Phú Yên thi thơ

Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2009

KẾT QUẢ GIẢI THƯỞNG THƠ PHÚ YÊN 2008
Hội LH VHNT Phú Yên và Hội Cựu học sinh trung học Phú Yên đã công bố kết quả chấm giải Cuộc thi Thơ Phú Yên năm 2008. Giải nhất là bài thơ “Vọng làng” của tác giả Đào Tấn Trực; 2 giải nhì là “Gồng gánh” của Hà Kiều My và “Kỳ thạch” của Ma Dzoan; 3 giải ba là “Miền Trung” của Đào Đức Tuấn, “Trên đồng” của Nguyễn Văn Học và “Nhớ gió” của Lê Đình Hiệp; thơ của các tác giả Lê Anh, Đặng Văn Thơm, Hoài Niệm, Hoàng Ngọc Anh và Trần Văn Lan được trao giải khuyến khích. Tuyển tập các bài thơ chung khảo cuộc thi đã in xong và Lễ trao giải được tổ chức vào Đêm thơ Nguyên tiêu Kỷ Sửu núi Nhạn 2009.



VỌNG LÀNG

Có đi về phía con đường
Mới xa xóm vắng, mới thương quê nghèo
Ngày đi câu hát đi theo
Thị thành mơ mảnh trăng treo vườn nhà
.
Mười bảy tuổi tạm cách xa
Em toan tính chuyện bước qua lời nguyền
Đất nồng còn một chút duyên
Buộc quê với phố, buộc thuyền với sông
Buộc tôi với luống cải ngồng
Bãi bồi ai đắp cho đồng phù sa
.
Nằm nghe con sóng quê nhà
Một vùng ký ức khói là là bay
Trăng nghiêng xuống ngọn tre gầy
Rạ rơm sương khói nguyện đầy lời ru
.
Mẹ già đã hóa mùa thu
Câu ca dao cũ hình như lỡ làng
Huơ bàn tay gọi đò sang
Chở tôi về dưới cổng làng ngày xưa…


ĐÀO TẤN TRỰC


Gồng gánh

Gầy đôi vai
Mẹ gánh đêm quàng qua từng phố nhỏ
Những con dốc thoai thoải dài
Sợ mẹ “mềm chân”…

Người mẹ gánh gồng cuộc mưu sinh
Lang thang trên từng hẻm vắng
Con phố ngoái đầu theo bóng mẹ
Hun hút…

Thời gian như thấy mình có tội
Thêm nhọc nhằn mái đầu bạc phơ
Con chữ đêm qua lại cựa mình trong giấc mơ của mẹ
Những đứa con điện về, xin tiền, đi học
Mẹ gánh lam lũ đi trên đôi vai nhấp nhô hình núi
Cõng cuộc đời đi về phía xa xôi
Bôn ba vượt nghèo
Đi tìm con chữ
Cái nắng óng vàng chiếc áo cũ sờn vai
Lấp lánh…


HÀ KIỀU MY




KỲ THẠCH

Tặng em chuỗi kỳ thạch

Ta vừa tìm được dưới lòng sâu
Chiều trên sông Ba Hạ
Em khỏa thân - con nước hóa nhiệm màu
.
Hay là triệu năm trước
Thần thánh giao hoan chốn này
Vì thích chơi trò tóe nước
Bèn khơi mạch dòng Ba
Đừa tắm thỏa thuê
Rồi vội vã về trời
Quên xóa dấu dòng sông lẫn ngọc ngà trang sức…
.
Hay vũ trụ giao hoan
Trong tình cờ khoảnh khắc
Ánh sắc mặt trời
Soi vào cốt hồn đôi mắt
Chạm vào tinh vân đá cát
Tan vào huyền xanh dòng trôi
Lắng thành diệu chất
Kết thành kỳ thạch
Tạc nên báu vật
Em…


Chiều trên sông Ba Hạ
Hoàng hôn nhũ buông
Chợt đất trời phát quang
- Kỳ thạch
- Em
- Dòng sông
Hay lưới điện hòa nguồn ?…


MA JOAN





Miền Trung

Lòng rao rát miền Trung nhuần hậu
miền Trung xa xăm ngun ngút khô cằn
thương cái rám nắng màu mây nhạt
câu thơ quắt queo không dịu tháng năm.

Miền Trung trong tôi tảo tần dáng mẹ
mẹ gũi gần, mẹ thăm thẳm bao dung
con rong rủi một đời mang nợ
lặng thầm triền mắt mẹ minh mông.

Và lẽ nào em cát gió mung lung
heo hút hồn tôi dặm dài nhung nhớ
em ban mai, em trưa hè nắng đỏ
chiều thời gian con sóng biển lặng nồng.

Miền Trung miên man, miền Trung thênh thang
lời nào thiêng liêng một rời hai gánh
quê hương đầy tim, quê hương tròn mắt
ký ức long long, ký ức ầu ơ…

ĐÀO ĐỨC TUẤN

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 19:48 0 nhận xét  

Yêu cho chết...

