Hiển thị các bài đăng có nhãn CHƠI. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn CHƠI. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 8 tháng 12, 2008

Em ơi, rau mầm



Đại gia rau mầm
NGUYỄN CẦU

Nhờ áp dụng công nghệ sinh học, ông Nguyễn Minh Trường ở tổ 12, phường Bình Thuận, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng đã sản xuất thành công rau mầm, loại nông sản siêu sạch, chỉ 4-5 ngày kể từ khi gieo hạt là thu hoạch.
Hiện cơ sở này cung cấp cho thị trường 50-60 kg rau mầm mỗi ngày. Với giá 35 nghìn đồng/kg, trừ hết mọi chi phí, lãi trên 700 nghìn đồng/ngày, ông Trường cho biết. Và ông đã tận dụng tối đa diện tích ngôi nhà cuối hẻm nhỏ đường Hoàng Diệu để làm nơi sản xuất. Bàn ghế phòng khách cũng dẹp sang một bên nhường chỗ cho giá đựng rau mầm. Ông cũng từ giã luôn nghề thợ điện gắn bó hàng chục năm để chuyển sang nghề sản xuất rau cao cấp này.
Thực ra, rau mầm được nông dân TP Hồ Chí Minh sản xuất từ nhiều năm nay. Ở Đà Nẵng, ông Trường là người đầu tiên sản xuất và đã hướng dẫn cho nhiều người khác cùng làm theo. Khi sản phẩm mới lạ này tạo dấu ấn trên thị trường, Trung tâm Khuyến ngư nông lâm, Phòng Kinh tế quận Hải Châu, yêu cầu ông tập huấn cho nông dân. Không giấu nghề, ông Trường chuẩn bị chu đáo về tài liệu và đứng lớp hướng dẫn cho hàng trăm nông dân. Sau đợt tập huấn đó, việc sản xuất rau mầm ở Đà Nẵng rộ lên. Đến nay, ít nhất có 40-50 cơ sở lớn nhỏ, mỗi ngày cung cấp cho thị trường hàng tấn rau chất lượng cao.
Hoá ra quy trình sản xuất rau mầm không có gì phức tạp, ai cũng làm được. Người ta dùng khay xốp (tận dụng khay đựng quả), trải lớp giá thể (đất sạch) dày 2-3 cm. Trên đó trải tiếp lớp giấy thấm. Rải đều hạt giống đã ngâm ủ với mật độ dày, để vào chỗ râm mát. Rồi cứ thế, ngày 2 lần tưới nước với mức độ vừa phải. 4-5 ngày sau, mầm rau lên cao 5-6 cm là thu hoạch. Rau mầm chỉ hút nước để sinh trưởng nên đây là loại rau siêu sạch. Theo ông Trường, cái khó là sản xuất được đất sạch để ươm gieo. Nguyên liệu chính của đất sạch là xơ dừa. Sau khi xay nhỏ, khử tạp chất, ủ vi sinh 4-5 ngày là đưa ra sản xuất. Hiện tại, ông tập trung cho việc sản xuất đất sạch, đáp ứng nhu cầu trồng rau mầm ngày càng cao trong nông dân. Theo ông Trường, quy trình sản xuất rau chỉ ít tiếng đồng hồ là nắm bắt được, đối với quy trình chế biến đất sạch phải học mấy tuần là chế biến thành công.
Hiện tại, đại gia rau mầm này suốt ngày bận rộn. Suốt ngày ông đến các cơ sở sản xuất mới hướng dẫn kỹ thuật. Có lúc ngồi cả buổi hướng dẫn qua điện thoại. Anh Võ Xuân Sơn, ở tổ 11, phường Hoà Cường Nam rất phấn khởi khi việc sản xuất rau mầm đem lại thu nhập cao. Anh Sơn tâm sự: ông Trường rất tận tình. Không chỉ chuyển giao kỹ thuật mà ông còn cung cấp các dụng cụ và đất sạch, giống để sản xuất. Hiện tại, ngoài mầm cải cơ sở còn sản xuất rau muống, dền đỏ, mồng tơi mầm. Ở Hoà Cường Nam này, ông đã hướng dẫn nhiều hộ nông dân, ai cũng sản xuất đạt hiệu quả cao.
Điều ông Trường trăn trở nhất hiện nay là sản phẩm rau mầm chưa được cơ quan chức năng quan tâm kiểm tra cấp giấy chứng nhận rau sạch। Trong khi siêu thị rất cần sản phẩm này nhưng đòi hỏi phải có giấy chứng nhận của cơ quan chức năng. Ông và một số chủ cơ sở đã có đơn kiến nghị, nhưng vẫn chưa được giải quyết. Hi vọng cơ quan chức năng sớm giải toả khó khăn nêu trên cho những người sản xuất rau mầm nói riêng, rau an toàn nói chung.

