Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2011

Thơ giống nhau?

ĐẶNG KIM CÔN


Chén Rượu Cho Tuy Hòa

Tưới thêm cốc nữa lên chân tháp
Mời những trăm năm mấy cuộc cờ
Chếnh choáng dòng sông lung linh dáng núi
Kim cổ ngậm ngùi đêm tiễn đưa.

Kim cổ ta người chung thế cuộc
Lưng ngựa buông gươm quỵ giữa đời
Núi Nhạn không còn nghe nhạn hót
Ðà Rằng một bóng cầu chơi vơi.

Uống nữa đi người xe pháo mã
Những mấy trăm năm mấy cuộc say
Ðá Bia phủ mây, Chóp Chài đội mũ
Ðể vài giọt mưa trên mắt ai cay.

Ðể ai kịp về giữa đêm tiễn biệt
Ðể đêm dài hơn hai mốt nhịp cầu
Nghe những vầng trăng hẹn tròn hẹn khuyết
Giữa những cuộc đời nay bể mai dâu.

Ðể tháp sáng hơn vầng trăng mười sáu
Soi ai ngồi như Chú Cuội say
Nhìn sông Ba chỗ bồi chỗ lở
Chén hợp ly lúc cạn lúc đầy.

Giọt lệ, giọt mưa, giọt trăng, giọt rượu
Cạn chén binh đao chưa thấy thanh bình
Chiêm nữ thôi không lên đồi hái nguyệt
Lạc tiếng ru Hời bên tháp rêu xanh.

Mời núi, mời sông, mời trăng, mời phố
Ðừng để rượu đầy trong đêm vơi
Nâng cốc cho vầng trăng sóng sánh
Cho bầu lăn vô định bốn phương trời.

Ta bỏ Tuy Hòa đi mấy thủa
Bạn bè mấy thủa nghiêng bầu say
Có giọt rượu nào vương trên mắt tháp
Ðể buồn không vẫy nổi bàn tay.

Tưởng chân nam bước về chân bắc
Nghe cả trời sao nổ dưới chân mình
Ta sẽ dìu trăng, mang hoa xuống phố
Tặng những con đường chưa thấy bình minh.

Bầu cạn bầu lăn, đời ta cũng cạn
Nghe đá rêu phong dưới gót chân mình
Nghe những đêm đen chập chùng vây bủa
Một con tim đứng lặng đầu non.

Sẽ không còn hạ giông, đông bấc
Ðộng dài tháng giêng, động tố tháng hai
Những đợt nam non, những cơn nồm rộ
Vần vũ trên đầu hôm nay ngày mai.

Thôi đâu tiếng biển nồng hương lúa
Như thì thầm kể chuyện biển dâu
Dỗ những cuộc đời lau nước mắt
Bên bờ xa nghe sóng bạc đầu.

Ðể lại Chóp Chài ngoan giấc ngủ
Nói buồn, chưa đủ Ðà Rằng ơi
Không đưa được Tuy Hòa theo với
Từng bước ta như hụt hẫng đời.

Ta chợt giật mình như tỉnh mộng
Dập dềnh mấy cụm lục bình trôi
Ngày mai ta ở đâu trời lạ
Hun hút chân mây một mảnh đời.

Ta bỏ nguồn đi mặc đời trôi giạt
Tiếng thở dài đâu bỗng lạnh Tuy Hòa
Em đừng hỏi sẽ lở bồi ghềnh thác
Giòng sông còn bận bịu với phong ba.

Thôi cứ ngủ yên biển trời sông núi
Ðể một đồi say, một tháp mơ màng
Một trăng lửng thửng xa thành phố
Một dòng sông cạn nước, lang thang.

Bước thấp bước cao, dốc cao dốc thấp
Ðôi chân say khe khẻ xuống trần
Giữa phố xá Tuy Hòa mộng mị
Có dòng sông qua cầu bâng khuâng.

Có chân tháp mỏi mòn trông đỉnh tháp
Tháp nhớ người đi, ta nhớ Tuy Hòa
Cho ta gượng một bàn tay vẫy
Chào Tuy Hòa và tiễn đưa ta.

LÊ ANH

Uống rượu dưới chân Tháp Nhạn


Đêm nghiêng chén rượu bên chân tháp

Say với trăm năm một cuộc chơi

Há để tìm đâu người tri kỷ

cho ta rót rượu tiễn đưa người


Ta tất bật ngược xuôi tất cả

Vẫn nhớ thương quê mẹ Tuy Hòa

Đêm cuống quít say mèm với bạn

Đêm đam mê cuồng nhiệt Thi ca


Bạn ở đâu phương trời xa lắc

Bỏ ta ở lại một mình

Rót chén rượu rưới lên chên tháp

Rót thêm chén nữa ta mời ta.

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

"Rồng lộn"

Nhà thơ Hữu Thỉnh và các nữ sinh viên Nga học tiếng Việt tại

Đại học Khoa học xã hội nhân văn, tham dự Hội nghị Quảng bá

văn học Việt Nam ra nước ngoài, Hà Nội tháng 1.2010.

Xin đừng mê gái theo kiểu “Ông Tuyệt Vời”!

TÔ HOÀNG

...Năm 1981 hay năm 1982, tôi không nhớ chính xác, nhà thơ Hữu Thỉnh đi trong đoàn nhà văn Việt Nam sang Nga. Trong đoàn còn có hai thành viên quan trọng khác là hai nhà văn cao niên Vũ Tú Nam và Chính Hữu. Vào thời điểm đó Hữu Thỉnh là Tổng Biên tập báo Văn nghệ hay đã là Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn VN? Chịu, không nhớ nổi! Giống như các đoàn nhà văn Việt Nam qua đây, bạn bố trí cho đoàn của Hữu Thỉnh ở tại khách sạn Ucraina, nằm trên bờ sông đào Moskva. Lúc đó, mới bước vào hè được vài ngày, điều này thì tôi nhớ đinh ninh. Mùa hè Nga có thể ví như mùa xuân ấm áp, cây lá đâm chồi nẩy lộc, muôn vật giao phối để giữ lấy bày đàn, dòng giống như mùa xuân ở xứ mình. Sau cả một mùa đông giá buốt, phải khoác lên mình hàng chục ký lô len dạ, bước vào hè người xứ lạnh tung hê, cởi bỏ hết để hưởng thụ cái thơ thới, nhẹ nhàng; để gió mát và nắng nỏ thấm được vào tận làn da, thớ thịt. Mùa hè cũng là dịp duy nhất trong một năm các cô gái Nga được phô phang làn da mịn màng như trái lê, trái táo; những đường cong mềm mại, khêu gợi như đang chơi trò ú tim dưới làn vải mỏng trên cơ thể. Tranh thủ những lúc đoàn nhà văn Việt Nam không phải họp hành, gặp gỡ hoặc đi tham quan nơi này nơi khác, tôi liền phóng taxi tới đưa Thỉnh thung thăng dạo chơi dọc theo sông đào Moskva, lên đồi Lê nin, hoặc ghé vào những khu công viên gần khách sạn nơi Thỉnh ở. Đi bên Thỉnh, tôi tủm tỉm cười nhận ra nhà thơ lại cọ cọ múi thịt trên hai bàn tay vào nhau, miệng chúm lại xuýt xoa mấy tiếng quen thuộc: “Tuyệt vời! Tuyệt vời”. Xuýt xoa, tuyệt vời với cây cỏ, trời đất; xuýt xoa, tuyệt vời càng mau mắn hơn, nồng nàn hơn trước các kiều nữ Nga 16, 17 tuổi, đang còn học năm cuối phổ thông, đang ở tuổi bung nở hết vẻ đẹp vừa chín tới của mình. Không biết chuyến ấy có phải là lần đầu tiên Thỉnh sang trời Tây không? Bỗng thấy thương Thỉnh, một anh lính như mình. Bỏ hết tuổi thanh xuân tại những cánh rừng thừa mứa tiếng ùng òang, hơi thuốc bom, thuốc đạn mà thiếu hẳn tiếng cười, ánh mắt của những người con gái; đất nước vừa hòa bình, mang di chứng sốt rét rừng, bệnh gan, bệnh mật, nhưng “nóng máy” rồi, vội vã phải lấy vợ, vội vã phải sinh con mà nối dõi tông đường. Tiếp sau đó là chen chúc trên những chiếc giường mét hai, tối mắt tối mũi vì chậu tã lót của con, mớ tem gạo, tem đậu phụ vợ ấn vào tay mỗi sớm để khi chiều rời cơ quan, tự nguyện đứng vào những hàng rồng rắn, nồng nặc mồ hôi, san sẻ bớt gánh nặng gia đình. Thuở ấy, trong ngôn từ của người Việt - cả ở trong nước lẫn ở nước ngòai- chưa xuất hiện hai từ “đặc sản”. Trong một buổi chiều đi dạo với Thỉnh như thế, bỗng nẩy sinh câu hỏi: Mà sao không kéo ông bạn vàng về ký túc xá của mình cho hưởng thứ “đặc sản” tóc vàng, mắt xanh? Các em nữ sinh viên Trường đại học Điện ảnh Liên Xô nổi tiếng kiêu kỳ, đài các nhất Moskva, nhưng đấy chỉ là các “bà cụ” ở khoa diễn viên thôi. Các em này có tài thật nhưng đâu có đẹp? Những “bà cụ” ở khoa Kinh tế, khoa Lý luận phê bình mới thật sự sắc nước hương trời. Con cái các quan chức, quá đẹp nên học dốt, tìm tới hai ngành kinh tế và lý luận mà thi, vừa dễ, vừa vẫn mang danh thơm là dân trường điện ảnh. Sau hai năm học, tôi có cả một tá “bà cụ” thân hữu ở hai khoa ấy. Một buổi tối quây quần, ăn uống, nhẩy nhót, phải duyên thì ngả đi văng ra, thả rèm xuống; không phải duyên thì làm vài vòng ôm eo, gửi vài cái thơm trên má, trên mái tóc và chia tay nhau, anh ả ra về. Không ép buộc, không cưỡng bức-cái quan hệ khác giới kiểu ấy người Tây vốn xem là lẽ thường tình. Nhưng sao tôi vẫn đinh ninh tin, nếu anh bạn xe tăng của tôi lao vào cuộc tất sẽ lướt tới, sẽ ào ạt xông lên và cắm cờ được!

Tôi nói ngay ý định ấy với Thỉnh. Đang đi, ông bạn nhà thơ đứng phắt lại, hai mắt tròn xoe, hai bàn tay đã đặt vào nhau, thảng thốt:

- Có thật thế không?

- Chả lẽ mình lừa ông à? Tính ngay lịch đi xem tối nào rảnh?

Thỉnh rối rít:

- Có đẹp không? Tóc vàng, da trắng, mắt biếc xanh chứ?

- Đương nhiên rồi! Ông còn nhớ bài thơ Con cá chột nưa của cụ Tố Hữu không? Lần này thì tớ sẽ giúp cậu biết thế nào là “lão nằm mơ nước Nga”!

Đến đây, hai cùi thịt trên bàn tay bắt đầu xoa vào nhau và tiếng “Tuyệt vời!” bật lên đến ba, bốn lần.

Im lặng 30 giây, Thỉnh hỏi tiếp:

- Có an tòan không? Công an Nga không để mắt tới chứ?

- Tay công an Nga phụ trách ký túc xá đã là “đệ tử lưu ly” của rượu “Lúa mới(2) rồi!

- Tuyệt vời!

- Có mất tiền không?

- Bạn hữu sinh viên tầng trên tầng dưới mà… Tiền nong gì?

- Tuyệt vời!

- Có sợ lây bệnh không?

- Đã bảo các “bà cụ” ấy đều là dân sinh viên. Mỗi năm khám sức khỏe tới hai lần. Sao có bệnh được!

- Tuyệt vời!

- Liệu Sứ quán có biết không?

- Bọn ấy còn máu “các bà cụ Nga” hơn cánh tớ!

- Tuyệt vời !

