Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

ok Đồng Chuông Tử

Đồng Chuông Tử- Dòng chảy từ văn trẻ Chăm

Nhà thơ trẻ Đồng Chuông Tử


Thơ Việt hôm nay:

Dòng chảy từ các tác giả trẻ Chăm

ĐỒNG CHUÔNG TỬ

NVTPHCM- Nhắc đến Chăm, người ta thường nhớ ngay đến những ngọn tháp Chàm mọc lên đỏ rực, huyền thánh trên những quả đồi tươi xanh, lộng gió xuyên suốt miền Trung và Tây Nguyên hàng bao thế kỷ nay.

Nhắc đến Chăm, người ta cũng nhớ ngay đến những công trình nghiên cứu về lịch sử, kiến trúc, điêu khắc, những công trình về văn hoá Chăm, lễ hội dân gian, âm nhạc truyền thống,… của các nhà nghiên cứu tên tuổi trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Nhắc đến Chăm, người ta cũng nhớ ngay đến một dân tộc đã trải qua một thời kỳ lịch sử đầy biến động, lúc rực rỡ hưng thịnh, khi suy vi cực kỳ. Nay dân tộc đó đang sinh sống hoà bình, mến khách trên dải đất hình chữ S hùng vĩ, thơ mộng cùng cộng đồng 54 dân tộc anh em

Và nhắc đến Chăm, những thế hệ người yêu thơ Việt, hẳn cũng còn nhớ đến tập thơ Điêu tàn của thi sĩ Chế Lan Viên, vào những thập niên đầu thế kỷ XX, thiên niên kỷ trước.

Và phải chăng chỉ có vậy? Phải chăng một dân tộc với nền văn minh chữ viết xuất hiện sớm vào loại tốp đầu khu vực Đông Nam Á, mà nền văn chương chẳng giới nào thèm đếm xỉa đến? Phải chăng lời tuyên bố của Paul Mus, nhà dân tộc học nổi tiếng thế giới người Pháp, giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX là sự thật? Ông ấy tuyên bố rằng: “Văn học Chăm chỉ có thể tóm gọn trong 20 trang giấy”, mà thôi.

Phải chăng Chăm là một dân tộc lại tiếp tục nghèo nàn về suy tư văn học đến vậy? Với vỏ bọc ngôn ngữ mới là tiếng Việt, tâm hồn Chăm bỗng bị mắc kẹt, tự ti bởi rào cản ấy trong sinh hoạt đời thường, tư duy và sáng tạo nghệ thuật như nhiều người khác tộc nào đó từng nói từng nghĩ ư?

Dân tộc Chăm đã mất mát nhiều, điều đó ai cũng biết. Những học giả, nhà nghiên cứu tùy lĩnh vực chuyên môn của mình, đã công bố nhiều công trình liên quan đến dân tộc ấy. Họ trở nên có danh tiếng lớn. Công sức họ bỏ ra, thành quả họ được nhận lại tương xứng. Nhưng thử hỏi, ai dám dũng cảm đến khờ khạo bỏ cả đời mình đi nghiên cứu một dân tộc, mà biết trước dân tộc đó chẳng có hấp lực gì, sự xúc động nào đáng kể.

Và Chăm là một dân tộc hội tụ đầy đủ những điều đáng kể. Di sản hôm qua, đời sống cộng đồng xen cư, cộng cư hôm nay, đều là những đối tượng đáng để thể hiện. Không chỉ trong những công trình khoa học chuyên nghành, có lúc khô khan, đơn điệu, mà loại hình thơ ca, cô đọng, dễ nhớ dễ thuộc cũng phải can dự vào. Không phải can dự cho có, mà can dự như những bông hoa đẹp, ai ngắm cũng trầm trồ, trong vườn hoa đa sắc đa thanh ấy.

Những cái tên như Inrasara, Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên, Jalau Anưk, Chế Mỹ Lan, Bá Minh Trí, Thông Minh Diễm,… đã lần lượt xuất hiện. Mặc dù xuất hiện với tâm thế khác, ngôn ngữ khác nhưng họ rặt tâm hồn Chăm, thấm đẫm tinh thần minh triết Chăm.

Lời tuyên bố của Paul Mus ngày xưa, theo thời gian đã mất hoàn toàn giá trị. Công trình Văn học chăm, khái luận - văn tuyển của Inrasara ra đời năm 1994 đã vô tình hay cố ý xô ngã thảm hại lời tuyên bố có phần vội vã ấy.

