Thứ Ba, 23 tháng 4, 2024

PHAM DUY hầu kí

 

"HỌC NHƯ THỂ CHẲNG DÀI LÂU... "
(Đọc Hồi ký Phạm Duy 2) 
 Có thể là hình ảnh về ‎1 người, kèn clarinet, đàn hạc, kèn trumpet và ‎văn bản cho biết '‎VIV3 Riep kiepnao nao GO YEUNHAU HOAI TRINH TR nhịe. ithie PHAЛ DUY รบ่า ral3 Cla Duny 3 شوده عه_..‎'‎‎
Tôi chưa định viết những dòng dưới đây trong vài bài ghi chép khi đọc Hồi Ký Phạm Duy nhưng cuối cùng quyết định nên vì cần phải viết. Đã có một vài comment nhắc đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn một cách khiếm nhã và chủ quan (tôi không muốn nói là vô căn cứ và sai lệch). Tôi rất ngạc nhiên khi đọc thậm chí không tin người comment đã viết như thế vì tôi biết rõ đây là một Trí thức và uyên bác.
Đại loại như "Trịnh Công Sơn chỉ là một học trò nhỏ của Phạm Duy (!?). Ô la la!PD ghê gớm vậy sao? TCS bé nhỏ vậy sao?
Nếu như bạn chỉ nói thích nhạc người này hơn nhạc người kia thì không có gì để bàn cãi cả! Việc thích hay không là cảm xúc, là tình yêu của bạn cần tôn trọng. Nhưng khi phán "người này là học trò của người kia" thì thật hàm hỗn với tiền nhân nếu không chứng minh được. Và qua đó còn để lộ sự thiếu lễ độ, sự vô lý bất cẩn của mình. Mình không công bằng với cuộc đời thì ai sẽ công bằng với mình đây?
***
Mấy ghi chép của tôi về các ông sau đây.
-Văn Cao, Phạm Duy và Trịnh Công Sơn đều thuộc loại "tự phát mà thành" không có học hành bài bản về âm nhạc. Không có bằng cấp gì trong hệ thống Quốc gia và Quốc tế.
Thi sĩ Hoàng Cầm viết về người bạn mình:"Thời lang thang Duy được một người ở Nam dạy cho cách ký xướng âm... " và đó là bùa hộ mệnh.
Tuy vậy, tôi có tham khảo "Tự truyện Trần Văn Khê" có mấy thông tin đáng chú ý như sau: Năm 1959 Phạm Duy có qua Pháp học thêm về phương pháp soạn nhạc. Đặc biệt là phổ ca dao, dân ca, thi ca... nói chung là tìm hiểu chuyên sâu về Ngũ cung (đặc dị của âm nhạc Việt Nam và Đông Nam Á, trong khi đó châu Âu nghiêng về phát triển 7 nốt âm nhạc tự nhiên). Người tìm thầy giới thiệu cho Phạm Duy học chính là Trần Văn Khê.
Thời gian này Trần Văn Khê mới tốt nghiệp trường Chính trị Paris văn bằng Khoa Giao dịch Quốc tế. Ông tiếp tục học văn bằng 2 môn Nhạc học và sau đó đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Văn khoa (môn Nhạc học) của Đại học Sorbonne đoạt hạng ưu (20/20).
Thầy dạy kèm cho Phạm Duy chính là Giáo sư Jacques Chailley cũng đang dạy chính thức trong trường Sorbonne cho Trần Văn Khê. Tuy nhiên, Trần Văn Khê đi theo hệ thống bài bản của giáo dục nước Pháp còn Phạm Duy "đại nhảy vọt" kiểu... tay ngang (!). Một tuần đến nhà học thầy riêng, hai ba buổi và phải trả học phí rất cao. Giai đoạn này ông còn học "một kèm một" với Gs Emile Gaspardone về bộ môn Piano nên tiến bộ rất nhanh.
Kiểu học này theo Phạm Duy viết trong Hồi ký là "đúng nguyện vọng và tình hình của tôi lúc đó". Ông chỉ học để hiểu biết thêm cho công việc viết nhạc mà mình đang theo đuổi. Thành thử sau khi rời nước Pháp về Sài Gòn ngoài kiến thức được nâng cao, tự ông biết, thì không có một chứng chỉ hay văn bằng gì!
"Công việc học của Duy khá thảnh thơi chứ không như tôi". Trong Hồi ký Trần Văn Khê kể. Và hai ông thường hay đi đánh Bida điện. Ông kể "bọn tôi chơi hay đến nỗi bà chủ tiệm mỗi khi thấy hai thằng mò tới là sợ khiếp vì cả buổi hôm đó chỉ bán được hai ly cà phê... ". Có nghĩa hai ông đánh thắng Bida điện được công điểm thưởng nên không mất tiền.
Ở Sài gòn mọi người chỉ biết "Phạm Duy đi tu nghiệp ở Pháp về" nên rất kính nể bởi không ai rõ thực hư ra sao.
Bà Trần Lệ Xuân vợ "ông cố vấn" Ngô Đình Nhu chắc cũng nghe như thế nên đã sai Thư ký tìm gặp Phạm Duy để đặt vấn đề mời ông vào Dinh kèm cho cô con gái Ngô Đình Lệ Thủy hai bộ môn Thanh nhạc và Piano. Nhưng rồi chắc vì nhiều lý do nên nhạc sĩ đã không nhận lời mời. Không rõ sâu xa có phải "lấn cấn" về vụ bằng cấp này hay không?
Phạm Duy còn "lấn cấn" nhiều chuyện. Như với Văn Cao chẳng hạn. Nhưng đó không phải câu chuyện của bài viết này.
***
Theo tư liệu nhà văn Tạ Tỵ, tôi đọc được trong cuốn "Mười gương mặt văn nghệ" (1970) thì Trịnh Công Sơn có học đàn guitar nhưng hoàn toàn không ý thức sẽ viết nhạc để thành nhạc sĩ. Việc này chỉ thực sự đến với ông một cách tình cờ trong lần ông tập võ Judo với người em và bị ôm quăng xuống nền quá mạnh.
Ông bị dập phổi và phải chữa trị hàng năm trời. Từ sự cố này ông thay đổi nhãn quan tìm đến với triết lý Phật giáo lẽ sinh diệt, vô thường, sống chết. Từ đây những bài hát ra đời cuốn ông đi rất tự nhiên.
Tại sao tôi không đồng ý quan điểm "Trịnh Công Sơn chỉ là một học trò nhỏ của Phạm Duy"? Tôi cho đây là xúc phạm với đến một tài năng đi trước.
Đời vô thường nên học như thể chẳng dài lâu... 
 
