Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

Kỷ lục lạ thường: 50 ngày, bán hết 10.000 tập thơ MAI HOÀNG TT - Đi qua thương nhớ - tập thơ đầu tay của nhà thơ trẻ Nguyễn Phong Việt (Tuổi Trẻ, 4-1) đã tạo thành một hiện tượng xuất bản thú vị đầu năm 2013, khi bán hết veo 10.000 cuốn trong 50 ngày. Đó là một kỷ lục lạ thường trong khi ngành xuất bản đang gặp khó khăn. Để hiểu rõ hơn về hiện tượng xuất bản này, chúng tôi đã trò chuyện với bà Nguyễn Thanh Hà - phó giám đốc Công ty sách Phương Đông, đơn vị phát hành và nắm giữ bản quyền tập thơ: * Thưa bà, thông tin Đi qua thương nhớ bán hết 10.000 cuốn trong 50 ngày, đó là một chiêu PR hay là...? - Là sự thật, 100%. Cụ thể hơn, Đi qua thương nhớ in xong và có buổi ra mắt vào ngày 29-12-2012 tại Hà Nội. Cho tới ngày 1-2-2013 chúng tôi đã in ba lần với số lượng 10.000 cuốn. 9.000 cuốn đã bán hết trước 27 tết (7-2), 1.000 cuốn chúng tôi “om” lại để bán dịp lễ tình yêu 14-2, và tới 19-2 đã hết. Chúng tôi đã xin giấy phép NXB Văn Học in thêm 5.000 cuốn, trong đó có những ấn bản đặc biệt để kịp có sách vào dịp 8-3. Nói thật, dù nằm mơ tôi cũng không thể nghĩ được rằng bây giờ có thể bán được 10.000 cuốn thơ ra thị trường thế này. Tôi dành cả tháng trời, không làm được gì, chỉ lo không in kịp thêm thơ và thất hứa với các địa chỉ đăng ký phát hành Đi qua thương nhớ... * Áp lực nhưng dường như đó là một may mắn, nhất là lúc thị trường sách đang gặp nhiều khó khăn? - Đúng là một may mắn. Khi nhận được bản thảo này lúc đầu tôi không thích lắm. Nhưng rồi quyết định in, vì thứ nhất là tác giả thuyết phục rất khéo, nói rằng sẽ lấy nhuận bút bằng sách. Nhưng điều thứ hai dẫn tôi đến quyết định in là khi vào Facebook của Nguyễn Phong Việt, thấy rất nhiều comment của độc giả dưới mỗi bài thơ. Tôi bất ngờ. Theo tôi, thơ của Việt như nói hộ tâm tư tình cảm của những người đã yêu và đang yêu, rất gần gũi, buồn nhưng lại không bi lụy. Ngoài ra, còn phải kể tới hiệu ứng từ mạng xã hội. Suốt ba năm ròng rã độc giả theo dõi từng bài thơ của Việt và chỉ chờ ngày tập thơ ra đời. Thơ vẫn còn những độc giả riêng Thật sự là trong dự đoán ban đầu của tôi, cuốn sách Đi qua thương nhớ ước chừng có thể bán được ở mức 2.000-2.500 bản, nhưng cho đến thời điểm này, sau hai tháng ra mắt, cuốn sách đã chạm mốc 13.000 bản in là một con số khủng khiếp hoàn toàn không nằm trong sự tưởng tượng của một người viết nghiệp dư và lần đầu tiên in một cuốn sách như tôi. Cuốn sách từng bị bốn nơi từ chối in trước đó, và thơ lâu nay bị rẻ rúng trong suy nghĩ của nhiều người, gần như chẳng ai đến nhà sách để mua thơ cả... Nhưng khi cuốn sách ra mắt, khi tôi và Công ty Phương Đông cùng bạn bè tổ chức đến bốn cuộc giao lưu với độc giả ở Hà Nội và TP.HCM và rất nhiều bạn đọc yêu quý cuốn sách đến tham dự, tôi hiểu ra được một điều rất đơn giản, thơ chưa bao giờ giống như cách phần lớn mọi người suy nghĩ lâu nay, thơ vẫn ở đấy, vẫn còn độc giả của riêng nó. Theo tôi, điều quan trọng nhất giúp Đi qua thương nhớ phát hành số lượng lớn đến mức như vậy là bởi vì những câu chuyện, những suy nghĩ trong cuốn sách... đã chạm được đến trái tim của người đọc và họ đồng cảm được với nó. Trong lòng ai cũng có một câu chuyện khiến mình ám ảnh, ray rứt và may mắn là Đi qua thương nhớ như một người bạn chia sẻ được những ám ảnh và ray rứt ấy cùng họ... Nguyễn Phong Việt

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 04:01 0 nhận xét  

miền... cực lạc

Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

Người miền Trung

Nhìn sơ qua bản đồ Việt Nam, nếu mường tượng đây là một người phụ nữ, đầu đội nón lá, đôi lưng gầy đang khom khom cặm cụi làm việc thì đôi lưng gầy và cong oằn bắt đầu từ Thanh Hóa, kéo dài đến tận chấm Bình Định, Phú Yên lại là mảnh đất miền Trung thân yêu.

Mảnh đất Việt Nam hình chữ S, ở phía Bắc phình ra giống như chiếc nón. Từ chấm lưng Thanh Hóa đến tận mũi Cà Mau tạo thành một đường cong. Nhìn sơ qua bản đồ Việt Nam, nếu mường tượng đây là một người phụ nữ, đầu đội nón lá, đôi lưng gầy cong oằn đang khom khom cặm cụi làm việc thì đôi lưng gầy và cong oằn bắt đầu từ Thanh Hóa, kéo dài đến tận chấm Bình Định, Phú Yên lại là mảnh đất miền Trung thân yêu.
"Đôi lưng gầy yếu" ấy là điểm tựa của cả gia đình, là nơi gánh nặng nhiều đợt bão lũ thiên tai, là nơi nắng khô hạn mùa hè, là mưa to gió lớn bão lũ vào mùa đông. Sức nặng của thiên tai, hạn hán, lũ lụt, mùa màng thất bát, cái nóng lạnh, đói nghèo, cơ cực mà tấm lưng miền Trung hết năm này qua năm khác cong oằn để đỡ cho "người phụ nữ đội nón lá Việt Nam". Thương lắm đôi lưng trần miền Trung.
Miền Tây, dù cái nghèo vẫn còn, nhưng khí trời thuận lòng người, đói thì cũng có rau, cá, cây trái đầy vườn. Người miền Trung nếu không biết dành dụm, chắt chiu, gom góp thì chỉ cần một lần càn quét của bão, cả nhà hàng chục miệng ăn phải nhịn đói, chịu rét, chia sẻ nhau từng miếng cơm, manh áo nhỏ.
Khổ nỗi, người dân quê nghèo làm lụng, tiền gom góp được thường họ không có thói quen đi gửi ngân hàng, ngân hàng với người miền quê nó sang, xa và lạ lắm. Người dân quê dành dụm được chút ít của ăn của để, lại đem mua heo, mua gà vịt, trâu bò thả đầy trong vườn để nuôi, đó là tài sản quý giá nhất. Họ thường ngày nhìn heo, gà, trâu bò sinh sôi nảy nở, lớn lên, họ lại vui, lại mừng, lại lạc quan về một tương lai tươi sáng.
Bi kịch của họ nằm ở chỗ những tài sản gom góp được quy đổi thành trâu bò, heo, gà chỉ sau một đợt bão lũ kế tiếp lại chết sạch. Mỗi đợt bão lũ đi qua không thiếu hình ảnh nhiều gia đình mất trắng ruộng vườn, trâu bò, gà vịt. Nhà cửa tốc mái, xiêu vẹo, đổ nát đã đành, thứ tài sản vốn dĩ đem gửi “ngân hàng” lại tang thương cuốn trôi theo bão lũ. Đó là chưa kể sau mỗi đợt bão lũ, mất mát tài sản chỉ là một phần, mất mát về con người mới là điều đau thương.
Ai có dịp theo dõi những thước phim chiếu về cảnh bão lũ miền Trung, nước ngập tận nóc nhà, nhiều cụ già ngồi chèo queo nhìn ra biển nước, bất lực và tuyệt vọng. Có nhiều em bé cùng một gia đình mất cả cha lẫn mẹ, ngồi túm tụm trong một góc và khóc nức nở. Trong bụng họ nhiều ngày vẫn chưa có cái ăn, và trên người không lấy một chiếc áo khô ấm để giữ nhiệt cho cơ thể.
Nếu nói sự yên bình về thiên nhiên ở các vùng miền khác, khí trời thuận lòng người để làm ăn sinh sống, thì miền Trung dấu yêu vô tình đã gánh chịu hết những sự trừng phạt của thiên nhiên. Người anh em của chúng ta đấy! Nếu trong một gia đình có người thường xuyên gặp bất hạnh, thì vô tình họ đã gánh hộ nhiều tai ương cho mình, để mình gặp nhiều may mắn và phước đức. Chúng ta phải thương miền Trung, người anh em ruột thịt bất hạnh.
Người miền Trung hay nói về tương lai, bởi vượt ra khỏi cái cơ cực hiện tại, cái khát vọng từ tận đáy lòng của họ là một ngày mới bắt đầu với thời tiết ôn hòa, mùa màng thu hoạch thuận lợi, thoát khỏi cái đói cái nghèo. Người miền Trung hay dành dụm để cho con ăn học đến nơi đến chốn. Với họ, tấm bằng kỹ sư, bác sĩ sẽ giúp tránh bớt khỏi sự trừng phạt khắc nghiệt của thiên nhiên khi hàng ngày phải cầu trời cho mùa màng thuận lợi. Cái bằng nó ổn định, đáng tự hào cho cả gia đình khi con cái học hành thành đạt. Có khổ cỡ nào, khó cỡ nào, con phải được ăn học đầy đủ.
Bởi thế những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên tại miền Trung, từ nhỏ đã được thấm nhuần tư tưởng phải dùng tri thức, phải nỗ lực trong học tập thì mai này mới thành tài, mới thoát khỏi cái nghèo, cái khổ. Vì vậy người miền Trung hiếu học, thèm học.
Không khó để về quê, tôi nghe hàng xóm láng giềng kể chuyện, nào là kể thằng Tí đầu xóm làm 2,3 chục triệu/ tháng, cái Hạnh vào công ty ngon, kiếm tiền nhiều, giàu có. Mặc dù khi vào Sài Gòn tôi gặp những người đó, họ cũng bươn chải và khổ cực mới trụ lại được Sài Gòn chứ chẳng phải 2,3 chục triệu hay giàu có như tôi nghe ở quê. Nhưng đó không phải là sự khoe khoang bỗ bã, tôi cho đó là một nét đẹp và thường cười thầm khi nghĩ về những điều ấy.

