều mùa hè năm ấy…
Rồi tôi đậu tổng hợp văn Đà Lạt, nó đậu tổng hợp văn thành phố Hồ Chí Minh. Thế là mỗi đứa mỗi trường, lâu lâu về quê gặp nhau, câu chuyện vẫn tràn trề hoài bão… văn sĩ. Trong trường đại học, tôi và nó đều có một mớ sáng tác đăng thi thoảng trên các báo chí. Mười năm chớp mắt, nó thành nhà văn quốc gia, tôi là nhà báo tỉnh - chuyện văn chương chỉ là lẻ tẻ, năm thì mười họa. Tôi kể lòng vòng chuyện xưa để thấy xuất phát điểm của nó cũng… chẳng hơn gì tôi; nhưng tôi cũng hiểu mỗi người mỗi cảnh, mỗi tâm thế riêng biệt và nhất là cái tài trong sáng tạo nghệ thuật, trời không bao giờ chia đều cho từng người. Mà chẳng nói chi tài, chỉ riêng cái đam mê và cày bừa âm thầm của nó cũng đủ để cho thằng bạn nối khố là tôi phải ngã mũ gọi bằng “sư phụ”. Thời sinh viên của tôi, rượu chè quán xá và những chuyện linh tinh nhiều hơn hẳn nó. Còn tôi được biết, nó đã có bao nhiêu đêm thức trắng bên những trang sách, tờ giấy ròng ròng mực tươi. Chỉ có tình yêu văn chương và tuổi trẻ phi thường mới làm nên chỗ đứng của nó ngày hôm nay. Tôi làm sao đủ tư cách để so bì, kèn cự với nó… Mỗi câu chuyện cuộc đời mỗi người đều có cái giá sòng phẳng riêng.
Sách vở nói, mỗi con người là một thế giới. Đúng, thằng bạn của mình là một thế giới phong phú và hấp dẫn. Tác phẩm của nó, đến “đi guốc trong bụng” nó như tôi mà cũng mê tít thò lò khi đọc, nói gì những bạn đọc trẻ khác. Và, tôi ngồi đây đón bạn là đón một nửa thế giới tuổi thơ mình, một nửa thế giới ước ao mà tôi phải phấn đấu nhiều, nhiều hơn nửa mới mong dò dẫm bàn chân,… Nghĩ đến đây, tôi thấy một đêm thức và buổi ra ga đón bạn sao mà nhiều ý vị. Lưng lửng phía nam đã nghe tiếng còi tàu nương gió đến chỗ tôi ngồi…
Tuy Hoà 2003
Đào Đức Tuấn


Cám ơn về một bài nhàn đàm yên bình quá
13:40:31, 06/06/2004

Tôi đọc bài “Đón bạn” và cảm thấy nhẹ nhàng trong lòng, thấy vui thì đúng hơn. Một bài viết không quá nặng nề về cuộc sống hằng ngày, nhưng không quá lãng mạn về những điều không thực tế. Tôi cũng là một người đi làm và trên dưới tuổi 30, tôi cảm nhận được bước đi của thời gian. Và đôi lúc tôi cũng chợt gặp một khoảnh khắc đẹp đẽ giữa những bộn bề khi tình cờ nhớ lại những kỷ niệm. Cám ơn tác giả Đào Đức Tuấn đã giữ lại một khoảnh khắc hiền lành như thế.
Đường đời nhiều chông gai, nhưng cũng lắm ngọt bùi. Có lúc tôi so sánh mình với những người thành công hơn và rồi tự dằn vặt mình sao quá kém cỏi. Nhưng khi đối diện với những người khó khăn hơn, tôi lại thấy mình may mắn quá. Cuộc sống của 30 năm dạn dày dạy tôi hiểu rằng mình đã làm hết sức mình, sống hết khả năng nên thôi không so sánh nữa. Phải sống như thế nào để hôm nay không sợ hãi ngày mai, và để ngày mai không xấu hổ với hôm nay.
Tôi sinh ra và lớn lên ở Sái Gòn nên không có nhiều bạn thân ở các nơi khác. Các chuyến đi của tôi luôn được lên lịch sẵn sàng, chưa bao giờ ngoài kế hoạch hoạt động. Bởi vậy tôi thèm được nhận một cú điện thoại thật khuya của một đứa bạn lâu rồi không gặp, bảo rằng sáng sớm mai sẽ gõ cửa nhà tôi. Hay nó cũng bắt tôi phải ra ga đón nó vào lúc lẽ ra tôi đang vùi mình trong đống chăn êm ấm.
Có lẽ tôi cũng đang so sánh với tác giả và ganh tị rằng Tuấn có nhiều niềm vui hơn tôi, Không, viết ra được thế này là tôi vui rồi. Một lần nữa cám ơn Tuấn về một bài nhàn đàm yên bình quá.
Thu Ha
(thanhnien.com)