Và với những tập thơ đã ấn hành vài năm trở lại đây của các tác giả trẻ Chăm, cũng đã phần nào chấm dứt tình trạng thương vay khóc mướn.

Từng ngóc ngách của đời sống, nơi họ đến, đi, trở về, được họ quến lại cảm xúc mình. Đặc sệt nồng độ, tươi rói hình ảnh, ngôn ngữ.

Ở nơi xó xỉnh nào đó, họ ở lại, dịu dàng tiếp biến ngữ cảnh hay cô đơn miệt mài định phận. Chẳng hề hấn gì, họ vẫn say sưa thắp sáng ngọn lửa thơ ca, ôm mang nó phiền muộn nhiệt tình trên mọi nẻo lãng du.

Chẳng hạn, khi đang trên đường từ Hà Nội thấm tràn cơn lạnh xuôi về phương Nam nắng gió rát rạt, nghe tin nước Nhật bị động đất sóng thần tàn phá, Đồng Chuông Tử đã bật chốt cửa lòng mặc những câu thơ trào ra cuồn cuộn, nghẹn ngào bên dòng Thu Bồn ở Hội An.

Có những lúc con rũ rượi một mình phía sau câu thơ vừa ngã rạp

ngôn ngữ nhỏ bé, hữu hạn, lạc lõng trợ duyên thâm trầm

tụ trên cánh đồng nắng như hạt muối buồn

Có những lúc con phụt khóc một mình phía trước màn hình

tin tức ngắn củn

xót tinh thể bụi

Mặt trời chợt lặn trên đất nước hằng mọc ánh sáng

Japan,11.3, cháy bùng ngọn sóng vỡ vạc bí bầu

trỗi thức lở lói

Japan, 11.3 thế giới nhận diện âm thanh gãy

đổ lênh láng mặt đất

Trang kế sẽ là thành phố trùm chăn ngủ

và gặt hái tâm hồn nhân loại ăn năn

Thượng Đế, cha vừa dựng lên xơ xác nỗi đục.

Yêu thương, quãng đại có là hư cấu?

Bài thơ này nằm trong tập thơ Nội dung của cơn mưa, tập thơ thứ ba sắp ra mắt của Đồng Chuông Tử.

Hay như Tuệ Nguyên phiêu lãng bốn mùa, thoắt Bắc thoắt Nam, thoắt miền Trung bão lũ thoắt Tây Nguyên xanh tươi, khí hậu mát mẻ. Anh có lần tâm sự là “đi để sống và tìm cảm giác sống”, còn trẻ không có nghĩa là vốn ít , thiếu năng lượng để nạp cho suy tư của mình. Trong bài thơ Như một nghịch lý”, Tuệ Nguyên viết rằng: “Khi họ thấy tôi ngước mắt nhìn họ ngờ nghệch - họ đưa ánh mắt về phía tôi, như trấn an ngầm: Đối diện với sự thật như thế sẽ làm cho anh chẳng dễ chịu đâu!” Với tập thơ mới nhất sắp xuất bản có tên gọi Mi và ngôn lời, nhà văn Nguyễn Đình Chính viết tựa rằng: “Thơ Tuệ Nguyên là những gam màu của lửa. Ai chưa hiểu, sẽ rất khó mà đồng cảm ngay được”.

Còn với Chế Mỹ Lan, nhà thơ nữ sinh năm 1975, hiện định cư ở Hoa Kỳ, trong tập thơ Em và màu mây qua tháp do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành năm 2008, thì thơ là những hoài niệm về xứ sở xa xôi, nhớ thương quá khứ dịu vợi, nhớ cả những màu mây ngũ sắc bất giác trôi qua đỉnh tháp quê mình. Chế Mỹ Lan viết rằng:

Màu mây trắng hay màu của nỗi nhớ

Tháp miệt mài đánh bạn với thời gian

Rừng không còn hoang, người vẫn biệt mù

Tháp đứng mãi cho đến ngày tận thế!