Khi bạn có con, cơ cực cho con ăn học thành tài thì việc bạn tự hào hay nói quá khi con cái đi làm đó là điều thường tình. Chính sự tự hào đó giúp họ vượt qua được bao nhiêu sự cơ cực, khổ nhọc, để đặt cược cả tương lai vào con cái. Hy vọng “sau này con nó sẽ làm rạng danh dòng họ”. Người miền Trung rất đáng yêu.

Miền Trung vốn dĩ là nơi hội tụ nhiều “đặc sản” văn hóa của người Việt Nam. Miền Bắc từ Nghệ An đổ ra tới Lào Cai, Móng Cái, hoặc miền Nam từ Nha Trang, Ninh Thuận đổ dài đến Cà Mau đều có giọng nói giao tiếp không khó để nghe lẫn nhau. Nhưng đặc biệt ở miền Trung, từ Phú Yên, Bình Định đổ ra tận Quảng Trị, mỗi tỉnh là một đặc sản giọng nói.

Người Bình Định và Quảng Ngãi không quen thì nói với nhau như 2 bên chửi lộn. Hoặc người Quảng Nam mà nói với người Quảng Trị thì nghe cũng “khó đỡ”. Người Quảng Ngãi có thể đổ lỗi cho người Bình Định nói “khó nghe quá”. Người Bình Định thì cười phá lên “cái thằng quỷ này nó nói cũng có ai nghe được chữ nào đâu mà nói mình khó nghe”.
Đặc sản giọng nói ở miền Trung ít vùng miền nào ở Việt Nam có được, mà nào chỉ có giọng nói, nếu nói về ẩm thực miền Trung thì lại là một thế giới khác. Ai đã ăn bánh nậm bánh lọc, bánh mèo, bún bò Huế, ai từng ăn mì Quảng, bún chả cá Quy Nhơn, nem Ninh Hòa, nem Chợ Huyện Bình Định, bánh ít, bánh hồng, bánh tráng nước dừa? Ai từng thưởng thức bánh canh cá dầm Nha Trang, cơm gà Hội An, bì Tré chua chua ngọt ngọt... Nói về ẩm thực thì đặc sản miền Trung là một kho báu nhiều sắc màu mà không phải ai cũng có dịp ghé qua và trải nghiệm.
Tôi kể về người miền Trung với niềm tự hào riêng là người miền Trung. Con gái miền Trung, phần nhiều đều mang đầy đủ nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam mà văn học miêu tả, chịu thương chịu khó, chung thủy hết mực. Con trai miền Trung thật thà, chất phác, luôn lạc quan về tương lai và nỗ lực, chịu khó ở hiện tại.
Người miền Trung tâm lý “xóm làng” vẫn còn nhiều. Khi vào Sài Gòn, chứng kiến một đám tang ở Sài Gòn mà tôi không biết “nên vui hay nên buồn”. Đám tang ở đây nhạc xập xình, thuê người nhảy múa hát hò suốt đêm, toàn bộ mọi thứ từ dàn nhạc đến người khóc thuê phải bỏ tiền ra để có được một đám tang chỉn chu và nhiều tiếng tăm.
Người miền Trung không phải vậy, đám tang của một người, hàng xóm kế bên là người tới phụ dọn dẹp, căng bạt, dựng trại. Mọi công việc đào huyệt, khiêng quan, liệm, huy động xe khách và xe quan đều do hàng xóm láng giềng và người thân phụ giúp không lấy tiền. Nếu có chăng người không thân thích như mấy anh tài xế xe quan, xe khách chở người đi đến nghĩa địa, hầu như họ không lấy tiền. Đó vốn dĩ được họ quan niệm cũng là tạo phúc đức cho bản thân mình, và giúp đỡ người trong lúc tang gia bối rối.
Người miền Trung quan tâm và đùm bọc lẫn nhau rất nhiều. Họ hiểu rằng, chỉ có sự yêu thương, quan tâm lẫn nhau thì mới có thể chống chọi lại những sự trừng phạt khắc nghiệt của thiên nhiên, của cuộc sống, của cái nghèo khổ, cơ cực mà hàng ngày họ vẫn phải gánh chịu.
Nói về chuyện lập gia đình, nhiều đứa bạn tôi còn “bị” gia đình khuyên ngăn không nên quen con gái miền Nam, nên lấy con gái miền Trung, tuy nghèo 1 chút, tuy không “thời trang phấn son” hay “da trắng như trứng gà bóc” - nhưng họ tin tưởng vào con gái miền Trung, con gái miền Trung chung thủy và chịu thương chịu khó, biết quan tâm đến gia đình và lo cho chồng con.
Có thể những điều trên không phải là đúng tất cả, con gái miền khác hay những nét đẹp miền khác vẫn là những niềm tự hào của riêng mỗi vùng miền. Nhưng thôi kệ, tôi là người miền Trung, hãy cứ tự hào, dù miền Trung còn nghèo, còn vất vả và cơ cực nhiều.
BÁ TÍN
(vnexpress.net)

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 17:21 0 nhận xét  

Thu tiền thăm mộ Hàn?

Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

LCL: Vừa đi Quy Nhơn dự 100 năm Hàn Mặc Tử. Viết vài dòng về Cụ, được ông bạn sửa bút danh Hùng Phiên thành Phùng Hiên (đằng nào cũng... Phiền Hung). 20 năm trước, nhờ làm luận văn "Thi pháp thơ Hàn Mặc Tử" mà mình được ra trường...

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mặc Tử: Còn “sạn” lớn

(Dân Việt) - Nhiều người bất bình khi đi viếng mộ Hàn Mặc Tử (đồi Thi Nhân, TP.Quy Nhơn, Bình Định) bị thu tiền vé vào cổng. Dù tiền vé không nhiều nhưng nó gây cảm giác khó chịu cho người yêu mến nhà thơ tài danh này.

Tại Quy Nhơn, Hội Nhà văn Việt Nam và UBND tỉnh Bình Định vừa trang trọng tổ chức kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ Hàn Mặc Tử (22.9.1912 - 22.9.2012). Đêm 20.9 là một chương trình thơ nhạc Hàn Mặc Tử tại Trung tâm Văn hóa Bình Định. Tại đây, nhiều nghệ sĩ đã trình bày các tác phẩm thơ nổi tiếng, các ca khúc viết về Hàn Mặc Tử; giao lưu với các nhà thơ, nhà văn.
Ảnh trái: Đoàn của Hội Nhà văn Việt Nam viếng mộ Hàn Mặc Tử. Ảnh phải: Vé vào cổng và giữ xe tại Khu du lịch Ghềnh Ráng.
Ngày 21.9, sau lễ dâng hương tại đồi Thi Nhân ở Khu du lịch Ghềnh Ráng, Hội thảo về thân thế và sự nghiệp nhà thơ Hàn Mặc Tử đã diễn ra tại khách sạn Hải Âu (Quy Nhơn), với sự tham gia của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, phê bình văn học trong cả nước.
Tiếp đó, ngày 22.9, cũng tại đồi Thi Nhân, nghệ sĩ bút lửa Dzũ Kha và những người yêu thơ Hàn Mặc Tử trân trọng tổ chức sinh nhật lần thứ 100 của Hàn. Từ lâu rồi, những hoạt động đầy ý nghĩa này đã thực sự đem lại những cảm xúc sâu sắc cho du khách…
Thế nhưng nhiều người dân Bình Định và du khách hết sức bất bình khi Ban quản lý Khu du lịch Ghềnh Ráng (thuộc Công ty cổ phần Du lịch Sài Gòn - Quy Nhơn) tổ chức... bán vé vào viếng mộ Hàn Mặc Tử. Giá vé hiện tại là 8.000 đồng/người, chưa kể tiền giữ xe. Khi chúng tôi thắc mắc trước việc “giăng dây thu tiền” này, các nhân viên của khu du lịch trả lời: Đây là quy định.
Một nhân viên khu du lịch nói thêm: “Nếu vào uống cà phê trong nhà hàng của khu du lịch thì tiền vé vào cổng sẽ được… trả lại. Bất kỳ ai cũng phải thu tiền, bởi nhiều người lấy cớ vào uống cà phê nhưng chẳng uống, chỉ đi… thăm mộ cụ Hàn” (!?). Quả vậy, tại nhà hàng Hoàng Hậu, khi chúng tôi nhận phiếu tính tiền 2 ly cà phê đen với giá 34.000 đồng và đề cập chuyện “giảm giá” thì cô thu ngân yêu cầu nộp 2 chiếc vé, rồi bớt lại đúng 16.000 đồng!
Ngày 15.11.1991, Ghềnh Ráng đã được xếp hạng di tích thắng cảnh quốc gia. Hiện Công ty cổ phần Du lịch Sài Gòn - Quy Nhơn đang quản lý 168ha của khu vực danh thắng Ghềnh Ráng.
Trong khu du lịch, ngoại trừ khu vực mộ Hàn Mặc Tử, khu vực thuê của nghệ sĩ Dzũ Kha để vẽ tranh bút lửa bán cho du khách, còn lại chỉ toàn là hàng quán, nhà nghỉ. Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng – Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Bình Định nêu ý kiến: “Không thể thu tiền ở các khu mộ và chùa chiền. Nhất là với khu mộ của thi nhân Hàn Mặc Tử, một người đã có đời thơ sống tận cùng với nhân quần. Phải để những người đến viếng mộ Hàn Mặc Tử được thư thái, ấm lòng với những tình cảm ngưỡng mộ của mình…”.
Còn nhà thơ Phan Hoàng đến từ TP. HCM thì nói: “Cuộc đời đau khổ với những đóng góp sáng ngời của Hàn Mặc Tử đã làm nên sức hút của khu đồi Ghềnh Ráng. Công ty Du lịch lợi dụng nơi an nghỉ của nhà thơ để thu tiền tham quan là điều không thể chấp nhận được. Tư duy “giăng dây thu tiền” ở các di tích đã lỗi thời rồi. Một khu đồi tuyệt đẹp như Ghềnh Ráng, có nhiều cách “văn minh” hơn để nhà quản lý có thể thu tiền từ du khách”.

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 19:36 0 nhận xét  

Hồ Thanh Ngân viết trường ca

Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

 NHỚ PHÚ YÊN 

(TRƯỜNG CA)

