ĐỜI ĐI... HỌP

Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

Cuối năm, hành nhau đi họp

31/12/2010 19:47:56

Mỗi độ cuối năm các cuộc họp hành lại nở rộ. Có thể nói, nhiều người Việt Nam đã dành phần lớn thời gian đời mình để… họp! Tuy chán ngấy chuyện họp giống như thể… hành xác ấy nhưng họ chẳng biết cách nào để… trốn.
Tình cờ trò chuyện với một anh bạn công chức, tôi hỏi: “Ông sợ gì nhất?”. Trả lời: “Họp!”. Nhân bàn đến chuyện họp, anh bạn tôi (là trưởng một phòng chuyên môn cấp huyện) đã tỏ lòng: Tư duy hành chính ở ta lâu nay là việc gì cũng họp, không có gì quan trọng cũng họp. Bởi cá nhân không dám chịu trách nhiệm nên phải đưa ra “quyết tập thể cho an toàn”! Mà chẳng cứ đi làm nhà nước mới phải họp nhiều, còn nhỏ đi học thì họp lớp, họp tổ, họp đội… liên tục. Lớn lên một chút thì họp đoàn thanh niên, thay mặt gia đình đi họp thôn, họp hội nông dân, họp đoàn thể ở địa phương.Anh bạn tôi thống kê sơ bộ mỗi tháng anh phải tham gia hàng chục cuộc họp định kỳ trong cơ quan: họp tổ chuyên môn, họp giao ban, họp cấp ủy, chi bộ, công đoàn, đoàn thanh niên, giao ban ủy ban, huyện ủy… Rồi giữa năm, cuối năm là các cuộc họp bình xét thi đua, sơ-tổng kết của cơ quan mình và hàng loạt cơ quan bạn. Đó là chưa kể các cuộc họp nghị quyết, triển khai văn bản mới, các cuộc họp đột xuất của cấp huyện và ngành cấp trên triệu tập, rồi còn nhiều cuộc khác không thể kể tên.Anh thú thật: hầu như ngày nào mình cũng phải họp, ngày cao điểm có khi phải họp đến 4-5 cuộc (đó là đã giao bớt cho cấp phó đi dự thay).
Đi họp chủ yếu là ngồi một chỗ, khá mỏi mệt, lại phải ăn uống nhậu nhẹt. Có lẽ nỗi khổ về mấy cái bệnh xương khớp, béo phì, dạ dày… cũng do ngồi họp nhiều, ăn nhậu nhiều mà ra! “Tui cũng chả phải là người hay bia rượu nhưng đã đi hội nghị thì phải dùng cơm, nâng ly… Vì quan hệ công việc không thể từ chối được! Cái lệ nó thế. Bia rượu đến nỗi mình cũng ngán mình chứ nói gì đến vợ con!” – anh bạn bộc bạch. Họp hành chiếm thời gian đến nỗi anh chẳng còn bao nhiêu thời gian để lo điều hành chuyên môn. Đôi khi có vài việc nhà mà cũng hẹn nay hẹn mai, nói gì đến việc xem thông tin, đọc sách để nâng cao kiến thức hay thư giãn. Rồi anh “trút bầu” thêm: “Hồi mới đi làm cũng… ham họp thật, thấy “ý kiến ý cọ, cãi qua cãi lại, đề nghị đề nghiếc, phê bình phê biếc…” cũng oai oai. Nhưng rồi “mài đũng quần” họp hành nhiều quá riết rồi sợ, thấy người ngượm, đầu óc như ngày càng mụ mị…”. Anh tiếp: “Có mấy cha mình quen rất mê họp, mê đến nghiện ngập, họp suốt ngày, suốt tuần, suốt tháng, suốt năm mà chẳng thấy than thở gì cả, tài thật!? Nhiều cha còn “luyện được chiêu” ngủ mở mắt ngay trong cuộc họp, thế nhưng “giấu đầu lòi đuôi” vì... ngáy ầm ĩ! Một cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp huyện đã thống kê cho tôi thấy tần suất họp của anh còn… chóng mặt hơn nhiều! Cũng không thể thiếu các cuộc họp tương tự như anh bạn trưởng phòng nói trên nhưng vì gánh vai lãnh đạo huyện, ông còn kiêm hàng chục chức danh của các hội đồng này, ban quản lý kia. Nên nói như ông là “họp không kịp thở”. Bản thân tôi chỉ là một công chức hành chính cấp tỉnh, không có chức tước gì mà còn “oải” với khoảng… hai chục cuộc họp mỗi tháng (họp chuyên môn, họp chi bộ, đoàn thể, họp khu phố, kiểm điểm công chức, kiểm điểm đảng viên...). Có những cuộc họp “gay cấn” (do mâu thuẫn nội bộ, do mượn diễn đàn để... cãi lộn!) còn kéo dài từ ngày này sang ngày khác, đến quá 12 giờ đêm, khiến ai cũng ngáp liên tục, khiến nhiều bà mẹ trẻ bị... căng sữa! Một anh bạn công chức vừa nghỉ việc nhà nước chuyển sang làm tư nhân, nói với tôi: “Trong nhiều lý do mình “ra ngoài” có việc quá mỏi mệt vì họp hành. Đa phần các cuộc họp đều chẳng giải quyết được gì ngoài chuyện cãi vã, đấu đá hoặc nói chuyện tầm phào. Vậy mà mình đi trễ hoặc quên, vắng một cuộc nào là bị kiểm thảo, trừ điểm thi đua… đến phát ớn! Nói thật, sống ở tỉnh mà dám bỏ việc nhà nước, vợ chồng mình suy tính dữ lắm nhưng không thể cứ tà tà ngày tám tiếng… họp với ngáp vặt. Rồi cuộc sống, sự nghiệp của mình đi về đâu…?”.
Hoàng Yến
(Thư o giờ, Bee.net.vn)

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 05:44 0 nhận xét  

THUỶ ĐIỆN... ẨU XỊ

Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010


Tội nghiệp “thằng” thủy điện!


09/11/2010 16:36:06


Tôi chợt nhớ trong… văn chương, có chuyện thằng con hỗn hào bị cha mẹ ra tay trói đánh tơi bời, kêu công an tới bắt; nó quay sang quát thẳng vào mặt mẹ cha: “Ai biểu ông bà… đẻ tui ra…!!!”.



Hễ có thiên tai là có thiệt hại, xưa nay bao giờ cũng… rứa rứa. Nhưng thời nay lại có thêm… giống nhân tai, gây thiệt hại chẳng thua gì thiên tai. Nhắc chuyện xưa.Hễ mỗi lần lũ lụt lớn là nhân gian chỉ biết than trách ông Trời. (Mà than thầm thôi, chứ nói to coi chừng ổng vật). Mấy năm gần đây.
Dân vùng hạ du các sông lớn, hễ bị lũ lụt là lôi ông… thủy điện ra “mắng, chửi”. Đã vậy, cánh báo chí lại còn “tiếp tay"! Gần đây, nghe đâu chính quyền một số địa phương cũng tham gia. (Trong lúc các nhà khoa học, chuyên gia thủy lợi, các nhà phản biện xã hội… thì chỉ… than thầm?!).
ẢNH: Đập tràn hồ thủy điện sông Ba Hạ xả lũ dữ dội.
Ngày xưa, chỉ có Cóc mới dám kiện ông Trời. Giờ lâm vào cảnh tương tự, nông dân tỉnh P. cũng chỉ biết mắng quẹt quẹt mấy “ông” thủy điện.Mới nghe tin có vẻ vui, nông dân tỉnh L. đã dám kiện… thủy điện xả lũ “tầm bậy” làm thiệt hại mùa màng, phải bồi thường thích đáng! Chưa biết kết quả ra sao.Nhưng mà càng nghĩ càng tội nghiệp cho “thằng” thủy điện. Thủy điện có nói: “Nhân chi sơ tánh bổn thiện”, “nếu biết “dạy dỗ” đến nơi đên chốn thì… tui đâu có hư!?”. À, ra thế! Tôi chợt nhớ trong… văn chương, có chuyện thằng con hỗn hào bị cha mẹ ra tay trói đánh tơi bời, kêu công an tới bắt; nó quay sang quát thẳng vào mặt mẹ cha: “Ai biểu ông bà… đẻ tui ra…!!!”. Vậy thì việc xây dựng “loạn xạ”, xả lũ “ẩu tả” này, chẳng lẽ lại kiện người "đẻ" ra thủy điện...

