Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

dăn quá...

Câu hỏi cho một số bạn phóng viên “văn hoá”

Các bạn ạ, mấy hôm nay hoang mang quá, tôi bèn giở từ điển tiếng Việt ra, thấy có cả thảy năm nghĩa về “văn hoá”:

1. Tổng thể giá trị vật chất tinh thần do con người sáng tạo trong quá trình lịch sử.

2. Những hoạt động của con người nhằm làm thoả mãn nhu cầu đời sống tinh thần.

3. Tri thức, kiến thức khoa học.

4. Trình độ cao trong sinh hoạt xã hội, biểu hiện của văn minh.

5. Nền văn hoá của một thời kỳ lịch sử cổ xưa, được xác định trên cơ sở một tổng thể những di vật tìm thấy được có những đặc điểm giống nhau.

Tôi hoang mang là vì tất cả các mục có tên gọi là “văn hoá” trên nhiều tờ báo mạng không hề thuộc khoản nào trong năm mục định nghĩa trên.

Nhưng một người quen tôi bảo, sai rồi, thuộc năm mục cả ấy chứ. Đây này:

1. Cung cấp tin diễn viên, ca sĩ mua xe gì, túi gì, thuộc mục một.

2. Cung cấp tin có gì trong váy của ca sĩ, nghệ sĩ; cầu tiêu nhà nghệ sĩ thì thơm hay hôi đến mức nào… thuộc mục hai.

3. Tìm hiểu nghệ sĩ có bơm ngực bơm mông không, công nghệ nào là thuộc mục ba.

4. Cung cấp tin nghệ sĩ lăng mạ nhau, thắc mắc về mức độ “văn minh” của một số ca sĩ, diễn viên… là thuộc mục bốn.

5. Lâu lâu đăng những bài gần như giống hệt nhau mỗi khi có nghệ sĩ lìa đời (mà khi họ còn sống thì không hề có bài nào cho biết họ đang làm gì, sống ra sao) là thuộc mục năm.

Các bạn phóng viên mục văn hoá ơi, một số nghệ sĩ quen biết nói với tôi rằng ngoài chuyện lù mù về định nghĩa “văn hoá” trên báo mạng, còn vấn đề tác nghiệp cũng không biết có thể gọi là “văn hoá” không.

Thí dụ họ đang đứng trên sân khấu hát (ở tư thế là đã cao hơn đầu các bạn), các bạn đứng bên dưới, chĩa ống kính lên thì làm sao mà họ khép chân cho kịp, thế là thành một bài “lộ hàng”.

Họ đang ở trong toilet, phòng thay đồ, các bạn xông vào, chĩa thẳng, họ cũng không khép chân lại kịp (lại cũng thành một bài “lộ hàng” nốt, nhưng có bạn phóng viên còn hỏi ngây thơ, lộ hàng thật hay lộ hàng giả).

Chuyện họ mặc áo hở ngực hay không mặc áo ngực đi ngoài đường, tưởng chỉ có chồng họ thắc mắc thôi, có ai ngờ các bạn lại quan tâm, đứng sau gốc cây quan sát, rồi cho vào cái gọi là bản tin an toàn giao thông.

Họ giận nhau, chửi nhau trên Facebook, trên blog, chơi đùa hay nghiêm trọng, là chuyện riêng của họ, có ngờ đâu các bạn phóng viên đọc hết, chép lại y chang, thành bài – thêm vào dấu chấm hỏi, bảo thế là có thật không, thế là có văn hoá không?

Rồi lúc họ đang bị vợ bỏ, chồng bỏ, mất của…, thấy có người đưa khăn cho chùi nước mắt, họ mủi lòng khai chuyện, làm sao biết được các bạn đi đăng báo, rồi quay lại mắng họ “rẻ tiền”, mắng là showbiz của họ nhiễu loạn.

Tóm lại tác nghiệp như thế thì gọi là gì bây giờ? Du kích? Tổng công kích? Nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ, người mẫu... chân yếu tay mềm làm sao đỡ nổi sự nhanh nhẹn và mưu trí của các bạn bây giờ?

Tôi thì nghĩ rằng người nổi tiếng phải chịu trách nhiệm hành vi của mình. Ai mượn thay đồ không chốt cửa cho phóng viên xông vào làm chi. Ai mượn đi hát mặc váy ngắn lại đứng gần mép sân khấu có phóng viên rình sẵn làm chi. Ai mượn yêu nhau rồi bỏ nhau, chửi nhau như người thường làm chi… Được lăngxê rồi bị vùi dập là hai mặt gắn bó của chữ “nổi tiếng”, không nên khóc lóc nhiều. Nhưng tôi hoang mang đến nỗi phải tra từ điển là vì bản chất mục “văn hoá” trên các báo mạng hoá ra lại toàn những chuyện như thế. Nếu có nói chuyện nước ngoài thì cũng chỉ đến Lady Gaga mặc gì, Britney chở con không cài dây an toàn, bà Beck chườm chân nước đá vì đi giày cao gót…

Hồi trước đại lễ nghìn năm Thăng Long có bàn nên chôn cái gì xuống đất, nghìn năm sau đào lên còn biết văn hoá đời nay. Nếu căn cứ vào những gì các mục “văn hoá” nhiều báo mạng hay nói tới nhất, nên chăng chôn theo một ít áo hở ngực “bạo”, váy xẻ cao “quá táo bạo”, vài bộ ngực “khủng”, cho người đời sau biết cái gì đang bao trùm văn hoá mạng nước nhà.

(SGTT)

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2011

du phóng

Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2011

Ô Loan của tui...!


Cận cảnh đầm Ô Loan thoi thóp

(Dân Việt) - Những cư dân sống bên đầm Ô Loan (Tuy An, Phú Yên) mười người thì chín người bảo các loại hải sản trong đầm hiện nay chỉ bằng 1/10 so với 30 năm trước.

Nhiều loài đã gần tuyệt chủng như cá lẹp (năm ngoái chỉ bắt được 2 con), đến sò huyết - sản vật quý giá nhất của đầm Ô Loan cũng mất mùa liên tiếp. Đi một vòng quanh đầm, đâu cũng thấy lưới, nò, lừ giăng kín mặt đầm, bít chặn mọi ngả, cá tôm cạn kiệt cũng là điều dễ hiểu.

"Trước đây, lấy đá sáng (ném) cũng được cá, giờ thì đến kiếm cá cho nhà ăn cũng khó" - ông Phạm Đình Trọng ở thôn Tân Long, xã An Cư chỉ vào mâm cơm gia đình chỉ có một nồi canh cải lõng bõng và thở dài...

Đầm Ô Loan đẹp như tên nó - con chim phượng sải cánh, bao đời nay rộng bụng nuôi sống hàng ngàn hộ dân quanh vùng, cũng là “cái nôi” cho cá tôm nước ngọt, nước mặn tìm về trong mùa sinh sản. Con người hôm nay đã quá tham lam để không chỉ khai thác đầm đến cạn kiệt mà còn phá hoại nó đến mức khó phục hồi.

Rác thải sinh hoạt đổ trực tiếp xuống đầm.
Nuôi tôm dày đặc trên mặt đầm là một thủ phạm gây ô nhiễm nguồn nước.
Những gia đình sống bên đầm Ô Loan phần lớn là những hộ nghèo. Họ chỉ biết trông chờ vào việc đánh bắt để sống qua ngày.
Những loại lưới có mắt quá nhỏ đã góp phần làm suy giảm các loại hải sản.
Mẻ cá sau gần một ngày lao động của ngư phủ tên Hải.
Bữa cơm không tôm, cá của gia đình ông Phạm Đình Trọng (thôn Tân Long, xã An Cư).

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

mệt...

Nữ quái My “sói” trút tâm sự vào… thơ

Nữ quái My “sói” trút tâm sự vào… thơ

HƯƠNG SƠN

NVTPHCM- “8 tháng rồi, chưa một ngày nào cháu không khóc vì sự ngu xuẩn của mình. Nhiều khi cháu buồn đến chết đi được, chả biết làm gì chỉ biết hét lên”.


Nhìn My "sói" lúc này, giống như một đứa bé gái 15 tuổi ngây thơ, chứ không giống thủ lĩnh của đám đầu đường xó chợ, dám gây ra một loạt vụ án “hiếp dâm, cướp tài sản” khiến dư luận kinh hoàng hôm nào. Nó nằm bò ra bàn, hì hụi viết trên cuốn sổ của tôi những câu thơ mà nó mới sáng tác trong một đêm mất ngủ. Tôi ngồi ngắm nó không chớp mắt. Phải nói là nó rất xinh, cặp mắt u uẩn khiến người đối diện nao lòng.

Nó tết hai chữ “cô đơn” trên chiếc nhẫn tự làm bằng mảnh nilon rách. Một đứa trẻ chợt nhận ra mình cô đơn giữa thế giới này, hẳn đứa trẻ ấy có nhiều ẩn ức lắm.

Chủ tịch bang “fê fa hội”

Nữ quái tuổi teen My "sói" líu ríu theo chân cán bộ trại giam ra gặp chúng tôi. Hôm nay, điều tra viên đến tống đạt bản kết luận điều tra vụ án “hiếp dâm trẻ em, cướp tài sản” mà nó cùng đồng bọn gây ra. Mỗi lần được đi cung, nó mừng lắm, vì nó được ra khỏi buồng giam, được thỏa sức ngắm cây cỏ hoa lá, mỗi lần như thế nó lại hát véo von. Nó hát khá hay và hát khá tự nhiên. Lãnh đạo Trại tạm giam số 1 Hà Nội đồng ý để chúng tôi tiếp xúc với My “sói”.

Nó tò mò nhìn chúng tôi, nửa muốn hỏi “các cô là ai” nhưng lại không dám. Tôi khen nó xinh, nó cười hì hì. Mái tóc không cắt, không nhuộm, rối một cách tự nhiên khiến gương mặt nó càng hoang dại. “Cháu để tóc dài và đừng nhuộm như thế này đẹp đấy!” – tôi nói. “Trước đây cháu toàn cắt kiểu Tomboy, nhuộm đỏ” – nó trả lời rồi lại cười. “Cô biết rồi, nhìn ảnh cháu trên blog ngầu lắm”. Mặt nó thoáng buồn, nó hỏi tôi dồn dập: “Cô ơi, blog của cháu từ hồi cháu bị bắt như thế nào rồi ạ? Có nhiều người vào không cô?”. “Nhiều lắm, cô cũng vào blog của cháu nghiên cứu đấy”. “Thế ạ! Có nhiều người chửi cháu không ạ?”. “Nhiều. Người chửi cũng nhiều mà người động viên, chia sẻ, thông cảm cũng không ít. Có người còn để lại số điện thoại, nhắn cháu sau này được ra ngoài thì gọi, anh ấy sẽ giúp đỡ nếu cháu thực sự muốn sống lương thiện”. Nhưng mọi người mới biết blog “hihihaha” của cháu thôi, còn blog có tên khác cháu viết nhiều hơn cơ”. My vui hẳn, hình như là tôi đã chạm đúng mạch chuyện mà nó thích.

Trên cái blog mà nó nói “không ai biết”, nó cho tôi địa chỉ cùng với lời giao ước “không được nêu địa chỉ blog lên báo” ấy, tôi tìm vào đọc và bất ngờ trước những tự sự của một đứa trẻ 14 tuổi (thời điểm nó bị bắt) với những triết lý sống cực kỳ trải đời, già dặn: “Một người sau khi bị ngã… lúc đứng dậy được thì người ta mạnh mẽ hơn cả… Một người sau một lần đau… là một lần trái tim người đó thêm chai sạn và trơ lì…

Một người sau một lần nói dối… thì có nghĩa là lòng tin tưởng không bao giờ còn có thể nguyên vẹn… Một người sau một lần chết… sẽ biết ý nghĩa đích thực của cuộc sống…. Một người sau một lần sống hết lòng… thì bất giác sẽ không còn cho ai là tất cả nữa…”. Nó viết những lời ấy vào lúc nửa đêm, đó là khoảng lặng trong một ngày đủ để người ta cảm nhận rõ rệt nhất sự đau đớn và trống trải. My cởi chiếc nhận được làm bằng mảnh nilon rách, trên đó nó tết hai chữ “cô đơn”, tôi hỏi, sao không là một chữ khác, ví như “yêu anh”, “nhớ mẹ”, “hận tình” hay gì gì nữa mà lại là “cô đơn”, My cúi đầu, rất lâu nó mới lí nhí: “Nhiều lúc cháu cảm thấy lạc lõng giữa cái thế giới này…”.

