Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

Phan Thị Vàng Anh
Phan Thi Vang Anh
Phan Thị Vàng Anh

Gửi VB (trích)



Tập làm thơ

Rướn lên nào, cầu kỳ vào nào, con lừa già chỉ biết gặm cỏ thực tế
Rồi phun ra cũng chỉ những dòng thực tế
Mắt chỉ thấy cây là cây, hoa là hoa,
Cái đầu đáng đập tung ra để moi thử nằm đâu cái hạt tí hon tưởng tượng
Mỗi sáng làm vài dòng, thử khác với mình, vung tay cao hơn đầu, bất cần trán
Vẫn không qua khỏi cái bề mặt lầm lỳ của cuộc sống
Một với một là hai.
Tôi bất tài, tôi bất tài, tôi bất tài
Tập làm thơ như tập múa, những ngón tay thô kiểu gì cũng không thành hình sen nở
Tôi phục kẻ thù tôi, nghĩ ra những câu co quắp, rợn người, thoát ra ngoài biên giới não
Cũng có lúc tôi lủi vào trong cái chăn lục bát đống rơm bà ngoại
Những sáu những tám cùng nhau dặt dìu ru ngủ tôi có tài
Tôi có tài, tôi có tài, tôi có tài
Chẳng bao giờ đến mức “tai một vần”

Đã cố cầu kỳ hết những dòng trên, giờ thì buồn ngủ
Nhai cái kẹo lạc dính hai hàm răng chẳng muốn mở miệng ngáp một lần.

2004



Để được đi xa thì…

Dậy sớm
từ lúc bốn giờ sáng
Làm gà trống trên cây giật mình vội gáy
Sương đầu ngọn lá hốt hoảng
rơi

Vào cái giờ bông hoa đơn giản nhất cũng còn hương
Đất cũng còn hương
Chưa hề nghĩ đến sâu khi vẹt ngang cành lá
Lòng rất thờ ơ với quả
Lờ mờ treo như không phải để ăn.

Dậy sớm
Từ lúc bốn giờ sáng
Nhạc mở thế nào cũng là to
Mới biết lũ chó không hề ngủ
Hớn hở đi theo chủ
thành đàn
Và hai con mèo
vắng mặt
không lý do.

7. 2001



Trong Cúc Phương

Đi cả ngày không giáp mặt một con thú
Chỉ những đàn bướm trắng đơn điệu
Bay nhanh nhanh như thôn nữ ngày đi chợ
bị trai trêu

Hoa lít nhít lẫn vào trong cỏ
Muốn ngửi
lại ngại mũi dính đất
Hơi rừng như mật
như kẹo the
như góc phố thuốc Bắc

Tất cả chim hót đều giấu mặt.

2001



Hành trình của cây

Nửa đêm
Cái mầm cây chồi lên từ đất
Lấm lét nhìn quanh rồi nở bung hai lá mầm rất mịn
Trong lành.

Sương, nắng, mưa, gió và tất cả những gì rơi xuống, những gì bao quanh nắn cho thân cây thẳng
Mỗi năm choàng thêm một vòng vân
Cái hành trình khó nhọc được thiên nhiên đánh dấu công bằng
Ghi nhận mơ ước của đời cây là tán.

Mơ ước của đời cây có là gỗ quan tài nổ bừng trong lửa?
Hay trăm năm ẩm áp gói hòm da thịt giữa đất đen?
Khi vươn lên chẳng cây nào nghĩ mình rồi thành giường tủ
Không một thân cây nào uốn mình cho giống hình khung cửa
Kéo rèm.

Mỗi bài thơ tôi tôi giết một ước mơ cây giết đến tận cùng
Thành bột giấy.

4. 2006



Ngày lạnh nhất Hà Nội

Phố nhoen nhoét và mưa van vát
Những chiếc taxi bỗng nhiên trở mặt gọi không dừng lại
Tất cả đàn ông trong hàng thịt chó đều mặc áo đen
Hai đốm lửa – hai cái áo len đỏ một góc phòng nhức mắt
Ngày lạnh nhất
Hôm nay đài báo ngày lạnh nhất.

