Phan Hoàng... phang

Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011



27.01.2011-00:35
ảnh: Nhà thơ Đào Đức Tuấn với hoa mẹ hoa con
>> Ôm tròn trái đất
>> Ngồng ngồng bay ra

NVTPHCM- Mang tâm hồn trẻ thơ, yêu trẻ thơ, nhà thơ Đào Đức Tuấn rất có duyên với những vần thơ viết cho tuổi thơ, nhất là khi hết “búm” rồi đến nhóc “cu” của anh lần lượt chào đời càng mang lại cho hồn thơ anh nhiều hứng khởi. Xuân về, hoà quyện với những vần thơ thiếu nhi của Đào Đức Tuấn, ta lâng lâng nhẹ lòng như được sống lại cái thời hồn nhiên hân hoan đầy sân áo mới… đón mừng tuổi tết. (PH)

Tuổi tết

Cái Tết qua ngõ
Hương bánh gọi vào
Vạn thọ nghiêng chào
Nôn nao ngày hội.

Đầy sân áo mới
Người lớn vui cười
Trẻ nhỏ hân hoan
Đón mừng tuổi Tết.


Vầng trăng

Trăng những đêm giữa tháng
Mẹ dồn hết cho con
Con là vầng trăng tròn
Của ấp iu mẹ ước.

Vầng trăng mẹ hao khuyết
Của một đời nuôi con
Trăng mẹ khuya mới mọc
Nên có lần con quên…


Bài hát mùa thu

Mùa thu của con
Ươm bằng màu hoa cúc
Lá rực rỡ đường con bước
Mùa thu con tới trường
Cánh cò đồng lúa thương thương
Lật trang vở
Nghe mùa thu thầm nhắc nhớ.

Trung thu mênh mông
Con xếp đèn lồng
Ngày thơ ngọt ngào chiếc bánh
Trời thu cho con đôi cánh
Bay lên thăm chị Hằng
Rồi con lại về bên mẹ
Nghe mẹ ru
Bài hát mùa thu.


Lồng đèn

Lồng đèn bé bé xinh xinh
Kết bằng hương hoa trời đất
Lồng đèn thơm mùi mật ong
Lóng lánh như ngàn con mắt.

Lồng đèn là quà Hoàng tử
Gởi tặng công chúa chị Hằng
Trung thu như ngày đám cưới
Trăng xanh ánh nến bập bùng.

Lồng đèn đung đưa đung đưa
Lồng đèn xa xưa xa xưa.


Khi mưa

Gió lùa mát rượi
Mưa kéo đến rồi
Nước tí tách rơi
Thềm nhà tạt ướt.

Mưa dệt thảm nước
Sợi dọc sợi ngang
Giọt giọt đan đan
Rải lên mái rạ.

Mưa trút rộn rã
Xối xả hàng tre
Ba lo chắn che
Má lo xếp dọn.

Vào nhà ngả nón
Má nướng bắp ngô
Em nhỏ bi bô
Cả nhà vui quá.


Cánh cò lòng mẹ

Cánh cò trong mắt mẹ
Mãi miết trên đồng làng
Dù những mai gió buốt
Dù bao trưa nắng chang.

Chiều nay mưa làm ướt
Một khoảng trời bên đông
Đôi cánh cò chập choạng
Kéo ngàn mây mênh mông.

Cánh cò về với mẹ
Theo điệu lý ngọt ngào
Nương lời ru của mẹ
Cò bay qua chiều nào.


Với còng cát

Ơ chú còng nhỏ
Tắm biển xong chưa
Sao chạy lòng vòng
Chui hang biến mất?

Còng ơi, chờ chút
Bé nói nhỏ nè
Đừng quên bạn bè
Siêng lên chơi nhé!


Hoa mẹ hoa con

Mẹ nói mẹ luôn bận
Sao mẹ lại trồng hoa
Hoa mẹ trồng đơm sáng
Cả một góc vườn nhà.

Hoa mỗi mai con hái
Cắm lên bàn của ba
Ba sẽ đỡ vất vả
Khi nhìn hoa mẹ con.

(nhavantphcm.com.vn)

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 12:22 0 nhận xét  

Đất Mẹ

Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011


Nhớ Tết quê nhà ở Phú Yên
Ảnh minh họa: Gói bánh chưng của Camnangdulich.com.
Tôi nhớ Tết quê tôi, vùng đất Phú Yên yên bình và thân thiện. Nhớ phiên chợ cuối năm tấp nập hàng Tết về, nhớ chợ hoa đầy màu sắc chào đón Nàng Xuân. (Lan Phương, Mỹ)
Nhìn từng đàn chim lũ lượt bay đi trú đông, tôi nhớ về những chuyến bay hồi hương của kiều bào ta mỗi độ xuân về.
Tết năm nay là cái Tết thứ tư tôi rời xa quê hương. Những bộn bề, bận rộn nơi xứ người không làm tôi quên đi cái cảm giác nao nao mỗi khi xuân về, cái không khí nhộn nhịp của lũ trẻ quê tôi chờ Mẹ mua áo mới cho ngày Tết, và tôi không thể quên được những phong tục Tết ý nghĩa thứ mà những người Việt xa quê như tôi khó tìm thấy được nơi đất khách.
Tôi nhớ cái ngày 30 Tết mọi người trong xóm rôm rả gói bánh chưng, bánh tét, dọn dẹp cho ngôi nhà thêm khang trang để chờ đón một năm mới hạnh phúc và an bình. Nhớ những ngày đầu năm mới, anh em tôi cùng nhau đi viếng bà, cậu, dì trong bộ quần áo mới toanh và trên môi luôn hiện diện nụ cười rạng rỡ.
Tôi nhớ ngày hợp lớp đầu xuân, lũ bạn khắp nơi tìm về đất mẹ cùng chia sẻ niềm vui và ôn lại những ngày tháng đã qua. Và tôi nhớ hương vị ngày xuân quê tôi, cái hương vị ngọt ngào trong sự thanh bình cho một ngày về hạnh phúc.
Ngày tôi đặt chân đến mảnh đất mới, nơi mà mùa đông giá buốt tuyết phủ dày của vùng đông bắc nước Mỹ, tôi tự nói với lòng mình tôi sẽ trở về quê hương vào một ngày xuân đầy ấp nắng vàng với đào, mai đua nở, bánh mứt thơm tho nhưng có lẽ tôi lại lỡ hẹn thêm một lần nữa cho chuyến hồi hương mùa Tết đến.
Tết Việt nơi vùng đất Connecticut này không rộn ràng như những nơi khác của Kiều bào ta ở Mỹ, nhưng đâu đó tôi vẫn nhận ra rằng kiều bào nơi này cũng nôn nao chờ đón Tết không kém với những hộp kẹo mứt. Với gia đình tôi, mặc dù không có cơ hội ngồi canh những nồi bánh chưng thơm tho cùng lũ trẻ làng, không có những nhành mai, nhành đào, nhưng gia đình tôi cũng có một đêm giao thừa cho riêng mình cùng những người đồng hương để tận hưởng niềm vui Tết đến và cùng cầu chúc nhau một năm an bình. Riêng lũ trẻ, tuy chưa từng biết Tết cổ truyền là gì nhưng chúng cũng luôn mong chờ ngày đầu xuân để nhận những lời chúc Tết và những bao lì xì đỏ thắm.
Giờ đây khi đất trời đang vào xuân, khắp nơi đang tấp nập chờ đón Tết, nào hoa, nào bánh mứt, nào bao lì xì, nào câu đối đỏ, tôi nơi đây, nơi xứ người vẫn thèm và nhớ Tết quê hương. Tôi luôn mơ một ngày về để được hưởng trọn cái không khí đất trời vào xuân nơi quê nhà, chờ đón thời khắc giao mùa và để cảm nhận cái không khí Tết mà tôi luôn nhớ trong những tháng năm xa quê hương. Cầu chúc cho tất cả một mùa xuân an lành và hạnh phúc.

Mùa xuân đất Mẹ đẹp làm sao

Lũ trẻ nơi nơi háo hức chào

Xuân này con lỡ, không về được

Hẹn đến xuân sau hội ngộ nào.
Nguyễn Thị Lan Phương (từ Connecticut, Mỹ)

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 13:50 0 nhận xét  

phóng... 3 Lưu

Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2011



Ăn tết cùng nhà văn “nông phu”
SGTT.VN - Trước khi viết văn, Ngô Phan Lưu là một nông dân thực thụ, chân lấm tay bùn với mấy sào ruộng và một bầy bò, trước đó nữa thì ông đi học, khoa triết hẳn hoi. Trước đây, ngoài thời gian làm ruộng, ông đọc sách và đi chơi… lung tung chỗ. Bây giờ, vẫn còn đi chơi nhưng chủ yếu thời gian của ông là… cày trên máy tính. Tết Tân Mão này, Ba Lưu... bỗng thành nhà văn (thông báo của hội Nhà văn Việt Nam, chiều 10.1.2011)...
ảnh: nhà văn Ngô Phan Lưu bên hiên nhà
Nông dân không chê ruộng xấu
Có thể nói, giải nhất truyện ngắn báo Văn Nghệ 2007 đã đưa ông từ “bóng tối” ra “ánh sáng”. Bỗng chốc thành người nổi tiếng, truyện ngắn – tạp văn – bài vở… liên tục xuất hiện trên các báo, đài. Đã vậy còn thỉnh thoảng được nhiều phóng viên đến phỏng vấn. Tôi nghĩ, ông sẽ bị một áp lực nào đó vì nổi tiếng, nhiều người tâng bốc, bạn nhậu chèo kéo... Thế nhưng ông tỉnh rụi: “Cứ cho tui là người nổi tiếng nhưng U70 rồi, được nhiều người biết cũng... khoai khoái, chứ chả thấy ảnh hưởng… áp thấp nhiệt đới gì cả! Mà hình như sau “cái vụ” được giải, tui “cày bừa” nhuận bút hiệu quả hơn, bằng chứng là… nụ cười của bà xã tui hình như nhiều hơn!”. Nói dứt, ông khà khà: “Có hỏi gì thì hỏi lẹ lên cha nội, tui còn phải “cào” cái truyện ngắn cho báo tết đã đặt hàng…”
Quả thật, khoảng ba năm gần đây, nhiều anh em theo dõi thấy sáng tác, bài vở của Ngô Phan Lưu xuất hiện dày đặc, đều đều, sòn sòn trên các báo, đài từ nhỏ đến to. “Đỡ” cái là ông không “tha, chê” báo nào. Như chương trình Nông thôn của đài phát thanh Phú Yên đặt ông “sản xuất” mỗi tuần một kịch bản ngắn Gia đình bác Ba, ông chơi tuốt, mấy tờ tin của các ngành trong tỉnh đặt bài theo chủ đề, ông cũng... để em, ngon ơ! Anh em chọc “coi chừng cùn bút… vàng, bút ngọc”, ông đốp lại “cái nào ra cái đó, nông dân mà đi chê… ruộng xấu à?” Rồi ông nghiêm túc: “Có lẽ một đời gắn bó, rong chơi và lắng nghe nông thôn đã dồn đầy trong mình những câu chuyện, những tình tiết buộc phải viết ra, nên phải tranh thủ thôi. Vả lại, nhờ làm ruộng nên dẫu tuổi cao, mình cảm thấy vẫn… chạy tốt. Thế nên anh em nhận xét dạo nay viết nhiều là cũng phải, chữ nó cứ như rần rật trào ra mấy đầu ngón tay. Hồi xưa “cày” bút, giờ “cày” vi tính là sướng quá rồi còn gì, lại nối in-tẹc-néc trong nhà thì còn gì bằng…”
30 bài báo xuân
Xuân Tân Mão này, Ba Lưu đã bước qua tuổi 65 (ông sinh năm 1946) nhưng vẫn còn trẻ chán, hay nói chuyện “cà xốc” làm cho anh em cười bể bụng. Còn cách tết hai tháng, Ba Lưu đã tuyên bố cứng: “Bài tết năm nay như vậy là đã đạt chỉ tiêu, 30 bài lớn, nhỏ! Đó là chỉ nói mấy bài mà ban biên tập các báo đã thống nhất cuối cùng! Nói chung hơn gấp mấy lần làm… lúa!”
Cũng từ ngày chuyển hẳn sang viết lách, để lại đám ruộng cho mấy người em làm, Ba Lưu về ở hẳn trong một ngôi nhà cũ kỹ, nép trong cái hẻm nhỏ trên đường Duy Tân, thành phố Tuy Hoà. Vốn là “học giả nông thôn”, ông ăn tết dung dị nhưng đủ đầy, nhất là các khoản tâm linh, thờ cúng thì khá bài bản. Chậu mai xuân vàng rực là thứ không bao giờ thiếu, hồi trước ít thiệp xuân, ông treo hững hờ lên cành, bây giờ nhiều báo gởi thiệp quá, ông đặt trang trọng… một chồng lên góc bàn khách! Vợ ông khéo tay, tết nào bà cũng làm các loại bánh quê kiểng như bánh thuẫn, bánh tro, bánh đậu xanh… để cúng tổ tiên và tiếp khách. Các khoản thức mặn trong nhà ông cũng luôn nấu theo kiểu đơn giản nhưng đậm đà của vùng nông thôn Nam Trung bộ. Mồi ngon và rượu ngon quanh nhà ông lúc nào cũng có sẵn; nếu chán thịt thà thì cây xoài, cây mận, ổi… quanh nhà ông như lúc nào cũng có trái! Câu chuyện của lão nông – nhà văn cũng ngon lành không kém! Bằng chứng là cuộc rượu xuân nào ở nhà ông cũng vô cùng khí thế văn chương!
Có thể nói, lối viết của Ngô Phan Lưu ngày càng hiện đại, “ma quái” nhưng lối sống của ông không hề thay đổi, vẫn xềnh xàng, nói cười “lác lác” và quý trọng bạn bầu, rảnh việc là ham la cà vô tư tới bến! Vậy mà hơn năm nay, ông chả thèm đi đâu và bỏ hẳn nhậu, thế mới kinh! Thì ra lão Ba bày ra quán càphê tại gia, do vợ ông phụ trách, còn ông... chạy bàn kiêm tán dóc với khách! Không treo biển hiệu nhưng ai hỏi thì ông nói tên quán là “Osaka”, còn anh em văn nghệ gọi là quán “Nổ” (tên sau được nhiều người biết hơn). Nhưng khổ nổi, tại quán ông, có nguyên tắc là không được uống bia!
Nhiều anh em đồ rằng: chắc ông này “hết xái”, mỏi gối giang hồ, bày ra quán càphê để ngồi “góp nhặt” tư liệu từ khách khứa, chứ nghe nói gia tộc Ngô Phan Lưu giàu có tiếng, riêng khoản nhuận báo – nhuận sách của ông thường xuyên tương đương... địa chủ! Chẳng biết nữa, chỉ biết là khi thành hội viên nhà văn Việt Nam, ông “rửa” mỗi bạn văn... một ly càphê miễn phí tại quán “Nổ”. Anh em lại la làng “Ba Lưu keo quá!”, ông hề hề “Tết lại nhà chơi nghen!”...
bài và ảnh: Đào Đức Tuấn


