Hiển thị các bài đăng có nhãn Phóng sự HOÀNG YẾN. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Phóng sự HOÀNG YẾN. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2009

Viết cho anh Nguyên Đạt




Có một Trương Chi trên đỉnh núi Nhạn
Hội thơ Nguyên tiêu truyền thống núi Nhạn (Tuy Hòa, Phú Yên) vào Xuân Kỷ Sửu này là lần thứ 29. Ấn tượng của đêm thơ trên đỉnh núi Nhạn là có dáng hình hao gầy của nghệ sĩ sáo Nguyên Đạt; đôi khi anh nghiêng ngả thả hồn theo tiếng sáo thơ, quên bẵng là đang biểu diễn trước thiên hạ...
Trụ được nhờ “mối tình thứ hai”


Người truyền nghề thổi sáo cho Nguyên Đạt khi mới lên mười còn ở quê chính là ông nội, với mong mỏi đứa cháu “luôn giữ gìn cho tiếng sáo tinh sạch, thanh cao”. Từ đó, chiếc sáo trúc đã gắn bó vỗ về đời anh trên bước đường luân lạc. Năm 1968, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Quy Nhơn, Nguyên Đạt vào Phú Yên dạy học gần suốt 20 năm, nhưng rồi anh buộc phải từ giã bục giảng vì lý do không đủ tiêu chuẩn vào biên chế chính thức...! Nguyên Đạt tâm sự: “Bao nhiêu khát vọng cao đẹp với nghề “gõ đầu trẻ” bỗng chốc bị cắt ngang, làm mình như không còn trụ vững. May nhờ có “mối tình thứ hai” với nghệ thuật đã giúp mình tìm lại niềm vui cuộc sống”. Trong khốn khó, tiếng sáo và văn chương như được dịp bùng phát, dịu xoa niềm tiếc nuối của đời anh, nhất là những ngày thời bao cấp mà lại bị mất việc làm. Những năm 80 của thế kỷ trước, cả nhà anh phải tần tảo đủ nghề buôn thúng bán bưng, trong đó, “ông giáo bán trứng vịt lộn” đã được bà con xóm ga Tuy Hòa gắn cho anh hiện vẫn chưa trôi vào quên lãng. Anh làm thơ, viết truyện ngắn và tạp văn khá nhiều vào giai đoạn này nhưng nỗi nhớ nghề sáo và những đêm thơ thời sinh viên, đi dạy vẫn thao thức không nguôi. Nguyên Đạt kể: Một chiều ngồi bán trứng, chợt nghe loa truyền thanh phát chương trình thơ, thế là tiếng đàn tranh – sáo – thơ đã làm anh mất ngủ, ngồi bờ hè thổi sáo suốt đêm... Sáng mai, anh xách sáo đi tìm bạn.
Nguyên Đạt thổi sáo trong đêm thơ ở núi Nhạn
Và người đưa Nguyên Đạt đến với đêm thơ Nguyên tiêu Phú Yên là ông Dương Thái Nhơn (Giám đốc Thư viện Phú Yên) và nhà thơ Nguyễn Tường Văn (biên tập chương trình văn nghệ Đài Phát thanh Phú Yên). Ấy là năm 1989, khi Phú Yên vừa tách với Khánh Hòa, chương trình thơ của đài tỉnh đang thiếu những giọng ngâm và những người đệm thơ. Thế là “các nghệ sĩ” sáo trúc Nguyên Đạt, đàn bầu Mai Hoàng, đàn tranh Hoàng Hường, ngâm sĩ Ngọc Hà, Vân Phi, Bích Trâm,... đã có đất dụng võ. Nhưng có lẽ những đêm thơ Nguyên tiêu trên đỉnh núi Nhạn mới thực sự tỏa hết cái hồn của Nguyên Đạt với cây sáo trúc. Theo anh, đó là niềm cảm hứng cộng hưởng và giãi bày giữa những người đồng điệu, giữa đất trời thiêng liêng; đó mới là chỗ của sáo trúc, đó mới là chỗ của thơ, thơ và sáo đã dìu nhau, làm đẹp cho nhau qua bước đường hạnh ngộ...