Hoàng Yến
(Thư o giờ, Bee.net.vn)

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 15:06 0 nhận xét  

QL1 DỎM



Chậm khắc phục sạt lở quốc lộ 1 do vướng giá đền bù
SGTT.VN - Ngày 12.11, chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã ra thông báo về việc tình trạng khẩn cấp xử lý tình trạng sạt lở trên quốc lộ 1 đoạn qua xã An Dân, huyện Tuy An (Phú Yên). Thế nhưng, sau gần một tháng, các phương tiện lưu thông qua “cung đường tử thần” này vẫn bám víu vào mặt đường đã bị sụp lở 50%, trong khi đó, việc mở tuyến đường tránh qua đây vẫn chưa có.


Cung đường đau khổ

Dày đặc xe cộ len lỏi qua đoạn đường bùn nhão, đất đá vương vãi, xe máy nằm chờ,... trên dốc Vườn Xoài. Ảnh: Bích Đào

Những ngày này, khi hỏi cánh tài xế “sợ đi qua đâu nhất?” thì đều nhận ngay câu trả lời: Phú Yên! Cụ thể, đó là dốc Vườn Xoài (thôn Cần Lương, An Dân, Tuy An) đã trở thành nỗi ám ảnh cho các lái xe ôtô trên đường xuyên Việt trong nhiều năm qua, nhưng chưa khi nào lại gay go, nóng bỏng như lúc này.
Trở lại khu vực tuyến quốc lộ 1 đang trong tình trạng khẩn cấp cần phải sửa chữa giữa mùa mưa gió, lại nghe có chuyện xe tải vừa bị sụp hố khi đi qua đoạn đường này, chúng tôi không khỏi rùng mình. Ngay đầu phía nam dốc Vườn Xoài là tấm panô với cảnh vịnh Xuân Đài thơ mộng: “Welcome to Phu Yen, năm du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung bộ – Phú Yên 2011, kỷ niệm 400 năm Phú Yên (1611 – 2011)”. Thế nhưng, người đi đường phải gặp ngay những tốp xe bị ùn ứ vì chạy tốc độ hạn chế, với khói bụi mịt mù. Tiếp đến là những bãi đất bùn nhão do dòng xe cộ băm qua, băm lại tạo nên những “ổ trâu”, “ổ voi”, đất đá ngổn ngang cùng những ao nước đọng do những cơn mưa đổ triền miên suốt hơn tháng qua.
Tại khu vực có 100m đường bị sụp trôi 50% mặt đường, xe cộ luôn chen chúc trên nền bùn lầy lẫn đất đá, với những biển cảnh báo nguy hiểm qua vùng nền đường hẹp – đất yếu, nhiều chủ phương tiện ôtô, hoặc xe máy đều không khỏi “sởn tóc gáy” do họ không biết khi nào mình bị hất trôi xuống vực. Tuy nhiên, dưới sự hướng dẫn của một số công nhân đường bộ tại đây, các bác tài chịu khó nín thở để vượt qua “cửa ải” này được do nhờ trước đó, ở phía taluy đông bị đẩy trôi trên 20m, các đơn vị ứng cứu đường bộ đã đổ xuống đây trên 3.000m3 đất đá để tạm giữ chân đường quốc lộ.


Chậm thi công do không đạt thoả thuận giá đền bù
Trao đổi với phóng viên SGTT, đại diện cục Đường bộ Việt Nam và khu Quản lý đường bộ 5, đều quả quyết: Sẽ phối hợp với địa phương, tập trung toàn lực để khắc phục, ổn định đoạn quốc lộ bị hư hỏng, nhanh chóng mở tuyến tránh về phía tây để giải quyết ùn tắc xe cộ. Vào giữa tháng 11.2010, lãnh đạo trung tâm Kỹ thuật đường bộ 5 cho biết, họ đã hoàn thành hồ sơ thiết kế xây dựng trên 200m tuyến tránh về phía tây đoạn sự cố, với nền đường rộng 12m. Tuyến tránh này được thực hiện theo kiểu vừa thiết kế, vừa thi công, đền bù di dời dân đến đâu, sẽ giải toả mặt bằng, thi công đến đó. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, mặt bằng để xây dựng tuyến tránh vẫn chưa có; người dân bị ảnh hưởng bởi việc mở tuyến đường tránh vẫn chưa di dời để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Hỏi ra mới biết, cũng như bao công trình “nguội” khác, công trình “nóng” này vẫn bị ách tắc bởi chuyện dài muôn thuở trong các dự án xây dựng công trình giao thông, đó là: chuyện chậm di dời dân do chưa thống nhất được giá cả đền bù cho dân. Ông Phạm Văn Hoá, giám đốc công ty quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên nói: “Chúng tôi được phân công thi công tuyến đường tránh, mọi chuẩn bị về lực lượng nhân công, xe máy đều đã sẵn sàng từ lâu. Hồ sơ thiết kế và việc cắm mốc hiện trường, đã làm xong. Trong tình thế khẩn cấp này, nếu có được một mét vườn, trụ điện,... đã được đền bù xong, chúng tôi sẽ cho giải toả ngay để lấy mặt bằng thi công. Thế nhưng, hiện nay, việc thống nhất giữa người dân với chính quyền về giá cả đền bù di dời vẫn còn chưa xong, nên chúng tôi chưa thể thi công được”.
bài và ảnh: Bích Đào

(SGTT)

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 14:58 0 nhận xét  

HẦM ĐÈO CẢ


Vì sao hầm đường bộ qua đèo Cả chậm khởi công?
SGTT.VN - Hầm đường bộ qua đèo Cả dự kiến khởi công trong năm 2010, nhưng phải dời lại. Ngày nào chính thức khởi công vẫn chưa có. Phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị đã trao đổi với ông Hồ Minh Hoàng, tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư đèo Cả:
Việc chậm khởi công là do phương án mới thay đổi hướng tuyến. So với cũ, có gì thay đổi?

