Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

một người thơ miền trung

VĨ KHÚC NGUYỄN TRUNG BÌNH

Thế là rồi sách về Nguyễn Trung Bình, nhà thơ trẻ tài hoa bạc mệnh đã ra từ tấm lòng của bạn bè, đặc biệt là nhà thơ nhà báo Trần Tuấn. Phải nói Tuấn là người rất nhiệt tình với bạn bè, đặc biệt là những người sắp và đã khuất, mà trường hợp của Đặng Ngọc Khoa và Nguyễn Trung Bình là ví dụ mới rợi, vậy nên, ai muốn được Trần Tuấn quan tâm hơn nữa thì hãy... đi trước Tuấn.




Hai thông tin dưới đây, vừa là thông tin văn chương, bạn đọc yêu văn chương đọc thêm để hiểu tình bạn bè văn nghệ với nhau, còn ai quen biết Bình đọc nữa thì càng quý. Một là tường thuật lễ ra mắt tập sách của Bình tại tạp chí Sông Hương ngày hôm kia, và hai là bản... tổng hợp thu chi cuốn sách của Bình, một cách minh bạch theo lời nhờ của Trần Tuấn. Đọc danh sách ấy cũng ngẫm ra nhiều điều từ cái tình bạn học, bạn văn...
------------



Nguyễn Trung Bình, qua cái nhìn bè bạn
Trần Tuấn
... “Lâu lắm rồi, một lần ngồi uống rượu với tôi và Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Trung Bình đã hỏi tôi: bạn bè ở xa thì nhìn nhau qua cái gì? Tôi đáp: trường hợp mấy thằng mình thì nên nhìn nhau qua thơ.
Tôi nhìn bạn tôi, Nguyễn Trung Bình, qua thơ, một cách tin cậy. Đơn giản vì tôi biết Nguyễn Trung Bình là người trung thực với thơ. Bình sống nghĩa hiệp, bặm bụi, nhưng lãng đãng. Và thơ Bình y chang vậy. Tuyệt không có sự giữ ý, không có những thu vén nhỏ nhen trong thơ của Bình. Dường như chỉ có sự cuộn xiết của tình bạn và tình yêu, hai thứ tình cảm căn bản, trong sáng nhất của con người, là thắng thế trong thơ bạn tôi. Thế nhưng đọc kỹ vẫn thấy có gì đó rất cô đơn ở từng con chữ của Bình. Cái hương vị cô đơn phảng phất qua hình ảnh, qua ý nghĩ, qua nhịp trầm nhát gừng của thơ. Cảm tưởng như ngay cả khi hứng khởi về hạnh phúc dâng cao nhất, cô đơn vẫn lẳng lặng tỏa hương trong Nguyễn Trung Bình.
Thượng đế cho các nhà thơ cảm hứng để có cơ hội nhìn mặt sự vĩnh cửu, nhưng bù lại, ông ta lấy đi sức khỏe và tuổi thọ của họ.
Đôi khi đem thơ của Bình ra đọc và thấy Bình đang ở bên cạnh mình, dù bạn đã quá xa...”
Nhà thơ Nguyễn Bình Phương, người bạn chí thân của Bình (người cũng có một cái tên với Bình như cặp bài trùng số học) đã viết như vậy, khi hay tin bạn mình ra đi. Tác giả của “Những đứa trẻ chết già”, “Trí nhớ suy tàn” đã nhận chân chính xác GIỌNG thơ bạn mình chỉ bằng 3 từ: Tình bạn – Tình yêu và sự Cô đơn. Chúng ta có thể thấy điều đó từ những bài thơ đầu tiên, cho đến bài thơ cuối cùng của Bình.
Về tính cách con người Nguyễn Trung Bình hệ lụy đến thơ của anh, Lê Trung Việt, cựu sinh viên Huế sau Bình mấy khóa, cùng đồng hương Duy Xuyên, cùng ở dãy ký túc xá 27 Nguyễn Huệ - Huế thời ấy (nay đang làm báo, làm văn ở Quảng Nam), kể: “Tôi nhớ hoài đêm đó ở ký túc xá, Bình ở đâu về, máu me đầy người. Bạn bè trong phòng hoảng hốt. Truy ra mới biết anh yêu chị Khuê khoa ngoại ngữ nhưng chị không đáp lại. Buồn quá, anh cắt ngón tay. Bài thơ “Em là con chim bé nhỏ” ra đời từ đó. Đây có thể là trò nông nổi, nhưng với những người như Bình, nó đã lộ ra một đường dẫn về sự va đập tổn thương tâm lý”. Từ chuyện này, Việt rút ra một điều: “Nguyễn Trung Bình đã chọn cho mình một cách sống khác là dấn thân làm điều mình thích. Theo tôi biết thời trung học, Bình là người cẩn nghiêm, cũng hội hè đoàn thể nền nếp, nhưng vào đại học là khác ngay. Môi trường đó đã xô anh vào một phương trời khác, khi những phát hiện về sự vô lý trong cõi sống buộc anh phải đối diện và trả lời”.
Phùng Tấn Đông nhận thấy: “Ở ngoài đời và trong trang viết, Nguyễn Trung Bình là kẻ thường trực gây hấn, gây hấn với sự tầm thường, nhạt nhẽo, gây hấn với sự giả danh để tồn tại với sự mòn nhàm, gây hấn với những “huyền thoại” già cỗiNguyễn Trung Bình là người thèm đi “đôi giày gió” của Rimbaud, nhiều những dự định buôn bán kiếm tiền để được đi, được xê dịch như thời đi buôn mây ở rừng Nà Thao, Tiên Phước để viết “Cho đêm mưa núi”. Rốt “tiền mất tật mang”, lãi chăng là nỗi buồn dằng dặc”.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhớ lại: “Trong nhiều bạn bè anh em của tôi ở xứ Quảng, có hai người mang cái tên khác lạ đáng nhớ. Đó là Nguyễn Trung Bình và Trương Duy Nhất. Khi lần đầu tiên tôi bước lên bục giảng Văn khoa Đại học Tổng hợp Huế thì Duy Nhất K7 đã ra trường, còn Trung Bình K11 đang học. Tôi biết Bình từ đấy. Thực tình tôi không phải đi dạy đúng nghĩa, chỉ là nhân có chuyến công tác qua Huế dừng chân nên anh em giảng viên trong khoa Văn mời lên trò chuyện, trao đổi một hai buổi cùng sinh viên về các vấn đề thời sự văn học, như là một kiểu ngoại khóa. Hay đi cùng các thầy Hồ Thế Hà, Phạm Phú Phong là những bạn chơi, bạn nhậu của tôi, nên với tôi Bình và một vài bạn khác cùng lứa nhanh chóng trở thành quen biết. Trước còn xưng thầy trò, sau ra là anh em… Trở lại chuyện của Bình và phim Xích lô (1995). Vẫn ở căn phòng 9 mét vuông của tôi tại 20 Lý Thái Tổ (Hà Nội), Bình đã dẫn Trần Anh Hùng và Lương Triều Vỹ đến. Hùng-Bình-Vỹ ngồi trên chiếc giường đôi choán gần hết diện tích nhỏ hẹp căn phòng, thả chân xuống sàn, tôi ngồi trên một chiếc ghế tựa, chúng tôi nói lan man mọi chuyện. Sau đó là những tháng ngày bận rộn tất bật của Bình cùng với đoàn làm phim. Bình tham gia viết lời thoại cho kịch bản của Hùng và đã đưa kịch bản tôi đọc. Sau này khi phim công chiếu và đoạt giải Sư tử vàng ở Liên hoan phim Venise (Italia). Gần đây, một vài cán bộ an ninh văn hóa mới lên tiếng về việc ai đã cản trở và ngăn cấm phát hành phim Xích lô, một tác phẩm điện ảnh duy nhất của Việt Nam được giải chính thức cao nhất tại một liên hoan phim quốc tế tính cho đến nay”.
