Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2008

Thuỵ Trần Nhã

Trần Nhã Thụy: 'Viết và sống là quá trình cần luyện tập'

Thất Sơn

Năm qua, cây bút Quảng Ngãi này cặm cụi viết với tinh thần "sục" vào cuộc sống ở những góc rất đời. Tiểu thuyết "Sự trở lại của vết xước" của anh cho thấy điều đó. Bạn văn nhận xét, Nhã Thụy là người hiền trên văn đàn. Còn anh tâm sự, mình chỉ là một người cầm bút đang "luyện viết".

- "Sự trở lại vết xước" phát hành khoảng cuối năm 2007. Nhưng hình như sự xuất hiện của nó còn khá lặng lẽ, sao anh không dụng công PR cho cuốn tiểu thuyết đầu tay?

- Tôi chưa nghĩ đến chuyện quảng cáo cho tác phẩm của mình. Khi bước vào con đường viết lách, tôi tự đề ra một "bài tập" cho bản thân: nếu người ta im lặng 100% với cuốn sách hay trang viết mà mình công bố thì đó là điều bình thường, không nên cau mày bóp trán làm gì. Tôi thấy mình cũng chẳng phải là nhà văn gì ghê gớm. Sau khi hoàn thành một tác phẩm, điều tôi quan tâm là cần phấn đấu để có tác phẩm tốt hơn.

Nhà văn Trần Nhã Thụy. Ảnh: Anh Vân.

- Anh nghĩ sao khi có vài nhận xét rằng, tiểu thuyết của anh xuất hiện một vài môtíp khá quen thuộc ở các tác phẩm nổi tiếng khác, chẳng hạn như việc anh để cho nhân vật người vợ mất tích?

- Nếu tạm gọi việc mất tích là một môtíp, thì môtíp này không là độc quyền của ai. Tôi sử dụng nó trong cuốn sách một cách hết sức tự nhiên, khi nói về tâm thế thoát ly cuộc sống. Có một lúc nào đó người ta chán, người ta muốn mất tích, muốn biến mất trong một khoảng thời gian.

Tôi đưa "mất tích" vào văn chỉ như một cái cớ để nói về những điều khác. Phần lớn chúng ta đang sống trong cái vòng lừa đảo luẩn quẩn lẫn nhau. Rồi nạn kẹt xe, sự nhiễm độc từ từ về thể chất và tâm hồn, cuộc tấn công tàn khốc của đô thị. Một con người lương thiện phải sống như thế nào cho ra con người trong xã hội như thế? Đó luôn là điều tôi tự hỏi.

Nói thật, hàng ngày trong lòng tôi đều có sự đối diện thường trực với nỗi đau về những điều chưa tốt, những điều bất công mà mình thấy, mình cảm nhận được trong cuộc sống. Và tôi thích được cọ xát thực sự với nỗi đau hơn là né tránh nó.

- Anh hài lòng nhất điều gì trong cuốn sách của mình?

- Tôi hy vọng đây là một tác phẩm gợi mở nhiều vấn đề khiến người ta muốn suy nghĩ.

Tôi ấp ủ cuốn sách từ 2004 đến 2007 và có cảm giác là mình không giải quyết hết được những vấn đề đưa ra. Đầu năm 2007, tôi đã xin nghỉ việc để hoàn chỉnh nó trong vòng 3 tháng. Tôi hài lòng là mình đã hoàn thành được nó.

- Thường thì cảm hứng viết lách của anh đến từ đâu?

- Cảm hứng từ cuộc sống nội tại. Từ những gì gần gũi nhất, chẳng hạn từ đoạn đường trước nhà của tôi, nằm trên con đường huyết mạch của Sài Gòn, hơn 5 năm nay vẫn chưa được sửa sang để thoát tình trạng lầy lội, ngập nước.

- Điều lớn nhất mà công việc viết lách mang đến cho anh là gì?

- Là biết quý trọng mỗi con người bình thường trong cuộc sống. Để có chất liệu văn chương tôi rất thích quan sát, thích chơi với người lao động bình thường. Đời sống của họ hay lắm. Nhìn vào đấy có thể rút tỉa ra những chi tiết rất đắt mà không nhà văn tự phịa ra được. Những người bình thường nhiều lúc còn nghệ sĩ hơn bất cứ người nghệ sĩ nào khác.

Như có lần trong chuyến đi Phan Thiết, tôi quen với một anh vào dịp Tết chuyên sống bằng nghề chặt lồ ô. Mỗi khi lên rừng chặt cây, anh đi bằng xe bò, tôi cũng thử đi cùng một chuyến với anh ta. Sau chiếc xe này có cái cộ, người ta đặt trên chiếc cộ này bếp núc để nấu cơm, pha nước uống... Cứ thế con bò chở người đi lấy gỗ đủng đỉnh vào rừng. Có khi người đánh xe ngủ quên, ai chơi khăm thì có thể ngoặt thừng con bò chuyển hướng đi về nhà.

Chuyến đi thú vị này tạo cảm hứng cho tôi viết truyện Lặng lẽ rừng mai.

- Anh suy nghĩ gì về những người cầm bút thuộc thế hệ của anh?

- Thế hệ nhà văn tạm gọi là 7X phần lớn còn tự học là chính, kiến thức chưa có sự hệ thống. Bản thân tôi viết được cái gì thì cố hết sức mà viết.

- Nhưng là một người viết, anh nhìn nhận ra đâu là giá trị của mình?

- Những gì tôi viết ra từ suy nghĩ riêng, cảm xúc thật của chính tôi. Vì thế, chúng ít trùng lắp với ai khác.

- Đã có nhiều tác phẩm được in, sao anh chưa trở thành hội viên hội nhà văn?

- Vì tôi thấy mình chưa xứng đáng là một nhà văn. Đến khi nào tôi cảm thấy mình xứng đáng, tôi sẽ xin vào hội. Tôi không dám cho mình là một nhà văn. Mà nếu có cũng chỉ là nhà văn hạng hai.

- Anh nghĩ gì về nghề viết văn và nhà văn hiện nay?

- Nhà văn thực sự có tài quá ít. Và có nhiều dạng nhà văn rất thông minh. Họ biết là nên kết thân với ai để được in sách đẹp, chơi với ai thì có được suất đi nước ngoài, quen với ai thì được giải thưởng.

Viết mà lòng mình không tốt thì rất nguy hiểm. Thêm nữa, văn chương không phải là chỗ của tư duy ứng dụng. Với khoa học công nghệ thì có thể như thế. Trong văn chương anh phải tự tạo ra con đường của mình, phải có lối đi riêng. Có thể lần đầu anh dở ẹc, lần hai lần ba cũng vậy, nhưng đến lần thứ n nào đó anh có thể khá hơn, đó là sự hấp dẫn lẫn thử thách khắc nghiệt của văn chương.

Tôi nghĩ, công việc viết văn nghiêm túc là một con đường rất khó nhọc. Nhưng tôi có cảm giác, các cây viết hiện nay thay vì chọn con đường đi khó nhất trong văn chương thì lại chọn con đường dễ nhất. Chẳng hạn, chỉ cần 15 phút có thể tưởng tượng ra được một truyện ngắn, nhưng lại nhàn nhạt, không có một chút ưu tư ở trong đấy.

- Là một người viết, anh tâm niệm điều gì?

- Tôi chơi với "giới giang hồ" khá nhiều, và tôi luôn tâm niệm người giỏi nhất là người mình chưa biết. Luôn học hỏi là điều hết sức quan trọng. Học trong cuộc sống bình thường, đọc chậm viết ít nhưng cần có sức nặng trên trang viết. Đó là những điều tôi muốn mình "thấm nhuần". Mà muốn như thế là cả một quá trình phải luyện tập.

Cũng như cách luyện đứng tấn trong khi học võ, một bài tập cần phải luyện hoài. Càng đứng tấn vững thì càng giỏi võ. Văn chương cũng vậy, rất cần phải luyện tâm, luyện viết thường xuyên.

- Chưa vào hội nhà văn, chưa có giải thưởng, vậy đâu là sự khích lệ của anh trong nghề viết?

- Nhiều người đọc truyện của tôi vẫn chưa biết Trần Nhã Thụy là ai. Thậm chí khi các diễn đàn trên mạng bàn tán về tác phẩm của tôi, họ còn nhầm tôi là con gái. Nhưng dù sao, một sự khích lệ lớn với người viết là có độc giả tìm đến tác phẩm của mình.

Thất Sơn thực hiện

(theo evan)

Cô giáo-nhà thơ Lê Khánh Mai

Chùm thơ Lê Khánh Mai

Con đẻ của Khánh Hoà nhưng là con dâu của Huế. Lê Khánh Mai tốt nghiệp Thạc sĩ khoa học xã hội và nhân văn, hiện là Tổng biên tập tạp chí Nha Trang. Ngoài 4 tập thơ và 1 tiểu thuyết đã xuất bản, Lê Khánh Mai còn có nhiều thơ in trong các tuyển tập khác.
Thơ Lê Khánh Mai lành mà gợi, róc rách giữa hai dòng truyền thống và hiện đại, dùng dằng giữa hai nẻo hiện thực với mộng mơ...



Sóng

Sóng từ mặt đất nhô lên
Trời cao đổ xuống hay miền hư vô?

Bạc đầu sóng vẫn dại khờ
Khi yêu vồ vập như trò trẻ con
Ghét thì cau mặt giận hờn
Tính tình đỏng đảnh lúc buồn,
lúc vui
Xô bờ rồi lại ra khơi
Loanh quanh tan hợp, ngược xuôi
dập duềnh
Bao nhiêu con sóng đi hoang
Vẫn không thoát được đại dương ngàn trùng

Ngồi buồn hỏi biển mênh mông
Biển mà không sóng có còn
biển chăng?

Tìm

Nhiều khi tìm gì chẳng biết
Ngu ngơ như thể vô hồn
Cười tan bao trò được mất
Vẫn còn nguyên vẹn nỗi buồn

Ngửa mặt tìm mây ngũ sắc
Gặp màu hoang tưởng trời cao
Tìm bờ... mù xa, biển khuất
Chỉ nghe thăm thẳm sóng gào

Vây quanh bên mình gió... gió
Mà nào có bắt được đâu
Bàn tay thật thà nắm mở
Vuột đi tia nắng cuối chiều.
Tháng 5-2001


Chân dung

Anh suy tưởng
Khói thuốc lượn hình xoắn trôn ốc
Rồi nhoà vào không gian
Nhoà vào nắng sớm, mưa chiều, bóng đêm
Những chân lý khoác đôi cánh thiên thần
Những khát vọng màu cánh buồm cháy đỏ

Em mờ nhạt, vô nghĩa
Trước anh cao vời.

Anh đàm đạo
Bên những người bạn cũng cao vời như anh
Những người mang trong mình nhiệt độ của núi lửa
Thừa thãi ngôn từ
Thứ ngôn từ khiến hành tinh nghiêng đổ.

Em - cái bóng câm
Cái bóng lùn đi dưới mặt trời anh rực rỡ

Một hôm
Vị thần của em, triết gia của em bị ốm
trán vã mồ hôi
Đôi mắt đẫm buồn
Trông anh tội nghiệp như đứa trẻ
Và lành như con mèo hen

Em đã nhận ra anh


Trở về

Có một ngày trở lại chốn xưa
Một khoảng lặng trong bộn bề ký ức
Góc trời mù mịt
Nơi từ đó tôi đi
Con sóng nhỏ lần ra biển cả
Ngược dòng về bến sông quê
Những gương mặt quen quen lạ lạ
Chập chờn, phảng phất, tỉnh mê
Những con người của muôn năm cũ
Giờ đã yên dưới những nấm mồ
Cỏ đã xanh, một màu xanh vô định
Trời thì cao mà mây trắng bơ vơ

Chẳng còn nữa bà tôi bên bếp lửa
Gầy rạ rơm qua những mùa đông
Chẳng còn dáng mẹ tôi tất tả
Vệt sữa loang trên ngực áo nâu sồng
Và đâu nữa bóng cha lặng lẽ
Vác cày về trong nhập nhoạng hoàng hôn

Ngôi nhà tranh cũ xám
Đứng sẫm buồn như một dấu chấm than
Gốc bưởi đầy hoa trắng
Mà hương xưa lạc mấy nẻo đường
Trong mưa nắng khu vườn xanh vật vã
Lá trầu không vẫy gió những bàn tay
Dấu quết trầu đã đượm màu thiên cổ
Ngơ ngác bình vôi, con mắt cay cay
Tôi khát, ngỡ lòng như lửa cháy
Cơn khát một đời của sa mạc cằn khô
Tôi lại uống, nước trong chum, trong vại
Trong chiếc gáo dừa...
Tôi uống ngày xưa.
Tháng 3 năm 2001

LÊ KHÁNH MAI
(nguồn: TCSH số 154 - 12 - 2001)

Chùm thơ tâm khúc



TÂM KHÚC

Vịn gió tôi bay

dù mặt đất vẫn nồng nàn hoa trái

thương cánh bay vụng dại

chưa một lần chạm được đỉnh mây

thắp lên niềm kỳ vọng bầu trời

tôi ký thác hồn mình nơi cao xanh vời vợi

dù có thể sau ngàn mây kia

là thăm thẳm một cõi hoang lừa dối

thì người ơi tháng năm còn lại

trái tim tôi kiêu hãnh tổn thương

điều huyễn hoặc vốn là điều tàn nhẫn

nhưng đôi khi cứu vớt được linh hồn

rồi mai gió lật chiều cánh rã

hát khúc lưu đày về chốn hư không

bao xót đắng mình tôi thanh lọc

cơn mê này buốt trong

LÀ MÌNH

Là mình chẳng phải mình đâu

lẫn trong sương khói, trong câu thơ buồn

trắng trong củ ấu đáy bùn

thơm tho cây quế tận rừng hút xa

Là mình ở giữa người ta

cháy lên ngọn lửa để mà... tàn tro

ƠI NGƯỜI !