Một tác giả khác cùng sinh năm 1975 với Chế Mỹ Lan, là Jalau Anưk, anh là con trai đầu của thi sĩ quá cố Jalau, được độc giả biết đến với bài thơ Hạt sương của tôi, tham dự ở nhiều tuyển tập thơ cả nước. Bút danh Jalau Anưk là phiên âm la tinh từ tiếng Chăm, tiếng Việt có nghĩa là “Con của Jalau”. Anh là giáo viên tiếng Anh ở TP. HCM, thành viên biên tập đặc san Tagalau, tuyển tập sáng tác- sưu tầm- nghiên cứu Chăm do Inrasara sáng lập và chủ biên. Thơ Jalau Anưk, theo Inrasara nhận xét là “ngồn ngộn hiện thực, có không khí hậu hiện đại, nhưng vẫn nồng đậm bản sắc Chăm”. Trong bài thơ Dưới vòm trời là những mái nhà, anh viết:

…Đi đi em!

phía bên kia nông hoèn hoẽn sông quê là ùn ùn sóng bể

sau hoang hoải đêm dài là rực phố đông vui

phố cũng thích Xaranai

phố cũng say đắm lòng tháp cổ

phố cũng rộn ràng với Ginơng

phố cũng trải lòng với điệu múa Apsara

phố cũng hiểu Ariya

phố cũng sụt sùi nghe dalikal bà kể…

Với Bá Minh Trí, tác giả sinh năm 1979 tại Ninh Thuận từng đoạt giải thưởng thơ Bút Mới lần thứ 5 năm 2005, do báo Tuổi Trẻ tổ chức. Hiện anh là giám đốc Công Ty TNHH Bình Minh, chuyên doanh về các mặt hàng nông sản tại Phan Rang. Anh tâm sự: “Làm doanh nhân là trách nhiệm với vợ con, còn làm thơ là trách nhiệm của mình với cộng đồng”. Trong bài thơ Triết lý lá vàng anh viết:

Cái cười ngoảnh lại và rớt quanh làng

Người đi

Câu hát dở dang, điệu bwei hrung* lỡ nhịp

Xalam xalam

Từ bạt ngàn đồi núi

Từ hanh hao gió nổi

Bàn chân trần vất vả tuổi thơ

Trôi dạt

Núi có trơ và sông có bạt

Em quên bẵng và plei lạ lẫm

Vẫn mong một ngày về

Tạ ơn

Cái cười ngoảnh lại và rớt quanh làng

Không lời tụng ca rình rangcủa thầy paxeh

buồn vui bớ láng giềng

sao người còn múa hát

mai trở về

chắc vàng như lá cây

rơi

khi đã nhiệt tình xanh lặng lẽ.

Riêng Thông Minh Diễm, bút danh khác Diễm Sơn, tác giả sinh năm 1978 tại Bình Thuận. Học hết cấp ba, gia đình khó khăn, không có điều kiện học lên, anh thường trú quê nhà, tự học tiếng Chăm, mày mò nghiên cứu văn hóa mẹ đẻ, báo chí đăng rải rác ở tạp chí Dân tộc, Dân tộc và phát triển... Thơ anh chủ yếu xuất hiện ở đặc san Tagalau. Thơ anh không nhiều, nhưng bài nào cũng đặc sắc, tinh tế. Trong bài thơ Người xóm cũ, anh viết:

Người đàn bà đi ngược triền dốc

tay bưng li-i bám đầy bụi

bình thản người đàn bà cúi nhặt

phần thừa lại phân trâu sót khô

lấm lem đếm tuổi theo thời vụ

vừa lội qua một nhánh sông có bãi đá

lau lách mỗi ngày đời…

Xưa kia nơi đây có một con suối

urangcòn nghe ia ru

đó là tiếng thì thào của dòng nước…!

Người đàn bà khải ngộ

giữa bãi trắng lầm bầm lang kar

gỡ chiếc khăn mư-thâm

che dung nhan

che tì vết

ngồi nhớ

hồi dara

Nhưng cánh cửa đền Ppo Dhat lúc nào cũng đóng

lỗi hẹn một mùaCabbur

cũng chưa thấy một nhà trùng tu nào ghé tới thăm

người đàn bà có một con đường quanh queo

bàn chân vu vơ hoài mơ thiên sứ

chị gái Apsara bay đi tự lúc nào?!

Nhìn thấy người đàn bà Xóm Cũ

đứng buồn.