Sẽ có một hầm đường bộ chui dưới đèo Cả. Ảnh: Mạnh Tâm


Việc thay đổi hướng tuyến này vì lý do kỹ thuật là chính, vì phương án trước đây được các nhà khoa học, các tổ chức thẩm định đánh giá là chưa thực sự tốt. Hướng tuyến cũ qua một số khu vực có những vết đứt gãy, có thể gây sạt lở và sự cố khi thi công, ảnh hưởng lớn đến giá thành và tiến độ. Xét về tính chất địa hình, đây là quyết định tối ưu hoá hướng tuyến, thiết lập lại một hướng tuyến mới để so sánh với bốn hướng tuyến trước đây do các đơn vị tư vấn Việt Nam đã lập. Lần này, đơn vị chọn lập hướng tuyến mới là Egisbceom của Pháp, với sự thẩm định của một hội đồng gồm các nhà chuyên môn uy tín trong và ngoài nước. Phương án thiết kế mới này đã được lãnh đạo bộ Giao thông vận tải đánh giá cao và thống nhất cho phép triển khai các bước tiếp theo và yêu cầu nhà đầu tư nghiên cứu thêm việc nối kết các tiểu dự án xung quanh.
Đó là các tiểu dự án gì, thưa ông?
Đó là các dự án cấp điện, cấp nước, du lịch sinh thái... Yêu cầu nhà đầu tư rà soát lại các phương án phân kỳ (như hầm đường bộ Hải Vân) hay là không phân kỳ. Nhất là lưu ý các phương án thi công đồng bộ hai đường hầm, tránh ô nhiễm môi trường và những hạn chế của hầm đường bộ Hải Vân hiện nay; để xây dựng hầm đường bộ đèo Cả hiện đại hơn, sẽ nối kết phù hợp với đường cao tốc Bắc – Nam trong tương lai. Sau khi thẩm định thiết kế, một số kịch bản về thu phí qua hầm cũng sẽ được đưa ra để lựa chọn phù hợp.
Như vậy, việc thay đổi hướng tuyến và một số điều chỉnh khác sẽ làm thay đổi quy mô đường hầm, tổng mức đầu tư?
Đúng. Công trình này được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) kết hợp BT (xây dựng – chuyển giao). Trong khi đó, hình thức BOT cũng đang được lưu ý, với chính sách hỗ trợ kèm theo của nhà nước, như cấp tiền trả dần, bảo lãnh cho vay vốn... Riêng mức lãi vay do hai ngân hàng của Pháp cam kết tài trợ toàn bộ dự án là ngân hàng Credit Agricole Corporeate & Investment và ngân hàng Société Générale được áp dụng hình thức tín dụng ưu đãi xuất khẩu, khá hấp dẫn trong bối cảnh hiện nay.
Hiện tại, tổng mức đầu tư cho dự án qua hầm đèo Cả là bao nhiêu?
Hầm đường bộ qua đèo Cả đã yêu cầu tư vấn phải xây dựng quy mô hầm đảm bảo nhu cầu trước mắt và chuẩn bị để kết nối đường cao tốc Bắc – Nam, tránh lãng phí và khắc phục các nhược điểm mà cơ quan bộ Giao thông vận tải, địa phương, các chuyên gia kỹ thuật đã lưu ý trước đây như: thông gió, phòng chống cháy, môi trường... và đáp ứng nhu cầu tăng trưởng xe hiện nay. Hiện nay, hầm đèo Cả sẽ là hai hầm độc lập với bốn làn xe, kết hợp với các dự án thành phần cấp nước, cấp điện... cho dự án chính và cả nhu cầu cấp nước của khu kinh tế Vân Phong, nên tổng mức đầu tư khoảng 16.000 tỉ đồng.
Bích Đào (thực hiện)

(SGTT)

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 14:48 0 nhận xét  

GẶP VỢ CHỦ TÀU CÁ





Những người vợ trẻ đợi tin nơi biển lạ

Thứ ba, 21/12/2010 06:55


Mới chuyến đầu mùa đánh bắt xa bờ, đã có gần chục tàu với trên 50 ngư dân Phú Yên bị mất liên lạc trên các vùng biển xa. Thân phận những người vợ trẻ và những đứa con thơ lại sống trong “tâm bão” rất đáng thương.Nhà hai gia đình anh em sinh đôi Lương Công Đồng -Lương Công Đông (33 tuổi, chủ hai tàu cá PY-91049 và PY-1459) ở kề vách tại xóm Rừng, Đông Tác (khu phố 6, phường Phú Đông, TP. Tuy Hòa). Đây là khu vực thuộc diện sắp phải di dời nhưng chưa biết sẽ tái định cư như thế nào. Tiếp chúng tôi, chị Phạm Thị Mỹ Liên (31 tuổi), vợ anh Đồng, cho biết: từ hôm nghe tàu câu cá ngừ đại dương của gia đình (trên tàu chồng chị và 8 người đi bạn) trôi dạt trên vùng biển Philippines, chị không đêm nào ngủ được. Nuốt nước mắt vào trong, thắp nhang ngóng tàu trở về bình an, chị không dám nói gì với hai con gái, đứa 8 tuổi, đứa 5 tuổi.



Chị Trần Thị Thanh Thuyết và con gái đang ngóng anh Lương Công Đông nơi biển Philippines



Chiếc tàu PY-1459 được gia đình chị Trần Thị Thanh Thuyết (vợ anh Đông) vay vốn đóng được cách đây 10 năm với giá 350 triệu đồng, năm được năm mất nhưng cũng ăn nên làm ra. Mỗi niên vụ câu cá ngừ đại dương thường kéo dài trong tám tháng, từ tháng 12 năm này đến tháng 7 năm sau; gia đình chỉ sum họp vào những tháng biển động. Bởi mỗi chuyến biển kéo dài một tháng, về nghỉ vài ngày cánh đàn ông lại lên tàu biền biệt. Chị Thuyết tâm sự: gặp lúc trúng mùa, thu nhập cao nhất một chuyến câu của chồng chị gần 100 triệu đồng, còn chuyến thất bại thì lỗ cũng tương tự. Vì khả năng làm giàu được từ biển nên dù bao nguy cấp, mọi người đều cắn răng “chung sống” vượt qua.Hai “kèo” vợ trẻ sống cạnh nhau chỉ biết ngày ngày chăm lo con cái, cửa nhà và chia sẻ tâm trạng “đốt lửa” chờ chồng. Chị Liên nói: “Tàu PY-91049 do gia đình chị dốc toàn lực sắm được cách đây sáu năm với giá 550 triệu đồng. Chuyến biển này, hai tàu đã đi đúng một tuần từ bến Đông Tác, trên mỗi tàu đều có 9 người. Ngày 17 và 18-12, khi nghe tin hai tàu trôi dạt gần đảo Dứa (Philippines) và mất liên lạc, gia đình cả hai bên đều suốt ngày ngồi bên điện thoại, không ngủ được cũng vì chờ... điện thoại!”.



Chị Phạm Thị Mỹ Liên, vợ chủ tàu Lương Công Đồng



Nhưng thật bất ngờ, trưa 19-12 chồng chị, anh Đồng và anh Đông đã điện về gia đình cho biết tàu đã hoạt động bình thường trở lại. Trước đó, hai tàu không vào đảo Dứa tránh gió bão vì ngại bị bắt, nhưng sau đó nhờ các cơ quan nước ta can thiệp nên tàu đã được vào neo đậu an toàn qua đợt biển động.Ngày 20-12, Bộ đội Biên phòng Phú Yên cho hay: đã liên lạc thường xuyên được với tàu PY-91049 và PY-1459 trôi dạt trên vùng biển Philippines, bốn tàu PY-96155, PY-42492, PY-90922 và PY-2052 trôi dạt trên vùng biển Trường Sa hiện cũng đã an toàn vì biển đã lặng, các tàu đều tổ chức đánh bắt bình thường...