“Lên bờ, xuống ruộng” vì sáo

Mỗi độ xuân về, nghệ sĩ sáo Nguyên Đạt đã phải “chạy sô” không ngớt, đêm nay ở Sơn Hòa, đêm mai đã Sông Cầu, đêm mốt đã Đồng Xuân, rồi khép lại mùa thơ xuân bằng Nguyên tiêu Nhạn tháp. Những đêm thơ này không có cát-sê, đôi lúc chỉ vài chén rượu cảm tạ,...
Nghệ sĩ sáo Nguyên Đạt
Còn chuyện buồn nghề thổi sáo cho những đêm thơ, chuyện ứng xử “khó coi” của nhiều người đối với thơ-nhạc,... Nguyên Đạt xin tôi đừng nhắc, “âu cũng là cái nghiệp cầm ca...”, anh âm trầm. Nhiều lúc buồn, anh đã định đập sáo, nghỉ chơi nhưng rồi làm sao cưỡng lại nghiệp trời? Trò chuyện cùng tôi, anh nhắc nhiều đến người bạn cố tri Nguyễn Văn Phương (Phương xích lô) với những câu thơ tặng trước khi mất: “Người thơ tìm về núi Nhạn/Để như chim nhạn tìm thơ/Tháp Chàm hóa thành tổ cũ/Khói hương tỏa ấm hồn thơ”...
Và rồi ba thập niên thơ trên đỉnh núi Nhạn, có còn ai nhớ tiếng sáo của chàng “Trương Chi” Nguyên Đạt, người làm đẹp cho thơ, cho bạn bầu thi hữu, khách tri âm giữa đất Phú trời Yên lồng lộng gió sông Ba,...
Bài và ảnh: HOÀNG YẾN
(Người Lao Động CT, 8.2.09)

Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2008

Tà tà làm ăn




Sống được bởi... lá rơi

Đoàn cộ bò đi giao bán rác dương. Ảnh: PHẠM VĂN
Ông Bảy Thơ đang "khớp" cô bò chuẩn bị giao hàng. Ảnh: HOÀNG YẾN
Công việc không ngơi tay nhưng hễ vào mùa mưa là ông Bảy Thơ buồn buồn. Hỏi cơn cớ gì, ông gọn lỏn: “Nhớ... rác dương, con bò nhà tao cũng nhớ...”
Thì ra, căn nhà hai tầng cùng đầy đủ tiện nghi cũng phần nhiều nhờ cái cộ bò và đi cào lá dương (phi lao) rụng, dân ở đây gọi là nghề rác dương.

