Anh Ba ơi hỡi anh Ba

Thứ Bảy, 14 tháng 2, 2009

Nắng lên...
Ngô Phan Lưu
Nhà thơ Xuân Quỳnh có viết: “Mùa Hè nắng ở nhà ta/ Mùa Đông nắng đi đâu mất?”. Câu hỏi thật cụ thể, và chính tác giả trả lời cũng thật tuyệt vời cụ thể: “Nắng ở xung quanh bình tích/ Ủ ấm nước chè cho Bà/ Bà nhấp một ngụm rồi khà/ Nắng trong nước chè chan chát/ Nắng vào quả cam nắng ngọt/ Trong suốt mùa Đông vườn em/ Nắng lặn vào trong mùi thơm/ Của trăm của ngàn hoa Cúc…”
Tôi muốn ngừng lại, nhưng thôi, để nhà thơ Xuân Quỳnh trả lời tiếp: “Nắng thương chúng em giá rét/ Nên nắng vào áo em đây/ Nắng làm chúng em ấm tay/ Mỗi lần chúng em nhúng nước/ Thế mà nắng cũng sợ rét/ Nắng chui vào chăn cùng em/ Các bạn để ý mà xem/ Trong chăn bao nhiêu là nắng/ Mà nắng cũng hay làm nũng/ Ở trong lòng Mẹ rất nhiều/ Mỗi lần ôm em Mẹ yêu/ Em thấy ấm ơi là ấm”.
Úi trời! Tưởng mùa Đông nắng đi đâu, té ra nắng lại trốn ở đấy. Trốn vào những chỗ thật gần gũi thân thương. Nhà thơ Xuân Quỳnh thật tài, còn tôi thì chịu chết, không bao giờ làm được bài thơ hay như thế. Tôi là dân “văn xuôi”, chổi cùn, rế rách, nồi niêu, quang gánh lúc nào cũng nặng vai kĩu kịt, thèm quá một chút ngây thơ như thế mà không được! Cảm ơn nhà thơ Xuân Quỳnh.
Ngày xưa, vào đời Tống bên Trung Quốc, có người nông dân cày ruộng vào mùa giá lạnh, bỗng nhiên mặt trời ló ra, rạng rỡ, chói chang. Anh ta mừng rỡ ngừng bò, lên bờ ngồi sưởi nắng. Anh ta đang cảm nhận mình ấm áp tuyệt vời…Lúc vợ xách cơm đến, anh ta phấn khởi bảo vợ rằng: “Nếu ta gói nắng này đem dâng vua, ắt sẽ được trọng thưởng”. Ôi, anh thợ cày chất phác, nghèo khổ cứ nghĩ vua cũng thiếu thốn, lạnh lẽo như mình, nên lấy việc sưởi nắng làm quí.
Nhưng điều đáng nói ở đây, không phải thế. Không phải nắng trời, mà là “nắng trong lòng” anh thợ cày nghèo khổ. Có “nắng ở trong lòng” mới nghĩ được đem nắng dâng vua chứ? Tặng phẩm tuy quá tầm thường, nhưng lòng hết sức thành kính, đôn hậu. Thử hỏi, làm vua mà được một người dân nghèo nghĩ đến, thương đến, sợ vua lạnh lẽo, thì còn món quà nào quí bằng? Còn tặng phẩm nào cao hơn?
Ở đây, anh nông dân đời Tống cũng thật cụ thể. Anh ta “gói nắng” mang đi. Nếu trong “chăn” có bao nhiêu là nắng, thì trong “gói” ấy nắng cũng nhiều không kém.
Nhớ lại, có thời tôi bị mắc bệnh sốt rét, cứ thích ra ngồi phơi ngoài nắng. Ngồi ngoài nắng để có nắng trong lòng mà bớt lạnh. Cứ ngồi giữa nắng hàng giờ như thế, người ấm dần trở lại. Những lúc ấy tôi chẳng nghĩ gì, mà để nắng nghĩ. Tuy rằng đang bệnh, nhưng những lúc ấy thật hạnh phúc.
Kỳ diệu thay, từ nắng vật lý hữu hình sang nắng tinh thần vô hình, dường như chẳng có biên giới ngăn cách. Đó là một vùng nắng mênh mông tràn ngập. Ở đó, nắng là sức nóng và ánh sáng.
Xin cảm ơn nhà thơ Xuân Quỳnh. Xin cảm ơn anh nông dân đời Tống. Và, xin cảm ơn cả tôi lúc tôi sốt rét

