Vui, vui

Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2012

Gặp bác Lập

Cu vô Sài Gòn lui bui việc cơ quan nhưng cũng tranh thủ tí thời gian thăm bác Lập. Quảng Bọ cùng quê nên Cu không dám gọi Bọ Lập vì sợ người Quảng Bọ nói hỗn. Phải gọi Bác Lập mới kính lễ. Trước khi đi, mấy bác hưu trí ngồi với Cu nói, vô Sài Gòn mà không gặp được Bọ Lập là coi như không đi Sài Gòn. Rứa đo, rứa đo, phải gặp, phải gặp, phải gặp.


Hai bác cháu hẹn nhau, bác nói có anh Huy Đức nữa, Cu vui cà cưỡng. Đến quán bờ hồ, Cu chậm cả mấy chục phút, bác cũng ngồi đợi thằng quèn như Cu. Úi giời, bác cứ giới thiệu đây anh Đặng Tâm Chánh, đây anh Huy Đức, đây anh Huỳnh Ngọc Chênh, đây GS Nguyễn Minh Thuyết, có một thầy giáo nữa rồi một anh nữa quên tên rồi do liêng biêng lang bang bia rượu.

Bác hỏi nhiều chuyện, nhưng thích nhất vẫn cứ thấy dáng đi của bác Lập, cà khiểng với cái gậy một chân, thế mà đi khắp nơi rồi đấy, tay thì chỉ còn một bên cử động tốt, chân cũng chỉ một chân đủ khỏe, rứa mà cái đầu minh mẫn sáng lạ, thiên hạ vẫn ngã nón kính chào.

Bác Lập vẫn giới thiệu nhà bác ở Ba Đồn. Mình nói thêm, trước mặt Ba Đồn là sông Gianh. Con sông một thủa Trịnh-Nguyễn phân tranh. Sông mạnh mẽ lạ kỳ, cường tráng lạ kỳ và vâm váp lạ kỳ. Vào mùa lũ, nó lồng như con ngựa hoang, xô ngã cây cối, xô ngã làng mạc, xô ngã bao phận đời. Nhưng qua mùa hung dữ, nó lại hiền lành, tưới tắm cho những cánh đồng hai bên mái bờ của nó, nuôi nấng ngàn vạn tấm đời, lớn lên làm đủ thứ nghề, trong đó có một thứ máu ruột nó nuôi mãi trong hồn người sống ven sông Gianh như các dòng sông khác là lòng yêu nước. Sông Gianh như sông Hồng, như sông Hương, như sông Hàn, sông Hậu…cho người dân một thứ nước thuần khiết, một thứ nước không bao giờ quên đất, quên làng, đó là nguồn nước giữ bền, nuôi chặt lòng yêu nước trong mỗi phận dân.

Em bác Lập, nhà văn Nguyễn Quang Vinh (Vu Vinh), hồi còn làm báo, mỗi lần qua phà Phù Trịch, vẫn nói: “Ươ bây, hồi nhỏ tau tắm ở đây, ở đây bây nì, tắm lổ lồng ngồng sướng lắm, nhất tắm sông bây nà”. Rứa rồi Cu nghĩ, bác Lập hồi nhỏ cũng tắm nác sông Gianh, cũng tồng ngồng, cũng hoang nghịch như bao trẻ thơ bên ngọn sông này. Hì hì.

Còn quê Cu thì trên triền cát trắng, cách sông Gianh chừng mươi cây số, ở làng Thanh Bình, Quảng Xuân, tắm suốt ngọn nước biển mặn nòng, người làng Cu không hiểu sao, lâu lâu, cứ hè nhau vô sông Gianh tắm cho đã. Lạ, rất lạ. Hỏi thì được biết, nhớ sông.

Cu từng suýt chết vì sách của bác Lập. Nói không ai tin, nhưng là chuyện có thật. Mạ Cu đi bước nữa, mới lớp ba, mình theo mạ đi ở nhà dượng. Nhà bọ dượng đông con, bữa ăn thời khổ, mình mới hết lưng cơm đã thấy không còn gì, bụng đói meo. Đã rứa còn bị bầy con của lão dượng này đập đánh té khói suốt ngày. Cứ thấy mặt Cu là chúng hắt hủi, đánh đập như thế chiếm miếng ăn của chúng. Mà nhờ có mạ Cu, có thêm lương bổng đi dạy, chúng mới được học hành tới nơi, lại có thêm cái ăn uống. Rứa mà chộ Cu là chúng ghét, chẳng hiểu vì răng, sau này mới biết, đó là cái chung của con anh con tôi.

Cu được lão dượng phân công chự vịt, chự cả ngàn mấy con ở giữa đồng không mông quạnh. Chự đến khi mạ Cu ở không được với ông dượng, ly dị, bỏ chắc thì Cu đã lớp sáu, lúc đó năm 1995, cực khổ vô cùng, cái áo không có mặc. Mấy năm trời không được vô nhà, cứ học ở trường xong là ra trại vịt, cơm nước có con lão dượng bới in ít cầm hơi, mà chạy theo bầy vịt thì gầy rạc xương.

