Thứ Ba, 10 tháng 3, 2009

Trích tiểu thuyết XÍCH QUỶ KHỞI NGUYÊN của Đinh Văn Hùng

HỒI 2:
Ngũ Lĩnh Kỳ Duyên

Trời xế chiều, hơi nóng vẫn còn hâm hấp, một đoàn khoảng trăm người, tất cả đều im lặng, nhắm thẳng hướng nam mà tiến. Toán người đi trước chân đất, đội ngũ chỉnh tề, nhưng ăn mặc tềnh toàng theo kiểu phu khuân vác. Đi giữa bao gồm kẻ xe, người ngựa, trang phục trưởng giả, giàu sang. Sau cùng là ba xe chất đầy hàng hoá, bên cạnh một nhóm người hộ tống. Từ trong cỗ xe song mã, một người vén rèm thò đầu ra ngoài hỏi người ngồi lưng ngựa đang sóng bước bên cạnh:
- Bàng Tháo này, từ đây đến biên giới đường sá là bao? Ta e đường xa, người ngựa mỏi mệt, mà trời sắp tối, liệu có tìm được chỗ nghỉ ngơi chăng?
- Bẩm bệ hạ…
- Suỵt…Bàng Tháo, Chúng ta là đoàn thương lái, ta là Vương Đại, nhị đệ tuyệt đối phải xưng hô đúng cách, không được quen miệng nói bừa.
Một chút lúng túng, người cưỡi ngựa trả lời
- B… Thưa… Thưa đại huynh, đây thuộc địa phận Giang Nam, chỉ khoảng hơn vài mươi dặm nữa là tới huyện Động Đình. Cần vượt qua cánh rừng trước mặt sẽ là nơi sầm uất, nghỉ ngơi cũng không muộn.
- Ừhm… Vậy đệ đốc thúc anh em nhanh chân một chút.
Bành Tháo thúc ngựa, vượt lên phía trước nói mấy lời gì không ai nghe rõ, sau đó tất cả toàn đoàn bỗng dưng tăng tốc nhanh hơn. Chẳng mấy chốc đoàn người xuyên vào cánh rừng rậm rạp. Đến một đoạn đường cây cao bóng mát, tiếng nước suối chảy rì rào. Người đi bên phải giục ngựa sấn lên nói với người ngồi trong xe song mã rằng:
- Thưa Vương đại huynh, nơi này mát mẻ, không khí trong lành lại có suối nước trong mát. Đệ nghĩ nên cho anh em dừng lại nghỉ ngơi đôi chút, tiện thể cho ngựa uống nước, ăn cỏ thiết nghĩ cũng chưa muộn.
Người ngồi trong xe suy nghĩ giây lát rồi nói:
- Lý Tam nói đúng đấy, được cứ quyết định như vậy!
Dứt lời, mệnh lệnh ngay tức khắc được truyền đi. Đoàn người rẽ sang phía bên phải tìm nơi có tiếng nước chảy phát ra. Đi được chưa đầy trăm trượng đã thấy con suối nước đổ ào ào, bọt tung trắng xoá. Bên cạnh con suối, dưới táng cây đại thụ trăm tuổi có một hàng quán dựng bằng cây và lá rừng, tuy không kiên cố, nhưng rất rộng rãi khang trang, người phục vụ khá đông, có đến hơn chục người. Sau khi ngắm trước nhìn sau, người họ Vương thắc mắc cùng những người đi bên cạnh:
- Này… các huynh đệ nghĩ xem, giữa chốn núi rừng hoang vắng, vì lẽ gì lại có một hàng quán khang trang, người phục vụ đông đúc thế này?
Lý Tam vội thưa:
- Thưa Vương huynh, nơi đây tuy giữa núi rừng, xa nơi cư dân sầm uất, nhưng đây lại là con đường độc đạo nối liền với huyện Động Đình dân cư đông đúc. Vì vậy mà những đoàn thương lái, khách bộ hành qua lại thường xuyên, hàng quán mọc nơi đây cũng là hợp lý.
Miệng nói, chân bước, giấy lát đoàn người đã đến trước cửa quán.
Người chủ quán tuổi trạc bốn mươi, vóc dáng lực lưỡng, nhanh nhẹn hoạt bát, thấy khách bước vào vội vàng vồn vã bước ra chào mời lia lịa:
- Mời… Mời quý khách cứ tự nhiên vào ăn uống nghỉ ngơi, chúng tôi phục vụ hết sức chu đáo. Nếu quý khách có nhu cầu nghỉ lại qua đêm thì chúng tôi cũng sẵng đủ chỗ cho tất cả quý khách.