(NNVN)

Thứ Năm, 4 tháng 12, 2008

Kiêng hỏi kiểng



Tản mạn về dáng thế mai xuân

Ngày trước cây mai được trồng lâu năm, được bàn tay sáng tạo của các nghệ nhân lành nghề uốn sửa thành các “‘thế”, “chi”’ mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp, có khi là dấu ấn về tín ngưỡng, tôn giáo, đạo đức, triết lý sống của người quân tử theo văn hóa Trung Hoa và Việt Nam...Để làm được như vậy, các nghệ nhân cây cảnh ngày xưa phải dựa vào dáng tự nhiên sẵn có của từng cây mai mà tạo ra những dáng cây phù hợp. Chẳng hạn từ cây mai có dáng tự nhiên sẵn có là ‘’trực’’ hoặc dáng ‘’hoành’’... được uốn sửa theo đúng dáng thế mà họ thấy là phù hợp và dễ dàng nhất. Các đề tài được khai thác ở cây mai trước đây đều nhằm vào việc đề cao các triết lý về Tam giáo là Nho giáo, Phật giáo và Lão giáo. Có khi là các đề tài xoay quanh cây mai thế về các lĩnh vực đạo đức, quan niệm sống cũng như ước vọng của gia chủ... Thông thường những đề tài được khai thác nhiều nhất từ việc uốn, ghép cây mai cảnh và các loại cây cảnh bonsai khác theo một chuẩn mực được định sẵn...
Dáng ‘’Tam cương ngũ thường’’ Tam cương còn gọi là tam càn, có nghĩa là ba giềng mối lớn của đạo làm người của thuyết Nho giáo gồm: Quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu thê (vợ chồng). Còn ngũ thường là năm đạo làm người thời xưa gồm: Nhân (biết thương người), lễ (những nghi lễ trong giao tiếp), nghĩa (theo việc đúng đắn mà làm), trí (sự thông minh, khôn ngoan) và tín (giữ lời hứa, không gian dối). Người nào hội đủ được cả ‘’Tam cương ngũ thường’’ là người mẫu mực, đáng trọng vọng trong xã hội. Cây cảnh được uốn theo dáng “Tam cương ngũ thường’’ chính là mơng muốn của người chơi mai vậy. Dáng Tam tài “Thiên, Địa, Nhân” Chủ đề cây bonsai hướng đến ba ngôi thứ là Trời, Đất, Người. Trong ba ngôi thứ đó thì người thể hiện ở chính giữa, làm chủ muôn loài... Dáng thế “Tam tòng tứ đức’’ Do câu ‘’Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử’’. Đó là tam tòng (con gái chưa xuất giá ở chung với cha mẹ, và vâng lời cha mẹ; khi lấy chồng thì phải theo chồng, và nghe lời chồng; nếu chồng chết thì ở vậy nuôi dạy con). Còn tứ đức là công, dung, ngôn, hạnh (giỏi việc bếp núc và may vá thêu thùa chính là quan niệm xưa về công; giữ gìn nhan sắc luôn tươi đẹp là dung; rèn luyện lời ăn tiếng nói mềm mỏng, lễ phép là ngôn; có nết na, đạo hạnh, đoan chính là hạnh). Câu này cũng được hiểu là ‘’Hiếu - để - trung - tín’’... Cây mai uốn thế “Tam tòng tứ đức” chính là vậy.