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 08:15 0 nhận xét  

Nổi máu buôn văn

Thứ Năm, 12 tháng 2, 2009

THĂM NÚI ĐÊM NOEL

Tạp bút của Hoàng Lan

Mùa đông lạnh. Mười tám độ C đủ để diện áo len, áo gió đủ màu. Noel rộn rạo thiên hạ túa nhau về nhà thờ. Tôi ngược dòng tìm về thăm núi, sao lại thế?, thứ nhất tôi là người ngoại đạo, thứ hai bởi một cú điện thoại từ xa gọi về hỏi: Đường lên núi Nhạn có bao nhiêu bậc tam cấp?
Câu hỏi của em làm tôi mất ngủ, lên mạng nhấn từ khóa “Nhạn tháp” một trời thông tin nhưng chả có tin nào cho biết chuyện “tam cấp”, điện hỏi bạn bè kể cả những vị cao niên kết quả là “không biết, không rõ”.
Ừ! “Không biết, không rõ” thì ta tự thân đi đếm. Trời về khuya, đường phố vắng người, tất cả đều dồn về nơi chúa sinh ra đời, đường lên núi thênh thang chỉ mình ta với ta.
Bắt đầu đếm. Một….một trăm… Đúng một trăm sáu mươi sáu bậc tam cấp. Câu hỏi chưa bao giờ nghe ai hỏi của em đã rõ. Đứng dưới chân Tháp nhạn trơ trọi một mình với trời đêm lồng lộng. Giờ này em ở đâu? đang đi chơi hay đang vùi mình trong chăn ấm, tôi biết tính em mà, Hà nội năm nay lạnh hơn mọi năm, đời nào em chịu khó ra ngoài, với em Noel ở nhà thờ hay Noel trong nhà mình cũng là một, xưa nay tôi ít ưa người hà nội nhưng em là ngoại lệ, có cá tính mạnh, chẳng chịu nghe ai, tôi thích thế vô cùng.
Tôi điện thoại cho em, điệu quá em cài thánh ca làm nhạc nền, ngân nga mãi bài ca giáng sinh một hồi lâu mới bắt máy: Alô. Diệu Trang đây, xin lỗi ai thế ạ . Tiếng ạ rất đặc trưng của dân Hà nội gốc, nghe sao mềm mại lạ lùng.- Anh đây.- A..anh Tùng. Tiếng em mừng reo thánh thót.- Tìm được kết quả chưa?. Rồi.- Bao nhiêu? 166 bậc.- Chắc không?.- Tự anh đi đếm mà.- Cám ơn nhưng chưa tin lắm tuần sau em vào rồi tính sau.
Tuần sau. Diệu Trang bay vào thật, tôi và em lại đi đếm “tam cấp”. Núi nhạn về đêm khá lạnh nhưng không vắng lắm, lác đác vài cặp ôm dính sát vào nhau. Diệu Trang cười nháy mắt: Mùi chưa?.- Thì mình cũng vậy, có khác gì đâu?. Tôi ôm em chặt hơn. Bắt đầu đếm nhé. Diệu Trang lẩm bẩm: Một…hai..ba… đến thứ một trăm sáu mươi lăm….một trăm sáu mươi sáu chúng tôi có mặt dưới chân ngọn tháp.
Mồ hôi lấm tấm trên mặt, không còn cảm giác lạnh, trời khuya trở thành bạn bè, tôi và em lượn lờ viếng cảnh núi non. Trên cao nhìn xuống, phố đêm lung linh ánh đèn, dòng sông lượn lờ với những con đò đang ngủ, lòng người dễ trải bày hơn.
- Chỉ cần biết tháp nhạn có bao nhiêu bậc tam cấp mà em phải khổ như thế sao?
