Tứ thập...

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011

Nơi phải trở lại



Với tôi, đó là Đà Lạt. Cái thời sống và yêu đương sôi nổi nhất của tôi đã gởi lại nơi này. Đó là thời sinh viên, tôi học văn khoa và mê thơ đến cuồng nộ. Nhóm chúng tôi, cha mẹ đều nghèo giữa thời bao cấp, phiếu tiền nhà gửi cứ như khói sương của cái tuổi mọi chuyện đều…bạt mạng.

Đà Lạt, những rặng thông, vạt hoa, áo vàng con gái thấp thoáng - vun vút - rưng rức cửa nhà, cửa lòng tuổi trẻ. Đà Lạt, sương ơi là sương, nhiệt thành ơi là nhiệt thành, buồn ơi là buồn của cái thời vô định, vô minh trước cuộc đời bộn bề nhựa sống mà chẳng biết trút vào đâu cho thoả. Thiếu tiền cơm, tiền đóng học phí, tiền cùng bạn gái đi uống cà phê,… chúng tôi lao đi tìm việc và làm hùng hục như điên; bình quân chỉ năm nghìn đồng mỗi ngày công. Chuyện làm chủ yếu là nỉa đất, thu hoạch rau củ cho những nhà vườn la ghim; công việc làm thêm của sinh viên Đà Lạt lúc ấy chỉ vậy. Lũ chúng tôi, phần lớn con dân gốc rạ miền Trung, lao động chân tay chỉ là chuyện vặt. Thế nhưng chẳng có đứa nào quen được với cảm giác luôn bị dày vò vì cái bụng kiến bò cùng cái giá rét bộn bực của thời khí Đà Lạt khi đó. Nỉa đất, cuốc vườn, bên ngoài lành lạnh, bên trong áo khoác là mồ hôi, cơ hàn và trái tim luôn luôn cao sang quyền quý.
Giáo sư Hồ Tấn Trai, tóc như mơ màng chi đó, đi dạo cùng con chó nhỏ. Ngang qua chỗ đám sinh viên đang làm đất, thầy cất giọng hiền từ: “Cà rốt kỳ này trúng mùa không, các bác?”. Cả lũ chúng tôi thấy thầy đằng xa đã vội xoay lưng áo tơi, kéo nón che mặt, quay đi nhưng lại không thể chối từ câu hỏi của người thầy tôn kính. Thế là cả bọn cùng cất tiếng: “Chào thầy ạ…” Bỗng dưng giọng thầy thút thít nước mắt: “Trời ơi, học trò của tôi, các em khổ như thế này sao…? Thôi, về nhà thầy ăn cơm, hỉ?…” Chúng tôi vui vẻ phân bua với thầy khá nhiều, rồi thầy cũng gật gật đầu: “À, do chúng em thích thế này nên sẽ chẳng thấy vất vả. Thế này thì còn quá vui là đằng khác, các em nhỉ? Ừ, tuổi trẻ mà, có gì đâu mà phàn nàn. Hôm nào dắt người yêu đến nhà thầy, đọc thơ cho thầy nghe, nhá?!…” Rồi như chưa hề thấy gì, thầy lò dò cây ba toong, lẩm nhẩm câu thơ Lamartine theo sương chiều Đà Lạt đã phủ trắng núi đồi.