(SGTT)

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 22:49 0 nhận xét  

Tết là chi?

Chạy Tết
Tạp bút BÙI VĂN TUẤN

Chạy Tết! Vâng, mới nghe qua thấy cũng hơi ngồ ngộ. Túng thì chạy tiền, đói thì chạy ăn, còn đau ốm thì chạy thầy, chạy thuốc chạy thang chứ ai đời đi chạy Tết. Song thực tế nó đang diễn ra từng ngày từng giờ, thậm chí còn vô cùng khốc liệt. Chạy Tết thì dành cho đủ mọi thành phần “sĩ, nông, công, thương” trong xã hội, nhưng tôi xin mạn phép kể ra đây một vài trường hợp điển hình để chúng ta cùng suy gẫm. Doanh nghiệp chạy Tết: Ở nước ta doanh nghiệp thì hằng hà sa số: nào là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài v.v. Với doanh nghiệp tư nhân thường ít có chuyện để bàn, vì họ vốn làm ít ăn ít, làm nhiều hưởng nhiều, âu cũng là lẽ tự nhiên. Song còn một số loại hình kia thì khác! Vì sao vậy?... Bởi cuối năm, có một vài doanh nghiệp nhà nước đang trong tình trạng lỗ lã nhưng họ cố tìm cách làm mờ đi sự thật. Cho nên, họ phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để tìm cho ra nhà ảo thuật. Họ tìm nhà ảo thuật làm gì? Xin thưa, họ tìm nhà ảo thuật tài ba để biến những cái “không thể thành có thể”, biến những con số “âm” quặt quẹo thành những con số “dương” tròn trịa mỹ miều. Vậy là năm đó từ sếp cho tới lính tiền thưởng rung rinh, lại còn được cấp trên khen thưởng. Thế mới độc!... Đúng là tuyệt chiêu, song họ vẫn còn thua xa những bậc thầy trong khu công nghiệp. Vì ở đó luôn tồn tại những vị phù thủy hết sức kỳ tài. Mỗi ngày, có hàng ngàn lao động làm việc đầy ra đó, vậy mà họ vẫn che được quyền lợi bảo hiểm thiết thực của công nhân, huống chi ba con số ảo. Cuối năm, họ cũng chạy nhưng tèn tèn chứ không vắt giò lên cổ như mấy ông nhà nước. Cách chạy của họ cũng hết sức tinh vi: nào là hàng hư, không đạt yêu cầu… trừ lương; nào là năng suất không đạt chỉ tiêu… cắt thưởng; nào là hàng tồn kho ứ đọng quá nhiều, đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó khăn… thế là nợ lương, nợ thưởng. Cuối cùng, công nhân - những người trực tiếp góp phần làm tăng trưởng nền kinh tế nước nhà muốn về quê ăn tết phải chịu cảnh xe nhét, xe nhồi, cơm tù, cơm tội…Quan chức chạy Tết: Cuối năm, quan chức là những người bận rộn thuộc hàng bậc nhất. Ở tỉnh nọ, vừa ra khỏi mùng Mười tháng Chạp là lãnh đạo của các ban ngành bận tối mặt, tối mày. Họ luôn chạy ma ra ton với thời gian để thăm cho khắp các huyện, thị trấn, xã, phường... Trong tỉnh, tính sơ sơ cũng có đến vài chục huyện; mỗi huyện có vài chục xã; mỗi xã lớn nhỏ cũng có đến cả chục thôn… Cứ thế mà suốt ngày ông tỉnh xuống thăm ông huyện; ông huyện xuống thăm ông xã; ông xã xuống thăm ông thôn… và đi đến đâu cũng thấy lễ tổng kết cuối năm, tiệc mừng tất niên diễn ra rôm rả. Nhiều quan chức không chịu lượng sức mình, chạy sô tất niên đến độ khi ra về người nồng nặc mùi bia, mềm như cọng bún… Có vị thậm chí còn quên bẵng cái cặp của mình, bên trong đựng đầy những bao thư, dày cộm.Giảng viên chạy Tết: Ghé thăm một tí các trường đại học hiện đang phát triển rầm rộ để xem cuối năm họ chạy Tết như thế nào các bạn nhé?Công việc của tôi thuộc lĩnh vực phát hành sách, nên thường xuyên hợp tác và biết khá rõ lịch dạy của một số thầy. Sắp Tết, là thời gian mà họ phải “ba chân bốn cẳng chạy thẳng vào trường” để đua cho xong “hợp đồng đứng lớp”, chứ không nhàn hạ, thảnh thơi như các lão nông vừa lúc xong mùa. Với nền “giáo dục mở”, trường trường thi nhau tuyển sinh, ngành ngành thi nhau liên kết, và giảng đường mọc lên như nấm sau mưa… dẫn đến lực lượng giảng viên ngày càng trở nên khan hiếm. Để tạo sự hấp dẫn, thu hút học viên, (ngoại trừ một vài trường đại học chính quy) đa số các trường dân lập đều ký “hợp đồng thời vụ” với các giảng viên chuyên ngành để mở rộng thêm phạm vi đào tạo. Chính vì thế mới nảy sinh việc “dạy và học tấp bi” cho xong học phần mà đa số rơi vào dịp tết. Ở trường Đại học Dân lập… một học phần môn quản trị kinh doanh thường là 45 tiết, vì mãi chạy sô hết tỉnh nọ đến tỉnh kia nên cuối kỳ giảng viên nén hết chương trình chỉ trong vài buổi. Dạy vậy có sướng không? Học vậy có sướng không? Sướng quá đi chứ phải không thưa các bạn! Cả thầy lẫn trò đều tiết kiệm được khối thời gian… Nhưng khổ thay, đến khi ra trường, trong đầu sinh viên chỉ còn là một mớ bòng bong, rỗng tuếch… Phóng viên chạy Tết: Vâng! Họ chính là những người luôn mang lại niềm vui, hơi ấm nồng nàn, và cái rạo rực của mùa xuân đến với mọi nhà qua từng trang báo. Cuối năm, khi những cánh mai vàng rực, cành đào hồng tươi lung linh khoe mình dưới ánh nắng ban mai rực rỡ, cũng là lúc những cuốn báo xuân đặc biệt đa sắc đa màu đã nằm trong nhà bạn. Chính nó đã mang đến cho bạn những giây phút thư giãn thật tuyệt vời, thật êm đềm và bình yên sau cả năm vật lộn cùng thời gian, cùng miếng cơm manh áo. Phóng viên, họ là những chiến binh thầm lặng, luôn đua với thời gian để có được những tấm ảnh đẹp, những bài viết hay, để thổi vào mùa xuân cái hồn bất tận. Và cuối năm, cũng là mùa mang lại cho phóng viên nhiều niềm vui nhất nằm trong những “chiếc phong bì” đến từ tòa soạn…Thành phần “chạy Tết” thì ôi thôi vô cùng đa dạng, nên tôi có kể đến đầu năm sau cũng chưa chắc đã xong… Bởi vậy, tôi xin chia sẻ đến với các bạn cái chạy xất bất xang bang của những người nông dân thuộc vùng rốn lũ miền Trung để thay cho lời kết. Cuối năm, mưa bão hoành hành, lũ chồng lên lũ, đồng ruộng xác xơ, nhà cửa điêu tàn, tay trắng rồi lại trắng tay… Nên họ, những phận người quanh năm chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời biết chạy đâu ra tiền để sắm sửa mâm cơm đợi các con ở xa trở về sum họpï với gia đình trong ba ngày tết ???

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 01:49 0 nhận xét  

Nổ cảm động

Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2011






















Tiếp sau thành công của hai cuộc hội thảo để lập hồ sơ đề nghị Nhà nước truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang cho nhà thơ Lê Anh Xuân và nhà văn Nguyễn Thi, Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM khoá 6 đã tổ chức trại sáng tác văn học đầu tiên tại Khu Du lịch sinh thái Sao Việt của thành phố Tuy Hoà và bước đầu thu được một số kết quả đáng khích lệ giữa không khí nồng ấm tình người tình đất Phú Yên.