Bài, ảnh: BA ĐÀO


(CATP HCM)

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 14:41 0 nhận xét  

ĐÁ KÊU




Ly kỳ bảo vật Việt Nam - Cặp kèn đá 1.000 năm

24/12/2009 0:07
NSƯT Thanh Hải đang biểu diễn kèn đá - Ảnh: Lê Minh
Năm 1994-1995, việc phát hiện cặp kèn đá (tù và) hình hai con cóc tại huyện Tuy An (Phú Yên) đã làm chấn động giới khảo cổ học. Đây là báu vật vô giá bởi sự độc đáo và là nhạc khí thời cổ đại bằng đá thuộc bộ hơi duy nhất phát hiện được ở nước ta.
Nghe đọc bài
Cặp “cóc kêu” này đang nằm trong một kho chứa trên đường Trần Hưng Đạo (TP Tuy Hòa), bởi cơ sở trưng bày của Bảo tàng tỉnh Phú Yên phải đến năm 2011 mới xây xong. Đây là một trong những hiện vật đã được tỉnh hoàn thành hồ sơ đăng ký bảo vật quốc gia.
Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Phú Yên, hướng dẫn chúng tôi tiếp cận hiện vật và cung cấp những chi tiết chính về cặp kèn đá hình hai con cóc, một lớn (cái) một nhỏ (đực). Kèn “cái” nặng 75 kg, kích thước đáy 40 cm, cao 35 cm, chiều cong của lưng 55 cm, lỗ thổi rộng 2,5 cm; từ lỗ thổi đến lỗ thoát hơi (có chiều hơi cong) dài 29,6 cm có một lỗ xoáy sâu vào trong 11,7 cm, miệng lỗ rộng 33 cm. Kèn “đực” nặng 34,5 kg, kích thước đáy 29 cm, cao 35 cm, chiều cong của lưng 52 cm; từ lỗ thổi đến lỗ thông hơi dài 29,5 cm, lỗ thổi rộng 1,8 cm, chỗ thoát hơi mở rộng thêm 6,7 cm; một bên có lỗ xoáy sâu 8,7 cm.
Bà Hoa chỉ cho chúng tôi xem những nhát ghè đẽo nhỏ ở phần lỗ thổi, điều này để tiện lợi hơn khi đưa miệng vào thổi; còn phần đế có những nhát ghè đẽo lớn, tạo một độ phẳng để khi thổi không bị rung; còn các lỗ xoáy sâu là nơi đặt ngón tay cái vào để tì trong khi thổi.
Theo nhận định của Viện Bảo tàng lịch sử VN, đây là hai hiện vật được chế tạo từ đá bazan và có nhiều khả năng đó là sản phẩm của người Chăm, có niên đại vào khoảng thế kỷ V trước Công nguyên đến thế kỷ VII sau Công nguyên. Cặp kèn đá này có thể hòa tấu rất tốt với các nhạc khí hiện đại.
“Cái, đực” trùng phùng
Bà Hoa kể: cuối năm 1993, nhiều người dân Phú Yên lan truyền tin đồn có một vật lạ bằng đá “khi thổi phát ra âm thanh rất hay” đang lưu giữ tại nhà ông Đỗ Phán tại xã An Mỹ, huyện Tuy An. Sau khi các cơ quan chức năng tiếp cận mới biết được rằng không biết bằng cách nào ông mua được hiện vật này từ người dân ở gần khu vực chùa Hố Thị (người dân đã tìm thấy trong lúc đào móng xây lại chùa). Lúc này, vì gia cảnh túng thiếu, ông Đỗ Phán đã dự định bán cho giới sưu tập đồ cổ. Ngành văn hóa Phú Yên khi ấy đã làm đủ mọi cách để thuyết phục ông Phán bàn giao cho Nhà nước nghiên cứu, lưu giữ; và sang đến đầu năm 1994, chiếc kèn đá mới chính thức “đỗ bến” Bảo tàng Phú Yên. Đó chính là chiếc kèn “cái” hiện nay...
Chúng tôi tìm về chùa Thiền Sơn (xã An Hiệp, huyện Tuy An) để nối tiếp câu chuyện về chiếc kèn “cái”. Quá lâu rồi nhưng ấn tượng về những ngày “hội ngộ và chia tay” cặp kèn đá vẫn còn như in trong trí nhớ của thượng tọa Thích Nguyên Lai, trụ trì chùa Thiền Sơn. Ông là nhân chứng hiếm hoi còn lại của quá trình lưu giữ hai “cụ cóc” ngày nào. Chùa Thiền Sơn nằm cách TP Tuy Hòa hơn 20 km về phía bắc, nằm ngay dưới chân đèo Quán Cau, cạnh quốc lộ 1A. Đây là nơi lưu giữ chiếc kèn “đực” suốt 30 năm, trước khi cả hai cùng hội ngộ tại Bảo tàng Phú Yên.

Tác giả bài viết bên hai chiếc kèn đá trong kho Bảo tàng Phú Yên - Ảnh: Văn Tường

Theo thượng tọa, hai “cụ” đá này đều có nguồn gốc từ chùa Hố Thị (thôn Phú Cần, xã An Thọ, huyện Tuy An) cách chùa Thiền Sơn khoảng 10 km về phía tây. Năm 1964, chùa Hố Thị bị cháy do chiến tranh, trụ trì chùa bấy giờ là hòa thượng Thích Tâm Thân (hiệu Từ Hạnh, viên tịch năm 1971, thọ 98 tuổi). Chùa cháy, các hiện vật đều bị thiêu rụi, chỉ hai chiếc kèn đá còn nguyên vẹn; hòa thượng đã đưa chiếc kèn đá nhỏ lên lưng ngựa để chuyển về chùa Thiền Sơn, còn chiếc kèn đá lớn vì quá nặng nên đành phải để lại Hố Thị...
Thượng tọa Thích Nguyên Lai nhắc lại lời của hòa thượng Thích Tâm Thân lúc sinh thời: “Các tượng phật bị cháy có thể đúc làm lại nhưng “Ốc hiệu” bị mất, bị vỡ thì làm sao có lại được. Khi nào có điều kiện, các đệ tử hãy đưa về đây để gìn giữ”. Thế nhưng rồi đường xá xa xôi, núi non cách trở nên vẫn chưa thực hiện được di nguyện; riêng “ốc đực” đã được các vị trụ trì chùa Thiền Sơn truyền nhau lưu giữ hết sức cẩn thận, được nhà chùa dùng để thổi những lúc hành lễ.
Bao giờ hai “cụ” có nhà...?
Theo nhạc sĩ Ngọc Quang, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Phú Yên, cặp kèn đá này là loại nhạc cụ “nặng đô” của bộ hơi, người thổi phải có làn hơi khỏe thì mới có thể chơi được, nhiều người đã thổi kèn trumpet nhưng qua kèn đá này cũng “bó tay”; thế nhưng cũng có người thuộc loại “thấp bé, nhẹ cân” nhưng có phương pháp nén hơi phù hợp thì vẫn có thể thổi kèn đá rất hay.
Chính nhạc sĩ Ngọc Quang và nhiều nghệ sĩ “thư sinh” ở Đoàn ca múa dân gian Sao Biển (Phú Yên) đã nhiều lần biểu diễn thành công trong và ngoài nước bằng nhạc cụ độc đáo này; ông cũng là người viết ca khúc Hồn đá khá thành công với cảm hứng từ cặp kèn đá này. Nhạc sĩ Ngọc Quang sôi nổi: “Những giai điệu trầm hồn, âm sắc nguyên sơ vang vọng từ cặp kèn đá Tuy An hiện thuộc hàng “đặc sản” có một không hai trên thế giới. Và âm thanh của kèn “cái” luôn có sự vang vọng, sắc sảo hơn kèn “đực”, thế nhưng khi cả hai cùng hòa tấu thì có một sự hòa quyện hết sức... hút hồn!”.
Trở lại câu chuyện hai “cụ cóc” phải cùng hàng loạt hiện vật của Bảo tàng Phú Yên hiện đang nằm la liệt trong một kho chứa, bà Nguyễn Thị Kim Hoa cho biết: sau nhiều năm dự án xây dựng nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh Phú Yên “hẹn đi hẹn lại”, các thủ tục hiện đã cơ bản hoàn tất và chuẩn bị chính thức khởi công vào đầu năm 2010. Theo thiết kế, bảo tàng này sẽ xây dựng trong khuôn viên trên 3 ha tại khu vực đường Trần Phú, phường 5 (TP Tuy Hòa) với tổng kinh phí đầu tư trên 60 tỉ đồng, dự kiến hoàn công vào đầu năm 2011 để kịp phục vụ kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển (1611-2011) và Năm du lịch quốc gia tại Phú Yên.
Hy vọng, cặp báu vật kèn đá sẽ có được “nơi chốn nương thân” tương xứng.
Hùng Phiên
(Thanh Niên)

