Hiển thị các bài đăng có nhãn DIỄN ĐÀN - TRAO ĐỔI. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn DIỄN ĐÀN - TRAO ĐỔI. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2024

Lời thưa về việc trở lại của Trang VĂN CHƯƠNG - THẾ SỰ Đào Đức Tuấn's Blog

 

Thưa quý vị!
Sau hơn mười năm vận hành Trang Đào Đức Tuấn's Blog, vì nhiều lý do, tôi đã lại trên mười năm không cập nhật. Hôm nay, ngày 7/4/2024, tôi chính thức vận hành trở lại Trang VĂN CHƯƠNG - THẾ SỰ Đào Đức Tuấn's Blog tại địa chỉ https://ductuanpy.blogspot.com/.
Ngoài việc đăng tài lưu trữ bài viết, tác phẩm Đào Đức Tuấn cùng bạn bè, Trang VĂN CHƯƠNG - THẾ SỰ Đào Đức Tuấn's Blog sẽ cố gắng cập nhật một cách toàn diện các thông tin mà bạn văn, bạn đọc quan tâm.
Đặc biệt, Trang VĂN CHƯƠNG - THẾ SỰ Đào Đức Tuấn đang có kế hoạch tổ chức một số cuộc thi sáng tác văn nghệ, nhằm phát hiện, tôn vinh những gương mặt sáng tạo nghệ thuật vì cộng đồng.
Rất mong sự ủng hộ, hợp các của quý vị qua địa chỉ email: daoductuanpy@gmail.com.
 
Trân trọng cảm ơn.
Nhà thơ, nhà báo ĐÀO ĐỨC TUẤN

Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

Chấn vấn... ai?

