Hiển thị các bài đăng có nhãn TÁC PHẨM ANH EM. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn TÁC PHẨM ANH EM. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Hồ Thanh Ngân viết trường ca

 NHỚ PHÚ YÊN 

(TRƯỜNG CA)

 HỒ THANH NGÂN


1 .LỊCH SỬ
Bốn trăm năm gió vẫn thổi qua ghềnh qua bãi
Qua Hoa Anh Phù Nam Chiêm Thành Đại Việt
Nhát kiếm của người xưa chém vào mây trắng
Giọng nói của người xưa đục đá khắc ghi
Có bút tích vua Lê còn mãi trong lòng người
có khai quốc công thần Lương Văn Chánh
còn sống mãi trong tên đất tên làng
có Lê Thành Phương cần vương chống giặc
người anh hùng tuẫn tiết vẫn hiên ngang
có Trần Suyền thành danh trên con đường khoa cử
hạt gạo Tuy hòa cứu khu năm khi đói
đập Đồng Cam nước lai láng tràn đầy
chống pháp kiên cường mảnh đất miền Trung
đây Vũng Rô điểm tập kết đường Hồ Chí Minh trên biển
đây Tuy An thảm sát Ngân Sơn kinh hoàng
đây đường Năm đánh tan quân giặc rút chạy
đây quốc lộ 25 khiến kẻ địch kinh hoàng
đây Đồng Xuân chi bộ đảng đầu tiên
đây đường sắt nối Cù Mông đèo Cả
quê hương có vịnh Xuân Đài soi bóng dừa xanh
có ghành Đá Dĩa nên thơ đẹp trữ tình
có Ô Loan cảnh đẹp như tranh vẽ
sò huyết đâu ngon bằng quê ta
bãi Môn tự tình đón mặt trời lên
Vũng Rô như người đẹp đang nằm ngủ
gành Đỏ đường đi thơm nước mắm lối về
đàn đáTuy An ngân vang giai điệu
bánh tráng Hòa Đa đông bình ai cũng nhớ
Long Thủy đồi Thơm bè bạn ghé thăm
bò một nắng Sơn Hòa dừng xe ghé lại
cá ngừ đại dương đi khắp bốn phương trời
hò bá trạo đêm trăng vang bến bãi
điệu bài chòi thao thức làng quê
Chóp Chài cô đơn Đá Bia cô đơn
Nhạn tháp cô đơn sông Ba cô đơn
Củng sơn thở dài Đà Nông thở chậm
sông Ba cởi lòng mùa nước khô
một bình nguyên giữa hai đường Nam Bắc
đèo Cả phía nam Cù Mông phía bắc
Phú Yên ơi vùng trũng giữa hai đèo!!!
2. CON NGƯỜI
Gió Tuy Hòa đi vào thơ ca
Gió Tuy Hòa sống trong lòng mọi người
Gió làm nên gương mặt một vùng đất
Gió làm nên một giọng điệu thi ca
Người Tuy Hòa cởi mở lắm bạn ơi
Dù chân chất quê mùa như bạn thấy
“đa tình con mắt Phú Yên” Tản Đà từng nói vậy
Đến một lần để hiểu và yêu người dân quê tôi
Có gió đấy gió sẽ làm chứng
Gió Tuy Hòa làm nên thương hiệu người tuy hòa
Người Tuy Hòa phát âm a thành e
Phát âm ôi thành âm âu
Dẫu giọng nói làm ta mắc cười
Nhưng tình người nhớ mãi không thôi…
Những Lương Tấn Thịnh Lê Trung Kiên Trần Quốc Tuấn đã làm nên lịch sử
Những con người Hòa Thịnh vực dậy ngọn lửa đấu tranh
Hòa Hiệp kiên trung Hòa Đồng anh hùng
Tuy Hòa nơi chở che nhà cách mạng Nguyễn Hữu Thọ
Nhớ Nguyễn Mỹ “cuộc chia ly màu đỏ”
Nhớ Nhật Lai “quê lụa Hà Tây”
Nhớ Võ Hồng bên dòng Ngân Sơn xao xuyến
Đi đâu vẫn nhớ về xứ nẫu
Nhớ giọng nẫu nhớ con người nẫu
Nẫu đi rồi nẫu sẽ dìa
Sống hết mình như gió
Sống thật thà như đất
Sống nồng nàn như nắng
Sống không hình thức màu mè như con người mình vốn vậy
Người Phú Yên là như vậy đấy
Người Phú Yên là thế bạn ơi
Khi tôi xa Tuy Hòa
Tôi vẫn nhớ mình là dân nẫu
Để không bị lạc điệu
Tôi học tiếng nói của bạn bè
Nhưng trong thâm sâu tôi vẫn nhớ gió
Nhưng trong thâm sâu tôi vẫn gốc Tuy Hòa
Tôi cô đơn mặc định như Chóp Chài Đá Bia
Tôi nồng nàn như gió Tuy Hòa và hết lòng như nắng miền Trung
Tôi cách ly với phiền toái như Cù Mông và đèo Cả ngăn trở Phú Yên
3. TUỔI THƠ
Tôi sinh ra từ khúc ruột miền Trung
Nam Trung Bộ là quê hương tôi đó
Tuy Hòa nơi tuổi thơ tôi lê la góc phố
Mòn vẹt bao vệ đường trò chơi trẻ con
Nơi vỉa hè trốn cha ngồi đọc sách
Những con đường rong ruổi bạn bè vui
Tôi học trường Phường Tư trường Nguyễn Huệ
Đã đi qua bao năm tháng học trò
Có những đùa vui có lần tinh ngịch
Ký ức hằn những đòn roi
Có những thầy cô qua năm tháng học trò
Để lại trong lòng bao điều đẹp đẽ
Bạn bè ơi ngày xưa ta nhớ
Gọi thầm tên khi đứng giữa trường
Lâu lắm rồi ta không về trường cũ
Kỷ niệm không ngủ yên
Ai có một lần ngang qua trường cũ
Nhắc lại dùm ta có một thi sỹ rất khờ
Tuổi thơ ta in hằn trong những vết chân trâu
Ta chơi trốn tìm trong đó
Tiếng dế mùa hè tiếng cu gù mùa thu
Lay động những câu thơ thức dậy
Bao trò vui bạn ơi có nhớ
Cánh đồng làng xác tín tuổi thơ
Tuổi thơ tôi thấm đẫm với thi ca
Nuôi mơ ước thành thi nhân thi sỹ
Tôi đã đốt ngọn lửa rơm nuôi câu thơ bé nhỏ
Đến bây giờ chẳng hối tiếc đâu!
Thời gian dù trôi qua mau
Từ tiếng khóc đầu tiên đến nụ cười sau cùng vẫn dành cho thơ
Tuổi thơ tôi lận đận với thi ca
Tôi vấp ngã và tôi đứng dây
Đam mê ngựa không cương không ai cản
Tôi bốc đồng ứ hự với thi ca
Thơ làm tôi đau thơ giúp tôi cười
Cha mẹ tôi không thành đạt với đời
Cha mẹ tôi không học hành nhiều chữ
Cha tôi kéo tôi trở về mặt đất
Mẹ tôi dạy tôi tự an ủi lỗi lầm
Tôi biết yêu đời thường , biết yêu văn Nam Cao ,biết chấp nhận khắc nghiệt cuộc sống từ tuổi thơ khốn khó
4. THI CA
Không ở đâu nhiều thơ như ở đây
Bè bạn gặp nhau nói một câu lục bát
Tháp nhạn nhờ thơ bay lên cao
Người nhờ tháp giữ cân bằng mặt đất
Người người làm thơ
Nhà nhà làm thơ
Ra ngõ gặp ngay những người cầm bút
Đêm về ảo mộng thi sỹ thi nhân
Đất khốn khó nuôi khát vọng giàu và yên
Nhưng rất giàu về tinh thần
Vì nhiều người yêu thơ và làm thơ
Tỉnh lẻ Miền Trung được như thế là quý lắm rồi
Thơ Phú Yên sánh vai cùng Huế , Hà Nội, Nam Định, thành phố Hồ Chí Minh
Người cầm bút quê tôi như thế rất đáng mừng
ở Phú Yên có đêm thơ nguyên tiêu
rằm tháng giêng trở thành điểm hẹn du khách
bao bè bạn bốn phương về đây tụ hội
mấy mươi năm bề dày tổ chức
trở thành đặc sản tinh thần người Phú Yên
nơi khởi nguồn của ngày thơ Việt Nam
người cầm bút quê tôi rất đáng yêu
nồng nàn con chữ như gió N am Cồ thổi
không ồn ào khoe khoang tuổi tên
lặng lẽ viết âm thầm như tỉnh lẽ
chỉ gió biết thổi rỗng đi những hư danh
chỉ gió biết ai là người vững chải
họ cầm bút như ngọn gió quê tôi
trải hết lòng mình lên trang giấy
những ồn ào như những phù hoa
gió sẽ thổi bằng bước chân không nghĩ
điều quan trọng là viết thật lòng mình
tiếng vỗ tay tầm thường rồi sẽ quên mất
lịch sử dân tộc là lịch sử Nam tiến
lịch sử văn học là lịch sử Nam tiến
sau Quy Nhơn với Bàn Thành Tứ Hữu
ngày hôm nay là sứ mệnh Tuy Hòa
tôi vẫn tin điều đó đấy bạn ơi
bao người viết sẽ làm nên kỳ tích
viết đơn độc như sông Ba bạn đấy
sống lẻ loi như Tháp Nhạn Chóp Chài
không thể lẫn vào bao vùng quê khác
5 THÁP NHẠN
Tháp Nhạn những con chim nhạn bay đi không trở lại
Bỏ lại bóng dáng thành huyền thoại
Đây tháp của người Chăm làm nơi cúng tế
Đây phế tích lịch sử ngàn năm
Lin ga chọc thẳng trời xanh
Ap sa ra vũ nữ nỗi buồn quá vãng
Tôi nghe tinh hoa của dân tộc quá vãng
Chảy ròng ròng trong từng viên gạch đỏ
Một đất nước lụi tàn trong quá khứ
Để lại ký ức dân tộc chống chọi với thời gian
Nơi đây từng thể hiện đấu trí giữa Chiêm Thành và Đại Việt
Vết tích còn đây không thể phai mờ
Tháp Nhạn đứng trong trăng
Tháp Nhạn đứng trong thơ
Nơi hội tụ của hai dòng sông
Nơi hướng tầm nhìn ra biển lớn
Nơi bao người chồn chân lên đỉnh tháp
Nơi tiếng thơ véo von lên tận trời xanh
Nơi người nông dân buông cày cầm bút
Em học sinh trình diễn cảm xúc mình trước đám đông
Nơi cụ già lấy lại sinh lực thời trai trẻ
Nơi người cầm bút yêu quý con chữ của mình
Nơi trang trọng nơi tâm linh
Bao tục tằn trong người vứt bỏ
Chỉ khi ấy bạn hòa nhập vào trời đất
Chỉ khi ấy bạn hòa nhập vào vũ trụ
Trở về đi về nguyên bản chính mình
Trở về đi thành một vũ trụ nhỏ
Bao lo lắng đời thường ta vứt bỏ
Ta làm mới ta , ta trở lại từ đầu
Tiếng khóc đầu tiên bên bầu sữa mẹ
Lin ga chọc thẳng lên trời xanh
Yoni nằm yên đón đợi
Mùa màng sinh sôi
Con người đông đúc
Ta làm mới tâm hồn ta
Ta sinh ra những tri thức
Ta sinh ra những tư tưởng
Ta làm giàu nội tâm ta
Ta trở về chính ta ,thật ta mà ta không biết
6.BẠN BÈ
Có những lúc buồn
những câu thơ vỗ về tâm sự
có những lúc phiền muộn
tôi đối diện với trang giấy trắng
trút nỗi niềm tâm sự
không ồn ào khoe mẽ tuổi tên
viết cho tôi
như những lời thủ thỉ của sông Ba
bè bạn tôi ở khắp bốn phương trời
luôn dõi theo động viên chia sẽ
tôi vẫn tận tụy bản thảo vô danh
cho bạn cho tôi những người chiếm số nhiều trong xã hội
cho dù không còn ai đọc thơ
tôi vẫn ngồi thả lòng buông ra những câu chữ
mỗi khi thấy mình không còn sinh lực
tôi về lại Tuy Hòa
để góp gom từng kỷ niệm
làm hành trang cho những chuyến đi xa
bao bạn bè gọi tôi về
đánh thức lửa trong tôi đã mất
sau bao thời gian
để còn mãi tình yêu tuổi trẻ
với thi ca ta trở lại từ đầu
đọc cho nhau nghe những vần thơ
để biết mình sống chứ không phải tồn tại
mà khi tha hương làm theo quán tính
cảm giác này bị đánh rơi
chỉ khi trở về Tuy Hòa
ngồi vào trong lòng bè bạn
ta lại hồn nhiên ta lại tươi mới
tình bạn ở đây không toan tính
trong veo như thủy tinh
tôi và bạn giữ gìn tình cảm ấy
đừng để nó bị bóp chết bởi kinh tế thị trường
bạn bè Tuy Hòa đem lại niềm vui cho tôi
giúp tôi đứng dậy
sau gục ngã cô đơn và bất lực
trái tim tôi lại đập rộn ràng
bè bạn ơi tôi không quên bè bạn
bốn phương trời vẫn nhớ đến tôi
7.VĂN HÓA
Phú Yên là đất Phật
Phú Yên là đất tu
Có chùa Bảo Tịnh từ xa xưa
Có chùa Đá Trắng ngôi chùa cổ
Chùa Thanh Lương
Chùa Sắc Tứ Kim Cang
Chùa Nhất Tự Sơn…
Có tổ Liễu Quán khai sinh ra pháp môn Thiền Tịnh song tu
Chấn hưng nền Phật giáo trung đại
Uy đức mấy trăm năm
Còn rực rỡ thiền môn
Phú Yên có ca dao , hò vè , tục ngữ
Mang đậm khí chất Nam Trung Bộ
Có văn hóa nẫu nguồn
Về Hòa Trị ghé thăm đền thờ Lương Văn Chánh
Về Tuy An xem lễ hội Lê Thành Phương
Có thành Hồ xưa ở Hòa Định
Phú Yên vùng đất trấn biên bốn trăm năm
Sơn Hòa thị tứ đẹp một trăm năm
Xoài Đá Trắng lễ vật tiến vua
Thạch Bị Sơn ghi danh Cửu Đỉnh
Có thành An Thổ nơi sinh đồng chí Trần Phú
Tổng bí thư đầu tiên của đảng ta
Luận cương chính trị người tâm huyết
Viết trong chắt chiu ngọn gió Tuy Hòa
Có Hòa Xuân cái nôi cách mạng
Văn hóa anh em độc đáo gần xa
Phú Yên nơi thắng lợi đầu tiên của Nguyễn Huệ
Người anh hùng bách chiến bách thắng
Có khởi nghĩa của Võ Trứ
Có lễ hội cầu ngư có hò bá trạo
Có hô bài chòi
Có vịnh Xuân Đài địa danh lịch sử
Có Nhất Tự Sơn địa điểm du lịch
Bốn trăm năm không quá ngắn hay dài
Nhưng cũng đủ làm nên diện mạo một vùng đất
Nơi đây giao thoa văn hóa Chăm ,văn hóa Việt và văn hóa bản địa
Chứng tích là tiền cổ nơi đây có rất nhiều
Nước mắm gành Đỏ Long Thủy khẳng định thương hiệu
Muối Diêm Đài mặn gió biển miền Trung
 
