Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Kỷ niệm... Bắc tiến



Trong đợt nghỉ hè năm nay, tôi tham gia nhiều chuyến dã ngoại lý thú cùng với anh em văn nghệ sĩ Phú Yên. Trong đó, có chuyến đi cùng Đào Đức Tuấn ra Sông Cầu - Quy Nhơn vào hai ngày 24 - 25 / 8 / 2011.
Anh Đào Đức Tuấn là phóng viên Đài phát thanh tỉnh Phú Yên, đồng thời là cộng tác viên thân thuộc của báo Thanh Niên. Anh được báo Thanh Niên cử ra thị xã Sông Cầu để lấy tin, đi một mình buồn nên rủ tôi và dĩ nhiên tôi không bỏ lỡ những chuyến đi như vậy.
Sáng 24, chúng tôi đi xe máy ra xã Xuân Hải, phía bắc thị xã  Sông Cầu, cách TP. Tuy Hòa khoảng 80 km. Chúng tôi đến một làng nhỏ nằm gần biển, vẫn còn rải rác một vài căn nhà lá dừa, mặc dù xét về mặc giấy tờ, đất này là... "thị xã". Sau một hồi lòng vòng tìm hỏi, chúng tôi mới đến được nhà người cung cấp tin cho báo. Người dân này phản ánh, anh ta tới ủy ban xã làm giấy khai sinh cho con nhưng ủy ban không chịu cấp vì chưa đóng xong khoản tiền xây dựng giao thông nông thôn. Sau khi lấy đủ các thông tin, chúng tôi đến ủy ban xã Xuân Hải. Anh chủ tịch xã còn trẻ, dáng nho nhã thư sinh và ăn nói chững chạc, khúc chiết cho biết rằng, xã vẫn biết làm vậy là không đúng nhưng nếu không làm vậy thì nhiều người dân không chịu đóng góp khoản tiền xây dựng đường nông thôn. Tôi chợt nhớ đến bốn két bia Lowen đã uống xong chồng trước hiên nhà anh thanh niên cấp tin. Tôi nghĩ, nếu hôm trước, anh ta và bạn bè chỉ nhậu ba két thôi, còn chừa lại một két để dành tiền đóng cho xã thì đâu có rối việc. Trong sự việc này, tôi thấy ai cũng có cái lý riêng của mình.
Biển Sông Cầu, đánh cá, nuôi tôm vốn là nghề chính của ngư dân địa phương

Những căn nhà lá nằm yên ả / Khói tỏa vờn quanh xóm biển nghèo
(ảnh và thơ Phạm Ngọc Hiền)

