Thứ Hai, 15 tháng 4, 2024

Đồi Cù một góc (truyện ngắn ĐÀO ĐỨC TUẤN)

Đồi Cù một góc

(truyện ngắn ĐÀO ĐỨC TUẤN)

(ảnh: Nguyễn Hàng Tình)
 

          Thằng Thừa biết để ý con gái từ lúc học lớp 5. Mà phải con gái đẹp. Nó mất cha từ hồi mẫu giáo. Để tiện đi làm trên thị trấn, má gởi nó ở nhờ nhà bà dì. Nó hết lớp 4, má có chồng sau. Bà đưa nó về ở chung. Nó suốt ngày hục hặc với ông chú dượng.

          Đầu năm lớp 5, nó rụt rè với đám bạn mới toanh. Cả bọn học với nhau đã bốn năm nên thân thiết nói cười. Riêng nó thui thủi. Cô chủ nhiệm chỉ định nó vào tổ 4. Thằng tổ trưởng to con hất đầu bắt nó ngồi bàn cuối cùng, góc lớp. Bỗng có con bé tên Vân (nhỏ nhắn dễ thương như búp bê) chỉ tay vào thằng tổ trưởng “không được, bạn Thừa nhỏ con, phải ngầu bàn trên này mới dòm được bảng”. Vậy mà thằng tổ trưởng nghe theo ngay.

          Nó chuyển ngồi bàn ngay sau con Vân. Suốt buổi học dòm gáy tóc bom-bê của con bé. Nhiều khi chẳng biết cô đang giảng gì. Mơ sau này cưới con Vân làm vợ. Ra xếp hàng chào cờ, nó lựa chỗ đứng ngay sau con bé. Thế nhưng thằng Toàn gạt phăng, chen ngang.

          Sang lớp 6, nhà nó lại chuyển qua thị trấn khác. Nó nhớ ngôi trường năm cuối cấp một. Nhớ nhất con Vân. Mấy mươi năm sau vẫn chưa gặp lại.

*

*       *

          Căn tập thể mới của nhà nó kề ngay xóm trồng rau. Ở đó có nhà con Thoa học cùng lớp 6. Con nhỏ tóc đuôi gà, nhí nhảnh, có cái răng khểnh. Suốt mấy năm học cấp hai, nó nghĩ kế để được thấy mặt con Thoa. Đi học thì không kể. Về nhà là nó kiếm chuyện qua hỏi bài. Học nhóm. Giúp cắt rau. Đi quơ củi chung với anh em Thoa.

          Ngặt nỗi, con Thoa lại ở trong ban chấp hành liên đội. Tí tửng đi sinh hoạt với mấy thằng con nhà khá giả. Nó thấy tưng tức, buồn buồn. Đêm về mộng mị toàn tóc đuôi gà với răng khểnh.   

          Hè lớp 8. Nó suy nghĩ mấy ngày liền, rồi quyết định viết một lá thư tỏ lòng. Viết kín đôi giấy vở học trò. Nó tính kẹp thư trong vở mượn của Thoa. Nhưng nghĩ lỡ ai khác đọc trước thì có nước độn thổ. Nó nắm chặt lá thư, đi lui đi tới, rồi qua ngõ nhà Thoa. May, con nhỏ ở nhà một mình. “Tui… tui gởi… cái này cho Thoa”. Con bé chưa kịp phản ứng gì, nó đằng sau quay, lủi thẳng về nhà. Tim đập thình thịch như đang trên chín tầng mây.

          Từ đó, con Thoa hầu như tránh nói chuyện với nó. Con bé vẫn tung tăng đi sinh hoạt với mấy thằng liên đội suốt suốt. Đến hè lớp 9, thằng Thừa ấm ức đi thổ lộ với thằng Niên, bạn thân cùng lớp. Thằng Niên nói “tao thấy con Thoa cặp với thầy Sơn”. “Bậy, thầy Sơn có vợ con rầu mà”. “Để tao cho mày sáng mắt ra”.

