Hiển thị các bài đăng có nhãn THỜI SỰ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn THỜI SỰ. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2024

Thể lệ Cuộc thi Tản văn năm 2024 trên Viết SÁNG TẠO

 

Công bố thể lệ Cuộc thi Tản văn năm 2024 trên Viết SÁNG TẠO
 
Thưa bạn đọc bạn văn!
Tản văn đang là thể loại thời thượng vì tính chất cập nhật, dung lượng phù hợp với thời hiện đại và ngày càng được ưa chuộng; nhằm tăng chất văn xuôi cho trang Viết SÁNG TẠO và khuyến khích sáng tác văn học nói chung, chúng tôi quyết định mở Cuộc thi Tản văn trên Viết SÁNG TẠO năm 2024.
Nội dung: không hạn chế đề tài, không hạn chế lứa tuổi, giới tính, quốc tịch.
Thể loại: tản văn.
Số chữ: từ 800 - 3000 chữ.
Yêu cầu: là tác phẩm mới, chưa được đăng tải bất cứ ở đâu, trừ trang cá nhân. Sau khi đăng dự thi trên Viết SÁNG TẠO, tác giả được phép đăng trên các báo, tạp chí, trang cá nhân. Chúng tôi sẽ mời một số tờ báo cộng tác với Viết SÁNG TẠO để đăng tải các bài tản văn dự thi có chất lượng tốt.
Tác giả chịu trách nhiệm về bản quyền tác phẩm, những trường hợp vi phạm bản quyền, tác phẩm sẽ bị loại ngay lập tức. Khuyến khích đăng bài có ảnh minh họa để tăng sự hấp dẫn.
Mỗi tác giả được dự thi tối đa 3 bài.
Giải thưởng: 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba; 1 tặng thưởng cho tác phẩm được yêu thích (được nhiều chia sẻ, bình luận). Tác giả đoạt giải sẽ được nhận thưởng tiền mặt và giấy khen.
Ban giám khảo chung cuộc: nhà văn Uông Triều, nhà văn Phạm Duy Nghĩa, nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam; Ban quản trị Viết SÁNG TẠO là ban sơ khảo.
Cách thức gửi bài: tác giả dự thi gửi bài đăng trực tiếp trên trang Viết SÁNG TẠO, có gắn hashtag #tanvanduthi.
Ví dụ:
Quê mẹ
Tác giả. Nguyễn Văn A
Thời gian nhận bài dự thi: từ 25/4/2024 đến 25/10/2024
Đề nghị các tác giả đọc kĩ thể lệ và hướng dẫn, tránh vi phạm nội quy hoặc cách thức.
Chúng tôi hoan nghênh mọi sự hỗ trợ, đóng góp cho cuộc thi bằng hiện kim, hiện vật. Tất cả sự ủng hộ sẽ được công bố công khai.
Thay mặt nhóm quản trị Viết SÁNG TẠO
Nhà văn Uông Triều

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2024

THỂ LỆ CUỘC THI truyện ngắn Báo Văn nghệ (2022-2024)

 

THỂ LỆ CUỘC THI truyện ngắn Báo Văn nghệ (2022-2024)

A - TỔ CHỨC

Tên cuộc thi - Cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ (2022-2024).

Ban tổ chức cuộc thi: Ban biên tập Báo Văn nghệ.

Trưởng ban: Nhà văn Khuất Quang Thụy -Tổng biên tập Báo Văn nghệ.

Hội đồng giám khảo - Chủ tịch Hội đồng: Nhà văn Nguyễn Bình Phương – Phó chủ tịch - Trưởng ban sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam.

(Hội đồng giám khảo gồm Hội đồng sơ khảo và Hội đồng chung khảo. Các thành viên Hội đồng sơ khảo và chung khảo gồm các nhà văn, các nhà nghiên cứu phê bình văn học có uy tín, do Trưởng ban Tổ chức và Chủ tịch Hội đồng giám khảo mời và ra quyết định thành lập. Danh sách thành viên các Hội đồng sẽ được công bố vào thời điểm thích hợp).

Thường trực cuộc thi: Ban văn xuôi Báo Văn nghệ.

Nhóm tư vấn chuyên môn: (Do Trưởng ban Tổ chức mời) gồm các nhà văn:

- Nhà văn Sương Nguyệt Minh

- Nhà văn Văn Chinh

- Nhà văn Lê Hoài Lương

Nhà tài trợ chính: Tập đoàn Thaco.

 

B - THỂ LỆ CUỘC THI

Đối tượng dự thi:

Tất cả các công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập trong nước và nước ngoài, không phân biệt độ tuổi, có sáng tác văn học thể loại truyện ngắn bằng tiếng Việt đều có thể tham gia dự thi.

Qui cách tác phẩm gủi dự thi:

- Ngôn ngữ: Tiếng Việt.

- Độ dài tác phẩm: không quá 7000 từ.

- Bản thảo đánh máy hoặc viết tay. Có thể gửi file word qua địa chỉ Email của Bộ phận thường trực cuộc thi được công bố dưới đây.

- Tác phẩm dự thi là những tác phẩm chưa được công bố trên bất kì tờ báo, ấn phẩm nào của Trung ương hoặc các địa phương, Chưa in trong các tập sách in chung hay của riêng tác giả, chưa đăng trên các nền tảng số (MXH, Blog…)

- Trước khi hoàn chỉnh bản thảo chính thức để gửi dự thi, các tác giả có thể gửi bản thảo ban đầu tới các nhà văn các biên tập viên có uy tín để xin ý kiến tư vấn; kể cả các biên tập viên và tư vấn viên của Báo Văn nghệ.  

- Mỗi tác giả có thể gửi dự thi từ 1 đến 10 tác phẩm.

- Báo Văn nghệ có thể không công bố được tất cả các tác phẩm dự thi. Trong trường hợp có liên kết với các báo, tạp chí khác để công bố tác phẩm dự thi, báo Văn nghệ sẽ thông báo đến các tác giả và có qui chế chặt chẽ để bảo đảm quyền lợi cho các tác giả.

- Các tác phẩm đã gửi dự thi, Ban tổ chức không trả lại bản thảo, và tác phẩm được in trên Báo Văn nghệ, tác giả được hưởng nhuận bút như chế độ.

Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 6/9/2022 đến hết ngày 6/9/2024 theo dấu bưu điện hoặc theo nhật kí cập nhật trên địa chỉ Email.

Địa chỉ gửi tác phẩm dự thi:

- Tác phẩm dự thi gửi qua bưu điện cần ghi rõ ngoài phong bì: Truyện ngắn dự thi báo Văn Nghệ - gửi đến Ban thường trực cuộc thi Truyện ngắn Báo Văn nghệ: Số 17- Trần Quốc Toản - Phường Hàng Bài - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.

- Tác phẩm dự thi gửi qua hộp thư điện tử cũng ghi rõ: Truyện ngắn dự thi báo Văn Nghệ - gửi đến địa chỉ Email: banvanvn@gmail.com

- Điện Thoại liên hệ bộ phận thường trực cuộc thi:

Nhà văn Hà Nguyên Huyến:  0987392595

Thư kí Bộ phận thường trực: Phạm Thanh Thuý: 0983950263.