Sao cái ngày đó, chúng mình đói ăn và đói yêu khủng khiếp thế? Bao nhiêu cũng không vừa, bấy nhiêu cũng chẳng no đủ. Có lúc đang khoác tay người yêu đi dạo trên mây, vậy mà thấy một em bé cầm miếng bánh, tôi tươm nước bọt ngây người đứng nhìn, người yêu nói gì cũng chẳng hề hiểu; nhưng rồi nhìn sang, cô ấy… cũng thế! Đôi lúc có tiền, chúng tôi vào quán cơm tháng, ăn hết suất, lại xin thêm cơm hẩm và nước mắm loãng để ních hơn tằm ăn rỗi; thế mà bước chân ra khỏi quán, vuốt vuốt bụng, chợt thấy như… chưa từng được hạt cơm nào! Nhiều hôm hết tiền, đi làm về, chúng mình xin mấy túm khoai tây, khoai lang, cà rốt, su su, củ cải,… đem về ký túc xá, mua mấy đồng gạo mắm, dầu mỡ, bột ngọt, rồi gái trai xúm xít nấu nướng, xì xụp ăn như chưa bao giờ ngon đến rứa!? Căng bụng phởn chí thì hát ca, đọc sách, làm thơ bất kể sớm khuya. Thế nhưng quá mười hai giờ đêm là dạ cồn cào, đành mặc chồng mấy lớp áo để lao đi trong gió sương khuya lọ mọ đào củ, hái rau… trộm của mấy nhà vườn. Rồi lại về bẻ cành thông lụi hụi nấu nướng. Có nhiều nồi khoai tây ứ hự vừa luộc xong, chúng tôi ăn nhanh đến nỗi khi không còn củ nào mà đáy nồi vẫn còn…bốc khói. Cũng chuyện “khảo cổ” này mà có đứa đã bị nhà vườn bắt gặp, điệu lên cuốc cỏ tại sân công an phường 7, người yêu phải hằng ngày mang cơm… tiếp tế. Chợt nhớ, bây giờ đã làm công chức, nhiều đứa đã có ô tô riêng, chuyện cá thịt coi như chẳng đặt thành vấn đề, vậy mà thói quen ăn uống hấp tấp vẫn không cách gì bỏ được…
Tôi có quen anh bạn lang bạt từ Huế vào. Anh vừa tốt nghiệp đại học văn khoa đất cố đô. Bí việc làm, anh mở quán cơm bán cho sinh viên cạnh ký túc xá. Địa điểm quán cơm phải thuê từng tháng, ông chủ thì đi mua nợ từng cân gạo, bọc khoai, lít mắm, tép hành,… còn thực khách chúng tôi thì chuyên cần đến ăn…ký sổ. Anh đã phải còng lưng cầm cự bằng cả tấm lòng hào hiệp của người trong cuộc, đâu chừng hơn ba tháng thì anh cùng nhóm khách hàng mở một “hội nghị” bên chén rượu trắng để tuyên bố…phá sản. Con nợ khóc, chủ nợ khóc, nước mắt hay rượu tuôn cũng cứ nuốt thẳng vào lòng; nức nở, tu tu, hức hức to nhất là mấy cô sinh viên năm nhất, năm nhì. Giờ anh đã thành danh rồi, chúng tôi cũng bình an vô sự, con cháu đuề huề, biết trả nghĩa cho nhau như thế nào đây?
Với tôi, Đà Lạt chỉ có vậy! Cái thế đất chập chùng giai nhân và lãng tử đã thành máu mủ, cốt tuỷ trong tôi từ lâu rồi. Ừ, thì dù đang yên ấm vẹn toàn nơi chôn rau cắt rốn, giá chót mỗi năm cũng phải làm một chuyến hành hương về nơi đó. Và tôi gọi ấy là hạnh ngộ, là may mắn lớn nhất trong đời khi biết mình có Đà Lạt, Đà Lạt biết có mình,…


