Hiển thị các bài đăng có nhãn Ký HÙNG PHIÊN. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ký HÙNG PHIÊN. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2024

Cần nhất vững niềm tin

 

Viết trong vùng dịch:

Cần nhất vững niềm tin

Tôi biết, anh đã phải xa vợ con, đã cố gắng rất nhiều trong những tháng ngày chống dịch. Chỗ bạn bầu, nói cảm ơn bác sĩ thì có vẻ khách sáo, thế nhưng tôi xin được ôm hôn bạn già trong một cuộc cụng ly khi quê “sạch bóng” dịch…

Y, bác sĩ điều trị Covid-19 tại Bệnh viện đa khoa Phú Yên. Ảnh: NGUYỄN THÀNH LÃM
Y, bác sĩ điều trị Covid-19 tại Bệnh viện đa khoa Phú Yên. Ảnh: NGUYỄN THÀNH LÃM

Tụi em còn trẻ, sợ gì…!

Mấy đợt Covid-19 trước, nhiều vùng trong nước bùng phát dịch, Phú Yên tôi vẫn thót tim hồi hộp, rồi cách ly dứt điểm, thoát nạn lây nhiễm cộng đồng. “Đấy, dịch toàn lây phát ở chốn thị thành đông đúc! Mình ở nơi đất thoáng người thưa, hy vọng dịch không tới…”, một bà hàng xóm của tôi nói. Thế nhưng từ ngày 23/6/2021, tôi nhớ rất rõ, đã hơn hai tháng rồi, đại dịch Covid-19 chính thức bùng phát căng thẳng trong cộng đồng nơi “đất thoáng” xứ Nẫu.

Liên tục các thông báo khẩn tìm người từng đến các địa điểm có ca mắc Covid-19. Rồi dây giăng, gác chắn, phong tỏa, giãn cách từng khu vực đến toàn tỉnh. Rồi những đoàn người đang làm ăn, sinh sống, học hành ở các tỉnh, thành phía nam rùng rùng trở lại quê nhà tránh dịch. “Dù sao trong dịch, về giữa quê hương cũng ấm áp nhất. Thiệt cảm động là trong lúc dịch dã gay cấn, tỉnh vẫn tổ chức những đoàn xe đưa người từ Nam về quê. Đó là “chia lửa” với Sài Gòn…”, đứa em họ của tôi nói.

Vợ chồng em họ tôi rời quê đi làm ở Bình Dương đã ba năm. Khó khăn qua nhiều khâu đăng ký, kiểm dịch để lên xe về quê giữa mùa dịch. Khi đến quê, nó phải thực hiện cách ly nghiêm ngặt đủ 14 ngày, xét nghiệm ba lần âm tính với SARS-CoV-2, rồi mới được gặp gỡ bình thường với gia đình. 

Nó tốt nghiệp dược tá nhưng không xin được việc làm ở quê. Trong lúc, chồng nó làm thợ mộc, công việc không đều, cuộc sống khó khăn. Rồi hai đứa nó quyết định gởi con trai hai tuổi cho ông bà ngoại để vào Thủ Dầu Một làm công nhân. Tổng thu nhập của vợ chồng chỉ tròm trèm 10 triệu đồng/tháng.

Nó nói qua Zalo: “Nào tiền ăn, tiền trọ, gởi về quê nuôi con… thu nhập chẳng đủ thiếu chi cả! Đợt này về quê sinh con xong, chắc vợ chồng em khó trở lại Bình Dương. Ruộng đất thì chỉ đủ cho cha mẹ làm, em phải tìm việc làm khác thôi. Tính là sẽ cố gắng vay mượn để mở một tiệm bán thuốc tây tại nhà. Còn ông xã thì trở lại với nghề mộc. Ngoài ra, vợ chồng sẽ tìm mô hình nông nghiệp để sản xuất, kiếm thêm thu nhập…”.

Thằng chồng tiếp lời: “Vợ chồng suy xét, dịch dã thế này thì chỉ về quê làm ăn là thượng sách. Mình có đi xa mới đối chiếu, học hỏi được nhiều chuyện, sáng thêm đường làm ăn. Mong cho mau qua dịch để cuộc sống trở lại bình thường. Mấy tháng tới, từ đây tới Tết sẽ là giai đoạn quyết định để vợ chồng em “bày cuộc” trở lại làm ăn ở quê nhà. Tụi em còn trẻ, sợ gì…!”.

Thơ của bạn tôi 

Giữa những ngày cam go phòng, chống dịch Covid-19, tôi đọc được nhiều câu thơ, bài thơ xúc động của những người làm nghề y nơi tuyến đầu chống dịch. Một trong những người mà tôi ấn tượng là bác sĩ kiêm “thi sĩ dân gian” Nguyễn Thành Lãm (đang làm việc tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa Phú Yên). 

Nhiều người quê tôi đã biết đến bài hát “Ai dìa xứ Nẫu mà nghe” của một nhạc sĩ phổ thơ Nguyễn Thành Lãm. Những dòng thơ chân phương của anh bạn bác sĩ hồn hậu, vui tính đã được nhiều người đồng cảm, nhất là những câu anh viết đăng Facebook ngay tại khu vực cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19.  

12 giờ 24 phút ngày 8/7, Nguyễn Thành Lãm đưa bài thơ “Giữ niềm tin” trên Facebook của mình với những tự sự trực diện: “Chấp nhận rằng khi phòng hộ mặc vô/Tầm một giờ là giống như hỏa ngục/Thêm vài tiếng đã có người đổ gục/Người khác thay, cố bám bệnh, không rời!”. 

Bác sĩ tiếp tục mô tả: “Nam thở hơi cho ngực mình đỡ nặng/Nữ khóc đi cho lòng mình bớt đắng/Nào đứng lên! Máy thở báo hiệu kìa!”. Rồi anh tự động viên: “Dù quật quần cày sấp mặt sáng khuya/Áo đầm đìa mồ hôi tuôn ướt đẫm/Vẫn niềm tin dẫu đêm dài thăm thẳm/ Sẽ lóe lên tia sáng cuối đường hầm!”. Cuối bài thơ, bác sĩ Lãm mở ngoặc dòng “đã nhiều ca viêm phổi chữa thành công...”.

Ở bài thơ “Đôi lời thời sóng gió”, bác sĩ Nguyễn Thành Lãm giãi bày trong cuộc chiến điều trị bệnh nhân Covid-19: “Đành chiến đấu dù mình là F1/Khát khốc môi, sốc nhiệt... mệt rã rời.../Đã bao lần toan gục... gượng dậy thôi!/ Khi trong kia có người không thở được”. Và không quên nhắn nhủ người “ngoài kia”: “Xin ngoài kia dừng tiếng bấc tiếng chì/Hiệu quả chi lời rỉ rên than khóc?/Rạng danh chi câu học hằn trách móc?/Xúm một tay mới còn được tiếng đời.../Rằng 5K tuân thủ chúng ta ơi!/Luôn nhớ rằng nơi nào yên nơi đó!/Chỉ sớm thôi là vắc-xin sẽ có/Bệnh sẽ lành, đất Phú lại bình Yên!/Trong lúc này cần nhất vững niềm tin!”.

Chợt mủi lòng khi đọc bài thơ “Xin lỗi Vịt Giời” của Nguyễn Thành Lãm với dòng cảm xúc nhớ thương tự sự cùng con: “Lớn tuổi rồi, mệt mỏi, muốn nghỉ ngơi/Có ai ngờ... ý trời... nên quá cực/Lo chống dịch, quên cả cơn thắt ngực/Phút ngơi tay, mới nghĩ đến Vịt Giời.../Bởi Cô Vi, ba đành phải rời xa/Mơ ở nhà, ba mẹ con sống tốt…”.

Những dòng cảm xúc của bác sĩ Nguyễn Thành Lãm đã nhận được nhiều chia sẻ xúc động của bạn bè, người đọc. Trong đó có dòng cảm nghĩ: “Mỗi ngày thấy số bệnh nhân được xuất viện tăng lên, biết ơn anh và các cán bộ y tế trong công tác điều trị Covid-19!”.

Tôi biết, anh đã phải xa vợ con, đã cố gắng rất nhiều trong những tháng ngày chống dịch. Chỗ bạn bầu, nói cảm ơn bác sĩ thì có vẻ khách sáo, thế nhưng tôi xin được ôm hôn bạn già trong một cuộc cụng ly khi quê “sạch bóng” dịch…

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Một bạn văn


Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng: Giấc mơ đời hư ảo...











Mới đó mà sắp đến giỗ lần thứ 6 của Nguyễn Xuân Hoàng, một nhà văn của miền Trung từ giã cuộc đời ở tuổi 40. Văn và đời của anh để lại bao ngưỡng vọng và tiếc nuối cho người ở lại. Các bậc tài hoa bạc mệnh luôn là một ân hận, chông chênh cho cõi  người...