Nói vừa dứt, không đợi khách trả lời, ông ta quay vào trong lớn tiếng hô hét người dưới quyền chuẩn bị tiếp đón. Nhóm người phục vụ trong nhà nhanh chóng kéo ghế, bưng nước mời khách, hỏi han thực đơn rôm rả. Một số người khác vồn vã chạy ra giật lấy giây cương, dắt ngựa đến nơi gốc cây rồi vội vàng lấy nước cho uống, ôm cỏ bỏ đầy máng ăn. Chỉ có người chủ quán là đứng cuối quầy hàng, mắt nhìn tất cả các nơi theo dõi. Thỉnh thoảng lại chỉ tay chỗ này chỗ khác la hét bằng giọng thổ ngữ, không ai nghe rõ.
Sau một lát, tiếng ồn ào náo nhiệt trong quán giảm dần, cả đoàn ai cũng tìm được chỗ ngồi tử tế. Kẻ trao đổi thực đơn, người lấy khăn lau mặt. Nhân viên phục vụ thì chạy hết bàn này sang bàn khác, thỉnh thoảng tay chân vụng về đá đổ chỏng gọng những chiếc ghế, miệng không ngớt xin lỗi, vâng vâng dạ dạ liên hồi.
Khoảng hơn một giờ sau tất cả bàn ăn đã được dọn lên tươm tất, mọi người cắm cuối ăn uống no nê. Bỗng nhiên bên ngoài ngựa hí vang lên mấy hồi và liền sau đó lần lượt từng con lăn đùng ra đất giãy giụa giây lát rồi nằm yên bất động. Cảm thấy có chuyện bất thường, Lý Tam nói với những người đang ngồi trong bàn:
- Các huynh đệ cứ ngồi đây, tôi ra xem có chuyện gì rồi sẽ vào ngay.
Nói vừa dứt lời Lý Tam vội vàng đứng dậy lại gần người chủ quán nói nhỏ mấy câu rồi cùng nhau ra thăm lũ ngựa. Vương Đại nhìn theo, thấy Lý Tam và chủ quán đến bên bầy ngựa chỉ chỏ nói những gì không ai nghe rõ. Sau đó cả hai cùng vào, Lý Tam nói to có ý định cho tất cả cùng nghe:
- Chẳng có việc gì quan trọng cả, có lẽ bọn ngựa đi đường xa bị đói khác, nay thấy thức ăn, nước uống đầy đủ chúng tham ăn bội thực nên có hai con đã ngã lăn ra chết. Số ngựa còn lại tôi đã cho dắt đi nơi khác nghỉ ngơi.
Vương Đại lo lắng hỏi:
- Liệu những con còn lại có được an toàn không?
Ngay lúc ấy, phía bàn bên cạnh có hai người trong đoàn kêu lên ú ớ mấy tiếng rồi ngã gục xuống bàn. Mọi người lo lắng chạy lại xem, thấy họ vẫn thở đều, nhưng lay gọi thế nào cũng không hay biết. Mọi người đang xôn xao nghi hoặc thì lại có thêm nhiều người nữa lần lượt rơi vào tình hình tương tự. Vương Đại đập bàn làm nước bay tung toé, đứng lên quát to:
- Chúng ta đã bị trúng độc rồi! Mau bắt hết bọn người trong quán này cho ta.
Vương Đại vừa ra lệnh xong, tất cả thảy đều đồng loạt đứng dậy, lấy khí giới cầm tay nhất loạt xông lên. Nhưng tất cả mọi người tay chân thảy đều run rãy, cơ hồ cầm không nổi khí giới, đao kiếm tự động vuột ra khỏi tay, rơi xuống đất lẻng xẻng. Liền sau đó hàng loạt người khuỵ xuống nằm la liệt trên mặt đất, như bãi chiến trường, trông thật thảm hại.
Tên chủ quán từ nãy đến giờ đứng khoanh tay đóng mặt lạnh không nói câu nào, bỗng nhiên cười một tràng ha hả tuyên bố:
- Tất cả chúng bay đều bị trúng độc dược của ta, chỉ cần vài giây nữa là biến thành những cái xác không hồn, đừng mong chạy thoát.
Dứt lời hắn phẩy tay một cái, tức thì bốn phía có đến hàng trăm lâu la cung tên sẵng sàng, chỉa thẳng vào những người còn tỉnh táo. Bàng Tháo mặt đỏ bừng bừng, rút kiếm toan đứng lên thì ngay lập tức bị Vương Đại nắm áo kéo ngồi trở lại:
- Hãy khoan, Lúc này không nên nóng nảy, từ từ tuỳ cơ mà ứng biến.
Bàng Tháo miễn cưỡng ngồi xuống, miệng lầm bầm chửi rủa:
- Đồ chó má, chúng mày biết bọn ta là ai không mà mà dám to gan đến vậy?