HƯƠNG SẮC TÌNH YÊU
(ĐÀO TẤN TRỰC)
Em mang theo chiếc chuông gió từ bắc miền trung vào trong này thăm tôi. Trời ra giêng rồi nhưng thời tiết vẫn còn lạnh buốt thịt da. Tôi đón em ở sân ga lúc chiều.Theo thói quen, em vẫn mang theo áo ấm bên mình. Sân ga lúc này đông người, mỗi người một màu áo như đàn bướm khoe sắc trong mùa xuân. Chúng tôi kịp nhận ra nhau và cùng nắm tay đi về phía trước.
Ngắm nhìn thị xã lần đầu, em như có chút gì đó ngớ ngẩn, ngạc nhiên trong trí mườn tượng của mình. “Không như lời anh kể rồi.” Tôi biết thế nên đánh thẳng vào ngang dòng suy nghĩ non nớt của em “thất vọng rồi chứ gì.” Em cười giả vờ đồng tình và em cũng cười như thông cảm.
Em biết tôi học văn, có làm thơ, viết văn nên trong từng lời nói như có chút gì đó rất chân thành và tô điểm nên em cũng dễ dàng thông cảm và sẻ chia. Em cũng biết rằng tôi là một người ăn nói không hay nhưng kì lạ thay, trước em tôi như một nhà ảo thuật ngôn từ, lời nói của tôi với em như có bỏ thuốc lú bùa mê. Chính vì thế mà nhiều lần em cứ gõ vào trán tôi rồi bảo “xạo, người gì mà nói như thật.”
Ba ngày, thị xã nhỏ. Những con đường cũng trở nên quanh co và hẹp hơn ngày thường. Tôi chở em nhiều lần vòng quanh như ma dẫn. Từng con hẻm quen thuộc bây giờ trở nên xôn xao, rộn ràng âm vang phố thị. Ngồi sau xe, thi thoảng em vỗ vào lưng tôi hỏi rằng:
-Răng mà cái dốc ni cao rứa, anh đạp xe có mệt không?
-Không mệt vì có em tíu tít ở sau
-Phố chi mà có ruộng
- Phố còn nghèo nên phải làm ruộng để có lúa gạo ăn
- Con chi đứng ngoaì ruộng kia mà nhiều
-Con cò đó, em biết không…
Em hỏi đủ điều. Tôi vừa đạp xe vừa giải thích cho em như một chuyên gia nhà nông làm hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ. Rồi có lần em trố mắt ngạc nhiên không hiểu một tí tẹo nào khi nghe giọng nẫu rặt quê tôi như lần đầu tiên tôi ra quê em nghe mẹ em hỏi rằng: “Ôn mệ mi làm chi”…
Quen rồi, em nghe được giọng nói, nhìn thấy thị xã đáng yêu, thân quen với những hàng cây là bạn đồng hành trong cảm nhận suy nghĩ trí nhớ của tôi từ lúc ấu thơ. Buổi chiều núi Nhạn mùa xuân có gió biển Tuy Hoà thổi ngược nghe miên man khó tả. Em đến bên chân tháp, áp tai vào nghe những thanh âm rì rào từ gió như trùng dương dậy sóng. Từng viên gạch đỏ hồng không bao giờ rong rêu bám lấy sừng sững chọc toà tháp cổ giữa trời quay mặt về bốn phía cao vút như cột cờ để con người đứng bất cứ nơi đâu trong thị xã cũng dễ dàng nhìn thấy.
Nếu như quê em có núi Ngự sông Hương thì quê tôi có núi Nhạn sông Ba. Phố Huế có cầu Tràng Tiền dài sáu vại mười hai nhịp đêm về thắp đèn bảy màu mê lòng du khách thì Tuy Hoà có cầu Đà Răng- một cây cầu dài nhất miền trung đón người ra bắc vào nam; Huế có đồi Vọng Cảnh, Tuy Hoà có Chóp Chài… Tất cả đều không giống nhau như một định lí nhưng cũng có những nét tương đồng như tôi và em, hai con người vốn sinh ra từ hai vùng đất, gặp, quen rồi yêu nhau.
Nhớ khi còn là sinh viên, mỗi chiều cuối tuần hai đứa cùng rủ nhau lên đồi Vọng Cảnh lúc chiều buông ngắm dòng sông Hương bắt đầu mơ màng vào đêm. Sông Hương như một nàng thiếu nữ nằm nghiêng mình đầu gối lên thượng nguồn Trường Sơn rộng lớn đôi chân ngà ngọc dũi về cửa biển Thuận An trùng khơi sóng dữ. Sông Hương thơ mộng mơ màng du khách không giống như dòng sông Ba quê tôi lượn khúc quanh co bám víu với dân làng cực nhọc. Đồi Vọng Cảnh dập dìu du khách nay chuẩn bị đón nhiều dự án du lịch tầm cỡ quốc gia không giống như Chóp Chài quê tôi ngửa mặt về biển đông ôm chầm che chở cho thị xã nghèo chỉ có lụt lội và nắng gió…
Ba ngày, em trở về. Thị xã vẫn ngút ngàn lạnh và gió. Trong chuyến tàu ngược ra phương bắc hôm đó em có mang chút thổ ngữ khô cằn của quê tôi về thả xuống nước dòng Hương trong vắt mịn màng để trung hoà hai vùng đất nuôi dưỡng hai con người khác nhau. Em đi để lại chiếc chuông gió làm quà. Em bảo tôi rằng: Sôcôla chóng mất, chiếc chuông gió này sẽ còn mãi mãi nếu như anh biết giữ gìn, mỗi lần chuông kêu chúng mình sẽ nhớ về nhau thật nhiều.
Quả thực, chuông gió giữa phòng tôi em treo lúc nào cũng chuyển động leng keng. Mỗi lần có cơn gió đi qua chúng xôn xao như một bản hoà tấu tình yêu không lời đau đáu trong tim. Chúng luôn luôn chuyển động, luôn luôn hồi hộp như hai trái tim của hai người đang yêu.
Sáng nay trời lành lạnh, có cơn gió ùa vào làm chuông gió leng keng. Mùa xuân tràn ngập căn phòng. Vì điều kiện tôi và em không gần nhau được nhưng hương sắc của ngày lễ tình yêu vẫn còn nguyên vẹn, tinh khôi.

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 19:37 0 nhận xét  

Bi Bi đi qua tôi...

Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2009





Tiễn đưa con Bi Bi


(ĐÀO ĐỨC TUẤN)

Vậy là thêm một con chó đi qua đời tôi! Chẳng nhớ đây là con chó thứ mấy tự tay tôi chăm sóc. Chỉ nhớ chính xác từ khi tôi ra trường đi làm Nhà nước, đây là con chó thứ 3 nhà tôi nuôi. “Nhà tôi” ở đây là “một mình tôi” đưa về, vỗ về, cho ăn, nuôi nấng,…
Con thứ nhất là Bi Bi lông trắng, hồi độc thân ở 17 Phan Đình Phùng-Tuy Hoà. Nuôi đâu được vài tháng, nó cắn đứt cái giường xếp, rồi một ngày nó vĩnh viễn ra đi theo bọn thịt cầy; nó còn nhỏ lắm, chưa đạt độ… tơ!
Con thứ hai là khi tôi đã có vợ và xây nhà riêng; con này cũng lông trắng, dễ thương vô cùng; nói chung, chó là vậy! Thế nhưng, khác lần trước, lần này tôi nuôi chó có sự chứng giám của vợ. Con chó này là giống ta (nghĩa là không phải Tây), đã bước vào tuổi thiếu niên, phá phách vô cùng tận; ăn ỉa, bới móc lung tung, khó bề dạy bảo. Khi thằng cột chèo có ý xin, tôi đành rứt ruột chia tay; vậy mà nghe đâu vài tháng, con chó tôi cho (vẫn đặt tên Bi Bi) lại bị bọn trộm bắt… chắc lại vào một quán nào đó… chấm mắm tôm! Mẹ kiếp!
Lần này, đây như đầu năm 2008, đến nay đã tròn năm, thằng em rễ từ Tuy An đưa vào một chú Bi Bi lông đen, nửa Tây nửa ta, nửa quý tộc, nửa bụi đời. Nhìn dáng tôi đã chấm “được”, dễ thương vô cùng. Dẫu những ngày đầu cũng ỉa bậy, đi đứng mất quan điểm lập trường, vợ tôi chẳng thích lắm, nhất là cái đoạn mất vệ sinh. Thế nhưng lâu dần cô ả cũng vô cùng yêu quý thằng Bi Bi, nhất là con gái tôi (Hoàng Yến) đã coi Bi Bi là em kết nghĩa! Thậm chí vừa rồi, khi mẹ sinh thằng em, Hoàng Yến đã “thương em bằng Bi Bi”…
Bi Bi bệnh chỉ hơn 1 ngày rồi ra đi, tôi đã chạy vạy thuốc thang đến tận cán bộ Chi cục Thú y Phú Yên; thế mà không qua khỏi! Hơn 1 ngày, Bi Bi đi đứng não nùng, ốm tọp hẳn, dẫu cả nhà bưng bê kê rót từ sữa đến thịt thà, canh, trứng,… Nó đi lững thững, nằm rúc vào các bụi cây, miệng nhiễu nước bọt,… Chiều nay, tôi tính đi nhậu với mấy trí thức-văn nghệ sĩ về rồi đưa đi chích thuốc tiếp; đang dỡ cuộc nhậu, nhận điện thoại “Bi Bi nặng lắm rồi”!
Khi tôi về, Bi Bi đã nằm thanh thản trước hiên nhà… Thôi, chia tay hoàng hôn, cũng là một kiếp sinh linh! Tôi và Hoàng Yến đưa Bi Bi ra sân lớn để mai táng cẩn thận… Nếu tao có gì sơ xuất, xin mày niệm tình thứ lỗi. Vĩnh biệt Bi Bi, âu đành “sinh, lão, bệnh tử”…
Ăn xong Tết Kỷ Sửu rồi…


Đêm mùng Năm Kỷ Sửu 2009

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 18:22 0 nhận xét  

Thơ ông Năm

Thứ Năm, 29 tháng 1, 2009

BẰNG TÍN


Ghi ở Hà Nội chiều cuối đông

Trời Hà Nội mấy hôm rày rét đậm
Đào Nhật Tân còn chúm nụ chờ Xuân
Phố chợ đã dập dìu người mua sắp
Ờ, cả năm chỉ Tết một lần!