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 14:28 0 nhận xét  

ĐÁ... ĐÁ

Tác giả bài thổi... đá đầu






Khối đá... ly kỳ

Thứ ba, 26/10/2010
06:34
Kèn đá Tuy An
Khối đá hình đầu người
Việc phát hiện khối đá hình đầu người tại Tuy An (Phú Yên), được cho là có tính năng tương tự cặp kèn đá Tuy An (là bảo vật quốc gia, Báo CATP đưa tin trên số ĐS ra ngày 22-10-2010), đang làm dư luận bùng lên sôi nổi. Chúng tôi đã có cuộc tìm hiểu tường tận những diễn biến xung quanh khối đá bí ẩn này...
Chúng tôi vượt tuyến ĐT 643 đầy đèo dốc lầy lội giữa mùa mưa tìm đến thôn Tân Lập, xã An Mỹ, huyện Tuy An (Phú Yên) để tìm nhà ông Hồ Văn Sáu (40 tuổi), người đầu tiên phát hiện về khối đá hình đầu người. Ông Sáu cho biết, trong lúc đi núi bứt mây, đã tìm thấy khối đá này cách đây trên 10 năm tại nhà một người tên Mai ở xóm Gò, xã An Lĩnh (Tuy An); gia đình bà Mai dùng khối đá này để xếp làm bờ bao nền nhà. Thấy khối đá đẹp, có hình đầu người khá lạ, phía trước có hai lỗ thủng giống như hai con mắt, ông Sáu xin phép gia chủ đem về để chơi. Lúc này viên đá bị vỡ đứt một phần phía sau nhưng ông Sáu cũng không có ý lấy kèm theo. Ông Sáu cho hay, lúc đưa khối đá về nhà, ông có ý nghĩ so sánh với hai chiếc kèn đá Tuy An đã phát hiện trước đây, nhưng khi thổi thì chẳng thấy âm thanh tương tự như khi nghe biểu diễn kèn đá Tuy An. Và ông đã đặt khối đá này dưới một gốc keo lá tràm cạnh nhà để xem chơi; khi đó, khối đá tiếp tục bị vỡ đứt một mảnh nhỏ. Tuy nhiên, khoảng 9 giờ sáng 20-10, một người quen của ông Sáu tên là Bảy Nổ ở xã An Chấn, Tuy An đã đến khuân đi mất, trong lúc ở nhà chỉ có con trai ông Sáu là Hồ Công Tâm (17 tuổi); lúc lấy khối đá, ông Bảy Nổ có hứa sẽ cho gia đình ông Sau một xe Sirius và một điện thoại di động...Khi đi làm về, biết ông Bảy Nổ lấy viên đá mà không hỏi mình, ông Sáu tỏ ra rất bức xúc, nhất là khi nghe mọi người đồn đãi đó là “kèn đá Tuy An thứ 3, khối đá bạc tỷ” và cơ quan chức năng đã vào cuộc. Trước mặt chúng tôi, ông Sáu điện thoại cho ông Bảy Nổ để nói về chủ quyền khối đá hình đầu người. Ông Sáu mở loa điện thoại di động, tiếng ông Bảy Nổ cho biết: “Khối đá đang nằm ở nhà tui đây, anh cứ bình tĩnh”; nhưng thực chất lúc này, khối đá hình đầu người đã nằm ở Bảo tàng Tuy An! Ông Sáu cũng cho hay: trong chiều 20-10, một cán bộ Bảo tàng Tuy An đã thuê người đến nhà ông để đào tìm phần bị sứt vỡ của khối đá lạ này nhưng không tìm thấy...
Trong khi đó, Công an xã An Mỹ (Tuy An) cho biết: khoảng 11 giờ 15 ngày 20-10, đã nhận được tin báo có ba người chở theo một khối đá hình đầu người và đang ngồi nhậu tại một quán ở thôn Phú Long (An Mỹ). Công an xã An Mỹ đã có mặt lập biên bản tạm giữ để chờ ngành chức năng giải quyết. Sau đó, Phòng VH-TT huyện Tuy An đã tiến hành các thủ tục đưa về bảo tàng huyện. Ngay trong sáng 21-10, Sở VH-TT-DL Phú Yên đã có cuộc họp khẩn tại Trung tâm VH-TT Tuy An để xem xét khối đá gây dư luận này. Đây là khối bazan giống hình hộp sọ người, có chiều cao và chiều rộng đáy 30 x 30cm, nặng khoảng 40kg; phía trước khá giống mặt người, có hai lỗ xuyên khá thẳng từ trước ra sau. Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Phú Yên, cho chúng tôi biết: tại cuộc họp, cán bộ bảo tàng đã tiến hành thổi vào các lỗ trên khối đá nhưng không thấy âm thanh như một số thông tin trước đó cho là có giai điệu như cặp kèn đá Tuy An bảo vật quốc gia. Theo bà Hoa, khu vực rừng núi giáp giới hai xã An Lĩnh và An Thọ (Tuy An) hiện đang có rất nhiều khối đá bazan mang hình thù sinh động, kỳ lạ; chính Bảo tàng Phú Yên cũng đang lưu giữ một số khối đá hình dạng gần giống khối đá hình đầu người, nhưng không có tính năng tương tự cặp kèn đá Tuy An. Bảo tàng Phú Yên sẽ cử cán bộ tiến hành khảo sát lại khu vực phát hiện khối đá hình đầu người và liên hệ với các chuyên gia trên lĩnh vực này để tiếp tục nghiên cứu, có kết luận rõ ràng. Bảo tàng Phú Yên hiện đang lưu giữ hai chiếc kèn đá Tuy An (đã được công nhận là bảo vật quốc gia) phát hiện năm 1994 -1995 tại xã An Hiệp và An Thọ (Tuy An); chiếc lớn nặng 75kg, chiếc nhỏ nặng 34,5kg. Cặp kèn đá Tuy An được xác định có niên đại vào khoảng thế kỷ V trước Công nguyên đến thế kỷ VII sau Công nguyên, là nhạc khí thời cổ đại bằng đá thuộc bộ hơi duy nhất phát hiện được ở Việt Nam.