Tên chủ quán cười mỉa mai:
- Cho dầu chúng mày có là hổ dữ đi nữa thì giờ đây cũng đã bị nhốt trong lồng, muốn giữ mạng sống thì đừng khoác lác.
Dừng lại một chút hắn nói tiếp:
- Ai là Lý Tam sư huynh… Xin mời bước ra.
Nghe nhắc đến Lý Tam, mọi người ngạc nhiên đưa mắt nhìn, nhưng Lý Tam đã đi đâu mất tự lúc nào không ai hay biết.
- Có Lý Tam đây…
Mọi người nghe nói đưa mắt nhìn ra, thấy Lý Tam từ ngoài đang đi vào đứng cạnh tên chủ quán. Lý Tam cất tiếng:
- Muôn tâu bệ hạ, Lý Tam tôi từ lâu nay theo hầu bệ hạ, khổ cục trăm bề, khom lưng quỳ gối không phải vì chút bỗng lộc triều đình mà vì một nguyên nhân khác. Mục đích chính của thần là… cái đầu bệ hạ…
Lý Tam xưng hô tiếng “bệ hạ” không một chút cung kính, mà còn tỏ ra diễu cợt, nhạo báng. Hắn cười lên một tràng ha hả rồi nhìn về phía những tên lính đang ngã lăn quay dưới đất nói lớn:
- Các bằng hữu của ta mau bước ra ngoài, kẻo những mũi tên không có mắt.
Ngay tức thì, khoảng mười tên lính đang nằm lăn dưới đất bỗng nhiên mọc dậy, xách vũ khí bước ra ngoài mà không hề gặp ai cản trở. Vương Đại trợn mắt nhìn Lý Tam nạt:
- Ngươi dám làm phản ư?
Bành Tháo nói thêm:
- Từ trước đến nay hoàng thượng đối xử với ngươi thế nào? Sao nay bỗng nhiên ngươi lại có ý phản nghịch?
Lý Tam lại cười khẩy mà rằng:
- Đành rằng hắn đối xử với ta không tệ, nhưng nợ máu phải trả bằng máu là lẽ công bình.
Lý Tam bây giờ không còn xưng hô theo kiểu bề tôi, mà đã đổi kiểu xưng hô một cách đột ngột. Bàng Tháo lại cầm kiếm đứng lên và cũng bị nhà vua núi áo kéo ngồi xuống ghế. Nhà vua lại bình tĩnh hỏi Lý Tam:
- Nợ máu nào? Mang tội gì mà phải khép tội chết?
- Cha ta tên là Lý Chính, làm quan tri phủ, bị ngươi kết tội ăn tiền đút lót, thông đồng với đảng cướp. Việc ấy đúng sai lúc ấy ta còn nhỏ không thể hiểu được, nhưng nợ máu phải trả bằng máu…
Bàng Tháo nghe xong lớn tiếng nói:
- Cha ngươi hành động như vậy là vi phạm vào luật triều đình, mang tội chết là phải, ngươi còn mang oán hận trong lòng làm gì?
Nhà vua gật gù, lại hỏi:
- Vậy những người trong quán này cũng là một đảng cướp, ngươi đã thông đồng từ trước…?
- Không sai! Khi biết kế hoạch ngươi đi tuần thú phía nam, ta lập tức thông báo cho huynh đệ của ta ở tại núi này biết. Phần thưởng của họ chính là ba xe của cải kia, còn phần thưởng cho ta chính là cái đầu của Đế Minh hoàng đế nhà ngươi đấy.
Bàng Tháo chịu không nổi nữa, đứng lên quát to:
- Hỗn láo!
Và cũng như hai lần trước, vua Đế Minh lại phải kéo anh ta ngồi xuống. Nhà vua lại nói:
- Cứ cho là ngươi giết được ta đi, thì liệu nhà ngươi có thoát được mạng lưới của triều đình không? Ngươi đã tính toán kỹ chưa?
- Ha ha… Đã đến nước này ta cũng không còn gì để giấu ngươi nữa. Tất nhiên một kế hoạch mà ta đã dày công hai mươi năm ròng rã suy nghĩ ngày đêm thì hẳn nhiên câu hỏi của ngươi cũng đã có trong kế hoạch của ta rồi. Nói thật cho ngươi biết, triều đình bây giờ ta nghĩ cũng đã về tay người khác rồi. Trước khi đi chuyến này, mọi việc ta đã sắp xếp hết sức cẩn trọng cho một cuộc lật đổ thật gọn gàng, chỉ có điều nhà ngươi không hề hay biết mà thôi… Chuyến này ngươi có đường đi mà không có đường về.
Đế Minh nghe nói vậy, liền đập bàn quát lớn:
- Quân phản nghịch!