(Còn tiếp)
NGUYỄN HỮU HỒNG MINH 
 
*Tôi đến thăm và làm việc với nhạc sĩ Phạm Duy nhiều lần. Tôi cũng là người viết Kịch bản cho đêm diễn "Phạm Duy, "Chỉ Ngần Ấy Thôi" ở nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng. Tôi cũng là người bình luận phân tích nhiều bài hát của ông trong một chương trình trên Đài truyền hình Việt Nam. Những hình ảnh này lấy trong lần tôi nói về bài hát "Kiếp nào có yêu nhau" ông phổ thơ Minh Đức Hoài Trinh.

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2024

PHAM DUY hầu kí

 ĐỌC HỒI KÝ PHẠM DUY (1) 

Bất ngờ tôi đọc Hồi ký nhạc sĩ Phạm Duy. Ít ai dám viết thật như ông. Sau đây là vài ghi chép tôi rút ra từ bộ hồi ký khá đồ sộ đó.  

Phạm Duy cho rằng tình dục là chất liệu vô cùng quan trong trong sáng tạo. Ông không thể viết hay và viết nhiều bài hát như thế nếu không yêu, không tình dục. Nói chung, không thể viết được gì nếu không có cái đẹp và người phụ nữ... 


***

1.Phạm Duy thừa nhận mình có khả năng sinh lý cao. Dậy thì rất sớm, hoàn toàn tự nhiên. Khả năng đó bắt đầu từ vô thức bỗng trỗi dậy lúc ông lên tám tuổi. Trong một lần ngủ với mẹ và người bạn gái của bà nửa đêm người bạn mẹ ông phát hiện ông đang sờ tí bà. Thế là ông bị ăn một cái tát trời giáng đến sau này không quên. 


2.Ồng bị "mất tân" khi ngủ với cô bán hàng khuya, nửa đêm tới phố nhà ông đứng rao bán bánh. Lúc đầu ông ra mua nhưng sau đó thì tìm cách làm quen vì ông bị cám dỗ bởi các dấu hiệu phồn thực ngực to, mông nở. Cuối cùng tiếng rao đó là ám hiệu về khuya "hò hẹn" của hai người.  Ông trốn mẹ, lẻn ra dắt người thiếu phụ đó vào cửa sau và cả hai vồ cho đến sáng. Lúc này ông đã nhớn, mặt mun và nhổ giò. Ông không còn ngủ với mẹ và thường ở căn nhà phía sau nên khá tự do. 


3.Phạm Duy tự hào về sức khỏe ít ai bì của mình do nhiều nguyên nhân. Trong đó có một lý do là ông bị ông anh mình là Phạm Duy Khiêm, một trong những  người đỗ Tiến sĩ đầu tiên ở Pháp về lại Việt Nam làm việc lúc đó; buộc ông phải vào học trường dạy nghề cho thanh niên bấy giờ gọi nôm na là Cao đẳng "Nông lâm súc" của người Pháp mở và đào tạo nguồn nhân công cho chính sách thuộc địa. 