Nhà phê bình văn học Phạm Phú Phong – người thầy của Bình, kể về những “tài lẻ” của Bình: “Khi tình cờ xem chương trình Quảng Nam - Hành trình di sản trực tiếp trên trên truyền hình VTV1, vợ tôi xem cho đến hết, để có cái nhìn so sánh với chương trình festival Huế, cuối chương trình thấy xuất hiện màn ca múa bài Những đứa trẻ dáng nâu và tổng đạo diễn là Nguyễn Trung Bình. “Huế nhiều nhân tài như thế - vợ tôi nhận xét - mà đợt festival nào cũng phải mời Nghệ sĩ nhân dân Phạm Thị Thành hoặc một nhân vật tầm cỡ tương đương làm tổng đạo diễn, còn ở quê anh, chỉ cần cậu học trò Nguyễn Trung Bình của anh là đủ (tôi cười hết cỡ vòm miệng một cách sung sướng, nhưng kịp nghe hết câu cuối lại thấy tủi thân). Em nghĩ, đời người chỉ cần một lần đóng góp cho quê hương như Bình là đủ. Anh xem, anh đã làm được như Bình chưa ?”...
Về những ngày tháng cuối đời, thầy Phạm Phú Phong không quên một kỷ niệm: “Câu chuyện bên ly bia đang mặn mòi như thế mà dường như Bình chẳng hề để ý. Bình vốn là người cũng thích nhấm nháp quá khứ lắm, nhưng lần này dường như lúc nào cũng vội vã, như muốn lao về phía tương lai. Chưa uống được bao nhiêu chai, Bình đưa sáng kiến thuê taxi đi Quảng Trị chơi, thế là gửi xe máy lại cho quán, ba thầy trò nhảy taxi dông ra Quảng Trị, một cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng, Bình đọc nhiều thơ của mình kèm với lời Bình tếu táo của Nguyễn Xớn, mãi đến chiều hôm sau mới trở về lại Huế. Tôi không ngờ đó lại là chuyến đi Huế và Quảng Trị cuối cùng của Bình. Anh bị bệnh gan đã giai đoạn cuối nhưng giấu tôi”.
Cuộc đời nhiều biến động, đầy xô dạt và ngắn ngủi của Nguyễn Trung Bình đã khắc sâu ấn chứng lên thơ anh. Phạm Xuân Nguyên nhận ra điều ấy: “Bình là người yêu thơ và có năng khiếu thơ. Trong Bình thơ tiềm ẩn và luôn đòi được bùng ra với sự đổi mới, cách tân. Theo chỗ tôi biết, ba nhà thơ được Bình quý trọng và học tập là Phùng Tấn Đông, Nguyễn Lương Ngọc và Nguyễn Bình Phương. Đông ở Hội An, Bình quen biết từ trước. Ngọc và Phương ở Hà Nội, Bình gặp sau, nhưng khi đã gặp rồi là “bám nhau” mật thiết. Mỗi lần ra Hà Nội, Bình đều luôn tìm gặp Ngọc và Phương. Thơ Bình buồn, buồn đến quạnh hiu, da diết. Nhưng thơ đó cũng sáng trong và đẹp, đẹp đến buồn bã”.
Thơ Nguyễn Trung Bình có 2 bước chuyển đặc biệt quan trọng. Những bước ngoặt ấy xảy ra vào thời điểm 2 lần Bình trực diện với cái chết. Lần thứ nhất, đó là sự ra đời của tập thơ “Bài của trẻ dáng nâu” - tập thơ riêng đầu tiên, cũng là tập thơ Bình nhìn thấy cuối cùng khi còn sống. Như nhà thơ Lý Đợi – một bạn thân của Bình, khẳng định: “Tháng 5-1996 tại TP.HCM, trong những ngày bệnh nặng, nằm viện, Nguyễn Trung Bình đã viết nên bài thơ quan trọng nhất đời mình và sau này in trong tập thơ cùng tên: Bài của trẻ dáng nâu (NXB Văn nghệ TP.HCM, 1996)”. Phạm Xuân Nguyên đánh giá: “Tập thơ riêng duy nhất của Bình khi còn sống, Bài của trẻ dáng nâu, là một tập thơ ấn tượng”. Cùng chung là nhận xét của nhà thơ Văn Công Hùng: “Thời Bình, tập Trẻ dáng nâu là một tập lạ. Thơ hồi ấy phần lớn là phẳng lặng, Bình nổi lên như một thi sĩ trẻ chịu khó cách tân, tìm tòi và lập ngôn hiện đại. Khi ấy nhắc đến thơ trẻ Việt Nam là có Nguyễn Trung Bình. Mà ngay bây giờ, khi ngồi đọc lại, thấy Bình cấu tứ và sử dụng hình ảnh từ thời ấy rất mới và tươi chữ. ...”.
Bước ngoặt dữ dội thứ 2, cũng là cuối cùng của đời Bình, là ngày tháng của những năm 2009, khi Bình trở lại bạo bệnh. Những ngày tháng cuối đời, Bình ào ạt viết trong tâm thế dữ dội, khác lạ, một loại thơ rất lạ, trần sì đô thị, đọc lên vừa nghe vị nhám sạm của lốc bụi đô thành, vừa có vị mặn của nước mắt cô độc. Mấy chục bài thơ Bình viết gấp ruổi trong những ngày cuối cùng đó, sau được NXB Lao Động – nơi Bình công tác – in cũng gấp gáp và hoàn thành chỉ vài ngày sau khi Bình mất. Tập thơ mang cái tên đơn giản “Thơ Nguyễn Trung Bình”.
Về tập thơ này, Phạm Phú Phong nhận xét: “Như một sự thúc giục của bản mệnh một người mang căn bệnh hiểm nghèo, lúc này thơ Bình luôn buông nhịp nhanh một cách vội vã, nhiều khi còn gián cách đảo nhịp một cách bất ngờ hoặc gấp gáp kéo nhau xếp hàng như hiện tượng domino trong những câu thơ xuôi không xuống hàng nhưng có gián cách: “không có gì xảy ra phố đang chảy vào ngày / ngày đang chảy vào phận người các kiểu / các kiểu đều chung một lối về là cái chết sao người ta cứ giành giật nó từng giây trông mà thương quá là thương (Phố ngày em đi). Câu thơ chạm vào cái chết như một lời tiên cảm với một thái độ chấp nhận và ít nhiều có sự thanh thản, đón chờ”.
Nhà thơ Trần Hữu Dũng – một thi sĩ tâm giao với Bình tại Sài Gòn suốt gần 16 năm, viết: “Những ngày cuối năm 2009, anh sống nội tâm, lặng lẽ của một người chất chứa quá nhiều tâm tư nặng trĩu về cuộc sống mà không biết chia sẻ cùng ai:
này thả/ nắp chai bật lên từ đổ vỡ/ làm gì có hải đăng chỉ đường cho con tàu anh/ lạc lối/ hãy bỏ lại / những con đường nhựa nóng/ nắng không đủ oi bức
mặt trời nung ánh mắt /va chạm/ vỡ / sóng lan về những phía xa ít đau và trắng rưng/rưng !…
(Khúc lặng)
Giọt nước mắt đàn ông rơi đau đớn, lì lợm, hệt như hồi chuông ngân hay giọt mưa đêm:

còn ai để nhớ / mưa như nước mắt đàn ông / rơi/ lì lợm…/ mưa không biết mình phải đi đâu mưa rơi vào / mắt nâu mưa rơi…(Khúc mưa)
Tập thơ nầy mang giọng điệu khác hẳn tập Bài của trẻ dáng nâu, sử dụng tối
đa thể thơ tự do, thơ văn xuôi, gần như dòng chảy độc thoại nội tâm đau đớn, báo báo hiệu cái chết sắp đến mà anh bình tĩnh đón nhận.
Đọc thơ vấp phải những lời tắc nghẽn, cơn mê đổ vỡ, giấc mơ bấn loạn như lạc vào mê cung sâu thẳm không dò lối ra. Toàn tập thơ là những dòng ý tưởng đan xen tạo nên bức tranh-hiện-thực-hỗn-độn-đa-sắc khiến người đọc bàng hoàng, đau đớn khôn nguôi”.
Nhà thơ Phùng Tấn Đông nhận ra: “Những câu thơ của Bình, kể cả những câu thơ của những nhân vật của Bình – trong lời thoại phim – đã chạm đến cái đẹp của sự hòa trộn trong tương phản giữa đớn đau và hoan lạc, thơ mộng và bẩn thỉu, sự thực và ảo tưởng, bản gốc và bản sao, ngẫu nhiên và mặc định, định dạng và phi định dạng…”
Một người bạn cùng lớp Văn K11 với Bình đang ngồi đây, nhà thơ Nguyễn Hồng Hạnh. Trong bài viết “Một ru-bic thơ đã ngừng xoay” (có in trong tuyển tập này), đã có cái nhìn thấu cảm về Bình và thơ Bình: “Đọc thơ Bình, trước đây và bây giờ, nếu có thể ví von, thì tôi nghĩ, đó cũng là một bức tranh theo trường phái lập thể, hiện đại. Nó có vẻ gì đó gần với cách của Võ Xuân Huy khi thực hiện loạt tranh sơn mài trong Ba biến thể. Nhưng thơ Bình, trong một chiều rơi khác, lại làm người ta dễ cảm nhận, dễ thảng thốt, dễ đau đớn và cũng dễ tổn thương với/sau những gì mà mình đã đọc được, đã chiêm cảm được và đồng hành được với những gập ghềnh, với những dằn vặt, với những ký tự mang vẻ ngụ ngôn, lại vừa có vẻ gì đó thấp thững của một dáng người trong hành trình đơn độc”. Xin để chị đọc lại chính bài viết của chị cho chúng ta
Hôm nay, chúng ta ngồi đây trong ngày mưa chớm đông của Huế, để tưởng nhớ một người bạn, trong những người bạn từng một thời khoác áo Văn khoa Huế đã ra đi. Những Nguyễn Trung Bình, Nguyễn Xuân Hoàng, xa hơn nữa là những Lê Viết Tường, Phạm Xuân Vinh …
Chúng ta là những con người luôn cô đơn, cô độc, theo một nghĩa nào đó. Chúng ta cần có nhau. Và để tự an ủi nhau, như cách nói của nhà thơ phố núi Văn Công Hùng khi viết về Nguyễn Trung Bình: “Chúng ta là nòi thi sĩ, chúng ta còn có thơ để lại. Cái dáng nâu của Bình vẫn phơ phất đâu đây” …
Trần Tuấn (tổng hợp)