- Ủa. Anh định nghĩa thế nào là khổ, thế nào là sướng?
- Nhưng việc đếm bậc tam cấp của một ngọn tháp có cần lắm không?
- Có phải muốn đến được tháp chúng ta phải đi qua những bậc tam cấp này?
- Đúng,
- Vậy chúng ta cần phải biết con đường lên có bao nhiêu bậc.
- Để làm gì?
Diệu Trang nhìn tôi như nhìn sinh vật lạ: Thật tình là anh không biết?.- Không.- Thế cách đây một tuần anh đã đi đếm để làm gì?- Để trả lời câu hỏi của em.- Thế có bao giờ anh nghĩ rằng con số 166 bậc này minh chứng cho sự thành thật không?.- Thì lâu nay anh có dối trá bao giờ?.- Thôi ông tướng ơi, ở cách xa em gần cả ngàn cây số, xa mặt cách lòng làm sao biết được anh không này kia.- Nhưng anh này kia để làm gì? Em hỏi, anh đi đếm cho đúng rồi trả lời thế thôi.- Rất đơn giản.- Ừ rất đơn giản.- Và giả sử khi cùng đi đếm con số thực tế khác xa con số 166 thì anh nghĩ sao?.- Không nghĩ gì cả, chuyện đấy không thể xảy ra được, đơn giản là phải đi đếm và con số 166 xuất hiện. Nếu có con số nào khác ngoài 166 đấy là do chúng mình tự phức tạp hóa một điều đơn giản.
Diệu Trang mênh mang: Em chỉ cần có vậy, thực tế bao giờ cũng ở trong tầm tay, việc gì phải chạy theo những gì không có.- Ôi em lại triết lý vụn rồi.- Đàn bà mà anh, luôn có nhiều lo sợ vụn vặt, sợ giả dối, sợ sự hai lòng.- Thế thì giờ đây, với thời khắc này em sợ gì?.- Không sợ gì cả?.- Đúng, không việc gì phải sợ cả, yêu em anh tính đến chuyện trăm năm, sắp tới anh sẽ đưa bố mẹ ra Hà nội chính thức xin cưới em.- Sắp tới là khi nào?.- Đầu tháng sau. Diệu Trang nhìn tôi lom lom.- Bộ em không muốn à?- Không phải nhưng em thấy anh sao đơn giản quá.- Thì vừa rồi em bảo sống là phải thực tế.- Nhưng anh giải quyết vấn đề quá gọn gàng.- Chứ phức tạp ra để làm gì?- Em sợ sau này có nhiều điều xảy ra mà mình không bao giờ ngờ tới.- Ôi dào, nhân vô thập toàn cứ sống rồi hoàn thiện dần.
Đến lượt tôi trầm ngâm: Giả sử em là ngọn tháp, anh muốn đến với tháp buộc phải qua 166 bậc tam cấp này tuy vẫn có con đường khác bằng phẳng dể đi hơn, mau tới hơn nhưng anh không thích, anh vẫn muốn tự mình đếm từng bậc tam cấp để đến được với em, đến được với ngọn tháp này. Đấy là sự khẳng định, là sự chân thành.
Tôi và em ôm nhau cùng đi đếm đường lên tháp nhạn có bao nhiêu bậc? cùng đi và cùng đếm, 166 là 166. Vậy con số này, ngọn tháp này sẽ làm chứng cho những gì mà cả anh, cả em cùng muốn. Sau này lỡ có điều gì không hoàn thiện thì anh hoặc em, hoặc cả hai sẽ lên đây cầu nguyện. Rồi tất cả sẽ bình yên.