Phạm Duy viết, giữa ông và anh mình không hợp nhau và ông thường bị đánh. Ông Khiêm không thích cậu em mình chơi nhạc và thường nổi cơn thịnh nộ bất thường. Đây còn là dấu hiệu một căn bệnh về tâm lý mà mãi cho đến sau này khi ông Phạm Duy Khiêm tự tự chết khi đang là đại sứ Lãnh sự quán VNCH tại Pháp nhạc sĩ mới phát hiện ra nên ông rất thương anh mình. Nhưng đó là thời điểm khác.

    

Một lần ông anh đi dạy về thấy ông em đang hát nghêu ngao thế là nổi cơn lôi đình đè ra đánh cho một trận. Lúc đó có mẹ ông ở đó bà rất buồn nhưng không thể làm gì được.  

Để ngăn cậu em "vô công rồi nghề", lêu lổng, có nguy cơ "xướng ca vô loài", ông Khiêm đã gọi cho một người bạn cùng học ở Paris về đang ở trong ban điều hành trường Nông Lâm Súc để tống cậu em vào đó. Hòng để cậu em nhận ra chân giá trị lao động là gì? 


Nhưng Phạm Duy thích ứng rất nhanh. Trong hồi ký ông kể rằng mình thích nghi với lao động cơ khí, rèn đục, chế tác máy móc...  cộng với chế độ "kỷ luật thép" của người Pháp trong việc vận động, tập thể dục, ăn uống nên ông "phát triển tối đa", vạm vỡ, sức khỏe tốt chứ không yếu ớt thường thấy khi người ta vẫn hay nói đến nhạc sĩ, nghệ sĩ. 


4.Một trong những chuyện thú vị ông kể giữa các cậu trai choai choai ngứa nghề sớm là "so cu" với nhau xem ai "ngầu" hơn. Ông tự cho mình không kém cạnh gì ai, đã khỏe như thế nhưng trong chúng bạn vẫn có đứa khỏe hơn ông. Anh này đã dùng cu "như cái chày vồ" của mình để đập (giã) vỡ cả quả bàng khiến bạn bè đứa nào cũng tròn xoe mắt kinh ngạc... 


NGUYỄN HỮU HỒNG MINH

(Còn nữa) 

https://www.facebook.com/share/p/vv7sr7fiFDxrttJm/?mibextid=qi2Omg

Góc khuất trong thời Nhân văn giai phẩm (LÂM BÍCH THỦY)

Góc khuất trong thời Nhân văn giai phẩm

LÂM BÍCH THỦY, con gái thi sĩ Yến Lan Lâm Thanh Lang

 

Từ nhiều ngày qua, trên mang tin ông này bị tù, ông kia bị bắt v.v…, khiến tôi nhớ và xót xa cho văn nghệ sĩ thời cha tôi. Thời mà người nào càng tài giỏi càng bị vùi dập, oan trái, như nhạc sĩ Văn Cao, Cụ Phan Khôi, nhà thơ Quang Dũng v.v… Tôi thương họ vì đã sinh bất phùng thời, họ đa tài nên bị gọi là bọn phản động, là “Nhân văn giai phẩm”:

Hôm nay là ngày sinh của cha. Tôi nhớ Ông thì những hình ảnh thời của ông lại hiện về nguyên vẹn:
Vấn đề “Nhân văn giai phẩm” giờ đây người ta có nhắc đến thì cũng chỉ như nói về sự ấu trĩ của một thời. Bây giờ hồ dễ quay trở lại; vì được nhìn nhận với lý lẽ: “…trước đây, do thiếu kinh nghiệm và năng lực, vô tình người lãnh đạo đã kìm hãm và tước đi chân giá trị đích thực của nghệ thuật, tư tưởng và sáng tạo trong giới văn hóa văn nghệ, đã khiến không ít nghệ sĩ bị oan trái…”.
Dạo qua trang web của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, đọc Lại Nguyên Ân tôi mới vỡ ra và biết thêm nhiều điều. Một trong những điều đó là cái vô lý của thời Nhân văn giai phẩm:
Anh Tạo kể – “Người thợ may đồ cho cụ Phan Khôi, cụ được chọn cùng với nhà thơ Tế Hanh sang Trung Quốc dự lễ kỹ niệm 100 ngày sinh của nhà văn Lỗ Tấn thì bị đi tù.”
Ôi! cái thời gì mà nghiệt ngã và vô lý đến thế? Không biết đó là chuyện có thật hay chỉ là tin đồn nhảm?! Mà chú Tế Hanh kể lại là cụ được chính phủ cử đi cùng thì làm sao mà là tin đồn nhảm được nhỉ?! Vì chú là người trong cuộc mà!…
Điều này làm tôi nhớ lại và hú hồn cho ba tôi, trong cái rủi cũng có cái may! May ở đây, là ông thợ may- vì may đồ cho người mà họ cho là “cầm đầu “bọn nhân văn giai phẩm” thì bị đi tù gần mười năm mới được thả, thì việc – một mình cha tôi dám vượt qua hàng trăm văn nghệ sĩ trên đất Bắc ngay thời khốc liệt nhất, để đưa linh cữu cụ Phan Khôi –người cầm đầu bọn phản động đến nơi an nghĩ cuối cùng vào cuối tháng 11 năm 1959, mà chỉ bị phiền hà ít nhiều trong cuộc sống, thì quả là đại hạnh cho cha tôi quá chừng!!!
Có lẽ điều này như nhà báo PK – thư ký Báo VNCA, khi an ủi tôi bằng sự so sánh, rằng “nói về sự thiệt thòi của ba chị thời NVGP thì ba chị chỉ là con tép”
– Được an ủi như vậy và khi xem các bài viết của ông Lại Nguyên Ân về cụ Phan Khôi, ông Nguyễn Hữu Đang, chú Văn Cao thì tôi thấy nhà báo PK nói không sai chút nào. Lúc bấy giờ, tôi chẳng hiểu vì sao mà cụ Phan Khôi từ một người được nể phục, bỗng chốc bị mọi người xa lánh và ghẻ lạnh…
Và, khi ba tôi xuất bản tập thơ “Những ngọn đèn” được chú Văn Cao viết lời tựa:
“Qua mấy bài mới đăng gần đây của Yến Lan có nhà văn kêu lên: “Đến cái người hiền lành như anh Yến Lan mà cũng làm thơ leo thang à?” Người ta không những ngạc nhiên về hình thức mà còn ngạc nhiên về sự thay đổi của Yến Lan trong nội dung. Trong sự chuyển biến chung của thơ ca hiện nay mong nhiều người góp sức vào để đẩy lùi một quá khứ nhạt nhẽo,…
Sự chuyển hướng thơ ca không phải là công việc xếp đặt hình thức theo bậc thang hay theo một hình kỷ hà mà là sự chuyển hướng về cách nghĩ, cách nhìn, cách gọi của nhà thơ. Đọc thơ của Yến Lan, tôi có cảm tưởng là lúc nào anh cũng bắt đầu. Một sự bắt đầu vào các luồng thơ khác nhau gần như không do dự. Chúng ta thường vui sướng đợi một sự đổi thay của nhau. Nhưng tôi rất lo cái thế lực của con người cũ trong chúng ta, với những ràng buộc tình cảm hèn yếu cứ có dịp là kéo chúng ta nghỉ lại cùng đánh võng với nó ở một độ đường có nhiều vấn đề khó khăn nhất.
Thưở ấy, nhà thơ Xuân Diệu đã phê phán: “Chữa giả tạo bằng cách quá đề cao cá tính siêu nhân của người Văn nghệ; bằng cách đem “tiếng sáo tiền kiếp” ra thổi giữa những bản đàn của thời đại mà mình cho là chán. Bằng cách phục hồi nguyên xi những ý tình cũ kỹ đã bị cách mạng thải ra. Chữa giả tạo trên hình thức bằng cách làm thơ leo thang hay xuống dốc, cắt nát câu thơ ra và xuống dòng nhiều quá sự cần thiết”
Chú Văn Cao không những bị phê phán trên văn đàn, còn khốn đốn trong hội họa; vì cái bao thuốc lá Tam Thanh. Người ta xì xào bàn tán:- Người Họa sĩ vẽ bao thuốc này ý muốn bi thảm hóa người vợ có chồng đang chiến đấu ngoài mặt trận. Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ-Ngụy đang ở giai đoạn quyết liệt nhất mà đem hình ảnh nàng Tô Thị trưng lên bao thuốc như thế, khác nào gợi cho người lính thấy sự tang tóc, đau thương, tuyệt vọng ở hậu phương; khác nào đánh vào tư tưởng chán nản, nhụt ý chí chiến đấu của người lính ngoài chiến trường…
Chính lúc đó, chúng tôi, học sinh nghe nói thế cũng cố căng mắt ra nhìn, để ép sao những suy luận trên là đúng:
- “rõ ràng Nàng Tô Thị Vọng Phu xõa tóc vật vờ như hồn ma-một hình ảnh tang tóc thê lương chứ có phải hình ảnh người phụ nữ bền bỉ chờ chồng đến hóa đá đâu! Và có cơ sở đấy chứ! Thật là phản động!”