Gửi bạn thơ

Ta chung một kiếp giời đày

đường quang chẳng bước , nẻo lầy sa chân

đa đoan vấn vít gió trăng

nỗi sầu muôn thuở đeo mang phận người

rằng yêu là cái nghiệp đời

càng mê mẩn lắm càng rời rã đau

so chi hay dở thấp cao

ngẩng trông nhấp nhóa biết bao thiên tài

Tôi là ai?

Bạn là ai?

chỉ như gió thoảng, sương bay thôi mà

đường về La Mã vời xa

vác cây Thánh giá vượt qua phận mình

Thương sao cái kiếp đa tình

lấy hư ảo để ru mình

Người ơi!

CON THUYỀN NHỎ

Thuyền đã neo bờ

sao sóng còn xô mãi

phải vì đau

vì giận

hay vì yêu?

Con thuyền nhỏ

tả tơi về gối bãi

tránh mưa giông rét mướt cuối chiều

và run rẩy úp vào ngực cát

khóc một niềm vô vọng

ngàn khơi

BIỂN THẦM

Những con sóng không nơi khởi đầu, không hồi kết thúc

dồn đuổi nhau đầy ắp biển ngoài kia

tự vỡ mình ra, tự thu về nguyên vẹn

ta biết lắm biển ơi, người chẳng đau khổ bao giờ

Những gươm đá dựng bên ghềnh sắc lạnh

con sóng rơi đầu, con sóng lại chồm lên

chai lỳ những vết thương, chai lỳ muôn khát vọng

có phải vĩnh hằng kia làm biển vô tình

Giữa biển thầm mặt đất

ta con sóng buồn luôn tự vỡ mình ra

ta biết lắm, bao nhiêu khởi đầu bấy nhiêu kết thúc

những mảnh hồn chắp mãi chẳng vẹn nguyên





Cổ tích buồn

Thôi

Chị cứ là Vàng Anh

Hót lời nhắc nhở

Người đàn bà đến sau giặt áo cho chồng

Hót lời yêu khắc khoải dưới trời xanh

Chị cứ là nàng tiên

Trong quả thị

Đẹp xinh, dung dị, thảo hiền

Mát lòng bà lão nghèo thôn dã

Những trưa nồng cơm ngọtm, canh ngon

Chị cứ hoá thân

Vào trầu têm cánh phượng

Mối oan tình thắm đỏ cõi trần

Chị cứ là chị Tấm

Của cái bống, cái bang

Hát bài ca cơm bạc, cơm vàng

Thả niềm vui long lanh giếng nước.

Mà sao tựa bóng ngai vàng

Nơi tột đỉnh cao sang

Chị giết em mình thảm khốc

Khi quyền lực đi cùng tội ác

Bao giờ hết oán thù

Thôi

Khước từ

Áo khăn hoàng hậu

Bả vinh hoa gác tía, lầu son

Chị cứ là cô Tấm trắng trong

Của đồng quê bùn đất

Dẫu rằng cổ tích sẽ buồn hơn.

Tháng 10 - 1998

LÊ KHÁNH MAI - ĐẸP, BUỒN VÀ TRONG SUỐT NHƯ SƯƠNG

Cuộc sống mỗi ngày là một nhàm chán, càng mòn chán thêm. Năm hết năm, tháng này sang tháng khác. Hằng tuần thứ Hai, thứ Ba, thứ Tư,… Chủ nhật. Xoay vòng và lặp lại. Cũ mèm. Vẫn công việc đó, khung cảnh đó, khuôn mặt đó, câu chuyện muôn năm cũ lặp lại. “Quanh quẩn lại chỉ vài ba dáng điệu / Tới hay lui cũng chừng ấy mặt người…” (Huy Cận). Vài hành vi vô thức, đôi câu nói vô nghĩa, dăm ba tên người quen vô tình được nhắc tới,… Lặp lại không để làm gì cả. Để giết thời gian – chưa hẳn. Để khỏa lấp nỗi trỗng rỗng trong tâm hồn – đúng hơn.
Công lớn của triết học hiện sinh là khám phá nỗi vong thân trong sinh hoạt ngày thường, từ hơn nửa thế kỉ trước. Một khi con người chưa vượt qua nỗi nhàm chán đó, sự phi lí như là định phận đó để tìm ra bản ngã mình, thì họ chưa thể “sống” toàn diện. Họ luôn chìm lấp hay tồn tại lờ nhờ giữa tha nhân.

Thế giới này tất cả đều lặp lại
quả đất lặp lại vòng quay
mặt trời lặp lại mỗi ngày
… con đường lặp lại những dấu chân
lặp lại lời yêu của những cặp tình nhân

(“Trái chín”)

Cuộc sống lặp lại đã đành. Cuộc thơ cũng lặp lại, bắt nguồn từ xa lắm trong vô thức cộng đồng, và cả thói quen sáng tác và tiếp nhận thơ ca của ta. Lắm lúc còn hơn cả cuộc sống. Sâu hơn, đậm hơn do đó, nguy hiểm hơn.

… đời người lăn theo lối mòn
câu thơ viết hôm nay rung cảm đến tận cùng
đã ngân vang từ bốn nghìn năm trước
bao nếp nghĩ cũ mèm vạch đường mòn kí ức….

Em gào thét giữa cao xanh
toan vùi xóa những lối mòn chán ngắt…
trái đất cứ giăng ra chi chít lối mòn

(“Lối mòn”)

Có thể nói, từ thời đổi mới ở giữa thập niên tám mươi của thế kỉ trước, các nhà thơ Việt Nam luôn ý thức bị vây bọc bởi cái sáo mòn, lạc hậu của thơ ca. Thơ đang được dạy trong nhà trường, thơ đăng báo, thơ trên diễn đàn, thơ ở các thi tuyển, ở mọi tập thơ biếu tặng. Và hầu hết nhà thơ mang tinh thần cách tân luôn bị ám ảnh bởi sự vùng thoát, để đi tìm cái mới, lạ cho thơ. “Cách tân”, “làm mới”, “đổi mới”, thậm chí – “cách mạng”,… là các hạn từ được dùng tràn lan trên các mặt báo, tại khắp hội thảo thơ. Lê Khánh Mai không là ngoại lệ.

vang tự hồn sâu phải sống khác thôi
không sống khác không thể nào viết được…

(“Nhà thơ nữ bứt phá”)

Sống khác và viết khác. Sống khác để có thể viết khác đi. Nhưng sống thế nào, và viết ra sao để gọi là khác?

Những câu thơ
như chú ngựa bất kham trong lồng ngực
mơ một ngày tung vó thảo nguyên…

(“Khát”)
Em muốn xóa bóng mình – dị bản
để chỉ còn đích thực em thôi

(“Dị bản”)

Lê Khánh Mai “mơ”, Lê Khánh Mai “muốn” tung vó, lồng lên, kêu thét lên rằng ta đang sống cuộc sống lặp lại, quá nhàm chán; ta đang thơ cuộc thơ thậm sáo mòn. Ta muốn xóa bỏ và xóa bỏ. Dứt áo ra đi một lần và mãi mãi lối mòn quen thuộc này, lối viết cũ kĩ này. Để sống khác đi, viết khác đi. Thế nhưng giữa cuộc đời và cuộc thơ tù mù như thế, Lê Khánh Mai đã không thể tìm thấy mình đích thực là mình. Tại sao?
“Em muốn xóa bóng mình – dị bản / để chỉ còn đích thực em thôi”. Tại sao không là “tôi” mà là “em” muốn? “Em” là gì? “Em” với ai? Đây là câu hỏi cốt tủy, đụng chạm đến sinh phận văn chương của người nữ Việt làm thơ. Nên, cho dù Lê Khánh Mai “vẫn khát viết vần thơ định mệnh” (“Khát”), nhưng vẫn cứ không thể!

Không thể lựa chọn số phận
khi sinh ra
ta cũng như một nửa loài người trên trái đất
là đàn bà

(“Bổn phận”)
Đã không thể và, sẽ không bao giờ có thể.
Bạn cùng ta bứt phá
lang thang quên mình là đàn bà
… bao đền đài thơ sừng sững
Ta gieo xác chữ ích gì
…ta ru bình yên ngày thường
oan nghiệt phận thơ – tiếng kêu máu vỡ

(“Nhà thơ nữ bứt phá”)

Muốn sống, nhưng rồi “em” tòng thuộc “anh” lừng lững sẵn sàng áp chế. Muốn viết khác đi, mà “em” cứ vướng vào “bao đền thơ sừng sững”, luôn tư thế bậc cha chú trên ngó xuống đầy dọa nạt. Ngôn ngữ Việt và cả dư hưởng văn hóa Nho giáo đã “đóng đinh số phận” thơ Lê Khánh Mai. Muôn đời cư ngụ vị trí thấp, tư thế lép vế. Bởi tập quán xã hội do đàn ông sáng chế ra và gán ép cho ta đã đành mà, cả do chính ta nữa (Hãy nhớ lại câu nói của một nhân vật nữ trong tiểu thuyết Orhan Pamuk: “Bỏ khăn trùm đầu chẳng khác gì ở truồng đi ra phố”!). Thì làm gì có sáng tạo?
Lê Khánh Mai hiểu thế, ý thức sâu thẳm như thế. Đó là một khởi đầu quan trọng.
Thơ Lê Khánh Mai đi chênh vênh giữa khoảng đó. Thời đại chưa cho phép hay nhà thơ chưa [dám] cấp giấy phép cho mình tự do phá vòng vây ngăn cách giới, chúng ta không cần biết. Chỉ thấy rằng, khi chưa thể xông pha vào cuộc đấu tranh chống áp chế và đòi hỏi công bằng cho phái nữ, Lê Khánh Mai đi tìm sự cảm thông. Cảm thông với những sinh phận không được ưu đãi: người đàn bà đi chợ, người đàn bà lặng im như cát, người đàn bà bán rau, người đàn bà gom rác “đêm đêm / lẫn vào xú uế”, hoặc:

Người đàn bà trong cơn đau sinh nở…
một mình bước lên bàn sinh…
khát khao làm mẹ
căng buồm
.
(“Cánh buồm”)

Cảm thông cả với những người “bạn gái” đang mắc kẹt giữa cuộc văn chương và cuộc sống: “thì thôi mình thương lấy mình”.
Có thể nói đây là điểm sáng nhất trong thơ Lê Khánh Mai. Biết chia sẻ với thân phận con người bé nhỏ, với thân phận phụ nữ yếu đuối, với người nữ làm văn chương trong nỗi xô bồ của cuộc sống tốc độ hôm nay.

Trong cuộc đi tìm sẻ chia và cảm thông đó, qua hơn nửa đời người hành trình thơ, Lê Khánh Mai không ít lần bắt gặp những câu/đoạn/bài thơ đẹp. Đẹp mà buồn. “Đẹp, buồn và trong suốt như sương”. Không phải không mang yếu tố “bứt phá”, “mới lạ”, đóng góp nhất định vào tiến trình thơ Việt Nam đương đại.
Nhưng có lẽ Lê Khánh Mai sẽ tung vó mạnh bạo hơn, nếu nhà thơ đang cư trú miền đất Nha Trang thơ mộng này dám phá bỏ thói quen. Mà thói quen đầu tiên chính là ở nỗi tự khuôn định thơ mình trong không gian chật hẹp. Quá chật chội. Tôi không hiểu tại sao Lê Khánh Mai đã tự bó tay bó chân mình như thế. Đại đa số bài thơ luôn dừng lại ở 20-30 câu. Có rất ít bài thơ dài hơi. Bài dài nhất là “Nha Trang của tôi”: 54 câu. Như thể nhà thơ mang ra một tờ giấy A4, viết đến hết trang rồi… thôi. Lạ!

Nhớ buổi chiều tháng Tư vừa qua, bất ngờ ghé thăm phòng tranh của một người bạn ca sĩ mới chuyển sang nghề vẽ. Hơn ba mươi bức tranh cả thảy, không phải là không đẹp, nhưng chúng đều bị giam lỏng trong cùng khung kích thước 60X60. Tất tần tật. Chúng tạo cảm giác gò bó, chật chội. Tôi nói: bạn hãy thử làm việc trên khung to hay nhỏ hơn đi, chắc chắn lối vẽ bạn sẽ khác. Và cô bạn đã khác.
Bởi bổn phận của thơ ca là gì, nếu không là phá bỏ thói quen – thói quen sống và, thói quen thơ?

Sài Gòn, 04.05.2008.