          Một tối, thằng Niên đạp xe qua khu tập thể “đi với tao”. Thừa leo lên là thằng Niên đạp phăm về hướng đèo Tam Thái. Đến cầu Phú Thị, nó kít xe trước mặt hai người đang dựng xe đứng bên thành cầu. Thì ra thầy Sơn và con Thoa. Con Thoa nhăn mặt, thầy Sơn bối rối “thầy… thầy đi đưa đề… chuyển cấp cho Thoa”.

          Rồi vào cấp 3 khác trường. Rồi đại học khác nơi. Rồi mưu sinh. Nghe nói con Thoa còn yêu nhiều người nữa. Giờ đã có chồng, con cái giỏi giang. Nhậu với bạn bè, thằng Thừa vẫn nói “Thoa là mối tình đầu của tao”.

*

*       *

Làm sinh viên xứ sương mờ, thằng Thừa bắt đầu viết nhiều. Chủ yếu đoản văn, đôi lúc thơ. Viết vì hứng khởi. Vì buồn. Vì nhớ. Vì đói. Ký tên thật Lâm Tấn Thừa. Thức viết thâu đêm. Hết thuốc hút thì tìm dế (tàn thuốc lá) gỡ ra quấn lại. Bản thảo hoàn chỉnh thì lấy giấy cắt bì thư, bỏ vào. Lấy tem cũ xoa dầu gió, tẩy dấu đen của bưu điện, dán lên. Sáng ra bỏ vào thùng thư đi ở cổng ký túc xá.

Ấy là lúc các tập san, tạp chí dành cho tuổi mới lớn, học sinh, sinh viên… đang nở rộ. Ít, nhiều, tập san nào cũng trả nhuận bút. Một số đài, báo, tạp chí có máu mặt cũng dành trang cho sáng tác. Gởi tá lả cầu may, vậy mà nhuận bút có đứa trong bút nhóm cũng gần đủ trả tiền cơm tháng, cà phê, thuốc lá. Đỡ phần nào những phiếu chuyển tiền còm cõi từ duyên hải nắng cháy. Dưới một số bút danh, có báo còn mở ngoặc lớp… trường… Hễ có bài đăng, thằng nào cũng vênh mặt lên trời muốn trẹo cổ.

Hết năm nhứt, dẫu căng tai căng mắt căng tay, thằng Thừa vẫn chưa có mối tình vắt vai. Trong khi, nhiều thằng cùng khóa đã lần lượt cặp kè. Sáng trưa chiều tối, tụi nó từng đôi, từng đôi đi lên đi xuống, thấy xốn con mắt. Nghe có đứa bên dãy nữ kể, không thể làm gì được vì một cặp xây tổ ở giường tầng trên. “Một đêm, em đang ngủ thì thức giấc bởi cái giường rung lắc dữ dội… từ phía trên. Em long não luôn. Bị trầm cảm”, con này kể.         

Cũng tình cảnh Thừa nhưng nhà thằng Hoan cùng phòng thì nghèo hơn. Có sáng nó ngủ vùi để lướt cơn đói, nghỉ luôn bữa học. Vậy mà một hôm, mấy đứa cùng phòng được trận cười thả giàn vì phát hiện bên dưới tấm chăn bông của nó là vằn vện nước nhớt con trai. Còn nhà thơ già ngoài ki-ốt khu Hòa Bình thì triết lý bên chén rượu “tình yêu là sự đồng điệu của tâm hồn và thể xác”. Thằng Thừa khao khát một đồng điệu. Trời đất lạnh lẽo càng gia tăng cô đơn đời trai.