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

ông Thiệp nói...

Nguyễn Huy Thiệp sống thanh tịnh trước tà đạo


NHÀ VĂN NGUYỄN HUY THIỆP:

Đời hay lắm chứ!

NHẬT MINH

NVTPHCM- Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950. Năm 1970, sau khi tốt nghiệp khoa Sử, Đại học Sư phạm, ông lên Tây Bắc dạy học. Năm 1987, truyện ngắn Tướng về hưu được xuất bản đã đưa ông trở thành hiện tượng của văn học Việt Nam. Ông có viết kịch, tiểu thuyết, bút ký, phê bình văn học... nhưng đặc biệt thành công ở mảng truyện ngắn. Những truyện Tướng về hưu, Những người thợ xẻ, Thương nhớ đồng quê... đã gây được tiếng vang lớn cả trong và ngoài nước.
Nghe nhiều, đọc nhiều về các vụ án, về tội ác, nhiều người trở nên lo lắng, thấy cuộc sống sao mà u ám. Hãy cùng trò chuyện với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp để thấy rằng, đời hay lắm chứ, đáng sống lắm chứ.
Cứ cuống cuồng lên

"Gần đây, chúng ta nói nhiều tới sự gia tăng tội ác trong xã hội khiến tôi lại nhớ đến truyện ngắn Tội ác và trừng phạt.
Báo chí lâu nay nói hơi nhiều về tội ác. Trong một ngôi nhà, nếu không khí âm u phiền não thì tất cả mọi người sống ở trong đấy sẽ rất nặng nề. "Nghĩ chính phiền não trừ, nghĩ tà phiền não đến. Chính tà đều chẳng thiết, thanh tịnh đến vô cùng...".
Phải hiểu những tội ác cũng là một sự thường khi xã hội phát triển. Điều quan trọng là phải biết để tìm cách diệt nó, không thể nào lờ nó đi được. Sẽ còn có những tội ác ghê gớm hơn nữa”.
Nghe đáng sợ quá!
“Đời là bể khổ. Biết vượt qua bể khổ, đấy là lẽ sống đấy. Xã hội mình đang phát triển nhanh, con người lúc nào cũng nôn nóng, vội vàng. Vợ chồng hơi cãi cọ nhau là ly dị. Trẻ con rất hay cáu kỉnh. Ít có những người điềm đạm, bình tĩnh, sống chậm rãi.
Có câu chuyện thế này, một cụ già đào giếng, rồi kéo từng thùng nước lên, có người bảo sao không làm cái ròng rọc cho nhanh và đỡ mệt. Ông bảo, nếu sử dụng cơ khí thì nó sẽ sinh ra cơ tâm, tâm của tôi sẽ sinh ra oái oăm.
Con người ta phải biết sống chậm rãi để hưởng thụ cuộc sống của mình. Sống có mấy chục năm thôi. Đời hay lắm chứ! Tất cả nghệ thuật là ở chỗ làm sao giữ được sự cân bằng, chứ quá lên là nguy".
* Những cái đó thường phải sống gần hết cuộc đời rồi ta mới nghiệm ra được?
- Con người ngày nay thường không chịu chiêm nghiệm, không tự quan sát bản thân mình, quan sát mọi người, tất cả cứ cuống cuồng lên, cứ loạn lên, kỹ năng sống cơ bản thì không có. Xã hội cứ xô vào vật chất, lợi lộc. Vì đồng tiền mà hủy hoại bản thân, hủy hoại danh dự, đấy là điều vô nghĩa.
* Có phải vì thế mà tội ác gia tăng và ngày càng trẻ hoá?
- Nguyên nhân từ sâu xa hơn nhiều, nhưng đấy cũng là một vấn đề. Trường hợp cậu Luyện giết người có rất nhiều nguyên nhân chứ không chỉ có một. Có cái giải thích được, có những cái không giải thích được. Thế giới là hỗn độn, là vô minh. Đám trẻ phạm tội nhiều vì nó không phân biệt được cái hay cái dở, cái đúng cái sai. Đấy là điều rất nguy hiểm, nó làm lẫn lộn tất cả các giá trị.
* Ông có cho rằng vì cuộc sống thay đổi, nên các giá trị cũng phải thay đổi?
- Đương nhiên. Nhưng có một số giá trị nếu không giữ được sẽ rất nguy. Cần quan tâm đến văn hoá vì đó là một giá trị rường cột. Con người Việt Nam ngày nay đi đâu không cảm giác có quê hương nữa. Xưa đi về thôn xóm làng mạc còn có gia đình, có ngôi đình, ngôi chùa, tự hào về quê hương mình, còn nay thế giới giao hòa, rồi toàn cầu hóa nữa, ở đâu cũng như ở nhà, làm con người mất đi quê hương, mất đi những giá trị nguồn cội của nó. Và điều đấy tưởng như là vớ vẩn nhưng thật kinh khủng. Mất quê hương là mất cội nguồn, mất đi giá trị văn hoá sống.