(INRASARA.com)


Lê Khánh Mai, khai mở những con đường

HOÀNG QUẢNG UYÊN

Tôi yêu mến và quý trọng những câu thơ như là "không thơ" của chị:
Câu thơ nước chảy bèo trôi/ Vẫn nghiêng về phía phận đời khổ đau. (Hương cỏ)

Chị luôn đứng về "phe khổ đau" và từ tâm thế ấy mà gửi thân phận con người vào thân phận hoa cỏ, mây gió, thân phận Con Thuyền Nhỏ giữa ngàn khơi sóng gió: Con thuyền nhỏ/ Tả tơi/ Về gối bãi... Run rẩy/ Úp vào ngực cát/ Khóc một niềm vô vọng/Ngàn khơi.
Chị lý giải, chiêm nghiệm một điều gì từ những thân phận mỏng manh? Không! đơn giản đó là sự cảm nhận, cảm thông phận đời, vì vậy đọc thơ chị không tìm thấy câu trả lời, sau nhiều câu hỏi đặt ra mà như đã được trả lời, đó chính là bản lĩnh thơ Lê Khánh Mai – một bản lĩnh tạo ra những tứ thơ, câu thơ bình dị, có phần "đơn sơ", đọc cứ như không mà ám ảnh:
Ta đơn sơ như cỏ thôi/Phải đâu dấu hỏi mà đời phân vân/Có ta trời thản nhiên xanh/Không ta mây trắng yên lành vẫn trôi.
Phải thấu lẽ đời lắm thì mới có thể "dửng dưng" một cách thanh thản như vậy. Có được lối nghĩ, cách nhìn ấy là bởi sau bao nhiêu lần: "Trượt ngã trên những con đường đầy sỏi, ai đó rải ra cản lối. Những viên sỏi vo tròn tầm thường giả dối" nhà thơ vẫn vươn dậy mạnh bước trên đường thơ hái những "vì sao tận cuối trời xa lắc":
Chết vùi đi, hay là thắp lửa?/ Đơn giản vô cùng sao cứ mãi phân vân. (KHÁT VỌNG)
Chị không trả lời, nhưng rõ ràng là chị thắp lửa – thắp ngọn lửa từ trái tim để mà khai mở những con đường mới cho thơ. Mải miết, dịu êm mà bạo liệt, chị chưa bao giờ bằng lòng với những điều người khác tìm ra, định ra mà phải tự tìm ra con đường của chính mình. Có một cái gì đó tương hợp với điều mà Mác Xen Pruts đã từng triết luận: "Đi tìm cái mới không phải là tìm những miền đất mới mà là nhìn bằng Con mắt Mới". Phải, chính vì chị nhìn bằng Con Mắt Mới mà khám phá ra nhiều điều mới mẻ từ những sự vật, những chuyện "cũ như cổ tích".
Nhập vào ân oán của chị em nhà Tấm, Cám, chị đau đớn kêu lên:
Mà sao tựa bóng ngai vàng/ Nơi tột đỉnh cao sang/ Chị giết em mình thảm khốc.
Và chị muốn (hay đời muốn):
Chị cứ là cô Tấm trắng trong/ Của đồng quê bùn đất/ Dẫu rằng cổ tích sẽ buồn hơn (CỔ TÍCH BUỒN)
Chị không phải là người "nói" đầu tiên điều này mà từ sự cảm nhận đó đã dẫn đến cái nhìn mới trong thơ. Thế là đã quý rồi.
Và:
Nếu quả thật có một thung lũng tình yêu/ Loài người sẽ tìm về nôn nả/ Đông hơn cả cuộc hành trình đến La Mã/ Đà Lạt bỗng thành cái rốn địa cầu.
Vẻ ngờ vực hỏi cho vui vậy thôi, chứ chị tin mà mong những điều huyền diệu ở thung lũng tình yêu. (Thực ra là tin Tình Yêu, Khát Vọng Tình Yêu).
Tôi vẫn đứng đây trên miệng vực/ Tưởng tượng đáy sâu kia là chốn địa đàng/ Có vòm lá xanh ẩn hiện mơ màng/ Có chùm quả ngọt lành cám dỗ/ Và A Đam đợi tôi ở đó/ Để cùng tan đi trong cái rốn địa cầu
. (THUNG LŨNG TÌNH YÊU)
Thêm một cái nhìn mới về nhân cách sống qua Điều cảm nhận về thông"... Chẳng như người quân tử, xin đổi kiếp làm thông, tôi làm người học thông cách sống".
Cũng bởi cảm nhận từ phía khổ đau mà chị đã gắng gỏi "minh oan" cho bùn:
Mùi bùn có hôi tanh đâu/Mà câu ca nỡ làm đau lòng bùn.
Lê Khánh Mai hay ở mảng thơ viết về người thân, bạn bè vì gần mà thật, hoặc giả đó chính là chị: Hình ảnh về người cha "rụng xuống lá xanh"; về đời mẹ "chiếc thuyền giấy vật vã, long đong", về đứa con, "chàng trai của mẹ"... Những hình ảnh đó luôn trở đi, trở lại, mỗi lần mỗi vẻ, mới và chưa bao giờ cạn vơi. Thơ dâng hồn Cha, viết cuối năm 1997, là những ký ức trỗi dậy:
Tuổi thơ con côi cút/Thiếu vắng một tình thương/. ../ Đường ngã ba ngã bảy/Biết nương theo lối nào.
Hai năm sau, cũng trở về từ thẳm sâu ký ức, nhưng là tiếng khóc: Cha ơi! thật gần, thật sâu: "Đời con thiếu cha như cánh chim lạc bước, bay ngả nào cũng gặp mây che".
Trước đây (Thơ dâng hồn cha) thì:
Sướng khổ đã cam phận/Mong sao lòng thảnh thơi/Biết ơn cha vô hạn/Đã sinh con làm người.
Còn sau này (Cha ơi! ) – Cao hơn, thần thái hơn: "Nhưng con trong một niềm tin bất tuyệt, con sẽ hái những vì sao xa lắc, bởi có cha nâng cánh cho con".
Tôi nói hơi dài ở đoạn này, bởi vì thoạt nhìn có những bài thơ dường như có sự trùng hợp về ý, về tứ, nhưng đọc kỹ thì thấy đó như là những đường tròn đồng tâm, vòng sau rộng hơn, ôm trùm hơn vòng trước – do đó không có cảm giác nhàm chán, cũ mòn.
Lê Khánh Mai là người chuyên tâm nghiên cứu ngôn ngữ – chuyên tâm đến độ say mê! Điều đó thể hiện rõ trong thơ chị và tôi có thể nói rằng: Ngôn ngữ trong thơ chị là một thứ ngôn ngữ chính xác, sáng tạo làm nên thần thái mỗi câu thơ, bài thơ – xét trong địa phận hẹp đó chị cũng đã có sự khai mở riêng của mình. Tôi nhớ một nhà viết văn xuôi nước ngoài đã từng khuyên những người viết trẻ có phần cực đoan rằng: "Các bạn hãy tìm giết những tính từ trong các trang viết của mình, như giết chết những con rệp!". Ta thử xem những tính từ trong thơ Lê Khánh Mai là những sinh vật gì (cả những tính từ mang dáng vẻ danh từ, động từ... dẫn trong tập Cổ tích xanh – Nhà xuất bản Thanh Niên – 2000).
Có ban mai tôi như người ốm dậy/Ngập lụt nỗi buồn, gầy guộc niềm vui. (CHIẾC LÁ).
Rồi: Cơm mới thơm nức nở ngày mùa/Tình yêu tôi ngát hương cả mật, cỏ gà. (TÔI SINH RA TỪ BÙN)
Và: Nếu quả thật có một thung lũng tình yêu/ Loài người sẽ tìm về nôn nả. (THUNG LŨNG TÌNH YÊU)
Và nữa: Bến cá mỗi ban mai mở hội/ Tấp nập thuyền ghe, nhễ nhại những nụ cười (NHA TRANG CỦA TÔI)
V.V...
Dẫn ra vài ví dụ trong rất nhiều ví dụ để thấy rằng: Những tính từ trong thơ Lê Khánh Mai là những sinh vật, sinh linh đáng yêu, có tuổi thọ cao. Chị luôn sáng tạo một cách tự tin, chọn từ chuẩn xác.
Nhân đây, tôi cũng muốn nói rằng, vốn trí thức về các nền văn hóa, về văn học – nghệ thuật và cả vốn sống, lẽ đời... làm đầy đặn cho tác phẩm nghệ thuật, nhưng tham quá sẽ trở thành lê thê, lý sự chỉ để mà. .. lý sự! Điều đó vẫn gặp đâu đây trong thơ Lê Khánh Mai (dù rất ít), càng củng cố thêm nhận định có tính quy luật trong nghiên cứu thơ: "Điểm yếu của mỗi nhà thơ lộ ra từ chính điểm mạnh của nhà thơ ấy". Lê Khánh Mai cũng không phải là ngoại lệ.

Tôi là người may mắn có trong tay cả 4 tập thơ của Lê Khánh Mai (Trái chín – 1990; Nước mắt chảy về đâu - 1998; Cổ tích xanh – 2000; Cát mặn – 2001). Mỗi tập một vẻ, trong số đó tôi thích Cổ tích xanh hơn cả vì thơ vẫn giữ được nét trong trẻo, nguyên sơ thời trẻ vừa đằm sâu lẽ đời nhiều trải nghiêm. Tôi thật sự thích những bài Dị bản, Cổ tích buồn, Con thuyền nhỏ, Đơn sơ, Cha ơi... và nhiều bài khác nữa. Dường như ở tập thơ nào Lê Khánh Mai cũng có lời tâm sự với thơ ca, tâm sự với bạn đọc về những chặng đường thơ, những "cuộc hành trình đơn độc/La Mã vời vợi xa", những được mất giữa đời và thơ "khi tôi rơi xuống hố thẳm khổ đau/thơ vực tôi đứng dậy". Có phải vì thế mà chị viết:
Mỗi câu thơ mang bóng dáng nụ cười/ Hay nước mắt buồn đau số phận/Tôi đã đổi bằng bao cay đắng/Có khi như vắt kiệt chính mình.
Nên bạn đọc đón nhận thơ chị với niềm tin yêu:
Bạn đọc thơ trôi chảy, dễ dàng/Nghĩa là tôi đã trải nhiều khổ sở/Thơ đâu phải là trò chơi con chữ/Trả giá một đời chỉ gặt hái đôi câu (TÂM SỰ THƠ CA)
Vâng! Một đời làm thơ chỉ gặt hái được đôi câu đã là hạnh phúc lắm rồi – Với những người yêu thơ, có thể Lê Khánh Mai làm được nhiều hơn thế, bởi lẽ chị luôn luôn đặt ra cho mình một lẽ sống, một trách nhiệm với thơ ca:
Hãy đi tới như một người can đảm/ Bởi sống là khai phá những con đường (CHÀNG TRAI CỦA MẸ).
Lê Khánh Mai đã sống, đã "vắt kiệt sức mình" cho việc khai mở những con đường mới, để tìm một lối đi cho riêng mình dù là rất nhỏ. Với khát vọng và tình yêu thơ, chị rắn rỏi mạnh bước trên đường với niềm tin bất tuyệt – niềm tin có bóng mình, cha, mẹ, tình yêu của chồng con, tình thân ái của bạn bè và lòng ngưỡng mộ của bạn đọc nâng cánh giữa ngàn xanh.
Những ngày rét đậm cuối năm 2001
H.Q.Y

(nguồn: TCSH số 162 - 08 - 2002)


Nha Trang có một nhà thơ
Văn Công Hùng


Nhà thơ Lê Khánh Mai (bên trái) và con gái: nhà văn trẻ Trần Khánh Linh

Ở Nha Trang có một nơi có thể gọi là địa chỉ văn hóa ẩm thực, đấy chính là... sân trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật. Ngày xưa là ở 6 Lý Tự Trọng, giờ là ở 34 Yersin. Trụ sở Hội đương nhiên là địa chỉ tụ tập rồi, nhưng sân trụ sở thì không phải nơi nào cũng có thể. Thế mà ở Nha Trang, muốn gặp các văn nghệ sĩ nổi tiếng, không nơi đâu tiện lợi bằng mỗi sáng cứ đến sân trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa.


Trước cổng, trên vỉa hè là một gánh bún, có một thứ bún mà tôi (và nhiều người nữa) rất mê là bún sứa. Nhiều nơi ở miền Trung có bún sứa, nhưng ăn sứa ở đây nó mới ra... sứa, nó mới lên hết cái vị cái hương cái âm cái sắc của sứa. Trong sân, cái sân bé tẹo, ngổn ngang ghế và dày kín dáng ngồi dưới một cái bạt lom khom căng tạm. Có thể gặp ở đây nhà thơ Giang Nam, nhà văn Cao Duy Thảo, nhà văn Cao Linh Quân, họa sĩ Thanh Hồ, nhạc sĩ Đỗ Trí Dũng... các văn nghệ sĩ đã về hưu, đến các quan chức ngành văn hóa như anh em nhạc sĩ Hình Phước Long, Hình Phước Liên, công chức Ủy ban mặt trận Tổ quốc tỉnh nhà thơ Trần Vạn Giã, các nhà báo Hà Bình, Khuê Việt Trường, Lê Bá Dương, Đặng Minh Châu, Nguyễn Chính... đông lắm, cứ đến kéo ghế ngồi, kêu một ly cà phê, ngoảnh sau lưng bắt chuyện, với đằng trước bắt tay, nghiêng sang trái gửi bài, xoay phải hỏi thông tin... xong tự giác rút tiền bỏ dưới đít ly cà phê, rồi hoặc ồn ào hoặc lặng lẽ rút, chừng 9 giờ sáng thì sân vắng, còn vài ông chưa nghĩ ra sẽ làm gì tiếp mà về nhà thì phí thì... ngồi đánh cờ... Đến Nha Trang tôi rất khoái đến đây ngồi, vừa sướng vì được ăn bún sứa, vừa vui vì gặp được hết văn nhân tài tử của xứ Trầm Hương, ngồi lọt thỏm giữa họ như người nhà và cũng tán như khướu.

Trong các cuộc ấy thường có bóng một người đàn bà, mỏng mày hay hạt, và hay móc tiền... bao cà phê những người xung quanh. Một người rất nổi tiếng ở Khánh Hòa vì cái mác Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật và là đại biểu HĐND, và không chỉ ở Nha Trang Khánh Hòa bởi vì chị là một nhà thơ, và tên chị là Lê Khánh Mai.