HỒ THANH NGÂN
Gv trường t.h.p.t.sông đốc –trần văn thời –cà mau
Đt: 0948794804

(theo blog Hồ Thanh Ngân)

Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

tui làm ngừ mẫu

Son phấn đồi Cù

Muốn tìm cảm giác hoang vu, người Đà Lạt hồi trước thường lên điểm thật cao để nhìn trời đất Đà Lạt, mà ngã năm Đại học là chỗ đáp ứng được điều đó.

Bên dưới là trọn cơ thể đồi Cù nõn nà khoe ra, với giữa lòng chập chùng kia là cái hồ nước cổ xưa của phố núi bước ra từ sơn nguyên, kẻ một vạch trong thanh mang cái tên buồn: hồ Tổng Lệ.

Thò đầu nhìn vào... đồi Cù - Ảnh: N.H.T.

Màu xanh kia của đồi Cù bây giờ là màu xanh nhung lụa, được son phấn lên bằng thứ cỏ mềm mại để giúp trái banh golf lướt đi nhẹ nhàng, đưa từ Thụy Sĩ sang trồng, thay cho cỏ lá tre tự nhiên cố hữu của đồi núi Đà Lạt.

Cái hàng rào bằng nhiều loại cây xanh lồng trong kẽm gai vòng quanh trọn đồi Cù nhắc người ta cái giới hạn vào ra, ngoại bất nhập. Còn những cú đi bệnh viện thường xuyên vì sưng đầu của người dân qua đường bởi những đường banh golf lạc lối cho thấy sự phi khoa học của một sân golf nằm ngay trong lòng phố xá đông đúc...

***

Cứ nhìn xuống đấy, tôi lại không quên những lần kẻ nhập cư là tôi được thả người ra thảm cỏ lá tre mộc mạc, tựa lưng vào gốc thông già trên ngọn đồi này mà thưởng cho mình những giấc ngủ an lành, tự do của hơn hai mươi năm trước. Không thể quên những khi từ ngôi trường đại học nhìn ra đồi Cù này, băng trên nó để như cưỡi khói sương xứ lạnh mà “ra phố”.

Ngày đó, tôi còn thấy người trẻ ở Đà Lạt cuối tuần hay lên đồi Cù cắm trại, trẻ con thả diều, các chàng thợ hình mang máy ảnh lững thững theo du khách, cùng bóng dáng những con ngựa tung vó qua đồi... Và cũng khó để quên những tấm bưu thiếp du lịch phổ biến về Đà Lạt lúc ấy là hình ảnh du khách cầm chiếc dù hoa rực rỡ thong dong trên đồi Cù, hay những đôi gái trai tự tình thật nên thơ dưới bóng thông ngàn. Và đồi Cù vào đầu mỗi mùa mưa là cả một ngọn đồi mênh mông hoa dại, trào lên nhiều sắc màu tự nhiên...

Nhưng cũng chính chúng tôi của những năm liền ngay sau đấy, với việc làm thêm kiếm tiền trọ học, đã góp phần cùng người ta cày xới tung đồi Cù lên để trồng xuống thứ cỏ quý tộc đổi kiếp phận ngọn đồi thân thương của người Đà Lạt.

Nhiều năm sau này khi cuộc “gả” đồi Cù đã rồi, không thể xoay chuyển trở lại ban đầu, người ta bắt đầu tiếc thương cho nó. Người Đà Lạt bắt đầu những cơn nhớ dai dẳng về một ngọn đồi. Quả thật bạn rất khó dửng dưng khi chứng kiến những cô cậu học trò Đà Lạt ngày nay vạch lá hàng rào ken dày kia để thò đầu vào mà nhìn trộm đồi Cù ở quê xứ mình.

Nghẹn ngào khi thấy các cụ hưu trí cũng như những nàng hồng thắm xinh chiều đến chạy tập thể dục, dừng lại, rón rén dõi mắt vào bên trong ngọn đồi. Và càng tội cho bao kẻ có tình với phố núi này, hễ cứ tạt lên Đà Lạt như ông bạn Duy của tôi - một họa sĩ, ông bạn Tuấn - một thi sĩ... bảo chở vòng quanh đồi Cù cho được. Bây giờ vòng quanh đồi Cù là để ngắm cái... hàng rào che kín ngọn đồi này chứ có được bước vào đó đâu. Muốn được đặt chân lên đồi Cù nay phải có nhiều ngàn đôla, để sở hữu một tấm thẻ thành viên đánh golf ở sân này cho một năm.

Nếu đứng cả ngày trên véranda của quán cà phê cao nhất ngã năm Đại học này, sẽ nhận ra có ngày sân golf nằm trên ngọn đồi di sản này vắng lạnh, chẳng có khách nào chơi cả. Dù lượng thẻ hội viên đăng ký ở sân golf này thống kê được là 260, nhưng nghe đâu nhiều người cả năm không một lần ghé đánh. Và chừng ấy tay golf cũng chỉ là thiểu số so với hai chục vạn dân Đà Lạt và hai triệu lượt du khách hàng năm tìm lên thành phố du lịch này.

Hằng năm sân golf rộng 63ha nằm ngay trái tim Đà Lạt này đóng vào cho ngân sách nhà nước chỉ hơn bốn tỉ đồng, ít hơn cả khu hồ thung lũng Tình Yêu với mỗi nguồn bán vé tham quan.

Đồi Cù vẫn còn đấy, nhưng sao người ta cứ nhớ...

NGUYỄN HÀNG TÌNH

(TT)

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

người yêu Đà Lạt

Giọt lệ trên đồi Tương Sơn

Con đèo đã thơ mộng, ngun ngút bóng thông ngàn và rợp trời hoa cỏ dại, lại mang tên loài hoa thân thương của phố lạnh: mimosa. Con đèo còn mơ màng, vàng son, và “lạ” hơn khi ẩn một chỗ trên dải đồi thông có nơi yên nằm của một người con gái làm thơ: Tương Phố.

Không gian thơ mộng - nơi ẩn trú một di sản thi ca quen thuộc đã bị rào lại từ tứ phía - Ảnh: Nguyễn Hàng Tình

Tương Phố đã thi ca và bất diệt hóa tình yêu, người con gái đủ sức để đi đến tận cùng bi kịch luyến ái, biểu tượng của tiết hạnh và sự thủy chung của người phụ nữ với chồng. Chẳng mấy ai trên đời ở tuổi đôi mươi cưới chồng được một năm, chồng tha phương học chữ rồi ba năm sau vừa quay về lại qua đời, để vợ chẳng kịp dù một lần nhìn lại, mà nữ nhân tài sắc ấy vẫn cứ thế mãi ngồi làm thơ nhớ chồng, rồi khóc chồng.

Trên mộ nàng, ngày nay người ta còn khắc lên những câu thơ của nàng: Trời thu ảm đạm muôn màu/Gió thu hiu hắt thêm rầu lòng em/Trăng thu bóng ngả bên thềm/Tình thu ai để duyên em bẽ bàng. Năm 1928, Giọt lệ thu của nữ sĩ Tương Phố xuất hiện trên Nam Phong tạp chí. Năm 1930 thi phẩm đã được dịch ra tiếng Pháp - hiện tượng hiếm hoi của người Việt sáng tác thơ bấy giờ. Từ điển văn học đã tạc chữ về nàng: “...Góp vào bộ phận văn chương hợp pháp 30 năm đầu thế kỷ 20 một tiếng khóc ảo não, ít nhiều có làm sống lại tâm trạng người chinh phụ trong văn học quá khứ”.

Đẹp, buồn sang trọng, nhân văn, như nhà nghiên cứu Bùi Xuân Uyên nghiêng mình: “Cái tên của Tương Phố đã đóng dấu một nỗi buồn, và cũng chính điều đó khiến thơ bà có sức rung cảm sâu xa trong nỗi niềm độc giả”. Nay thử đọc những thi phẩm viết bằng lệ như Giọt lệ thu, Mưa gió sông Tương, Khúc thu hận, Trúc mai, Bức thư rơi... khó mà không ước sống và ước yêu được thế.

Năm 1973 người con gái làm thơ “ra đi” và được chính quyền khi ấy cho phép an táng trên rừng thông hoang liêu ở Đà Lạt - một nấm mồ lẻ loi duy nhất. Từ đó ngọn đồi nàng yên ngủ muôn thu được người Đà Lạt gọi là đồi Tương Sơn. Giọt lệ thu đã thấm vào con đèo Mimosa ở thành phố cao nguyên này. Không chỉ nơi con đèo, từ năm 2002 một con đường ở Đà Lạt được chính quyền lấy tên Tương Phố. Đến năm 2007, UBND tỉnh Lâm Đồng ký quyết định giao 34ha của ngọn đồi kia cho một công ty từ xa lên lập khu du lịch nghỉ dưỡng với hàng chục biệt thự, được phép hạ dọn thông để xây dựng.

Ngôi mộ thi ca bơ vơ, theo bản đồ, đã nằm gọn trong dự án. Không ai đứng ra bảo vệ phần mộ thi sĩ ấy, duy chỉ vài tiếng than yếu ớt của người cháu còn lại của bà. Giằng co mãi, không “đẩy” ngôi mộ đi được, khi triển khai dự án xây biệt thự, người ta cho hàng rào kẽm gai áp sát “Giọt lệ thu”, thuê vệ sĩ hằng ngày canh dọa ai muốn nới hàng rào ra cho hương hồn thi nhân thở.