Nhà thơ Phan Hoàng và người tình ma lực

(TT&VH) - Văn nghệ sĩ Hà Nội vừa có buổi chiều gặp mặt tại quán cà phê ấm cúng trên bán đảo Hồ Thiền Quang, chào đón sự ra đời của Chất vấn thói quen, mà tác giả lại là người Nam, đang sinh sống, làm việc tại TP. HCM - nhà thơ Phan Hoàng.
Đây là tập thứ ba trên chặng đường thơ của Phan Hoàng, dù trước đó, anh đã cho ra đời sáu đầu sách. Nếu tính trên tổng số bảy cuốn, thì rõ ràng sách “báo chí” lấn át hơn cả với Phỏng vấn Tướng lĩnh Việt Nam (3 tập 1997-2000) tái bản bốn lần, Phỏng vấn Người Sài Gòn (2 tập - 1998), Phỏng vấn Người Hà Nội (2 tập 1999-2000) tái bản hai lần, Dạ, thưa thầy! (2 tập 2000-2002, 2000) tái bản hai lần. Và những cuốn này, đang chờ Phan Hoàng biết chăm chú hơn để cho tái bản tiếp.
Tình nghệ sĩ
Nhà thơ Phan Hoàng
Nhưng dù gì, người ta vẫn gọi Phan Hoàng là nhà thơ, hơn là một nhà báo. Kể cả khi, với thói quen... lười in thơ mình, Phan Hoàng phải tựa vào nhà thơ Nguyễn Quyến (“đầu cầu” Hà Nội) để lo từ bản thảo, viết bài giới thiệu, in ấn, đến ra mắt sách. Cũng nhờ việc giúp nhau vô ưu này, nghệ sĩ trong Nam, ngoài Bắc mới nhận ra cái tình nghệ sĩ, vẫn còn nguyên thế, chỉ là ẩn phía đằng sau những toan tính, đấu đá, hẹp hòi, độc ác phán xét chất đầy trong tim óc đa phần người làm nghệ thuật mà không chạm được vào nghệ thuật thời nay.
Buổi ra mắt sách nhẹ nhàng, giản dị, ấm cúng. Người dự chạm mặt bắt tay với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, thủng thẳng tay đút túi, tay cầm chục bản Nghệ thuật mới (phụ trương của báo Người Hà Nội) đủ đầy chân dung, bài viết, sáng tác của những “VIP nghệ thuật Việt” như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Lê Minh Khuê cũng như mới mẻ trẻ trung đầy nhiệt huyết thành tựu … vừa rời nhà in còn nóng hổi mùi mực mới. Gặp nhà văn Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Đình Tú ngồi cười hiền trong một góc tối. Gặp nhà thơ Bình Nguyên Trang thung thăng tặng bạn hữu cũng một tập thơ mới ra đời. Gặp nhà thơ Hữu Việt, Đặng Thị Thăng Hương ào ạt chạy qua với cái nắm tay vội. Vài nhân vật của Hà Nội ấy xuất hiện, khi nhà thơ Phan Hoàng đứng khiêm tốn ở một góc sân khấu, cầm micro xao xuyến lời cảm ơn, đủ để bật lên câu hỏi vỉ sao một “tay mơ” phương Nam, lại nhận nhiều ưu ái của những “tay tỉnh” Hà Nội đến thế.
Nhà thơ, nhà báo, nhà từ thiện, nhà truyền thông...
Sau khi tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Trường đại học Tổng hợp TP.HCM năm 1991, Phan Hoàng được đề nghị ở lại trường, “nhưng vì mê làm báo, tôi về làm việc ở tạp chí Kiến thức Ngày ngay, đến năm 2006 chuyển sang gầy dựng nguyệt san Đương thời. Năm 2010, sau khi được bầu vào Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM, tôi còn được giao Trưởng ban Nhà văn trẻ, Chủ biên trang web Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi cũng được mời phụ trách trang thơ của báo Tuổi Trẻ Online”.
Từ đầu thập niên 1990, nhận thấy nhiều nhân vật có những đóng góp quan trọng cho đất nước nhưng ít được nhắc đến, có người mãi mãi ra đi mang theo nhiêu tư liệu quý giá, Phan Hoàng đã ra Bắc vào Nam phỏng vấn hang trăm nhân vật, từ các tướng lĩnh như Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Trà, Trần Đại Nghĩa, Đồng Sĩ Nguyên, Đồng Văn Cống,… đến các nhà khoa học, văn nghệ sĩ như: Trần Văn Giàu, Hà Huy Giáp, Vũ Đình Liên, Huy Cận, Thanh Châu, Anh Thơ, Lê Thương, Đoàn Chuẩn, Doãn Mẫn, Nguyễn Văn Thương,…