MỘT Ý TƯỞNG MỚI

Từ nhã ý ban đầu của anh Trần Quang Phú- chủ doanh nghiệp Sao Việt và là hội viên Hội Nhà văn TP.HCM, muốn mời Ban chấp hành Hội khoá mới một chuyến tham quan du lịch cùng gia đình ở Sao Việt, đã hình thành nên ý tưởng mở luôn trại sáng tác văn học đầu tiên tại Phú Yên. Nhà thơ Phan Hoàng được cử lên đường về quê tiền trạm. Nhờ sự nhiệt tình hỗ trợ của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Sở Văn hoá- thể thao- du lịch và Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên, đặc biệt là sự tài trợ của Công ty TNHH Du lịch Sao Việt, trại sáng tác đã diễn ra trong 10 ngày (19-28.9.2010).
Đây là lần đầu tiên một trại sáng tác văn học được Hội Nhà văn TP.HCM phối hợp với một công ty kinh doanh du lịch tổ chức, thu hút lực lượng tương đối hùng hậu các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình. Ngoài thành phần khách mời là các thành viên trong Ban chấp hành Hội: Lê Quang Trang- chủ tịch, Phạm Sỹ Sáu- phó chủ tịch, Phan Hoàng- trưởng ban nhà văn trẻ và các nhà văn Trần Thanh Phương, Trần Thị Thắng, Nguyễn Tiến Toàn, Hà Đình Nguyên tham gia ngắn ngày, còn lại 11 thành viên chính thức đã có mặt gần xuyên suốt trại sáng tác: Quang Chuyền, Đoàn Thạch Biền, Trần Hữu Dũng, Đỗ Viết Nghiệm, Nguyễn Bính Hồng Cầu, Thu Trân, Phố Giang, Trần Xuân An, Đặng Hồng Quang, Ngô Liêm Khoan, Trần Hoàng Nhân. Có người cầm bút từ trước năm 1975. Có người còn rất trẻ. Có người xuất thân từ quân đội. Có người là kỹ sư, nhà giáo, nhà báo… vốn sinh trưởng từ mọi miền đất nước, hiện đang sống và làm việc tại TP.HCM. Tất cả đều cùng háo hức về Phú Yên- vùng đất trấn biên một thời trên đường mở cõi của tổ tiên mà năm tới sẽ kỷ niệm 400 năm thành lập (1611-2011).

NỒNG ẤM TÌNH NGƯỜI

9 giờ sáng 19.9, sau hai tiếng đồng hồ đặt chân đến khu du lịch Sao Việt, đoàn nhà văn TP.HCM do Chủ tịch Lê Quang Trang dẫn đầu đã đi dâng hương đền thờ Lương Văn Chánh- bậc tiền hiền có công khai khẩn đất Phú Yên từ thời chúa Nguyễn Hoàng ở Đàng Trong.
15 giờ cùng ngày, trên đỉnh Núi Thơm tuyệt đẹp bên bờ biển Đông, lễ khai mạc trại sáng tác văn học của Hội Nhà văn TP.HCM đã diễn ra với sự có mặt của hầu hết các nhà lãnh đạo đương nhiệm và cựu trào hàng đầu Phú Yên: Đào Tấn Lộc- bí thư tỉnh uỷ, Huỳnh Tấn Việt- phó bí thư, Lê Kim Anh- phó chủ tịch, Trần Quang Nhất- giám đốc sở văn hoá- thể thao- du lịch; các cựu bí thư, phó bí thư và chủ tịch tỉnh: Nguyễn Duy Luân, Nguyễn Thành Quang, Huỳnh Trúc, Văn Công,… cùng đông đảo văn nghệ sĩ địa phương như: Trần Hiền Ân, Kpa Y Lăng, Đào Minh Hiệp, Ngọc Quang, Nguyễn Tường Văn, Phạm Ngọc Sơn, Phan Thanh Bình, Triệu Lam Châu, Huỳnh Thạch Thảo, Nguyễn Thị Thu Trang, Lê Minh, Mạnh Minh Tâm, Trần Quốc Cưỡng, Đào Đức Tuấn, Hoàng Hoài Sơn, Trần Quỳ, Huỳnh Văn Quốc, Phương Trà, Pha Lê,… Hai MC Trình Quang Phú và Ngọc Quang thay nhau dẫn dắt chương trình khá “duyên dáng”!
Sau khi nghe nhạc sĩ Ngọc Quang- chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên thuyết trình khá thú vị và sâu sắc về lịch sử- văn hoá địa phương, đặc biệt là sự phát hiện bộ đàn đá và kèn đá, mọi người đã có dịp thưởng thức âm thanh tuyệt vời của báu vật âm nhạc tổ tiên qua biểu diễn của các nghệ sĩ đoàn ca múa nhạc Sao Biển. Tiếp đó là cuộc giao lưu thân tình từ buổi tiệc do UBND tỉnh Phú Yên chiêu đãi dưới thác nước thơ mộng của khu du lịch Sao Việt và thưởng thức tiết mục hò bá trạo nổi tiếng của những ngư dân- nghệ sĩ dân gian trình diễn.
Nhà văn- nhà tư liệu học nổi tiếng Trần Thanh Phương nói rằng anh từng dự rất nhiều trại sáng tác nhưng chưa có trại nào được tổ chức chu đáo, hoành tráng và được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương như thế. Nhà thơ quân đội kỳ cựu Quang Chuyền còn nói thêm: chỉ có tình yêu mạnh mẽ đối với văn học thì người Phú Yên mới rất trân trọng các nhà văn!
Giữa không khí ấm áp tình người đất Phú trời Yên, vợ chồng nhà thơ Lê Quang Trang- nhà văn Trần Thị Thắng chạnh lòng nhớ về người bạn thân Trần Vũ Mai- nhà thơ mà cuộc đời và sự nghiệp gắn với vùng đất khói lửa này qua trường ca nổi tiếng Ở làng Phước Hậu.
Lễ khai mạc ấn tượng đầy xúc động ấy cũng là chìa khoá mở ra nguồn cảm hứng cho các nhà văn trên hành trình thâm nhập thực tế sáng tác ở một tỉnh duyên hải miền Trung còn tiềm ẩn nhiều vẻ đẹp bất ngờ.

CUỘN TRÀO CẢM HỨNG

Không phải ngẫu nhiên chỉ trong vòng 10 ngày vừa đi thực tế vừa sáng tác mà các nhà văn TP.HCM đã có hơn 40 bài thơ, truyện ngắn, bút ký cùng nhiều ý tưởng phác thảo về Phú Yên. Ngoài sự nồng ấm tình người thì vùng đất lịch sử một thời trấn biên này đã mang lại cho các nhà văn nhiều nguồn cảm hứng sáng tạo. Dù đã đến Phú Yên nhiều lần, nhưng với Nguyễn Bính Hồng Cầu, Thu Trân, Ngô Liêm Khoan thì đây là chuyến đi dài ngày nhất, giúp hiểu sâu hơn về một vùng đất còn nhiều mới lạ.
Tại huyện Sông Hinh, cách thành phố Tuy Hoà hơn 70km, trong cơn mưa của cao nguyên, với sự hướng dẫn của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Minh, đoàn nhà văn đã vào thăm các buôn làng dân tộc thiểu số, các công trình công cộng vùng cao, thưởng thức biểu diễn cồng chiêng, uống rượu cần, gặp gỡ nhà văn Y Điêng- già làng của người Ê Đê. Đoàn cũng được anh Trần Thơ Ấu- phó chủ tịch thay mặt UBND huyện Sông Hinh ân cần tiếp đãi. Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu thay mặt đoàn đã bày tỏ nỗi xúc động trong hơi men rượu cần. Còn nhà thơ Trần Hữu Dũng “xuất khẩu” ngay bài thơ Cụng ly với nhà văn Y Điêng đầy ám ảnh.
Về huyện Tây Hoà, đoàn đã đến thôn miền núi Phú Thọ xã Hoà Mỹ viếng tổ đình Long Tường- ngôi chùa cổ nhất ở phía Nam Phú Yên, nơi nương náu anh linh của tiền nhân trên đường khẩn hoang mở đất, và cũng là một di tích lịch sử- văn hoá gắn liền với nhiều chiến tích trong kháng chiến cứu nước. Đại đức Thích Giác Thanh trụ trì tổ đình đã mời đoàn bữa cơm chay thú vị. Đoàn cũng giao lưu với cán bộ và văn nghệ sĩ xã Hoà Đồng anh hùng, thăm mẹ già và gia đình nhà thơ Phan Hoàng. Hoà Đồng nói riêng và Phú Yên quê hương nói chung là nguồn cảm hứng bất tận để anh đang hoàn thành tập thơ Đứa con của gió.
Vượt qua cánh đồng lúa Tuy Hoà mênh mông, đoàn đã vào đèo Cả thuộc huyện Đông Hoà chiêm ngưỡng ngọn Đá Bia (Thạch Bi Sơn) kỹ vĩ gắn liền với huyền sử “lưng kiếm túi thơ” chinh Nam của minh quân Lê Thánh Tôn cùng bao huyền thoại khác. Đoàn cũng xuống thăm Vũng Rô gắn liền với chiến công lừng lẫy tàu không số, ngắm hải đăng mũi Điện- nơi được xem đón bình minh sớm nhất trên đất liền nước ta. Nhà văn Đỗ Viết Nghiệm trên đường đi đã ghi chép kỹ lưỡng cho bút ký Vũng Rô ngày ấy bây giờ, còn hai nhà thơ Quang Chuyền và Phố Giang đêm ấy có hai bài thơ Nghe trong tiếng đất tiếng người và Thạch Bi Sơn.
Ngược về phía Bắc, đoàn đã ra Tuy An thăm hai thắng cảnh quốc gia đầm Ô Loan và gành Đá Đĩa nổi tiếng, viếng chùa Đá Trắng- nơi gắn liền với cuộc khởi nghĩa Phật giáo oai hùng do Võ Trứ và Trần Cao Vân lãnh đạo, nhà thờ cổ Mằng Lăng. Dưới chân đèo Quảng Cau, đoàn đến dâng hương đền thờ chí sĩ Lê Thành Phương- một thủ lĩnh của phong trào Cần Vương chống Pháp ở Phú Yên và Nam Trung Bộ. Đoàn cũng dành một ngày đi thị xã Sông Cầu thơ mộng, thâm nhập vào các làng chài ven vịnh xuân Đài được đánh giá là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới, nơi đánh dấu cuộc bang giao đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thời nhà Nguyễn.
Trở về với đồng lúa Tuy Hoà, nhờ sự hướng dẫn của nhà báo- nhà nghiên cứu Phan Thanh Bình, đoàn đã lên huyện Phú Hoà tham quan di tích khảo cổ Chăm thành Hồ, Gành Đá gắn liền với sử thi dân tộc Ê Đê. Đặc biệt, đoàn còn leo núi thăm đập Đồng Cam, thắp hương tưởng nhớ những người dân phu đã ngã xuống để xây dựng nên một trong những công trình thuỷ lợi lớn đầu tiên của nước ta, tưới tiêu cho 20.000ha cánh đồng phì nhiêu Tuy Hoà.
Xen giữa những chuyến đi xa là những cuộc giao lưu ngay tại thành phố Tuy Hoà với báo Phú Yên, Hội Văn học nghệ thuật, Thư viện Hải Phú của tỉnh,… và tham quan núi Nhạn- nơi hơn 30 năm tổ chức đêm thơ Nguyên tiêu, góp phần khai sinh Ngày Thơ Việt Nam. Trưởng trại Đỗ Viết Nghiệm còn tranh thủ vượt hơn 60km lên huyện Sơn Hoà thăm thầy của mình là nhà văn Ka Sô Liễng- già làng của dân tộc Chăm Hroi. Nhà văn Đoàn Thạch Biền cũng tranh thủ đi giao lưu các cây bút trẻ gia đình Áo Trắng. Nhà văn Nguyễn Tiến Toàn về thăm lại Xóm Trường ở huyện Đồng Xuân nơi bị tan hoang trong cơn lũ lớn năm qua, giao lưu với ban giám hiệu trường trung học Duy Tân ở Tuy Hoà…
Đặc biệt, các nhà văn luôn quan tâm tìm hiểu quá trình hình thành, phát triển của khu du lịch độc đáo Sao Việt qua hướng dẫn của Tổng giám đốc Huỳnh Thị Kim Hương và GSTS. Trình Quang Phú. Nhà văn Đỗ Viết Nghiệm đã viết ngay bút ký Có một Sao Việt như thế, nhà văn Đặng Hồng Quang có truyện ngắn Biệt thự Hoa Cẩm Chướng cùng nhiều bài thơ về Núi Thơm của Quang Chuyền, Trần Hữu Dũng, Phố Giang,…
Trại sáng tác ở Phú Yên đã khép lại. Những trang văn đã và đang hình thành. Và như lời nhà văn Trần Văn Tuấn- phó chủ tịch thường trực Hội Nhà văn TP.HCM trong lễ bế mạc, sự phối hợp hiệu quả ngoài mong đợi giữa Hội và công ty Sao Việt đã mở ra một hướng đi mới cho hoạt động sáng tác văn học trong tương lai.
ảnh (từ dưới lên):
- Nhà thơ Lê Quang Trang tặng quà lưu niệm cho nhạc sĩ Ngọc Quang
- Tổng giám đốc Kim Hương- công ty Sao Việt tặng hoa Chủ tịch Lê Quang Trang
- Hai nhà thơ Phạm Sỹ Sáu và Phan Hoàng ở đền thờ Lương Văn Chánh
- Vợ chồng nhà văn Trần Thanh Phương và nhà thơ Quang Chuyền nghe thầy trụ trì Thích Giác Thanh kể chuyện cây gõ thiêng chùa Long Tường
- Thăm ghềnh Đá Đĩa