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 00:02 0 nhận xét  

Viết cho anh Nguyên Đạt

Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2009




Có một Trương Chi trên đỉnh núi Nhạn
Hội thơ Nguyên tiêu truyền thống núi Nhạn (Tuy Hòa, Phú Yên) vào Xuân Kỷ Sửu này là lần thứ 29. Ấn tượng của đêm thơ trên đỉnh núi Nhạn là có dáng hình hao gầy của nghệ sĩ sáo Nguyên Đạt; đôi khi anh nghiêng ngả thả hồn theo tiếng sáo thơ, quên bẵng là đang biểu diễn trước thiên hạ...
Trụ được nhờ “mối tình thứ hai”


Người truyền nghề thổi sáo cho Nguyên Đạt khi mới lên mười còn ở quê chính là ông nội, với mong mỏi đứa cháu “luôn giữ gìn cho tiếng sáo tinh sạch, thanh cao”. Từ đó, chiếc sáo trúc đã gắn bó vỗ về đời anh trên bước đường luân lạc. Năm 1968, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Quy Nhơn, Nguyên Đạt vào Phú Yên dạy học gần suốt 20 năm, nhưng rồi anh buộc phải từ giã bục giảng vì lý do không đủ tiêu chuẩn vào biên chế chính thức...! Nguyên Đạt tâm sự: “Bao nhiêu khát vọng cao đẹp với nghề “gõ đầu trẻ” bỗng chốc bị cắt ngang, làm mình như không còn trụ vững. May nhờ có “mối tình thứ hai” với nghệ thuật đã giúp mình tìm lại niềm vui cuộc sống”. Trong khốn khó, tiếng sáo và văn chương như được dịp bùng phát, dịu xoa niềm tiếc nuối của đời anh, nhất là những ngày thời bao cấp mà lại bị mất việc làm. Những năm 80 của thế kỷ trước, cả nhà anh phải tần tảo đủ nghề buôn thúng bán bưng, trong đó, “ông giáo bán trứng vịt lộn” đã được bà con xóm ga Tuy Hòa gắn cho anh hiện vẫn chưa trôi vào quên lãng. Anh làm thơ, viết truyện ngắn và tạp văn khá nhiều vào giai đoạn này nhưng nỗi nhớ nghề sáo và những đêm thơ thời sinh viên, đi dạy vẫn thao thức không nguôi. Nguyên Đạt kể: Một chiều ngồi bán trứng, chợt nghe loa truyền thanh phát chương trình thơ, thế là tiếng đàn tranh – sáo – thơ đã làm anh mất ngủ, ngồi bờ hè thổi sáo suốt đêm... Sáng mai, anh xách sáo đi tìm bạn.
Nguyên Đạt thổi sáo trong đêm thơ ở núi Nhạn
Và người đưa Nguyên Đạt đến với đêm thơ Nguyên tiêu Phú Yên là ông Dương Thái Nhơn (Giám đốc Thư viện Phú Yên) và nhà thơ Nguyễn Tường Văn (biên tập chương trình văn nghệ Đài Phát thanh Phú Yên). Ấy là năm 1989, khi Phú Yên vừa tách với Khánh Hòa, chương trình thơ của đài tỉnh đang thiếu những giọng ngâm và những người đệm thơ. Thế là “các nghệ sĩ” sáo trúc Nguyên Đạt, đàn bầu Mai Hoàng, đàn tranh Hoàng Hường, ngâm sĩ Ngọc Hà, Vân Phi, Bích Trâm,... đã có đất dụng võ. Nhưng có lẽ những đêm thơ Nguyên tiêu trên đỉnh núi Nhạn mới thực sự tỏa hết cái hồn của Nguyên Đạt với cây sáo trúc. Theo anh, đó là niềm cảm hứng cộng hưởng và giãi bày giữa những người đồng điệu, giữa đất trời thiêng liêng; đó mới là chỗ của sáo trúc, đó mới là chỗ của thơ, thơ và sáo đã dìu nhau, làm đẹp cho nhau qua bước đường hạnh ngộ...

