Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

đứng...?

chỗ đứng của người cầm bút hôm nay


Phan Hồng Giang

Những cuốn sách hay trước đây đã từng đọc, với tôi lúc nào cũng như những người bạn cũ lâu ngày không được gặp. Phải chăng là một người bạn cũ, đã cùng trải qua thử thách của tháng năm, có khi đáng quý bằng hai, ba người bạn mới ? Một cuốn sách hay gáy đã xác xơ cầm lại trên tay nhiều khi khiến lòng ta bồi hồi xao xuyến…

Truyện Sêkhốp là một cuốn sách như thế; tôi vẫn thỉnh thoảng tìm đọc lại những trang văn của nhà văn Nga này để rồi thêm một lần khâm phục văn tài , nhân cách của ông…

Không thể nói về nhiều tác phẩm của ông. Chỉ xin dừng lại ở một truyện ngắn nổi tiếng: truyện “Khóm phúc bồn tử” ra đời từ cuối thế kỷ 19.

Truyện là lời kể của bác sĩ thú y Ivan Ivanứt, một người bạn của tác giả. Ivan có người anh là Nhicôlai, một viên chức xoàng ở Sở thuế vụ. Suốt đời, Nhicôlai chỉ mơ ước tậu được một trang trại riêng, ở đấy thế nào cũng phải trồng một khóm phúc bồn tử. Nhicôlai nhịn ăn, nhịn mặc, dành dụm từng xu, từng đồng lương trong hàng chục năm liền và cuối cùng đã toại nguyện. An nhàn nhấm nháp cái thú làm chủ một trang trại, anh ta phát phì ra, các đường nét trên mặt đều chảy xệ xuống: Trong trang trại của anh ta, người đầu bếp cũng chậm chạp, nặng nề, cả con chó giữ nhà cũng béo tròn như con lợn.

Ivan đến thăm anh và được mời ăn những trái phúc bồn tử vừa hái trong vườn nhà. Nhicôlai nhai vội vàng, ngấu nghiến, miệng xuýt xoa: – Chà, ngon tuyệt, ngon tuyệt! Em thử nếm mà xem!

Sêkhốp chỉ dựng lên như thế đoạn đời một con người. Thoạt tiên có thể nghĩ rằng: mơ có một trang trại riêng (tất nhiên không phải bằng nguồn tiền tham nhũng!), thèm được ăn trái cây hái từ vườn nhà – chuyện này thường quá, ước mơ này có vẻ hiền lành, vô hại quá, có gì đáng để ý đâu! Nhưng dưới cái nhìn tinh tường, nghiêm khắc theo chuẩn mực đạo đức rất cao của nhà văn Sêkhốp, thì cái vẻ thỏa mãn tột độ, niềm sung sướng gần như phải reo lên, nhẩy lên của tay điền chủ nghiến ngấu nhai những trái phúc bồn tử của cả một đời người kia đã tố cáo không chỉ sự nghèo nàn thảm hại trong lẽ sống của y, mà ở một lớp tầng sâu hơn – còn là sự tòng phạm với những điều ác tày đình đang diễn ra trên khắp nước Nga Sa hoàng thời ấy.

Chúng ta như được đọc những dòng suy nghĩ tiếp của Sêkhốp qua lời tự bạch của bác sĩ Ivan.

“Không hiểu vì đâu, những ý nghĩ của tôi về hạnh phúc con người bao giờ cũng pha lẫn buồn rầu, và đến lúc này, khi trông thấy một con người thỏa mãn, hạnh phúc, một cảm giác nặng nề gần như tuyệt vọng choán cả lòng tôi. Tôi hình dung quả thật đã có quá nhiều những người thỏa mãn hạnh phúc! Đó là cả một sức đè nặng ghê gớm! Anh hãy thử nhìn lên cuộc đời này: sự đê tiện và nhàn hạ của những kẻ có quyền thế; sự dốt nát và bị dày vò như súc vật của những kẻ yếu, đâu đâu cũng thấy cảnh nghèo khổ đến cùng cực, chật chội, tha hóa, rượu chè, nghiện ngập, đạo đức giả, dối trá. Thế mà trong khắp mọi nhà và trên đường phố, đều thấy lặng lẽ, bình yên: trong số 50 nghìn người sống ở thành phố này, không một ai thét to lên, bày tỏ sự phẫn nộ !Tất cả đều bình yên, lặng lẽ, chỉ có con số thống kê câm là biết phản đối : bao nhiêu người phát điên, bao nhiêu thùng rượu đã uống cạn, bao nhiêu đứa trẻ đã bị chết yểu. Một thứ trật tự như vậy chắc là cần phải có, chắc là người tốt số cảm thấy hạnh phúc chỉ vì những kẻ bất hạnh âm thầm chịu đựng.”

“Sáng sớm hôm ấy, tôi rời nhà người anh, và từ đó tôi không thể nào sống nổi ở thành phố này được nữa. Sự yên lặng, bình thản chung quanh đè nặng lòng tôi, tôi sợ nhìn những khung cửa sổ; đối với tôi giờ đây không có cảnh tượng nào nặng nề hơn cảnh một gia đình hạnh phúc quây quần bên bàn và uống nước chè”.

Sêkhốp cùng nhân vật của ông đã nghiêm khắc quá chăng? Cái nhìn cuộc đời của ông có cực đoan quá không? Suy cho cùng thì “ngồi quây quần uống nước chè” bên khung cửa sổ sáng ánh đèn đâu phải là phạm tội !? Thế rồi Sêkhốp vẫn bày tỏ sự bất bình. Với ông, “pháp luật chỉ là cái đạo đức tối thiểu“, cái chuẩn đạo đức nhiều lần cao hơn mà lương tâm nhà văn đòi hỏi phải là sự đồng cảm sâu xa với nỗi đau của đồng loại, là phá bỏ sự vô cảm, phá bỏ cái im lặng – “đồng lõa với cái ác” đang ngự trị trong xã hội Sa hoàng.

Chỉ qua thiên truyện ngắn này ta đã thấy hiển hiện nhân cách lớn lao của nhà văn Sêkhốp, lời nhắn gửi khẩn thiết của ông về chỗ đứng của người cầm bút giữa cuộc đời.

*

Xã hội ta hôm nay tất nhiên khác xa thời Sêkhốp sống. Nhưng không thể nói chung quanh chúng ta không còn những điều gây bức xúc, đau lòng. Không xa những sân golf sang trọng, thảm cỏ xanh mỡ màng, là những dãy nhà ổ chuột xác xơ trên kênh rạch đen ngòm, hôi thối. Người nông dân mất đất, tiêu hết tiền đền bù, tuyệt vọng không biết sẽ tiếp tục kiếm kế sinh nhai bằng cách gì đây. Kẻ lo sắm xế hộp bạc tỷ, người lo chạy ăn từng bữa cơm độn khoai. Chó becgiê ca một “đại gia” đã cắn xé đến chết một phụ nữ nghèo đi mót cà phê trước sự vô cảm của nhiều người có trách nhiệm. Các cháu nữ sinh vị thành niên trở thành nạn nhân mua vui cho các bậc mày râu tai to mặt lớn và rồi lại phải chu án tù. Những ngư dân bám biển mưu sinh bị đánh đập, cướp bóc, xua đuổi ngay trên vùng lãnh hải của nước mình. Biển khơi, đảo xa cùng những cánh rừng biên ải đã và đang bị người “nước lạ” chiếm đoạt, dòm ngó… Những đứa trẻ đến trường, đánh cược với mạng sống, đu dây qua dòng sông chảy xiết, trong khi nhiều dự án viển vông ngốn cả núi tiền vẫn đang được hăm hở vẽ ra. Bệnh viện la liệt bệnh nhân, 2-3-4 người xếp chung một giừơng; và không ít người trong số họ sẽ bị trả về nhà chờ chết chỉ vì ví đã lép kẹp, không còn tiền chữa trị. Trường ốc thiếu hụt, phụ huynh phải thức trắng đêm, chen chúc xếp hàng cố giành giật cho con mình một xuất học mầm non! Và thế rồi trống vẫn dong, cờ vẫn mở, lễ hội vẫn tưng bừng, đua nhau nói những lời có cánh, tán tụng nhau, trao huân chương cho nhau!…Và thế rồi những ngôi biệt thự hoành tráng, to vật vã với nguồn gốc mờ ám vẫn tiếp tục mọc lên như thách thức sự nhẫn nhịn của người dân. Nơi này nơi khác, người dân vẫn còn chưa “dám mở miệng ra” mà nói lên những bức xúc oan ức của mình…

Nhà văn, anh ở đâu trong trận chiến không tiếng súng mà đầy cam go đang diễn ra hàng ngày nhằm xóa bỏ những điều ngang trái để đạt đến mục tiêu cao đẹp còn rất xa vời : vì “dân giàu, nước mạnh; xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” ?

Vẫn biết người cầm bút bộc lộ thái độ sống của mình thông qua tác phẩm thơ, truyện, tiểu thuyết đầy ắp những tình cảm, sự am tường và những suy nghĩ trước hiện thực cuộc đời bằng nghệ thuật ngôn từ điêu luyện. Người đọc vẫn chờ đợi, lắng nghe tiếng nói trực tiếp của nhà văn, – những tâm hồn nhạy cảm, những trí tuệ sắc sảo, đầy bản lĩnh.

Tuy vốn không thích nói những lời có vẻ to tát, tôi vẫn muốn bày tỏ lòng mong mỏi những người cầm bút chúng ta trước khitrong khi cầm bút, hãy tuyên chiến với căn bệnh trầm kha vô cảm đang lây lan trong khắp xã hội ta hôm nay, hãy chia sẻ tình thương với từng số phận con người, hãy là một công dân biết canh cánh lo toan cùng dân tộc trước vận mệnh của đất nước này, hôm nay và mai sau!

Theo viet-studies

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

phù hoa...

Trò chuyện cùng Đinh Cường:
Trôi trên những mùa màng sắc màu

Chân dung Nhà thơ Bùi Giáng (Tranh Đinh Cường)
Chân dung Nhà thơ Bùi Giáng
(Tranh Đinh Cường)
Một phần tinh hoa văn hóa văn nghệ của Đà Lạt có bóng dáng người nghệ sĩ phù vân Đinh Cường. Đây là một họa sĩ Việt Nam đương đại tài danh, mà tài hoa đã vượt ra khỏi lãnh thổ quê xứ từ lâu. Trong con người này cái chất "Đà Lạt" vẫn tinh khiết, đậm rõ như ngày nào, nghệ sĩ “thật” (chứ không hư danh hay núp bóng…); và nếu có một cốt cách “Người nghệ sĩ phố núi” thì Đinh Cường là một đặc mẫu, đại diện, mà không nhất thiết ăn đời ở kiếp, chung sống với nó năm dài tháng tận. Tâm hồn và những sáng tạo của Đinh Cường lành như Đà Lạt, thật gần trời đất Đà Lạt, nên cả đời ông mang nó theo, cả khi sang Mỹ. Còn nhớ, khi Trịnh Công Sơn viết nhạc ở B'lao thì Đinh Cường vẽ ở Dran, Đà Lạt_ họ là đôi bạn mộng tưởng chân tình, một kẻ lộng lẫy trên con đường hội họa còn kẻ kia trên con đường âm nhạc...

Quán cà phê Tùng của 50 năm trước nay vẫn còn treo một bức tranh Đinh Cường vẽ cũ xưa, mà chủ nhân thì không bao giờ muốn bán đi. Con đường Hoa Hồng ngày nào của phố núi (nay là đường Huỳnh Thúc Kháng) còn in dấu họa sĩ Đinh Cường đâu đó, với căn phòng nhỏ ông thuê để ở vẽ, và đi lang thang... Vừa rồi Đinh Cường có cuộc triển lãm tranh lần thứ hai ở Đà Lạt, sau 46 năm của đời một danh họa mà nơi này là nguồn sữa tinh khôi dưỡng tạo nên tâm hồn cùng tài hoa đó (mà chưa chắc sẽ có thêm những lần tiếp). Người phụ nữ hay mang cà phê ra cho Đinh Cường uống, cũng là chủ quán, vừa mất, nên cà phê Tùng_nơi một thời đằng đẳng anh ta thường ngồi mơ tưởng cuộc đời và suy tư hội họa_ "để tang" quán một số ngày. Tôi bèn kéo Đinh Cường sang cà phê Artista và hỏi:

Họa sĩ Đinh Cường ơi ông nghĩ thế nào về đời cầm cọ?

Họa sĩ Đinh Cường: ... Không bao giờ tìm được người hiểu nó, hiểu đích thực về hội họa. Sống thì hoàn toàn cô đơn, ngày này qua ngày kia, năm này qua năm nọ, thập niên này sang thập niên nọ. Nhưng mà chấp nhận thôi, nghệ thuật là sự cô đơn, là bạc bẽo. Hồi trẻ trai suốt ngày nhìn núi, nhìn mây, khói sương, người đời... mà vẽ. Giờ và chắc mãi mãi cũng thế, y chang một thế giới mơ mộng hiện ra, lúc nào cũng mơ tưởng, muốn bày hết lên toan. Đã cầm cọ thì đói rách cũng vẽ. Chúng tôi có thể vẽ đến hai ba giờ sáng. Chúng tôi có thể vẽ cả đời, vẽ đến khi buông cọ, cầm nó không được nữa. Mà tranh là thứ không bao giờ dễ bán... trên cuộc đời này. Họa sĩ hay nghệ sĩ, là kẻ tự dâng hiến, dù chẳng ai ép buộc. Sinh nghề tử nghiệp, vậy thôi, đâu ai cấm anh mở khách sạn, cửa hàng, cửa hiệu, đi buôn, lập doanh nghiệp, lên xe xuống ngựa...
Thế còn hạnh phúc ?

Đinh Cường: Mỗi một bức tranh ra đời là bao nhiêu say đắm trong đó. Qua màu sắc, suy nghĩ, tình cảm, yêu thương, nhận thức, rung động... của mình được lả lướt lên đó, bỏ vào đó. Đó là thứ lao động hư vô, với những kẻ sống cùng hư vô. Nhưng có hạnh phúc gì bằng khi hư vô biến thành nghệ thuật, bức tranh cụ thể. Tự mình tạo ra được cả thế giới riêng của mình. Rồi trời đất xung quanh, những khuôn mặt người quanh ta, bạn bè, nỗi nhớ, buồn vui... cứ vào tranh. Bức tranh tôi làm bạn vui trong chốc lát, chợt tha thiết cuộc sống, nhớ về một ai đó, một nơi chốn nào đó, hay thấy bình an khi đêm về... đã là điều đáng yêu, cao cả rồi.
Gần 50 năm sau, Đinh Cường (bên trái) lại hội ngộ cùng HS Bửu Ý và người vẽ, người viết tạp bút trong quán café.
Gần 50 năm sau, Đinh Cường (bên trái) lại hội ngộ cùng HS Bửu Ý và người vẽ, người viết tạp bút trong quán café.

Tức là đi "cứu" cái đẹp?

May chăng còn vương vãi đâu đó chút ít trong bức này, bức kia thôi. Vũ trụ mênh mông, buồn vui mênh mông, sự rung động trong mỗi người cũng mênh mông. Khi mọi thứ đi vào tranh nó đã sống kiếp khác rồi, trở thành một thế giới khác, thế giới của tự tình, yêu thương, thì thầm, êm ái, mơ tưởng... Mọi cái đẹp cứ thênh thang, vụt bay, từ các cô gái đến cánh rừng, ngọn núi, con phố, làng thôn... Mỗi lúc ta nhận ra nó khác, cảm xúc khác, nên nó đi vào tranh cũng khác, và thành tranh cũng khác. Một người nào đó, một nụ cười nào đó, một vóc dáng nào đó, hay một cảnh quan nào đó, mỗi lần vẽ là một lần khác. Thế giới yêu thương cứ luôn sinh sôi, và hủy diệt. Những mùa màng nhan sắc cũng vụt qua, và sinh ra..., theo lẽ vô lượng, vô thường giữa trời đất.

Vậy là tiếc nuối dài dài, xót xa dài dài, với những mùa màng nhan sắc?

Những tiếc nuối đó rất mông lung, hoang vu, mơ hồ, không gọi tên được. Các cô gái trẻ, nhiều sức sống chợt cho người họa sĩ cảm giác về hoa trái của đất trời, hối thúc và rạo rực. Nhan sắc trên một cô gái cũng quan trọng, nhưng nhiều khi cũng chẳng là gì cả, vấn đề là sự đọng lại,và có thể đọng lại. Nhưng cái đẹp tươi trẻ có giá trị với sáng tạo hội họa, nhưng cái đẹp tàn úa ai bảo không đưa đến những bức tranh tuyệt vời, thậm chí có lúc tuyệt tác hơn. Nhan sắc là phù du, mà nghệ thuật cũng là phù du. Nghệ sĩ là kẻ đi rượt đuổi sự phù du.

Đố ai xem tranh Đinh Cường hiện tại mà biết đây là họa sĩ tuổi 72, nếu không thấy chữ ký Đinh Cường lên tranh. Cái chất "thanh niên", tươi mới, mơ mộng và nông nổi vẫn nguyên xi như thuở anh vẽ những vườn lơghim, đồi thông, ngựa, thiếu nữ Đà Lạt ngày nào. Chàng trai Thủ Dầu Một mà cứ nói giọng Quảng (nói tự nhiên,"vì bạn tôi toàn Quảng không à!") đến giờ, và cứ bảo Đà Lạt là quê quán của mình.

Đi đâu Đinh Cường cũng mang theo "phụ tùng" nghề nghiệp, gọi sang trọng là "họa cụ_ Đúng là "nô lệ" của cây cọ. Chợt gặp lại kẻ cô đơn "mãn tính" Đỗ Tư Nghĩa_ một dịch giả ẩn sĩ ở Đà Lạt, như thấy được huynh đệ là khách hàng thường xuyên của các quầy thuốc Tây với trọng lượng luôn "ổn định" 39 kg này gió có thể thổi bay bất cứ lúc nào, nên Đinh Cường mang cọ ra vẽ chân dung tặng ngay. Đỗ Tư Nghĩa dĩ nhiên phải ngồi yên, còn tôi và Đinh Cường cứ cà kê theo nhịp cọ của anh:

Cái gì khác nhau của một họa sĩ trẻ hồi trẻ của họ và một họa sĩ khi về già?

Ngày trẻ, thường người ta vẽ những cái gì cụ thể, kể cả một cô gái đẹp. Hình như tuổi kia, vì họa sĩ là một chàng trai, nên cái mơ mộng cũng thật, người thật, việc thật, hình bóng thật, nhu cầu thật, xuôi theo một cảm xúc rõ ràng hơn, tình yêu hay sự rung động cũng cụ thể. Lớn tuổi, miền mơ tưởng mênh mang, hoang vu hơn. Nhưng đố ai đã là nghệ sĩ thật sự mà "có tuổi"_ không "trẻ" làm sao sáng tạo. Sự chững chạc, chín chắn của người nghệ sĩ nằm ở sự chân thật, trong sáng, hết mình với thế giới mình yêu, và đóng góp vào cho đời bằng tác phẩm của mình.

Tức, như lúc này anh không rạo rực trước những cô gái căng mọng, trẻ xinh?

Tôi vẫn trân trọng cái trẻ và xinh xắn nơi các cô gái ngày nay. Thấy một cô gái trẻ đẹp ngang đường mình cũng lâng lâng, "cảm ơn nhan sắc" gợi cho một ý tứ gì đó cho hội họa. Tôi có thể vẽ khoảnh khắc nhan sắc ấy lướt qua, bằng cảm nhận mang đến cho hội họa, chứ không cần chiếm hữu nhan sắc ấy. Nhan sắc giữa trời đất kia, chứ không phải nguyên con người sinh học (body/libido), mới mang đến nghệ thuật. Nhưng với tôi, từ khi cầm cọ đến giờ, chỉ cô gái nào buồn, gầy guộc, thánh thiện, tôi mới cảm được, vẽ được.

Tôi và Sơn (Trịnh Công Sơn) giống nhau ở chỗ, phải cái đẹp mong manh của một người con gái mới cho mình sáng tạo được, mới đi vào tranh, vào nhạc, và có thể hình dung nó bằng hình ảnh: " ... vai em gầy guộc nhỏ/ như cách hạc về chốn xa xôi...". Nàng nào có đẹp tới trời, thước tất chuẩn mực như đám đông qui định, nhưng vô duyên, thì dí sách vào cổ, hay đưa bạc tỉ đôla đến chúng tôi cũng không thể vẽ thành tranh được. Tôi chỉ vẽ (và bạn bè) được những người con gái nhân hậu, sầu mộng, yêu văn chương, không hốt hoảng trước cuộc đời, vật chất. Tôi sợ cái đẹp lồ lộ, ngồn ngộn cơ thể, và ngồn ngộn tiện ích, vật chất. Tôi yêu cái đẹp của tôi, kiểu riêng tôi, dù có khi không có nhan sắc(như đám đông nhận thấy), một nụ cười nghê thường, khiếm khuyết, một nếp nhăn, hay một khoảnh khắc bất hạnh của ai đó, ấy thế mà có thể phóng cọ thâu đêm.

Ông không yêu nhiều ? Thế còn những cô gái trong tranh ông vừa mang về Việt Nam và triển lãm ở Đà Lạt sau 46 năm của lần triển lãm đầu tiên ở phố núi) lần này ?

Dù làm họa sĩ, nhưng thật ra đời tôi chỉ có vài hình bóng khiến đeo bám, khiến tôi cầm cọ thôi. Tôi vẽ đến giờ, vẽ nhiều cho, đôi cô gái xưa cũ đó, mà chừng đó thôi vẽ cả đời không hết. Mà đời có mấy cô gái yêu họa sĩ đâu. Tôi chia sẻ điều này, vì họ cần phải sống, phải tồn tại, mà họa sĩ là cái gì đó quá... vô thường. Vì mỗi lần nghĩ về họ họ hiện ra khác, cho mình cảm xúc khác. Như đã kể, chỉ những ai mong manh, có hồn tôi mới cảm được.

Và quả đúng như ông bày tỏ. Tranh ông chỉ toàn người hiền... bước vào. Những người con gái đi trong mù sương, bàng bạc phúc âm, và hoa cỏ trong trời đất. Nếu có cô gái nào đó, thì cũng là nàng tóc dài, dài đến ngang vai. Dĩ nhiên, những cô gái tóc ngắn, hiện đại, mà bước đến phòng tranh của anh sẽ ganh tị với những cô gái thuộc về miền mơ tưởng kia. Lời nhạc của bạn Sơn(Trịnh Công): "...Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ" lại là thế giới thật của người lành và đa mang như Đinh Cường.

Tranh ông đơn giản, từ màu sắc đến ý tứ, chủ đề, không khiến suy nghĩ nhiều, nhưng buộc người ta ngắm nhiều. Tranh ông là nguồn cảm hứng và mong ước của nhiều người mê tranh, sưu tập tranh. Anh sống bằng tranh, và sống như thế kể từ ngày ông tốt nghiệp trường Mỹ thuật ở Huế và lưu lạc lên Đơn Dương - Đà Lạt vào tuổi 23 đến giờ. Sống đạm bạc, qua ngày, không nghĩ đến tiện nghi, hay giao du với giới thượng lưu sang giàu. Anh ấy chơi trong đời, thơ thẩn như thế cùng cái đẹp, thế giới nghệ thuật mơ mộng. Anh có một "quĩ" bạn bè là những người mơ mộng, hiền lành, "tính ác, không chân thật, hèn, là không giao du, không bao giờ làm bạn".

Nhưng người đời thường ít để ý đến thứ văn nghệ phẩm gọi là..."tranh", kể cả nhà giàu, đại gia, tỷ phú ?

Ờ, thì xưa nay người ta ít để ý đến tranh. Vì không có tranh chẳng ai chết. Nhưng tranh làm người ta sống êm đềm, bình an, phong phú hơn. Người ta ít khi "sắm" tranh. Thường người ta hay ngĩ về xe cộ, nhà cửa, và đem tiền gửi ngân hàng hơn là mua sắm tranh về treo. Các phòng khách của nhà giàu có, cũng hay thấy bức ảnh thật to hơn là tranh. Ở các nước văn minh, người ta thường treo tranh và sắm tranh. Nhưng con người là chung, ở đâu rồi cũng có lúc người ta cần đến tranh mà. Từ từ người đời sẽ hiểu hội họa, và hội họa mãi mãi tồn tại.

So với phim ảnh, âm nhạc, kịch nghệ, kiến trúc, và kể cả văn chương đều "đại chúng hơn", trần đời hơn, còn hội họa cứ... tự sang trọng xa xỉ trong con đường của mình, nhất là ở người Việt mình, VN mình?

Nhưng họa sĩ vẫn không ai chết; lây lất nhưng cứ "thênh thang" trong miền mơ tưởng của mình, thế giới sắc màu của mình.

... Có thêm kiếp nữa, Đinh Cường chọn nghề gì?

Thì hội họa thôi. Với hội họa, một kiếp cũng không đủ đâu. Nghệ thuật là sự khôn cùng, mơ tưởng là miền dấu yêu bất tận, và tôi đây không mơ tưởng thì làm sao tôi sống. Mắc gì tôi phải chọn nghề khác, khi với hội họa tôi có được miền yêu thương kỳ ảo thân thuộc, tình yêu, tình bạn, buồn vui (ngoại trừ vật chất), vạn vật xung quanh cứ nồng nàn kể cả trong bất hạnh của nỉ.
Nguyễn Hàng Tình

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

hùng văn một thời

Gặp lại nhà thơ “Quê hương”

Hôm ấy, Nha Trang đỏ nắng. Tôi cùng anh bạn nhà báo tìm đến đường Yersin. Vừa kéo chuông, chủ nhà vội vàng mở cổng. Trước mắt tôi là một ông già ngoài 80 tuổi, dáng người đậm, da trắng, mang cặp kính cận bự, mỗi bên độ nửa bàn tay… Ông già ấy chính là nhà thơ Giang Nam, tác giả bài thơ “Quê hương” nổi tiếng.

Tôi viết “Quê hương”

Một quá khứ đầy ắp những kỷ niệm trong ông chợt ùa về, ông kể: “Tôi được giác ngộ cách mạng từ năm đôi mươi, lại có anh trai là nhà cách mạng Nguyễn Lưu Truyền. Bản thân là người hay chữ nên khi bước vào hoạt động cách mạng, tôi đã được cán bộ giao làm nhiệm vụ tuyên huấn...”.

“Hồi đó, tôi rất thích một cô gái là vợ tôi bây giờ, nhưng bên cạnh cô ấy còn có nhiều người theo đuổi nên chỉ còn cách mỗi lần đến đưa công văn, tôi gửi cho cô ấy một lá thư chứ không dám đến hỏi thêm gì. Viết thư cũng chỉ dám hỏi mấy câu đơn giản như: “Anh có ý thích em, em nghĩ thế nào?” – ông kể chuyện tình yêu. “Tôi bồn chồn chờ đợi suốt cả tuần lễ khi lá thư thứ hai gửi đi mà không thấy hồi âm, chờ mãi cuối cùng cũng nhận được thư trả lời của cô ấy… Năm 1955, chúng tôi đã làm đám cưới”.

Nhà thơ Giang Nam và tác giả.

Cưới xong, ở với nhau vỏn vẹn hai đêm, ông lại phải nhận nhiệm vụ mới ở Bình Định. Đây cũng là cái mốc đánh dấu cho những chuỗi ngày xa nhau đằng đẵng của ông bà. Ông được tổ chức giao, âm thầm tham gia tờ báo hợp pháp với tên gọi “Gió mới” hoạt động công khai tại nội thành Nha Trang. Khi Mỹ - nguỵ tiến hành các đợt “tố cộng”, “diệt cộng”, cán bộ đảng viên ở miền Nam phải tổ chức đổi vùng để tránh bị lộ. Tổ chức đã sắp xếp để ông bà chuyển vùng hoạt động về Biên Hoà.

Rồi một lần, ông kể mà như khóc: “Lần đoàn tụ này chúng tôi vô cùng xúc động nhưng vẫn phải giữ bí mật tuyệt đối cho cách mạng. Cũng tại Biên Hòa, vợ tôi sinh đứa con gái đầu lòng và cũng là duy nhất. Ngay sau khi vợ sinh, tôi được tổ chức rút về lại Khánh Hoà. Sau đó không lâu, vào một buổi tối giữa năm 1960, ngoài trời mưa tầm tã, tôi được cấp trên gọi lên trấn an tư tưởng, thăm hỏi động viên rồi thông báo tin chẳng lành: Có thể vợ và con gái tôi đã bị địch giết hại trong nhà tù Phú Lợi (Bình Dương). Đau đớn đến bàng hoàng, xót xa cứ thế trào lên. Tất cả những kỷ niệm cũ, tình yêu nghẹn ngào và buổi chia tay đầy nước mắt như sống dậy xót xa, nhức nhối... Tôi đã phải bật khóc nức nở và chỉ trong một giờ đồng hồ, tôi đã viết xong bài thơ “Quê hương”. Viết liền mạch, không tẩy xóa, không thay đổi gì cả…”.

Tôi sống với “Quê hương”

Những ngày tháng đau khổ đã đi qua rất lâu. Ông thổ lộ: “Với tôi, đau thương cũng là một sức mạnh. Sau khi làm xong bài “Quê hương”, tôi đưa cho cấp trên đọc, ngay lập tức nhận được sự đồng cảm. Rồi sau đó ít ngày, tôi gửi bài thơ ấy cho một tờ báo ở Hà Nội. Tháng 9-1961, đang trên đường công tác ở huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), tôi bất chợt nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đọc bài thơ “Quê hương” của mình và thông báo được giải nhì Báo Văn nghệ. Trong giây phút vui mừng đó, tất cả hình ảnh người vợ thân yêu cùng đứa con nhỏ lại trở về nguyên vẹn trong tôi. Thêm một lần tôi bật khóc. Có lẽ mỗi câu thơ trong bài “Quê hương” đều hàm chứa hình ảnh người vợ của tôi. Cũng từ đó, tôi lao vào làm thơ phục vụ cách mạng, làm báo tuyên truyền cổ vũ đồng chí của mình như một nhiệm vụ cao cả”.

Ngày nhận thư của nhà thơ Hoàng Trung Thông mời ra Hà Nội nhận giải, Giang Nam đau đáu một suy nghĩ: Phải chăng những nỗi xót xa đã giúp người ta có những câu thơ hay? Nhà thơ Chế Lan Viên đã gọi Giang Nam lại và nhận xét rằng: “Cả bài thơ “Quê hương” của Giang Nam và “Núi đôi” của Vũ Cao đều nói về sự hy sinh của người con gái, của tình yêu và nỗi cách xa. Nhưng bài “Quê hương” của Giang Nam đau quá! Tuy bài thơ được giải nhì nhưng sẽ có sức sống vượt thời gian”. Sau khi bài thơ “Quê hương” được công bố, rất nhiều cuộc mít tinh chớp nhoáng đã lấy bài thơ này ra đọc lên như một sự cổ vũ. “Lúc đó, tôi vô cùng sung sướng, thấy mình như được tiếp thêm sức mạnh, viết không ngưng nghỉ”- ông nhớ lại.

Cuộc sống luôn hàm chứa những bất ngờ, cứ đinh ninh vợ con đã bị địch giết chết nhưng giữa năm 1962, vợ và con gái bất ngờ được thả về do địch không tìm ra căn cứ kết tội. Nỗi vui mừng chưa được bao lâu, năm 1968, vợ Giang Nam lại bị địch bắt lần thứ hai cho đến mãi năm 1973 mới được thả về nhờ sự bào chữa của một luật sư. Nhắc đến thời kỳ này, giọng ông lại nấc lên: “Suốt hai lần vào tù, ra tội, những ngày dài sống đằng đẵng trong xà lim, đứa con gái duy nhất của tôi vẫn phải bám lấy mẹ. Ai có tách ra nó cũng không chịu. Có những ngày bị lạnh tím tái tưởng chừng như đã ra đi. Có lúc sợ nó nhớ tôi, vợ tôi đã trùm chiếc áo cũ của tôi lên người nó. Lần ra tù thứ hai cũng nhờ nhiều vào một người luật sư bào chữa rất vô tư. Sau này giải phóng, tôi có đi tìm lại người đó để cảm ơn nhưng không gặp được”.

Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1976, Giang Nam về làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Năm 1978, chấp hành ý kiến của cấp trên, ông ra Hà Nội làm Thường trực Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1989, khi tách tỉnh Phú Khánh, tỉnh uỷ Khánh Hoà xin ông về làm Phó chủ tịch UBND tỉnh, phụ trách văn xã. Cứ tưởng rằng bước vào đường quan, cảm xúc thơ của ông sẽ giảm đi nhưng ông vẫn miệt mài viết. Chính trong thời gian làm phó chủ tịch tỉnh, có dịp tiếp cận nhiều hơn với người dân cũng như muôn mặt của cuộc sống nên ông đã cho ra đời trường ca “Sông Dinh mùa trăng khuyết”.

THANH HẢI

(QĐND)

Nẫu ăn

“Tam bảo” ẩm thực Phú Yên

Do đặc điểm là một tỉnh duyên hải nên trong thực đơn hằng ngày của người Phú Yên, thủy sản luôn chiếm vị trí quan trọng. Và cũng từ truyền thống ấy, người Phú Yên đã nâng tầm ẩm thực biển của mình lên thành đặc sản. Mà trong đó, có 3 thứ được mệnh danh là “tam bảo” ẩm thực đất Phú.

Cá ngừ đại dương

Cách đây 20 năm, nghề câu cá ngừ đại dương ở Việt Nam bắt đầu tại Phú Yên và bây giờ đã lan ra nhiều tỉnh. Phú Yên hằng năm đánh bắt được khoảng 1.800- 2000 tấn cá ngừ đại dương, chủ yếu xuất khẩu. Ăn cá ngừ đại dương cũng đã có ở nhiều tỉnh, thành phố, nhưng các quán và cách ăn ở đất Tuy Hòa, Phú Yên vẫn được dân khảnh ăn đánh giá là sành điệu nhất.

Món độc đáo nhất chế biến từ cá ngừ đại dương ở Tuy Hòa, Phú Yên, là mắt cá ngừ chưng cách thủy. Mắt cá mua về được rửa sạch, ướp các loại gia vị như hành, tiêu, ớt, tỏi, muối, bột ngọt... để cho thấm đều khoảng 15 - 20 phút thì cho vào nồi đất chưng cách thủy độ nửa giờ thì ăn được. Khi chưng cho thêm mấy vị thuốc bắc để khử mùi tanh và tăng chất bổ dưỡng. Ăn món này thường kèm với các loại rau thơm và kèm một vài ly rượu mạnh thì càng hợp khẩu...

Ghẹ Sông Cầu

Món thứ hai là gỏi bao tử cá ngừ. Đây là món hiếm, ít được bày bán ở hàng quán, bởi ngư dân đánh bắt cá ngừ thường dùng món này trong lúc họ còn lênh đênh trên biển hoặc về “lưu hành nội bộ”. Chỉ cần rửa sạch bao tử rồi bỏ vào nước luộc chín, sau đó rửa lại nước lạnh cho giòn, xắt thành miếng vừa ăn ướp với hành tây, tiêu, ớt, muối đường, mì chính... trộn đều là có món gỏi bao tử cá ngừ.

Sò huyết Ô Loan

Đầm Ô Loan thuộc huyện Tuy An từ lâu nổi tiếng là thắng cảnh của miền Trung. Nơi đây cũng nổi danh với món sò huyết ngọt, béo làm say lòng bao du khách. Muốn thưởng thức món ngon này, du khách phải chịu khó lên thuyền theo các thợ lặn ra giữa đầm, lênh đênh trên sóng nước, vừa tham quan cảnh lặn bắt sò và thưởng thức ngay tại chỗ. Trong hành trang của du khách không thể thiếu gia vị, thức uống và bếp lò để nướng sò.

Thử tưởng tượng còn có thú nào bằng cảnh ngồi trên khoang thuyền, tự tay mình nướng lấy những chú sò mà mình thích nhất, rồi cho vào miệng. Cảm giác đầu tiên là vị ngọt thơm, béo béo và mịn màng ở đầu lưỡi, sau đó ngấm dần xuống tận cổ.

Ghẹ Sông Cầu

Ghẹ vùng Sông Cầu to bằng bàn tay, bụ bẫm, thân mình xanh thẫm, càng và yếm lốm đốm trắng, béo mầm. Người ta có thể luộc, rang muối hoặc nướng vỉ, làm món lai rai rất thú. Khách muốn có bữa cơm ghẹ thì có ngay tô canh ghẹ, đĩa ghẹ kho rim nóng hổi.

Ghẹ đưa ra bán ở các chợ hay cung cấp cho các quán ăn, nhà hàng đã đặt mua sẵn. Khách ngồi hóng gió mát, nhìn trời nước bao la chừng mười phút sẽ có món ghẹ rang muối hay ghẹ luộc dọn lên ngay. Còn khách muốn có bữa cơm ghẹ thì cũng sẵn sàng với những tô canh ghẹ, đĩa ghẹ kho rim nóng hổi còn bốc khói. Nếu cần nhâm nhi lai rai thì đã có những chú ghẹ to tướng, mầu đỏ gạch, nằm gọn gàng trên đĩa trông thật hấp dẫn. Dùng hai tay bẻ lấy đôi càng rồi nhẹ nhàng đập vỡ nó ra, chấm vào đĩa muối cho vào miệng. Cảm giác đầu tiên là vị ngọt ngọt, mùi thơm thơm, béo béo và mịn màng ở đầu lưỡi, sau đó ngấm dần xuống tận cổ. Dùng cái nĩa cạy hết lớp gạch chấm vào đĩa muối tiêu ăn trước, sau đó mới đến lớp thịt. Ăn ghẹ chớ ăn vội, cứ chậm rãi từng con một, hết con này đến con khác. Khi nào cảm thấy bụng đã no mới thôi!

Bài và ảnh: Vương Loan
(QĐND)

Trần Tiến viết văn

Ngẫu hứng Trần Tiến 1

Trần Tiến

Anh Tiến kể chuyện Lập nghe...

NQL: Trong một lần trà dư tửu hậu, tui đã ra đề bài cho Trần Tiến, nói ” Ngẫu hứng Trần Tiến”, đó, anh viết đi. Tưởng là anh viết nhạc, té ra anh viết văn xuôi. Cứ viết xong đoạn nào anh lại nhấc máy đọc cho nghe đoạn đó, đến nay đã được vài bốn đoạn. Những đoạn văn xuôi rất có hồn, bởi vì nó rất thật, càng thú vị hơn khi biết anh viết ra nó trong cơn say. Đúng như Dương Thu Hương đã từng khen sau khi đọc văn xuôi của anh, nói giời ơi, sao ông không viết văn lại mò đi viết nhạc.

Tui lần lượt đăng các mẩu ” Ngẫu hứng Trần Tiến” của Trần Tiến,đến khi nào Trần Tiến không viết nữa thì thôi. Bản quyền của Trần Tiến, ai muốn đăng lại, cóp lại đều phải xin phép Trần Tiến.

Cái áo bông sột soạt em ạ, cái áo bông mẹ may cho anh mặc đến trường trong ngày mùa đông buốt giá, vừa đi vừa sột soạt. Anh là “cán sự” văn hồi phổ thông, chả hiểu sao gọi là thế. Anh đi thu bài của bạn bè nộp cho thày, có thế thôi, gọi là cán sự. Hôm ấy đi khắp lớp, vừa đi vừa sột soạt, cả lớp cười bò, ngượng thật. Mẹ được lão bộ đội già tặng mẹ sấp vải lính, chắc hắn định ” cưa” người mẹ nguyện suốt đời ở giá nuôi anh. Mẹ may cái vỏ áo bông mà không có bông. Trong đó mẹ nhét đầy báo Nhân dân, Hà nội mới. Chắc ngày ấy chỉ có 2 tờ thế thôi em giai nhỉ.

Âm nhạc thời tuổi thơ, chả có dân ca, dân kẹo. Chỉ có chiêc áo bông vừa đi vừa sột soạt

Mẹ chắc thương anh nhất nhà, cũng chẳng hiểu vì sao, anh cả lấy roi đánh anh có một lần thôi, mẹ mắng hoài. Cả đời nuôi tám đứa con nên người, mẹ chưa bao giờ đánh con, chỉ có bố đánh mẹ thôi. Mà cũng chỉ có một lần anh nhìn thấy, nhưng nhớ hoài không quên. Sau này anh mới biết, chuyện đó là thường của thời ấy. Mẹ gọi anh : Cu đểnh đồi Nồng của mẹ đâu rồi .
Anh đi tìm mãi cái đồi Nồng tuổi thơ mà chẳng còn ai nhớ nó ở đâu nữa.
Mẹ anh mất, anh đang ở cuối nước, nơi có người Chà Và sinh sống. Những người Chà Và tìm cách đưa anh về sớm nhất để nhìn mẹ lần cuối…


Mẹ ơi, sớm nay xuân về/Mẹ trông ra ngoài hiên vắng/Mẹ mong đứa con xa nhà/Rồi mùa xuân, anh ấy sẽ về

Mẹ sinh ra anh trong cuộc chạy loạn năm 47, trong tiếng bom đạn sối sả trên ngọn đồi ấy. Bố giận Tây lắm, mới đặt tên con là Trần Việt Tiến. Mà anh thì chỉ là một nhạc sỹ quèn, chả được cái tích sự gì. Làm sao mà giúp nước… Tiến. Ôi dào…

Anh Hiếu kể : Bọn Tây đi càn bắt được nhà mình, em thì cứ khóc dằn dặt, thằng da đen chạy đến tát em một cái. Mẹ trợn trừng định đánh lại. Bố bảo im, không được làm thế. Bố tìm thằng quan ba gì đó, sì sồ tiếng Pháp, đại loại là : Nước Pháp văn minh mà đánh trẻ con à. Thằng da đen phải cúi đầu xin lỗi Trần Việt Tiến. Hí….

Em nhắc anh kể chuyện gì có tư tưởng ư.

Anh làm gì có tư tưởng. Tư tưởng của anh toàn là bọn lếu láo truyền cho. Mac-Lê không nói làm gì. Bọn Niết-sờ, Ca- mút sờ rồi Gôtama-sờ….thì hay đấy, nhưng họ lại là nguyên nhân của chiên tranh, bởi những thằng học trò, hoặc quá khích, hoặc lợi dụng .

Những ngày trẻ dại, anh em mình ngốc nhỉ. Lao vào chủ nghĩa ” Tưởng bở ” như con thiêu thân. Thần tượng ngày ấy của anh là ai, em biết không. Paven Coọc-sa-ghin…Ha ha..

Vậy mà bây giờ anh lại cực đoan, không có thần tượng. Buồn cho thế giới không còn thần tượng. Họ đi chùa, sám hối, thậm chí mang bom thánh chiến ,chắc cũng do… thói quen có tư tưởng.

À, anh có một thằng em, lủng lẳng trong quần. Mỗi lần anh nói chuyện nhạc nhiếc, phim phiếc, triết chiếc, tư tưởng tư tiếc là nó di chơi chỗ khác em ạ. Đến giờ cần đến nó. Thật khổ.

Hoạ sỹ Lê văn Hiệp yêu thằng em lãng mạn, môi giới cho một em, con bà Thái Thị Liên, vợ ông nhà thơ Đặng Đình Hưng. Năm ấy anh ngốc như chưa ai ngốc thế. Nàng tiễn anh lên đường đi Sầm Nưa, chiến khu của LÀO. Anh viết bao nhiêu bài thơ, bao nhiêu bài hát tặng nàng.

Mùa hè ấy, mặt trời như nóng bỏng hơn/ Cây cỏ như xanh tươi hơn….

Toàn bộ thi ca, nhạc nhẽo được gửi trở lại chân núi Phu-Khen.
Đêm đó là đêm diễn cho ông Suphanuvong và Đảng CS Lào. Anh mang thư của nàng ( hiếm lắm mới chuyển được sang Lào,ngày đó) lên đỉnh núi, xé ra, hồi hộp mong tin nàng. Chẳng có gì, chỉ có thư của mình. Thằng ngu…..Ông Đỗ Nhuận hoảng hốt đi tìm.

Anh bước từ đỉnh núi xuống, và chưa bao giờ hát hay đến thế.
Đó là mối tình đầu của anh. Chuyện con gái Hoàng thân xin chính phủ Việt nam cưới anh không được là vì thế thôi. Cũng may. Làm nhạc sỹ thích hơn làm Phò mã chứ.

Có một lần, anh nhục như con chó.

Anh sốt rét ác tính. Đơn vi phải đi. Đường chín Nam Lào mà. Mặt trận mở ra rồi đóng lại, chỉ một vài hôm là chuyển đi. Anh bị người ta vứt xuống hố chôn. Cô bạn y tá yêu anh, thương anh, nên không nỡ chôn. Trời cho chưa chết.
Không còn gì trên người. Anh cứ đi, đi không được thì bò, đuổi theo đơn vị. Đường giao liên mất dấu vì bom. Anh lạc vào rùng đầy bom nổ chậm, vậy mà không chết mới hay. Chuyện đó sau này, nơi anh bò đến xin cúu, họ mới nói anh hay.

Bò đến được ánh đèn rất xa, nơi có con người. Té ra một tram dây trần của lính ta. Anh gục xuống và thiếp đi. Không biết bao lâu tỉnh dậy, thấy mình vẫn nằm trước cửa hầm. Lính tưởng mình thám báo VNCH không cúu. Xác chết sống lại, làm gì có giấy tờ.

Lính tra khảo. Mình đành khai báo:” Anh là Trần Tiến, tác giả bài ca Thanh niên ra tiền tuyên đây. Họ còn không tin, bắt hát….. “Chết mẹ. Trần Tiến thật”. Sau này, cũng lại họ kể lại, vì cha ấy có giọng trầm trầm…mới tin và mới cứu.

Thế là, sau này, anh càng già, giọng càng như gà thiến. Anh phải cố giả giọng trầm trầm để có người đãi rượu đấy. Hè….


Ngẫu hứng Trần Tiến 2

Trần Tiến

Anh Tiến kể chuyện Lập nghe…

2. Anh nấu phở được lắm, em ạ. Ngày nào bảo vợ rủ bạn bè, anh dạy cho. Có ngày anh lừa được 3800 USD tiền dạy nấu phở đấy.
Nhà anh to thế, bị chính phủ ngày mới giải phóng Thủ đô, bắt nhường lại ( tất nhiên không có giấy tờ gì). Đã thế, mẹ anh phải giặt giũ giường chiếu, chăn màn cho cái nhà trọ phố ga của chính phủ, chính là nhà mình. Đau đớn. Anh còn bé phải xuống giặt giúp mẹ trong cái nắng thiêu đốt của ngày giải phóng. Anh không sao quên lũ rệp. Rệp từ giường leo vào người, vào bàn tủ chăn chiếu, làm thủ đô trong gối, lại còn hãnh diện leo lên trần nhà nhìn xuống. Coi mẹ con anh, nhà tư sản đếm trên đầu ngón tay của Hà thành ngày bình yên….. như rác.

Rồi một ngày mẹ anh bị “chuyển công tác “. Đi rửa bát cho một hàng phở.
Tât nhiên anh thương mẹ, đi rửa bát giúp mẹ.


Thằng cửa hàng trưởng còn bắt anh nắm than, rửa thùng phở to đùng. Hồi đó anh mê hát. Cứ rúc trong thùng phở to đùng nghêu ngao những bài ca cách mạng…Nhưng tất nhiên là của…. Nga la tư. Anh đang học lớp 9 PT mà.
Mỗi sớm, thợ được nhà nước tặng một tô phở “không người lái”. Ông phụ trách chuyên môn, tức người nấu phở chính, thấy kỳ kỳ, ai cũng tô phở “không người lái”, mà khi ông đùa, lấy đũa lật lên….toàn thịt.
Là người gốc Phúc Kiến lang bạt kỳ hồ vê xứ Giao Chỉ. Dân nấu phở toàn từ Giao Cù Nam định lên Kẻ Chợ hành nghề. Làng ông chỉ có họ Cồ. Ông giỏi nhất, trong đám phở gánh nổi tiếng Hà Thành tên Cồ Cử.
Ông Cồ Cử chú ý quan sát thấy tô phở “chính phủ cho” của anh giai em chỉ là phở ” chân chính”, không có đoạn ” ăn cắp”. Thế là, không biết sao, bốn đứa con trai thì không truyền bí quyết nấu phở, chỉ truyền cho kẻ lơ ngơ như anh.
Chỉ hai năm sau anh đã là ca sỹ khá nổi tiếng. Một hôm máu lên, anh tìm cách mời cả Công ty ăn uống Hoàn Kiếm đi xem anh hát. Ông Cồ Cử hồn nhiên đứng dậy giũa rạp.

- Ê , thằng Tiến rửa bát nhà minh kìa. Hay quá, con trai !

Thực ra anh vẫn ân hận. Bí quyết nhà Cồ, chót giao nhầm cho kẻ ngu . Giá anh cứ nấu phở thì âm nhạc Việt nam vẫn tiến lên, có gì khác đâu.

Thời bao cấp đói chết mẹ. Anh Hiếu, chị Huyền đi hát phục vụ cách mạng xong đói quá, lại bò về nhà mẹ, sai thằng em đi bắt trộm chim bồ câu của ông bác để nấu cháo. Anh leo lên mái nhà ba lầu, thò tay không vậy mà cũng bắt được. Bây giờ nghĩ lại thấy anh hùng thật. Cả thời tuổi trẻ chả thấy nghệ thuật, triêt học, triêt cháo gì sất, chỉ thấy thèm ăn. Rủ thằng Lưu quang Vũ đi cướp tàu hoả chở xe đạp gì đó của Tàu viện trợ, à xe gì nhỉ….quên rồi. Xe Phượng Hoàng. Thằng Vũ hăm hở lắm. Kế hoạch nó bày ra cứ như cao bồi viễn tây. Hôm sau đến giờ hành sự, nó lại ha hả cười. Rồi hai thằng lại bỏ hết đồng tiền cuối cùng nhờ thằng Hưng “đói” đi buôn giấy ảnh bỏ đi của bộ Quốc phòng. Giấy ảnh chả thấy đâu, Thằng Hưng “đói” bị truy nã. Ông trung tướng Hữu Ước kể lại, ngày ấy vì làm đàn em các anh, loong toong mang dùm giấy ảnh mà phải đi tù 2 năm. Chả biết có đúng không.

Cuộc cãi vã đáng để ý nhât là đối đầu triết học với anh Sơn và Duật. Tất nhiên là hai buổi riêng. Duật điên quá kêu người bỏ tù anh ở ngay nhà Trọng Khôi. Còn anh Sơn chỉ cười cười. Biết mình thua thằng con nít nên anh không chấp. Anh bảo anh Sơn cần phải nghiên cứu giao hưởng, và viết cái gì đó lớn hơn. Anh Sơn bảo: “Chịu khó học thì cũng viêt được. Nhưng chưa chắc một bản giao hưởng tồi lại có thể giá trị hơn một câu hò hay.”

Anh ấy có lý em nhỉ.



(theo blog Nguyễn Quang Lập)

Thể lệ Cuộc thi Tản văn năm 2024 trên Viết SÁNG TẠO

  Công bố thể lệ Cuộc thi Tản văn năm 2024 trên Viết SÁNG TẠO   Thưa bạn đọc bạn văn! Tản văn đang là thể loại thời thượng vì tính chất cập...