Xong hè năm nhứt, lên lại trường, thằng Thừa nhận được bức thư mê tơi. Người gởi thư tại Đà Lạt. Ai vậy hè, trong cùng thành phố nhỏ xíu mà cũng gởi thư. Ui, chữ con gái “em viết thư theo địa chỉ ghi dưới tác phẩm anh. Em đọc mà xúc động quá chừng. Anh đã nói dùm lòng em, rất muốn trò chuyện với anh. Hẹn anh 16h30 ngày 4/8, tại góc đồi Cù, đầu đường Phù Đổng Thiên Vương. Em đội mũ len đỏ, áo khoác màu chuối non. Phạm Thị Hoa Ý, lớp chăn nuôi 1, trường nông lâm”. Kèm theo cái ảnh trắng đen, Ý đứng giữa chụp chung với hai bạn gái. Chà chà, Ý cao ráo, khuôn mặt đẹp dìu dịu, người căng tròn trong chiếc sơmi trắng. 

Trời ạ, cái câu tếu táo truyền trong sinh viên “hẹn em ở góc đồi Cù/ khi đi nhớ đội cái… mũ màu hồng”. Không ngờ lại vận đúng đời nó.

           Giữa trưa. Tụi trong phòng ký túc giật nảy vì tiếng rú của thằng Thừa. Rồi nó lăn xuống giường, nhảy tưng tưng, múa may như khỉ đột. Rồi nó sụp lạy. Mắt cười rưng rưng.

Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2024

Mưa đêm Đạ Huoai (truyện ngắn ĐÀO ĐỨC TUẤN)

 

Mưa đêm Đạ Huoai

(truyện ngắn ĐÀO ĐỨC TUẤN)

 


          Phương lên xe tăng bo tại ngã ba Phan Rang. Trời nóng nung. Chui vào xe như lò đúc. Cô ngồi hàng ghế sau. Trước mặt là một nùi thúng, nừng, bao, gói… chất tràn luôn dưới ghế. Ngồi cũng không được thẳng chân. Mùi cá mắm quyện nồng nực với mùi khói xăng, mồ hôi, thuốc lá. Cả mùi con trai.

          Bắt đầu lên đèo Sông Pha. Chiếc xe oặt ẹo, phì phò. Đường giựt chỏ trái, giựt chỏ phải. Phương nhắm mắt cho bớt sợ. May, không khí đã chuyển sang mát mát, lạnh dần.

          Tới đỉnh đèo, bác tài dừng kiểm tra lốp, thắng. Hành khách lục tục kéo xuống đi vệ sinh, co giãn tay chân. Phương thấy thằng ở hàng ghế đối diện vẫn ngồi gục đầu như tàu lá.

          Lên xe. Đổ dốc. Đường lại giựt chỏ trái, giựt chỏ phải. Người cứ nhào bên này, xô bên kia. Phương lại nhắm mắt. Bỗng “ọ… ọ…oọc…”. Úi mẹ ơi, thằng đối diện say xe, ói mửa tè le! Nước nhớt vàng và mấy sợi mì tôm vọt qua đống hàng, văng cả sang quần Phương. Bực mình!  “Bác tài cho cái bì”, “ ai có chai dầu gió?”, “trai tráng mà dở quá, chắc mới đi xe lần đầu”. Giọng trong xe lao xao.   

          Ói xong, lại được xức dầu, nó có vẻ tỉnh, ngồi thẳng lên, rút khăn tay lau miệng. Mặt tái tái nhưng có nét… dễ thương. Nhỏ mà bày đặt xài khăn mu xoa. Phương thầm nghĩ rồi buột miệng “ông ói văng cỏa qua quần áo tui nè”. Mặt thằng cu bỗng đỏ rựng, mắc cỡ trước cô gái da trắng bóc, giọng Quảng duyên ơi là duyên. “Ui… cho mình xin lẫu. Mình tợ quá… mà say xe quá chừng…”. Nó luống cuống, ăn năn đến tội. Bỗng nó chồm qua đống đồ, đưa khăn tay chùi lên đùi cô, chỗ vệt ói của nó gây ra. Phương giật bắn người “đồ quỷ, ai cho ông… đụng tui?!”. Thằng cu lại luống cuống, ỉ ôi xin lỗi xin phải… bắt mệt.