“Nhờ đó mà tôi xuất bản các bộ sách được dư luận đánh giá cao như Phỏng vấn Tướng lĩnh Việt Nam, Phỏng vấn Người Sài Gòn, Phỏng vấn Người Hà Nội,… Riêng bộ Phỏng vấn Tướng lĩnh Việt Nam được giới sử học đánh giá là nguồn cảm hứng khai mở cho nhiều cuốn hồi ký của các tướng lĩnh ra đời” - Phan Hoàng kể.
Bên cạnh việc làm báo, nghiệp thơ vẫn chưa đứt rời khỏi đời anh. Tập thơ đầu tay Tượng tình xuất bản năm 1995 được xem như luồng gió mới trẻ trung trong đời sống thi ca bấy giờ. “Các nhà thơ đàn anh vốn “cao đạo” ở TP.HCM như Bùi Chí Vinh, Lê Minh Quốc... cũng đã viết bài bình luận. Trên tờ Phụ Nữ TP.HCM, nhà thơ Lê Minh Quốc viết đại ý rằng Phan Hoàng là một trong những nhà thơ trẻ đầu tiên mạnh dạn đưa ngôn ngữ hiện đại vào thơ…”, Phan Hoàng nhớ lại.
Đến năm 2002, nhà thơ Phan Hoàng xuất bản tập thơ Hộp đen báo bão. Theo kế hoạch tập thơ này in năm 2000, nhưng lúc đó xảy ra một số “sự cố” về thơ nên NXB Trẻ “neo” lại và biên tập kỹ, cắt bớt vài đoạn nên in chậm hai năm.
“Đã có lúc nhiều người nghĩ tôi chán nản bỏ thơ, nhưng không, tôi vẫn sáng tác đều đặn, có điều ít xuất hiện và không in thành tập. Tôi viết nhiều mà cũng tự xoá bỏ rất nhiều. Điều quan trọng của thơ là phải tạo nên cái mới, khác biệt, nếu không dễ lọt thỏm vào dàn “đồng ca” thơ ngập tràn trên báo xuân, mà đọc bài nào cũng giống bài nào. Đó cũng là một phần bi kịch của nền thơ Việt đương đại”.
Với Phan Hoàng: “Thơ như người tình lãng mạn và khó tính, vừa hấp dẫn ma lực và chia sẻ nỗi lòng tôi, lại vừa làm khổ tôi có lúc đền gầy mòn xanh xao từng câu chữ. Vì có thói quen hay sáng tác lúc đi trên đường hay lúc nửa đêm, nên thơ còn là “mối hiểm hoạ” cho tính mạng và sức khoẻ của tôi”. Vì vậy, có những lúc không viết được, Phan Hoàng đi làm từ thiện. Cách đây ba năm, Phan Hoàng cùng các bạn thơ Lâm Xuân Thi, Hồ Thi Ca sáng lập Quỹ Tình thơ hỗ trợ các nhà thơ gặp hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật (mỗi lần hỗ trợ 10 triệu đồng) và mua thơ hỗ trợ phát hành các tập thơ mới. Đến nay Quỹ Tình thơ đã hỗ trợ hơn 300 triệu đồng. Quỹ này do ban điều hành tự lo liệu, không tổ chức quyên góp.
Bìa Chất vấn thói quen với tranh minh họa của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Đến Chất vấn thói quen
Chất vấn thói quen hoàn toàn không có thơ về tình yêu lứa đôi. Theo lời kể của Phan Hoàng, một nữ nhà văn trẻ đã từng “chất vấn” hình như anh không làm thơ tình?
“Biết làm sao được khi mối quan tâm của tôi đang hướng về những người nông dân bị mất đất, sống ly hương, di sản cha ông đang bị tàn phá, môi trường sống của chúng ta đang bị huỷ hoại, sự hư danh ảo tưởng đang lấn át, cái ác cái chết đang ám ảnh mỗi người hàng ngày… và trên hết là sự cô đơn đang bao trùm đời sống thị trường, những giá trị nhân văn bị đảo lộn trong từng gia đình, trong từng ý nghĩ của không ít con người…”.
Lúc này, nhà thơ Phan Hoàng đang chỉnh sửa bản thảo tập thơ thứ tư Bước gió truyền kỳ. Đúng ra tập thơ này xuất bản trước Chất vấn thói quen, nhưng vì cuối năm 2010, Phan Hoàng bị cướp mất laptop, nên bản thảo chỉnh sửa vừa hoàn thành cũng “bay” theo luôn.
“Giờ phải tập hợp lại bản thảo, sáng tác lại một số bài theo trí nhớ để ra mắt bạn đọc. Tôi cũng đang suy nghĩ về những đề nghị tái bản các bộ sách phỏng vấn nhân vật của mình và tập hợp tản văn, bút ký tôi viết gần 10 năm nay để in thành sách. “Âm mưu” dự định thì nhiều nhưng cũng khó mà… bước tới hết”.
An Vũ