Nghề cào gom cành, lá dương khô chỉ xuất hiện khoảng mươi năm trở lại đây ở Phú Yên, khi than củi bắt đầu đắt đỏ, nhu cầu xây dựng tăng cao, các lò nung gạch phải tăng tốc nhưng buộc phải tính toán lại chi phí chất đốt. Ban đầu, chỉ một vài lò gạch đốt bằng rác dương, sau thấy thứ này vừa rẻ lại vừa bảo đảm nhiệt lượng, thế là hàng loạt lò gạch ở các huyện Phú Hòa, Tây Hòa... đều chuyển sang “dương hóa”, mới nảy ra lực lượng rác dương chuyên nghiệp. Bình quân một lò gạch mỗi lần đốt phải “ngốn” cỡ 15 cộ rác dương (chưa kể hàng loạt lò tráng bánh, nấu rượu, làm đậu...) nên đầu ra của rác dương luôn không phải lo.
Làm chơi, ăn thiệt
Dù gốc gác nông dân nhưng ông Ngô Văn Thơ (tự Bảy Thơ, 57 tuổi, ở phường 9, Tuy Hòa) có dáng dấp khá... thư sinh, cày ruộng nửa buổi là oải. Trước đây chuyên nghề làm ruộng và trồng hoa Tết, chỉ đủ sống qua ngày, thế nhưng ông đã “phất” lên trông thấy sau mấy năm làm thêm nghề rác dương. Là một tổ trưởng tự quản dân phố, ông Bảy Thơ rất “thông kim bác cổ” nhưng tâm đắc nhất vẫn là chuyện rác dương. Vợ chồng ông thường thức dậy khoảng 3 giờ, tà tà cơm nước, cà phê đến 4 giờ là dong cộ bò thẳng hướng rừng dương cách nhà khoảng 4-6 cây số. Nhiều hôm, tôi đi bộ thể dục buổi sáng, thấy vợ chồng ông Bảy ngồi vắt vẻo trên cộ trò chuyện hết sức tình tứ. Vậy mà chỉ loay hoay hơn tiếng đồng hồ sau đã thấy một cộ đầy ngất nghểu rác dương cập bên sân nhà. Nếu dong thẳng cộ rác lên Phú Hòa giao lò gạch thì đi, về khoảng hơn tiếng đồng hồ nữa; thế là bỏ túi 300.000 đồng. Sau đó, nếu thấy khỏe thì vợ chồng ông lại ra rừng dương gom tiếp cộ thứ 2, thứ 3; nếu giao chưa kịp thì tập kết gần nhà để hôm sau chở đi giao. Còn nếu thấy hơi mệt thì ông Bảy chỉ làm mỗi ngày một cộ, thời gian còn lại là thăm ruộng, đúc chậu trồng hoa, làm vài việc “tù và hàng tổng”, nếu có giỗ chạp, hiếu hỉ thì... đi nhậu, hứng lên thì làm vài bản karaoke... thơm đời! Khơi khơi như vậy, ngoại trừ 2-3 tháng mùa mưa (rác dương bị ướt, lò gạch nghỉ), vợ chồng Bảy Thơ kiếm bình quân 7-10 triệu đồng/tháng.
Cạnh nhà ông Bảy Thơ, vợ chồng anh Nguyễn Văn Vỹ (38 tuổi) thì “cày cuốc” bài bản hơn, bởi trẻ, khỏe và vừa... xây ngôi biệt thự 3 tầng. Công việc lấy rác dương của vợ chồng anh thường bắt đầu khoảng 1 giờ mỗi ngày; chồng dắt cộ ra bãi “quỹ rác” nhà đưa đi giao một “phát”, vợ ở nhà nấu cơm; chồng quay về cùng ăn uống, phê pháo, giá chót khoảng 6 giờ là đã có mặt ở rừng dương để “rác” thêm một chuyến. Cứ thế, cộ 1, cộ 2, cộ 3 cho tới tối mịt. Năng suất cao như vậy, nhưng do công việc không quá nặng nhọc, nên cũng khỏe. Tính sơ sơ, nhà Ba Mỹ thường thu nhập gấp đôi nhà Bảy Thơ, nghĩa là 15-20 triệu đồng/tháng.
Tại vùng ngoại ô TP Tuy Hòa và các xã gần biển thuộc các huyện Đông Hòa, Phú Hòa (Phú Yên), hiện có ít nhất 100 hộ sống bằng nghề rác dương và hầu hết đều có thu nhập cao so với mặt bằng nơi đây.
Nguyên tắc và bi hài
Theo một số cán bộ quản lý rừng phòng hộ biển Tuy Hòa, những người làm nghề rác dương đã tham gia đáng kể trong công tác bảo vệ rừng, lại còn góp phần bảo đảm an ninh trật tự cho khu bờ biển (vốn là nơi “núp bóng” không ít tệ nạn); khoảng 400 ha rừng dương dọc biển Tuy Hòa, từ ngày có “đạo quân” rác dương thì đỡ hẳn công dọn vệ sinh, băng nhóm tụ tập... Còn Hạt Kiểm lâm TP Tuy Hòa thì cho biết: Thảm thực bì rừng dương được bà con thường xuyên gom sạch đã góp phần bảo đảm vệ sinh bờ biển, giảm thiểu nguy cơ cháy rừng. Chúng tôi vận động bà con vừa cào rác dương vừa tham gia bảo vệ và phòng chống cháy rừng, nguồn sống gắn với rừng dương này nên họ rất tích cực hưởng ứng.
Anh Ba Mỹ cho hay: Nguyên tắc bất thành văn của nghề là không chặt, bẻ cây tươi, không đốt lửa “ẩu tả” trong rừng dương: “Tôi đã từng tham gia trồng rừng dương này, giờ nhờ nó mà mình có cơm ăn áo mặc nên phải luôn ý thức gìn giữ, bảo vệ tử tế. Có mấy thằng đi đào gốc dương về làm cây cảnh, tôi đã cảnh cáo rồi...”. Ông Bảy Thơ thì tỏ ra dứt khoát hơn: “Cũng có mấy đứa chặt, bẻ dương cây lung tung, anh em trong “hội rác dương” đã kiểm điểm rát rạt! Rừng dương bên bờ biển này như “lá phổi” của TP Tuy Hòa, là nguồn sống của bao gia đình nên việc bảo vệ là trách nhiệm của bọn tôi!”.
Nghề rác dương cũng lắm chuyện bi hài. Ví như anh Ba Mỹ trong một lần uống rượu đã... bật mí: “Bữa đó gần trưa, vợ chồng tao lóc cóc ra rừng dương An Phú, chưa kịp thả cào xuống thì đã thấy ngay bên cạnh một cặp sồn sồn đang quáng quàng... mặc quần áo sải ra xe máy. Nhìn quanh, tao thấy còn cái quần “sọt” khá mới, bèn ới theo: “... Quần, quên quần nè!”; thế là thằng chả bẽn lẽn quay lại lấy quần! Ui, còn chuyện “coi phim” cảnh trai gái “tâm sự” trong rừng dương thì cũng hơi bị nhiều”. Về cái “vụ” này, ông Bảy Thơ tỏ ra khá thoáng: “Ừ, thì trai gái cũng phải có chỗ tỏ tình tỏ cảm riêng tư chớ! Chỉ sợ không khéo là bị mấy thằng lôm côm nó “thổi” xe hoặc trấn lột. Tao ròm ròm vậy mà đã vài lần hù tụi trấn lột phải trả lại tiền và đồ đạc cho mấy cặp sinh viên, thanh niên. Một lần khác, tao đã cắp cổ một thằng lên Công an phường 7. Nói chung, cũng nhờ mấy cái dụng cụ lao động mang theo như rựa, gậy nêm cộ chất rác, cào cỏ,... như là vũ khí phòng thân, nhiều khi lúi húi một mình trong rừng dương vắng, cũng nguy hiểm chớ...”.
Anh Phạm Tấn Dũng (39 tuổi, làm nghề chạy xe công nông, ở xã Hòa Trị, Phú Hòa, Phú Yên) quan sát cuộc sống của những hộ rác dương, đã tâm sự với tôi: “Chắc tao phải “đẩy” chiếc “bục bịch” để chuyển qua cộ bò rác dương. Vừa đỡ tốn xăng nhớt, khỏi bị công an giao thông “thăm hỏi” thường xuyên, lại kiếm tiền nhiều hơn!”.
HOÀNG YẾN – PHẠM VĂN