VIẾT NGÀY NHÀ BÁO VN 21.6

Hun hút nghề báo
Trong nhiều nghề đánh bạn với đêm khuya, có nghề văn và nghề báo. Nghề văn nghiêng về cảm hứng. Riêng với nghề báo còn là chuyện mọi nơi mọi lúc, đã vào quy-lát rồi thì cứ đúng giờ ấy là phải có ngần ấy ngôn từ, bất kể chuyện… cảm hứng có hay không. Cái khốc liệt của nghiệp báo là ở chỗ đó. Và những ngày Euro 2008 này, ngoài nghĩa đam mê, nhiều người trong cánh nhà báo phải “thức trọn đêm nay để nhớ… trái banh”, viết bóng đá từ sớm tới khuya, đến nỗi nhìn gì cũng thấy như… trái bóng!
Những ngày này có thể nói nhịp sống của nhiều người, nhiều nhà bị đảo lộn vì… trái bóng. Cánh viết báo thể thao cũng lâm vào cảnh tương tự, mà cái khổ nạn đôi khi còn dây dưa hơn. Bởi người hâm mộ xem xong thì tắt ti vi, lăn ra ngủ khì, còn người viết bình luận thể thao thì phải ngồi ngay vào bàn viết để có bài. Mà muốn có bài thì phải tìm đọc tài liệu, phải theo dõi cho kỹ diễn biến trận đấu, chứ không thể xem một cách khơi khơi cho thỏa. Nếu vợ có thương thì pha cho cốc sữa, còn không thì đành thui thủi một mình giữa đêm thâu với trái bóng, chứ biết làm sao, nghề nghiệp mà!
Bóng đá Euro, Word Cup bên trời Tây diễn ra giữa ngày nắng đỏ, còn truyền trực tiếp sang ta thường lúc nửa đêm gà gáy. Nếu coi vì thích thì còn chợp mắt được đôi giờ, còn với cánh viết báo thể thao thì cứ coi như trắng đêm. Anh em làm các tờ tin nhanh báo in thì phải xong ngay bài vở sau trận đấu lắm khi chỉ trong vài phút, để còn kịp lên trang trình bày, đưa sang nhà in cho kịp sáng ra mở mắt, độc giả có tờ báo trên tay. Còn cánh làm báo điện tử như phát thanh, truyền hình thì vẫn thường vừa xem, vừa viết, rồi kiêm luôn cả trình bày trên sóng. Thế nên, bài viết xong, chưa phải là xong, chỉ khi nào bản tin được phát đi mới nói rằng xong, nhưng đôi lúc vẫn chưa, ấy là… lỡ viết sai-phải đính chính… Đôi khi vợ hỏi: “Sao công việc khổ thế?”, ừ, thì vất vả nhưng mình có niềm say nghiệp nghề…
Và cũng lắm khi, chẳng phải vì bài vở thúc ép, sao mắt vẫn cứ chòng chọc vào màn đêm vẫn trở trăn không cách gì ngủ được, không muốn ngủ nữa…?

Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2008

THƠ BINH SVC

DỠ TÌNH

Em đầu dốc
Với khoảng trời vàng óng

Anh cuối dốc
Một lũm tròn u mê.

Đầu ! cuối dốc.

Xa không xa.
Gần không gần.

Vẫn là khoảng cách.
Hãy lên đây với em.

Gần trời em đi đi
Thiên đường hơn trần gian



Thơ ba chữ

Nhờ quyền cước
Có lắm tiền
Biết làm gì
Đành đi nhậu
Bo các em
các em cười
Thêm chút nữa
Xin chấm hết

Thơ ĐÀO ĐỨC TUẤN

Ma Đ’Rak

Ngút ngàn Ma Đ’Rak
đồi núi chập chùng bát úp
tất cả là ngực em.

Nguyên nga Ma Đ’Rak
hạt bụi tròn, hạt bụi đỏ tung trời
không gợn thịt da cỏ dại.

Ma Đ’Rak, Ma Đ’Rak!
em âm trầm, em rừng rực
nhói dài, nhói dài giữa chốn trung trinh…

1994

Xa vắng

Xa rồi thăm thẳm quê hương
lời ru của mẹ nửa hường nửa xanh
Con tim nhàu nát mái tranh
tình thương như sợi chỉ mành lắt lay.

Tôi thời như hạt bụi bay
hoà cùng biển động trời say bốn bề
Quê hương là nét hu hơ
để giờ tôi nói giang hồ lình xinh...

1995

Vườn mẹ

Vườn trưa hoa lấm
mẹ ngồi nhành mai
bao ngày bôn bã
bây giờ thiên thai.

Chuỗi lần xuân nở
con nghe ngân nga
nét cười của mẹ
vọng gió ngàn xa.

Chiều rồi vẫn mẹ
nhặt lá vườn nhà
hoa vàng rộn rực
thương đầy bóng cha...

2.99


Vợi Huế

1. Mướt giọng hò
đêm trường xứ Huế
rượu tình ơi
vơi mảnh trăng gầy
bóng đò cũ
một ngày say cùng Huế
giọng gái non
thơm thảo biết bao chừng
ta lừng khừng
một đời dại dột
Huế vẫn riêng
bào bọt giấc mong mòng.

2. Huế đương chiều
ta thì trưa trật
trách cứ nhầm em
thôi ráng dại khờ…

2004


Vợ ơi…

Vợ ơi, vợ ơi
ta yêu vợ thật
vì nàng ta ngất
vì nàng ta cuồng.

Ta không sống suông
mà có trách nhiệm
mà có hoài niệm
mà không ồn ào.

Vợ ơi, như dao
vợ ơi, như gấm
vợ ơi, vợ tắm
hương hoa mịt mù…

2003



Tuổi yêu

Ừ, làm sao mà yêu được nữa
xa xắm nhân duyên, lòng cũng kiệt cùng
đời mình vô minh, tình người hữu hạn
ghềnh thác nẻo yêu thăm thẳm trùng phùng.

2002

Tự báo

Trái tim mỏi lằn sạn
thiên nhiên biết còn yêu
đắp đổi đời vỡ lỡ
gắng gượng bao nhiêu
níu kéo bao nhiêu...

Một nửa trinh nguyên
nửa kia hoang dại
ta hiểu đời mình chẳng thể lặng câm...

1997


Tự khúc

Một ngày đời bỏ ta đi
một ngày lòng ta vỡ vụn
gió hú hụ qua hồn
mưa như rên như rỉ.

Em tươi hương thành thục
ta cắn vào hư vô
ngày mỗi bận trăng đau trăng khóc
cần gì đến rằm mới chít khăn tang.

Thương nhớ quê mùa
thương nhớ gò hoang
thương như cào như xé
thương như còn như không…


1997


Tỉnh lẻ
(Nhớ cụ Yến Lan)

Báo cũng chậm mà lương cũng chậm
tỉnh lẻ mềm lòng tỉnh lẻ đìu hiu
khi vui thì hơn phồn hoa đô hội.

Ở đây cuộc đời cứ như giấc mơ
bạn bầu vô tư đằm thắm
ít khi nói chuyện thiệt hơn.

Trời trong veo ý nghĩ trong veo
cây cỏ dậy hơn ở phố
con gái thì tươi, con trai thì lương thiện.

Ngày tháng đẩy đưa tỉnh lẻ lao xao
cứ chập chờn cứ trách mình tưng tửng
tỉnh lẻ bâng khuâng lỡ bước giang hồ.


