Thứ Năm, 1 tháng 1, 2009

Viết sao cho thiếu nhi?


NHÀ THƠ HOÀI KHÁNH: NHỌC NHẰN VĂN HỌC THIẾU NHI

Nhà thơ Hoài KhánhNhững năm gần đây, đội ngũ những người viết văn, làm thơ cho thiếu nhi xem ra có vẻ thưa thớt dần. Có thể dễ dàng nhận thấy, hiện giờ số tác giả chuyên tâm sáng tác riêng cho mảng đề tài này may ra cả nước chỉ còn khoảng vài ba chục người. Những tác giả cao tuổi, đã thành danh, hầu như đang đuối sức, viết không thường xuyên, thậm chí đã buông bút từ lâu. Tác giả mới xuất hiện thì không nhiều, bút lực cũng bị phân tán.
Số tác giả ngẫu hứng viết cho thiếu nhi thì không ít, nhưng họ cũng khó gặt hái được những thành quả ở lĩnh vực sáng tác này. Đã nói tới văn học thiếu nhi, chính là nói tới mảng văn chương do người lớn viết cho thiếu nhi hoặc của chính các em viết ra cho thế hệ mình. Có nhiều người cho rằng vì chất lượng tác phẩm văn học thiếu nhi của chúng ta hiện nay quá kém. Thiết nghĩ, không hẳn vậy, bởi vẫn có nhiều bài thơ, truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi ra đời. Hơn chục năm nay, có không ít cuộc vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi được tổ chức, đã phát hiện và trao giải cho những tác phẩm hay. Chỉ tiếc là số lượng chưa nhiều. Có lao vào gieo trồng mới thấy mảnh đất văn học cho thiếu nhi chẳng hề màu mỡ chút nào. Đội ngũ sáng tác văn học cho thiếu nhi chẳng những không mấy dịp được hưởng sự chăm sóc, động viên, khuyến khích của các đơn vị chức năng, mà còn gặp phải những khó khăn không nhỏ khi công bố tác phẩm. Sự tâm huyết có thể dần hao khuyết và tài năng có thể bị bào mòn ở chính mỗi tác giả, nhưng cũng do một phần lớn là họ thường tỏ ra kém hào hứng, dẫn đến chán nản vì họ ít được hướng dẫn, giúp đỡ và không mấy được đền đáp đúng mức. Viết cho trẻ em phải bảo đảm sao cho các bé thích mà còn phải làm sao cho cả người lớn cũng thấy thú vị. Còn một điều tế nhị về tâm lý nữa là, nhiều người cầm bút vẫn xem thường loại sáng tác này, cho đó là loại sáng tác nhỏ lẻ, vụn vặt, khó giúp tác giả thành đạt. Không nên chối bỏ ý thức lập danh của người cầm bút, nhưng cứ theo cách nhìn nhận ấy, thì chẳng mấy ai còn thiết tha viết cho thiếu nhi nữa. Người viết văn, làm thơ cho thiếu nhi hôm nay đừng nản chí mà buông bút, cố gắng viết nhiều, viết hay. Khi có bản thảo rồi, thì tác giả phải cho công bố trên các trang văn nghệ dành cho thiếu nhi, gửi tới các nhà xuất bản có cấp phép in sách phục vụ trẻ em. Tiếc rằng, những nơi đăng tải đã ít lại chật chội quá, nên tác phẩm văn học cho các em ít có cơ hội được giới thiệu. Khâu phát hành ở ta còn quá khiêm tốn. Sách truyện cho thiếu nhi còn được các nhà xuất bản quan tâm cho ra mắt bạn đọc. Sách thơ đã ít, số lượng bản in lại càng ít, nơi phát hành cũng hiếm hoi. Tìm mua được một cuốn sách thơ cho trẻ em đâu phải dễ. Người làm thơ cho thiếu nhi in thơ ra để tặng nhau là chính. Mấy năm gần đây, các nhà xuất bản đã bước đầu nghĩ đến viết kết hợp nhiều công năng để tăng tính hấp dẫn cho những cuốn sách thơ. Những bài thơ được in trên những bức tranh sặc sỡ sắc màu, hoặc được viết dưới dạng chữ mẫu để các bé vừa đọc thơ vừa được xem tranh, lại có thể tập viết cho đẹp. Đấy là cách làm hay. Một điều đáng chú ý nữa, văn học cho thiếu nhi, âm nhạc và điện ảnh cho thiếu nhi cũng vậy, từ chỗ bị thiếu hụt nay lại quá sa đà vào việc lấp chỗ trống về đối tượng tuổi mới lớn. Việc viết cho lứa tuổi nhi đồng (4 - 9 