 HỒ THANH NGÂN


1 .LỊCH SỬ
Bốn trăm năm gió vẫn thổi qua ghềnh qua bãi
Qua Hoa Anh Phù Nam Chiêm Thành Đại Việt
Nhát kiếm của người xưa chém vào mây trắng
Giọng nói của người xưa đục đá khắc ghi
Có bút tích vua Lê còn mãi trong lòng người
có khai quốc công thần Lương Văn Chánh
còn sống mãi trong tên đất tên làng
có Lê Thành Phương cần vương chống giặc
người anh hùng tuẫn tiết vẫn hiên ngang
có Trần Suyền thành danh trên con đường khoa cử
hạt gạo Tuy hòa cứu khu năm khi đói
đập Đồng Cam nước lai láng tràn đầy
chống pháp kiên cường mảnh đất miền Trung
đây Vũng Rô điểm tập kết đường Hồ Chí Minh trên biển
đây Tuy An thảm sát Ngân Sơn kinh hoàng
đây đường Năm đánh tan quân giặc rút chạy
đây quốc lộ 25 khiến kẻ địch kinh hoàng
đây Đồng Xuân chi bộ đảng đầu tiên
đây đường sắt nối Cù Mông đèo Cả
quê hương có vịnh Xuân Đài soi bóng dừa xanh
có ghành Đá Dĩa nên thơ đẹp trữ tình
có Ô Loan cảnh đẹp như tranh vẽ
sò huyết đâu ngon bằng quê ta
bãi Môn tự tình đón mặt trời lên
Vũng Rô như người đẹp đang nằm ngủ
gành Đỏ đường đi thơm nước mắm lối về
đàn đáTuy An ngân vang giai điệu
bánh tráng Hòa Đa đông bình ai cũng nhớ
Long Thủy đồi Thơm bè bạn ghé thăm
bò một nắng Sơn Hòa dừng xe ghé lại
cá ngừ đại dương đi khắp bốn phương trời
hò bá trạo đêm trăng vang bến bãi
điệu bài chòi thao thức làng quê
Chóp Chài cô đơn Đá Bia cô đơn
Nhạn tháp cô đơn sông Ba cô đơn
Củng sơn thở dài Đà Nông thở chậm
sông Ba cởi lòng mùa nước khô
một bình nguyên giữa hai đường Nam Bắc
đèo Cả phía nam Cù Mông phía bắc
Phú Yên ơi vùng trũng giữa hai đèo!!!
2. CON NGƯỜI
Gió Tuy Hòa đi vào thơ ca
Gió Tuy Hòa sống trong lòng mọi người
Gió làm nên gương mặt một vùng đất
Gió làm nên một giọng điệu thi ca
Người Tuy Hòa cởi mở lắm bạn ơi
Dù chân chất quê mùa như bạn thấy
“đa tình con mắt Phú Yên” Tản Đà từng nói vậy
Đến một lần để hiểu và yêu người dân quê tôi
Có gió đấy gió sẽ làm chứng
Gió Tuy Hòa làm nên thương hiệu người tuy hòa
Người Tuy Hòa phát âm a thành e
Phát âm ôi thành âm âu
Dẫu giọng nói làm ta mắc cười
Nhưng tình người nhớ mãi không thôi…
Những Lương Tấn Thịnh Lê Trung Kiên Trần Quốc Tuấn đã làm nên lịch sử
Những con người Hòa Thịnh vực dậy ngọn lửa đấu tranh
Hòa Hiệp kiên trung Hòa Đồng anh hùng
Tuy Hòa nơi chở che nhà cách mạng Nguyễn Hữu Thọ
Nhớ Nguyễn Mỹ “cuộc chia ly màu đỏ”
Nhớ Nhật Lai “quê lụa Hà Tây”
Nhớ Võ Hồng bên dòng Ngân Sơn xao xuyến
Đi đâu vẫn nhớ về xứ nẫu
Nhớ giọng nẫu nhớ con người nẫu
Nẫu đi rồi nẫu sẽ dìa
Sống hết mình như gió
Sống thật thà như đất
Sống nồng nàn như nắng
Sống không hình thức màu mè như con người mình vốn vậy
Người Phú Yên là như vậy đấy
Người Phú Yên là thế bạn ơi
Khi tôi xa Tuy Hòa
Tôi vẫn nhớ mình là dân nẫu
Để không bị lạc điệu
Tôi học tiếng nói của bạn bè
Nhưng trong thâm sâu tôi vẫn nhớ gió
Nhưng trong thâm sâu tôi vẫn gốc Tuy Hòa
Tôi cô đơn mặc định như Chóp Chài Đá Bia
Tôi nồng nàn như gió Tuy Hòa và hết lòng như nắng miền Trung
Tôi cách ly với phiền toái như Cù Mông và đèo Cả ngăn trở Phú Yên
3. TUỔI THƠ
Tôi sinh ra từ khúc ruột miền Trung
Nam Trung Bộ là quê hương tôi đó
Tuy Hòa nơi tuổi thơ tôi lê la góc phố
Mòn vẹt bao vệ đường trò chơi trẻ con
Nơi vỉa hè trốn cha ngồi đọc sách
Những con đường rong ruổi bạn bè vui
Tôi học trường Phường Tư trường Nguyễn Huệ
Đã đi qua bao năm tháng học trò
Có những đùa vui có lần tinh ngịch
Ký ức hằn những đòn roi
Có những thầy cô qua năm tháng học trò
Để lại trong lòng bao điều đẹp đẽ
Bạn bè ơi ngày xưa ta nhớ
Gọi thầm tên khi đứng giữa trường
Lâu lắm rồi ta không về trường cũ
Kỷ niệm không ngủ yên
Ai có một lần ngang qua trường cũ
Nhắc lại dùm ta có một thi sỹ rất khờ
Tuổi thơ ta in hằn trong những vết chân trâu
Ta chơi trốn tìm trong đó
Tiếng dế mùa hè tiếng cu gù mùa thu
Lay động những câu thơ thức dậy
Bao trò vui bạn ơi có nhớ
Cánh đồng làng xác tín tuổi thơ
Tuổi thơ tôi thấm đẫm với thi ca
Nuôi mơ ước thành thi nhân thi sỹ
Tôi đã đốt ngọn lửa rơm nuôi câu thơ bé nhỏ
Đến bây giờ chẳng hối tiếc đâu!
Thời gian dù trôi qua mau
Từ tiếng khóc đầu tiên đến nụ cười sau cùng vẫn dành cho thơ
Tuổi thơ tôi lận đận với thi ca
Tôi vấp ngã và tôi đứng dây
Đam mê ngựa không cương không ai cản
Tôi bốc đồng ứ hự với thi ca
Thơ làm tôi đau thơ giúp tôi cười
Cha mẹ tôi không thành đạt với đời
Cha mẹ tôi không học hành nhiều chữ
Cha tôi kéo tôi trở về mặt đất
Mẹ tôi dạy tôi tự an ủi lỗi lầm
Tôi biết yêu đời thường , biết yêu văn Nam Cao ,biết chấp nhận khắc nghiệt cuộc sống từ tuổi thơ khốn khó
4. THI CA
Không ở đâu nhiều thơ như ở đây
Bè bạn gặp nhau nói một câu lục bát
Tháp nhạn nhờ thơ bay lên cao
Người nhờ tháp giữ cân bằng mặt đất
Người người làm thơ
Nhà nhà làm thơ
Ra ngõ gặp ngay những người cầm bút
Đêm về ảo mộng thi sỹ thi nhân
Đất khốn khó nuôi khát vọng giàu và yên
Nhưng rất giàu về tinh thần
Vì nhiều người yêu thơ và làm thơ
Tỉnh lẻ Miền Trung được như thế là quý lắm rồi
Thơ Phú Yên sánh vai cùng Huế , Hà Nội, Nam Định, thành phố Hồ Chí Minh
Người cầm bút quê tôi như thế rất đáng mừng
ở Phú Yên có đêm thơ nguyên tiêu
rằm tháng giêng trở thành điểm hẹn du khách
bao bè bạn bốn phương về đây tụ hội
mấy mươi năm bề dày tổ chức
trở thành đặc sản tinh thần người Phú Yên
nơi khởi nguồn của ngày thơ Việt Nam
người cầm bút quê tôi rất đáng yêu
nồng nàn con chữ như gió N am Cồ thổi
không ồn ào khoe khoang tuổi tên
lặng lẽ viết âm thầm như tỉnh lẽ
chỉ gió biết thổi rỗng đi những hư danh
chỉ gió biết ai là người vững chải
họ cầm bút như ngọn gió quê tôi
trải hết lòng mình lên trang giấy
những ồn ào như những phù hoa
gió sẽ thổi bằng bước chân không nghĩ
điều quan trọng là viết thật lòng mình
tiếng vỗ tay tầm thường rồi sẽ quên mất
lịch sử dân tộc là lịch sử Nam tiến
lịch sử văn học là lịch sử Nam tiến
sau Quy Nhơn với Bàn Thành Tứ Hữu
ngày hôm nay là sứ mệnh Tuy Hòa
tôi vẫn tin điều đó đấy bạn ơi
bao người viết sẽ làm nên kỳ tích
viết đơn độc như sông Ba bạn đấy
sống lẻ loi như Tháp Nhạn Chóp Chài
không thể lẫn vào bao vùng quê khác
5 THÁP NHẠN
Tháp Nhạn những con chim nhạn bay đi không trở lại
Bỏ lại bóng dáng thành huyền thoại
Đây tháp của người Chăm làm nơi cúng tế
Đây phế tích lịch sử ngàn năm
Lin ga chọc thẳng trời xanh
Ap sa ra vũ nữ nỗi buồn quá vãng
Tôi nghe tinh hoa của dân tộc quá vãng
Chảy ròng ròng trong từng viên gạch đỏ
Một đất nước lụi tàn trong quá khứ
Để lại ký ức dân tộc chống chọi với thời gian
Nơi đây từng thể hiện đấu trí giữa Chiêm Thành và Đại Việt
Vết tích còn đây không thể phai mờ
Tháp Nhạn đứng trong trăng
Tháp Nhạn đứng trong thơ
Nơi hội tụ của hai dòng sông
Nơi hướng tầm nhìn ra biển lớn
Nơi bao người chồn chân lên đỉnh tháp
Nơi tiếng thơ véo von lên tận trời xanh
Nơi người nông dân buông cày cầm bút
Em học sinh trình diễn cảm xúc mình trước đám đông
Nơi cụ già lấy lại sinh lực thời trai trẻ
Nơi người cầm bút yêu quý con chữ của mình
Nơi trang trọng nơi tâm linh
Bao tục tằn trong người vứt bỏ
Chỉ khi ấy bạn hòa nhập vào trời đất
Chỉ khi ấy bạn hòa nhập vào vũ trụ
Trở về đi về nguyên bản chính mình
Trở về đi thành một vũ trụ nhỏ
Bao lo lắng đời thường ta vứt bỏ
Ta làm mới ta , ta trở lại từ đầu
Tiếng khóc đầu tiên bên bầu sữa mẹ
Lin ga chọc thẳng lên trời xanh
Yoni nằm yên đón đợi
Mùa màng sinh sôi
Con người đông đúc
Ta làm mới tâm hồn ta
Ta sinh ra những tri thức
Ta sinh ra những tư tưởng
Ta làm giàu nội tâm ta
Ta trở về chính ta ,thật ta mà ta không biết
6.BẠN BÈ
Có những lúc buồn
những câu thơ vỗ về tâm sự
có những lúc phiền muộn
tôi đối diện với trang giấy trắng
trút nỗi niềm tâm sự
không ồn ào khoe mẽ tuổi tên
viết cho tôi
như những lời thủ thỉ của sông Ba
bè bạn tôi ở khắp bốn phương trời
luôn dõi theo động viên chia sẽ
tôi vẫn tận tụy bản thảo vô danh
cho bạn cho tôi những người chiếm số nhiều trong xã hội
cho dù không còn ai đọc thơ
tôi vẫn ngồi thả lòng buông ra những câu chữ
mỗi khi thấy mình không còn sinh lực
tôi về lại Tuy Hòa
để góp gom từng kỷ niệm
làm hành trang cho những chuyến đi xa
bao bạn bè gọi tôi về
đánh thức lửa trong tôi đã mất
sau bao thời gian
để còn mãi tình yêu tuổi trẻ
với thi ca ta trở lại từ đầu
đọc cho nhau nghe những vần thơ
để biết mình sống chứ không phải tồn tại
mà khi tha hương làm theo quán tính
cảm giác này bị đánh rơi
chỉ khi trở về Tuy Hòa
ngồi vào trong lòng bè bạn
ta lại hồn nhiên ta lại tươi mới
tình bạn ở đây không toan tính
trong veo như thủy tinh
tôi và bạn giữ gìn tình cảm ấy
đừng để nó bị bóp chết bởi kinh tế thị trường
bạn bè Tuy Hòa đem lại niềm vui cho tôi
giúp tôi đứng dậy
sau gục ngã cô đơn và bất lực
trái tim tôi lại đập rộn ràng
bè bạn ơi tôi không quên bè bạn
bốn phương trời vẫn nhớ đến tôi
7.VĂN HÓA
Phú Yên là đất Phật
Phú Yên là đất tu
Có chùa Bảo Tịnh từ xa xưa
Có chùa Đá Trắng ngôi chùa cổ
Chùa Thanh Lương
Chùa Sắc Tứ Kim Cang
Chùa Nhất Tự Sơn…
Có tổ Liễu Quán khai sinh ra pháp môn Thiền Tịnh song tu
Chấn hưng nền Phật giáo trung đại
Uy đức mấy trăm năm
Còn rực rỡ thiền môn
Phú Yên có ca dao , hò vè , tục ngữ
Mang đậm khí chất Nam Trung Bộ
Có văn hóa nẫu nguồn
Về Hòa Trị ghé thăm đền thờ Lương Văn Chánh
Về Tuy An xem lễ hội Lê Thành Phương
Có thành Hồ xưa ở Hòa Định
Phú Yên vùng đất trấn biên bốn trăm năm
Sơn Hòa thị tứ đẹp một trăm năm
Xoài Đá Trắng lễ vật tiến vua
Thạch Bị Sơn ghi danh Cửu Đỉnh
Có thành An Thổ nơi sinh đồng chí Trần Phú
Tổng bí thư đầu tiên của đảng ta
Luận cương chính trị người tâm huyết
Viết trong chắt chiu ngọn gió Tuy Hòa
Có Hòa Xuân cái nôi cách mạng
Văn hóa anh em độc đáo gần xa
Phú Yên nơi thắng lợi đầu tiên của Nguyễn Huệ
Người anh hùng bách chiến bách thắng
Có khởi nghĩa của Võ Trứ
Có lễ hội cầu ngư có hò bá trạo
Có hô bài chòi
Có vịnh Xuân Đài địa danh lịch sử
Có Nhất Tự Sơn địa điểm du lịch
Bốn trăm năm không quá ngắn hay dài
Nhưng cũng đủ làm nên diện mạo một vùng đất
Nơi đây giao thoa văn hóa Chăm ,văn hóa Việt và văn hóa bản địa
Chứng tích là tiền cổ nơi đây có rất nhiều
Nước mắm gành Đỏ Long Thủy khẳng định thương hiệu
Muối Diêm Đài mặn gió biển miền Trung
 