Còn ngày thường, nó lại sống đúng với bản chất hoang dã của một con sói hoang. My kể: “Cháu có nhiều anh chị xã hội, suốt ngày họ lên sàn. Cháu đánh bất cứ đứa nào “láo” mà “anh chị cháu” ghét”. Thực ra, đám “anh chị xã hội” của My thường “chăn” những cô gái trẻ, khi những cô này không nghe lời, ngay lập tức My sẽ nhận nhiệm vụ “làm luật” (đánh đập). Sau này, trên bước đường giang hồ, My đã vận dụng đúng bài mà các anh chị xã hội của nó đã sử dụng để ép các cô gái mới lớn “chăn” được qua mạng đi bán dâm. Chỉ có điều, nó chưa kịp thực hiện việc bắt họ bán dâm thì đã bị Công an phát hiện. Tự dưng tôi lại nghĩ, việc nó bị bắt sớm như thế này (dù môi trường trại giam thật không hợp với tuổi 15 của nó) có thể lại là một may mắn.

Giờ này còn ở ngoài, với sự cổ vũ nhiệt tình của bạn bè cộng với bản tính hoang dã của mình, chắc chắn những vụ án nó cùng đồng bọn gây ra còn phức tạp hơn nhiều. Chỉ cách hôm bị bắt chưa đầy một tháng, nó lên mạng kêu gọi bạn bè vào một cái hội ăn chơi có tên “fê fa hội” (phê pha hội). Tiêu chuẩn để trở thành hội viên không có gì đặc biệt, nhưng phải “đi off” được thường xuyên, lợi ích khi vào hội là được “đi bù khú và… đi đú”. Hỏi nó đi lắc mấy lần rồi, nó cười “không nhớ được” Cái nick mà nó thường xuyên dùng để chat với bạn bè, thoáng nghe đã thấy sặc mùi anh chị: “Congai_anduong_lamvuong_lamtuong” (Con gái An Dương làm vương làm tướng). My kể, nó học trường An Dương, hồi xưa cũng hay bị các chị “nhìn thấy ghét” nên bị ăn đòn suốt, sau này nó có nhiều “anh chị xã hội” rồi, nó cóc sợ đứa nào nữa, chính một trong các nạn nhân của nó và đồng bọn trước đây từng đánh nó nhiều lần nên đã bị nó dàn trận trả thù.

Làm thơ những khi buồn

Ở trong này, My ăn cơm cùng một cô bé bị bắt về tội ma túy. Nó ít tuổi nhất trong 5 người cùng phòng. Có thức ăn gia đình gửi vào, hai đứa đều chia cho nhau. Lần đầu sau rất nhiều năm sinh hoạt vô tổ chức, nó biết thế nào là ăn ngủ đúng giờ, thế nên nhìn nó béo hơn, trắng hơn, đôi mắt cũng không còn quầng thâm như hồi mới bị bắt. “Bố mẹ cháu cứ hai tuần lại gửi thức ăn một lần. Bố mẹ cháu gửi thịt gà, ruốc, lạc rang, nói chung là cháu ăn uống thoải mái nhưng sợ nhất là không có thông tin bạn bè, chẳng biết chúng nó giờ thế nào…”.

Tôi kể với nó rằng, một trong hai đứa bạn gái thân nhất của nó giờ đã làm mẹ, nó tròn mắt ngạc nhiên: “Thế hả cô, cháu tưởng nó bỏ cái thai đi rồi, hóa ra lại để đẻ à?”. Nó kể, còn một đứa bạn gái khác, con nhà giàu có, rất thân với My, hễ khi nào nhận lệnh “đi off” là sẵn sàng khoác ba lô lên đường theo My. Cả My “sói” và những đứa bạn đã sống một cách rất bản năng, rất hoang dã như không cần biết trên đời này mình còn có một gia đình. Vào trong này rồi, nó ngẫm ra nhiều điều, ân hận thì khỏi nói, cứ gọi là ngút ngàn, trong những lúc ngấm tới tận cùng các hành động ngu xuẩn mà mình đã làm, My “sói” đã viết: “Vạn lý vạn ly chia ly/ Nhan hồng bạc phận biết về đâu/ Nữ sinh cao quý giờ lao lý/ Tim hồng nhỏ máu lòng quặn đau”. Nó làm nhiều bài thơ, theo kiểu thơ con cóc, lời lẽ ngô nghê, không theo trật tự nào, nhưng nó bảo, đấy là tâm sự thật lòng của nó, mà những khi buồn nhất, nó trút hết cả vào thơ.

Tôi đã nhắc đến khá nhiều lần trong câu chuyện của mình với My “sói” cái tên Trịnh Thăng Long – kẻ cùng với nó lên kế hoạch trong các phi vụ làm ăn và cũng là “chồng” (theo cái cách gọi người yêu kiểu teen hiện nay), nhưng thật lạ là không thấy nó hỏi thăm thằng Long một câu nào. Thực ra, Long “Bin” cũng không phải mối tình đầu của My, trước đó nó đã yêu rồi, cuộc tình trước khiến nó tốn khá nhiều nước mắt, sau này nó gặp Long và mối tình của nó với Long “Bin” từ lúc quan, yêu cho đến khi bị bắt mới tròm trèm hai tháng. Nhưng chỉ bằng ấy thời gian cũng đủ để nó nếm mùi hận tình khi nó phát hiện Long “Bin” phản bội, lừa nó ngủ say để mò xuống thực hiện hành vi đồi bại với một nạn nhân. “Nó khai với các chú Công an trước mặt cháu như thế, cháu cảm thấy bị phản bội và hận vô cùng” – My nói.

“Thế bây giờ cháy còn yêu nó không?” – tôi hỏi. “Cháu thề với cô là vào trong này cháu không nghĩ đến nó một phút nào. Hình như cháu chỉ nghĩ về nó khoảng 1 tháng gì đó” – My “sói” trả lời và lại cười hờ hờ. Nói thì nói thế thôi, nhưng nó vẫn muốn nhắc đến thằng “chồng” đáng ghét của nó rằng, dù sao thì chuyện đã rồi, bây giờ chỉ còn cách cải tạo tốt để sớm được về thôi. Nghe nó nói mà thấy đắng lòng, một đứa trẻ đã biết đến cảm giác hận tình, hận đời, vậy thì không hiểu nó sẽ sống ra sao, đối xử thế nào với cuộc đời còn dài dằng dặc phía trước?

Ở mục thông tin cá nhân, nó tự nhận là sói đã thành tinh, trường học thì nó ghi là trường đời. Nếu chỉ chứng kiến những việc nó làm và đọc những entry lếu láo, hẳn người ta sẽ hình dung ra một My sói hung ác, trơ tráo và đáng ghét, nhưng hãy nói chuyện với nó, đọc những dòng tâm sự nó viết vào ban đêm, khi xung quanh bạn bè đã ngủ hết, còn ở ngôi nhà nào đó, mẹ và bố nó cũng đã vun vén cho hạnh phúc riêng của mình, con sói hoang là nó bị bỏ quên, sẽ thấy một My sói khác thật đáng thương.

Dù sao nó cũng mới chỉ là đứa trẻ chưa tròn 15 tuổi. Sinh nhật nó năm ngoái, nó cùng bạn bè bù khú tới sáng, còn năm nay, nó sẽ đón sinh nhật tuổi 15 trong trại giam. Không nến, không hoa, tất nhiên không nhạc, không thuốc lắc những có lẽ là một sinh nhật đáng nhớ nhất trong cuộc đời. Không biết hôm ấy nó sẽ làm gì và nghĩ gì nhỉ? Nhưng chắc chắn, nó sẽ hét, không phải một bài não tình, mà một bài hát về gia đình, nó sẽ hát tặng mẹ, tặng bố. Với nó bây giờ, bố mẹ quan trọng biết chừng nào. My ngậm ngùi: “Ở trong này, lúc nào cháu cũng cầu chúc cho bố mẹ cháu rằng, cái My giờ đã biết tự lo cho bản thân, nó đang rất là ân hận, vì không nghe lời bố mẹ mà ra nông nổi này. Hãy nói với bố mẹ cháu là cháu rất yêu và nhớ bố mẹ nhiều…”.

Trong cuốn sổ của tôi, My đã viết những câu thơ tự làm tặng bố mẹ, kèm theo một dòng chữ rất to tròn: “Con rất muốn được sà vào lòng bố mẹ, để được ôm hôn và nói những lời ngọt ngào đến với bố mẹ. Hôm qua trời mưa to, con gửi lời vào gió nhắn đến cho bố mẹ những lời an lành nhất…”.

Nguồn: Cảnh Sát Toàn Cầu

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

trí thức, thế lực...

Đối đầu với Bá Kiến

Người dân Đại Hoàng kể lại, khi truyện Đôi lứa xứng đôi được in ra, có người đến mách với nghị Bính. Nghị Bính nổi giận và đe sẵn sàng bán đi vài chục mẫu ruộng để cho nhà văn đi tù. Nhưng nhà văn vẫn sống đàng hoàng ở làng và nghị Bính lại càng nể sợ…

Ngôi nhà của “Bá Kiến” còn lưu giữ đến ngày nay.

Nằm khuất trong một xóm nhỏ của làng Đại Hoàng hôm nay, có một ngôi nhà xưa hoang vắng, cửa đóng im ỉm suốt ngày. Người dân trong làng cho hay ngôi nhà ấy là của ông “Bắc kỳ nhân dân đại biểu” Trần Duy Bính, thường gọi là nghị Bính khét tiếng lắm vợ, nhiều của một thời. Ông Bính là chất liệu thực tế để nhà văn Nam Cao xây dựng nên Bá Kiến trong Đôi lứa xứng đôi.

Ngôi nhà bảy đời

Về sự tích ngôi nhà này, người dân làng Đại Hoàng còn có tên gọi khác nữa là “nhà bảy đời”. Nguyên do là từ năm 1998, sở Văn hoá – thông tin Hà Nam đã mua lại ngôi nhà của nghị Bính từ tay cháu ông cai Hậu, một người dân làng Đại Hoàng đi Tân thế giới trở về Việt Nam từ năm 1962. Theo ông Trần Hữu Tá, 58 tuổi, hàng xóm của nhà nghị Bính thì ngôi nhà hiện nay khi đến sở Văn hoá – thông tin Hà Nam quản lý thì đã qua bảy đời chủ. Người con của nghị Bính khi bán nhà cho ông cai Hậu là ông T. nay đã chuyển đi xa.

Cụ Trần Hữu Ái, 87 tuổi, cũng là hàng xóm của nhà nghị Bính trầm ngâm cho tôi hay, ngôi nhà này được coi là “tổng hành dinh” của sáu dinh cơ vệ tinh khác. Trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao, nghị Bính được coi là hình mẫu của Bá Kiến. Nhưng Bá Kiến trong truyện thì chỉ có bốn vợ, ngoài đời thực thì nghị Bính có tới sáu vợ, mỗi vợ một dinh cơ riêng. Với nhiều mánh khoé làm giàu, bóc lột đàn em trong làng, gia đình nghị Bính có mười mẫu ruộng thượng đẳng điền chuyên phát canh thu tô.

Ông Ái nói rằng, chẳng những anh Chí thời ấy làm tay sai đi đòi nợ thuê cho nghị Bính mà còn nhiều người khác lúc cùng đường cũng phải làm tay sai cho ông ta để kiếm miếng cơm manh áo. Ở trong làng, nghị Bính được coi là giàu nhất, nổi tiếng nhất với danh “ông nghị” nhưng cách kiếm tiền thì cũng không khác bốn cánh Bát Ngọ, Đội Tụ, Nhất Hợp và Lý Bật, đó là cho vay nặng lãi, bóc lột bằng sưu thuế, bắt phu.

Theo các cụ cao niên hiện còn sống ở Đại Hoàng kể lại rằng, sau khi truyện ngắn Đôi lứa xứng đôi được in trên Hà Nội, khi ấy, phong trào chống cường hào áp thuế, chống hủ tục nông thôn ở Đại Hoàng đã bùng lên khá mạnh, Nam Cao có mang sách về làng cho lớp thanh thiếu niên lúc đó đang được học lớp truyền bá quốc ngữ. Mọi người truyền tay nhau đọc râm ran ở xóm Đền và xóm Cổng Xây. Ai cũng bảo nghị Bính giống như Bá Kiến. Trong một dịp tụ tập ở đình làng, có người đến báo với nghị Bính rằng Nam Cao viết chuyện của làng đem bêu riếu thành sách. Nghị Bính đe sẽ vứt đi vài chục mẫu ruộng để đưa nhà văn Nam Cao đi tù.

