Thứ Hai, 29 tháng 9, 2008

Viết về vợ chồng Lê Đinh Hòa

Chàng thi sĩ mù xứ Nẫu và mối tình với người con gái Thái Nguyên





Mối tình giữa chàng thi sĩ mù và cô gái đến từ đất Bắc đã làm xôn xao phố phường Phú Lâm, Tuy Hòa từ mấy tháng nay. Bởi câu chuyện cứ như trong tiểu thuyết diễm tình mà lại là sự thực rành rành như biết bao mối tơ duyên khác với kết quả là những đám cưới hằng ngày diễn ra trên trái đất này.

Căn nhà hai người đang ở là số 279 Nguyễn Văn Linh, khóm 1, phường Phú Lâm, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Chàng thi sĩ ấy là Lê Đình Hòa, sinh năm 1963, bị mù từ năm 1985 khi đang học năm thứ 2 Đại học Sư phạm Quy Nhơn. Và người đẹp bên anh là Trần Thị Hạnh, sinh năm 1964, quê ở Thái Nguyên, là giáo viên dạy trẻ tại trường mầm non thị trấn Chợ Giã, huyện Ba Bể, Bắc Cạn. Bắt đầu cho mối kỳ duyên này là bài báo viết về Hòa “Ta bỏ trường nhung nhớ để ngàn sau” của Trần Hoàng Nhân (tạp chí Tài Hoa Trẻ số 305 ngày 3/3/2004)…

Chỉ có thơ trong đời…

Cũng như nhiều sinh viên khoa văn, Hòa đã cầm bút làm thơ trong sổ tay, đọc cho bạn bè thân thiết trong những lần sinh hoạt, tâm tình. Hòa nói: “Lúc sáng mắt, mình làm thơ chơi vui vậy thôi. Còn hai mươi năm qua, thơ đã là niềm an ủi lớn nhất đối với mình…”. Tôi và nhiều anh em ở Hội Văn nghệ Phú Yên đã lâu rồi rất tâm đắc với những vần thơ của Lê Đình Hòa:

Những con đường thi nhân đi qua
Xấu xí vịt bầu một trời hoàng hạc
Chân rượu đế lần khăn tay cua ốc
Tẩu buồn phun khói nhớ quê nhà (Nhớ Bùi Giáng)

***

Ta bỏ trường nhung nhớ để ngàn sau
Làm xa lạ bỏ tình yêu giữa phố
Chiều nghiêng môi uống cùng ta bão tố (Nhớ Quy Nhơn)

và gần đây là bài thơ sau ngày cưới vợ (13/8/2004):

Em chúm môi măng, ta dập đầu vạn tuế
Trước mắt mình ẩn hiện một nhi đồng
Ta chỉ muốn được em bồng bế
Qua mùa thu, qua hết mùa đông (Cảm giác).

Trong căn nhà nhỏ bên hẻm chợ Phú Lâm, Hòa đọc cho tôi những vần thơ tâm huyết, bài thơ nào dù có dài cách mấy, anh cũng thuộc lòng, cả thơ của nhiều tác giả khác. Nghe tôi khen về trí nhớ, Hòa phân trần: “Trước kia, nhiều chuyện phải lật sách vở, còn giờ làm thơ cứ lẩm nhẩm trong đầu là thuộc. Tại không thấy được nên buộc vậy…”. Nhìn đôi mắt mở to của Hòa và những thao tác, đi lại gọn ghẽ trong nhà, có lúc tôi cứ ngỡ anh còn sáng mắt như bao người bình thường. Và thực sự, Hòa đã “vịn câu thơ đứng dậy”, “câu thơ trong veo neo giữ phận người” như có nhà thơ đã viết. Hòa bồi hồi: “Những ngày đầu bị mù, mình như không thiết sống nữa. Gia đình, anh em bè bạn và những bài thơ đã kéo mình ở lại…”; thấm thoát đã hai mươi năm trôi qua và gia tài thơ của anh đã có gần 200 bài. Rồi chẳng bao lâu sau ngày Hòa bị mù, cha anh cũng mất vì bệnh ung thư. Mẹ Hòa, bà Huỳnh Thị Lài kể: “Vợ chồng tui có sáu con, Hòa là đứa thứ tư. Hồi nẳm, nó đang học ở Quy Nhơn thì bị mờ mắt, tui đã vét hết nhà chạy đủ nơi để cứu chữa nhưng rồiø đành nhìn con chịu cảnh mù lòa. Chớ mà nó kiên trì lắm, nó cố gắng sống đàng hoàng như người ta mà… Chồng chết, gia cảnh khổ cực trăm bề, tui cũng ráng làm lụng nuôi con”. Căn bệnh teo dây thần kinh thị giác đã xóa nhòa giấc mộng làm nghề dạy học của chàng trai Lê Đình Hòa, chỉ còn nàng Thơ ở lại cùng anh…

Người đến từ nghìn trùng…

Nhớ Bùi Giáng

Những con đường Thi nhân đi qua
Lá me nhỏ nhiễm buồn tưng tửng
Cây trí nhớ nở bừng mây trắng
Bập bềnh dươí chân người đi xa.

Những con đường Thi nhân đi qua
Này áo này khăn ơ hờ râu tóc
Một chân Thị Nghè, một chân Nhiêu Lộc
Lục bình nghẹn chảy tím sông hoa.

Những con đường Thi nhân đi qua
Xấu xí vịt bầu một trời hoàng hạc
Chân rượu đế lần khân tay cua ốc
Tẩu buồn phun khói nhớ quê nhà.

Những con đường Thi nhân đi qua
Ai nói ai cười ai lau nước mắt Cội mai vàng ai ngồi mơ phương Bắc
Tiễn đưa chiều ai gõ nhịp năm ba.

Những con đường Thi nhân đi qua
Con mắt ngày xưa bây giờ còn khóc
Đường phố đông vui tiễn người cô độc
Có một ngày về ta nhớ ta.

Con đường trần có Bùi Giáng đi qua.

Lê Đình Hòa

Riêng chuyện yêu và cưới vợ của Lê Đình Hòa thì đầu đuôi thế này. Chị Hạnh hồi tưởng:

- Mình rất thích đọc sách báo, tình cờ một hôm mình đọc bài viết về anh Hòa, vì thấy đồng cảm và đang buồn nên mình viết thư chia sẻ. Rồi anh Hòa nhờ người viết thư trả lời. Các thư sau đó của mình là nói vào băng cát-xét gởi qua đường bưu điện; bởi tình cảm mình chỉ muốn riêng ảnh biết thôi. Tất cả mình đã gởi cho anh Hòa 7 thư bằng băng cat-xet. Cứ thế, chưa gặp nhau nhưng tình cảm giữa hai đứa cứ bồi thêm mỗi ngày… Rồi anh Hòa gởi cho mình một lá thư “quyết định” chuyện hôn nhân và mình đồng ý…

Hòa bổ sung thêm:

- Khi gởi thư “quyết định” rồi, bọn mình còn liên hệ bằng điện thoại và mình đã mời Hạnh về Tuy Hòa thăm chơi biết nhà. Thuyết phục được Hạnh nhận lời, mình rất mừng…

Tôi “tra vấn” tiếp Hạnh:

- Khi anh Hòa gởi “tối hậu thư”, chị quyết định khó khăn lắm không?

- Tình cảm chúng mình cách trở như vậy nhưng tự nhiên lắm, thấy như ø đã tìm được người đồng điệu, dù chỉ qua những lá thư. Mình cũng suy nghĩ nhiều đêm về chuyện phải thay đổi môi trường sống và đủ thứ khác, không biết rồi ra sao nhưng mình tin vào tình yêu và ý chí vượt lên hoàn cảnh của anh Hòa…

- Thế còn ý kiến phía gia đình chị?

- Nhiều người trong nhà cũng cản ngăn, phân giải nhưng rồi cũng tôn trọng quyền lựa chọn và sự quyết tâm của mình.

- Còn giờ chị thấy cuộc sống ở Tuy Hòa ra sao?

- Nói thật, ban đầu cũng rất lo lắng nhưng quyết định đến với anh Hòa như là một định mệnh, mình như là tìm được một nửa còn lại. Vào đây rồi, mình thấy cũng rất dễ hòa nhập, gia đình anh Hòa sống rất tình cảm nên mọi chuyện rất thoải mái. Mình đang rất hạnh phúc.

Tôi được biết, Hạnh cũng có làm thơ, chị viết nhiều nhất là lúc trao đổi thư từ với Hòa. Hạnh đọc mấy câu chưa bao giờ gởi đăng báo:

“Con sóng nhớ vùi đầu vào bờ cát
Buồn thương ai mà thông hát vu vơ
Biển trông ai mà quay quắt xô bờ” (Nhớ)

***

“Nỗi nhớ ơi sao cứ da diết mãi
Bước chân em không dài, cánh tay lại ngắn
Làm sao chạm được tới anh
Hay em hóa vào cỏ mượt dưới trăng
Trải đệm anh nằm, làm mây anh đắp
Chỉ xin trời đừng đổ mưa, mây đừng tan thành nước
Ướt anh thấy lạnh, em đau” (Trích trong băng “thư” Hạnh gởi Hòa).

Trong suốt cuộc nói chuyện, tôi đã vui lây với niềm hạnh phúc như luôn ngời sáng trong mắt họ. Hòa âm trầm: “Cảm ơn ông trời, cảm ơn bạn bè đã giúp mình có được hạnh phúc hôm nay. Còn từ giờ trở đi, có được tình yêu của Hạnh, dẫu cuộc đời còn có xô đẩy đến đâu, mình cũng sẽ phấn đấu vượt qua mọi hoàn cảnh để xứng đáng với niềm tin tưởng của những người thân yêu…”. Tôi gợi chuyện yêu đương của anh trước khi gặp Hạnh thì được Hòa ôn cố tri tân: “Hồi đi học, mình cũng có chuyện yêu đương nhưng rồi cũng trôi qua theo bệnh tật. Sau đó thì mình mặc cảm người ta thương hại mình, chứ đâu muốn xây dựng với một người mù. Mình cũng ước ao có được một gia đình riêng nhưng sao khó quá. Bạn bè có dẫn giới thiệu một số cô nhưng rồi có người nặng lời làm mình rất buồn. Vậy nên mình càng ngại ngùng, cứ suốt ngày ở nhà… Còn giờ thì thơ mình đã thêm nhiều chất vui rồi”.

Mong ước giữa mùa xuân



Chị Hạnh thẳng thắn:

- Mình biết cuộc sống không phải lúc nào cũng trôi êm đẹp nhưng bọn mình rất tin bằng sự cố gắng của hai đứa, mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Bây giờ mình cảm thấy rất hạnh phúc và sẽ phấn đấu nhiều hơn nữa để đạt những dự định tiếp theo.

- Công chuyện làm ăn sắp tới của chị?

- Gia đình vừa sửa san một căn phòng trong nhà để mình giữ vài đứa trẻ, kiếm thêm thu nhập. Mọi người trong xóm rất ủng hộ và với kinh nghiệm dạy mầm non, được mẹ và anh Hòa phụ giúp, mình nghĩ công việc sẽ thành công.

Anh Đỗ Đình Tây, người phụ trách Chi hội Văn học nghệ thuật huyện Tuy Hòa cho biết: Lê Đình Hòa là một người giàu khả năng và nghị lực, chi hội luôn tìm cách giúp đỡ nhưng cũng rất hạn chế và chúng tôi cũng đã đề xuất với Hội VHNT Phú Yên tài trợ in cho Hòa một tập thơ riêng. Còn về chuyện in thơ trên các báo, Hòa cho biết vẫn nhờ vào những anh em quen biết là chủ yếu; giờ thì chị Hạnh đang bắt đầu chép lại thơ cho anh. Do khó khăn về đi lại, giao tiếp nên thơ của Lê Đình Hòa vẫn chưa được giới thiệu nhiều. Và một mơ ước lớn hiện nay của anh là vươn lên như bao nhiêu người tật nguyền làm nghệ thuật đã được nhắc đến nhiều trên sách báo. Kênh thông tin chủ yếu hiện nay của anh là chiếc radio thân thiết nên phần lớn thơ Hòa gởi cho đài phát thanh của tỉnh và Đài Tiếng Nói Việt Nam. Hòa nhận xét rất chi tiết và tinh tế các chương trình qua phát thanh, như chương trình nào hay, dở, một số chương trình văn nghệ cần chọn lọc bài vở kỹ hơn,... Nhà thơ Nguyễn Tường Văn, biên tập viên Đài Phát thanh Phú Yên nhận xét về thơ Hòa: “Phải nói Lê Đình Hòa là một người có tài, làm thơ rất chắc tay và khá hiện đại. Tôi đã biên tập dùng bài của Hòa khá nhiều rồi mới biết được anh bị mù. Không hẳn là chuyện tên tuổi nhưng tôi mong rằng các anh em báo chí, văn nghệ làm sao quan tâm sử dụng thơ Hòa nhiều hơn để anh có thêm niềm vui và một chút nhuận bút trong lúc gia đình anh còn khó khăn”. Riêng tôi lại thêm một lần biết rằng, tình yêu thật khó lý giải và so đo, họ đã vượt qua hàng nghìn cây số với bao nhiêu chướng ngại để đến bên nhau và họ sẽ đi chung đường dài hơn thế nữa.

Xuân Ất Dậu 2005, đón cái Tết đầu tiên sau ngày cưới vợ, Lê Đình Hòa đang mong có thêm nhiều bầu bạn đến cùng anh sẻ chia những vui buồn trong đời cùng những vần thơ lung linh sức sống giữa tiết xuân đang độ nồng nàn…

Hùng Phiên

Mạnh tiên sinh uống rượu viết văn


Rộn ràng mùa ốc ruốc | |


Khi cây mãng cầu qua những ngày trụi lá, giờ đã bật lên những đọt non cũng là lúc nông dân vùng ven biển ra bãi thăm dò, mò cào ốc ruốc. Loài sinh vật biển này chỉ bằng mút đũa, vỏ láng, óng ánh sắc màu; có con màu ruốc, con lấm chấm màu gạch, con rằn ri xám tro; ruột ốc chỉ có một chút thịt bằng chân tăm xỉa răng. Ít ai ngờ con ốc nhỏ nhoi lại giúp nông dân có được đồng ra đồng vô đắp đổi chợ búa trong khi chờ đợi mùa vụ.

(Thảnh thơi ngồi .. lể ốc)

ĐI CÀO ỐC RUỐC

Mùa ốc ruốc bắt đầu từ tháng hai âm lịch. Chờ lúc con nước rọt, bờ biển sóng lặng, vào khoảng 2-3 giờ sáng, dân cào ốc ruốc ở Tuy Hòa dậy sớm gọi nhau ơi ới, xe máy nổ giòn, họ phóng đi tứ tản ra các bãi biển từ Tuy Hòa, Tuy An và xa nhất là đèo Nại – Sông Cầu. Nơi nào bãi biển có cát là họ sà xuống, dầm mình, dúi que cào xuống nước ở độ sâu trên đầu gối, rồi trườn ra ở độ sâu hơn tới lưng quần, có chỗ sâu tới ngực. Họ dừng lại kéo từng nhát ốc lẫn cát vào bờ, vụt lên giũ xuống, đãi ốc trong nước – cát theo nước ra ngoài, ốc nằm lại trong túi lưới mùng. Nhát nào “trúng đậm” là 5-7 ký, nhát nào thưa cũng được vài ba ký. Khi số bao mang theo đã chứa đầy ốc là vác cào lên bờ về nhà. Hôm nào xe máy tải không hết ốc, họ phải nhờ xe buýt.

Ốc về, ngâm nước ngọt, đãi sạch cát, luộc chín, bỏ chợ. Nhả ốc trộng hơn (lớn) giá sỉ 4.000 đồng/ký, ốc nhỏ 2.000-3.000 đồng/ký. Bình quân mỗi ngày một chuyến đi cào ốc ruốc, trừ chi phí xăng xe, một lao động kiếm được trên dưới 100.000 đồng. Cào ốc ruốc là công việc của đàn ông, thanh niên có sức khỏe. Mỗi lần đi cào ốc, ít nhất phải hơn 4 giờ ngâm mình, chịu lạnh trong nước biển. Cào ốc như người đi mót lúa, chịu khó “năng nhặt chặt bị”, ai làm lớt phớt phải về tay không, tốn xăng xe và thời gian.


(Rửa ốc, chuẩn bị luộc để mang ra chợ )

THẢNH THƠI NGỒI CHƠI, LỂ ỐC

Dậy từ 3 giờ sáng, chị Thoa xóm tôi lục đục luộc ốc, cho vào bao, kèm theo túi gai bàn chải, chở ốc vô chợ Tuy Hòa bán sỉ. Tôi thắc mắc, ngày nào cũng có hàng chục bao, tính cả tấn ốc vào chợ đều được “nuốt sạch” mà không xảy ra tình trạng ế ẩm, trả treo, ép giá như hàng hóa nông sản khác. Ngồi ăn hết một bụm ốc, mất vài chục phút, béo bổ cái nỗi gì mà ốc ruốc không bị “đắt đồng ế chợ”. Nghe vậy, chị Thoa giải thích: “Anh cứ ăn thử vài lần, lể ốc quen tay là thấy ghiền liền hà!”. Chị Thoa nói rằng, ốc ruốc là thứ ăn chơi, ruột ốc tuy nhỏ nhưng mỗi lần dùng gai bàn chải “khèo” nó ra khỏi vỏ là một cái thú. Khi đưa thịt ốc vào đầu lưỡi, nhăm nhắp một chút, vị mặn ngon ngọt, thơm lờ, trôi tuột là dịch vị kích thích phải nhanh tay khèo cái nữa, cái nữa… một ký ốc mấy bà, mấy cô bán hàng ngoài chợ ngồi lể trong “nháy mắt” (ý muốn nói là lể ốc cực nhanh) 2000 đồng lon, 4 lon 1 ký, ăn hết ký này, ăn sang ký nữa không biết no mà chưa thấy đã thèm. Ăn thứ gì “no mất ngon”, chứ riêng ốc ruốc, ăn càng nhiều càng thấy “ghiền nặng”, chưa thấy ai biết ớn là gì !

“Thảnh thơi ngồi chơi, lể ốc” là câu nói quen miệng của nhiều người. Những người ngồi chợ bán hàng, trẻ con, học sinh, sinh viên vùng biển rạo ực đợi mùa, rỗi việc là ăn ốc ruốc. Ai cũng tranh thủ thưởng thức hương vị quê nhà, vì mỗi năm chỉ có một mùa. Từ tháng hai đến tháng tư, ốc ruốc theo sóng dạt vào bờ, làm quà tặng cho đời và gợi nhớ cho những ai ưa “ăn để thưởng thức” về một loài ốc biển nhỏ nhoi nhưng giàu phong vị, trước khi vỏ của chúng trở thành những… tấm mành mỹ nghệ nhiều màu, được xuất khẩu sang nhiều nước !

MẠNH MINH TÂM

Sắc màu văn hóa

Cuộc hội tụ nhiệt thành các bản sắc dân tộc
Hoàng Yến

Xem h�nh
Trình diễn lễ hội cúng mừng lúa mới của đồng bào Raglay (Khánh Hòa)





Có lẽ trước đó, những nhà tổ chức cũng không sao hình dung nổi sự sôi động, đắm say và thành công rực rỡ đến vậy của Ngày hội văn hoá các dân tộc miền Trung, miền Đông Nam bộ lần đầu tiên diễn ra tại Phú Yên.
Ba ngày đêm liên tục, phố biển Tuy Hoà chứng kiến một cuộc hội tụ lắng sâu của những tinh hoa văn hoá đa sắc tộc và những tấm lòng vì một bản sắc

Từ ngày 16 đến 19.6, trên 500 nghệ nhân của 11 tỉnh, thành từ Nghệ An đến Bình Phước đã làm cho mùa hè phố biển Tuy Hoà náo nức hơn bao giờ hết. Bởi đây không chỉ là một cuộc trình diễn mà thực sự là ngày hội, hâm nóng những tinh hoa văn hoá truyền thống của từng dân tộc trong khu vực. Người trong cuộc và khách thưởng du đã được dịp tay trong tay, thông hiểu nhau bằng một ngôn ngữ văn hoá sinh động nhất. Hai địa điểm chính diễn ra ngày hội là Nhà văn hoá Diên Hồng và Khu giải trí - sinh thái Thuận Thảo (TP Tuy Hoà) lúc nào cũng đông nghịt người từ khắp nơi trong tỉnh Phú Yên và khách du lịch trong, ngoài nước.


Món canh thục của người S'Tiêng (Bình Phước)

Những người trong cuộc và khách thưởng lãm đã thực sự bị thu hút, đắm say ngay đêm khai mạc (16.6) bởi một chương trình nghệ thuật dân gian đặc sắc với chủ đề Phú Yên với bè bạn, bè bạn với Phú Yên của 11 đoàn nghệ nhân từ Nghệ An đến Bình Phước. Một đêm diễn đầy ắp các “đặc sản văn nghệ” các dân tộc anh em trong khu vực với các tiết mục: hoà tấu dân tộc Chăm H’Roi Cồng ba-trống đôi-chin năm (đoàn Phú Yên); hát múa dân ca Cơ Tu Lễ hội đón khách (đoàn Quảng Nam); hát múa Châu Ro mở hội (đoàn Đồng Nai); hát múa dân ca Pa Kô Cha chấp (đoàn Thừa Thiên-Huế); hát múa Nhịp sống miền bazan (đoàn Bình Phước)... cùng chương trình Hương xuân Việt Bắc của Đoàn ca múa nhạc dân gian Việt Bắc (Bộ VHTT).


Thi trò chơi dân gian Giã gạo chày đôi của
đòan Ninh Thuận

Ban tổ chức cũng đã dành một khu vực trang trọng nhất cho Triển lãm di sản văn hoá 54 dân tộc anh em, với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc miền Trung, miền Đông Nam bộ” do Bảo tàng văn hoá các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Chăm Đà Nẵng và Bảo tàng Phú Yên thực hiện với nhiều bộ sưu tập dân tộc học độc đáo, phong phú của các dân tộc trong khu vực. Cùng lúc đó là triển lãm ảnh cá nhân Phú Yên, quê hương tôi của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Ngọc Minh, tập hợp 50 tác phẩm ảnh cỡ 50 x 75cm, với nhiều góc nhìn tươi mới về tình yêu quê hương đất nước, con người miền Trung.


Liên tục trong chương trình ngày hội là các cuộc thi trình diễn lễ hội truyền thống, trang phục dân tộc, nghệ thuật dân gian, trò chơi dân gian, và đặc biệt là cuộc thi văn hoá ẩm thực với những tinh hoa chế biến món ăn của các dân tộc Việt Nam. Mỗi món ăn trình bày trong ngày hội đã mang đến một cảm nhận sâu sắc cho người xem, người nếm, nhất là những ai được tận hưởng cả một quá trình chế biến và quây quần ngồi ăn cùng các loại rượu đặc trưng từng hồn đất - hồn người... Với món sơ rá do chính tay các cô gái CơTu (Quảng Nam) dùng thịt ướp lá chua, tiêu rừng rồi nướng trong ống lồ ô, làm cho cái vị thơm-ngọt-cay cay thật khác lạ. Đoàn Bình Phước giới thiệu món canh thục của người S’Tiêng, với nguyên liệu chính là rau rừng, nấu với cá và thịt trong ống, mang hương vị ngọt lừ, nồng nàn của núi rừng miền Đông. Rồi món cá ngòn-cà lào-ốc đá của người Nguồn (Quảng Bình), món cá niên nướng-rau ranh ốc của người H’Rê (Quảng Ngãi),... mỗi món kết tinh một sắc thái văn hoá tinh tuý và lâu bền của từng cộng đồng dân tộc Việt, không thể lẫn vào đâu được nếu suy từ cái nét văn hoá ẩm thực. Tuy nhiên, đáng tiếc là đoàn Phú Yên - đơn vị đăng cai - đã không tham gia hội thi ẩm thực...


Ông Mạnh Minh Tâm, Phó giám đốc Trung tâm văn hoá - triển lãm Phú Yên cho biết: “Tôi đã từng tham gia nhiều liên hoan văn hoá dân tộc nhưng sự tươi mát và chiều sâu bản sắc của đợt hội tụ lần này được thể hiện một cách rất tập trung và bay bổng hiếm thấy. Có lẽ, bản thân cái chữ “ngày hội” và sự triển khai công phu, khơi gợi đúng mức lòng nhiệt thành của các nghệ nhân từ các buôn-bản-sóc đã tạo nên sự thành công mỹ mãn cho ngày hội lần này...”.


Trình bày các món ăn tiêu biểu của các
dân tộc tại Ninh Thuận

Lồng trong ngày hội là cuộc hội thảo quy mô với chủ đề “Bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, gắn với xây dựng đời sống văn hoá cơ sở trong vùng đồng bào các dân tộc miền Trung, miền Đông Nam bộ” đã thu hút sự chú ý đặc biệt của các nhà hoạt động văn hoá và già làng, trưởng bản các dân tộc. Và đêm 19.6 là chương trình bế mạc ngày hội với các hoạt động văn nghệ dàn dựng công phu, các tiết mục sâu lắng, thấm đẫm sắc thái văn hoá các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam, lưu luyến trong tấm tình anh em các dân tộc và lòng mến khách của người Phú Yên...


Già làng Điểu Đố người S’Tiêng ở sóc Bù Môn, huyện Bù Đăng (Bình Phước) tâm tình: các lễ hội của tộc người S’Tiêng như Năng Ba (Cấy lúa mới) được tái hiện sinh động đã đem đến cho mọi người sự cảm phục, hoan hỉ là điều làm ông rất vui. Việc tìm lại và trình diễn các trang phục dân tộc nguyên gốc S’Tiêng trên sân khấu lớn đã khiến ông xúc động. Nhiều nhà chuyên môn đã nói nhiều đến việc không nên sân khấu hoá các lễ hội, hát múa dân gian các dân tộc nhưng theo già Điểu Đố thì ngày hội này rất cần thiết, bởi nếu không có những dịp như thế thì các già và thanh niên không thể ngồi mà soạn lại một cách công phu đến như vậy các giá trị văn hoá truyền thống của người S’Tiêng, và quan trọng hơn nữa là làm sao động viên mọi người gìn giữ những nét tốt đẹp nhất cho cuộc sống bà con hôm nay...

(Kiến Thức Ngày Nay 572)

Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2008

Lê Minh Quốc nói về làm thơ


Nhà thơ Lê Minh Quốc:
Thơ mãi là niềm bí ẩn



Những câu hỏi của bạn đọc xa gần, xin được trả lời chung trong bài viết ngắn này - từ sự gợi ý của các bạn Nguyễn Văn Nhị (ĐH Sư phạm TP.HCM), Trần Minh Hào (Bình Dương), Nguyễn Hoàng Kim Ngân (Gò Vấp), Phan Hữu Tuấn (Bình Thạnh) Trần Duy Phong (Cần Thơ), Lê Thị Nhật Ánh (TP.HCM)... Bài viết này được xem như một sự chia sẻ, tâm sự của những người cùng quan tâm đến văn chương.

Nhà thơ Lê Minh Quốc

Làm gì để có một bài thơ hay? Chẳng phải làm gì cả. Tự nó sẽ đến nếu trong sâu thẳm tâm hồn của bạn thúc giục phải viết một cái gì đó. Viết như một sự tự giải thoát trong một tâm trạng đang khốn cùng, không lối thoát. Tôi không nghĩ có thơ hay hoặc dở.

Thơ là tâm trạng của người đó. Ta không thấy hay, nhưng chính họ và người khác (nếu có) cảm nhận hay thì sao? Vì thế, có những câu thơ, những bài thơ với ta tẻ nhạt, nhưng với người khác lại là một niềm chia sẻ.

Thơ trẻ hiện nay có nhiều phá cách? Thì cũng tốt thôi. Tâm trạng họ thế nào thì họ biểu hiện thế ấy, miễn là đừng làm dáng, đừng chạy theo mode thời thượng. Vào một chiều nhạt nắng, nhịp điệu tâm hồn êm ả với nhịp lục bát thì làm sao có thể buộc họ phải phóng túng với thể loại tự do? Ngược lại, lúc tâm trạng rối bời, không định hướng, làm sao có thể bắt họ phải nhịp nhàng, chỉn chu trong vần điệu? Làm thơ có giống như viết tiểu thuyết, viết biên khảo không? Chắc chắn là không. Thơ mãi mãi là một niềm bí ẩn.

Nó đến và đi ngoài tham vọng, sắp xếp của người sáng tác. Thơ không cần đến thói quen. Không cần đến sự khéo tay. Thói quen và sự khéo tay chỉ cần cho những nghề "thủ công mỹ nghệ". Tại sao? Làm sao ai có thể sắp xếp, bố cục được tâm trạng và nguồn cảm hứng của tâm hồn mình để dồn nén trong bài thơ? Thơ không cần phải có "mở đầu", "thân bài" và cuối cùng là "kết luận". Thơ là sự ngẫu hứng trong bất chợt của nhịp điệu tâm hồn lúc ấy, khoảnh khắc ấy.

Nói thì nói thế thôi.

Hành trình thơ ca của một dân tộc ở mỗi thời đại đều có dấu ấn riêng biệt của nó. Nó phải khác trước. Tại sao phải khác? Bởi ngọn gió của thời đại này không giống thế kỷ trước. Thổi qua tâm hồn của con người thời đại computer không là ngọn gió của quan niệm "tấc đất, ngọn rau, ơn chúa" mà là sự va chạm của nhiều nền văn hóa với nhau - chỉ cần một click chuột đã mở ra một thế giới khác - vì thế cách viết, cách thể hiện cũng phải khác trước. Khác như thế nào thì phải là cảm xúc của chính mình qui định, chứ không phải hùa theo đám đông.

Thế nào là thơ hay hoặc thơ dở? Tôi tin vào sự sàng lọc của thời gian, chứ không tin vào những lời nhận xét, đánh giá của các nhà phê bình, nghiên cứu văn học về thơ. Bởi hiện nay có quá nhiều trang viết tung hô, lăng-xê ngoài mục đích văn chương; hoặc chỉ căn cứ vào sự "tân kỳ” của văn bản.

Tôi không quan niệm thơ hiện đại thì hình thức phải thế này, phải thế kia. Một chiếc áo dài "hai phần gió thổi một phần mây" vẫn hấp dẫn như chiếc áo pull hở rốn đấy thôi. Tính hiện đại của bài thơ nằm ở tư tưởng của nó. Và cách thể hiện? Tất nhiên là quan trọng, nhưng vẫn không phải là yếu tố quan trọng nhất. Một bài thơ lục bát, tứ tuyệt... nếu gánh vác được tâm tư, tình cảm của thời đại nhà thơ đang sống vẫn thuyết phục hơn cách viết "tân kỳ” nhưng chỉ là sự lảm nhảm vô nghĩa, vô hồn.

Anh thích nhất bài thơ nào? Hỏi như thế nào khác gì trong những nhan sắc đã bước qua đời mình, ai là người để lại dấu ấn sâu đậm nhất? Dù sâu đậm hay không thì nhan sắc ấy đã từng gắn bó với một phần máu thịt của đời sống của chính mình. Làm sao có thể lãng quên hoặc cố tình chối bỏ?

Yếu tố may mắn có cần cho một tác phẩm văn chương, một nhà văn? Tất nhiên là cần, nhưng chỉ nhất thời. Nội lực của chính người sáng tác mới là điều quyết định lâu dài khi họ đánh đu trên hành trình bể dâu của trò chơi chữ nghĩa. Cái trò chơi này nhiều bất trắc, nhưng cũng có ma lực hấp dẫn lạ thường. Nó hấp dẫn bởi ta đến với nó vì bất cứ một lý do gì, dù ngoài văn chương hoặc "sống chết" vì văn chương thì cũng có thể đến cuối đời vẫn không là gì cả. Nhìn lại thấy trên bàn tay vẫn trống trơn, chỉ thấy ngọn gió hư vô đi qua.

Không có gì. Nhưng ngược lại, có người chỉ bước qua như một kẻ lãng du nhưng lại gặt hái được lắm thứ mà bao kẻ cần cù, lao lực "đóng cửa phòng văn hì hục viết" vẫn không thể... Có người ra biển chỉ một lần nhưng vớ được một mẻ cá tươi roi rói, có kẻ lao ra trùng khơi trùng trùng gió vỗ, thậm chí đắm thuyền nhưng rồi chỉ đem về một mớ cá nhép.

Nhưng đừng vui và cũng đừng buồn.

Khi chơi, nếu không tính toán, không sắp xếp, không mưu cầu một lợi lộc gì thì mới là chơi. Mà văn chương là gì? Là trò chơi của lũ con trẻ. Cao Bá Quát đã nói thế. Nghĩ như thế để thấy nhẹ lòng trong cuộc chơi khốc liệt này.

Tôi không tin vào yếu tố may mắn, nhưng tôi tin vào thời điểm ra đời của một tác phẩm. Phải có một "điểm rơi" đúng thời điểm. Nếu kiệt tác vàng ròng Truyện Kiều, vì một lý do gì đó nay mới công bố thì liệu nó có tạo ra một hiệu sóng ngầm khủng khiếp từ thế kỷ trước sang thế kỷ này và mãi đến ngàn sau?

Riêng các câu hỏi về tập bút ký Một ngày ở Mỹ (NXB Trẻ - 2008), xin mời bạn đọc tập sách này thay cho câu trả lời, có thể tìm mua tại nơi phát hành độc quyền Nhà sách Quang Minh (416 Nguyễn Thị Minh Khai, Q. 3. ĐT: 8.322386- 8.340990).

Giấy vắn tình dài. Câu nói này rất cũ, nhưng không lỗi thời. Xin tạm dừng bút tại đây.

L.M.Q.


(theo Áo Trắng)

Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2008

Thơ Ngô Minh (Huế)

TẬP THƠ "THƠ TẶNG" ( phần 3)

TƯỜNG ƠI…

Tường ơi không đứng thì nằm

Thì ngao du với dặm đàng chiêm bao

Cõi âm người hát nghêu ngao

Tiếng ma cười đấy ! Tai nào biết nghe ? (*)

*

Miên man nào cõi đi về

Quỳ hôn cát bụi, khóc chia kiếp người

Phù dung về ngủ trên đồi (**)

Vẫn đau đáu một chỗ ngồi nơi kia…

Tường nằm điện thoại và nghe

Tiếng cười xa ngái sơn khê mây mù

*

Rồi khóc cười đẫm câu thơ

Rượu không còn uống vẫn thừa men say

Chơi vơi ảo ảnh lên ngày

Khoảng trời long não xanh gầy tuổi tên

*

Lang thang là nhịp trái tim

Hát cùng tăm cá bóng chim cuối ngàn

Tường ơiKhông đứng thì nằm

Nghê nga cùng lũ dế buồn gáy mưa…

Huế, 6-4-2001

----------

(*) Tỉnh lại sau 2 tháng hôn mê ở Bệnh viên Đa khoa Đà Nẵng, Hoàng Phủ Ngọc Tường hay hát : Ai đã từng đi qua bãi tha ma. Bãi tha ma có nhiều ma lắm. Ai đã từng nghe tiếng ma cười. Tiếng ma cười ha ha ha ha… theo nhịp bài hát Tiểu đoàn 307.

(**): Chữ in nghiêng là thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường trong tâp thơ “Người hái phù dung (Xem thêm)

PHỎNG VẤN THẠCH QUỲ

là đá sao không đứng lại quỳ ?

em đẹp thế dại gì ngô nghê đứng

trời cao quá đất mới là bè bạn

quỳ trước cỏ xanh cũng một cách nguyện cầu

*

biển đầy thế sao người gầy như gió ?

biển không đầy bằng chai

không đầy bằng mắt nhớ

phải gầy hơn mũi tên mới vào được hư vô

lúm tiền má em thăm thẳm đến không ngờ

*

nước ngập nhân gian sao người không tắm ?

đá có tắm đâu nắng có tắm đâu

kẻ tắm sữa xông hơi mà tâm hồn dơ dáy

làm sao đến được cõi người !

*

sao ta thấy người cười mà như khóc

ta cười thật mà cười thật người ơi

lọt lòng mẹ ta đã cười nhăn nhở

nếu ta khóc 65 năm vò xé

còn đâu nước mắt để cười

*

thơ là gì mà người đeo đuổi

thơ là ma. Thơ chính là ta

nếu được tái sinh xin lại làm thi sĩ

để được tự do xơ xác vì thơ…


ĐIỀM PHÙNG THỊ

sáng nay bà hoá đồi thông Huế

muôn nghìn nến thắpnguyện cầu xanh

sông đứng như chờ từ thuở mẹ

lối mòn thơ dại cỏ hoa nhìn

*

bà tạc mình vào cao xanh

trầm ngâm đá tượng

vái lạy kiếp người

giàu nghèo sang hèn đều về với đất

có chi cho đời ?

*

sáng nay đồi Châu Ê khói nhang thổn thức

nhìn đâu cũng gặp

những phế binh chột mắt

những cuộc đời lắn sẹo lướt qua

những em bé phất phơ vé số…(*)

tất cả

như từ mộ Điềm Phùng Thị

bước ra…

Châu Ê, ngày đưa tang bà điềm Phùng Thị

31- 1- 2002

------------------

(*) Những ảnh tượng của nhà điêu khắc nổi tiếng thế giới Điềm Phùng Thị

NGƯỜI VỀ VƯỜN CHUỐI

Tặng nhà thơ N.K.Đ

dường như ông không nghĩ mình

từng là đại quan

nghỉ là thoát về ngôi nhà vườn chuối

dép quai mũ chìa giống người thôn Vỹ

đêm sợ mưa đếm tuổi

nghe dế rỉ rên lo đất nổi chìm

*

dường như ông không nghĩ mình quen ô tô hạng sang

dừng là có người cúi chào mở cửa

sáng sớm đạp xe ra phố đông người

vào hiệu sách, thăm người quen cũ

tối lại về vườn chuồn với ngọn đèn

nghe gió lật câu thơ thức ngủ…

*

bây giờ làm quan thật dễ

làm dân mới khó hơn nhiều

dường như ông không để ý

trước màu lá chuối nõn xanh…

Huế, 14-8-2006

MỘT CHÚT

PHÙNG CUNG

đủng đỉnh áo thao guốc mộc

ngó đêm

hương cau hồn nước

gió quê

len lén

vén rèm

*

cú khuya

chợt rúc

thắc thỏm

trăng già tái mặt

phòng văn

vội khép

thở dài

*

xâm xấp

mồ hôi trán

ôi, ngựa chúa

hồn ma...

VỚI XUÂN SÁCH

CHIỀU BIỂN VŨNG TÀU

anh cười lằn nếp trán

cười rung sóng trắng mây trời

gió vô hồi như gọi

hai mảnh chiều phơi phơi

*

- cậu bảo làm sao vẽ

hết chân dung một thời

những kỳ nhông biến ảo

mặt nạ cười càng tươi

*

thôi uống đi, đừng nghĩ

chưa say sao biết buồn

nhưng tỉnh rồi lại thấy

cuộc đời tức cười hơn…

*

thôi cụng ly với biển

say có sóng vuốt ve

thơ phú người nhạt thếch

may còn biển gọi về…

Vũng Tàu, 2004


CHIỀU HUẾ

NHỚ TRỊNH CÔNG SƠN

Chiều mong manh quá nắng vàng ơi

Lá hát đời sông tóc trắng trời

Thân gầy bóng đổ dài phương gió

Người thôi thoáng chốc đã mù khơi

*

Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi

Hàng cây long não lóng lánh lời

Tình non tơ thế chan chứa thế

Chuông nguyện bển trời Phú Cam rơi…

*

Mắt ướt ai ngồi không quán vắng

Nghe mình thập thững dắt hồn đi

Vào cõi u minh trong suốt tắm

đời say ấm lạnh khúc tình chia

*

Ngày ơi ngày ngày mong manh quá

người bỏ ta đi hạ trắng rồi

xin níu sợi chiều giăng Bến Ngự

Chú dế du ca đã cất lời…

Huế, chiều 4-4-2001


(ngominh49.vnweblogs.com)

Chuyện một nhà thơ đồng hương


Nhà thơ Thanh Quế: Văn chương cũng… bình thường thôi
TOÀN NGUYỄN

Thanh Quế làm công việc của một “quan chức” văn nghệ vài chục năm. Giới văn chương nhắc tên ông để nhắc về Đà Nẵng. Ông đã sinh và nuôi hai đứa con trong căn nhà vài chục mét vuông, đến giờ vật chất vẫn đơn sơ như một mái - ấm - thời – bao - cấp. Cuộc sống tùng tiệm. Nhưng cũng có nhiều người nói về ông bằng một thái độ tiêu cực. Cũng có thể, những nóng lạnh của cơ chế và đời sống văn nghệ tỉnh lẻ khiến người ta nhìn nhau không được tươi tắn cho lắm. Và cũng có thể, ông là người cực đoan. Nhưng tôi nhìn nhà thơ Thanh Quế, cảm giác như ông là một người giản đơn, giản đơn đến mức ngây thơ. Người văn nào cũng có những hồn nhiên, ngây thơ của mình. Với người đã chấm dứt mọi ảo tưởng về sức mạnh của con chữ, có lẽ văn chương trong họ đã cạn kiệt. Thanh Quế thì không, dù ông làm quan chức văn nghệ, đã hưởng cả vinh quang, đã ngấm đủ đòn roi từ nó. Ông vẫn tin vào một hạnh phúc của một nhà văn khi những con chữ được cất lên bởi giọng nói của một người khác. Ông vẫn tin, những câu thơ của mình sẽ là điểm tựa cho ai đó neo vịn. Thơ Thanh Quế là thơ không nịnh tai. Tôi nhớ nhà thơ Trúc Thông đã nhận xét đâu đó về ông, rằng mỗi nhà thơ địch thị có một kênh thẩm mỹ riêng. Người đọc đi vào trúng kênh của nhà thơ ấy thì sẽ thu nhận đúng những đóng góp của ông ta. Đừng lấy gout riêng của mình áp đặt lên thơ người khác. Các nhà lý luận vẫn nói rất hữu lý về sự đồng sáng tạo của bạn đọc. Ở kênh thơ Thanh Quế, ta hãy để lòng mình lắng chìm vào sự thầm thì, cùng tác giả lắng sâu vào những nghẹn ngào kín ẩn. Có một tiếng thở dài nội tâm không bao giờ cất lên. Thanh Quế làm thơ giản dị, giản dị như sự thật. Ông cũng làm thơ nhiều về nỗi đau mất mát. Và ông quan niệm, không ai làm văn chương trên nỗi đau cả. Chỉ viết về sự thật ấy thật hàm xúc mà thôi. Mỗi câu mỗi chữ như một vết cứa. Thanh Quế đã tuân thủ cách viết ấy đến tận lúc này, khi dường như sứ mệnh của ông đã được hoàn thành. Ông nói, năm 1981, khi chấm tiểu thuyết “Cát cháy”, nhà văn Tô Hoài đã quyết hạ ông từ giải nhất xuống giải nhì vì ông viết... sai đúng một câu. Từ ấy ông hiểu rằng, những gì mình chưa tường tận, những gì chưa thực chín, chưa kịp chắt lọc, ông để cho tâm trí mình gạn lọc và đắp bồi. Khi những ý thơ vang lên là khi ấy mọi thứ đã được chuẩn bị tinh tươm, sạch sẽ.

Xuất bản 12 tập thơ và 28 tập văn xuôi, Thanh Quê đã cày bừa miệt mài trên cánh đồng của mình, không suy tính thiệt hơn và cũng không mong chờ những tác phẩm lớn. Ông nói, với văn chương, ông nghĩ mình là dạng thường thường bậc trung, có những bài thơ được, những truyện ngắn được. Nhưng ông không phải một thiên tài. Ông, ở vào tuổi ngoài 60, vẫn tin tưởng vào sức mạnh chữ nghĩa nhưng lại là người hiểu rõ mình quá rồi. Và ông thuộc trong số hiếm hoi những người dám tự định vị mình không phải là người số một trong trường văn trận bút. Cái sĩ diện và ảo tưởng dường như đã thoát bỏ khỏi Thanh Quế tự khi nào mà chính ông cũng không hay. Văn nghệ sỹ, nhất là nghệ sỹ tỉnh lẻ, dễ sinh ảo tưởng thành vĩ nhân. Làm được dăm bài thơ, được một nhà thơ trung ương nhận xét và khen ngợi, ngay lập tức nghĩ mình là nhất. Không phải ai cũng đủ bình tĩnh để nhận ra đó là những lời khen ngợi xã giao và ta vẫn chỉ mới bơi quanh một cái ao làng và lâu ngày bị “nhà quê hoá” trước những dòng chảy mới của văn chương. Thanh Quế thoát khỏi được “vòng vây” đó bởi ông đã có thời gian dài làm việc tại tạp chí Văn nghệ quân đội tại Hà Nội. Và ông cũng đã tự thuyết phục được những người làm nghề bằng những tác phẩm cụ thể, thay vì những lời lẽ bông phèng.

Làm “quan chức văn nghệ”, lại làm một tờ báo văn nghệ địa phương, cái khó khăn nhất là làm sao tạo dựng được một diễn đàn văn nghệ xôm tụ, nhưng đồng thời không trở thành diễn đàn với thái độ cực đoan. Nhà văn, với sự cực đoan trong sáng tạo của mình, khi bước vào lĩnh vực quản lý đã không ít người phải trả giá. Thanh Quế đã từng chịu những hình thức kỷ luật, tưởng như phải trắng tay rời khỏi giới văn nghệ. Năm 1989, ông cho đăng một bài viết chống tham nhũng mang tên “Hoàng hôn quê ngoại”. Bài viết đã có những chi tiết hư cấu quá lên. Và ông đã bị lãnh đạo một huyện kiện. Và một truyện ngắn khác cũng làm ông mệt mỏi. Và ông phải chịu kiểm điểm. Khi ấy, người ta nói sẽ cách chức ông. Và ông cũng không buồn nhiều, chỉ nghĩ đơn giản là ông sẽ làm một công việc khác và viết văn. Nhưng những gì là khuyết điểm thì ông vẫn nhận, nhận một cách thành thật, không phải vì sợ mà chỉ vì muốn sòng phẳng công và tội mà thôi. Vậy mà lãnh đạo hiểu lòng, ông thoát nạn, chức vụ vẫn còn. Thanh Quế nói, ở đời, cái chuyện dâu bể không tính trước được, tự đến tự đi, âu may cũng là cái lẽ trời. Ông làm việc và làm việc, dường như Thanh Quế không mảy may nghĩ suy nhiều về được và mất.

Tôi hỏi ông nhiều về Phan Tuy An. Cậu bé thần đồng thơ năm xưa nay đã trở thành sinh viên đại học. Tuy An đang chuẩn bị hành lý để trở lại Huế, tiếp tục những ngày sinh viên của mình. Cậu đã khác xa lần đầu tiên tôi gặp ở Hội nghị những người viết văn trẻ 2001. Khi ấy Tuy An 14 tuổi, nhút nhát, rụt rè, đọc “Chú mèo ham ăn” ngập ngừng giọng đặc chất Quảng. Năm ấy, người ta liên tục đưa ra danh sách những nhà văn trẻ tham dự hội nghị và nhà văn trẻ nhất được công bố trên báo chí, cũng như được đọc trong bài diễn văn hội nghị của nhà văn Nguyễn Trí Huân là một cô gái đến từ Hà Tây. Năm đó cô 16 tuổi với truyện ngắn đầu tay mỏng mảnh. Nhưng trong đêm giao lưu thơ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã giới thiệu Phan Tuy An, cậu bé từng được mệnh danh là thần đồng thơ. Tuy An làm thơ năm lên 9 tuổi, cho tờ bích báo của lớp. Và cha cậu đã mang bài thơ cho các đồng nghiệp đọc. Rồi bài thơ được đăng báo. Thời điểm đó Tuy An làm thơ khá đều, những bài thơ giản dị nhưng đều rõ ràng về mặt lập ý. Dường như điều này cậu thừa hưởng từ cha mình. Tuy An xuất hiện trong hội nghị rụt rè và tội nghiệp. Dường như mọi việc diễn ra không như mong muốn của cậu, nó buồn tẻ và xa lạ, nó không phải là điều mà cậu quan tâm. Tuy An đi tìm mua những chiếc mặt nạ vì đã hứa mua quà cho bạn học. Và cậu đến dự hội nghị vì được đi Hà Nội, chứ không mang sứ mệnh của thần đồng.

Nhưng mọi chuyện đã không đơn giản thế. Sau này, đã có tờ báo viết về cậu với sự châm biếm của người lớn. Người ta nghĩ rằng, chính cha cậu, nhà thơ Thanh Quế đã tác động để cậu được có mặt trong hội nghị. Và cha cậu cũng muốn tạo dựng một thần đồng thơ của thế hệ mới. Nhưng những cái đó có vẻ ngoài tầm với của Thanh Quế. Khi bài báo đó ra ông đã châm lửa đốt, ông không muốn những điều ấy ảnh hưởng tới tư duy sáng tạo của con mình và biến những dư luận thành áp lực đối với con. Phan Tuy An đã không bị “áp lực thần đồng” đánh gục. Bởi cậu không bao giờ nghĩ mình là thần đồng. Và thơ chỉ là một người bạn đường, bên cạnh niềm đam mê lớn nhất đời cậu là hội hoạ. Khi người ta đang lo lắng trên mặt báo về “thần đồng thơ biến mất’ thì Phan Tuy An được ba gửi ra Hà Nội nhờ hoạ sỹ Lương Xuân Đoàn, Phạm Viết Hồng Lam dạy vẽ với mong ước được thi đậu vào Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu. Và chưa bao giờ cậu rời giá vẽ vì mê thơ. Nhưng Tuy An đã không còn viết thơ hai năm nay nữa.

Nhà thơ Thanh Quế bảo, thi thoảng ông hỏi con, dạo này có viết được gì không? Nó nói, không viết gì, tịt rồi. Và ông cười. Trong thâm tâm ông vẫn muốn Tuy An theo thi ca. Nhưng chưa bao giờ ông áp đặt con mình vào trong khuôn khổ. Ông cũng không bao giờ muốn con mình phải mang một thứ danh hão trong thời buổi người ta có thể dựng được mọi thần đồng. Tuy An, nói theo một cách nào đó, đã trở thành “thần đồng thơ” của giới truyền thông. Xuất hiện sớm quá cũng không hẳn đã tốt. Người ta đã từng thấy những Cẩm Thơ, Bích Hiền... làm thơ rất sớm rồi cũng tự bặt tiếng và tìm niềm đam mê trong những lĩnh vực khác. Ngay cả như Trần Đăng Khoa, giờ đây rất hiếm khi thấy anh làm thơ nữa. Nuôi dưỡng thi ca thực sự không phải chuyện giản đơn. Dẫu vậy, Tuy An đã không chịu sức ép của một thần đồng. Cậu nói, giờ cậu chỉ đọc và mong muốn viết những bài thơ khác xưa. Khi mọi thứ chưa thực chín thì không bao giờ ép. Tuy An giờ đã là một chàng trai cao lớn, hoàn toàn không còn hình bóng chú bé rụt rè cách đây 7 năm. Với Tuy An, mong ước lớn nhất là học xong Mỹ thuật và cậu muốn vào TPHCM lập nghiệp. Cậu không ép mình lựa chọn thi ca.

Tôi hỏi nhà thơ Thanh Quế, rằng làm cha thần đồng có thú vị không? Ông cười, không thể nói là không thú vị. Nhưng rồi trên đường tôi về lại Hà Nội, ông lại gọi điện, nói “tha” cho Tuy An hai chữ thần đồng, “nó nói nó ngại lắm, mà dạo này nó có viết gì nữa đâu”. Bởi ông không muốn coi đó là áp lực với con và thực sự ông không coi chuyện con mình có phải thần đồng hay không làm trọng. Tôi nghĩ rằng, tôi hiểu được những tâm sự âm ỉ trong lòng người cha này. Ông thực sự muốn con mình làm một nhà thơ lớn. Nhưng ông lại không muốn lôi con vào trong vòng xoáy của danh vọng và những ảo tưởng. Ông muốn con được sống như chính mình. Tôi cũng biết, cha con ông đều giấu mình, không muốn ồn ào với chuyện văn chương. Và họ, trong lúc này dường như ngừng viết. Nhưng thi ca là mạch ngầm bí ẩn hiếm khi cạn kiệt. Khi nào tâm hồn báo động, nó khắc tự quay về...

(Nguồn: ANTG Giữa Tháng)

Đồng dao cho con gái Ụt Nhựa Đào Hoàng Yến











VÈ Ị BẬY

Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè Hoàng Yến
Ban ngày làm biếng
Ban đêm khóc nhè
Hay đái re re
Còn hay ị bậy
Ông bố thấy vậy
Đánh cho ba roi
Mấy bạn tới coi
Lêu lêu Hoàng Yến
Ban ngày làm biếng…”.


VÈ DẬY TRỄ

Ụt Ụt éc éc!

Trời đã sáng bét

Mau dậy nhanh nhanh

Rửa mặt đánh răng

Lên xe tới lớp

Vừa đi vừa đớp

Một cục xôi to

Ráng ăn cho no

Để mà học… dốt!





PHAM DUY hầu kí

  "HỌC NHƯ THỂ CHẲNG DÀI LÂU... " (Đọc Hồi ký Phạm Duy 2)    Tôi chưa định viết những dòng dưới đây trong vài bài ghi chép khi đọc...