ĐÀO ĐỨC TUẤN


LTG: Vừa từ Đà Lạt về Tuy Hòa, lang thang thấy bài viết cũ trên mạng. Mình nhớ chính xác bài này tên "Ấy chỗ trở lại" đã đăng trên Thanh Niên CN lâu rồi...

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 20:16 0 nhận xét  

Anh về đi

Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011

KÝ GIẢ TỰ DO VÀ TỰ LO RỜI XA “LÀNG BÁO”

Đang khỏe mạnh, bỗng phải nhập viện, vì trong người khó thở. Và vài chục tiếng đồng hồ sau đó, tôi cùng mọi người đưa “xác” Nhất Hùng về nhà anh trên lầu ba của của một chung cư nằm đầu đèo Prenn. Chung cư to đùng nhưng người ta quên thiết kế lấy một hội trường chung nên gia đình phải đập tường căn hộ của mình ra mới đủ không gian hành lễ cho anh. Cô em vợ Nhất Hùng nước mắt lưng tròng thốt ra:“… Tội nghiệp ảnh quá. “ Đi” gì nhẹ tênh, không phiền người thân lấy một chút !”.

Rời cuộc đời nhẹ tênh, nhưng lúc sống, Nhất Hùng luôn mang nỗi buồn sứ phận người làm báo là khát khao được “nói thật” và cần không gian để “được nói thật” nhiều. Anh bỏ biên chế và nhịp sống ổn định ở Đài phát thanh địa phương và chấp nhận nổi trôi theo nhịp đời của một kẻ làm báo tự do là vì thế. Nhất Hùng cô đơn trong nghiệp nghề của mình, và cô đơn trong đời sống.

Làn sóng viết cho báo ngoài_báo chí Sài Gòn(và Hà Nội) ở cánh làm báo địa phương Nhất Hùng là người đột phá, xé rào, tiên phong; để đến bây giờ điều bình thường ấy trở thành bình thường, phổ biến, được xem là… tích cực. Thì thôi, chấp nhận cuộc chơi nghiệt ngã trên đời, rằng: “ muốn tự do thì… tự lo!”. Lâm Đồng không thuộc đất hiền của báo chí, thế nhưng Nhất Hùng từng có những cuộc lao đầu, chấp nhận đụng độ để bảo vệ lẽ phải, với những tin bài nảy lửa chống sai trái, tiêu cực, yếu kém… hồi trước và trong những năm 1990. Giấc mơ làm báo chuyên nghiệp đã đưa hành trình viết báo của anh ghé dạt đây đó vào các tòa soạn Đài tiếng nói VN, Lao Động, Thanh Niên Thời Đại, Lao Động Xã Hội Chủ Nhật, The Saigon Times Daily, Công An Nhân Dân, Kinh Tế Sài Gòn … Thời cuộc đẩy đưa, có những tờ báo do sự biến mà“chết”, làm Ký giả nhiệt thành với nghề Nhất Hùng “chết theo”, mệt mỏi, chán chường. Tôi đã mời anh “định cư” với Tuổi Trẻ, cứ phóng bút trên cánh đồng Tuổi Trẻ, đừng “du canh du cư” nữa; và trong thâm tâm tôi không muốn cái tên Nhất Hùng từng sừng sững lại dễ dàng biến mất khỏi làng báo vì sự chán chường thế cuộc cũng như nỗi niềm đời riêng.

Anh hay nói với anh em làm báo ở Đà Lạt là anh đã tuôn chảy, yêu nghề nồng nàn, “xanh” lại trên cánh đồng Tuổi Trẻ. Là người lướt đi trong nhiều báo, mãi là đời cộng tác viên, nhưng Nhất Hùng rất “chuyên nghiệp” về lòng tự trọng, hiếm có tòa soạn nào phải than phiền anh viết sai. Anh được người dân và những người làm báo thật sự trân quí; luôn là đàn anh tiếp lửa, truyền nghề cho những phóng viên mới vào nghề ở Đà Lạt, chịu khó giao du cà kê với họ. Nhất Hùng là người đưa tin(viết) lành nghề ở làng báo Lâm Đồng.