Nguồn: Đương Thời

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 19:22 0 nhận xét  

thơ hay à

Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2011


Chùm thơ của hội viên mới Phan Hoàng

11:22:00 13/1/2011

VanVn.Net - Một câu dài đến thế này mà không phải thơ văn xuôi: “chưa bao giờ rời mắt khỏi lũ sói đói di truyền luôn khát thèm cánh chim mỡ màng Lạc Việt luôn khát thèm mảnh đất rồng thiêng bay lên những giấc mơ Phù Đổng/ những giấc mơ giản dị như khí trời trong lành để thở như thực phẩm an toàn để ăn như nước sạch để uống và đêm đêm lứa đôi tự do quấn nhau cháy đến sinh sôi” chỉ có ở người trường sức, người già yếu đọc bằng mắt đã thâý mệt. Xem như thế đủ thấy Phan Hoàng còn trẻ. Còn trẻ mà cảm thức về gió có mặt ở nhiều bài, có mặt trong giấc ngủ, có mặt khi tác giả trên biên cương? Vì sao vậy? Cô đơn chăng? Cô đơn thì có, không cô đơn ai làm thơ làm gì. Nhưng cảm thức ấy còn có trong lịch sử, làm nên lịch sử và làm nên thơ hay...

NHỮNG NGỌN GIÓ VÔ DANH

người ơi từ đâu theo gió bay đi
từ đâu hồn thiêng bay về cùng gió
đêm đêm bỗng nghe bóng cây ngọn cỏ
tiếng ai trong gió lạnh rơi thì thầm

đêm đêm bỗng nghe rừng xanh thành cổ
bước ai trong gió lặng trôi bềnh bồng

người mới con trai người vừa con gái
ước mơ căng tràn ngực gió thanh xuân

người lên đầu non người xuôi cuối bể
xác hoá mây bay hồn về đất mẹ

người từ ngàn năm người không tên tuổi
bỗng gió theo về bỗng gió bay đi

Quảng Trị 4.2010

MƯỜI BỐN LẦN GIÔNG TỐ BIÊN CƯƠNG


1.
núi đi trong sương lạnh
núi đi trong mây mù
núi đi trong gió cuốn
núi lặng lẽ ngắm mình thung sâu
núi bí ẩn đàn đàn mã phục
núi trùng trùng muôn vạn hùng binh

núi thanh niên lẫm liệt
núi thiếu nữ mơ màng
núi thiếu phụ nõn nà một con

núi ngút trời dũng khí người lính trấn thủ địa đầu
núi ấp ôm tâm sự thắt lòng vọng phu hoá đá

2.

ta là hạt bụi nung nắng phương Nam
theo di chúc chín lời của cha
về đất tổ tắm gội trong gió biên cương
lên ải thắp chín nén hương
quỳ một chân
van vái tám phương
quỳ hai chân
một phương van vái
cúi rạp mình trộn lẫn đất đai
nghe núi rừng chuyển rung những âm thanh kỳ lạ
ngựa hí
gươm khua
tên bay
trống giục
lưu luyến tiễn đưa
nỉ non than khóc
vội vội vàng vàng tiếng thở đêm tân hôn

gió núi khoác lấy vai ta
như bàn tay cha hiện về thầm nhắc…

vòng quanh khắp hành tinh này
không dân tộc nào
không đất nước nào
hiếm hoi thế hệ bình yên
nối nhau quẫy đạp bóng đêm
đứng lên
chống chọi mười bốn cuộc ngoại xâm
chống chọi mười bốn lần giông tố biên cương
giành lại từng dấu chân giao chỉ
giành lại từng viên đá cuội in bóng chim lạc chim hồng
giành lại từng tia sáng cánh cò cánh vạc
giành lại từng tiếng khóc bình yên tao nôi

vòng quanh khắp trái đất
không dân tộc nào
không đất nước nào
oằn vai
gánh
mười bốn cuộc chia ly không dám hẹn ngày về
không dám tỏ bày nỗi nhớ niềm thương
không biết cha con đối đầu
không ngờ anh em bắn nhau
máu đỏ oán khóc sông
xương trắng hờn than núi
bao tinh hoa hoá thành cát bụi
bao bà mẹ tim ngừng đập vẫn mở mắt đợi con
bao người vợ úp mặt chờ chồng lửa lòng đông cứng

mười bốn lần trống đồng Đông Sơn thúc quân xông trận
mười bốn lần khí thiêng Đại Việt bạt vía quân thù
mười bốn lần non nước Lạc Hồng xây lại từ thương đau

3.
mải theo di chúc chín lời
chơi vơi giữa trời khuya vắng
ta ngược bước gió tổ tiên
lành lạnh địa đầu sương trắng
vẫn nghe từ trong xa thẳm
núi rừng mơ hồ chuyển rung

có những cỏ cây bị đánh cắp xứ người cất lời trách gió
có những hồn thiêng mất quê đớn đau phẫn uất mắt đêm

có người lính trấn thủ tay gươm tay đàn bồng bềnh mây nước
có người đàn bà trẻ ôm con chân không chấp chới xanh non
có tiếng trống như tiếng gầm hùm beo vọng vang vách đá


náo động bốn phương
gió âm u
ào ạt
tràn về
gió Hát Giang
gió Bạch Đằng
gió Như Nguyệt
gió và gió…
gió Diên Hồng
gió Chi Lăng
gió Đống Đa
gió Rạch Gầm
gió và gió…
gió Đông Khê
gió An Khê
gió La Ngà
gió Mộc Hoá
gió Điện Biên
gió và gió…
gió hội tụ anh linh núi sông
ào ạt tràn về
như những đạo quân bí mật thần tốc
những đạo quân mưu lược hào khí Đông A
những đạo quân chưa bao giờ rời mắt khỏi cõi bờ
chưa bao giờ rời mắt khỏi lũ sói đói di truyền luôn khát thèm cánh chim mỡ màng Lạc Việt luôn khát thèm mảnh đất rồng thiêng bay lên những giấc mơ Phù Đổng
những giấc mơ giản dị như khí trời trong lành để thở như thực phẩm an toàn để ăn như nước sạch để uống và đêm đêm lứa đôi tự do quấn nhau cháy đến sinh sôi

4.
núi đi trong sương lạnh
núi đi trong mây mù
núi đi trong gió cuốn
núi lặng lẽ ngắm mình thung sâu…

núi thức mùi hương dặm xưa trinh nữ
núi dậy hơi men chiến tướng khóc quân

ta như người lính mới mang thơ canh gác biên cương
say trắng đêm hầu chuyện cùng bao linh hồn trấn thủ
gió núi vẫn quấn từng bước chân đá mềm mang gien giao chỉ
quấn từng tia sáng ước mơ di truyền hoàng đế áo vải anh minh:
nhẹ nhàng mở lòng đưa kiệu hoa đón hoà khí
quyết liệt xông pha thu hồi từng ngọn cỏ lưu lạc cắt chia

những ngôi sao xanh đâu đó từ phương nam hiện ra
những hơi thở ái ân đâu đó từ phương nam dậy hương
những tiếng khóc sơ sinh đâu đó từ phương nam cất lên

gió núi vẫn quấn chặt lấy ta
như vòng tay ấm áp của cha đêm đêm hiện về thầm nhắc
con đi khắp hành tinh này…

CHẤT VẤN THÓI QUEN

sáng sáng tôi hay đến ngồi vào chiếc ghế ấy
nhâm nhi ly cà phê cứt chồn
đọc báo
nhìn cô chủ quán nở nụ cười hàm tiếu

chiếc ghế trở thành vật sở hữu của tôi
mùi cà phê cứt chồn trở thành mùi của tôi
những trang báo trở thành chữ nghĩa của tôi
nụ cười cô chủ quán trở thành tín hiệu ngày mới

có sáng
chiếc ghế đã có người đến ngồi
tôi ngơ ngác bỏ đi

có sáng
mùi cà phê không phải cứt chồn
tôi uống qua loa bỏ đi

có sáng
quán không tờ báo
tôi thẫn thờ bỏ đi

có sáng
cô chủ quán đương thì miệng im như thóc
tôi buồn buồn bỏ đi

có sáng
quán
cà phê
tôi
bỏ đi bỏ đi bỏ đi…

nhiều khi mắc cười tôi chất vấn tôi
vì sao con người cứ tự đánh lừa mình bằng những thói quen
không học nổi con sông biết thích nghi đổi dòng băng băng về phía trước?
EM NÓNG DẦN LÊN
khí hậu biến đổi từng ngày
trái đất nóng dần lên từng ngày
gió thốc mạnh từng ngày
nước dâng cao từng ngày
rừng cháy lan từng ngày

những đàn chim di cư tìm bầu trời mới
hay chờ chết?
những đàn cá di cư tìm nguồn nước mới
hay chờ chết?
những đàn thú di cư tìm cánh rừng mới
hay chờ chết?

khí hậu biến đổi từng ngày
da thịt em nóng dần lên từng ngày
hành tinh ta tốc hành khám phá thế giới mới từng ngày

em
cởi bỏ mọi trang phục pha lê nứt vỡ
cởi bỏ mọi tư duy hình thức đa khô đình nát bến cạn
hoà nhập vào cơ thể ta đang tốc hành về phía ánh sáng
hay đóng cửa
tự huyễn hoặc mình
chờ chết?
MẮT GỖ
những vân gỗ như những con mắt ngây thơ
trong ngôi nhà sang trọng
nền bọc nhung
tường ốp kín gỗ quý

chủ nhà thuyết minh về bộ sưu tập gỗ của mình
hùng hồn như trên diễn đàn chỉ đạo công tác bảo vệ rừng
hùng hồn như trên diễn đàn chỉ đạo phòng chống tham nhũng
một ngọn lửa dẳng dai chót lưỡi

ở đâu đó có cánh rừng già đang hấp hối
ở đâu đó có người kiểm lâm mới bị trả thù
ở đâu đó có ngọn núi trọc xói mòn vừa ngã sập
ở đâu đó có cơn lũ quét thất thanh tiếng thú tiếng người

những vân gỗ quý
trong ngôi nhà sang trọng
như những con mắt lửa giấu kín hờn căm
chờ ngày phát hoả.
KHI NGƯỜI NÔNG DÂN RỜI KHỎI CÁNH ĐỒNG

người nông dân
lần lữa
rời cánh đồng
ngọn gió lạc đường bay
nặng nề chậm chạp
như con bò già kéo cày giữa trưa đứng bóng
sau lưng thời gian sấm chớp

không còn nữa những tối lai rai bàn giống lúa mới
không còn nữa những khuya bồn chồn tỉnh giấc đợi tiếng gà
không còn nữa những trưa thiêm thiếp chiêm bao giữa bầy tu hú
không còn nữa những chiều hỉ hả đốt đồng mùa gặt bội thu…

người nông dân
lững đững
ngoảnh lại cánh đồng
ngọn gió lạc đường bay
nặng nề chậm chạp
như cánh chim cô đơn chấp chới rặng núi chiều đông
sau lưng đất đai sấm chớp

màu cỏ sân gôn sẽ thay màu lúa tình tự ngàn đời
dãy dãy tường cao sẽ thay bờ vùng bờ thửa
từng dải khói đen sẽ thay những đàn cò trắng
tiếng máy buốt đêm sẽ thay tiếng nhạc côn trùng…

người nông dân
lầm lũi
để lại cánh đồng
ngọn gió lạc đường bay
nặng nề chậm chạp
như người lính bị tước vũ khí cúi mặt rời khỏi chiến trường
sau lưng rền vang sấm chớp...