"Nếu có đứa con thích đọc sách thì người cha có thể tương đối

yên tâm về cuộc đời, về con đường đi trong cuộc đời của nó"

Trẻ con nói là đúng đấy
* Con gái tôi mới học lớp 5, cháu bảo, con không thấy tự hào là người Việt Nam vì người Việt Nam bẩn lắm. Ra đường thì vứt rác, nhổ bậy... Vậy tôi biết dạy nó thế nào đây?
- Trẻ con nói là đúng đấy. Nhưng mỗi người phải tự lo thôi, sao hỏi tôi được? Môi trường còn bẩn nữa, xung quanh còn nhếch nhác, bẩn thỉu nữa. Phải dạy con muốn tự hào thì mỗi người phải giữ cho bản thân sạch sẽ, xung quanh mình sạch sẽ, rồi người lớn phải làm gương cho con trẻ. Phải biết giáo hóa lẫn nhau. Phật đã dạy "Muốn giáo hoá người đời. Phải tự có phương tiện. Chớ để họ sinh ngờ. Tự tính liền biểu hiện". Nên biết rằng, khi con người đã phát triển thì rất khó giáo dục.

* Nghe có vẻ nghịch lý?
- Ngày xưa đơn sơ, bảo ban nhau dễ hơn, con người có thể gặp gỡ nhau nói chuyện rất dễ dàng, nhưng bây giờ từng người trong gia đình nói chuyện với nhau đã rất khó. Vợ chồng cũng còn khó nói chuyện với nhau, bố mẹ rất khó nói chuyện với con cái... Khi xã hội phát triển, internet, các phương tiện... tưởng như con người gần gũi nhưng lại rất khó đối thoại với nhau. Hơi một chút tự ái, hơi một chút xúc phạm là sừng sộ lên ngay, bố nói với con, có khi nó còn trừng mắt lên.
Trẻ con giờ khiếp lắm, nhiều cái mình vừa mới nói nửa câu nó đã hiểu gấp 10. Nó lên Google gõ thì ra hàng đống thông tin, mình bì thế nào được. Xã hội phát triển nhanh đưa lại nhiều cơ hội, nhiều cái tốt cho con người nhưng cũng kéo theo những cái kinh khủng khác.
Đừng chê văn hoá đọc của Việt Nam
* Như vậy phát triển chính là nguyên nhân của sự gia tăng tội phạm?
- Phát triển thì cái mặt tốt cũng có, mặt xấu cũng có, hay cũng có, dở cũng có. Chúng ta đã lựa chọn thế này thì phải chấp nhận cả cái được và cái mất của nó.
Tôi thấy, đám trẻ ngày nay hơi tí là kêu khổ. Đã ăn thua gì, còn khổ nữa, còn vất vả nữa, còn trầm luân nữa. Trong đạo Phật có Tứ diệu đế: Khổ, tập, diệt, đạo. Phải nhìn ra nỗi khổ, luyện tập chịu được nó, tiêu diệt rồi lúc đó mới đắc đạo. Không làm sao khác được.
* Tức là chúng ta chưa có sự chuẩn bị để đón nhận những mặt trái của sự phát triển?
- Việt Nam ta từ xưa tới nay vẫn là xứ sở nông nghiệp lạc hậu hiền lành ít va chạm, bây giờ toàn cầu hóa, nhiều thứ ùa vào là bị choáng. Mình có được trang bị đâu. Ví dụ như dùng cái máy giặt thì chỉ biết làm theo hướng dẫn chứ có hiểu nó ra sao đâu. Ở nông thôn thì bán đất mua xe máy, mua ô tô nhưng có biết luật giao thông gì đâu.
Từ xã hội lạc hậu tiến lên phải dần từng bước nếu không thì rất nguy. Nông dân bị lấy đất, đền bù tiền, nếu nhiều còn đầu tư vào làm ăn, chứ ít thì chỉ đủ để xây nhà, mua xe, rồi thanh niên không có việc làm, trình độ không có, suốt ngày đánh bạc, lô đề, sẽ sinh ra những thằng như thằng Luyện. Đám nửa ông nửa thằng đó rất nhiều.
* Nhiều vấn đề thế sao lâu nay ông không viết nữa?
- Tôi già rồi, 62 tuổi rồi. Sự nghiệp của tôi thế là đã xong rồi, không nên bàn nữa.
Người ta cứ phê phán văn hoá đọc của người Việt Nam, nhưng tôi thấy những cuốn sách hay của nước ngoài, những tác giả như Murakami của Nhật Bản vẫn được đọc rất nhiều ở Việt Nam.
Tôi không tin là đọc nhiều. Nếu tìm hiểu sâu thì thấy nhiều người chỉ giả vờ đọc. Còn đọc thực sự nó khác. Người nào đọc được sách họ sống rất khác. Cái tính chất tự tu dưỡng của việc đọc sách rất cao. Nếu có đứa con thích đọc sách thì người cha có thể tương đối yên tâm về cuộc đời, về con đường đi trong cuộc đời của nó.
* Xin cảm ơn ông và chúc ông sức khoẻ. Hy vọng trong thời gian tới đây bạn đọc lại được đón nhận những tác phẩm mới của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

(Theo KH & ĐS)

Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

tui làm ngừ mẫu

Son phấn đồi Cù

Muốn tìm cảm giác hoang vu, người Đà Lạt hồi trước thường lên điểm thật cao để nhìn trời đất Đà Lạt, mà ngã năm Đại học là chỗ đáp ứng được điều đó.