Dân làm báo hệ thống báo tỉnh thường có tật tranh thủ “ đi lấy quảng cáo” vào mỗi kỳ làm báo Tết. Nhưng Nhất Hùng không tận dụng lối làm báo như vậy, dù có những tòa soạn nhờ, suốt hơn 30 năm cầm bút, và giữ được điều ấy cho đến ngày anh rời xa làng báo và cuộc đời vĩnh viễn. Nhà báo này sống không cong, hành nghề cũng không cong, cũng không núp bóng phóng viên để tư lợi bao giờ. Không thuộc hẳn Tòa soạn nào nhưng anh có kỷ luật riêng về đạo đức và tư cách nghề. Đây là một người sống thật sự bằng ngòi bút, duy nhất ngòi bút là phương kế. Dĩ nhiên Nhất Hùng phải “cày” ra tin bài mà sống, vì chiếc xe bánh mì của vợ anh trước trường học kia không thể gánh thảnh thơi một gia đình. Không thuộc biên chế tờ báo nào, không có thẻ Nhà báo, không ai phải trả hưu trí cho anh…, nhưng Nhất Hùng thành tâm bền bỉ đến cùng với nghề báo, đóng góp được thông tin hàng ngày cho đời sống cộng đồng suốt bao năm qua. Nhất Hùng làm báo kiểu “ tay không bắt giặc” là vậy. Gác qua tấm “ Thẻ Nhà báo”, nếu nói về tính chuyên nghiệp trong nghề viết báo và thực hiện được sứ phận của Nhà báo, thì trường hợp Nhất Hùng thật đúng là … Nhà báo.

Phố núi Đà Lạt đất trời bao la, Nhất Hùng 58 tuổi, hơn ba mươi năm ở Đà Lạt, là “Nhà báo” có danh tiếng, đến lúc giã từ cuộc đời tài sản không có gì đáng kể, ấy há chẳng phải kẻ sĩ cầm bút, người sống “sạch” sao ! Hai ngày rồi hay tin anh ra đi, đồng nghiệp “có Thẻ” ở khắp nơi trong nước, và nhiều Tòa soạn tới tấp hỏi han, thăm viếng… cho thấy người đời quí thương anh nhiều lắm.###

Nguyễn Hàng Tình

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 17:55 0 nhận xét  

V ăn...

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

Hút hồn phong vị ẩm thực Bắc – Trung - Nam

Cập nhật lúc 15:02, Thứ Năm, 07/07/2011 (GMT+7)

(LĐ online) - Đêm 6/7, Lễ hội Ẩm thực ba miền Bắc-Trung-Nam đã khai mạc tại TP Tuy Hòa (Phú Yên), với hơn 40 gian hàng của 25 đơn vị đến từ 15 tỉnh, thành trong cả nước.


Các đơn vị lữ hành, doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn chuyên nghiệp đã đem đến lễ hội những món ăn độc đáo, tiêu biểu phong vị ẩm thực dân tộc từng vùng, miền.

Mỗi món ăn, từng nghệ nhân ẩm thực thực sự là một sứ giả của sắc tộc mình, địa phương mình, thơm thảo giới thiệu đến du khách sự tinh hoa không trùng lắp trong nghệ thuật ăn, triết lý sống.

Ông Nguyễn Thành Vĩnh (47 tuổi, Việt kiều Pháp, quê Quảng Trị) nói: “Tôi xa đất nước hơn 20 năm và cụ thể niềm đau đáu quê hương là các món ăn thuở bé, cái nết ẩm thực của bà con mình. Tôi sắp về đầu tư làm ăn và sẽ ở phần lớn thời gian tại Việt Nam, cũng chính vì để thỏa nguyện các món ăn dân dã mà cao xa của dân mình…”.

Từ nay đến hết ngày 9/7, mỗi gian hàng đều tổ chức chế biến tại chỗ và bán các sản phẩm ẩm thực phục vụ du khách.

Đây là một hoạt động đặc sắc, thu hút mạnh du khách trong chuỗi sự kiện Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung bộ -Phú Yên 2011.
Cô gái Phú Yên với món Bánh bông lan
Cô gái Phú Yên với món Bánh bông lan
Xôi đồ lá cẩm của người Thái trắng (Lai Châu)
Xôi đồ lá cẩm của người Thái trắng (Lai Châu)
Mận Tây Bắc
Mận Tây Bắc
Sò huyết Ô Loan (Phú Yên)
Sò huyết Ô Loan (Phú Yên)
Rượu ngô H’Mông Tây Bắc
Rượu ngô H’Mông Tây Bắc
Một góc lễ hội ẩm thực
Một góc lễ hội ẩm thực
Phóng sự ảnh: ĐÀO ĐỨC TUẤN
(Báo Lâm Đồng)