Khi ấy tôi chưa ý thức để nhận biết việc này. Giờ nhắc lại cảm thấy tiêng tiếc cho hai phận đời lận đận, đơn độc trong cõi con người thời ấy; ba tôi và chú Văn Cao! Chú Văn Cao đã sống trong lo sợ, lúc nào cũng phải ý tứ, sợ tù tội đến còm nhom.
Mặt trận Văn hóa văn nghệ bấy giờ như những cơn sóng thần xô tới, dội vào trường, vào các cơ quan. Chỗ nào cũng có thể nghe xì xào, xỉa xói những người bị buộc tội phản động. Học sinh trường tôi, tuổi từ 11 đến 15, cũng tụm năm, tụm ba tranh cãi sôi nổi với những cái tên: Phan Khôi, Thụy An , Trần Dần, Lê Đạt, Văn Cao, …Ngược lại, thần tượng của học sinh, sinh viên là các nhà thơ Xuân Diệu, Tế Hanh, Chế Lan Viên. Đặt biệt là nhà thơ Tố Hữu.
Tuy chưa được gặp, nhưng chúng tôi luôn khắc ghi tâm Tố Hữu là nhà thơ thần tượng để chúng tôi ca ngợi, học tập, vươn tới. Thơ của chú, chúng tôi học thuộc lòng, gối đầu giường tựa như quyển sách “Thép đã tôi thế đấy” mà thanh niên thời ấy đã gối đầu.
Một hôm, được tin chú Tố Hữu sẽ về thăm Trường Học sinh Miền Nam số 6. Tin ấy đối với chúng tôi như rồng gặp mây. Từ 8h sáng, tất cả học sinh đã ngồi ở sân trường chờ đợi. Mắt thì đau đáu hướng ra cổng, từng phút hồi hộp được gặp thần tượng kính yêu nhất đời mình. Rất lâu sau, có tiếng reo to từ ngoài cổng “Chú Tố Hữu đến rồi!”. có nhiều giọng hỏi vang lên “đâu, chú đâu?” Tôi thấy từ trong chiếc xe con màu đen đi đầu, ba người chui từ xe ra. Hàng trăm giọng lại nhao nhao “Đâu, chú Tố Hữu là chú nào?”. Người đàn ông đi giữa, trong bộ đại cán kiểu Tôn Trung Sơn, màu xanh nước biển, đưa tay vỗ mạnh vào ngực, vẻ hãnh diện: “Đây, chú Tố Hữu là chú này đây”. Chúng tôi yêu cái cử chỉ đó của chú nhà thơ Cách mạng nên khoái chí cười vang.
Thơ của chú, chúng tôi thuộc nhiều lắm: Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Ta đi tới, Từ ấy, Việt Bắc… Nhà chú thì cao và rộng rãi, đầu nhà có cây táo nên chú đã viết: Tôi viết bài thơ chào xuân 1961/cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt… ” Đó là năm mà Miền Bắc đỉnh cao muôn trượng…”
Bấy giờ, tôi mới chỉ là cô học trò còi cọc, tuổi 13, học lớp 5; không biết ba tôi có tên trong danh sách “NVGP”. Chỉ nghe bạn n nói trước lớp “Họ gọi Lê Đạt, Trần Dần… bằng thằng thì chúng mình cũng sẽ gọi ba con Thủy bằng thằng”. Câu nói ấy cứ lởn vởn trong đầu; tôi lo sợ, không ngủ được, người ốm tong teo, trông như bà Hạn hán trong loạt phim hoạt hình của Liên Xô. Tôi bỗng lo sẽ có sự ghẻ lạnh như các chú đã đối xử với cụ Phan Khôi tại số nhà 73 Phố Thuốc Bắc –Hà Nội!
Hè, về nhà, tôi méc má. Bà giải trình là: “Má nghe nói có Nhóm phản động đã chọn một bài thơ của ba đăng lên tạp chí Nhân văn nào đó…” Rồi, an ủi “con đừng sợ, chú Nguyễn Văn Bổng đã đến gặp ba, bảo rút bài thơ về. Tôi nhớ rõ, lúc đó, má tôi nói chắc như đinh đóng cột “ba đã rút bài thơ ấy về rồi” nên rất yên tâm. Tôi có hỏi “Đó là bài thơ nào?”- “Má không biết, bài đó có câu “rán giáo điều làm mỡ gì gì ấy”. Tôi lại dồn “Thế nhân văn giai phẩm là gì” má tôi chỉ ầm ừ chứ có biết giải thích thế nào khi bà cũng chẳng hiểu vì sao những người bà thấy hàng ngày trước đây, sống và làm việc như nhau, bỗng dưng người ta bảo kẻ này là phản động để xa lánh họ.. !
Đến khi cầm tập thơ “Những ngọn đèn” (xuất bản năm 1957) ba vừa đem xuống Hải phòng cho. Dù không mặn mà với thơ, nhưng tôi đã lướt đến bài cuối, cố xem có câu thơ như má nói. Tôi thật sự bàng hoàng, câu “Lấy cả giáo điều ráng mỡ cho guồng máy nổ” trong bài “Tĩnh vật” vẫn còn trong tập thơ chứ ba đã rút về đâu. Tôi sợ hãi, dấu nhẹm dưới gối, không dám khoe. Vậy là ba không chịu rút về, mặc dù chú Bổng đã cảnh báo. Tôi không hiểu gì hết! Tại sao ba bướng đến thế? chắc là rầy rà lớn đây!???
Nhạc sĩ Văn Cao viết:
“Sự khác nhau trong Yến Lan là những nét mặt người cũ và mới. Người cũ thì chìm đi và người mới thì sôi nổi. Anh đã có một thái độ mới đối với cuộc sống. Đã có một tình yêu thương sự vật và con người thì không thể không có thái độ sống. Thơ anh bắt đầu biết đề cao những hành động, tình cảm của con người anh yêu lên để đã phá những bọn phá hoại sự xây dựng của xã hội. Cái yêu cái ghét đã rõ ràng thì những bài thơ cũng bắt đầu đổi. Người ta gặp thấy những câu thơ thật đột ngột sau một thời gian dài của Yến Lan.
Bởi họ thiếu
con tim
khối óc
Luôn động đậy
nhưng chỉ là tĩnh vật