BA ĐÀO
(CATP HCM)


Khối đá “đầu người” không phải là kèn đá cổ


19/11/2010 0:30

Ngày 17.11, ông Phan Đình Phùng, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Phú Yên, cho biết khối đá hình đầu người (ảnh) đang lưu giữ ở Bảo tàng Tuy An (Phú Yên) không phải là kèn đá cổ. Khối đá này chỉ tương tự cặp kèn đá cổ về hình dáng, còn về tính năng thì không phát ra âm thanh như kèn đá cổ.
Đây là khối đá do ông Hồ Văn Sáu (ở thôn Tân Lập, xã An Mỹ, huyện Tuy An, Phú Yên) tìm thấy cách đây hơn 10 năm ở một xã khác trong huyện, đem về đặt ở hiên nhà. Thế nhưng từ giữa tháng 10.2010, bỗng rộ lên tin đồn “đây là chiếc kèn đá Tuy An cổ thứ 3, có giá trị bạc tỉ…”, sau đó cơ quan chức năng của huyện Tuy An đã cho đưa về lưu giữ, nghiên cứu.
Bảo tàng Phú Yên hiện đang lưu giữ hai chiếc kèn đá Tuy An (đã được công nhận là bảo vật quốc gia) phát hiện năm 1994 -1995 tại xã An Hiệp và An Thọ (Tuy An); chiếc lớn nặng 75 kg, chiếc nhỏ nặng 34,5 kg. Cặp kèn đá Tuy An được xác định có niên đại trên 2.500 năm, là nhạc khí thời cổ đại bằng đá thuộc bộ hơi duy nhất phát hiện được ở Việt Nam.
Hùng Phiên
(Thanh Niên)

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 14:01 0 nhận xét  

SÔNG THƠ giới thiệu

Thứ Hai, 20 tháng 12, 2010


ĐÀO ĐỨC TUẤN: Đứng trên núi Nhạn, thả Thơ bay trời.


Nhà thơ ĐÀO ĐỨC TUẤN


Sinh năm 1971, quê quán Phú Yên.
Tốt nghiệp Đại học Văn khoa Đà Lạt 1993.
Hiện sống và làm việc tại quê nhà

Tác phẩm đã xuất bản:
- Chiều chậm (tập thơ tình, 2005)
- Ôm tròn trái đất (tập thơ thiếu nhi, 2010)





ĐÔI ĐIỀU VỀ ĐÀO ĐỨC TUẤN & THƠ


Có nhà nghiên cứu lịch sử- văn hoá cho rằng: PHÚ YÊN là biên trấn thời các Chúa Nguyễn, sông núi hùng thiêng, địa linh nhân kiệt. Ngẫm kỹ, thật đúng như vậy: qua các thời kỳ, Phú yên luôn sản sinh nhiều tài năng xuất chúng trên nhiều lãnh vực. Riêng về thi ca, nước xanh Sông Ba, mây trắng Thạch Bi Sơn, Chóp Chài đã nuôi lớn bao tâm hồn thi sĩ tài hoa. Lớp trước kia có TRẦN HUIỀN ÂN, NGUYỄN MỸ, ĐẶNG KIM CÔN... Lứa mới trưởng thành sau này có PHAN HOÀNG, ĐÀO ĐỨC TUẤN, LÊ THIẾU NHƠN... Đương nhiên còn rất nhiều thi sĩ, thi nhân của "Đất Phú Trời Yên" khác nữa, nhưng không tiện nêu tên hết ra đây.
Mấy chục năm nay, cứ mỗi rằm tháng giêng Âm lịch, Phú yên lại tổ chức Lễ hội Thi ca hoành tráng và lãng mạn, bên chân tháp cổ trên núi Nhạn; các thi sĩ gốc Phú Yên từ khắp nơi cũng hẹn về họp mặt chung vui... Riêng nhà thơ Đào Đức Tuấn chẳng cần đợi chi "ngày thơ... ngày thiết" , chiều chiều buồn buồn hứng chí, anh một mình leo lên núi Nhạn, đọc thơ cho gió biển Tuy Hoà nghe... và thả cánh thơ bay theo mây trắng lên trời... Nhơ nhớ, anh "ngoắt" xe đò ra cố đô Huế lang thang; chẳng để làm gì ngoài việc im lặng lẽo đẽo theo sau đôi tà áo trắng nữ sinh, để hồi tưởng lại thời sinh viên mơ mộng, ngỡ như mới hôm qua thôi mà cũng đã... xưa rồi!? Vui vui, túi lại rủng rẻng kha khá nhuận bút, anh ra ga đáp hoả xa trực chỉ Sài Gòn, gặp mấy bạn thơ hơi bị...trẻ (nói đúng hơn là già... không đều), rủ nhau ra ngoại thành, ngồi quán cóc uống rượu gạo đọc thơ tới ... khuya lơ ; cô chủ quán xinh xinh giả bộ giận hờn đòi khoá cửa quán, đuổi khéo... mới ngưng thơ ngừng rượu, lãng đãng quay về nhà bạn ngủ nhờ...
Qua những chuyến đi ngẫu hứng như vậy, anh "nhặt" được những bài thơ cho riêng mình. Với riêng tôi, hình như thơ Đào Đức Tuấn chia làm hai mảng (nằm ngoài chủ định của tác giả): một số bài có giọng hào sảng, " lang bạt kỳ hồ"; một số bài khác lại nhẹ nhàng như khói, như gió, như mây... Nhưng điều lạ là, khói đó làm cay mắt người như chực khóc; gió tưởng hiu hiu mà đôi khi bão nổi bất ngờ; mây mềm mại thế mà sao vương sướt tâm hồn và nghe nhoi nhói tim đau. Thơ Đào Đức Tuấn thường ít câu, kiệm từ mà súc tích, có sức lan toả rộng xa... Vì vậy thơ Đào Đức Tuấn không lẫn lấp trong đám đông người làm thơ khác và thơ anh có chỗ đứng riêng khá đặc biệt trong lòng bạn đọc. Chùm thơ Đào Đức Tuấn gởi cho SÔNG THƠ lần đầu có lẽ thuộc mảng thứ hai.?! Xin trân trọng giới thiệu và mời bạn đọc thưởng thức! - *SÔNG THƠ



KHÔNG LỜI

Quê hương là tiếng hu huơ
đành lòng phải nói vẩn vơ giang hồ
Chén cơm quê đắng chẳng chờ
con không dám nuốt, mắt mờ… con đi.



NGẪU HỨNG SÔNG HƯƠNG


Giờ thì gởi lại dòng Hương
ừ thì giữ lại hao hắt phố phường
phải thấm phải ngâm mướt mát hoa vườn
trái tim thơ trái tim nông nỗi.

Tôi gã trai sông Ba xứ Nẫu
lang bạt tóc tim
đời chẳng đậu đình
sáng Hương giang bừng hoa bươm bướm.

Rồi phải chằng phải cột lại nhau
hỡi những nàng tiên cánh mỏng
biết nơi đâu là góc đời mộng mị
mắt lênh loang mắt đọng mấy vòm tình.


SÀI GÒN TÔI

Sài Gòn tôi cơn mưa chiều vội vã
Giọt mưa mang hương vị khói xe.

Sài Gòn tôi quán cà phê vỉa hè
Trầm tư em bên ngàn con chữ.

Sài Gòn tôi trọn đời lữ thứ
Tơ tưởng chưa thành đành phải mộng du.

Phượng đỏ rồi tôi lại ngỡ còn thu
Để lại sau chân một phố phường kỷ ức.


VỀ THƠ

Đánh đố ta hết kiếp này
có còn đánh đố nữa không thơ
hỏi ai, ai biết, ai mà tỏ
thực còn chưa thấy, huống chi mơ...