Ông Trần Hữu Đạt kể lại rằng, trong một bữa cỗ ở làng, nghị Bính đã chủ động đến gặp cụ Trần Hữu Huệ, bố của nhà văn Nam Cao và ông Đạt, nói mát mẻ: “Ông bà sinh được người con hay chữ quá, học cao để viết sách chửi làng thì có ích gì. Sẽ có ngày tôi cho gô cổ lại”. Cụ Huệ cười, nói: “Các con tôi đã lớn khôn, chúng biết chúng phải làm gì”, làm nghị Bính càng căm tức.

Cũng theo ông Đạt, trong mấy năm ngắn ngủi theo nghiệp văn chương, Nam Cao đã lấy đa phần là nguyên mẫu của người làng Đại Hoàng. Đặc biệt, trong tiểu thuyết Sống mòn, 90% là nguyên mẫu thật, nhân vật trong truyện toàn là những anh em, họ hàng… trong gia đình, kể cả vợ con. Khi cuốn Sống mòn được in vào năm 1956 và khi đó Nam Cao mất rồi nhưng cô Phượng (trong tiểu thuyết tên là Oanh), có một thời là thư ký uỷ ban xã Đại Hoàng, vẫn còn hậm hực bảo với ông Đạt rằng “sao chú Tri lại viết về tôi như thế”, mãi sau mới nguôi ngoai.

Đối mặt

Ông Đạt cười mà rằng, nghị Bính chưa kịp ra tay thì Nam Cao đã… “ra đòn”. Số là một người bạn cùng học với Nam Cao khi ấy được bổ nhiệm là quan tư pháp của huyện nhà. Khi truyện Đôi lứa xứng đôi được in, Nam Cao đi từ Hà Nội về cũng ghé qua gửi tặng bạn. Dịp tết Nguyên đán năm ấy, các lý dịch kỳ hào của làng Đại Hoàng theo lệ phải lên huyện lễ tết quan trên. Khi chức dịch của làng vào công đường, quan tư pháp mới hay là họ cùng với quê Nam Cao, ông ta mới gửi lời hỏi thăm và gửi quà tết cho gia đình nhà văn. “Tết năm ấy, lý dịch đến chơi nhà tôi đông lắm, riêng nghị Bính không đến nhưng tỏ vẻ ngại ngùng. Họ tranh nhau kể chuyện quan huyện gửi lời thăm hỏi tận tình thế nào, chỉ khổ bà chị dâu tôi phải đun nước tiếp khách, còn ông anh tôi thì cứ tủm tỉm cười”, ông Đạt nói.

Ông Trần Hữu Đạt cho hay, trong ngày tổng khởi nghĩa 19.8, từ Đại Hoàng, Nam Cao dẫn đoàn thanh niên, trong đó có cả em trai mình là Trần Hữu Đạt tham gia cướp chính quyền huyện Lý Nhân. Chính Nam Cao là người soạn diễn văn cho lãnh đạo Việt Minh trước buổi lễ ra mắt chính quyền huyện Lý Nhân, trong khi đó vị quan tư pháp, bạn cùng học với Nam Cao, đã dông tuốt về Hà Nội. Sau đó, Nam Cao về làng tham gia công tác địa phương và giữ chức vụ chủ tịch uỷ ban hành chính kháng chiến xã Đại Hoàng. Khi Nam Cao nhậm chức được vài ngày, trong lúc dẫn dân quân đi tuần trên đường có gặp nghị Bính. Ông này đã đứng nép vào bên đường, chắp tay chào ông chủ tịch của chính quyền mới. Nam Cao đứng lại, ôn tồn chào hỏi nghị Bính như với một người dân cao tuổi trong làng. Sau Nam Cao thoát ly địa phương đi kháng chiến thì ở làng, nghị Bính vẫn thỉnh thoảng nói chuyện với các ông kỳ mục cũ, ca ngợi Nam Cao là người nhân đức.

Ông Trần Hữu Tá, hàng xóm của nghị Bính, cho biết, khác với cái kết trong truyện của Nam Cao, ông “Bá Kiến” nghị Bính đến cải cách ruộng đất mới chết chứ không phải bị “anh Chí” đâm chết. Con cháu của ông nghị khét tiếng ngày xưa nay ai cũng làm ăn khấm khá, và họ rất ít qua lại thăm ngôi nhà cũ vì đã qua đến bảy đời chủ. Còn làng Đại Hoàng hôm nay, làng Vũ Đại của Nam Cao xưa, nay đã là làng nghề nổi tiếng về dệt vải của tỉnh Hà Nam. Nó còn có nhiều tên gọi nữa như làng đặc sản vì ở đây có ba món nức tiếng toàn quốc: cá kho Vũ Đại, hồng Nhân Hậu và chuối ngự Đại Hoàng.

bài và ảnh: Đỗ Hữu Lực

(SGTT)


Thứ Tư, 23 tháng 3, 2011

cho một cuốn

Trần Nhã Thuỵ lại “vui quá không buồn được”


Nhà văn Trần Nhã Thuỵ

Cuối năm 2009, NXB Phụ Nữ ấn hành tập tản văn Cuộc đời vui quá không buồn được của nhà văn trẻ Trần Nhã Thuỵ. Đầu năm 2011 này, anh tiếp tục “vui quá không buồn được” khi cuốn sách trên được NXB Phụ Nữ tái bản với 2.000 cuốn.

Cuộc đời vui quá không buồn đượclà một câu thơ của nhà thơ Tuân Nguyễn mà nhà văn Trần Nhã Thuỵ tâm đắc lất đặt tên cho cuốn sách của mình. Theo nhận định của nhiều đồng nghiệp, cuốn sách không đơn thuần là tản văn mà còn “mô tả” được văn hoá đọc, văn hoá viết và văn hoá sống hiện nay như những tiểu luận. Sách của Trần Nhã Thuỵ không thuộc “hàng nóng” để trở thành sự kiện ầm ĩ, tái bản liên tục, nhưng giá trị bền lâu từ những trang viết của anh như “mưa dầm” có thể tái bản đều đặn khi “mùa mưa trước” vừa “thấm hết vào đất”.
(NVTPHCM)

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

văn chương phi thường

>> Hoài Anh lâm bệnh nguy kịch

NHÀ THƠ HOÀI ANH

Văn và đời

VŨ DUY CHU

NVTPHCM- “Nói Hoài Anh là nhà thơ là nói cho gọn. Ông còn là nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình văn học, nhà báo nữa. Đây là những cái “nhà” đúng nghĩa, đẹp, sang trọng, lịch lãm, không ai có thể hiểu khác đi được. Ông còn tuyển dịch thơ Anh, Pháp, thơ Đường”.

Năm 1995, tôi ở căn phòng gần hai chục mét vuông gầm cầu thang tầng trệt chung cư 190 Nam kì khởi nghĩa, quận 3, Sài Gòn, nơi mà cả ngày không có một chút ánh sáng trời. Nghe anh bạn cùng chung cư mách rằng nhà thơ Diệp Minh Tuyền đang rao bán căn phòng lầu 6, tôi mua luôn. May quá, vì căn phòng lầu 6 của tôi có hai láng giềng rất tin cậy và nổi tiếng: Căn bên trái cầu thang là phòng vợ chồng Nhà thơ Lê Giang- Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, rẽ phải là phòng Nhà thơ Hoài Anh, rồi đến phòng tôi.

Nói Hoài Anh là nhà thơ là nói cho gọn. Ông còn là nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình văn học, nhà báo nữa. Đây là những cái “nhà” đúng nghĩa, đẹp, sang trọng, lịch lãm, không ai có thể hiểu khác đi được. Ông còn tuyển dịch thơ Anh, Pháp, thơ Đường. Gần đây nhất là hai tác phẩm Bảy thế kỷ thơ tình Pháp (NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2001) và Một trăm bài thơ Đường (NXB Đồng Nai, 2001). Trước năm 1975, khi chưa vào định cư Sài Gòn, ở Hà Nội, ông còn viết cả kịch, chuyển thể kịch bản cải lương. Năm 2003, ông được giải A về nghiên cứu phê bình của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Tờ Tuổi trẻ Chủ nhật TP. Hồ Chí Minh có hồi nhờ ông giữ mục Nhịp cầu tri thức. Đó là chuyên mục giải đáp những câu hỏi cắc cớ của bạn đọc, kiểu tại sao lại gọi là con ông cháu cha mà không gọi là con cha, cháu ông. Hồi đó chưa có cái công cụ tìm kiếm Google như bây giờ…

***

Một bữa nọ Hoài Anh tặng tôi tập thơ tình Thơ – Thư (NXB Trẻ, 2002). Tôi mở sách ngẫu nhiên, trúng ngay bài thơ Đêm, vỏn vẹn hai câu:

Tôi bị ban ngày đánh tử thương

Nhắm mắt vào đêm tôi sống lại.

( Đêm, trang 94)

Phải nói Hoài Anh bị chữ nghĩa hành hạ. Chữ nghĩa như một thứ bùa ngải, thứ thuốc gây nghiện, một con ma ở trong người ông. Ông làm việc như một cái máy từ 9 giờ đêm đến 5-6 giờ sáng hôm sau, nhiều ngày liền như thế. Đêm khuya thức dậy, bao giờ tôi cũng nghe tiếng cóc cóc từ cái máy chữ cổ lỗ sĩ của ông. Ông dùng mẩu bút chì, cán bút bịt giẻ chọc nhoay nhoáy xuống các phím chữ, kiểu mổ cò. Ông bảo gõ bằng các ngón tay nhanh mệt tim lắm, đánh thế này đỡ hơn. Tôi nhìn những tập bản thảo của ông, toàn là những tờ giấy người ta đã dùng một mặt. Nét chữ ông gõ đậm nhạt không đều, có đoạn ông phải dùng bút mực dặm lại, rất khó đọc. Nghe đâu, ông nhặt ở nhà in thứ mực người ta loại bỏ về nhuộm lại các băng mực để dùng.

Hoàn cảnh ông khá đặc biệt. Ông ở một mình, ăn uống, sinh hoạt, đi lại hoàn toàn theo tùy hứng văn chương.

Có bận tôi hỏi ông:

- Bác sinh hoạt giờ giấc ăn uống như vậy, làm sao đảm bảo sức khỏe?

Ông bảo:

- Quen, quen rồi. Cơm thì nấu nồi điện, một lon gạo ăn cả ngày mới hết. Đói lúc nào ăn lúc ấy. Thức ăn thì hâm lại. Ăn bao nhiêu đâu em.

Ông chỉ có một chiếc tủ áo bằng gỗ cũ mọt, cánh cửa đã xệ, để chứa sách. Chiếc giường một duy nhất cũng chất đầy sách. Còn ông thì ngủ không cần mùng trên chiếc salon rách, thiếu một chân, kê bằng một chồng gạch. Có lẽ ông là người duy nhất ở Việt Nam không coi tivi, nghe đài. Mỗi sáng đi làm qua phòng ông, tôi thấy ông cởi trần nằm cò queo, cửa mở toang. Ông chỉ khóa cửa khi xuống phố.

Nhưng ông cũng ít xuống phố. Hình như ông cũng ít bè bạn thì phải. Ấy là tôi nghĩ thế, vì ít thấy khách tới thăm ông. Thời buổi @ này, một người không thích ăn nhậu, đàn đúm chỗ đông người, không thích đăng đàn diễn thuyết, không thích tranh luận văn chương, hồn nhiên với cái nghèo như ông thì ít bạn cũng là cái sự không có gì lạ.

Ông hồn nhiên đến độ không biết một mớ rau muống, một kí gạo giá chừng bao nhiêu. Ông đến chợ đưa tiền ra, người ta trả lại bao nhiêu, đòi thêm bao nhiêu, kệ, ông cứ xách gạo muối lững thững đi bộ về nhà.

Khả năng đi bộ của ông có thể sánh ngang với nhà văn Sơn Nam. Hoài Anh không biết đi xe đạp, càng không biết đi xe gắn máy. Ông còn giỏi hơn ông Sơn Nam ở môn leo lầu. Gần 70 tuổi, ông lên 6 tầng lầu một mạch, có người lắc đầu le lưỡi. Trong nhiều lí do ít người tới thăm ông, có thể thêm lí do người ta ngại leo sáu tầng lầu cũng có. Ông không có máy điện thoại bàn, không dùng điện thoại di động, ai dám khẳng định là leo lên tới nơi sẽ gặp được ông.