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 01:18 0 nhận xét  

dịch lu

Thứ Tư, 6 tháng 7, 2011

8 địa danh du lịch nổi tiếng của Phú Yên

Không chỉ mang nét duyên của thành phố ôm trọn hai ngọn núi, Phú Yên còn mê đắm lòng người ở những đầm nước trong vắt, những bãi biển bao la, gành đá đĩa kỳ thú.

Núi Nhạn

Nằm trên bờ bắc sông Đà Rằng, tọa lạc trong trong khu vực nội thị thành phố Tuy Hòa, núi Nhạn, (hay còn gọi là núi Bảo Tháp, Núi Dinh) tựa như một lá phổi xanh khổng lồ có hình một chú chim nhạn đang tung cánh. Ngoài vẻ hùng vĩ của những tán cây rừng, núi Nhạn còn “hút” ánh mắt của du khách với tòa tháp Chăm cao sừng sững trên đỉnh núi. Màu xanh của cây, màu gạch chàm khiến ngọn núi trở nên linh thiêng và bí hiểm. Sau khi chinh phục chiều cao của ngọn núi, ngắm những họa tiết trang trí trên tháp, khám phá hang Hàm Rồng, du khách sẽ phát hiện một thành phố Tuy Hòa khác với những những ruộng lúa chen giữa những toà nhà, cùng bức tranh nước thanh bình của sông Đà mang lại nét thanh bình và dân dã nhìn từ núi Nhạn.

Núi Nhạn thuộc địa phận phường I, thành phố Tuy Hòa.

8 địa danh du lịch nổi tiếng của Phú Yên

Vực phun

Vực phun tọa lạc tại xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa. Tên gọi của địa danh gắn với việc nhìn từ xa, có cảm giác dòng nước đang phóng ngược từ vực nước xanh ngắt, đập mạnh vào vách đá, tung bọt trắng xóa, chứ không phải là hình ảnh thác nước lao xuống từ độ cao 15m rồi hoà vào vực. Ngoài cảm giác thư giãn khi hòa mình vào dòng nước mát lạnh của dòng suối dưới chân thác, cái thú vị là người ta được khám phá những bí ẩn của vùng núi Đá Đen hay men theo đường mòn khám phá thượng nguồn sông Bánh Lái.

8 địa danh du lịch nổi tiếng của Phú Yên

Đầm Ô Loan

Đầm Ô Loan gắn với truyền thuyết về một nàng tiên tên Loan, cưỡi chim ô thước dạo chơi vùng trời Nam. Khi đến vùng đất này, nàng nảy sinh tình yêu với chàng trai nghèo siêng năng, chăm chỉ, nên nàng ở lại trần gian bầu bạn cùng chàng.

Vào lúc bình mình, khi mặt trời vừa nhô lên từ những triền núi thấp, đầm Ô Loan trông như một chú chim khổng lồ đang trong tư thế sẵn sàng tung cánh bay vút lên bầu trời. Cũng góc nhìn ấy, nhưng trong ánh sáng nhập nhoạng của hoàng hôn, đầm tựa như một con chim đang xoải cánh tìm chốn bình yên bên mặt hồ gợn sóng.

Ngoài chiêm ngưỡng vẻ đẹp say lòng người của đầm, đến đây du khách còn được thưởng thức thủy sản phong phú, đặc biệt là món sò huyết Ô Loan nổi tiếng.

Đầm Ô Loan thuộc huyện Tuy An, Phú Yên.