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2011

Chúc mừng đồng kịch gia phim "Ám ảnh"

Nhà văn-nhà báo Trần Nhã Thụy:

Luôn cố gắng sống cho tử tế!

Sau bốn năm miệt mài sáng tác, tiểu thuyết đầu tay Sự trở lại của vết xước (NXB Văn nghệ) của nhà văn Trần Nhã Thụy đã gây được sự chú ý trong độc giả và giới chuyên môn. Tác phẩm được khẳng định bằng Tặng thưởng của Hội Nhà văn TP.HCM năm 2008.

Thích viết truyện không có cốt truyện
Trần Nhã Thụy bắt đầu viết văn từ khi còn là học sinh phổ thông, có truyện in báo khi đang là sinh viên khoa Văn trường Đại học Tổng hợp (Nay là ĐH KHXH&NV TP.HCM). Anh tự thấy mình không chịu ảnh hưởng của ai, cũng chẳng biết mình viết theo phong cách gì. Nhưng ngay từ ban đầu, Trần Nhã Thụy đã thích viết những truyện không có cốt truyện bởi với anh, quan trọng là tạo không khí truyện và mô tả cảm giác sống. Đặc biệt Trần Nhã Thụy rất quan tâm và muốn đi sâu vào đề tài hiện đại với những vụn vặt đời thường. Qua các tác phẩm của anh, có thể thấy rõ anh là người thích quan sát, nhìn ngắm đời sống. Tuy tự nhận mình không biết nhiều về những vụn vặt đời thường, nhưng anh có xu hướng thích giao du với những người bình thường và những chi tiết từ đời thường khiến anh bị ấn tượng, nếu không muốn nói là ám ảnh.

Cách sửa tốt nhất là… viết một cuốn khác
Tuy sở trường sáng tác truyện ngắn song Trần Nhã Thụy vẫn đam mê thử sức với tiểu thuyết và mất gần bốn năm để hoàn thành tiểu thuyết đầu tay Sự trở lại của vết xước. Anh thú thật đã gặp những khó khăn không lường trước. Về mặt cấu trúc, giọng điệu, tiểu thuyết khác nhiều so với truyện ngắn và anh phải tự dò dẫm đi con đường riêng. Anh cho biết: “Tiểu thuyết đương nhiên không phải là câu chuyện kéo dài. Nhưng từ ý thức đến hành động không phải bao giờ cũng dễ dàng. Đấy là nói về những khó khăn trong việc xử lý văn bản. Vả lại, còn rất nhiều những khó khăn khác, nói chung là liên quan đến việc mưu sinh”. Khác với báo chí, truyền hình ra sức săn đón, ca tụng, Trần Nhã Thụy đón nhận Tặng thưởng của Hội Nhà văn TP.HCM 2008 với một tâm trạng bình thường, không có gì đặc biệt. Với cuốn tiểu thuyết này, anh thấy không cần phải sửa chữa gì thêm, ngoài những lỗi về hành văn. Anh còn dí dỏm cho biết thêm, có lẽ cách sửa tốt nhất là… viết thêm một cuốn khác.
Hiện tại, Trần Nhã Thụy vẫn đang viết truyện ngắn, tản văn và tiểu thuyết. Tuy nhiên anh cho biết trong thời gian tới sẽ đầu tư cho tiểu thuyết nhiều hơn. Khác với một số nhà văn trẻ khác đang ra sức tạo dựng phong cách riêng cho tác phẩm của mình, Trần Nhã Thụy thú thật anh không quá chú trọng đến hình thức và chỉ biết viết những điều theo suy nghĩ và cái nhìn của riêng mình. Phương châm sáng tác của anh là “Phong cách là cái tự nhiên, không nên cố ý cố tạo. Không phải anh mặc áo chim cò thì thành nghệ sĩ.

Luôn cố gắng sống cho tử tế
Là một trong những gương mặt nhà văn 7X nổi bật trong nước ta bởi những tác phẩm mang đề tài khá sâu sắc, khơi gợi nhiều điều suy ngẫm, Trần Nhã Thụy vẫn khiêm tốn tự nhận mình kém hơn nhiều người về cả cuộc sống và môi trường làm việc. Anh cũng cho rằng nét chung của thế hệ nhà văn 7X là vẫn thể hiện một dòng văn học “thân phận”. Tuy nhiên anh khẳng định mình là người không quá nghiêm trọng việc “lập thân văn chương” và cũng không màng đến hội hè. Tuy được một số lời nhận xét rằng mình là “người hiền” trên văn đàn, anh cho rằng điều đó nghe sang trọng mà nghiêm trọng quá, bởi trong thực tế, anh chỉ cố gắng sống cho tử tế.
Ngoài sở thích đi lang thang, Trần Nhã Thụy cũng có thói quen mê đọc sách với rất nhiều thể loại. Anh cho biết gần đây rất thích đọc sách về tinh hoa tri thức của NXB Tri thức. Còn những tác phẩm văn chương thì đọc theo gu. Đối với anh, việc đọc luôn là một công việc nghiêm túc. Đôi khi đọc để tránh, những gì người ta viết rồi để tránh không lặp lại. Bên cạnh sáng tác, Trần Nhã Thụy hiện là phóng viên văn hóa văn nghệ của một tờ báo lớn. Đối với anh, nghề báo là để kiếm sống, đồng thời cũng là một phương thức hoạt động xã hội cần thiết.