*

Não đàn bà làm bằng gì mà chỉ nghĩ chuyện tình yêu?
Chụm đầu nghiêm trọng như âm mưu chỉ để bàn về một người đàn ông bé nhỏ?

*

Về thôi
Bóng đèn cuối cùng của chung cư đã cháy
Dò dẫm đi lên những cầu thang ướt như bùn chảy
Cái điện thoại cả tối không một tiếng reng
Trong tay làm một ngọn đèn
Loạng choạng

*

Sao phải chịu mùa đông lạnh nhất ở đây?
Mặc nhiều áo tới nỗi xa lạ với da thịt của chính mình
Phải về nhà thuê chỉ thấy đèn chưa bật
Phải viết nhật ký mỗi ngày chỉ cùng một thắc mắc
Chữ cong queo vì đeo găng?

Nhớ Sài Gòn quá, tựa lưng vào tường mà khóc
Âm thầm thôi, trong đêm chỉ đôi mắt mèo động đậy
Nhớ lúc phong phanh áo mỏng rất gần tim
Nhớ những con hẻm nhỏ ít tiếng nói nhớ những con người lầm lũi...

*

Bước tiếp thôi còn một tầng nữa thôi
Bỗng thấy mình còn sống còn đau còn hạnh phúc
Lại sợ rồi sẽ hết, những ngày này sẽ hết
Hai tiếng nữa thôi, ngày lạnh nhất sẽ qua
Buồn làm sao, chuyện gì rồi cũng thành ấm áp.

1. 2005

Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

Chấn vấn... ai?