Hiệp sĩ buồn
Còn nhớ một ngày cuối năm 2006, anh Ba Đà Rằng, một cựu sinh viên Văn khoa Huế, gọi điện cho tôi: "Sáng nay, vợ con lay mãi không dậy, thế là Hoàng…". Sao thế, Hoàng ơi?. Trong mắt nhiều bạn viết cùng thời, Nguyễn Xuân Hoàng là một nhà báo, nhà văn trẻ tài hoa. Tôi cũng vừa mới đọc sáng tác của Hoàng đăng báo…
Nguyễn Xuân Hoàng dáng mảnh mai, nói năng nhỏ nhẹ nhưng đầy khí chất và niềm ấp iu cuộc sống. Cái cách ăn nói trầm ngâm, ưa sách vở mà cũng mê lang bạt như thế nên Hoàng viết tản văn, tạp bút, tản bút, tản mạn, nhàn đàm… mà anh gọi chung là tùy bút - đều hay là điều dễ hiểu. Kiểu viết này đã khắc tên Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Xuân Diệu, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Băng Sơn, Ngô Văn Phú… Ai bảo tùy bút là dễ hay khó đều có lý, ai viết cũng được nhưng viết hay thì không nhiều.
Tuy Hòa sau một đêm bù khú miệt mài, Hoàng rút tập tùy bút "Hương mùa thu" (NXB Thuận Hóa, 2001)… tặng tôi; rồi sau đó lại cũng một tập tùy bút nhan đề "Cỏ lau tóc mẹ" (NXB Thuận Hóa, 2003), cùng hàng trăm bài báo với tay nghề chữ nghĩa sắc sảo... Vẫn lối viết nhỏ nhẻ, nửa mờ nửa tỏ, ấp iu từ một chiếc lá kim, đôi sợi rơm quê đến chút ngẫm ngợi về thế sự nhân tình, tùy bút Nguyễn Xuân Hoàng rủ rỉ xa xót và ngọt ngào từng trang, từng trang rà ruột đến cả… bìa. Hãy nghe Hoàng tả cái khát vọng cuộc đời: "Gọi mùa xuân có hoa mai vàng, nở rưng rức như khóc. Gọi mùa hạ có hoa phượng cháy đỏ, nở như bếp lửa nhà ai iu ấp. Gọi mùa thu có hoa cúc tiết Trùng cửu, hương như đường mê, vàng chưa thôi những ngày tao ngộ. Gọi mùa đông có hoa hoàng hậu nở đỏ se sắt. Xa vắng trên những cội cây cao lung linh một bầy hoa rực rỡ như vương miện" (Gọi). Ồ, thì ra cuộc đời đẹp đến vậy! Lại tưởng, người ta viết về Huế đã mòn, vậy mà Huế hiện lên trong tản văn Nguyễn Xuân Hoàng gần gụi mà hun hút khác thường: "Dường như mỗi người có một cách riêng để yêu hoa. Có người chỉ thích hoa dại. Ven bờ thành nội Huế đẹp nhất là Cổ cò, thân mỏng, hoa trắng, cánh nhỏ, hương ngai ngái xa. Đây cũng là hoa trên bàn khách của những cặp vợ chồng nghèo"…
Đã có một sinh viên Đại học Huế làm luận văn "Huế trong tản văn của Nguyễn Xuân Hoàng…".
Ngồi trò chuyện với Hoàng, nếu ai không đồng cảm sẽ thấy "cha này" hơi dị dị. Bởi Hoàng chẳng những quan tâm đến một thoáng chuông ngân, mấy cọng cỏ thanh trong thơ Đường, mà còn tỉ mẩn đếm từng chiếc lá bàng bên ngoài cửa quán, hoặc cái thân cây này vì sao nhiều sẹo. Đang ngồi trong bữa đặc sản vang lừng, vậy mà chàng ta cứ nằng nặc đòi… xị rượu trắng để lên núi Nhạn sờ tay vào chân tháp cổ. Cái bản tính yêu thiên nhiên đất trời đã in dấu trong từng công chuyện của anh. "Chỉ về lá thôi cũng đã có khối chuyện nói. Đó là những câu chuyện sinh học, nghe rất lý thú. Nó mở ra trong tâm thức một sự sinh tồn triết học đáng nể. Mùa đông sở dĩ nhiều loài cây cho lá rụng là để bảo toàn nước trong thân cây. Đừng nhìn những hàng cây trơ trọi mà nghĩ là cây buồn vì thiếu lá. Rồi lá sẽ mọc lại, còn những chiếc lá cũ sẽ là kỷ niệm, của đời cây" (Trò chuyện với cây xanh). Nhà văn thì buộc phải có một chút lẩn thẩn nhưng đọc đoạn viết trên, tôi chợt thấy cỏ cây cũng như văn Hoàng không vẩn vơ chút nào. Trở về sau đợt đi Tuy Hòa lần ấy, Nguyễn Xuân Hoàng viết "Tháp xưa chim Nhạn bay về"…
"Hương mùa thu" và "Cõi tạm phù hoa", cuốn sách đầu tiên và mới nhất của Nguyễn Xuân Hoàng.
Đọc văn bạn, chưa chắc là mến bạn. Viết về bạn, chưa chắc là khen bạn. Điều tôi thấy được từ Hoàng là cái sự tự nhiên lẽ thường, hữu xạ tự nhiên hương, mắc mớ chi mà đao to búa lớn. Thể loại tùy bút cũng vậy, mấy ai nên danh nên tướng từ đó. Ừ, ta se sắt mến mộ cuộc đời thì tâm cảm đôi dòng cho đỡ nỗi tan man; có gì đâu một đôi điều bày giải của anh chàng gầy rộc vùng eo. Cái mặt nhậu đã mòn, vậy mà thỉnh thoảng giở đôi tờ báo lại thấy nhàn đàm, tạp bút, tản văn Nguyễn Xuân Hoàng khiêm khiêm xuất hiện; đã bảo có gì phải vội mà văn "cụ" này cứ riết róng bắt mình dán mắt vào rồi ngẫm ngợi lan man. "Ước mơ giản dị nhất, cũng là cao quý nhất của con người vẫn là có nhà ở, có cơm ăn, có áo mặc, và được học hành. Thời đại nào, chính sách nào, cơ chế nào cũng phải xoay quanh cái trục đó, lấy cái trục đó làm tiêu chí định lượng đánh giá sự phát triển. Xa rời tiêu chí đó một giờ, một buổi, một ngày là mất dân, mất lòng dân. Vì vậy mà cổ thư bảo chăn dân lòng sợ hãi như người cầm sợi dây mục mà điều khiển sáu con ngựa. Sách đã ghi vậy ai đọc, ai làm?". Làm chi mà già rứa, Hoàng ơi! Mà dân viết vốn chậm, lại hay cả nghĩ, vậy nên mới ngoài ba mươi cũng buộc già dặn thôi, chứ chả lẽ mãi làm "nhà văn trẻ"...
Trông vậy chứ Hoàng không phải chỉ là người hướng nội, bởi anh nguyên là một phóng viên, rồi Phó phòng Chương trình Đài Phát thanh Truyền hình Thừa Thiên - Huế, hội viên Hội Nhà văn tỉnh này. Trước khi mất không đầy một năm, Hoàng vừa chuyển qua làm Thư ký tòa soạn Tạp chí Sông Hương. Tôi thấy Hoàng không phù hợp với nghề báo, dẫu nghề này đã giúp anh gặp gỡ và thẩm thấu nhiều điều hay từ những người giàu tư chất…
Cõi Hoàng ở lại
"Cõi tạm phù hoa" là tập sách thứ 5 và là cuốn thứ hai của Nguyễn Xuân Hoàng do bạn bè góp tay in. Đầy đặn 360 trang sách với chân dung "người buồn trước tuổi" đằm đặm trên bìa đen trắng. Sau "Hồn mai" (2007) cũng với ngần ấy trang tùy bút do bè bạn góp tay in, lần này là "Cõi tạm phù hoa" với 20 truyện ngắn, 17 bài thơ, 9 chương của cuốn "Bút ký chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn" sắp hoàn thành và 8 bài viết của bạn bè về Hoàng. Mới đó mà đã 5 năm, nhà văn của rao rát miền Trung này rời cõi tạm ở tuổi 40. Nguyễn Xuân Hoàng là người con Quảng Ngãi, thành danh tại Huế.
Ở đất Thần Kinh, dân văn nghệ thường lưu truyền "Bạn bè ở Huế thương nhau thiệt/ Một đứa vợ la, cả bọn kinh". Thế nhưng được bạn tương kính như Nguyễn Xuân Hoàng thì không nhiều. Vượt qua bao mè nheo cuộc sống, họ vẫn đăm đắm cái tình với Hoàng, với văn tài của anh. 5 năm, hai cuốn sách tấm lòng đặt trên bàn thờ Hoàng, mà lại in đẹp và trang trọng lắm. Hỏi trong cõi tạm này, ai bằng Hoàng?
Và đời cảm thấy nợ Hoàng chăng? Nhiều khi tôi băn khoăn: Không hiểu Hoàng lấy đâu ra năng lượng để sống và làm việc gấp nhiều như thế? Có lần Hoàng đã trả lời: "Nhờ... cỏ!". Nhưng rồi Hoàng phải đi sớm vì chăng nỗi thương yêu và nỗi buồn đã quá sức bình sinh...
Về tùy bút Hoàng, nhà thơ Mai Bá Ấn viết: "Nếu Nguyễn Tuân ra đi đã trao thể bút ký và tùy bút lại cho Hoàng Phủ, thì người xứng đáng mà sau này Hoàng Phủ trao lại thể loại này, chắc chắn là Nguyễn Xuân Hoàng chứ không ai khác…". Trong truyện ngắn, chất duy mỹ, ôm níu con người của Hoàng lại làm người đọc bất ngờ từ một hướng khác. Truyện ngắn Nguyễn Xuân Hoàng là những nhát cắt ma mị, kết tinh tâm thức của người văn sớm thấu lẽ đời. Cách dựng truyện của anh thoải mái đến nỗi không còn ai nhận ra ấy là bịa. Lối viết không quá câu nệ vào cốt truyện nhưng sâu xoáy hút hồn bằng nhạc cảm, làm tôi liên tưởng đến bút pháp Pauxtốpxki.
Rồi khi làm thơ (thường thì Hoàng làm thơ để hát mỗi khi uống rượu với bạn bầu), tài hoa nơi anh lại lấp lánh một cõi lạ. "Những bài thơ thương tật/ trên chiếc bàn thương tật/ làm chi/ nếu đời anh không thương tật" (Câu chuyện về thơ); "Tôi đợi bóng quạ mang về đêm tàn/ tôi khát đôi môi em ngày tôi còn sống/ tôi nhớ đắng ngắt miệng môi tôi/ ngày tôi yêu em" (Cho một tương lai); "Đôi khi tâm hồn tôi phiêu lãng thiên đường/ kể cho thân xác nghe câu chuyện về địa ngục/ đôi khi thiên thần gãy cánh / thân xác kể cho tâm hồn nghe câu chuyện thiên đường" (Câu chuyện thiên đường)...  
Viết tập ký về Trịnh Công Sơn, mỗi câu mỗi chữ của Hoàng ánh lên niềm hạnh ngộ. Anh viết "Bậc thức giả ấy vẫn tiếp tục hành giả, giúp con người thấy rõ gương mặt tình yêu, những hóa thân như có phép chỉ xuất hiện khi ai đó chợt nhận ra những giấc mơ đời hư ảo". Thế là trọn vẹn, có dẫu còn dang dở nhưng đó vẫn là một trong những cuốn sách về Trịnh thành công nhất. Cũng phải thôi, chân tài gặp nhau…

  Đào Đức Tuấn

Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2009

Viết cho anh Hình Phước Long



“Cư dân danh dự” của Trường Sa
Không xa đâu Trường Sa ơi/ Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh/ Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em... Có lẽ đến nay, ca khúc Gần lắm Trường Sa của nhạc sĩ Hình Phước Long vẫn là bài hát viết về quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc được nhiều người yêu mến nhất
Bài hát càng thấm thía, xúc động lòng người hơn mỗi khi Xuân về Tết đến. Ông cũng được xem là người có nhiều ca khúc hay về Trường Sa...
Khi Chưa đặt chân đến Trường Sa
Tôi bất ngờ khi nhạc sĩ Hình Phước Long nói: “Mình viết bài này khi chưa hề đặt chân đến Trường Sa”. Rồi ông sôi nổi kể về cơ duyên ra đời của Gần lắm Trường Sa: “Năm 1980, lúc đang là cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cam Ranh, tôi được mời đến Lữ đoàn 146 - hậu cứ Trường Sa đóng tại huyện này- để dàn dựng chương trình cho đơn vị tham gia hội diễn văn nghệ quần chúng tỉnh Phú Khánh (cũ). Lúc ấy, không khí của tỉnh đang rất rộn ràng khi huyện đảo Trường Sa được chuyển từ đặc khu Bà Rịa-Vũng Tàu về Phú Khánh. Đúng dịp có đợt chuyển quân từ đảo về đất liền, tôi lân la hỏi thăm anh em bộ đội để tìm ý tưởng cho chương trình văn nghệ.


Nhạc sĩ Hình Phước Long sinh ngày 9-7-1950 tại làng Hà Liên, xã Ninh Hà, huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa; hiện sống và làm việc tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Đã sáng tác trên 300 ca khúc, trong đó nhiều ca khúc đã được dàn dựng biểu diễn, xuất bản.