Tình bóng

Có những ngày ngập tràn bóng đá
như những ngày tràn ngập tình yêu
bóng đá ơi, người như một nỗi niềm
từng đêm, từng đêm thao thức…

Có đam mê nào không trả giá
có cuộc vui nào không gắn trận đau
chỉ đêm sâu mới hiểu tình trái bóng
phải khao khát mỏi mòn mới biết giá tình yêu…

Riêng mỗi phút giây quên hết mọi ưu phiền
riêng những phút yêu ta đã quên mình
riêng lúc này ta cảm mình quá đỗi
thế giới gụi gần là những trái tim…

2000


Thủy chung

Rất ít bông hoa nở hai lần
cũng như làm sao thêm một lần yêu
bông hoa trong veo vẫn phải đi tìm
tình tang, tang tình, tính tính,…

Hoa vẫn say trên đầu thế kỷ
thủy chung xâu chuỗi thời gian
dân tộc hạnh hoa
mỗi cuộc đời là một trường tồn.

Hoa hết mình hoa biết thủy chung
tri kỷ mùa nào cũng thiếu
thiên niên gì cũng cần tấc lòng
em bình minh xanh, ta bình minh cười,…

2000



Xoay chiều

Ràn rụa sâu đêm
từng tình bật lối
thổi loay hoay
nổi xoay xoay.

Dần dà chiêm bao
canh chừng chí vội
loảng xoảng một đình
loảng hoảng một đần.

Ngong ngóng đừng qua
mong móng đàng xiêu…

8.06

TRAO ĐỔI

Danh xưng nhà thơ
Khi nào được gọi bằng hai tiếng nhà thơ. Chỉ cách gọi tên cho người sáng tác thơ thôi cũng có nhiều ý kiến và cách nhìn khác nhau. Có vị cán bộ ở Hội văn nghệ địa phương nọ cho rằng người làm thơ khi nào được kết nạp vào hội nhà văn Việt Nam thì mới được gọi là nhà thơ, bằng không chỉ gọi cây bút thơ là được. Lại có người cho rằng người làm thơ mà không gọi nhà thơ thì gọi là gì, chẳng lẽ gọi nhà báo hay nhà văn… Bản thân tôi thấy rắc rối và chẳng hiểu thế nào.
Tôi yêu thơ văn từ nhỏ. Đọc nhiều và viết ra những điều mình cảm nhận suy nghĩ cũng không đến nỗi. Thể tài tôi chọn lần đầu tiên để thể hiện cảm xúc cho tâm hồn mình là thơ. Tôi viết, khi có những bài thơ rải rác in trên các báo tôi lấy làm thích thú rồi dần dần đam mê. Thế rồi thơ đăng nhiều, từ báo trung ương đến địa phương. Một thời gian sau tôi được kết nạp vào Hội Liên hiệp VHNT tỉnh, được tài trợ kinh phí in sách và đáng mừng hơn nữa là được báo chí và nhiều người gọi bằng hai tiếng nhà thơ. Nghe hai tiếng nhà thơ tôi thấy tự hào vì được có chân trong chốn chữ nghĩa văn trường nhưng nhiều lúc cũng thèn thẹn vì mình chưa xứng đáng để gọi là một nhà thơ. Tôi thầm nghĩ “chỉ một lều thơ là đủ”.
Số đông những người gọi người sáng tác thơ bằng nhà thơ là anh em bạn bè, văn nghệ sĩ, đồng nghiệp và những người hàng xóm hoặc trong cơ quan. Hai tiếng chân tình ấy hơn số nửa được gọi bằng sự thật và lòng ngưỡng mộ, tôn trọng cá nhân; còn lại dường như họ theo một trí nghĩ khác, mơ hồ và hình như chưa hiểu hay có chút gì đó cười cợt đùa giỡn với người sáng tác thơ…
Không ít trường hợp như thế, có khi nhiều mới lạ. Anh bạn tôi vừa in tập thơ ở một nhà xuất bản có uy tín mà không dám kí tặng nhiều người. Không phải sợ hết thơ. Người tặng với lòng thành nhưng người nhận có khi lại thờ ơ, nhận rồi không đọc, bỏ vội vào trong cặp không một tiếng cảm ơn, đáng buồn hơn có lúc người tặng thấy sách mình kí tặng nằm ngoài quán nhậu, trong gánh đồng nát hoặc trên vỉa hè. Ôi thôi, điều đó thật xót xa cho nhưng người tặng thơ và tặng sách nói chung. Thử hỏi sách tặng và sách mua khác nhau chỗ nào? Phải chăng sách tặng chữ nghĩa nhiều, dày khó đọc hoặc dở hơn sách mua?
Nói chung nhiều người nhìn nhà thơ gần như một hiện tượng lạ, một người chẳng giống ai hoặc như từ trên trời rơi xuống, nhiều hơn có người cho họ là người mơ mộng lãng mạn không thực tế hoặc hâm hâm. Nói thật người làm thơ ngày nay không phải là người đi mây về gió, mơ mộng viễn vông mà đâu đó họ là người bám sát hơi thở cuộc sống, ghi lại những gì mình cảm một cách sắc bén và chân thành thì họ và thơ mới sống được chứ.
Thế đấy, danh xưng nhà thơ được gọi, hiểu và quý như thế đấy. Có người bảo tôi làm thơ được là có nhiều cảm xúc. Xin thưa một hoa cúc không làm nên mùa thu. Cảm xúc rồi thành thơ ư, đủ chưa, xin mọi người cứ thử xem rồi sẽ biết! Tôi không nghĩ vậy, tôi nghĩ thơ là trải nghiệm, suy nghĩ, chắt lọc, máu thịt và hơn nữa thơ là Trí tuệ. Người làm được thơ không nhiều nhưng người làm thơ hay lại càng rất hiếm xưa nay. Trong thời buổi kinh tế thị trường con người cần có nhiều việc phải làm, mỗi người một sự đam mê, một sở thích. Thiết nghĩ làm thơ cũng một việc, một sở thích và là một sở thích thanh cao, lương thiện lại rất Người. Bỡi thế những người không biết gì về thơ xin đi chỗ khác mà chơi, đừng tới lui chốn chữ nghĩa, thấy mính nhỏ bé rồi có cách nhìn, cách nghĩ không thiện cảm gây mất lòng thì phiền lắm ai ơi.
Tôi có nhiều bạn văn nghệ xa gần. Mỗi lần gặp nhau, dù bận công việc thế nào thì anh em vẫn dành thời gian ngồi khề khà, đọc thơ cho nhau nghe, tới khuya, tới sáng… thế mà cuộc sống vẫn vui đến lạ kì. Khi đó ranh giới tuổi t ác giữa tỉnh này với tỉnh kia, chức này với chức nọ không còn mà tất cả trở nên thân tình quen thuộc như anh em một nhà. Mái nhà văn nghệ, thơ ca thật thật mến khách, nh ẹ nh àng, ấm c úng và có niềm vui riêng. Nếu ai không có máu văn thơ, không ở trong ngôi nhà văn nghệ thì chắc rằng không hiểu được tí tị gì về những niềm vui riêng. Những người không hiểu phải hết sức tỉnh táo, chớ nói càng lung tung.
ĐÀO TẤN TRỰC
(nhà thơ)