Dáng ‘’Nhất trụ kình thiên’’ Dáng cây hàm ý nói đến chí khí bất khuất của người anh hùng, đầu đội trời, chân đạp đất, hiên ngang đứng giữa trời đất, không luồn cúi, nịnh bợ ai, gặp việc phải, đúng là làm, dù biết hiểm nguy đang chờ đợi mình ở phía trước... Dáng Tam đa ‘’Phúc - Lộc - Thọ’’ Nói lên ước vọng của người chủ cây mai là mong gia đình, thân quyến luôn có được ba điều: đa Phúc là gặp nhiều việc tốt lành; đa Lộc là nhiều bổng lộc, giàu có; đa Thọ là mong muốn được sống đến trăm tuổi, sống thọ vĩnh hằng trên đời...Dáng ‘’Phụ tử và Mẫu tử’’ Chủ đề cây cảnh hướng theo tình cảm cha con, mẹ con, nhằm đề cao bổn phận thiêng liêng và tình yêu cao cả, rộng lớn của cha mẹ dành cho con cái... Những điều cấm ky khi tạo dáng cây cảnh bonsai Đề tài cây cảnh bonsai rất rộng, kể cả chủ đề xưa và nay, những nghệ nhân hoa kiểng ngày xưa khi sáng tác cũng gặp những lệ luật rất khắt khe chi phối từ nhiều phía như chính trị, tôn giáo, mỹ tục... nghĩa là cũng bị gò bó theo khuôn phép của nề nếp xã hội (chống Trời...), không được phạm thượng (tàn nhánh không nhiều, cây lùn vừa phải...). Chẳng hạn khi tạo dáng, thế cho cây, nghệ nhân không được cưa ngọn cây và cũng không dùng cây đã bị cụt ngọn. Không được cưa thân cây kiểng, dù là để tạo thân mới cho cây bằng cành nhánh sắp mọc của chính cây đó. Cách tạo dáng thế Thông thường muốn tạo ‘’thế’’ đẹp cho cây mai cảnh trước hết phải dựa theo dáng sẵn có của từng cây (cây mai) để từ đó nghĩ cách tạo ra các ‘’thế’’ phù hợp cho cây. Tất nhiên là phải quan sát từng phần để có cách uốn sửa. Bộ rễ mai cảnh Bộ rễ của cây mai gồm có một rễ cái khá dài, nhờ đó mà cắm sâu xuống đất để hút được nhiều chất bổ dưỡng nuôi thân, lá, đồng thời cũng giữ được thế đứng vững chắc cho cây trước phong ba bão táp. Mọc ra từ rễ cái là vô số rễ con, tất cả bộ rễ đó đều chôn vùi trong đất chậu. Thế nhưng với kiểng cổ, qua tài nghề của nghệ nhân, bộ rễ vẫn góp phần làm đẹp cho cây mai cảnh. Người ta tạo ra nét già nua hoặc tùy trường hợp mà có những hình tượng lạ khác từ bộ rễ. Muốn được vậy phải có sự kỳ công và mất nhiều thời gian. Trước hết ta phải nắm vững hình dạng bộ rễ của từng cây mai, nhân cơ hội sang chậu; thay đất mới cho cây hằng năm. Chỉ những nhánh rễ phụ nằm gần tầng đất trên mặt mới được sử dụng vào việc tôn nét thẩm mỹ cho cây. Chẳng hạn: chùm rễ phụ của cây mai được người ta đưa trồi lên khỏi mặt đất, bố trí cho nằm về các hướng khác nhau với thế uốn éo ngoằn ngoèo như những con rắn, vừa tạo được sự già nua cho cây lại vừa tạo được ấn tượng đối với người thưởng thức. Nếu gặp được gốc mai già đã có sẵn hình muông thú thì chọn ra những rễ con (cũng nằm ở tầng mặt) to khỏe xếp vào vị trí phù hợp để tạo chân thú sau này... Sửa một bộ rễ cho định hình, nhiều khi phải chờ đến ba bốn năm, thậm chí lâu hơn mới thành công. Gốc cây mai cảnh Gốc của những cây mai già có khi suôn đuột, nhưng cũng có những hình thù khác lạ. Tùy theo hình thù của cây mai già mà kết hợp với việc uốn sửa các rễ con để tạo nên những hình tượng độc đáo như ‘’hổ phục’’, ‘’phượng vũ’’... Nếu