(nld.com.vn)

Thứ Hai, 29 tháng 9, 2008

Sắc màu văn hóa

Cuộc hội tụ nhiệt thành các bản sắc dân tộc
Hoàng Yến

Xem h�nh
Trình diễn lễ hội cúng mừng lúa mới của đồng bào Raglay (Khánh Hòa)





Có lẽ trước đó, những nhà tổ chức cũng không sao hình dung nổi sự sôi động, đắm say và thành công rực rỡ đến vậy của Ngày hội văn hoá các dân tộc miền Trung, miền Đông Nam bộ lần đầu tiên diễn ra tại Phú Yên.
Ba ngày đêm liên tục, phố biển Tuy Hoà chứng kiến một cuộc hội tụ lắng sâu của những tinh hoa văn hoá đa sắc tộc và những tấm lòng vì một bản sắc

Từ ngày 16 đến 19.6, trên 500 nghệ nhân của 11 tỉnh, thành từ Nghệ An đến Bình Phước đã làm cho mùa hè phố biển Tuy Hoà náo nức hơn bao giờ hết. Bởi đây không chỉ là một cuộc trình diễn mà thực sự là ngày hội, hâm nóng những tinh hoa văn hoá truyền thống của từng dân tộc trong khu vực. Người trong cuộc và khách thưởng du đã được dịp tay trong tay, thông hiểu nhau bằng một ngôn ngữ văn hoá sinh động nhất. Hai địa điểm chính diễn ra ngày hội là Nhà văn hoá Diên Hồng và Khu giải trí - sinh thái Thuận Thảo (TP Tuy Hoà) lúc nào cũng đông nghịt người từ khắp nơi trong tỉnh Phú Yên và khách du lịch trong, ngoài nước.


Món canh thục của người S'Tiêng (Bình Phước)

Những người trong cuộc và khách thưởng lãm đã thực sự bị thu hút, đắm say ngay đêm khai mạc (16.6) bởi một chương trình nghệ thuật dân gian đặc sắc với chủ đề Phú Yên với bè bạn, bè bạn với Phú Yên của 11 đoàn nghệ nhân từ Nghệ An đến Bình Phước. Một đêm diễn đầy ắp các “đặc sản văn nghệ” các dân tộc anh em trong khu vực với các tiết mục: hoà tấu dân tộc Chăm H’Roi Cồng ba-trống đôi-chin năm (đoàn Phú Yên); hát múa dân ca Cơ Tu Lễ hội đón khách (đoàn Quảng Nam); hát múa Châu Ro mở hội (đoàn Đồng Nai); hát múa dân ca Pa Kô Cha chấp (đoàn Thừa Thiên-Huế); hát múa Nhịp sống miền bazan (đoàn Bình Phước)... cùng chương trình Hương xuân Việt Bắc của Đoàn ca múa nhạc dân gian Việt Bắc (Bộ VHTT).


Thi trò chơi dân gian Giã gạo chày đôi của
đòan Ninh Thuận

Ban tổ chức cũng đã dành một khu vực trang trọng nhất cho Triển lãm di sản văn hoá 54 dân tộc anh em, với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc miền Trung, miền Đông Nam bộ” do Bảo tàng văn hoá các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Chăm Đà Nẵng và Bảo tàng Phú Yên thực hiện với nhiều bộ sưu tập dân tộc học độc đáo, phong phú của các dân tộc trong khu vực. Cùng lúc đó là triển lãm ảnh cá nhân Phú Yên, quê hương tôi của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Ngọc Minh, tập hợp 50 tác phẩm ảnh cỡ 50 x 75cm, với nhiều góc nhìn tươi mới về tình yêu quê hương đất nước, con người miền Trung.


Liên tục trong chương trình ngày hội là các cuộc thi trình diễn lễ hội truyền thống, trang phục dân tộc, nghệ thuật dân gian, trò chơi dân gian, và đặc biệt là cuộc thi văn hoá ẩm thực với những tinh hoa chế biến món ăn của các dân tộc Việt Nam. Mỗi món ăn trình bày trong ngày hội đã mang đến một cảm nhận sâu sắc cho người xem, người nếm, nhất là những ai được tận hưởng cả một quá trình chế biến và quây quần ngồi ăn cùng các loại rượu đặc trưng từng hồn đất - hồn người... Với món sơ rá do chính tay các cô gái CơTu (Quảng Nam) dùng thịt ướp lá chua, tiêu rừng rồi nướng trong ống lồ ô, làm cho cái vị thơm-ngọt-cay cay thật khác lạ. Đoàn Bình Phước giới thiệu món canh thục của người S’Tiêng, với nguyên liệu chính là rau rừng, nấu với cá và thịt trong ống, mang hương vị ngọt lừ, nồng nàn của núi rừng miền Đông. Rồi món cá ngòn-cà lào-ốc đá của người Nguồn (Quảng Bình), món cá niên nướng-rau ranh ốc của người H’Rê (Quảng Ngãi),... mỗi món kết tinh một sắc thái văn hoá tinh tuý và lâu bền của từng cộng đồng dân tộc Việt, không thể lẫn vào đâu được nếu suy từ cái nét văn hoá ẩm thực. Tuy nhiên, đáng tiếc là đoàn Phú Yên - đơn vị đăng cai - đã không tham gia hội thi ẩm thực...