Bên dưới là trọn cơ thể đồi Cù nõn nà khoe ra, với giữa lòng chập chùng kia là cái hồ nước cổ xưa của phố núi bước ra từ sơn nguyên, kẻ một vạch trong thanh mang cái tên buồn: hồ Tổng Lệ.

Thò đầu nhìn vào... đồi Cù - Ảnh: N.H.T.

Màu xanh kia của đồi Cù bây giờ là màu xanh nhung lụa, được son phấn lên bằng thứ cỏ mềm mại để giúp trái banh golf lướt đi nhẹ nhàng, đưa từ Thụy Sĩ sang trồng, thay cho cỏ lá tre tự nhiên cố hữu của đồi núi Đà Lạt.

Cái hàng rào bằng nhiều loại cây xanh lồng trong kẽm gai vòng quanh trọn đồi Cù nhắc người ta cái giới hạn vào ra, ngoại bất nhập. Còn những cú đi bệnh viện thường xuyên vì sưng đầu của người dân qua đường bởi những đường banh golf lạc lối cho thấy sự phi khoa học của một sân golf nằm ngay trong lòng phố xá đông đúc...

***

Cứ nhìn xuống đấy, tôi lại không quên những lần kẻ nhập cư là tôi được thả người ra thảm cỏ lá tre mộc mạc, tựa lưng vào gốc thông già trên ngọn đồi này mà thưởng cho mình những giấc ngủ an lành, tự do của hơn hai mươi năm trước. Không thể quên những khi từ ngôi trường đại học nhìn ra đồi Cù này, băng trên nó để như cưỡi khói sương xứ lạnh mà “ra phố”.

Ngày đó, tôi còn thấy người trẻ ở Đà Lạt cuối tuần hay lên đồi Cù cắm trại, trẻ con thả diều, các chàng thợ hình mang máy ảnh lững thững theo du khách, cùng bóng dáng những con ngựa tung vó qua đồi... Và cũng khó để quên những tấm bưu thiếp du lịch phổ biến về Đà Lạt lúc ấy là hình ảnh du khách cầm chiếc dù hoa rực rỡ thong dong trên đồi Cù, hay những đôi gái trai tự tình thật nên thơ dưới bóng thông ngàn. Và đồi Cù vào đầu mỗi mùa mưa là cả một ngọn đồi mênh mông hoa dại, trào lên nhiều sắc màu tự nhiên...

Nhưng cũng chính chúng tôi của những năm liền ngay sau đấy, với việc làm thêm kiếm tiền trọ học, đã góp phần cùng người ta cày xới tung đồi Cù lên để trồng xuống thứ cỏ quý tộc đổi kiếp phận ngọn đồi thân thương của người Đà Lạt.

Nhiều năm sau này khi cuộc “gả” đồi Cù đã rồi, không thể xoay chuyển trở lại ban đầu, người ta bắt đầu tiếc thương cho nó. Người Đà Lạt bắt đầu những cơn nhớ dai dẳng về một ngọn đồi. Quả thật bạn rất khó dửng dưng khi chứng kiến những cô cậu học trò Đà Lạt ngày nay vạch lá hàng rào ken dày kia để thò đầu vào mà nhìn trộm đồi Cù ở quê xứ mình.

Nghẹn ngào khi thấy các cụ hưu trí cũng như những nàng hồng thắm xinh chiều đến chạy tập thể dục, dừng lại, rón rén dõi mắt vào bên trong ngọn đồi. Và càng tội cho bao kẻ có tình với phố núi này, hễ cứ tạt lên Đà Lạt như ông bạn Duy của tôi - một họa sĩ, ông bạn Tuấn - một thi sĩ... bảo chở vòng quanh đồi Cù cho được. Bây giờ vòng quanh đồi Cù là để ngắm cái... hàng rào che kín ngọn đồi này chứ có được bước vào đó đâu. Muốn được đặt chân lên đồi Cù nay phải có nhiều ngàn đôla, để sở hữu một tấm thẻ thành viên đánh golf ở sân này cho một năm.

Nếu đứng cả ngày trên véranda của quán cà phê cao nhất ngã năm Đại học này, sẽ nhận ra có ngày sân golf nằm trên ngọn đồi di sản này vắng lạnh, chẳng có khách nào chơi cả. Dù lượng thẻ hội viên đăng ký ở sân golf này thống kê được là 260, nhưng nghe đâu nhiều người cả năm không một lần ghé đánh. Và chừng ấy tay golf cũng chỉ là thiểu số so với hai chục vạn dân Đà Lạt và hai triệu lượt du khách hàng năm tìm lên thành phố du lịch này.

Hằng năm sân golf rộng 63ha nằm ngay trái tim Đà Lạt này đóng vào cho ngân sách nhà nước chỉ hơn bốn tỉ đồng, ít hơn cả khu hồ thung lũng Tình Yêu với mỗi nguồn bán vé tham quan.

Đồi Cù vẫn còn đấy, nhưng sao người ta cứ nhớ...