Chùa Một Cột đài sen vẫn nở
Nghìn năm xưa cho đến bây giờ
Người xưa gửi tin yêu vào lớp trẻ
Đóa sen hồng thơm ngát giữa bùn nhơ.

Ngọn Tháp Bút viêt lên trời: Hạnh phúc
Ước mơ xưa, hoài bão hôm nay
Thêm khéo bàn tay, thêm giàu trí óc
“Trái tim hồng” vút dáng rồng bay.

Trời Hà Nội mấy hôm rày rét đậm
Giường anh nằm đủ nệm xốp, chăn len
Lòng anh vẫn khát khao hơi ấm
Nồng nàn ngọn lửa trái tim em.

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 00:17 0 nhận xét  

Nổ quê

Thứ Tư, 28 tháng 1, 2009





Phú Yên: Dân lao động "thắng" Tết
25/01/2009 16:01
Một điểm nấu bánh tét-bánh chưng để bán ở Tuy Hòa
(TNO) Phải đến cạn ngày tất niên Mậu Tý, ông Trần Ngọc Thơ (tự Bảy Thơ, 54 tuổi), một nông dân trồng hoa ở làng Ninh Tịnh, P.9, TP Tuy Hòa (Phú Yên) mới thở phào khoan khoái: “Thắng, thắng lớn! Mưa gió dập vùi, tưởng vụ cúc năm nay “đi đứt”, vậy mà được hoa, được giá. Có hậu, có hậu!".
Vụ cúc pha lê cho Tết này, ông Bảy Thơ “đánh” trên 500 chậu. Chỉ thuộc hàng nhà vườn trung bình ở Phú Yên, nên với ông đây là “canh bạc” lớn. Mọi năm, nhà ông chỉ “chơi” khoảng 200 chậu cúc và 100 chậu thược dược nhưng “Ế tàn ế mạt, tới gần giao thừa, tôi tức quá đập một mớ chậu, vợ con cản nên mới trút bỏ hoa, thu hồi về ít chậu. Chớ chú thấy vầy sao không tức: đầu tư bình quân phải gần 30.000 đồng mới trồng được chậu hoa, vậy mà khách hàng chỉ trả giá từ 20.000 đồng/chậu trở xuống!”.
Riêng vụ hoa Tết Kỷ Sửu, tính đổ đồng 60.000 đồng/chậu, gia đình ông Bảy Thơ bỏ túi ít nhất 30 triệu đồng, số tiền thật sự ý nghĩa đối với một gia đình nông dân ở Phú Yên!
Thế nhưng, tiền thu Tết của ông Bảy Thơ chẳng thấm tháp gì so với ông Đặng Phong Dinh (45 tuổi, ở Ninh Tịnh, Tuy Hòa) chuyên nghề trồng mai xuân. Những ngày giáp Tết này, chưa bao giờ thương lái với hàng đoàn xe tải từ các tỉnh, thành Tây Nguyên, miền Nam, miền Bắc… về Phú Yên săn lùng hoa nhiều đến thế. Vườn mai trên 5 năm tuổi của ông Dinh bỗng dưng quá... đã! Không còn cảnh bị “áp đặt” giá cả như mọi năm, vợ chồng anh Dinh đã có quyền định giá bán mai.
Gia chủ cứ thế ngồi tại vườn ra giá: 800.000-2.000.000 đồng/chậu mai (cao hơn năm 2008 từ 200.000-500.000 đồng/chậu), bỏ túi “khoẻ re” trên 100 triệu đồng!
Ông Trần Văn Thu, Chủ tịch Hội Làm vườn Phú Yên thì rung đùi phân tích: “Có thể nói vụ hoa Tết Kỷ Sửu ở Phú Yên là một thắng lợi toàn diện! Thời tiết bất lợi hơn hẳn mọi năm nhưng tay nghề, sự đầu tư của nhà vườn đã được nâng cao nên chẳng hề gì. Năm nay, nhà vườn cũng chủ động bắt tay thương lái để “luân chuyển” một lượng lớn hoa - cây cảnh ra các tỉnh, thành khác nên ít còn cảnh đọng, ế hàng như năm rồi. Thế nên nhà vườn, nhà buôn và người bán lẻ cùng thắng!”.
Những chậu quất cuối cùng ở Ninh Tịnh (Tuy Hòa) đang lên xe ra Bắc
Với gia đình bà Nguyễn Thị Nhung (56 tuổi, ở thôn Quy Hậu, xã Hòa Trị, H.Phú Hòa, Phú Yên), một vụ lúa đông - xuân mưa ngập kéo dài phải sạ đi sạ lại 3 lần, tưởng như ngã quỵ, thế nhưng Tết này nhà có đến 2 thùng bia lon! Ấy là nhờ gia đình bà còn có nghề phụ là làm đậu miếng; giáp Tết lại còn “bắt được độ” gói bánh tét, bánh chưng để cung ứng cho các tỉnh Tây Nguyên. Thế là… hết buồn, sắm Tết xong lại còn dằn túi trên 3 triệu đồng!
Hiệu tạp hóa Vĩnh Khương, hiệu quần áo may sẵn Phúc Thịnh, hiệu sách Thời Đại, cửa hàng điện thoại di động Anh Phương,… trên đường Phan Đình Phùng, TP Tuy Hòa (Phú Yên) đều cho biết: tưởng thua mọi năm nhưng đến lúc này “dòm lại” đều kinh doanh đạt khá hơn dịp Tết Mậu Tý qua. Theo bà chủ cửa hiệu Phúc Thịnh, thời tiết giáp Tết năm nay bỗng dưng quá lạnh, thế là bên cạnh các loại quần áo khác, đồ ấm bán chạy.
Ông chủ hiệu Vĩnh Khương thì cho hay: thấy thời khí mưa gió liên miên, ngỡ nông - ngư dân không đi mua sắm Tết, thế nhưng kết sổ vẫn thấy hàng thực phẩm - giải khát lại bán mạnh hơn năm trước...
Trước giờ giao thừa, PV Thanh Niên dẫu theo dõi từng biến động trên địa bàn trong năm nhưng vẫn thật sự bất ngờ trước tâm sự hài lòng của những người dân lao động mùa Tết Kỷ sửu. Sự năng động, ý chí quyết tâm vượt qua bất lợi để có một cái Tết no đủ của người dân Phú Yên thật đáng khâm phục!
Hùng Phiên

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 04:39 0 nhận xét  

Quà tặng của cụ Bùi

MỪNG ĐẠI PHÚC
(Tặng nhà thơ-nhà báo Đức Tuấn)

Cuối năm Mậu Tý nàng sinh hạ
Cho chàng Hoàng tử đẹp như mơ
Tuấn tú, khôi ngô, nền nho nhã
Con hơn cha, phúc đức ba đời.

Mậu Tý bước qua, Kỷ Sửu đến
Trâu vàng chờ sẵn ở tại gia…
Chuột ngọc bước ra là thẳng tiến
Tiền hô - hậu ủng… khải hoàn ca.