Ông Mạnh Minh Tâm, Phó giám đốc Trung tâm văn hoá - triển lãm Phú Yên cho biết: “Tôi đã từng tham gia nhiều liên hoan văn hoá dân tộc nhưng sự tươi mát và chiều sâu bản sắc của đợt hội tụ lần này được thể hiện một cách rất tập trung và bay bổng hiếm thấy. Có lẽ, bản thân cái chữ “ngày hội” và sự triển khai công phu, khơi gợi đúng mức lòng nhiệt thành của các nghệ nhân từ các buôn-bản-sóc đã tạo nên sự thành công mỹ mãn cho ngày hội lần này...”.


Trình bày các món ăn tiêu biểu của các
dân tộc tại Ninh Thuận

Lồng trong ngày hội là cuộc hội thảo quy mô với chủ đề “Bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, gắn với xây dựng đời sống văn hoá cơ sở trong vùng đồng bào các dân tộc miền Trung, miền Đông Nam bộ” đã thu hút sự chú ý đặc biệt của các nhà hoạt động văn hoá và già làng, trưởng bản các dân tộc. Và đêm 19.6 là chương trình bế mạc ngày hội với các hoạt động văn nghệ dàn dựng công phu, các tiết mục sâu lắng, thấm đẫm sắc thái văn hoá các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam, lưu luyến trong tấm tình anh em các dân tộc và lòng mến khách của người Phú Yên...


Già làng Điểu Đố người S’Tiêng ở sóc Bù Môn, huyện Bù Đăng (Bình Phước) tâm tình: các lễ hội của tộc người S’Tiêng như Năng Ba (Cấy lúa mới) được tái hiện sinh động đã đem đến cho mọi người sự cảm phục, hoan hỉ là điều làm ông rất vui. Việc tìm lại và trình diễn các trang phục dân tộc nguyên gốc S’Tiêng trên sân khấu lớn đã khiến ông xúc động. Nhiều nhà chuyên môn đã nói nhiều đến việc không nên sân khấu hoá các lễ hội, hát múa dân gian các dân tộc nhưng theo già Điểu Đố thì ngày hội này rất cần thiết, bởi nếu không có những dịp như thế thì các già và thanh niên không thể ngồi mà soạn lại một cách công phu đến như vậy các giá trị văn hoá truyền thống của người S’Tiêng, và quan trọng hơn nữa là làm sao động viên mọi người gìn giữ những nét tốt đẹp nhất cho cuộc sống bà con hôm nay...

(Kiến Thức Ngày Nay 572)

Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2008

Người nghèo ăn chơi


Thu nhập thấp vẫn giải trí “hoành tráng”
Bài, ảnh HOÀNG YẾN

Đó là nhờ công đoàn đứng ra lo liệu. Lần đầu tiên ở Phú Yên, Công đoàn khối hành chính sự nghiệp TP Tuy Hòa đã tổ chức hội thi thể thao-văn hóa có môn bida và hát karaoke. Điều đáng nói nữa là địa điểm tổ chức hội thi là Khu giải trí Thuận Thảo Land-nơi khá xa xỉ đối với CNVCLĐ có mức thu nhập trên dưới 1 triệu đồng/tháng…
Đúng 7 giờ sáng ngày 22.8, hội thi khai mạc. Hội thi chỉ diễn ra trong một ngày và có các “món” ruột của nhiều người là bida, karaoke nên trên 150 vận động viên, “giọng ca vàng” cùng hàng ngàn cổ động viên, “thưởng thức viên” đã háo hức tề tựu trước đó khá lâu. Nhiều đoàn viên trong công đoàn khối này lần đầu tiên biết đến các dịch vụ vui chơi ở Khu giải trí cao cấp Thuận Thảo Land (TP Tuy Hòa) vừa được đưa vào hoạt động. Bởi ngày thường việc công, việc tư luôn cuốn hút, và cũng bởi túi tiền có hạn nên chọn địa điểm “vừa tầm” để đến là… thượng sách!
Sau khai mạc ngắn gọn của Trưởng ban tổ chức hội thi Nguyễn Văn Trinh (Trưởng Đài Truyền Thanh TP Tuy Hòa), các điểm đấu cờ tướng, “chọt” bida và “hét” karaoke với trang thiết bị sang trọng đã dậy sóng tranh tài. “Ở Phú Yên, đã có một số công đoàn tổ chức lẻ tẻ việc thi đánh bida và hát karaoke, lần này chúng tôi mạnh dạn đưa vào hội thi chính thức, bởi đây là hình thức giải trí lành mạnh, phổ biến, ai cũng có thể tham gia được”-anh Trinh phát biểu. Chủ tịch công đoàn khối hành chính sự nghiệp Tuy Hòa-Trình Khánh, bổ sung: “Hai lần trước, một số môn thể thao đưa vào hội thi, chủ yếu là nam tham gia, bởi nhiều chị em nữ vẫn chưa luyện thuần một môn nào. Lần này, đưa hát karaoke vào, chị em hưởng ứng nhiệt liệt…”. Chủ tịch LĐLĐ TP Tuy Hòa-Nguyễn Công Lộc thì âm trầm: “Việc đưa hai môn “nhạy cảm” này vào hội thi công đoàn khối lần này cũng là một… thử nghiệm để rút kinh nghiệm tổ chức các hội thi sau. Người lao động đang dồn về thành phố và nhịp sống đang gia tăng thế này, nếu không có các sân… xả stress bài bản kiểu này thì rất thiệt cho anh chị em có thu nhập thấp”.
Anh Tiến Anh (CĐCS khối Đảng TP Tuy Hòa), sau một đường “cơ” 3 điểm, quay ra với tôi: “Mấy lần anh em tui định lên phòng bida VIP này để chơi nhưng rồi… vào mấy chỗ bình dân cho “tiện” túi tiền. Thi xong bida, tui sang “chiến đấu” phần karaoke, vì có bà xã với hai đứa nhỏ đang… đón nghe!”. Các phòng karaoke âm thanh nổi ở Thuận Thảo Land khá rộng rãi nhưng đã chật ních người thi, người chấm và người thân của các “micro”. Chụp xong bức hình, tôi thò ra khỏi cửa thì gặp chị bạn Nguyễn Minh Thái (làm ở Trung tâm Y tế Tuy Hòa), Thái vừa thi hát xong bài “Tình đất đỏ miền Đông” nên tỏ ra rất phấn khích: “Âm thanh ở đây “đã” thiệt, vậy mà lâu nay hết ở bệnh viện, rồi về nhà lo làm thêm, chồng con, heo cúi… nên đâu có biết! Thi hát karaoke kết hợp giữa điểm chấm của máy và của ban giám khảo là công bằng nhứt, chứ nhiều máy nó chấm… nịnh mình lắm!”. Còn anh Hồ Văn Thanh, cán bộ Phòng VHTT Tuy Hòa thì tâm sự: “Chưa bao giờ thấy công đoàn khối tổ chức hội thi khí thế như kỳ này. Anh em tụi tui đa phần giải trí bằng cách.. làm một xị, hay đọc loanh quanh mấy tờ báo, nhiều khi làm mệt quá về nhà cũng xem tivi không nổi. Nói chung, thỉnh thoảng cũng có đi hát karaoke, đánh bida mấy chỗ bình dân nhưng lên đây thi thố “hoành tráng” như vầy mới sướng…”.
Người viết còn nhớ, cách đây chưa lâu, một công đoàn khối cấp tỉnh ở Phú Yên định đưa môn bida vào hội thao nhưng đã bị một số “ông bà già” phản đối: đó là môn chơi cá độ, sao đưa vào… công đoàn!? Một khối khác cũng định đưa môn karaoke vào thi nhưng lại bị mấy bà… ấn tượng karaoke “ôm” kịch liệt gạt ra…
Thì ra rất nhiều người vẫn còn nhập nhằng chuyện “giải trí lành mạnh” với “tệ nạn”! Thế nên Trưởng ban tổ chức Trinh dùng từ “mạnh dạn” ở trên là vô cùng xác đáng! Nhiều người lao động có thu nhập thấp đang mong chờ công đoàn “mạnh dạn” tổ chức nhiều sân chơi giải trí sôi động như thế này…
H.Y

(bài chưa đăng, tác giả giữ bản quyền)

Thứ Năm, 22 tháng 5, 2008

PHÓNG CÁI SỰ HỌC PHÍ

HUN HÚT HỌC PHÍ "VÙNG TRŨNG"...



Một lớp học ở Trường THCS Đinh Tiên Hoàng (xã An Cư, Tuy An, Phú Yên).

Tại nhiều làng quê Việt hiện còn khá nhiều vùng đất mà mỗi con chữ phải đổi quá nhiều mồ hôi và nước mắt phụ huynh, thậm chí cả sự khó xử của những giáo viên quanh chuyện học phí.
Ở đây, tôi muốn nói đến câu chuyện học phí cho các vùng nông thôn khó khăn nằm ngay ở giữa đồng bằng, cạnh quốc lộ 1A nhưng lại là những "vùng trũng" thật sự về giáo dục. Trong lúc, Bộ GDĐT lại đang có đề án tăng học phí lên gấp nhiều lần...