Bỗng thấy tủi hờn khi nhìn vào cái hàng rào kẽm gai len lỏi khắp gốc thông già, lồng ngọn đồi Tương Sơn lại, vắt một vạch dài lê thê sắt thép uốn cong theo con đèo thơ mộng, còn không gian yên nghỉ của thi nhân, hàng rào từng ngày dịch vào thêm, gí sát hơn mộ phần. Về hình thức, “nhà đầu tư” rất khó để sai, chính quyền càng vậy. Bởi mọi thứ đều có quy trình, giấy tờ, theo nghị quyết phát triển du lịch, quyết định giao đất giao rừng cho doanh nghiệp, dấu mộc thắm đỏ...

Còn mộ phần, bao giờ chẳng vậy, có ai cấp “sổ đỏ” cho người chết đâu. Nhưng nhiều người ở phố núi cứ tâm tư sao thời thế không tha cho vị nữ sĩ đã lưu tên không chỉ trên đường phố, để nàng có được một chỗ ở chốn thi ca quá đặc biệt này. Vì Đà Lạt - Lâm Đồng đã có đến 700 khách sạn và đang bội thực với 235 dự án du lịch đã và sẽ triển khai với ước thêm ít nhất 45.000 biệt thự nữa sẽ xuất hiện. Còn nàng Tương Phố làm thơ thì chỉ có một mà thôi!

“Nỗi ly hận mây chiều gió sớm” là tiếng thơ tình ái riêng tư của thi nhân lưu lạc từ miền Bắc vào cao nguyên lạnh phương Nam làm nên “Mưa gió sông Tương”, hay còn là sự thật trần trụi trên mặt đất ở mọi ngóc ngách cho đến ngày nay.

Nấm mộ của người con gái làm thơ còn nơi đó như một giọt lệ.

NGUYỄN HÀNG TÌNH

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

phù hoa...

Trò chuyện cùng Đinh Cường:
Trôi trên những mùa màng sắc màu

Chân dung Nhà thơ Bùi Giáng (Tranh Đinh Cường)
Chân dung Nhà thơ Bùi Giáng
(Tranh Đinh Cường)
Một phần tinh hoa văn hóa văn nghệ của Đà Lạt có bóng dáng người nghệ sĩ phù vân Đinh Cường. Đây là một họa sĩ Việt Nam đương đại tài danh, mà tài hoa đã vượt ra khỏi lãnh thổ quê xứ từ lâu. Trong con người này cái chất "Đà Lạt" vẫn tinh khiết, đậm rõ như ngày nào, nghệ sĩ “thật” (chứ không hư danh hay núp bóng…); và nếu có một cốt cách “Người nghệ sĩ phố núi” thì Đinh Cường là một đặc mẫu, đại diện, mà không nhất thiết ăn đời ở kiếp, chung sống với nó năm dài tháng tận. Tâm hồn và những sáng tạo của Đinh Cường lành như Đà Lạt, thật gần trời đất Đà Lạt, nên cả đời ông mang nó theo, cả khi sang Mỹ. Còn nhớ, khi Trịnh Công Sơn viết nhạc ở B'lao thì Đinh Cường vẽ ở Dran, Đà Lạt_ họ là đôi bạn mộng tưởng chân tình, một kẻ lộng lẫy trên con đường hội họa còn kẻ kia trên con đường âm nhạc...

Quán cà phê Tùng của 50 năm trước nay vẫn còn treo một bức tranh Đinh Cường vẽ cũ xưa, mà chủ nhân thì không bao giờ muốn bán đi. Con đường Hoa Hồng ngày nào của phố núi (nay là đường Huỳnh Thúc Kháng) còn in dấu họa sĩ Đinh Cường đâu đó, với căn phòng nhỏ ông thuê để ở vẽ, và đi lang thang... Vừa rồi Đinh Cường có cuộc triển lãm tranh lần thứ hai ở Đà Lạt, sau 46 năm của đời một danh họa mà nơi này là nguồn sữa tinh khôi dưỡng tạo nên tâm hồn cùng tài hoa đó (mà chưa chắc sẽ có thêm những lần tiếp). Người phụ nữ hay mang cà phê ra cho Đinh Cường uống, cũng là chủ quán, vừa mất, nên cà phê Tùng_nơi một thời đằng đẳng anh ta thường ngồi mơ tưởng cuộc đời và suy tư hội họa_ "để tang" quán một số ngày. Tôi bèn kéo Đinh Cường sang cà phê Artista và hỏi:

Họa sĩ Đinh Cường ơi ông nghĩ thế nào về đời cầm cọ?

Họa sĩ Đinh Cường: ... Không bao giờ tìm được người hiểu nó, hiểu đích thực về hội họa. Sống thì hoàn toàn cô đơn, ngày này qua ngày kia, năm này qua năm nọ, thập niên này sang thập niên nọ. Nhưng mà chấp nhận thôi, nghệ thuật là sự cô đơn, là bạc bẽo. Hồi trẻ trai suốt ngày nhìn núi, nhìn mây, khói sương, người đời... mà vẽ. Giờ và chắc mãi mãi cũng thế, y chang một thế giới mơ mộng hiện ra, lúc nào cũng mơ tưởng, muốn bày hết lên toan. Đã cầm cọ thì đói rách cũng vẽ. Chúng tôi có thể vẽ đến hai ba giờ sáng. Chúng tôi có thể vẽ cả đời, vẽ đến khi buông cọ, cầm nó không được nữa. Mà tranh là thứ không bao giờ dễ bán... trên cuộc đời này. Họa sĩ hay nghệ sĩ, là kẻ tự dâng hiến, dù chẳng ai ép buộc. Sinh nghề tử nghiệp, vậy thôi, đâu ai cấm anh mở khách sạn, cửa hàng, cửa hiệu, đi buôn, lập doanh nghiệp, lên xe xuống ngựa...
Thế còn hạnh phúc ?

Đinh Cường: Mỗi một bức tranh ra đời là bao nhiêu say đắm trong đó. Qua màu sắc, suy nghĩ, tình cảm, yêu thương, nhận thức, rung động... của mình được lả lướt lên đó, bỏ vào đó. Đó là thứ lao động hư vô, với những kẻ sống cùng hư vô. Nhưng có hạnh phúc gì bằng khi hư vô biến thành nghệ thuật, bức tranh cụ thể. Tự mình tạo ra được cả thế giới riêng của mình. Rồi trời đất xung quanh, những khuôn mặt người quanh ta, bạn bè, nỗi nhớ, buồn vui... cứ vào tranh. Bức tranh tôi làm bạn vui trong chốc lát, chợt tha thiết cuộc sống, nhớ về một ai đó, một nơi chốn nào đó, hay thấy bình an khi đêm về... đã là điều đáng yêu, cao cả rồi.
Gần 50 năm sau, Đinh Cường (bên trái) lại hội ngộ cùng HS Bửu Ý và người vẽ, người viết tạp bút trong quán café.
Gần 50 năm sau, Đinh Cường (bên trái) lại hội ngộ cùng HS Bửu Ý và người vẽ, người viết tạp bút trong quán café.

Tức là đi "cứu" cái đẹp?

May chăng còn vương vãi đâu đó chút ít trong bức này, bức kia thôi. Vũ trụ mênh mông, buồn vui mênh mông, sự rung động trong mỗi người cũng mênh mông. Khi mọi thứ đi vào tranh nó đã sống kiếp khác rồi, trở thành một thế giới khác, thế giới của tự tình, yêu thương, thì thầm, êm ái, mơ tưởng... Mọi cái đẹp cứ thênh thang, vụt bay, từ các cô gái đến cánh rừng, ngọn núi, con phố, làng thôn... Mỗi lúc ta nhận ra nó khác, cảm xúc khác, nên nó đi vào tranh cũng khác, và thành tranh cũng khác. Một người nào đó, một nụ cười nào đó, một vóc dáng nào đó, hay một cảnh quan nào đó, mỗi lần vẽ là một lần khác. Thế giới yêu thương cứ luôn sinh sôi, và hủy diệt. Những mùa màng nhan sắc cũng vụt qua, và sinh ra..., theo lẽ vô lượng, vô thường giữa trời đất.

Vậy là tiếc nuối dài dài, xót xa dài dài, với những mùa màng nhan sắc?

Những tiếc nuối đó rất mông lung, hoang vu, mơ hồ, không gọi tên được. Các cô gái trẻ, nhiều sức sống chợt cho người họa sĩ cảm giác về hoa trái của đất trời, hối thúc và rạo rực. Nhan sắc trên một cô gái cũng quan trọng, nhưng nhiều khi cũng chẳng là gì cả, vấn đề là sự đọng lại,và có thể đọng lại. Nhưng cái đẹp tươi trẻ có giá trị với sáng tạo hội họa, nhưng cái đẹp tàn úa ai bảo không đưa đến những bức tranh tuyệt vời, thậm chí có lúc tuyệt tác hơn. Nhan sắc là phù du, mà nghệ thuật cũng là phù du. Nghệ sĩ là kẻ đi rượt đuổi sự phù du.

Đố ai xem tranh Đinh Cường hiện tại mà biết đây là họa sĩ tuổi 72, nếu không thấy chữ ký Đinh Cường lên tranh. Cái chất "thanh niên", tươi mới, mơ mộng và nông nổi vẫn nguyên xi như thuở anh vẽ những vườn lơghim, đồi thông, ngựa, thiếu nữ Đà Lạt ngày nào. Chàng trai Thủ Dầu Một mà cứ nói giọng Quảng (nói tự nhiên,"vì bạn tôi toàn Quảng không à!") đến giờ, và cứ bảo Đà Lạt là quê quán của mình.

Đi đâu Đinh Cường cũng mang theo "phụ tùng" nghề nghiệp, gọi sang trọng là "họa cụ_ Đúng là "nô lệ" của cây cọ. Chợt gặp lại kẻ cô đơn "mãn tính" Đỗ Tư Nghĩa_ một dịch giả ẩn sĩ ở Đà Lạt, như thấy được huynh đệ là khách hàng thường xuyên của các quầy thuốc Tây với trọng lượng luôn "ổn định" 39 kg này gió có thể thổi bay bất cứ lúc nào, nên Đinh Cường mang cọ ra vẽ chân dung tặng ngay. Đỗ Tư Nghĩa dĩ nhiên phải ngồi yên, còn tôi và Đinh Cường cứ cà kê theo nhịp cọ của anh:

Cái gì khác nhau của một họa sĩ trẻ hồi trẻ của họ và một họa sĩ khi về già?

Ngày trẻ, thường người ta vẽ những cái gì cụ thể, kể cả một cô gái đẹp. Hình như tuổi kia, vì họa sĩ là một chàng trai, nên cái mơ mộng cũng thật, người thật, việc thật, hình bóng thật, nhu cầu thật, xuôi theo một cảm xúc rõ ràng hơn, tình yêu hay sự rung động cũng cụ thể. Lớn tuổi, miền mơ tưởng mênh mang, hoang vu hơn. Nhưng đố ai đã là nghệ sĩ thật sự mà "có tuổi"_ không "trẻ" làm sao sáng tạo. Sự chững chạc, chín chắn của người nghệ sĩ nằm ở sự chân thật, trong sáng, hết mình với thế giới mình yêu, và đóng góp vào cho đời bằng tác phẩm của mình.

Tức, như lúc này anh không rạo rực trước những cô gái căng mọng, trẻ xinh?

Tôi vẫn trân trọng cái trẻ và xinh xắn nơi các cô gái ngày nay. Thấy một cô gái trẻ đẹp ngang đường mình cũng lâng lâng, "cảm ơn nhan sắc" gợi cho một ý tứ gì đó cho hội họa. Tôi có thể vẽ khoảnh khắc nhan sắc ấy lướt qua, bằng cảm nhận mang đến cho hội họa, chứ không cần chiếm hữu nhan sắc ấy. Nhan sắc giữa trời đất kia, chứ không phải nguyên con người sinh học (body/libido), mới mang đến nghệ thuật. Nhưng với tôi, từ khi cầm cọ đến giờ, chỉ cô gái nào buồn, gầy guộc, thánh thiện, tôi mới cảm được, vẽ được.