Saigon, mùng ba tết - năm Kỷ Sửu
Bùi Văn Tuấn

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 02:40 0 nhận xét  

Đầu xuân... khai bút thằng con trai

Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2009

Vợ đẻ Tết

Ngoại trừ trẻ con, thiên hạ chỉ nói đến chữ “Tết” là hãi hùng bởi phải lo toan đủ thứ đến không kịp thở. Vậy mà con tôi lại “oa oa, chào bố” trong dịp này, cách Tết Kỷ Sửu đúng 5 hôm! Ối chà chà, mỗi dịp Tết nhứt đã chạy bở hơi tai, kỳ này lại cộng thêm “vụ án” vợ đẻ thì còn có nước… nhảy choi choi hơi nước! Của đáng tội, “có sức chơi, có sức chịu” chứ than thở, thơ thản cái của gì?!
Thế là chiến hữu, bà con ơi, “Tết này em không thèm kẹo mứt” vì đã có hàng đống tả lót, pha sữa, cơm nước,… và ngàn thứ hầm bà lằn khi vợ nằm ổ, con đỏ hỏn phải giải quyết rồi! Tạm biệt những trận nhậu, những buổi nói dóc liên hoàn, những cuộc du xuân lâng lâng ông địa; bố phải hy sinh vì nghĩa lớn! Thế nhưng bù lại, con đã đem đến một niềm vui vô bờ, hạnh phúc vô biên cho gia đình mình!
Đã bảo năm Sửu hãy “chào bố” mà cái thằng cu này cứ muốn làm Chuột, thế mới khổ thân nhà thơ! Dẫu gì thì dẫu, bố vô cùng hân hoan không lời tả xiết vui mừng hạnh phúc khi đón con ra đời, cảm ơn vợ, cảm ơn con. Bố hiểu, với tình yêu con của bố mẹ, con sẽ thành Rồng, thành Hổ, chứ ăn thua gì… Sửu! Mong con mạnh ăn chóng lớn và thông minh như bố!!!