Lý Tam cười khảy lạnh lùng, quay sang tên chủ quán:
- Còn chần chờ gì nữa, mau bắt tất cả trói lại cho ta.
Tên chủ quán buông một tiếng cộc lốc:
- Được!
Ngay lập tức tên chủ quán tung ra một cước bất ngờ nhằm vào bụng Lý Tam. Lý Tam ôm bụng gập người, lập tức bị người chủ quán tung một thế võ dũng mãnh vô cùng, chỉ trong nháy mắt Lý Tam bị trói chặt như con gà. Hắn vừa rên vừa la:
- Ngươi… Ngươi làm cái giống gì vậy?
Mười tên lính lúc nãy bước ra từ nhóm người bị đầu độc cũng bị trói chặt, hết thảy đều lăn lóc dưới đất trố mắt chưa hết ngạc nhiên. Người chủ quán vẫy tay một cái, nói lớn:
- Người kia là đương kim hoàng thượng, các ngươi mau hạ vũ khí cùng ta chịu tội.
Bọn lâu la vứt hết cung tên, vũ khí đồng loạt quỳ mọp sát đất. Tên chủ quán vội vàng bước đến gần bàn nhà vua đang ngồi, sụp lạy mà rằng:
- Muôn tâu bệ hạ, thần đã làm bệ hạ một phen hoảng hốt, tội đáng muôn chết, mong bệ hạ thứ lỗi…
Nói xong người chủ quán cúi rạp người sát đất. Hành động thay đổi đột ngột đến mức kỳ quặc của hắn làm cho mọi người thảy đều ngạc nhiên vô cùng. Một lúc sau Đế Minh hỏi:
- Ngươi là ai? Hành động của ngươi làm ắc phải có lý do, ngươi hãy nói ra cho trẫm nghe.
- Tâu Bệ hạ, hạ thần tên là Phùng Nguyên, giữ chức quản binh dưới quyền của quan tri phủ Động Đình. Thiệt tình hạ thần chỉ làm theo mệnh lệnh của cấp trên, còn nội tình thế nào hạ thần không tường tận lắm…
Vừa nói tới đây, xảy thấy bên ngoài có người ăn mặc theo kiểu cách nhà quan vội vàng bước vào, đến trước nhà vua rồi sụp lạy mà rằng:
- Hạ thần Đinh Quang Nhật, là người được bổ nhiệm cai quản đất Động đình đã được hai năm. Người này - chỉ Phùng Nguyên - là người coi sóc việc binh của phủ Động Đình. Tất cả mọi việc xảy ra hôm nay thảy đều do hạ thần sắp đặt. Hạ thần dám cả gan mạo phạm làm bệ hạ bất an, tội đáng muôn chết.
Nhà vua lại hỏi:
- Vậy việc làm của khanh vừa rồi giải thích ra sao?
- Tâu bệ hạ, đó là việc bất đắc dĩ, thần bày ra để bảo vệ bệ hạ và vạch mặt tên Lý Tam phản nghịch. Câu chuyện còn dài, mong bệ hạ cho hạ thần được giải thích sau, nói ngay bây giờ sợ e bất tiện.
Nhà vua gật đầu, nói:
- Được!... Nhưng cả trăm quân sĩ đang bị trúng độc tại đây ngươi tính thế nào?
- Tâu bệ hạ, họ chỉ uống một loại thuốc mê tên là “Ngũ hương thảo”. Chỉ sau một giờ tất cả đều tỉnh lại, không hề hấn gì. Hạ thần buộc phải làm vậy để tên Lý Tam tin thật mà để lộ nguyên hình là tên phản nghịch.
Nhà vua nói:
- Thôi được, mọi việc sẽ bàn sau. Bây giờ khamh cho dọn dẹp và cứu chữa cho binh lính kia đã.
- Thần xin tuân mạng…
Đinh Quang Nhật vâng lệnh lui ra, điều khiển binh sĩ dọn dẹp trước sau. Tất cả quân binh uống phải thuốc mê đều được cho uống thuốc giải, giây lác tỉnh lại như thường. Công xiệc xong xuôi, trời cũng vừa chập tối, vua tôi đều phải ngủ lại qua đêm tại nơi quán trọ.
Trong lều tranh, đền đuốc sáng trưng chỉ có nhà vua và Bàng Tháo đang ngồi chuyện trò, bỗng có quân vào báo:
- Tâu bệ hạ, có quan phủ Đinh Quang Nhật xin được ra mắt.
- Cho vào.
Đinh Quang nhật bước vào quỳ lạy ra mắt xong, nhà vua chỉ ghế mời ngồi:
- Nơi chốn thâm sơn này không cần đa lễ, khang ngồi đây.