HỒ THANH NGÂN
Gv trường t.h.p.t.sông đốc –trần văn thời –cà mau
Đt: 0948794804

(theo blog Hồ Thanh Ngân)

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 00:48 0 nhận xét  

Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

Phan Thị Vàng Anh

Phan Thi Vang Anh
Phan Thị Vàng Anh

Gửi VB (trích)



Tập làm thơ

Rướn lên nào, cầu kỳ vào nào, con lừa già chỉ biết gặm cỏ thực tế
Rồi phun ra cũng chỉ những dòng thực tế
Mắt chỉ thấy cây là cây, hoa là hoa,
Cái đầu đáng đập tung ra để moi thử nằm đâu cái hạt tí hon tưởng tượng
Mỗi sáng làm vài dòng, thử khác với mình, vung tay cao hơn đầu, bất cần trán
Vẫn không qua khỏi cái bề mặt lầm lỳ của cuộc sống
Một với một là hai.
Tôi bất tài, tôi bất tài, tôi bất tài
Tập làm thơ như tập múa, những ngón tay thô kiểu gì cũng không thành hình sen nở
Tôi phục kẻ thù tôi, nghĩ ra những câu co quắp, rợn người, thoát ra ngoài biên giới não
Cũng có lúc tôi lủi vào trong cái chăn lục bát đống rơm bà ngoại
Những sáu những tám cùng nhau dặt dìu ru ngủ tôi có tài
Tôi có tài, tôi có tài, tôi có tài
Chẳng bao giờ đến mức “tai một vần”

Đã cố cầu kỳ hết những dòng trên, giờ thì buồn ngủ
Nhai cái kẹo lạc dính hai hàm răng chẳng muốn mở miệng ngáp một lần.

2004



Để được đi xa thì…

Dậy sớm
từ lúc bốn giờ sáng
Làm gà trống trên cây giật mình vội gáy
Sương đầu ngọn lá hốt hoảng
rơi

Vào cái giờ bông hoa đơn giản nhất cũng còn hương
Đất cũng còn hương
Chưa hề nghĩ đến sâu khi vẹt ngang cành lá
Lòng rất thờ ơ với quả
Lờ mờ treo như không phải để ăn.

Dậy sớm
Từ lúc bốn giờ sáng
Nhạc mở thế nào cũng là to
Mới biết lũ chó không hề ngủ
Hớn hở đi theo chủ
thành đàn
Và hai con mèo
vắng mặt
không lý do.

7. 2001



Trong Cúc Phương

Đi cả ngày không giáp mặt một con thú
Chỉ những đàn bướm trắng đơn điệu
Bay nhanh nhanh như thôn nữ ngày đi chợ
bị trai trêu

Hoa lít nhít lẫn vào trong cỏ
Muốn ngửi
lại ngại mũi dính đất
Hơi rừng như mật
như kẹo the
như góc phố thuốc Bắc

Tất cả chim hót đều giấu mặt.

2001



Hành trình của cây

Nửa đêm
Cái mầm cây chồi lên từ đất
Lấm lét nhìn quanh rồi nở bung hai lá mầm rất mịn
Trong lành.

Sương, nắng, mưa, gió và tất cả những gì rơi xuống, những gì bao quanh nắn cho thân cây thẳng
Mỗi năm choàng thêm một vòng vân
Cái hành trình khó nhọc được thiên nhiên đánh dấu công bằng
Ghi nhận mơ ước của đời cây là tán.