Giao thừa Mậu Tý-Kỷ Sửu

ĐÀO ĐỨC TUẤN

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 23:04 0 nhận xét  

Giáo sư bụi Văn Công Hùng

Thứ Hai, 12 tháng 1, 2009


Một nhà thơ làm báo bằng văn
NGUYỄN THANH MỪNG
Khái niệm nhà văn làm báo chắc không phải là chuyện lạ, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay. Cánh cửa mở ra cho nhà văn tung hoành trên “sân cỏ” báo chí không đơn thuần là chuyện “cơm áo không đùa...” mà vì nơi đây, nhà văn thể hiện mình ở nhiều góc độ khác nhau, hiểu từ hai phía, nhu cầu biểu lộ tâm trạng của họ và nhu cầu của đời sống đất nước và nhân dân đòi hỏi ở họ.
Trong cơ chế của ta hiện nay, những nhà văn có hưởng lương từ ngân sách nhà nước, nhiều người được xếp vào thang bậc của báo chí. Ða số, ngoài thẻ nhà văn, còn có thẻ nhà báo, có người lại có cả hai loại thẻ báo chí: thẻ do Bộ VHTT cấp và thẻ do Hội Nhà Báo Việt cấp. Họ là phóng viên, biên tập viên, trưởng ban này ban nọ hoặc là phó tổng chánh tổng biên tập của một tờ báo, tạp chí. Trường hợp của các nhà văn công tác tại các hội VHNT địa phương thì cũng vậy. Ngoài việc săn sóc tờ báo nhà, nhiều người còn viết cho các báo trong tỉnh và báo chí trung ương. Nhà văn viết báo, không chỉ viết những bài báo theo các thể tài báo chí dù ngay chính những thể tài ấy, họ cũng tìm cách này cách nọ phả cái sở trường văn chương của mình vào. Chính phẩm chất văn chương được khơi gạn đúng cách đã ân sủng cho họ một số ưu thế và đặc trưng trong hoạt động báo chí.Nhà thơ Văn Công Hùng ở Tây Nguyên không là trường hợp ngoại lệ trong thế giới nhà văn hoạt động trên các phương tiện thông tin đại chúng muôn hồng nghìn tía hôm nay. Ai cũng biết, anh là tác giả của các tập thơ và trường ca Bến đợi, Hát rong, Hoa tường vi trong mưa, Ngựa trắng bay về, Gõ chiều vào bàn phím... với những thao thiết của dã quỳ vàng, của thông xanh, xoan tím, phượng hồng, những gió và nắng, những bùn lầy và cát bụi, những cần rượu và cồng chiêng, âm hưởng của vùng đất Tây Nguyên anh đang sống, của vườn Thanh tuổi thơ, của xứ Huế quê nhà, của phương Bắc trời Nam hay các ngả đường miền Trung mà anh thường xuyên rong ruổi. Những đề tài thơ ca của anh, những vùng đất thơ ca của anh lại đi về dưới ngòi bút linh hoạt bằng những thể hiện khác, những chiều kích khác trong những trang phóng sự, tản văn, tùy bút, bút ký, ghi chép suốt mấy chục năm bươn bả, trình làng (đếm không xuể) trên hàng bao nhiêu tờ báo, nhiều nhất là ở các báo Văn Hóa, Văn Nghệ trẻ, Nhân Dân hằng tháng... Giờ là lúc những trang văn rời khỏi ngôi nhà báo chí mà nó cư trú, về tề tựu (có chọn lọc) trong một tập văn xuôi nhan đề Mắt cao nguyên. Anh viết báo bằng một giọng văn riêng của Văn Công Hùng. Hay nói đúng hơn, anh tìm cách se mối tơ hồng giữa tài văn của mình và những tờ báo mình tâm huyết cộng tác, ở phía nhạy cảm nhất, lương duyên nhất của hai lĩnh vực, để có thể làm văn chẳng chỉ trên các báo văn hóa văn nghệ mà ngay trên các trang báo thời sự chính trị xã hội. Chính vì vậy, những tác phẩm của anh đã tìm được chút tri âm tri ngộ, sẻ chia giữa hai lằn ranh thời khắc và mùa màng, giữa một ngày và trăm năm.Ðọc văn xuôi Văn Công Hùng, ở góc độ nào đó là nghe thêm tiếng gọi của thơ ca trong một chiều kích khác, chiều kích của những chất liệu văn hóa, những hình thể của hiện thực cuộc sống hiện đại và truyền thống, dân tộc và nhân loại, đan xen vào nhau, lan tỏa trong từng mạch của tư duy, của cảm xúc. Với anh, sự nồng nhiệt, hồ hởi, dốc cạn lòng mình, là những điều không thiếu, đôi lúc cần phải vươn cổ giang tay nữa. Nhưng sự đằm thắm luôn ẩn nấp đâu đó để khi cần thiết thì nó hiện ra, không chỉ là hơi ấm của bàn tay mà còn là tiếng thở sắt son của dòng suối nguồn cội. Thì ra, đối với người cầm bút chân chính, nguồn cội là cái luôn tiềm tàng trong tim óc, khi bắt gặp những cơ duyên của hiện thực đời sống, nó sẽ sẵn sàng bước ra ánh mặt trời để giãi bày và chia sẻ.Mắt cao nguyên là tập văn xuôi dung chứa tâm sức của cả ba nhà: một nhà thơ Văn Công Hùng mẫn cảm dâng trào theo hình ảnh, nhạc điệu, một nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Văn Công Hùng luôn đào sâu vào những vốn cổ và nỗi bức xúc gan ruột của tiếng nói bảo tồn, chấn hưng, một nhà báo Văn Công Hùng xông xáo, nhiệt huyết mong muốn người cùng thời sẻ chia và Nhà đương cục lắng nghe thiện chí của mình. Cùng song hành với ba nhà đó là một con người mang những tín niệm nghệ thuật nghiêm trang và thoáng đãng, ở mức độ nào đó, biết lao tâm khổ tứ trong hành trình rong chơi và biết rong chơi trong hành trình lao tâm khổ tứ. Ðan xen trong những dòng văn viết về hôm nay là những hoài niệm, hồi ức, cái chớp mắt giữa ngày dài tháng rộng đã vương vấn cả một khung trời, giọt rượu nồng trong mây gió nước non đã neo mùi hương vào cổ tích. Dù không ai níu kéo thời gian quay lại được nhưng kỷ niệm thì còn mãi. Hình như Văn Công Hùng tìm cách lưu giữ những kỷ niệm như những báu vật trong cuộc đời rất nhiều gió bụi của đường trường và rất nhiều biến chuyển sâu sắc khi đất nước và thế giới vắt mình qua hai thiên niên kỷ. Những điều này, anh cũng đã thể hiện trong thơ. Nhưng văn xuôi có đặc trưng riêng, có cái tung tẩy, miên man của nó để anh nói thêm những điều cần nói. Cả chất giọng hóm hỉnh “hu-mua” của anh cũng được khai thác triệt để.Quen biết nhau đã gần ba chục năm nay, Văn Công Hùng và tôi thường gắn bó với nhau trên những chặng đường công tác, ra Bắc vào Nam, không thiếu những cửa ga, bến cảng, sân bay và quấn quít cùng những chân trời mới lạ là những nỗi niềm canh cánh cho văn chương, học thuật. Thế hệ những người cầm bút như chúng tôi, mới đó mà đã hoa râm, đôi thoáng chốc bất chợt ngậm ngùi nhìn những sợi tóc trắng ngui ngút nhớ thương một thời tuổi trẻ. Ấy là những năm tháng thiếu cơm, ăn độn bo bo và mì sợi, đói rã ruột nhưng vẫn đều đều sáng sáng lên giảng đường, chiều chiều ngồi thư viện ngấu nghiến say mê những pho sách nghìn trang, tối tối giành cho những vần thơ đầy khát vọng giữa xứ thơ sông Hương núi Ngự. Nói vậy không phải để ôn nghèo kể khổ mà để các thế hệ sau, thế hệ con cháu chúng tôi, khi nghe kể có thêm một nhân chứng để tin chứ đừng bảo cha ông mình nói trạng, tội lắm. Mơ ước khi ra trường ăn được bữa bánh bèo nậm lọc thoải mái mà không ký sổ nợ, nói như Văn Công Hùng là một mơ ước... vĩ đại của thời sinh viên gian khổ và rất nhiều mộng mơ. Xa Huế, chúng tôi kẻ đầu non người cuối bể, nhưng năm nào cũng có dịp gặp nhau, khi Quy Nhơn, khi Pleiku, khi Hà Nội, khi TP. Hồ Chí Minh, khi Thái Bình, khi Cần Thơ, khi Sầm Sơn, khi Ðà Lạt, khi Hội An, khi Nha Trang, khi Long An... Dù trong hội nghị complet cravat, bên chiếu rượu quần lửng áo thun hay hành hương qua các danh lam thắng cảnh, thỉnh thoảng ghé vào quán cóc, khó ai nghĩ Văn Công Hùng không phải không thuộc giới...! cần lao. Anh làm việc mướt mồ hôi, không ngơi tay không ngơi chân và không ngơi... miệng, hết quay phim, chụp ảnh, mở máy vi tính xách tay hoạt động tác nghiệp cho đến việc thường xuyên khuấy động không khí cho nóng lên, tưng bừng lên, hả hê lên. Cái khổ và cái vui của một người nhiều đa mang trắc ẩn, nhiều bình diện hoạt động, nhiều lúc đan xen đến mức không phân biệt được, làng văn làng báo cho là nhiệm vụ, dân chúng cho là... bí hiểm, vợ con cho là... trời hành, bản thân lúc cho là nghề khi cho là nghiệp, tiện thể thêm chữ chướng vào sau chữ nghiệp cũng tốt. Ngay như việc ăn một trái ớt, nhìn một sắc hoa tím, nghe một trái bóng lăn, cũng ngẫm cái lý của xứ này xứ nọ, tính cách này tính cách khác, hồi tưởng này ký ức kia... Rồi đêm đêm, cứ kỳ cạch cày cày xới xới với cánh đồng chữ nghĩa, cười một mình, khóc một mình, rung động một mình, cô đơn (cái này chắc chắn cũng đúng... một mình), cho hoàn tất kịp đúng kỳ báo, không lơ là thoái thác được. Nghe nói ngày xưa cụ Tản Ðà được ông chủ bút báo Nam Kỳ mời vào Sài Gòn làm báo, cụ bao tất tần tật từ A tới Z, nhưng đúng hạn tới hỏi bài thì cụ mắng rằng ông mướn tôi viết văn hay bổ củi. Nếu bổ củi thì xong nhưng viết văn phải chờ có cảm xúc. Tất nhiên, tôi không đem thi sĩ tài tử kiệt xuất Tản Ðà để so sánh, nhưng cái lý muôn đời của văn chương thì không hề loại trừ kẻ hậu sinh tài hèn đức mỏng hơn cụ. Văn Công Hùng (và một số nhà thơ làm báo hôm nay) nếu không muốn vận dụng câu trả lời của Tản Ðà trích trên thì phải tự gọi cảm xúc về, chưa có thì hú ba hồn bảy vía cho nó có để nó yểm trợ cho những trang văn sinh sắc và... đúng thời hạn. Trong tập Mắt cao nguyên này, trong ngồn ngộn hàng trăm bài báo, Văn Công Hùng đã tự chọn lọc và tước bỏ cái phần thời sự đi rất nhiều. Thời sự ở đây, ý tôi muốn nói là kiểu tin tức tân văn, chứ không phải ý nghĩa thời sự vĩnh cửu của đời sống tác phẩm mà ở mọi thời, văn chương đều cần có.Dĩ nhiên, tôi làm sao diễn tả hết những cảm nhận về tập Mắt cao nguyên, kể cả việc yêu mến bọc lót một vài (trong cơ man) kỷ niệm với tác giả của nó. Tôi biết, kẻ đồng điệu với Văn Công Hùng trên cuộc đời này cũng không phải hiếm. Có người trân trọng chép thơ anh trong sổ tay. Có người cắt một bài viết của anh, dán vào lưu bút. Có người, nhác thấy tên anh trên báo, liền dùng tin nhắn di động bắc cầu chia sẻ. Có người đọc thuộc lòng một đoạn văn giàu chất thơ của Văn Công Hùng. Vân vân... Họ ở nhiều lứa tuổi, nhiều thành phần, có em học sinh quàng khăn đỏ cũng như có cụ già quá ngưỡng cổ lai hy. Như thế, với một nhà thơ luôn tận tụy và hào hiệp làm báo bằng văn, còn gì sung sướng bằng.Ðến đây, tôi chợt nhớ chút bâng khuâng của sương khói cao nguyên, chút bâng khuâng mà Văn Công Hùng đã thú nhận nó lưu giữ anh lại khi có lần anh muốn dứt áo ra đi. Ý niệm về món nợ ở đời của người cầm bút thật là son sắt, thật là vi diệu. Nhà thơ ấy rất thơ với những món nợ thật mơ hồ và cũng thật rạch ròi, được anh thể hiện hết sức chân thành với trời đất, núi sông và cõi người. Chúng ta có thể lắng lòng nghe những mối nghĩa trọng tình thâm như vậy, bên trong những tầng ý nghĩa của ngôn từ... để khi khép tập sách lại, đâu đó trong đời, chúng ta bắt gặp ánh Mắt cao nguyên...