Thứ Năm, 19 tháng 6, 2008

tantruc dao tới tôi

Đề nghị CLB blog ĐR xem lại blog cua nhà văn Ngô Phan Lưu vì sao nông dân mà dung toan tieng Anh. Bon nay dôt ngoại ngữ lắm. có thể xử phạt. nếu phạt thì nhớ gọi anh em đầy đủ.

LCL: Tôi đồng ý với daotantruc. Ba Lưu ỉ nhiều chữ nên khoe lung tung. Phạt 3 rọ bia 50 cho chừa... nông dân!
Có lẽ tuần sau sẽ đi với Trực. Đang lo cho xong cái ĐSCĐ chết tiệt! Còn Blog thì nghiên cứu chỉnh sửa chứ rên nỗi gì!!!

Thơ Nguyễn Lãm Thắng






CHIỀU NÚI NHẠN
(Tặng ĐTT)

(Ảnh: Nguyễn Lãm Thắng)

Anh dang tay bám thời gian rêu đá
Từng thớ tình xếp ngăn nắp sau lưng
Thuốc nhả khói gọi mặt trời trên tóc
Em về đâu cho mắt nhớ điên cuồng?

Chiều núi Nhạn trơ vơ chùng bóng tháp
Anh hao gầy chết lặng giữa mông lung
Xa xăm phố, ngút ngàn con sóng vỗ
Có ru anh vào tận cõi vô cùng?

Anh ngơ ngác với buổi chiều ngơ ngác
Cánh chim nào rụng vội xuống tà huy
Tay buông lỏng giữa đất trời miên viễn
Anh vô hồn hóa gạch vỡ tháp si...


TUY HÒA TIỄN HUẾ VỀ QUÊ
(Thân tặng anh em Đà Rằng)

Tuy Hòa tiễn Huế về quê
Chang chang nắng rát, dầm dề mồ hôi
Rượu đinh lăng chửa mềm môi
Đã nghe gió tự trùng khơi ùa về

Tuy Hòa tiễn Huế về quê
Cá Ồ hai đĩa... còn chê chỗ nào?
Một chồng bánh tráng và... rau
Vài ba chén mắm thơm ngào ngạt thơm

Chia tay dùng bún thay cơm
Rượu say tương biệt, tình nồng tương tri
Thời gian đuổi nắng trong ly
Ngoài kia gió cát nói gì Huế ơi?

Dăm ngày rót một cuộc chơi
Đăm đăm núi Nhạn, bồi hồi sông Ba
Trở về là chuyến đi xa
Để thêm mong nhớ quê nhà Phú Yên.



Quà xứ Nẫu
(Kính tặng anh Bình SVC và các anh em...)



"Tiền trao cháo múc" xưa nay
"Thơ tình" em đổi lấy ngay "bình dừa"
Úi giời! mới "đã" ghê chưa?
"Thơ" em dở ẹt, dám lừa "bình" anh

"Bình" anh không bán... để dành
Lâu ngày lên giá... hóa thành đô la
"Thơ" em tội nghiệp bao là!
In 1000 cuốn làm quà tặng thôi!

Nói ra chỉ sợ anh cười
Thằng em xứ Quảng nói lời nhố nhăng
Gặp nhau mấy phút muộn mằn
Mà vui quá xá sánh bằng biển xanh

Hẹn ngày gặp lại các anh
Cho "thơ" cà xỉn, cho "bình" lăn quay
Trăm năm có phút giây này
"Thơ rinh bình chộp" tình ngây ngất tình...


Thứ Ba, 17 tháng 6, 2008

TRAO ĐỔI

tantruc dao viết:
Đề nghị nhà thơ Đào Đức Tuấn xóa ngay Blog của thành viên Đào Tấn Trực, chịu
một ket bia 50, địa điểm tùy chọn. Lý do blog không ưng ý, sẽ nhờ sư quynh làm lại trong thời gian sớm nhất. 1
ket nữa.

LCL:
Hết sức bình tĩnh, từ từ sửa san chứ có mấy người đọc mà lo! Thắng đi luc mấy giờ? Còn chuyện bia bọt xin không nhận! Anh em trong CLB Blogger Đà Rằng thấy đề nghị của daotantruc ra sao?!