Để hấp dẫn, cuốn hút nhà thơ hơn, tôi phác vẽ cho Thỉnh hình dung ra khung cảnh linh thiêng, ấm áp đầy chất Á Đông sẽ xẩy ra trong buổi tối gặp gỡ các “bà cụ” Nga. Tôi sẽ đi chợ nông trường (chứ không phải đến các quầy hàng bán thực phẩm của nhà nước) để mua thịt tươi còn ròng máu, cá, tôm tươi còn vẫy đuôi trong bể, hành lá, su hào, cà rốt, bắp cải tươi... Tôi sẽ tự tay làm các món ăn Việt mà tôi biết rõ các “bà cụ” Nga rất khoái khẩu. Rượu thì có cả “Lúa mới”, rượu làng Vân, lẫn “Mao đài”. Sẽ trải thảm, kê chiếc bàn chân thấp giữa phòng. Trước nơi ngồi ăn sẽ lập một bàn thờ, hương nhang Việt tỏa khói nghi ngút. Trên tường treo một bức giấy điều viết một chữ nho bằng mực tàu. Nhạc dứt khóat phải là Kitaro. Các “bà cụ” Nga phải ăn bằng bát, đũa; lọai bỏ thìa, nĩa; phải ngồi sệp trên thảm, chân quặt ra phía sau...

- Ông biết viết chữ nho à?

- Thiếu gì nhãn mác có chữ tượng hình. Cứ phóng đại lên. Trong hương khói, trong tiếng nhạc Kitaro u ẩn, trầm buồn, tất cả đậm đặc chất phương Đông ngay!

- Tuyệt vời! Tuyệt vời! Thỉnh nắm lấy bàn tay tôi siết chặt- Đúng là dân học đạo diễn có khác. Hình ảnh, âm thanh, sắc màu… đâu ra đấy!

- Các “bà cụ” Nga ngồi sệp là phải cởi bỏ sạch jeal, bò. Phải biến thành “Rồng lộn” hết!

Gương mặt Thỉnh thóang vẻ ngơ ngác hiếm thấy:

- “Rồng lộn” là làm sao?

- Là vận áo kimono Khâm Thiên vào. Áo sa tanh thêu hai con rồng uốn lượn ở hai tà áo phía trước. Mặt hàng Việt Nam đang bán chạy ở bên này đấy! Áo sa tanh xanh thì thêu rồng vàng. Áo sa tanh trắng thì thêu rồng đỏ. Áo sa tanh đỏ thì thêu rồng trắng. Kimono, kimoniec, tiếng Anh, tiếng Pháp gọi cho mỏi mồm. Anh chị em xuất khẩu lao động Việt nam ở bên này nói thế và gọi vắn tắt là “ Rồng lộn”. Chắc ông chưa từng một lần mục kích các “bà cụ” Nga mặc “Rồng lộn” Việt Nam nhỉ? Tiên nga dáng thế cũng phải gọi “Rồng lộn” bằng cụ. Ông hãy chuẩn bị tinh thần, kẻo gặp mấy em là ngất xỉu liền!

- Sợ đếch gì đám “Rồng lộn” của ông! - Nhà thơ hăng hái hẳn lên.

Chúng tôi chia tay. Hôm ấy là chiều thứ 5. Chiều thứ 6, Thỉnh sẽ tháp tùng hai cụ Vũ Tú Nam, Chính Hữu tới thăm Aimatov hay Gamzatov tôi không tường. Tôi hẹn sẽ đón Thỉnh tới Ký túc xá trường Điện ảnh vào tối thứ bẩy.

22 giờ tối thứ sáu, đi với cụ Vũ Tú Nam, cụ Chính Hữu về Thỉnh còn gọi điện cho tôi than phiền mấy bộ đồ anh mang từ Việt Nam sang không có bộ nào xứng để ra mắt các “bà cụ” Nga. Anh bảo mang mấy bộ đồ của tôi tới để anh lựa. Chả là thời đó vóc dạc của anh và của tôi cũng từa tựa nhau. Tôi mang mấy bộ đồ đã ủi, bắt xe taxi đến chỗ anh liền.

Buổi sáng và buổi trưa thứ 7 tôi túi bụi, sấp ngửa với một núi công việc. Đi mời mấy “bà cụ” Nga, đi chợ nông trường, ướp thịt ướp cá, xào nấu. Tiếp tới là dọn dẹp và bày biện lại gian phòng như ý muốn. 6giờ 30 theo đúng hẹn các “bà cụ” Nga đã tới, ríu rít tung tăng tranh nhau mấy bộ đồ “Rồng lộn”. Tôi gọi điện cho Thỉnh.

- Chuẩn bị xong cả chưa?

- Xong hết rồi!

- Tuyệt vời!

- Ông bắt taxi xuống ngay đi!

- Các “bà cụ” Nga xuất hiện chưa?

- Đến hết cả rồi!

- Tuyệt vời!

- Xuống nhanh lên, đừng để bọn nó chờ.

Im lặng.

- Hóa ra là chuyện thật à? Thỉnh bất ngờ hỏi.

- Ông nghĩ tôi lừa ông sao?

- An tòan chứ? Không tai tiếng gì chứ?

Tôi như gắt lên trong máy:

- Thì cứ xuống đi. Trước là uống rượu, ăn uống với nhau. Sau là nhẩy múa... Làm đếch gì mà sợ tai tiếng mới không an tòan?

Tiếng xuýt gió:

- Tuyệt vời! Tuyệt vời!

Lại im lặng. Lần này lâu hơn, đến một phút, tiếng Thỉnh ngập ngừng ở đầu giây bên kia:

- Tối nay Hội Nhà văn Nga mời đến Nhà hát Lớn xem Hồ Thiên Nga..

Tôi vẫn giữ nguyên giọng cáu kỉnh:

- Thì ông để hai cụ Vũ Tú Nam, Chính Hữu đi. Ông cáo ốm nằm ở nhà, ra phố bắt taxi xuống đây. Sáng mai tôi đưa về sớm khi hai cụ ấy còn đang tít mít ngủ .

Tôi chờ tiếng xuýt gió và hai tiếng “Tuyệt vời” quen thuộc. Im lặng 30 giây nữa. Và sau đó, Thỉnh hạ thấp giọng, nhưng cương quyết:

- Không được rồi! Ông thông cảm cho tôi. Để hai ông ấy đi xem một mình không tiện tý nào!

Tôi đã mất nhiều thời gian, đã huy động cả một núi từ hội Nga để làm cho các “bà cụ” Nga háo hức, nóng lòng chờ đợi nhà thơ - lính cựu của tôi. Lúc này, tôi phải mất từng ấy thời gian và vốn từ hội Nga như thế nữa để làm sao cho các “bà cụ” Nga tin được rằng anh bạn tuyệt vời lãng tử, tuyệt vời ga-lăng, vào sống ra chết coi như cái phủi tay ấy (như tôi đã véo von với với chị em) lại có thể khước từ rượu ngon gái đẹp, nhạc Kitaro mà đi theo hai ông già tới nhà hát xem vũ kịch? Chưa hết, tôi còn phải tiếp rượu ngần ấy “bà cụ” và khi tất cả đã chếnh chóang say rồi còn bị ngần ấy “bà cụ” đầu độc giữa ngào ngạt mùi nước hoa, mùi son phấn trộn lộn mùi mồ hôi đàn bà Tây để chuyền tay nhau cái thằng tôi trong những điệu nhẩy giật giã. Toi công. Phờ phạc. Và nỗi bực tức anh bạn nhà thơ- lính cựu trong tôi dâng lên đến nghẹt thở. Cứ như mình lính láp nhăng nhố, lá số tử vi đã chỉ ra rằng con đường họan lộ hanh thông nhất cũng chỉ tới chức phó phòng hành chính, vì thế có món ngon, món tươi sống nào xài tắp lự, chả cần phải phòng ngừa, nghiêng ngó trước sau. Đằng này bị cung quan lộc nó ám đây mà!…

(theo nhavantphcm.com.vn)

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2011

thi loại

Trung Quốc công bố Bảng xếp hạng mười Nhà văn nổi tiếng nhất trong lịch sử

VanVn.Net - Báo mạng Trung Quốc www.xooob.com đã giới thiệu những kiểu phân loại văn học từ xưa đến nay ở Trung Quốc và công bố Bảng xếp hạng Mười nhà văn nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc…

Văn học cổ đại Trung Quốc phân thành Thi và Văn, văn lại phân thành Vận văn và Tản văn (văn vần và văn xuôi). Văn học hiện đại nói chung phân thành: Thi ca, Tản văn, Tiểu thuyết, Hý kịch, đồng thời gọi là bốn thể tài lớn của văn học. Thơ trữ tình và Tản văn (gọi chung là cổ văn) của Trung Quốc phát đạt từ rất sớm.

Dưới đây là Bảng xếp hạng Mười nhà văn (văn học gia) nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc:

1- Khuất Nguyên

2- Tư Mã Thiên

3- Đào Uyên Minh

4- Lý Bạch

5- Đỗ Phủ

6- Bạch Cư Dị

7- Hàn Dũ

8- Âu Dương Tu

9- Tô Thức

10- Tào Tuyết Cần

Dưới đây là phần tóm tắt thân thế và sự nghiệp của mười nhà văn trong bảng xếp hạng này.

1 - Khuất Nguyên

Khuất Nguyên (khoảng năm 340 TCN- khoảng năm 278 TCN), dân tộc Hán, người Đơn Dương, nước Sở thời kỳ Chiến Quốc, họ Khuất, tên Bình, tự Nguyên; Còn tự đặt tên là Chính Tắc, tự Linh Quân. Khuất Nguyên là đời con của Khuất Giả, con trai của Sở Võ Vương Hùng Thông. Khuất Nguyên nêu cao chủ trương liên minh với nước Tề chống lại nước Tần, đề xướng “mỹ chính” (cai trị đất nước bằng xây dựng tình cảm yêu cái đẹp).

Khuất Nguyên là một trong những nhà thơ lãng mạn chủ nghĩa vĩ đại nhất Trung Quốc, cũng là thi nhân lừng danh và nhà chính trị vĩ đại sớm nhất của Trung Quốc. Ông sáng lập thể loại văn học “Sở từ” (cũng chính là sáng lập thể loại văn học “Từ phú”), cũng khai sáng truyền thống “Thảo hương mỹ nhân” (bù nhìn bằng cỏ thơm).

“Ly Tao”, “Cửu Chương”, “Cửu Ca”, “Thiên Vấn” là những tác phẩm tiêu biểu chủ yếu nhất của Khuất Nguyên. “Ly Tao” là bộ thơ trữ tình dài nhất của Trung Quốc. Những tác phẩm của Khuất Nguyên mà hậu thế xem được, đều xuất hiện ở trong bộ sách “Sở Từ” do học giả Lưu Hướng, thời Tây Hán biên tập. Bộ sách này chủ yếu là tác phẩm của Khuất Nguyên, trong đó có một thiên “Ly Tao”, mười một thiên “Cửu Ca” (“Đông Hoàng Thái nhất”, “Vân Trung Quân”, “Tương Quân”, “Tương phu nhân”, “Đại Tư mệnh”, “Thiếu Tư mệnh”, “Đông Quân”, “Hà Bá”, “Sơn Quỷ”, “Quốc Táng”, “Lễ Hồn”), chín thiên “Cửu Chương” (Tịch dũng”, “Thiệp Giang”, “Ai Sính” Trừu tư”, Hoài sa”, “Tư mỹ nhân”, “Tịch vãng nhật”, “Triết tụng”, “Bi hồi phong”), một thiên “Thiên vấn”, v.v…

Hồi trẻ Khuất Nguyên được vua Sở Hoài Vương tín nhiệm, bổ nhiệm làm Tả đồ, Tam lư đại phu, thường xuyên cùng Sở Hoài Vương thương nghị quốc sự, tham gia xây dựng pháp luật, chủ trương pháp luật nghiêm minh, cử tuyển sử dụng hiền tài, cải cách chính trị, liên minh với nước Tề chống lại nước Tần. Đồng thời Khuất Nguyên chủ trì công tác ngoại giao, chủ trương nước Sở liên hiệp với nước Tề, cùng nhau ngăn chặn chống lại nước Tần.

Với sự nỗ lực của Khuất Nguyên, sức mạnh của nước Sở được tăng cường đáng kể. Nhưng do bản thân tính tình cương trực, cộng với sự dèm pha và phỉ báng của người khác, Khuất Nguyên dần dần bị Sở Hoài Vương xa lánh. Năm 305 trước Công nguyên, Khuất Nguyên phản đối Sở Hoài Vương ký liên minh Hoàng Sắc với nước Tần, song nước Sở vẫn triệt để ngả theo nước Tần. Khiến cho Khuất Nguyên bị Sở Hoài Vương trục xuất ra khỏi Sính Đô, lưu lạc ở Hán Bắc.

Trong thời gian Khuất Nguyên bị trục xuất khỏi Sính Đô, lưu đày, Khuất Nguyên cảm thấy trong lòng u uất, bắt đầu sáng tác văn học, trong tác phẩm tràn đầy nỗi lòng quyến luyến đất nước và phong cảnh nước Sở và nhiệt tình vì dân báo quốc.