Đã có những vị khách nhiệt tình lên phòng ông rồi lặng lẽ gài lại mảnh giấy ở cửa. Có người sang phòng tôi để gửi lại lời nhắn cho ông. Mãi sau này tôi mới biết vài người siêng leo lầu ấy là những đầu nậu sách. Họ siêng vì thích làm việc với người cả tin, cả nể, không bao giờ to tiếng như ông. Tôi đã từng nhìn thấy những cuốn sách trinh thám, sách truyện kinh dị, truyện không nên đọc đêm khuya, ông dịch từ tiếng Pháp, tiếng Anh, có thể do các đầu nậu ấy in chăng.

Một bữa tôi bảo ông:

- Em sẽ nối từ máy để bàn nhà em thêm một máy sang nhà bác để bác dùng cho tiện.

Ông vui lắm. Nhưng lại sinh ra một cái bất tiện khác, ấy là ông luôn để kênh máy nên nhiều cuộc gọi đến cho ông và cả cho tôi không nhận được.

Lần khác tôi sang nhà ông chơi, ông than phiền máy bơm nước bị hư từ hôm qua, không có nước pha trà. Thôi chết, tôi chạy vội về kéo ống dọc hành lang phía sau nhà, từ bồn nước nhà tôi đến cái chum của ông. Chỉ một loáng, chum đầy nước.

Tôi bảo ông:

- Bác cứ dùng thoải mái, hết thì mở khóa vòi đầu ống này nhé.

Vậy mà một ngày sau tôi sang, đột nhiên ông hỏi:

- Máy bơm nhà em cũng hư à?

Tôi chạy vội ra chum nhà ông. Khô queo. Chao ơi, ông vắt cái ống dẫn nước lên sào phơi, cao hơn bồn nước nhà tôi gần cả mét rồi mới thõng đầu vòi xuống chum. Thế này thì thôi rồi, tôi… chịu ông.

Ấy thế mà nói đến thơ văn thì ông không hề đãng trí tí nào. Trông ông hoạt hẳn lên, thông thái lạ thường. Ông như một cuốn từ điển sống. Các tác giả lớn Đông Tây kim cổ ông nói vanh vách. Vốn kiến thức phong phú ông có là do tự học hoàn toàn, không hề kinh qua trường lớp nào cả. Ông bảo việc tự học với ông, giống như lượm mót, chậm nhưng chắc chắn, tùy nhu cầu, sở thích mà lựa chọn, nhặt nhạnh cất giữ làm của để dành. Kiến thức giảng đường khuôn phép thật, nhưng bắt buộc phải học rất nhiều điều không thiết thực, phải học thuộc lòng. Thi cử xong rơi vãi vô khối.

Ông bảo năm 1946, ông theo kháng chiến lúc chưa đủ tuổi, phải khai tăng. Vậy mà khi trở về tiếp quản Thủ đô 1954, ông đã trở thành Nhà thơ với những câu thơ hay bât ngờ. Ngay cả bây giờ cũng vẫn là những câu thơ mới lạ, hiện đại:

Một người bạn tôi gặp trong đêm ấy

Ra phố mua một bao thuốc lá

Chín năm sau anh mới trở về nhà

Ta mang ba mươi sáu phố phường đi kháng chiến

Chín năm rừng lòng vẫn nhớ Thủ đô.

***

Hoài Anh là người đa tài và có một sức sáng tạo nghệ thuật dồi dào bền bỉ hiếm có. Ông đã xuất bản chín tập thơ, ba tập tiểu luận phê bình văn học, trong đó đáng nể nhất là cuốn Tiểu luận Chân dung Văn học( NXB Hội Nhà văn,2001). Ông viết trong sáu năm ròng( 1995–2001), gồm 1500 trang, với 114 chân dung văn học, từ Trương Vĩnh Ký giữa thế kỷ 18 đến Lê Anh Xuân, Nguyễn Mỹ thời kháng chiến chống Mỹ. Cuốn sách là nguồn tư liệu phong phú, rất cần thiết cho những người yêu mến văn học sử nghiên cứu, tra cứu.

Năm 2006, ở tuổi bảy mươi, Hoài Anh đã làm sửng sốt bạn đọc. Nhà xuất bản Văn học đã lập kỷ lục in liền một lúc 16 tập tiểu thuyết về đề tài lịch sử của ông( Trong tổng số 20 tập). Ông bắt đầu viết bộ tiểu thuyết đồ sộ này từ năm 1965. Thế là 20 thế kỷ lịch sử dân tộc Việt Nam được ông viết lại, mỗi cuốn ứng với một thế kỷ. Bắt đầu từ thế kỷ thứ nhất, thời Hai Bà Trưng đến cuối thế kỷ thứ 20, thời đổi mới.

Bốn mươi lăm năm, già nửa đời người ông theo đuổi đến kiệt sức để hoàn thành một bộ tiểu thuyết lịch sử có một không hai. Tự nhiên tôi chợt nhớ đến câu “Hữu xạ tự nhiên hương” mà cám cảnh cho hoàn cảnh của ông. Ngày nay, mọi sản phẩm dù tối ưu đến đâu, một chương trình nghệ thuật dù hàn lâm đến đâu, nhà sản xuất kinh doanh cũng dành ít nhất 20-30% trong tổng số tiền đầu tư cho quảng cáo. Sự quảng cáo giống như một trận đánh, nên người ta mới hay dùng cụm từ Chiến dịch quảng cáo. Vậy mà tôi chưa được nghe dư luận khen chê, cũng chưa được biết có một cuộc hội thảo tầm cỡ, qui mô nào của ngành văn, ngành sử về tác phẩm này của Hoài Anh cả. Đó là một thiệt thòi cho những tài năng như ông và cho cả bạn đọc nữa.

***

Cách nay chừng hai tháng, một anh bạn nhà thơ đã lớn tuổi, rất ”mê” Hoài Anh, gọi điện cho tôi hỏi rằng:

- Ông đã nhận được phiếu thăm dò chỗ ông Hữu Thỉnh gửi đề cứ các nhà văn vào danh sách Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật chưa? Nếu nhận rồi thì ông phải nhớ đề cử ông Hoài Anh đấy nhá.

Hai hôm sau anh bạn này lại gọi tôi bảo:

- Ê ông ơi, họ khen thưởng ông Hoài Anh thì họ sang trọng lên ấy chứ. Nhưng khen Hoài Anh bây giờ cũng như không. Tai ông ấy điếc đặc củ tỷ rồi, nghe thấy cái quái gì nữa đâu. Khổ!...

Sài Gòn - 20.3.2011

(nhavantphcm)

Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2011

báo... chí

Nhà báo lập blog để quảng cáo là chấp nhận được!

Đọc bài viết “Nhà báo làm công cụ quảng cáo, nên hay không?” (SGTT ra ngày 19-1-2011), tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả Lan Anh qua ý kiến “bằng việc sử dụng uy tín cá nhân để làm công cụ quảng cáo, họ (các nhà báo) đang thỏa hiệp uy tín của chính bản thân”. Bởi khi phát hiện ra một cây bút tên tuổi, hoặc được yêu mến lâu nay, tác nghiệp chỉ với mục đích trục lợi cho bản thân, công chúng sẽ lập tức ngoảnh mặt và những gì là uy tín cá nhân, danh dự nghề nghiệp… của nhà báo cũng sẽ bị sứt mẻ.

Nguyên tắc hàng đầu trong công việc của người viết báo là phản ánh sự thật một cách trung thực để người đọc có đủ thông tin và đưa ra phán xét riêng của họ. Ảnh: Bạch Dương

Tuy nhiên, nhìn dưới góc độ một người làm kinh doanh, tôi cho rằng hiện tượng một số phóng viên tự lập ra các blog, trang mạng xã hội cá nhân… để làm quảng cáo cho các doanh nghiệp có thể phần nào được chấp nhận.

Xã hội không chấp nhận, hoặc lên án hiện tượng này, vì cho rằng nhà báo đang nhập nhèm giữa trách nhiệm, ảnh hưởng… của người cầm bút đối với công chúng và mục tiêu đạt lợi nhuận của người làm kinh doanh.

Nhằm mục đích kiếm tiền, nhà báo có thể lợi dụng uy tín, ảnh hưởng của mình trên các trang báo chính thống, cả tầm vóc của tờ báo mình đang làm việc để mời chào, thuyết phục, thậm chí o ép doanh nghiệp mua “dịch vụ” trên các trang điện tử cá nhân. Doanh nghiệp chấp nhận “đặt hàng” nhà báo có thể vì nể nang, sợ đụng chạm đến chuyện làm ăn, hoặc thậm chí xem đây là khoản… đầu tư lâu dài cho những chuyện nhờ vả sau này.

Thật ra, những điều vừa nêu chỉ là suy diễn theo chiều hướng… tiêu cực. Còn ở mặt tích cực, chuyện một người, dù ở vị thế nào trong xã hội, bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh cũng đòi hỏi nhiều nỗ lực và tài trí của bản thân người ấy. Chẳng hạn, khi lập blog, mạng xã hội để kinh doanh riêng, nhà báo hẳn có ý thức rằng để tồn tại và phát triển bền vững, “doanh nghiệp” của họ phải làm sao để thu hút và chiếm được cảm tình, sự tin yêu lâu dài của khách hàng. Nói cách khác, sản phẩm và dịch vụ của họ phải đạt chất lượng cần có, đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng mục tiêu, có chiến lược thích hợp để vươn tới những thị trường tiềm năng…

Nếu không có lối tư duy bài bản này mà chỉ biết dựa vào các mối quan hệ, ảnh hưởng cá nhân để mưu cầu lợi ích của bản thân, “chuyện làm ăn” của các nhà báo, dù dưới hình thức nào, cũng sẽ mau chóng phá sản. Bởi lẽ, chuyện đâu đó có nhà báo gạ gẫm, làm tiền doanh nghiệp đều có kết cục là nhà báo đó phải lâm vòng lao lý.

Nhà báo bây giờ cũng không dễ dùng “tài nghệ” của mình để viết những bài báo nói xấu, bôi nhọ, kể chuyện sai sự thật về doanh nghiệp. Bởi công chúng ngày nay rất dễ kiểm chứng những gì báo viết qua nhiều nguồn thông tin rộng khắp; doanh nghiệp cũng không còn quá “yếu mềm, chịu lụy” để không dám “phản pháo” những bài báo thiếu căn cứ; và nhất là các tòa soạn nghiêm túc, đứng đắn, đầy công tâm sẽ không bao giờ thỏa hiệp với chuyện xấu xa này, dù đó là sản phẩm báo chí của người trong tòa soạn, có vị thế nhất định…

Có ý kiến cho rằng việc lập các trang điện tử để kinh doanh là chuyện riêng của nhà báo. Nhà báo sẽ tự chịu trách nhiệm về nội dung thể hiện tại đây và các vấn đề có liên quan. Đây là chuyện… ngoài mặt báo nên các tòa soạn không cần phải quản lý… ngoài giờ phóng viên của mình. Điều này đúng nhưng chưa đủ, bởi lằn ranh mong manh giữa các vấn đề tích cực và tiêu cực vừa nêu. Hơn nữa, phóng viên một tòa soạn dù làm việc… ngoài giờ nhưng nếu công việc vẫn có liên quan đến hoạt động tác nghiệp của phóng viên, đối tượng độc giả của tờ báo, có thể gây ảnh hưởng đến uy tín của tờ báo thì tòa soạn rất cần có những “nút chặn”.

Trước hết, người phóng viên, nếu lập website riêng để kinh doanh, chỉ nên xuất hiện trên trang điện tử cá nhân với một “danh tánh” khác với những bút danh thường sử dụng trên mặt báo. Điều này nhằm tránh gây ra những ngộ nhận, áp lực không đáng có với độc giả của tờ báo và các doanh nghiệp “khách hàng” của người này. Như thế, độc giả của báo vẫn được duy trì niềm tin rằng người viết báo đang phản ánh sự thật một cách trung thực, chứ không tranh thủ uy tín, vị thế của mình để đưa thông tin trục lợi cho bản thân. Các doanh nghiệp sẽ chọn “dịch vụ” của người phóng viên này dựa trên các yếu tố chất lượng, giá cả, tính chuyên nghiệp… chứ không phải tầm ảnh hưởng của người này trên tờ báo.