Mơ ước của đời cây có là gỗ quan tài nổ bừng trong lửa?
Hay trăm năm ẩm áp gói hòm da thịt giữa đất đen?
Khi vươn lên chẳng cây nào nghĩ mình rồi thành giường tủ
Không một thân cây nào uốn mình cho giống hình khung cửa
Kéo rèm.

Mỗi bài thơ tôi tôi giết một ước mơ cây giết đến tận cùng
Thành bột giấy.

4. 2006



Ngày lạnh nhất Hà Nội

Phố nhoen nhoét và mưa van vát
Những chiếc taxi bỗng nhiên trở mặt gọi không dừng lại
Tất cả đàn ông trong hàng thịt chó đều mặc áo đen
Hai đốm lửa – hai cái áo len đỏ một góc phòng nhức mắt
Ngày lạnh nhất
Hôm nay đài báo ngày lạnh nhất.

*

Não đàn bà làm bằng gì mà chỉ nghĩ chuyện tình yêu?
Chụm đầu nghiêm trọng như âm mưu chỉ để bàn về một người đàn ông bé nhỏ?

*

Về thôi
Bóng đèn cuối cùng của chung cư đã cháy
Dò dẫm đi lên những cầu thang ướt như bùn chảy
Cái điện thoại cả tối không một tiếng reng
Trong tay làm một ngọn đèn
Loạng choạng

*

Sao phải chịu mùa đông lạnh nhất ở đây?
Mặc nhiều áo tới nỗi xa lạ với da thịt của chính mình
Phải về nhà thuê chỉ thấy đèn chưa bật
Phải viết nhật ký mỗi ngày chỉ cùng một thắc mắc
Chữ cong queo vì đeo găng?

Nhớ Sài Gòn quá, tựa lưng vào tường mà khóc
Âm thầm thôi, trong đêm chỉ đôi mắt mèo động đậy
Nhớ lúc phong phanh áo mỏng rất gần tim
Nhớ những con hẻm nhỏ ít tiếng nói nhớ những con người lầm lũi...

*

Bước tiếp thôi còn một tầng nữa thôi
Bỗng thấy mình còn sống còn đau còn hạnh phúc
Lại sợ rồi sẽ hết, những ngày này sẽ hết
Hai tiếng nữa thôi, ngày lạnh nhất sẽ qua
Buồn làm sao, chuyện gì rồi cũng thành ấm áp.

1. 2005

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 02:15 0 nhận xét  

Chấn vấn... ai?

Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

Nhà thơ Phan Hoàng và người tình ma lực

(TT&VH) - Văn nghệ sĩ Hà Nội vừa có buổi chiều gặp mặt tại quán cà phê ấm cúng trên bán đảo Hồ Thiền Quang, chào đón sự ra đời của Chất vấn thói quen, mà tác giả lại là người Nam, đang sinh sống, làm việc tại TP. HCM - nhà thơ Phan Hoàng.
Đây là tập thứ ba trên chặng đường thơ của Phan Hoàng, dù trước đó, anh đã cho ra đời sáu đầu sách. Nếu tính trên tổng số bảy cuốn, thì rõ ràng sách “báo chí” lấn át hơn cả với Phỏng vấn Tướng lĩnh Việt Nam (3 tập 1997-2000) tái bản bốn lần, Phỏng vấn Người Sài Gòn (2 tập - 1998), Phỏng vấn Người Hà Nội (2 tập 1999-2000) tái bản hai lần, Dạ, thưa thầy! (2 tập 2000-2002, 2000) tái bản hai lần. Và những cuốn này, đang chờ Phan Hoàng biết chăm chú hơn để cho tái bản tiếp.
Tình nghệ sĩ
Nhà thơ Phan Hoàng
Nhưng dù gì, người ta vẫn gọi Phan Hoàng là nhà thơ, hơn là một nhà báo. Kể cả khi, với thói quen... lười in thơ mình, Phan Hoàng phải tựa vào nhà thơ Nguyễn Quyến (“đầu cầu” Hà Nội) để lo từ bản thảo, viết bài giới thiệu, in ấn, đến ra mắt sách. Cũng nhờ việc giúp nhau vô ưu này, nghệ sĩ trong Nam, ngoài Bắc mới nhận ra cái tình nghệ sĩ, vẫn còn nguyên thế, chỉ là ẩn phía đằng sau những toan tính, đấu đá, hẹp hòi, độc ác phán xét chất đầy trong tim óc đa phần người làm nghệ thuật mà không chạm được vào nghệ thuật thời nay.
Buổi ra mắt sách nhẹ nhàng, giản dị, ấm cúng. Người dự chạm mặt bắt tay với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, thủng thẳng tay đút túi, tay cầm chục bản Nghệ thuật mới (phụ trương của báo Người Hà Nội) đủ đầy chân dung, bài viết, sáng tác của những “VIP nghệ thuật Việt” như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Lê Minh Khuê cũng như mới mẻ trẻ trung đầy nhiệt huyết thành tựu … vừa rời nhà in còn nóng hổi mùi mực mới. Gặp nhà văn Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Đình Tú ngồi cười hiền trong một góc tối. Gặp nhà thơ Bình Nguyên Trang thung thăng tặng bạn hữu cũng một tập thơ mới ra đời. Gặp nhà thơ Hữu Việt, Đặng Thị Thăng Hương ào ạt chạy qua với cái nắm tay vội. Vài nhân vật của Hà Nội ấy xuất hiện, khi nhà thơ Phan Hoàng đứng khiêm tốn ở một góc sân khấu, cầm micro xao xuyến lời cảm ơn, đủ để bật lên câu hỏi vỉ sao một “tay mơ” phương Nam, lại nhận nhiều ưu ái của những “tay tỉnh” Hà Nội đến thế.
Nhà thơ, nhà báo, nhà từ thiện, nhà truyền thông...
Sau khi tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Trường đại học Tổng hợp TP.HCM năm 1991, Phan Hoàng được đề nghị ở lại trường, “nhưng vì mê làm báo, tôi về làm việc ở tạp chí Kiến thức Ngày ngay, đến năm 2006 chuyển sang gầy dựng nguyệt san Đương thời. Năm 2010, sau khi được bầu vào Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM, tôi còn được giao Trưởng ban Nhà văn trẻ, Chủ biên trang web Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi cũng được mời phụ trách trang thơ của báo Tuổi Trẻ Online”.
Từ đầu thập niên 1990, nhận thấy nhiều nhân vật có những đóng góp quan trọng cho đất nước nhưng ít được nhắc đến, có người mãi mãi ra đi mang theo nhiêu tư liệu quý giá, Phan Hoàng đã ra Bắc vào Nam phỏng vấn hang trăm nhân vật, từ các tướng lĩnh như Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Trà, Trần Đại Nghĩa, Đồng Sĩ Nguyên, Đồng Văn Cống,… đến các nhà khoa học, văn nghệ sĩ như: Trần Văn Giàu, Hà Huy Giáp, Vũ Đình Liên, Huy Cận, Thanh Châu, Anh Thơ, Lê Thương, Đoàn Chuẩn, Doãn Mẫn, Nguyễn Văn Thương,…
“Nhờ đó mà tôi xuất bản các bộ sách được dư luận đánh giá cao như Phỏng vấn Tướng lĩnh Việt Nam, Phỏng vấn Người Sài Gòn, Phỏng vấn Người Hà Nội,… Riêng bộ Phỏng vấn Tướng lĩnh Việt Nam được giới sử học đánh giá là nguồn cảm hứng khai mở cho nhiều cuốn hồi ký của các tướng lĩnh ra đời” - Phan Hoàng kể.
Bên cạnh việc làm báo, nghiệp thơ vẫn chưa đứt rời khỏi đời anh. Tập thơ đầu tay Tượng tình xuất bản năm 1995 được xem như luồng gió mới trẻ trung trong đời sống thi ca bấy giờ. “Các nhà thơ đàn anh vốn “cao đạo” ở TP.HCM như Bùi Chí Vinh, Lê Minh Quốc... cũng đã viết bài bình luận. Trên tờ Phụ Nữ TP.HCM, nhà thơ Lê Minh Quốc viết đại ý rằng Phan Hoàng là một trong những nhà thơ trẻ đầu tiên mạnh dạn đưa ngôn ngữ hiện đại vào thơ…”, Phan Hoàng nhớ lại.
Đến năm 2002, nhà thơ Phan Hoàng xuất bản tập thơ Hộp đen báo bão. Theo kế hoạch tập thơ này in năm 2000, nhưng lúc đó xảy ra một số “sự cố” về thơ nên NXB Trẻ “neo” lại và biên tập kỹ, cắt bớt vài đoạn nên in chậm hai năm.
“Đã có lúc nhiều người nghĩ tôi chán nản bỏ thơ, nhưng không, tôi vẫn sáng tác đều đặn, có điều ít xuất hiện và không in thành tập. Tôi viết nhiều mà cũng tự xoá bỏ rất nhiều. Điều quan trọng của thơ là phải tạo nên cái mới, khác biệt, nếu không dễ lọt thỏm vào dàn “đồng ca” thơ ngập tràn trên báo xuân, mà đọc bài nào cũng giống bài nào. Đó cũng là một phần bi kịch của nền thơ Việt đương đại”.
Với Phan Hoàng: “Thơ như người tình lãng mạn và khó tính, vừa hấp dẫn ma lực và chia sẻ nỗi lòng tôi, lại vừa làm khổ tôi có lúc đền gầy mòn xanh xao từng câu chữ. Vì có thói quen hay sáng tác lúc đi trên đường hay lúc nửa đêm, nên thơ còn là “mối hiểm hoạ” cho tính mạng và sức khoẻ của tôi”. Vì vậy, có những lúc không viết được, Phan Hoàng đi làm từ thiện. Cách đây ba năm, Phan Hoàng cùng các bạn thơ Lâm Xuân Thi, Hồ Thi Ca sáng lập Quỹ Tình thơ hỗ trợ các nhà thơ gặp hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật (mỗi lần hỗ trợ 10 triệu đồng) và mua thơ hỗ trợ phát hành các tập thơ mới. Đến nay Quỹ Tình thơ đã hỗ trợ hơn 300 triệu đồng. Quỹ này do ban điều hành tự lo liệu, không tổ chức quyên góp.
Bìa Chất vấn thói quen với tranh minh họa của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Đến Chất vấn thói quen
Chất vấn thói quen hoàn toàn không có thơ về tình yêu lứa đôi. Theo lời kể của Phan Hoàng, một nữ nhà văn trẻ đã từng “chất vấn” hình như anh không làm thơ tình?
“Biết làm sao được khi mối quan tâm của tôi đang hướng về những người nông dân bị mất đất, sống ly hương, di sản cha ông đang bị tàn phá, môi trường sống của chúng ta đang bị huỷ hoại, sự hư danh ảo tưởng đang lấn át, cái ác cái chết đang ám ảnh mỗi người hàng ngày… và trên hết là sự cô đơn đang bao trùm đời sống thị trường, những giá trị nhân văn bị đảo lộn trong từng gia đình, trong từng ý nghĩ của không ít con người…”.
Lúc này, nhà thơ Phan Hoàng đang chỉnh sửa bản thảo tập thơ thứ tư Bước gió truyền kỳ. Đúng ra tập thơ này xuất bản trước Chất vấn thói quen, nhưng vì cuối năm 2010, Phan Hoàng bị cướp mất laptop, nên bản thảo chỉnh sửa vừa hoàn thành cũng “bay” theo luôn.
“Giờ phải tập hợp lại bản thảo, sáng tác lại một số bài theo trí nhớ để ra mắt bạn đọc. Tôi cũng đang suy nghĩ về những đề nghị tái bản các bộ sách phỏng vấn nhân vật của mình và tập hợp tản văn, bút ký tôi viết gần 10 năm nay để in thành sách. “Âm mưu” dự định thì nhiều nhưng cũng khó mà… bước tới hết”.
An Vũ