- Các tác giả các tỉnh phía Nam có thể gủi bài dự thi tới địa chỉ: Nhà Văn Nguyễn Trường – UV Thường trực cuộc thi - Văn phòng thường trực các tỉnh miền Nam 43 Đồng Khởi - Quận 1 - Tp. Hồ Chí Minh. ĐT 0986577555; Email: nguyentruongtn@gmail.com

 

C - HỆ THỐNG GIẢI THƯỞNG

- Giải Nhất:

Một giải nhất: gồm Bằng chứng nhận và số tiền giá trị 70.000.000 đồng (Bẩy mươi triệu đồng)

- Giải Nhì:

Hai giải nhì: gồm Bằng chứng nhận và số tiền giá trị 50.000.000 đồng (Năm mươi triệu đồng)

- Giải Ba:

Ba giải ba: gồm Bằng chứng nhận và số tiền giá trị 30.000.000 đồng (Ba mươi triệu đồng)

- Giải Tư:

Từ 4 đến 6 giải tư: gồm Bằng chứng nhận và số tiền giá trị 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng)

Ngoài hệ thống Giải thưởng chính thức, Ban tổ chức sẽ có thể trao các tặng thưởng cho các tác giả trẻ tuổi nhất hoặc nhiều tuổi nhất tham gia cuộc thi. Các nhà tài trợ cũng có cơ hội để trao giải thưởng cho các tác phẩm ấn tượng nhất viết về ngành nghề hoặc lĩnh vực sản xuất kinh doanh của mình. Trong các hoạt động đồng hành Ban tổ chức cũng sẽ tuyển chọn trao tặng thưởng cho bạn đọc có các bài bình truyện ấn tượng nhất.

Đặc biệt để khuyến khích các hoạ sĩ tham gia vẽ minh hoạ cho chuyên mục Truyện ngắn trên báo Văn nghệ từ trước tới nay, Ban biên tập sẽ có phần thưởng cho các hoạ sĩ vẽ minh hoạ cho các truyện ngắn dự thi đẹp nhất, ấn tượng nhất.

Lễ tổng kết và trao giải thưởng cuộc thi sẽ được Tổ chức vào tháng 10/2024 tại Thủ đô Hà Nội.

Thứ Ba, 9 tháng 4, 2024

Sắp hết hạn Cuộc thi viết “Bình Định - Đất và Người”

 

Báo Bình Định tổ chức Cuộc thi viết chủ đề “Bình Định - Đất và Người”

(BĐ) - Nhằm giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp của quê hương và con người Bình Định, khơi dậy tình yêu quê hương của người Bình Định và lan tỏa đến mọi người, góp phần thu hút khách du lịch đến Bình Định, Báo Bình Định tổ chức Cuộc thi viết với chủ đề “Bình Định - Đất và Người”.

Cuộc thi cũng nhằm cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tích cực thi đua lao động, sản xuất; khẳng định vai trò, trách nhiệm, tình cảm của mình đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương Bình Định ngày càng giàu đẹp.

 

Nội dung bài dự thi tập trung vào giới thiệu, chia sẻ cảm nhận của người viết về những nét độc đáo của quê hương Bình Định đến với mọi người Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế (tập trung vào yếu tố lịch sử, văn hóa, tình cảm, vẻ đẹp của con người, vùng đất thông qua sự kiện, lễ hội, ẩm thực, địa danh, trang phục truyền thống…).

Đây là hoạt động nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Chương trình hành động số 06-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX về Phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020 - 2025; tiếp tục nâng cao chất lượng nội dung và hình thức Báo Bình Định.

Ban Tổ chức nhận bài dự thi từ ngày 21.6.2023 - 31.5.2024. Bài dự thi gửi về Báo Bình Định, địa chỉ: Số 84, đường Phạm Hùng, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định; hoặc email: binhdinhdatvanguoi@gmail.com.

Ban Tổ chức sẽ trao 11 giải thưởng, trong đó giải nhất 10 triệu đồng; 2 giải nhì, mỗi giải 7 triệu đồng; 3 giải ba, mỗi giải 4 triệu đồng; 5 giải khuyến khích, mỗi giải 2 triệu đồng.

Thứ Hai, 8 tháng 4, 2024

Thể lệ cuộc thi Thơ “NHÂN NGHĨA ĐẤT PHƯƠNG NAM” lần 2

 

Thể lệ cuộc thi Thơ

“NHÂN NGHĨA ĐẤT PHƯƠNG NAM” lần 2

 

Chủ đề nội dung

Các tác phẩm dự thi phản ánh những đổi thay, phát triển của TPHCM và con người TPHCM năng động nhạy bén, hào sảng, chân tình, trọng nghĩa. Những cảm xúc tự hào, mến yêu TPHCM, những dấu ấn sâu sắc, cảm nhận nhân văn về đời sống, con người TPHCM…

Dù trong hoàn cảnh nào, những tố chất tốt đẹp đã thành truyền thống sẽ luôn là sợi dây kết nối bền chặt, là điểm tựa để TPHCM vượt qua khó khăn, ngày càng phát triển bền vững, xứng đáng là thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
 

Phương thức tổ chức

Các tác phẩm qua vòng sơ khảo sẽ được chọn đăng trên trên website của Hội Nhà văn TPHCM.

Những tác phẩm vào vòng chung khảo sẽ được xét trao giải và in thành tập. Hội Nhà văn TP HCM cũng tổ chức quảng bá tác phẩm và giao lưu tác giả đoạt giải.

* Thành phần Ban Tổ chức, Hội đồng giám khảo:

Ban Tổ chức:

  • Nhà văn Trịnh Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM: Trưởng ban Tổ chức cuộc thi.
  • Nhà văn Bùi Anh Tấn, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM: Phó Ban Tổ chức cuộc thi.
  • Nhà văn Trầm Hương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM: Phó Ban Tổ chức cuộc thi.
  • Cùng các thành viên là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TPHCM: Nhà thơ Bùi Phan Thảo; nhà thơ Nguyên Hùng; nhà thơ Huệ Triệu; nhà thơ Lê Thiếu Nhơn; nhà thơ Phùng Hiệu; nhà văn Phương Huyền.
  • Các nhân sự của Văn phòng Hội Nhà văn TP HCM tham gia trong chức năng, nhiệm vụ của mình theo phân công của Ban Tổ chức để cuộc thi thành công.

Hội đồng Giám khảo:

  1. Hội đồng Sơ khảo:

1. Nhà thơ Bùi Phan Thảo: Chủ tịch

2. Nhà thơ Nguyên Hùng: Phó Chủ tịch

3. Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn: Thành viên

4. Nhà thơ Huệ Triệu: Thành viên

5. Nhà thơ Phùng Hiệu: Thành viên

  1. Hội đồng chung khảo:

1. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: Chủ tịch

2. Nhà thơ Lê Minh Quốc, Chủ tịch Hội đồng Thơ, Hội Nhà văn TP HCM: Thành viên

3. Nhà thơ Trương Nam Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ, Hội Nhà văn TP HCM: Thành viên

4. Nhà thơ Bùi Phan Thảo, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP HCM: Thành viên

5. Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP HCM, Ủy viên Hội đồng Thơ, Hội nhà văn Việt Nam: Thành viên

* Thời gian tổ chức:

- Ngày 24-2: Phát động cuộc thi thơ tại Ngày Thơ Việt Nam do Hội Nhà văn TP HCM tổ chức và thông báo trên website của Hội Nhà văn TP HCM

- Từ ngày công bố đến 24-11-2024: Nhận bài dự thi, đăng tải tác phẩm đạt chất lượng yêu cầu lên website của Hội Nhà văn TP HCM.