VỌNG PHU TRÊN CÁT

chiều như mọi chiều
chị ngồi ôm con chờ chồng trên bãi cát
cơn bão đi qua
để lại sau lưng trời hoang đổ nát
thuyền anh không về nữa rồi
con thơ có biết gì đâu

anh không về nữa rồi
con thơ có biết gì đâu
tiếng đau làng chài lẩy bẩy đêm thâu
trời đầy mắt sao lạnh lùng chẳng thấy
biển hết cơn điên nằm hát vô tình

chiều như mọi chiều
chị ngồi ôm con
đôi mắt lặng thinh
nơi thuyền anh thường về những đêm hò hẹn
nơi lần đầu chị bẽn lẽn trao anh hoa trinh thánh thiện
dưới ánh trăng thề nguyện cầu biển trời mãi được bên nhau

anh không về nữa rồi
con thơ có biết gì đâu
sương xưa lẻ loi chít trắng mái đầu
gió xuống máu ngông giở trò thủ thỉ
biển hết cơn điên nằm hát vô tình

chiều như mọi chiều
chị ngồi ôm con
ôm cơn bão đời mình
nàng Vọng Phu hoá thân trên cát
trăng sao rón rén đi qua
những lời cầu hồn thảng thốt bay qua
từ cõi hư vô cơ hồ tiếng ai thầm nhắc:
anh không về nữa rồi
con thơ…

MỘT NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐÍCH THỰC

mọi định nghĩa về phụ nữ mà tôi biết
mọi lý luận về cái đẹp mà tôi biết
chợt trở nên vô nghĩa
trước một nét kiêu sa
chợt trở thành mây khói
trước một người đàn bà
một người đàn bà đích thực

tất cả nguồn năng lượng mặt trời dường như thu hết vào lồng ngực nàng
tất cả mọi dòng sông dường như trôi hết vào cơ thể nàng
tất cả mọi bông hoa dường như khép mình bên từng đường cong giới tính của nàng
tất cả vui buồn cuộc đời dường như gom hết vào ánh mắt nàng

đừng hỏi nàng là ai và từ đâu đến
nàng chưa bao giờ bước vào giấc mơ của tôi và bạn
nhưng nàng có thể là người đang ở cạnh bạn và tôi
nàng không hiện hữu trên thế giới này
nhưng nàng có thể ẩn hiện trong trái tim mỗi con người

nàng mang nét hồn nhiên Mỵ Châu
sự thông minh Ỷ Lan
bi kịch Huyền Trân
ngôn ngữ Ngọc Hân
và cả quyền năng Đặng Thị Huệ

một người đàn bà như mọi người đàn bà
một người đàn bà không giống mọi người đàn bà
một tài hoa sắc màu
chông chênh sáng tối

VỀ MỘT ĐOẠN PHIM BUỒN
gã mặt thú chồm lên
người mẹ ngã quỵ
chiếc gậy tre chới với đỡ tuổi già chới với

mỗi nắm đấm nặng ký tung ra
một nhát chém lạnh lùng đao phủ
bầm nát thân thể dòng sông kiệt quệ sinh thành

đoạn phim buồn hơn cơn địa chấn
xô nghiêng những bảng vàng thành tích hư danh
đóng băng những cái lưỡi robot giáo điều đạo đức giả
còn bao nhiêu gương mặt lẩn khuất tối tăm thương tật tâm hồn?

BAO GIỜ CON LỚN?
lại thêm những gã mặt người vung tay đánh đuổi mẹ
một lũ chó điên hùa nhau cắn xé thân thể
đưa chúng chui ra và nuôi chúng trưởng thành

ngọn gió mùa hè bay qua ngôi nhà bất hạnh
hoá thành ngọn lửa lăm le thiêu huỷ chúng
đám mây trắng trôi qua hoá thành vành khăn tang khinh bỉ chúng
người mẹ già như con mồi thu mình
trước bầy cọp trí thức nguỵ tạo nhe nanh

ôi những tiến sĩ, kỹ sư, luật sư học vấn tới chân răng
bước ra từ gánh thóc mồ côi lướt giông đội bão
bước ra từ gánh bánh rán tảo tần còng mình bụi khói
bước ra từ người mẹ nghèo quắt queo mù chữ động kinh
có khi nào trong giấc mơ các ngươi rùng mình nghe con mình khẽ hỏi:
bao giờ con lớn giống mẹ giống cha?
BỰC MÌNH NGHE TRƯƠNG CHI KHÓC
ta biết Trương Chi không bao giờ khóc
chỉ có nụ cười chẳng hé trên môi
nụ cười của ngôi sao lạ
cuộc tình như một lằn roi

ta biết Trương Chi không bao giờ khóc
chỉ có tài hoa chẳng thốt nên lời
tài hoa giữa ảo trùng tai hoạ
đừng thương hại chàng vội Mỵ Nương ơi!

những ngôi sao ngang trời thao thức
thuyền Trương Chi lãng đãng bến mơ
để lại ngàn năm
tiếng khóc dại khờ…

KÝ ỨC HOA HỒNG
mỗi số phận chứa một phần lịch sử
E. Evtusenko

em hát cho tôi triệu hoa hồng đỏ thắm
em đọc cho tôi lịch sử với số phận con người
hoa hồng vẫn nở dẫu thời tiết cuộc đời thay đổi
không ai cao cả hơn ai khi còn khóc trong nôi

và lịch sử đã mang đổi thay đến từng số phận
thay đổi bầu trời
thay đổi tư duy từng ngọn núi con sông
nhưng em ơi có một điều lịch sử không thể làm thay đổi:
ký ức tình yêu trong mỗi đoá hồng!

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 23:50 0 nhận xét  

sao chui hội này


Nông dân thành hội viên Hội Nhà văn

14/01/2011 23:25

Mải mê làm nông, mới chuyển sang “thâm canh” văn chương hơn 10 năm, Ngô Phan Lưu (Phú Yên, 65 tuổi - ảnh) bỗng trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam vào chiều 10.1.
Sau giải nhất truyện ngắn Báo Văn Nghệ 2007, Ngô Phan Lưu (1 trong 25 tác giả của tuyển Truyện ngắn hay Báo Thanh Niên 2009-2010) tiếp tục khẳng định là một “Giả Bình Ao của Việt Nam” với đề tài người nông dân đương đại. Một “nông dân” Phú Yên khác cũng được kết nạp đợt này là nhà thơ Phan Hoàng (hiện chủ biên “ruộng” web Hội Nhà văn TP.HCM và tạp chí Đương Thời).
Tin, ảnh: Hùng Phiên

(TN)

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 12:42 0 nhận xét  

ĂN QUÊ

Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2011



Về Phú Yên: Thưởng thức bánh tráng, cháo lòng

Thứ năm, 16/12/2010 07:48


(CAO) Ở Phú Yên, hầu như vùng nào cũng có lò làm bánh tráng, bởi cái văn hóa cuốn đã trở thành một nét không thể tách rời trong chuyện ăn uống, nhất là khi có tiệc tùng, giỗ chạp, tết nhất.
Hầu như ở đây, món ăn nào cũng có bánh tráng, không dùng bánh tráng để cuốn thì cũng lắm món phải ăn kèm miếng bánh tráng nướng, không ăn để no thì cũng phải là món mở màn một bữa cỗ (trong khi chờ dọn thức ăn chính), có khi bánh tráng lại thành trọng tâm như là món bánh ướt, hay buồn tình nướng cái bánh tráng chấm với mắm nêm cũng phần nào thấy… đời đáng sống.
Và khi hỏi: “Vậy bánh tráng ở đâu ngon nhất Phú Yên?” thì có lẽ hầu như người dân xứ Nẫu đều đồng loạt: Hòa Đa! Đây là vùng quê thuộc xã An Mỹ (huyện Tuy An) nằm cạnh quốc lộ 1A, cách TP Tuy Hòa 15 km về phía bắc. Làng nghề bánh tráng Hòa Đa hiện có trên 200 hộ đang làm nghề thường xuyên, mỗi mùa Tết đến có thể tăng đến hơn 300 hộ.
Theo bà Nguyễn Thị Níu, người có trên 50 năm làm nghề tráng bánh ở Hòa Đa, sở dĩ bánh tráng ở đây được chuộng hàng đầu bởi chiếc bánh mịn đều, dẻo thơm, không có vị chua và ít bị dính khi nhúng nước dùng để cuốn thức ăn. Bên cạnh đó, độ dẻo của bánh tráng Hòa Đa còn quyết định chủ yếu ở khâu chọn và ngâm gạo, chứ không phải pha thêm bột sắn như bánh tráng một số vùng khác. Chủ công ở làng nghề bánh tráng này là phụ nữ, còn đàn ông chỉ làm công việc phụ như đan vỉ, phơi bánh, gỡ bánh. Nói vậy chớ các ông ở làng nghề này đa phần đều biết đắp lò tráng bánh và cũng là những người chuyên đi chạy chất đốt cho những nồi nước tráng luôn sùng sục nung chín những chiếc bánh mỏng tang...
Công việc của một ngày tráng bánh bắt đầu từ khâu chọn gạo để ngâm mềm trong 3-4 giờ, đem xay bột, rồi rộng bột để tách nước chua trong gạo và cũng để bột tạo thêm độ kết dính. Đến khâu “nổi lửa lên em” xong là việc căng tấm khuôn vải lên nồi nước sôi, pha bột, tráng-vớt-phơi bánh,… Chị Võ Thị Gương, con dâu bà Níu, tay thoăn thoắt trải bột lên khuôn vải, chỉ vẽ cho tôi: “Tráng bánh không khó nhưng phải xoay vá đều tay để bột dàn đều, chớ nếu không cái bánh sẽ chỗ dày chỗ mỏng…”. Mới đứng gần lò tráng một lúc, tôi đã chịu không nổi, bèn hỏi: “Chị ngồi tráng suốt ngày à?”. Chị Gương liếc chồng, cười: “Quen rồi nhưng cũng mệt chớ! Mùa này không nói gì, chớ mùa nắng mà ngồi tráng cả ngày, nhiệt người lắm, tối mà chồng rờ tới, chỉ muốn hất tay ra…”. Trẻ khỏe như chị Gương, mỗi ngày có thể tráng gần 20 ký gạo, với khoảng 1.000 cái bánh tráng ra đời.
Nguồn sống của cả nhà bà Níu trên 10 nhân khẩu chủ yếu dựa vào nghề tráng bánh. Những vỉ bánh phơi thành từng dãy đều tăm tắp trong nắng, nếu trời nắng già, chỉ khoảng nửa giờ là bánh khô, có thể gỡ bánh đem ép phẳng, rồi xếp thành từng chục, từng cách (60 cái) để chờ bạn hàng đến lấy. Giá tại lò bánh Hòa Đa: bánh cuốn (mỏng) là 2.500 đồng/chục cái, bánh nướng (dày) là 3.000 đồng/chục và bánh mè là 5.000 đồng/chục,... Có khi bột bánh tráng còn được trộn thêm với nước cốt dừa, hành củ,… nên chiếc bánh khi nướng lên, mùi thơm tràn trề, nghe cứ muốn chạy kiếm một… xị.
Nghề bánh tráng là lấy công làm lời, mỗi ký gạo tráng được 25-30 cái bánh, lãi chỉ khoảng 5.000 đồng, chưa tính chi phí chất đốt...
Bánh tráng Hòa Đa hiện là một trong những đặc sản hàng đầu của đất Phú Yên có mặt nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, đến tận Sài Gòn, Hà Nội và theo chân Việt kiều đến nhiều nước trên thế giới. Thế mới biết, miếng ngon thì không sợ thiếu tấm lòng đồng điệu. Chiếc bánh tráng đơn sơ của một vùng quê kiểng đã lên máy bay cùng với bao của ngon vật lạ, từ mâm cơm nhà nghèo đến bàn tiệc sang trọng của tao nhân mặc khách. Chiếc bánh tráng thơm mùi gạo và nắng của khí chất đồng quê, có thể ăn với vài trăm món, riêng có khoảng vài chục món mà không có bánh tráng thì kể như… chưa đúng phép.
Bánh tráng nhúng mà cuốn với thịt luộc nóng hổi hay nem chả kèm rau sống đúng bài, vài lát bánh nướng nữa thì càng hay; nếu quý vị nào không thích thịt thì có thể cuốn với cá hấp, tôm chiên, mực luộc hay tất tần tật thứ gì… cuốn được; còn nước chấm với bánh tráng cuốn thì mắm nhĩ, mắm nêm, mắm thu, mắm mực, mắm ruốc và kể cả mắm… chuột, nếu chế biến khéo, đầy đủ gia vị. Còn bánh tráng nướng thì ăn với các món gỏi, xào, nộm thì chỉ có… tuyệt cú mèo!
Ngay ở ngã ba Quốc lộ 1A rẽ xuống làng nghề bánh tráng này, có một cái quán bề thế cũng tên Hòa Đa với các món chính là bánh tráng-cháo lòng “chuẩn mực”. Quán này, mấy chục năm rồi, đã được thực khách gần xa vô cùng tín nhiệm, các loại xe trên đường thiên lý Bắc-Nam luôn ghé đậu chật kín trên một bãi rộng trước quán... Bí quyết hút khách của quán là chọn lọc chặt chẽ nguyên liệu đầu (thịt, lòng heo, bánh tráng, rau sống, nước mắm nhỉ An Hoà nguyên chất,...); nấu, hấp nóng, khách gọi đến đâu, làm đến đó,... Giá cả có thể nhỉnh hơn nơi khác vì chất lượng, hương vị món ăn luôn “quán triệt” để giữ thương hiệu...
Riêng về bánh tráng-cháo lòng Phú Yên, ở phía nam thành phố Tuy Hoà còn có quán Bà Năm Phú Thọ (trên đường Nguyễn Văn Linh, phường Phú Lâm, Tuy Hoà) cũng được thực khách sành điệu đánh giá rất cao về độ thơm ngon, ngọt mềm, của lòng-thịt-cháo quyện hoà với những chiếc bánh tráng đặc biệt của hương lúa đồng bằng Tuy Hoà...
Tôi đã gặp nhiều du khách từ miền Nam và miền Bắc đến Phú Yên rất thích ăn bánh tráng cuốn nhưng lại rất khó khăn trong thao tác cuốn bánh; nhiều người cuốn bánh thành một… cục tròn, làm cho dân thổ địa phải cười đau bụng. Tuy nhiên, đây chỉ là chuyện nhỏ, khách cần chịu khó để ý hoặc được cô em nào đó… cầm tay hướng dẫn đôi lần là có thể cuốn bánh gọn gàng, ăn nhanh còn hơn lốc thổi…
Bánh tráng-cháo lòng, chắc chắn sẽ trở thành một ấn tượng khó quên khi người Phú Yên giới thiệu đến khách du trong Năm du lịch Duyên hải Nam Trung bộ-Phú Yên 2011 và Kỷ niệm 400 năm Phú Yên (1611-2011).