Tôi tò mò: “Đảo lớn cỡ nào, đi mấy ngày mới tới...?”. Mấy anh lính trẻ trả lời: “Đảo lớn như sân vận động, đảo nhỏ như sân bóng chuyền, có đảo thì chìm lúc nước lên, đi từ Cam Ranh mấy ngày mới tới...” Chưa thỏa, tôi nói với lữ đoàn trưởng 146: “Anh có hình ảnh gì về Trường Sa thì cho tôi xem”. May sao, lữ đoàn trưởng chợt nhớ: “Mình mới nhận bộ phim tài liệu Tổ quốc trên một vùng đảo nhỏ, sẵn đây chiếu cho cậu xem luôn”. Đúng là kỳ vĩ và lãng mạn! Sóng nước mênh mang, chim hải âu bay rợp trời, hình ảnh kiên cường của đảo và giây phút bâng khuâng khi những người lính trẻ nhớ về đất liền, bao tình cảm dạt dào chỉ biết tỏ bày qua những cánh thư... Tôi cảm thấy một cái gì đó rất lạ dấy lên trong suy nghĩ và quả quyết ghi vào lưu bút của lữ đoàn: sẽ có một bài hát về Trường Sa!”.Bài hát ấy vẫn chưa được viết trong năm 1980. Đến năm 1982, một chiều, ông đạp xe trên đường Trần Phú dọc biển Nha Trang, chợt thấy một cô gái đang đứng nhìn ra biển, mái tóc bay bay trong gió. Ông chợt nghĩ: Nếu cô gái này có người yêu đang ở Trường Sa, chẳng biết cô có nghe được tiếng lòng của chàng trai gởi về đất liền qua sóng biển? Trong đầu nhạc sĩ chợt hiện tứ “không xa đâu Trường Sa ơi”. Vậy là lấy giấy bút ra ghi lại, sau đó ông về Ninh Hòa thăm nhà. Trên xe, cảm xúc và những dòng nhạc về Trường Sa cứ ngồn ngộn trong lòng người nhạc sĩ trẻ. “Tới nhà, má dọn cơm nhưng tôi nói sẽ ăn sau, rồi ngồi ngay tại sân, dưới ánh sáng mờ mờ của bóng đèn chạy máy nổ, viết một mạch cả lời lẫn nhạc bài Gần lắm Trường Sa. Bản nhạc viết trong đêm đó cũng chẳng sửa chữa, thêm bớt một chữ nào nữa. Bài hát này sau đó được Đài Phát thanh Phú Khánh, Đài Tiếng nói Việt Nam, các đoàn ca múa nhạc dàn dựng biểu diễn, phổ biến rất nhanh qua sự thể hiện của nhiều ca sĩ tên tuổi như Ánh Tuyết, Anh Đào, Long Nhật,...” - nhạc sĩ nhớ lại. Năm 1983, Hình Phước Long viết ca khúc Gặp anh trên đảo Sinh Tồn, tham dự cuộc thi sáng tác do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức và đoạt giải nhì (không có giải nhất).
Khi đặt chân đến Trường Sa
Đến năm 1984, ông mới được ra thăm Trường Sa. Chuyến đi kéo dài đến gần một tháng, ông cùng đoàn thăm được 13 đảo. Ông nói: “Hồi hộp lắm vì đây coi như là chuyến kiểm nghiệm những gì tôi đã viết về Trường Sa. Hóa ra, dẫu chưa đặt chân tới nhưng những gì tôi cảm nhận và viết về nơi này đều rất chân thực. Khi biết có tác giả Gần lắm Trường Sa ra đảo, anh em bộ đội đứng chờ trước đó rất lâu. Tôi vừa xuống tàu thì họ túa đến vây quanh, ôm chầm thân thiết như người quen lâu ngày gặp lại. Quá xúc động, trong khi còn chếnh choáng vì say sóng nhưng anh em bộ đội yêu cầu, tôi đã cầm đàn ghita đứng hát giữa đảo. Khi ấy, tôi và nhiều anh em bộ đội đã khóc...”.Ấn tượng nhất đối với nhạc sĩ Hình Phước Long là khi ở đảo Sơn Ca, một đảo tương đối lớn của quần đảo Trường Sa. Hoàng hôn buông xuống, nhiều anh em bộ đội đã dồn về mé Tây đảo ngồi nhìn ra biển; đảo bỗng yên ắng lạ thường. Nhạc sĩ thấy lạ, lân la hỏi chuyện thì được biết đó là một thói quen. Lính đảo gởi lòng về đất liền, nơi quê hương có cha mẹ, vợ con, người yêu... cùng biết bao nỗi nhớ không thể thốt thành lời giữa trùng khơi biên cương Tổ quốc. Tâm sự với nhiều anh em, ông nghiệm ra một điều: lính đảo Trường Sa không sợ gian khổ, không sợ cái chết mà chỉ sợ cô đơn, sợ người đất liền có lúc nào đó quên rằng nơi đây đang có họ... Sau chuyến đi, ông viết tiếp một số ca khúc khác: Tiếng hát đảo Sơn Ca, Đêm trên đảo Thuyền Chài, Tâm tình người lính Trường Sa... Đến nay, ông đã sáng tác 15 ca khúc về Trường Sa, in thành tập nhạc Gần lắm Trường Sa. Ông nói: “Tôi sẽ còn tiếp tục viết về đất và người nơi huyện đảo ruột thịt này, bởi Trường Sa đã coi tôi như một cư dân danh dự...”.
Bài và ảnh: Hoàng Yến

(Người Lao Động CT)

Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2008

Nén hương cho người vui tính



Một nhân vật hài hước vừa qua đây...

Ông Phước bên một góc bộ sưu tầm cờ, biểu tượng, kỷ niệm chương, búp bê,... các nước trên thế giới

Tên tui Đỗ Như Phước/ Tóc bạc trắng như cước/ Dáng to béo tầm thước/ Người rất thích hài hước/ Thấy gì hay bắt chước/ Không ham chức ham tước/ Chỉ ham tích đầy phước...
Đó là mấy dòng “tự khai” của nhà sưu tập “thế giới” hàng đầu Việt Nam, ông “trùm” thơ độc vận và là người làm từ thiện nổi tiếng Đỗ Như Phước...
Làm thơ giễu người giễu mình.
Về Phú Yên, hỏi “ông Phước nhà thơ hài hước” thì hầu như ai cũng biết, bởi ông quá nổi tiếng với những “món chơi” độc đáo, lại thường lên ti vi để nói chuyện và đọc thơ vui. Ví như Xuân rồi, mừng năm tuổi của mình, ông làm bài thơ vần “í” dài đến 50 câu nhưng công chúng Đêm thơ Nguyên tiêu núi Nhạn (Tuy Hòa) đã phăng phắc lắng nghe rồi vỗ tay rần rần. Bởi có “đủ thứ chuyện” như: WTO đã ký/ Hội nhập thật hợp lý/ Triệu người một ý chí/ Quyết nâng cao dân trí/ Tháo gỡ mọi thế bí/ Sản xuất vượt tiêu chí/ Được thế giới chú ý/ Việt Nam nâng vị trí...; đến việc Không nên say lúy túy và tranh thủ... nịnh vợ: Chớ có đi bồ nhí/ Để vợ cưng vợ quý...
Nhiều người biết, ông Đỗ Như Phước chẳng bao giờ nghĩ mình là nhà thơ, phải khó nhọc để làm thơ, “vần vè cho vui mà”, thế nhưng dân gian cứ gọi ông là nhà thơ! Cũng như chuyện ông được “đặc cách” đọc thơ trong đêm thơ Nguyên tiêu núi Nhạn, được công chúng hưởng ứng nhiệt thành nhưng không ít nhà làm thơ “nghệ thuật” phản đối: “Đây là sân của nghệ thuật nghiêm túc, sao để thơ “dưỡng sinh” của ông Phước chen vào?”. Ông vui vẻ: “Vậy thì thôi!”.
Thế nhưng có kỳ Nguyên tiêu vắng ông, công chúng chất vấn ban tổ chức tới tấp, thế là ông trở thành một người đặc biệt của đêm thơ, và cũng duy nhất một mình ông không đọc thơ “nghiêm túc” trong đêm thơ Nguyên tiêu lừng danh trên núi này...
Quả thật, ông không chối thơ mình đích thị là để “dưỡng sinh” chứ đâu mong khẳng định tên tuổi; ông chỉ làm chơi “cho khỏe người” thôi, còn ai nhớ là chuyện... của họ; vậy mà thơ ông cũng thấy người ta truyền miệng đọc đầy đường... Thế nhưng không phải ai làm thơ như ông Phước cũng được người đời nhớ! Nhiều người khó tính với nghệ thuật cũng phải “bái” chất dí dỏm thông minh và cái “duyên ngầm trời cho” của bút pháp Đỗ Như Phước; chẳng những “nghệ thuật hóa” loại thơ dân gian độc vận, ông còn là người đi tiên phong sáng tác loại thơ “chân lý” mà có những câu cứ tưởng của... ai: Quê tôi có một dòng sông/ Mùa hè nước cạn, mùa đông lại đầy/ Mặt trời mọc Đông lặn Tây/ Cá lội dưới nước, chim bay trên trời...
Xuất phát từ cuộc chiến với ung thư, ông đã biến đời mình thành một cuộc chơi đầy ý vị và có được những thành quả... ngoài dự đoán! Mê chơi “đủ món” và lĩnh vực nào cũng có thành tựu. Suốt ngày hồn hậu nói chuyện hài hước nhưng ít ai biết được ông già 72 tuổi đã chiến đấu từng giờ với căn bệnh ung thư đeo đẳng suốt 40 năm qua (mái tóc bạc sớm cũng do việc xạ trị ung thư), bên mình lúc nào cũng phải gắn hậu môn nhân tạo là một bọc... chuyên dụng! Ngay cả cái “bãi đáp” này cũng được ông trào lộng: Thế giới có vệ tinh nhân tạo / Phước tui có... hậu môn nhân tạo!
Sưu tầm kỷ vật để... tặng
Bản tính hồn hậu cởi mở, ham đi đó đây, ông lại như muốn thu cả thế giới về nhà mình qua các kỷ vật của tất cả các nước trên thế giới, chủ yếu là những thứ rẻ tiền như cờ, huy hiệu, kỷ niệm chương, búp bê... của các nền văn hóa trên thế giới. Nhiều nước bây giờ không còn tên trên bản đồ thế giới nhưng lại hiện hữu ở... nhà ông Đỗ Như Phước! Ky cóp 40 năm, căn nhà ông đã trở thành một bảo tàng thực thụ với trên 10.000 kỷ vật của 84 nước trên thế giới!
Đường quan chức của ông có thể thênh thang nếu thích, bởi ông tham gia cách mạng sớm, có trình độ, tư chất thông minh, gia đình ông có nhiều người thành đạt... Nhưng đời với ông “vui là chính, làm tới chức quan... hữu nghị chớ ít sao!” rồi về hưu mê say làm chuyện “tào lao” và lặn lội “cúi mình” đi gõ cửa vận động từ thiện. Có thể ông rất giàu nếu bán một số “chuyện chơi”, ví như ông đã lắc đầu từ chối khi một đại gia đặt vấn đề chuyển nhượng bộ sưu tập nồng ấm tình hữu nghị quốc tế này với giá trên 1 tỉ đồng! Thế nhưng ông Phước sẵn sàng tặng... Cuối năm 2007, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đã “nghe danh-đánh tiếng” và ông Đỗ Như Phước đã tặng 84 huy hiệu-tranh-tượng-mô hình lưu niệm của các nước cho bảo tàng này. Thư cảm ơn của giám đốc bảo tàng này có đoạn: “Hành động của ông Đỗ Như Phước là một nghĩa cử cao đẹp có ý nghĩa tác động sâu rộng với các tầng lớp xã hội trong vấn đề hiến tặng di sản văn hóa cho bảo tàng quốc gia”.
Đêm Nguyên tiêu con trâu –Kỷ Sửu, sẽ chẳng ai còn nghe ông đọc bài thơ vần “âu”... vì ông vừa qua đời ngày 7-11-2008. Hưởng thọ 72 tuổi.
Bài và ảnh: HOÀNG YẾN
(Người Lao Động CT)

Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2008

Tưởng nhớ anh Tiến "râu"

Về Phú Yên với cà phê Tùng


Dân miền Trung ăn uống thứ gì cũng đậm hương, đậm vị. Với đất Tuy Hòa - Phú Yên, một trong những thức mà dân giang hồ sành điệu đánh giá “ngon nhất nước”- ấy chính là cà phê.
Đây không phải là đất trồng nhiều cà phê như Đắc Lắc, Lâm Đồng nhưng công thức rang tẩm, chế biến thì “độc nhất vô nhị” với bí quyết trộn nước mắm nhĩ vào cà phê. Một trong những người tiêu biểu trong nghề chế biến cà phê là ông Trương Văn Tiến với một hệ thống nhà hàng cà phê liêu xiêu lòng khách thập phương…
Từ ăn ngủ bên chảo cà phê
Giữa năm 2002, nghe tin ông Tiến “râu” mở một trà thất loại sang tại thị xã Tuy Hòa (vốn đầu tư đến 4 tỷ đồng), nhiều người lắc đầu: “Đúng là thừa tiền, trà lá gì mà bỏ cả tiền tỷ…”. Mà thật, xứ nông nghiệp Phú Yên quê tôi, ít ai chơi “ngông” như vậy. Ông cứ lặng lẽ làm, thức khuya dậy sớm cùng cái công trình “dối già” của mình tại 69 Tản Đà. Vốn là dân trồng cà phê ở Gia Lai, rồi được biết nhiều bằng sản phẩm “Cà phê Tùng” (đã đăng ký thương hiệu), gia đình ông lại tiếp tục bán cà phê bột tinh chế tại nhà riêng trên đường Nguyễn Trãi, rồi Hùng Vương, đặc biệt là Trà Thất dưới chân Nhạn Tháp này. Ông sống chết bằng cà phê, làm cà phê từ A đến Z bằng một tình yêu máu thịt; chẳng phải ông thừa tiền gì đâu, tôi vẫn thấy ông đi trả lãi ngân hàng đều đều.
Dân ghiền cà phê chính tông sỡ dĩ công nhận cà phê Tuy Hòa thuộc loại “của ngon vật lạ” (cà phê Tùng là một đại biểu), bởi bởi độ keo tuyền và hương vị vang lừng như biết hát ca, không lẫn vào đâu được. Cả một đời lăn lộn thăng trầm cùng cà phê, ông Tiến có thể ngửi ngang ly cà phê là biết nó được chế biến như thế nào, phụ gia ra sao. Ông kể: “Tôi không thể nhớ hết bao nhiêu đêm nhễ nhại mồ hôi bên chảo rang cà phê, vừa truy lùng sách vở chuyên đề, vừa nghĩ cách làm sao để tạo được một hương vị độc đáo riêng cho cà phê mình làm ra. Phải tự tay chọn, rang, phải cảm nhận cho được độ “tới” của cà phê bằng cả khứu giác, thị giác và cả con tim mình thì mới hòa quyện được cái hồn mình trong cốc cà phê. Không mê làm sao thành, chú!”.
Đến “quán cho ra quán”
Là một người kinh doanh có phong cách nghệ sĩ, ông Tiến đã làm việc gì là làm “tới đọt”. Cũng như ông đã từng nổi tiếng nhà một nghệ nhân trồng, sưu tập và chơi cây cảnh thuộc loại tầm cỡ, ý thích mở nhà hàng trà - cà phê của ông cũng vậy. Thấm thoát, khu trà thất đã thành hình tựa lưng duyên dáng vào núi Nhạn giữa lòng phố thị Tuy Hòa. Trong suy nghĩ của nhiều người, xây quán tốn kém, sang trọng như vậy thì giá cả thức uống phải cao, phải là “giá sài Gòn” thì chủ nhân mới mau thu hồi vốn; dân kinh doanh có bao giờ “làm chơi”,… Tuy nhiên, nhờ “nhập tận gốc, làm tận tay” nên giá cà phê của ông vẫn chỉ 3-4 ngàn đồng/ly. Thế là khách bình dân yên tâm ra vào tấp nập.
Ngoài món cà phê truyền thống, tại 69 Tản Đà còn là một trong những không gian trà thất đậm chất phương Đông, lần đầu có mặt ở Tuy Hòa. Ở đây có hơn 20 loại trà do một người bạn Việt kiều truyền lại cho vợ chồng ông Tiến cách pha chế. Từ 6-15 ngàn đồng/tách, kèm theo phích nước châm và ít đường phèn, mứt gừng; thế là có thể “vô tư đi em” hàn huyên thư giãn trong một không gian cỏ cây gợi cảm.
Giá cả phải chăng và phong cách phục vụ lịch thiệp, tận tình đã tạo cho trà thất này thành một điểm hẹn lý thú cho nhiều giới. Từ khách du lịch bằng máy bay, quan đầu tỉnh đi tiếp khách đến công chức, học sinh sinh viên, thợ thuyền giờ rỗi rãi; mỗi người một “gu” chọn thức uống, góc ngồi riêng. 4 tầng nhà cùng nhiều khoảng sân thoáng đãng, phải đến vài trăm chỗ ngồi nhưng cách bố trí, tạo dáng khéo léo cùng hệ thống cây cảnh đắc địa, làm cho “ẩm khách” không cảm thấy quá đông đúc mà vẫn gần gũi, riêng tư cần thiết. Thế là nơi đây đã thành một địa chỉ trong tâm thức khách sành điệu. “Đi cà phê Tùng!” giờ không chỉ là chuyện giải khát mà còn là đi tìm một chút niềm thư thái với không gian nhà đẹp, đất trời quyến rũ.
Bây giờ thì nhiều người trầm trồ: “Đắt khách như thế thì đâu còn là chuyện ngồi thu tiền lẻ… Cha này tài thật!”. Ông Tiến giờ vẫn ngày ngày chào đón khách và chăm chút cho cơ ngơi của mình giữa Tuy Hòa đang sắp lên thành phố. Thủy chung với cà phê và đam mê tạo dựng quán đẹp, cuộc đời đã đền đáp cho ông, con cái đều đã thành đạt, ông đang tích cực truyền nghề cho cậu con trai. Ngoài các nhà hàng giải khát ở Tuy Hòa, Gia Lai, ông Tiến còn đang tính chuyện đưa thương hiệu cà phê cùng niềm đam mê mở quán “tiến về Sài Gòn”…
Hùng Phiên
Việt Báo (Theo_Thanh_Nien)

Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2008

Tiễn anh 5 Thi

Một người Quảng Trị yêu Phú Yên đến vô cùng
Nói như nghệ sĩ Lê Bá Dương thì anh Nguyễn Hùng Thi (nguyên Giám đốc Đài Phát Thanh Phú Yên) là “một người Quảng Trị yêu Phú Yên đến vô cùng”… Nguyễn Hùng Thi sinh năm 2.3.1950 tại xã Vĩnh Lâm-huyện Vĩnh Linh-Quảng Trị, mất ngày 2.11.2008 tại Nha Trang-Khánh Hoà…
Năm 1993, tôi về Đài Phát Thanh Phú Yên thì anh Nguyên Hùng Thi đã chuyển công tác, không còn làm giám đốc cơ quan này. Nhưng lúc trà dư tửu hậu, tôi đã nghe rất nhiều câu chuyện về những ngày đầu xây dựng Đài Phát Thanh Phú Yên (1989) khi tỉnh Phú Yên vừa tách khỏi Phú Khánh (cũ), những gia thoại ý vị về phong cách ứng xử nghĩa khí đối với anh em bầu bạn của anh Năm (cách gọi thân mật anh Nguyễn Hùng Thi). Đặc biệt, anh Năm Thi đã có những mối giao du, hỗ trợ sâu sắc từ vật chất đến tinh thần đối với nhiều văn nghệ sĩ.
Bản thân là người làm thơ nên tôi rất tò mò muốn được diện kiến, hàn huyên cùng anh. May, lúc tôi gặp anh, không trên danh vị “lính-xếp” nên quan hệ cảm thấy rất thoải mái. Quả thật, anh Năm Thi là cả một “bụng” văn chương thi phú, đờn ca sáo thổi với một cảm nhận nặng nợ trong từng cảm xúc câu chữ, làn điệu. Chẳng những thơ-nhạc của những tác giả cổ điển, nổi tiếng, mà cả những bài của nhiều tác giả mới toanh đương thời nhưng có diều gì đồng cảm là anh nhớ, anh thuộc. Không chỉ tôi mà nhiều anh em khác đã nghiêng mình trước cách đọc làu làu, diễn cảm những bài thơ của Chế Lan Viên, Hoàng Cầm, Trần Vũ Mai, Lê Khánh Mai, Lê Bá Dương, Triệu Phong,… hay cách anh lim dim hát nhiều bài dân ca, địa phương ca một cách ngọt ngào, say đắm…
Hơn nhau đến hai chục tuổi nhưng cách đối đãi của anh đối lứa chúng tôi thật bình đẳng, chân tình như một “đại ca văn nghệ” thực thụ. Có thể nói, đứa nào có máu văn nghệ là anh yêu thương, sẵn sàng đồng điệu chuyện trò bù khú hàng buổi không dứt, không một ly phân biệt tuổi tác chức vị. Cái niềm yêu văn chương ấy đã dẫn anh đến việc viết lách, dẫu anh viết không nhiều nhưng một số bạn bầu vẫn còn nhớ đôi câu thơ tâm cảm thỉnh thoảng anh ứng tác. Các nhà văn, nhà thơ như Cao Duy Thảo, Trần Huiền Ân, Nguyễn Tường Văn, Đoàn Việt Hùng, Đào Minh Hiệp,… đều luôn nhắc đến anh với nhưng trợ lực chân tình trong những lúc khó khăn của cuộc đời.
Anh cũng là một người hành động quyết liệt trên lĩnh vực văn hoá văn nghệ. Cảm hứng đến tận mây xanh, Nguyễn Hùng Thi đã tổ chức hẳn Đoàn ca nhạc Đài Phát Thanh Phú Yên, các chương trình thu âm ca nhạc, ngâm thơ, câu lạc bộ văn học nghệ thuật, trực thuộc Đài,… nổi đình nổi đám một thời. Là cơ sở phát triển của các chương trình văn hoá nghệ thuật của các đài ở Phú Yên. Ngôi nhà 17 Phan Đình Phung-Tuy Hoà những năm cuối 80-đầu 90, lúc còn là trụ sở Đài Phát Thanh Phú Yên, đã trở thành nơi chốn thân thương đi về của rất nhiều văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh.
Chính anh còn là “bầu sô” tài trợ cho nhiều cuộc hội ngộ văn nghệ trong nhiều dịp như Nguyên Tiêu, Đại hội văn nghệ, kể cả các cuộc họp cộng tác viên báo, đài… lúc anh không còn làm trong ngành văn hoá. Trong cuộc sống hằng ngày, anh dành nhiều quan tâm đến gia cảnh từng anh em, đôi khi là một món tiền bất ngờ cho một nghệ sĩ nghèo, ủng hộ phóng khoáng chi phí xuất bản sách cho một anh em nào đó, động viên một dự án sáng tác của một cây bút,…
Còn nhớ, hôm một ông anh nhờ tôi phát hành dùm mấy chục cuốn truyện ngắn. Chẳng biết cậy ai, tôi ôm lên chỗ anh Năm thi và thật cảm động khi anh nhận mua tất cả, nhẹ nhàng không một chút tỏ vẻ ban ơn…
Còn nhớ, Trung tâm Ngan (một cái quán nhỏ trên đường Nguyễn Huệ-Tuy Hoà, do anh mở lúc về hưu) đã chứng kiến xiết bao ân tình của giới văn nghệ Phú Yên và bạn bầu khắp chốn. Lúc này, đã nghỉ hẳn Nhà nước, lẽ ra anh về luôn với gia đình ở Khánh Hoà nhưng “nhớ Phú Yên, nhớ anh em nơi này không dứt được”, thế là tìm chỗ để lấy cớ gặp anh em, chứ anh chẳng quan tâm đến chuyện lỗ lãi. Anh tận tay pha rượu, nấu những món đặc sản để đãi anh em bất kể sớm khuya, mưa nắng… Sống vì anh em như thế nên trong những ngày cuối đời, có việc gì từ Nha Trang, anh ới lên một tiếng là anh em văn nghệ Phú Yên dong xe có mặt ngay…
ĐÀO ĐỨC TUẤN

Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2008

Bình luận...chân dung


Phạm Đương, một giọng thơ
HÙNG PHIÊN
Sắc sảo và phiêu bồng. Bụi bặm và tinh tế. Đó là ấn tượng của tôi khi tiếp xúc với con người Phạm Đương qua thơ lẫn đời thường. Từ Bùn non đến Những bước chân gửi lại đã lộ diện một giọng thơ mới mẻ cất lên từ Quảng Ngãi…
Đọc thơ Phạm Đương và báo Trần Đăng (bút hiệu của P.Đ) khá nhiều và tôi thực sự hạnh phúc khi trò chuyện cùng anh ở quán nhỏ Hoàng Thị (Quy Nhơn), hôm có các nhà thơ Lê Văn Ngăn, Nguyễn Thanh Mừng, Ngọc Toàn,… Vẫn biết văn chương chỉ cần gặp tác phẩm là đủ nhưng với Phạm Đương, phong thái cũng sâu lắng, sương khói đến riết róng chẳng khác nào những trang văn rứt ruột… Sâu sắc và luôn hài hước, vui nhộn, Phạm Đương nói về cái bút danh viết báo của mình: “Lúc đầu ký Thường Đăng, nghĩa là… Thằng Đương và mong được… đăng nhiều tin bài! Con bà nó, chẳng hiểu đứa nào đó lại sửa thành Trần Đăng, thôi chả quan trọng. Viết báo riết cái tên cha mẹ đặt bị “quên” mất, giờ phải làm thơ để… phục dựng lại!”.
Có thể nói không nhầm, Trần Đăng đang là một cây bút báo chí thuộc tốp đầu “cắm quân” ở dãi đất dằng dặc miền Trung này, một người viết báo với con chữ có quyền lực đúng nghĩa. Anh thuộc tạng nhà báo mạnh mẽ trên nhiều thể loại, được nhiều người nể phục nhưng tôi không muốn dùng từ VIP, bởi cái chất Trần Đăng luôn lắng trong nhân quần để bày tỏ chính kiến, suy tưởng; và cái chất khẳng khái ấy đã phổ sang thơ gần như trọn vẹn. Bài thơ “Trong ngôi nhà câm” (Văn Nghệ 1.1.2008), Phạm Đương bộc bạch: mùi ẩm mốc mùi rêu vữa và mùi ơn nghĩa / tôi đã đóng thuế thu nhập hàng tháng từ những bài báo còm / để góp vào đây một viên ngói cong vênh / tô trát tường mà làm gì / nông dân không cần tô trát. Bài thơ là tôi nhớ cái phóng sự “Ruồi” của anh viết về nỗi khổ của một làng quê Quảng Ngãi trước nạn ô nhiễm; cái duyên của ngòi bút sắc sảo, không cam chịu trước những cảnh “trái tai gai mắt”, nói lên tận cùng nỗi đau nhân quần, dẫu tác giả có thể bị hệ luỵ...
Giọt máu ấy đã lặn vào cây cỏ / giọt máu ấy không bao giờ về nữa / đợi làm gì hả mẹ? / tìm cách để được xanh / mà không đạp trên lưng người khác / ấy là cỏ (Lúc nửa khuya). Từ hoa sang rác / cách một ngày thôi / tôi hỏi thàng tôi /mày hoa hay rác? (Sau lễ). Gửi lại những bước chân sợ hãi / từng đi qua hoang mạc đời người / cơn gió nồm thổi lại / anh cũng vừa phôi thai… (Những bước chân gửi lại)... Hành trình mấy mươi năm vần vầy với thơ cũng là một hành trình tự hoạ hồn cốt mình của Phạm Đương. Gạt phăng những chi tiết thừa, bóc mạnh vào những tầng nghĩa để tỏ bày nhanh nhất, xúc động nhất những điều hằng và chợt tâm tưởng. Mỗi bài thơ Phạm Đương như một đường gươm “phập” ngọt vào các mảng thế sự của cuộc sống, của lòng mình! Từ tập Bùn non đến Những bước chân gửi lại, thơ Phạm Đương như nhất lối “tung” thẳng chữ cần nói, “trực tuyến” cảm xúc, chả cần “vòng vo Tam Quốc”,… Đằng sau lối viết trực diện lòng người ấy là cả một sự lao động chữ nhọc nhằn của nhà thơ Phạm Đương. Đã lấp lánh những con chữ tươi ròng đành đạch và anh đang dồn mọi nỗ lực để lùng sục nhiều hơn nữa điều đó cho thơ.
Với thơ, Phạm Đương đang riết róng truy tìm lại “tên” mình, truy cập n hướng thẳng thừng vào những câu hỏi của chính trái tim bỏng rãy; và chợt tôi nhìn thấy một cuộc cạnh tranh ráo riết của Phạm Đương (thơ) và Trần Đăng (báo)… Có thể trong thời lên ngôi của báo chí thì Trần Đăng “mau thấy” hơn Phạm Đương nhưng tôi đã thấp thoáng nhận ra thơ anh đang “nói” được nhiều điều mà ngòi bút báo chí giàu trách nhiệm như anh vẫn chưa thể nói hết… Đó là một bảo chứng để Phạm Đương vững tin tiếp tục khai quật những cung bậc ngồn ngộn ơn đời từ thơ mình…
Nhà thơ Phạm Đương sinh năm 1960 tại Quảng Ngãi, hiện làm việc tại Báo Lao Động. Tác phẩm đã xuất bản: Đêm không mưa ngày nắng (bút ký, NXB Đà Nẵng-2003), Bùn non (thơ, NXB Hội Nhà văn-2004), Phượng (tản văn, NXB Lao Động-2005), Những bước chân gửi lại (thơ, NXB Hội Nhà văn-2006).
H.P

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2008

Bài Tết, bài Tết



Thi sĩ, nhà văn Trần Huiền Ân:

Cấy cày vốn nghiệp… văn gia

HÙNG PHIÊN

Tuổi Trâu (Đinh Sửu-1937), Kỷ Sửu này giáp vòng thứ 6 (72 cái xuân xanh) nhưng trông thi sĩ kiêm văn sĩ Trần Huiền Ân (tên thật Trần Sĩ Huệ) vẫn còn phong độ lắm lắm, cả trên ruộng văn lẫn ruộng đời. Trên 15 đầu sách đầy đặn đã xuất bản và còn chừng ấy bản thảo đang “lưu kỷ niệm”. Thành công đã nhiều nhưng cay đắng cũng không ít, tôi nhận thấy vui buồn đời ông dồn trong một chữ CÀY lung linh trên từng luống văn, luống tình…

Trần Huiền Ân sinh ngày 15.7.1937. Quê quán: làng Vân Hòa, tổng Sơn Xuân, huyện Sơn Hòa, Phú Yên. Hiện sống và và làm việc tại Tuy Hòa, Phú Yên. Hội viên Hội Nhà văn VN, Hội Văn nghệ dân gian VN, Hội Nhà báo VN, Hội Khoa học lịch sử VN. Tác phẩm đã xuất bản: Thuyền giấy (tập thơ, 1967); Năm năm dòng sông thơ (tập thơ, 1973); Phú Yên, dọc đường…ca dao (biên khảo, Sở VHTT Phú Yên, 1995); Tiếng hát nhân ngư (tập truyện ngắn, NXB Văn nghệ TP.HCM, 1997); Lời trên lá (tập thơ, NXB Trẻ, 1997); Một nửa chân trời (truyện thiếu nhi, NXB Trẻ 1997); Văn hóa vật chất nông thôn Phú Yên (biên khảo, Hội VNDG VN,2001); Mùa hè quê ngoại (truyện thiếu nhi, NXB Trẻ 2002); Khói của ngày xưa (tập truyện ngắn, Hội VHNT Phú Yên, 2003); Huyền thoại mở đất (truyện, NXB Trẻ 2003); Phú Yên, miền đất ước vọng (biên khảo, NXB Trẻ, 2004); Ngọn cờ quân thứ (truyện, NXB Trẻ 2006); Rừng cao (tập thơ, NXB Thanh Niên, 2007); Phú Yên, thời khẩn hoang, lập làng (biên khảo, NXB Nông Nghiệp, 2007); Phú Yên, văn hóa theo dòng sông nước (biên khảo, Hội VHNT Phú Yên, 2007). Cùng nhiều sáng tác, biên khảo in chung.

23 TUỔI VIẾT SÁCH GIÁO KHOA

Trần Huiền Ân vào đời bằng nghề giáo lúc tròn 20 tuổi và theo nghề gần 20 năm. Nghề “đưa đò” đem lại cho ông sự mực thước và trẻ trung của tâm hồn thông qua bao thế hệ học trò đến giờ vẫn còn ơi ới: “Thầy, thầy ơi, đọc truyện thầy xúc động quá…”. Có lẽ tình yêu đời này đã đưa ông đến và trụ vững qua bao sóng gió nghiệp văn. Thế nhưng một ấn tượng “bái phục” đối với nhiều người là việc: thầy giáo làm thơ Trần Huiền Ân đã tham gia biên soạn sách giáo khoa lúc 23 tuổi, tức mới đi dạy 3 năm! Chuyện là thế này, ông kể: “Hồi đó-1960, dạy ở trường tiểu học Phong Niên (xã Hòa Thắng, Tuy Hòa, Phú Yên), mình cộng tác với tuần báo “Tuổi Xanh” dành cho thiếu nhi, do một số nhà giáo có uy tín chủ trương; một số nhà giáo soạn sách giáo khoa thấy một số bài thơ của mình phù hợp nên đưa vào phần học thuộc lòng sách “Quốc văn toàn tập”, “Việt ngữ tân thư” bậc tiểu học. Trong đó có bài “Chuyến đi dài” nói về đặc điểm các nơi trên đất nước, mỗi tỉnh chỉ 1 câu, bây giờ nhiều người còn thuộc. Đến năm 1963, Ban biên soạn bộ sách giáo khoa tiểu học “Tân Việt văn” đã đặt mình viết phần học thuộc lòng. Họ gởi cho mình chủ điểm chương trình học một năm, rồi mình căn cứ theo đó viết các bài học thuộc lòng cho từng tuần; mỗi lớp khoảng 40 bài học thuộc lòng/năm, mỗi bài từ 4-16 câu tùy lớp lớn nhỏ. Mình ngồi sáng tác, đặt thơ theo từng chủ đề như Ngày khai trường, Bạn bè, Thầy cô, Trung thu, Tết…; viết làm sao cho ý tứ trong sáng, dễ nhớ, dễ thuộc là đạt yêu cầu! Nếu bài nào gởi vô Sài Gòn, Ban biên soạn thấy chưa đạt thì đề nghị viết lại. Sau đó, mình tham gia biên soạn tiếp một bộ sách giáo khoa khác cho bậc tiểu học dự định sẽ in vào mùa hè 1975”.