- Từ ngày 24-11-2024 đến 1-1-2025: Ban Sơ khảo và Ban Chung khảo chấm giải.

- Công bố, phát giải tại Ngày Thơ Việt Nam năm 2025.

Trong thời gian này sẽ tổ chức biên tập, in tác phẩm, giới thiệu, quảng bá tác phẩm.

* Đối tượng tham gia:

Trừ các thành viên trong Ban Tổ chức, Hội đồng giám khảo, còn lại mọi công dân Việt Nam và người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài, đều có thể dự thi.

* Yêu cầu bài dự thi:

- Trân trọng phong cách truyền thống đồng thời khuyến khích những tìm tòi, cách tân nghệ thuật, tuy nhiên phải phù hợp thẩm mỹ dân tộc. Cuộc thi không nhận thể loại trường ca, thơ trào phúng, thơ dịch, thơ phóng tác.

-Mỗi bài thơ dài không quá 40 câu.

- Tác phẩm dự thi phải chưa công bố ở bất kỳ một cơ quan báo chí nào, kể cả trung ương và địa phương dưới mọi hình thức (kể cả trên mạng xã hội); chưa được in vào tập sách riêng của tác giả và các tuyển tập chung cho đến khi cuộc thi kết thúc.

- Tác phẩm dự thi phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ hoặc email, số điện thoại.

- Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất chỉ dùng một họ tên hoặc bút danh.

Nếu các tác phẩm được trao giải vi phạm về bản quyền hoặc có tranh chấp thì Ban tổ chức sẽ xem xét thu hồi giải thưởng và thông báo rộng rãi trên website của Hội Nhà văn TP HCM và các phương tiện truyền thông.

Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu người dự thi cung cấp sai thông tin cá nhân, dẫn đến việc không liên lạc được.

Ban tổ chức chỉ giải quyết mọi trường hợp khiếu nại về kết quả cuộc thi trong vòng 7 ngày từ ngày công bố kết quả.

Những tác phẩm đạt chất lượng được giới thiệu trên website của Hội Nhà văn TP HCM.

Tác giả chịu trách nhiệm về bản quyền trước Ban tổ chức và trước pháp luật.
Trong thời gian diễn ra cuộc thi, tác giả không được công bố tác phẩm dự thi trên bất cứ phương tiện nào khác.

Tác phẩm dự thi gửi về địa chỉ email: nhannghiaphuongnam2@gmail.com.

Cơ cấu giải thưởng

1 Giải Nhất: Trị giá 20 triệu đồng

2 Giải Nhì: Trị giá 15 triệu đồng/giải

3 Giải Ba: Trị giá 10 triệu đồng/giải

5 Giải Tư: Trị giá 5 triệu đồng/giải.
 

Cơ cấu giải thưởng sẽ có điều chỉnh linh hoạt trong điều kiện cụ thể của cuộc thi (giá trị từng giải thưởng vẫn không thay đổi).

Thể lệ cuộc thi Thơ và Truyện ngắn tỉnh Bình Định năm 2024-2025

 Thể lệ cuộc thi Thơ và Truyện ngắn tỉnh Bình Định năm 2024-2025



Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2024

Thể lệ Cuộc thi viết về “Nha Trang - Ký ức và khát vọng”

 

Thể lệ Cuộc thi viết về “Nha Trang - Ký ức và khát vọng”

L.T.S: Nhân kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển thành phố Nha Trang (1924 - 2024), 15 năm Nha Trang được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Khánh Hòa (2009 - 2024), Báo Khánh Hòa phối hợp với UBND TP. Nha Trang tổ chức cuộc thi viết “Nha Trang - Ký ức và Khát vọng”. Báo Khánh Hòa trân trọng giới thiệu đến bạn đọc thể lệ cuộc thi.

THỂ LỆ

Cuộc thi viết về “Nha Trang - Ký ức và khát vọng”

I. Đối tượng tham gia:

- Công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài

- Người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam

Các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Ban giám khảo không được gửi tác phẩm dự thi.

II. Nội dung, thể loại và quy cách tác phẩm, cách thức gửi bài dự thi:

1. Nội dung tác phẩm:

Các bài viết có nội dung ca ngợi những thành tựu phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội của TP. Nha Trang qua 100 năm xây dựng và phát triển (từ 1924 đến nay), những giá trị văn hóa lịch sử được lưu dấu ở thành phố biển, ký ức tươi đẹp về đất và người Nha Trang (nhất là sự cởi mở, thân thiện, hiền hòa mến khách của người Nha Trang). Các tác phẩm thể hiện về những nỗ lực của của chính quyền và Nhân dân TP. Nha Trang đang nỗ lực xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại.

Bên cạnh đó, cuộc thi mong muốn nhận được các bài viết mang tính khám phá và chia sẻ những cách làm hay, mô hình mới, tư duy năng động sáng tạo của người Nha Trang; khuyến khích những bài viết nêu lên những khát vọng về xây dựng TP. Nha Trang phồn vinh, hạnh phúc.

2. Thể loại tác phẩm:

Tản văn, tùy bút, ghi chép, phóng sự báo chí

3. Quy cách tác phẩm:

- Tác phẩm dự thi được viết bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh (với người nước ngoài)  không quá 1.500 chữ (Ban tổ chức đảm nhận việc chuyển ngữ),  khuyến khích đính kèm ảnh minh họa của chính tác giả hoặc ảnh có bản quyền do tác giả cung cấp;.

- Các tác phẩm dự thi không vi phạm Luật Báo chí, Luật Sở hữu trí tuệ, không có tranh chấp bản quyền, chưa đăng tải trên các ấn phẩm của các cơ quan báo chí khác, chưa được in sách, chưa đăng tải trên các trang mạng xã hội…

- Sử dụng ngôn ngữ trong sáng, phù hợp với thuần phong, mỹ tục, không vi phạm pháp luật Việt Nam.

- Bài viết có thể đánh máy hoặc viết tay rõ ràng trên khổ giấy A4.

- Tác phẩm phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại.

4. Cách thức gửi bài dự thi:

- Tác giả gửi qua địa chỉ email Báo Khánh Hòa: cuocthivietvenhatrang@gmail.com hoặc bằng thư qua đường bưu điện về Tòa soạn Báo Khánh Hòa - 77 Yersin, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa (ngoài bì thư ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi viết Nha Trang - Ký ức và khát vọng).

- Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất họ tên hoặc bút danh

III. Thời gian:

Thời gian nhận tác phẩm:

Ban Tổ chức nhận tác phẩm từ ngày 3-2-2024 đến hết ngày 30-11-2024.

Thời gian trao giải:

Tổ chức chấm giải và tổng kết, trao giải trong tháng 12-2024.