là gốc thuộc dạng suôn đuột thì lão hóa thành những u nần, hốc lõm, hoặc đôi chỗ vỏ bị trầy xước, mốc meo... giống như lớp da nhăn nheo của người già...Thân cây mai cảnh Thân cây mai thường được chọn ở bên dưới to, trên nhỏ mới phù hợp. Theo luật xưa, phải dùng thân chủ, dù có cao cũng không được cưa cụt để tạo thân mới từ cành non của nó. Phải uốn thân từ lúc cây còn non vì lõi gỗ còn mềm dẻo dễ uốn. Mai vốn là cây mềm mại, ẻo lả nên thân cây không nên để suôn đuột, cũng không nên uốn sửa đến độ cong queo uốn lượn nhiều khúc như thân con rắn mất độ tự nhiên. Với cây mai nhiều năm tuổi (hoặc cây được lão hóa) cần phải có lớp vỏ sù sì, nhăn nheo, rồi những hốc lồi lõm mới gây được sự chú ý của người xem. Nghệ thuật bố trí cành mai Với mai cổ điển, cành còn được hiểu là tầng, là tay (chi). Theo luật uốn sửa cây kiểng ngày xưa thì số cành trên cây phải là số lẻ: 3 - 5 - 7... Nhưng kiểng xưa hầu hết người ta chỉ chọn từ 3 hoặc 5 cành trên mỗi cây. Các cành đều được phân bố hợp lý. Cành dưới gốc (phủ địa) phải đủ cao (bằng 1/3 chiều cao của thân cây), các cành phía trên được uốn sửa cho phân bố với khoảng cách tạo được độ thông thoáng. Vị trí của cành thường có nhiều dạng như: Chiết chi nhị diện (hai cành mọc đối xứng với nhau), chiết chi tứ diện (bốn cành mọc theo bốn hướng khác nhau theo hình xoắn ốc). Trong việc uốn sửa cành, nhiều trường hợp cành không nằm đúng vị trí mong muốn, ta phải dùng cách uốn ‘’tế thân’’ (tế: che lấp), tức uốn cành vòng qua thân cây để chuyển về hướng khác. Sửa tán lá cho cây Cây mai có tán lá xanh tươi, bóng mướt mới được đánh giá là đẹp. Thế nhưng, tán lá không được đè lên nhau, che khuất nhau tạo sự rậm rạp làm lu mờ đường nét đặc thù của cây. Người xưa không am tường đến kỹ thuật ghép, giâm cành, chiết cành như cách nhân giống, lai giống ‘’mai giảo’’ của chúng ta ngày nay. Đã thế, họ cũng không có những dụng cụ chuyên dùng để trợ lực cho việc uốn sửa này như các loại kềm kéo để cắt rễ, cắt cành, như kẹp chuyên dụng để uốn cành và thân cứng, như dây kẽm, dây nhôm để uốn cành... Thế nhưng, họ cũng có phương pháp riêng và tận dụng những dụng cụ sẵn có như cây, ván, dây thừng qua các cách treo, neo, nêm chống chỏi. Chậu mai xuân đặt ở đâu? Cây mai thế được người xưa ghép thành từng bộ, mỗi bộ có nhiều cây và được đặt vào vị trí tốt nhất trong vườn nhà. Nếu giữa vườn nhà chỉ có một cây mai kiểng thế đẹp thì đó là kiểng chủ. Nếu bộ ba cây gọi là ‘’Tam tài’’. Cây mai chủ đặt ở chính giữa, hai cây còn lại đặt hai bên đối xứng nhau. Nếu bộ mai có năm cây gọi là ‘’Ngũ phúc mai’’. Khi đó cây mai chủ sẽ đặt ở giữa, bốn cây mai khác đặt hai bên theo từng cặp đối xứng nhau...Chúc các bạn có một cái Tết vui vẻ, có nhiều cây cảnh trong nhà để thưởng ngoạn một mùa xuân nữa đang đến...
CỬ ĐÚP