Có thể một ngày ta ngó ta
nhưng còn thơ hỡi, mi là ai
khói sương tơ tưởng đời cơm áo
sao đành dứt bỏ đi tìm thơ...

Có đành dứt bỏ thì cũng thế
phù vân mấy bước mà vè thơ
gió mây, mãi mãi người trinh trắng
ta muộn nên đành xuôi gió thôi...



KHÓ NGỦ

Dòng sông sao không buông trôi

đường đi sao không buông xuôi

ngày qua sao không buông tha

còn ta sao không buông tay?


Những hồn nhiên qua đi

những buồn vui qua đi

những đớn đau thần xác qua đi

chẳng còn phiền hung, chẳng còn phiền chi,...


5.05



CÓ GÌ

Có gì mà quẫy loi thoi
mà mê quỷ dữ
mà đòi thiên thu.

Một này tình cờ
dải lụa
thắt ngang đời ta
ngọt sầu.

Một ngày chẳng thấy
lâu – mau
chỉ toàn niềm vui ánh sáng.

Một ngày
và một ngày nữa
trần tâm vạn bóng xanh rì
gió lòng
gió lòng dan díu
tình yêu
tình yêu
tình ai…



TAO MÙA

Có hoa
anh biết là ngày
có em
anh biết phơi bày nỗi đau
Nỗi này
không đầu không đuôi
đằm đen quỷ dữ
đằm tươi châu cườm
Phận người dở dở ương ương
ái ân non dại
ùa rơm tao mùa…


Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 05:05 0 nhận xét  

Hội Nhà văn TP HCM giới thiệu


ĐÀO ĐỨC TUẤN ngồng ngồng bay ra

Nhà thơ Đào Đức Tuấn



Ngẫu cảm


Thơ hay như gái chưa chồng
cứ ngông ngông cứ ngồng ngồng bay ra
Mình ta dài rộng mình ta
dại gì bó hẹp vào ba chuyện trời…



Nẫu


Ta về, Nàng có về theo?
mây giăng đỉnh núi cheo leo phận người.

Ta về, Nàng có về chơi?
ngút ngàn nắng gió cuộc đời, Nàng ơi!

Một ngày được một chơi vơi
Nẫu - Mình liền lạc may trôi nỗi này…



Sương


Sáng ra Đà Lạt là sương
ai đi chợ sớm dưới đường chiêm bao.

Thân ta rủng rỉnh ba đào
thương câu hát đợi lạnh vào rừng thông.

Ai đi có có không không
ai về có có không không ai về?



Dấu


Có thể kết ở đây?
Có thể kết ở đâu?
Đã chấm mà không rồi
Dòng chữ đời hoang hoang…

Ừ thì thôi phẩy phẩy
Tan man cái dấu dài
Xuống hàng thôi chiều ạ
Gió gạch ngang hun hun…



Vợi Huế


1.
Mướt giọng hò
đêm trường xứ Huế
rượu tình ơi
vơi mảnh trăng gầy
bóng đò cũ
một ngày say cùng Huế
giọng gái non
thơ thảo biết bao chừng
ta lưng khừng
kéo dài dại dột
Huế vẫn riêng
bào bọt giấc mong mòng.

2.
Huế đương chiều
tui thì trưa trật
trách cứ nhầm em
thâu ráng dại khờ…



Rượu đêm


Giờ này hàng quán nội ô đều nghỉ
tương tư bạn lai láng quá khi
thì lên quốc lộ chỗ quán cháo khuya
tâm trạng đêm nay rồi mai bình thản…

Cô chủ cằn nhằn mấy ông lắm lời
uống có xị rượu mà ngồi dai nhách
vậy đó, đôi khi giây phút ly kỳ
năn nỉ em mà, bọn tôi nói nhỏ…

Tìm hơn nửa mùa may được đêm nay
nặng nợ ân tình chữ nghĩa trả vay
thì xót xa nhau một chút lẽ thường
chén rượu trắng khuya nhâm sự dịu dàng…

Trầm ngầm săm soi ngã 3 quốc lộ
nhao nhác xe đêm, xao xác quán nghèo
chẳng ai dòm ai mà lòng xao xiết
cô hiểu vì sao chúng tôi ngồi đây…

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 04:54 0 nhận xét  

Tập thơ dành cho con đọc

Chủ Nhật, 19 tháng 12, 2010



“ÔM TRÒN TRÁI ĐẤT”
BẰNG CẢM HỨNG TRẺ THƠ

Lâu lắm, tôi mới đọc được một tập thơ thiếu nhi đầy đặn. Đề tài này, bảo khó thì không hẳn, mà bảo dễ là chủ quan. Vậy thì là gì? Cảm xúc tinh khôi, vấn đề muôn thuở trong sáng tác, và đặc biệt là với sáng tác cho thiếu nhi.
Khi người ta “lớn” về mặt tuổi tác, dễ nhìn mọi vật xung quanh với cặp mắt “biết rồi, khổ lắm…”. Như vậy là hết chuyện.
Trẻ em, gì cũng lạ, và như vậy, mọi chuyện vẫn còn dài dài…
“Nhiệm vụ” của nhà thơ là “sống” với các em, chắp cho dài những câu chuyện ấy, dài về suy tưởng và dài về khám phá...
Ở một số khía cạnh, Đào Đức Tuấn đã làm được điều ấy trong tập thơ “Ôm tròn trái đất” viết cho các em.
Tập thơ 36 bài, tác giả đã dẫn dắt các em khám phá thiên nhiên (Lảnh lót, Hoa mận, Bức tranh chiều, Hạ về, Hoa bạch đàn…); khám phá cuộc sống, quê hương, tình người (Gió quê mình, Hòa âm, Vầng trán ba, Nắng hè, Hoa mẹ con, Cây khế vườn ngoại, Con phố, Lồng đèn, Đồng ca, O o, Cánh cò lòng mẹ…), và đặt biệt là khám phá tâm hồn (Đi học, Cô đi dạy, Nhớ, Tết, Mỗi mai, Mưa bên ngoại, Ôm tròn trái đất, Chuyện lạ, Đà Lạt, Khi mưa, Niềm vui, Vầng trăng, Lời ru thầm, Trưa hè, Đồng quê, Gần-xa, Tết từ cha mẹ, Bài hát mùa thu, Với còng cát, Chơi diều biển…).
Gọi là “khám phá”, thật ra cũng chỉ toàn những điều giản dị, chả to tát gì, nhưng đó là tấm lòng tác giả dành cho các em. Có những điều mà trong ngày thường, không mấy ai buồn để ý đến thì tác giả lại vân vê, nói to nói nhỏ và sau đó thì… dành tặng các em:

“Trưa hè
Chú nghé
Nghĩ gì
Cười nhe

Trưa hè
Vẫn nghe
Chị ve
Tập đọc”.
(Trưa hè)

Hoặc như, khi viết về một chú gà trống, chỉ vài lời đơn sơ nhưng cũng đã chỉ ra một thế giới quan tâm của tuổi nhỏ:
“Chắc nhiều người nghe mày
Nhưng bận không để ý
Chỉ mình tao chăm chú
Ò o, mày đừng buồn”.
(O o)
Đành rằng tuổi thơ thường trong trẻo, nhưng đôi khi cũng có những “ưu tư” có thể là lâng lâng bay bổng:
“Gió ơi, gió ơi, nhè nhẹ
Đong đưa cánh võng tuổi thơ
Mải mê lật từng trang sách
Nâng những ước mơ bay xa”.
(Gió quê mình)

“Lồng đèn là quà hoàng tử
Gởi tặng công chúa chị Hằng
Trung thu như ngày đám cưới
Trăng xanh ánh nến bập bùng”.
(Lồng đèn)

“Khi con khoe điểm tốt
Trán ba giãn thật nhiều
Ba ơi, con rất muốn
Luôn được làm ba vui”.
(Vầng trán ba)

lại cũng có thể gợn buồn:

“Nắng cứ nắng và lúa cứ xanh
Có bàn tay mẹ nâng cây lúa hát
Mùa hè của con niềm vui nhảy nhót
Mùa hè của mẹ bùn đất dãi dầu”.
(Nắng hè)

“Trăng những đêm giữa tháng
Mẹ dồn hết cho con
Con là vầng trăng tròn
Của ấp iu mẹ ước.