IV. Cơ cấu giải thưởng

- 1 giải Nhất: trị giá 10 triệu đồng

- 2 giải Nhì: trị giá 7 triệu đồng/giải

- 3 giải Ba: trị giá 5 triệu đồng trên giải

- 5 giải khuyến khích: trị giá 2 triệu đồng/giải

(Tổng giá trị tiền thưởng 49 triệu đồng)

V. Đăng tải tác phẩm và một số quy định khác:

- Các tác phẩm dự thi có chất lượng tốt sẽ được lựa chọn, đăng tải trên Báo Khánh Hòa và Báo Khánh Hòa điện tử (baokhanhhoa.vn)

- Các tác phẩm được Báo Khánh Hòa đăng tải sẽ được trả nhuận bút theo chế độ hiện hành.

- Ban Tổ chức không hoàn trả bản thảo dự thi của tác giả.

- Ban Tổ chức không chịu trách nhiệm nếu trường hợp bài dự thi bị thất lạc và về việc người dự thi cung cấp sai thông tin cá nhân, dẫn đến việc không liên lạc được.

- Ban Tổ chức cũng không hoàn trả các bài viết tham dự cuộc thi trong bất kỳ trường hợp nào và được toàn quyền sử dụng các bài viết dự thi đạt giải để phục vụ các hoạt động quảng bá tuyên truyền của TP. Nha Trang.

- Tác giả có bài viết dự thi cam kết chịu trách nhiệm về mặt pháp lý đối với bài viết của mình, đảm bảo không có tranh chấp bản quyền. Hình ảnh, câu chuyện và thông tin nhân vật được đề cập trong bài viết dự thi phải được sự chấp thuận của nhân vật, tác giả hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu có bất kỳ khiếu nại gì từ phía nhân vật. Nếu các bài viết được trao giải vi phạm về bản quyền hoặc có bất kỳ tranh chấp, kiện tụng nào, ban tổ chức, hội đồng giám khảo sẽ xem xét thu hồi giải thưởng và thông báo rộng rãi trên báo.

Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

miền Trung thi tình

Thơ tình duyên hải miền Trung

Thơ tình duyên hải miền Trung
Tập thơ được tổ chức ra mắt vào 15h ngày 16/4/2011 tại Tp. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên

NVTPHCM- Tủ sách Sơn Ca và Nhà xuất bản Trẻ đã lần lượt thực hiện những tập thơ tình của các vùng miền như Thơ tình Sài Gòn, Thơ tình Hà Nội, Thơ tình xứ Huế… và những tập truyện ngắn như Buffet truyện ngắn Sài Gòn tập 1&2, Buffet truyện ngắn Đồng bằng, Buffet truyện ngắn miền Trung,… Và bây giờ là Thơ tình duyên hải miền Trung với sự góp mặt của các nhà thơ đang sinh sống ở vùng đất giàu truyền thống thi ca này.

Theo nhà văn Đoàn Thạch Biền, một trong những thành viên thực hiện Tủ sách Sơn Ca, dự kiến sẽ tổ chức ra mắt tập Thơ tình duyên hải miền Trung vào ngày 16.4 tới tại thành phố Tuy Hoà- thủ phủ tỉnh Phú Yên, mảnh đất trấn biên một thời trên đường tổ tiên mở cõi đang kỷ niệm 400 năm hình thành và phát triển.

Trang Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh chúc mừng nỗ lực mới của những người thực hiện Tủ sách Sơn Ca và trân trọng giới thiệu Lời tựa tập thơ độc đáo này để bạn đọc biết rõ hơn.

Thơ tình duyên hải miền Trung

"Về miền Trung! Miền thuỳ dương bóng dừa ngàn thông. Thuyền ngược xuôi suốt một dòng sông dài…”(Phạm Duy). Hình ảnh thơ mộng của một vùng đất - được tượng hình như chiếc đòn gánh bền bỉ và nhẫn nại của non sông nước Việt, còn là nơi gió thuận mưa hòa để hạt giống thơ nẩy nở. Từ nhiều thế kỷ qua, vùng đất này đã lưu dấu tên tuổi nhiều nhà thơ nổi tiếng. Không những thế, đây còn là vùng đất giàu tiềm năng du lịch. Đặc biệt, vào tháng 4.2011, Năm Du lịch Quốc gia lần thứ VI đã chọn vùng đất duyên hải Nam Trung bộ - Phú Yên để thực hiện chủ đề "Du lịch biển đảo”.

Chào mừng sự kiện này, Công ty Truyền thông Sơn Ca và NXB Trẻ ấn hành tập Thơ tình duyên hải miền Trung, tiếp nối trong Tủ sách Sơn Ca. Nhóm chủ biên gồm nhà thơ, nhà văn Đoàn Thạch Biền - Nguyễn Đông Thức - Lê Minh Quốc tuyển chọn, thực hiện với tiêu chí: Các tác giả thơ hiện đang sinh sống và làm việc từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đến Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận; và đồng ý góp mặt trong tập thơ này.

Thật thú vị, với 126 bài thơ trong tập này, bạn đọc yêu thơ sẽ hài lòng và mở tâm hồn rung cảm với những bài thơ tình của các tên tuổi tài hoa như Giang Nam, Nguyễn Bắc Sơn, Lệ Thu, Ngân Vịnh, Đoàn Huy Giao, Lê Văn Ngăn, Trần Huiền Ân, Nguyễn Như Mây, Nguyễn Thanh Mừng, Khuê Việt Trường, Hồ Việt Khuê, Phạm Đương… Bên cạnh đó còn là thơ của các tác giả thơ sung sức và quen thuộc như Trương Điện Thắng, Mai Hữu Phước, Nguyễn Kim Huy, Đinh Lê Vũ, Tôn Nữ Thanh Yên, Nguyễn Hiệp, Nguyễn Ngọc Hưng... Hầu hết các tác giả thơ này đều là hội viên Hội Văn học nghệ thuật của nhiều địa phương hoặc Hội Nhà văn Việt Nam. Có thể nói, mỗi nhà thơ đều thể hiển được cung bậc tình cảm của lòng mình - nhằm khắc họa chân dung của Tình Yêu. Chính vì thế, tập thơ này có một sắc thái mới so với mặt bằng thơ hiện nay, bởi tình yêu được nhìn qua nhiều lăng kính khác nhau.

Nhân đây cũng xin thưa cùng bạn đọc, cũng nằm trong Tủ sách Sơn Ca, trước đây chúng tôi đã thực hiện những tập thơ tình của vùng miền khác như Thơ tình Sài Gòn, Thơ tình Hà Nội, Thơ tình xứ Huế… và những tập truyện ngắn khác như Buffet truyện ngắn Sài Gòn tập 1&2, Buffet truyện ngắn Đồng bằng, Buffet truyện ngắn miền Trung… Với các tác phẩm này, chúng tôi có tham vọng được giới thiệu nhiều nhất các tác giả thơ và văn xuôi hiện nay trong cả nước - nhất là các cây bút trẻ. Thiết nghĩ, với các tập sách có chất lượng cao, được tuyển chọn chu đáo sẽ góp phần thúc đầy nhiều hơn nữa cho các bạn trẻ, người yêu văn chương nuôi dưỡng tâm hồn qua văn hóa đọc.