Tôi quen Lê Khánh Mai lâu lắm rồi, chơi với cả anh Trần Việt Kỉnh, chồng chị. Chơi loanh quanh thì phát hiện anh Kỉnh là đồng hương Thừa Thiên Huế với tôi, cùng là dân F1, tức chân Nam chân Bắc, ông ở Quảng Điền, tôi Phong Điền. Ông Kỉnh là một người nghiên cứu văn hóa dân gian tâm huyết và đã có một vài thành công, cao to lực lưỡng, da ngăm đen rất khỏe, và hiền lành, thế mà một đêm cách đây 2 năm, nằm xem bóng đá, ông đi luôn. Đi trong sững sờ và ngơ ngác của vợ con và bạn bè. Riêng tôi, tôi cứ thấy ông vẫn... cười, cứ thấy như thi thoảng tôi và ông vẫn hay nhắn tin cho nhau, có khi bằng những câu thơ tếu. Có thể đây là những vần thơ Lê Khánh Mai dành cho ông: "Thời thiếu nữ qua nhanh như chưa từng thiếu nữ/ giấu mơn mởn thịt da trong tấm áo xuềnh xoàng/ nhớ điên cuồng người tình đầu đời khung ngực rộng/ bàn tay đầy cá tính miền Trung/ mười ngón tự tin như xương rồng vượt lên đất khát/ In dấu quê hương bật máu đường cày/ viết những câu thơ sinh viên lửa cháy/ gieo đầm đìa cung đàn âm thanh"... Mà cái thời ấy nó khủng khiếp như thế này: "Hà Nội trong tiền kiếp của tôi/ ám ảnh đêm dài cơn mơ chăn nệm/ căn nhà tập thể chín mét vuông/ tôi chen nhau với sách vở, bếp dầu, chai lọ/ Mẹ tôi gương mặt mùa đông góa bụa/ thức dậy bốn giờ sáng, ra đi hun hút gió/ đón chuyến xe bus đầu ngày/ cà mèn cơm rau muống, đậu phụ bữa trưa công sở"...

Nguyên là giáo viên rồi làm biên tập viên xuất bản, trước đấy viết rải rác cho đến khi dự một cái trại của quân đội chị viết cái truyện "Ngọn lửa dương thế" khá bề thế khi in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Hồi ấy cái truyện này nổi đình đám lắm, nó bắt đầu khẳng định một cái tên Lê Khánh Mai trong văn giới. Đến nỗi dân viết miền Trung đồn Nha Trang có "mả" truyện ngắn. Trước đó ông Cao Duy Thảo có "Thời gian", giờ Lê Khánh Mai có "Ngọn lửa dương thế". Có một dạo người ta thấy chỉ trong vài năm chị in đến mấy đầu sách, như là bỗng nhiên được trời cho chữ. Bây giờ thì chị chuyên hẳn sang thơ. Người ta phần lớn là làm thơ, sau chuyển sang văn (có một lão nhà thơ nghe tôi nói thế cười đắc ý: Thì thơ khó quá không kham nổi sang viết văn cho... dễ. Xin chớ có ai nổi nóng về điều này vì lão nhà thơ kia nói đùa, và lại nói trong lúc đang uống rượu? Tôi tin là lão sẽ ân hận ngay khi tôi đưa điều lão nói vào đây và không bị báo cắt), đằng này Lê Khánh Mai lại từ thơ sang văn, có thành tựu hẳn hoi, rồi giờ lại quay về đắm đuối với thơ, chắc là mãi mãi. Theo thống kê trong trang web nhavanvietnam.com thì Lê Khánh Mai đã có 7 đầu sách, trong đấy 5 tập thơ, một tiểu thuyết và một tập truyện ngắn.

Ở Khánh Hòa, điểm mạnh là có một đội ngũ cầm bút rất đông và có tính kế tục. Nguyên hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ở đây đã hơn hai chục, mà toàn những tên tuổi lẫy lừng. Có lần tôi ở cái Nhà sáng tác của Bộ Văn hóa bên bờ biển, một buổi sáng ngồi bên cửa sổ lẩn mẩn đếm thì thấy giữa trên hai ngàn người ken dày uỳnh uỵch đi bộ buổi sáng trên bờ biển có đến sáu ông bà... nhà văn là Lê Khánh Mai, Hoàng Nhật Tuyên, Nguyễn Gia Nùng, Đặng Minh Châu, Cao Linh Quân và Vân Hạ (Có thể là tôi đếm chưa hết), chứng tỏ mật độ nhà văn ở Nha Trang rất dày (Nghe nói các đại lão Giang Nam, Nguyên Hồ và trước đấy là Đào Xuân Quý lại có sân Yoga khác). Thế mà song song đấy, Khánh Hòa còn một đội ngũ những người viết trẻ rất đông đảo, mà trong năm 2008 này họ sẽ tổ chức hội nghị những người viết trẻ lần thứ 3, trong số tác giả trẻ ấy, có khoảng chục cái tên đang trở nên quen thuộc với bạn đọc như Quốc Sinh, Quỳnh Hoa, Thanh Tuyền, Mai Trâm, Lam Hạnh, Trần Khánh Linh... Nói thêm một chút về Trần Khánh Linh, cô bé này chính là con gái của Lê Khánh Mai, viết văn, mới được Tạp chí Văn Nghệ Quân đội mời dự trại sáng tác nhưng mà rất hiện đại, có xe con tự lái, là giám đốc doanh nghiệp. Có lần tôi là trại viên còn Lê Khánh Mai là khách mời của trại sáng tác công an được đi tham quan Buôn Đôn. Chúng tôi đi xe tập thể hai bốn chỗ, Trần Khánh Linh một mình một ô tô 4 chỗ... áp tải, thi thoảng lại véo von điện thoại nói chuyện với mẹ. Tối ấy khi các bác nhà văn mệt nghỉ thì Linh tụ tập với Lê Vĩnh Tài, Nie Thanh Mai, Đinh Thị Như Thúy... Hôm sau lại chạy xe một mình áp tải mẹ về... Nhưng chưa hết, Khánh Hòa còn có một câu lạc bộ sáng tác nữ rất mạnh cũng do Lê Khánh Mai làm chủ, nhà thơ Phạm Dạ Thủy làm phó, ngoài ra còn nhà văn Vân Hạ trợ lý. Cái câu lạc bộ này đã từng rồng rắn bìu díu nhau đi tham quan, giao lưu khắp nơi, và đi đến đâu thì không chỉ có tác phẩm mà có cả thương, cả nhớ... để lại.

Có lần Lê Khánh Mai dẫn đầu một đoàn tác giả câu lạc bộ sáng tác văn học nữ đi giao lưu kết bạn ở Huế. Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế có một dãy nhà cấp 4 bỏ không trên con đường đẹp nhất thành phố Huế là đường Lê Lợi. Ông nhà thơ Chủ tịch Hội khi ấy là Võ Quê cho dọn dẹp lại, mua chiếu chăn, ấm nấu nước nóng (vì đang mùa đông xứ Huế), xô chậu và các thứ vật dụng khác cho chị em ở. Chị em đi thăm Huế, chơi Huế, ngắm Huế, lòng vòng Huế đã đời rồi cũng phải chia tay. Bịn rịn đưa nhau ra ga Huế, các văn nhân xứ Huế và nữ sĩ Trầm hương cứ nhìn nhau rưng rưng. Rồi bỗng nhiên một người bật khóc, kéo theo mấy người nữa. Thế là nước mắt hòa nước mưa, nước mưa kéo dài nước mắt. Mà mưa Huế thì... vĩ đại lắm, tê buốt lắm, nhức nhối lắm, đau thương lắm. Trời ạ, chuyến này về mà thơ phú không hay mới là lạ, mới là... phí cái sự lặn lội giao lưu phối hợp ấy. Sau đấy tôi thấy hình như ông nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch, tổng biên tập Sông Hương dành nguyên một số cho tác phẩm của cuộc giao lưu này. Cái câu lạc bộ văn học nữ Khánh Hòa do Lê Khánh Mai lãnh đạo ấy còn tổ chức được rất nhiều chuyến đi như thế. Nói tếu táo cho vui chứ thời buổi này mà tổ chức được các chuyến đi nào có dễ dàng gì. Bứt ra được dăm bảy ngày để đi đã là rất khó, huống gì tổ chức cho cả chục, vài chục người, mà lại toàn đàn bà với hàng núi việc nhà, mà trong ấy tôi biết có nhiều bà là chủ doanh nghiệp. Ngay ở cái Hội mà tôi đang tòng sự, mỗi năm tổ chức một hai cái trại sáng tác mà phải đi "bắt" người như bắt... phu, như thời ông Nguyễn Công Hoan bắt đi xem bóng đá. Đơn giản vì ai cũng có công việc của mình nên cứ được người này thì mất người kia.

Nha Trang có một cái Nhà sáng tác của Bộ văn hóa nên hầu như không tháng nào là Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa không có khách, ấy là các đoàn văn nghệ sĩ đi dự trại sáng tác rồi ghé thăm. Nó có cái lợi là không cần đi trại mà cũng vẫn như đi trại, tự nhiên không khí sáng tác cứ tràn ngập quanh mình, tự nhiên văn nhân tài tử bốn phương cứ tụ tập về với mình, tự nhiên bài vở cứ về với Tạp chí mình, và địa phương mình luôn luôn có cái oai là không dưng mà người ta viết về mình. Thế nên cái sự mệt mỏi nếu có khi bị... quấy rầy, khi bị mất thời gian tiếp khách cũng coi như là sự... hy sinh cho văn chương thôi. Hầu hết các trại đến thì đều... giao lưu. Và người cầm chịch giao lưu tất nhiên chủ yếu vẫn là Lê Khánh Mai. Người biết rồi không nói làm gì, người chưa biết, nghe nói ở nơi ấy có một nhà thơ nữ làm chủ tịch hội mà cái tên lại trẻ trung thế thì đều háo hức muốn gặp mặt, muốn nghé qua cho thỏa nỗi tò mò tưởng tượng và cả ngưỡng mộ. Mà tôi thấy các bà chủ tịch có nhà sáng tác đặt trên đất mình đều hiếu khách như bà Tạ Thu Yên ở Vĩnh Phúc và bà Lê Khánh Mai ở Nha Trang. Chả biết sau lưng thì có nhăn nhó vì bị hao hụt thời gian và cả tiền bạc không chứ trước mặt thì niềm nở hân hoan lắm.

Tất nhiên là khổ rồi. Đàn ông làm văn chương còn rên như sấm huống gì đàn bà. Nhưng như Lê Khánh Mai thì có thể coi như là... sướng, ít nhất là lúc này. Con cái phương trưởng, có gien của bố mẹ nhưng vẫn để dành một nửa kinh doanh. Của nả thì 7 đầu sách (và đang còn nữa) với mấy giải thưởng cả địa phương lẫn trung ương làm vốn thì cũng không phải là "bèo" lắm. Nỗi buồn rồi sẽ qua đi, phía trước là đang bộn bề bao việc mà trước mắt là lo ngày 8/3 cho chị em...

Thì cũng nhân đây, nhờ Văn Nghệ trẻ cho tôi ngỏ lời trân trọng của mình đến tất cả một nửa nhân loại thân yêu của chúng ta...

Nguồn: SCLonline

Thứ Năm, 30 tháng 10, 2008

Bài Nguyễn Lệ Uyên

Thương người không thể cầm trong tay
Nguyễn Lệ Uyên


Một chút kỷ niệm…

Từ Láng Me, Lê Văn Trung gọi điện, e-mail báo tin Từ Thế Mộng qua đời. Dù đã biết trước, nhưng vẫn cứ đột ngột, vẫn chút sững sờ, thảng thốt. Một người bạn văn nữa lại từ biệt chúng ta để bay vào miền vĩnh hằng, vào cõi vô hình tướng, có và không.

Và một chút kỷ niệm nhỏ ùa đến: biết và quen anh khi tôi, Nguyễn Phương Loan và HĐHQ làm tờ Sóng ở Tuy Hoà. Anh đến với chúng tôi không phải chỉ bằng những bài thơ góp sức (mà đều đều gặp nhau mỗi khi có phép, lúc đó anh là sĩ quan Trung đoàn 47 BB đóng tại Phú Yên) cùng với Y Uyên, Đỗ Tiến Đức, Lôi Tam, Phương Tấn, Luân Hoán, Cung Tích Biền… Cuối năm 1970, từ Cần Thơ ghé Phan Rí thăm anh em trước khi về quê ăn Tết. Gặp đủ cả: Tư Đình, Phạm Cao Hoàng, Huỳnh Hữu Võ, Nguyễn Lê Tuân. Lại rủ nhau xuống tận Liên Hương tìm Tô Duy Thạch. Tư Đình đèo tôi bằng chiếc 67 màu đỏ, chỉ cho tôi cầu sông Luỹ trong thơ NBS, chỉ cho tôi chân núi Tà Dôn, nơi Y Uyên ngã xuống, chỉ ngả ba Duồn với công nương Bạch trong thơ Phạm Cao Hoàng Những đêm thức trắng với rượu khan khoa ngôn vá trời lấp biển bằng chữ nghĩa. Rồi chia tay. Sau đó chiến tranh ngày càng khốc liệt. Thư từ thưa thớt. Đến ngày chia lìa tan tác, ăn bo bo, củ mì, cầm tem phiếu chen lấn để mua kỳ được lạng thịt bầy nhầy về cho con đã hết hơi sức, bảo sao còn nhớ đến ai?

Lần gặp thứ ba là khi tôi và Mang Viên Long vào SG nhờ người đắp lại 2 lỗ tai trên tượng đồng Y Uyên (theo yêu cầu của thân hữu TQBT). Xe đến Phan Thiết đúng 12 giờ khuya. Hai anh em nằm dài dưới chân tượng Trần Hưng Đạo bên sông Cà Ty chờ sáng. 3 rưỡi lội bộ qua đã thấy anh ngồi viết sau ô cửa sổ mở toang. Nghe tiếng tôi gọi cổng, bộ ria cá trê của anh vểnh ngược mừng rỡ, vội vã gọi NBS. Kéo nhau ra biển uống cà phê nhìn mặt trời đỏ ối nhô lên đầu chân biển xanh. Nguyễn Như Mây đọc thơ, anh nói chuyện tếu, đọc thơ tếu. Lại kéo nhau ra bờ sông Cà Ty ăn ốc, uống rượu bông phèng chuyện văn chương và chia tay.