Không ngờ, điều mà tôi day dứt “sao ông già không rút bài thơ về; được giải đáp vào ngày giỗ thứ 12 của ông, khi đọc bài viết của nhà văn Mang Viên Long:
“Tôi còn nhớ một lần đến thăm nhà thơ, được ông tâm sự về “Chuyện NVGP” đã làm “truân chuyên- điêu đứng” suốt đời ông (và gia đình):
“Đêm ấy, nhà văn Nguyên Văn Bổng đến gõ cửa gọi – gặp ông, NVB đã kêu lên: - Sao cậu lại “đi theo” đám Nhân Văn Giai Phẫm phản động ấy?.
- Ông điềm tĩnh – cười: – Tôi đi theo bao giờ?
- Vậy tại sao cậu đưa bài cho chúng?
-Ông thành thật kể: “Họ đến hỏi xin bài, tôi hẹn sẽ đưa, vì tất cả đều là chỗ anh em thân tình cả mà?.
- Cậu yêu cầu họ rút tên ra khỏi tờ báo ngay đi nếu không muốn “rầy rà” về sau!.
Thì ra, trong số báo của NVGP vừa xuất bản, có giới thiệu tên ông ở trang bìa – trong số báo sẽ in tiếp theo. Sau đó, lại có thêm vài ba người bạn văn gặp – cũng “trách cứ” như NVB. Nhưng tôi đã hứa rồi – không làm chuyện “rút tên” kỳ quặc ấy được
Nhắc đến giai đoạn “đi thực tế sáng tác” ở vùng sâu vùng xa của anh chị em văn nghệ sĩ sau vụ NVGP-Yến Lan đã cười buồn: “Đó là giai đoạn mở đầu cho cuộc đời lận đận của mình! Chỉ có sự khác nhau của 2 từ ghi trong giấy giớí thiệu về thôn xã “thực tế” là “đồng chí/ ông” cũng đủ khổ rồi! Nhưng, đến ngày nhà văn Phan Khôi mất – Yến Lan đã lặng lẽ đi sau linh cữu để tiễn đưa Người đến nơi an nghỉ cuối cùng, bất chấp mọi cặp mắt dòm ngó phê phán! Ông cười nhẹ “Nghĩa tử là nghĩa tận” cháu à!.
Nhà nghiên cứu văn học Khổng Đức đã kể cho tôi nghe:
“Sau ngày Miền Nam giải phóng, gặp Chế Lan Viên (ở Sài Gòn) chú hỏi thăm ba cháu (lúc đó còn ở lại Hà Nội). Nhắc tới ba cháu, Chế Lan Viên lắc đầu, tặc lưỡi vẻ thông cảm: “Trong cái nghiệp cầm bút, Yến Lan ít gặp may. Hồi ấy, Xuân Diệu không thích Văn Cao. Khi Văn Cao bị Diệu phê phán, mà Văn Cao lại viết lời tựa tập thơ “Những ngọn đèn” ca ngợi Yến Lan quá, ít nhiều Yến Lan cũng bị vạ theo”. Qua đó, tôi càng cảm phục nhân cách thi sĩ trong ba tôi: Ba thật dũng cảm và thủy chung!
Cuối năm 1978, Hội nhà văn Việt Nam có một sự thay đổi quan trọng về tổ chức Đảng Đoàn. Nhà văn Nguyên Ngọc, tác giả của tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” vừa từ chiến trường Liên Khu Năm ra, được bầu làm bí thư Đảng Đoàn của Hội Nhà Văn Việt Nam. Các thành viên khác trừ nhà thơ Chế Lan Viên và Nguyễn Đình Thi ra đều là những nhà văn trẻ từ chiến trường về. Sự thay đổi này đã ít nhiều làm nức lòng anh chị em giới văn nghệ.
Đại hội Đảng lần thứ VI kết thúc đem đến cho giới văn nghệ sĩ một niềm vui lớn “kiên quyết đổi mới, đổi mới cách suy nghĩ, đổi mới cơ chế tổ chức, đổi mới cách làm việc.” “Tuy chưa biết như thế nào nhưng vì hàng chục năm qua, giới văn nghệ sĩ chán lối sống và làm việc của Ban lãnh đạo cũ rồi. Vì thế ai ai cũng vui mừng chào đón tổ chức mới”
Một quyết định được hầu hết mọi người ủng hộ và tin tưởng sẽ làm được, mặc dù ai cũng biết việc này không dễ chút nào…
Ở lĩnh vực Văn học Nghệ thuật, việc đổi mới đầu tiên là bổ nhiệm ông Trần Độ làm Trưởng Ban Văn Hóa Văn Nghệ Trung Ương, Ông Nguyễn Văn Hạnh Phó Ban, nhà văn Nguyễn Khải Phó Tổng thư ký đặc trách việc chuẩn bị cho Đại hội nhà văn sắp tới.
Vấn đề này được Ban Văn hóa, Văn nghệ Trung Ương hết sức ủng hộ và tạo mọi điều kiện để cho tổ chức mới hoạt động thuận lợi. Song bước đầu, tuy gọi là đổi mới; “Nhưng, dẫu mới song người cầm bút chưa được thoát khỏi lối mòn đã có sẵn mà nhà thơ Tố Hữu, lúc bấy giờ là Ủy viên Bộ chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng, đã phát biểu tại buổi họp đầu tiên của Đảng Đoàn, như gáo nước lạnh dội vào đầu mọi người, làm cho các văn nghệ sĩ thấy mất hứng niềm vui vừa được nhen lên”
“À, lớn là thế nào hè! Thời đại là thế nào hè! Văn thì phải đi từng bước, phải có cây số một, cây số hai, rồi mới có cây số ba chứ! Thực tế của ta bây giờ là rất đẹp, có thể nói là tuyệt diệu. Tại sao các đồng chí ngại ghi chép hả, thậm chí sao chép cũng được chứ!” – Trích trong “Nhớ lai” tr 198 - Đào Xuân Qúy
Tôi cũng nhận ra ít hương thơm mật ngọt khi chú Văn Cao được lớp trẻ trọng vọng hâm mộ và đề cao trong thời kỳ đổi mới. Những gì xảy ra giữa chú Văn Cao và ba tôi, như được đan xen vào nhau; họa cùng chịu, vinh cùng hưởng, khiến các nhà báo trẻ rất đồng cảm và quan tâm…
Vâng, tất cả đó là khung cảnh của thời Nhân văn giai phẩm. Nó nhuộm đậm trong lòng tôi đến nay khó xóa mờ được./.

Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2024

Gối đậu (truyện cực ngắn ĐÀO ĐỨC TUẤN)

Gối đậu

(truyện cực ngắn ĐÀO ĐỨC TUẤN)


 

Thằng Hảo chủ tịch hội đồng quản trị công ty Con Rùa bị đau đầu kinh niên. Chạy chữa đủ trong ngoài nước. Thầy đông y nói nó rối loạn tiền đình.

Dòng họ tự hào nó là bậc kỳ tài. Nhà cha mẹ nó 4 lầu giữa xóm Vườn. Nhà chú bác cũng được nó cho quân tới xây lại khang trang. Đường ở xã do tay nó đổ nhựa, bê tông quá nửa.

Những cơn đau đầu của nó không dứt. Ngày càng nặng. Gia đình, vợ con lo lắng vái tứ phương. Thầy Bảy Hân phán “bị ngộ độc quyền lực”.

Chỉ có một món giúp nó nguôi cơn đau: Ra chiêu tranh bá. “Bất độc bất anh hùng” nó tâm đắc trong cơn say với đám đệ tử.

Bữa sơ kết công ty nửa năm. Thằng Mạnh phó tổng giám đốc say bốc, có nói át tiếng nó. Vậy là ngay khuya đó, nó biểu thơ ký soạn quyết định cho thằng Mạnh thôi việc. Chả cần họp hội đồng quản trị. Đêm đó, nó thấy đầu hơi dịu, ngủ được.

Bữa công ty nó đấu giá mua lô ô tô cũ, thua công ty Minh Hằng. Nó lệnh đàn em chặn đánh thằng Phong tổng Minh Hằng gãy 3 cái xương sườn. “Anh giúp êm em vụ thằng Phong. Hậu tạ”, nó nhắn một sếp lớn. Đêm đó, nó lại ngủ được.

Bữa hổm, thằng Long bỗng dưng chết lạ. Thì ra thằng này đang triển mua gom cổ phần, âm mưu lật chân chủ tịch hội đồng quản trị công ty Con Rùa.

Thằng Hảo vẫn không dứt những cơn đau.      

Có người bày kiếm 3 ký đậu đỏ dồi túi vải làm gối. Đi đâu nó cũng đem theo gối. Những cơn đau giảm dần. Bớt đi những tiếng ú ớ, la hét giữa khuya. 

Một hôm, thấy gối đã đen, bốc mùi, cô vợ lấy dao chọc. Rơi ra những hạt đen sì. Đậu đỏ đã như đậu đen. Bốc mùi nằng nặng, khăm khẳm. Bèn xổ trút ra góc sân. Đàn gà bu lại mổ lia. Thế là cả đám lăn đùng ra chết.