Những gương mặt thơ trẻ Chăm vừa phác họa ở trên, chỉ là những dòng định danh lược thuật ngắn củn, chắc chắn còn thiếu sót. Dân tộc Chăm là dân tộc yêu văn chương. Tâm hồn Chăm là tâm hồn đầy trần nghệ sĩ tính. Một vài cái tên được nêu lên, chắc chắn không thấm tháp vào đâu. Nhưng họ, những cái tên vừa điểm danh ấy, cũng kịp tạo ra một diện mạo thơ, một dòng chảy lạ đậm đà bản sắc. Ô hay, với người làm công việc sáng tạo nói chung, đấy cũng là một sự tìm kiếm có khi vời vợi, nhọc nhoài.

Không những thế, với một tâm thế mới, cảm và nghĩ mới, họ đã thực sự kéo dài nền văn chương Chăm ra. Đồng thời hãnh tiến đóng góp vào nền văn chương Việt Nam, những câu thơ, những bài thơ, những tác phẩm thơ không trộn lẫn với ai.

(theo nhavantphcm.com)


Thứ Hai, 9 tháng 5, 2011

hồi nhỏ tôi đọc...

Trần Hoài Dương về Miền xanh thẳm

09.5.2011-01:10

>> Vĩnh biệt nhà văn Trần Hoài Dương

>> Người biên tập ấy...

NHÀ VĂN TRẦN HOÀI DƯƠNG

về… Miền xanh thẳm

TRẦN NHÃ THỤY

NVTPHCM- “Nhà văn Trần Hoài Dương đã mất”… anh Nguyễn Thế Truật (phó giám đốc NXB Trẻ) nhắn tin cho tôi vào trưa ngày 8.5, và sau đó là tin nhắn, điện thoại của nhiều người khác. Thật không thể tin được, mới buổi sáng, khi ngồi ở quán cà phê Cheery (góc đường Phùng Khắc Khoan-Nguyễn Văn Thủ, quận 1) tôi đã lấy điện thoại ra, vài lần định bấm gọi mời nhà văn Trần Hoài Dương ra cà phê. Nhưng nhìn đồng hồ đã hơn 8 giờ, nghĩ chắc ông đang ngồi ở một góc phố nào đó, nên tôi không gọi nữa. Thế mà…

Nhớ mùa Giáng sinh năm trước, khi tôi bước vào quán Cheery thì thấy nhà văn Trần Hoài Dương đã ngồi ở đó. Một tách cà phê đen, bao thuốc lá, mắt dõi vào lòng phố trầm tư… Có lẽ đó là cách mà Trần Hoài Dương chào đón những buổi sáng phố phường. Ông thích những góc phố sạch sẽ, bình yên; những chỗ ngồi để có thể nhìn ra phố. Lại nhớ, một buổi sáng ở cà phê Bông giấy (đường Trần Quốc Thảo, Q3), lần đầu tiên chúng tôi chính thức làm quen với nhau. Lần đó, nhà văn Trần Hoài Dương đã tặng tôi một tập sách với lời đề tặng: “Quý mến tặng Anh Trần Nhã Thụy. Tôi đã đọc anh nhiều nhưng hôm nay mới có cơ duyên được gặp. Mong được thân với nhau mãi”…

“Mong được thân với nhau mãi”… Những dòng chữ này khiến cho tôi cảm kích, và nay giở lại thì xúc động vô cùng. Nhắc lại, tôi hoàn toàn không có ý “khoe”, mà để hồi nhớ một tình cảm thật nồng hậu mà một nhà văn tiền bối dành cho kẻ hậu sinh. Sau này, khi đã thân với nhau, nhà văn Trần Hoài Dương vẫn gọi tôi là “Anh”, làm tôi không được thoải mái lắm, cho nên tôi vẫn xưng “chú cháu” với ông cho thân mật. Dẫu thân tình vẫn giữ sự trân trọng, cũng là một đặc điểm tính cách của nhà văn Trần Hoài Dương.