Tôi và Sơn (Trịnh Công Sơn) giống nhau ở chỗ, phải cái đẹp mong manh của một người con gái mới cho mình sáng tạo được, mới đi vào tranh, vào nhạc, và có thể hình dung nó bằng hình ảnh: " ... vai em gầy guộc nhỏ/ như cách hạc về chốn xa xôi...". Nàng nào có đẹp tới trời, thước tất chuẩn mực như đám đông qui định, nhưng vô duyên, thì dí sách vào cổ, hay đưa bạc tỉ đôla đến chúng tôi cũng không thể vẽ thành tranh được. Tôi chỉ vẽ (và bạn bè) được những người con gái nhân hậu, sầu mộng, yêu văn chương, không hốt hoảng trước cuộc đời, vật chất. Tôi sợ cái đẹp lồ lộ, ngồn ngộn cơ thể, và ngồn ngộn tiện ích, vật chất. Tôi yêu cái đẹp của tôi, kiểu riêng tôi, dù có khi không có nhan sắc(như đám đông nhận thấy), một nụ cười nghê thường, khiếm khuyết, một nếp nhăn, hay một khoảnh khắc bất hạnh của ai đó, ấy thế mà có thể phóng cọ thâu đêm.

Ông không yêu nhiều ? Thế còn những cô gái trong tranh ông vừa mang về Việt Nam và triển lãm ở Đà Lạt sau 46 năm của lần triển lãm đầu tiên ở phố núi) lần này ?

Dù làm họa sĩ, nhưng thật ra đời tôi chỉ có vài hình bóng khiến đeo bám, khiến tôi cầm cọ thôi. Tôi vẽ đến giờ, vẽ nhiều cho, đôi cô gái xưa cũ đó, mà chừng đó thôi vẽ cả đời không hết. Mà đời có mấy cô gái yêu họa sĩ đâu. Tôi chia sẻ điều này, vì họ cần phải sống, phải tồn tại, mà họa sĩ là cái gì đó quá... vô thường. Vì mỗi lần nghĩ về họ họ hiện ra khác, cho mình cảm xúc khác. Như đã kể, chỉ những ai mong manh, có hồn tôi mới cảm được.

Và quả đúng như ông bày tỏ. Tranh ông chỉ toàn người hiền... bước vào. Những người con gái đi trong mù sương, bàng bạc phúc âm, và hoa cỏ trong trời đất. Nếu có cô gái nào đó, thì cũng là nàng tóc dài, dài đến ngang vai. Dĩ nhiên, những cô gái tóc ngắn, hiện đại, mà bước đến phòng tranh của anh sẽ ganh tị với những cô gái thuộc về miền mơ tưởng kia. Lời nhạc của bạn Sơn(Trịnh Công): "...Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ" lại là thế giới thật của người lành và đa mang như Đinh Cường.

Tranh ông đơn giản, từ màu sắc đến ý tứ, chủ đề, không khiến suy nghĩ nhiều, nhưng buộc người ta ngắm nhiều. Tranh ông là nguồn cảm hứng và mong ước của nhiều người mê tranh, sưu tập tranh. Anh sống bằng tranh, và sống như thế kể từ ngày ông tốt nghiệp trường Mỹ thuật ở Huế và lưu lạc lên Đơn Dương - Đà Lạt vào tuổi 23 đến giờ. Sống đạm bạc, qua ngày, không nghĩ đến tiện nghi, hay giao du với giới thượng lưu sang giàu. Anh ấy chơi trong đời, thơ thẩn như thế cùng cái đẹp, thế giới nghệ thuật mơ mộng. Anh có một "quĩ" bạn bè là những người mơ mộng, hiền lành, "tính ác, không chân thật, hèn, là không giao du, không bao giờ làm bạn".

Nhưng người đời thường ít để ý đến thứ văn nghệ phẩm gọi là..."tranh", kể cả nhà giàu, đại gia, tỷ phú ?

Ờ, thì xưa nay người ta ít để ý đến tranh. Vì không có tranh chẳng ai chết. Nhưng tranh làm người ta sống êm đềm, bình an, phong phú hơn. Người ta ít khi "sắm" tranh. Thường người ta hay ngĩ về xe cộ, nhà cửa, và đem tiền gửi ngân hàng hơn là mua sắm tranh về treo. Các phòng khách của nhà giàu có, cũng hay thấy bức ảnh thật to hơn là tranh. Ở các nước văn minh, người ta thường treo tranh và sắm tranh. Nhưng con người là chung, ở đâu rồi cũng có lúc người ta cần đến tranh mà. Từ từ người đời sẽ hiểu hội họa, và hội họa mãi mãi tồn tại.

So với phim ảnh, âm nhạc, kịch nghệ, kiến trúc, và kể cả văn chương đều "đại chúng hơn", trần đời hơn, còn hội họa cứ... tự sang trọng xa xỉ trong con đường của mình, nhất là ở người Việt mình, VN mình?

Nhưng họa sĩ vẫn không ai chết; lây lất nhưng cứ "thênh thang" trong miền mơ tưởng của mình, thế giới sắc màu của mình.

... Có thêm kiếp nữa, Đinh Cường chọn nghề gì?

Thì hội họa thôi. Với hội họa, một kiếp cũng không đủ đâu. Nghệ thuật là sự khôn cùng, mơ tưởng là miền dấu yêu bất tận, và tôi đây không mơ tưởng thì làm sao tôi sống. Mắc gì tôi phải chọn nghề khác, khi với hội họa tôi có được miền yêu thương kỳ ảo thân thuộc, tình yêu, tình bạn, buồn vui (ngoại trừ vật chất), vạn vật xung quanh cứ nồng nàn kể cả trong bất hạnh của nỉ.
Nguyễn Hàng Tình

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

ông Chiến 'mắt xanh' bình Dũng Quảng Nam

NGUYỄN VIỆT CHIẾN BÌNH THƠ PHẠM TẤN DŨNG


GIẤC MƠ ĐÀN ÔNG

Phạm Tấn Dũng

Trong giấc mơ ngắn

thường có giấc mơ đàn ông không biết về ranh giới

nhặt những viên sỏi ủ dưới lòng sông mưa ngày

ném trả về phía đại ngàn âm âm tiếng lá vỗ về

tiếng nỉ non ve rừng nuốt cạn bờ sương triền suối

rồi mơ cái nỗi ngâm chân cửa biển

ngửa mặt hứng mưa trời thắt nhịp hoàng hôn

Hòang hôn căn nhà vỏ sò vỏ ốc vỏ bọc

bọc những cái trứng tổ chim thiên di

nở tiếng hót đậu vào sớm mai trôi dạt bãi bờ

nở tiếng huýt gió của loài còng biển

nghe thênh thang nở rộ tháng năm dài

Trong giấc mơ ngắn

thường có giấc mơ em từ trong đi ra

tôi ngoắt bàn tay chạm nỗi ngày

tôi xoay bàn chân chạm nỗi đêm

vẫn không bắt kịp vạt áo bà ba bay về phía núi

giấc mơ đàn ông như con ngựa nhai bóng

Bóng của những mảnh thủy tinh vỡ và chưa vỡ

một thoáng một thời so dây trên cây đàn cổ tò vò

hát khúc trầm hương quê quán

lòng lấm lem mộng mị

Trong giấc mơ ngắn tôi tỉnh dậy

nỗi niềm soi gương

lặng lẽ chôn giấc mơ đàn ông

không biết về ranh giới ./.

KHÔNG LỜI MỸ SƠN

Phạm Tấn Dũng

Nơi ấy nắng lên muộn

nắng xuống chậm

Sông chảy xuôi thì buồn

Lưng song sđầy mốc meo cổ tích

Nơi ấy trang to dần

băng qua mảng trời về phía núi

Tôi lần theo

và bơi ngược những dòng sông

dòng sông dắt tôi

như dắt ký ức mình

nhỏ dần

nhỏ dần

nhạt đi

Nơi ấy phủ đầy hình hài

mùi hăng cỏ dại

phế tích trĩu buồn

buồn như những cuộc tình không sinh không nở

buồn như tiếng gà bí ẩn xưa xa

buồn đến thót tim những trưa đứng bóng

lảnh lót tiếng gà ác mộng nghìn năm

Nơi ấy đèn đã tắt

Tôi ngồi hí hoáy hõm đêm

ngồi như ngồi bên người tình đã từng ôm ấp

những trận mưa quất đau cổ tháp

những vàng vọt nắng quái chiều tà

những chòng vòng nhơ nhớ

lưng sóng đầm đìa phế tích hoang liêu

Nơi ấy với những cơn say chệnh choạng

Tôi với bóng mình ngã nghiêng bóng Tháp

dắt ký ức về gởi em giữ dùm...

LỜI BÌNH

Ngay khi vài bài thơ đầu tiên của Phạm Tấn Dũng mới xuất hiện trên một số tờ báo, tôi đã khá ấn tượng với tác giả này, tuy không hề quen biết. Nhưng phải đến lúcđọc bài thơ " Không lời Mỹ Sơn" của anh, tôi chợt hiểu rằng, tác giả này thật sự đã phần nào thuyết phục được mình, mộtnhà thơ lớp trước. Với cái nhìn của Phạm Tấn Dũng trong " Không lời Mỹ Sơn", anh đã góp phần khắc họa vẻ đệp điêu tàn của những ngôi tháp cổ ở một tầng cảm xúc, một tầng văn hóa khác khi nhận diện: " phế tích trĩu buồn/buồn như những cuộc tình không sinh không nở/buồn như tiếng gà bí ẩn xưa xa buồn đến thót tim những trưa đứng bóng/lảnh lót tiếng gà ác mộng nghìn năm" Những ngôi tháp bí ẩn qua ngàn năm hiện hữu ấy vẫn đặt trước thời gian và lịch sử văn hóa của đất nước này, những câu hỏi không dễ gì giải đáp ngay được bằng những lý giải của khoa học nhân văn và lịch sử. Phải chăng, ở một khía cạnh nào đấy, sự chiêm nghiệm và giải mã bằng cảm xúc của các nhà thơ mới có thể mang chạm đến được đến phần rất nhỏ bé của một nền văn minh- văn hóa đã từng chói sáng rực tỡ đến tột đỉnh trước khi hoang tàn, trở thành những phế tích còn lưu lại tới ngày hôm nay. Và, khi bơi ngược dòng sông cổ tích về miền cổ tháp hoang vu ấy, hình như Phạm Tấn Dũng đã chạm được vào một phần rất nhỏ bé của cái tinh thần thẩm mỹ huyền diệu đã là nên sự bất tử của Thánh địa Mỹ Sơn. Vâng, chỉ một phần rất nhỏ bé thôi, vì trước khi diễn ra:" những cuộc tình không sinh không nở" trong cảm xúc hoài vọng một tác giả thơ hôm nay thì miền cổ tháp linh thiêng ấy, với những biểu tượng phong phú của sự phồn sinh ( Các Linga và phù điêu vũ nữ) đã làm "một cuộc sinh nở" hoành tráng để trường tồn đến tận hôm nay.

NGUYỄN VIỆT CHIẾN

(VNT)

Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2011

rầu...

Thả bộ trên phố

Tôi thả bộ trên phố, không nhất thiết (cũng không thể!) phải bước vào nhà ai cả. Nhưng tôi có quyền ngắm phố, xúc cảm với nhà cửa, công trình của thiên hạ, nhìn phố phường trên đất nước tôi. Bộ mặt đô thị - "Chất lượng sống và chất lượng văn hoá", "Chất lượng tổ chức không gian sống cộng đồng", nhìn từ bên ngoài. Liệu có một đặc trưng, nơi bộ mặt phố phường xứ tôi bây giờ?

QUANG PHỔ

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hai mươi lăm năm sau "Đổi mới", tiền bạc bắt đầu rủng rẻng trong xã hội, ít nhất nó hiện ra ở các đô thị. "Ngập nước" tạm lướt qua, "lô cốt" cũng thế, nhưng "kẹt xe" với những dòng người lố nhố những đầu và đầu giữa "biển" xe máy đều đặn hàng ngày thì rõ là nét riêng có. Ngày càng nhiều những "con đường bia bọt", con đường ăn nhậu, - Những con đường mà người ta tập thể dục bằng môn nâng ly, còn "nhậu sĩ" sinh sôi như lá mùa thu... ra đời ở các đô thị lớn bé. Bỗng một ngày món "lẩu" của người Nam Bộ trở thành "hoàng đế ẩm thực", tung hoành dọc ngang vỉa hè, được toàn quốc hoá. Tất tần tật mọi thứ tinh hoa nông sản, hải sản được xướng danh yêu dấu vào mỗi chiều tà. Tiếng "zdô" trở thành âm thanh gần gũi, nồng nàn, thanh âm của tình Huynh đệ, và của những quan hệ, diễn đàn ngoại giao.