Xuống bến Đà Lạt, Phương hướng đường về trường cao đẳng sư phạm. Thằng cu lại lẽo đẽo theo xin lỗi, xin xách dùm đồ. “Đúng là dô diên…”, cô thầm nghĩ. “Ông để tui đi”, Phương nói rồi thả bộ về hướng Cô Giang. Thằng này đeo cái ba lô to sụ, tay xách cái rương, mà cứ lẽo đẽo theo một hai xin xách dùm đồ.

Hai cái xách quần áo, sách bút, gạo mắm… kể cũng nặng. Phương xẵng giọng, đưa luôn hai cái “nè, xách đi”. Vậy mà thằng chả xách thiệt. Một túi đeo vai, một túi xách tay phải, tay kia cái rương, trên lưng cái ba lô lù lụ. “Thôi…. cha ơi, để tui xách bớt cho”, Phương bật cười “ngồi nghỉ chút đi”. Cô thấy mỏi nhừ, ngồi phệt xuống bãi cỏ ven hồ Xuân Hương. Thằng kia cũng hạ đồ, ngồi bên cạnh.

Tự nhiên cô thấy cái thằng cũng hay hay. “Tui tên Thành… Bạn nhập trường à?”, thằng kia rụt rè. “Ừ… tui tên Phương… Sư phạm Đà Lạt”. “Tui… cũng nhập trường bên...  Đại học Đà Lạt”.

          Ráng chiều điểm trên mặt hồ lộng lẫy. Hàng liễu bên cạnh rung rinh rung rinh. Mấy người khoác măng-tô đi khoan thai trên vỉa hè. Xa xa là cái tháp chuông Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Chếch bên trái là cái tháp sao Đại học Đà Lạt. Bên kia hồ là đồi Cù cỏ xanh nhưng nhức. Cô thấy thành phố này đẹp một cách sang trọng. Không có vẻ lam lũ như mấy vùng khác.    

          Thành cầm chai nước chìa mời. Phương rút cái bánh mì khô nhàu nhĩ, bẻ làm hai. Đói quá, hai đứa tai chớp nhoáng là sạch. Thành lục gói mì tôm bẻ làm đôi. Lại sạch. Phương thấy bụng ổn ổn “...anh… ông dìa bên đại học mà qua đây chi?”. “Chút... anh… tui bắt xe ôm”. “…Anh quê đâu mà nghe giọng lạ lạ?”. “Anh Ti Quà, Phú Yên. Còn em… giọng hông… lọa oà?”. “Em Duy Xuyên, Quảng… Nôm”. “Học xa dữ?”. “Không, em ở Đạ Huoai, nhà đi kinh tế mới. Đợt này em dìa Quảng để tang bà nội, rồi lên thẳng đây nhập học luôn, khoa toán…”. “Anh khoa văn…”.

          Thế là một mối tình. Hai đứa thương nhau tíu tít. Cứ chiều chiều, xong suất cơm chảo là Thành mượn cây dù, lò dò men theo đồi Cù, bờ hồ Xuân Hương, sang trường sư phạm. Phòng ký túc xá Phương ở có đến mấy chục giường tầng. Bước chân vô là Thành thấy ngợp mùi con gái. Thích mê nhưng ngại quá. Sau, hai đứa cứ ra cái dãy nhà bỏ hoang cạnh cổng trường sư phạm. Quấn quýt. Say mê. Ngút ngàn cung bậc. Đời đúng là giấc mơ.

          Có chút tiền là đi ăn vặt. Còn đa phần hai đứa ôm nhau, quên đói. Có đêm xong cuộc tỉ tê, Thành lết thết chống dù về ký túc xá trong cơn đói lả.  

*

*       *

          Phương rủ Thành về Đạ Huoai chơi cho biết nhà. Đường đất hun hút. Ngôi nhà lá hiện ra giữa rừng già. Tuềnh toàng, đơn sơ quá mức cần thiết. Ba má Phương đều khô quắt. Bầy em Phương lóc nhóc. Có đứa tám tuổi mà chưa đi học. Trường xa quá. Nhà làm mấy sào lúa, bắp, khoai lang và bắt đầu phát rẫy trồng cà phê. Trước bảy lăm, ba Phương học Văn khoa Đà Lạt, rồi về Đà Nẵng làm công chức.  