N.T.M
(nguồn: TCSH số 213 - 11 - 2006)

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 17:13 0 nhận xét  

Viết cho Phú Yên hát

Vĩnh An - Nhạc sĩ của những miền quê
Sinh ra và lớn lên ở Bình Định, một vùng quê được coi là chiếc nôi của nghệ thuật Tuồng, có lẽ vì thế mà màu sắc âm hưởng của môn nghệ thuật này rất đậm nét trong nhiều tác phẩm của Vĩnh An
Nghe một số sáng tác của nhạc sĩ Vĩnh An
Nắng ấm quê hương Thái BìnhThể hiện: Đình Chiểu - Huyền Phin
Đi tìm người hát lý thương nhauThể hiện: Trung Đức
Chiều Ô LoanThể hiện: Bích Việt
Nhạc sĩ Vĩnh An sinh năm 1929 tại Tây Sơn - Bình Định trong một gia đình đam mê nghệ thuật. Cha là tay đàn giỏi, chú là giọng hát hay, đã từng tham gia hoạt động trong phong trào thanh niên dân chủ. Lớn lên trong không khí hát bội Bình Định và hào khí trống trận Quang Trung, sau Hiệp định Genève, Vĩnh An rời vùng tự do Khu V ra Bắc tập kết và nổi tiếng ngay bằng bài hát Dấu chân trên rừng. Sau đó là Gửi anh lính bờ Nam và Như cánh chim Kơtia.
Có thể nói, sự trưởng thành của Vĩnh An trên con đường âm nhạc là do quá trình tự học, học ở các bậc thầy và đàn anh đi trước, học ở trường nghệ thuật quân đội và các chuyên gia nước ngoài. Ông sáng tác nhạc từ trước Cách mạng Tháng Tám. Vĩnh An yêu thích các làn điệu dân ca dân tộc, đặc biệt là những làn điệu quê hương, có lẽ điều này bắt nguồn từ tình cảm với quê hương của ông.
Nhạc sĩ Vĩnh An đã từng là người lính tham gia hoạt động thời kì bí mật, từng giữ các cương vị đại đội trưởng, huyện đội trưởng, trưởng đoàn đoàn văn công quân đội, trưởng ban tuyên huấn... Ở bất cứ cương vị nào, người "nhạc sĩ" trong ông vẫn luôn đam mê âm nhạc, ông vẫn gắn bó cùng cây đàn trong suốt những chặng đường hành quân.
Trong chiến tranh chống Mỹ, Vĩnh An đã từng đi thực tế đến vùng đất lửa Quảng Bình. Những bài hát Bà mẹ trên sông Quảng Bình, Mùa về bên bờ sông Kiến Giang của ông đã góp thêm những đường nét vào bức tranh âm thanh hoành tráng của Quảng Bình chiến đấu.
Tuy trong sáng tác của Vĩnh An ít thấy những khúc quân hành nhưng không vì thế mà mất đi sự gần gũi giữa ông với những người lính. Thông qua các sáng tác của mình, Vĩnh Anh đã dành cho các chiến sĩ những tình cảm yêu mến thiết tha nhất mà ca khúc "Khúc hát đảo xa" là một ví dụ. Bài hát ra đời sau một chuyến đi 21 ngày đêm ra đảo Cồn Cỏ, cùng sống với các chiến sĩ dưới làn mưa bom bão đạn của kẻ thù, cùng chia từng nắm cơm, từng lon nước, những cảm xúc ấy đã được Vĩnh An chuyển tải nguyên vẹn vào những lời ca đầy ắp tình cảm của mình "có ra đảo nhớ cho ta gửi vào lời thương, tàu đi mây bay cuốn theo lòng mến thương".
Bước vào thập kỷ đổi mới gần đây, ông trở về quê hương sông Côn của mình và viết ca khúc Đi tìm người hát Lý Thương nhau rất nổi tiếng hay Nắng ấm quê hương viết về Thái Bình.
Những tác phẩm của nhạc sĩ Vĩnh An luôn nhận được nhiều lời yêu cầu của đông đảo thính giả nghe Đài TNVN. Một trong số đó là ca khúc "Đẹp mãi tên anh". Vĩnh An viết ca khúc này sau ngày đất nước giải phóng, non sông liền một dải, cả nước cùng chung niềm hân hoan. Có lẽ vì thế "Đẹp mãi tên anh" đã là một trong những bài hát thành công, nó không chỉ ngợi ca vẻ đẹp thanh cao của người chiến sĩ mà còn thể hiện sự vận dụng một cách hài hòa chất liệu âm nhạc dân gian: Điệu Tứ Quý của Chèo và điệu Xuân Nữ của Tuồng.
Sinh ra và lớn lên ở Bình Định, một vùng quê được coi là chiếc nôi của nghệ thuật Tuồng, có lẽ vì thế mà màu sắc âm hưởng của môn nghệ thuật này rất đậm nét trong nhiều tác phẩm của Vĩnh An. Cũng có người cho rằng những tác phẩm của ông đã thể hiện cảm hứng nghệ thuật Tuồng khi ông se duyên cùng với một nghệ sĩ Tuồng - NSND Đàm Liên. Thật khó có thể phân định được, chỉ biết rằng khi gặp nhau, hai tâm hồn nghệ sĩ ấy đã yêu thương và chắp cánh cho nhau rất nhiều.
Nhạc sĩ Vĩnh An đã sáng tác hơn 300 ca khúc, hàng chục tác phẩm nhạc không lời cho sân khấu và điện ảnh. Với vốn văn học của một cây bút đã tốt nghiệp Đại học Văn, ông còn viết hàng trăm bản ca từ cho các làn điệu dân ca Bắc, Trung, Nam và hàng chục tác phẩm âm nhạc dành cho sân khấu. Những nhận xét "Vĩnh An - con người của dân ca" hay "Vĩnh An - Nhạc sĩ của những miền quê" đã bao trùm lên tất cả tác phẩm và con người của ông./.

Minh Hà (VOV)

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 16:40 0 nhận xét  

Viết cho anh Hình Phước Long

Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2009



“Cư dân danh dự” của Trường Sa
Không xa đâu Trường Sa ơi/ Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh/ Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em... Có lẽ đến nay, ca khúc Gần lắm Trường Sa của nhạc sĩ Hình Phước Long vẫn là bài hát viết về quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc được nhiều người yêu mến nhất
Bài hát càng thấm thía, xúc động lòng người hơn mỗi khi Xuân về Tết đến. Ông cũng được xem là người có nhiều ca khúc hay về Trường Sa...
Khi Chưa đặt chân đến Trường Sa
Tôi bất ngờ khi nhạc sĩ Hình Phước Long nói: “Mình viết bài này khi chưa hề đặt chân đến Trường Sa”. Rồi ông sôi nổi kể về cơ duyên ra đời của Gần lắm Trường Sa: “Năm 1980, lúc đang là cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cam Ranh, tôi được mời đến Lữ đoàn 146 - hậu cứ Trường Sa đóng tại huyện này- để dàn dựng chương trình cho đơn vị tham gia hội diễn văn nghệ quần chúng tỉnh Phú Khánh (cũ). Lúc ấy, không khí của tỉnh đang rất rộn ràng khi huyện đảo Trường Sa được chuyển từ đặc khu Bà Rịa-Vũng Tàu về Phú Khánh. Đúng dịp có đợt chuyển quân từ đảo về đất liền, tôi lân la hỏi thăm anh em bộ đội để tìm ý tưởng cho chương trình văn nghệ.