NGUYỄN HÀNG TÌNH

(TT)

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

kính bác Lập

Quá rượu chị Phước

Hè vừa rồi mình về Huế chơi, tìm về góc phố có quán rượu chị Phước, góc đường Trương Định, cạnh quán xôi thịt hoong. Quán xôi thịt hoong vẫn còn, vẫn y chang như ngày nào, lụp xụp nhếch nhác nhưng rất đông khách. Quán rượu chị Phước không còn nữa, hình như người ta đã dẹp các quán vỉa hè, dẹp luôn quán chị. Mình đứng tựa gốc cây hồi lâu, tự nhiên thấy bồi hồi. Bao nhiêu bạn bè của mình đã từng ngồi đây giờ đâu hết rồi?

Một cái quán che bằng tấm áo mưa cũ, chống ba bốn cọc tre nhỏ, cái thùng gỗ đựng rượu nem thuốc lá, chỉ ba thứ ấy thôi, không có hề có thêm thứ khác, năm sáu cái đòn ngồi cái méo xệch, cái gãy chân… Thế mà không khi nào vắng các nhân vật nổi tiếng, từ Trịnh Công Sơn đến Nguyễn Khoa Điềm, từ Xuân Đàm, Kim Quý, Lê Anh… đến Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Minh, Nguyễn Trọng Tạo….Từ đó anh tài khắp nước lần lượt vào quán này, đủ hết không sót một ai.

Những năm 80 thế kỷ trước, anh em văn nghệ Huế mỗi khi rủ nhau đi uống rượu thường chỉ đến hai nơi, một là quán chị Hiếu, hai là quán chị Phước. Quán chị Hiếu rượu ngon, chị tự nấu lấy, rượu gạo trăm phần trăm, đối với anh em văn nghệ chị bán giá gốc rất rẻ. Nhưng quán chị Hiếu hơi xa, ở tận dốc Phú Cam, hơi trái đường nên anh em vẫn tụ bạ ở quán chị Phước, sát ngay 26 Lê Lợi là trụ sở Hội văn nghệ. Nhà mình gần ngay đấy, ở 24 Lê Lợi, thành thử mình thường trú nửa phần đời tại quán chị Phước.

Chẳng biết chị Phước mấy tuổi, ở đâu. Nghe nói chị vốn dân Quảng Nam ra đây làm ăn, người bảo có chồng con, người bảo không. Lại có người nói chị là vợ ông Đại úy cộng hòa. Năm 1980, ông này vượt biên sang Mỹ, chị không đi, ở lại nuôi con. Chẳng biết thế nào nhưng nhìn tướng chị mình biết chị có học hành tử tế, con nhà dòng dõi, thế cuộc đổi thay chị mới chịu ra vỉa hè bán rượu mà thôi.

Rượu chị Phước thua rượu chị Hiếu nhưng chị cho nợ thoải mái, chẳng ghi sổ, chẳng hỏi nợ, ai nhớ thì trả, không thì thôi, chẳng bao giờ chị càm ràm. Ngồi ở quán chị nói năng thoải mái, không sợ chị nghe được đi kể lại với người khác. Anh em cãi nhau, chửi nhau, nói xấu nhau… chị đều bỏ ngoài tai hết, không hề để bụng. Ngồi ở quán chị như ngồi nhà mình, chỉ có ba thứ: rượu, thuốc lá và nem, ai muốn lấy gì thì lấy. Nhiều lần bận việc chị thả quán cho khách tự tung tự tác. Uống xong, có tiền nhét tiền dưới cục gạch chị đã làm dấu, không tiền thì cứ thế phủi đít về, chẳng sao.

Ngồi nhiều nhất, lâu nhất vẫn là đám nhà thơ. Buổi sáng đến công sở, uống trà nói phét chừng một tiếng, vờ vào bàn làm việc chừng một tiếng, đến 10 giờ chẳng ai bảo ai đều viện cớ đi chỗ này chỗ nọ, gặp người này người nọ, rồi vọt ra quán chị Phước cả lũ.

Vài ba chén đầu còn tâm sự hỏi han, đến chén thứ tư bắt đầu màn đọc thơ. Nếu thơ được khen tất nhiên còn đọc nữa, tranh nhau đọc cho tới chiều. Nhưng nếu ai đó chê thơ ai đó thì thể nào cũng có cãi nhau, có rượu vào chuyện bé xé ra to, văng đủ thứ, thề độc không bao giờ nhìn mặt nhau, tóm lại sáng sau lại có mặt cả lũ, không sót một ai, hi hi.

Một hôm mình ngồi với anh Tạo ( Nguyễn Trọng Tạo), anh Ngô Minh. Anh Tạo nói tình hình nghiện đọc thơ đã trở thành quốc nạn. Khéo không chị Phước nghe đọc thơ nhiều quá, điên lên chị nhổ quán bỏ đi thì bỏ mẹ. Từ nay thằng nào đọc thơ phải “ nôn” tiền ra gọi là nhuận nghe. Không ai tốn rượu mất thời giờ nghe thơ chúng mày. Vừa nói xong thì Lý Hoài Xuân lò dò tới, nói tôi mới có bài thơ, đọc cho anh em nghe. Anh Tạo nói vừa ra nghị quyết rồi, thằng nào muốn đọc thơ phải bỏ tiền ra, mỗi bài ba ngàn. Lý Hoài Xuân lẳng lặng móc túi bỏ ra ba ngàn. Đọc xong, ai cũng khen, Lý Hoài Xuân lại lẳng lặng móc túi bỏ ra sáu ngàn. Nói tôi đọc thêm hai bài nữa. Hi hi.