Ba Đào

(CATP HCM)

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 14:03 0 nhận xét  

CHƠI GÁO




Du thuyền... gáo dừa

01/01/2011 17:15


Tỉ mẩn xử lý gáo dừa để trang trí du thuyền - Ảnh: Hùng Phiên


Lần đầu tiên ở Tuy Hòa (Phú Yên), một chiếc du thuyền đang thành hình và sẽ được hạ thủy trước Tết Tân Mão. Càng đặc biệt, việc đóng du thuyền này “không một tấc sắt”, nội thất toàn bằng gáo dừa.
Đó là “chiêu” mới của doanh nhân “điên” Phạm Hồng Bình, người đang sở hữu 3 kỷ lục Việt Nam và chủ thương hiệu dòng sản phẩm mỹ nghệ Bình SVC...
Khó khăn lắm, tôi mới thuyết phục được ông Bình cho phép “đột nhập” vào khu vực đang đóng du thuyền Lạc Hồng 1, được rào chắn cẩn thận, nằm ngay trên đại lộ Hùng Vương (TP Tuy Hòa). Ông nói: “Công việc đang gấp rút, bề bộn quá... Anh là nhà báo đầu tiên vào đây”.


Lai lịch con tàu lạ
Theo hồ sơ công trình, du thuyền Lạc Hồng 1 do Công ty du lịch Lạc Hồng (Phú Yên) làm chủ đầu tư, chính thức khởi công vào cuối tháng 11.2009, với tổng vốn đầu tư trên 10 tỉ đồng. Du thuyền được đóng chủ yếu bằng các chất liệu thân thiện môi trường là composite sợi thủy tinh và nhựa tổng hợp; nội thất bằng chất liệu gáo dừa. Theo thiết kế, du thuyền có dáng hình tượng chim Lạc, dài 25m, rộng 5m, cao 6,5m; gồm tầng hầm, tầng 1 và tầng 2; với sức chứa khoảng 120 người, chuyên phục vụ những món ẩm thực bản địa độc đáo và “khuyến mãi” những tiết mục văn nghệ đặc sắc của Phú Yên, miền Trung. Địa điểm hoạt động là khu vực sông Đà Rằng (hạ lưu sông Ba)...
Động cơ nào để một doanh nghiệp “vùng xa” bỏ tiền tỉ đóng chiếc tàu “khơi khơi” này? Ông Phạm Hồng Bình lý giải: “Việc đầu tư đóng du thuyền Lạc Hồng 1 nằm trong chiến lược kinh doanh sản phẩm du lịch mỹ nghệ dừa Bình SVC. Sau 7 năm tạo dựng thương hiệu mỹ nghệ “gáo dừa trên cạn”, chúng tôi quyết định đưa công nghệ sản phẩm “xuống nước”. Thế là Doanh nghiệp Bình SVC “đẻ” ra Công ty du lịch Lạc Hồng, do con trai tôi là Phạm Hồng Bảo làm giám đốc, và bắt tay vào đóng chiếc du thuyền đầu tiên này. Đó cũng là cách hiện thực hóa giấc mơ làm du lịch “không đụng hàng” của tôi”.



"Chúng tôi sẽ tập trung toàn lực để thể hiện sự độc đáo của nét đẹp và công dụng bất ngờ của gáo dừa."- Ông Phạm Hồng Bình



Còn nhớ, những năm đầu thế kỷ này, Doanh nghiệp Bình SVC đã lầm lụi gian truân bao nhiêu để khẳng định tên tuổi bằng sản phẩm mỹ nghệ từ gáo dừa. Ông Bình đã xoay xở mọi cách để xây dựng thương hiệu, trong đó có việc đoạt 3 kỷ lục Việt Nam; ấy là các tác phẩm chiếc bình hoa “Huyền sử đời Hùng”, chiếc đèn bàn “Nguồn sáng Việt” và con chim yến “Biển gọi” lớn nhất làm từ chất liệu gáo dừa. Còn giờ này, ông cho hay: “Vẫn biết làm du lịch từ nơi “hẻo lánh” như Phú Yên là việc cực kỳ khó khăn, nhưng khó thì mới làm! Chuyện làm tàu “nhậu di động” cũng không phải là mới ở Việt Nam, thế nên, muốn “hút hàng” thì chỉ một con đường: khác biệt!”.
Và đây cũng là một cách thể hiện trách nhiệm của một doanh nghiệp góp phần cho sự kiện Năm du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011 và Kỷ niệm 400 năm Phú Yên (1611-2011).



Khu vực đang thi công du thuyền Lạc Hồng 1 - Ảnh: Hùng Phiên



Xưởng đóng tàu giữa phố
Từng chứng kiến nhiều công đoạn đóng tàu thủy nhưng các công đoạn đóng tàu Lạc Hồng 1 đúng là... hơi bị khác. Theo ông Bình, những thủ tục đăng ký ban đầu rất “căng”, bởi việc đóng du thuyền chưa có tiền lệ ở Phú Yên, riêng việc đóng thuyền bằng chất liệu composite cũng khá mới ở Việt Nam.
Doanh nghiệp đã phải thuê những chuyên gia để thể hiện các ý tưởng về con tàu. Rồi một bộ khung bằng gỗ được tạo tác, sau đó lật ngược lên để làm đáy. Trước khi đổ chất liệu composite, phải được tạo “khuôn” bằng đất sét. Làm đáy xong, con tàu hàng tấn này phải được một số xe cẩu lật ngược trở lại, để tiếp tục thi công phần thân. Bản thân chất liệu composite khá nhẹ nhưng chắc chắn, đã được đổ dày thành nhiều lớp...
Điểm độc đáo của tầng 1 du thuyền là một nhà hàng sân khấu được thiết kế - thi công theo kiểu hướng về thiên nhiên. Đầu này là quầy bar, được tạo dáng như xuất hiện từ một gốc đại thụ; đầu kia là sân khấu với bức tranh dừa có chủ đề “Thần biển” và những rễ lòa xòa... trên trời rơi xuống. Thiết kế tiếp theo, tất cả vách, trần, trụ, cửa, bàn, ghế, khu vực vệ sinh... đều được dát... gáo dừa. Công phu hơn, hàng triệu mẩu gáo dừa đã được cắt nhỏ như móng tay, que diêm... để thể hiện sâu sắc thần thái các tác phẩm “muốn nói”. Tầng 2 thì được thi công theo chủ đề “Thần núi”...
Cùng lúc đó, 4 chiếc ca-nô để đón đưa khách lên tàu (hoặc đi chơi “lẻ”) cũng đang được thi công theo kết cấu tương tự “chim mẹ đẻ chim con”...
“Chúng tôi sẽ tập trung toàn lực để thể hiện sự độc đáo của nét đẹp và công dụng bất ngờ của gáo dừa. Cùng lúc đó, không gian, ánh sáng, âm thanh và phong cách phục vụ của du thuyền sẽ làm sao tạo được sự thư giãn thoải mái nhất đối với du khách”, ông Bình cho hay.
Các công đoạn đóng tàu được tiến hành khắt khe, tỉ mẩn; rồi việc tuyển nhân sự các vị trí phụ trách bến bãi, tài công, tiếp tân, nấu nướng... cũng được tuyển chọn, huấn luyện gian truân không kém.
Theo kế hoạch, du thuyền Lạc Hồng 1 sẽ chính thức hạ thủy cách Tết Nguyên đán Tân Mão khoảng 10 ngày.



Hùng Phiên


(TN)

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 13:46 0 nhận xét  

CHƠI THƠ


Dùng thơ làm du lịch

10 tháng trước


Thi sĩ và công chúng trong Festival Thơ Phú Yên lần thứ 26 - Ảnh: Hùng Phiên

Có thể nói, nhắc đến lễ hội thơ ở Việt Nam thì Festival Thơ Nguyên tiêu Phú Yên có nhiều cái nhất. Bởi lẽ, hội thơ này đã duy trì liên tục suốt 30 năm.

Sang vì thơ
Festival Thơ Nguyên tiêu Phú Yên lần thứ 30 sẽ diễn ra từ sáng 28.2-1.3 với nhiều hoạt động hết sức ấn tượng.
Nhạc sĩ Ngọc Quang, Chủ tịch Hội VHNT Phú Yên cho biết: Nét mới của Festival Thơ Phú Yên 2010 là “Đường thơ” với việc triển lãm thơ và câu đối Tết trên nhiều chất liệu, cùng hệ thống âm thanh đọc, giới thiệu thơ dọc hai bên đường đi bộ từ chân lên đỉnh núi Nhạn. Tại khu vực đỉnh núi, một “Quán văn chương” sang trọng và ấm cúng để trưng bày, bán những tập thơ của các tác giả muôn phương. Một triển lãm ảnh nghệ thuật Phong cảnh Phú Yên của các tay máy nổi tiếng được thiết kế lạ mắt trong Vườn thực vật núi Nhạn.
Đúng tối Nguyên tiêu năm nay, một đêm trình diễn thơ đặc sắc sẽ được tổ chức trên đỉnh núi bên chân tháp Nhạn; đây cũng chính là đêm leo núi trẩy hội thơ trong nhiều năm rồi của người yêu thơ, khách du lịch bốn phương nườm nượp tụ về. Tiếp đó, chiều 16 âm lịch là cuộc hội thảo “30 năm thơ Nguyên tiêu Phú Yên” và đêm đến là một cuộc giao lưu của nhiều nhà thơ nổi tiếng với công chúng...
Nhà thơ Lê Văn Ngăn, một người Huế hiện sống ở Bình Định, cho hay: “Hầu hết các tỉnh, thành ở nước ta hiện đều tổ chức các đêm thơ xuân, nhất là khi Nguyên tiêu hằng năm đã trở thành Ngày thơ Việt Nam. Thế nhưng, Nguyên tiêu núi Nhạn - Phú Yên đã trở thành một “thương hiệu”, một địa chỉ hành hương thơ của khách thập phương từ nhiều năm qua là điều hiếm thấy. Trước khi có Ngày thơ Việt Nam, hầu hết các nhà thơ tên tuổi ở nước ta đều đến dự khán Hội thơ núi Nhạn, bởi nét độc đáo huyền bí của “ngọn núi thơ” và ý thức tổ chức chuyên nghiệp của địa phương”.