Năm tháng trôi qua nhiều quá, các bài ấy đã thất lạc, thỉnh thoảng gặp một người trong thế hệ học sinh thời ấy, họ đọc lại cho nghe. Tác giả thì chỉ còn nhớ loáng thoáng. Ông đọc một đoạn trong bài “Về bến cũ”, lớp Năm: “Lâu rồi phiêu bạc* trùng khơi / Đời tôi gắn với biển trời thiên nhiên / Quản gì nắng đổ mưa nghiêng / Rày đây mai đó khắp miền xa xăm (…) Mai này gió lặng sóng im / Thuyền về bến cũ, ta tìm phương nam / Đây rồi sóng biếc mây lam / Hoàng hôn hải cảng muôn vàn đẹp xinh (…) Đoàn tàu san sát thả neo / Thuyền con gác mái buông chèo nghỉ ngơi / Bờ xinh bến mộng như mời / Tình quê hương thắm đượm lời núi sông / Ra khơi sóng nước bềnh bồng / Trở về bến cũ cho lòng thêm vui”. Bài “Quê ngoại”, lớp Ba: “Đường về quê ngoại xa xa / Đèo cao chắp nối chuyến phà sang sông / Lại băng qua một cánh đồng / Xanh xanh ruộng lúa, chòm bông, luống mè / Mỗi năm cứ đến dịp hè / Phượng hồng nở giữa tiếng ve gọi đàn / Ba gian nhà ngoại rộn ràng / Đón bầy cháu nhỏ về làng thăm chơi / Vườn sau ngõ trước vang lời / Cho lòng ngoại ấm tuổi trời già nua”.

Rồi ông bày tỏ: “Viết sách giáo khoa khá nhọc công, cần có kinh nghiệm. Ví như sách Việt ngữ tiểu học có 4 phần: ngữ vựng, tập đọc, chánh tả và học thuộc lòng. Chánh tả dùng một đoạn quan trọng trong bài tập đọc, Tập đọc và học thuộc lòng phải có các từ trong bài ngữ vựng, gồm danh từ, động từ, tĩnh từ, cho nên soạn bài học lòng không phải khơi khơi mà phải có các từ cần thiết của ngữ vựng, như trong bài “Về bến cũ” phải có các từ: biển, bến, sóng, tàu, thuyền, buồm, chim biển, gác mái, buông chèo, thả neo, song nước bềnh bồng,... Thế nhưng, nhiều người cứ nghĩ phải “già” mới soạn được sách giáo khoa, mình cho là không đúng!”.

SỐNG Ở ĐÂU KHÔNG QUAN TRỌNG

Căn nhà 20/3 Chu Mạnh Trinh trong hẻm sâu của lão nhà văn Trần Huiền Ân vẫn bình lặng, khiêm nhường sau một khu phố ẩm thực Tuy Hòa như lần đầu tôi đến cách đây 20 năm. Ông và vợ Phạm Thị Hoa hiện có tất cả 6 con, 5 rể-dâu và 8 cháu, thường đi về vui vầy sum họp nơi căn nhà này; khi “quân ngũ” rút đi, căn nhà lại yên ắng như cũ. Để ý kỹ, có khác chăng là mấy cây trạng nguyên lá đỏ đã thay bằng vài chậu hoa treo hững hờ, trong nhà thì đã có bộ vi tính và vài thứ máy nghe nhìn xịn… Tác phẩm ông bây giờ đã chuyển qua “meo” nhưng tôi chợt nhớ một lúc biên tập những trang bản thảo viết tay rõ ràng, đẹp thẳng tắp của nét chữ học trò Lương Văn Chánh (trường trung học lâu đời nhất ở Phú Yên) không lẫn vào đâu được…

Câu chuyện giữa tôi và ông loay hoay rồi tự dưng đề cập đến những sự mè nheo, “liên tưởng” không lành mạnh về tác phẩm của một số cây bút ở tỉnh. Như có lần ông nói: “Ở tỉnh nhỏ ta không bắt kịp các thông tin mới, bạn bè cũng chậm chạp, thiếu thời sự thì mất luôn sự hoạt động năng nổ. Ở tỉnh nhỏ dễ bị người ta ăn hiếp…”. Thế nhưng bây giờ, ở tuổi ngoại thất thập, suy nghĩ này của ông đã nhẹ nhàng lắm rồi: “Viết lách là một phần của cuộc sống, mà cuộc sống thì có vui có buồn. Đáng nói là những nỗi niềm do viết lách đem lại hình như vui nhiều hơn, bởi vì gặp nhau trong nỗi buồn cũng là một điều vui rồi. Vui vì có sự thông cảm giữa người đọc và người viết. Trên đời còn có gì quí hơn tri âm tri kỷ? Buồn là khi có những cảm nghĩ, nhận định sai vội vàng đưa vào, không thể nào xóa bỏ được, nó vẫn còn đó trên mực đen giấy trắng, cho dẫu bao nhiêu năm tháng trôi qua, mỗi lần nhớ lại đầy những xót xa. Bây giờ thấy ai nghĩ sao cũng không lấy làm điều, rồi người ta sẽ hiểu… Cốt yếu là cái tâm mình phải sáng. Lúc này internet đã phủ khắp nơi, cho nên sống ở đâu đã không còn quan trọng, tuy vậy những buổi gặp gỡ thân tình vẫn rất đáng quý vì nó khơi gợi sự sáng tạo. Vài năm gần đây, gặp lại bạn bè cũ xa cách nhau đã 30 – 40 năm, thật tuyệt vời!”.

Một ngày của ông bây giờ là đi dạo thể thao, viết, đọc và viết; thỉnh thoảng đi giỗ chạp, thăm thú bà con anh em, điền dã lấy tư liệu cho những vấn đề đang khảo cứu. Gần đây, nhân dịp dự mấy cái trại viết được du lịch đây đó, giao lưu anh em nên cũng vui tuổi xế chiều; đôi khi vợ chồng ông cũng làm chuyến du lịch bỏ túi. Vậy là thư nhàn! Những trang bản thảo vẫn đều đặn chất chồng, bất kể tuổi tác, bất chấp những điều bắng nhắng từ cái nghiệp chữ mang lại. Ông bảo: “Viết lách là điều mình thích thú nên có đày ải trên trang giấy bao nhiêu nữa cũng bởi vì niềm vui, tình yêu sâu nặng với con người, cuộc đời”. Có thể nói, văn xuôi là mảng ông được đánh giá cao, có nhiều người đọc nhưng khi tôi hỏi “Thích “món” nào nhất?”, ông nói ngay: “Thơ. Tạo tác được một bài thơ tâm đắc, thấy đời thú vị lắm! Thế nhưng giờ thấy viết biên khảo là “an toàn” nhất, bởi chỉ nói chuyện… xưa”.

Chia tay tôi, nhân nói đến năm tuổi, ông đọc mấy câu trong bài thơ NẮNG SỚM – CON TRÂU VÀ THI NHÂN, viết cho con trai Trần Triêu Ngõa Huyến sinh năm 1973-Quý Sửu:

Ơi thằng trâu con!

Cùng ta tuổi Sửu

Đừng ngại ngùng đời vất vả gian nan

Dòng Man Khê vẫn nồng men ấm rượu

Đường trăng rung bóng lá cũng thư nhàn…

H.P

* Phiêu bạc, bạc là bến (T.H.A)

Vì xã hội học tập

Thư viện Dương Thị Rau

Đứng, ngồi đọc sách trong Thư viện Dương Thị Rau - Ảnh: H.P

Chưa bao giờ người dân làng biển Đông Tác, phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa (Phú Yên) lại khấp khởi bàn tán chuyện đọc sách, đọc báo như lúc này, khi mà một đôi vợ chồng già vừa cho ra mắt thư viện tư nhân đầu tiên...

Chủ nhân thư viện này là ông cụ đã trên 70 tuổi Phạm Ngọc Hùng, vốn là một kỹ sư cơ khí, cùng vợ là bà Chu Thùy Dương, cô giáo mầm non đã về hưu. Ông Hùng là dân gốc Phú Lâm này, bà Dương là người quê lụa Hà Tây. Ông bà có 4 con thì 3 người đã đi làm, cậu trai út đang theo học Đại học Kinh tế TP.HCM.

Làng biển Phú Lâm còn nghèo lắm nhưng rất hiếu học, nhiều người “khát” sách báo, nhưng thư viện thì ở xa, còn mua thì không có tiền. Là một trí thức ở làng, ông Hùng hiểu được cái cần của kiến thức sách vở đối với người dân vùng quê này. Nung nấu bao đêm, ông bàn với vợ đi vận động đoàn thể, chính quyền, rồi được sự ủng hộ của Thư viện Phú Yên, thế là thư viện mang tên bà mẹ Việt Nam anh hùng Dương Thị Rau ra đời.

Không thể kể hết những khó khăn từ việc mày mò làm thủ tục, đến sửa nhà, đóng giá, gom sách báo... Ngoài việc ủng hộ của mọi người, ông bà còn chắt chiu mấy triệu đồng lương hưu ít oi để mua sách báo. Chính ông Hùng cũng bất ngờ trước sự quan tâm nồng nhiệt của những người đọc ở quê mình.

"Từ hồi mở thư viện này, vợ chồng tui chẳng còn được nghỉ trưa nữa nhưng mà vui lắm! Nhiều người đâu có tiền mua sách báo, nhất là các cháu học sinh”, ông Hùng cho biết. Bà Dương tiếp lời: “Đông nhất là tầm tan giờ học buổi sáng và buổi chiều, lũ trẻ đứng ngồi kín từ trong ra ngoài căn phòng này. Có vài ba đứa được “tiến cử” để ghi sách cho những người mượn về nhà đọc...”.

Ngồi chừng nửa tiếng đồng hồ, chúng tôi đã thấy trên 20 người, phần lớn là học sinh đến trả, đổi sách và đọc tại chỗ. Toàn bộ diện tích thư viện chỉ là một căn phòng chừng 10 mét vuông, dù chật chội nhưng rất trật tự, ngăn nắp. Các cô cậu học trò vốn hiếu động là vậy nhưng khi cầm cuốn sách lên là say sưa thả hồn trong tĩnh lặng.