Ai cũng có nhu cầu dạo phố, thong dong thả lòng trên những phố phường, dù thành phố ấy "của mình" hay thành phố "của người". Con phố đẹp, duyên dáng, có hồn, có tình, tử tế, hay có ký ức dừng lại lâu hơn, ngắm kỹ hơn, trở lại nhiều hơn. Có con phố làm ta "cười", có con phố làm ta "khóc"...

Nền kinh tế thị trường trỗi dậy, sống động, quét qua, đường phố bỗng trở thành "những con đường khẩu hiệu". Tất tần tật mọi thứ nhảy múa, đều muốn phô trương, từ cá nhân đến tập thể, băng rôn, panô tràn "xuống đường". Cả phố phường xôn xao quang phổ, nâu đỏ sắc vàng, lục lam chàm tím. "Yếu sinh lý", "Trĩ lươn mạch", "Gia sư tại gia" hay "Hút hầm cầu"... bám vào cả những bức tường nhỏ bé, thân cây mỏng manh chốn công viên. "Khoan cắt bê tông" nơi cây trụ điện chắc gì là "bản sắc" đô thị Việt thời hiện đại. Những lệnh ngôn " Hãy...", "Quyết tâm xây dựng khu phố văn hoá" xuất hiện không chừa thành phố nào, ngõ phố nào, dù bên trong các phố lắm khi là nhịp đời của Quán Karaoke ôm, hay Tiệm cắt tóc kích dục... Xứ Kansai (Kobe) của Nhật Bản nay chắc cũng bất ngờ khi biết Karaoke mà nơi đây sinh ra nhưng sang đến VN thì nó được "bản địa hoá", sống một đời sống khác, nó có thể thành "Karaoke... Ôm". Không hiếm cảnh người phương Tây ngơ ngác nhìn phố phường ta như nhìn những nhịp sống lạ, đầy sinh động nhưng kỳ ảo, "tác phẩm" lạ.

Có vẻ như đời sống văn hoá đang chạy theo không kịp với đời sống vật chất, rằng tự mỗi người hình như bỏ quên và tự hệ thống chăm nom cũng quên (hay loay hoay tìm kiếm giải pháp, hoặc nữa bất lực?). Mọi thứ cứ để "chọn lọc tự nhiên", theo thời gian, cái gì hay- đẹp - đúng -mạnh sẽ đọng lại_ đưa triết lý/qui luật sinh học của Charles Darwin vào đô thị sao?

"CÁT CỨ"

Từ điển Tiếng mẹ đẻ định nghĩa: "Vỉa hè" là phần nằm giữa lòng đường với nhà ở đô thị, là một bộ phận của phố phường, nơi dành cho người đi bộ. Nhưng những cuộc thả bộ đứt đoạn của ai bách phố vì hàng điện tử, may mặc, bãi giữ xe, "phố nhậu"... chiếm chỗ làm vỉa hè hình như khiến cần định nghĩa nó theo từng con đường, tuỳ vào từng hoàn cảnh. Vỉa hè ở đô thị VN cũng có số phận.

Nhưng cái vỉa hè cũng không bằng hình ảnh kiến trúc, nhà cửa đây đó ở các đô thị. Chưa bao giờ nhà cửa ở VN người ta dựng rào, cất tường nhiều thế, đồ sộ thế, cao thế. Ngày xưa ở xứ mình hàng rào ít mảnh chai, các đầu sắt ít nhọn, ít hiểm hơn bây giờ. Giờ đây, ta đã quen mắt với những căn nhà mà cái phần phía trước là những khối sắt thép nuốt chửng hết kiến trúc, tự che lấp bề mặt của căn nhà mà không xót. Có những dãy phố mấy chục căn, hàng trăm căn là hàng trăm "cứ địa", chúng được lồng lại trong những "lồng sắt" không hơn. Không còn sự liên kết không gian, hài hoà nào nữa của những tác phẩm kiến trúc, của dãy phố. Càng "cát cứ" thì lòng người có khi cũng ngăn lại, buồn vui cũng ngăn lại giữa những người hàng phố. Cái tổng thể, không gian đô thị, bộ mặt đô thị, thứ công cộng, trở thành "cõi" riêng, cố riêng đến tuyệt đối. Có vấn đề về an ninh, nên người ta ai cũng tự lo lắng cho cái gì mình đang sở hữu, nắm được, nắm cho chắc. Yếu tố an ninh đã đẩy lùi văn hoá, chối bỏ thẩm mỹ.

Có kiến trúc sư đau đầu: " Bao giờ người Việt chấp nhận sống chung trong phố, sống thật sự, chấp nhận mạo hiểm, hết mình ở không gian phố như thiên hạ Âu, Mỹ, Nhật, Hàn?". Sống ở phố, hộ khẩu ở phường, nhà có số, đường có tên, nhưng người sống không là Thị dân.

Còn những cái lồng sắt trên cửa sổ, ban công, cơi nới để không gian sử dụng được tăng thêm thì dĩ nhiên phần "Kiến trúc" teo lại. Những người bạn Kiến trúc sư của tôi gọi đó là chỗ chui ra chui vào, chứ không phải là nghệ thuật về không gian sống. Mỗi chủ nhà là một "Kiến trúc sư", nên phố xá loạn hình hài, kiểu dáng, linh hồn, cảm xúc. Có phải đô thị vào thời hội nhập thì nhà cửa không cần khoảng lùi, chẳng cần khiêm tốn, chuẩn mực; phải hoành tráng; không ai nhường ai; tất thảy đều chồm ra, "mặt tiền là vinh quang, cao cả nhất" ?

Tư tưởng ăn chắc mặc bền, tận dụng tối đa, tranh thủ triệt để... làm nhăn nhó, teo táp vẻ văn minh, hào hoa của Người Đô Thị, dù từ thời xuất hiện đô thị đầu tiên của nhân loại - Thành phố (vườn treo) Babylon - người Thị dân đã được đề cao, tôn trọng, công dân "chiếu trên".

“THƯƠNG NHỚ ĐỒNG QUÊ”

Ta cũng không khó để bắt gặp những đám rau, mảnh vườn cải, vườn cà trong không gian chật hẹp của nhà ai đó ở phố ngày nay. Có những mảnh vườn nhằm trang trí, cho đỡ nhớ quê của lớp người mới "lên đời" thị dân; nhưng cũng có mảnh vườn quyết liệt nhằm cải thiện tối đa hoa lợi thì hơi lạc nhịp, xót xa. Bởi đô thị là đô thị mà đồng quê là đồng quê, nó khó mà dây dưa, khi giá trị riêng đã phân định. Đô thị có nghĩa vụ cao cả để kéo đồng quê dưới kia đồng hành phát triển, và đồng quê có sự thiêng liêng khi cung ứng nông sản thực phẩm cho đô thị_sự phân công tuyệt vời bao đời nay vậy. Cũng như những chuồng gà không thể "chơi vơi" trên căn nhà lầu, và tiếng lợn kêu không phải là âm thanh làm cho phố... "phố" hơn. Con người dịch chuyển về đô thị là qui luật bình thường, tất yếu và cần thiết, bởi ở đó qui tụ những cơ hội để phát triển, tiệm cận và thụ hưởng đời sống văn minh, học hành, chữa bệnh, giải trí... Trong mảnh đất trống con con ấy, nếu là cây xanh, khóm hoa thì là tín hiệu văn minh, vì cân bằng sinh thái với bê tông. Nhưng đôi khi, nhìn thấy cảnh "đồng quê" xuất hiện nhiều ở phố, thành phổ biến, quá đáng, thì lại là nỗi lo..."nông nghiệp hoá", "nông thôn hoá" phường phố.

Đã hình thành được 700 đô thị lớn nhỏ, với hơn 37 triệu dân đang sinh sống ở đô thị trên toàn VN, nhưng đã được mấy phần trong số họ là "Thị dân" với đầy đủ ý nghĩa của nó, dù theo quản lý hành chánh mà "sổ thẳng" thì dĩ nhiên đều là công dân đô thị ? Ta có thể thông cảm cho ta, vì đất nước nghèo nên lên phố cũng nghèo, thị dân chưa chuẩn bị làm thị dân thì thường ở khoảng giữa, chưa cởi bỏ hết được nỗi nhớ đồng quê_ Ta là cư dân của một đất nước truyền thống nông nghiệp mà. Cần biết gốc gác, nhưng đừng hành xử và kiêu ngạo trên cái nền "Văn minh lúa nước" khi sống ở thị thành. Gia đình có một người "lên phố", lần lượt kéo theo anh em, cháu chít, họ hàng, chòm xóm. Chủ nghĩa "đồng hương" mạnh quá, thắng thế, nhiều khi biến phố thành "làng", sống theo hội, nhóm, giọng nói. Cho dù là Hà Nội, Sài Gòn, hay "Tiểu Paris Đà Lạt"... cũng trở thành nơi để thiên hạ gần xa đi... "Kinh tế mới". Phố phường xáo trộn mãi cư dân, chưa thể định hình nên phong thái, bản sắc. Thậm chí nơi đã định hình phong thái, đặc trưng cư dân như Hà Nội, Huế, Đà Lạt, Sài Gòn... cũng phai nhạt đi. Ai đó chỉ ra rằng phải mất ba đời mới thành "Thị dân", nhưng có người rút ngắn thành hai, cũng có người ngay đời thứ nhất_ bắt nhịp xong. Nhưng rồi vàng son đô thị ấy cũng mất, bị xu thế và thời thế cuốn đi.

Đô thị VN thật tội nghiệp, trên thân thể nó gồng gánh quá nhiều thứ, của cái nghèo, cái lam lũ, cái thiếu khoa học, thiếu nghiêm túc, thiếu khát khao, tính dễ dãi, xuề xoà...của một quán tính từ cái xã hội nông nghiệp cũ xưa lên phố, chạm chân vào hiện đại, hội nhập.

Nhiều khi nhìn cái đô thị hình thành tận thế kỷ XVII Hội An, 36 phố phường xưa ở Hà Nội, rồi phố cổ Bao Vinh ở Huế, đường Đồng Khởi ngày nào, khu Phú Mỹ Hưng nay ở Sài Gòn, hay Trần Hưng Đạo ở phố núi Đà Lạt, nhà cửa trên con đường Biệt Thự ở phố biển Nha Trang, hoặc những tháp Chàm thách thức thời gian trên các ngọn núi phong sương ở duyên hải miền Trung... để thấy thế nào là dựng xây công trình, kiến dựng đô thị, khát khao gầy tạo giá trị cho hiện tại và mai sau. Đô thị cũng cần ... thành tựu, phố phường cũng cần bay lên, cất cao tiếng ca.

Hình thành nhanh những đô thị ăn xổi, lấp đầy vội những con phố tạm thời là để lại những đô thị tật nguyền cho nay mai. Có vị kiến trúc sư nhận định đó là những thành phố "đãng trí", mới sinh ra, chưa già mà đã lẩn thẩn; vì khi dễ dàng phải phá đi, làm lại, không tiếc, là đánh mất ký ức, mà không có ký ức là mất điểm tựa nhân văn_điều thiêng liêng của bất kỳ nơi chốn nào. Người bạn lớn của tôi, Giáo sư kiến trúc Hoàng Đạo Kính cho rằng những đô thị sống vội kiểu ấy sẽ..." là những cô bé Lọ lem mà không bao giờ trở thành Công chúa". Ông bảo, hiện chúng ta chỉ có xây dựng là chính; phố xá đông người lên, nhà cửa nhiều thêm, nhưng... "Kiến trúc" thì ít; và sự thật là chưa có một nền kiến trúc với đầy đủ ý nghĩa của nó. Đó là một bước chuyển bất ngờ, đột ngột, và lộ rõ chưa có sự chuẩn bị. Còn khẳng khái và lo toan như vị kiến trúc sư tài danh hành nghề ở Tp.HCM, Võ Thành Lân thì: " Nhìn phố phường mà nhận ra quan niệm sống, nghĩ suy... của người đời, cộng đồng, xã hội".