(theo CAO)

Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2008

Hoa Hoàng Yến



Hoàng Yến - một cây hoa tuyệt vời


Từng đợt đồng bào, du khách, các nhà chuyên môn về cây cảnh, nam nữ bạn trẻ không ngớt lời khen một cây hoa rất lớn và rất đẹp ở Hội hoa xuân 2005: - Đẹp quá. Đẹp thiệt. Trời, quá đẹp. Độc đáo. Độc quyền… Người thưởng lãm đọc tên cây hoa ấy: “Bò cạp nước. Muồng Hoàng Yến - Osaka”. Ai cũng ngước nhìn lên vòm hoa cao hơn 4m, rộng gần 4m, rực rỡ quá nhiều chùm hoa màu vàng xanh lạt buông xuống đung đưa nhẹ nhàng theo gió xuân thành phố và nhịp thở thư giãn giữa đô thành. Một nhà chuyên môn dự định sẽ nhân giống “Hoàng Yến” đưa ra thị trường để đồng bào chơi Tết như hoa mai. Bông “Hoàng Yến” đẹp như mai vàng và bền hơn bông mai, lâu tàn. 10 giờ đêm trước ngày khai mạc Hội hoa xuân, chiếc xe nâng từ từ đưa “người đẹp Hoàng Yến” từ vườn kiểng “Phú Cẩm” – Hiệp Bình Phước về đến Tao Đàn lúc 2 giờ khuya. Một chặng đường không xa mà phải mất 4 tiếng đồng hồ di chuyển. Đi một lúc lại phải chống dây điện lên cao cho cây hoa đi qua và phải đi đường vòng để tránh đoạn đường có quá nhiều dây điện trên cao. Không thể dùng xe cần cẩu để chở cây hoa kiểng quá cao, do xe cẩu cao hơn xe nâng. 2 giờ khuya ấy, anh Diễm - chủ nhân cây “Hoàng Yến” đứng trước cửa Hội hoa xuân mà trên nét mặt trẻ trung của anh hiện vẻ suy tư lo lắng về vị trí để cây hoa.Theo dự định, cây “Hoàng Yùến – Osaka” sẽ làm biểu tượng cho Hội hoa xuân 2005. Nhưng gần giờ chót có sự thay đổi vị trí để cây hoa vào sâu bên trái cửa chính. Đoạn đường hơn 200m có quá nhiều dây điện bên trên, bên dưới có cống ngầm khá nguy hiểm. Sau khi trao đổi với nhiều ý kiến, lúc 3 giờ khuya đã định vị xong cho cây hoa ở gần cửa chính. Mọi người yên tâm, thở phào để lo việc ngày hôm sau khai mạc Hội hoa xuân.“Người đẹp Hoàng Yến” sinh trưởng ở đồng bằng sông Cửu Long. Lúc 18 tuổi, chuyển về “thường trú” ở vườn kiểng Phú Cẩm. Anh Diễm - chủ nhân, anh Bích - người lặn lội ở miền Tây sưu tầm cây hoa ấy chăm sóc 3 năm trời. Mùa xuân này là năm cây hoa có nhiều bông tươi mướt từ trên cao đến gần sát gốc. Gốc rễ cây hoa đều đẹp, một thực thể cây cảnh đẹp toàn diện.Và, Hoàng Yến mới được một vị cố vấn Hội hoa xuân phát hiện 1 tháng trước khi đưa vô Tao Đàn trong mùa mai vàng đang gặp nạn do thời tiết quá nóng.Một cây kiểng có hoa vàng rực rỡ, lần đầu tiên xuất hiện ở Hội hoa xuân TPHCM lần thứ 25, thật tuyệt vời! Bao nhiêu công sức của người vun trồng 18 năm ở đồng bằng sông Cửu Long và đặc biệt là công sức và kỹ thuật của anh Diễm, anh Bích để cây hoa đơm bông đúng Tết. Tấm lòng nghệ nhân yêu hoa, yêu Hội hoa xuân, đó là duyên hoa, duyên đẹp ý xuân đời.
NGUYỄN TRÍ VIỆT
(nguồn: SGGP)

Thứ Hai, 17 tháng 11, 2008

GHÉP CÂY

Muốn cây xương rồng ra hoa bát tiên


Cây xương rồng ra hoa xương rồng đó là điều đương nhiên, tuy nhiên có người lại tạo được cây xương rồng ra hoa bát tiên thế mới lạ. Người đó là nghệ nhân Ba Thật (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, Tp.HCM). Và tác phẩm của ông đã đoạt Huy chương bạc tại Hội Hoa Xuân Tp. HCM cách nay vài năm.