Với quan niệm chỉ có thơ hay, chứ không có tác giả "lớn” và "nhỏ” theo suy nghĩ thông thường nên chúng tôi xin được xếp thứ tự theo vần A, B, C… tên tác giả. Tất nhiên, dù nỗ lực và tận tụy với công việc tuyển chọn, nhưng chắc chắn trong tập thơ này vẫn còn thiếu sót nhiều nhà thơ khác. Đó là ngoài khả năng, ý muốn của nhóm thực hiện. Sự khiếm khuyết này, rất mong được sự lượng tình của bạn đọc yêu thơ.

Hiện nay, nhóm chủ biên đang tiếp tục thực hiện tập Thơ tình sông Cửu Long. Mời các nhà thơ đang sống ở đồng bằng sông Cửu Long tự chọn một bài thơ tình yêu thích nhất, gửi về Tủ sách Sơn Ca bằng đường bưu điện qua địa chỉ: Số 15 Mai Thị Lựu, quận 1, TP HCM. Điện thoại: 08.39107612. Fax: 08.39107614; hoặc qua email: tusachsonca@sonca.com.vn.

NXB Trẻ - Tủ sách Sơn Ca
Nguồn: Nhà văn TPHCM
( Danh sách các tác giả có bài được chọn )
LÊ ÂN (Bình Định) - CHONG CUỘC NGHÌN TRÙNG
TRẦN HUIỀN ÂN (Phú Yên) - THƯ VỀ DĨ AN ĐÔNG
ĐÀO DUY ANH (Bình Định) - ĐẤT HỨA
MAI BÁ ẤN (Quảng Nam) - LIỀU
HUỲNH HẢI ÂU (Bình Thuận) - NƠI DÒNG SÔNG KHÔNG HỘI TỤ
KIM BẰNG (Bình Thuận) - NGANG TRỜI GIÓ BAY
PHẠM BÌNH (Bình Thuận) - CÒN ĐÓ SỢI THƯƠNG
PHƯƠNG BÌNH (Ninh Thuận) - VỘI CHI
NGUYỄN MẬU CHIẾN (Quảng Ngãi) - ĐOẢN KHÚC TÌNH ĐẦU
VŨ THỊ KIỀU CHINH (Ninh Thuận) - CHỚM ĐÔNG
NGUYỄN CƯỜNG (Quảng Nam) - RƯNG RƯNG MẮT ĐÁ
TRẦN QUỐC CƯỠNG (Phú Yên) - EM VÀ TÔI
TRẦM THỤY DU (Quảng Ngãi) - CHÚT TÌNH SƯƠNG KHÓI
TÔN NỮ THU DUNG (Khánh Hòa) - KHÚC TẶNG DUNG ANH
PHẠM TẤN DŨNG (Quảng Nam) - TẠ VỚI THUNG XƯA
PHAN ANH DŨNG (Bình Thuận) - CÒN CHÚT HƯƠNG PHAI
TRẦN VIẾT DŨNG (Bình Định ) - MỘT CHUYẾN QUA ĐÈO
LÊ BÁ DUY (Bình Định) - NỬA VẦNG TRĂNG
TRẦN CAO DUYÊN (Quảng Ngãi) - RỒI SẼ ĐẾN THÁNG GIÊNG
NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO (Đà Nẵng) - NGƯỜI TÌNH VĂN KHOA
HÀ VĂN ĐẠO (Khánh Hòa) - VỚI EM
NGUYỄN THỊ ĐIỂM (Quảng Nam) - Thì thẦm
PHẠM ĐƯƠNG (Quảng Ngãi) - BIÊN TẬP
TRẦN VẠN GIÃ (Khánh Hòa) - GỞI NHỮNG CON ĐƯỜNG HOA
ĐOÀN HUY GIAO (Đà Nẵng) - DẠ KHÚC
NGUYỄN GIÚP (Quảng Nam) - RỒI EM SẼ VUI
NGUYỄN TẤN HẢI (Quảng Ngãi) - BỜ XƯA
NGUYỄN NGỌC HẠNH (Đà Nẵng) - CƠN MƠ HẠNH PHÚC
HÀ HUY HOÀNG (Quảng Ngãi) - CẢ YÊU
LÝ VĂN HIỀN (Quảng Ngãi) - NHỚ NGÀY XƯA
NGUYỄN HIỆP (Bình Thuận) - ĐÊM LỘC VỪNG
HUỲNH HIẾU (Phú Yên) - KHÔNG MƯA
HUỲNH DUY HIẾU (Phú Yên) - MỘT DÒNG LẶNG LẼ
NGUYỄN THỊ HỒNG (Phú Yên) - XUÂN PHAI
THU HỒNG (Phú Yên) - HƯƠNG MƠ
NGUYỄN MINH HÙNG (Đà Nẵng) - ÁNH TRĂNG
NGUYỄN KIM HUY (Đà Nẵng) - ĐIỀU GÌ MUỐN NÓI
TRẦN HUY (Ninh Thuận) - EM KHÔNG VỀ PHỐ
BÙI NGUYÊN HƯ (Bình Thuận) - NGÀY MƯỜI BỐN THÁNG HAI
NGUYỄN NGỌC HƯNG (Quảng Ngãi) - THAO THỨC NGHIÊNG ĐÊM
DƯƠNG HOÀNG HỮU (Bình Thuận) - PHAN RÍ, CÒN KHÔNG…
MA JOAN (Phú Yên) - GỬI ĐÔI MẮT LA HAI
TRẦN HOA KHÁ (Bình Định) - GÓC PHỐ MÙA ĐÔNG
NGUYỄN NHO KHIÊM (Đà Nẵng) - Dáng Xưa
NGÔ ĐĂNG KHOA (Quảng Nam) - GIẤU
HỒ VIỆT KHUÊ (Bình Thuận) - NHỮNG TỜ THƯ CŨ
PHỤNG LAM (Đà Nẵng) - MƯỜNG TƯỢNG EM
ĐINH LĂNG (Phú Yên) - TÌM LẠI MÙA ĐÔNG
NGÔ PHAN LƯU (Phú Yên) - XÔN XAO
LÊ KHÁNH MAI (Khánh Hòa) - TỰ KHÚC CHIỀU
PHAN MINH MẪN (Đà Nẵng) - KHÔNG HẸN TRƯỚC MÙA THU
NGUYỄN NHƯ MÂY (Bình Thuận) - BÀI HÁT YÊU ĐỜI
NGUYỄN THANH MỪNG (Bình Định) - TÔ-NHI-A
HÀ MY (Bình Định) - Ừ!
TẤN MỸ (Bình Thuận) - TÌNH QUÊ
GIANG NAM (Khánh Hòa) - CHIỀU ẤY NGƯỜI ĐI
NGUYỄN ĐỨC NAM (Đà Nẵng) - LÒNG ĐÃ KHÉP THÌ EM GÕ CỬA
NGUYỄN HỒ NAM (Bình Thuận) - DƯỚI TÀN CÂY TRỨNG CÁ
TRẦN HÀ NAM (Bình Định) - THAY LỜI TỪ GIÃ
LÊ VĂN NGĂN (Bình Định) - LUÔN LUÔN CÒN VẺ ĐẸP
NGUYỄN KIM NGÂN (Phú Yên) - CHIM YẾN ĐỎ
VÕ KIM NGÂN (Đà Nẵng) - CÔ ĐƠN
LÊ TRỌNG NGHĨA (Bình Định) - BỨC TƯỢNG TRONG NỖI VẮNG
TÔ NGHĨA (Ninh Thuận) - MƯA CHIỀU