Vốn quen với những dãy sách tít tắp hoành tráng ở các thư viện chính quy, tôi tỏ ra ái ngại trước số đầu sách hơi ít của thư viện nhà ông Hùng. Chủ nhân cũng rất áy náy với điều này nhưng năng lực tài chính có hạn, đành phải tiếp tục chắt chiu vận động và hi vọng đến sự quan tâm của những tấm lòng đồng điệu với cái sự đọc của người dân nghèo. Ông Hùng cho hay: “Tui gom góp tiền nhà và của anh em ủng hộ trên 3,5 triệu đồng để mua sách nhưng rồi cũng như muối bỏ bể, sách đắt quá! Mấy em bên Đoàn Thanh niên đang vận động thêm sách cũ để bỏ vào cho đầy đặn hơn. Vụ Thư viện - Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch cũng đã hứa tặng cho thư viện này lượng sách trị giá 5 triệu đồng. Có thêm cuốn nào để phục vụ mọi người là thêm một niềm vui, tự hào...”.

Ông Hùng (trái) và tác giả trước thư viện Dương Thị Rau
Một đọc giả trung niên ngồi kế bên, góp chuyện: “Dân biển ngày xưa ít quan tâm đến sách vở, bây giờ đã có nhiều nhà khá lên nhưng vẫn chú trọng chuyện làm ăn hơn là cái học, cái đọc của con em và chính mình. Chuyện giải trí cho lũ trẻ thì quanh đi quẩn lại chí có mấy trò chơi điện tử; ngay như cái căn nhà vợ chồng ông Hùng làm thư viện, nếu người khác thì đã mở một hiệu tạp hóa gì đó rồi, để có đồng ra đồng vào”.

Họa sĩ Trần Trưởng, một người sống cùng làng với ông Hùng, nhận xét: “Vợ chồng chú Hùng đã làm một việc ngoài sức tưởng tượng của tôi, bao đời nay nhiều người làng biển làm gì nghĩ đến chuyện tới thư viện ngồi đọc sách. Chẳng những người lớn có chỗ đọc sách báo, bàn luận thông tin thời sự, mà quý hơn cả là trẻ nhỏ, học sinh bớt sa đà vào những trò chơi có hại”.

Cổ vũ ngay từ những ngày thư viện tư nhân này còn trong ý tưởng, ông Dương Thái Nhơn, Giám đốc Thư viện Phú Yên rất xúc động khi nói về nghĩa cử của gia đình ông Hùng. Theo ông Nhơn, thực tế tại nhiều địa phương hiện nay, chính quyền vẫn còn chưa quan tâm nhiều đến cái đọc của người dân, bởi nỗi lo công chuyện làm ăn và các vấn đề xã hội khác có vẻ như cấp bách hơn là một nơi chốn đọc sách báo. Ông Nhơn bày tỏ: "Điều quan trọng là thư viện này đã giúp người dân làng Đông Tác tiếp cận với sách báo khi ở quá xa các thư viện Nhà nước. Ngành văn hóa cũng chưa thể “với tay” tới được và thực tâm tôi vô cùng xúc động trước việc làm của vợ chồng ông Hùng".

Cũng theo ông Nhơn, ở các tỉnh bây giờ, ngoại trừ việc đầu tư cho thư viện trung tâm tỉnh, các thư viện cấp huyện đã rơi vào tình trạng “xế chiều”, mở cửa lấy lệ. Khắp nơi đang nhộn nhịp phong trào xây dựng “thôn, xóm, ấp, cơ quan... văn hóa” nhưng lại chẳng mấy ai quan tâm đến việc xây dựng một phòng đọc sách báo. Tình trạng “trắng” nơi đọc sách báo ở các vùng nông thôn đã đến hồi báo động đỏ. Trong tình cảnh đó, Thư viện Dương Thị Rau ở làng biển Đông Tác hiện lên như một chấm xanh hi vọng của một xã hội học tập, một nét văn hóa đằm thắm của làng quê...

Hùng Phiên

Một người tài Phú Yên


Huệ Nguyễn: “Cây đại thụ hoang vu” của Phú Yên

Mỗi khi nhắc đến cây bút Huệ Nguyễn (tên thật là Nguyễn Huệ) ở Phú Yên, giới văn nghệ sĩ Nam Trung bộ đều kính nể trước một sức làm việc phi thường và bề dày tác phẩm đáng nể. Sức “cày” đáng nể

Ông Huệ Nguyễn năm nay đã bước sang tuổi 78, ngụ phường 3, TP Tuy Hòa, Phú Yên. Xuất thân từ một gia đình khá giả, ông được học chữ Nho từ nhỏ, sau đó học tiếng Pháp. Đời ông trải qua nhiều nghề, từ đi dạy đến làm ruộng, làm vườn nhưng gắn bó lâu dài nhất nghề lái xe tải. Ông lái chiếc xe ba-lua của gia đình mấy chục năm, gần 60 tuổi mới buông vô-lăng.

Tuy nhiên, nghề mà cuối đời nhìn lại ông tâm đắc nhất là nghề viết văn. Ông yêu văn chương một cách thành kính và đã làm được nhiều việc đáng để lớp hậu sinh phải nghiêng mình, dẫu ông không hề cố ý lập danh - lập nghiệp bằng nghề này.

Có tìm hiểu kỹ mới biết mấy tập biên khảo và thơ in chung chỉ chiếm khoảng… phần ngàn những gì ông đã viết. Đến nay ông đã sáng tác trên 1.000 bài thơ chữ Hán; trên 2.000 bài thơ bằng chữ Việt; trên 500 bài ca trù, hát nói; trên 1.000 trang giấy khổ lớn ca dao; trên 300 bài dịch thơ của các thi sĩ Trung Hoa và Việt Nam. Đáng nói nhất là công trình “độc nhất vô nhị”: bài diễn ca truyện “Tam quốc diễn nghĩa” với 7.000 câu lục bát. Bài diễn ca này được ông viết tay hàng ngàn trang, đóng thành 6 tập dày, ai xem qua cũng đều thán phục.

Ngoài ra, ông còn tự dịch và dịch giúp rất nhiều sắc chỉ, bia, sớ, hoành phi, liễn, đối,… Bây giờ, hễ ai cần hỏi chuyện ông thì cứ điện về số (057) 893438; với cái điện thoại đặt ngay đầu giường, ông sẵn sàng trả lời hàng giờ về văn chương dù sức nghe đã suy giảm nhiều.

Khi tôi hỏi một câu khá… ngớ ngẩn: “Thời gian đâu mà bác đọc và viết nhiều thế?”, ông nói gọn: “Tranh thủ thôi, chủ yếu là do mê mẩn…”. Hỏi thêm mới biết, thời kỳ lái xe tải là lúc ông đọc và viết “sung” nhất. Cánh tài xế khi ấy, cứ dừng xe ở đâu là lo ăn uống, ngủ nghỉ; còn riêng ông thì hí hoáy đọc, viết, hỏi người dân địa phương cái này, ghi chép cái kia, ban đêm thì bật đèn pha đầu xe mà đọc, mà viết…


Văn chương là liều thuốc

Đã hơn 5 năm rồi, nhà thơ Huệ Nguyễn bị tai biến mạch máu não, phải quanh quẩn trong nhà, chủ yếu là bên chiếc giường sắt chất đầy sách vở và những tập bản thảo chồng chất… Nay đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, trí nhớ đã giảm nhiều, đi đứng khó khăn nhưng bút và giấy lúc nào cũng sẵn bên để ông sáng tác, biên khảo.

Những tập sổ chép tay của ông chữ đều tăm tắp, xếp dày vài mét. Nhiều người quen biết cứ xuýt xoa bàn luận về những công trình ông đã dày công sưu tầm và biên khảo nhưng đa phần đều nghèo nên không thể giúp gì cho việc xuất bản các tác phẩm đó của ông. Khi tôi tỏ vẻ tiếc về chuyện nhiều công trình chưa in, ông không lấy đó làm buồn mà nói: “Để đó, nếu ai có đến hỏi thì sai con lấy xuống đọc… chơi”.

Thật khó nói hết về niềm tin của ông Huệ Nguyễn dành cho nghiệp văn. Dù tên tuổi không nổi đình nổi đám nhưng có thể nói ông là một “lực điền” chuyên tâm trên “cánh đồng” chữ nghĩa, một dáng dấp học giả trong vỏ bọc nông phu. Hiện tại, những ngày cuối trên giường bệnh, con chữ và nghiệp viết đã thực sự là cứu cánh của đời ông. Nói như nhà văn Ngô Phan Lưu, một người bạn vong niên của nhà thơ Huệ Nguyễn: “Cụ quả là một đại thụ hoang vu ít người biết đến…”.



Tác giả Huệ Nguyễn viết chung với nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Nguyễn Đình Chúc nhiều công trình khảo cứu khá công phu, trong đó, một số tập đã đạt giải thưởng của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam như Lịch sử Phật giáo và các ngôi chùa ở Phú Yên, Câu đố Việt Nam, Hò khoan Phú Yên, Ca dao- đồng dao- hò vè,...

ĐỨC TUẤN

Thứ Hai, 29 tháng 9, 2008

Viết về vợ chồng Lê Đinh Hòa

Chàng thi sĩ mù xứ Nẫu và mối tình với người con gái Thái Nguyên





Mối tình giữa chàng thi sĩ mù và cô gái đến từ đất Bắc đã làm xôn xao phố phường Phú Lâm, Tuy Hòa từ mấy tháng nay. Bởi câu chuyện cứ như trong tiểu thuyết diễm tình mà lại là sự thực rành rành như biết bao mối tơ duyên khác với kết quả là những đám cưới hằng ngày diễn ra trên trái đất này.

Căn nhà hai người đang ở là số 279 Nguyễn Văn Linh, khóm 1, phường Phú Lâm, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Chàng thi sĩ ấy là Lê Đình Hòa, sinh năm 1963, bị mù từ năm 1985 khi đang học năm thứ 2 Đại học Sư phạm Quy Nhơn. Và người đẹp bên anh là Trần Thị Hạnh, sinh năm 1964, quê ở Thái Nguyên, là giáo viên dạy trẻ tại trường mầm non thị trấn Chợ Giã, huyện Ba Bể, Bắc Cạn. Bắt đầu cho mối kỳ duyên này là bài báo viết về Hòa “Ta bỏ trường nhung nhớ để ngàn sau” của Trần Hoàng Nhân (tạp chí Tài Hoa Trẻ số 305 ngày 3/3/2004)…

Chỉ có thơ trong đời…

Cũng như nhiều sinh viên khoa văn, Hòa đã cầm bút làm thơ trong sổ tay, đọc cho bạn bè thân thiết trong những lần sinh hoạt, tâm tình. Hòa nói: “Lúc sáng mắt, mình làm thơ chơi vui vậy thôi. Còn hai mươi năm qua, thơ đã là niềm an ủi lớn nhất đối với mình…”. Tôi và nhiều anh em ở Hội Văn nghệ Phú Yên đã lâu rồi rất tâm đắc với những vần thơ của Lê Đình Hòa:

Những con đường thi nhân đi qua
Xấu xí vịt bầu một trời hoàng hạc
Chân rượu đế lần khăn tay cua ốc
Tẩu buồn phun khói nhớ quê nhà (Nhớ Bùi Giáng)

***

Ta bỏ trường nhung nhớ để ngàn sau
Làm xa lạ bỏ tình yêu giữa phố
Chiều nghiêng môi uống cùng ta bão tố (Nhớ Quy Nhơn)

và gần đây là bài thơ sau ngày cưới vợ (13/8/2004):

Em chúm môi măng, ta dập đầu vạn tuế
Trước mắt mình ẩn hiện một nhi đồng
Ta chỉ muốn được em bồng bế
Qua mùa thu, qua hết mùa đông (Cảm giác).