Trao đổi với chúng tôi ông cho biết cây hoa bát tiên vốn là một cây có nguồn gốc từ châu Phi, được du nhập từ Thái Lan vào nước ta cách nay khoảng hơn chục năm. Do có nhiều mầu hoa đẹp nên các nghệ nhân Thái Lan rất thích, họ đã lai tạo ra được trên 100 loại khác nhau. Ở Việt Nam tuy chưa được thống kê một cách đầy đủ nhưng có lẽ cũng có đến vài chục loại.

Hoa bát tiên nếu để mọc đơn lẻ trên từng cây thì cũng đã rất đẹp và lạ mắt, nhưng nếu biết cách ghép nhiều mầu hoa trên cùng một gốc ghép cổ thụ lớn thì sẽ còn đẹp hơn. Với ý tưởng này sau một thời gian tự tìm hiểu, mày mò nghiên cứu và thử nghiệm ông đã ghép thành công nhiều giống hoa bát tiên lên cùng một gốc ghép là cây xương rồng đuôi phụng (một loại xương rồng có dáng, thế cổ thụ, khi được ghép nhiều mầu hoa bát tiên lên nhìn chúng rất đẹp và lạ mắt).

Cách làm của ông như sau: Trước hết sưu tầm một cây xương rồng đuôi phụng (loại này thường được trồng làm cảnh khá nhiều ở các vùng nông thôn), trồng vào trong một chậu lớn để làm gốc ghép, chăm sóc cho cây phát triển tốt. Khi thấy cây phát triển có dáng thế đẹp đạt được yêu cầu mong muốn thì ghép nhánh của cây bát tiên lên. Trên cây xương rồng đuôi phụng có rất nhiều nhánh, có nhánh dẹp, có nhánh tròn, ông chọn những nhánh tròn để ghép (vì chúng có dạng tròn giống cây bát tiên khi ghép sẽ dễ dính hơn).

Sau khi đã chọn được nhánh cây xương rồng có kích thước tương tự với nhánh định cắt làm cành ghép của cây bát tiên, ông cắt bỏ ngọn của nhánh xương rồng đuôi phụng (cắt ở vị trí bánh tẻ), tại chỗ vừa cắt lấy lưỡi dao lam cắt vạt hai đường đối diện nhau tạo thành hình chữ V, chỗ cắt vạt dài khoảng 1,5-2cm. Trên cây bát tiên chọn nhánh có độ lớn tương đương với nhánh vừa cắt hình chữ V trên cây xương rồng, cắt lấy một đoạn ngọn dài khoảng 5-6cm.

Tại phần gốc của đoạn ngọn này dùng lưỡi dao lam vạt hai bên tạo thành hình nêm (chỗ vạt cũng dài 1,5-2cm) để khi ráp vào hình chữ V trên cây xương rồng sẽ vừa khít. Lắp ráp xong dùng dây nilon mềm quấn vừa đủ chặt, sau đó dùng bao nilon (loại trong) trùm kín chỗ vừa ghép, để giữ cho ngọn của cây bát tiên không bị khô và chỗ ghép không bị nước mưa làm hư thối. Ghép xong đưa cây vào chỗ mát hoặc che nắng cho cây. Sau khi ghép 15-20 ngày mở bỏ bao nilon. Muốn chỗ ghép đễ dính thì ghép vào buổi chiều mát. Sau khi ghép một thời gian nhánh ghép của cây bát tiên sẽ ra bông rất đẹp.

NGUYỄN KHANG THÁI

(Nông Nghiệp VN)

Một giọng thơ mới

https://thanhnien.vn/mot-giong-tho-moi-me-tram-vang-tu-xu-do-ban-185240419093756642.htm