“Lên bờ, xuống ruộng” vì sáo

Mỗi độ xuân về, nghệ sĩ sáo Nguyên Đạt đã phải “chạy sô” không ngớt, đêm nay ở Sơn Hòa, đêm mai đã Sông Cầu, đêm mốt đã Đồng Xuân, rồi khép lại mùa thơ xuân bằng Nguyên tiêu Nhạn tháp. Những đêm thơ này không có cát-sê, đôi lúc chỉ vài chén rượu cảm tạ,...
Nghệ sĩ sáo Nguyên Đạt
Còn chuyện buồn nghề thổi sáo cho những đêm thơ, chuyện ứng xử “khó coi” của nhiều người đối với thơ-nhạc,... Nguyên Đạt xin tôi đừng nhắc, “âu cũng là cái nghiệp cầm ca...”, anh âm trầm. Nhiều lúc buồn, anh đã định đập sáo, nghỉ chơi nhưng rồi làm sao cưỡng lại nghiệp trời? Trò chuyện cùng tôi, anh nhắc nhiều đến người bạn cố tri Nguyễn Văn Phương (Phương xích lô) với những câu thơ tặng trước khi mất: “Người thơ tìm về núi Nhạn/Để như chim nhạn tìm thơ/Tháp Chàm hóa thành tổ cũ/Khói hương tỏa ấm hồn thơ”...
Và rồi ba thập niên thơ trên đỉnh núi Nhạn, có còn ai nhớ tiếng sáo của chàng “Trương Chi” Nguyên Đạt, người làm đẹp cho thơ, cho bạn bầu thi hữu, khách tri âm giữa đất Phú trời Yên lồng lộng gió sông Ba,...
Bài và ảnh: HOÀNG YẾN
(Người Lao Động CT, 8.2.09)

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 18:10 0 nhận xét  

Tiến tới kỷ niệm 20 năm Trường Lê Quý Đôn (Nha Trang)

Thứ Sáu, 6 tháng 2, 2009

Trường Cũ Tình Xưa
Sáng tác: Duy Khánh

Hôm nay tôi trở về thăm trường cũ
Nhiều nét đổ thay tường mái rêu mờ
Bên hiên hằng giờ tìm những bạn xưa
May ra có còn đôi đứa vẫn yên vui sống đời học trò.


Bâng khuâng đợi chờ người sao chẳng đến?

Hỏi lá hỏi hoa chỉ thấy im lìm
Cây dương đầu trường còn khắc hàng tên
Hoa leo phũ phàng đan kín
Tiếng ve ru nghe gợi buồn thêm.

Bạn cũ xa rồi, có người về đất buôn xuôi

Năm ba đứa bạt phương trời
Hai thằng chờ đầu quân năm tới
Ve ơi, hát gì điệu nhạc lâm ly

Khóc người biền biệt sơn khê
Cố nhân đi bao giờ mới về?

Hôm nay trở lại nhiều khuôn mặt mới
Thầy đó trường đây bạn hữu đâu rồi?
Bao nhiêu kỷ niệm hoa bướm ngày thơ
Vang trong nỗi niềm nhung nhớ
Có ai đi thương về trường xưa

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 18:53 0 nhận xét  

Cụ Bùi tức cảnh

Chủ Nhật, 1 tháng 2, 2009

BỖNG DƯNG MUỐN BỨNG

Chà! Resort ta vẫn còn thiêu thiếu
Thiếu gì ta? À! Một mớ cây xanh!
Nhưng lấy đâu ra, cây đủ lá đủ cành?
Để đem về, trồng cho mau thấy!

A! Ta nhớ ra rồi! Trên đường Trần Phú
Toàn những cây bàng biển xanh tươi.
Nó tạo cảnh quan là nhứt xứ rồi
Nhắc tới đó, ta bỗng dưng muốn bứng!

Nhưng thưa bà: Bứng chui là phạm luật
Luật con khỉ gì? Luật trong túi ta đây.
Ta đã nói, ắt phải làm ngay!
Thế mới xứng doanh nhân số dách!

Tụi bay đâu? Lên đường đi đào gốc!
Đánh trận này, phải xong trước bình minh.
Thấy ta chỉ huy, tụi nó ắt làm thinh
Thành phố của ta! Ai còn hó hé?

Ôi thôi!
Còn đâu những buổi trưa hè
Tiếng chim ríu rít, tiếng ve gọi sầu.
Thương thay một quãng đường xanh
Giờ còn trơ trọi mấy cành cây con.
Hỡi đâu phép nước kỷ cương?
Mũi tên công lý hãy giương lên nào.
Để dân còn thấy tự hào.

Saigon, ngày 02/02/2009
BÙI VĂN TUẤN

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 23:43 1 nhận xét