Tác phẩm của ông văn tự hoa lệ, tưởng tượng đặc biệt kỳ lạ, tỉ dụ mới mẻ, nội hàm sâu sắc, trở thành một trong những khởi nguồn của văn học Trung Quốc.

Năm 278 trước Công nguyên, đại tướng Bạch Khởi nước Tần chỉ huy đại quân tiến đánh phía nam, công phá Sính Đô. Trong lòng tuyệt vọng và bi phẫn, Khuất Nguyên đã ôm tảng đá lớn nhảy xuống sông Mịch La mà chết.

Năm 1953, là năm kỷ niệm lần thứ 2230 năm qua đời của Khuất Nguyên, Hội đồng Hoà bình thế giới thông qua quyết nghị xác định Khuất Nguyên là một trong bốn danh nhân văn hoá thế giới được kỷ niệm vào năm ấy.

2 - Tư Mã Thiên

Tư Mã Thiên sinh vào khoảng năm 145 TCN, qua đời năm 90 TCN, hưởng thọ 56 tuổi. Tư Mã Thiên, tự Tử Trường, là nhà sử học, nhà văn học, nhà tư tưởng vĩ đại thời Đông Hán.

Tác phẩm “Sử Ký” do ông biên soạn là bộ thông sử thể ký sự đầu tiên của Trung Quốc, được Lỗ Tấn ca ngợi là khúc ca tuyệt với của sử gia, là “Ly Tao” không vần.”

Tư Mã Thiên là người Long Môn, Hạ Dương, thời Tây Hán. Hạ Dương (phía nam Hàn Thành, tỉnh Thiểm Tây ngày nay), là tên huyện, gần sát Long Môn. Cho nên Tư Mã Thiên tự xưng là “Thiên sinh Long Môn” (Lời nói đầu tự truyện Thái Sử công). Long Môn, núi Long Môn, rất có danh khí. Truyền thuyết kể rằng: Đại Vũ đã từng khai sơn trị thuỷ tại Long Môn. Phía nam núi Long Môn là sông Hoàng Hà. Gia đình của Tư Mã Thiên ở đúng giữa Hoàng Hà và Long Môn. Danh thắng cổ tích ở địa phương này rất nhiều. Hồi nhỏ được thưởng lãm thăm thú mọi núi sông danh lam thắng cảnh, đồng thời Tư Mã Thiên cũng có cơ hội nghe được rất nhiều truyền thuyết và truyện lịch sử.

Năm sinh năm mất của Tư Mã Thiên chưa được ghi chép rõ ràng trong chính sử.

Trong tác phẩm “Thái sử công hành niên khảo”, học giả Vương Quốc Duy cho rằng Tư Mã Thiên sinh vào năm Trung Nguyên thứ năm, thời Hán Cảnh Đế (năm 145 TCN), qua đời vào khoảng năm Sử Nguyên thời Hán Chiêu Đế (năm 86 TCN), hưởng thọ 60 tuổi.

Nghe nói, đại gia đình Tư Mã Thiên từ thời Đường Ngu đến thời Chu, đều là các nhà lịch sử và nhà thiên văn nối dõi nhiều đời. Tư Mã Thoa là danh tướng phạt Thục thời Tần Huệ Vương. Tư Mã Xương là Thiết quan của Tần Thuỷ Hoàng. Đến phụ thân của Tư Mã Thiên là Tư Mã Đàm, lại làm Thái sử lệnh của Hán Võ Đế, đã khôi phục chức nghiệp sử quan tổ truyền lâu đời.

3 - Đào Uyên Minh

Đào Uyên Minh (khoảng 365-427), tự Nguyên Lượng, cuối đời đổi tên thành Tiềm. Có thuyết nói tên Tiềm, tự Uyên Minh. Tự gọi mình là Ngũ Liễu tiên sinh, sau khi từ trần bạn bè người thân gọi tên huý là Đoan Tiết, cho nên người đời còn gọi là Đoan Tiết tiên sinh. Ông là người Sài Tang, Tầm Dương (thành phố Cửu Giang ngày nay), là thi nhân, nhà từ phú, nhà tản văn, cuối thời Đông Tấn đầu thời Nam Triều.

Đào Uyên Minh xuất thân trong một gia đình quan lại sa sút. Cụ ông Đào Khản là công thần khai quốc thời Đông Tấn, quân công hiển hách, làm quan đến chức Đại Tư mã, Đô đốc quân sự 8 châu, Thứ sử hai châu Kinh, Giang, được phong là Trường Sa quận công. Ông nội là Đào Mậu, phụ thân Đào Dật đều từng làm Thái thú.

Thời ấu thơ, gia đình suy vi, lên 9 tuổi cha chết, sống với mẹ và em gái. Là cô nhi quả mẫu, ba người đa phần sống ở trong nhà ông ngoại là Mạnh Gia. Mạnh Gia là danh sĩ đương thời, “không kết bạn tuỳ tiện, không phô trương sa sỉ, ít khi tươi cười. Nấu rượu ngon, uống nhiều mà không say, khi đắc chí thìkhông coi ai ra gì” (mục hạ vô nhân). Đào Uyên Minh “biết xử thế, thích làm theo ông ngoại.” Sau này, cá tính, tu dưỡng của ông đều có nhiều điểm giống phong cách của ông ngoại.

Trong gia đình ông ngoại lưu trữ nhiều sách, tạo điều kiện cho Đào Uyên Minh đọc sách cổ và tìm hiểu lịch sử. Trong thời đại Lưỡng Tấn, học giả tôn sùng “Trang”, “Lão” coi thường “Lục Kinh”, song ông không giống các sĩ đại phu thông thường học “Lão Tử”, “Trang Tử”, mà còn học “Lục Kinh” của Nho gia và những loại “sách khác” như văn sử cùng các loại sách thần thoại.

Với ảnh hưởng của trào lưu tư tưởng thời đại và hoàn cảnh gia đình, khiến cho ông tiếp thụ hai loại tư tưởng khác của Nho gia và Đạo gia, bồi dưỡng nên hai hứng thú khác nhau là “thăm thú tứ hải” và “yêu thích núi đồi”.

4 - Lý Bạch

Lý Bạch (701-762), dân tộc Hán, tự Thái Bạch, hiệu Thanh Liên Cư Sĩ, được mệnh danh là “Thi tiên” sánh vai với Đỗ Phủ nên gọi chung là “Lý Đỗ”. Thân hình cao trên 7 thước (khoảng 1,83 mét). Sinh ra tại Đô hộ phủ Tây An, chết tại Diệp Thành, thuở nhỏ di cư đến huyện Xương Long, Cẩm Châu, Tứ Xuyên (thành phố Giang Du, tỉnh Tứ Xuyên ngày nay, thuyết này do Quách Mạt Nhược là đại biểu; Lại có thuyết cho rằng Lý Bạch sinh ra tại thành phố Giang Du, Tứ Xuyên).

Lý Bạch là nhà thơ lãng mạn chủ nghĩa vĩ đại thời nhà Đường. Phong cách thơ của ông hào phóng bay bổng, tưởng tượng phong phú, ngôn ngữ lưu chuyển tự nhiên, âm luật hài hoà đa biến. Ông khéo léo hấp thu chất liệu từ trong dân ca, thần thoại, cấu thành sắc thái lung linh sán lạn chỉ có ở ông, là đỉnh cao mới của thi ca lãng mạn chủ nghĩa tích cực có từ Khuất Nguyên.

Hàn Dũ đã viết: “Lý Đỗ văn chương tại, quang diệm vạn trượng trường” (Văn chương của Lý Bạch và Đỗ Phủ còn, thì ánh sáng chiếu xa vạn trượng- “Trọc Trương Tịch”).

Vua Đường Văn Tông đã ngự phong Thơ của Lý Bạch, Múa kiếm của Bùi Án, Thảo thư của Trương Húc là “Tam tuyệt”.

Kiếm thuật của Lý Bạch tại triều Đường có thể xếp thứ nhì (dưới Bùi Án), nhưng nếu như Lý Bạch bỏ văn theo võ, chuyên tâm nghiên cứu kiếm thuật, tin rằng sẽ không kém gì Bùi Án. Khi còn trẻ, Lý Bạch là một vị hiệp sĩ trên đường gặp sự bất bình, bèn rút đao tương trợ. (Điều này có liên quan đến tư tưởng hiệp sĩ, một trong ba tư tưởng lớn của ông), trong “Dã sử” có nhiều ghi chép về phương diện này.

5 - Đỗ Phủ

Đỗ Phủ (712-770), dân tộc Hán, tự Tử Mỹ, người huyện Củng, tỉnh Hà Nam (Củng Nghĩa, Trịnh Châu ngày nay), người đời gọi là Đỗ Công Bộ, Đỗ Thập Di, tự gọi mình là Thiếu Lăng Dã Lão (ông già quê mùa ở Thiếu Lăng), là thi nhân hiện thực chủ nghĩa vĩ đại thời nhà Đường ở Trung Quốc.

Đỗ Phủ là nhà thơ hết lòng vì nước vì dân, được người đời mệnh danh là Thi Thánh, được UNESCO vinh danh là Danh nhân văn hoá thế giới, sánh vai với Lý Bạch mệnh danh chung là “Đại Lý Đỗ”.

Quê cha đất tổ của Đỗ Phủ ở Tương Dương (thành phố Tương Phàn, tỉnh Hồ Bắc ngày nay), viễn tổ là cụ Đỗ Dự công danh hiển hách thời nhà Tấn, ông nội là Đỗ Thẩm Ngôn, thi nhân đầu triều Đường.

Đỗ Phủ đã từng đảm nhiệm Tả Thập Di, Kiểm hiệu Công Bộ viên ngoại lang, vì thế hậu thế gọi ông là Đỗ Thập Di, Đỗ Công Bộ. Đỗ Phủ sinh sống trong thời kỳ lịch sử từ thịnh chuyển sang suy của triều Đường, thơ của ông đa số viết về xã hội động loạn, chính trị hắc ám, nhân dân thống khổ, nên thơ của ông được mệnh danh là “Thi sử”.

Đỗ Phủ lo cho nước, lo cho dân, nhân cách cao thượng, thi nghệ thậm tinh, được hậu thế mệnh danh là “Thi Thánh”. Suốt đời, Đỗ Phủ viết được trên 1.400 bài thơ, trong đó rất nhiều tác phẩm nổi tiếng truyền tụng thiên cổ, ví dụ “Tam lại” và “Tam biệt”, đồng thời có “Đỗ Công Bộ tập” lưu truyền nhiều đời; Trong đó “Tam lại” là “Thạch Hào lại”, “Tân An lại” và “Đồng Quan lại”; “Tam biệt” là “Tân hôn biệt”, “Vô gia biệt” và “Thuỳ Lão biệt”.

Thơ của Đỗ Phủ có ảnh hưởng sâu sắc lâu dài với hậu thế.

6 - Bạch Cư Dị

Bạch cư Dị (772-846), dân tộc Hán, tự Lạc Thiên, hiệu Hương Sơn Cư Sĩ, người Hạ Khuê (đông bắc Vị Nam, tỉnh Thiểm Tây ngày nay), là thi nhân và văn học gia lừng danh và có ảnh hưởng sâu sắc lâu dài trong lịch sử văn học Trung Quốc, được mệnh danh là “Thi Ma” và “Thi Vương”.

Thơ của ông có ảnh hưởng sâu rôngj ở các nước Trung Quốc, Nhật Bbản và Triều Tiên, v.v…, là lãnh tụ của “Phong trào Lạc Phủ mới”.

Quê cha đất tổ của Bạch Cư Dị ở Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, cụ nội di cư đến Hạ Khuê (bắc Vị Nam, tỉnh Thiểm Tây ngày nay), ông nội Bạch Hoàng lại di cư đến Tân Trịnh, tỉnh Hà Nam.

Bạch Cư Di sinh ngày 20 tháng giêng năm Đại Lịch thứ 7, triều Đường đại Tông (28-2-772 dương lịch), tại thôn Đông Quách Vu, phía tây thành Tân Trịnh (chùa Đông Quách ngày nay). Cuối đời Bạch Cư Dị cư trú lâu dài tại Hương Sơn, Lạc Dương, có tên hiệu là “Hương Sơn Cư Sĩ”.

Tháng 8 năm Hội Xương thứ 6, thời Vũ Tông (năm 846) Bạch Cư Dị từ trần tại Lạc Dương, an táng tại Hương Sơn, thành phố Lạc Dương, hưởng thọ 75 tuổi.