THÔNG BÁO CỦA CLB BLOGGER ĐÀ RẰNG
CLB Blogger Đà Rằng xin thông báo tin buồn: blog "Ngophanluu" đã bị gia chủ tự xử (đã xoá khỏi mạng). Lý do được đưa ra là... tốn thời gian. (Nghe không lọt lỗ tai). Đề nghị anh em trong CLB Blogger Đà Rằng cần có biện pháp từ vận động trở lại đến... tẩy chay khỏi các cuộc gặp gỡ, nhất là các cuộc có bia bọt!!! Kính báo!!! Kính báo!!!Thế nhưng ngay khi đọc tin buồn này, không nhiểu nghĩ sao, blog "ngophanluu" đã... thoi thóp trở lại. Rất mong sẽ sống mạnh khỏe theo thời gian. T.B: Vào ba, ra bảy! CLB sẽ ấn định ngày truy thu.Quyết định phạt (số 01) Quyết định phạt số:01/CLB/ĐRCăn cứ quy định nguyên tắc tự do của : hội đồng Blogger tỉnh tuy hòa, nay đồng blogger nhất trí ra quyết định phạt như sau:1. Phạt Blogger daoductuan.blogspot.com 01 két bia 50 , tội trạng: tự động thành CLB blogger Đà rằng, địa điểm do blogger bị phạt chọn.2. Phạt Blogger Ngophanluu.blogspot.com 01 két bia 50, tội trạng: tự động nhập xóa blog, địa điểm: cùng một chổ do blogger Tuấn chọn để cho nhiều.3. Các Blogger có tên như trên chiếu quyết định thi hành, không được cự cãi.4. Thời gian thi hành: chiều nay (ngày 15/06/08)5. Quyết định này được bắn lên vi na sát để truyền tới com piu tơ của các đương sự. chấm hết. quyết định đã xét đến các tình tiết giảm nhẹngười tạm kýbinhsvc. blogspot.comLCL: Tôi đăng nguyên 1 quyết định trên blog của Bình SVC và cực lực phản đối phần phạt Blogger daoductuan 1 ket bia 50, boi sai phạm này nhẹ nhưng phạt hơi nặng. Nếu Blogger daoductuan bị phạt thì Blogger binhsvc cũng bị phạt tương tự vì tự ý hứng lên là tuyên phạt, không thông qua Hội đồng CLB. Tôi có ý kiến nên có cuộc họp khẩn để thống nhất lại nội bộ, lập bộ máy lãnh đạo và xây dựng phương hướng hoạt động CLB Blogger Đà Rằng bài bản hơn. Riêng phần phạt Blogger ngophanluu, tôi hoàn toàn nhất trí.Kính kiện!


Tiễn Nguyễn Lãm Thắng rời Tuy Hòa


Khát xưa

Tay cầm một miếng hoàng hôn
Anh ngu ngơ trót để buồn sang em
Hết ngày rồi, bắt đầu đêm
Vầng trăng đã nhú lên thêm chút rằm.

Tựa đầu vào nỗi lặng câm
Gió phiền muộn chẳng thèm cầm tóc em
Bờ môi tuột xuống cõi tìm
Sông xa xăm quá mấy miền khát khao.

Yêu em từ thủa say trầu
Xa em từ thủa biết đau nụ cười
Vòng tay khát đắng em ơi!
Bao nhiêu năm cháy tơi bời trong tim.

Anh ngồi với bụi và em
Giấc mơ trong vắt nỗi niềm cho nhau
Mười lăm năm, nỗi nhớ nhàu
Đêm nay sót lại phút đầu tiên xưa.

NGUYỄN LÃM THẮNG
(Huế)

(Cửa Đà Rằng-Tuy Hòa; ảnh: Đào Đức Tuấn)

EURO 2008


Nhà báo Đào Đức Tuấn (Đài Tiếng nói nhân dân Phú Yên):
“Kịch bản” đội hình 2 sẽ lặp lại

Khi trái bóng loạt cuối bảng C chưa lăn, có thể hình dung rằng: Van Basten sẽ sử dụng đội hình 2. Đội hình này dù có muốn chứng tỏ “trung thực, đàn ông” đến mức nào đi nữa vẫn khó thể vượt qua Romania đang hừng hực khí thế sau 2 trận “kéo áo” ngoan cường trước đàn anh Pháp và Italia. Giống như Bồ Đào Nha, Hà Lan sau khi chắc suất nhất Bảng C, họ sẽ “dìu” Romania vào tứ kết, lại còn rảnh nợ việc khỏi gặp một trong hai ông lớn “ít dễ chịu” này. Vì thế, Romani chắc chắn sẽ có 3 điểm vào sáng mai, họ sẽ thắng Hà Lan tôi nghĩ với tỉ số tối thiểu.
Trận Pháp và Italia, cả hai cùng quyết tâm có 3 điểm để tự cứu mình trước khi hy vọng Hà Lan không “buông” cho Romania. Vì thế cả hai chắc chắn sẽ tung hết sức bình sinh để đá, nếu không vào được tứ kết thì một trận thắng cũng để cứu vớt danh dự của một “đỉnh đỉnh đại gia”.

(baophuyen.com)

Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2008

Thơ PHAN DANH HIẾU


Chiều


Với một chiều đầy nắng

Bỗng thấy nhớ một người

Bỗng thấy mình văng vắng

Hình như là nụ cười


Phố thì người xuôi ngược

Mình thì đi ngược chiều

Có gì đâu phía trước

Mà buồn chi thật nhiều


Nắng ải màu viễn xứ

Bỗng thấy mình đơn côi

Nhoi nhói đau mùa cũ

Rớt xuống ngày đang trôi


Đi cho quá con đường

Muốn vòng xe trở lại

Chợt lòng mình muôn hướng

Lạc giữa chiều không hay.

P.D.H
(Theo Báo Phú Yên)

Nhà thơ, anh là ai?

“Nhà thơ, anh là ai?” là tên chuyên đề do tạp chí Người đương thời thực hiện nhân Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 6 năm 2008, vừa được phát hành trên toàn quốc. Có thể nói đây là chuyên đề thơ “hoành tráng” đầy hấp dẫn, độc đáo dành cho các nhà thơ và người yêu thơ hiếm có từ trước đến nay, với các bài tiêu biểu: Huy Cận và Bùi Giáng và… (do nhà phê bình Đặng Tiến viết từ Paris); Lê Đạt- Tuổi Cao Biền tim vị thành niên (Hoàng My); Nguyễn Quang Thiều: “Nhiều người Việt còn sa bẫy… danh hão” (Suối Mơ); Cuộc “đấu khẩu” về thơ: Bùi Chí Vinh- Phan Hoàng (Thu Trân ghi); Những tay “phá rừng” bằng cái gọi là… thơ (Ngọc Khê;, Sứ mạng của thơ là gì? (phát biểu của Nguyễn Thái Sơn, Lê Thị Kim, Trương Nam Hương, Mai Văn Phấn, Inrasara, Vũ Trọng Quang, Lê Minh Quốc); Nhà thơ trẻ đã quyết trận chữ thì cứ lao vào (tâm sự và bức xúc của Trần Tuấn, Võ Tấn Cường, Đoàn Ngọc Thu, Mai Thìn, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Bùi Thanh Tuấn, Đặng Thị Thanh Hương, Phan Huyền Thư, Đào Đức Tuấn, Phan Trung Thành, Phan Danh Hiếu, Thục Linh, La Văn Tuân, Lê Văn Tiến, Ngô Liêm Khoan, Ngô Thị Hạnh, Trương Trọng Nghĩa, Trương Gia Hoà, Song Phạm,…); cùng nhiều bài thơ hay của Nguyễn Phong Việt, Bùi Sim Sim, Nguyệt Phạm,…
Chuyên đề “Nhà thơ, anh là ai?” của Người đương thời là đóng góp có ý nghĩa vào Ngày Thơ Việt Nam nhằm tôn vinh thơ Việt.
(Phongdiep.net)