Luận án thơ từ núi Nhạn
Trong tham luận Luận án thơ từ núi Nhạn đọc tại Hội nghị Văn học miền Trung lần thứ II (9.2002), nhà văn Nguyễn Gia Nùng hùng hồn: “Quả thật, sẽ là điều bất ngờ, ngạc nhiên, gây ấn tượng khó quên với bất kỳ ai đến đây, được dự Đêm thơ Nguyên tiêu dưới chân tháp Nhạn. Hàng ngàn người, đủ cả nam-phụ-lão-ấu, có những ông già phải chống gậy, có những em nhỏ còn được cõng hoặc bồng trên tay, ngay từ chập tối đã lần bước, theo hàng trăm bậc đá quanh co để lên tụ họp nơi khoảng đất rộng, bằng phẳng trên đỉnh núi Nhạn, dưới chân ngọn tháp cổ uy nghi... Tôi cho rằng đây là một trong những hiện tượng lạ, một “bí mật” lý thú về sinh hoạt văn hoá, tinh thần nói chung, về thơ nói riêng, xứng đáng là một đề tài luận văn tiến sĩ văn học cho một nghiên cứu sinh giàu tâm huyết với thơ”.
Tham luận trên là một trong những tiếng nói đầy thuyết phục để Hội Nhà văn Việt Nam quyết định tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần đầu tiên vào Nguyên tiêu năm 2003.
Hùng Phiên

(TN)

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 13:26 0 nhận xét  

NÚI "ĐỘC"




Hàng “độc” phố núi
Tháng 9 2010 09:00



ảnh: Nghệ nhân trẻ Lê Cao Trọng Đức bên tác phẩm đá Huyền thoại Kim Quy




Vùng gỗ lũa - đá cảnh ở thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) đang là điểm đến hấp dẫn của giới thưởng ngoạn, sưu tập. Trên 10 năm nay, phố núi Hai Riêng đã được nhiều người biết đến như là vùng đất đắc địa của nghệ thuật đá cảnh và gỗ lũa (phần lõi bên trong của các gốc cây cổ thụ khô). Thiên nhiên đã phú cho vùng đất Sông Hinh nhiều tiềm năng về các loại đá đa sắc, đa hình, và những vùng rừng núi cổ xưa đã để lại hàng loạt gốc cây khô mang đường nét độc đáo. Vùng đất mới này lại là điểm đến định cư của người dân từ rất nhiều tỉnh thành. Mỗi người một vẻ, giờ đây đã góp tay tạo ra một làng nghệ nhân sinh vật cảnh phong phú.




Hòn đá Dấu ấn 1.000 năm


Với nghệ nhân trẻ Lê Cao Trọng Đức, con đường đến với nghệ thuật đá cảnh - gỗ lũa là điều rất tự nhiên. Hiện là chủ hiệu may Thành Đức cạnh chợ Hai Riêng, ngoài giờ làm việc kiếm sống, Trọng Đức dành tất cả tâm huyết cho các bộ sưu tập gỗ lũa và đá cảnh của mình. Ảnh hưởng từ truyền thống nghệ thuật của gia đình, Đức đã đến với đá cảnh và gỗ lũa từ khi còn rất nhỏ. Chàng trai này đã vượt qua không ít khó khăn của cuộc mưu sinh để sống với niềm đam mê gỗ - đá của mình. Để mua những gốc lũa, viên đá còn thô về tạo dáng, Đức cũng phải tính toán rất nhiều trong điều kiện chẳng lấy gì làm dư dả. Thế nhưng niềm đam mê gỗ - đá đã làm cho anh dường như quên đi tất cả để lao vào cuộc chơi kỳ thú, đặc biệt là bộ sưu tập độc đáo Hồn thiêng đất Việt với chủ đề hướng về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trong đó, nổi bật là bộ tác phẩm lũa Long phụng hòa minh gồm 4 hình tượng rồng các triều đại Lý - Trần - Lê - Nguyễn; hay các tác phẩm lũa, đá Vượt vũ môn, Tứ linh hội tụ, Huyền thoại Kim Quy, bản đồ Việt Nam bằng gỗ lũa…



Tác phẩm đá Dấu ấn 1.000 năm - Ảnh: Hùng Phiên




Hội hoa xuân tỉnh Phú Yên năm Canh Dần 2010, Lê Cao Trọng Đức thuê xe "hạ sơn" về dự và đoạt ngay 5 huy chương vàng, trong đó, tác phẩm Dấu ấn 1.000 năm được giới chơi đá đánh giá là một tuyệt kỹ của tạo hóa. Viên đá cảnh hình trái lê này nặng gần 1 tạ, cao 50 cm, dài 50 cm. Điểm độc đáo là bên trái của tác phẩm có vân đá tự nhiên chấm phá hình rồng đời Lý, bên phải hiện rõ con số 1.000 như là của "Trời ban" cho tấm lòng những nghệ nhân đất Phú Yên hướng về cội nguồn dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Lê Cao Trọng Đức hào hứng cho biết sắp tới sẽ đưa Dấu ấn 1.000 năm đi triển lãm tại Hà Nội cho thỏa ước mong góp sức cho đại lễ của dân tộc.




Những chiếc bàn đồ sộ từ gốc cây


Tại Hai Riêng, giới thưởng ngoạn còn thật sự bất ngờ trước vẻ đẹp lạ lùng của những chiếc bàn đồ sộ từ gốc cây của nghệ nhân Đinh Văn Phụng. Nhìn những chiếc bàn này, không thể biết người ta dùng làm bàn để ngồi ăn uống, làm phản để nằm hay là thuần túy để ngắm chơi… vì nó có kích cỡ quá lớn, mỗi phần của bàn thực sự là những tác phẩm chuyên biệt, với đường nét tự nhiên của gốc rễ đại thụ. Hiện ông Phụng dành 3/4 diện tích nhà trên 100m2 tại số 57 Trần Hưng Đạo (thị trấn Hai Riêng) chỉ để đặt 2 bộ bàn làm từ một gốc gỗ hương gai. Chiếc lớn cao 0,76m, mặt dài 3,6m, rộng 3,2m; nếu làm bàn, có thể ngồi 30 người, nếu làm phản thì 15-20 người có thể nằm! Chiếc nhỏ được chế tác từ thớt trên của gốc cây làm chiếc lớn, có chiều cao 0,69m, mặt dài 2,1m, rộng 1,5m. Ngoài ra ông còn đang tập trung chế tác 2 chiếc bàn rất lớn từ một gốc cây sao.




Vườn đá cảnh, gỗ lũa


Đến nhà nghệ nhân Trần Đình Pháp, nhiều người một lần nữa thán phục trước số lượng lớn và tạo tác công phu của hàng trăm tác phẩm gỗ lũa và đá cảnh. Gia đình anh Pháp hiện đang sở hữu một trong những bộ sưu tập gỗ - đá cảnh có giá trị nhất ở Phú Yên. Chẳng những anh Pháp mê tác tác phẩm gỗ - đá, mà vợ anh - chị Đoàn Thị Hà - cũng tâm đắc không kém khi cùng chồng lặn lội nhiều nơi để săn lùng nét đẹp nơi chốn hoang sơ… Nghệ nhân Trần Đình Pháp cho hay: chính tiềm năng dồi dào và không gian khá trầm mặc của vùng núi Sông Hinh đã "đưa đẩy" các anh đến với nghệ thuật gỗ lũa và đá cảnh. Thế nhưng địa bàn xa xôi và tác phẩm thuộc loại cồng kềnh nên còn gặp khó khăn trong việc giới thiệu rộng rãi cho giới thưởng ngoạn, sưu tập.


Hùng Phiên


(TN)

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 13:16 0 nhận xét  

CỌP BẮT





Còn đó Miễu Ông Cọp



Địa danh Miễu Ông Cọp từ lâu đã được nhiều người biết đến khi đi trên đường thiên lý Bắc - Nam, qua khu phố Bình Thạnh, phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu.

ảnh: Miễu Ông Cọp nhìn từ Quốc lộ 1A

Trước khi tận mục Miễu Ông Cọp, chúng tôi chỉ biết loáng thoáng rằng ở đó hiện còn vết tích thờ thần Cọp và chắc là nhiều bô lão ở đây vẫn còn lưu giữ các truyền thuyết liên quan.

Dừng chân ở km 1282 tại Bình Thạnh, ghé vào quán cà phê ven đường, thật may mắn khi chúng tôi hỏi thăm thì đúng ngay địa điểm nằm kề Miễu Ông Cọp. Chủ quán cà phê là Trần Văn Tủy (thường gọi là Thủy, 40 tuổi) chính là người đang nối tiếp các bậc tiền nhân trông coi ngôi Miễu Ông Cọp đang nằm trên phần đất của gia đình. Ban đầu, vợ chồng anh Thủy ngỡ chúng tôi là dân đi cầu... số đề, khi biết chúng tôi là nhà báo, anh Thủy liền giao việc lại cho vợ, nhiệt tình hướng dẫn tìm hiểu về di tích.

Miễu Ông Cọp cùng những câu chuyện đậm màu huyền thoại cũng là nơi tôn thờ đạo nghĩa, bày tỏ ước vọng hướng tới cuộc sống an lành, hạnh phúc ở một vùng đất đang giàu sức vươn lên.Miễu Ông Cọp tọa lạc trên thửa đất chừng 200m2, cách Quốc lộ 1A về phía tây chỉ vài chục mét, nhìn ra Vịnh Xuân Đài; địa điểm miễu này đã được tu sửa nhiều lần bằng công của thiện nguyện của người dân địa phương. Ngoài phần mái tole gian tiếp khách lễ, vết tích cổ còn lại là gian điện thờ Cọp Bạch và một tượng cọp đã rêu phong. Anh Thủy cho biết: vào tiết thanh minh (tháng 3 âm lịch) và lập thu (tháng 8 âm lịch), rất nhiều người dân địa phương và khách hành hương về đây dự cúng. Khi thì cúng chay, khi thì cúng heo, bò; công việc cúng kính được phân công cho 10 nhóm gia đình trong phường Bình Thạnh lo liệu.