Nhạc sĩ Hình Phước Long sinh ngày 9-7-1950 tại làng Hà Liên, xã Ninh Hà, huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa; hiện sống và làm việc tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Đã sáng tác trên 300 ca khúc, trong đó nhiều ca khúc đã được dàn dựng biểu diễn, xuất bản.

Tôi tò mò: “Đảo lớn cỡ nào, đi mấy ngày mới tới...?”. Mấy anh lính trẻ trả lời: “Đảo lớn như sân vận động, đảo nhỏ như sân bóng chuyền, có đảo thì chìm lúc nước lên, đi từ Cam Ranh mấy ngày mới tới...” Chưa thỏa, tôi nói với lữ đoàn trưởng 146: “Anh có hình ảnh gì về Trường Sa thì cho tôi xem”. May sao, lữ đoàn trưởng chợt nhớ: “Mình mới nhận bộ phim tài liệu Tổ quốc trên một vùng đảo nhỏ, sẵn đây chiếu cho cậu xem luôn”. Đúng là kỳ vĩ và lãng mạn! Sóng nước mênh mang, chim hải âu bay rợp trời, hình ảnh kiên cường của đảo và giây phút bâng khuâng khi những người lính trẻ nhớ về đất liền, bao tình cảm dạt dào chỉ biết tỏ bày qua những cánh thư... Tôi cảm thấy một cái gì đó rất lạ dấy lên trong suy nghĩ và quả quyết ghi vào lưu bút của lữ đoàn: sẽ có một bài hát về Trường Sa!”.Bài hát ấy vẫn chưa được viết trong năm 1980. Đến năm 1982, một chiều, ông đạp xe trên đường Trần Phú dọc biển Nha Trang, chợt thấy một cô gái đang đứng nhìn ra biển, mái tóc bay bay trong gió. Ông chợt nghĩ: Nếu cô gái này có người yêu đang ở Trường Sa, chẳng biết cô có nghe được tiếng lòng của chàng trai gởi về đất liền qua sóng biển? Trong đầu nhạc sĩ chợt hiện tứ “không xa đâu Trường Sa ơi”. Vậy là lấy giấy bút ra ghi lại, sau đó ông về Ninh Hòa thăm nhà. Trên xe, cảm xúc và những dòng nhạc về Trường Sa cứ ngồn ngộn trong lòng người nhạc sĩ trẻ. “Tới nhà, má dọn cơm nhưng tôi nói sẽ ăn sau, rồi ngồi ngay tại sân, dưới ánh sáng mờ mờ của bóng đèn chạy máy nổ, viết một mạch cả lời lẫn nhạc bài Gần lắm Trường Sa. Bản nhạc viết trong đêm đó cũng chẳng sửa chữa, thêm bớt một chữ nào nữa. Bài hát này sau đó được Đài Phát thanh Phú Khánh, Đài Tiếng nói Việt Nam, các đoàn ca múa nhạc dàn dựng biểu diễn, phổ biến rất nhanh qua sự thể hiện của nhiều ca sĩ tên tuổi như Ánh Tuyết, Anh Đào, Long Nhật,...” - nhạc sĩ nhớ lại. Năm 1983, Hình Phước Long viết ca khúc Gặp anh trên đảo Sinh Tồn, tham dự cuộc thi sáng tác do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức và đoạt giải nhì (không có giải nhất).
Khi đặt chân đến Trường Sa
Đến năm 1984, ông mới được ra thăm Trường Sa. Chuyến đi kéo dài đến gần một tháng, ông cùng đoàn thăm được 13 đảo. Ông nói: “Hồi hộp lắm vì đây coi như là chuyến kiểm nghiệm những gì tôi đã viết về Trường Sa. Hóa ra, dẫu chưa đặt chân tới nhưng những gì tôi cảm nhận và viết về nơi này đều rất chân thực. Khi biết có tác giả Gần lắm Trường Sa ra đảo, anh em bộ đội đứng chờ trước đó rất lâu. Tôi vừa xuống tàu thì họ túa đến vây quanh, ôm chầm thân thiết như người quen lâu ngày gặp lại. Quá xúc động, trong khi còn chếnh choáng vì say sóng nhưng anh em bộ đội yêu cầu, tôi đã cầm đàn ghita đứng hát giữa đảo. Khi ấy, tôi và nhiều anh em bộ đội đã khóc...”.Ấn tượng nhất đối với nhạc sĩ Hình Phước Long là khi ở đảo Sơn Ca, một đảo tương đối lớn của quần đảo Trường Sa. Hoàng hôn buông xuống, nhiều anh em bộ đội đã dồn về mé Tây đảo ngồi nhìn ra biển; đảo bỗng yên ắng lạ thường. Nhạc sĩ thấy lạ, lân la hỏi chuyện thì được biết đó là một thói quen. Lính đảo gởi lòng về đất liền, nơi quê hương có cha mẹ, vợ con, người yêu... cùng biết bao nỗi nhớ không thể thốt thành lời giữa trùng khơi biên cương Tổ quốc. Tâm sự với nhiều anh em, ông nghiệm ra một điều: lính đảo Trường Sa không sợ gian khổ, không sợ cái chết mà chỉ sợ cô đơn, sợ người đất liền có lúc nào đó quên rằng nơi đây đang có họ... Sau chuyến đi, ông viết tiếp một số ca khúc khác: Tiếng hát đảo Sơn Ca, Đêm trên đảo Thuyền Chài, Tâm tình người lính Trường Sa... Đến nay, ông đã sáng tác 15 ca khúc về Trường Sa, in thành tập nhạc Gần lắm Trường Sa. Ông nói: “Tôi sẽ còn tiếp tục viết về đất và người nơi huyện đảo ruột thịt này, bởi Trường Sa đã coi tôi như một cư dân danh dự...”.
Bài và ảnh: Hoàng Yến

(Người Lao Động CT)

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 16:19 0 nhận xét  

Viết sao cho thiếu nhi?