(ảnh: Hùng Phiên)

Thứ Bảy, 14 tháng 6, 2008

Ghi chép của BÌNH SVC


Từ Nham, một ẩn số

GẬP GHỀNH TỪ NHAM
Phúc bảy mươi đời, vừa qua tôi cùng một ông bạn được về thăm làng biển Từ Nham thuộc xã Xuân Thịnh, huyện Sông Cầu. Thú thật, lâu nay tôi chả biết Từ Nham là địa phương nào, ngoài lõm bõm một ít thông tin vắn tắt đọc được trên báo chí: đấy là một địa danh xa xôi, bé tẹo, rất nghèo, nghèo thê thảm đến nỗi giờ đây người ta đã lên cung trăng lập nhà nghỉ mát mà thôn ta mới bắt đầu tập đi xe đạp! Ông bạn có chiếc xe không được tốt, tôi may mắn có cái xe tạm cho là tốt hơn, so đo hơn thiệt qua lại cuối cùng là dùng chiếc xe của tôi làm phương tiện chính để thực hiện chương trình dã ngoại: thăm miền đất Từ Nham.
Buổi sáng khởi hành là một ngày tràn trề mưa gió do ảnh hưởng cơn bão UTOR chuẩn bị vào biển Đông, tôi và ông bạn cố gồng mình chịu những cơn mưa quất tối tăm mặt mũi, có lúc phải chạy thật chậm hoặc buộc dừng lại tấp vào vệ đường nhằm bảo đảm an toàn. Trầy trật mãi cũng đến xã Xuân Cảnh, rẽ tay phải vào con đường đất đi tiếp khoảng trên dưới 10 cây số là đến Từ Nham; đáng chú ý là đoạn đường “đặc biệt” này được Nhà nước và nhân dân cùng chung vốn làm, băng qua những đồi cát gập ghềnh, đẹp thì có đẹp nhưng cực kỳ khó đi, bề ngang đường to khoảng 3m, nhưng phần đường để xe đi được an toàn chỉ độ vài gang tay, nếu lái lớ ngớ dễ cắm đầu như chơi. Trước đây, dân vùng này chuyên cuốc bộ theo đường mòn, hay phải đi thuyền để đi nơi khác (bởi chưa có đường lớn trong thời kỳ từ năm 2003 trở về trước).
NGẠC NHIÊN… CHƯA?
Do chưa quen đường nên tôi cho xe đi rất ì ạch và cuối cùng cũng đến đúng nhà một người quen; ấy là một cái quán có tên Hương Biển, nội thất được trang trí theo kiểu na ná gần thành thị. Từ trong quán, tôi dò đường đi quan sát, nghe ngóng thực tế và hoàn toàn bị sốc trước những gì cảm nhận được. Thứ nhất, thông tin thôn Từ Nham nghèo là hoàn toàn sai, đây quả thực là một trong những thôn giàu nhất Phú Yên mà tôi biết; thứ hai, quan sát ngược xuôi, tôi chả thấy một chiếc xe đạp nào mà chỉ toàn là xe hai bánh loại xịn chạy đầy đường, vậy là thông tin cả làng tập xe đạp và đi xe đạp là chuyện đã xa rồi; thứ ba, dịch vụ ăn uống tương đối rầm rộ và chuyên nghiệp phục vụ các ngư dân sóng gió. Được tiếp xúc trực tiếp với những con người cụ thể của Từ Nham, đấy là ông trưởng thôn, ông hiệu trưởng trường phổ thông cơ sở, ngôi trường tầng kiên cố do tổ chức quốc tế UNICEF viện trợ, và hai ông phó hiệu trưởng của trường và một vài người dân khác. Trò chuyện với những nhân vật này khiến cho tôi phải suy nghĩ về vị thế kinh tế dồi dào của Từ Nham. Câu chuyện của mấy thầy giáo tất bật lao động để kiếm ra đồng tiền nuôi sống gia đình và có mong muốn làm giàu, và cũng là để đứng vững chải hơn trên bục giảng trong lúc cả làng đang sôi động ăn nên làm ra. Bản chất thực của con người làng biển, nghèo hay giàu không phải là một bản chất, mà cái gốc chính là tư duy, đạo đức của con người, cái sự suy nghĩ của một tầng lớp đã từng chịu đựng trên sự nghèo khó, giờ đây nhờ thiên thời địa lợi, làm ăn được, nuôi trồng được, thu nhập được, nhưng vẫn là một anh ngư dân sống trên làng biển, họ hiểu được chân lý của cuộc sống, có đấy, mất đấy vô cùng mong manh, cho nên họ dùng tình người đối xử với con người, thật thà chân chất, cái điều này tôi thật lòng khâm phục, và mong họ giữ mãi với thời gian…
Thủ đô của nhuyễn thể tôm hùm, làng biển Từ Nham, đất gần 20 ha toàn núi đồi, động cát và là một bán đảo cô lập, trước nghèo, nay nhờ con tôm hùm đã trở nên giàu có vượt bậc. Một ký tôm hùm trị giá hơn một chỉ vàng 4 số 9; ở đây, 95% trong số hơn 600 hộ dân đầu tư nuôi tôm hùm.
ẨN SỐ CẦN GIẢI MÃ
Từ Nham với 95% ngư dân nuôi tôm hùm xuất khẩu, toàn tỉnh thả nuôi 18.400 lồng tôm hùm, sản lượng đạt 3.520 tấn thì riêng Từ Nham đã chiếm hơn 80%, đóng góp đáng kể cho ngân sách huyện Sông Cầu và cả tỉnh; Từ Nham là một con gà đẻ trứng vàng! Chính quyền địa phương phối hợp với tỉnh giải mã phương trình Từ Nham thì tương lai không xa Từ Nham sẽ là số một tuyệt vời trên từng cây số; đó là giải quyết con đường đầy ổ gà, ổ voi từ Vũng Chào đến giáp biển, đầu tư phát triển kỹ thuật nuôi tôm hùm và phòng ngừa dịch bệnh, đầu vào con giống, đầu ra ổn định hạn chế tư thương, đầu nậu ép giá, bãi neo đậu tàu thuyền tránh bão… Tính xa hơn một chút, đó là làm du lịch trên những trảng cát thoai thoải chập chùng đồi phi lao bên đoạn đường từ Vũng Chào đến Từ Nham; địa thế có thành địa lợi hay không là do ở cả con người, nếu có tâm và nặng lòng với quê hương, có trách nhiệm với con cháu mai sau thì không việc gì không thể làm được…