TRẦN VĂN NGHĨA (Ninh Thuận) - LỐI VỀ CƯ XÁ KHI XƯA...
THÁI SƠN NGỌC (Ninh Thuận) - CHIỀU THÁP CỔ
NGUYỄN MAN NHIÊN (Khánh Hòa) - BÀI THƠ NHỎ VỀ TÌNH YÊU
NGUYỄN GIA NÙNG (Khánh Hòa) - NỬA VỜI
VƯƠNG PHONG (Ninh Thuận) - HƯƠNG THU
ĐINH TẤN PHƯỚC (Quảng Ngãi) - CHIỀU BIỂN BẮC
MAI HỮU PHƯỚC (Đà Nẵng) - GÓC PHỐ
HỒ NGHĨA PHƯƠNG (Quảng Ngãi) - TIỄN THU MƯA
PHẠM VĂN PHƯƠNG (Bình Định ) - MƯA CHIỀU TÂY SƠN THƯỢNG
HÀ QUẢNG (Quảng Ngãi) - ẨN HIỆN
HUỲNH VĂN QUỐC (Phú Yên) - GÁC CHUYỆN PHÂN VÂN
CAO NHẬT QUYÊN (Khánh Hòa) - CÓ PHẢI EM VỀ
HOÀNG QUYÊN (Đà Nẵng) - ƯỚC CHI ĐIỀU VĨNH CỬU
LÊ SA (Ninh Thuận) - XIN EM CHÚT TÌNH GẦN
PHẠM PHÙ SA (Quảng Nam) - VỀ PHÍA MỘNG DU
NGUYỄN TẤN SĨ (Quảng Nam) - CHIỀU ẨN MÌNH GỌI XUÂN
NGUYỄN ĐÌNH SINH (Bình Định) - ĐỢI
QUỐC SINH (Khánh Hòa) - ỐM
ĐẶNG THIÊN SƠN (Bình Định) - CHIỀU NOEL
NGUYỄN BẮC SƠN (Bình Thuận) - VIẾT CHO NGƯỜI THỤC NỮ
HOÀNG CÔNG TÂM (Ninh Thuận) - BẤT CHỢT
HUỲNH MINH TÂM (Quảng Nam) - NHỮNG NGÔI SAO TÌNH YÊU
TÔ DUY THẠCH (Bình Thuận) - NỖI BUỒN XANH TRÊN VAI TƯỢNG TRẮNG
ĐÀO QUÝ THẠNH (Bình Định) - NHẶT PHÍA KHÔNG NGƯỜI
HUỲNH THẠCH THẢO (Phú Yên) - LÂU ĐÀI TRÊN CÁT
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG (Đà Nẵng) - CÓ MỘT NỔI BUỒN
ĐỖ THƯỢNG THẾ (Quảng Nam) - LÚC BẮT ĐẦU MƯA
TRẦN YÊN THẾ (Bình Thuận) - CON GÁI NGÀY XUÂN
MẠC TRƯỜNG THIÊN (Quảng Ngãi) - RU TÌNH NGỦ YÊN
MAI THÌN (Bình Định) - THIÊN ĐƯỜNG THƠM RÈM CỬA NHÀ MÌNH HAY LÀ…
LỆ THU (Bình Định) - HƯƠNG GỬI LẠI
PHẠM DẠ THỦY (Khánh Hòa) - DÁNG XƯA
PHAN BÙI BẢO THY (Đà Nẵng) - HUYỀN THOẠI BUỔI CHIỀU XANH
NGUYỄN NHÃ TIÊN (Đà Nẵng) - NỖI BUỒN XANH
LÊ HƯNG TIẾN (Ninh Thuận) - CÔ BÉ VÀ NHỮNG NGƯỜI LẠ
PHÙNG TIẾT (Khánh Hòa) - NGƯỜI MỚI ĐẾN
NGÔ THỊ THỤC TRANG (Quảng Nam) - CẢM XÚC MƯA
TRẦN THỊ HUYỀN TRANG (Bình Định) - NHỮNG BÔNG HOA TRẮNG MUỐT
NGUYỄN QUANG TRẦN (Quảng Ngãi) - GỬI NGƯỜI EM GÁI XA QUÊ
BÙI THỊ NGỌC TRINH (Bình Thuận) - GIẤU
LA TRUNG (Quảng Nam) - CHƯNG TÌNH
LẠI ĐỨC TRUNG (Bình Định) - SƠ RI
ĐÀO TẤN TRỰC (Phú Yên) - VIẾT TRONG NGÀY EM ĐI
KHUÊ VIỆT TRƯỜNG (Nha Trang) - EM ĐỨNG CHỖ NÀO TRONG CUỘC ĐỜI TÔI?
LA VĂN TUÂN (Bình Thuận) - CON LẮC THỜI GIAN
ĐÀO ĐỨC TUẤN (Phú Yên) - NẪU
NGÔ VĂN TUẤN (Bình Thuận) - TÌM XƯA
PHAN ANH TUẤN (Bình Thuận) - VÍ DỤ
BÙI HUYỀN TƯƠNG (Quảng Ngãi) - NẺO XƯA
PHẠM QUỐC TÝ (Ninh Thuận) - ƯỚC CHI LÀ NGỌN GIÓ
TRẦN CHẤN UY (Khánh Hòa) - KHÁT VỌNG
NGUYỄN TƯỜNG VĂN (Phú Yên) - GẶP LẠI NGƯỜI XƯA
PHẠM THỊ THÙY VÂN (Quảng Ngãi) - CHỢ TÌNH
MAI VIỆT (Bình Thuận) - VÂN
TẠ HÙNG VIỆT (Khánh Hòa) - BẾN LÀNG
NGÂN VỊNH (Đà Nẵng) - GIÓ ĐÀN ÔNG
HUỲNH HỮU VÕ (Bình Thuận) - NGÀY EM THI HOA HẬU
ĐÀI NGUYÊN VU (Bình Thuận) - LINH
ĐINH LÊ VŨ (Đà Nẵng) - TƯỞNG NIỆM
ĐOÀN VŨ (Bình Thuận) - DÁNG XƯA
NGUYỄN THANH XUÂN (Bình Định) - MƯA BỤI Ở BỒNG SƠN
TÔN NỮ THANH YÊN (Khánh Hòa) - NỖI NHỚ
Tập thơ sẽ được tổ chức ra mắt vào 15h ngày 16/4/2011 tại Tp. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

(nguồn: ĐOÀN THẠCH BIỀN)

Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2011

sao chui hội này


Nông dân thành hội viên Hội Nhà văn

14/01/2011 23:25

Mải mê làm nông, mới chuyển sang “thâm canh” văn chương hơn 10 năm, Ngô Phan Lưu (Phú Yên, 65 tuổi - ảnh) bỗng trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam vào chiều 10.1.
Sau giải nhất truyện ngắn Báo Văn Nghệ 2007, Ngô Phan Lưu (1 trong 25 tác giả của tuyển Truyện ngắn hay Báo Thanh Niên 2009-2010) tiếp tục khẳng định là một “Giả Bình Ao của Việt Nam” với đề tài người nông dân đương đại. Một “nông dân” Phú Yên khác cũng được kết nạp đợt này là nhà thơ Phan Hoàng (hiện chủ biên “ruộng” web Hội Nhà văn TP.HCM và tạp chí Đương Thời).
Tin, ảnh: Hùng Phiên

(TN)

Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

ĐỜI ĐI... HỌP

Cuối năm, hành nhau đi họp

31/12/2010 19:47:56

Mỗi độ cuối năm các cuộc họp hành lại nở rộ. Có thể nói, nhiều người Việt Nam đã dành phần lớn thời gian đời mình để… họp! Tuy chán ngấy chuyện họp giống như thể… hành xác ấy nhưng họ chẳng biết cách nào để… trốn.
Tình cờ trò chuyện với một anh bạn công chức, tôi hỏi: “Ông sợ gì nhất?”. Trả lời: “Họp!”. Nhân bàn đến chuyện họp, anh bạn tôi (là trưởng một phòng chuyên môn cấp huyện) đã tỏ lòng: Tư duy hành chính ở ta lâu nay là việc gì cũng họp, không có gì quan trọng cũng họp. Bởi cá nhân không dám chịu trách nhiệm nên phải đưa ra “quyết tập thể cho an toàn”! Mà chẳng cứ đi làm nhà nước mới phải họp nhiều, còn nhỏ đi học thì họp lớp, họp tổ, họp đội… liên tục. Lớn lên một chút thì họp đoàn thanh niên, thay mặt gia đình đi họp thôn, họp hội nông dân, họp đoàn thể ở địa phương.Anh bạn tôi thống kê sơ bộ mỗi tháng anh phải tham gia hàng chục cuộc họp định kỳ trong cơ quan: họp tổ chuyên môn, họp giao ban, họp cấp ủy, chi bộ, công đoàn, đoàn thanh niên, giao ban ủy ban, huyện ủy… Rồi giữa năm, cuối năm là các cuộc họp bình xét thi đua, sơ-tổng kết của cơ quan mình và hàng loạt cơ quan bạn. Đó là chưa kể các cuộc họp nghị quyết, triển khai văn bản mới, các cuộc họp đột xuất của cấp huyện và ngành cấp trên triệu tập, rồi còn nhiều cuộc khác không thể kể tên.Anh thú thật: hầu như ngày nào mình cũng phải họp, ngày cao điểm có khi phải họp đến 4-5 cuộc (đó là đã giao bớt cho cấp phó đi dự thay).
Đi họp chủ yếu là ngồi một chỗ, khá mỏi mệt, lại phải ăn uống nhậu nhẹt. Có lẽ nỗi khổ về mấy cái bệnh xương khớp, béo phì, dạ dày… cũng do ngồi họp nhiều, ăn nhậu nhiều mà ra! “Tui cũng chả phải là người hay bia rượu nhưng đã đi hội nghị thì phải dùng cơm, nâng ly… Vì quan hệ công việc không thể từ chối được! Cái lệ nó thế. Bia rượu đến nỗi mình cũng ngán mình chứ nói gì đến vợ con!” – anh bạn bộc bạch. Họp hành chiếm thời gian đến nỗi anh chẳng còn bao nhiêu thời gian để lo điều hành chuyên môn. Đôi khi có vài việc nhà mà cũng hẹn nay hẹn mai, nói gì đến việc xem thông tin, đọc sách để nâng cao kiến thức hay thư giãn. Rồi anh “trút bầu” thêm: “Hồi mới đi làm cũng… ham họp thật, thấy “ý kiến ý cọ, cãi qua cãi lại, đề nghị đề nghiếc, phê bình phê biếc…” cũng oai oai. Nhưng rồi “mài đũng quần” họp hành nhiều quá riết rồi sợ, thấy người ngượm, đầu óc như ngày càng mụ mị…”. Anh tiếp: “Có mấy cha mình quen rất mê họp, mê đến nghiện ngập, họp suốt ngày, suốt tuần, suốt tháng, suốt năm mà chẳng thấy than thở gì cả, tài thật!? Nhiều cha còn “luyện được chiêu” ngủ mở mắt ngay trong cuộc họp, thế nhưng “giấu đầu lòi đuôi” vì... ngáy ầm ĩ! Một cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp huyện đã thống kê cho tôi thấy tần suất họp của anh còn… chóng mặt hơn nhiều! Cũng không thể thiếu các cuộc họp tương tự như anh bạn trưởng phòng nói trên nhưng vì gánh vai lãnh đạo huyện, ông còn kiêm hàng chục chức danh của các hội đồng này, ban quản lý kia. Nên nói như ông là “họp không kịp thở”. Bản thân tôi chỉ là một công chức hành chính cấp tỉnh, không có chức tước gì mà còn “oải” với khoảng… hai chục cuộc họp mỗi tháng (họp chuyên môn, họp chi bộ, đoàn thể, họp khu phố, kiểm điểm công chức, kiểm điểm đảng viên...). Có những cuộc họp “gay cấn” (do mâu thuẫn nội bộ, do mượn diễn đàn để... cãi lộn!) còn kéo dài từ ngày này sang ngày khác, đến quá 12 giờ đêm, khiến ai cũng ngáp liên tục, khiến nhiều bà mẹ trẻ bị... căng sữa! Một anh bạn công chức vừa nghỉ việc nhà nước chuyển sang làm tư nhân, nói với tôi: “Trong nhiều lý do mình “ra ngoài” có việc quá mỏi mệt vì họp hành. Đa phần các cuộc họp đều chẳng giải quyết được gì ngoài chuyện cãi vã, đấu đá hoặc nói chuyện tầm phào. Vậy mà mình đi trễ hoặc quên, vắng một cuộc nào là bị kiểm thảo, trừ điểm thi đua… đến phát ớn! Nói thật, sống ở tỉnh mà dám bỏ việc nhà nước, vợ chồng mình suy tính dữ lắm nhưng không thể cứ tà tà ngày tám tiếng… họp với ngáp vặt. Rồi cuộc sống, sự nghiệp của mình đi về đâu…?”.
Hoàng Yến
(Thư o giờ, Bee.net.vn)

Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010

THUỶ ĐIỆN... ẨU XỊ


Tội nghiệp “thằng” thủy điện!


09/11/2010 16:36:06


Tôi chợt nhớ trong… văn chương, có chuyện thằng con hỗn hào bị cha mẹ ra tay trói đánh tơi bời, kêu công an tới bắt; nó quay sang quát thẳng vào mặt mẹ cha: “Ai biểu ông bà… đẻ tui ra…!!!”.