Vầng trăng mẹ hao khuyết
Của một đời nuôi con
Trăng mẹ khuya mới mọc
Nên có lần con quên…”
(Vầng trăng)

Cũng có một số bài, tác giả lại dành tặng cho chính tuổi thơ mình, như bài “Nhớ” chẳng hạn:

“Con đường tuổi thơ đằm đặm
Bờ lau lấp lỉnh bạn cười
Mưa rào chia hai trò chơi
Tiếc thương ngôi nhà công chúa.

Lớn lên chắc là nhớ lắm
Lời mẹ gọi ăn cơm trưa.”

Với bài “Mưa bên ngoại” cũng vậy:
“Áo cời lập cập ngoại che
Tội đứa cháu nhỏ đường xa vợi vời
Vòm tay ngoại rợp bầu trời
Mưa thành câu hát à ơi thuở nào.”
Có lẽ là viết cho mình nên Đào Đức Tuấn không ngần ngại thả vào những từ ngữ lạ tai nhưng rất gợi: đằm đặm, lấp lỉnh, vợi vời…
Nếu có ai hỏi thích bài nào nhất trong tập, tôi sẽ “bầu chọn” bài “Cây khế vườn ngoại”. Với bài này, tuổi thơ đọc cũng hợp, mà người lớn “đọc lại” cũng là một dịp quay về miền cổ tích:

“Mùa đông lá xác xơ cây
Khế vẫn giữ những cành xanh
Đợi mùa hè cho em quả ngọt.

Nắng hè nhảy nhót
Từng chùm khế chắt chiu vàng
Chim về râm ran.

Khế thay vòng tay những trưa vắng ngoại
Thương như ngôi nhà
Khế bạc khế vàng”.

Bài thơ cô đọng, súc tích, gợi được những tầng sâu với: nắng hè nhảy nhót, khế chắt chiu vàng; và khế như vòng tay ngoại, như ngôi nhà, lại cũng như bạn như bè khế bạc khế vàng. Tóm lại, ở đây, khế đã “hóa tâm hồn”!
Khép lại tập thơ, hy vọng bạn đọc nhỏ tuổi cũng sẽ bắt gặp một chút gì đó của tâm hồn mình sẻ chia cùng tác giả.

HUỲNH VĂN QUỐC

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 18:53 0 nhận xét  

ngồi họp post thơ chơi

thơ Đào Đức Tuấn

Có gì

Có gì mà quẫy loi thoi
mà mê quỷ dữ
mà đòi thiên thu.

Một này tình cờ
dải lụa
thắt ngang đời ta
ngọt sầu.

Một ngày chẳng thấy
lâu – mau
chỉ toàn niềm vui ánh sáng.

Một ngày
và một ngày nữa
trần tâm vạn bóng xanh rì
gió lòng
gió lòng dan díu
tình yêu
tình yêu
tình ai…


Khó ngủ

Dòng sông sao không buông trôi
đường đi sao không buông xuôi
ngày qua sao không buông tha
còn ta sao không buông tay?

*

Những hồn nhiên qua đi
những buồn vui qua đi
những đớn đau thần xác qua đi
chẳng còn phiền hung, chẳng còn phiền chi,...


Không lời

Quê hương là tiếng hu huơ
đành lòng phải nói vẩn vơ giang hồ
Chén cơm quê đắng chẳng chờ
con không dám nuốt, mắt mờ… con đi.

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 18:09 0 nhận xét  

Tạp chí Sông Hương số đặc biệt 3-2010

Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2010


PHÁT HÀNH SỐ ĐẶC BIỆT SÔNG HƯƠNG THÁNG 3 NĂM 2010

Mời các bạn đón đọc SỐ ĐẶC BIỆT SÔNG HƯƠNG, một ấn phẩm mới của Tạp chí Sông Hương, khổ 20x30, dày 48 trang, phát hành từ ngày 23.3.2010 trong cả nước.
Bạn đọc sẽ gặp ở SỐ ĐẶC BIỆT SÔNG HƯƠNG những tác giả tên tuổi. Chúng ta sẽ có dịp ôn lại những kỷ niệm một thuở thanh niên học sinh Huế xuống đường qua bài viết “Về căn nhà số 22 Trương Định” (NGUYỄN DUY HIỀN); nhận diện tình cảm “Hà Nội - Huế - Sài Gòn” qua hồi ký của NGUYỄN ĐẮC XUÂN, nhận ra những bất ngờ từ cuộc sống Huế, con người Huế qua “Thanh xuất vu lam” của nhà văn TRẦN THÙY MAI, “Ơi o bán cốm hai lu” của NGUYỄN VĂN UÔNG, chuyện liên quan đến Tuyệt Tình Cốc của HOÀNG THỊ NHƯ HUY, những người con gái làm xao xuyến bao chàng trai qua bút ký “Ơi những con đường” của BỬU Ý, hay chuyện ít ai biết về mối tình của nhạc sỹ Lưu Hữu Phước dành cho một người con gái Huế... Chúng ta cũng gặp ở đó tấm lòng của người Việt xa quê với câu chuyện do VÕ QUANG YẾN kể về một chương trình văn nghệ hướng về Kinh thành Huế, và sâu sắc hơn nữa là bài học về cách nhìn nhận sai đúng trong đời qua câu chuyện ý vị của NGUYỄN ĐỨC TÙNG...
Chúng ta cũng gặp lại những bài thơ xứ Huế đã đi vào trái tim bao thế hệ yêu thơ với những tên tuổi của TRẦN QUANG LONG, THÁI NGỌC SAN, LÊ VĂN NGĂN, PHAN DUY NHÂN, ĐINH CƯỜNG. Chúng ta sẽ gặp lại BẠCH LÊ QUANG với truyện ngắn “Trần gian thưa thớt” kể về những số phận hẩm hiu thưa thớt trong xóm nhỏ, đã thưa thớt lại còn bị bỏ quên cho đến khi có một đám cháy tỉnh thức.
Cùng với SỐ ĐẶC BIỆT SÔNG HƯƠNG, chúng ta sẽ cảm nhận mình vừa đi qua một vườn cây im mát mà ở đó, cỏ lá vừa kể lại cho chúng ta một Huế với “chuyện mấy lối” thuở chưa xa...
Xin giới thiệu cùng bạn đọc !


Bạn đọc muốn mua thể liên hệ đến Tạp chí Sông Hương qua:
1. Anh Lê Vĩnh Thái, mobil : 0914.052.063, hoặc email: levinhthai.sh@gmail.com
2. Chị Phan Thị Thủy, mobil: 0905.488.222, email: thuy83vn@gmail.com

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 19:16 0 nhận xét