Đinh Quang Nhật tạ ơn ngồi xuống, nhà vua liền hỏi:
- Bây giờ khanh có thể kể cho trẫm mọi việc xảy ra được rồi.
Đinh Quang Nhật tuân lệnh, đằng hắng nhẹ nhàng, bắt đầu kể:
- Tâu bệ hạ, vùng núi non này thuộc địa phận Phủ Động Đình, trước khi hạ thần nhậm chức đã từng có một đảng cướp xưng là Hắc Hổ do tên Lý Hoạch cầm đầu. Bọn này thâu thập lâu la mỗi ngày một đông, thế lực ngày càng mạnh. Chúng rất táo tợn, cướp của, giết người, kể cả quan binh triều đình chúng cũng không tha. Các quan tiền nhiệm đã nhiều lần truy quét thảy đều thất bại, nhưng cũng làm cho chúng tổn thất không ít. Từ đấy chúng không còn tấn công vào quan binh nữa, mà tập trung vào những đoàn thương lái và khách bộ hành. Các quan phủ vùng này sau nhiều lần truy quét không thành nên đành phó mặc.
Cách đây vài năm, hạ thần về nhậm chức nơi này, thấy núi non hiểm trở nếu dùng binh ắc phải trả giá đắt. Hơn nữa, phần lớn lâu la của đảng cướp đều là dân lương thiện, vì mất mùa đói kém nên gia nhập đảng cướp làm kế sinh nhai bất đắc dĩ. Suy đi tính lại hạ thần bèn đem việc này bàn với phó quản binh thân tín của hạ thần tên là Mạnh Khôi. Mạnh Khôi đã dùng khổ nhục kế trà trộn được vào băng đảng Hắc Hổ. Sau một thời gian ngắn, nhờ có võ nghệ cao cường mà chủ tướng Lý Hoạch cất nhắc Mạnh Khôi lên làm phó tướng. Mạnh Khôi thường xuyên tìm cách liên lạc với hạ thần, nên tất cả mọi việc của băng cướp thần đều nắm rất rõ. Hạ thần định gặp thời cơ tốt thì sẽ ra tay.
Cách đây mười ngày, hạ thần đêm nằm mộng thấy một cô gái rất đẹp, nàng gặp hạ thần mà báo rằng:
- Mười ngày nữa, đương kim hoàng thượng sẽ đi ngang qua núi này và gặp nạn cướp giữa đường, ngươi hãy tìm cách mà cứu giá.
Nói xong người thiếu nữ biến mất. Thần nghĩ đó là một giất mơ nhảm nhí nên cũng không để ý. Không ngờ cách hai ngày sau giất mộng lại tái diễn như cũ, còn khẳng định rõ thêm đảng cướp ấy là Hắc Hổ.
Đúng vào lúc ấy thì hạ thần lại gặp Mạnh Khôi, được Mạnh Khôi cho biết Lý Tam đã tiết lộ kế hoạch tuần thú phía nam của bệ hạ. Hắn đề nghị đảng cướp xuất sơn, đánh cướp. Được bao nhiêu vàng bạc thì Lý Hoạch nhận đủ, chỉ cần giao bệ hạ cho hắn là được. Mạnh khôi còn cho biết Lý Tam có kế hoạch lật đổ triều đình. Hắn hứa rằng khi xong việc sẽ được thăng quan, thưởng lộc gấp bội.
Hạ thần cùng Mạnh Khôi bàn tính kế hoạch chi tiết, mọi việc diễn ra thành công như bệ hạ đã chứng kiến.
Đế Minh nghe tới đây, xen vào hỏi:
- Vậy tên tướng cướp Lý Hoạch ấy đâu, sao không thấy xuất hiện?
- Tâu bệ hạ, trước khi xuất quân Mạnh Khôi đã cố ý bỏ thuốc vào rượu của Lý Hoạch, nên hắn bị đau bụng dữ dội, đành phải giao quyền điều khiển toàn bộ đảng cướp cho Mạnh Khôi cầm đầu. Thế là toàn bộ đảng cướp đều bị hạ thần bắt gọn, không mất một mũi tên, không làm tổn thương một binh sĩ. Sau đó kế hoạch đón bắt bệ hạ vẫn được tiến hành đúng như Lý Hoạch đã bàn định. Chỉ có điều hạ thần đã thay thế toàn bộ lâu la bằng chính binh sĩ dưới quyền hạ thần. Nói tới đây Đinh Quang Nhất vội vàng quỳ xuống mà rằng:
- Hạ thần muốn vạch mặt Lý Tam, để hắn tự nguyện thừa nhận tội lỗi của mình nên đã xúc phạm đến bệ hạ. Hạ thần thật đáng tội chết…
- Không sao, không sao… Khanh không những đã không có tội mà biết tương kế tựu kế, lập được công to! Chỉ một mũi tên mà bắn trúng hai đích… Giỏi lắm! Giỏi lắm!