Sau khi ông qua đời, Vua Đường Tuyên Tông Lý Thẩm đã ngự bút trực tiếpviết thơ tưởng niệm nhà thơ Bạch Cư Dị.

Tác phẩm để lại có “Bạch thị Trường Khánh tập” 71 quyển.

7 - Hàn Dũ

Hàn Dũ (768-824), nhà văn học, nhà triết học thời nhà Đường, tự Thoái Chi, người Hà Dương (thành phố Mạnh Châu, Tiêu Tác, tỉnh Hà Nam ngày nay, dân tộc Hán. Quê cha đất tổ ở Xương Lê, tỉnh Hà Bắc, người Đời gọi là Hàn Xương Lê. Cuối đời làm Lại bộ thị lang, nên còn gọi là Hàn Lại Bộ. Tên thuỵ là “Văn”, nên còn gọi là Hàn Văn Công.

Hàn Dũ là người đề xướng Phong trào Cổ văn thời nhà Đường, chủ trương học tập ngôn ngữ tản văn của Tiên Tần và Lưỡng Hán, phá biền ngẫu thành tản văn, khuyếch đại chức năng biểu đạt của thể loại văn ngôn. Người triều Minh tiến cử ông là Người đứng đầu “Đường Tống bát đại gia”, sánh vai với Liễu Tôn Nguyên gọi chung là “Hàn Liễu”, có các tên khác là “Văn Chương Cự Công” và “Bách Đại văn tôn”.

Tác phẩm của ông đều được tập hợp trong “Xương Lê tiên sinh tập”.

Hàn Dũ còn là một người thợ cự phách về ngôn ngữ. Ông khéo léo sử dụng từ ngữ của tiền nhân, lại chú trọng tinh luyện khẩu ngữ đương đại, để sáng tạo ra rất nhiều ngữ cú mới, trong đó có không ít câu đã trở thành thành ngữ lưu truyền đến nay, như “Lạc tỉnh hạ thạch” (Người đã ngã xuống giếng còn bị ném đá theo), “Tạp loạn vô chương” (văn chương lộn xộn), v.v… Về tư tưởng ông là người xác lập quan niệm “đạo chính” Trung Quốc, là nhân vật cột mốc tôn Nho phản Phật.

Ba tuổi, Hàn Dũ đã mồ côi cha mẹ, được anh và chị dâu dưỡng dục, ngay từ nhỏ đã phải sống lang thang khốn khổ, có chí học hành kinh bang tế thế, tuy mồ côi nghèo khó, nhưng hiếu học. Năm 20 tuổi lên Trường An thi Tiến sĩ, ba lần thi đều không đậu. Sau năm 25 tuổi, ông thi đỗ Tiến sĩ, sau thi Bác học không đỗ, nên đến nhậm chức ở hai Phủ Tiết độ sứ của Đổng Tấn (Biện Châu) và Trương Kiến Phong (Từ Châu).

Sau trở về kinh thành nhiệm chức Bác sĩ tứ môn. Sau năm 36 tuổi, ông làm Giám sát ngự sử, bởi vì dâng tấu chương bàn luận về trời hạn người đói, kiến nghị miễn giảm phu thuế, bị biếm chức xuống làm Dương Sơn lệnh.

Khi Vua Hiến Tông trở về miền bắc, vì là Bác sĩ quốc tử, làm quan đến chức Hữu Thứ Tử Thái Tử, những bất đắc chí. Sau khi 50 tuổi, trước tiên từ Bùi Độ trưng Ngô Nguyên Tế, sau di chuyển làm Thị lang Hình bộ. Vì can gián đón Phật cốt, bị biếm chức đi làm Triều Châu thứ sử. Sau khi bị điều đi Viên Châu. Không lâu sau trở về triều đình, từng đảm nhiệm các chức Quốc tử giám Tế tửu, Binh bộ Thị lang, Kinh Diêu doãn. Về chính trị tương đối thành đạt. Thi ca đòi hỏi cầu kỳ mới lạ, khí thế hùng hồn.

8 - Âu Dương Tu

Âu Dương Tu (1007-1072), tự Vĩnh Thúc, dân tộc Hán, tự đặt tên hiệu là Tuý Ông, cuối đời có tên hiệu là Lục Nhất Cư Sĩ, tên huý là Văn Trung, người đời tôn xưng là Âu Dương Văn Trung Công. Ông là người Vĩnh Phong Cát An (Giang Tây ngày nay). Nhưng ông tự nhận là người Lư Lăng, vì Cát Châu vốn thuộc quận Lư Lăng, sinh ra tại Cẩm Châu (Cẩm Dương, tỉnh Tứ Xuyên ngày nay). Âu Dương Tu là nhà chính trị, nhà văn học, nhà sử học và thi nhân thời kỳ Bắc Tống.

Cùng với Hàn Dũ, Liễu Tôn Nguyên (đời Đường), Vương An Thạch, Tô Tuần, Tô Thức, Tô Triệt, Tăng Củng (đời Tống) gọi chung là “Đường Tống bát đại gia” (tám nhà nổi tiếng thời Đường Tống).

Thời vua Nhân Tông, làm các chức Tri Chế tạo, Hàn Lâm học sĩ; Thời vua Anh Tông làm quan đến chức Khu mật phó sứ, Tham tri chính sự; Thời kỳ vua Thần Tông, làm Binh bộ Thượng thư, Chí sĩ Thái Tử Thiếu soái. Sau khi qua đời, tên huý là Văn Trung.

Ông đều có chủ trương cách tân về các phương diện chính trị và văn học, vừa là người ủng hộ Phạm Trọng Yêm tiến hành tân chính Khánh Lịch, cũng là người lãnh đạo phong trào cách tân thơ văn Bắc Tống. Ông hăng hái giúp đỡ những người đi sau, cha con Tô Thức và Tăng Củng, Vương An Thạch đều trưởng thành dưới trướng của ông.

Thành tích sáng tác cũng hiển hách khả quan, thơ, từ, tản văn đều đứng đầu một thời. Tản văn thuyết lý thoáng đạt, trữ tình uyển chuyển; Thi phong và tản văn gần gũi, trọng khí thế mà có thể lưu thoát tự nhiên; Từ của ông sâu sắc thanh thoát diễm lệ, kế thừa phong vị của Nam Đường.

Ông đã cùng Tống Kỳ hợp tác biên soạn “Tân Đường Thư”, một mình biên soạn “Tân Ngũ Đại sử”. Ông mê sưu tập văn tự kim thạch, biên soạn thành “Tập cổ lục”. Những trước tác có “Âu Dương Văn Trung Công văn tập”. Thơ “Đạp Sa hành”. Đồng thời trước tác “Tuý Ông đình ký” nổi tiếng.

Sau khi qua đời, Âu Dương Tu được an táng tại Tân Trịnh, Khai Phong (Tân Trịnh, tỉnh Hà Nam ngày nay). Thôn Âu Dương Tự, trấn Tân Điếm, thành phố Tân Trịnh hiện có Lăng mộ Âu Dương Tu, là đơn vị bảo hộ văn vật cấp quốc gia. Ngoài ra, ngoại ô phía nam Miên Dương hiện nay cũng có từ đường thờ ông, gọi là Lục Nhất đường.

9 – Tô Thức

Tô Thức (1037-1101) tự Tử Đam, còn có tên tự là Hoà Trọng, hiệu “Đông Pha Cư Sĩ”, hưởng thọ 66 tuổi.

Năm Càn Thông thứ 6, triều Nam Tống, ông đã được vau Cao Tông phong tặng danh hiệu Thái Sư. Tô Thức là người Mi Châu (Mi Sơn, tỉnh Tứ Xuyên ngày nay), dân tộc Hán, con trai cả của cụ Tô Tuần, nhà văn học, nhà thư hoạ, nhà tản văn, thi nhân, từ nhân nổi tiếng đời Bắc Tống, ông là đại biểu của những từ nhân trường phái hào phóng.

Năm Gia Hựu thứ 2 (1057), và em trai Tô Triệt cùng đỗ Tiến sĩ. Được thụ phong là Đại Lý Bình Sự, Phán quan của Phủ Giám thư Phượng Tường.

Năm Hy Ninh thứ 2 (1069) sau khi mãn tang cha, ông trở lại triều đình, làm Phán quan Cáo viện. Do chính kiến không hợp với Vương An Thạch, phản đối thực hành tân pháp, tự xin ra ngoài nhậm chức, ra làm Thông phán Hàng Châu. Sau đó còn di chuyển làm Tri châu của Mật Châu (Chư Thành, tỉnh Sơn Đông ngày nay) và Từ Châu.

Năm Nguyên Phong thứ 2 (1079), vì liên quan đến “Vụ án thơ U Đài”, ông bị trách phạt, điều đi làm Đoàn luyện phó sứ của Hoàng Châu (Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc ngày nay), an tríở châu này, nên không được ký tên vào công văn.

Khi lập vua Triết Tông, Cao Thái Hậu nhiếp chính, Tô Thức được phục chức Tri châu của Đăng Châu; Bốn năm sau được điều đi làm Lang trung Bộ Lễ, nhậm chức chưa được mười ngày, phải đi làm Xá nhân lo việc ăn ngủ, trung thư, sau điều sang làm Hàn Lâm học sĩ Tri Chế tạo, Cống cử Bộ Lễ.

Năm Nguyện Hựu thứ 4 (1089), ông ra làm Tri châu Hàng Châu, sau điều đi làm Tri châu của Dĩnh Châu, Dương Châu, Định Châu.

Nguyên Hựu thứ 8 (1093), vua Triết Tông trực tiếp điều hành chính sự, Tô Thức bị biếm chức điều đi xa tận Huệ Châu (Huệ Dương, tỉnh Quảng Đông ngày nay), sau lại bị biếm chức lưu đầy tại Chiêm Châu (Huyện Chiêm, tỉnh Hải Nam ngày nay).

Khi vua Huy Tông tại vị, ông được đặc xá, trở về miền bắc, đến năm Đoan Quốc thứ nhất (1101), Tô Thức qua đời tại Thường Châu (Giang Tô ngày nay), hưởng thọ 66 tuổi, an táng tại huyện Hiệp Thành, Nhữ Châu (Huyện Hiệp, tỉnh Hà Nam ngày nay).

Ông cùng cha Tô Tuần (1009-1066), em trai Tô Triệt (1039-1112) đều nổi tiếng về văn học, người đời mệnh danh là “Tam Tô”; lừng danh sánh vai với “Tam Tào phụ tử” (Tào Tháo, Tào Phi, Tào Thực) cuối vương triều Hán.

Là một từ nhân kiệt xuất, ông đã mở đầu phong cách từ hào phóng, sánh vai cùng từ nhân kiệt xuất Tân Khí Tật và được gọi chung là “Tô Tân”.

Tam Tô” là ba vị trong “Đường Tống bát đại gia” (Đường Tống bát đại gia là hợp xưng của 8 nhà văn viết tản văn nổi tiếng tiêu biểu thời kỳ Đường Tống, tức là Hàn Dũ, Liễu Tôn Nguyên (đời Đường), Âu Dương Tu, Tô Tuần, Tô Thức, Tô Triệt, Vương An Thạch, Tăng Củng (đời Tống).

Tác phẩm của Tô Thức có “Đông Pha thất tập”, “Đông Pha lạc phủ”, v.v…

Về chính trị, ông thuộc Cựu đảng do Tư Mã Quang làm lãnh tụ.

10 – Tào Tuyết Cần

Tào Tuyết Cần (1714- 1764).

Năm Càn Long thứ 28 (1763), con nhỏ của Tào Tuyết Cần chết sớm, ông chìm đắm trong buồn thương và bi thống quá độ, ốm nặng liệt giường. Đến đêm giao thừa năm ấy (12-2-1764), cuối cùng vì nghèo khó ốm nặng không có tiền chữa bệnh, Tào Tuyết Cần đã qua đời, hưởng niên 50 tuổi.

Tào Tuyết Cần “người béo, đầu rộng, da đen”. Ông tính cách kiêu ngạo, phẫn uất bất bình trước thế tục, hào phóng tự nhiên. Nghiện rượu, tài ba ngang dọc, khéo nói giỏi ăn.

Tào Tuyết Cần là một vị thi nhân. Thơ của ông lập ý tân kỳ, phong cách gần như Lý Hạ, thi nhân thời Đường. Quách Thành, bạn ông đã từng hết lời ca ngợi: “Ái quân thi bút hữu kỳ khí”(Yêu anh thi bút diệu kỳ). Tào Tuyết Cần còn là một hoạ gia, thích vẽ cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, như những hòn đá lạ chọc thẳng lên trời xanh.