Và lần cuối cùng là sau tết Đinh Hợi này, từ SG ra. Mờ sáng sớm tôi gõ cửa. Anh đón tôi nơi phòng khách. Tôi dìu anh ra ngồi nơi hiên thềm để anh có thể dõi nhìn về hướng biển, để: “Anh xí được/ màu áo đỏ và con mắt em liếc/ em chưa tắm/ anh trăm năm đã đầy”. Da anh ngã sang vàng chứ không còn màu đồng sáng trước kia. Tôi lo sợ vu vơ, thì anh lại trấn an: moi có đứa học trò là vợ docteur Trần Đông A. Toi không lo. Y nói không sao. Đấy là anh trấn an tôi, rồi quay sang nói chuyện tiếu lâm, làm như thân thể anh không bị hề hấn gì. Nửa tháng trước khi anh mất, tôi gọi điện nhiều lần, nhưng không ai bắt máy. Tôi biết tình hình chắc xấu lắm rồi… cho đến khi nghe Lê Văn Trung báo tin.

Một đời thơ

Tôi đánh stencil bài thơ anh cho tạp chí Sóng số 2. Hơn nửa thế kỷ. Chỉ còn nhớ lõm bõm câu thơ rất ngộ (thời đó): Ước chi là chiếc cặp da/ để em ôm siết nõn nà tay nương. Cái cách anh dắt nõn nà tay nương vào thơ cứ ám ảnh tôi mãi cho đến lúc đọc Ngà Cánh Tay Nương của anh sau này. Không được gần anh nhiều lắm để hiểu về niềm hạnh phúc gia đình tròn đầy của anh, về tuổi thơ khốn khó của anh, về mối tình đẹp như mơ sau này là nghĩa tào khang tấm mẳn, khi anh dạy học ở B’Lao, trông ngóng đến cuối tuần để về Phan Thiết đứng bên này đường nhìn sang nhà nàng thơ lòng. Cuộc đời và tấm lòng chân thật dường như anh mang cả vào những trang viết của mình. Tập văn Dáng Mẹ Trăm Chiều (nxb Thanh Niên, 6.2003) là những lời thầm thì hiếu nghĩa với người mẹ nghèo khó luôn chăm sóc con cái, mong chúng nên người.

Đọc các truyện Tiếng Roi, Dáng Mẹ Trăm Chiều, Tiếng Guốc Đêm… có lẽ anh không dụng công làm văn chương mà, mượn văn chương như một cái cớ để tuôn hết nỗi lòng của mình về người Mẹ anh hằng luôn kính trọng, biết ơn; cùng tuổi thơ cơ cực của mình. Lúc nhận được sách tặng, tôi đọc vèo trong buổi sáng, gọi anh : “Tôi nghĩ, tập văn này có thể xếp vào loại sách quốc văn giáo khoa thư, rất bổ ích cho thế hệ trẻ hôm nay”. Anh cười sảng khoái trong máy “toi cho moi lên mây rồi đó. Moi viết trước hết là để tạ lỗi với mẹ, sau là cho các con moi”. Và suốt cả trang văn, hình bóng người mẹ của anh luôn thấp thoáng trên bóng chữ bời bời cảm xúc; “Má lầm lũi nuôi con, cánh xoè khói súng. Không phải một lần, mà biết bao nhiêu lần như vậy, má lao vào cõi tơi bời đó, không chần chừ, e ngại. Má kiệt sức!... Má như trườn, như lết, chịu tủi, chịu nhục… chỉ để ra Nha Trang thăm em” (sđd, trg 8) .

Dường như sự dàn trải nỗi lòng trên trang văn chưa đủ, anh viết tiếp Trường Ca Má Thương Yêu (Hội VN Bình Thuận xb 2005) để tạ ơn tấm lòng người mẹ cao cả, một đời hy sinh cho đàn con: “Má đi củi rừng dương/ Mỗi ngày hai buổi/ Rừng dương xa, lòng má thêm xa” (sđd, trg 44), và: “ Má trên đầu con dập dồn hơi thở rối/ Vuốt tóc con gầy một Má xanh xao/ Má run rẩy trong tay con/ tóc Má đã thưa nhiều/ Ô Má, sao con cầm nước mắt!” (sđd trg 109). Khép lại tập trường ca, anh đặt chỉ một câu, nhưng trang trọng, trên bệ thờ tâm khảm: “Má thương yêu, dẫu mất cũng như còn!”, cũng chỉ vì: “Mẹ xưa vốn ở trên trời/ Thương con mẹ xuống làm người trần gian”.

Trên một trăm trang là một cõi lòng riêng, chân thành nghiêng trọn về người má thương yêu, suốt đời hy sinh vì con. Má của anh luôn sáng rực rỡ trong mắt anh, từ thuở ấu thơ kéo tận mãi bây giờ! Cả ngàn câu thơ ấy là những thầm thì tự vấn, phơi bày cuộc đời đầy nước mắt và niềm hạnh phúc nhỏ bé mà rực rỡ đến vô cùng, như khối mặt trời nhô lên khỏi biển xanh mỗi sáng anh nhìn ngắm.

Và những khổ luỵ

Rất nhiều người giả danh chân tánh nhà tu để lừa phỉnh cõi nhân gian làm điều không đẹp. Riêng Tư Đình, không hề giả danh thánh hiền, Phật Chúa… không vẽ vời, hí ngôn, lộng ngữ trong thơ ca. Ngoài đời thường anh vẫn nói: “Tính moi rất mê gái. Hễ thấy gái đẹp là mắt sáng rỡ lên!”. Điều này anh không hề giấu giếm, mà còn tương ngay trên bìa 4 tập Lẽo Đẽo Một Phương Quỳ (Thư Ấn Quán xb tại Hoa Kỳ 2002): “…Bạn bè thường gọi thân mật là Tư Đình. Tính rất mê gái, thấy gái đẹp là mắt sáng rỡ…”. Có điều, chớ có tin vào những gì Tư Đình tuyên bố. Bỡi anh luôn là người chồng, người cha, người anh em rất mẫu mực. Anh không hề có tánh mê gái loại nhân vật truyện tàu Tây Môn Khánh. Thuộc tính mê gái của anh = chiêm ngưỡng vẻ đẹp => sử dụng ngôn ngữ chấm phá những bức tranh “thuỷ mặc”. Ở đó có biển xanh, áo đỏ, gót chân hồng, mắt biếc, môi thơm cùng những vệt cát hằn lõm dấu chân em…

Vẻ đẹp ấy, trong thơ anh cứ như ca dao, như một bông hoa dại rung rinh bên ao nước ruộng mùa khô. Rất mộc mạc và đơn sơ. Không hoa mỹ, trau chuốt, dụng công. Chẳng hạn:

Nhiều râu cho mặt bớt đù

tóc thưa từ độ mê thu võ vàng

mắt to to đến mơ màng

ai xui em tắm để quàng xiên tôi?

(Và tôi, LĐMPQ, trg 41)

Và biển được anh ngắm nhìn rồi đồng hoá thành Em:

Biển trắng muốt em

hây hây màu gái

tháng giêng đã kề

em bất chợt cong mùa xuân mềm mại (Bất chợt em. Sđd, trg 42)

Đó mới chỉ là cái nhìn của chàng thi sĩ mê gái, nhìn biển cũng thành em, nhìn tàu lá dừa phơ phất cũng thành suối tóc em “…Quấn một đời anh muộn màng” ?

Anh nhìn đồi cao, biển rộng thảy đều nhấp nhô hình hài thiếu nữ, chỉ thiếu chút nữa là đụng tới Nguyễn Đức Sơn Em chưa đái mà hồn anh đã ướt. Tư Đình không thế. Anh không đẩy ngôn ngữ tới chỗ đỉnh điểm tận cùng cảm xúc; chỉ lưng lửng dẫn đường, cảm nhận lưng lửng, dường như để “khiêu khích” người đọc:

Tà Dôn/ có gái ngủ ngày/ ngực non tơ/ nhú/ xanh đầy áo hoa/ Bồi hồi/ Thương Chánh bay mưa/ mưa không ướt/ ướt nơi vừa/ ướt em!

(Quê nhà lẩn thẩn, Sđd, trg 65).

Làm thơmê gái là hai mệnh đề song hành trong suốt cuộc nhàn du của Tư Đình: thấy gái là mắt chớp, râu rung để sau đó bật ra ngôn ngữ thơ đến vô cùng hồn nhiên, vô cùng dễ thương, được anh dàn kín khắp tập Thơ Từ Thế Mộng (nxb Văn Nghệ, 2007). Bắt đầu là: Mê làm thơ còn hơn mê gái/ Nên gái hành đeo mãi mấy mươi năm. Và, với cách nói như vậy, với anh Thơ <=> Gái, cả hai cứ hiển hiện lung linh, giang đôi cánh bay tận tít trời cao mây trắng:

Biển đang xanh

bổng dưng vàng rực đến

em bổng dưng vàng

áo mỏng manh

(…)Gót chân son

em qua triền cát lún

sao dấu chân

in tận trái tim mình!

(Biển màu hoa vàng, sđd, trg 37)

Vẻ đẹp thuần khiết non tơ xuân nữ đã đẩy anh lao trượt vào cõi mông huyền giữa hai bờ hư thực, có không. Lao đi mà không hề ngoái lại. Lao hết vào em để giắt vào lưng chiếc gương em:

Bao nhiêu vẻ sáng đều nghiêng hết về phương em

khi anh quay lại bắt gặp mắt em nhìn

anh lận vào lưng

làm chiếc gương soi…

(Chiếc gương soi, sđd, trg 39)

Có lẽ, nói không ngoa rằng: trong Từ thế Mộng có một cõi mộng mị Tư Đình (cũng có thể là ngược lại). Mộng mị đến trong suốt vô lường, vô lượng:

Biết mình trên năm mươi

mới hay già chút ít

(…)Sáng ngửa người trong xanh

bơi một vòng thoả thích

có em và có anh

bơi hoài không biết mệt

(Khúc ca người yêu đời, sđd, trg 80)

Hay là:

Ban mai

Cõngáo hoa cà

ngó em anh ngó sa đà ngó em

(Cõng em ban mai, sđd, trg 125)

Cả đời Tư Đình là cuộc dạo chơi trong vắt em. Mê miết em. Hồn nhiên em. Anh nghiêng cả vì cái đẹp thánh thiện. Đến cả khi anh khóc người bạn trẻ vừa nằm xuống cũng trong veo như thế.

Còn bây giờ, chúng tôi, những người bạn nhỏ còn lại của anh đang khóc anh bằng chímh những câu thơ xưa cua anh ngày nào:

Mấy trùng sâu cách ngươi nằm xuống

Nora còn chùng bông cỏ may

Nora chùng lòng dăm đứa bạn

thương ngươi khôngthể cầm trong tay

Thương ngươi lũ bạn quây quần lại

Đánh phé vui ràn suốt cả đêm

vui quá nên vui tràn nước mắt

hồn buồn không thấy mộng Y Uyên!

(Thương người không thể cầm trong tay, sđd, trg 16)

Sài Gòn mùa Vu Lan, 2007

(theo vanchuongviet.org)

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2008

Thơ danh sĩ Đào Tấn

NHỮNG BÀI THƠ XUÂN
CỦA ĐÀO TẤN
(1845 – 1907)

Ông nguyên có tên là Đào Đăng Tấn, vì tránh quốc húy bỏ chữ Đăng, nên gọi gọn Đào Tấn. Ông sinh ngày 27 tháng 2 năm Ất Tỵ, tức ngày 3- 4- 1845, Thiệu Trị thứ 5. Quê quán tại làng Vinh Thạnh xã Phước Lộc huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định.

Đào Tấn, tự là Chỉ Thúc, hiệu là Mộng Mai và Tô Giang, biệt hiệu là Tiểu Linh Phong và Mai Tăng. Lúc nhỏ, ông được may mắn thọ giáo cụ Tú Nguyễn Diêu , người làng Nhơn Ân, nay là thôn Nhơn Ân xã Phước Thuận cùng huyện; không những được thầy dạy chữ để đi thi mà còn đào tạo thành một nhà soạn tuồng. Năm 19 tuổi, lúc còn học với thầy, ông soạn tuồng đầu tay Tân Dã Đồn , nổi tiếng từ ấy.

Năm 23 tuổi, ông đậu Cử nhân khoa Đinh Mão (1868). Năm 1871, Tự Đức thứ 24, ông được sơ bổ Điển tịch, sung vào Hiệu thư ở Nội các, tức hội nhà văn của triều đình, lo việc biên soạn và sáng tác, do vua Tự Đức làm chủ tọa.

Ông làm quan trải ba triều Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái; từ chức Điển tịch, hai lần Thừa Thiên phủ doãn, hai lần Tổng đốc An Tĩnh (Nghệ An – Hà Tĩnh), hai lần Thượng thư bộ Công sung Cơ mật viện Đại thần, tước Vinh Quang tử.

Ông thuộc nhóm cảm tình Cần Vương, lúc làm Thượng thư ở kinh, nghe tin Phan Đình Phùng mất (1896), ông làm thơ Khốc Phan Đình Nguyên và câu đối điếu. Lúc làm Tổng đốc An Tịnh lần thứ 2, nhân dịp khánh thành cầu sắt bắc qua sông Nhị Hà, ông cấp giấy thông hành cho Phan bội Châu ra bắc. Nhờ có giấy phép hợp lệ, ông Phan đến đồn Phồn Xương yết kiến Hoàng Hoa Thám và đi khắp xứ Bắc Kỳ tìm đồng chí. Lúc Phan Bội Châu xuất ngoại, ông làm thơ Ức Phan San (Nhớ Phan San). Ngoài ra ông có câu đối điếu Mai Xuân Thưởng, lãnh tụ Cần Vương tỉnh Bình Định.