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 23:36 0 nhận xét  

Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Kỷ niệm... Bắc tiến



Trong đợt nghỉ hè năm nay, tôi tham gia nhiều chuyến dã ngoại lý thú cùng với anh em văn nghệ sĩ Phú Yên. Trong đó, có chuyến đi cùng Đào Đức Tuấn ra Sông Cầu - Quy Nhơn vào hai ngày 24 - 25 / 8 / 2011.
Anh Đào Đức Tuấn là phóng viên Đài phát thanh tỉnh Phú Yên, đồng thời là cộng tác viên thân thuộc của báo Thanh Niên. Anh được báo Thanh Niên cử ra thị xã Sông Cầu để lấy tin, đi một mình buồn nên rủ tôi và dĩ nhiên tôi không bỏ lỡ những chuyến đi như vậy.
Sáng 24, chúng tôi đi xe máy ra xã Xuân Hải, phía bắc thị xã  Sông Cầu, cách TP. Tuy Hòa khoảng 80 km. Chúng tôi đến một làng nhỏ nằm gần biển, vẫn còn rải rác một vài căn nhà lá dừa, mặc dù xét về mặc giấy tờ, đất này là... "thị xã". Sau một hồi lòng vòng tìm hỏi, chúng tôi mới đến được nhà người cung cấp tin cho báo. Người dân này phản ánh, anh ta tới ủy ban xã làm giấy khai sinh cho con nhưng ủy ban không chịu cấp vì chưa đóng xong khoản tiền xây dựng giao thông nông thôn. Sau khi lấy đủ các thông tin, chúng tôi đến ủy ban xã Xuân Hải. Anh chủ tịch xã còn trẻ, dáng nho nhã thư sinh và ăn nói chững chạc, khúc chiết cho biết rằng, xã vẫn biết làm vậy là không đúng nhưng nếu không làm vậy thì nhiều người dân không chịu đóng góp khoản tiền xây dựng đường nông thôn. Tôi chợt nhớ đến bốn két bia Lowen đã uống xong chồng trước hiên nhà anh thanh niên cấp tin. Tôi nghĩ, nếu hôm trước, anh ta và bạn bè chỉ nhậu ba két thôi, còn chừa lại một két để dành tiền đóng cho xã thì đâu có rối việc. Trong sự việc này, tôi thấy ai cũng có cái lý riêng của mình.
Biển Sông Cầu, đánh cá, nuôi tôm vốn là nghề chính của ngư dân địa phương

Những căn nhà lá nằm yên ả / Khói tỏa vờn quanh xóm biển nghèo
(ảnh và thơ Phạm Ngọc Hiền)