Nỗi khổ của phụ huynh nông thôn...
Xã An Cư thuộc huyện Tuy An, Phú Yên nằm bên quốc lộ 1A, hiền hoà như bao làng quê Việt. Ghé vào một quán nước ven đường nhựa để tránh nắng, cái quán tuềnh toàng thuộc thôn Phú Tân.

Chủ quán là chị Năm Hà, có 4 con, trong đó 2 con đang tuổi đi học nhưng 1 đứa đã nghỉ cách đây 2 năm, còn 1 đứa học lớp 8 ở Trường THCS Đinh Tiên Hoàng. Tôi hỏi: "Sao lại cho cháu nghỉ học?"; chị chủ đáp: "Không có tiền nộp học phí, tiền xây dựng trường... chớ sao!".

Trước đó, chị Trần Thị Bích Loan, giáo viên Anh văn của Trường THCS Đinh Tiên Hoàng, có nói với tôi: "Nhiều gia đình ở đây, đến chuyện ăn mặc cho con còn được chăng hay chớ, huống hồ chuyện lo cho đi học. Có phụ huynh khi tôi đến vận động cho con họ đi học trở lại, đã nói té tát: Cô có lo được tiền học, hay cô làm đơn cam kết không thu tiền thì tui mới cho nó đi học! Thiệt hết biết nói sao...".

Xuống đến ven đầm Ô Loan, cuộc sống lam lũ ở đây càng lộ rõ, với những mái nhà tạm sống bám quanh đầm bằng nghề đánh bắt. Vẫn có một vài hộ khá lên nhờ nuôi tôm sú nhưng rồi cũng đều "cụt vốn" do dịch bệnh, đành phải quay lại với mảnh ruộng thường xuyên bị nước biển xâm thực, nhiễm mặn.

Đồng tiền làm ra đã khó nên mọi chuyện chi tiêu ở đây đều phải tính toán, chắt bóp từng đồng. Thế nên mới có chuyện nhiều gia đình khi đến kỳ học phí thì không thể vét được đồng nào trong nhà, cũng không thể mượn được hàng xóm để đóng cho con..., mặc dù mức học phí đang áp dụng không phải là quá cao.

Theo quyết định số 2078/2005 của UBND tỉnh Phú Yên, học phí từ lớp 6 - 9 tăng dần theo từng lớp là 6.000 - 10.000 đồng/tháng/học sinh; thu quỹ xây dựng bậc học THCS là 35.000 đồng/tháng/học sinh (mức thu ở vùng đồng bằng). Như vậy tính ra, mức học phí THCS của mỗi học sinh tại đây mỗi năm chưa đến 100.000 đồng...

Theo chỉ dẫn của cô Bích Loan, tôi tìm đến ngôi nhà mà phụ huynh có câu nói "cô có lo được tiền học cho nó thì tui mới cho đi học". Đó là nhà vợ chồng ông Nguyễn Thanh N - bà Hồ Thị H ở thôn Tân Long, xã An Cư, nằm ở một bãi bồi ven đầm Ô Loan. Ngôi nhà trông không đến nỗi nào so với xung quanh, nghĩa là vách đất, mái tôn, cái sân gạch...; ông N đánh lưới trên đầm, bà H làm ruộng và nuôi heo.

Bà H tiếp tôi khá lơ đãng, nhất là khi nói về chuyện học của em Thường (con bà): "Nó đi học phổ cập rồi, mấy thầy cô tới nói miết... Ôèi, được đến đâu thì được... Học làm gì tốn tiền rồi ra cũng thất nghiệp... Tui chỉ muốn nó ở nhà làm mướn quanh quất rồi cưới vợ thôi...".

Hỏi ra mới biết, cháu Thường (con của bà) mới 13 tuổi... Có thể ai đó sẽ "dị ứng" với kiểu nghĩ của bà H, nhưng nhiều ngày ở An Cư, tôi mới thấy bà H không phải là cá biệt... Để một đứa con đến trường, ngoài nỗi lo học phí, tiền xây dựng trường còn có nỗi lo thất nghiệp...

Giáo viên thu học phí không đạt, cắt thi đua...

Thầy giáo Nguyễn Tấn Nam - Hiệu phó Trường THCS Đinh Tiên Hoàng tiếp tôi trong căn phòng giám hiệu chật chội, được dùng chung cho cả hội đồng giáo viên của trường.



Thầy giáo Tô Minh Phụng: "Tôi đã bị cắt thi đua do thu học phí không đạt...".

Xoay quanh việc thu học phí, thầy Nam nói: "Việc thu học phí và tiền xây dựng của nhà trường được làm rất chặt chẽ. Kế hoạch thu của từng giáo viên chủ nhiệm gắn vào công tác thi đua theo tháng của nhà trường; nếu giáo viên thu được trên 50% thì được cộng thêm điểm thi đua, 10 điểm trên học kỳ. Nhà trường làm như vậy là để giáo viên chủ nhiệm tích cực hơn trong việc thu học phí và tiền xây dựng trường. Đây là một quy định chung của ngành...".