Tác phẩm, ông có khoảng 40 kịch bản tuồng sáng tác hoặc nhuận sắc, những tuồng nổi tiếng như Vạn Bửu trình tường, Tân dã đồn, Cổ thành, Diễn võ đình, Hộ sanh đàn, Trầm hương các...
Thơ Hán văn có tập Tiên nghiêm Mộng Mai ngâm thảo.
Từ có tập Mộng Mai từ lục .
Văn có Linh Phong tự ký và Hí trường tùy bút.
Biểu và văn tế có Biểu tạ ơn khi nhận tước phong Vinh Quang tử và văn tế Tạ cầu mưa tại Đền Cồn Nghệ An.
Câu đối hiện còn 19 câu, trong đó có 3 câu đối điếu lãnh tụ, tướng lãnh Cần Vương.

Thơ ông làm trong dịp Nguyên Đán rất nhiều, dưới đây trích 6 bài trong tập Tiên nghiêm Mộng Mai ngâm thảo [1] và 2 bài trong tập Thơ và từ Đaò Tấn [2].

TRỪ TỊCH
Hồng sơn phong vũ cận hà như
Cầm kiếm nhân lai tuế hựu trừ
Đãi đáo minh triêu khan vạn vựng
Tình hòa thắng phủ vị xuân sơ.

(Tiên nghiêm Mộng Mai ngâm thảo)

ĐÊM CUỐI NĂM
Gió mưa mấy độ núi Hồng Lam
Đón khách gươm đàn đêm cuối năm
Chờ sáng nhìn xem muôn vật thử
Có hơn cái lúc chửa vào xuân.
(Việt Thao phụng dịch)

MẠN ĐỀ
Kỳ cựu thông thông khứ
Kỳ tân đắc đắc lai
Khả liên kỳ lộ thượng
Tương kiến hữu trần ai.
(Tiên nghiêm Mộng Mai ngâm thảo)

VIẾT TẢN MẠN
Cũ vừa gấp gấp qua
Mới đã mau mau lại
Thương nỗi đường ngã ba
Thấy nhau đều lấm bụi.
(Việt Thao phụng dịch)

TRỪ TỊCH QUAN THƯ NGẪU ĐẮC
Tuế lũ canh trừ, tập vị trừ
Dạ phân do kiểm án đầu thư
Mộ niên tỉnh sự thiên đam thử
Ưng tiếu quan trường hữu đố ngư.
(Thơ và từ Đào Tấn)

ĐÊM BA MƯƠI TẾT NHÂN
ĐỌC SÁCH VIẾT BÀI THƠ

Năm mãi đổi thay, thói chửa thay
Lật từng trang sách giữa đêm nay
Tuổi già ham đọc điều suy ngẫm
Cười chốn quan trường lắm mọt đây.

(Vũ Ngọc Liễn dịch)

TUẾ ĐÁN NGẪU THÀNH
Thuân tuần ngũ thập lục niên hoa
Dĩ tạp niên xuân bất tại gia
Tiếu ngã phù sinh như mãn bách
Dã ưng đề vịnh biến thiên nhai.

(Tiên nghiêm Mộng Mai ngâm thảo)

ĐẦU NĂM TÌNH CỜ VIẾT NÊN
Ngẫm đã năm mươi sáu tuổi rồi
Vắng nhà ba chục cái Xuân ơi!
Cười ta, nếu sống tròn trăm tuổi
Muốn chỉ thơ ngâm khắp nẻo trời.
(Việt Thao phụng dịch)

TUẾ ĐÁN THƯ HOÀI
Hựu thị Hồng Lam đệ kỷ xuân
Sơn hà y cựu, tuế hoa tân
Tọa thương huynh đệ giai thùy mộ
Hảo tương hưu trí tác nhàn nhân.

(Thơ và từ Đào Tấn)

ĐẦU NĂM TẢ NỖI LÒNG
Lam Hồng lại trải mấy năm rồi
Sông núi y xưa, năm mới thôi
Thương bấy anh em đều bóng xế
Ta mong hưu sớm sống yên nơi.
(Vũ Ngọc Liễn dịch)

TÂN SỬU TRỪ TỊCH
Liễu đắc nhất niên sự
Đồng du tam nhật xuân
Trúc phù khan phóng hạ
Thiên lự hựu tùy nhân

(Tiên nghiêm Mộng Mai ngâm thảo)

ĐÊM GIAO THỪA
NĂM TÂN SỬU (1901)

Xong việc một năm qua
Ngày xuân chỉ có ba
Tre nêu vừa hạ xuống
Lo lắng bám theo ta.

(Việt Thao phụng dịch)

NHÂM DẦN NGUYÊN ĐÁN THÍ BÚT
Nguyên chánh nhất nhật hảo tình hòa
Vạn vựng canh tân hỷ khí đa
Dục hướng Hồng Lam thông nhất vấn
Thập niên du khách ý như hà?

(Tiên nghiêm Mộng Mai ngâm thảo)

NGÀY ĐẦU NĂM
NHÂM DẦN (1902) THỬ BÚT
Nguyên Đán trời trong dịu ngọt ngào
Phong quang thay đổi đẹp thêm vào
Một lời muốn hỏi Hồng Lam nhé
Khách ở mười năm, đấy nghĩ sao?

(Việt Thao phụng dịch)

QUÍ MÃO TRỪ TỊCH THƯ HOÀI
Tuế hoa tự dịch thông thông vãng
Hương mộng tùy xuân nhiễm nhiễm qui
Tự tiếu phù sinh châu Giáp Tý [3]
Vị tri ngũ thập cửu niên phi.
(Tiên nghiêm Mộng Mai ngâm thảo)

TẢ NỖI LÒNG ĐÊM GIAO THỪA
TẾT QUÍ MÃO (1903)
Năm tháng trôi nhanh ngựa trạm qua
Xuân mang dìu dịu mộng quê nhà
Cười ta, nếu sống tròn sáu chục
Năm chín chưa hay những lỗi lầm.
(Việt Thao phụng dịch)

Thơ ông bàng bạc lòng nhân ái, nỗi nước, nỗi nhà, nỗi dân. Cuộc đời làm quan của ông lúc nào cũng nghĩ đến chuyện sớm về hưu và giữ lòng trong sạch. Nhất là trong những tuồng hát thấp thoáng hình tượng chiến sĩ Cần Vương, qua những câu hát nam để đời, vừa rất thơ vừa nóng bỏng thời sự:
Chút thân liều với cung dâu
Đố con lương mã biết đâu là nhà?

(tuồng Diễn Võ Đình)
hoặc
Lao xao sóng vỗ ngọn tùng
Gian nan là nợ anh hùng phải vay.

(tuồng Hộ sanh đàn)

ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG


GHI CHÚ:
[1] Tiên nghiêm Mộng Mai ngâm thảo là tập thơ do hai ái nữ của Đào Tấn là bà Trúc Tiên và Chi Tiên ký lục, bà Tịnh Ba phụng sao vào tháng chạp năm Giáp Thìn (1964), sưu tầm được 113 bài thơ của Đào Tấn, dày 236 trang.
[2] Thơ và từ Đào Tấn do nhóm biên soạn Vũ Ngọc Liễn chủ biên và Nguyễn Thanh Hiện, Tống Phước Hổ, Mạc Như Tòng cộng tác. Sách dày 284 trang, gồm 86 bài thơ và 24 bài từ của Đào Tấn, nhà xuất bản Văn Học ấn hành tại Hà Nội năm 1987.
[3] Châu Giáp Tý: Tròn đủ một vòng Giáp Tý, tức sáu mươi tuổi.

(theo cothommagazine.com)

Người bạn văn tài hoa bạc mệnh

Nhân giỗ đầu nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng
17.09.2008

Vậy là tròn một năm kể từ sớm đông ấy Nguyễn Xuân Hoàng giã biệt cõi trần khi Huế còn chìm trong sương giá. Chỉ vỏn vẹn 99 ngày gắn bó, nhưng anh là nỗi ray rứt giữa lúc Sông Hương đang ẩn hình những ngọn sóng... Lật giở hơn ngàn trang bản thảo của anh, mấy ai không giật mình trước sự cay cực đến xót xa để có được một đời văn bình dị?
Giỗ đầu, bạn bè và đồng nghiệp Xuân Hoàng đã cùng với Sông Hương thắp lên nén nhang tri ngộ...
(Nguyễn Khắc Thạch - Lê Văn Chương - Hoàng Diệp Lạc - T. E - Nguyễn Trương Khánh Thi - Đinh Thu - Ngàn Thương - Trần Hạ Tháp - Nhất Lâm)



Đọc tuyển tập Nguyễn Xuân Hoàng

NGUYỄN KHẮC THẠCH

Văn chương vốn vô mệnh nhưng người làm ra văn chương thì có mệnh nên nó vẫn phải chịu lụy phần. Nói văn là người hay người là văn cũng không khác khi ý niệm chúng ta vượt ra ngoài quan hệ tương thuộc giữa tâm và vật, giữa chủ thể và khách thể. Văn nghiệp của một nhà văn là sự tích hợp những chuỗi lâm sự biến cảm qua bút lực đời họ. Những đặc tính này khá rõ nét trong di cảo của một nhà văn đoản mệnh có tên là Nguyễn Xuân Hoàng.
Đoạn bút ở tuổi “tứ thập nhi bất hoặc”, cái tuổi độ chín của sự sáng tạo, anh vẫn kịp để lại hàng ngàn trang viết từ truyện ngắn, tản văn, tiểu luận đến thơ. Ở đấy, dù cái được biểu đạt phải biểu đạt dưới hình thức nào, nó vẫn thị hiện những đặc trưng thể loại riêng biệt theo nguyên tắc đồng đẳng qua sự “trình diễn” của cây bút này.

Đấy là sự trình diễn cái tôi cộng hưởng các khí cụ tri thức ở ba cấp độ bản năng (vô thức), lý trí (ý thức) và linh cảm (siêu thức). Nhà văn không thể viết nếu không có tri thức. Nhưng tri thức nhà văn, nói theo cách nói của Osho, phải là tri thức “lòng giếng”, chứ không thể tri thức “hồ chứa”. Mốt sính học hàm, học vị thời nay, số nhiều trí thức sa vào “tri thức hồ chứa”. Người ta múc từ ngoài vào, múc lẫn nhau, múc đầy sự tù đọng. Chỉ có lòng giếng là luôn luôn tự “đổi mới” mình qua sự đối lưu trong mạch nguồn tiềm linh minh triết.
Dù kinh nghiệm còn ít, vốn sống chưa nhiều nhưng khi tri giác nội tại được đánh thức bởi lòng chân thành dâng hiến, Hoàng đã chiêu dưỡng được đầy đủ những gì cần thiết cho hành trang nghệ thuật của mình. Văn Hoàng thanh thoát, bồng bềnh như sương khói, không bám víu, không dính mắc vào đâu. Đấy là thứ văn đạt ngưỡng “cái nhạt” theo quan niệm mĩ học truyền thống phương Đông. Nó lấy sự kín đáo để chưng diện. Đằng sau cái vẻ tẻ nhạt, lạnh lùng ấy hiện hữu một sức sống bền bỉ. Cái nhạt là cái thường tục, thường hằng không đối thủ, không tranh chấp. Khác với cái phi thường. Cái phi thường của ngày hôm nay sẽ là đêm trước của cái phi thường ngày hôm sau. Cái nhạt của văn chương dường như tương đồng với ý nghĩa cái nhạt của Đạo lão “Đạo mà nói ra thì nhạt và vô vị”. Văn Hoàng dù viết ở thể loại nào, đề tài nào cũng nhất quán trung trinh trong dòng biểu cảm nên nó “áp đặt” đối tượng tiếp nhận vào thế “khích tâm” hơn là “khích trí”. Lẽ thường, cái gì không khích trí thì cái đó không được đem ra đánh giá. Song, mặt nào đó của ý nghĩa tồn tại, cái không được đánh giá lại là cái luôn luôn được đánh giá. Đấy cũng là cách trình hiện của những tác phẩm nghệ thuật bàng bạc các phẩm chất mĩ học, triết học và tôn giáo.

Cho dù đến với cuộc đời này chỉ một khoảng ngắn ngủi nhưng Nguyễn Xuân Hoàng đã trải nghiệm hết thảy mọi khổ đau, hạnh phúc. Hạnh phúc của sự sẻ chia và sáng tạo, khổ đau của lòng quyến niệm và chia ly. Phẩm cách của Hoàng đồng khí với phẩm cách các nghệ sĩ lớn xứ Huế mà anh từng ngưỡng mộ như nhà thơ Phùng Quán, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ở họ đều có năng lực “ám thị” những người tâm giao một dòng tình cảm “tự kỷ” nên ai ai cũng thấy họ như là “thứ của riêng”. Khi biết sống vì mọi người thì đồng thời cũng được sống trong mọi người. Đó là chân lý qui ước và là thuộc tính của những người lớn hơn chính mình. Sự thực, Hoàng đã lớn hơn chính mình trên cả phương diện cuộc đời và tác phẩm.