          Chiều tối, cơm xong, ba Phương xuề xòa cầm chai rượu, kêu Thành cùng uống. Lần đầu tiên nó nếm rượu. Đắng nghét, cay xộc nhưng rồi dần thấy hay hay. Lâng lâng. Lạ lạ. Phương trải chiếu, giăng cái mùng màu cháo lòng trước hiên. Thành đặt lưng là ngủ lút.

          Nửa đêm, đau đái, thức giấc. Giật mình thấy bóng người lù lù cạnh mùng. “Em đây”, Phương thì thầm vén mùng chui vô. Vậy là thổn thức. Ngập tràn. Dâng hiến. Tột đỉnh.

          Chợt lâm râm mưa. Mưa chan tiếng côn trùng rả rích. Văng vẳng tiếng mang đực tác gọi mang cái. Ôm Phương đầy tay, Thành bỗng nghẹn ngào. Nước mắt trào ướt gối.

Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2024

Tắm biển (truyện cực ngắn ĐÀO ĐỨC TUẤN)

 Tắm biển

(truyện cực ngắn ĐÀO ĐỨC TUẤN)

 


          “Mai đi biển 3h30”. Tin nhắn ông Hay làm bà Hoa như trẻ lại. Chợt dòm ra sau, bà xóa ngay.

          Nhóm đi biển hơn chục người của ông bà luôn xuất phát 4 giờ sáng. Cứ giờ đó, tụ trước quán chè bưởi, rồi thẳng hướng biển.

          Vợ ông Hay thì theo nhóm yoga, vì sợ nước biển hư tóc, khô da. Chồng bà Hoa thì đi biển 5 giờ với nhóm bạn già.

          Quán chè bưởi 3h27. Ông Hay nghĩ phải đợi nhưng bà Hoa đã có mặt. Bà như bớt mấy tuổi với bộ đồ đùi vàng chóe bận lần đầu, bó cứng. “Sớm… dữ em…?”. “Đâu ngủ được… anh…”.

Vừa đi hơi xa vừa nói chuyện. Không hề cầm tay, đụng chạm. Hai người thẳng tiến rừng dương mé biển… Ôm. Hôn. Hổn hển. Cuống cuồng. Tranh thủ từ đầu đến đuôi.

“Kỳ này thấy em… trẻ…”. “Anh… cũng dậy…”. “…Chắc anh… đi bộ…mệt…”. “…Ư…”. “…Thâu… em làm gì… thì làm…”. “...Dui… hông anh…?”. “…Cảm ơn… em…”.

Rồi hai người chia hai ngã. Làm như tình cờ nhập vào nhóm đi biển. Như chưa hề có gì xảy ra.

          Nằm xoãi người trên cát mát lạnh, bà Hoa thấy một cảm giác rất là yomost. Bà bật cười khi nghe tiếng ông nào đó “sáng xuống biển, nói chiện với mấy bà giá, thấy nó phẻ trong mình trong mẩy”. Hóa ra đời còn niềm vui.

 

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2024

Cần nhất vững niềm tin

 

Viết trong vùng dịch:

Cần nhất vững niềm tin

Tôi biết, anh đã phải xa vợ con, đã cố gắng rất nhiều trong những tháng ngày chống dịch. Chỗ bạn bầu, nói cảm ơn bác sĩ thì có vẻ khách sáo, thế nhưng tôi xin được ôm hôn bạn già trong một cuộc cụng ly khi quê “sạch bóng” dịch…

Y, bác sĩ điều trị Covid-19 tại Bệnh viện đa khoa Phú Yên. Ảnh: NGUYỄN THÀNH LÃM
Y, bác sĩ điều trị Covid-19 tại Bệnh viện đa khoa Phú Yên. Ảnh: NGUYỄN THÀNH LÃM

Tụi em còn trẻ, sợ gì…!