Song song đó, phóng viên có kinh doanh trang điện tử cá nhân nên được tòa soạn đưa vào diện… kiểm soát thông tin. Cụ thể, bài viết của người này có phản ánh đúng đắn, đầy đủ và khách quan hiện tượng đang xảy ra không, hay chỉ là một dạng thông tin “hỗ trợ doanh nghiệp” nhằm kêu gọi, lôi kéo họ đến với “dịch vụ” của mình. Hoặc ở những bài viết phản ánh tiêu cực, thông tin thể hiện ở đây có nhân nhượng hay bỏ sót ai không, bởi có khi chuyện “đánh” người này mà “cho qua” người kia cũng được làm theo đơn đặt hàng của đối thủ cạnh tranh trên thương trường…

TRẦN VŨ HÙNG

(SGTT)

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2011

gà nhà "đá" nhau

Phạm Ngọc Hiền giải mã Hộp đen báo bão


Nhà phê bình văn học Phạm Ngọc Hiền

Dòng chảy của tiềm thức trong thơ ca(*)

TS. PHẠM NGỌC HIỀN

NVTPHCM- “Nếu chịu khó giải mã những ký hiệu của nó, bạn đọc có thể sẽ tìm thấy hình bóng của mình trong đó. Hộp đen báo bão không chỉ có khả năng đánh thức được những khát khao tiềm ẩn của mỗi người mà còn là một tác phẩm có giá trị đặc sắc về mặt nghệ thuật ngôn từ”.

Con người luôn sống trong sự ám ảnh, dù ít hay nhiều và họ có ý thức được hay không. Từ trong tiềm thức, bật ra những khát khao và trăn trở mà bản thân mỗi người hoặc cả cộng đồng đã từng trải nghiệm. Nó là động lực vô hình chi phối đến nhiều hành động và lời nói của con người. Áp lực đó đối với văn nghệ sĩ rất lớn, nếu không nói ra thì không thể chịu được. Và tác phẩm nghệ thuật trở thành nơi tinh đọng của những dòng chảy tuôn ra từ tiềm thức. Tập thơ Hộp đen báo bão của Phan Hoàng là một trong những ví dụ sinh động nhất.

Nỗi ám ảnh thứ nhất có thể tạm đặt tên là "Thương nhớ đồng quê". Phan Hoàng sinh ra ở một vùng quê nghèo, anh cho đó là điều may vì "kịp thở hơi thở ruộng đồng(....), kịp hát cùng tiếng dế tiếng ve". Sau này, khi "ngọn gió chân quê lạc vào thành phố" và chính thức nhận Sài Gòn làm quê hương thứ hai, tiếng gọi của đồng quê vẫn canh cánh trong lòng thi sĩ:

"thơ đánh thức tôi

tiếng động chân cò lặn lội đêm mưa"

Phan Hoàng vẫn luôn "hướng về nguồn cội", "hướng về Miền Trung tuổi nhỏ". Dẫu biết rằng đó là xứ sở “mưa dầu nắng dãi - xẻ núi vượt đèo" nhưng nơi ấy đẹp như một giấc mơ "xanh màu luỹ tre cổ tích". Cũng như bao làng quê khác ở Việt Nam, nơi đây vẫn còn lưu giữ bóng hình của ngàn năm dân tộc. Suy cho cùng, mỗi người dân thành thị Việt Nam hoặc Việt kiều xa xứ cũng đều lưu giữ trong tiềm thức của mình một nét "chân quê".

Gắn bó với miền quê cổ tích đó là hình ảnh người mẹ tảo tần nuôi con khôn lớn từ những năm tháng chiến tranh. Tác giả ví công lao to lớn và vẻ đẹp thánh thiện của người mẹ như pho sử thi của mỗi dân tộc:

"thơ tôi

dòng sông độc hành từ sử thi đời mẹ"

Nhà thơ thấy mình may mắn vì "kịp mơ giấc mơ thơm bầu vú mẹ". Rồi từ đó, dòng sữa ngọt ngào chảy suốt cuộc đời tác giả. Nỗi nhớ mẹ được "ảnh xạ" trong thơ: "thi ca đến tiếng co giật mẹ tôi đau đẻ". Dù bất cứ nơi đâu, ngay cả ở trên tàu, tác giả cũng nghe thấy hình ảnh mẹ mình: "gió vun vút như lời ru của mẹ - mưa xạc xào giọng tằng hắng của cha"...

Cũng như bao người dân Việt Nam yêu nước khác, tác giả của Phỏng vấn tướng lĩnh Việt Nam thường hay suy tư nhiều về lịch sử đất nước. Anh gọi thế kỷ XX ở Việt Nam là "thế kỷ mang hình phong ba", "thế kỷ như dòng sông và nước mắt - lặng lẽ trôi trong máu lửa hoa hồng". Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước đã trôi qua hơn 25 năm rồi nhưng ngày nào nó cũng được nhắc đến trong cuộc đời thường lẫn trên báo, đài. Đó là sự ám ảnh lớn của cả dân tộc. Những hình ảnh dữ dội của cuộc chiến đã in dấu ấn sâu sắc trong tâm thức của cậu bé Phan Hoàng. Nhà anh nằm dưới tầm đại bác, cách đồn lính Đại Hàn chừng một cây số. Bom đạn đã xuyên những vết hằn trong tuổi thơ anh.

"may mắn tôi thế kỷ nhầm sinh

kịp nấc giấc mơ đôi bờ chia cắt

giấc mơ bom đạn hai mươi năm

bác Bắc cha Nam"

Mặc dù tự cho mình sinh nhầm thế kỷ nhưng anh vẫn coi đó là sự may mắn, bởi vì "lịch sử dạy tôi biết cái giá được làm người"

Từ bao đời nay và ở đâu cũng vậy, xã hội vẫn vốn chứa đựng nhiều điều nghịch lý. Chủ nghĩa phi lý đã từng có tác động rất lớn đến nhiều trường phái văn học ở châu Âu. Là một thi sĩ nhạy cảm, Phan Hoàng không thể không suy tư nhiều về bản chất hai mặt của con người: "nửa như kẻ tu hành - nửa như tên tử tội", nhập nhằng "giữa thiên thần và ác quỷ". Để thích nghi với hoàn cảnh ấy, mỗi con người cũng phải trang bị cho mình "mặt nạ": "nỗi lòng tang thương và nụ cười lễ hội". Ngoài ra, con người còn phải đối diện với nhiều nỗi "bất an" giữa "tương lai và quá khứ - hoà bình và chiến tranh - văn minh và huỷ diệt". Sự sống con người "chênh vênh" như đứng giữa "núi cao và vực thẳm - ánh sáng và bóng tối(....) tôi ngỡ mình như có như không". Tác giả ví thơ của mình như "hộp đen con tàu bất an - lưu giữ những cơn mộng mị hoang tàn trắc ẩn". Biết trước cảnh "biển đời nào tránh được phong ba", nhiều nghệ sĩ muốn "mơ về nơi xa lắm". Phan Hoàng muốn trở thành chú ngựa hoang để "mơ giấc mơ tự do nguyên thuỷ thảo nguyên xanh". Vì thế, thơ anh lấp lánh những sắc màu của miền trời siêu thực. Có thể thấy rõ điều đó qua cách sử dụng từ ngữ mới lạ và trật tự ngữ pháp không theo lô gích thông thường, không dùng dấu chấm câu... Trên phương diện này, anh đã có những sáng tạo rất đặc sắc.

Con người sống không thể thiếu tình yêu, quy luật muôn đời là vậy: "lịch sử nhân loại đi về đâu nếu thiếu vắng ái ân". Văn học nghệ thuật được sinh ra là để nói hộ cho con người những khát khao tình cảm. Như đứng trước một bức tượng khoả thân, ai lại không có cảm tưởng:

"sau tuyệt mỹ những đường cong giới tính

u uẩn cơn giông khao khát vô hình"

Suốt cuộc đời, Phan Hoàng luôn mang theo trong mình những rung động đầu đời: "trai trần gái truồng - dại sông đáo để - mùa - cu gù chim". Trái tim của các nghệ sĩ vốn rất nhạy cảm trước sự trôi đi mau chóng của thời gian. Điều đó có thể lý giải vì sao một chàng trai ba mươi tuổi lại khao khát "bao giờ đến tuổi hồi xuân". Phần lớn nghệ sĩ đều coi tình yêu là nguồn cảm hứng chính trong sáng tác, đúng như câu nói "trăng vú mộng của muôn đời thi sĩ". Bởi vậy:

"em còn trăng bao mình thiếu phụ

ta còn điên đảo mộng thi ca"

Bốn đề tài nói trên thực ra là các nhánh rẽ của dòng chảy tiềm thức. Thơ ca giống như một hộp đen con tàu "lưu giữ những giấc mơ chênh vênh tiềm thức". Nếu chịu khó giải mã những ký hiệu của nó, bạn đọc có thể sẽ tìm thấy hình bóng của mình trong đó. Hộp đen báo bão không chỉ có khả năng đánh thức được những khát khao tiềm ẩn của mỗi người mà còn là một tác phẩm có giá trị đặc sắc về mặt nghệ thuật ngôn từ.

2002

----------

(*)Tập thơ Hộp đen báo bão của Phan Hoàng, NXB Trẻ - 2002

Sự nổi sóng của ngôn từ trong

Hộp đen báo bão

Phan Hoàng coi thơ mình như là "hộp đen ký ức đa tình - hộp đen con tàu bất an", "thơ gào thét", "cơn bão tử hình"… Phải đọc kỹ tập thơ, ta mới có thể hiểu được "hộp đen" đã tiên tri những gì về số phận của con tàu thi ca trước cơn giông bão biển đời".

Nhà ngôn ngữ học Zhirmuski cho rằng "Lịch sử của thơ ca là lịch sử của nghệ thuật ngôn từ". Nói đến thơ ca, trước hết phải nói đến vẻ đẹp ngôn từ. Nhà thơ như người thổi linh hồn và ngôn ngữ, làm cho những từ ngữ yên lặng bỗng trở nên xao động, nổi sóng và lấp lánh vẻ đẹp muôn hồng ngàn tía dưới ánh mặt trời. Cũng như nhiều thi sĩ Việt Nam hiện nay, Phan Hoàng luôn trăn trở tìm tòi, đổi mới hình thức diễn đạt của văn chương. Tập thơ Hộp đen báo bão của anh đã thực sự đem đến cho bạn đọc nhiều điều bất ngờ thú vị.

Một trong những nét độc đáo của tập thơ mà có thể làm cho nhiều nhà ngữ pháp văn bản phải nhức đầu là tác giả đã không dùng đến một dấu câu nào. Toàn bộ các câu thơ không viết hoa đầu dòng và ngay cả các nhan đề bài thơ cũng viết thường. Tập thơ không có dấu hiệu khởi đầu và kết thúc, thành thử, nó cứ lửng lơ, chưa định hình và dư âm cứ mặc sức lan tỏa. Do câu thơ bị kéo dài vô tận nên có xu hướng xích lại gần văn xuôi. Và nếu tán thành quan điểm của L. Aragông: "Không có sự khác nhau cơ bản giữa bài thơ và tiểu thuyết" thì ta có thể coi Hộp đen báo bão như là "Cuốn tiểu thuyết chưa hoàn thành" viết về một thân phận tài hoa.

Ngôn ngữ thơ Phan Hoàng rất sinh động. Trước hết do sự luyến láy âm thanh và hình thức điệp có tác dụng tô đậm một hình ảnh nào đó:

"bến tình yêu yểu điệu chiều thu"

"nắng lưu ly môi mắt giảng đường"

chàng sinh viên nghèo không thể hòa nhập vào thế giới phồn hoa nên đành đèo người yêu trên "chiếc xe đạp cà tàng tình tang ngangdọc" để "đưa nhau qua những vòm trời siêu thực". Biết rằng "Cuộc đời như một giấc mơ" mà nhà thơ là kẻ lãng du trong cõi hư hư thực thực nên chẳng trách gì "em lại phê bình anh lẩn thẩn lần thần". Cũng có lúc, đang đương đầu với cõi thực, nhà thơ bỗng "giật mình" vì thấy "thiêu thiếu tình yêu văng vắng ước mơ ". Để rồi mỗi lần trở lại giây phút thần tiên "môianh môi em rung rinh mở hội". Cái hay ở thơ anh là các yếu tố nhạc và hoạ kết hợp với nhau rất tài tình.