Như nhiều người biết, trong nhiều năm nay, nhà văn Trần Hoài Dương sống một mình trong ngôi nhà ở hẻm đường Thích Quảng Đức. Người con duy nhất của ông là nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh thì sống ở Anh (làm việc cho BBC) Trước khi chuẩn bị lên máy bay về Việt Nam để tang bố, Trần Lê Quỳnh đã kịp viết một comment trên một trang web: Từ hôm qua thứ Bảy Quỳnh gọi điện cho bố nhiều lần không được. Lúc ấy Quỳnh nghĩ là bố ngủ. Đến sáng nay Chủ nhật giờ VN, Quỳnh gọi lại nhiều lần cũng không được. Khi ấy Quỳnh mới gọi cho mẹ của Quỳnh. Vì mẹ Quỳnh đang ở Hóc Môn, nên mới nhờ hai cô và cậu bên ngoại sống ở quận 2 gần hơn đến nhà bố. Khi đến nhà thì thấy cửa bên trong khóa. Hai cô cậu hỏi chuyện hàng xóm và sau đó mọi người quyết định phá cửa để vào, thì phát hiện bố đã đi”. Theo người nhà Trần Hoài Dương cho biết thì pháp y kết luận là nhà văn Trần Hoài Dương mất do nhồi máu cơ tim, thời gian tử vong vào khoảng 20 giờ ngày 6.5.2011.

“Trần Hoài Dương cả đời viết cho thiếu nhi” đó là nhận định của nhiều người. Nhưng theo nhà văn Trần Đức Tiến (cũng là một nhà văn có nhiều tác phẩm hay viết về đề tài trẻ con) thì chính Trần Hoài Dương lại thừa nhận mình không chỉ viết cho thiếu nhi. Ông có ý thức viết cho cả người lớn đọc.

“Có lẽ chỉ có một người duy nhất không thừa nhận Trần Hoài Dương là nhà văn viết cho thiếu nhi. Người ấy lại chính là… ông - Trần Hoài Dương, tác giả của những Cuộc phiêu lưu của những con chữ, Bên ngoài mái trường, Những ngôi sao trong mưa, Cô bé mảnh khảnh, Miền xanh thẳm…

Một lần đến thăm ông, chỉ có hai anh em ngồi nói chuyện, đến một đoạn bỗng nhiên ông hỏi dồn: “Ông bảo mình viết cái này mà là dành cho thiếu nhi à, cái này mà là dành cho thiếu nhi à? Lại còn cái này, cái này nữa? Không, mình không phải là nhà văn viết cho thiếu nhi”. Tôi ngẫm lại và thấy ít nhiều ông có lý. Đời văn của ông, bên cạnh những trang tuyệt vời ngây thơ trong sáng, còn có không ít những trang mặc dù vẫn kể chuyện những cô bé những cậu bé, những hoàng tử những công chúa, những bông hoa những chiếc lá, những con vật nuôi hay lũ côn trùng tí xíu… nhưng không hề trẻ con chút nào. Những trang ấy người lớn đọc và thấm thía.

Trần Hoài Dương là người cực đoan. Cực đoan trong cách nhìn nhận mình. Cực đoan trong nghệ thuật. Một bức minh họa đẹp vẽ chú sâu cuộn mình êm ấm trong chiếc lá được ông nâng niu gìn giữ trong nhiều năm, thỉnh thoảng lại giở ra khoe bạn bè rưng rưng cảm động, nhưng một câu văn dở có thể khiến ông sổ toẹt cả một cuốn sách, thậm chí một tác giả. Nhưng thái độ cực đoan đáng kính trọng nhất ở ông, đó là sự khinh bỉ sâu sắc những thói tật xấu xa, bẩn thỉu ở con người.

Đó là những dòng mà nhà văn Trần Đức Tiến viết về Trần Hoài Dương ngay sau khi nghe tin ông mất.

Rồi đây, chắc chắn sẽ còn nhiều người viết về Trần Hoài Dương, một nhân cách, một văn tài lặng lẽ. Một con người đã sống để đi tìm, phục dựng lại cái đẹp, cái thiện. Hành trình đó bền bỉ cho mãi đến lúc ra đi.

(nhavantphcm.com)

Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

đinh ninh thơ

Đinh Lăng lầm lỡ và hối tiếc

Nhà thơ Đinh Lăng

Mái nhà xưa
Ở nơi đây
hoa cỏ cũng buồn vui
Cũng ngọt ngào nỗi nhớ mong khắc khoải
Khi một chiều ta cuống cuồng về lại
Lặng thầm ngồi bên bức tường rêu
Tìm lại dấu chân của năm tháng cũ
Vết xưa vẫn còn
nhắc ta một thời lam lũ …
Làm sao có thể quên
Cây khế vườn nhà nở nụ hoa đầu tiên
Và vị ngọt, vị chua thuở ấy
Đọng lại trong lòng nỗi nhớ hồn nhiên.
Mái nhà xưa thần tiên
Những đêm đông gió lùa qua vách đất
ru ta vào giấc mơ.
Ta xa nơi đây khi tóc còn xanh lắm.
Giàn thiên lý thơm hương trong đêm.
Những con cua, con cá rô và mùi bùn thôn dã
vị ngọt không có nơi nào bằng
Có buổi chiều chan chén canh phố thị
nghẹn nhớ mùi quê hương!
Ở nơi đây
Những vạch than trên nền gạch cũ
Những lằn roi trưa hè và cánh diều bay tận trời cao
Hơi thở đồng quê như mới hôm nào
Nuôi ta lớn trong lặng thầm, thổn thức.
Thời mở đất
Với quê hương...
Xin cám ơn tiền nhân một thời mở đất
Tiếng ngựa hí, quân reo vang vọng đến bây giờ
Những hào kiệt ra đi từ chân đất
Vung giáo san thành, múa kiếm đề thơ…
Bao nỗi gian truân một thời mở đất
Khát vọng ấm no dồn những bước chân
Luỹ cao, hào sâu đạp bằng chướng ngại
Nào có sá chi danh vọng với công thần
Bia đá sử xanh nghìn thu lồng lộng
Yên ngựa, câu thơ vạn thuở chẳng mờ
Bao máu xương hoà cùng sông núi
Ươm mầm xanh và những ước mơ
Mở trang sách xưa uống nước nguồn huyền thoại
Ta lớn lên cùng năm tháng yên bình
Mắt trẻ thơ trong veo như hạt ngọc
Đã qua rồi khói lửa chiến chinh…!
Ta muốn đọc câu thơ trên đỉnh cao mây phủ
Muốn tắm mình giữa dòng nước Văn Phong
Thăm mộ người xưa mà nôn nao giấc ngủ
Đêm nghe sóng vỗ bờ, thao thức với dòng sông
Ta đi qua những phố thị đồng xanh
Thầm gọi Phú Yên, Tuy Hoà, Đà Rằng, Đà Diễn…
Những tên núi tên sông, rừng vàng bạc biển
Là khát khao hoà bình, nhân hậu, thuỷ chung.
Ta lớn lên nhờ nước những dòng sông
Nhờ phù sa những cánh đồng màu mỡ
Hơi thở sinh tồn là điệu bài chòi chắt lọc từ buồn vui gian khổ
Giọt máu hồng ấm mãi tình thương
Ta lớn lên trên mảnh đất ngàn năm
Đêm mất ngủ vì một tiếng đàn âm vang lời của núi
Chóp Chài, Đá Bia, Núi Sầm… gió thổi
Một thuở đã xa vọng mãi đến bây giờ.
Một thuở hào hùng cho ta ước mơ
Để biết yêu thương và mỉm cười trong cay đắng
Những dấu chân đi qua viết nên bài ca cuộc sống
Cho ta biết yêu thương ngày mới bắt đầu!
Có những giấc mơ
Có những ước mơ
Mang hình trái tim chứa dòng máu nóng
Gió rét căm căm, chiều đông lạnh cóng
Vẫn nồng nàn hơi ấm tình yêu
Có những ước mơ
Bay cao, bay xa như những cánh diều
Dù sợi dây mỏng manh căng giữa bầu trời
Xem thử tình người dài ngắn bao nhiêu
Có những ước mơ
Đi hết cuộc đời, đi khắp phương trời
Dù nước mắt
nhiều đêm thấm từng trang sách nhỏ
Vẫn an ủi mình - Cuộc sống mến yêu!
Có những ước mơ
Không dám ngỏ cùng ai
Ôm ấp trong lòng như giấu màu tóc bạc
Năm tháng đi qua – núi đồi, sa mạc
Mơ dấu chân người giữa chốn hồng hoang…
Có những ước mơ bay bổng đại ngàn
Thắp lên từ những căn phòng rất chật
Rạng rỡ nụ cười
Thách thức thời gian…!
Đêm ở Hội quán PySa
Gởi Hoàng Thành Nhơn
Đêm ở hội quán PySa
Một khúc sông Ba trôi trên giàn thiên lý
Đôi mắt Phú Yên
thăm thẳm trời xa
vòng tay thương nhớ quê nhà!
Ly café đen
Bên bức tranh thiếu nữ
Đôi mắt ngút ngàn biển khơi