(Ảnh: Hùng Phiên)

BỤP...XẸT







Bắt cá nhà Đinh Hùng (ảnh: Đức Tuấn)

Rủi Ro
Chàng nhân viên trẻ rụt rè nói với giám đốc :
-Ông có thể tăng lương cho tôi một chút được không ạ? Vấn đề là tôi mới cưới vợ...
-Rất tiếc, đơn vị không thể nhận trách nhiệm về những rủi ro phát sinh ngoài giờ làm việc.


Sống lâu hơn
Một chàng suốt ngày cãi lộn với vợ đến hỏi một chuyên gia tâm lý:
-Có đúng là những người có vợ sống lâu hơn những người độc thân không?
-Không, họ chỉ cảm thấy cuộc sống dài lê thê ra mà thôi.


Thử điện
Tại trạm điện cao thế, chàng công nhân đang sửa chữa phía trên nói với anh đứng dưới đất:
- Ê! Anh có thấy 4 sợi dây đang thòng xuống không?
- Thấy rồi!
- Cầm lấy 2 sợi kiểm tra thử?
- Hai sợi này không có vấn đề gì.
- Không sao hả? Tốt! Đừng đụng vào 2 sợi dây kia nhé, điện cao thế sờ vào là cháy thành than đấy!


Trách nhiệm
Chủ một công ty đang nằm trên giường lâm chung:
- Anh em ta, vợ con, cháu chắt... có mặt cả chưa?
- Thưa có đủ rồi ạ.
- Còn chị bếp, anh xe, cô giúp việc... cũng ở đây cả rồi chứ?
- Vâng, đã ở đây hết cả.
- Thế thì... ai trông công ty hả?


Nghề trọng tài
Ông bố hỏi cậu con trai mê bóng đá:
- Con thử nghĩ xem, một cầu thủ sẽ làm gì khi anh ta có tuổi và liên tục phạm sai lầm?
- Dạ, anh ta nên chuyển sang làm nghề trọng tài ạ!

Đ.T (st)

ÔNG BIỀN &PHÚ YÊN

Nhà văn Đoàn Thạch Biền:
Tôi thích đọc tác phẩm đầu tay của các bạn trẻ

Phong trần, trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 60. Có lẽ vì hơn 30 năm qua, nhà văn Đoàn Thạch Biền đã quá đỗi thân thiết với các bạn trẻ, đầu tiên là bằng những tập truyện tươi rói và cực kỳ lôi cuốn, sau đó là bằng sự quan tâm, khích lệ - với vai trò chủ biên tuyển tập thơ văn Áo Trắng. Anh là “bà đỡ” mát tay cho rất nhiều tác phẩm khi các cây bút chập chững vào đường văn chương, và nhiều người trong số họ đã thành danh.
Đến bây giờ, Đoàn Thạch Biền vẫn dành tâm huyết cho những tác phẩm đầu tay, vẫn theo đuổi mảng đề tài về các bạn trẻ.


Nhà văn Đoàn Thạch Biền (thứ hai, bên trái), trò chuyện với các cộng tác viên Áo Trắng ở TP Tuy Hòa - Ảnh: P.V


THỂ NGHIỆM THÌ LUÔN LUÔN TỐT

* Các nhà văn đi trước không bao giờ muốn những người viết trẻ giẫm lên lối mòn, song họ cũng có cái nhìn nghiêm khắc đối với những thể nghiệm “không giống ai”. Riêng anh thì sao?

- Dĩ nhiên tôi cũng không muốn ai giẫm lên lối mòn, còn thể nghiệm thì luôn luôn tốt chứ. Có thể lúc đầu, sự thể nghiệm đó chưa được mọi người hiểu và thông cảm, nhưng cái hay là người ta đã dám thể nghiệm. Chẳng hạn nếu chúng ta cứ tiếp tục với thể thơ thất ngôn bát cú mà không “bước qua” thơ mới thì làm sao có thơ ngày nay? Đến bây giờ người ta lại “chê” thơ mới và làm thơ tự do, thơ hậu hiện đại. Dĩ nhiên, khi mới bắt đầu, có thể họ không được chấp nhận, nhưng riết rồi tạo thành thói quen, người ta đọc và cũng sẽ hiểu. Nếu chúng ta thật sự quan tâm và chúng ta khám phá thì trước sau cũng thành công, chứ đừng làm dáng.

* Có ý kiến cho rằng một số cây bút trẻ bây giờ nói về cái tôi nhiều quá. Anh thấy thế nào, điều này có tốt không?

- Đầu tiên, ai cũng nói về cái tôi, vì điều đó dễ nhứt. Một thời gian văn học nói về “chúng ta” nhiều rồi, cho nên cũng phải nói về cái tôi. Tâm hồn rất phong phú, “đào” được vào tâm hồn của chính mình thì tốt thôi. Nhưng nếu rất nhiều người viết như vậy thì cũng đi vào lối mòn, cho nên lại phải tìm một cách khác. Cứ đi vào cái tôi hoài thì sẽ nhàm chán.

* Anh nhận xét gì về các cây bút Áo Trắng ở Phú Yên?

- Theo tôi nhận thấy, các cây bút Áo Trắng ở Phú Yên mạnh về thơ, truyện thì chưa có ai nổi bật.