Anh Thủy dẫn đường chúng tôi đến gặp các vị lão làng để “xác minh có đầu có đũa”. Chúng tôi vào xóm Đồng Bò cạnh bến đò Bình Bá tìm gặp cụ Trần Xuân Xanh (Bảy Lý, 70 tuổi) và Nguyễn Thu (80 tuổi). Theo hai lão làng, từ thời xa xưa, phường Xuân Đài bây giờ chỉ là những làng chài hoang sơ ven biển tựa lưng vào dãy núi Mỹ Dự có đặc sản xoài Đá Trắng nổi tiếng, dân ở đây gọi là Xoài Ngự, vì đó là trái cây dùng để tiến vua mỗi năm. Tương truyền, thời đó ở vùng này thường xuất hiện những đàn Cọp, trong đó có ông Cọp Bạch. Vào một ngày, bà Cọp Bạch chuyển dạ nhưng không thể nào đẻ được; bí quá, ông Cọp Bạch liền lao nhanh xuống chân núi, chạy thẳng vào xóm Đồng Bò vồ lấy bà mụ trong làng, rồi đưa thẳng lên núi, đến hang của mình. Người trong làng không ai kịp trở tay, chỉ biết thắp nhang vái ông Cọp đừng ăn thịt bà mụ và sự thật đúng vậy. Vô cùng hoảng sợ nhưng khi nhìn thấy bà Cọp đang cơn đau sinh nở, bà mụ liền ra tay nghề đỡ đẻ “mẹ tròn con vuông”. Sau đó không lâu, ông Cọp Bạch đã đưa bà mụ nguyên vẹn trở lại nhà và đêm đó còn đặt trước sân nhà bà một con heo rừng để tạ ơn. Một thời gian sau đó, vì mưu sinh, khiến bà mụ rời xóm Đồng Đò xuống làng biển Phú Hạnh dưới chân núi Hòn Bù ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An ngày nay để lập nghiệp. Sau khi bà mụ qua đời, những ngày cuối chạp mỗi năm, người dân Đồng Đò thường nhìn thấy dấu chân ông Cọp Bạch từ hướng núi Mỹ Dự qua sông Bình Bá ra cửa biển Tiên Châu, rồi xuống Hòn Bù để viếng mộ bà mụ. Cũng từ đó, vùng đất này không hề còn cảnh cọp beo, thú dữ kéo về quậy phá. Cuối đời, ông Cọp Bạch xuống nằm dưới chân núi rồi sau đó chết tại vùng Bình Thạnh này. Tưởng nhớ ông Cọp Bạch hiền lành, biết quý trọng ân nhân, người dân trong vùng đã xây Miễu Ông Cọp để tôn thờ.

Một truyền thuyết khác kể rằng, ngày xưa ở xóm Đồng Đò có vợ chồng một lão ngư giàu có, nhưng hiếm muộn con cái. Đến tuổi trung niên, người vợ sinh được con trai nên họ rất mừng. Khát vọng điều an lành đến với đứa con duy nhất của mình nên vợ chồng lão ngư chọn chữ An đặt tên cho con. Ngặt một nỗi, vị pháp sư nổi tiếng trong làng phán rằng đứa con của họ sinh nhằm giờ kiết hung, sớm muộn cũng chết vì cọp vồ. Thương con và lo sợ, lão ngư tìm thầy cho con mình học võ, phòng khi gặp cọp ở chốn sơn lâm. Nhờ sáng dạ và nhanh nhạy, cậu bé An không chỉ tinh thông đón thế người thầy truyền dạy mà còn biến tạo nhiều thế võ hiểm khác. Trong một lần đi qua chân núi Mỹ Dự, ông An bị đàn Cọp chặn đường, nhưng đã kịp tung ra những thế võ hạ gục con Cọp vằn hung dữ nhất. Hôm sau, ông Cọp Bạch xuống núi tìm ông An để nhờ dạy võ cho đàn cọp con với lời hứa không bao giờ để đồng loại gây hại dân làng. Để bày tỏ lòng cảm ơn người dạy võ, ông Cọp Bạch đưa hai chi trước nắm tay ông An và không may bị móng vuốt cào xước bàn tay. Vài ngày sau, vết xước làm độc khiến cho ông An giã từ cuộc sống. Vợ chồng lão ngư đưa người con lên núi chôn cất và xây ngôi mộ lớn. Biết chuyện, ông Cọp Bạch lặng lẽ xuống nằm gần mộ ông An nhiều ngày đêm rồi chết. Cũng từ đó dân làng lập miếu thờ ông Cọp.

Anh Trần Văn Tủy bên bàn thờ cọp cạnh miễu – Ảnh: HÙNG PHIÊN

Để chứng minh một tình tiết trong câu chuyện đẫm màu sắc huyền thoại này, anh Thủy, người trông coi Miễu Ông Cọp dẫn đường chúng tôi lên triền núi chỉ ngôi mộ ông An với dấu tích còn lại là bức tường đá rêu phong đã bị những khóm cây dại che khuất...

Theo cụ Bảy Lý, trước khi Miễu Ông Cọp hình thành, ở Bình Thạnh có miễu văn và miễu võ. Miếu văn sau đó di dời về xã An Thạch, huyện Tuy An ngày nay, còn miễu võ được đưa về nhập chung với Miễu Ông Cọp hiện nay. Từ bao đời nay, nhiều thế hệ thay nhau trông coi và cúng tế miếu ông Cọp vào những ngày rằm, mùng một và đặc biệt là hai lễ cúng lớn vào dịp tiết thanh minh tháng 3 với lễ vật đồ chay và tiết lập thu tháng 8 với lễ vật heo, gà. Lão làng đứng ra tế lễ, rồi cùng bà con mang chiếc thuyền ghép bằng bẹ chuối thả xuống sông Bình Bá để tống tiễn những điều xấu và cầu mong phúc đức, tốt lành cho cư dân trong làng. Nhiều người dân ở phường Xuân Đài cho hay, dù miếu ông Cọp rất linh hiển, nhưng không bao giờ đáp ứng những nhu cầu bát nháo, ví như những người đến cầu xin số để đánh đề.

Về bức tượng đá hình cọp vừa mới được đặt cạnh miễu vào tháng 8/2009, anh Trần Văn Danh kể: “Liên tục hai mùa liên tiếp tui gánh chịu thất bại trong nghề nuôi tôm hùm, tui lên miễu thắp hương cầu khấn xin ông phù hộ. Cuối vụ tôm, nhiều người thất bại, nhưng tui may mắn thu được hơn sáu chục triệu đồng. Bán tôm xong, tui vô Tuy Hòa đặt thợ điêu khắc, chạm trổ một ông Cọp bằng đá grannit mang về đặt trên mỏm đá bên phải miếu ông Cọp như lời hứa trước đó”.

Miễu Ông Cọp cùng những câu chuyện đậm màu huyền thoại cũng là nơi tôn thờ đạo nghĩa, bày tỏ ước vọng hướng tới cuộc sống an lành, hạnh phúc ở một vùng đất đang giàu sức vươn lên.


HÙNG PHIÊN


(PY)

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 13:01 0 nhận xét  

THƠ & TÌNH


Khách thơ đem cơm áo cho người



Cập nhật lúc :8:33 AM, 17/08/2009



Nhiều người quan niệm, nhà thơ thường nghèo, chẳng giúp được ai (về vật chất), "cơm áo không đùa với khách thơ"… Nhưng có ba nhà thơ “không nghèo”, chuyên đi hỗ trợ hậu hĩ bạn thơ bằng tiền túi của mình.
Đó là các nhà thơ Lâm Xuân Thi, Hồ Thi Ca và Phan Hoàng. Họ cùng nhau xây quỹ Tình thơ, hoạt động từ cuối năm 2008 tại TP HCM.




Khai sinh trong một… quán cóc


Nhà thơ Lâm Xuân Thi đồng thời một doanh nhân thành đạt với thương hiệu xe đạp nổi tiếng Martin 107, từ lâu vẫn thường xuyên giúp đỡ học sinh - sinh viên nghèo hiếu học và những người khó khăn. Nhà thơ Hồ Thi Ca đang công tác tại báo Công an TP HCM, một trong những người đi đầu phong trào lập website văn chương, và tham gia nhiều hoạt động xã hội. Nhà thơ Phan Hoàng đang là chủ biên tạp chí Đương thời, từng lập Hội quán PYSA để gây quỹ trao học bổng cho sinh viên nghèo.
Nhà thơ Phan Hoàng cho biết: “Tôi cùng anh Thi, anh Ca giúp một số đồng nghiệp gặp khó nhưng vẫn muốn làm một cái gì đó bài bản hơn. Cụ thể ở đây là trợ giúp những người làm thơ không may gặp hoạn nạn để họ vượt qua giai đoạn ngặt nghèo”. Ngoài ra, ba nhà thơ cũng thấy còn nhiều người làm thơ trẻ rất cần hỗ trợ để in tập thơ đầu tay. Một quỹ tương trợ cho các bạn thơ trong nước đã được khai sinh, tại một quán cóc ven đường, nơi ba người ngồi uống cà phê vào một ngày cuối năm 2008.Nguyên tắc thống nhất: toàn bộ kinh phí của quỹ Tình thơ đều do các thành viên ban điều hành tự xuất tiền túi, trong đó chủ công là nhà thơ “xe đạp” Lâm Xuân Thi, không tổ chức quyên góp dưới bất kỳ hình thức nào. Tình thơ chính là một trong những quỹ tương trợ tư nhân đầu tiên trên lĩnh vực văn chương ở Việt Nam không gắn với tên đơn vị kinh doanh nào.



Bớt những “nỗi đời cay cực đang giơ vuốt”


Tháng 1/2009, Tình thơ đã khởi động “rẹt rẹt” qua… ba số điện thoại di động; cách thức tài trợ phải thân tình, chia ngọt sẻ bùi giữa những người cùng “vướng” nghiệp thơ, và số tiền mỗi lần tài trợ phải “coi được”, để thực sự động viên bạn thơ.



Từ trái sang: Các nhà thơ Hồ Thi Ca, Lâm Xuân Thi và Phan Hoàng (bìa phải) trao tiền hỗ trợ cho nhà thơ Mai Trinh Đỗ Thị. (Ảnh do nhà thơ Hồ Thi Ca và Phan Hoàng cung cấp)



Tháng 2/2009, quỹ Tình thơ “xuất hành” bằng việc trao tặng nhà thơ Mai Trinh Đỗ Thị và cây bút trẻ Minh Tâm, mỗi người 10 triệu đồng. Mai Trinh Đỗ Thị là một gương mặt thơ quen thuộc nhiều năm qua, gần đây bị bệnh tim nặng nên cuộc sống khó khăn. Minh Tâm là một sinh viên kinh tế đối ngoại, bất ngờ mắc bệnh viêm tuỷ cột sống, trải qua 14 lần phẫu thuật, đang ngồi xe lăn và phải thường xuyên chạy thận nhân tạo. Cô đã vượt lên cầm bút sáng tác và xuất bản tác phẩm đầu tay Cô bé ước mơ.
Cây bút trẻ Minh Tâm cho hay: “Hôm Ban điều hành quỹ Tình thơ đến trao tặng tiền tại nơi chạy thận, em vui muốn ứa nước mắt! Chẳng những số tiền đó thật quý giá đối với em, mà tấm lòng của những người đồng nghiệp đi trước cũng gợi cho em nhiều ý tưởng sáng tạo, bớt những suy nghĩ buồn do bệnh tật…”.
Đầu tháng 3/2009, Ban điều hành quỹ Tình thơ về Củ Chi thăm và tặng 10 triệu đồng cho nhà thơ Bửu Khánh Hồ đang bị teo não giai đoạn cuối. Hôm đó, thầy giáo - nhà thơ của đất Củ Chi đã nở được nụ cười sau thời gian mắc bệnh nan y, gần như không còn khả năng điều khiển nổi mình. Trong tháng, Tình thơ cũng hỗ trợ 10 triệu đồng cho nhà thơ trẻ Phan Trung Thành lên bàn mổ tim. Ngoài ra, Tình thơ còn mua sạch gần 200 tập thơ Thèm ăn còn lại sau một năm phát hành của nhà thơ trẻ Đồng Chuông Tử, người dân tộc Chăm, đang là sinh viên tại TP HCM.
Từ tháng 4/2009 đến nay, quỹ đã hỗ trợ phát hành tác phẩm bằng cách mua từ 150 - 200 tập thơ của các tác giả Nguyễn Quang Thiều, Bùi Thanh Tuấn, Triều Nguyên... Dự kiến, quỹ tiếp tục hỗ trợ nhà thơ Đơn Phương (đang gặp nhiều khó khăn vì bệnh phong) và gia đình cố nhà thơ Thảo Phương kinh phí in ấn thơ; hỗ trợ kinh phí in ấn tập thơ đầu tay cho nhà thơ trẻ Nguyễn Phong Việt; hỗ trợ tiền mặt cho nhà thơ lão thành Kiên Giang đã già yếu, có hoàn cảnh khó khăn và nhà thơ Hà Nguyên Dũng đang bệnh nặng...
Đào Đức Tuấn


(ĐV)

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 12:46 0 nhận xét