Vừa nói nhà vua vừa đỡ Quang Nhất dậy:
- Lúc chiều Lý Tam đã tự nói ra kế hoạch lật đổ ngay tại triều đình, không rõ hiện giờ ra sao. Thật tình trẫm còn áy náy.
Đinh Quang Nhất nói:
- Tâu bệ hạ, khi biết kế hoạch mưu phản của Lý Tam, thần đã cho bồ câu đưa thư kể tất cả sự việc cho quan nhiếp chính kịp thời. Nhờ vậy mà quan nhiếp chính đã tóm gọn bọn phản nghịch trước khi chúng kịp ra tay.
Vừa nói Đinh Quang Nhất móc trong túi ra một phong thư nhỏ xúi trình lên cho nhà vua xem và nói:
- Đây là thông tin phản hồi do bồ câu đưa thư, sau khi quan nhiếp chính đã bắt gọn bọn phản nghịch tại triều đình.
Đế Minh xem thư xong, vuốt râu, gật gù khen ngợi:
- Một tay khanh mà đã làm được bao nhiêu việc quan trọng như vậy, thật đáng khen lắm. Khi về cung trẫm sẽ hậu thưởng xứng đáng.
Nghe nhà vua không bắt tội mà con khen ngợi, Quang Nhất hớn hở vui mừng:
- Đội ơn bệ hạ! Thần có được chút ít công lao cũng nhờ vào công sức nhiều người, chứ một mình hạ thần thì chẳng làm gì được.
Đinh Quang Nhất thấy nhà vua khen ngợi mình mà không hề đề cập gì đến Bàng Tháo, bèn nói:
- Như Bàng tướng quân đây đứng trước rừng tên, biển giáo mà không hề xao động, khí phách anh hùng có thừa. Đinh Quang Nhất tôi nếu được kết bạn cùng tướng quân thì lấy làm vinh hạnh lắm.
Bàng Tháo nghe Quang Nhất nói vậy, liền bước đến ôm vai Quang Nhất cười ha hả nói:
- Tận mắt chứng kiến những gì huynh làm, Bàng Tháo tôi vô cùng cảm phục. Chưa được uống rượu với huynh đây chết không nhắm mắt.
Đế Minh nghe vậy lấy làm đắc ý:
- Anh hùng hào kiệt thì lúc nào cũng không thiếu, có chăng là thiếu người biết sử dụng anh hùng hào kiệt mà thôi.
Ba người nói chuyện hồi lâu Đinh Quang Nhất cáo từ lui về. Nhà vua cùng Bành Tháo tắt đèn lên giường đi ngủ. Đến gần nửa đêm, nhà vua vẫn còn chập chờn. Đang lúc nửa tỉnh, nửa mơ bỗng thấy một cô gái đẩy cửa bước vào, đứng bên cạnh giường nhà vua, vừa khóc vừa nói rằng:
- Muôn tâu bệ hạ, thiếp là một thần dân của bệ hạ. Thiếp chờ đợi bệ hạ đến đây đã lâu lắm rồi. Ngày nay được gặp, mong bệ hạ giúp cho một việc.
Đế Minh thấy người con gái ăn mặc giản dị, làm da trắng hồng, đôi môi mộng tựa trái chín, dáng người thon thả uyển chuyển thướt tha như cành liễu bên hồ. Có điều nhà vua không khỏi ngạc nhiên khi toàn thân nàng ướt sũng, tỏ ra lạnh lẽo vô cùng. Đế Minh hỏi:
- Ngươi đến đây gặp ta nhờ giúp đỡ điều gì? Tại sao nàng lại ướt sũng như vậy?
- Muôn tâu bệ hạ, thân hình thiếp ướt như vậy vì đã hai năm rồi phải nằm dưới nước, không được vớt lên bờ, phải chịu lạnh lẽo quanh năm. Thiếp đến đây nhờ vả bệ hạ cũng vì chuyện đó.
Nhà vua lại hỏi:
- Vậy thì ta giúp được gì cho nàng?
- Thiếp là một người con gái nhà nghèo, có chút nhan sắc, nên tiếng đồn bay xa, được nhiều người biết đến. Nhưng hồng nhan bạc phận, chưa kịp hưởng được lạc thú trần gian thì tai ương ập đến. Thiếp bị người ta bắt đi, hãm hiếp cho đến chết rồi đem xác dấu xuống hồ nước gần đây cho nên quanh năm phải chịu cảnh lạnh lẽo khổ sở như vầy.
- Người gây ra tội ác đó là ai, nàng nói ra, ta sẽ bắt trị tội, trả lại sự công bằng?