8 địa danh du lịch nổi tiếng của Phú Yên

Gành đá Đĩa

Nhìn từ xa, gành trông như những chồng đĩa trong lò gốm hay trò chơi logo nhô ra ngoài biển. Du khách có thể dạo chơi trên những tầng đá, cảm nhận vị mặn của biển, cái rát nhẹ của gió, cảm giác ồn ào của những đợt sóng đập mạnh vào bờ, hay ngắm những đoàn thuyền trên biển. Sau khi thỏa thích dạo chơi trên gành, bãi tắm trải dài gần 3km hứa hẹn mang đến cho du khách những giây phút thư giãn. Nếu thích, du khách cũng có thể thử tài cần thủ với những loại cá biển sống trong các gành đá hay đi cạy ốc vú nàng.

8 địa danh du lịch nổi tiếng của Phú Yên

Đảo hòn Chùa

Hòn Chùa nằm ngoài khơi vùng biển Long Thuỷ, thuộc xã An Phú, TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, cách bờ khoảng 7km. Nhìn từ đất liền, đào như một tấm thảm xanh phủ trên mặt trên biển. Song đến gần lại thấy đảo được tạo nên bởi những tầng đá chồng lên nhau. Do đặc điểm đó, trên đảo không có cây lớn mà chỉ có những bụi cây thấp và những trảng cỏ trải dài. Đến đảo, ngoài thưởng thức món mực nang nổi tiếng của nơi này, du khách còn có thể ngắm những những bụi san hô nhiều màu sắc nằm trong khu vực biển đảo.

8 địa danh du lịch nổi tiếng của Phú Yên

Biển và hải đăng Đại Lãnh

Đại lãnh làm say lòng người với bãi Môn trong veo, những triền cát trải dài nhấp nhô như những loạt sóng trên cạn. Không chỉ được tắm biển, đến đây, du khách còn được tắm mát trong dòng nước lúc ngọt, lúc lợ của con suối hiền hòa chảy quanh năm. Nhưng thú vị nhất là men theo đường mòn, lên ngọn hải đăng, ngắm vùng biển bao la xanh ngát, những đoàn tàu chậm chậm trôi, những núi đá hình dáng kỳ lạ hay trở thành một trong những người đón ngày mới sớm nhất tại "ngọn hải đăng cực đông" của Tổ quốc.

8 địa danh du lịch nổi tiếng của Phú Yên

Vũng Rô

Là một vịnh nhỏ được thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Vịnh được bao bọc trong ba dãy núi cao là Đèo Cả, Đá Bia và Hòn Bà. Vũng Rô có 12 bãi nhỏ là Bãi Lách, Bãi Mù U, Bãi Ngà, Bãi Chùa, Bãi Chân Trâu, Bãi Hồ, Bãi Hàng, Bãi Nhỏ, Bãi Chính, Bãi Bàng, Bãi Lau, Bãi Nhãn. Mỗi bãi có một đặc điểm riêng nhưng đều hữu tình với những cung biển xanh ngát, những triền cát trải dài phù hợp cho khách tham quan, tắm biển hay thưởng thức hải sản. Du khách cũng có thể thuê thuyền của ngư dân ra biển khám phá cái bao la của đại dương hay chinh phục đỉnh Đá Bia lúc nào cũng chìm trong sương trắng gần đó.

8 địa danh du lịch nổi tiếng của Phú Yên

Vịnh Xuân Đài

Từ trên đỉnh dốc Găng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh sơn thủy hữu tình với rừng dừa bạt ngàn, núi non hùng vĩ bao bọc lấy một vùng nước non trong xanh của vịnh Xuân Đài thuộc địa phận các xã Xuân Thọ, Xuân Thịnh và thị trấn Sông Cầu của tỉnh Phú Yên. Trong vịnh có nhiều vũng biển và bãi tắm đẹp như Vũng La, Vũng Sứ, Vũng Chào cùng nhiều đảo, bán đảo. Các bãi tắm của nơi đây đều sở hữu làn nước trong vắt và không sâu, du khách có thể bơi ra xa mà không sợ nguy hiểm.

8 địa danh du lịch nổi tiếng của Phú Yên

(theo Bưu điện Việt Nam)

Người đăng: Đào Đức Tuấn's Blog vào lúc 00:34 0 nhận xét