Thứ Năm, 1 tháng 1, 2009


NHÀ THƠ HOÀI KHÁNH: NHỌC NHẰN VĂN HỌC THIẾU NHI

Nhà thơ Hoài KhánhNhững năm gần đây, đội ngũ những người viết văn, làm thơ cho thiếu nhi xem ra có vẻ thưa thớt dần. Có thể dễ dàng nhận thấy, hiện giờ số tác giả chuyên tâm sáng tác riêng cho mảng đề tài này may ra cả nước chỉ còn khoảng vài ba chục người. Những tác giả cao tuổi, đã thành danh, hầu như đang đuối sức, viết không thường xuyên, thậm chí đã buông bút từ lâu. Tác giả mới xuất hiện thì không nhiều, bút lực cũng bị phân tán.
Số tác giả ngẫu hứng viết cho thiếu nhi thì không ít, nhưng họ cũng khó gặt hái được những thành quả ở lĩnh vực sáng tác này. Đã nói tới văn học thiếu nhi, chính là nói tới mảng văn chương do người lớn viết cho thiếu nhi hoặc của chính các em viết ra cho thế hệ mình. Có nhiều người cho rằng vì chất lượng tác phẩm văn học thiếu nhi của chúng ta hiện nay quá kém. Thiết nghĩ, không hẳn vậy, bởi vẫn có nhiều bài thơ, truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi ra đời. Hơn chục năm nay, có không ít cuộc vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi được tổ chức, đã phát hiện và trao giải cho những tác phẩm hay. Chỉ tiếc là số lượng chưa nhiều. Có lao vào gieo trồng mới thấy mảnh đất văn học cho thiếu nhi chẳng hề màu mỡ chút nào. Đội ngũ sáng tác văn học cho thiếu nhi chẳng những không mấy dịp được hưởng sự chăm sóc, động viên, khuyến khích của các đơn vị chức năng, mà còn gặp phải những khó khăn không nhỏ khi công bố tác phẩm. Sự tâm huyết có thể dần hao khuyết và tài năng có thể bị bào mòn ở chính mỗi tác giả, nhưng cũng do một phần lớn là họ thường tỏ ra kém hào hứng, dẫn đến chán nản vì họ ít được hướng dẫn, giúp đỡ và không mấy được đền đáp đúng mức. Viết cho trẻ em phải bảo đảm sao cho các bé thích mà còn phải làm sao cho cả người lớn cũng thấy thú vị. Còn một điều tế nhị về tâm lý nữa là, nhiều người cầm bút vẫn xem thường loại sáng tác này, cho đó là loại sáng tác nhỏ lẻ, vụn vặt, khó giúp tác giả thành đạt. Không nên chối bỏ ý thức lập danh của người cầm bút, nhưng cứ theo cách nhìn nhận ấy, thì chẳng mấy ai còn thiết tha viết cho thiếu nhi nữa. Người viết văn, làm thơ cho thiếu nhi hôm nay đừng nản chí mà buông bút, cố gắng viết nhiều, viết hay. Khi có bản thảo rồi, thì tác giả phải cho công bố trên các trang văn nghệ dành cho thiếu nhi, gửi tới các nhà xuất bản có cấp phép in sách phục vụ trẻ em. Tiếc rằng, những nơi đăng tải đã ít lại chật chội quá, nên tác phẩm văn học cho các em ít có cơ hội được giới thiệu. Khâu phát hành ở ta còn quá khiêm tốn. Sách truyện cho thiếu nhi còn được các nhà xuất bản quan tâm cho ra mắt bạn đọc. Sách thơ đã ít, số lượng bản in lại càng ít, nơi phát hành cũng hiếm hoi. Tìm mua được một cuốn sách thơ cho trẻ em đâu phải dễ. Người làm thơ cho thiếu nhi in thơ ra để tặng nhau là chính. Mấy năm gần đây, các nhà xuất bản đã bước đầu nghĩ đến viết kết hợp nhiều công năng để tăng tính hấp dẫn cho những cuốn sách thơ. Những bài thơ được in trên những bức tranh sặc sỡ sắc màu, hoặc được viết dưới dạng chữ mẫu để các bé vừa đọc thơ vừa được xem tranh, lại có thể tập viết cho đẹp. Đấy là cách làm hay. Một điều đáng chú ý nữa, văn học cho thiếu nhi, âm nhạc và điện ảnh cho thiếu nhi cũng vậy, từ chỗ bị thiếu hụt nay lại quá sa đà vào việc lấp chỗ trống về đối tượng tuổi mới lớn. Việc viết cho lứa tuổi nhi đồng (4 - 9 tuổi) và cả lứa tuổi thiếu niên (10 - 15 tuổi) vì thế bị sao nhãng đáng kể. Có không ít tác phẩm viết cho thiếu niên mà xem ra nội dung chuyển tải trong đó đã vượt quá ngưỡng tuổi 15. Do được cổ súy, những cây bút tuổi hồng xuất hiện đó đây, chủ yếu là học sinh trung học phổ thông, với cái nhìn đầy nhạy cảm. Tác phẩm tuổi xanh đựơc khuyến khích, giới thiệu trên sách báo, nhiều khi thái quá. Điều này đôi khi cũng có mặt tích cực là tạo ra được một số mầm non văn chương, có em sau đó thành tác giả trẻ với nhiều hứa hẹn. Nhưng, bên cạnh đó, sáng tác của lứa tuổi nhi đồng lại chưa được chú ý đúng mức khiến cho năm tháng sáng tác của mỗi tác giả nhi đồng đã ngắn lại càng co lại. Những trang viết thơ ngây, sáng trong của tuổi thơ bé bỏng đang dần vắng bóng. Thiếu nhi vừa là đối tượng phản ánh vừa là đối tượng phục vụ của văn học thiếu nhi. Trẻ em hôm nay quá bận học, lại bị cuốn hút vào nhiều hoạt động khác trong một xã hội đang phát triển mạnh mẽ, với nhịp sống ồn ã và gấp gáp. Trẻ em bị hút sự chú ý về một hướng khác xưa, có vẻ như ngược hẳn với văn thơ. Trẻ em hôm nay thích nhiều thứ hơn thích thơ. Những bài thơ trong trẻo, hồn nhiên, ngộ nghĩnh xem chừng giờ không có sức lôi cuốn bạn đọc nhỏ tuổi. Cuộc sống sôi động và có phần xô bồ gây cho các em mất hứng thú đọc sách báo như lớp tuổi thơ các thế hệ trước. Cái các em kiếm tìm chính là sự thay đổi, tìm kiếm những điều khác với những cái hàng ngày các em đang sống. Sự thay đổi của đối tượng tiếp nhận đáng để người sáng tác phải thay đổi quan niệm. Tại sao viết thơ cho các em cứ phải chỉ viết những bài thơ trong trẻo, hồn nhiên và ngộ nghĩnh? Điều này định hướng cho người cầm bút cũng phải thay đổi tư duy sáng tạo tác phẩm. Bổn phận người làm thơ cho thiếu nhi không chỉ viết theo sở thích của con trẻ mà còn phải giúp cho các em yêu cuộc đời hơn qua thơ và biết thưởng thức thơ. Điều mừng là, vẫn có thiếu nhi yêu thơ, tìm đọc thơ và tập làm thơ. Nhưng số đó không nhiều. Ngày nay, những em mê thơ văn thường là những học sinh có cá tính, học giỏi, ham hiểu biết hoặc là những em tính tình trầm lặng, ít nói, có tâm trạng u buồn, cả nghĩ. Nhiều bậc cha mẹ chẳng những không khuyến khích, không tạo điều kiện, mà còn cản trở trẻ em sáng tác, coi sáng tác văn chương là việc làm viển vông, vô bổ, thiếu thực tế. Theo đà ấy, việc con trẻ ngay từ bé nhanh chóng ngấm tư tưởng coi nhẹ cả việc học văn trong nhà trường. Không nhất thiết phải bắt buộc trẻ em ngay từ nhỏ phải biết sáng tác văn học. Nhưng rõ ràng trong thực tế, có em nhỏ muốn viết văn, làm thơ mà không đựơc mấy ai hướng dẫn, bồi dưỡng, lại thường bị người lớn ngăn cản, chê trách, thậm chí bị cấm đoán, làm thui chột năng khiếu sáng tác và ước mơ văn chương của các em. Việc giáo dục thưởng thức nghệ thuật cho trẻ em chưa được tăng cường bao nhiêu. Những năm gần đây, nhà trường phổ thông đang cố gắng làm cho học sinh yêu thích học văn, thì cha mẹ các em cũng phải hướng dẫn cho con trẻ tìm đọc sách văn học. Mong sao, thực trạng văn học thiếu nhi ở nước ta dần thoát khỏi những nhọc nhằn. Hi vọng trước hết vẫn trông cậy vào chính đội ngũ những người chuyên tâm sáng tác văn học cho trẻ nhỏ.
H.K (Hải Phòng) (Theo hoaikhanh.vnweblogs.com)

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 17:28 0 nhận xét