Box Toàn cảnh:

Trần Nhã Thụy

Tên thật Trần Trung Việt

SN 1973, Quê Quảng Ngãi

Từ năm 1991 đến nay sống tại Sài Gòn. Hiện làm việc tại báo Tuổi Trẻ.

Các tác phẩm văn học đã xuất bản: Lặng lẽ rừng mai (Tập truyện ngắn). Thị trấn có tháp đồng hồ (Tập truyện dài). Những bước chậm của thời gian (Tập truyện ngắn). Gối đầu trên mây (Tập tạp văn). Sự trở lại của vết xước (Tiểu thuyết). Chàng trẻ măng ở phố treo đầu (Tập truyện ngắn). Cuộc đời vui quá không buồn được (Tập tạp văn). Mùi (Tập truyện ngắn – tạp văn)

Các giải thưởng: Giải thưởng Truyện ngắn Trẻ (Báo Văn nghệ Trẻ – Hội Nhà văn VN 1998), Giải thưởng Truyện ngắn Văn học cho Tuổi Trẻ (NXB Thanh Niên- Báo Văn nghệ – Hội Nhà văn VN 2003), Tặng thưởng Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh cho tiểu thuyết Sự trở lại của vết xước (năm 2009)

Box Ta cùng nói về nhau:

Trần Nhã Thụy:

“Thật không quá đáng khi nói rằng, Nguyễn Lệ Chi đã chắc chắn có tên trong lịch sử xuất bản Việt Nam. Không chỉ với tư cách một dịch giả, Nguyễn Lệ Chi còn là người bắc một nhịp cầu để giới thiệu dòng văn học Ling Lei của Trung Quốc đến với độc giả Việt Nam. Ling Lei như đúng tên gọi của nó chính là “một dòng khác”, một dòng mới ngoài dòng chính thống, chứ không hẳn là “xác thịt, trần trụi, chán chường”… như nhiều người đã từng ngộ nhận. Vậy thì, tại sao Nguyễn Lệ Chi lại chọn cái dòng khác ấy? Đó là một câu hỏi. Và câu trả lời cũng đã đến ngay sau câu hỏi ấy. Bởi, Nguyễn Lệ Chi là một đại diện cho cái mới. Cái mới khởi động, hình thành cho mọi giá trị.

Rồi, với thương hiệu ChiBooks, có thể nói Nguyễn Lệ Chi là một nhà làm sách độc lập hiện nay tạo được ấn tượng về tính chuyên nghiệp cao. Luôn thể hiện như một người phụ nữ xinh đẹp, sắc sảo, nhưng Nguyễn Lệ Chi thực sự là người biết “giữ mình” ở trạng thái cân bằng, ở đạo trung dung, đó là người biết cách để đi đường xa. Tôi biết, Nguyễn Lệ Chi còn đang triển khai những dự án viết. Đó cũng là điều mà tôi chờ đợi để có thể “tiếp cận” một con người Nguyễn Lệ Chi văn chương”…

Nguyễn Lệ Chi:

Tôi có cơ hội được quen với Trần Nhã Thụy trước khi viết về anh. Điềm đạm, thâm trầm, suy nghĩ chín chắn, có trách nhiệm, cẩn thận, già trước tuổi, luôn mơ màng trong một thế giới riêng của mình, không màng thế sự hỗn loạn bên ngoài… là những gì mà tôi cảm nhận được từ anh. Văn chương của Trần Nhã Thụy đúng như con người anh, chín chắn, khoan nhặt như rót từng chút tâm tư, cứ đều đều qua ngày như vậy nhưng lắng đọng mãi trong lòng người đọc. Văn chương của anh khá kén người chia sẻ bởi những người thích văn của họ ít nhiều cũng là những người từng trải, thâm trầm, từng đau đớn, từng va vấp, từng chia sẻ ngọt bùi và cũng từng vượt được qua cái ngưỡng của chính mình và có thể nhìn nhận lại mọi việc bằng con mắt điềm tĩnh, nhẩn nha. Có những lúc tôi có cảm giác Trần Nhã Thụy già hơn tuổi rất nhiều, anh như sống ngược hẳn lên thời gian, bỏ qua những thứ nhăng nhố dễ vướng bận trong cuộc sống để trốn chạy về những miền xưa cũ kĩ trong tiềm thức và quá khứ. Có lẽ một chốn bình yên của Trần Nhã Thụy cùng những tâm tư của anh cũng là khát vọng của không ít bạn đọc.