Cu nhớ có một bữa, mạ Cu đi Đồng Hới, tự nhiên cầm về cuốn tiểu thuyết Những Mảnh Đời Đen Trắng. Đọc thích. Cu khiếu văn, học môn này giỏi nên cứ có sách văn là đọc, đọc bất cứ lúc mô, đọc giữa trại bằng đèn hoa kỳ đen cả mũi. Được quyển sách của bác Lập, Cu đọc ngấu nghiên, quên quách còn bầy vịt. Tối đi lùa vịt về, cứ nghĩ là đủ, không ngờ, lão dượng ra kiểm tra, thiếu mất hai chục con. Nó hạch, nó đánh, nó xé sách, may lúc đó không có lửa, chứ có lửa thì e sách thành tro, nó xé sách vứt xuống mương. Cu trân mắt nhìn. Nó xô Cu xuống mương, hò hét thằng con to như trâu mờm, dận mặt Cu xuống nước, uống mấy ngụm, xong lão cùng thằng con thả tay, thì ra mấy chục con vịt lạc đã tìm về trại ở đằng xa. Quả đó mà vịt không về, e Cu đã tử. Lão dượng này ác lắm. Lương mạ Cu, ông ta đi nhận, trong nhà có cái chi bán, mạ đưa đi, lão đi theo thu tiền. Mua cái chi, lão đi theo trả tiền, về mà hàng xóm có ai đó thối mồm nói đắt rẻ, là mạ bị ăn quả đấm. Mạ bị đấm vô số lần. Mạ Cu nấu cơm, lão lường từng lon gạo, ra giếng vo gạo cũng đi theo giám sát. Đời Cu chưa chộ đàn ông mô keo kiệt, bủn xỉn như thế. Đến khi li dị, lão còn phỉnh được nhà trường để nhận lương của mạ nữa. Gớm.

Thoát cảnh ngộp nước, vịt về trại ngủ, hai bố con lão dượng về, rồi ngăm nguýt, chờ bóng họ khuất ở tre làng, Cu lao ngay xuống mương, ngụp ngụp dưới mương vớt từng tờ sách lên. Bỏ bên lửa hơ hơ, mắt đàn vịt nhìn chong hóng. Cu vừa hơ vừa đọc từng trang bị xé chưa đọc. Bầy vịt im tiếng nhìn Cu rất vui. Chúng còn dồn về phía Cu như để sưới ấm hết lạnh giữa đồng không. Đấy, suýt chết với sách của bác Lập là rứa đò. Chừ nậy rồi mà nhiều đêm vẫn còn mơ cái quả bị nhận nước đó. Ám ảnh tới chừ.

Sau này có điều kiện, Cu đọc Kỷ niệm thời trai trẻ, người thổi kèn trom-pét, Một giờ trước lúc rạng sáng theo mô típ của văn học Nga. Vừa rồi thì Ký ức vụn, Chuyện đời vớ vẫn lại không thể bỏ qua.

Nhà bác Lập có giáo sư Nguyễn Quang Mỹ lừng danh địa mạo địa chất, là người rất quan trọng để Phong Nha-Kẻ Bàng được vinh danh toàn cầu thông qua UNESCO, ông cũng là người xóa bỏ các nghi ngại khám phá hang động có làm lộ các bí mật quân sự hang động hay không để Hiệp hội hang động Hoàng Gia Anh có hơn 20 năm lăn lộn, tìm ra những Thiên Đường, Khe Ry… đẹp toàn cầu, đặc biệt Sơn Đoong lớn nhất và tráng lệ nhất thế giới.

Sách của bác Lập ở mô mình không rành, chớ ở Quảng Bình, hầu như hội hưu trí nào cũng có. Ở Đồng Mỹ gần như nhà nào cũng có ít nhất một cuốn, đặc biệt nhất là Ký ức vụn, Bạn Văn, Chuyện đời vớ vẫn. Vừa rồi về quê chơi, có ông Thèo từng làm văn hóa, già cả, hỏi có cuốn sách mô của nhà văn Nguyễn Quang Lập không? Mình nói dạ có, ông hối, khi mô về lại, cầm về đọc tau nghe, tau chết cũng đáng. Ông có tuổi, mình chiều, trước tết nửa tháng, về đọc Bạn văn cho ông nghe nửa ngày. Vừa đọc, ông vừa nghe, nghe rồi cười rặc rặc, nụ cười của người già thoải mái lắm. Người già ít cười, nhưng khi cười thì không giả đâu được, mà đọc thì ông cười gần như đầu sách tới cuối sách, nụ cười mãn nguyện, chẳng sân si. Mới rồi nghe tin ông mất. Ông vốn bị ung thư khá lâu. Người làng nói; may mi đọc sách Bạn Văn mà ông kéo dài qua tết, chứ không thì đi sát tết làng xóm, con cái khổ. Họ còn nói, ông Lập tài hi, tài hi. Cu ngúc đầu lia lịa.

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 01:10 0 nhận xét