Hễ có thiên tai là có thiệt hại, xưa nay bao giờ cũng… rứa rứa. Nhưng thời nay lại có thêm… giống nhân tai, gây thiệt hại chẳng thua gì thiên tai. Nhắc chuyện xưa.Hễ mỗi lần lũ lụt lớn là nhân gian chỉ biết than trách ông Trời. (Mà than thầm thôi, chứ nói to coi chừng ổng vật). Mấy năm gần đây.
Dân vùng hạ du các sông lớn, hễ bị lũ lụt là lôi ông… thủy điện ra “mắng, chửi”. Đã vậy, cánh báo chí lại còn “tiếp tay"! Gần đây, nghe đâu chính quyền một số địa phương cũng tham gia. (Trong lúc các nhà khoa học, chuyên gia thủy lợi, các nhà phản biện xã hội… thì chỉ… than thầm?!).
ẢNH: Đập tràn hồ thủy điện sông Ba Hạ xả lũ dữ dội.
Ngày xưa, chỉ có Cóc mới dám kiện ông Trời. Giờ lâm vào cảnh tương tự, nông dân tỉnh P. cũng chỉ biết mắng quẹt quẹt mấy “ông” thủy điện.Mới nghe tin có vẻ vui, nông dân tỉnh L. đã dám kiện… thủy điện xả lũ “tầm bậy” làm thiệt hại mùa màng, phải bồi thường thích đáng! Chưa biết kết quả ra sao.Nhưng mà càng nghĩ càng tội nghiệp cho “thằng” thủy điện. Thủy điện có nói: “Nhân chi sơ tánh bổn thiện”, “nếu biết “dạy dỗ” đến nơi đên chốn thì… tui đâu có hư!?”. À, ra thế! Tôi chợt nhớ trong… văn chương, có chuyện thằng con hỗn hào bị cha mẹ ra tay trói đánh tơi bời, kêu công an tới bắt; nó quay sang quát thẳng vào mặt mẹ cha: “Ai biểu ông bà… đẻ tui ra…!!!”. Vậy thì việc xây dựng “loạn xạ”, xả lũ “ẩu tả” này, chẳng lẽ lại kiện người "đẻ" ra thủy điện...

Hoàng Yến
(Thư o giờ, Bee.net.vn)

QL1 DỎM



Chậm khắc phục sạt lở quốc lộ 1 do vướng giá đền bù
SGTT.VN - Ngày 12.11, chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã ra thông báo về việc tình trạng khẩn cấp xử lý tình trạng sạt lở trên quốc lộ 1 đoạn qua xã An Dân, huyện Tuy An (Phú Yên). Thế nhưng, sau gần một tháng, các phương tiện lưu thông qua “cung đường tử thần” này vẫn bám víu vào mặt đường đã bị sụp lở 50%, trong khi đó, việc mở tuyến đường tránh qua đây vẫn chưa có.


Cung đường đau khổ

Dày đặc xe cộ len lỏi qua đoạn đường bùn nhão, đất đá vương vãi, xe máy nằm chờ,... trên dốc Vườn Xoài. Ảnh: Bích Đào

Những ngày này, khi hỏi cánh tài xế “sợ đi qua đâu nhất?” thì đều nhận ngay câu trả lời: Phú Yên! Cụ thể, đó là dốc Vườn Xoài (thôn Cần Lương, An Dân, Tuy An) đã trở thành nỗi ám ảnh cho các lái xe ôtô trên đường xuyên Việt trong nhiều năm qua, nhưng chưa khi nào lại gay go, nóng bỏng như lúc này.
Trở lại khu vực tuyến quốc lộ 1 đang trong tình trạng khẩn cấp cần phải sửa chữa giữa mùa mưa gió, lại nghe có chuyện xe tải vừa bị sụp hố khi đi qua đoạn đường này, chúng tôi không khỏi rùng mình. Ngay đầu phía nam dốc Vườn Xoài là tấm panô với cảnh vịnh Xuân Đài thơ mộng: “Welcome to Phu Yen, năm du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung bộ – Phú Yên 2011, kỷ niệm 400 năm Phú Yên (1611 – 2011)”. Thế nhưng, người đi đường phải gặp ngay những tốp xe bị ùn ứ vì chạy tốc độ hạn chế, với khói bụi mịt mù. Tiếp đến là những bãi đất bùn nhão do dòng xe cộ băm qua, băm lại tạo nên những “ổ trâu”, “ổ voi”, đất đá ngổn ngang cùng những ao nước đọng do những cơn mưa đổ triền miên suốt hơn tháng qua.
Tại khu vực có 100m đường bị sụp trôi 50% mặt đường, xe cộ luôn chen chúc trên nền bùn lầy lẫn đất đá, với những biển cảnh báo nguy hiểm qua vùng nền đường hẹp – đất yếu, nhiều chủ phương tiện ôtô, hoặc xe máy đều không khỏi “sởn tóc gáy” do họ không biết khi nào mình bị hất trôi xuống vực. Tuy nhiên, dưới sự hướng dẫn của một số công nhân đường bộ tại đây, các bác tài chịu khó nín thở để vượt qua “cửa ải” này được do nhờ trước đó, ở phía taluy đông bị đẩy trôi trên 20m, các đơn vị ứng cứu đường bộ đã đổ xuống đây trên 3.000m3 đất đá để tạm giữ chân đường quốc lộ.


Chậm thi công do không đạt thoả thuận giá đền bù
Trao đổi với phóng viên SGTT, đại diện cục Đường bộ Việt Nam và khu Quản lý đường bộ 5, đều quả quyết: Sẽ phối hợp với địa phương, tập trung toàn lực để khắc phục, ổn định đoạn quốc lộ bị hư hỏng, nhanh chóng mở tuyến tránh về phía tây để giải quyết ùn tắc xe cộ. Vào giữa tháng 11.2010, lãnh đạo trung tâm Kỹ thuật đường bộ 5 cho biết, họ đã hoàn thành hồ sơ thiết kế xây dựng trên 200m tuyến tránh về phía tây đoạn sự cố, với nền đường rộng 12m. Tuyến tránh này được thực hiện theo kiểu vừa thiết kế, vừa thi công, đền bù di dời dân đến đâu, sẽ giải toả mặt bằng, thi công đến đó. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, mặt bằng để xây dựng tuyến tránh vẫn chưa có; người dân bị ảnh hưởng bởi việc mở tuyến đường tránh vẫn chưa di dời để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Hỏi ra mới biết, cũng như bao công trình “nguội” khác, công trình “nóng” này vẫn bị ách tắc bởi chuyện dài muôn thuở trong các dự án xây dựng công trình giao thông, đó là: chuyện chậm di dời dân do chưa thống nhất được giá cả đền bù cho dân. Ông Phạm Văn Hoá, giám đốc công ty quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên nói: “Chúng tôi được phân công thi công tuyến đường tránh, mọi chuẩn bị về lực lượng nhân công, xe máy đều đã sẵn sàng từ lâu. Hồ sơ thiết kế và việc cắm mốc hiện trường, đã làm xong. Trong tình thế khẩn cấp này, nếu có được một mét vườn, trụ điện,... đã được đền bù xong, chúng tôi sẽ cho giải toả ngay để lấy mặt bằng thi công. Thế nhưng, hiện nay, việc thống nhất giữa người dân với chính quyền về giá cả đền bù di dời vẫn còn chưa xong, nên chúng tôi chưa thể thi công được”.
bài và ảnh: Bích Đào

(SGTT)

PHAM DUY hầu kí

  "HỌC NHƯ THỂ CHẲNG DÀI LÂU... " (Đọc Hồi ký Phạm Duy 2)    Tôi chưa định viết những dòng dưới đây trong vài bài ghi chép khi đọc...