Nhưng, cống hiến lớn nhất của Tào Tuyết Cần còn ở lĩnh vực sáng tác tiểu thuyết.

Tiểu thuyết “Hồng Lâu Mộng” của ông nội dung phong phú, tư tưởng sâu sắc, nghệ thuật tinh thâm, đẩy sáng tác tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc lên đỉnh cao nhất, chiếm địa vị vô cùng trọng yếu trong lịch sử phát triển văn học thế giới.

“Hồng Lâu Mộng” là sản phẩm đã kết tinh tâm huyết của ông “phê duyệt mười năm, thêm bớt năm lần, từng chữ từng chữ đều là máu, mười năm gian khổ chẳng tầm thường”.

80 hồi sau của bản “Hồng Lâu Mộng” hiện nay đang lưu truyền, ông đã viết xong, nhưng do rất nhiều nguyên nhân, mà chưa lưu truyền lại.

Có giả thuyết cho rằng Cao Ngạc (có thể chỉ là người hiệu đính) viết tiếp.

VŨ PHONG TẠO giới thiệu và dịch

(Theo www.xooob.com)

Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

chè... è

Công dụng của bã trà

Email In PDF.

Nước trà đã nhạt bạn không nên đổ bã đi vì có thể tận dụng nó vào nhiều công việc có ích như làm đệm gối đầu, giúp hoa tuơi lâu. Sau đây là một số công dụng của nó.

1- Bã chè phơi khô làm đệm gối đầu, nằm lên mềm mại, thơm tho, có tác dụng khử hỏa rất tốt.

2- Bã chè phơi khô đốt lên có thể xua đuổi côn trùng, khử được mùi hôi ở nhà vệ sinh.

3- Lấy nước chè bỏ đi, thấm ướt vải, lau vào kính, các đồ thủy tinh, cửa sổ, dụng cụ gia đình, giày dép có tác dụng tẩy bẩn rất hiệu quả.

4- Xoong nồi có mùi tanh, bạn nên bỏ một ít bã chè vào đó rồi đổ nước đun trong 10 phút sẽ khử được mùi.

5- Sau khi ăn hành, tỏi, nhai một ít bã chè có thể khử được mùi khó chịu đó.

6- Bã chè để qua đêm đem tưới hoa vừa giữ được độ ẩm của đất trong chậu hoa, vừa làm phân bón cho hoa.

(monngonsaigon.com)

người đẹp pv

Trần Kim Trắc chín nẫu về đời về văn

NHÀ VĂN TRẦN KIM TRẮC:

từ Cái lu đến cái nhìn chín nẫu về đời về văn

NGUYỄN THU TRÂN

Nhà văn Trần Kim Trắc ở tuổi tám mươi nhưng không ai dám bảo… già. Trước hết là sắc diện nhà văn vẫn hồng hào, minh mẫn và nói chuyện có duyên, bất ngờ như truyện ngắn của ông vậy!

* Thế thì thưa nhà văn, cơ duyên nào khiến nhà văn “trẻ” hoài như thế?

- Không mất thời gian ra công viên tập dưỡng sinh mỗi sáng mỗi chiều như những người già khác; tui khoẻ và viết điều đặn đến bây giờ có lẽ nhờ chịu đọc, chịu động não để viết mỗi ngày vài trang giấy làm vốn văn cho tuổi già!

* Còn cái vốn văn cho tuổi trẻ của nhà văn Trần Kim Trắc?

- “Văn trẻ” của tôi không nhiều như cái thời tứ tuần sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Cách đây hơn nửa thế kỷ, tôi là anh bộ đội đánh Pháp tuổi hai mươi ở tiểu đoàn 307. Nhờ có học chút ích văn vẻ, tôi được giao nhiệm vụ trưởng ban tuyên truyền của tiểu đoàn. Thời đó cuộc sống hào hùng, sinh động nên viết cái gì cũng sướng. Chữ nghĩa ở đâu cứ tuôn ra ào ào, mình chỉ việc sắp xếp lại cho có lớp lang, trật tự thôi. Nhưng lúc đó chủ yếu là viết báo, viết tin, viết động viên chiến sĩ mình chiến đấu. Đời nghĩ cũng gian nan, cả một giai đoạn dầu sôi lửa bỏng như thế mà chỉ viết được có một truyện ngắn, rồi sao này phát triển lên thành kịch…

* Đó có phải truyện ngắn Cái lu- tác phẩm đưa nhà văn đến Giải thưởng Văn nghệ Cửu Long, giải thưởng văn chương danh giá nhất lúc bây giờ?

- Đúng vậy! Đó là truyện ngắn để đời của tôi. Thứ nhất, Cái lu là tác phẩm đầu tay; thứ hai được giải thưởng lớn; thứ ba, truyện viết về tình cảm đẹp rờ rỡ như trăng lúc bấy giờ mà người ta gọi đấy là tình quân dân cá-nước, đi dân nhớ-ở dân thương.

* Dường như nhà văn viết truyện ngắn này từ nguyên mẫu có thật ngoài đời?

- Chắc ăn là như vậy! Tui nhớ anh bộ đội đó tên Danh, bà chủ nhà là bà Tư. Trên đường đi công chuyện, tui gặp anh Danh phát rẫy. Tui hỏi phát cỏ giúp nhà nào, ảnh nói phần làm giúp dân xong rồi, bây giờ làm thêm kiếm tiền mua cái lu đền cho bà Tư. Ảnh xách nước đổ vô lu cho bà Tư, gặp cái tỉn (bình tròn đúc bằng xi-măng) nặng quá, mà nước lại đầy, khi đổ nước vào lu, anh bất cẩn xáng một cái làm lu bể đôi. Khi kiếm đủ tiền, anh Danh có đưa cho bà Tư mua lu mới nhưng hai bên kèn cựa nhau vừa thấy thương, vừa thắm thiết tình quân dân. Bà Tư nói bộ đội cụ Hồ giúp dân nhiều, ai lại mắc đền bộ đội. Anh Danh nói bộ đội giúp dân nhưng không được làm hư hao cái gì của dân. Cuối cùng phải nhờ ông trưởng ấp nói dữ lắm anh Danh mới chịu lấy tiền lại. Tui thấy tình quân dân kiểu này quá đẹp nên viết truyện ngắn Cái lu. Truyện này ai đọc cũng khoái, sau đó mấy anh chuyển thành kịch, tui ừ cái rụp, thế là bà con mình có thêm một vở kịch hay. Từ Cái lu, tui được nhiều anh em viết lách biết tiếng, ngoài Giải thưởng Văn nghệ Cửu Long, tui còn được mời đi dự đại hội nhà văn năm 1957. Cũng nhờ Cái lu, sau ngày tập kết ra Bắc, tui được chuyển về tạp chí Văn nghệ Quân đội công tác, nhớ lúc bấy giờ tạp chí tập hợp nhiều anh em viết lách nổi tiếng như Chính Hữu, Thanh Tịnh, Nguyễn Ngọc Tấn, Nguyễn Khải, Vũ Tú Nam…

* Rồi sau đó gián đoạn một thời gian đến năm 1978, trở về Nam, nhà văn mới “tái xuất giang hồ” với tập truyện ngắn Ông Thiềm thừ?

- Tui viết lại nhờ đồng đội cũ ở tiểu đoàn 307 động viên. Không viết một thời gian dài vì tui lầm lỗi; tui mất việc, “đóng cửa” để tự sửa mình. Nhưng văn là nghiệp chứ không phải nghề, tui tưởng phải giã từ thiệt hết mọi cái nhưng khi chịu viết lại thì câu chữ ở đâu tuôn ra ào ào như hồi làm bộ đội chống Pháp. Nhớ ngày đầu tiên tôi bước ra cửa rừng, giã từ chốn sơn tràng, về sống lại đồng bằng… Ôi chao, cảm giác đầu tiên khi nhìn lại chiếc xe chở khách đi qua sau thời gian tách rời cuộc sống hiện đại, mình thấy nó lạ lẫm, rộn ràng như một đô thị tân kỳ di động… Lúc đó tui biết mình còn duyên nợ với văn chương, với cuộc đời. Thật ra, bây giờ nhìn lại, tui thấy quãng thời gian không viết đó không phí chút nào. Tui đi trồng rừng, nuôi ong, giao du với nhiều lớp người lao động… đây chính là giai đoạn tích luỹ vốn sống vô cùng quý báu. Sau đó về đồng bằng tui đọc, đọc nhiều vô kể; từ các đại văn hào Nga đến các đại danh hào Pháp, Mỹ, Anh… Có lẽ nhờ vậy mà tui viết lại như chưa từng nghỉ viết.

Hai nhà văn Trần Kim Trắc-Nguyễn Thu Trân trong cuộc phỏng vấn tại nhà riêng ông

* Truyện ngắn cũng như tạp bút của nhà văn Trần Kim Trắc được viết với một giọng văn không lẫn vào đâu được, vừa duyên dáng, vừa chân thật và bất ngờ. Nhiều độc giả ái mộ giọng văn Trần Kim Trắc cho rằng mỗi khi đọc xong một tác phẩm của nhà văn thường có cảm giác như được ăn một quả chín đương mùa thơm tho nhất, ngọt ngào nhất trong khu vườn trĩu trái…

- Cảm ơn độc giả đã nghĩ về tác phẩm của tui như thế. Mỗi khi tui ngồi vào bàn viết là viết thiệt chứ không viết chơi. Trước khi viết một truyện, tui đều phát hoạ chân dung nhân vật thật rõ ràng với tính cách thật điển hình. Có vậy người đọc mới phấn khích mà đọc tới, đọc tới coi cái ông nhà văn này vẽ người bằng chữ đến đâu. Những Chí Phèo, Thị Nở, Nghị Hách, chị Dậu… của Nam Cao, Ngô Tất Tố sống hoài với người đọc cũng nhờ được nhà văn chăm sóc kỹ càng về tính cách lẫn sắc diện. Gần đây có mấy cái tự truyện bán được cũng nhờ vậy, không có cái gì thật và sinh động bằng chuyện mình viết về mình.

* Truyện nhà văn viết rất có tình với Bánh bông lan, Đi ba về bốn, Trăng đẹp mình trăng, Chuyện chốn sơn tràng... Đặc biệt là những yếu tố dẫn dắt hài hước nhưng sâu sắc như truyện anh thông ngôn trong Đi ba về bốn. Trên đường dẫn giải tù binh, anh thông ngôn cho vợ tên tù binh Pháp (được giải theo chồng) uống sữa, “còn anh em mình uống nước lã suông”. Cuối cùng anh tự kiểm điểm trước đồng đội là mất lập trường vì “trong lúc đồng đội dầm mưa hành quân, tại sao lại cho vợ tù binh uống sữa”. Bởi vì vợ tên tù binh sắp “vượt cạn”. Kết truyện, vợ tên tù binh “vượt cạn” với kết quả mẹ tròn con vuông đã đẩy tính nhân bản lên cao. Thưa, nhà văn muốn gửi gắm gì cho người đọc qua hình ảnh này?

- Chẳng riêng gì truyện này mà tất cả các truyện của tui đều có chung một ý: dù gì thì gì, tâm lý nhân vật phải phát triển song hành. Cuộc sống mà, có xấu phải có tốt, có thiện thì có ác, có chánh phải có tà. Đừng nghĩ điều gì tuyệt đối quá mà cũng đừng thiên lệch quá, để cuộc sống tự quân bình thì ta sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Tâm hồn, văn hoá con người được chắt lọc từ cái tốt với nhiều khía cạnh. Một lời ru của mẹ, một chút tinh thần của cha, một tiếng chuông chiều trong khói sương bảng lảng, một tấm tình của người nhà quê với cây đa giếng nước đầu làng… tất cả đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn và tư chất của mỗi con người. Tui xây dựng nhân vật tác phẩm đôi khi cũng phải quên những gì “bất cập” của họ để hướng đến chất ngọt của cái quả mình cần hái. Như tui chẳng may mồ côi mẹ sớm, cũng láng máng cái điều khó chịu mẹ ghẻ con chồng, nhưng khi thấy cha mình cần có người để nâng khăn sửa túi, tui cũng đã mấy lần “cuổng trời” đội thư lội qua sông làm “giao liên” cho ổng với bà hai của ổng sau này...

* Chỉ thật sự viết ở “phần khúc đuôi cuộc đời” nhưng đến nay nhà văn đã có “bộn” sách?