Mấy đợt Covid-19 trước, nhiều vùng trong nước bùng phát dịch, Phú Yên tôi vẫn thót tim hồi hộp, rồi cách ly dứt điểm, thoát nạn lây nhiễm cộng đồng. “Đấy, dịch toàn lây phát ở chốn thị thành đông đúc! Mình ở nơi đất thoáng người thưa, hy vọng dịch không tới…”, một bà hàng xóm của tôi nói. Thế nhưng từ ngày 23/6/2021, tôi nhớ rất rõ, đã hơn hai tháng rồi, đại dịch Covid-19 chính thức bùng phát căng thẳng trong cộng đồng nơi “đất thoáng” xứ Nẫu.

Liên tục các thông báo khẩn tìm người từng đến các địa điểm có ca mắc Covid-19. Rồi dây giăng, gác chắn, phong tỏa, giãn cách từng khu vực đến toàn tỉnh. Rồi những đoàn người đang làm ăn, sinh sống, học hành ở các tỉnh, thành phía nam rùng rùng trở lại quê nhà tránh dịch. “Dù sao trong dịch, về giữa quê hương cũng ấm áp nhất. Thiệt cảm động là trong lúc dịch dã gay cấn, tỉnh vẫn tổ chức những đoàn xe đưa người từ Nam về quê. Đó là “chia lửa” với Sài Gòn…”, đứa em họ của tôi nói.

Vợ chồng em họ tôi rời quê đi làm ở Bình Dương đã ba năm. Khó khăn qua nhiều khâu đăng ký, kiểm dịch để lên xe về quê giữa mùa dịch. Khi đến quê, nó phải thực hiện cách ly nghiêm ngặt đủ 14 ngày, xét nghiệm ba lần âm tính với SARS-CoV-2, rồi mới được gặp gỡ bình thường với gia đình. 

Nó tốt nghiệp dược tá nhưng không xin được việc làm ở quê. Trong lúc, chồng nó làm thợ mộc, công việc không đều, cuộc sống khó khăn. Rồi hai đứa nó quyết định gởi con trai hai tuổi cho ông bà ngoại để vào Thủ Dầu Một làm công nhân. Tổng thu nhập của vợ chồng chỉ tròm trèm 10 triệu đồng/tháng.

Nó nói qua Zalo: “Nào tiền ăn, tiền trọ, gởi về quê nuôi con… thu nhập chẳng đủ thiếu chi cả! Đợt này về quê sinh con xong, chắc vợ chồng em khó trở lại Bình Dương. Ruộng đất thì chỉ đủ cho cha mẹ làm, em phải tìm việc làm khác thôi. Tính là sẽ cố gắng vay mượn để mở một tiệm bán thuốc tây tại nhà. Còn ông xã thì trở lại với nghề mộc. Ngoài ra, vợ chồng sẽ tìm mô hình nông nghiệp để sản xuất, kiếm thêm thu nhập…”.

Thằng chồng tiếp lời: “Vợ chồng suy xét, dịch dã thế này thì chỉ về quê làm ăn là thượng sách. Mình có đi xa mới đối chiếu, học hỏi được nhiều chuyện, sáng thêm đường làm ăn. Mong cho mau qua dịch để cuộc sống trở lại bình thường. Mấy tháng tới, từ đây tới Tết sẽ là giai đoạn quyết định để vợ chồng em “bày cuộc” trở lại làm ăn ở quê nhà. Tụi em còn trẻ, sợ gì…!”.

Thơ của bạn tôi 

Giữa những ngày cam go phòng, chống dịch Covid-19, tôi đọc được nhiều câu thơ, bài thơ xúc động của những người làm nghề y nơi tuyến đầu chống dịch. Một trong những người mà tôi ấn tượng là bác sĩ kiêm “thi sĩ dân gian” Nguyễn Thành Lãm (đang làm việc tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa Phú Yên). 