Người con gái ấy vừa khóc vừa nói:
- Tên gây ra tội ác ấy bệ hạ không trị tội hắn được đâu. Hắn chính là long cung thái tử. Việc ấy thổ địa, hà bá ở đây điều biết. Đó là tội lớn theo luật thiên đình, nên thổ địa, hà bá không dám tiếp nhận thi thể nạn nhân, e rằng sau này phải chịu lây trách nhiệm. Còn họ tố cáo thì sợ mích lòng thái tử. Vì vậy mà thể xác của thiếp vẫn còn tươi nguyên không hoà nhập được vào thuỷ thổ. Đó là lý do hồn thiếp không được siêu thoát, quanh năm lạnh lẽo ở chốn thâm sơn.
- Cuối cùng thì nàng cần ta giúp đỡ điều gì?
- Muôn tâu bệ hạ, thiếp xin được bệ hạ xuông chiếu chỉ, lệnh cho thổ địa cho phép thiếp có được nấm mồ nơi khô ráo ấm cúng là được, không mong gì hơn.
Nhà vua hỏi:
- Ta làm sao ra chiếu chỉ cho thổ địa được?
- Đất đai là của vua, núi rừng là của vua, sông hồ cũng là của vua. Bệ hạ ra chiếu chỉ, đốt đi, lấy tro hoà vào nước, rải trên đất ắc thổ địa sẽ tiếp chỉ mà thi hành. Xác thiếp nằm ở cuối con suối này, giấu trong hốc đá xin bệ hạ vì thương dân mà giúp đỡ thiếp.
Bên ngoài có tiêng gà gáy, nàng đó bỗng nhiên tan dần theo mây khói, đúng lúc nhà vua giật mình thức giấc. Đế Minh không ngủ được, ngồi dậy chong đèn chờ trời sáng. Tiếng gà gáy mỗi lúc càng nhiều…
Rạng ngày hôm sau, nhà vua còn đang vẩn vơ suy nghĩ về giất mơ đêm qua thì xảy có Đinh Quang Nhất xin vào vấn an ngọc thể. Đợi cho Quang Nhất ngồi vào vị trí, nhà vua hớp một ngụm nước trà rồi hỏi rằng:
- Người trong giất mơ mà khanh đã gặp trước đây có phải là cô gái tuổi độ hai mươi, vóc người thon thả, mắt phượng mày ngài, da trắng như ngọc, mặc bộ áo quần ướt sũng, luôn ca thán là bị lạnh lẽo phải không?
Quang Nhất tròn xoe đôi mắt, ấp úng như người mắc bệnh kinh phong:
- Tâu… đích thị rồi… Sao bệ hạ…?
- Đơn giản là trẫm cũng có giất mơ tương tự như khanh vậy.
Bàng Tháo lúc này không nén nổi tò mò vội xen vào:
- Tâu bệ hạ, thị gặp bệ hạ có báo mộng gì chăng?
- Tất nhiên là có. Trẫm phải ở lại đây thêm vài ngày nữa mới được. Mọi việc các khanh từ từ khắc biết.
Liền ngay sau đó Đế Minh cho lập bàn thờ, nhang khói hoa quả đầy đủ ngay gần con suối. Đích thân nhà vua khấn vái một hồi rồi sai hai mươi quân lặn giỏi, xuống suối tìm kiếm, sục sạo khắp nơi suốt cả canh giờ không tìm gặp thứ gì. Sau đó Đế Minh sai người đem bút mực, bèn thảo một tờ chiếu rằng:

Trẫm là Đế Minh đương kim hoàng đế
Giữa đường gặp chuyện trái ngang
Nay có chiếu chỉ cho thổ công, hà bá:
Người sống phải có nhà, có đất
kẻ chết phải có mồ, có mả
Trên theo ý trời
Dưới thuận đạo lý
Mọi điều oan khuất phải được tường minh
Khắp nơi sạch nỗi oán hờn ca thán
Chiếu đã ban ra, bất tuân phải tội

Chiếu viết xong, nhà vua tự tay đốt đi, hoà với nước rồi rắc đều trên đất.
Chỉ một lát sau quân sĩ đã vớt được xác chết một cô gái, tuổi trạc hai mươi, làn da còn tươi roi rói. Nhà vua liền ra lệnh cho quân sĩ chặt cây, làm thành một cái hòm độc mộc, cho xác cô gái vào trong, sau đó khiến quân sĩ đào huyệt chôn cất tử tế. Công việc xong xuôi, trời cũng vừa chập tối. Nhà vua đành ở lại chốn núi rừng thêm một đêm nữa.