Trần Nhã Thụy là một người khái tính, yêu ghét rạch ròi và không để bụng. Có lẽ chính vì điểm chung này, tôi thấy rất quý anh. Với bạn bè, đồng nghiệp, anh sẵn sàng giúp đỡ khi biết họ có khó khăn và dù họ không hề cất tiếng nhờ vả. Nhưng với những người mà anh không phục, không quý hoặc anh thực sự nhận ra bản chất ích kỷ, xảo trá của họ, anh sẽ tự động tránh lui, giữ một khoảng cách lạnh lùng tuyệt đối. Anh cũng không có tính nói xấu người khác, không thích đưa chuyện, sống và làm việc chỉ với tiêu chí đơn giản rất đúng kiểu “chuyện mình, mình làm”. Bút danh Việt Quê của anh trên báo Tuổi Trẻ như phần nào khẳng định thêm về tính cách và con người Trần Nhã Thụy, chất phác, quê mùa, không bao giờ thích bon chen và chơi trội. Chơi với anh đủ lâu, đủ để hiểu nhau, đủ chia sẻ nhiều điều trong cuộc sống và công việc nhưng viết về nhau nhiều lúc thật không đơn giản. Với một con người khiêm nhường như Trần Nhã Thụy, anh thường từ chối những cuộc phỏng vấn, trừ mỗi lúc cần phải hợp tác với các đơn vị xuất bản mỗi khi sách mới của anh phát hành. Trần Nhã Thụy cũng là một người rất cẩn trọng về câu chữ. Anh từng đề nghị tôi cho xem lại bài viết sau khi tôi hoàn tất để đảm bảo không có ý gì bị hiểu lầm. Anh cũng thường xuyên trao đổi với tôi về những suy nghĩ, trăn trở của mình về công việc xuất bản, và thậm chí từng có thời kỳ định chung tiền đầu tư với một vài nhà văn khác để mở công ty xuất bản sách.

Trần Nhã Thụy sống lặng lẽ, vui thú ở Làng Mai-nơi anh tự đặt tên cho chốn nhỏ bình yên của mình, đều đều viết văn, cần mẫn như con kiến chăm chỉ tha mồi, nhưng rất kiệm lời khi được hỏi về công việc sáng tác kịch bản phim truyền hình mà anh vẫn làm thường xuyên trong nhiều năm qua. Đôi khi anh rất thích thú sáng tác thơ và thường xuyên nhắn tin cho bạn bè qua điện thoại, qua chat, email dăm câu thơ ngắn mà anh đột nhiên có hứng thú nảy ra. Sau tập tản văn Mùi vừa xuất bản, tôi biết Trần Nhã Thụy đã lên kế hoạch sắp xếp lại công việc, dẹp hết việc viết kịch bản phim để tập trung một năm vào sáng tác tiểu thuyết theo đơn đặt hàng của một công ty xuất bản. Nhưng với tôi, dù làm gì, viết báo, viết văn hay sáng tác kịch bản phim truyền hình, Trần Nhã Thụy vẫn luôn là một người tử tế, sống và làm việc hết mình.

(Theo Nguyễn Lệ Chi)

Thể lệ Cuộc thi Tản văn năm 2024 trên Viết SÁNG TẠO

  Công bố thể lệ Cuộc thi Tản văn năm 2024 trên Viết SÁNG TẠO   Thưa bạn đọc bạn văn! Tản văn đang là thể loại thời thượng vì tính chất cập...