* Trong gần 20 năm gắn bó với tuyển tập thơ văn Áo Trắng, có bao giờ anh đọc tác phẩm của một người và nghĩ “bạn này dứt khoát không thể viết được”, thế nhưng sau đó họ lại trở thành nhà thơ, nhà văn?

- Tôi nghĩ ai cũng có thể lầm lẫn (cười). Dĩ nhiên mình không tự hào là có con mắt xanh, nhưng mà trong khi các tờ báo khác khẳng định một tác giả đã thành đạt, như cây đã cho quả, và người ta bắt đầu khen quả đó ngon, thì nhiệm vụ của Áo Trắng là bồi dưỡng cái cây để nó ra hoa ra quả. Những người viết cho Áo Trắng lúc đầu chưa thành đạt. Sau đó người ta đi làm báo, viết văn, làm thơ và thành đạt, như Dương Bình Nguyên, Trang Hạ, Phong Điệp… Áo Trắng giúp họ có cảm hứng để tiếp tục sáng tác. Chứ còn thời áo trắng mà biểu người ta viết một tác phẩm xuất sắc để đời thì… chưa có.

BẠN TRẺ LÀM SAO XA

* Thưa anh, điều gì xui khiến một thầy giáo, một nông dân, một công nhân tên Thịnh trở thành nhà văn Đoàn Thạch Biền?

- Mỗi người có một ý thích, người thích bóng đá, người thích chơi cây kiểng… Tôi yêu thích văn chương từ thời trung học - lúc đó tôi học ban C - và nghĩ văn chương sẽ theo mình cả đời. Lúc trẻ tôi viết, giờ tôi làm “huấn luyện viên”, làm “ông bầu”. Mai sau không thể làm “huấn luyện viên” thì tôi làm “cổ động viên”. Những bạn đã viết những tác phẩm hay thì tôi sẽ viết giới thiệu lên báo.
Với tôi, tác phẩm văn chương cũng như những… mối tình. Mối tình đầu có thể chưa hoàn hảo, chưa trọn vẹn, nhưng luôn khiến người ta dễ xúc động. Đó là lý do tại sao tôi thích đọc tác phẩm đầu tay của các bạn trẻ hơn là những tác phẩm đoạt giải.


* Anh được độc giả yêu mến, ngưỡng mộ bởi những tác phẩm viết cho tuổi mới lớn. Bây giờ, ở tuổi 60, anh có định tiếp tục chinh phục những độc giả tuổi xế chiều?

- Tôi nghĩ không phải cứ ở tuổi 60 thì viết để chinh phục độc giả tuổi 60. Những tác phẩm viết về tuổi trẻ của tôi có thể không còn hợp với các bạn trẻ bây giờ. Tôi phải cố gắng gần gũi các bạn để hiểu và viết những tác phẩm thích hợp với tuổi trẻ hôm nay. Mỗi nhà văn chọn một đề tài chứ không phải cứ thấy người ta làm cái này thành công là mình đi theo. Không nên như vậy. Tôi cũng viết truyện về công nhân - vì tôi là công nhân - rồi viết về chiến tranh, về cái chết, về vợ chồng… nhưng tôi nghĩ những tác phẩm đó không thành công, thua rất nhiều người khác. Bây giờ tôi vẫn tiếp tục viết về giới trẻ.

* Được biết anh còn viết kịch. Anh có tự tin rằng mình sẽ thành công như viết văn?

- Thật ra tôi viết kịch trước khi viết văn. Ngày trước tôi viết những vở kịch ngắn cho sinh viên biểu diễn trong những đêm văn nghệ. Sau đó tôi có in một tập kịch là Đêm của cỏ, cũng đã dựng nhiều trên đài nhưng không ra thị trường, bởi lẽ một đêm kịch thường khoảng hai tiếng rưỡi, còn kịch ngắn chỉ có 45 phút. Chẳng lẽ diễn hai ba vở một đêm? Nhưng nếu các bạn sinh viên muốn tập để diễn trong liên hoan văn nghệ thì kịch ngắn rất thích hợp.

* Anh sẽ nói gì với những bạn đã gởi hàng chục tác phẩm cho Áo Trắng nhưng vẫn chưa được đăng?

- Thì tiếp tục gởi. Nếu đã gởi 10 tác phẩm rồi thì gởi thêm một tác phẩm nữa, có khi tác phẩm thứ 11 sẽ được đăng. Đừng có nản! Nếu bạn yêu thích một công việc nào đó và bạn chăm chỉ làm thì sẽ thành công. Đừng vì gởi một hai bài không đăng là nản, không viết nữa. Đó là thử thách. Các bạn cũng đừng tin tưởng tờ Áo Trắng đến mức Áo Trắng không đăng thì nghĩ là tác phẩm đó dở. Nếu sau đó các bạn gởi cho những tờ báo khác, mà không nơi nào đăng thì đúng là tác phẩm dở thiệt. Còn tại sao tác phẩm của bạn đăng ở đây mà nơi khác không đăng là do không phù hợp với tờ báo đó, và do quan niệm của người chọn.

* Xin cảm ơn anh!


Nhà văn Đoàn Thạch Biền tên thật là Phạm Đức Thịnh, sinh năm 1948 tại Nam Định. Anh từng dạy học ở Bình Thuận, làm nông ở Bảo Lộc, làm công nhân ở TP Hồ Chí Minh, hiện công tác tại Báo Người Lao Động. Đoàn Thạch Biền nổi tiếng với những tập truyện dành cho tuổi mới lớn: Ví dụ ta yêu nhau (1974), Tình nhỏ làm sao quên (1990), Tôi thương mà em đâu có hay (1998), Mùa hè khắc nghiệt (2002) và nhiều tác phẩm khác… Đoàn Thạch Biền là người khai sinh tuyển tập thơ văn Áo Trắng cách đây 18 năm, hiện vẫn là thành viên chính trong nhóm chủ biên, khi tuyển tập này tái ngộ với bạn đọc vào năm 2007.
LÂM VY (Thực hiện)

(theo Báo Phú Yên)

PHAM DUY hầu kí

  "HỌC NHƯ THỂ CHẲNG DÀI LÂU... " (Đọc Hồi ký Phạm Duy 2)    Tôi chưa định viết những dòng dưới đây trong vài bài ghi chép khi đọc...