Và thả bộ trên phố là cũng có khi để nhận chân, nhìn lại hình hài phố phường xứ sở. Mọi thứ để có văn minh, hiện đại thì phải luôn chuẩn, khoa học và nghiêm khắc, không chấp nhận sự cẩu thả, buông thả, và tầm nhìn ngắn hạn. Đời sống vật chất đang rôm rả ngày nay là cơ hội của Đô thị, của kiến trúc, bởi giá trị đô thị và của nghệ thuật kiến trúc là phát triển trong điều kiện "có tiền" và không gian thời bình. Kiến trúc tử tế, hướng đến giá trị, ắt sẽ kéo theo nếp làm nếp nghĩ, lời ăn tiếng nói là vì vậy, theo quan niệm của người Pháp - một dân tộc tiêu biểu về phát triển kiến trúc và văn minh đô thị từ xưa tới nay.

Nguyễn Hàng Tình

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

người... viết

Viết văn và… dầu gội đầu

Lâu rồi, có một nhãn hàng dầu gội bị dư luận chỉ trích vì slogan “Sống là không chờ đợi”. Chung quy cũng bởi tính chất ra vẻ “hiện sinh bề mặt” của nó. Rồi một lần tình cờ, tôi phì cười khi nghe một nhà văn dùng câu slogan đó để nói về nghề viết: “Viết là không chờ đợi”.

Làm sao một câu quảng cáo dầu gội mà có thể diễn tả đúng tình trạng hay bản chất của nghề viết văn được? Nhưng cái nghịch lý buồn cười ấy lại phần nào có sức thuyết phục. Nhất là viết văn trong điều kiện Việt Nam, hay nói cụ thể, là làm một nhà văn ở Việt Nam.

Viết là không chờ đợi. Bởi vì đơn giản, là người ta chỉ viết khi còn có thể lực tốt để duy trì sự tập trung, ngồi vào bàn nghĩ ngợi và theo đuổi sự độc lập trong tư duy, xúc cảm sáng tạo. Có nghĩa là hãy dành thời gian tuổi trẻ để viết.

Cũng có lý. Hầu hết các nhà văn Việt Nam đều có tác phẩm “ghi bàn” ở độ tuổi 25 – 45. Nhiều người có chút hiểu biết về khoa học, lý giải rằng, với thể trạng người Việt, đó là quãng thời gian lý tưởng nhất để sáng tác. Dĩ nhiên, có những trường hợp ngoại lệ: thành công quá sớm (như các nhà thơ trong phong trào Thơ mới), cũng có những nhà văn coi viết như thiền, dưỡng sinh, duy trì được sức sáng tạo lâu dài (như Nguyễn Tuân, Lê Đạt, Trần Dần, Tô Hoài, Nguyễn Xuân Khánh…), nhưng số này không nhiều.

Ngoài ra, một trong những nguyên do dẫn đến sự đi xuống thể chất (kéo theo sự mất tập trung, sáng sủa trong tinh thần ở các nhà văn Việt Nam) đó là họ bị chi phối bởi một đời sống “văn chương tập quyền”, quen được dẫn dắt, lắm hội hè thù tạc, nhiều hội nhóm nhưng ít khuyến khích giá trị sáng tạo độc lập của cá nhân. Hội Nhà văn Việt Nam với gần một ngàn hội viên một năm quay cuồng với các hoạt động hội nghị, toạ đàm, trại sáng tác, gặp gỡ giao lưu, chưa kể hoạt động các hội văn nghệ địa phương luôn có sức hấp dẫn kỳ lạ, khiến những nhà văn bị cuốn hút, dồn sức vào cái gọi là không gian nghề nghiệp, mê đắm trong tâm tình, giai thoại nghề nghiệp mà quên mất công việc chính là viết. Họ dành thời gian và tâm sức dành cho những hoạt động hướng tha, đàn đúm, xây dựng giai thoại và khẩu văn hơn là những cuộc hướng nội kiếm tìm giá trị mới cho trang viết. Họ để thời gian, sức lực và sáng tạo trôi qua hoang phí.

Vậy, cái cơ chế “viết là không chờ đợi” coi vậy mà thật khó. Vì hiếm ai đủ can đảm để: không nộp đơn chờ đợi đến lượt được kết nạp hội Nhà văn, biết chối từ những cơ hội hội hè thù tạc để có dịp tự phóng chiếu mình vào “giới văn nghệ sĩ”, biết khước từ những trại sáng tác với mục tiêu thành công nhất là giải ngân, và, dám thoát ra khỏi những tôn chỉ nào đó chi phối từ bên ngoài văn chương… Cái yêu cầu cơ bản nhất là khả năng biết đóng cửa với trang viết thì hiếm người làm được.

Viết là không chờ đợi, trong tình thế đắng cay khác, còn có nghĩa là không chờ đợi được in. Điều này là một thử thách lớn, đồng thời đòi hỏi ở người viết một tư thế, thái độ rạch ròi. Có nhiều nhà văn vẫn viết đều đặn hai năm một cuốn sách, hầu hết các bản thảo đều có sức nặng đáng kể, được các công ty sách tranh giành nhau ký hợp đồng tác quyền, song mãi vẫn không xin được giấy phép xuất bản. Tác phẩm đóng kho vẫn không ngăn được sức viết ngày càng mạnh mẽ của anh ta. Tiểu thuyết gia Alessandro Baricco, trong cuộc trò chuyện với nhà báo Hungary Lévai Balázs, có một ý khá hay về nghề viết, ứng với trường hợp này: “Viết văn, tự nó đã là một quá trình kỳ lạ, nó cho anh sự tự do tuyệt đối. Chỉ mình anh tồn tại. Ngay cả độc giả anh cũng không nghĩ tới”. Sáng tạo trong cô đơn và ký thác chưa đủ, đôi khi biết dùng phép thắng lợi tinh thần để cười mỉa đời sống kiểm duyệt cũng là cách giúp nhà văn đứng vững với trang viết của mình.

Và một trong những điều mà nhà văn trên toàn cầu đang phải đối diện, đó là quyền lực truyền thông và thị trường bên ngoài tác động lên trang viết. Liệu có thể “viết là không chờ đợi” với một tình trạng cách ly hoàn toàn với những ồn ào về cơ hội thị trường, danh tiếng, truyền thông? Với một thị trường xuất bản eo sèo, với một đời sống truyền thông nhốn nháo nhưng thiếu trầm trọng đời sống phê bình cùng những kênh thẩm định đáng tin cậy, thì giữ được sự bình tĩnh, bản lĩnh và thái độ bên lề, không can dự cũng là một thử thách lớn lao của những nhà văn hôm nay.

Xem ra, “viết là không chờ đợi” khá hợp lý. Nhưng, cuối cùng, cái thông điệp “không chờ đợi” ấy, tự nó lại đối diện với một thách thức mới: khả năng kiên nhẫn đón chờ và nuôi lớn những cuộc bùng vỡ tạo ra đột phá, không vội vàng bung xung ngạo nghễ phình to để rồi tiêu tan như đám bong bóng của thứ dầu gội kia. Đó cũng là một trạng thái “hiện sinh bề mặt”.

Nguyễn Vĩnh Nguyên

(SGTT)

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2011

Ông Biền Áo Trắng

ĐOÀN THẠCH BIỀN:

Chàng hippy thay tên đổi họ

Biền có lối nói chuyện tưng tửng, đốp chát, bí ẩn như một triết gia - hắn đã từng học Cao học Triết Tây Đại học văn khoa Sài Gòn mà. Cay độc như một tay giang hồ, dễ làm người mới gặp tổn thương, vì cách nói như xát vào lòng, chỉ ai có nỗi đau mới hiểu được lòng Biền.

Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng
Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng.

Dưới dưới tàn cây râm mát, ngoài kia là những con đường - phố - phường - ngập tràn khói bụi, cô bé một mình chơi, thỉnh thoảng cô dừng lại nghiêng đầu lắng nghe tiếng chím ríu rít đâu đó trên cành cao, xung quanh là những chiếc trực thăng, xe jeep, xe tăng, súng đạn. Nơi đó người ta đặt tên là Bảo tàng chứng tích chiến tranh nằm ngay ngã tư Võ Văn Tần – Lê Quý Đôn Q3 của Sài gòn.

Nơi ấy có một quán bia, hai gã đàn ông ngồi trầm ngâm nhìn ra ngoài khoảng sân hẹp - nơi những trò chơi của cô bé đang diễn ra dưới mắt nhìn âu yếm của người đàn ông có khuôn mặt lạnh với điếu thuốc ngậm lệch trên môi.

Trên bàn hai ly bia vẫn còn đầy nắng, những chiếc lá rơi hờ hững, và thời gian hờ hững trôi đi, hình như đã hơn hai mươi năm rồi, đứa bé gái ngày ấy bây giờ đã trở thành thiếu phụ. Hai gã đàn ông ngày ấy là tôi - người kia là Đoàn Thạch Biền và đứa bé kia là con gái của Biền.

Ăn nói khó nghe nhưng Biền có rất nhiều bạn, và bạn của Biền thì cũng có rất nhiều kiểu, bạn làm ăn, bạn văn nghệ, bạn bụi đời, bạn nhậu, và cũng có loại bạn “bằng mặt mà không bằng lòng”, tất cả Biền đều chơi được tuốt, hắn tự hào vì lối chơi “hòa nhi bất đồng” nghĩa là chơi mà không đánh mất mình.

Biền nói, với cuộc đời muôn mặt này, với cái buổi hỗn quân hỗn quan, phải thế, “tao mà sống như kiểu của mầy thì chỉ húp cháo”. Phát âm chữ “húp cháo” kiểu Bắc di cư, hắn nói mà như khóc.

Chơi với Biền mới hiểu được nỗi đoạn trường khi hắn cầm cự được với tờ Áo Trắng (AT) mấy chục năm nay, một tờ báo không ra báo, tạp chí không ra tạp chí, nói đúng hơn nó chỉ là một đầu sách của Nhà Xuất Bản trẻ - vậy mà dưới bàn tay phù phép của Biền nó như một tờ Tạp chí của văn chương tuổi mới lớn- và bây giờ - cùng biên tập với Nhà văn Nguyễn Đông Thức - nó là phụ trương của một tờ báo. Nếu không muôn mặt thì tờ AT đứt bóng lâu lắm rồi.

Biền đã ký thác chịu đựng vì nó, với mong muốn có một sân chơi văn chương lành mạnh lãng mạn cho những tay bút tập tễnh mới bước vào đời, AT là mảnh đất không phân biệt vùng miền, sang hèn, lý lịch cũ mới, không cần biết ai ở đâu và làm gì. Biền đọc nếu thấy hay là đăng ngay, thậm chí không cần biết họ mặt mũi ra sao.

Văn trên AT có bóng dáng của Tuổi Ngọc một thời xa xưa, vì Nguyễn Thanh Trịnh (bút danh của Biền trước năm 75) chính là cây bút dạng Love Story một thời xưa kia đó. Từ sau năm 75 đến giờ Đoàn Thạch Biền không viết được nhiều, tôi thì nghĩ Biền đã có đủ với những gì Nguyễn Thanh Trịnh đã xuất bản trước 75, sau này tái bản, với những “Ví dụ ta yêu nhau”, “Những ngày tươi đẹp”, “Tôi thương mà em đâu có hay”... như đã đủ cho sự nghiệp văn chương của một Nguyễn Thanh Trịnh - Đoàn Thạch Biền lắm rồi.

Biền thường hay đọc cho tôi nghe hai câu thơ cảm thán: Đời vốn không nương người thất thế/ Thì thôi ô nhục cũng là vinh... những lúc ấy tôi hiểu hắn đã phải khốn khổ như thế nào để tồn tại vì cơm áo, vì đam mê văn chương mà có lúc phải cầu thân với những kẻ vô vị nhưng có quyền lực, phải nức nở khen tặng những người mình không phục.

Đời của Biền, quán chính là nhà đã mấy mươi năm nay rồi, và Biền đến quán nào là quán đó ăn nên làm ra, khách khứa văn chương làm ăn báo chí của Biền theo đó mà ra vào nộp tiền tấp nập, đến nỗi một tay nhà văn bạn của Biền cũng nổi máu tham mở ra một cái quán, dĩ nhiên Biền là khách ruột.

Báo hại anh em tới nhậu cứ bị tính một thành ba, ba thành bảy – Rồi anh em hãi qúa không dám tới quán đó nữa, nhưng tay nhà văn chủ quán kia cũng đã kip giàu sụ rồi, y tuyên bố - như một tay trưởng giả, từ nay không cần bọn văn nghệ tới quán của tao nữa, tụi nó ồn quá!