Với sự tri cơ và tình tri ngộ, nhà xuất bản Thuận Hoá cho ra mắt bộ tuyển tác phẩm của Nguyễn Xuân Hoàng nhân ngày giỗ đầu của anh. Thật ý nghĩa, thật cảm động. Đây cũng là tâm nguyện của bằng hữu chi giao Nguyễn Duy Tờ, Lê Huỳnh Lâm, Đinh Thu, Trần Huyền Sâm, Minh Tự... Và, tôi là người có vinh dự được tôn lên hàng “trưởng lão” thay mặt anh em nói vài lời mào sách. Không nỡ và không thể chối từ sự tin cậy đó, tôi đã phải làm cái việc “ngôn giả bất tri”... N.K.T

Nguyễn Xuân Hoàng với người Huế ly hương

LÊ VĂN CHƯƠNG

N
ỗi lòng của những người tha hương, cuộc đời đôi khi chỉ biết an phận ở một chân trời góc biển nào đó, chẳng hẹn được ngày trở về nơi bật tiếng khóc đầu tiên, mảnh đất chôn nhau cắt rốn khi lọt lòng mẹ. Người Huế tha hương mấy ai không quay quắt mỗi khi nhớ về quê nhà. Nguyễn Xuân Hoàng đã vẽ lên bức tranh Huế thương như một liều thần dược xoa dịu nỗi nhớ của những người con xứ Huế mang kiếp ly hương.
Cây phượng vĩ bên cầu Trường Tiền, cội ngô đồng trong công viên Tứ Tượng, dòng Hương Giang với ngọn đèn chài lấp ló, màu tím Huế như thương nhớ ai trọn cả đời người mà không kịp chọn ngày trở về với đất kinh thành bốn mùa sương khói. Với những hình ảnh đó, mấy ai không khỏi chạnh lòng khi đang phiêu bạt nơi đất khách, để rồi chơi vơi như màu tím buồn hoang dại của cánh hoa lục bình trôi dạt. Xuân Hoàng là kẻ đồng hành, bạn tri âm, buồn vui với những người con đất Huế thiếu vắng hình bóng quê nhà.
Tôi đọc Hương mùa thu, Cỏ hoa xứ Huế như được đi chân trần êm ả trên cỏ dại bờ sông Hương, mà nghe hoa ngũ sắc tỏa mùi hương thơm ngai ngái, được nhìn sắc màu sen hồ Tịnh... Đọc ngấu nghiến từng dòng như đứa trẻ được ăn vật lạ thật ngon, lại sợ mau hết. Cảm ơn, cảm ơn thật nhiều; Hoàng đã đưa những người con xứ Huế mang kiếp ly hương về với cánh mai gầy Phu Văn Lâu, với màu phượng vĩ cháy lòng, cả phấn thông vàng Ngự Bình và tiếng vạc kêu đêm đông Vĩ Dạ.

Mang kiếp ly hương như tôi, Xuân Hoàng là tấm gương nhiệm màu, rọi lên những hình ảnh quê nhà bốn mùa u hoài những ai chưa kịp trở về nghe câu hát: “Bao kiếp giang hồ ly biệt thường tình, có ai nhớ ai nơi Hương Bình” (Đêm tàn bến Ngự - Văn Cao). Tôi dành một tình cảm đặc biệt cho Hoàng, hy vọng một ngày nào đó sẽ được gặp con người tài hoa này.
Một sáng mùa thu, Hoàng lặng lẽ đến vườn nhà tôi, một quán cafe cũng lặng lẽ lúc nắng sớm khi mưa chiều. Như đã quen thân từ kiếp nào, Hoàng với tôi trò chuyện suốt buổi sáng. Đêm ấy Hoàng uống rượu trong vườn nhà tôi với anh em nhà báo. Trong hơi men nghĩa tình, Hoàng đã hát bài “Đóa hoa vô thường” của Trịnh Công Sơn, đáp lại tôi hát bản “Nghe những tàn phai” và đi hợp âm la trưởng mà Hoàng thích.

Cuộc vui bao giờ cũng ngắn ngủi, Hoàng lên tàu về Huế lúc nửa đêm, để lại một dư âm, một chia sẻ trong tôi. Một đoạn trong tùy bút “Vườn Huế giữa lòng đất Quảng”, Hoàng viết cho tôi: “Huế trong anh là nỗi nhớ dai dẳng, buốt rứt. Những ngày nắng quái, những đêm gió mưa, những lúc khỏe mạnh và cả những lúc đau ốm... Huế thấm trong da thịt anh như tiếng gọi của con đò trên phá Tam Giang, tiếng trống trường làng một buổi sáng mai sương lạnh, và tiếng ru ầu ơi của bà mẹ Sịa ngày nào”.
Lúc chia tay, Hoàng hẹn mùa hoa sưa vàng sẽ trở lại thăm tôi, nhưng rồi Hoàng đành lỗi hẹn. Mùa xuân năm sau Hoàng lại về, sỏi đá nhà tôi như lao xao, mừng ngày Hoàng trở lại vườn xưa, nắng ấm mùa xuân như đang thăm hỏi Hoàng trên mái tóc bồng bềnh, trên đôi mắt đa cảm. Thế là chúng tôi bày cuộc vui mừng ngày hội ngộ. Như trong hơi men rượu có thơ, Hoàng viết tặng tôi bốn bài. Một khổ thơ trong bàì “Thư gửi Mecghi”:
Cái chết là hạnh phúc
Tình yêu là tâm hồn
Tham vọng là đau khổ
Bao cuộc đời vùi chôn

Dành một trang, Hoàng ghi thơ không đề, và viết hai câu cuối cùng:
Ta đi bỏ lại bên thềm vắng
Một đóa vô thường em hái không
?”
Lại thêm một lần chúng tôi chia tay trong lưu luyến. Hoàng sống và làm việc ở ngoài Huế, yêu từng chiếc lá ngọn cỏ của đất Thần kinh. Linh cảm cũng khiến xui cho Hoàng chọn một ngôi vườn Huế giữa lòng đất Quảng nói lên lời chia tay cuối cùng, rồi Hoàng mãi mãi ra đi trong lặng lẽ.

Một sớm mùa đông 16/12/2006, nhận được điện thoại báo tin Hoàng đã mất, lòng tôi se lại qua những cơn gió mùa Đông Bắc buốt lạnh, cành lá hàng sưa cũng chập chờn lao xao, rồi từng chiếc lá rơi cuốn theo những cơn mưa mịt mù.
Thôi rồi! Bước chân Hoàng sẽ không bao giờ trở lại vườn xưa, mà lần này Hoàng đã nhẹ nhàng phiêu diêu, như Minh Tự nói: “Hoàng đi nhẹ nhàng như mây như gió”.
Ai tha hương không thấy mình cô quạnh, trong bước chân lữ thứ, nước mắt Trịnh Công Sơn cũng đã tuôn trào vì nỗi nhớ quê nhà:
“Rồi một ngày kia khăn gói đi xa / Tưởng rằng được quên thương nhớ nơi quê nhà / Lòng thật bình yên mà sao buồn thế / Giật mình nhìn tôi ngồi khóc bao giờ” (Bên đời hiu quạnh).
Hoàng rất yêu nhạc Trịnh, say mê hát bài “Như một lời chia tay”, Hoàng đã lấy câu “Những hẹn hò từ nay khép lại” làm tựa đề một tùy bút viết cho Trịnh Công Sơn và khép lại cho cả đời mình.
Nếu còn trên cõi đời này, Xuân Hoàng và Trịnh Công Sơn sẽ thật gần gũi nhau, vì “Cỏ hoa xứ Huế”, “Hương mùa thu” của Xuân Hoàng biết đâu sẽ làm dịu lại nỗi nhớ quê nhà của Trịnh nhạc sĩ trên bước đường đây đó.

Hoàng đã đốt cháy những cánh hoa phượng đỏ bập bùng, đã pha những giọt mực tím bằng lăng tuổi học trò, đã ngân nga tiếng chuông chùa Thiên Mụ cho khách ly hương, và cuối cùng Hoàng đã làm những giọt mưa xứ Huế ngậm ngùi rơi rơi trên hàng cây long não phố Đạm Tiên, khóc tiếc thương cho một đời người tài hoa bạc mệnh.
L.V.C

40 năm có khi là 80 năm ở cõi trần
HOÀNG DIỆP LẠC

Đ
ọc những trang bản thảo của Nguyễn Xuân Hoàng chợt thấy bài “Anh vẫn còn bên bạn bè”. Đó là bài viết của Hoàng sau một năm anh Thái Ngọc San từ giã cõi trần. Và mới đó lại sắp đến ngày giỗ đầu của Nguyễn Xuân Hoàng và Hoàng vẫn còn trong lòng anh em và bầu bạn. Câu thơ mà Hoàng thường đọc, thường hát vẫn văng vẳng bên tai với chất giọng Quảng Ngãi pha miền cao nguyên. Không biết Hoàng giờ này đang ở cõi nào, nhưng trong trần gian này vẫn còn lưu lại hơn ngàn trang viết của Hoàng. Văn là phần hồn của con người, vậy là Hoàng vẫn đang ở trần gian cùng với anh em, chỉ có điều Hoàng không viết nữa, viết mấy cho vừa, đem chữ của các nhà văn khắp thế giới ra sắp xếp trên bề mặt trái đất, có lẽ lấp đầy trái đất đến mấy ngàn lớp. Vậy mà trần gian vẫn không đổi thay. Vẫn chiến tranh, vẫn đố kị, thù hằn, nhỏ nhen,... chung quy lại con người vẫn THAM, SÂN, SI. Con người không đổi thay theo chiều hướng tốt mà lại đổi theo chiều xấu hơn. Như lời của văn hào Dostoievski từ thế kỷ XIX đã nói: “Cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới”. Và đến bây giờ, thế kỷ XXI, những trang văn của Hoàng rất đẹp, lấp lánh những giọt pha lê trong veo và với Hoàng những trang văn đó, trước tiên là cứu rỗi cho chính mình. Hoàng ơi, cuộc hành trình của một đời người cũng thật lạ lùng, từ cái ngày hai con người xa lạ làm nhiệm vụ của thượng đế, rồi đến lúc rời khỏi cơ thể của mẹ để chào đời, lúc đó chúng ta chưa có tên và chúng ta phát ra một thứ âm thanh mà những người tiền bối gọi là khóc. Sự có mặt của Hoàng ở trần gian này là hoàn toàn thụ động. Kể từ giây phút đó, không biết chúng ta đang chết dần dần hay đang sống. Vì suốt thời gian nằm trong bụng mẹ, chúng ta đều được thừa hưởng một năng lượng để phát triển mà chính mình hoàn toàn không biết, cũng như vậy, con người khi rời xa môi trường tha nhân đó, để rơi vào môi trường mới với đầy rẫy những cảm thọ, mà dù muốn hay không thì mọi người cũng phải lãnh nhận qua ngũ uẩn, qua lục căn, dần dà hình thành nên tập quán và một ngày nào đó, mỗi người lại tự hỏi “Ta là ai?”, là Xuân Hoàng, là Duy Tờ, là Đinh Thu, là Hạ Tháp,… và mỗi cái tên lại gắn với mỗi con người. Rồi Hoàng lớn lên bên dòng sông Vệ, mà Hoàng gọi là dòng sông Mẹ với bao kỷ niệm của tuổi thơ, bao nhiêu hình ảnh quê nhà để hình thành nên một Nguyễn Xuân Hoàng. Cũng kỳ lạ thay, Hoàng lại rời xa sông Mẹ, để đến với dòng Hương Giang thơ mộng mà Hoàng gọi là sông Cha (trong tùy bút Sông Mẹ sông Cha của Nguyễn Xuân Hoàng), dòng sông thứ hai đã níu giữ Hoàng cho đến giây phút cuối đời. Nơi dòng sông Cha, Hoàng đã trưởng thành và để lại cho đời thêm những cái tên Hạnh Lê, Hoàng Bình Thi, Nguyễn Vân Cù, Ngô Đồng Thuỷ,… và để lại gần 2000 trang văn lung linh chỉ ở tuổi 40. Những ngày bên nhau, Hoàng thường tâm sự, sau khi bé Nai, cu Thi trưởng thành, mình sẽ về quê sống với mẹ già và viết… Ai ngờ Hoàng lại một lần nữa rời dòng sông Cha, cũng như giây phút rời khỏi cơ thể của mẹ, bây giờ Hoàng lặng lẽ rời sông Hương, rời dòng sông trần gian đầy khổ lụy và không ai biết Hoàng đã đi đến đâu, đi đến với một bà mẹ mới, trong một hình hài khác, hay đi lên nước Thiên đàng, hay xuống Hoả ngục để làm phận sự của một bồ tát hay về với nước Cực Lạc và có thể Hoàng trở về với cái không của những tháng ngày Nguyễn Xuân Hoàng chưa xuất hiện trên mặt đất này. Dù sao Hoàng cũng đã xuất hiện 40 năm ở mặt đất này, và đã để lại những hình ảnh đẹp trong lòng anh em và bè bạn cùng với gần 2000 trang viết. Với tấm lòng chân tình của người bạn; anh Duy Tờ đã đảm nhận công việc in ấn những di cảo của Hoàng để lại. Vậy là, anh em đã chuyển giao cho anh Nguyễn Duy Tờ, giám đốc Nhà xuất bản Thuận Hóa những tập bản thảo hiện có để thực hiện một tuyển tập Nguyễn Xuân Hoàng khẳng khái, với những thể loại: truyện ngắn, bút ký chân dung Trịnh Công Sơn, bút ký, tuỳ bút, tản văn, phê bình,… và đặc biệt là phần cảm văn (phần này là những bài viết của Hoàng về những tác phẩm của đồng nghiệp mà anh Tờ gọi là cảm văn). Sau những tập tùy bút Hương mùa Thu, Cỏ hoa xứ Huế là đến Ký ức Quỳnh Hương mà người bạn thân Quý Dũng đỡ đầu và nay tập sách đã đến với bạn đọc. Như lời Hoàng từng nói, tập Ký ức Quỳnh Hương là tập cuối cùng của thể loại tuỳ bút, và Hoàng sẽ dừng viết tuỳ bút để chuyển sang tiểu thuyết. Còn nhớ những ngày gần Festival 2006 Hoàng cầm một cuốn Ký ức Quỳnh Hương, bản in vi tính tự đóng bìa để ra mắt cùng bè bạn thân thiết, trong ánh mắt Hoàng như muốn nói đã xong bổn phận với thể loại tùy bút. Xin được trích một đoạn văn của Nguyễn Xuân Hoàng trong bài viết về Thái Ngọc San.