tuổi) và cả lứa tuổi thiếu niên (10 - 15 tuổi) vì thế bị sao nhãng đáng kể. Có không ít tác phẩm viết cho thiếu niên mà xem ra nội dung chuyển tải trong đó đã vượt quá ngưỡng tuổi 15. Do được cổ súy, những cây bút tuổi hồng xuất hiện đó đây, chủ yếu là học sinh trung học phổ thông, với cái nhìn đầy nhạy cảm. Tác phẩm tuổi xanh đựơc khuyến khích, giới thiệu trên sách báo, nhiều khi thái quá. Điều này đôi khi cũng có mặt tích cực là tạo ra được một số mầm non văn chương, có em sau đó thành tác giả trẻ với nhiều hứa hẹn. Nhưng, bên cạnh đó, sáng tác của lứa tuổi nhi đồng lại chưa được chú ý đúng mức khiến cho năm tháng sáng tác của mỗi tác giả nhi đồng đã ngắn lại càng co lại. Những trang viết thơ ngây, sáng trong của tuổi thơ bé bỏng đang dần vắng bóng. Thiếu nhi vừa là đối tượng phản ánh vừa là đối tượng phục vụ của văn học thiếu nhi. Trẻ em hôm nay quá bận học, lại bị cuốn hút vào nhiều hoạt động khác trong một xã hội đang phát triển mạnh mẽ, với nhịp sống ồn ã và gấp gáp. Trẻ em bị hút sự chú ý về một hướng khác xưa, có vẻ như ngược hẳn với văn thơ. Trẻ em hôm nay thích nhiều thứ hơn thích thơ. Những bài thơ trong trẻo, hồn nhiên, ngộ nghĩnh xem chừng giờ không có sức lôi cuốn bạn đọc nhỏ tuổi. Cuộc sống sôi động và có phần xô bồ gây cho các em mất hứng thú đọc sách báo như lớp tuổi thơ các thế hệ trước. Cái các em kiếm tìm chính là sự thay đổi, tìm kiếm những điều khác với những cái hàng ngày các em đang sống. Sự thay đổi của đối tượng tiếp nhận đáng để người sáng tác phải thay đổi quan niệm. Tại sao viết thơ cho các em cứ phải chỉ viết những bài thơ trong trẻo, hồn nhiên và ngộ nghĩnh? Điều này định hướng cho người cầm bút cũng phải thay đổi tư duy sáng tạo tác phẩm. Bổn phận người làm thơ cho thiếu nhi không chỉ viết theo sở thích của con trẻ mà còn phải giúp cho các em yêu cuộc đời hơn qua thơ và biết thưởng thức thơ. Điều mừng là, vẫn có thiếu nhi yêu thơ, tìm đọc thơ và tập làm thơ. Nhưng số đó không nhiều. Ngày nay, những em mê thơ văn thường là những học sinh có cá tính, học giỏi, ham hiểu biết hoặc là những em tính tình trầm lặng, ít nói, có tâm trạng u buồn, cả nghĩ. Nhiều bậc cha mẹ chẳng những không khuyến khích, không tạo điều kiện, mà còn cản trở trẻ em sáng tác, coi sáng tác văn chương là việc làm viển vông, vô bổ, thiếu thực tế. Theo đà ấy, việc con trẻ ngay từ bé nhanh chóng ngấm tư tưởng coi nhẹ cả việc học văn trong nhà trường. Không nhất thiết phải bắt buộc trẻ em ngay từ nhỏ phải biết sáng tác văn học. Nhưng rõ ràng trong thực tế, có em nhỏ muốn viết văn, làm thơ mà không đựơc mấy ai hướng dẫn, bồi dưỡng, lại thường bị người lớn ngăn cản, chê trách, thậm chí bị cấm đoán, làm thui chột năng khiếu sáng tác và ước mơ văn chương của các em. Việc giáo dục thưởng thức nghệ thuật cho trẻ em chưa được tăng cường bao nhiêu. Những năm gần đây, nhà trường phổ thông đang cố gắng làm cho học sinh yêu thích học văn, thì cha mẹ các em cũng phải hướng dẫn cho con trẻ tìm đọc sách văn học. Mong sao, thực trạng văn học thiếu nhi ở nước ta dần thoát khỏi những nhọc nhằn. Hi vọng trước hết vẫn trông cậy vào chính đội ngũ những người chuyên tâm sáng tác văn học cho trẻ nhỏ.
H.K (Hải Phòng) (Theo hoaikhanh.vnweblogs.com)

Đồi Cù một góc (truyện ngắn ĐÀO ĐỨC TUẤN)

Đồi Cù một góc (truyện ngắn ĐÀO ĐỨC TUẤN) (ảnh: Nguyễn Hàng Tình)             Thằng Thừa biết để ý con gái từ lúc học lớp 5. Mà phải c...