Nhà thơ Phan Hoàng và người tình ma lực

(TT&VH) - Văn nghệ sĩ Hà Nội vừa có buổi chiều gặp mặt tại quán cà phê ấm cúng trên bán đảo Hồ Thiền Quang, chào đón sự ra đời của Chất vấn thói quen, mà tác giả lại là người Nam, đang sinh sống, làm việc tại TP. HCM - nhà thơ Phan Hoàng.
Đây là tập thứ ba trên chặng đường thơ của Phan Hoàng, dù trước đó, anh đã cho ra đời sáu đầu sách. Nếu tính trên tổng số bảy cuốn, thì rõ ràng sách “báo chí” lấn át hơn cả với Phỏng vấn Tướng lĩnh Việt Nam (3 tập 1997-2000) tái bản bốn lần, Phỏng vấn Người Sài Gòn (2 tập - 1998), Phỏng vấn Người Hà Nội (2 tập 1999-2000) tái bản hai lần, Dạ, thưa thầy! (2 tập 2000-2002, 2000) tái bản hai lần. Và những cuốn này, đang chờ Phan Hoàng biết chăm chú hơn để cho tái bản tiếp.
Tình nghệ sĩ
Nhà thơ Phan Hoàng
Nhưng dù gì, người ta vẫn gọi Phan Hoàng là nhà thơ, hơn là một nhà báo. Kể cả khi, với thói quen... lười in thơ mình, Phan Hoàng phải tựa vào nhà thơ Nguyễn Quyến (“đầu cầu” Hà Nội) để lo từ bản thảo, viết bài giới thiệu, in ấn, đến ra mắt sách. Cũng nhờ việc giúp nhau vô ưu này, nghệ sĩ trong Nam, ngoài Bắc mới nhận ra cái tình nghệ sĩ, vẫn còn nguyên thế, chỉ là ẩn phía đằng sau những toan tính, đấu đá, hẹp hòi, độc ác phán xét chất đầy trong tim óc đa phần người làm nghệ thuật mà không chạm được vào nghệ thuật thời nay.
Buổi ra mắt sách nhẹ nhàng, giản dị, ấm cúng. Người dự chạm mặt bắt tay với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, thủng thẳng tay đút túi, tay cầm chục bản Nghệ thuật mới (phụ trương của báo Người Hà Nội) đủ đầy chân dung, bài viết, sáng tác của những “VIP nghệ thuật Việt” như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Lê Minh Khuê cũng như mới mẻ trẻ trung đầy nhiệt huyết thành tựu … vừa rời nhà in còn nóng hổi mùi mực mới. Gặp nhà văn Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Đình Tú ngồi cười hiền trong một góc tối. Gặp nhà thơ Bình Nguyên Trang thung thăng tặng bạn hữu cũng một tập thơ mới ra đời. Gặp nhà thơ Hữu Việt, Đặng Thị Thăng Hương ào ạt chạy qua với cái nắm tay vội. Vài nhân vật của Hà Nội ấy xuất hiện, khi nhà thơ Phan Hoàng đứng khiêm tốn ở một góc sân khấu, cầm micro xao xuyến lời cảm ơn, đủ để bật lên câu hỏi vỉ sao một “tay mơ” phương Nam, lại nhận nhiều ưu ái của những “tay tỉnh” Hà Nội đến thế.
Nhà thơ, nhà báo, nhà từ thiện, nhà truyền thông...
Sau khi tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Trường đại học Tổng hợp TP.HCM năm 1991, Phan Hoàng được đề nghị ở lại trường, “nhưng vì mê làm báo, tôi về làm việc ở tạp chí Kiến thức Ngày ngay, đến năm 2006 chuyển sang gầy dựng nguyệt san Đương thời. Năm 2010, sau khi được bầu vào Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM, tôi còn được giao Trưởng ban Nhà văn trẻ, Chủ biên trang web Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi cũng được mời phụ trách trang thơ của báo Tuổi Trẻ Online”.
Từ đầu thập niên 1990, nhận thấy nhiều nhân vật có những đóng góp quan trọng cho đất nước nhưng ít được nhắc đến, có người mãi mãi ra đi mang theo nhiêu tư liệu quý giá, Phan Hoàng đã ra Bắc vào Nam phỏng vấn hang trăm nhân vật, từ các tướng lĩnh như Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Trà, Trần Đại Nghĩa, Đồng Sĩ Nguyên, Đồng Văn Cống,… đến các nhà khoa học, văn nghệ sĩ như: Trần Văn Giàu, Hà Huy Giáp, Vũ Đình Liên, Huy Cận, Thanh Châu, Anh Thơ, Lê Thương, Đoàn Chuẩn, Doãn Mẫn, Nguyễn Văn Thương,…