Nói rồi thầy Nam đưa tôi một văn bản "đốc thu" của Phòng GDĐT huyện Tuy An do lãnh đạo phòng ký ngày 24.11.2005; xin trích nguyên văn: "Kính gửi: Các trường THCS trong toàn huyện. Hiện nay tình hình ngân sách được phân bổ của ngành ta hết sức khó khăn, đến giờ này nhóm mục chi thường xuyên đã hết nhưng phong trào hoạt động của năm học 2005-2006 chỉ mới được 2 tháng.

Trong khi đó dự toán ngân sánh năm 2006 được giao trên cơ sở tính toán của số lao động là biên chế, số còn lại hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế được giao phải lấy chi thường xuyên để trả lương và các khoản khác theo lương do đó cũng hết sức khó khăn.

Trước tình hình khó khăn về ngân sách, Phòng GDĐT đề nghị các đơn vị THCS cố gắng thu quỹ học phí năm học 2005-2006 đạt tỉ lệ 100% để một phần hoàn thành việc trích nộp 20% cho Sở Giáo dục - Đào tạo điều tiết chung cho toàn ngành; 40% để thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị định 204/NĐ-CP và Nghị định 118/NĐ-CP của Chính phủ và 40% còn lại để cùng với ngân sách chi các khoản thường xuyên như: Điện, nước, công tác phí, hoạt động dạy và học (...). Nhận được công văn đề nghị hiệu trưởng các trường THCS triển khai thực hiện một cách nghiêm túc"...

Về việc này, thầy giáo Tô Minh Phụng, giáo viên chủ nhiệm lớp 9C của trường, bày tỏ: "Chuyện thu học phí học sinh là vấn đề rất bức xúc đối với các giáo viên chủ nhiệm! Nếu giáo viên chủ nhiệm nào thu không đạt chỉ tiêu thì những phấn đấu của họ trong năm học đó, như đăng ký giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua... sẽ bị cắt!

Áp lực này dẫn đến giáo viên phải tăng cường thu học phí, mà tăng cường thu đối với vùng nông thôn như ở đây thì dẫn đến việc học sinh bỏ học. Phụ huynh ở đây rất khó khăn về tiền bạc, con em đi học thiếu thốn tứ bề, trang thiết bị nhà trường cũng eo hẹp; học phí và các khoản đóng cho trường mỗi năm mỗi tăng, nên việc thu cho đúng cho đủ là vô cùng khó khăn, không thể đảm bảo... Bản thân tôi năm ngoái đã bị cắt thi đua do thu không đạt chỉ tiêu...".

Trò chuyện với nhiều giáo viên, tôi nhận thấy một thực tế trong suy nghĩ của họ: Giáo viên thành thị là "vua", giáo viên nông thôn là "tôi"! Bởi theo cô Bích Loan, "Hầu hết các trường ở thành thị, làm gì có chuyện giáo viên phải đến từng nhà để vận động con em đi học trở lại...

Rất nhiều nhà ở quê, cho con đi học không nổi, nói gì chuyện "học cua, học còng" như ở thành thị. Tụi em dạy ở đây chỉ có đồng lương chay, chứ không thể có khoản này khoản kia như giáo viên nhiều trường thành thị... Còn các khoản thu ở nhiều trường thành thị mà tôi biết, giáo viên chủ nhiệm chỉ nói ra một lần là cha mẹ nộp ro ro ngay, nhất là ở mấy trường điểm, lớp chọn...".

Đây cũng là một trong nhiều lý do để việc "xin xỏ" chuyển vùng của giáo viên trong ngành giáo dục mãi luôn là vấn đề nóng bỏng; đơn vị quản lý giáo dục nào cũng dày cộm những chồng hồ sơ của giáo viên nông thôn "chạy" chuyển về thành thị. Chỉ riêng việc này cũng là một môi trường phát sinh tiêu cực triền miên...

Vẫn biết, có không ít giáo viên vùng nông thôn tâm huyết với nghề phấn trắng bảng đen, và cái tình nghĩa thầy trò bao giờ cũng là sợi dây tươi đẹp khoả lấp bao điều, nhất là ở những vùng có truyền thống tôn trọng thầy cô, chữ nghĩa...

Tôi nói chuyện thầy cô để dễ dàng suy ra chuyện học trò và học phí: Có lẽ phải đến lúc Chính phủ, Bộ Giáo dục-Đào tạo và các cấp ngành hữu quan cần có một cuộc rà soát thật khoa học việc ưu đãi, miễn-giảm toàn diện hơn nữa học phí và các khoản đóng góp trong nhà trường vùng nông thôn, nhất là những vùng "không thuộc diện nào"...

Bài, ảnh: Hoàng Yến

Thể lệ Cuộc thi Tản văn năm 2024 trên Viết SÁNG TẠO

  Công bố thể lệ Cuộc thi Tản văn năm 2024 trên Viết SÁNG TẠO   Thưa bạn đọc bạn văn! Tản văn đang là thể loại thời thượng vì tính chất cập...