- Trong gần ba mươi năm sau, tui viết được 15 đầu sách (tập truyện ngắn). Phần lớn truyện phảng phất người thật việc thật trong gần 80 năm cuộc đời. Bây giờ tui viết không nhiều nữa; chủ yếu viết tạp bút, chuyện cười lai rai… để làm thể dục não bộ!

* Nhà văn đọc nhiều nhưng có ngưỡng mộ tác giả nào?

- Tất nhiên là có, tui thích cụ Đồ Chiểu với tư tưởng nực cười hai chữ nhân tình éo le. Qua tư tưởng này, tôi thấy cụ rất Nam bộ và rất sâu sắc. Cuộcsống phải là như vậy, phải biết giữ mình; đứng ngoài, đứng trên mọi vòng cương toả để nhìn thấu hết sự đời, rút ra được điều gì chí lý mà gửi lại cho thế hệ sau.

* Riêng với thế hệ sau, nhà văn Trần Kim Trắc cần gửi gắm điều gì?

- Không viết thì thôi, mà đã viết thì phải viết cho đàng hoàng, vắt tim óc ra mà viết để hậu sinh đừng nhìn tác phẩm mình ngán ngẩm. Nhưng quan trọng hơn là tác phẩm của mình phải có hơi thở cuộc sống, tui viết mà tưởng tượng người đọc cùng cười cùng khóc với nhân vật của mình thấy mới “đã”!

* Xin cảm ơn nhà văn về buổi chuyện trò thú vị. Chúc nhà văn thượng thọ, viết hay, viết nhiều, càng viết càng có duyên!

Nguồn: Đương Thời

mỏi...

Tây có cân bằng khác Ta?

Michael Lavin là nhà trị liệu tâm lý đến từ đại học Truman, Chicago, Hoa Kỳ. Từ năm 2000, Michael liên tục đến Việt Nam hàng năm. Ông thường phối hợp với khoa Việt Nam học của đại học Khoa học xã hội và nhân văn tổ chức các hội thảo về “Tư duy tích cực”.

Trị liệu bằng “chánh niệm”

Nhiều người ở các nước đang phát triển cho rằng cuộc sống ở Mỹ và các nước phương Tây rất hoàn hảo vì vật chất đầy đủ. Ông có nghĩ vậy không?

Suy nghĩ đó là có thật. Nhưng không phải tất cả mọi người phương Tây đều hạnh phúc. Với nhiều người thì đó không phải là thiên đường, mà là cỗ máy làm việc – tiêu dùng không ngừng nghỉ. Nhiều người rất “nghiện vật chất”. Khi vẻ đẹp, sự thông minh, tiền bạc, tài sản và quyền lực được tôn sùng; khủng hoảng, tội ác và gia đình tan vỡ bị lôi vào vòng xoáy ngày càng dâng cao. Có những người đam mê theo đuổi vật chất, cuối cùng phá sản cả về tiền bạc lẫn tâm lý. Khủng hoảng xảy ra, nhà bị tịch thu, họ thì béo phì và không có tiền sinh sống.

Cuộc khủng hoảng đã thức tỉnh nhiều người từng ngụp lặn trong mơ ước về “thì tương lai”. Hoàn cảnh mới buộc họ phải chiêm nghiệm về sự tồn tại. Nhiều người nuôi dưỡng cuộc sống “giản đơn” hơn: ít, nghĩa là có nhiều hơn. Nhiều người bị buộc phải xem xét lại những ưu tiên trong cuộc sống. Họ nhận ra, tài sản chất ngất và tiền bạc đã làm họ trở nên xa lạ với những điều quan trọng nhất trong cuộc sống – con người: gia đình, bạn bè, giúp đỡ người khác.

Những hiện tượng này là khía cạnh tiêu cực của xã hội hiện đại?

Đúng vậy. Ở phương Tây mọi người có thể tìm đến những liệu pháp tâm thần, những nhà chuyên môn về sức khoẻ tinh thần để xoá lo lắng, trầm cảm hoặc rối loạn tính cách. Trớ trêu là con người đang trở nên “nghiện” những loại thiền được kê toa và không sống được nếu thiếu chúng. Vì vậy, người ta sử dụng thuốc tâm thần nhiều hơn, tìm đến các nhà trị liệu tâm lý và bác sĩ tâm thần nhiều hơn.

Ông trị liệu cho họ ra sao?

Tôi không đưa ra lời khuyên. Tốt hơn là giúp họ có được sự thấu hiểu sâu sắc rằng “họ không thật sự sống”. Tôi luôn hỏi “Bạn đang sống ở đâu?” Tôi không nói tới địa điểm mà nói đến quá khứ, hiện tại, tương lai. Đa số mọi người như những chiếc máy ham muốn, đầu óc toàn ám ảnh bởi vật chất. Họ không sống ở quá khứ cũng không ở hiện tại. Tôi sử dụng một cách điều trị là “chánh niệm” – sự nhận biết. Ôm ấp vỗ về vấn đề của bạn, thay vì đè nén nó. Mục tiêu là thay đổi những niềm tin vô lý và mang chánh niệm – sự nhận biết đến cuộc đời của họ.

Một điều làm tôi ngạc nhiên là ở Việt Nam, nhiều sinh viên, giảng viên và nhân viên các công ty... không biết thiền. Tôi cứ nghĩ người Việt Nam đa số sẽ thiền hàng ngày. Ở Ấn Độ cũng vậy, nhiều người cũng không biết thiền.

Hướng nội hay hướng ngoại?

Có phải chúng ta đang “hướng ngoại” nhiều quá, nên cần “hướng nội” nhiều hơn?

Câu hỏi thật sự là “Có cần cân bằng hơn không?” Với việc sử dụng công nghệ cao và lối sống nhanh, nhiều người không có thời gian cho người khác. Họ đang đánh mất khả năng cân bằng, điều cốt lõi của một cuộc sống hạnh phúc. Quá cực đoan theo kiểu chỉ hướng nội hoặc hướng ngoại đều không tốt. Câu hỏi chính là “người đó có khả năng thích ứng không?” Vừa “nội” vừa “ngoại” thì sẽ lạc quan hơn và có những kỹ năng sống tốt hơn.

Ông có thể chia sẻ thêm về những vấn đề tâm lý mà con người gặp phải ở nhiều nước khác nhau?

Mặc dù mọi vấn đề đều có thể giống nhau “xuyên văn hoá”, nhưng những nước khác nhau có thể có những vấn đề tâm lý khác nhau. Ở Malaysia, tôi có những sinh viên gặp bất đồng trong hôn nhân vì chồng có ba bà vợ. Không dễ để nêu đúng vấn đề vì giải quyết thế nào đi nữa cũng gặp lại vấn đề mà thôi. Ở Đài Loan và Trung Quốc tôi có vài sinh viên bị “ma ám”. Từ cách nhìn phương Tây thì ma ám không logic. Nhưng nếu nói với họ là chứng ma ám không có cơ sở sẽ chẳng thể nào giải quyết được sự rối loạn do lo sợ của họ.

Tại Việt Nam, giống như những quốc gia châu Á khác, nhiều người miễn cưỡng khi nói về vấn đề tâm lý của họ. Họ không muốn diễn đạt bằng lời nhưng vấn đề lại thể hiện ra ở cơ thể: đau đầu, đau lưng, huyết áp cao. Thú nhận bệnh thể chất dễ hơn thú nhận bệnh tâm lý, vì sợ mất mặt.

Tư duy tích cực mọi lúc mọi nơi

Tư duy tích cực có giúp cân bằng hơn? Có thể ứng dụng nó ở Việt Nam không ông, khi mà những vấn đề gặp phải không giống ở phương Tây?

Suy nghĩ tích cực tái tạo cân bằng và mang đến hạnh phúc cho cuộc sống. Trường phái Tâm lý tích cực dựa vào hạnh phúc, hy vọng, sự lạc quan và ủng hộ của xã hội đã giúp nhiều người nâng chất lượng cuộc sống. Nhưng, phải có hành vi tích cực nữa. Và biết chấp nhận rủi ro khi thay đổi.

Tư duy tích cực có thể ứng dụng ở mọi nơi. Vấn đề có thể rất khác nhau nhưng căng thẳng hay hạnh phúc là một công việc “bên trong”. Sự nhận thức tạo ra căng thẳng. Tiến sĩ David Hawkins cho rằng “mọi căng thẳng do thái độ bên trong của chúng ta tạo ra”. Thái độ chính là tập hợp của suy nghĩ. Tập trung vào những căng thẳng tiêu cực thì hạnh phúc và sức khoẻ của bạn sẽ giảm đi. Ngược lại thì sự trân trọng và hài lòng với cuộc sống sẽ gia tăng.

Cảm nhận của ông về Việt Nam sau chín lần đến đây?

Sau năm lần đến Việt Nam tôi nói với người phiên dịch “Tôi không thích Việt Nam đâu! Vì tôi yêu Việt Nam!” Tôi đã đến 49 nước trên thế giới và cho đến nay Việt Nam là số một trong mắt tôi, tim tôi. Tôi bị quyến rũ bởi văn hoá, đồ ăn, truyền thống, giá trị gia đình và sự nhân ái của người Việt Nam. Bên cạnh đó, không giống Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và những đất nước đã “đồng hoá”, Việt Nam còn giữ được vẻ hấp dẫn của sự hoà trộn cái mới và cái cũ.

Tuệ Giang thực hiện, ảnh Zhivago

(SGTT)

Thơ bay không cần phiên dịch

TỪ TRĂM NGUỒN SÔNG, THƠ ĐI BỐN BIỂN

*Với sự góp mặt: NGUYỄN GIÚP, ĐỖ THỊ KẾT, NGUYỄN ĐĂNG TRÌNH, NGÔ HÀ PHƯƠNG, ĐÀO ĐỨC TUẤN, LÊ LỘC, ĐỖ THÁI, LÊTHỊ ĐIỂM,
NGUYỄN LÃM THẮNG,TRẦN HUỆ HIỀN, MAI THANH VINH
MAI THANH VINH
(Điện Bàn, Quảng Nam)
LỠ
Mai Thanh Vinh
Lỡ gánh chiều vào sông
nên cuốn quýt phương trời
lỡ thả một tiếng rơi
khấy dòng sông yên ả
một lần lỡ qua cầu
nên đánh rơi chiếc bóng
lỡ gánh đầy tiếng vọng
từ vách núi xa xăm
ngày lỡ nên trăm năm
lặng thầm câu muối mặn
mặt đất không bằng phẳng
để gập ghềnh bước chân
lỡ một lần phân vân
nên dòng trôi mải miết
gió gào nên cạn kiệt
để bóng mòn hoàng hôn
em đâu thuở còn son
để dùng dằng da diết
gió lùa phên tha thiết
hỏi chiều có phôi pha?
mặt đất thì cách xa
bầu trời thăm thẳm quá
lại ngắm mình rất lạ
nên lỡ thuyền sông trôi
KHI CÒN CÓ THỂ
Mai Thanh Vinh
Có thể
ta và biển xô nhau trong tầng tầng u mê
dùng dằng cuộc hôn phối ngàn năm
nên cứ thế
từng chiều
từng sáng
ngã vào nhau cạn kiệt cánh buồm dong
ngày trở về
con mắt no tròn cơn khát
vồ vập nhau chi, nỗi đau quánh đặc cồn cào
người đi xa- rất xa
chiếc lá thu chao nghiêng thờ thẫn
hun hút con đường
gập ghềnh trút gió
ta và em thú tội mưa nguồn
có thể
khi còn có thể níu nhau
như sóng kia xô –dạt
xô dạt tận cùng rồi cũng bình minh…?
ta loanh quanh ru vỗ giấc mơ ảo tưởng
vì biết rằng
thực- mơ khoảng cách đất trời…
MỘT GIẤC MƠ VỪA
Mai Thanh Vinh
Thèm làm nhánh sông
lang thang vô định
tấp những bến bờ khô khốc quạnh hiu
tấp vào chiều lúc vừa ngả tím
chênh khúc đời- ồm ộp- lăn tăn
tấp vào xanh để đục ngầu giận dữ
cuộn trào- bèo bọt -xôn xao
tấp vào nhân gian réo đời trượt ngã
tấp vào đâu cũng mòn mỏi kiệt cùng
để được trắng
được xanh
được hồng
được bồng bềnh theo gió
mặc mưa về thách thức bão giông
thèm được là mình dẫu nhìn lại trống không
như bàn tay xòe ra trôi tuột
và thử đếm những mất còn thiếu đủ
thắng thua nào ở lại cùng ta ?
thèm được là xưa
để ôm tròn kí ức
đôi mắt lạc loài rớt tận khơi xa
sóng vồ dập- mưa chan- giông tố
đời bơ vơ nhận chịu thiệt thòi
thèm một vòng tay
không bán mua mặc cả
không so đo tính toán lỗ lời
không day dứt bởi chiều nhanh quá thể
để đêm về rong ruổi triền miên
thèm cốc hoàng hôn đong đầy sắc ngọt
mơ nồng nàn ủ ấm bàn tay
vu vơ thèm, thèm quá những cơn say
cho khôn dại bay đi theo gió
còn ở lại muôn đời ta khát
giấc mơ vừa, vừa đủ để mơ thôi
THĂM THẦY
Mai Thanh Vinh
Về lại quê xưa thầy không còn nữa
bến làng ngày ấy vẫn trong veo
ngôi nhà ba gian nồng nồng mùi đất
tiếng trẻ ê a một thuở ùa về
lũ chúng em chân đất vui đùa
chơi rồng rắn trên nền sân lồi lõm
chân vấp ngã, miệng cười tươi roi rói
cuộc trốn tìm - hé mắt - ăn gian
năm-mười, -mười lăm…không biết bao nhiêu
cứ chất chồng theo tháng ngày đi tới
chúng con lớn lên lục tìm mùa mới
riêng thầy ở lại ủ măng non
nhiều năm trôi qua sông có lở bồi
bờ bến ấy dẫu xưa màu rêu cũ
nhà gạch thầy tôi vẫn rộn ràng tiếng trẻ
học a , b… những chữ cái đầu tiên
chừ trở về tìm lại ngày xưa
thầy đi vắng –và không quay về nữa
tôi đứng lặng-xòe tay hứng nắng
giọt xuân làng ngọt thấu hồn quê…
NGUYỄN LÃM THẮNG
(Trường ĐHSP - Huế)
TRÊN CAO NGUYÊN MÙA ĐÔNG NGHE ĐÁ THỞ
Nguyễn Lãm Thắng