Chúng tôi tiếp tục khởi hành, dọc đường, ghé lại nghỉ trưa ở một quán nước dọc đường. Cái quán tuềnh toàng, lợp bằng lá dừa với vài cái cột tre cắm trên bãi cát nóng bỏng. Trong khi Tuấn viết tin thì tôi nằm võng lim dim mắt nghe đủ mọi thứ chuyện trên đời. Có mấy người đàn bà tới uống nước bàn chuyện trẻ em bị bắt cóc. Đại khái có một nhóm người lạ mặt, rất dữ dằn, đi xe con tìm bắt trẻ em từ khu Bắc Khánh Hòa trở ra, nay đã tới Bắc Phú Yên. Họ dụ đưa trẻ em lên xe, tới chỗ trống, mổ lấy nội tạng, nhét vào bụng 5 triệu đồng rồi vứt xác lại. Cách kể của họ rất ly kỳ hấp dẫn và có vẻ thật 100 %. Tuy nhiên, cái đoạn nói rằng công an đã bắt được hai người đàn bà, còn hai đàn ông chạy thoát vào rừng thì tôi hơi nghi ngờ. Sau này, tôi bảo Tuấn chộp lấy tin này mà đăng báo nhưng Tuấn bảo, phải cẩn thận với các tin đồn, để hỏi một vài người bạn công an xem thử thực như thế nào rồi mới viết.
Nhóm người này đi, một lúc sau có một thanh niên khác tới báo tin có một vụ tai nạn giao thông và người gây tai nạn đã bỏ trốn. Anh ta hỏi chủ quán có biết người bỏ trốn là ai không, chủ quán nói không. Anh ta uống nước xong rồi đi. Một lúc sau nữa, vợ và con chủ quán tới bàn những chuyện trong gia đình. Anh con trai đã mua vé xe chuẩn bị vào Sài Gòn làm mướn. Rồi họ bàn tới chuyện làm đám giỗ ngày mai, bà vợ than thở giá cả bây giờ cao quá, mua sắm cái gì cũng khó...
Chao ôi, cả một buổi trưa nằm lim dim mắt nhưng không ngủ được vì bao chuyện đời đau khổ. Tôi hình dung tới nỗi đau của đứa trẻ khi bị bắt mổ bụng, thế nào bé cũng la lên: "Ba má ơi, cứu con với !". Bọn dã nhân sẽ bịt miệng và bằng một đường dao sành sỏi chẳng kém gì một bác sĩ thừa tài thiếu đức, chúng mổ bụng lấy gọn nội tạng để bán cho những nhà giàu. Chuyện mổ bụng trẻ em thì tôi đã nghe đồn nhiều lần nhưng cái việc bỏ vào bụng nạn nhân 5 triệu thì mới chỉ nghe lần đầu. Rồi còn cái việc tai nạn giao thông, thói thường, kẻ gây tai nạn vẫn sống nhăn răng, chỉ thiệt cho người đi xe cẩn thận chẳng may đụng phải những kẻ đi xe ẩu chuyên nghiệp. Kèm theo cái chết của một người là những tiếng khóc than vang trời dậy đất của gia đinh và bạn bè, hàng xóm. Năm nào, gia đình cũng làm đám giỗ trong thời bão giá leo thang. Và còn nhiều chuyện rối bời khác... Tôi nghĩ, nếu trưa ấy tôi và Tuấn ngủ trong khách sạn, có máy lạnh chạy ro ro thì liệu có nghe được những câu chuyện "nhân sinh" đó không. Ngủ bụi dọc đường một chút mà hiểu được bao nhiêu chuyện thực ở đời, như vậy cũng hay !

Nghỉ trưa ở dọc đường, nghe bao chuyện đời đau khổ (ảnh: Đức Tuấn)

Nơi giáp ranh Sông Cầu và Quy Nhơn (ảnh: Đức Tuấn)

Chiều, chúng tôi vừa đi vừa ngắm biển Sông Cầu xanh một dải, núi một bên, ngâm nga câu thơ của Xuân Hoàng; "Thị trấn đẹp như một lời tiễn biệt / Điệp trùng núi biển đứng bên nhau". Những hàng dừa cuối cùng của thị xã Sông Cầu vẫy tay tiễn biệt chúng tôi. TP. Quy Nhơn hiện ra, nhìn từ trên cao xuống, thật trẻ trung, xinh đẹp. Tôi trở lại Quy Nhơn nhưng trở lại người tình cũ từng bốn năm chung sống. Đường phố thay đổi nhiều, tôi phải hỏi đường liên tục nên Tuấn chọc tôi: "Về quê mà lại hỏi đường". Tới trước trường Đại học Quy Nhơn, tôi dừng lại hồi lâu ngắm cảnh, mặt trước của trường khác hoàn toàn với thời tôi còn học ở đây (1990 - 1994). Trường ĐH Quy Nhơn bây giờ hoành tráng hơn, đẹp hơn nhưng vẫn không thay thế vẻ đẹp bình dị cũ đã nằm trong tim tôi suốt 17 năm nay.

Thăm lại trường xưa (ảnh Đức Tuấn)

Nghỉ ở khách sạn Thắng Lợi (ảnh Đức Tuấn)