Phố của người, khói thuốc cay cay
Thèm nắm lấy một bàn tay.
Còn nhớ không em bậu
Đêm ở hội quán PySa
Nẫu dìa xứ nẫu
Đá Bia mây phủ chiều chiều
Tiếng chim gọi bạn, qua đèo xốn xang...
Nếu thời gian không trôi qua
Điều gì sẽ xảy ra
Nếu thời gian không trôi qua?
Những chàng trai sẽ trở nên lười biếng
Vì sinh khí tràn trề trên cơ thể đôi mươi
Những cô gái sẽ chẳng cần trang điểm
Bởi ai cũng tươi xinh như thế đến trọn đời
Thế giới sẽ mãi mãi có sáu tỷ người
Để những em bé khát khao thành người lớn
Những đôi lứa yêu nhau trong giận hờn…
Những cụ già sẽ buồn với nỗi cô đơn
Và những kỳ quan không trở thành phế tích !
Sẽ còn lại những lâu đài trên cát
Sẽ chỉ là những hang động hoang vu
Những ý tưởng không trở thành hiện thực
Những khuyết điểm không có thời gian khắc phục
Thế gian sẽ vắng đi những ngày tất bật
Loài người sẽ không biết thế nào là hạnh phúc.
Nhưng mà thời gian cứ trôi qua
trôi về vô tận
Để mỗi người biết sống trong hy vọng
Biết yêu thương và biết cả thứ tha
Sẽ thật buồn… nếu thời gian không trôi qua !
Thơ viết lúc nửa đêm
Sẽ có lúc ta gục đầu lên vầng trăng khóc như đứa trẻ
để biết vị mặn của cuộc đời truân chuyên
Sẽ có lúc ta ngồi và đếm tuổi
để biết chôn những tị hiềm vào giấc ngủ lãng quên.
Sẽ có lúc ta ngồi nhìn vào bóng đêm
để tìm ánh sáng…
Như ngọn gió hoang ta dong ruổi trên đường
Ta lầm lỡ và ta hối tiếc
Những lúc như thế ta muốn trở về bên em
Nghe mùi thơm của tóc, nghe hơi ấm bàn tay
Nghe những dỗi hờn, nghe những đắng cay
Nghe trái tim nói lời chân thật
Nghe những niềm đau hằn sâu khóe mắt…!
Như con sóng ngoài khơi ta miệt mài, tất bật
Nhưng chuyện cuộc đời có ý nghĩa gì đâu
Những lúc như thế ta muốn trở về căn nhà bé nhỏ
nuôi ước mơ rất đỗi bình thường
Để nghe nụ cười ngây thơ, giọng nói bi bô
và gương mặt thiên thần dạy ta phục thiện!
Rồi có lúc nửa đêm ta thức dậy
Nghe mênh mông yên lặng lạ thường
Chợt hiểu ra rằng thân phận là hữu hạn
Giữa vô cùng ánh mắt yêu thương
Mùa xuân cho con
Khi những tiếng chim véo von
Buổi sáng bắt đầu
Mùa xuân của con là màu áo mới
Mùa xuân của ba là những ngày cặm cụi
Cày trên cánh đồng, chữ nghĩa rối beng!
Khi tiếng côn trùng nỉ non
Một ngày sắp hết
Mùa xuân của con bên trang sách Đôrêmon
Mùa xuân của mẹ là mồ hôi thấm trán…
Mãn nguyện nụ cười, khi con lớn khôn hơn!
Ngày lại ngày, lạng lách giữa bon chen
Đưa con đến trường trên con đường quen thuộc
Áo con trắng như trang vở thơm tinh khiết
Gương mặt con rạng rỡ… thiên thần
Ôi tuổi thơ, con làm sao hiểu những nếp nhăn!
Mùa xuân cho con - mơ ước tươi xanh
Là tất cả không thể nào so sánh
Những giọt mồ hôi, biển đời mặn đắng
Cho con ngọt ngào, mùa xuân long lanh!
Sớm mai thức dậy
Tặng một người…
Dòng sông đó rồi sẽ về thôi em
Đừng lật lại những trang sách cũ
Kỷ niệm ùa về - Một chiếc lá khô
Đêm qua ta đã mơ một giấc mơ khó hiểu
Tỉnh ra chẳng nhớ điều gì
Chỉ có giọt buồn đọng lại ở bờ mi
Dòng sông cũ, em vẫn chờ đấy chứ
Như chờ chuông điện thoại mỗi ngày
Để nghe lời hôm qua giữa hôm nay
Có một bàn tay cũng biết buồn, biết khóc
Biết nhớ nhà khi mở một phong thư
Và bàn tay này, anh nắm lấy, hình như…
Trong mắt em có đến nhiều bối rối
Có ai biết được điều này
Giữa im lặng, mơ hồ giọng nói.
Đêm sẽ qua và sáng mai thức dậy
Ngỡ ngàng một vầng trăng trôi
Còn lại bàn tay ấm áp tình người …

Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2011

đi chơi thơ

TRẦN HỮU DŨNG phiêu du ở Phú Yên

Đôi mắt núi Sầm

Gió Phú Yên rát mặt

Chim yến không về làm tổ

Đôi mắt núi Sầm buồn vời vợi.

Ở chùa Đá Trắng

Trăng sáng mơ màng

Giật mình nghe tiếng kèn thúc quân, tiếng ngựa hí vang

Sáng ra hoa trắng rụng khắp sân chùa Đá Trắng.

Đầm Ô Loan

Lặng im nhìn

Mặt nước đầm Ô Loan phản chiếu

Hiển hiện gương mặt em mỉm cười!.

Trần Hữu Dũng và Phan Hoàng ở đầm Ô Loan- Phú Yên

Mũi Điện

Mũi Điện bừng tỉnh giấc

Đón mặt trời đến sớm

Nhiều lần anh định hái

Hàng chuỗi ngọc ánh sáng

Tặng em.

Một ngày ở Đồi Thơm

Tôi đứng bất động trên Đồi Thơm ngó mông lung

Dưới đường xe cộ bò chậm như kiến

Xa xa biển xanh màu xanh hoang dại

Xình xịch tàu hoả lướt qua

Mơ hồ thúc giục điều gì

Tin nhắn qua điện thoại

“Đón bình minh ở Phú Yên

Hãy nhớ đến em với gương mặt tinh khôi”

Mặt trời bơm lượng máu hồi sinh

Từng ý nghĩ bốc hơi theo nắng, theo gió

Sớm mai nơi cực Đông đất nước

Chim yến náo nức rời tổ

Chìm ngập trong tôi

Một ngày hạnh phúc trong veo.

Về Thạch Bi Sơn

1.

Du khách phương xa đến Phú Yên

Hối hả trèo lên Thạch Bi Sơn

Một thoáng phiêu du

Lòng gần hơn với bậc tiền nhân thời mở cõi

2.

Người dân xứ Nẫu nhiều lần đi bộ lên đây

Rồi thong thả tuột dốc bước xuống phố

Cảm giác lâng lâng biến thành gió biển, thành mây

3.

Chúng ta biết gì thêm về Đá Bia

Ngón tay chỉ trời của Chúa

Cái linga trời ban cho cô gái Chăm ở Vũng Rô

Điểm tựa dân Ba Na thử cung tên

4.

Rằm tháng tám trăng tròn mẩy

Hành hương lên Hòn Đá Dựng

Mơ màng ngắm cảnh vật quê nhà

Thấy mình mới chính thật là mình!

Cụng ly với nhà văn Y Điêng

Mưa lất phất phủ mờ cảnh vật

Quán nhỏ

Đèn nhoè khuôn mặt thân quen

Gió thốc tháo

như bầy ngựa hoang luồn qua thị trấn

Chúng tôi ngồi cụng ly

với nhà văn Y Điêng

Mùa nầy sông Hinh cá lội ngược dòng,

cọp không còn hú dài núi Lá.

Cơn hưng phấn bốc lên,

huyên thuyên lắm chuyện

Chúng tôi không dám hỏi

buôn làng giờ ra sao?

Khi bắt gặp ánh mắt ông

chìm khuất trong màn sương mù đục núi rừng.

Trại sáng tác Phú Yên, 9.2010


(nhavantphcm.com.vn)

PHAM DUY hầu kí

  "HỌC NHƯ THỂ CHẲNG DÀI LÂU... " (Đọc Hồi ký Phạm Duy 2)    Tôi chưa định viết những dòng dưới đây trong vài bài ghi chép khi đọc...