Nhưng cái đọng lại trong tim bạn đọc không chỉ các từ ngữ được đẽo gọt tinh vi mà còn bởi sức nóng "hừng hực" của ngọn lửa nhân văn. Đằng sau hình thức đảo ngữ tưởng như chỉ chơi chữ nhưng thực ra là để nói lên một nghịch lý ở đời:

"dòng sông không giông bão bão giông"

"dòng sông không nhân danh "bác ái từ bi từ bi bác ái"

Phan Hoàng còn bộc lộ "nỗi buồn văn chương" trước nhiều tác phẩm cũng trang sức hoa hoè phô trương hình thức mà không nói lên được nội dung tư tưởng gì sâu sắc, mới mẻ. Chữ nghĩa cứ "tưng tửng từng tưng", "nháo nhác nháo nhào", "rủng rẻng rủng reng toen toét hơi đồng"… Trong khi đó, "nhà văn chân chính như tá điền cật lực trên cánh đồng giông bão" mà không phải lúc nào cũng dễ dàng đạt được "mùa vàng".

Thơ Phan Hoàng lãng đãng màu siêu thực. Cách sắp xếp từ ngữ nhiều khi không theo lô gích thông thường. Đó là biểu hiện của lối viết tốc ký để đuổi kịp những thác ngôn từ tuôn ra từ tiềm thức: "may mắn tôi thế kỷ nhầm sinh", "chuông đổ ngực rằm"… Đồng thời, nhà thơ cũng "Sáp nhập lại với nhau những thực tại vẫn xa cách nhau" (P.réverdy) nên tạo ra sự bất ngờ thú vị.

"chim rừng lùa mây xây tổ"

"bỗng nhiên anh điếng người thèm một nụ hôn"

"một suối tóc vô tình đủ lũ lụt thi ca"

Nói đến công lao người mẹ, chưa ai nói như Phan Hoàng: "tổ quốc huyền thoại những bà mẹ chịu đựng tảo tần mang vóc dáng sử thi". Khái niệm sử thi (anh hùng ca) dùng để chỉ những trường ca đồ sộ ngợi ca công lao và vẻ đẹp của những người có công với nước. Dùng "sử thi" để nói đến tầm vóc người mẹ Việt Nam, một sự liên tưởng tuyệt vời!.

Đặc trưng của ngôn ngữ thi ca là lối nói ẩn dụ giàu hình ảnh sinh động. Phan Hoàng đã thể hiện cảm nhận của mình trước một bức "tượng tình" khoả thân bằng một lối diễn đạt bóng bẩy rất độc đáo:

"sau tĩnh lặng những đường cong giới tính

giông bão thầm trôi về phía tài hoa"

thì ra là tác giả muốn nói đến qui luật "tài mệnh tương đố" theo quan niệm Nho gia.

Thực ra, thơ Phan Hoàng hiện đại mà vẫn gắn bó với truyền thống. Văn Nguyễn Tuân, thơ Bùi Giáng tuy hướng tới hình thức mới lạ nhưng kỳ thực là góp phần làm cho tiếng Việt thêm giàu có. Muốn vậy, cần phải bổ sung cho từ ngữ những nét nghĩa mới, buộc người đọc phải chịu khó suy nghĩ thì khi phát hiện ra lớp nghĩa chìm của nó mới cảm thấy thú vị. Chẳng hạn: "thế kỷ mang hình phong ba". Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng dễ dàng "giải mã" được thơ anh, như câu: "thế kỷ tri âm những cơn mơ vĩ nhân phát tích văn minh"…

Tập thơ chứa đựng nhiều bí ẩn như "hộp đen" của máy bay. Theo từ điển tiếng Việt, nghĩa phái sinh của "hộp đen" là chỉ những gì có cấu trúc và hoạt động bên trong rất phức tạp. Nó cũng giống như thế giới tinh thần "con người vốn chênh vênh-giữa thiên thần và ác quỷ". Phan Hoàng coi thơ mình như là "hộp đen ký ức đa tình - hộp đen con tàu bất an", "thơ gào thét", "cơn bão tử hình"… Phải đọc kỹ tập thơ, ta mới có thể hiểu được "hộp đen" đã tiên tri những gì về số phận của con tàu thi ca trước cơn giông bão "biển đời".

2011

(nhavantphcm.com.vn)


cõi trên?

Đọc Bùi Giáng (I)


Ngồi ăn cháo gà với Nguyễn Nhật Ánh ở Đo Đo, tôi bất ngờ hỏi anh có thực sự thích thơ Bùi Giáng không. Trả lời ngay: Thích. Hỏi: Thích bài nào nhất? Không trả lời được. Hỏi: Thích những câu nào nhất? Trả lời: Để xem. Rồi anh đọc: “Dạ thưa phố Huế bây giờ/ Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương… “Hỏi rằng người ở quê đâu/ Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà”… “Bây giờ em đứng nơi đâu/ Cỏ trong mình mẩy em sầu ra sao?”… “Em đi bước với hai chân/ Miệng em đầy đủ thành phần hai môi/Trăm năm dâu biển cõi đời/ Em nằm duỗi dọc dưới trời ngủ yên”…


Nguyễn Nhật Ánh thích thơ Bùi Giáng theo kiểu Bùi Giáng, hồn nhiên như tôi thích ăn… Đo Đo.

Nếu ai hỏi trong số các thi sĩ Việt Nam tôi thích ai nhất, xin trả lời ngay: Bùi Giáng! Nhưng nếu hỏi rằng tôi thích bài thơ nào nhất của các thi sĩ Việt Nam thì câu trả lời sẽ không liên quan đến Bùi Giáng.


Từ lâu lắm rồi tôi đ
ịnh viết về thơ Bùi Giáng, nhưng trong cái cõi thơ vừa mênh mông bát ngát vừa khùng điên hũ nút của ông, liệu tôi viết được gì? Đến khi biên tập loạt bài “Bùi Giáng, thi sĩ kỳ dị” của Trần Đình Thu để đăng trên Thanh Niên mấy năm trước, tôi đã đọc đi đọc lại nhiều tác phẩm của Bùi Giáng. Càng đọc càng thấy khó viết. Bình thơ ông chăng? Thơ Bùi Giáng là thứ thơ không thể bình. Tôi rất thích ai đó đã gọi “cõi thơ Bùi Giáng”. “Cõi thơ”, đó là nơi người ta có thể bước vào mà rong chơi cà kê dê ngỗng, mà hà hít, mà chiêm ngưỡng. Xong rồi thì bước ra, không ai có thể “nhặt” được cái gì ở đó để đem về. Nhưng khi bước ra rồi, một chút thơ ông sẽ vương vào người, dính chặt, đeo đẳng ở đâu đó trong hồn trong vía.












Bùi Giáng - chân dung tự họa


Nhìn theo cách thông
thường thì Bùi Giáng có rất ít những bài thơ “hoàn chỉnh”. Thơ ông càng về sau càng rối rắm, khó đọc, nhiều bài đọc… hiểu chết liền. Đọc thơ Bùi Giáng mà phân tích tất cả các câu trong toàn bài thì vô cùng mệt mỏi và sẽ thất vọng. Phần lớn những câu thơ trong một bài thơ của ông là những câu dở hoặc ngớ nga ngớ ngẩn. Thiên hạ ai đã bị thơ Bùi Giáng “vương” vào người rồi thì chắc chắn sẽ nhớ đôi câu thơ của ông và nhớ nhiều từ ngữ ông dùng, nhưng tôi dám chắc ít ai có khả năng nhớ cả một bài, trừ một số bài rất ngắn, chẳng hạn như: “Anh thương em như thương một bà trời/Em thương anh như thương hại một ông trời bơ vơ/Kể ra từ bấy đến giờ/Tình yêu phảng phất như tờ giấy rung”.

Nói qua một chút về thơ Đường. Các cụ ngày xưa bảo đọc thơ mà phân tích từng câu từng chữ là không hiểu gì về thơ Đường. Phải bắt được cái tứ, cái tứ thường nằm ở cuối bài, nó như một tiếng động dưới đáy hồ, từ đó mà lan tỏa trên mặt hồ. Không có tiếng động đó, câu chữ toàn bài dù có hay đến đâu cũng không thành thơ. Có cái tứ đó, câu chữ dù có dở đến đâu cũng là thơ.

Nhưng cấu tứ thơ Bùi Giáng hoàn toàn không giống thơ Đường. Nói chung là thơ ông không có cấu tứ. Cái tứ trong thơ Bùi Giáng không phải là “tiếng động dưới đáy hồ”, mà như chuồn chuồn như châu chấu, như có như không, thoắt gần thoắt xa, thấy đó mất đó. Đọc thơ Bùi Giáng giống như vào giấc chiêm bao, mọi thứ không trước không sau không đầu không cuối, khi miên man khi đứt quãng, đôi thứ rõ ràng xen trong nhiều thứ lộn xộn vô nghĩa. Không bao giờ có một giấc chiêm bao mạch lạc. Cuộc đời Bùi Giáng là trường mộng. Vào cõi thơ ông cũng như vào trường mộng.

Có kẻ gán cho Bùi Giáng là người coi cuộc đời là tạm bợ, là chốn lưu đày, là phù du hữu hạn. Nói như vậy là trật rồi. Bùi Giáng không bao giờ là người như vậy. Lão Tử, Trang Tử cũng không coi đời là tạm bợ. Lão Trang chỉ coi sống chết như nhau, “tề sinh tử”. Cũng có nghĩa là rất coi trọng cái sống và nhẹ tênh trước cái chết. Bùi Giáng cũng vậy, nhưng ông hồn nhiên đưa thêm mộng vào đời. Cuộc đời ông vì vậy mà dài hơn, rộng hơn cuộc đời của người thường chúng ta chăng ?


Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi

Đi lên đi xuống đã đời du côn

Đọc hai câu trên thấy đã.

Bờ sau hang núi
Lá xanh lá đỏ chiều nay

Chim trời vòi või

Để rơi cánh mỏng theo ngày

Mùa sau thu xế
Hang rừng gió thổi dòng khe

Em về đây để
Rạc rời tiếng cũ còn nghe


Ngày sau chỗ ấy

Mây mù quyến rũ trăng suông

Em về sẽ thấy
Mông lung sầu mộng gái buồn

(Gái buồn)

Bài này không có chỗ để chê. Nó hay như một bài hát.

Đọc bài Mai sau em về :

Em về mấy thế kỷ sau

Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không

Ta đi còn gửi đôi dòng

Lá rơi có dội ở trong sương mù

Tới đó thì thấy là kiệt tác, nhưng đọc tiếp :


Những thương nhớ lạnh bao giờ

Đường thu chia ngả chân trời rộng thênh

Đây phồn hoa của thị thành

Đây hồn thủy thảo khóc tình nửa ngang

Càn khôn xưa của riêng chàng

Xưa đài vũ trụ thiếp mang riêng mình

Bây giờ đón bước em xinh

Sầu đau nhan sắc bất bình ra sao


thì không thể nói là hay. Nhưng khen cái trên mà không thể chê cái dưới.


Làm thơ tặng chú bé con
Làm thêm câu nữa tặng con chuồn chuồn

Xong rồi bỏ bút tựa lưng
Vào gốc cây ngủ ngoài đường chịu chơi

Nắng trưa nắng xế đầy trời
Bóng cây râm mát che đời ta điên

(Thơ tặng)


Đọc thấy rõ ông đã điên, nhưng bài thơ thì không hề điên chút nào.

Ngày nào gặp trở lại em
Một nơi nào đó bên kia mặt trời

Không còn mặc cảm lôi thôi
Hồn nhiên kể lại chuyện đời xưa xa

Còn em nếu gặp lại ta
Nhìn ta em có biết là ta không

- Kiếp xưa anh một thằng khùng
Anh thằng say rượu vô cùng đảo điên


Làm thơ lắm lúc quàng xiên
Đôi phen rất mực thần tiên dịu dàng

Tráng niên ra đứng giữa đàng

Làm trò cảnh sát công an điều hành

Lão niên ân hận thập thành
Về nhà thân thích họ hàng ăn cơm


Được cho ăn uống thật ngon
No nê nằm ngủ vuông tròn lắm thay

(Mai sau kể lại)


Bài trên chắc làm lúc cuối đời, khi đã điên nặng, nhưng thơ thì không thể nói là thơ điên.