Chiều mát, chúng tôi đi nhậu với các anh em báo chí văn nghệ sĩ Bình Định: anh Cát Hùng - phóng viên báo Nhân Dân tại Bình Định, người mà Đào Đức Tuấn muốn gặp trao đổi công việc trong chuyến đi này. Nhà thơ Lê Văn Ngăn - gương mặt nổi tiếng trong làng thơ Bình Định từ trước 1975 đến nay. Anh Nguyễn Thanh Mừng, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình Định, hiện là Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông. Ngoài ra, còn nhiều anh em văn nghệ khác nhưng cuối cùng chỉ còn lại sáu người và câu chuyện càng đi vào chiều sâu. Nhà thơ Lê Văn Ngăn đã lớn tuổi nhưng càng uống bia càng tỉnh và bắt đầu hát, đọc thơ rất truyền cảm. Có lẽ ông rất có "hứng" khi trao đổi với tôi về các vấn đề văn chương, học thuật. Nhưng rồi cuộc vui nào cũng tàn, lão tướng Lê Văn Ngăn lầm lũi đạp xe trên đường Hai Bà Trưng về nhà. Còn tôi và Tuấn thì được anh Cát Hùng bố trí vào ngủ trong nhà khách Tỉnh ủy - Khách sạn Thắng lợi, số 03 Trần Phú.

Đêm Quy Nhơn, lai rai với các văn nghệ sĩ. Nhà thơ Lê Văn Ngăn say sưa
kể chuyện, nhà báo Cát Hùng lim dìm mắt lắng nghe (ảnh Đức Tuấn)

Cà phê bên công viên Quang Trung với nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng
(ngoài cùng bên trái) và nhà báo Đào Đức Tuấn (ngồi giữa)
Sáng hôm sau, Nguyễn Thanh Mừng lại tới mời đi ăn sáng và uống càphê bên công viên Quang Trung. Kể ra, anh cũng là cán bộ có cỡ của Tỉnh nhưng tác phong rất bình dân. Chúng tôi nói chuyện khá hợp nên tới 9 giờ mới chia tay. Trên đường về, ghé lại Gành Ráng và mộ Hàn Mặc Tử, cảnh vật khác xa thời tôi học ở đây. Nhìn xuống thành phố trẻ trung lộng lẫy, tôi chợt nhớ đến một bài thơ của cựu sinh viên khoa Văn ĐH Quy Nhơn: "Tạm biệt Quy Nhơn, thành phố ba bề sóng vỗ / Mai tôi về trên đó với cao nguyên / Xa ngái thế, biết làm sao trở lại / Khung trời xanh hạnh phúc bình yên". Đến mộ Hàn Mặc Tử, không thể không ghé thăm bút lửa Dzũ Kha. Đào Đức Tuấn phỏng vấn Dzũ Kha về công việc bếp núc của nghề khắc chữ nghệ thuật. Hóa ra, Tuấn có mối duyên nợ với "đồng chí Hàn Mặc Tử" từ thời sinh viên ở ĐH Đà Lạt. Tuấn đã làm khóa luận tốt nghiệp với đề tài: "Thi pháp thơ Hàn Mặc Tử". Còn tôi, kỷ niệm về Hàn Mặc Tử cũng có nhiều: hồi sinh viên, mỗi chiều đi dạo lên mộ Hàn Mặc Tử, ngắm cảnh, làm thơ theo phong cách của Hàn. Sau này đi dạy, cũng rất hứng khi giảng bài Đây thôn Vỹ Dạ, cũng có viết bài bình tác phẩm này. Và còn chấm nhiều luận văn Đại học, Cao học về Hàn Mặc Tử...

Bên mộ Hàn Mặc Tử (Ảnh Đức Tuấn)

Đặt hàng Dzũ Kha viết dùm chữ: "Đức năng thắng số" (ảnh Đức Tuấn)

Chiều 25, tôi về tới Tuy Hòa, do ra nắng nhiều nên da rám đen, cởi áo ra thấy cánh tay một nửa châu Phi, một nửa châu Âu. Chẳng có dấu hiệu gì mệt mỏi dù tôi đã nắm tay lái gần 200 km. Có lẽ cái cốt nông dân ngày xưa vẫn còn đó, cộng với cái máu thích "xê dịch" của nghệ sĩ. Lấy chất liệu và cảm hứng từ chuyến đi, xin viết bài này để hầu bạn đọc.
PHẠM NGỌC HIỀN

Tạm biệt Quy Nhơn, thành phố ba bề sóng vỗ (ảnh Đức Tuấn)

(theo phamngochien.com)

Không có nhận xét nào: