Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

mừng lên hương


"Dựng câu thơ thành cột mốc chủ quyền"

Thứ Hai, 06/06/2011 11:18

“…Dựng câu thơ thành cột mốc chủ quyền Rằng cha ông vươn mình ra biển lớn
Chểnh mảng nào cũng đắc tội với tổ tiên…”


(TT&VH) - Như TT&VH đưa tin, với tác phẩm Hào phóng thềm lục địa nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng vừa trở thành “trạng nguyên thơ” lần thứ hai do Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân trao tặng trong Cuộc vận động viết về biển đảo. Một bài thơ viết về những người lính biển đã giúp chủ nhân của nó hai lần nhận “vòng nguyệt quế” thật là chuyện hiếm có (Trước đó tác phẩm này đã đoạt giải cao nhất của cuộc thi thơ và truyện ngắn 2008 - 2009 của Tạp chí Văn nghệ quân đội).

Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bình Định chia sẻ cùng TT&VH.

* Đầu tiên, chúc mừng anh 2 lần trở thành “trạng nguyên thơ”, xin anh cho biết cảm xúc trong cả 2 lần nhận vòng nguyệt quế trở thành “trạng nguyên thơ”?

- Đây là niềm vui kép từ phía Quân đội Nhân dân Việt Nam gửi tới một người làm thơ rất ưu tư trăn trở với biển trời Tổ quốc. Cho phép tôi nói lời cám ơn Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân Việt Nam, Cục Chính trị của Quân chủng Hải quân cũng như cán bộ chiến sĩ và người đọc đã ưu ái và đồng cảm cùng tôi. Rất cảm động trước lời chúc mừng của người quen biết lẫn người chưa gặp lần nào. Đặc biệt, có các tướng lĩnh bạc đầu trong và ngoài Quân chủng Hải quân đã làm một nghĩa cử đẹp: ghi những dòng cảm khái về bài thơ Hào phóng thềm lục địa. Những tấm lòng tri kỷ tri âm khó đền đáp nổi!

* Bài Hào phóng thềm lục địa của anh được sáng tác trong hoàn cảnh nào và chắc hẳn tình yêu với biển đảo quê hương phải được anh hun đúc trong rất lâu?

- Tôi tiếp nhận làn sóng truyền mạnh mẽ trong việc hình thành bài thơ Hào phóng thềm lục địa. Bài thơ được thai nghén từ chuyến về thâm nhập thực tế với cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 171 Hải quân ở Vũng Tàu, sau đó tiếp tục nghiền ngẫm ở đại bản doanh ở Bộ Tư lệnh Hải quân phía Nam tại TP. Hồ Chí Minh, rồi ra Hà Nội trong một cuộc họp. Cuộc “lên đồng thơ” này, thật không thể nào quên được trong đời sáng tác, nó còn hút tôi đến tận bây giờ. Trong những ngày này, vọng nhìn ra biển xa, nơi những người lính Việt căng ngực trước sóng gió giữ gìn biển đảo, tôi lại đau đáu thèm viết. Chỉ e tiềm lực mình chưa đủ độ để chuyển tải những vấn đề lớn lao của đất nước lên trang giấy...

* Với bài thơ dài 108 câu này, anh muốn gửi gắm những vấn đề gì đến người đọc?

- Câu chuyện nghĩa trang trong lòng biển làm tôi chấn động đến thấy mắc nợ với hương hồn 9 liệt sĩ hy sinh xác thân gửi giữa trùng khơi. Mọi chi tiết về những người hy sinh và tâm trạng những người thân của họ trong bài thơ đều là những chi tiết thật, ám ảnh tôi trong một đối sánh giữa phía phù du, ảo vọng mà bản thân tôi cũng dự phần với những hy sinh dữ dội và thầm lặng theo nghĩa xả thân của người lính biển cho Tổ quốc. Trong mỗi bài thơ, mình đi hết lòng mình, còn sự ghi nhận và chia sẻ của người đọc đến đâu là vinh hạnh cho nhà thơ đến đấy.

* Anh suy nghĩ thế nào về chặng đường sáng tác sắp tới xung quanh hiện thực người lính và biển đảo?

- Đây là một đề tài lớn trong giai đoạn mới, khi chúng ta xác định thế kỷ XXI là “thế kỷ của đại dương”. Cái nhìn hướng biển đã được chú trọng đặc biệt. Tôi cũng như đa số người Việt Nam, xuất thân từ nông dân, tôi mong chúng ta yêu biển như yêu cánh đồng quen thuộc của mình, cho dù: “Biển không phải cánh đồng/ Sóng không là những đường cày vỡ/ Dòng hải lưu khác lúa khóm khoai vồng”. Tự thâm tâm, tôi thấy mình còn mắc nợ thật nhiều với di sản biển đảo mà cha ông đã xác lập chủ quyền. Tôi sẽ giành tâm huyết cho đề tài người lính và biển đảo trong chặng đường tiếp theo.

* Anh có thể chia sẻ những câu thơ hay về biển đảo mà anh thấy tâm đắc?

- Việt Nam có phần chủ quyền biển lớn gấp 3 lần đất liền. Đó là bài thơ trọn vẹn nhất mà cha ông ta bao thế hệ trao truyền lại cho con cháu giữ gìn. Những câu thơ kinh điển về biển đảo theo tôi là những câu bình dị nhưng chạm tới sự thiêng liêng của chủ quyền dân tộc. Ta thử đọc lại những câu này của Hữu Thỉnh: “Đảo hiện ra thử thách bạc mầu/ Bàn chân lính đánh vần trên đất đai Tổ quốc”. Hoặc của Trần Đăng Khoa: “Đảo tự giấu mình trong màu nước lam xanh/ Cái giọt máu thiêng dưới ngầu ngầu bọt sóng/ Tổ quốc ơi ! Tiếng chúng tôi kêu lên mà mắt chúng tôi nhìn xuống/ Bóng chúng tôi trùm khắp đảo Thuyền Chài...”.

Trích HÀO PHÓNG THỀM LỤC ĐỊA

Lúc ấy như thực thụ những chiến binh, chúng tôi đã đi dọc Trường Sa, Hoàng Sa, dọc những đảo nổi đảo chìm, dọc theo nhiều biến động

Chúng tôi không đẽo gọt ký tự mỹ miều của những kẻ trùm chăn

Chúng tôi không ù òa ảo thuật với mớ triết luận cũ rích lăng nhăng

Không cưỡng bức thiên nhiên bằng ngôn từ hóa chất

Chúng tôi vừa giở lịch sử nước nhà vừa bước theo dấu chân binh phu Bãi Cát Vàng đôi chiếu đòn tre đi khai thác tài nguyên mấy trăm năm trước

Dựng câu thơ thành cột mốc chủ quyền

Rằng cha ông vươn mình ra biển lớn

Chểnh mảng nào cũng đắc tội với tổ tiên

Những đọi máu truyền đời qua bài văn tế sống Hưng vong những vương triều vận mệnh chốn tiền duyên…

“Tôi vừa đọc bài thơ Hào phóng thềm lục địa của nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng. Cái hay của bài thơ là tác giả đã thấu hiểu được sự gian truân vất vả của người lính Hải quân nơi thềm lục địa. Và đặc biệt là sự hy sinh thầm lặng của họ nơi tiền tiêu của Tổ quốc và gia đình họ ở nơi hậu phương mà có thể nói là không sao kể hết. Nhưng về phía người lính Hải quân cũng muốn tác giả hiểu thêm rằng, sở dĩ chúng tôi vẫn tồn tại được, đứng vững được nơi đầu sóng ngọn gió là nhờ có sự hậu thuẫn của nhân dân từ khắp mọi miền Tổ quốc” (Đại tá Đỗ Anh Tịnh, nguyên chính ủy Trường Sĩ quan Hải quân (nay là Học viện Hải quân).

Trần Hoàng Nhân (thực hiện)
(TTVH)

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

già gió

Tắm mương

Thứ Ba, 28/06/2011 15:42

(TT&VH) - Ở Phú Yên có gió Nam cồ. Gió Nam cồ hung hãn thổi ngày đêm không ngừng nghỉ. Gió gây ấn tượng mạnh đến nỗi, người ta thấy nó phi, nó lướt, nó vật vã, nó lồng lộn điên cuồng. Dường như nó cũng có đầu, có lưng, có cẳng, có tay, nhưng chẳng có hình thù cố định.

1. Ôi cái gió Nam cồ! Ngay cái nắp gốm đạy vò nước cũng bị nó hất văng xuống sân, va vào bờ thềm bể tan tành. Lập tức gió chui tiếp vào vò nước, hốt quăng luôn cho đủ bộ. Còn rác rến, dĩ nhiên bay mất tiêu vào bốn phương tám hướng. Cái sân xi-măng trước nhà sạch sẽ như lau. Nhìn lên các ngọn cây lại càng kinh ngạc. Trong các ngọn cây, dường như có vô số bầy khỉ lớn bé núp trong đó, ra sức rung cây đùa giỡn cho thoả chí bình sinh. Tất cả trái cây đều rụng sạch. Những trái rụng lại cũng bị gió lăn đi. Quét mắt ra đồng ruộng, thấy sóng lúa cuồn cuộn bạt ngàn. Đồng lúa cũng dậy sóng. Toàn bộ cảnh vật chao đảo, không thể nào đứng yên được. Gió Nam cồ cứ như một người say rượu vô hình múa may mãi, lồng lộn không ngừng và quyết tâm không bao giờ tỉnh.

Còn nhớ, lúc tôi học tiểu học, gió Nam cồ đẩy tôi chạy tới trường, nhưng sách vở lại chạy ra ngoài ruộng, và chiếc mũ cháo lòng lại phóng trên cành cây vẫy vẫy chọc tức tôi. Mái tranh của nhà trường xù lông nhím, chớp chớp như sắp bị giật tung. Thế nhưng lúc ấy, lúc còn trẻ nhỏ ấy, tôi rất khoái gió Nam cồ. Đi ngược gió thật khó khăn vất vả vì bị gió đẩy lùi. Thế là cứ kiên cường bấm ngón chân tiến từng bước một. Khoái quá, quần áo lúc ấy cứ phần phật như sắp rách toạc. Gió lại xoáy vòng rất mạnh vào cái đầu trụi nghe đã ngứa vô ngần. Sướng quá nhưng mắt phải nhắm lại để tránh bụi cát bắn vào. Đi cứ như thể người mù. Đi một chặp thấm mệt, lại quay lưng theo chiều gió. Vừa quay lưng, lập tức bị gió Nam cồ xô mình phải chạy. Nếu đứng lại, có nguy cơ té giập mặt. “Ơ, cái gió Tuy Hòa/Cái gió chuyên cần/Và phóng túng/Gió đi ngang đi dọc/Gió trẻ lại lưng chừng/Gió nghĩ/Gió cười/Gió reo lên lồng lộng...” (Trần Mai Ninh).

2. Quý bạn biết không? Này nhé, gió Nam cồ là một cái gió mà sáng dậy mình vừa rửa mặt, chưa kịp lấy khăn lau, cái mặt mình đã bị nó quạt khô ngay lập tức. Ừ, khô ngay lập tức. Một cái gió mà ruồi muỗi, chó gà phải sợ, phải trốn, nhưng trẻ nhỏ và ngựa lại khoái chí vô cùng. Còn nhớ, những buổi chiều, dọn cơm giữa sân, cả nhà ngồi quây quần trong gió Nam cồ lồng lộng. Bữa cơm đạm bạc hẩm hiu, nhưng gió xung quanh lại sang trọng và hoành tráng vô cùng. “Lá tre quay chong chóng/Giun lòng thòng mỏ gà/Chuông chùa bay trong gió/Đồng xa trốc đất nâu... Chén mắm cá rô nướng/Đọt lang luộc rổ đầy/Ớt cay trán rịn nước/Đầy sân chi chít vui... Cơm nghèo thời còn nhỏ/Cứ no cả một đời/Nam cồ thời thơ ấu/Mát mãi cả ngày sau...”. (Ngô Phan Lưu).

3. Giờ thì tôi già rồi, nhưng nỗi thích gió Nam cồ lại không già. Hôm qua về quê, tôi cưỡi xe đạp đi sát mương nước, bị gió Nam cồ hốt quăng cả người và xe xuống lòng mương.

Tôi không giận gió mà lại thích thú vô ngần. Vì cỡ tuổi tôi - U70 - làm sao có dịp để tắm mương.

Nước mương bây giờ cũng khác nước mương hồi học tiểu học. Lỏng hơn và lạnh hơn...

Nhà văn Ngô Phan Lưu

(Theo TTVH)

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

du du dẫn dẫn

Nhà thơ Phạm Tấn Dũng: Không muốn chấm, phẩy vào mạch thi ca...

Ở Quảng Nam, Phạm Tấn Dũng là một trong số rất ít người làm thơ theo lối vắt dòng ngẫu hứng và hầu như không sử dụng dấu chấm câu. Ngồi trò chuyện với anh về thơ, tôi đọc câu “ca dao tân thời” làm lời mào đầu: “Phạm Tấn Dũng ở Điện Bàn/ Văn xuôi chặt khúc xuống hàng thành... thơ!”.

alt
Phạm Tấn Dũng sinh năm 1962 tại làng Bảo An, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam. Ngoài tập thơ riêng “Phía sóng” in năm 2008, anh còn có thơ trong các tuyển tập Chưa mưa đà thấm, Bảo An Đất học, Thơ Quảng Nam mười năm, Trăm năm thơ Đất Quảng... Hiện tại, anh đang tập hợp bản thảo để in tập thơ riêng thứ hai với tiêu đề khá ấn tượng: “Du du dẫn dẫn”.

- Hay! Tay nào làm câu ca dao “cà khịa” này vui quá. Nhưng cũng xin thưa thiệt, cái kiểu thơ “nhìn” vào cứ thấy giống văn xuôi và cứ thích là xuống dòng không phải riêng tôi làm đâu và tôi cũng chưa từng đem văn xuôi ra “phổ” thơ bao giờ.

- Vậy cái gọi là “thủ pháp” của thơ anh là gì?

- Tôi làm thơ trước hết là để chuyển tải những gì “nhập” vào tôi, qua đó “thoát” ra với mong muốn được chia sẻ. Tôi viết tự nhiên, có gì viết nấy, chộp được gì trên ngọn cỏ lá cây thì viết ra... Mạch nghĩ, mạch cảm của tôi vì thế không ngay hàng thẳng lối, không bằng đầu bằng đuôi, và thêm nữa tôi cũng không muốn chấm, phẩy vào mạch chảy thi ca và mạch nghĩ của mình.

- Phải chăng, đó là kiểu làm thơ không phải vì... chú tâm làm thơ, hay đây là một cuộc chơi thơ bằng lối tư duy khác?

- Thơ với tôi là một cuộc chơi không đầu không cuối, song vô cùng nghiêm túc. Tôi nghĩ, với thơ thì không đùa chơi, không giễu nhại được nên tôi chơi rất đường hoàng. Nếu không chú tâm làm thơ thì đâu có ý này ý nọ “nhập” vào mình và chắc chắn cũng không “thoát” ra được gì. Với tôi, thơ như là cái “nghiệp”, nó thường xuyên tra vấn tôi, khiến tôi cũng tự tra vấn mình. Tôi tự nhận thấy mình là người khắt khe với thơ. Nhiều bài hì hụi làm, xong đọc lại thấy dở, thế là vứt thẳng tay và quên luôn. Nhiều bạn thơ của tôi thi thoảng có bài nào mới họ cũng đưa tôi đọc, hễ tôi cảm thấy dở là chê liền, nhất quyết không bóng gió ỡm ờ... Cũng xin nói thêm, tôi chưa bao giờ gân cổ kêu gào cách tân, đổi mới thơ như một số người, nhưng tôi luôn nỗ lực tìm kiếm giọng điệu riêng và tách khỏi tâm lý bầy đàn.

- Và thơ anh đã có giọng điệu riêng và đã tách ra khỏi tâm lý bầy đàn?

- Chưa “riêng” lắm nhưng tôi tự nhận thấy thơ mình ít ra là không giống với số đông. Tôi không thích những bài thơ giọng điệu quê mùa lý lơi đồng ruộng. Có nhiều người mấy chục năm làm thơ vẫn một giọng ấy, đều đều, nhàm nhàm, không khiến ai phải trăn trở, động não và đặc biệt là... giống nhau quá (giống với những bài của chính mình và với rất nhiều người khác). Có ai đó nói với tôi rằng, thơ phải như nguồn thác đổ từ đỉnh núi xuống, hòa vào sông rồi ra biển. Nếu chỉ là nước đổ trên mặt bàn, lấy ngón tay vẽ khéo đến mấy thì cũng chỉ là những vệt nước sẽ bốc hơi, biến mất trong thoáng chốc... Tôi tâm đắc với ý kiến này và nghĩ, với người làm thơ, có khát vọng và dám “viết trẻ”, “viết mới” là một điều chính đáng.

- Nghiêm túc và quyết liệt là thế, vậy anh nhận thấy mình đã là người “viết trẻ”, “viết mới” chưa? Và, tập thơ “Phía sóng” được xuất bản năm 2008 của anh nằm ở “ngưỡng” nào?

Bức tranh

Anh tỉnh dậy như thế thức giấc
tiếng chim ban mai như thể lần đầu

Anh về với màu vàng
bên trang thơ tàn sức
sau lúc gặp người đàn ông không
biết mình là ai
chợt thấy to hơn chiếc bóng
như lửa đòi cháy trong mưa

Anh về với màu xanh đen
sau đêm sao rớt
tắt ánh nhìn thiếu phụ
khúc sông buồn thổn thức đò sang

Anh về với màu tím xa xôi
sau khúc xa em
không thể nhớ lúc nào em khóc
ở lại nỗi buồn mắt khô

Anh trở về
sau chặng nghêu ngao chiều xanh
sau những lần chín trên bàn rượu
vò nát - xếp lại - vỡ tung

Anh về...
PHẠM TẤN DŨNG

- Như đã nói, tôi là người luôn nỗ lực tìm kiếm giọng điệu riêng. Tập “Phía sóng” là tập hợp của một chặng đường nỗ lực như vậy. Và thành thật mà nói, đó là dấu gạch nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa cũ và mới...

Chuyện đang say thì có khách. Hai công nhân đang làm việc cho Công ty Tư vấn thiết kế mỹ thuật Trung Du của Phạm Tấn Dũng đến trao đổi về bức phù điêu đang làm cho khách, hình như có vướng gì đó. Anh quyết rất nhanh: “Đập bỏ làm lại từ đầu, không cạo sửa chắp vá lôm côm được”. Rồi anh quay sang phía tôi: “Mình làm thơ cũng vậy, thấy chưa hài lòng là bỏ, làm lại từ đầu”.

Lát sau, lại có khách. Lần này là Đỗ Thượng Thế, một cây bút thơ khá nổi khác của Quảng Nam. Bỗng nhiên, Phạm Tấn Dũng chuyển đề tài cuộc chuyện trò sang hướng khác.
- Tôi rất thích những người làm thơ như Đỗ Thượng Thế. Tiếc là ở Quảng Nam, người làm thơ như Thế không nhiều.
- Ý anh muốn nói là người “viết trẻ”, “viết mới” không nhiều?
- Đúng vậy. Thơ Quảng Nam bây giờ có quá ít “người trẻ viết” và “chông chênh”. Đã vậy, một số người chưa kịp định hình đã biến mất tiêu, có người trẻ nhưng lại viết già, viết bằng thi liệu và thi pháp cũ, có cảm giác như “Trên đôi cánh chuồn chuồn động bóng nước ươn” (thơ Đỗ Thượng Thế)... Tính ra, số người trẻ làm thơ chỉ còn lại vài người, trong đó có cái tên đáng nhớ là Ngô Thị Thục Trang. Số người “viết trẻ” thì có đông hơn, nhưng so với tương quan chung của cả “binh chủng thơ” thì vẫn ít. Trong đó, có thể kể tới những Phùng Tấn Đông, Nguyễn Chiến, Huỳnh Minh Tâm, Đỗ Thượng Thế, Trương Vũ Thiên An... Riêng tôi thì thuộc dạng nửa già nửa trẻ nhưng đang “viết trẻ”.

- Nhưng nhiều chắc gì đã tốt, vì để đánh giá một vùng thơ hình như người ta không căn cứ vào số đông?

- Đúng là có ít người làm thơ nhưng thơ hay thì vẫn tốt hơn nhiều người làm thơ nhưng thơ dở. Tuy nhiên, trong một tập hợp tương đối đông đảo nhưng ít người tạo được dấu ấn quá thì xem ra cũng buồn.

- Và anh đang lo cho một viễn cảnh không lấy gì làm phấn khởi của thơ xứ Quảng?

- Tôi không có đủ sức để lo. Tuy nhiên, tôi cũng không nghĩ viễn cảnh sẽ kém vui, vì những gì tôi vừa nói là cảm nhận của riêng tôi ở thì hiện tại. Thơ là một cuộc chơi dài, đầy thử thách và cũng lắm bất ngờ. Chúng ta có quyền chờ đợi và hy vọng...

Quá trưa, trời đột nhiên bừng vỡ nắng sau chuỗi ngày dài miên man mưa và lạnh. Chia tay, Phạm Tấn Dũng chỉ tay vào hàng rào nhà mình, bảo: “Mai mốt, thế nào mình cũng đập bỏ cái này, làm lại...”

PHAN CHÍ ANH (thực hiện)

(theo Báo Quảng Nam)

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2011

thơ hay như gái có chồng


Màu tím hoa sim
HỮU LOAN


Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh

Tôi người Vệ quốc quân
xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới

Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bé bỏng chiều quê...

Nhưng không chết
người trai khói lửa
Mà chết
người gái nhỏ hậu phương
Tôi về
không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương
tàn lạnh vây quanh

Tóc nàng xanh xanh
ngắn chưa đầy búi
Em ơi giây phút cuối
không được nghe nhau nói
không được trông nhau một lần

Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa
một mình đèn khuya
bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa...

Một chiều rừng mưa
Ba người anh trên chiến trường Đông Bắc
Được tin em gái mất
trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
cỏ vàng chân mộ chí

Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu...
Màu tím hoa sim, tím tình trang lệ rớm
Tím tình ơi lệ ứa
Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành
Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn
Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh nát chỉ dù lâu...

(1949, khóc vợ Lê Đỗ Thị Ninh)

Bài thơ này có nhiều dị bản truyền tụng khác nhau, đây đã được xác nhận là bản gốc.

Đã bao nhiêu lần đến với Màu tím hoa sim, vậy mà tôi đã hồn vía lên mây khi nghe giọng Nàng ca ngâm bên chân Gia Hội sông Đông Ba chiều Huế 21.6.2011. Ngày tôi buồn tôi đi lang thang với Đào Tấn Trực. Ngồi nơi đã từng với Nguyễn Xuân Hoàng, cùng vc Nguyễn Lãm Thắng nói câu chuyện chưa trẻ chưa già...
(Đào Dức Tuấn
)

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011

nàm báo

Tâm sự của một người làm báo trẻ

Tốt nghiệp đại học ngành Báo chí, tôi bắt đầu làm nghề báo chuyên nghiệp tại Báo Phú Yên quê nhà. Khởi đầu một việc gì đó bao giờ cũng khó khăn, với một người vừa trẻ, vừa chưa quen việc như tôi, lại càng khó khăn hơn.

an-bang110621.jpg

Phóng viên An Bang ở Trường Sa- Ảnh: C.T.VIÊN

Nhưng giờ, sau gần một năm làm ở Báo Phú Yên, tôi thấy mình hạnh phúc. Niềm vui mỗi ngày của tôi là được thu thập thông tin, viết bài, được chia sẻ và được bạn bè, bạn đọc phản hồi những cảm xúc. Đã có bài viết tốt, nhưng cũng có không ít sản phẩm của tôi chưa tốt, nên tôi tự bảo với mình phải cố gắng nhiều hơn.

Thời sinh viên, tôi hay trở về quê nhà viết bài cộng tác cho các báo. Quê tôi vẫn còn nhiều khó khăn so với nhiều địa phương khác, những trận bão, lũ lớn gây mất mát, đau thương cho người Phú Yên. Tôi muốn gần họ, muốn phản ánh “sống” hơn cuộc sống người dân quê mình. Đó cũng là lý do vì sao, yêu nghề báo, tôi chọn bắt đầu từ quê hương.

Đến giờ, quả thực nghề báo cho tôi nhiều niềm vui, nhưng cũng không ít nỗi buồn và lo lắng. Tôi vui vì từng được giúp những hoàn cảnh khó khăn, kêu gọi được cộng đồng chung tay giúp họ vượt qua nghiệt ngã. Tôi vui vì được đi, được cảm, được hiểu thêm về cuộc sống. Tôi vui, vì những đồng nghiệp nơi đây sẵn sàng giúp tôi khi gặp khó khăn. Và tôi vui vì mỗi ngày được làm công việc của một phóng viên là một ngày tôi được học tập thêm những điều mới mẻ.

Một trong những ấn tượng lớn nhất đối với tôi là được Báo Phú Yên cử đi công tác tại Trường Sa đầu năm 2011. Với tôi, đó là một vinh dự, nhưng cũng là thách thức lớn. Hành trình đi - về trong suốt hải trình hơn 30 ngày thực sự là một thử thách lớn với một người viết trẻ như tôi. Song cuối cùng, tôi cũng hoàn thành chuyến công tác, kịp phản ánh các vấn đề thời sự chuyển về đăng báo. Hơn hết, chuyến đi Trường Sa giúp tôi yêu quý Tổ quốc mình hơn, cảm phục những người con hiên ngang ngày đêm đối mặt với mọi thách thức, hiểm nguy để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Và chuyến đi cho tôi suy nghĩ phải sống trách nhiệm hơn…

Nhưng tôi buồn vì mình vẫn còn quá “non”, chưa có những tác phẩm đáng giá. Tôi lo lắng vì mình vẫn còn sai sót, nhiều khi những sai sót đó là căn bản nhất, và tôi biết, chuyện chữ chuyện nghĩa thì không thể đùa, nhất là khi được đưa lên mặt báo mỗi ngày. Tôi tự hứa với mình phải cần học, cần rèn và cần sống gần hơn với hơi thở cuộc sống người dân, xã hội…


AN BANG

thơ hay như gái chưa chồng



Áo lụa Hà Đông


Nắng Sài gòn anh đi mà chợt mát
bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng

anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn
mà mua thu dài lắm ở chung quanh
linh hồn anh vội vã vẽ chân dung
bay vội vã vào trong hồn mở cửa

gặp một bữa, anh đã mừng một bữa
gặp hai hôm thành nhị hỉ của tâm hồn
thơ học trò anh chất lại thành non
và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu

em không nói đã nghe từng gia điệu
em chưa nhìn mà đã rộng trời xanh
anh trông lên bằng đôi mắt chung tình
với tay trắng, em vào thơ diễm tuyệt

em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết
trời chợt mưa, chợt nắng, chẳng vì đâu
nhưng sao đi mà không bảo gì nhau
để anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại

để anh giận, mắt anh nhìn vụng dại
giận thơ anh đã nói chẳng nên lời
em đi rồi, sám hối chạy trên môi
những tháng ngày trên vai buồn bỗng nặng

em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn
giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng


(Chân Gia Hội. Huế, đêm 21.6.2011. Thăng hoa tột bực nghe nàng ngâm bài thơ này. Hình như nàng 50 tuổi và đã có 3 con...)

Đồi Cù một góc (truyện ngắn ĐÀO ĐỨC TUẤN)

Đồi Cù một góc (truyện ngắn ĐÀO ĐỨC TUẤN) (ảnh: Nguyễn Hàng Tình)             Thằng Thừa biết để ý con gái từ lúc học lớp 5. Mà phải c...