Chuyện cũng đã qua lâu rồi, ngày mà chúng tôi lang thang hết quán này đến quán khác. Biền với cái túi lủng lẳng bên mình, ít ai biết trong ấy là một túi tiền, thời ấy không có ATM nên mỗi khi thu tiền phát hành AT là hắn phải lặc lè mang theo, và tòa soạn của AT là những quán nhậu, quán café ven đường, ấy là nơi Biền phát nhuận bút cho anh em cộng tác viên, những lúc ấy anh em vui như lân gặp pháo, những cuộc nhậu triền miên được tổ chức với chút nhuận bút còm cõi, Biền ngồi lặng lẽ nhậu nghe bạn bè gào thét, và kết thúc thì bao giờ hắn cũng là người bao chót, Biền than: cứ mãi như thế nầy chắc tao bán nhà qúa mầy ơi.

Đến đêm hai anh em đèo nhau về - tôi và hắn cùng ở chung trên một con đường ở Q. Tân Bình – với cái bụng đói meo, trong những đêm mưa, quán Mì hoành thánh ở Ngã ba CMTT - Chí Hòa, thành nơi lý tưởng cho hai thằng dừng chân. Biền thường tuyên bố rằng: Tình yêu của người đàn ông hay người đàn bà thường phải đi qua cái bao tử.

Hình như nó là kết quả của việc sau những cuộc ăn uống tưng bừng thì bạn bè người yêu chỉ nhớ tới Biền qua những món ăn chơi mà Biền chiêu đãi và cuối cùng là những cuộc chia tay lặng lẽ như nhân vật nữ xưng Em và Ông trong tiểu thuyết của Biền.

Nhưng có người vẫn nhớ tới Biền và nhớ nhất là... các em –chỉ có các em mới chịu thì thào yêu thương bên tai mỗi khi Biền xuất hiện ở quán nào đó; lại có người chỉ nhớ Biền những khi họ khốn khó, và họ gặp lại Biền thì cũng chỉ để nhậu và... ra đi [!]

Một chân của Biền phải ghép inox, một đêm, một tay đi bão đã bạt vào Biền và cái giá phải trả - Biền không bao giờ đi bộ lâu được, vậy mà vẫn thấy hắn giang hồ khắp nơi từ nam chí bắc, lên rừng xuống biển - trong một lần ra Phan Thiết cùng với con gái , hai cha con Biền suýt chết đuối khi đứa con bị sóng biển cuốn ra xa chìm lỉm – dù không biết bơi – nhưng Biền vẫn lao ra cứu, kết quả cha và con đều bị sóng biển nhấn chìm, khi người ta cứu được thì hai cha con đã suýt chết. Nhưng khi tỉnh dậy hắn vẫn cảm thán như đùa: “Sinh tử thị ba” (sống chết như ngọn sóng), nhiều người chứng kiến không khỏi phì cười vì óc hài hước của Biền – đúng là “chết đến đít cà cuống vẫn còn cay”.

Về chuyện nói chữ thì tôi nghĩ chỉ có Biền nói đâm ngang hơi mà không ai có thể giận được, tôi là thằng khi nhậu vào là lời ra, khi đang thao thao bất tuyệt, bỗng dưng Biền chèn ngang “Mầy nói hay như... chim ấy”, tôi đang ngẩn tò te thì Biền tiếp “hay như chim chích chòe mà”. Nói xong hắn cười hinh hích, những lúc ấy tôi thấy trong khuôn mặt bụi bặm ấy một tình bạn trẻ thơ kỳ lạ.

Tôi vẫn thích Nguyễn Thanh Trịnh hơn Đoàn Thạch Biền, Biền là người làm AT một thời, nhưng một người bạn văn chương, một nhà văn mà tôi tôn trọng thì tôi cũng sòng phẳng rằng: đó là nhà văn Nguyễn Thanh Trịnh chứ không phải một Biền thay đổi khuôn mặt tên tuổi. Đừng buồn gì Biền nhé, khi tôi viết những giòng nầy và trả lại đúng hình ảnh chân dung con người của một thời. “Thôi đừng láu cá nữa tôi/ Một mai hết cá chợ đời còn đâu!” [thơ ĐTB] Thôi nhé Biền.

ĐOÀN THẠCH BIỀN

Hội viên Hội Nhà văn VN

Trước 1975: Dạy học ở Phan Rí. In tập truyện "Ví dụ ta yêu nhau" và truyện dài "Những ngày tươi đẹp" với bút danh Nguyễn Thanh Trịnh

Sau 1975: Công nhân ngành dệt rồi làm phóng viên báo Người lao động TPHCM. Chủ bút tập san Áo Trắng.

Đã in các tập truyện: Tình nhỏ làm sao quên, Bất ngờ phía trái tim, tôi thương mà em đâu có hay, Tôi hay mà em đâu có thương... và tập kịch: Đêm của cỏ

Lột xác với tờ Áo Trắng

Thời gian như một tiếng thở dài, sau những biến cố lớn của Đất Nước - Biền đã chọn cho mình một con đường đi mà không phải ai cũng dễ làm, đó là thay tên đổi họ, từ một nhà văn Nguyễn Thanh Trịnh với hình ảnh hippy tóc dài thời trang, trên trang nhất của Tạp chí Nhà Văn xuất hiện cùng với Duyên Anh - Dương Nghiễm Mậu và các anh tài văn chương miền Nam cũ, với một giải thưởng văn chương Quốc gia lừng danh ở Sài Gòn trước năm 1975 - có người còn gọi đó Giải thưởng Phủ Tổng Thống – chàng hippy lột xác thành một Đoàn Thạch Biền mới toanh không ai biết sau năm 75 và tạo cho mình một tiếng nói – một chỗ đứng có phần nghiêm trang trong xã hội mới cho đến tận bây giờ.

Giờ đây, người ta biết đến một Đoàn Thạch Biền như một chủ biên tờ Áo Trắng, một người làm báo mát tay, một ông nhà văn có mắt xanh với những tài năng trẻ, phát hiện và đưa họ đến với những cuộc chơi văn chương đầy bất trắc.

Giờ thì nhiều người đã thành danh, đã già. Giờ thì ai cũng có thể cười để ngăn mình khỏi khóc, khi cuộc đời mỗi ngày lại dày thêm khói bụi.

Nguyễn Tấn Cứ

(Tiền Phong)

Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011

Anh về đi

KÝ GIẢ TỰ DO VÀ TỰ LO RỜI XA “LÀNG BÁO”

Đang khỏe mạnh, bỗng phải nhập viện, vì trong người khó thở. Và vài chục tiếng đồng hồ sau đó, tôi cùng mọi người đưa “xác” Nhất Hùng về nhà anh trên lầu ba của của một chung cư nằm đầu đèo Prenn. Chung cư to đùng nhưng người ta quên thiết kế lấy một hội trường chung nên gia đình phải đập tường căn hộ của mình ra mới đủ không gian hành lễ cho anh. Cô em vợ Nhất Hùng nước mắt lưng tròng thốt ra:“… Tội nghiệp ảnh quá. “ Đi” gì nhẹ tênh, không phiền người thân lấy một chút !”.

Rời cuộc đời nhẹ tênh, nhưng lúc sống, Nhất Hùng luôn mang nỗi buồn sứ phận người làm báo là khát khao được “nói thật” và cần không gian để “được nói thật” nhiều. Anh bỏ biên chế và nhịp sống ổn định ở Đài phát thanh địa phương và chấp nhận nổi trôi theo nhịp đời của một kẻ làm báo tự do là vì thế. Nhất Hùng cô đơn trong nghiệp nghề của mình, và cô đơn trong đời sống.

Làn sóng viết cho báo ngoài_báo chí Sài Gòn(và Hà Nội) ở cánh làm báo địa phương Nhất Hùng là người đột phá, xé rào, tiên phong; để đến bây giờ điều bình thường ấy trở thành bình thường, phổ biến, được xem là… tích cực. Thì thôi, chấp nhận cuộc chơi nghiệt ngã trên đời, rằng: “ muốn tự do thì… tự lo!”. Lâm Đồng không thuộc đất hiền của báo chí, thế nhưng Nhất Hùng từng có những cuộc lao đầu, chấp nhận đụng độ để bảo vệ lẽ phải, với những tin bài nảy lửa chống sai trái, tiêu cực, yếu kém… hồi trước và trong những năm 1990. Giấc mơ làm báo chuyên nghiệp đã đưa hành trình viết báo của anh ghé dạt đây đó vào các tòa soạn Đài tiếng nói VN, Lao Động, Thanh Niên Thời Đại, Lao Động Xã Hội Chủ Nhật, The Saigon Times Daily, Công An Nhân Dân, Kinh Tế Sài Gòn … Thời cuộc đẩy đưa, có những tờ báo do sự biến mà“chết”, làm Ký giả nhiệt thành với nghề Nhất Hùng “chết theo”, mệt mỏi, chán chường. Tôi đã mời anh “định cư” với Tuổi Trẻ, cứ phóng bút trên cánh đồng Tuổi Trẻ, đừng “du canh du cư” nữa; và trong thâm tâm tôi không muốn cái tên Nhất Hùng từng sừng sững lại dễ dàng biến mất khỏi làng báo vì sự chán chường thế cuộc cũng như nỗi niềm đời riêng.

Anh hay nói với anh em làm báo ở Đà Lạt là anh đã tuôn chảy, yêu nghề nồng nàn, “xanh” lại trên cánh đồng Tuổi Trẻ. Là người lướt đi trong nhiều báo, mãi là đời cộng tác viên, nhưng Nhất Hùng rất “chuyên nghiệp” về lòng tự trọng, hiếm có tòa soạn nào phải than phiền anh viết sai. Anh được người dân và những người làm báo thật sự trân quí; luôn là đàn anh tiếp lửa, truyền nghề cho những phóng viên mới vào nghề ở Đà Lạt, chịu khó giao du cà kê với họ. Nhất Hùng là người đưa tin(viết) lành nghề ở làng báo Lâm Đồng.

Dân làm báo hệ thống báo tỉnh thường có tật tranh thủ “ đi lấy quảng cáo” vào mỗi kỳ làm báo Tết. Nhưng Nhất Hùng không tận dụng lối làm báo như vậy, dù có những tòa soạn nhờ, suốt hơn 30 năm cầm bút, và giữ được điều ấy cho đến ngày anh rời xa làng báo và cuộc đời vĩnh viễn. Nhà báo này sống không cong, hành nghề cũng không cong, cũng không núp bóng phóng viên để tư lợi bao giờ. Không thuộc hẳn Tòa soạn nào nhưng anh có kỷ luật riêng về đạo đức và tư cách nghề. Đây là một người sống thật sự bằng ngòi bút, duy nhất ngòi bút là phương kế. Dĩ nhiên Nhất Hùng phải “cày” ra tin bài mà sống, vì chiếc xe bánh mì của vợ anh trước trường học kia không thể gánh thảnh thơi một gia đình. Không thuộc biên chế tờ báo nào, không có thẻ Nhà báo, không ai phải trả hưu trí cho anh…, nhưng Nhất Hùng thành tâm bền bỉ đến cùng với nghề báo, đóng góp được thông tin hàng ngày cho đời sống cộng đồng suốt bao năm qua. Nhất Hùng làm báo kiểu “ tay không bắt giặc” là vậy. Gác qua tấm “ Thẻ Nhà báo”, nếu nói về tính chuyên nghiệp trong nghề viết báo và thực hiện được sứ phận của Nhà báo, thì trường hợp Nhất Hùng thật đúng là … Nhà báo.

Phố núi Đà Lạt đất trời bao la, Nhất Hùng 58 tuổi, hơn ba mươi năm ở Đà Lạt, là “Nhà báo” có danh tiếng, đến lúc giã từ cuộc đời tài sản không có gì đáng kể, ấy há chẳng phải kẻ sĩ cầm bút, người sống “sạch” sao ! Hai ngày rồi hay tin anh ra đi, đồng nghiệp “có Thẻ” ở khắp nơi trong nước, và nhiều Tòa soạn tới tấp hỏi han, thăm viếng… cho thấy người đời quí thương anh nhiều lắm.###

Nguyễn Hàng Tình

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

mừng lên hương


"Dựng câu thơ thành cột mốc chủ quyền"

Thứ Hai, 06/06/2011 11:18

“…Dựng câu thơ thành cột mốc chủ quyền Rằng cha ông vươn mình ra biển lớn
Chểnh mảng nào cũng đắc tội với tổ tiên…”


(TT&VH) - Như TT&VH đưa tin, với tác phẩm Hào phóng thềm lục địa nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng vừa trở thành “trạng nguyên thơ” lần thứ hai do Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân trao tặng trong Cuộc vận động viết về biển đảo. Một bài thơ viết về những người lính biển đã giúp chủ nhân của nó hai lần nhận “vòng nguyệt quế” thật là chuyện hiếm có (Trước đó tác phẩm này đã đoạt giải cao nhất của cuộc thi thơ và truyện ngắn 2008 - 2009 của Tạp chí Văn nghệ quân đội).

Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bình Định chia sẻ cùng TT&VH.

* Đầu tiên, chúc mừng anh 2 lần trở thành “trạng nguyên thơ”, xin anh cho biết cảm xúc trong cả 2 lần nhận vòng nguyệt quế trở thành “trạng nguyên thơ”?

- Đây là niềm vui kép từ phía Quân đội Nhân dân Việt Nam gửi tới một người làm thơ rất ưu tư trăn trở với biển trời Tổ quốc. Cho phép tôi nói lời cám ơn Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân Việt Nam, Cục Chính trị của Quân chủng Hải quân cũng như cán bộ chiến sĩ và người đọc đã ưu ái và đồng cảm cùng tôi. Rất cảm động trước lời chúc mừng của người quen biết lẫn người chưa gặp lần nào. Đặc biệt, có các tướng lĩnh bạc đầu trong và ngoài Quân chủng Hải quân đã làm một nghĩa cử đẹp: ghi những dòng cảm khái về bài thơ Hào phóng thềm lục địa. Những tấm lòng tri kỷ tri âm khó đền đáp nổi!

* Bài Hào phóng thềm lục địa của anh được sáng tác trong hoàn cảnh nào và chắc hẳn tình yêu với biển đảo quê hương phải được anh hun đúc trong rất lâu?

- Tôi tiếp nhận làn sóng truyền mạnh mẽ trong việc hình thành bài thơ Hào phóng thềm lục địa. Bài thơ được thai nghén từ chuyến về thâm nhập thực tế với cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 171 Hải quân ở Vũng Tàu, sau đó tiếp tục nghiền ngẫm ở đại bản doanh ở Bộ Tư lệnh Hải quân phía Nam tại TP. Hồ Chí Minh, rồi ra Hà Nội trong một cuộc họp. Cuộc “lên đồng thơ” này, thật không thể nào quên được trong đời sáng tác, nó còn hút tôi đến tận bây giờ. Trong những ngày này, vọng nhìn ra biển xa, nơi những người lính Việt căng ngực trước sóng gió giữ gìn biển đảo, tôi lại đau đáu thèm viết. Chỉ e tiềm lực mình chưa đủ độ để chuyển tải những vấn đề lớn lao của đất nước lên trang giấy...

* Với bài thơ dài 108 câu này, anh muốn gửi gắm những vấn đề gì đến người đọc?

- Câu chuyện nghĩa trang trong lòng biển làm tôi chấn động đến thấy mắc nợ với hương hồn 9 liệt sĩ hy sinh xác thân gửi giữa trùng khơi. Mọi chi tiết về những người hy sinh và tâm trạng những người thân của họ trong bài thơ đều là những chi tiết thật, ám ảnh tôi trong một đối sánh giữa phía phù du, ảo vọng mà bản thân tôi cũng dự phần với những hy sinh dữ dội và thầm lặng theo nghĩa xả thân của người lính biển cho Tổ quốc. Trong mỗi bài thơ, mình đi hết lòng mình, còn sự ghi nhận và chia sẻ của người đọc đến đâu là vinh hạnh cho nhà thơ đến đấy.

* Anh suy nghĩ thế nào về chặng đường sáng tác sắp tới xung quanh hiện thực người lính và biển đảo?

- Đây là một đề tài lớn trong giai đoạn mới, khi chúng ta xác định thế kỷ XXI là “thế kỷ của đại dương”. Cái nhìn hướng biển đã được chú trọng đặc biệt. Tôi cũng như đa số người Việt Nam, xuất thân từ nông dân, tôi mong chúng ta yêu biển như yêu cánh đồng quen thuộc của mình, cho dù: “Biển không phải cánh đồng/ Sóng không là những đường cày vỡ/ Dòng hải lưu khác lúa khóm khoai vồng”. Tự thâm tâm, tôi thấy mình còn mắc nợ thật nhiều với di sản biển đảo mà cha ông đã xác lập chủ quyền. Tôi sẽ giành tâm huyết cho đề tài người lính và biển đảo trong chặng đường tiếp theo.

* Anh có thể chia sẻ những câu thơ hay về biển đảo mà anh thấy tâm đắc?

- Việt Nam có phần chủ quyền biển lớn gấp 3 lần đất liền. Đó là bài thơ trọn vẹn nhất mà cha ông ta bao thế hệ trao truyền lại cho con cháu giữ gìn. Những câu thơ kinh điển về biển đảo theo tôi là những câu bình dị nhưng chạm tới sự thiêng liêng của chủ quyền dân tộc. Ta thử đọc lại những câu này của Hữu Thỉnh: “Đảo hiện ra thử thách bạc mầu/ Bàn chân lính đánh vần trên đất đai Tổ quốc”. Hoặc của Trần Đăng Khoa: “Đảo tự giấu mình trong màu nước lam xanh/ Cái giọt máu thiêng dưới ngầu ngầu bọt sóng/ Tổ quốc ơi ! Tiếng chúng tôi kêu lên mà mắt chúng tôi nhìn xuống/ Bóng chúng tôi trùm khắp đảo Thuyền Chài...”.

Trích HÀO PHÓNG THỀM LỤC ĐỊA

Lúc ấy như thực thụ những chiến binh, chúng tôi đã đi dọc Trường Sa, Hoàng Sa, dọc những đảo nổi đảo chìm, dọc theo nhiều biến động

Chúng tôi không đẽo gọt ký tự mỹ miều của những kẻ trùm chăn

Chúng tôi không ù òa ảo thuật với mớ triết luận cũ rích lăng nhăng

Không cưỡng bức thiên nhiên bằng ngôn từ hóa chất

Chúng tôi vừa giở lịch sử nước nhà vừa bước theo dấu chân binh phu Bãi Cát Vàng đôi chiếu đòn tre đi khai thác tài nguyên mấy trăm năm trước

Dựng câu thơ thành cột mốc chủ quyền

Rằng cha ông vươn mình ra biển lớn

Chểnh mảng nào cũng đắc tội với tổ tiên

Những đọi máu truyền đời qua bài văn tế sống Hưng vong những vương triều vận mệnh chốn tiền duyên…

“Tôi vừa đọc bài thơ Hào phóng thềm lục địa của nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng. Cái hay của bài thơ là tác giả đã thấu hiểu được sự gian truân vất vả của người lính Hải quân nơi thềm lục địa. Và đặc biệt là sự hy sinh thầm lặng của họ nơi tiền tiêu của Tổ quốc và gia đình họ ở nơi hậu phương mà có thể nói là không sao kể hết. Nhưng về phía người lính Hải quân cũng muốn tác giả hiểu thêm rằng, sở dĩ chúng tôi vẫn tồn tại được, đứng vững được nơi đầu sóng ngọn gió là nhờ có sự hậu thuẫn của nhân dân từ khắp mọi miền Tổ quốc” (Đại tá Đỗ Anh Tịnh, nguyên chính ủy Trường Sĩ quan Hải quân (nay là Học viện Hải quân).

Trần Hoàng Nhân (thực hiện)
(TTVH)

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

già gió

Tắm mương

Thứ Ba, 28/06/2011 15:42

(TT&VH) - Ở Phú Yên có gió Nam cồ. Gió Nam cồ hung hãn thổi ngày đêm không ngừng nghỉ. Gió gây ấn tượng mạnh đến nỗi, người ta thấy nó phi, nó lướt, nó vật vã, nó lồng lộn điên cuồng. Dường như nó cũng có đầu, có lưng, có cẳng, có tay, nhưng chẳng có hình thù cố định.

1. Ôi cái gió Nam cồ! Ngay cái nắp gốm đạy vò nước cũng bị nó hất văng xuống sân, va vào bờ thềm bể tan tành. Lập tức gió chui tiếp vào vò nước, hốt quăng luôn cho đủ bộ. Còn rác rến, dĩ nhiên bay mất tiêu vào bốn phương tám hướng. Cái sân xi-măng trước nhà sạch sẽ như lau. Nhìn lên các ngọn cây lại càng kinh ngạc. Trong các ngọn cây, dường như có vô số bầy khỉ lớn bé núp trong đó, ra sức rung cây đùa giỡn cho thoả chí bình sinh. Tất cả trái cây đều rụng sạch. Những trái rụng lại cũng bị gió lăn đi. Quét mắt ra đồng ruộng, thấy sóng lúa cuồn cuộn bạt ngàn. Đồng lúa cũng dậy sóng. Toàn bộ cảnh vật chao đảo, không thể nào đứng yên được. Gió Nam cồ cứ như một người say rượu vô hình múa may mãi, lồng lộn không ngừng và quyết tâm không bao giờ tỉnh.

Còn nhớ, lúc tôi học tiểu học, gió Nam cồ đẩy tôi chạy tới trường, nhưng sách vở lại chạy ra ngoài ruộng, và chiếc mũ cháo lòng lại phóng trên cành cây vẫy vẫy chọc tức tôi. Mái tranh của nhà trường xù lông nhím, chớp chớp như sắp bị giật tung. Thế nhưng lúc ấy, lúc còn trẻ nhỏ ấy, tôi rất khoái gió Nam cồ. Đi ngược gió thật khó khăn vất vả vì bị gió đẩy lùi. Thế là cứ kiên cường bấm ngón chân tiến từng bước một. Khoái quá, quần áo lúc ấy cứ phần phật như sắp rách toạc. Gió lại xoáy vòng rất mạnh vào cái đầu trụi nghe đã ngứa vô ngần. Sướng quá nhưng mắt phải nhắm lại để tránh bụi cát bắn vào. Đi cứ như thể người mù. Đi một chặp thấm mệt, lại quay lưng theo chiều gió. Vừa quay lưng, lập tức bị gió Nam cồ xô mình phải chạy. Nếu đứng lại, có nguy cơ té giập mặt. “Ơ, cái gió Tuy Hòa/Cái gió chuyên cần/Và phóng túng/Gió đi ngang đi dọc/Gió trẻ lại lưng chừng/Gió nghĩ/Gió cười/Gió reo lên lồng lộng...” (Trần Mai Ninh).

2. Quý bạn biết không? Này nhé, gió Nam cồ là một cái gió mà sáng dậy mình vừa rửa mặt, chưa kịp lấy khăn lau, cái mặt mình đã bị nó quạt khô ngay lập tức. Ừ, khô ngay lập tức. Một cái gió mà ruồi muỗi, chó gà phải sợ, phải trốn, nhưng trẻ nhỏ và ngựa lại khoái chí vô cùng. Còn nhớ, những buổi chiều, dọn cơm giữa sân, cả nhà ngồi quây quần trong gió Nam cồ lồng lộng. Bữa cơm đạm bạc hẩm hiu, nhưng gió xung quanh lại sang trọng và hoành tráng vô cùng. “Lá tre quay chong chóng/Giun lòng thòng mỏ gà/Chuông chùa bay trong gió/Đồng xa trốc đất nâu... Chén mắm cá rô nướng/Đọt lang luộc rổ đầy/Ớt cay trán rịn nước/Đầy sân chi chít vui... Cơm nghèo thời còn nhỏ/Cứ no cả một đời/Nam cồ thời thơ ấu/Mát mãi cả ngày sau...”. (Ngô Phan Lưu).

3. Giờ thì tôi già rồi, nhưng nỗi thích gió Nam cồ lại không già. Hôm qua về quê, tôi cưỡi xe đạp đi sát mương nước, bị gió Nam cồ hốt quăng cả người và xe xuống lòng mương.

Tôi không giận gió mà lại thích thú vô ngần. Vì cỡ tuổi tôi - U70 - làm sao có dịp để tắm mương.

Nước mương bây giờ cũng khác nước mương hồi học tiểu học. Lỏng hơn và lạnh hơn...

Nhà văn Ngô Phan Lưu

(Theo TTVH)

Thể lệ Cuộc thi Tản văn năm 2024 trên Viết SÁNG TẠO

  Công bố thể lệ Cuộc thi Tản văn năm 2024 trên Viết SÁNG TẠO   Thưa bạn đọc bạn văn! Tản văn đang là thể loại thời thượng vì tính chất cập...