Đêm ấy Đế Minh lại mơ thấy người con gái nọ đến cảm tạ, trước khi đi, nàng không quên nhắc nhở:
- Tâu bệ hạ, Linh hồn thiếp nay được thanh thản ra đi, không còn gì vướng bận. Nay việc oan khuất đã được đưa ra ánh sáng, thái tử Long Cung ắc chẳng vừa lòng. Thiếp mong bệ hạ cẩn thận đề phòng lòng dạ kẻ đen tối.
Nói xong nàng biến mất. Nhà vua tỉnh giất, tức giận hầm hầm:
- Trẫm là thiên tử, hà tất phải sợ kẻ tiểu nhân!
Nhà vua đập tay xuống giường đánh sầm một tiếng. Bàng Tháo đang ngủ, giật mình tỉnh giất, chẳng rõ đầu đuôi, nhảy xuống khỏi giường dập đầu lia lịa:
- Thần đáng tội chết… Thần đáng tội chết…
ĐINH VĂN HÙNG

Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2009

Tản bút HẢI SƠN

BAO GIỜ HẾT NỢ ?

Năm nào cũng vậy , hễ chuẩn bị tết đến mọi thứ lo toan lại đè nặng . Bao thứ nợ trỗi dậy không tên, không giấy, hiển hiện chồng chất lên nhau không bao giờ trả hết. Nợ tiền, nợ bạc, nợ áo cơm cho con, gia đình, họ tộc . Nợ tình, nợ nghĩa bà con chòm xóm sớm hôm tối lửa tắt đèn , lúc sa cơ lỡ vận được họ chở che. Nợ bạn bè cưu mang , đùm bọc lúc mặn nhạt, đói lòng. Ta còn nợ những nhát cuốc đào, để cho mầm cây đâm chồi nẩy lộc. Nợ những người ngã xuống hôm qua, đổ cả máu xương cho hôm nay đất nước trọn vẹn tươi thắm nở hoa. Nợ người lính biên cương, hải đảo xa xôi ngày đêm canh giữ bẩu trời cho xóm làng yên bình, hạnh phúc…Cứ nghĩ đến những món nợ khổng lồ. Nợ ân tình, nợ người, nợ đất nước, nợ tổ quốc, họ không đòi nhưng lòng ta lại ray rứt, nhức nhối, bàng hoàng . Biết đến khi nào ta còn đủ sức để trả . Trả một lần, trả nhiều lần không xong . Thì ngày trả, tháng trả, năm trả , đời đời phải trả .Không trả hết, con ta, cháu chắt ta dứt khoát phải trả . Ta luôn khắc sâu tấm lòng ơn huệ của Đảng, nhà nước, của nhân dân. Tấm chân tình của người cho ta nợ triền miên, cho ta cơm no, áo mặt, được học hành, được việc làm cống hiến , được sức vẫy vùng, thoả chí tang bồng. Được đắm mình trong tổ quốc tự do thì dẫu cho món nợ kia trả mãi, trả mãi ta cũng cam lòng.Đất nước bình yên đã qua ba mươi ba năm thay đổi, trưởng thành. Ba ba mùa xuân đầy ắp niềm tin, nghị lực. Đầy ắp trăn trở, suy tư, thẳng tiến trên con đường phát triển . Những ai đang sống trong nhung lụa giàu sang, gia đình êm ấm , con cái đề huề, tộc gia bền vững , phải nhớ đến món nợ ân tình kia mà trả . Nợ nhiều trả nhiều, nợ ít trả ít. Đừng vong ơn bội nghĩa , chối bỏ đau thương, hào hùng của dân tộc, dẫm lên quá khứ, chà đạp lên công sức của biết bao thế hệ đã đem lại cho ta cuộc sống phồn vinh thịnh vượng , điều đó nó đồng nghĩa với sự phỉ báng chính mình, xúc phạm đến các anh linh đã hy sinh cho tổ quốc.Hãy nhận lấy trách nhiệm thiêng liêng và hành động bằng nghĩa cử cao đẹp đối với những gì ta đang nợ . Bất cứ nơi đâu khi nhân dân, tổ quốc cần, ta làm với việc làm thiết thực , vô tư, cởi mở thì lòng ta cũng vơi đi gánh nặng nợ nần , cho dù món nợ mãi mãi ăn sâu vào tiềm thức , không thể quên đi.Một mùa xuân nữa đã về xin cám ơn Đảng, Nhà nước, cám ơn nhân dân, cám ơn bè bạn, bà con xóm làng, gia đình họ tộc đã cho ta nợ món nợ ân tình . Dẫu biết rằng có trả mãi, trả mãi cũng không bao giờ hết ./.

(theo tranhaison1962.blogspot.com)

Một giọng thơ mới

https://thanhnien.vn/mot-giong-tho-moi-me-tram-vang-tu-xu-do-ban-185240419093756642.htm