Chúng tôi tiếp tục khởi hành, dọc đường, ghé lại nghỉ trưa ở một quán nước dọc đường. Cái quán tuềnh toàng, lợp bằng lá dừa với vài cái cột tre cắm trên bãi cát nóng bỏng. Trong khi Tuấn viết tin thì tôi nằm võng lim dim mắt nghe đủ mọi thứ chuyện trên đời. Có mấy người đàn bà tới uống nước bàn chuyện trẻ em bị bắt cóc. Đại khái có một nhóm người lạ mặt, rất dữ dằn, đi xe con tìm bắt trẻ em từ khu Bắc Khánh Hòa trở ra, nay đã tới Bắc Phú Yên. Họ dụ đưa trẻ em lên xe, tới chỗ trống, mổ lấy nội tạng, nhét vào bụng 5 triệu đồng rồi vứt xác lại. Cách kể của họ rất ly kỳ hấp dẫn và có vẻ thật 100 %. Tuy nhiên, cái đoạn nói rằng công an đã bắt được hai người đàn bà, còn hai đàn ông chạy thoát vào rừng thì tôi hơi nghi ngờ. Sau này, tôi bảo Tuấn chộp lấy tin này mà đăng báo nhưng Tuấn bảo, phải cẩn thận với các tin đồn, để hỏi một vài người bạn công an xem thử thực như thế nào rồi mới viết.
Nhóm người này đi, một lúc sau có một thanh niên khác tới báo tin có một vụ tai nạn giao thông và người gây tai nạn đã bỏ trốn. Anh ta hỏi chủ quán có biết người bỏ trốn là ai không, chủ quán nói không. Anh ta uống nước xong rồi đi. Một lúc sau nữa, vợ và con chủ quán tới bàn những chuyện trong gia đình. Anh con trai đã mua vé xe chuẩn bị vào Sài Gòn làm mướn. Rồi họ bàn tới chuyện làm đám giỗ ngày mai, bà vợ than thở giá cả bây giờ cao quá, mua sắm cái gì cũng khó...
Chao ôi, cả một buổi trưa nằm lim dim mắt nhưng không ngủ được vì bao chuyện đời đau khổ. Tôi hình dung tới nỗi đau của đứa trẻ khi bị bắt mổ bụng, thế nào bé cũng la lên: "Ba má ơi, cứu con với !". Bọn dã nhân sẽ bịt miệng và bằng một đường dao sành sỏi chẳng kém gì một bác sĩ thừa tài thiếu đức, chúng mổ bụng lấy gọn nội tạng để bán cho những nhà giàu. Chuyện mổ bụng trẻ em thì tôi đã nghe đồn nhiều lần nhưng cái việc bỏ vào bụng nạn nhân 5 triệu thì mới chỉ nghe lần đầu. Rồi còn cái việc tai nạn giao thông, thói thường, kẻ gây tai nạn vẫn sống nhăn răng, chỉ thiệt cho người đi xe cẩn thận chẳng may đụng phải những kẻ đi xe ẩu chuyên nghiệp. Kèm theo cái chết của một người là những tiếng khóc than vang trời dậy đất của gia đinh và bạn bè, hàng xóm. Năm nào, gia đình cũng làm đám giỗ trong thời bão giá leo thang. Và còn nhiều chuyện rối bời khác... Tôi nghĩ, nếu trưa ấy tôi và Tuấn ngủ trong khách sạn, có máy lạnh chạy ro ro thì liệu có nghe được những câu chuyện "nhân sinh" đó không. Ngủ bụi dọc đường một chút mà hiểu được bao nhiêu chuyện thực ở đời, như vậy cũng hay !

Nghỉ trưa ở dọc đường, nghe bao chuyện đời đau khổ (ảnh: Đức Tuấn)

Nơi giáp ranh Sông Cầu và Quy Nhơn (ảnh: Đức Tuấn)

Chiều, chúng tôi vừa đi vừa ngắm biển Sông Cầu xanh một dải, núi một bên, ngâm nga câu thơ của Xuân Hoàng; "Thị trấn đẹp như một lời tiễn biệt / Điệp trùng núi biển đứng bên nhau". Những hàng dừa cuối cùng của thị xã Sông Cầu vẫy tay tiễn biệt chúng tôi. TP. Quy Nhơn hiện ra, nhìn từ trên cao xuống, thật trẻ trung, xinh đẹp. Tôi trở lại Quy Nhơn nhưng trở lại người tình cũ từng bốn năm chung sống. Đường phố thay đổi nhiều, tôi phải hỏi đường liên tục nên Tuấn chọc tôi: "Về quê mà lại hỏi đường". Tới trước trường Đại học Quy Nhơn, tôi dừng lại hồi lâu ngắm cảnh, mặt trước của trường khác hoàn toàn với thời tôi còn học ở đây (1990 - 1994). Trường ĐH Quy Nhơn bây giờ hoành tráng hơn, đẹp hơn nhưng vẫn không thay thế vẻ đẹp bình dị cũ đã nằm trong tim tôi suốt 17 năm nay.

Thăm lại trường xưa (ảnh Đức Tuấn)

Nghỉ ở khách sạn Thắng Lợi (ảnh Đức Tuấn)

Chiều mát, chúng tôi đi nhậu với các anh em báo chí văn nghệ sĩ Bình Định: anh Cát Hùng - phóng viên báo Nhân Dân tại Bình Định, người mà Đào Đức Tuấn muốn gặp trao đổi công việc trong chuyến đi này. Nhà thơ Lê Văn Ngăn - gương mặt nổi tiếng trong làng thơ Bình Định từ trước 1975 đến nay. Anh Nguyễn Thanh Mừng, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình Định, hiện là Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông. Ngoài ra, còn nhiều anh em văn nghệ khác nhưng cuối cùng chỉ còn lại sáu người và câu chuyện càng đi vào chiều sâu. Nhà thơ Lê Văn Ngăn đã lớn tuổi nhưng càng uống bia càng tỉnh và bắt đầu hát, đọc thơ rất truyền cảm. Có lẽ ông rất có "hứng" khi trao đổi với tôi về các vấn đề văn chương, học thuật. Nhưng rồi cuộc vui nào cũng tàn, lão tướng Lê Văn Ngăn lầm lũi đạp xe trên đường Hai Bà Trưng về nhà. Còn tôi và Tuấn thì được anh Cát Hùng bố trí vào ngủ trong nhà khách Tỉnh ủy - Khách sạn Thắng lợi, số 03 Trần Phú.

Đêm Quy Nhơn, lai rai với các văn nghệ sĩ. Nhà thơ Lê Văn Ngăn say sưa
kể chuyện, nhà báo Cát Hùng lim dìm mắt lắng nghe (ảnh Đức Tuấn)

Cà phê bên công viên Quang Trung với nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng
(ngoài cùng bên trái) và nhà báo Đào Đức Tuấn (ngồi giữa)
Sáng hôm sau, Nguyễn Thanh Mừng lại tới mời đi ăn sáng và uống càphê bên công viên Quang Trung. Kể ra, anh cũng là cán bộ có cỡ của Tỉnh nhưng tác phong rất bình dân. Chúng tôi nói chuyện khá hợp nên tới 9 giờ mới chia tay. Trên đường về, ghé lại Gành Ráng và mộ Hàn Mặc Tử, cảnh vật khác xa thời tôi học ở đây. Nhìn xuống thành phố trẻ trung lộng lẫy, tôi chợt nhớ đến một bài thơ của cựu sinh viên khoa Văn ĐH Quy Nhơn: "Tạm biệt Quy Nhơn, thành phố ba bề sóng vỗ / Mai tôi về trên đó với cao nguyên / Xa ngái thế, biết làm sao trở lại / Khung trời xanh hạnh phúc bình yên". Đến mộ Hàn Mặc Tử, không thể không ghé thăm bút lửa Dzũ Kha. Đào Đức Tuấn phỏng vấn Dzũ Kha về công việc bếp núc của nghề khắc chữ nghệ thuật. Hóa ra, Tuấn có mối duyên nợ với "đồng chí Hàn Mặc Tử" từ thời sinh viên ở ĐH Đà Lạt. Tuấn đã làm khóa luận tốt nghiệp với đề tài: "Thi pháp thơ Hàn Mặc Tử". Còn tôi, kỷ niệm về Hàn Mặc Tử cũng có nhiều: hồi sinh viên, mỗi chiều đi dạo lên mộ Hàn Mặc Tử, ngắm cảnh, làm thơ theo phong cách của Hàn. Sau này đi dạy, cũng rất hứng khi giảng bài Đây thôn Vỹ Dạ, cũng có viết bài bình tác phẩm này. Và còn chấm nhiều luận văn Đại học, Cao học về Hàn Mặc Tử...

Bên mộ Hàn Mặc Tử (Ảnh Đức Tuấn)

Đặt hàng Dzũ Kha viết dùm chữ: "Đức năng thắng số" (ảnh Đức Tuấn)

Chiều 25, tôi về tới Tuy Hòa, do ra nắng nhiều nên da rám đen, cởi áo ra thấy cánh tay một nửa châu Phi, một nửa châu Âu. Chẳng có dấu hiệu gì mệt mỏi dù tôi đã nắm tay lái gần 200 km. Có lẽ cái cốt nông dân ngày xưa vẫn còn đó, cộng với cái máu thích "xê dịch" của nghệ sĩ. Lấy chất liệu và cảm hứng từ chuyến đi, xin viết bài này để hầu bạn đọc.
PHẠM NGỌC HIỀN

Tạm biệt Quy Nhơn, thành phố ba bề sóng vỗ (ảnh Đức Tuấn)

(theo phamngochien.com)

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 20:10 0 nhận xét