Nhiều người quê tôi đã biết đến bài hát “Ai dìa xứ Nẫu mà nghe” của một nhạc sĩ phổ thơ Nguyễn Thành Lãm. Những dòng thơ chân phương của anh bạn bác sĩ hồn hậu, vui tính đã được nhiều người đồng cảm, nhất là những câu anh viết đăng Facebook ngay tại khu vực cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19.  

12 giờ 24 phút ngày 8/7, Nguyễn Thành Lãm đưa bài thơ “Giữ niềm tin” trên Facebook của mình với những tự sự trực diện: “Chấp nhận rằng khi phòng hộ mặc vô/Tầm một giờ là giống như hỏa ngục/Thêm vài tiếng đã có người đổ gục/Người khác thay, cố bám bệnh, không rời!”. 

Bác sĩ tiếp tục mô tả: “Nam thở hơi cho ngực mình đỡ nặng/Nữ khóc đi cho lòng mình bớt đắng/Nào đứng lên! Máy thở báo hiệu kìa!”. Rồi anh tự động viên: “Dù quật quần cày sấp mặt sáng khuya/Áo đầm đìa mồ hôi tuôn ướt đẫm/Vẫn niềm tin dẫu đêm dài thăm thẳm/ Sẽ lóe lên tia sáng cuối đường hầm!”. Cuối bài thơ, bác sĩ Lãm mở ngoặc dòng “đã nhiều ca viêm phổi chữa thành công...”.

Ở bài thơ “Đôi lời thời sóng gió”, bác sĩ Nguyễn Thành Lãm giãi bày trong cuộc chiến điều trị bệnh nhân Covid-19: “Đành chiến đấu dù mình là F1/Khát khốc môi, sốc nhiệt... mệt rã rời.../Đã bao lần toan gục... gượng dậy thôi!/ Khi trong kia có người không thở được”. Và không quên nhắn nhủ người “ngoài kia”: “Xin ngoài kia dừng tiếng bấc tiếng chì/Hiệu quả chi lời rỉ rên than khóc?/Rạng danh chi câu học hằn trách móc?/Xúm một tay mới còn được tiếng đời.../Rằng 5K tuân thủ chúng ta ơi!/Luôn nhớ rằng nơi nào yên nơi đó!/Chỉ sớm thôi là vắc-xin sẽ có/Bệnh sẽ lành, đất Phú lại bình Yên!/Trong lúc này cần nhất vững niềm tin!”.

Chợt mủi lòng khi đọc bài thơ “Xin lỗi Vịt Giời” của Nguyễn Thành Lãm với dòng cảm xúc nhớ thương tự sự cùng con: “Lớn tuổi rồi, mệt mỏi, muốn nghỉ ngơi/Có ai ngờ... ý trời... nên quá cực/Lo chống dịch, quên cả cơn thắt ngực/Phút ngơi tay, mới nghĩ đến Vịt Giời.../Bởi Cô Vi, ba đành phải rời xa/Mơ ở nhà, ba mẹ con sống tốt…”.

Những dòng cảm xúc của bác sĩ Nguyễn Thành Lãm đã nhận được nhiều chia sẻ xúc động của bạn bè, người đọc. Trong đó có dòng cảm nghĩ: “Mỗi ngày thấy số bệnh nhân được xuất viện tăng lên, biết ơn anh và các cán bộ y tế trong công tác điều trị Covid-19!”.

Tôi biết, anh đã phải xa vợ con, đã cố gắng rất nhiều trong những tháng ngày chống dịch. Chỗ bạn bầu, nói cảm ơn bác sĩ thì có vẻ khách sáo, thế nhưng tôi xin được ôm hôn bạn già trong một cuộc cụng ly khi quê “sạch bóng” dịch…

Đồi Cù một góc (truyện ngắn ĐÀO ĐỨC TUẤN)

Đồi Cù một góc (truyện ngắn ĐÀO ĐỨC TUẤN) (ảnh: Nguyễn Hàng Tình)             Thằng Thừa biết để ý con gái từ lúc học lớp 5. Mà phải c...