“...Cũng hiếm có ai khi nằm xuống lại được yêu thương như Thái Ngọc San, anh có những người bạn tốt, chân thành đến mức cuộc đời phải ghen tị. Chưa làm thơ bao giờ, bỗng nhiên Thái Nguyên Hạnh lẩn thẩn làm thơ khóc bạn. Nguyễn Miên Thảo, Viêm Tịnh, Trần Thức, Nguyễn Văn Hoá,... có mặt thường xuyên để lo hậu sự cho bạn, như là các anh đang lo cho chính bản thân mình vậy. Có lẽ một tình bạn lớn thật sự, chính là ở chỗ khi có một người nằm xuống, khi cái hư vô len lỏi vào đời sống con người, và khi con người bất chợt ngộ ra một ngày nào đó mình mất đi một người bạn thân thiết nhất, một sự mất mát không thể đền bù...”.


Cũng như vậy, người nằm xuống như Hoàng càng rất hiếm. Khi Hoàng nằm xuống, ngoài gia đình và đồng nghiệp cùng cơ quan ở Đài TRT, Tạp chí Sông Hương, còn lại là những người bạn từ xa đến gần, những người bạn học thời phổ thông từ Quảng Ngãi xa xôi đã có mặt ở Huế, thầy Nguyễn Hữu Nam cũng có mặt, anh em công tác từ Hà Nội, Đà Lạt, Sài Gòn cũng tranh thủ về, anh em từ Quảng Nam, Đà Nẵng cũng ra với Hoàng, cùng anh em ở Huế người khóc kẻ cười như mất trí. Những người anh thế hệ trước cũng đến với Hoàng như: Trương Văn Thanh, Trần Vàng Sao, Nguyễn Khoa Điềm, Viêm Tịnh,... rồi hình ảnh cảm động nhất là một người bạn mù, một mình đến viếng hương hồn của Hoàng. Ngày đó xứ Huế mưa dầm dề, cả góc phố Nguyễn Trường Tộ đầy nước mắt và hoa, hoa từ mọi miền đất nước gửi về. Cuộc đời của Hoàng sống nhẹ như mây khói và ra đi nhẹ như khói mây. Bao nhiêu vui buồn cùng bạn bè, bao nhiêu lo toan chuyện áo cơm, nhưng với văn chương Hoàng rất trân quý. Một chữ của bạn cũng quý như một chữ của mình. Vậy đó, đến từ đâu không biết, sống hết mình với mọi người, ra đi lặng lẽ. Một đời người như vậy thì 40 năm ở trần gian có khi là 80 năm, mà những con số này có ý nghĩa gì chứ! Ai bảo Hoàng không thọ và xin được hỏi sống thế nào mới gọi là thọ?

H.D.L


Lửa tình (Viết cho anh)
T. E

Lửa phát ra ánh sáng, lửa sưởi ấm con người trong những ngày lạnh giá, lửa đem đến niềm vui bất tận và lửa cũng đem đến những đau đớn lạnh lùng khi lửa điên dại thiêu đốt thành tro mà nhân loại đã dày công tạo dựng.
Nhưng có một ngọn lửa mà không bao giờ phản lại lòng ta, đó là thứ lửa phát ra ánh sáng nồng ấm của tình yêu. Đó cũng là ánh sáng của dải Ngân hà và những ngôi sao hằng đêm rực cháy trên trời cao. Lửa từ đôi mắt đau đáu chờ mong của Ngưu Lang Chức Nữ, lửa của sự nhung nhớ ray rứt, lửa toả ra ánh sáng thiên đàng tình yêu.
Tôi gọi đó là lửa tình. Anh đã dành cho tôi quá nhiều ngọn lửa đam mê. Lửa tình của anh trong tôi không bao giờ tắt được. Lửa tình của anh đã cho tôi sự sống trong những tháng ngày đen tối đã qua. Lửa tình anh đã vực tôi dậy từ độ sâu thăm thẳm của nỗi buồn khủng khiếp thành niềm vui hạnh phúc đâu ngờ. Anh đã sống cùng tôi với lửa tình làm bừng lên đêm tối.
“Ở nơi tối tăm anh viết về ánh sáng
trong bóng đêm, anh nói chuyện mặt trời
câu văn cũ sáng rưng giữa cõi đời bệnh tật
tối tăm nào giết được cánh hoa rơi.”
Lửa tình của anh làm tôi không lạnh giá bao giờ, tôi không cô độc dù rằng anh đã rời xa cõi tạm. Tôi sẽ chờ anh, như anh đã chờ tôi, chờ như:
“Hàng cây đợi mùa Đông, bến sông chờ mùa Hạ
Ta chờ nhau mùa Thu, cho cây vàng rụng lá,
Hiu hắt đôi bàn tay
Ắp iu ngọn lửa hồng”.
Lửa tình của anh đã sưởi ấm cho tôi những ngày không gặp nhau:
“Yêu em anh tặng hoa tình ái
Nở cả những ngày ta thiếu nhau”.

Lửa tình trong anh không bao giờ tắt được, cho dù chân anh đau, ngồi một chỗ không gặp được tôi:
“Chân bệnh, không đưa người đi được
Đành đứng trông theo lối cỏ mòn
Hun hút đường xa, cơn gió lạnh
Tóc huyền, em xõa, giữa môi son”.
Anh ơi, tình anh làm sao em lạnh được. Anh đã viết cho em trong ngày sinh nhật, giờ đây em cầm tấm thiệp trên tay mà nước mắt trào dâng: “Em là lưu vật của đời anh. Em là dòng nước trong lành, anh vẫn uống hàng ngày. Em là không khí ban mai anh vẫn thở vào mỗi buổi sáng. Em là cô Tấm thảo hiền từ trái thị bước ra để cho anh gã nhà văn nghèo một ngọn lửa ấm nồng nàn. Ôi trong đêm tối, bóng đêm là mái tóc em u huyền, nơi cho linh hồn anh cư trú suốt cả một đời. Và những lúc phủ tóc em lên mặt mình, anh muốn nói một lời thì thầm chỉ có lòng anh nghe, chỉ có tim anh biết mà thôi: “Tóc kia ơi, sao mày xanh đến vậy”.

Anh ơi! Anh có biết rằng nếu cuộc sống hiện giờ đây mà em không có ký ức hoài niệm đẹp của những ngọn lửa tình mà anh đã dành cho em thì làm sao em sống nổi. Em đã khóc, vì nhớ anh, nhớ anh đến điên dại cả người. Em đau đớn khi sờ vào những kỷ vật mà anh đã tặng em. Những trái thông rơi, đã thôi không còn ai lượm nữa. Những bình hoa vắng những cánh hoa vàng mà em hằng thích mỗi khi anh mang về. Và chiếc lược kia vắng bàn tay sưởi ấm để vuốt tóc cho em. Chùm muối ra hoa, và bầy chim sẻ bay thôi không còn anh ngắm nữa, những bài thơ hay đang nằm im trên trang giấy bởi thiếu một linh hồn.

Nhớ anh, em đã đi những con đường nơi mình đã đi, như những ngày anh còn sống:
“Anh sẽ đi trên những con đường ngày xưa
có bóng chân em, nhạt nhoà bụi nắng,
Anh sẽ hôn lên đôi môi mình thầm lặng
hương ngọt ngào ngày cũ môi em”.
Anh ơi! Anh chỉ vắng em những ngày em đi xa, mà anh đã thấy bầu trời đã tắt, đêm tối bao trùm lên tất cả:
“Vắng em, ly cà phê đắng hơn mọi ngày
Đêm tối, tối hơn đêm tối
Anh cầm trên tay nỗi buồn tả tơi
Gương mặt em dịu hiền như gương mặt sông Hương
Chảy qua tim anh đau nhói
Ôi! Sao quá nhiều bóng tối
Những ngày vắng… Em”.

Thì giờ đây, em lặng lẽ một mình nhớ anh, chờ anh, mong anh, đợi anh về hàng đêm trong hoài niệm lửa tình. Tình yêu anh đã dành cho em như những ngọn lửa tình rực cháy, xoá tan đi mọi sự nhọc nhằn, xoá tan đi sự phân chia ngăn cách hai cõi trần này. Lửa tình của anh mãi mãi là linh hồn mà anh đã sưởi ấm cho em, để em không cô độc bao giờ. Bởi tình yêu là linh hồn, mà linh hồn là bất tử phải không anh?
Linh hồn của anh rực sáng trong tim em, như lửa tình anh đã dành cho em sự nồng nàn ấm áp yêu thương.
22/11/07
T.E



NGUYỄN TRƯƠNG KHÁNH THI


Những nụ cười

Gồm trăm nụ cười đỏ
Nụ cười thì mới bắt đầu
Nụ cười tươi tắn
Nụ cười tạm biệt con người...

Cả trăm nụ cười trên thế giới
Nụ cười của Ba cuối cùng!

Đêm Giáng sinh của Ba

Đêm giáng sinh năm kia
Trở lại một đêm buồn
Đêm giáng sinh của Ba
Chính là đêm mười sáu*

Con thấy một cỗ xe
Đang chở quà trong đó
Quà giáng sinh huyền ảo
Quà giáng sinh của Ba.

------------
(*) Ngày mất của ba Khánh Thi

ĐÀO ĐỨC TUẤN

Một bạn văn

Tĩnh lự bạn ngồi

mờ xa xóm nhỏ

Huế chiều đỏ dạ

chan chứa tài hoa - sức trẻ - nghiêng thành.

Vẫn biết mình bận tâm chi lắm

vẫn lựa chừng cái đẹp dẹp tan

vẫn đau rằng khi thốt “Hoàng ơi!”.

Vĩ Dạ tinh sương có chàng trai Quảng

thơ thẩn cõi người, bảng lảng dòng Hương

hãy nhớ đất này

từng có một tài văn mải mê - đắm đuối - cuộc đời!

ĐINH THU

Tưởng niệm Hoàng

Nửa đêm rót rượu giật mình
Từ hư vô bạn hiện hình bước sang
Cười xanh xao nụ võ vàng
Rung bút nhả chữ phút mang mang lòng
Bàn tay định mệnh thắt vòng
Cụng ly nhau giữa mơ mòng đêm đông
Biết là Sắc tức thị Không
Trần gian giữ được bóng hồng là xanh
Tài tình một đoá mong manh
Mùa xuân chết đứng trên nhành hoàng hoa
Lưỡi gươm oan nghiệt sáng loà
Chém vào ký ức mấy toà nhớ nhung
Gõ bàn hát giữa mê cung
Nhìn bạn mất hút ngàn trùng lỗ đen
Không trăng sao chẳng lửa đèn
Có chăng gió hú điệu kèn tiễn đưa
Một mình đẫm nước mắt mưa
Đất trời im tiếng ai thưa dậy hồn

NGÀN THƯƠNG


Như là giấc mộng

Những dòng văn tắt lịm
Tiễn Hoàng về chốn xa
Nghe lòng ai thương nhớ
Huế thâm trầm mưa sa

Chiều mùa đông bịn rịn
Vương dài trên hành lang
Bên dòng sông trong, đục
Buồn rơi xuống mênh mang

Nửa đời chưa đi hết
Bài văn điếu ngập ngừng
Miền
Cỏ lau tóc mẹ
Bỗng nhuốm màu rưng rưng...

TRẦN HẠ THÁP


Lập thể khói và mưa

vẫn còn mưa cho người ở lại
giọt dưới mái quê xa
chờ chín rụng quả vườn khô trước gió
khuôn mặt nhăn nheo trở giấc
quệt ngang vạt đêm
ướt sũng
những đứa trẻ mênh mông nhà mới
không thấy cầu thang nhiều dép
đỏ mắt bục cửa
với tay về phía câu thơ
đón đưa
ôm ngang lưng giấy trắng
hẻm núi phía trời chiều
trắng tràn ly mây bọt
thủ tục chào bàn
rót mời nhau
cỏ thay người nốc cạn
weekend không chủ nhật
chim sơn ca tổ đất
cầm chịch ngày từ đâu tới
tiếng hót vãi vào mây
rơi rụng lời Trịnh ca mọc dại
lấp cửa động hoa vàng
vô thanh
một kẻ nằm nghe thơ lục bát
rũ sạch mưa
từ nay thôi ướt áo
sóng Albert Camus bồng bềnh trán tóc
người khách lạ
đi rồi
nhổ neo gió Zorba phất phới
thuyền trôi trong biển đất
khắc khoải Nostradamus
mưa đục bia sấm ký
khản tiếng
sói đồng hoang
đong đưa lá mùa thảo nguyên tình tự

NHẤT LÂM

Dấu chấm

Em xa đầy năm ấy...
Ngợ ngờ đời chiêm bao
Hoàng trong tôi tươi rói
Đêm đông Huế đầy sao

Ngày em còn rất trẻ
Rong ruổi mùa lang thang
Ta tìm nhau quán nhỏ
Tài hoa lạc cung đàn

Một chiều thu quán Huế
Ga vàng lá bằng lăng
Tôi trở về hy vọng
Em lên tàu tuổi xanh1

Đã tiễn nhau nhiều bận
Đầy rượu sánh hoa tươi
Đâu ngờ lần tiễn ấy2

DẤU CHẤM một cuộc đời.

Huế đông 2007

(nguồn: TCSH số 226 - 12 - 2007)

---------------
(1) Hoàng đi dự Hội nghị những người viết văn trẻ
(2) Hoàng tiễn tôi đi trại viết Nha Trang, tháng 12/2006.

PHAM DUY hầu kí

  "HỌC NHƯ THỂ CHẲNG DÀI LÂU... " (Đọc Hồi ký Phạm Duy 2)    Tôi chưa định viết những dòng dưới đây trong vài bài ghi chép khi đọc...