mùa đông âm ỉ cháy trong nách lá

anh bám chặt từng nụ hôn đứng dậy

gió lùa nghẹt thở

anh cố níu giữ một chùm ánh sáng đang hôn phối

cùng mùi hương của núi

chiếc váy em sóng sánh niềm kiêu hãnh

đang kéo anh treo ngược triền si muội

những âm thanh hóa thạch trên vách núi già nua

đang tri hô một loài ngôn ngữ lạ

dòng suối thản nhiên róc rách dự cảm mùa vui

tiếng chim cắn vỡ một ánh mắt nhìn sâu hút

anh rơi vào trong biển hương em

anh đang bơi đang trườn trên điệp khúc sóng

ngọt tận cùng vai trần ngực ấm

mùa đông bắt đầu cháy

anh nghe vách núi đang nứt rạn hồng hoang

những phiến đá rên theo tiếng thở

của hàng nghìn năm xác ướp

mùa đông cháy khét triền môi.

NHỚ RUỘNG

Nguyễn Lãm Thắng

Từng tuổi tôi nồng nàn mùi rạ

những nếp nghĩ như đường cày

trong giấc mơ cơn mưa tầm tã

có nụ cười mồ hôi sẫm nắng cay cay

Những bước chân khập khễnh của mùa

khi con gái lúa chết trong ruộng hạn

khi hạt giống nảy mầm lũ lụt cuốn trôi

mênh mông cánh đồng bảng lảng

Có ngày xưa thằng Tý, thằng Tèo

trốn giấc ngủ trưa xách gàu tát cá

con rô, con giếc, con tràu

đổi trao những ngày vất vả...

Những gốc rạ, bùn đen bây chừ hóa thành con chữ

ký ức xưa là máu thịt của mình

những bài chòi, hò khoan rủ trăng về

trong từng hơi thở

những bình minh... ruộng hào phóng sinh sôi

BUỔI TRƯA Ở LĂNG TỰ ĐỨC

Nguyễn Lãm Thắng

em trượt ngã bên bậc thềm hậu cung
buổi trưa đắm nắng
cây vả trái xanh không vươn được tán lá che bàn chân em
những bức tường rêu đổ nát
im lặng đến mê cung
em đứng lên theo bàn tay anh
em say nắng thật thà
đôi môi tím tái và bàn tay lạnh
những lo lắng đang nỗ lực tìm một điểm tựa
em nói khẽ trong yếu ớt: — anh không bế nổi em đâu!
bàn chân em lạnh hơn cơn gió hiểm
mái tóc dài quấn vào cổ anh
đẫm mồ hôi
hậu cung đắm nắng
em tỉnh lại lúc năm ngón tay đan lồng vào nhau
anh dìu lên bậc thềm cũ với nụ cười mới lạ
phế tích biến chúng mình thành hai giọt nắng lồng vào nhau…


12giờ 24.8.2009

ĐỖ THÁI

(Đức Trọng, Lâm Đồng)

SẮC MÀU HƯ VÔ

Đỗ Thái

Khung vải trống vô tình như lắng đọng

Mảnh hồn đau nét bút dẫu hao gầy

Ta tự hứa trước vô cùng bí nhiệm.

Sắc màu còn lưu lại giữa đôi tay!

Không gian chói một vùng trong trí tưởng,

Thời gian trôi ảo giác rối lưu đày

Trang sách đời chừng hoang vu lồng lộng,

Bút lực nào vẽ … nỗi óc tim đau…?

Tình yêu trắng một trời mơ huyền hoặc,

Đường đời xanh muôn nẻo rợp người chen,

Mắt loạn sắc… xám cả rừng ngôn ngữ,

Ta mê mờ hay bởi những cách ngăn?

Xin khoảnh khắc, tâm tình mong bỏ ngõ,

Xóa muôn điều huyễn hóa cõi nhân gian,

Đem chất liệu… từ máu tim vàng võ,

Điểm hư vô in giữa nẻo dinh hoàn!

1995

CÕI U TÌNH

Đỗ Thái

Ai níu hồn thơ vào nghiệp dĩ

Mà đa đoan hờn giận, tiếc thương?

Em trói tình ta từ vô thuỷ,

Để vô chung, đòi đoạn miên trường.

Dập dềnh trôi ngỗn ngang bi thống,

Ta cùng em tắm gội thăng trầm.

Ấm lạnh buồng tim ôm ước vọng,

Trung ngôn lập ngữ, bất tòng tâm!

Tâm thức chìm sâu trùng đáy huyệt,

Thơ bay lãng đãng cõi u tình.

Em huyền ảo đôi bờ sương tuyết,

Ứớp thân ta tù ngục nguyên sinh!

Chết đứng giữa trận tiền tình mộng,

“Cổ kính” đâu soi lại bóng nàng?

Hương “tàn y” bay ngoài khơi lộng,

Nhân ảnh chập chờn theo khói tan!

TÀ NGUYỆT

Đỗ Thái

Rừng một cõi, hương đồng một cõi.

Ngỡ thiên thai, mà giữa phù vân.

Ai gieo một túi phong trần

Làng quê dan díu, nợ nần đa đoan?!

Phố một nẻo,

Phường đêm một nẻo,

Mộng mê hoang ngặt nghẽo Thú – Người.

Tay ôm tà nguyệt nửa đời,

Mà đành gãy phím, buông lơi cung trầm!

Dặt dìu kỹ nữ ca ngâm.

Bất tri vong bản ô dâm giọng đàn!

HOÀNG HẠC... MƠ

Đỗ Thái

Em khuấy động đời ta, dưới tà huy nguyệt bạch.

Em hoang buồn lau lách, giữa sương mềm cỏ thơm.

Em bước xuống sườn non, khỏa thân dòng suối mát.

Em biến thành hoàng hạc bay vút vào ngàn mây!

Dạo ta lên đồi cây, hụt hẫng đời du tử

Say ta ôm tình sử - uống cạn dòng Tương Giang

Lặn đáy sầu miên man ta trườn qua biên tái

Lạc loài thân hồ hải ta ru đời lặng câm!

Nhóm lửa vùi tháng năm đốt nửa đời sương tuyết

Ta dìm ta đáy huyệt chôn tuổi xanh núi ngàn

Em nỡ sao phụ phàng thiêu tình ta đáy cốc?

Thẫn thờ như thằng ngốc, ta lên rừng tìm hương.

Biên ải ngút mù sương, vọng nghìn sau ai oán.

Hồn đỗ quyên gọi bạn hay nàng về tìm ta?

Đập vỡ chén quan hà – dội rừng tim uất nghẹn

Chợt nguồn khô suối cạn thiêu tình ta nguyên sơ!

LÊ LỘC

(Tân Thới Nhất, Q.12, Sài Gòn)
CHÙM THƠ 4 CÂU
Lê Lộc
TÌNH
Ta chim lạ chiều mưa bay thất đảm
Đậu nhánh đời em run rẩy khốn cùng
Cuộc thiên di trăm năm còn mò mẫm
Chút tình em riêng ấm cõi mịt mùng.

CHIỀU
Loài ngựa chứng một chiều hoang mỏi vó
Bờ suối khô ngã quỵ thở hơi tàn
Miền đất hứa đã cháy thiêu đồng cỏ
Níu chiều tà, em khóc lịm tro than.

MỎI
Khi bước mỏi, ngày nghiêng, hồn lệ đẫm
Đường chông chênh mờ mịt dấu chân đời
Chiếc bóng đổ liêu xiêu chiều thăm thẳm
Vệt nắng phai theo mây nhạt cuối trời.

VỠ
Người nghệ sĩ già ôm đàn nghiệp lụy
Vắt kiệt tim mình máu rỉ từng ngón tay
Em thảng thốt nhìn đời tàn hủy
Mảnh gương rơi, ta cười vỡ đọa đày.
MONG MANH
Lê Lộc


Nhập nhòa em cõi thực hư
Mong manh ta dạt bến bờ phù sinh

Sắc không hư ảo phận mình
Từ nguyên sơ đã vô minh kiếp người

Bể dâu tung hứng khóc cười
Tử sinh sấp ngửa cuộc chơi vô thường

Là em lãng đãng khói sương
Là ta hun hút cuối đường hư vô.



NGUYỄN ĐĂNG TRÌNH
(Bình Triệu, Sài Gòn)
NGÓ THEO MÙA XUÂN
Nguyễn Đăng Trình
giọt nắng vàng sắp tết
tan vào mắt ai xanh
suối nguồn vui thác lũ
xô trái tim chòng chành
nụ đào he hé nở
nhú trên môi ai hồng
đang không người bủn rủn
như vừa sốt rét xong
lọn tóc mềm mười sáu
trôi xuống vai ai tròn
thầm ghen cùng chú bướm
lém lỉnh cài chiếc hôn
gã con trai mười bảy
nhát chi nhát quá trời
nói năng không dám nói
đành ngó mòn lưng ai...
GẶP LẠI THÁNG GIÊNG
Nguyễn Đăng Trình
có thể nào em chẳng chút xa lòng
sau ngần ấy năm cách mặt
đôi mắt kia hãy còn xanh ngăn ngắt
màu lá non phơn phớt nắng giêng trong
lòng rối lên từng chặp bâng khuâng
khi ánh mắt đắm vào ánh mắt
mùi hoa trái làm đêm thơm ngát
làm tôi quên tuốt luốt mùi đời
chuyến về này ngỡ chẳng còn ai
nhận ra tôi sau bao mùa biệt xứ
làng quê cũ nay đã là thị tứ
riêng mỗi em chẳng khác chút xưa nào
như vừa lăn ra khỏi chiêm bao
nghe trái tim đang tầm xuân trong ngực
tôi muốn bạt tai mình cho đỡ tức
xưa quá ham chơi suýt mất cuộc tình!
PHỐ MƯA TRẦM
Nguyễn Đăng Trình
em quên mang nốt nụ cười
tôi mân mê suốt nửa đời long nhong
lâu lâu về ngó dòng sông
chảy ngang nỗi nhớ làm cong nỗi buồn
nợ nần chi một chữ thương
trả hoài chưa hết thêm vương nỗi niềm
biển rừng dần mỏi cánh chim
bất ngờ một bữa chợt thèm chuyến thăm
phố xuân lớt phớt mưa trầm
thơm từ năm tháng xa xăm thơm về
bên nhau suốt tối cà phê
vẫn chưa đem nửa câu thề ra khoe...

ĐÊM GIÓ THỨC

NGUYỄN GIÚP

Đêm gió thức

Rụng cành hoa khế

Ngày vườn hoang trổ ngõ

Mẹ dặn đường đi con le le lội nước

Chừ nơi mô con biết tìm về ?