Anh Phùng Quán vào Huế ngày trước ngày sau đã biến quán chị Phước thành “ cơ quan thường trú” của anh. Anh Quán ngồi đâu ở đó có thơ. Anh đọc thơ không tiếc tiền, mỗi bài ba ngàn, anh đọc cả trăm bài trong mấy tháng anh ở lại Huế. Thực ra anh lấy cớ để ủng hộ chị Phước. Anh nói tụi mình uống chịu nhiều rứa, cụt vốn chị Phước, tội nghiệp. Bày ra cái luật nhuận nghe rất chi là hay, tụi mình có rượu uống mà chị Phước không bị cụt vốn. Có hôm xong cuộc uống rượu đọc thơ, cộng lại được 90 ngàn, còn thiếu của chị Phước 6 ngàn, anh Quán xung phong đọc thêm hai bài. Phải cái bài Trăng hoàng cung của anh dài quá, mọi người nhao nhao, nói bài ni dài bằng 6 bài. Anh vuốt râu cười kha kha kha, nói sáu bài thì sáu bài, rồi bỏ ra đúng 30 chục ngàn. Lại thừa tiền, lại uống, rất vui.

Chị Phước ít nói đến nỗi ai không quen cứ tưởng chị bị câm. Ai cũng như ai, hễ vào quán chị là mắt chị ánh lên một nụ cười. Chỉ cười vậy thôi chứ chẳng nói gì, cũng không vồn vã chào mời. Khách tự kéo đòn ngồi, gọi rượu gọi nem, chị lẳng lặng đưa. Có lần mình đưa vợ chồng Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ vào quán thấy chị suốt buổi không nói một tiếng nào, gọi gì đưa nấy chứ tuyệt chị không một lần lên tiếng. Hai người ngạc nhiên lắm, kéo tay mình thì thầm, nói bà này câm sao tai thính thế nhỉ? Hi hi. Lúc đầu mình tưởng tụi con nít vô danh như tụi mình chị mới không thèm nói. Chẳng ngờ Trịnh Công Sơn, Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường vào quán chị cũng thế, Lưu Quang Vũ hồi này khét tiếng ba miền chị cũng thế, chị chỉ có cười bằng mắt. Mãi rồi mới biết chị coi anh em văn nghệ Huế như người nhà, chẳng cần phải chào hỏi xã giao gì, vào quán tự kiếm lấy chỗ ngồi, muốn uống rượu thì tự rót, thế thôi.

Duy nhất có Văn Cao là khác. Thấy Văn Cao chống gậy đi tới, chị hơi sững lại. Hình như chị không ngờ có ngày Văn Cao vào quán chị, thật quá hạnh phúc, mặt chị tái đi. Chị lật đật sang quán xôi hoong cạnh đấy mượn cái ghế nhựa nhỏ, cái mâm gỗ về bày ra, lật đật đỡ tay anh Văn Cao, nói mời chú ngồi đây. Anh Văn Cao nói gì, hỏi gì chị đều dạ rất to. Đôi câu anh nói chị không nghe, chị sợ không dám hỏi lại, đưa mắt cầu cứu mình, nhờ mình nhắc lại. Mình cười chỉ Văn Cao, nói chị biết ông ni là ai, răng sợ rứa. Mắt chị cười tươi, nói thuở nhỏ đến chừ chỉ mơ được gặp Văn Cao, đúng là trời thương, mơ được ước thấy. Đó là câu nói duy nhất mình nghe chị Phước nói trong vòng 6 năm ngày nào cũng ngồi quán chị.

Trước Văn Cao nhiều danh sĩ Nam Bắc cũng đã tới quán chị rồi, Trần Dần, Hữu Loan, Lê Đạt, Hoàng Cầm thì quá quen thuộc quán chị, cứ về Huế là tìm về quán chị, coi đây là một địa chỉ văn hóa của làng văn. Hôm anh Văn Cao vào Huế bị ôm phải đưa viện. Ngày ra viện anh đi một mạch từ viện Trung ướng Huế tới quán rượu chị Phước, chị Băng ( vợ anh) bảo anh đi đâu anh cũng không đi, cứ ngồi vậy cho đến lúc say.

Sau này mỗi lần mình ra Hà Nội gặp Văn Cao, lần nào anh cũng hỏi đúng có hai câu: anh Tường khỏe không và quán chị Phước có còn không? Anh Trịnh Công Sơn cũng vậy, anh rời Huế từ năm 1983, năm lần mình gặp anh ở Sài Gòn thì cả 5 lần anh chỉ hỏi đúng một câu, nói anh em có còn ngồi quán chị Phước không?

Sau chia tỉnh anh em văn nghệ tản mát chín phương trời, quán chị Phước cũng không còn. Hình như vì vậy mà văn nghệ Huế dạo này nhạt hẳn, không còn đằm thắm sôi nổi như xưa nữa.

Mình ngồi tựa gốc cây nhớ những người đã từng say ở đây, mỗi người mỗi nét rất vui. Phùng Quán say thì nhúng râu vào rượu, Trần Dần say thì ngồi thổi chén rượu phù phù như thổi cháo nóng, Mai Văn Hoan say thì khóc, Ngô Minh say thì chạy đi đóng cửa sổ, Nguyễn trọng Tạo say thì đập chén,Trần Vàng Sao say thì hát, Trịnh Công Sơn say thì đọc thơ… trong số đó quá nửa đã về trời, nửa còn lại đã sức tàn lực kiệt, tim đập chân run, hồn xiêu phách lạc…

Nghĩ vậy mà rưng rưng.

(blog Nguyễn Quang Lập)

PHAM DUY hầu kí

  "HỌC NHƯ THỂ CHẲNG DÀI LÂU... " (Đọc Hồi ký Phạm Duy 2)    Tôi chưa định viết những dòng dưới đây trong vài bài ghi chép khi đọc...