Đến bài này :


Đêm nằm thao thức tới bình minh

Nửa khóc nửa cười quỷ hóa tinh
Ú ớ liên tồn vi diệu ngữ

Ầm ừ tục tiếp quái quỷ thanh

U căn ẩn đế vô tâm xứ
Đảo phụng điên hoàng hữu xưng danh

Tồn lý lao đao tiền diện khuếch

Mãn sàng nhiệt huyết khả kham thinh


(Chuyện chiêm bao (9))


Nó Hán Nôm lẫn lộn đố ai hiểu được. Nhưng đây có phải là thơ điên không? Tôi chắc là không. Nó là thơ “mớ”. Trần Quốc Thực có câu “Mình ngồi mình mớ/Em người đâu ta”, mớ nhưng nghe rất mạch lạc, chứng tỏ có dụng công. Còn cái mớ này của Bùi Giáng mới đúng là mớ thật. Không ai có thể hiểu được lời mớ và đừng nên cố hiểu mất công, nhưng mớ cũng là “một phần tất yếu của cuộc sống” chứ.

(blog Hoàng Hải Vân)

đi đày sung sướng...


Nhà thơ Inrasara

Làm nhà văn có nghĩa là bị đẩy xuống tàu

INRASARA

Chắc chi thiên hạ đời nay

Mà đem non nước làm rầy chiêm bao

Nguyễn Trãi

NVTPHCM- Người khác được nuôi bằng thịt gà, còn nhà văn tự nuôi mình bằng những lời khen- một nhà văn đã đùa giới mình thế. Không sai! Đâu riêng gì nhà văn, nó đúng với tất cả mọi người. Ít ai từ chối các lời mật ngọt rót vào tai, càng bùi càng tốt. Cả khi chúng trật lất, nghe, ta vẫn cứ khoái. Nó vuốt ve sự yếu đuối, xoa dịu tâm tự ái của ta. Ta cảm thấy ấm lòng, vững dạ khi, với kẻ xung quanh, ta không phải là kẻ vắng mặt. Ta có một giá trị nào đó, chứ không hoàn toàn là con số không di động giữa trần đời.

Nỗi lên tiếng đầy ồn ào của nhà văn - cả trẻ lẫn già - thời gian qua cũng là một cách.

F. Nietzsche: “Ngay cả quả hồ đào rỗng nhất cũng muốn được người ta đập cho nó nổ ồn ào!”. Nhưng chuyện “nổ” đó chỉ dành cho các cây bút chưa đủ độ chín về mặt tinh thần. Lạ là, trong văn giới hôm nay, bộ phận này chiếm số lượng đáng kể - những nhà văn còn chưa chịu lớn!

Được khen - khi ngòi bút ta biết chiều chuộng thị hiếu đám đông, viết theo đuôi số đông, được số đông yêu thích. Được khen- khi ta biết “kính trọng độc giả”, viết đúng tầm mong đợi horizon of expectationscủa người đọc cùng thời. Được khen- khi ta không thử dũng cảm khai phá vùng đất mới cho văn học, ta sợ không được công chúng đón nhận, sợ thất bại, dẫu là thất bại tạm thời. Được khen- khi ta luôn nhân nhượng trước mấy phát ngôn to tát nhưng lạc hậu về văn học, im lặng trước bao nhiêu tán tụng mang tính bợ đỡ; khi ta cúi rạp mình trước quyền lực các loại, câm lặng khuất nhục trước bất công xảy ra khắp xung quanh, hèn nhát không dám lên tiếng cho bao nhiêu thiệt thòi của các thân phận dưới đáy xã hội... Được khen, khi ta chọn làm văn chương thuần túy. Được khen, khi ta quyết đứng ngoài cuộc với bàn tay sạch của thứ văn nghệ xa-lông.

Được khen, có khi chỉ vì ta không tỏ thái độ.

Nhưng nhà văn là kẻ tỏ thái độ. Dù hắn có vào tu chùa hay lên tận hang sâu núi thẳm sống, chính trang viết hắn lộ bày thái độ của hắn. Khi đề tài tác phẩm động cập đến vấn đề xã hội, nhất là xã hội biến động đầy bất trắc của thời hiện tại. Trực tiếp hoặc gián tiếp – nó vẫn là cách tỏ thái độ. Ngay cả khi nhà văn từ chối tỏ thái độ - bắt chước lối nói của J.-P. Sartre - hắn cũng đã chọn lựa thái độ không tỏ thái độ. Và rồi, xã hội tỏ thái độ lại với hắn, có khi gay gắt dễ gây tổn thương tâm hồn nhạy cảm của hắn.

Nhà văn biết học chấp nhận điều đó.

Còn hơn thế, nhà văn hôm nay cần học chấp nhận sinh phận làm “kẻ bị đẩy xuống tàu”. Đây là từ dùng của Albert Camus. Không phải là nhập cuộc engagement, bởi nhập cuộc ít nhiều còn mang tính tự nguyện, mà là bị đẩy xuốngembarqué, theo nghĩa mạnh nhất của từ này. Ông thêm: Nhà văn như kẻ đi trên dây giữa hai bờ vực, một bên là tuyên truyền cho thế lực, bên kia là xa hoa giả trá. Hắn cần giữ thăng bằng giữa hai thứ quyền lực đầy cám dỗ đó. Hơn nữa, giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và đất nước, tổ quốc và thế giới, trách nhiệm công dân và ý hướng tính sáng tạo của nghệ sĩ trước vũ trụ vô cùng. Do đó, hắn luôn phải chấp nhận sống cùng bấp bênh và hiểm nguy thường trực. Vì chỉ như thế, hắn mới còn “sáng tạo” theo đúng nghĩa nguyên ủy của từ.

Nhà văn là kẻ sống thời đại mình, phơi trần toàn bộ con người mình ra với nó – trọn vẹn.

Trong lúc thời cuộc ẩn chứa đầy rẫy tai ương rình rập.

Hãi sợ, nhà văn quyết đui điếc trước thời cuộc, chui vào vỏ sò cô độc, viết vọng ra. Không ít nhà văn chạy thoát thân, như đám chuột vội vã rời bỏ con tàu sắp đắm; rồi khi đã yên ấm, từ ngoài viết vào, như thể một cách ban bố. Số khác chọn cho mình quyền vô trách nhiệm với cuộc sống nhân quần, sống chết mặc bầy… Có thể không? Anh chị em ta, con cháu ta, bà con xóm giềng quanh ta, bằng hữu ta mỗi ngày gặp mặt bù khú, đột ngột một quyết định từ trên phát xuống làm xáo trộn dòng sống vốn bình lặng của họ. Miễn thủy lợi phí hay phụ thu thuế nông nghiệp, giải thể hợp tác xã hoặc tái cấp phát ruộng đất cho nông dân. Hạn hán năm nay gây thất bát mùa màng bà con nông dân ta đã đành, ngay trận cháy rừng tận đẩu đâu bên Úc vẫn khả năng lấy mất phần trăm khẩu phần bữa ăn hằng ngày của ta. Khủng hoảng chính trị tại Thái Lan hay các vụ tập trận cấp tập giữa vùng biển Đông ảnh hưởng trực tiếp tới tâm thế ta thì miễn nói rồi, cả loạt vụ ôm bom tự sát tận xứ Iraq, Apganistan hay cú sụp đổ kinh hoàng của tòa Tháp Đôi tuốt đất nước chú Sam, đâu phải không liên quan tới ta.

Không thể chạy trốn. Bởi tất cả đã bị kẻ bị đẩy xuống tàu, con tàu thời đại nhà văn đang sống. Không thể chọn lựa, dù hắn biết con tàu hôi rình và, trong đó bao nhiêu là kẻ thô bạo, sẵn sàng quăng ném hắn xuống biển đen.

Thế là không ít nhà văn buộc dấn thân nhập cuộc. Với hi vọng xoay chuyển cuộc thế theo hướng nhân bản hơn, hoặc ít ra – phần nào xoa dịu nỗi đau nhân quần. Thế rồi, ở đó, không ít người trong số họ chìm nghỉm vào thời cuộc. Hoặc may mắn hơn, sau trận chiến khốc liệt, khi chiếm được thế thượng phong, từ kẻ chịu đựng lịch sử họ trở lại đóng vai kẻ làm lịch sử. Họ quên mất tư thế nhà văn của mình, quay sang đe nạt hay bức hại đồng nghiệp khi xưa. Sự cám dỗ của quyền lực đã từng xô đẩy bao nhiêu tên tuổi rơi vào vực thẳm của tha hóa.

Giữa mớ hỗn độn ấy, số ít vẫn đứng vững. Nhập cuộc, nhưng họ không bị lôi cuốn vào trò chơi quyền lực. Thức nhận định phận nhà văn, hắn học chấp nhận cư trú trên đường biên nhiều bấp bênh bất trắc, chịu sự co kéo giằng xé giữa miếng bánh béo bở của quyền lực và sự cô đơn bần hàn của sáng tạo.Hắn không sợ cô đơn, không sợ cô độc, cả không sợ hãi cô lập. Hắn hiểu một cách sâu thẳm rằng sinh phận của hắn là trở về với trang viết, cô đơn trước trang viết, một cô đơn toàn phần. Nỗi cô đơn không ai có thể lấy đi của hắn. Là giấc mộng của hắn. Hắn yêu nó như là quê hương mình, ngôi nhà vĩnh cửu mà định mệnh đã dành cho hắn.

Chắc chi thiên hạ đời nay

Mà đem non nước làm rầy chiêm bao.

Suốt chiều dài lịch sử văn học và hoạt động trí thức, kẻ sáng tạo đích thực luôn bị rầy. Ở đâu cũng vậy, chế độ nào cũng thế. A. Solzhenitsyn sau thời gian dài chịu tù đày đã bị trục xuất khỏi quê hương. Kazanzakis bị mạt sát, rẻ rúng ở Hi Lạp. Sách Henri Miller bị cấm bán thời gian dài tại Mỹ đến nỗi người Mỹ phải mua lậu sách ông từ Pháp mang về. Mới nhất, Orhan Pamuk bị đại đa số trí thức Thổ Nhĩ Kì tẩy chay, đành sống cuộc đời bán lưu vong…

Việt Nam không là ngoại lệ.

Bị rầy, kẻ sáng tạo luôn nhớ nhung miền “chiêm bao” vời vợi. Cho bị rầy, chấp nhận “hòa” vào nỗi “non nước” để “thiên hạ đời nay” rầy, nhưng hắn vẫn cứ nhớ nhung. Trăm bận quyết dứt áo ra đi, trăm lẻ một lần mang thân trở lại. Sự giằng xé co kéo diễn ra ngay trong tâm thức kẻ sáng tạo. Kéo dài và thường trực. Cuộc chiến tinh thần le combat spirituel - theo cách nói của Arthur Rimbaud - như muốn hủy hoại hắn. Hắn quyết hòa giải và hóa giải chúng, dịch chuyển “non nước” vào trong “chiêm bao”, biến “non nước” làm một phần không thể thiếu của “chiêm bao”, cho chính sự “rầy” chốn “non nước” kia thành chất liệu làm giàu sang xứ miền “chiêm bao” mộng huyễn của hắn. Rốt cùng, như một biện chứng pháp của tinh thần, khi sự đối kháng giữa non nước - chiêm bao hết tồn tại, một hoát ngộ nổ ra nơi thẳm sâu tâm hồn kẻ sáng tạo: Nhà văn nhìn thấy Quê hương của mình.

Nguồn: Đương Thời

Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2011

vó ngựa trường văn

NHÀ THƠ VƯƠNG TRỌNG

và những vần thơ chuyển tải nỗi lòng

NGUYỄN TRƯỜNG VĂN

Trong quan niệm của Vương Trọng: "Thơ sinh ra không phải cho người đời chơi chữ mà cốt để chuyển tải nỗi lòng" và "Thơ hay là thơ được nhiều người yêu thích. Nói rằng thơ mình chỉ cần ít người đọc hoặc mình chỉ viết cho người đời sau… chẳng qua là thú nhận sự bất lực, bất tài". Từ quan niệm này, Vương Trọng có cách đi của mình. Và với tính cách "ông đồ Nghệ", anh tỏ ra rất quyết liệt trong việc bảo vệ những gì mình lựa chọn.

"Thơ sinh ra không phải để người đời chơi chữ" - Vương Trọng từng không dưới một lần thể hiện sự dị ứng của mình trước loại thơ mà anh cho là "hũ nút", là "đánh đố" người đọc. Nếu tôi không nhầm thì anh chính là tác giả của câu ví von hiện vẫn được truyền tụng trong làng thơ: Sợ nước trong người ta nhìn thấy đáy nên những kẻ "cạn lòng" mới thích khuấy ngầu lên.