“Nhờ đó mà tôi xuất bản các bộ sách được dư luận đánh giá cao như Phỏng vấn Tướng lĩnh Việt Nam, Phỏng vấn Người Sài Gòn, Phỏng vấn Người Hà Nội,… Riêng bộ Phỏng vấn Tướng lĩnh Việt Nam được giới sử học đánh giá là nguồn cảm hứng khai mở cho nhiều cuốn hồi ký của các tướng lĩnh ra đời” - Phan Hoàng kể.
Bên cạnh việc làm báo, nghiệp thơ vẫn chưa đứt rời khỏi đời anh. Tập thơ đầu tay Tượng tình xuất bản năm 1995 được xem như luồng gió mới trẻ trung trong đời sống thi ca bấy giờ. “Các nhà thơ đàn anh vốn “cao đạo” ở TP.HCM như Bùi Chí Vinh, Lê Minh Quốc... cũng đã viết bài bình luận. Trên tờ Phụ Nữ TP.HCM, nhà thơ Lê Minh Quốc viết đại ý rằng Phan Hoàng là một trong những nhà thơ trẻ đầu tiên mạnh dạn đưa ngôn ngữ hiện đại vào thơ…”, Phan Hoàng nhớ lại.
Đến năm 2002, nhà thơ Phan Hoàng xuất bản tập thơ Hộp đen báo bão. Theo kế hoạch tập thơ này in năm 2000, nhưng lúc đó xảy ra một số “sự cố” về thơ nên NXB Trẻ “neo” lại và biên tập kỹ, cắt bớt vài đoạn nên in chậm hai năm.
“Đã có lúc nhiều người nghĩ tôi chán nản bỏ thơ, nhưng không, tôi vẫn sáng tác đều đặn, có điều ít xuất hiện và không in thành tập. Tôi viết nhiều mà cũng tự xoá bỏ rất nhiều. Điều quan trọng của thơ là phải tạo nên cái mới, khác biệt, nếu không dễ lọt thỏm vào dàn “đồng ca” thơ ngập tràn trên báo xuân, mà đọc bài nào cũng giống bài nào. Đó cũng là một phần bi kịch của nền thơ Việt đương đại”.
Với Phan Hoàng: “Thơ như người tình lãng mạn và khó tính, vừa hấp dẫn ma lực và chia sẻ nỗi lòng tôi, lại vừa làm khổ tôi có lúc đền gầy mòn xanh xao từng câu chữ. Vì có thói quen hay sáng tác lúc đi trên đường hay lúc nửa đêm, nên thơ còn là “mối hiểm hoạ” cho tính mạng và sức khoẻ của tôi”. Vì vậy, có những lúc không viết được, Phan Hoàng đi làm từ thiện. Cách đây ba năm, Phan Hoàng cùng các bạn thơ Lâm Xuân Thi, Hồ Thi Ca sáng lập Quỹ Tình thơ hỗ trợ các nhà thơ gặp hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật (mỗi lần hỗ trợ 10 triệu đồng) và mua thơ hỗ trợ phát hành các tập thơ mới. Đến nay Quỹ Tình thơ đã hỗ trợ hơn 300 triệu đồng. Quỹ này do ban điều hành tự lo liệu, không tổ chức quyên góp.
Bìa Chất vấn thói quen với tranh minh họa của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Đến Chất vấn thói quen
Chất vấn thói quen hoàn toàn không có thơ về tình yêu lứa đôi. Theo lời kể của Phan Hoàng, một nữ nhà văn trẻ đã từng “chất vấn” hình như anh không làm thơ tình?
“Biết làm sao được khi mối quan tâm của tôi đang hướng về những người nông dân bị mất đất, sống ly hương, di sản cha ông đang bị tàn phá, môi trường sống của chúng ta đang bị huỷ hoại, sự hư danh ảo tưởng đang lấn át, cái ác cái chết đang ám ảnh mỗi người hàng ngày… và trên hết là sự cô đơn đang bao trùm đời sống thị trường, những giá trị nhân văn bị đảo lộn trong từng gia đình, trong từng ý nghĩ của không ít con người…”.
Lúc này, nhà thơ Phan Hoàng đang chỉnh sửa bản thảo tập thơ thứ tư Bước gió truyền kỳ. Đúng ra tập thơ này xuất bản trước Chất vấn thói quen, nhưng vì cuối năm 2010, Phan Hoàng bị cướp mất laptop, nên bản thảo chỉnh sửa vừa hoàn thành cũng “bay” theo luôn.
“Giờ phải tập hợp lại bản thảo, sáng tác lại một số bài theo trí nhớ để ra mắt bạn đọc. Tôi cũng đang suy nghĩ về những đề nghị tái bản các bộ sách phỏng vấn nhân vật của mình và tập hợp tản văn, bút ký tôi viết gần 10 năm nay để in thành sách. “Âm mưu” dự định thì nhiều nhưng cũng khó mà… bước tới hết”.
An Vũ

Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Kỷ niệm... Bắc tiến



Trong đợt nghỉ hè năm nay, tôi tham gia nhiều chuyến dã ngoại lý thú cùng với anh em văn nghệ sĩ Phú Yên. Trong đó, có chuyến đi cùng Đào Đức Tuấn ra Sông Cầu - Quy Nhơn vào hai ngày 24 - 25 / 8 / 2011.
Anh Đào Đức Tuấn là phóng viên Đài phát thanh tỉnh Phú Yên, đồng thời là cộng tác viên thân thuộc của báo Thanh Niên. Anh được báo Thanh Niên cử ra thị xã Sông Cầu để lấy tin, đi một mình buồn nên rủ tôi và dĩ nhiên tôi không bỏ lỡ những chuyến đi như vậy.
Sáng 24, chúng tôi đi xe máy ra xã Xuân Hải, phía bắc thị xã  Sông Cầu, cách TP. Tuy Hòa khoảng 80 km. Chúng tôi đến một làng nhỏ nằm gần biển, vẫn còn rải rác một vài căn nhà lá dừa, mặc dù xét về mặc giấy tờ, đất này là... "thị xã". Sau một hồi lòng vòng tìm hỏi, chúng tôi mới đến được nhà người cung cấp tin cho báo. Người dân này phản ánh, anh ta tới ủy ban xã làm giấy khai sinh cho con nhưng ủy ban không chịu cấp vì chưa đóng xong khoản tiền xây dựng giao thông nông thôn. Sau khi lấy đủ các thông tin, chúng tôi đến ủy ban xã Xuân Hải. Anh chủ tịch xã còn trẻ, dáng nho nhã thư sinh và ăn nói chững chạc, khúc chiết cho biết rằng, xã vẫn biết làm vậy là không đúng nhưng nếu không làm vậy thì nhiều người dân không chịu đóng góp khoản tiền xây dựng đường nông thôn. Tôi chợt nhớ đến bốn két bia Lowen đã uống xong chồng trước hiên nhà anh thanh niên cấp tin. Tôi nghĩ, nếu hôm trước, anh ta và bạn bè chỉ nhậu ba két thôi, còn chừa lại một két để dành tiền đóng cho xã thì đâu có rối việc. Trong sự việc này, tôi thấy ai cũng có cái lý riêng của mình.
Biển Sông Cầu, đánh cá, nuôi tôm vốn là nghề chính của ngư dân địa phương

Những căn nhà lá nằm yên ả / Khói tỏa vờn quanh xóm biển nghèo
(ảnh và thơ Phạm Ngọc Hiền)

Chúng tôi tiếp tục khởi hành, dọc đường, ghé lại nghỉ trưa ở một quán nước dọc đường. Cái quán tuềnh toàng, lợp bằng lá dừa với vài cái cột tre cắm trên bãi cát nóng bỏng. Trong khi Tuấn viết tin thì tôi nằm võng lim dim mắt nghe đủ mọi thứ chuyện trên đời. Có mấy người đàn bà tới uống nước bàn chuyện trẻ em bị bắt cóc. Đại khái có một nhóm người lạ mặt, rất dữ dằn, đi xe con tìm bắt trẻ em từ khu Bắc Khánh Hòa trở ra, nay đã tới Bắc Phú Yên. Họ dụ đưa trẻ em lên xe, tới chỗ trống, mổ lấy nội tạng, nhét vào bụng 5 triệu đồng rồi vứt xác lại. Cách kể của họ rất ly kỳ hấp dẫn và có vẻ thật 100 %. Tuy nhiên, cái đoạn nói rằng công an đã bắt được hai người đàn bà, còn hai đàn ông chạy thoát vào rừng thì tôi hơi nghi ngờ. Sau này, tôi bảo Tuấn chộp lấy tin này mà đăng báo nhưng Tuấn bảo, phải cẩn thận với các tin đồn, để hỏi một vài người bạn công an xem thử thực như thế nào rồi mới viết.
Nhóm người này đi, một lúc sau có một thanh niên khác tới báo tin có một vụ tai nạn giao thông và người gây tai nạn đã bỏ trốn. Anh ta hỏi chủ quán có biết người bỏ trốn là ai không, chủ quán nói không. Anh ta uống nước xong rồi đi. Một lúc sau nữa, vợ và con chủ quán tới bàn những chuyện trong gia đình. Anh con trai đã mua vé xe chuẩn bị vào Sài Gòn làm mướn. Rồi họ bàn tới chuyện làm đám giỗ ngày mai, bà vợ than thở giá cả bây giờ cao quá, mua sắm cái gì cũng khó...
Chao ôi, cả một buổi trưa nằm lim dim mắt nhưng không ngủ được vì bao chuyện đời đau khổ. Tôi hình dung tới nỗi đau của đứa trẻ khi bị bắt mổ bụng, thế nào bé cũng la lên: "Ba má ơi, cứu con với !". Bọn dã nhân sẽ bịt miệng và bằng một đường dao sành sỏi chẳng kém gì một bác sĩ thừa tài thiếu đức, chúng mổ bụng lấy gọn nội tạng để bán cho những nhà giàu. Chuyện mổ bụng trẻ em thì tôi đã nghe đồn nhiều lần nhưng cái việc bỏ vào bụng nạn nhân 5 triệu thì mới chỉ nghe lần đầu. Rồi còn cái việc tai nạn giao thông, thói thường, kẻ gây tai nạn vẫn sống nhăn răng, chỉ thiệt cho người đi xe cẩn thận chẳng may đụng phải những kẻ đi xe ẩu chuyên nghiệp. Kèm theo cái chết của một người là những tiếng khóc than vang trời dậy đất của gia đinh và bạn bè, hàng xóm. Năm nào, gia đình cũng làm đám giỗ trong thời bão giá leo thang. Và còn nhiều chuyện rối bời khác... Tôi nghĩ, nếu trưa ấy tôi và Tuấn ngủ trong khách sạn, có máy lạnh chạy ro ro thì liệu có nghe được những câu chuyện "nhân sinh" đó không. Ngủ bụi dọc đường một chút mà hiểu được bao nhiêu chuyện thực ở đời, như vậy cũng hay !

Nghỉ trưa ở dọc đường, nghe bao chuyện đời đau khổ (ảnh: Đức Tuấn)

Nơi giáp ranh Sông Cầu và Quy Nhơn (ảnh: Đức Tuấn)

Chiều, chúng tôi vừa đi vừa ngắm biển Sông Cầu xanh một dải, núi một bên, ngâm nga câu thơ của Xuân Hoàng; "Thị trấn đẹp như một lời tiễn biệt / Điệp trùng núi biển đứng bên nhau". Những hàng dừa cuối cùng của thị xã Sông Cầu vẫy tay tiễn biệt chúng tôi. TP. Quy Nhơn hiện ra, nhìn từ trên cao xuống, thật trẻ trung, xinh đẹp. Tôi trở lại Quy Nhơn nhưng trở lại người tình cũ từng bốn năm chung sống. Đường phố thay đổi nhiều, tôi phải hỏi đường liên tục nên Tuấn chọc tôi: "Về quê mà lại hỏi đường". Tới trước trường Đại học Quy Nhơn, tôi dừng lại hồi lâu ngắm cảnh, mặt trước của trường khác hoàn toàn với thời tôi còn học ở đây (1990 - 1994). Trường ĐH Quy Nhơn bây giờ hoành tráng hơn, đẹp hơn nhưng vẫn không thay thế vẻ đẹp bình dị cũ đã nằm trong tim tôi suốt 17 năm nay.

Thăm lại trường xưa (ảnh Đức Tuấn)

Nghỉ ở khách sạn Thắng Lợi (ảnh Đức Tuấn)

Chiều mát, chúng tôi đi nhậu với các anh em báo chí văn nghệ sĩ Bình Định: anh Cát Hùng - phóng viên báo Nhân Dân tại Bình Định, người mà Đào Đức Tuấn muốn gặp trao đổi công việc trong chuyến đi này. Nhà thơ Lê Văn Ngăn - gương mặt nổi tiếng trong làng thơ Bình Định từ trước 1975 đến nay. Anh Nguyễn Thanh Mừng, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình Định, hiện là Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông. Ngoài ra, còn nhiều anh em văn nghệ khác nhưng cuối cùng chỉ còn lại sáu người và câu chuyện càng đi vào chiều sâu. Nhà thơ Lê Văn Ngăn đã lớn tuổi nhưng càng uống bia càng tỉnh và bắt đầu hát, đọc thơ rất truyền cảm. Có lẽ ông rất có "hứng" khi trao đổi với tôi về các vấn đề văn chương, học thuật. Nhưng rồi cuộc vui nào cũng tàn, lão tướng Lê Văn Ngăn lầm lũi đạp xe trên đường Hai Bà Trưng về nhà. Còn tôi và Tuấn thì được anh Cát Hùng bố trí vào ngủ trong nhà khách Tỉnh ủy - Khách sạn Thắng lợi, số 03 Trần Phú.

Đêm Quy Nhơn, lai rai với các văn nghệ sĩ. Nhà thơ Lê Văn Ngăn say sưa
kể chuyện, nhà báo Cát Hùng lim dìm mắt lắng nghe (ảnh Đức Tuấn)

Cà phê bên công viên Quang Trung với nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng
(ngoài cùng bên trái) và nhà báo Đào Đức Tuấn (ngồi giữa)
Sáng hôm sau, Nguyễn Thanh Mừng lại tới mời đi ăn sáng và uống càphê bên công viên Quang Trung. Kể ra, anh cũng là cán bộ có cỡ của Tỉnh nhưng tác phong rất bình dân. Chúng tôi nói chuyện khá hợp nên tới 9 giờ mới chia tay. Trên đường về, ghé lại Gành Ráng và mộ Hàn Mặc Tử, cảnh vật khác xa thời tôi học ở đây. Nhìn xuống thành phố trẻ trung lộng lẫy, tôi chợt nhớ đến một bài thơ của cựu sinh viên khoa Văn ĐH Quy Nhơn: "Tạm biệt Quy Nhơn, thành phố ba bề sóng vỗ / Mai tôi về trên đó với cao nguyên / Xa ngái thế, biết làm sao trở lại / Khung trời xanh hạnh phúc bình yên". Đến mộ Hàn Mặc Tử, không thể không ghé thăm bút lửa Dzũ Kha. Đào Đức Tuấn phỏng vấn Dzũ Kha về công việc bếp núc của nghề khắc chữ nghệ thuật. Hóa ra, Tuấn có mối duyên nợ với "đồng chí Hàn Mặc Tử" từ thời sinh viên ở ĐH Đà Lạt. Tuấn đã làm khóa luận tốt nghiệp với đề tài: "Thi pháp thơ Hàn Mặc Tử". Còn tôi, kỷ niệm về Hàn Mặc Tử cũng có nhiều: hồi sinh viên, mỗi chiều đi dạo lên mộ Hàn Mặc Tử, ngắm cảnh, làm thơ theo phong cách của Hàn. Sau này đi dạy, cũng rất hứng khi giảng bài Đây thôn Vỹ Dạ, cũng có viết bài bình tác phẩm này. Và còn chấm nhiều luận văn Đại học, Cao học về Hàn Mặc Tử...

Bên mộ Hàn Mặc Tử (Ảnh Đức Tuấn)

Đặt hàng Dzũ Kha viết dùm chữ: "Đức năng thắng số" (ảnh Đức Tuấn)

Chiều 25, tôi về tới Tuy Hòa, do ra nắng nhiều nên da rám đen, cởi áo ra thấy cánh tay một nửa châu Phi, một nửa châu Âu. Chẳng có dấu hiệu gì mệt mỏi dù tôi đã nắm tay lái gần 200 km. Có lẽ cái cốt nông dân ngày xưa vẫn còn đó, cộng với cái máu thích "xê dịch" của nghệ sĩ. Lấy chất liệu và cảm hứng từ chuyến đi, xin viết bài này để hầu bạn đọc.
PHẠM NGỌC HIỀN

Tạm biệt Quy Nhơn, thành phố ba bề sóng vỗ (ảnh Đức Tuấn)

(theo phamngochien.com)

PHAM DUY hầu kí

  "HỌC NHƯ THỂ CHẲNG DÀI LÂU... " (Đọc Hồi ký Phạm Duy 2)    Tôi chưa định viết những dòng dưới đây trong vài bài ghi chép khi đọc...