Trong giường. Chưa kịp thay gối đậu khác. Thằng Hảo nằm thoi thóp. Quằn quại. Tính la lên nhưng mất tiếng. Mặt tím vằn. Người co quắp. Đỏ như tôm luộc. Máu từ miệng và hai tai phun thành vòi.

Một giọng thơ mới

https://thanhnien.vn/mot-giong-tho-moi-me-tram-vang-tu-xu-do-ban-185240419093756642.htm

 

Một giọng thơ mới mẻ trầm vang từ xứ Đồ Bàn

 

Biên độ thơ Vân Phi luôn đi đến tận tường không gian, thời gian lịch sử cộng đồng, bản thể.

Mấy năm nay, giữa bộn bề thông tin mạng, tôi vẫn rải rác đọc thơ Vân Phi. Tôi biết anh làm thơ khá sớm, ý thức dấn thân nghệ thuật. Vân Phi (tên thật Nguyễn Văn Phi) sinh năm 1990, tại An Nhơn, Bình Định; nơi có thành Đồ Bàn và một chất văn hóa phồn vinh.


 

Tác giả Vân Phi

ĐÀO ĐỨC TUẤN

Năm 2020, Vân Phi ra mắt tập thơ đầu tay Ngày mắc cạn với tự sự của của một người trẻ trước bộn bề, dồn nén, ẩn ức của một thế giới đa chiều. Có một sớm loài người mắc cạn/ trên xác ngày ngỡ tươi tắm dưới bình minh/ họ đã trao nhau niềm tin bọc qua kẹo ngọt/ họ nâng niu về sự sống như biển cả bao dung/ ôm lấy những thân phận bé mọn/ họ bàn về tự do và minh triết của loài người (Ngày mắc cạn). Tập thơ báo hiệu một sự bùng vỡ của tiếng thơ Vân Phi từ xứ sở "Bàn thành tứ hữu".


Qua năm 2024, tôi ngỡ ngàng khi cầm tập thơ thứ hai của Vân Phi, Gốm lưu lạc. Ngỡ ngàng vì lần này Vân Phi đã làm một cuộc vượt thoát, vượt thoát để đi tìm lại căn nguyên của bản lịch sử cá nhân mình, dân tộc mình bằng một cảm thức đương đại.
Một giọng thơ mới mẻ trầm vang từ xứ Đồ Bàn- Ảnh 2.

Tập thơ 'Gốm lưu lạc' của Vân Phi

ĐÀO ĐỨC TUẤN

Một cuộc lữ hành thơ mang chiều kích Vân Phi.

Tháng mười hai se sẽ

sen nở nghịch mùa

ngấn nước thẫm xanh vết bùn cuống rạ

Mùa nổi nênh

lòng ai thành lập thể

cỏ ngụ dưới sân chùa đếm nhịp trần ai

(Giấc cổ tự)

Một cuộc hồi hương thơ truy tìm gốc gác.

Con hồi hương tìm miền đất mẹ

trốn những tai ương chẳng rõ hình hài

trên tay con, ngủ ngon ba nhé

làng mình gần lắm, phía đồi kia

(…)

Ngủ ngon ba nhé

nén nhang thơm lá cỏ

trên bước chân con về làng cũ

thấy những dấu chân ba từ thơ ấu mọc lên lặng lẽ

(Trên từng bước chân mê)

Hòa nhịp đập linh hồn lưu đày trên từng vân gốm Đồ Bàn. Lưu lạc muôn phương. Lưu lạc ngay dưới mái nhà mình. Lưu dấu sử thi.

đêm đêm nghe lửa áp vào thớ đất

người rượu say ê a câu hát

người kể chuyện gánh nước Côn giang

người thủ thỉ chuyện vua Chế Mân đánh đuổi Nguyên Mông

ơi hỡi anh hùng sao si tình quá đỗi

chén rượu Huyền Trân biệt bãi nghìn trùng

(Gốm lưu lạc)

Vẫn rất nhiều hoài nghi trên đường chàng thơ Vân Phi. Mà cuộc hoài hương nào không đắng nỗi hoài nghi. Để đi tới.

Trên bước chân con về làng cũ

từng dòng người hồi hương

từng chiếc bóng rịn rát con đường

đâu niềm nghi ngại

đâu đợi đâu mong?

(Trên từng bước chân mê)

Biên độ thơ Vân Phi luôn đi đến tận tường không gian, thời gian lịch sử cộng đồng, bản thể. Một giọng thơ mới mẻ trầm vang từ Đồ Bàn Bình Định, miền đất võ trời văn.

PHAM DUY hầu kí

  "HỌC NHƯ THỂ CHẲNG DÀI LÂU... " (Đọc Hồi ký Phạm Duy 2)    Tôi chưa định viết những dòng dưới đây trong vài bài ghi chép khi đọc...