Trong căn nhà nhỏ bên hẻm chợ Phú Lâm, Hòa đọc cho tôi những vần thơ tâm huyết, bài thơ nào dù có dài cách mấy, anh cũng thuộc lòng, cả thơ của nhiều tác giả khác. Nghe tôi khen về trí nhớ, Hòa phân trần: “Trước kia, nhiều chuyện phải lật sách vở, còn giờ làm thơ cứ lẩm nhẩm trong đầu là thuộc. Tại không thấy được nên buộc vậy…”. Nhìn đôi mắt mở to của Hòa và những thao tác, đi lại gọn ghẽ trong nhà, có lúc tôi cứ ngỡ anh còn sáng mắt như bao người bình thường. Và thực sự, Hòa đã “vịn câu thơ đứng dậy”, “câu thơ trong veo neo giữ phận người” như có nhà thơ đã viết. Hòa bồi hồi: “Những ngày đầu bị mù, mình như không thiết sống nữa. Gia đình, anh em bè bạn và những bài thơ đã kéo mình ở lại…”; thấm thoát đã hai mươi năm trôi qua và gia tài thơ của anh đã có gần 200 bài. Rồi chẳng bao lâu sau ngày Hòa bị mù, cha anh cũng mất vì bệnh ung thư. Mẹ Hòa, bà Huỳnh Thị Lài kể: “Vợ chồng tui có sáu con, Hòa là đứa thứ tư. Hồi nẳm, nó đang học ở Quy Nhơn thì bị mờ mắt, tui đã vét hết nhà chạy đủ nơi để cứu chữa nhưng rồiø đành nhìn con chịu cảnh mù lòa. Chớ mà nó kiên trì lắm, nó cố gắng sống đàng hoàng như người ta mà… Chồng chết, gia cảnh khổ cực trăm bề, tui cũng ráng làm lụng nuôi con”. Căn bệnh teo dây thần kinh thị giác đã xóa nhòa giấc mộng làm nghề dạy học của chàng trai Lê Đình Hòa, chỉ còn nàng Thơ ở lại cùng anh…

Người đến từ nghìn trùng…

Nhớ Bùi Giáng

Những con đường Thi nhân đi qua
Lá me nhỏ nhiễm buồn tưng tửng
Cây trí nhớ nở bừng mây trắng
Bập bềnh dươí chân người đi xa.

Những con đường Thi nhân đi qua
Này áo này khăn ơ hờ râu tóc
Một chân Thị Nghè, một chân Nhiêu Lộc
Lục bình nghẹn chảy tím sông hoa.

Những con đường Thi nhân đi qua
Xấu xí vịt bầu một trời hoàng hạc
Chân rượu đế lần khân tay cua ốc
Tẩu buồn phun khói nhớ quê nhà.

Những con đường Thi nhân đi qua
Ai nói ai cười ai lau nước mắt Cội mai vàng ai ngồi mơ phương Bắc
Tiễn đưa chiều ai gõ nhịp năm ba.

Những con đường Thi nhân đi qua
Con mắt ngày xưa bây giờ còn khóc
Đường phố đông vui tiễn người cô độc
Có một ngày về ta nhớ ta.

Con đường trần có Bùi Giáng đi qua.

Lê Đình Hòa

Riêng chuyện yêu và cưới vợ của Lê Đình Hòa thì đầu đuôi thế này. Chị Hạnh hồi tưởng:

- Mình rất thích đọc sách báo, tình cờ một hôm mình đọc bài viết về anh Hòa, vì thấy đồng cảm và đang buồn nên mình viết thư chia sẻ. Rồi anh Hòa nhờ người viết thư trả lời. Các thư sau đó của mình là nói vào băng cát-xét gởi qua đường bưu điện; bởi tình cảm mình chỉ muốn riêng ảnh biết thôi. Tất cả mình đã gởi cho anh Hòa 7 thư bằng băng cat-xet. Cứ thế, chưa gặp nhau nhưng tình cảm giữa hai đứa cứ bồi thêm mỗi ngày… Rồi anh Hòa gởi cho mình một lá thư “quyết định” chuyện hôn nhân và mình đồng ý…

Hòa bổ sung thêm:

- Khi gởi thư “quyết định” rồi, bọn mình còn liên hệ bằng điện thoại và mình đã mời Hạnh về Tuy Hòa thăm chơi biết nhà. Thuyết phục được Hạnh nhận lời, mình rất mừng…

Tôi “tra vấn” tiếp Hạnh:

- Khi anh Hòa gởi “tối hậu thư”, chị quyết định khó khăn lắm không?

- Tình cảm chúng mình cách trở như vậy nhưng tự nhiên lắm, thấy như ø đã tìm được người đồng điệu, dù chỉ qua những lá thư. Mình cũng suy nghĩ nhiều đêm về chuyện phải thay đổi môi trường sống và đủ thứ khác, không biết rồi ra sao nhưng mình tin vào tình yêu và ý chí vượt lên hoàn cảnh của anh Hòa…

- Thế còn ý kiến phía gia đình chị?

- Nhiều người trong nhà cũng cản ngăn, phân giải nhưng rồi cũng tôn trọng quyền lựa chọn và sự quyết tâm của mình.

- Còn giờ chị thấy cuộc sống ở Tuy Hòa ra sao?

- Nói thật, ban đầu cũng rất lo lắng nhưng quyết định đến với anh Hòa như là một định mệnh, mình như là tìm được một nửa còn lại. Vào đây rồi, mình thấy cũng rất dễ hòa nhập, gia đình anh Hòa sống rất tình cảm nên mọi chuyện rất thoải mái. Mình đang rất hạnh phúc.

Tôi được biết, Hạnh cũng có làm thơ, chị viết nhiều nhất là lúc trao đổi thư từ với Hòa. Hạnh đọc mấy câu chưa bao giờ gởi đăng báo:

“Con sóng nhớ vùi đầu vào bờ cát
Buồn thương ai mà thông hát vu vơ
Biển trông ai mà quay quắt xô bờ” (Nhớ)

***

“Nỗi nhớ ơi sao cứ da diết mãi
Bước chân em không dài, cánh tay lại ngắn
Làm sao chạm được tới anh
Hay em hóa vào cỏ mượt dưới trăng
Trải đệm anh nằm, làm mây anh đắp
Chỉ xin trời đừng đổ mưa, mây đừng tan thành nước
Ướt anh thấy lạnh, em đau” (Trích trong băng “thư” Hạnh gởi Hòa).

Trong suốt cuộc nói chuyện, tôi đã vui lây với niềm hạnh phúc như luôn ngời sáng trong mắt họ. Hòa âm trầm: “Cảm ơn ông trời, cảm ơn bạn bè đã giúp mình có được hạnh phúc hôm nay. Còn từ giờ trở đi, có được tình yêu của Hạnh, dẫu cuộc đời còn có xô đẩy đến đâu, mình cũng sẽ phấn đấu vượt qua mọi hoàn cảnh để xứng đáng với niềm tin tưởng của những người thân yêu…”. Tôi gợi chuyện yêu đương của anh trước khi gặp Hạnh thì được Hòa ôn cố tri tân: “Hồi đi học, mình cũng có chuyện yêu đương nhưng rồi cũng trôi qua theo bệnh tật. Sau đó thì mình mặc cảm người ta thương hại mình, chứ đâu muốn xây dựng với một người mù. Mình cũng ước ao có được một gia đình riêng nhưng sao khó quá. Bạn bè có dẫn giới thiệu một số cô nhưng rồi có người nặng lời làm mình rất buồn. Vậy nên mình càng ngại ngùng, cứ suốt ngày ở nhà… Còn giờ thì thơ mình đã thêm nhiều chất vui rồi”.

Mong ước giữa mùa xuân



Chị Hạnh thẳng thắn:

- Mình biết cuộc sống không phải lúc nào cũng trôi êm đẹp nhưng bọn mình rất tin bằng sự cố gắng của hai đứa, mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Bây giờ mình cảm thấy rất hạnh phúc và sẽ phấn đấu nhiều hơn nữa để đạt những dự định tiếp theo.

- Công chuyện làm ăn sắp tới của chị?

- Gia đình vừa sửa san một căn phòng trong nhà để mình giữ vài đứa trẻ, kiếm thêm thu nhập. Mọi người trong xóm rất ủng hộ và với kinh nghiệm dạy mầm non, được mẹ và anh Hòa phụ giúp, mình nghĩ công việc sẽ thành công.

Anh Đỗ Đình Tây, người phụ trách Chi hội Văn học nghệ thuật huyện Tuy Hòa cho biết: Lê Đình Hòa là một người giàu khả năng và nghị lực, chi hội luôn tìm cách giúp đỡ nhưng cũng rất hạn chế và chúng tôi cũng đã đề xuất với Hội VHNT Phú Yên tài trợ in cho Hòa một tập thơ riêng. Còn về chuyện in thơ trên các báo, Hòa cho biết vẫn nhờ vào những anh em quen biết là chủ yếu; giờ thì chị Hạnh đang bắt đầu chép lại thơ cho anh. Do khó khăn về đi lại, giao tiếp nên thơ của Lê Đình Hòa vẫn chưa được giới thiệu nhiều. Và một mơ ước lớn hiện nay của anh là vươn lên như bao nhiêu người tật nguyền làm nghệ thuật đã được nhắc đến nhiều trên sách báo. Kênh thông tin chủ yếu hiện nay của anh là chiếc radio thân thiết nên phần lớn thơ Hòa gởi cho đài phát thanh của tỉnh và Đài Tiếng Nói Việt Nam. Hòa nhận xét rất chi tiết và tinh tế các chương trình qua phát thanh, như chương trình nào hay, dở, một số chương trình văn nghệ cần chọn lọc bài vở kỹ hơn,... Nhà thơ Nguyễn Tường Văn, biên tập viên Đài Phát thanh Phú Yên nhận xét về thơ Hòa: “Phải nói Lê Đình Hòa là một người có tài, làm thơ rất chắc tay và khá hiện đại. Tôi đã biên tập dùng bài của Hòa khá nhiều rồi mới biết được anh bị mù. Không hẳn là chuyện tên tuổi nhưng tôi mong rằng các anh em báo chí, văn nghệ làm sao quan tâm sử dụng thơ Hòa nhiều hơn để anh có thêm niềm vui và một chút nhuận bút trong lúc gia đình anh còn khó khăn”. Riêng tôi lại thêm một lần biết rằng, tình yêu thật khó lý giải và so đo, họ đã vượt qua hàng nghìn cây số với bao nhiêu chướng ngại để đến bên nhau và họ sẽ đi chung đường dài hơn thế nữa.

Xuân Ất Dậu 2005, đón cái Tết đầu tiên sau ngày cưới vợ, Lê Đình Hòa đang mong có thêm nhiều bầu bạn đến cùng anh sẻ chia những vui buồn trong đời cùng những vần thơ lung linh sức sống giữa tiết xuân đang độ nồng nàn…

Hùng Phiên

PHAM DUY hầu kí

  "HỌC NHƯ THỂ CHẲNG DÀI LÂU... " (Đọc Hồi ký Phạm Duy 2)    Tôi chưa định viết những dòng dưới đây trong vài bài ghi chép khi đọc...