Tất nhiên, có nhiều cách để hình thành nên một bài thơ hay. Và thơ hay cũng có nhiều kiểu hay: Có cái hay của ý tưởng độc đáo, tình tiết cảm động; lại có cái hay của cấu tứ mới lạ, nhạc điệu du dương… Vậy nên, nói "chơi chữ" là nói cách của những kẻ bất tài, lười biếng, muốn núp bóng sự "cách tân thơ" để lòe người đọc, còn thì nói chung, với phần đông người làm thơ, họ luôn phải vất vả đánh vật với từng con chữ để mong tìm ra cách diễn đạt tối ưu nhất nhằm đem tới những ấn tượng mới lạ nơi người đọc. Nghe nói, để có được câu "Củi một cành khô lạc mấy dòng" (bài "Tràng giang"), Huy Cận phải làm tới 5 câu khác nhau. Còn bài "Bến Lú - sông Tương" của Chế Lan Viên, mặc dù chỉ vẻn vẹn 4 câu - song theo nhà văn Vũ Thị Thường cho hay "bài này tác giả làm 5 dạng khác nhau, dạng nào cũng bị xóa đi, coi như chưa ổn".

Với Vương Trọng, thơ hay trước nhất là ở ý, ở tứ. Và bài thơ giá trị là bài thơ mà khi đọc lên, "nhiều khi người ta không còn thấy thơ đâu mà chỉ thấy cuộc đời, tâm trạng và số phận". Có nghĩa, ngôn ngữ chỉ là phương tiện giúp tác giả chuyển tải những suy nghĩ, tình cảm của mình về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, con người. Nó như chiếc xe mà cấu trúc câu thơ như thể con đường. Xe càng chắc chắn bao nhiêu, đường càng bớt gồ ghề, quanh co bao nhiêu, thì những suy nghĩ, tình cảm của tác giả càng được chuyển tải đến độc giả nhanh bấy nhiêu. Đó là lý do khiến đọc Vương Trọng, ta sẽ thấy câu thơ hầu như bao giờ cũng được diễn đạt theo lối hành văn thông dụng và được sắp xếp theo một cấu trúc ổn định. Rất hiếm những câu có cách cấu trúc đột biến, và có ý tưởng mù mờ, không rõ nghĩa.

Vương Trọng là người thông minh. Khả năng liên tưởng của anh khá nhạy. Từ sợi tóc hai màu đen - trắng trên đầu, anh liên hệ tới hai nửa sáng - chiều và thảng thốt nhận ra đó chính là cái mốc đánh dấu việc mình đã đi qua buổi "trưa - cuộc - đời" (bài "Sợi tóc hai màu"). Một tối uống rượu cần ở Nhà Rông, trước vồng ngực để trần của các nàng thiếu nữ Tây Nguyên, anh đã có một liên tưởng: "Vồng ngực em thắp lửa/ Cho nhà Rông làm đèn" (bài "Nhà Rông"). Nhìn cảnh lá tre co cụm lại chống đỡ cái nắng trưa đổ lửa, anh viết: "Tre cuộn tròn lá nắng/ Héo mất rồi bóng râm" (bài "Đôi nét miền Trung"). Người ta thường nói nắng héo cỏ héo cây, chứ nào có ai nói nắng héo đến cả… bóng râm? Quả là một liên tưởng giàu sáng tạo.

Thông minh thường đi liền với hóm hỉnh. Đọc thơ Vương Trọng, ta thường bắt gặp nụ cười dí dỏm của tác giả. Đây - làm "Lời trái đất", anh viết: "Tôi vốn nhỏ và ngày thêm bé nhỏ/ Khi số người đông thêm, đầu óc to thêm/ Từng giật mình hai ngàn năm trước/ Khi Ácsimét đòi nhấc bổng tôi lên/ Cũng may điểm tựa, cánh tay đòn ông chưa tìm thấy được/ Tôi còn quay theo quỹ đạo tự nhiên…". Đây - một nghịch lý anh bắt gặp nhân một lần đến thăm Bảo tàng Nguyễn Du: "Kim Trọng hào hoa hài văn/ Từ Hải oai phong hài võ/ Giác Duyên nhẹ nhàng hài cỏ/ Hài hoa theo Kiều lưu lạc mười lăm năm…/ Chỉ riêng em, người giới thiệu bảo tàng/ Đi hết Truyện Kiều bằng hai bàn chân đất" (bài "Trong nhà Bảo tàng Nguyễn Du").

Đây - cảnh trong và sau bữa cơm mà người vợ của nhà thơ (được anh phong cho danh hiệu "Hoa hậu của nhà") thường xuyên gặp phải: "Mâm dọn ra, chồng và con như khách/ Chỗ em ngồi mấy phía nồi niêu/ Vừa xong bữa cả nhà đi sạch/ Hoa hậu cùng mâm bát nhìn theo" (bài "Hoa hậu của nhà"). Và đây nữa - tác giả "thay lời mình" nói với các bà vợ hay ghen: "Chồng mình tài giỏi, hào hoa/ Mới em kia thích, mới bà nọ mê/ Hay gì kẻ ghét, người chê/ Thích chi thui thủi đi về một thân" (bài "Thơ vui tặng các bà vợ hay ghen"). Trong thực tế, tôi đã chứng kiến những câu thơ vui hóm trong hai bài thơ "Hoa hậu cả nhà" và "Thơ vui tặng các bà vợ hay ghen" của Vương Trọng thi thoảng vẫn được thiên hạ "quảng bá" trong các cuộc vui, như thể đó là thơ… dân gian.

Vương Trọng là một nhà thơ giàu năng lực đồng cảm, sẻ chia... Năm 1988, phát biểu trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, anh từng than phiền về mình và thế hệ mình: "Có một thời, nhà thơ đi đóng hết vai người này đến vai người nọ, riêng vai mình thì nhà thơ không đóng…", trong khi thực tế, đọc thơ Vương Trọng (trước đó và sau này), ta thấy anh đã "nhập vai" khá thành công nhiều nhân vật (cả trong lịch sử, trong truyền thuyết và trong văn học, như nàng Vọng Phu, công chúa Mỵ Châu, Thị Mầu, Chí Phèo, nhà thơ Nguyễn Bính…). Từ việc "nhập vai" ấy, người đọc thêm hiểu tình cảm, suy nghĩ, cốt cách của anh. Bức "chân dung thơ" của Vương Trọng qua đó cũng đậm hơn, hoàn chỉnh hơn. Như vậy, vấn đề không phải là nhà thơ có "đóng vai" ai hay không, mà là vấn đề anh chọn lựa cách tiếp cận cuộc sống ra sao để có những trang viết phù hợp với thể tạng của mình.

Càng về sau này, các ý kiến của Vương Trọng càng… mạnh bạo. Anh không chỉ lên tiếng về các vấn đề văn hóa, xã hội (như ở bài thơ nổi tiếng "Bên mộ cụ Nguyễn Du"), mà còn rốt ráo bày tỏ quan điểm, thái độ của mình trong những vấn đề liên quan đến tình yêu, là đề tài mà trước đây, với tư cách một nhà thơ mặc áo lính, anh ít có điều kiện bộc lộ một cách cởi mở. Tuy nhiên, vốn là người yêu ghét rạch ròi, lại có phần hơi… cực đoan, đã có những lúc anh thể hiện quan điểm của mình một cách thái quá, đẩy sự việc đi khá xa so với bản chất của nó và bởi vậy mà không phải lúc nào cũng tìm được sự đồng điệu nơi người đọc. Nàng Thúy Vân so với nàng Thúy Kiều thế nào, cụ Nguyễn Du nói rồi và nhiều người cũng biết rồi. Song phê phán "típ" người này theo kiểu Vương Trọng, rằng là "ăn no ngủ kỹ", "chẳng yêu đương cũng lấy được chồng"… thì e hơi nặng và thực tình cũng chưa phải là thỏa đáng lắm đâu. Cũng quá đà như vậy là cách anh phê một cô gái có ảnh in trên bìa lịch treo tường chỉ bởi cô cười trên ảnh… suốt ngày và bức ảnh ấy được treo ở… "khắp đó đây".

Như đã nói, Vương Trọng thích thứ thơ "chuyển tải nỗi lòng", thứ thơ "đau nỗi đau những cuộc đời bất hạnh". Vương Trọng đã viết được những bài như vậy. Trong số này, nổi bật nhất có lẽ vẫn là bộ ba gồm các bài: "Chị", "Với đứa con ngoài giá thú", "Hai chị em". Ba bài này có thể được xem là những bức tranh liên hoàn đề cập tới mặt trái của tình yêu, hôn nhân và hạnh phúc.

"Hẹn một ngày chờ đợi mấy ngàn ngày/ Anh đi biệt phương trời không trở lại" (bài "Chị"). Đây là một nguyên nhân phổ biến tạo nên sự cơ nhỡ của người con gái thời chiến trận. Sự cô đơn mà chị phải gánh chịu thật đáng sợ: "Đêm thắp đèn cho bóng nữa thành đôi". Kể ra, sống trong cảnh đối nghịch: "Nhà hàng xóm thừa ồn ào tiếng trẻ/ Chị thiếu từng bát đũa va nhau" người ta cũng cảm thấy tủi. Song có con rồi để mà bị thiên hạ "ghét bỏ" như trong "Với đứa con ngoài giá thú" thì lại càng cay đắng. Vương Trọng đã bênh vực người phụ nữ "làm mẹ mà chưa từng làm vợ" ấy. Không hề thuyết lý, tác giả chỉ bình lặng giới thiệu với người đọc, qua đó hình ảnh nhân vật hiện lên khiến ta phải xót thương và quý trọng.

Bài "Hai chị em" lại giới thiệu toàn cảnh một gia đình vợ chồng con cái đề huề mà vẫn đi đến chỗ tan vỡ. Viết về những đề tài này, giọng thơ Vương Trọng thấm thía, vừa có sức an ủi lại vừa có sức lay động.

Thơ Vương Trọng thường hướng đến người thực việc thực, đến những vấn đề cụ thể. Nó nặng về cấu tứ, ít tung tẩy, biến hóa trong cách diễn đạt. Bởi vậy, đọc Vương Trọng, ta có cảm nhận đó là một tiếng thơ nghiêng về sự thông minh hơn là… tài hoa. Hơn nữa, do quá nệ vào nội dung phản ảnh nên ở một số chỗ, thơ Vương Trọng thiếu cái ảo, cái gợi cảm cần thiết. Ấy là chưa kể, với những bài thơ có cốt truyện, thì ở những chỗ nối ý, chuyển đoạn - kiểu như từ đường dọc bất ngờ chuyển sang đường ngang - nếu không xử lý tốt, tay lái rất dễ mất thăng bằng. Thực tế, Vương Trọng đã không ít lần bị "sa lầy" ở những chỗ này, với việc để xuất hiện những câu dẫn chuyện nôm na, kiểu như: "Và Đạm Tiên hiện ra/ Nhập vào đời Kiều, nhập vào đời ta" (bài "Đạm Tiên"); "Và bất ngờ, An Dương Vương quay lại" (bài "Mỵ Châu"); "Thầm nghĩ vậy nhưng nàng không hề hỏi/ Khi chàng trai đối diện, trụi trần" (bài Tiên Dung")… Bài "Hai chị em" là một bài thơ có những tình tiết cảm động, những phát hiện tinh tế, song vẫn khiến người đọc có cảm giác như đó là một… truyện ngắn rút gọn. Bài "Chị" có "cải thiện tình hình" hơn. Riêng "Với đứa con ngoài giá thú" là tránh được nhược điểm này. Đọc những câu:

Thôi nhắc chi những năm dài trống trải
Bao vầng trăng vô nghĩa rụng qua đầu
Tóc hoàng hôn thưa dần theo lược chải
Pháo cưới người như đốt để trêu nhau

hay:

Ngày lưng mẹ, đêm nằm trên giường mẹ
Mình mẹ lo khi trái gió, trở trời
Ngoài giá thú sao ngoài lòng thương cảm
Để người đời ghét bỏ mẹ con tôi

Người ta thấy đúng là có những vấn đề, những trạng huống tình cảm "chỉ có thể giải quyết được bằng thơ".


(nhavantphcm)

PHAM DUY hầu kí

  "HỌC NHƯ THỂ CHẲNG DÀI LÂU... " (Đọc Hồi ký Phạm Duy 2)    Tôi chưa định viết những dòng dưới đây trong vài bài ghi chép khi đọc...