Đời cha ròng muồng ròng lim trơ gan cột mốc

Chân kiềng tuế nguyệt móng nâu

Âm ba con cá dưới sông đạp nước

Con chim trên cành rỉa lông

Kẻ điên lên đồi quét rác

Người ngu đánh võng cơn giông

Đêm khuya con gà đỏ mào tục ta tục tác

Giật mình tuột giấc mơ miền Trung!

Mẹ ơi hoa gạo đỏ trời hạt gạo trắng mây

Tháng ba chồm ngồm mùa hạ

Tuổi thơ một thời chăn trâu một thời giặc giả

Tôi có làm em đau?

Chừ nuốt càn khôn vào bụng cũng có no đâu quê nhà!

Ao sâu đường trơn trời cao ếch nhái

Có con chuồn chuồn xiêm dang tay

Mầy ơi cho tau mồi lửa

Đêm khuya còn có ngọn đèn!

Giấc ngủ thơm nồng cứt trâu phên liếp

Em đừng chơi con tò vò xây bích thượng thổ

Móc cung mạng tôi vách nghèo

Ngày xa làng lửa cháy

Tôi quớ làng! Làng im tôi đi

Bữa vượt sông lên rừng

Rừng giàu hơn nhà tôi những cây cột

Nhà tôi hơn rừng ít muỗi và không có vắt

Tôi ăn cơm ở đó lớn lên thân lau thân sậy

Tự do mọc mầm

Sau này nghĩa lý với tôi với em

Sau này tôi về không còn cha mẹ

Làng đã trôi sông người sống qua đời

Xuôi dòng tôi mắc nợ ngày đi

Đêm gió thức!

(Lên sóng ngảy 03.4.2011)

TRẦN HUỆ HIỀN
(Làng Huê Gò Vấp, Sài Gòn)
NỤ CƯỜI XUÂN MAI
Trần Huệ Hiền
Mở lòng ra với đất trời
Cho hoa tâm nở nụ cười xuân mai
Bởi bàn tay ấm bàn tay
Là chờ lạnh giá một ngày chia xa.
Luôn rạo rực phố-đèn-hoa
Và ray rứt với đêm -tà-tịch liêu.
Dù vui sớm, buồn vàng chiều
Dấu chân giữ lại bao điều huyễn không!
Mở lòng ra trọn tấm lòng
Cho bình yên chảy trên dòng thế gian.
Đường đi khúc khủyu dặm ngàn
Lắng lòng nghe lại tiếng đàn nguyên sơ
Mang...mang...len giữa thực mơ
Tình...tang...rẽ gió đôi bờ thấp cao.
Em ơi! xin gửi lời chào.
Trăm năm dâu bể còn nhau nụ cười.
THẦM NGHE
Trần Huệ Hiền
Nước xuôi ai ngỡ ngược dòng
Để câu thơ mặn muối lòng chảy qua.
Nắng lên đuổi bóng tìm ta
Một đời trôi chợt ngộ ra...quá gần!
Dấu chân đổi hướng bao lần
Ngữ ngôn xiêu đổ cũng vần ấy thôi.
Mắt ai - ai rướm...ra lời...
Thầm nghe trao gửi nụ cười khói sương.

LÊ THỊ ĐIỂM

(Quế Thuận, Quế Sơn, Quảng Nam)

GIÓ ĐÈO LE

Lê Thị Điểm

Nếu được làm ngọn gió đèo Le

Em sẽ đi tìm đôi dép lạc mang vào chân mẹ

nâng nhẹ gánh vai cha

Và ru anh

mỗi khi anh mỏi phố về nguồn

Có thể

chỉ là bóng chim , tăm cá

Gió đèo Le vẫn dịu dàng cần mẫn

thổi qua thung nắng

Sẽ rất hạnh phúc

khi đươc làm ngọn gió đèo Le

Dẫu mây chiều xa giăng mờ bóng núi

tiếng vạc kêu hun hút cuối chân trời

Biết chẳng là gì so với gió đèo Le

nhưng em vẫn ước !

VỠ

Lê Thị Điểm

"Choảng"

Pha lê vỡ tan tành !!

Gom lại tái chế lại thành pha lê

Vầng trăng buồn nỗi mây che

U u một cõi

mây mê chốn trần…

Mây tan trả nụ cười rằm

Cho nhân gian múc trăng vàng đổ đi

...

Tình em !

Nào sánh pha lê,

chẳng linh diụ tựa trăng quê đêm rằm

Một đời gìn giữ, chuốt, chăm

Đánh rơi,

khuyết nẻo vọng âm

còn gì?!

THÌ THẦM

Lê Thị Điểm
Hãy nhìn từ đằng sau

Em

Vầng trăng khuyết

Chèo chống hoài,

giữa biển đời ngược gió

mùa thu qua

lá đổi sắc

không ngờ

Hãy nhìn từ đằng sau

anh nhé

để nét xuân phai

đỡ chạnh lòng

Thời gian

bao điều nghiệt ngã

tàn phá điên cuồng

tuổi xuân em

Lạc

giữa bộn bề cơm áo

trái tim em

vẫn

ấm áp… như là…

HÀNH TRANG CHO CON

Lê Thị Điểm

Con ra tỉnh học ngày mai

Hành trang gói ghém chỉ vài thứ thôi

Cớ sao lòng thấy bồi hồi

Cớ sao mẹ lại đứng ngồi không yên

Con chưa qua tuổi hồn nhiên

Xa vòng tay mẹ ngả nghiêng phố phường

Mẹ thà một nắng hai sương

Cho con thoả mọi con đường ước mơ

Sông sâu hết cảnh luỵ đò

An lòng mẹ dẫu thân cò ven sông

Má con thêm chút ửng hồng

Quản chi khó nhọc gánh gồng chợ quê...

Giấy rách phải giữ lấy lề

Giữ thơm thảo giữa bộn bề bon chen

Từ bùn sực nức hương sen

Gạn mưa gió để vẹn nguyên tím bèo

Con là bông lúa quê nghèo

Thảo thơm câu hát trong veo giếng làng

NGÔ HÀ PHƯƠNG
(An Bằng, Đại Thạnh, Đại Lộc, Quảng Nam)
BẤT CHỢT SÔNG

Ngô Hà Phương

nắng lan dờn dợn
mây ngừng gió hiu
ta ngồi uống lá
nghe ve vãn chiều

sông trần mềm mại
bãi thơm má hừng
dòng thon khoe dáng

cồn căng ngực tròn

chợt nghiêng bến gội
tóc xoã hoàng hôn
dáng ai thấm đẫm

vào mê điếng hồn

chòng chành lạc mộng
ngư thuyền ngất ngư
sóng câm từng đợt
vỗ đầy giấc thu.

03.9.2007

CHỈ CÓ MẸ

Ngô Hà Phương

Chỉ có mái nhà mẹ che con là ấm nhất
Bếp lửa sớm khuya nồng đượm
Ngọn đèn tim mẹ khâu đêm

Chỉ có con đường vòng gốc đa, giếng nước
Con đường mẹ đưa con đến lớp
Là đủ sức vươn theo suốt cả đời người

Chỉ có ngôi làng mẹ còng lưng với tép
Với củi bên gò, với cỏ dưới trưa
Là đủ sức nuôi con một tình yêu mãnh liệt

Chỉ có dòng sông mẹ, ngày đêm con tắm mát
Lặn bắt bóng chiều bỏ giỏ tuổi thơ
Là đủ sức chở con vào biển lớn

Trong chao lượn tâm hồn
Đất nước là khung trời lồng lộng
Mẹ của con là chiếc dây diều!

BÓNG LÀNG

Ngô Hà Phương

Cuộc đời
Bão thổi
Anh đã đi
Vạn dặm chân trời

Sao có điều rất lạ em ơi!
Vẫn chưa đi khuất tiếng gà trưa xao xác
Tiếng mẹ la con, tiếng sáo cưỡi diều
Tiếng con trẻ kéo ngày lên ngõ nhỏ
Tiếng gàu khua trăng, tiếng lá động chiều
Tiếng nhái nhai đêm, tiếng vườn mỏi quả
Tiếng võng vẽ vòng, tiếng mọt mài trưa

Vẫn chưa ra khỏi bãi bò nhẩn nha gặm cỏ
Chưa ra khỏi bờ tre quẫy gió
Khu vườn tiếng chim xanh mãi mái hồn
Giếng nước mái đình, mắt níu tay ôm....

Chưa ra khỏi
Không bao giờ ra khỏi!

Anh vẫn còn đi
Trời rộng
Năm dài ....

ĐỖ THỊ KẾT
(Đại Quang, Đại Lộc, Quảng Nam)
Ô BỎ TRỐNG
Đỗ Thị Kết
Phần lí lịch em khai
Không tên cha
Sổ chủ nhiệm cô ghi
Có một ô trống
Cha em là ai
Chết hay còn sống
Mẹ em
Cô nhận ra rồi
Mẹ đã nói với em điều gì
Ô trống kia
Làm sao điền như con toán
Dáng người cha
Em có tưởng tượng bao giờ ?
Có những điều
Đâu dễ nói với trẻ thơ
Vì sao
Vì sao
Cũng may
Tôi chưa hỏi !
HƯƠNG QUÊ
Đỗ Thị Kết
Tàu cau
Trước ngõ
Hương trong gió.
Bóng mẹ già.
Lom khom nhặt.
Chuốt từng sợi khô.
Cặm cụi bao ngày.
Chổi cau
Mẹ quét
Mo cau
Chiếc gàu
Nghiêng nghiêng
Lật lật
Sợi dây dừa
Giếng nước đầu thôn
Hương quê
Day dứt
Bồn chồn
ĐIỀU CÒN LẠI
Đỗ Thị Kết
Trăng vẫn sáng
Buồn.
Vui.
Trăng vẫn sáng
Chút gió rào
Xao gợn nước hồ trong.
Gió
Rồi cũng qua
Nước lại về yên tĩnh.
Trăng vẫn ngời
Dẫu tít trời xa.
TIẾNG TRỐNG
Đỗ Thị Kết
Bão chưa qua
Đã tràn về cơn lũ
Đâu đây
Tiếng trống dập dồn
Tiếng trống
Sao nghe cứ bồn chồn
Xuyến xao
Nỗi nhớ...
Trống
Gọi tuổi thơ
Trống
Báo giờ lên lớp
Bao thanh âm
Rộn ràng...
Trống
Bồi hồi
Cách trở
Mênh mang...
Tiếng trống
Phải đâu là khoảnh khắc !

ĐÀO ĐỨC TUẤN

(Tuy Hoà, Phú Yên)

QUY HOẠCH

Đào Đức Tuấn

Mở quy hoạch lại hồn ta thôi
bừa bộn niềm đau, bừa bộn nỗi cười
nhân thân mấy nẻo mà đơm đặt
dự án cõi người từ đâu tới đâu…

2003

THINH KHÔNG

Đào Đức Tuấn

( VỚI P.H.)

Buổi trưa còn lại là đời

lòng tràn tờ giấy trắng

biết chút gì đã chẳng

sao tròn mình đắng tay.

Ân ái phu phen

bản thể xửng cồ

âm dương trao ngày chan chát

tạp chất lưu đày cỏ mọc đời hoang.

Xin hãy khoan

thời gian vô tình

vô tự

mỏi mong bụi bờ

xa giá thinh không

thinh không

thinh không

thinh không…

2003

TỰ BÁO

Đào Đức Tuấn

Trái tim mỏi lằn sạn

thiên nhiên biết còn yêu

đắp đổi đời vỡ lở

gắng gượng bao nhiêu

níu kéo bao nhiêu...

Một nửa trinh nguyên

nửa kia hoang dại

ta hiểu đời mình chẳng thể bình yên..

1997

XOAY

Đào Đức Tuấn

Ràn rụa sâu đêm

từng tình bật lối

thổi loay hoay

nổi loay xoay.

Dần dà chiêm bao

canh chừng chí vội

loảng xoảng một đình

loảng hoảng một đần.

Ngong ngóng đừng qua

mong móng đàng xiêu….

2006

TÌNH TINH

Đào Đức Tuấn

Một lỡ tơ vương

tình tương tron trót

chan chứa nỗi đau

da diết linh xình...

Trốn vào nỗi tình

trốn vào dông bão

bần bật nỗi mình

lại thấy tình tinh...

2004


(songtho.net)


Một giọng thơ mới

https://thanhnien.vn/mot-giong-tho-moi-me-tram-vang-tu-xu-do-ban-185240419093756642.htm